talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 18.06.2006
Nguyễn ViệnÐI.COM
 

Năm 2049, tình trạng nhiễm sóng của cơ thể con người đã trở nên trầm trọng. Nó làm cho hệ ý thức trở nên nhoè nhoẹt. Trên những khoảng chồng lấn của các nếp gấp tư duy bị ÐI.COM xâm nhập, ý thức không thể phát hiện, ở đó ÐI.COM phát ra mệnh lệnh và tạo ra tính tương thích mặc định. Con người hành động theo ÐI.COM mà không hề biết. Người ta không nhớ những gì mình đã làm, bởi các dữ liệu hành động đã bị ÐI.COM xoá bỏ. Nó để lại một khoảng trống ký ức nôn nao vừa buồn bã vừa thèm khát hành động tiếp tục.

Con của Diệu An vào chùa làm ni cô. Nó bảo cuộc sống là oan trái. Nó không biết nó thuộc về ai. Tôi cũng không biết nó thuộc về ai giữa tôi, Diệu An và người nó gọi là bố. Thỉnh thoảng nó vẫn đến thăm tôi, dù rằng nó bảo không thích có một người bố hay một người tình giống như tôi. Tôi đùa bảo nó nhưng nếu con có một đứa con giống như bác thì con sẽ vui. Nó nói đẻ ra một đứa con là tạo ra một nghiệp lớn cũng ngang bằng như một hành động sát sinh. Ni cô Diệu Hoà có khuôn mặt như một “vầng trăng sương”. Tôi không quen tả cụ thể chi tiết một nhân vật, nhưng khuôn mặt của Diệu Hoà giống như một nỗi ám ảnh vẫn làm tôi tự hỏi: “Cái vẻ đẹp bên trong của con người thật sự là gì?”, khi sự trong sáng bị phủ mờ bởi những trải nghiệm buồn. Tôi cảm thấy ở Diệu Hoà một nỗi bất trắc thường trực. Nó làm tôi xao xuyến và mơ hồ sợ hãi. Trước khi Diệu Hoà vào chùa, mỗi năm tôi gặp cô bé ba bốn lần. Sau khi Diệu Hoà vào chùa cũng ba bốn lần tôi gặp mỗi năm. Mỗi lần gặp Diệu Hoà là mỗi lần tôi cảm thấy mình phải sống khác. Thánh thiện hơn. Nó trở thành một nỗi khắc khoải kéo dài trong nhiều năm. Tôi có phải là người có lỗi trong sự có mặt của Diệu Hoà trên cõi đời này? Chắc chắn không. Tôi không cảm thấy Diệu Hoà là của tôi hay từ tôi, nhưng tôi cảm thấy cô bé ấy vì tôi. Dĩ nhiên tôi biết Diệu An trước khi biết Diệu Hoà và sự liên kết cả ba chúng tôi với nhau không mang tính chất gia đình, mặc dù khi Diệu Hoà còn bé, tôi vẫn bồng bế cô ấy. Ðiều tôi cảm thấy rõ nhất, Diệu Hoà là một Diệu An hoàn chỉnh hơn được mang đến với tôi bởi một ý muốn bí ẩn. Nhưng cả tôi và Diệu Hoà đều cố gắng chống lại điều đó, không phải vì ý thức đạo đức, mà không muốn làm hỏng cái đẹp đẽ và lớn lao trong một mối quan hệ tưởng như bình thường. Trước mặt Diệu Hoà, chân tâm tôi được soi sáng và tôi cảm thấy có một niềm hạnh phúc bên ngoài cuộc sống này. Nhưng đồng thời tôi cũng nhận biết được có một khoảng tối sâu kín trong lòng Diệu Hoà, nó mang mầm mống của sự huỷ diệt. Vào năm hai mươi ba tuổi, Diệu Hoà phóng mình xuống giếng sâu trong chùa, xoá bỏ hẳn dấu vết của khoảng tối mờ mịt ấy trong lòng. Không ai hiểu được cái chết của Diệu Hoà. Cũng không ai hiểu được tại sao Diệu An ngồi gõ mõ suốt ngày đêm. Tiếng mõ siêu độ thời gian, nhưng không siêu độ con người.

Chiều cuối năm 2005, tôi ngồi với N trong công viên Văn Thánh. Chẳng mấy khi trời Sài Gòn lại đẹp thế. Nắng nhẹ và gió mang hơi nước từ lòng hồ mát rượi. N nói cần phải cho nhân vật N của anh bạo liệt hơn. Em muốn có những biến cố làm thay đổi số phận con người.

Tôi bảo tất cả những nhân vật khác đều sẽ chết cùng với sự khốc liệt trong số phận của họ. Riêng N, anh muốn cô ấy là một người thấu hiểu và cùng anh đi hết đoạn đường còn lại của cuộc đời anh.

N nói anh chưa bao giờ hỏi em nghĩ gì, cũng như chưa bao giờ anh hỏi em sống thế nào. Ðã có những người đàn ông tán tỉnh em và họ mặc nhiên như em thuộc về họ. Họ thích nói mà không cần biết cái lố bịch của sự phô trương. Em không định nói anh cũng như họ, nhưng thật sự thì anh cũng đâu biết em như thế nào.

Tôi bảo: Quả thật, anh không biết gì về em ngoài một em trước mặt anh. Và anh không muốn biết gì hơn thế. Anh không muốn phải nghĩ ngợi khi đang có một người đàn ông khác sở hữu em.

Không ai có thể sở hữu em, ngoài em. Và anh đã không hỏi em về điều đó. Anh không hỏi chính em.

Chưa bao giờ tôi lại có một cảm giác đơn độc đến thế. Tất cả mọi phụ nữ thân yêu của tôi đã ở ngoài tôi. Tôi nói với N: Có thể anh đã sai lầm khi không quan tâm đến bối cảnh xuất hiện của nhân vật. Nhưng đừng hiểu là anh vô tâm. Anh chỉ muốn sống với nhân vật của mình không định kiến với quá khứ, chấp nhận một nguyên trạng như nó là thế và tạo ra tương lai.

N bảo ngày mai em về quê. Anh ấy cùng đi với em. Em cũng muốn xác định lại mối quan hệ nửa vời này. Ðể yêu anh, em cần phải huỷ hôn ước với anh ấy. Em không muốn sống như một kẻ phản bội.

Chia tay buổi chiều ấy, chúng tôi không hôn nhau. Nhưng tôi biết không bao giờ tôi mất N. Những gì tôi biết được về người đàn ông là chồng chưa cưới của N vỏn vẹn thế này: “Ðồng hương Phú Yên. Mẹ em bảo đấy là con của một người mà xưa kia mẹ em đã yêu. Nhưng người đàn ông ấy đi tập kết, bỏ lại tình yêu của mình cho năm tháng phai nhạt. Ông ta lấy một bà vợ miền Bắc. Hai mươi năm sau ngày hoà bình lập lại, ông ta và mẹ tình cờ gặp lại nhau. Ông ta có một người con trai từng học ở Nga. Mẹ có một cô con gái. Ông ta đề nghị mẹ làm thông gia để gìn giữ một chút tình xưa. Mẹ bảo tuỳ bọn trẻ. Anh ấy đến gặp em. Em thấy cũng được nên đồng ý hứa hôn. Một vụ qui hoạch treo làm màu sắc cho thời gian trống trải.“ Có một lần tôi gọi điện thoại cho N, anh ta bốc máy nói cộc lốc: “Ðừng lộn xộn”, rồi cúp. Dường như anh ta biết tôi đang chen vào cuộc sống của họ.

Tôi ra Nha Trang nằm để thấy gần N hơn.

Từ sáng đến chiều tôi đi dọc bờ biển từ Chụt tới Bãi Tiên. Tết. Người vắng. Biển hoang vu sóng. Tôi vạ vật buổi trưa trong quán, buổi chiều trong gió, buổi tối trong củi lửa của Sailing Club. Tôi muốn nhảy với một ai đó quanh đống lửa, nhưng cả đến bọn Tây cũng không hào hứng. Những ý nghĩ trong đầu tôi cà giựt cà tưng. Tôi cảm thấy cần phải xông thẳng ra Tuy Hoà giành lại N. Nhưng một cơn buồn ngủ lạ lùng trì kéo tôi lười biếng trên ghế. Một ai đó đang gõ nhịp trên mặt bàn. Tôi chìm dần xuống u tối. Không còn ngọn lửa. Không còn tiếng sóng. Không còn nhạc. Bỗng dưng tôi cảm thấy như có ai đó cầm tay tôi kéo đứng lên. Tôi mở mắt. N đang đứng trước mặt tôi. Tôi nhớ đến câu nói của mẹ tôi khi tôi bệnh: “Mẹ không để mất con.“ Dường như tôi bật khóc.

Bố tôi bảo mày là thằng ở dưới lỗ chui lên. Quả thật thú vị, nếu như tôi có thể chui ra từ một cái lỗ nào đó được chọn lựa và tự do. Tôi vẫn có cảm giác mình không nguồn cội, không dòng giống, không quê hương. Ở dưới chân núi Sam năm 2020, người đàn ông mà tôi vẫn nghĩ là Tiến nhập thân dùng ngón tay viết trên đá câu chân ngôn này: “Phật không phải là người Népal hay Ấn Ðộ, Giêsu Christ không phải là người Do Thái hay Palestine, Ta không phải là người Việt hay Trung Quốc, Ta chỉ là một con chó gặm miếng xương Người quẳng xuống và xưng tụng dòng dõi của loài khuyển trung thành.“ Gần như ngay tức khắc, dòng chữ ấy đã bị các lực lượng an ninh, dân phòng xúm vào đục bỏ. Ông Ðạo Tiếng bị tống vào nhà thương điên.

Diệu Hoà ở trong chùa tụng kinh vô sở trú. Tâm hồn nàng ngổn ngang giữa cõi Phật và phi Phật.

Tết năm 2006 ở Sailing Club Nha Trang, tối hôm N bất ngờ xuất hiện, tôi đã đưa nàng về khách sạn ngủ chung. Mặc dù thế, cả tôi và N đều sống trong một cảm giác không thuộc về nhau, không thuộc về bất cứ điều gì. Trong lúc đó tôi cũng nhận được tin nhắn của Muội: “Em biến mất.“ Hơn ba mươi năm sau, cả Diệu An và Diệu Hoà cùng gõ mõ cầu siêu cho những nỗi niềm bí mật. Mắc cạn giữa những người đàn bà, tôi như con cá nằm trong lưới. Năm mười sáu tuổi, khi gặp tôi ở Huế, Diệu Hoà bảo: “Bác dụ dỗ cháu đi.“ Tôi nói dụ dỗ gái vị thành niên đi tù chung thân đấy. Hoà nghiêm trang triết lý một câu rất sến: “Tình yêu không phải đã vốn là một nhà tù sao?“. Tôi cười “vì thế bác đâu muốn ở tù”. Hoà hạ một nhát chém ngang cổ tôi: “Nếu bác không chịu đi tù thì cháu đi tu.“

Nhịp đời đi là những tiếng mõ xa vắng. Tù hay tu cũng là vô sở trú, năm mười sáu tuổi Hoà chưa biết điều ấy. Trong tháp bà Ponagar ở Nha Trang, tôi đã nhìn thấy một cô gái thành kính lấy tay chà lên đầu Linga rồi xoa lên hai má mình. Lời cầu nguyện của cô sâu thẳm đến nỗi tôi nghĩ không thể bỏ qua một giây phút nào có thể mà không để cho con cu cực lạc. Nhưng tôi vẫn dừng ngay trước cửa tâm hồn Hoà, bởi vì tôi biết, tôi chỉ có thể là người phá huỷ. Dù thế, tôi vẫn không thoát khỏi cái định mệnh phá huỷ. Năm mười tám tuổi, Hoà cởi áo cho tôi xem hai bầu vú rực rỡ. Khi ấy Muội đã chết. Muội Muội cũng đã chết. Cả N và Diệu An cùng đã tắt kinh. Tôi cúi lạy cuộc đời ban tặng, lòng hân hoan khôn tả nhưng vẫn phải nhắm mắt khước từ. Tôi nói: “Cháu đẹp lắm. Bác không thể làm hư hỏng đời cháu...”. Hoà bảo: “Hư hỏng càng đẹp. Cháu thích loạn luân.“ Ðiều gì ngăn cản tôi yêu Hoà? Tôi hèn hay tôi sợ, tôi cũng không biết nữa. Ðó là một cái đẹp nguy hiểm và không giới hạn, tôi bỏ chạy và trốn trách nhiệm về thứ tình yêu cuồng dại ấy. Sau khi Hoà đi tu, tôi luôn bứt rứt không biết mình xử sự như thế có đúng không. Và khi Hoà chết, tôi biết chắc chắn rằng mình đã sai lầm.

Năm 2055. Tôi cảm thấy mình đang sống những ngày cuối cùng. Không phải vì ÐI.COM. Mà là sự tàn tạ đã đang làm ung thối thân xác tôi. Hai bàn chân tôi tươm máu và hầu như không còn cảm giác. Ðôi khi kiến bu đầy, tôi cũng không biết. Nhưng giờ đây, trong khi chờ đợi ÐI.COM tới, tôi vẫn không khỏi hồi hộp và xao xuyến. Tôi đã dùng cả cuộc đời tôi để chống lại sự mù quáng, thế mà rốt cuộc, tôi cũng đang nôn nao đón nó trong một trạng thái chuẩn thuận. Tôi sẽ tự biến mất một cách điên dại trong sự hỗn độn của đám đông. Tôi tưởng tượng tôi cũng hò hét sùi bọt mép đòi một ai đó phải chết. Ðòi một trật tự khác cho một sức mạnh cuồng tín của màu da. Ðòi sự ngu ác thống trị. Tôi ghê tởm con người và cái định mệnh tự kỷ ám thị về sứ mệnh của mình.

„Anh đừng để ánh mắt mờ tối.” N nhắc và tôi thấy nàng lo âu.

„Ðầu óc anh tù mù quá.” Tôi nói.

„Hãy giữ cho lòng trong sáng.” N nói như níu kéo. Hít thở thật sâu và chậm.

Giờ thì hãy lên đường, lão già. Tôi nghe thấy tiếng gọi từ sâu thẳm và cố chống lại nó. Một nỗi cay đắng làm nghẹn họng tôi.

„Anh sao vậy?” N hốt hoảng hỏi.

Tôi nuốt nước bọt, trả lời:

„Không sao.”

Ðôi chân bủn rủn, tôi không thể đứng lên. Khi ấy, từ xa tiếng gào rú vang tới va đập làm rung cánh cửa kính. Lồng ngực tôi bị ép. Tôi muốn cầu cứu Chúa của tôi. Nhưng ngài giấu mặt. Ðám đông đến gần, tôi nghe rõ tiếng loa phóng thanh của những người biểu tình: “Chúng tôi cần thịt người”.