talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 24.06.2007
Pramoedya Ananta ToerĐất của loài người

Pramoedya Ananta Toer
Pramoedya Ananta Toer
Ảnh: Mary Fennessy © www.villagevoice.com

Đối với công chúng văn học Việt Nam, thậm chí với cả phần lớn giới nghiên cứu và phê bình, văn học thế giới cũng đồng nghĩa với văn học Âu-Mỹ, văn học Nga và văn học Trung Quốc. Có thể kể thêm một chút văn học Nhật Bản, văn học Ấn Độ và văn học châu Mỹ La-tinh. Song chúng ta gần như không biết gì về phần còn lại của văn học thế giới, trong đó có văn học châu Phi, văn học Ả-rập... và văn học Đông Nam Á - văn học của những dân tộc gần gũi với chúng ta, ít nhất là về văn địa lý. Nếu hỏi một độc giả Việt Nam rằng liệu anh ta đã từng đọc một nhà văn Lào, một nhà văn Cam-pu-chia, một nhà văn Thái Lan hay chưa? E rằng hầu hết các câu trả lời sẽ là: chưa. Nghịch lý là như vậy: trong khi các nhà văn của chúng ta ngồi ở Hà Nội có thể nói thao thao bất tuyệt về Paris, về New York, về Berlin, về Sydney...; về chuyện Jean-Paul Sartre thường ngồi uống cà phê ở đâu, Milan Kundera tập dưỡng sinh như thế nào; Michel Houllebecq tại sao mà ly dị..., họ tuyệt nhiên không biết những đồng nghiệp của mình ở Bangkok hay Jakarta đang nghĩ gì, viết gì.

Chúng tôi cũng không khá hơn. Chúng tôi cũng không biết giới thiệu gì về Pramoedya Ananta Toer, nhà văn lớn của Indonesia - một tác giả mà chúng tôi chỉ nghe danh chứ chưa hề đọc một tác phẩm nào của ông (trước khi nhận được hai chương đầu tiểu thuyết Đất của loài người do Trần Hoàng Lan và Vũ Tường dịch). Bởi vậy, để có một hình dung về cuộc đời và tác phẩm của nhà văn đã từng nhiều lần được đề cử giải Nobel này, mời độc giả tham khảo hai bản dịch của Đoàn Minh Châu đã đăng trên talawas: Pramoedya Ananta Toer - Tiểu sử và sự nghiệpTrò chuyện cùng Pramoedya Ananta Toer.

Xin cảm ơn Trần Hoàng Lan và Vũ Tường, hai dịch giả đã giới thiệu đến chúng ta một nhà văn nổi tiếng của Đông Nam Á qua bản dịch từ nguyên tác. Chúng tôi hy vọng rằng, hai chương của tiểu thuyết Đất của loài người dưới đây sẽ hấp dẫn bạn đọc Việt Nam bởi sự gần gũi của bối cảnh truyện (cùng quá khứ thuộc địa) và sự độc đáo về phong cách, một yếu tố không thể thiếu trong những tác phẩm văn học lớn.

talawas chủ nhật

Pramoedya Ananta Toer

Đất của loài người

Trần Hoàng Lan và Vũ Tường dịch



1.

Mọi người gọi tôi là Minke.

Tên thật của tôi là… tạm thời tôi chưa cần nói ra vội. Không phải vì tôi là loại người thích giữ bí mật. Tôi đã nghĩ về điều này rất nhiều: tuy nhiên chưa cần thiết để lộ danh tính của tôi.

Lúc đầu tôi đã viết những lời sau đây trong tâm sự buồn thảm: nàng đã bỏ tôi, ai biết sẽ chỉ là ít lâu hay vĩnh viễn? (Lúc đó tôi không biết mọi việc rồi sẽ xảy ra như thế nào.) Một tương lai đầy cám dỗ! Ðầy bí ẩn! Tất cả chúng ta rồi sẽ đến đó – dù muốn hay không, với linh hồn và thể xác. Ðiều rất thường xảy ra là chúng ta sẽ khám phá ra tương lai chỉ là một tên bạo chúa vĩ đại. Thế rồi cuối cùng tôi cũng đã đến đó. Tất nhiên, tương lai là một vị thần tốt bụng hay tàn bạo là việc của nó, loài người thường vỗ tay chỉ dùng một bàn tay…

Mười ba năm sau, tôi đọc kỹ lại những lời trên. Tôi ghép chúng lại với những giấc mơ, những tưởng tượng. Ðương nhiên chúng đã khác với bản gốc. Khác? Thì đã sao!

Và đây là những việc đã xảy ra:


2.

Hồi ấy tôi còn rất trẻ, chỉ bằng tuổi một cây ngô non, tuy nhiên tôi đã được thụ hưởng một nền học vấn tân tiến và khoa học. Đây thật là một ơn huệ đẹp đẽ không thể tả hết được.

Hiệu trưởng của trường tôi một lần nói trước lớp học: các giáo viên đã cung cấp cho các em một kiến thức tổng quát rất rộng, rộng hơn nhiều so với những sinh viên cùng trình độ ở nhiều nước châu Âu.

Dĩ nhiên, tôi thật hãnh diện. Tôi chưa bao giờ đến châu Âu nên không biết những lời ông hiệu trưởng nói đúng hay sai. Nhưng thật thích thú khi nghe những điều này nên tôi cảm thấy tin ông ta. Hơn nữa, vì tất cả thầy giáo của tôi sinh ra và được giáo dục ở châu Âu, nếu không tin họ thì cũng không ổn. Cha mẹ tôi đã tin tưởng giao tôi cho họ. Trong số những người châu Âu và người Indo có học thức, họ được coi là những giáo viên giỏi nhất trên xứ Indies [1] của Hà Lan. Tôi buộc phải tin họ.

Khoa học và tri thức, những thứ tôi được dạy ở trường và quan sát thấy trong cuộc sống xung quanh, đã làm tôi khá cách biệt với chính đồng bào mình. Tôi không biết có còn giữ được bản sắc người Java hay đã bị thay đổi. Một người Java thích ghi chép vì anh ta được đào tạo theo kiểu châu Âu. Một ngày nào đó những ghi chép sẽ được dùng đến, như chính lúc này đây.

Một trong những sản phẩm của khoa học luôn làm cho tôi ngạc nhiên đó là in ấn, đặc biệt là in kẽm. Thử tưởng tượng xem, con người có thể in ra hàng chục ngàn bức ảnh trong một ngày: những phong cảnh, những nhân vật quan trọng, những máy móc mới, những ngôi nhà chọc trời của Mỹ. Bây giờ tôi có thể nhìn thấy mọi thứ từ khắp nơi trên thế giới qua những trang giấy in. Thế hệ cha anh tôi mới thiệt thòi làm sao – họ chỉ biết thoả mãn quẩn quanh trên những con đường làng. Tôi rất cảm phục những con người làm việc không mệt mỏi để tạo ra những phát minh mới. Năm năm trước đây chưa có những bức tranh in và sản phẩm in ốp sét thời đó chỉ là những phiên bản nghèo nàn của hiện thực.

Những tin tức từ châu Âu và Mỹ quảng bá rất nhiều những khám phá mới. Những khám phá thần kỳ ngang với quyền lực siêu phàm của thần thánh và hiệp sĩ mà tổ tiên của tôi tôn sùng qua những nhân vật trong những màn kịch múa rối. Đồng bào tôi được nhìn thấy tàu hoả - không phải do ngựa hay trâu bò kéo - hơn mười năm rồi. Thậm chí đến hôm nay họ vẫn còn kinh ngạc! Khoảng cách từ Betawi đến Surabaya chỉ mất ba ngày. Và theo dự đoán sắp tới sẽ chỉ mất một ngày đêm! Một ngày đêm! Những toa tàu to như những ngôi nhà, đầy hàng hoá và hành khách, tất cả được kéo đi chỉ bằng hơi nước. Nếu tôi được gặp Stevenson, tôi sẽ dâng tặng cho ông ta một vòng hoa, chỉ bằng hoa phong lan. Một hệ thống đường ray đã được xây dựng trên hòn đảo của tôi, Java. Con tàu phun ra những cột khói đen cuồn cuộn trên nền trời quê tôi, trước khi tan vào vô tận. Dường như thế giới không còn biết tới khoảng cách – với sự ra đời của điện tín. Sức mạnh không còn do voi và tê giác độc chiếm. Thay vào đó là những dụng cụ nhỏ bé mà con người tạo ra: đinh ốc và piston.

Ở châu Âu, người ta bắt đầu làm ra những cái máy nhỏ hơn, với công suất mạnh hơn, hay ít nhất cũng bằng công suất với động cơ hơi nước. Mà những máy này được chạy bằng dầu chứ không phải bằng hơi nước. Cũng có những tin tức không rõ lắm về một cái xe chạy bằng điện do một người Ðức đã chế ra. Ôi thánh Allah, tôi đây cũng chưa biết chắc điện là gì.

Sức mạnh của thiên nhiên đang bị thay đổi và được sử dụng để phục vụ cho con người. Con người thậm chí đang có kế hoạch để bay như nhân vật múa rối Gatotkaca, hay như Ikarus. Một trong những người thầy của tôi nói: chỉ một thời gian ngắn, rất ngắn nữa, con người sẽ không cần phải vất vả đổ mồ hôi để đổi lấy những kết quả nhỏ bé. Máy móc sẽ thay thế tất cả mọi công việc. Con người sẽ không phải làm gì ngoại trừ thư giãn. Học sinh của tôi, các em thật sự may mắn khi được chứng kiến sự khởi đầu của một kỉ nguyên hiện đại tại xứ Indies.

Hiện đại! Hai từ này lan truyền và tự nhân lên như những con vi khuẩn trên khắp châu Âu (ít nhất đó là những gì mọi người đang nói). Bởi vậy cho phép tôi sử dụng những từ này, mặc dù tôi vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết nghĩa của nó.

Tóm lại, trong kỉ nguyên hiện đại này một ngày người ta có thể in ra hàng chục ngàn bản của bất kì một bức ảnh nào. Và điều quan trọng là có một bức ảnh tôi đã nhìn nhiều hơn những bức khác: bức ảnh của một người đẹp, giàu có, quyền lực, danh vọng, một người có tất cả, một người được thần thánh yêu quí.

Có những lời đồn được bí mật lan truyền trong đám bạn tôi ở trường: những chủ ngân hàng giàu nhất trên thế giới cũng không có cơ hội quyến rũ nàng. Ðám quí tộc hào hoa tuấn tú chen lấn nhau chỉ mong được nàng nhìn. Chỉ được nhìn!

Khi không có việc gì làm, tôi sẽ nhìn vào tấm ảnh của nàng và tưởng tượng những cách để quyến rũ nàng. Làm sao có thể thế được! Ðịa vị của nàng mới cao làm sao! Và nàng cách xa nơi tôi ở, Surabaya, gần mười một hay mười hai ngàn cây số. Nếu đi tàu thuỷ thì mất một tháng, phải vượt qua hai đại dương, năm eo biển và một kênh đào. Thậm chí đến được cũng không chắc có thể gặp được nàng. Tôi không dám nói những suy nghĩ của tôi với bất cứ một ai. Họ sẽ cười nhạo và gọi tôi là thằng điên.

Người ta cũng đồn rằng, bưu điện nhận được những bức thư cầu hôn gởi cho nàng, người đẹp cao xa kia. Không có bức thư nào tới được nàng. Thậm chí tôi có làm việc điên khùng như họ, cũng vậy thôi: nhân viên bưu điện sẽ không chuyển những bức thư như thế.

Và cô gái được thần thánh yêu quí này cùng tuổi với tôi: mười tám. Chúng tôi sinh ra cùng một năm: 1880. Chỉ có một số giống như cái que, những số còn lại tròn tròn như những viên bi ve. Ngày tháng sinh cũng giống nhau: 31 tháng tám. Nếu có gì khác biệt đó chỉ là giờ sinh và giới tính. Cha mẹ không ghi lại giờ sinh của tôi. Và tôi không biết giờ sinh của nàng. Còn sự khác biệt giới tính, tôi là đàn ông, nàng là đàn bà. Dù có biết giờ sinh so sánh cũng khó: khi hòn đảo của tôi chìm trong màn đêm, đất nước của nàng được mặt trời chiếu sáng. Khi đất nước của nàng bị bao phủ trong đêm đen, hòn đảo của tôi lại chói chang nắng dưới mặt trời xích đạo.

Cô giáo của tôi, bà Magda Peters, cấm chúng tôi tin vào tử vi. Thật là vô nghĩa, bà ta nói. Thomas Aquinas, bà kể, từng biết hai người sinh ra cùng năm, cùng tháng, cùng ngày và cùng giờ, thậm chí cùng một nơi. Mỉa mai thay, một người sau trở thành điền chủ giàu có, còn người kia là nô lệ cho ông điền chủ.

Thật sự tôi không tin tử vi. Làm sao người ta có thể tin nó? Nó chưa bao giờ chỉ đường cho khoa học và tri thức tiến triển. Chúng ta chỉ cần tin là nó đúng, chẳng cần phải chứng minh gì cả. Tử vi thì không thể đoán cô gái được thần thánh yêu quí đó là ai, ở đâu. Một lần tôi đi xem bói, chỉ cho vui. Bà thầy bói xem đi xem lại lá số tử vi của tôi rồi mới nói. Bà ta có hai chiếc răng vàng: bà ta nói nếu tôi kiên nhẫn, chắc chắn tôi sẽ…. Tôi thà tin vào lý trí của mình. Thậm chí nếu tôi có sự kiên nhẫn của tất cả loài người, có lẽ tôi cũng không bao giờ được gặp nàng.

Tôi đặt niềm tin vào sự hiểu biết khoa học và lý trí. Cái mà ít nhất cũng cho tôi biết chắc chắn những gì nằm trong tầm tay của mình.

*

Không gõ cửa căn phòng thuê của tôi, Robert Suurhof – tôi sẽ không dùng tên thật của anh ta ở đây – bước vào. Anh ta bắt gặp tôi đang ngắm nghía bức ảnh của nàng, cô gái được thần thánh yêu quí. Anh ta phá lên cười; còn tôi thì xấu hổ đến mức nước mắt ứa ra. Tiếng hét của anh ta thậm chí còn thô lỗ hơn.

“Ô hô, đồ si tình, đồ mê gái! Mày tơ tưởng chị Hằng làm gì thế?”

Tôi có thể ném anh ta ra cửa. Nhưng thay vì thế tôi nói: “Im đi… mày làm sao biết được!”

“Bà thầy bói đó biết hết, chỉ có mày là không mà thôi…”, anh ta tiếp tục với một nụ cười châm chọc.

Hãy để tôi nói cho bạn biết về Robert Suurhof: anh ta học cùng H.B.S. với tôi ở Surabaya (H.B.S. là trường trung học dạy bằng tiếng Hà Lan). Anh ta cao hơn tôi. Anh ta có một phần dòng máu người bản xứ. Ai mà biết là có bao nhiêu giọt.

“Quên cô ta đi”, anh ta khẽ khuyến dụ tôi. “Có một nàng tiên khác ngay tại Surabaya này - đẹp có một không hai, không kém người trong bức ảnh này. Dù sao thì đây cũng chỉ là một bức ảnh.”

“Theo ý mày thế nào là đẹp?”

“Cái gì? Không phải mày đã từng định nghĩa sắc đẹp rồi sao: Những bộ phận trên cơ thể phải cân đối. Da thịt phải đầy đặn.”

“Ðúng”, tôi nói tiếp sau khi đã bớt lúng túng. “Còn gì nữa?”

“Còn gì nữa? Làn da phải mịn màng và mềm mại. Mắt phải long lanh và đôi môi dịu dàng.”

“Định nghĩa của tao đâu có mấy chữ đôi môi dịu dàng?

“Thế mày muốn đôi môi kia chỉ biết la hét và nguyền rủa mày thôi à? Dù sao nàng nguyền rủa một cách dịu dàng thì vẫn hơn chứ?”

“Thôi mày im đi!”

“Tóm lại, nếu mày thật sự can đảm, thật sự si tình, đi với tao đến đó. Tao muốn xem mày xử sự làm sao, có phải đấng nam nhi như mày nói không.”

“Tao vẫn còn nhiều việc phải làm lắm.”

“Mày chưa đi đã sợ”, anh ta chê bai tôi.

Tôi bắt đầu thấy khó chịu. Tôi biết bộ não H.B.S. trong cái sọ của Robert Suurhof chỉ giỏi sỉ vả, hạ nhục và bôi nhọ người khác. Anh ta cho rằng đã biết được yếu điểm của tôi: không có dòng máu châu Âu chảy trong người. Chắc anh ta đang có mưu đồ đê tiện đối với tôi.

“Ðược thôi!” Tôi trả lời.

Việc này xảy ra vài tuần trước đây, lúc bắt đầu năm học mới.

Cả hòn đảo Java đang ăn mừng và có lẽ cả xứ Indies của Hà Lan. Lá cờ ba màu tung bay khắp mọi nơi: Nàng, nữ thần nhan sắc, cô gái được thần thánh yêu quí, hôm nay đăng quang. Nàng bây giờ là nữ hoàng của tôi. Tôi là thần dân của nàng. Thật đúng như câu chuyện của bà Magda Peters về Thomas Aquinas. Nàng là Nữ hoàng Wilhelmina. Ngày, tháng, năm sinh giống nhau nhưng tử vi đưa nàng lên vị trí nữ hoàng và đẩy tôi xuống thành một kẻ tôi tớ. Và nữ hoàng của tôi không bao giờ biết tôi tồn tại trên trái đất này. Phải chi nàng sinh trước hay sau tôi một hai thế kỷ thì không có chuyện đáng buồn này.

Ngày 7 tháng 9 năm 1898. Thứ sáu. Ðó là ngày ở xứ Indies. Ở Hà Lan là ngày 6 tháng 9 năm 1898. Thứ năm.

Cả trường tôi trở nên náo loạn để chào mừng ngày đăng quang: những cuộc thi, biểu diễn, triển lãm những kỹ năng học từ người châu Âu – bóng đá, làm xiếc, bóng ném. Tôi không quan tâm đến bất cứ trò nào. Tôi không thích thể thao.

Thế giới quanh tôi thật ồn ào. Tiếng súng đại bác vang dội. Có những cuộc diễu hành và những bài hát vui nhưng trái tim tôi trống rỗng, đau khổ. Như mọi lần tôi đi đến nhà người hàng xóm, Jean Marais. Jean là người Pháp và chỉ có một chân.

“Alleluya, Minke, có chuyện gì không?” Anh ta chào tôi bằng tiếng Pháp. Jean luôn muốn tôi nói tiếng của anh ta.

“Em có việc cho anh đây, Jean. Một bộ bàn ghế phòng khách.” Tôi đưa anh ta bức vẽ bộ bàn ghế một khách hàng muốn đặt làm. Anh ta xem một lúc rồi mỉm cười thích thú.

“Tốt thôi. Anh sẽ cho em biết hết bao nhiêu tiền sau. Chạm theo kiểu Jepara Minke nhé.”

“Cậu Minke!” Có tiếng gọi từ phòng bên.

Ngó đầu ra ngoài của sổ tôi thấy bà Telinga đang vẫy tôi.

“Anh Jean, em về đây. Cái bà nhiều chuyện này có lẽ muốn gọi em về ăn bánh. Bộ bàn ghế đó nhớ làm nhanh lên nhé.”

Về đến nhà tôi không thấy bánh mà chỉ thấy Robert Suurhof.

“Đi!”, anh ta nói. “Tụi mình đi.”

Một cái xe ngựa đời mới đang đợi chúng tôi trước cổng. Chúng tôi trèo lên; chiếc xe chuyển động; người đánh xe là một ông già người Java.

“Thuê chiếc xe này chắc là đắt hơn những chiếc khác”, tôi nói bằng tiếng Hà Lan.

“Tao không đùa đâu, Minke, đây không phải là loại xe bình thường đâu. Nó có bộ giảm xóc – loại xe này chỉ mới có vào cuối thế kỷ này. Chỉ riêng bộ giảm xóc của nó đáng giá hơn phần còn lại của chiếc xe.”

“Tao tin mày, Rob. Nói cho tao biết bọn mình đi đâu đây?”

Robert trả lời một cách bí hiểm và kênh kiệu:

“Đến một nơi mà tất cả bọn thanh niên trên đời đều mơ ước được mời đến. Bởi vì có một thiên thần sống ở đó, Minke. Nghe đây, tao may mắn được anh trai của nàng mời đến chơi. Chưa từng có ai có được mời trừ tao ra.” Anh ta chỉ ngón tay cái vào mình. “Nghe đây, thật trùng hợp anh trai nàng cũng tên là Robert.”

“Bây giờ có rất nhiều trẻ con được đặt tên là Robert…”

Anh ta không hề chú ý đến tôi và nói tiếp: “…Bọn tao gặp nhau trong một trận bóng đá. Nhà anh ta mới giết mấy con bê đực. Ðó là món tao thích nhất.” Anh ta nhìn xoáy vào tôi.

“Bê đực?” Tôi thật sự không hiểu.

“Bê đực để ăn thịt chứ sao. Ðó là chuyện của tao. Chuyện của mày” – anh ta liếm môi trong khi mắt nhìn tôi sắc lẹm – “là cô em nhỏ bé của Robert. Tao muốn xem mày có quyến rũ nổi cô nàng không, đồ mê gái.”

Chiếc xe ngựa lăn bánh lọc cọc trên mặt đường sỏi đá của phố Kranggan đến Blauran, theo hướng Wonokromo.

“Nào, hát đi, Veni, Vidi, Vici – Ta đến, ta nhìn, ta chinh phục.” Anh ta thúc giục tôi hát giữa tiếng lọc cọc của những bánh xe. “Ha ha, sao mặt mày tái xanh thế? Mày hết tự tin rồi à? Ha ha.”

“Sao mày không giành hết cả thịt bê và người đẹp kia cho mày đi?”

“Tao? Ha ha. Tao chỉ quan hệ với những người đẹp châu Âu gốc mà thôi!” Thì ra người đẹp mà chúng tôi đang đến thăm có thể là một cô gái Indo [2] , Peranakan [3] , Indisch [4] . Robert Suurhof – xin nhắc lại một lần nữa, đây không phải tên thật của anh ta – cũng là người Indo. Khi mẹ của Robert, một người Indo, trở dạ, cha của anh ta, cũng là người Indo, vội vàng đưa bà đến cảng Perak, trèo lên con tàu Van Heemskerck đang neo ở bến. Robert được sinh ra ở đó, và anh ta không chỉ trở thành một thần dân Hà Lan mà còn có quyền lợi như công dân Hà Lan. Ðấy là anh ta nghĩ như vậy. Sau này tôi phát hiện ra rằng sinh ra trên tàu của Hà Lan không được luật pháp ưu tiên gì. Có lẽ những người Do Thái mang quốc tịch La Mã cũng cư xử giống như anh ta. Anh ta tự coi mình khác biệt với anh chị em ruột. Anh ta không coi mình là người Indo. Nếu anh ta được sinh ra cách con tàu đó một cây số, có thể trên bến cảng Perak, hay trên một con tàu nhỏ của người Madura và có quốc tịch Madura, hành vi của anh ta chắc sẽ khác. Ít nhất tôi bắt đầu hiểu tại sao anh ta thích tỏ ra không quan tâm tới những cô gái Indo. Tự cho mình là người Hà Lan, anh ta cố gắng cư xử giống như họ, vì quyền lợi của con cháu mình sau này. Anh ta hy vọng trong tương lai sẽ có một địa vị và mức lương cao hơn người bản xứ.

Buổi sáng hôm đó rất đẹp. Bầu trời xanh trong, không một gợn mây. Cuộc sống trẻ trung không có gì ngoài những niềm vui. Tôi thành công trong những việc tôi làm. Tôi học khá và có một trái tim hồn nhiên. Nhưng thôi hãy quên nàng đi, người vừa lên ngôi nữ hoàng hôm nay. Tất cả trang hoàng trong những toà nhà và cổng ra vào là dành cho nàng. Tất cả những tiệc tùng cũng dành cho nàng. Con người được thần thánh yêu quí! Nữ hoàng nhan sắc! Và bây giờ Suurhof muốn đem tôi ra đùa cợt trước mặt một cô gái tầm thường nào đấy, người mà anh ta muốn tôi chinh phục.

Tôi không để ý đến những người dân quê đang đi bộ vào thành phố. Con đường sỏi đá mầu vàng dẫn thẳng tới Wonokromo. Nhà cửa, ruộng cạn, ruộng lúa nước, cây cối trồng hai bên đường bao bọc bởi hàng rào tre, những bụi cây tắm trong những tia nắng mặt trời lấp loáng, tất cả như bay lên, chòng chành. Ở phía xa là dẫy núi cao đứng lặng thinh với vẻ ngạo mạn, giống như những thầy tu khổ hạnh hoá đá.

“Mình ăn mặc quần áo thế này đến dự tiệc có được không?”

“Không, tao nói rồi. Việc ăn tiệc là của tao, việc của mày là chinh phục.”

“Chúng ta đi đâu đây?”

“Thẳng đến mục tiêu.”

“Rob?” Tôi đấm vào vai anh ta, tò mò. “Sao mày không nói cho tao biết?” Nhưng anh ta vẫn không nói.

“Ðừng giữ khuôn mặt cay cú! Nếu mày chứng tỏ mày thật sự là đàn ông”, – anh ta liếm môi – “tao sẽ kính trọng mày hơn cả thầy giáo. Nếu mày không chứng tỏ được, nhớ đấy, tao sẽ chế nhạo mày suốt đời. Nhớ kĩ nhé, Minke.”

“Mày đang móc mỉa tao, Rob.”

“Không hề. Một ngày kia mày sẽ trở thành bupati, [5] Minke. Có thể mày được bổ nhiệm tới một nơi đất đai khô cằn. Tao sẽ cầu cho mày có được mảnh đất mầu mỡ. Nếu lúc đó mày mang theo người đẹp này bên cạnh, tất cả bọn bupati ở Java sẽ phát sốt vì ghen tị.”

“Ai nói tao sẽ trở thành bupati?

“Tao. Và tao sẽ tiếp tục đi học ở Hà Lan. Tao sẽ trở thành kĩ sư cơ khí. Và chúng ta sẽ gặp lại nhau. Tao sẽ gặp vợ chồng mày. Mày có biết câu hỏi đầu tiên tao hỏi mày là gì không?”

“Mày nằm mơ à. Tao sẽ không bao giờ trở thành bupati.”

“Nghe đây, câu đầu tiên tao hỏi mày là: Này, đồ si tình, đồ mê gái, đồ cá sấu mắc cạn, harem [6] của mày đâu.”

“Mày vẫn coi tao như một người Java lạc hậu.”

“Tất cả người Java, kể cả những ông bupati, là loài cá sấu mắc cạn.”

“Tao sẽ không trở thành bupati.”

Anh ta cười miệt thị. Chiếc xe ngựa vẫn chưa dừng, càng lúc càng xa Surabaya. Tôi nổi cáu. Thực ra tôi rất dễ bị xúc phạm. Rob thì không quan tâm đến điều này. Anh ta từng nói: Người Java địa vị cao chỉ có một cách duy nhất để chứng minh rằng anh ta không định có harem đó là cưới một cô vợ người châu Âu, chính gốc hay lai. Như thế nghĩa là anh ta sẽ không bao giờ lấy nhiều vợ.

Chiếc xe ngựa vào địa hạt quận Wonokromo.

“Mày nhìn bên trái xem”, Rob gợi ý.

Tôi nhìn thấy một ngôi nhà kiểu Trung Quốc có một cái sân rộng được rào cẩn thận bởi những bụi cây. Cửa trước và cửa sổ đều đóng. Toàn bộ ngôi nhà được sơn mầu đỏ. Mầu đỏ này chẳng hấp dẫn chút nào đối với tôi. Ai mà không biết chủ nhân của nó là ai và trong đó có cái gì? Ðó chính là ngôi nhà của khoái lạc, hay là nhà thổ. Chủ nhân của nó là Babah Ah Tjong.

Nhưng chiếc xe ngựa tiếp tục đi.

“Nhìn tiếp bên trái đi.”

Ði qua ngôi nhà đó khoảng một trăm năm mươi mét, đất đai vẫn bỏ hoang. Tiếp đó là một ngôi nhà gỗ hai tầng nằm giữa một khoảng đất lớn. Ðằng sau hàng rào gỗ là một cái biển lớn với dòng chữ Boerderij Buitenzorg – Nông trại Buitenzorg.

Tôi nghĩ ai sống ở Surabaya và Wonokromo cũng biết ngôi nhà này là tài sản của ông Mellema – Herman Mellema. Mọi người cho rằng ngôi nhà đó là dinh thự riêng của Mellema mặc dù nó chỉ được làm bằng gỗ teak. Có thể nhìn thấy mái gỗ màu ghi của nó từ rất xa. Cửa ra vào và cửa sổ được mở rất rộng – không giống như ngôi nhà khoái lạc của Ah Tjong. Không có ban công. Thay vào đó là một cầu thang bằng gỗ, rộng và to hơn cửa ra vào phía trước.

Không ai biết gì hơn ngoài tên của chủ nhân ngôi nhà là ông Mellema. Người ta chỉ nhìn thấy ông ta một hay hai lần, nhưng ai cũng nói về bà vợ lẽ của ông ta: Nyai Ontosoroh. Mọi người đều ngưỡng mộ bà ta. Bà ta rất đẹp, mới ngoài ba mươi tuổi nhưng là người quản lý toàn bộ công ty nông phẩm. Người ta gọi bà ta là Ontosoroh, cách đọc của người Java từ chữ Buitenzorg.

Gia đình và công ty này được bảo vệ bởi một võ sĩ người Madura, Darsam, và lính của ông ta. Không ai dám đặt chân vào dinh thự bằng gỗ đó.

Tôi bỗng giật mình.

Chiếc xe ngựa đột nhiên rẽ, đi qua cổng, qua tấm biển Boerderij Buitenzorg, và tiến thẳng tới bậc thềm của ngôi nhà. Tôi rùng mình. Darsam, người tôi chưa bao giờ nhìn thấy, xuất hiện trước mắt tôi. Chỉ có bộ ria mép, không có gì ngoài bộ ria mép, một nắm đấm, và một cái liềm khổng lồ. Tôi chưa bao giờ nghe thấy ai được mời đến dinh thự có vẻ ma quái này.

“Ðến rồi?”

Robert nhổ nước bọt.

Một thanh niên lai châu Âu mở cửa và bước xuống bậc thềm chào Suurhof. Anh ta độ tuổi tôi. Anh ta giống người châu Âu, ngoại trừ nước da nâu của người bản xứ. Anh ta cao ráo, dáng đẹp, cứng cáp.

“Chào Rob!”

“Ô hô, Rob!” Suurhof chào. “Tôi mang theo người bạn của tôi. Không có vấn đề gì chứ? Không có gì phiền phải không?”

Anh ta không thèm chào tôi, một người bản xứ, nhưng cặp mắt sắc của anh ta xoáy vào tôi. Tôi cảm thấy lo lắng. Tôi biết cuộc chơi bắt đầu. Nếu anh ta từ chối tiếp tôi, Suurhof sẽ được một trận cười khi nhìn Darsam tống cổ tôi ra đường. Tuy nhiên anh ta vẫn chưa từ chối, vẫn chưa đuổi tôi. Môi anh ta chỉ cần bật ra một tiếng thôi – trời! Tôi biết dấu mặt của tôi vào đâu? Nhưng không, đột nhiên anh ta mỉm cười và chìa tay ra.

“Robert Mellema”, anh ta tự giới thiệu.

“Minke”, tôi trả lời.

Anh ta vẫn nắm tay tôi, chờ tôi nói tên họ. Tôi không có họ [7] , nhưng cũng không muốn giải thích. Anh ta trợn mắt. Tôi đoán có lẽ anh ta nghĩ tôi còn con nít chưa được bố tôi thừa nhận theo luật pháp. Một người Indo không có họ được xem như hạ cấp, là người bản xứ. Và tôi thật sự là người bản xứ. Nhưng không, anh ta không hỏi tên họ của tôi.

“Hân hạnh được gặp cậu. Xin mời vào.”

Chúng tôi đi lên những bậc thang. Tôi phải cảnh giác với cái nhìn sắc lạnh của anh ta. Anh chàng này thuộc loại người nào đây?

Nhưng sự ngờ vực bỗng biến mất khi trước mặt chúng tôi xuất hiện một cô gái da trắng mịn với nét mặt châu Âu nhưng tóc và mắt lại thừa kế từ người bản xứ. Và đôi mắt đó, đôi mắt lóng lánh giống như hai ngôi sao mai. Còn đôi môi chúm chím của nàng có thể làm nghiêng thành đổ nước. Nếu đây là cô gái mà Suurhof nhắc tới, anh ta hoàn toàn đúng: cô ta hơn hẳn nữ hoàng. Cô ta là người bằng xương bằng thịt chứ không phải là bức ảnh.

“Annelies Mellema.” Cô ta đưa tay cho tôi và Suurhof.

Âm thanh phát ra từ đôi môi của cô ta gây một ấn tượng mà tôi sẽ không bao giờ quên cho đến hết đời.

Bốn chúng tôi ngồi trên một cái ghế mây dài. Robert Suurhof và Robert Mellema say sưa nói chuyện về bóng đá, những trận đấu quan trọng họ từng xem Surabaya. Tôi cảm thấy không tiện xen vào. Tôi chưa bao giờ thích bóng đá. Tôi bắt đầu nhìn xung quanh căn phòng khách rộng lớn: đồ đạc, trần nhà, đèn chùm pha lê, đèn ga (tôi không nhìn thấy bình đựng ga). Bức tranh của nữ hoàng Emma treo trong một khung gỗ nặng, người vừa mới xuống ngôi. Không biết bao nhiêu lần mắt tôi lại bị hút vào khuôn mặt của Annelies. Tuy mới làm trong lĩnh vực buôn bán đồ đạc nội thất, nhưng tôi nhận biết ngay được chúng thuộc loại đắt nhất, được làm bởi những thợ bậc thầy. Tấm thảm bên dưới chiếc ghế dài được trang trí với một mô típ tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Có lẽ nó được đặt riêng. Sàn nhà được lát gỗ chạm bóng láng.

“Tại sao anh yên lặng thế?” Annelies hỏi tôi bằng tiếng Hà Lan với giọng ngọt ngào.

Một lần nữa tôi nhìn vào mặt cô ta, nhưng tôi không đủ can đảm nhìn thẳng vào đôi mắt. Biết đâu nàng sẽ khinh miệt tôi khi biết tôi là người bản xứ, người mà tên không có cả họ? Tôi chỉ biết trả lời với một nụ cười – và một lần nữa mắt tôi lại chuyển qua những đồ đạc.

“Ở đây cái gì cũng đẹp.” Tôi nói.

“Anh thích ở đây?”

“Rất thích”, một lần nữa tôi lại nhìn cô ta.

Tôi bị vẻ đẹp của nàng thôi miên. Ở giữa tất cả sự giàu có sang trọng, trông nàng vẫn đẹp lộng lẫy và nổi bật hẳn lên.

“Tại sao anh lại giấu họ của mình?” cô ta hỏi.

“Tôi không có tên họ”, tôi trả lời, và cảm thấy lo lắng trở lại. “Tôi có cần nói sự thật không?” Tôi liếc về phía Robert Suurhof. Anh ta không thấy cái liếc mắt của tôi. Tôi chưa kịp nhìn chỗ khác thì đến lượt anh ta ném một cái nhìn về phía tôi.

“Tất nhiên anh phải có”, Annelies nói. “Nếu không mọi người sẽ nghĩ anh không được bố anh thừa nhận.”

“Tôi không có họ. Thật sự là không có”, tôi trả lời.

“Ồ!” Cô ta khẽ kêu lên. “Xin lỗi anh nhé.” Cô ta yên lặng một lúc. “Không có cũng không sao”, cô ta nói.

“Tôi không phải người Indo”, tôi nói với giọng tự vệ.

“Ồ” Cô ta nhắc lại. “Không phải à?”

Dường như có tiếng trống đánh trong ngực. Thế là cô ta đã biết: tôi là một người bản xứ. Tôi có thể bị tống ra khỏi nhà bất kể lúc nào. Tôi cảm giác thấy cái nhìn của Robert Suurhof đang rà soát những phần không được che đậy trên cơ thể tôi. Ðúng, giống như con kên kên đang săm soi con mồi đã chết của nó. Khi ngẩng lên tôi thấy Robert Mellema đang nhìn thẳng vào Annelies. Ngay lúc đó anh ta quay sang phía tôi, môi của anh ta biến thành một đường mỏng và thẳng. Trời ơi, chuyện gì sẽ xảy đến với tôi đây? Có phải tôi sẽ bị ném ra khỏi ngôi nhà xinh đẹp này như một con chó, kèm theo tiếng cười không dứt của Robert Suurhof? Chưa bao giờ tôi cảm thấy sợ hãi như vậy. Mắt của Suurhof đang nhìn chòng chọc vào cổ tôi. Còn anh chàng Mellema vẫn trừng trừng nhìn tôi.

Annalies nhìn Robert Suurhof, sau đó nhìn anh trai, rồi lại nhìn tôi. Trong một giây mắt tôi mờ đi. Tất cả những gì tôi nhìn thấy là cái váy trắng của Annelies, không thấy mặt, không thấy tay chân.

Tôi chợt nhận ra đây là ý đồ của Suurhof để hạ nhục tôi trong nhà người khác. Và bây giờ tôi chỉ còn biết chờ người ta đuổi tôi ra. Một giây nữa thôi, Darsam, anh chàng võ sĩ, sẽ được gọi vào và được lệnh tống tôi ra đường.

Quả tim hoảng loạn của tôi dường như ngừng đập khi Annelies phá lên cười. Chầm chậm tôi ngước mắt lên nhìn cô ta. Răng của cô ta trắng lóng lánh, đẹp hơn cả ngọc trai mặc dù tôi chưa từng nhìn thấy chúng. Ôi đồ mê gái! Thậm chí trong tình huống này mà mày vẫn có thể ngưỡng mộ và thưởng thức cái đẹp.

“Anh sợ cái gì vậy?” Annalies hỏi như đã tha thứ cho tôi. “Người bản xứ cũng tốt” cô ta vẫn cười.

Robert Mellema quay sang nhìn cô em gái. Annelies nhìn thẳng vào mặt anh mình như thách thức. Anh ta nhìn đi chỗ khác.

Màn kịch gì đang diễn ra ở đây vậy? Robert Suurhof không nói một câu. Robert Mellema cũng vậy. Có phải hai anh chàng này buộc tôi xin lỗi chăng? Chỉ vì tôi không có tên họ và là một người bản xứ. Quên đi! Tại sao tôi phải xin lỗi họ?

“Người bản xứ cũng tốt chứ sao”, Annelies nói nghiêm túc. “Mẹ của em là người bản xứ. Người Java. Anh là bạn của em, Minke.” Giọng của cô ta như ra lệnh.

Chỉ khi đó tôi mới có thể hít thở bình thường lại.

“Cám ơn.”

“Hình như anh không thích bóng đá. Em cũng vậy. Mình kiếm chỗ khác ngồi đi.” Cô ta đứng dạy, đưa tay ra cho tôi nắm một cách thân thiết.

Tôi đứng lên, xin lỗi anh trai của cô ta và Suurhof. Mắt của họ nhìn theo chúng tôi. Annelies ngoái lại với nụ cười tạ lỗi cho người khách cô bỏ lại đằng sau.

Chúng tôi đi ngang qua phòng khách. Chân tôi đi không vững. Tôi vẫn cảm thấy ánh mắt của hai người kia đang xoáy vào lưng tôi. Chúng tôi đi vào một phòng phía sau, phòng này còn bày biện xa xỉ hơn nữa.

Tại đây, tất cả những bức tường được làm bằng gỗ teak mầu nâu nhạt. Một góc là phòng ăn, có một cái bàn và sáu cái ghế. Gần đó là cầu thang. Có ba cái bàn nhỏ được kê ở ba góc phòng và trên mỗi bàn có bình hoa bằng sứ của châu Âu. Những bông hoa được cắm rất hài hoà.

Annalies nhìn theo tôi và nói:

“Em cắm hoa đó.”

“Ai dạy cô vậy?”

“Mẹ em đấy.”

“Ðẹp lắm.”

Thấy tôi đang nhìn chằm chằm vào tủ kiếng, cô ta dẫn tôi đến đó. Cái tủ được kê sát vào tường đối diện với bàn ăn. Trong đó được trưng bày những tác phẩm nghệ thuật – tôi chưa bao giờ được nhìn thấy.

“Em không mang theo chìa khoá”, Annelies nói. “Ðó là cái em thích nhất.” Cô ta chỉ vào một bức tượng đồng nhỏ. “Mama nói đó là một nữ hoàng Ai Cập.” Cô ta suy nghĩ một chút. “Nếu em không lầm thì tên của bà ta là Nefertiti, một người phụ nữ rất đẹp.”

Bất kể tên của bức tượng đó là gì, tôi thật ngạc nhiên một người bản xứ, và một bà vợ lẽ, lại biết được tên của nữ hoàng Ai Cập.

Có một bức tranh chạm trổ kiểu Bali về một ông vua của miền đông Java, vua Erlangga, đang cưỡi trên con chim garuda huyền thoại. Những bức chạm kiểu này thường được làm từ gỗ sawoh nhưng riêng bức này được chạm trên một loại gỗ khác mà tôi chưa được biết.

Trên ngăn thứ nhất có một hàng những mặt nạ bằng sứ nhỏ, mặt những con vật khác nhau.

“Những cái mặt nạ này có trong câu chuyện Sie You Chie”, cô ta giải thích. “Anh đã nghe câu chuyện này chưa?”

“Chưa.”

“Hôm nào em sẽ kể anh nghe. Anh có thích không?”

Một câu hỏi thật hồn nhiên và thân mật làm mất đi sự khác biệt giữa hai chúng tôi.

“Rất thích.”

“Anh thật sự muốn trở lại đây một lần nữa?”

“Ðó là một vinh hạnh.”

Không có những vỏ sò lớn trang trí chân bàn giống như tôi hay thấy ở những toà nhà của bupati. Có một máy quay đĩa trên một cái bàn thấp mà bốn chân đều có bánh xe nhỏ. Phần dưới của chiếc bàn là nơi để những đĩa nhạc. Chiếc bàn được chạm công phu. Chắc chắn nó được đặt làm.

“Tại sao anh ngồi yên thế?” Cô ta hỏi lại tôi. “Anh vẫn đang đi học chứ?”

“Tôi là bạn cùng trường với Robert Suurhof.”

“Anh trai em rất tự hào khi có bạn là sinh viên H.B.S. Bây giờ em cũng có bạn là sinh viên H.B.S. Ðó là anh!” Bỗng nhiên cô ta quay ngược lại phía cánh cửa đằng sau và gọi: “Mama! Lại đây mẹ, chúng ta có khách.”

Một người phụ nữ bản xứ bước vào, mặc sa rông truyền thống của Java và áo trắng được viền bằng một loại ren đắt tiền, có lẽ là loại ren nổi tiếng của Hà Lan được làm ở Naarden. Bà ta đi một đôi dép nhung đen được đính những hạt bạc. Quần áo gọn gàng, khuôn mặt sáng sủa, nụ cười nhân hậu, và hình thức rất đơn giản của bà ta làm cho tôi thật sự ngạc nhiên. Bà ta thật trẻ trung và đáng yêu; da của bà ta mịn và giống như mầu trái langsat. Bà nói tiếng Hà Lan rất chuẩn như được học trong trường.

“Gì vậy Annelies, khách của con là ai?”

“Đây, Mama. Tên anh ấy là Minke. Người Java, Mama.”

Bà ta đi về phía tôi với dáng vẻ bình dị. Đây là Nyai [8] Ontosoroh người được nhắc đến bởi rất nhiều, tất cả mọi người ở Wonokromo va Surabaya đều thuộc tên của bà, Nyai điều hành Boerderji Buitenzorg.

“Một sinh viên H.B.S. mẹ ạ.”

“Ô thật vậy sao?” Nyai hỏi tôi.

Tôi ngập ngừng. Tôi có nên đưa tay ra như đối với một phụ nữ châu Âu, hay tôi xử sự như đối với một phụ nữ bản xứ và lờ bà ta đi? Nhưng bà ta đã đưa tay ra trước. Tôi vụng về đưa tay ra. Ðây không phải là phong tục của địa phương mà là của châu Âu. Nếu biết ở trong gia đình này họ cư xử như vậy, tất nhiên tôi sẽ đưa tay ra trước.

“Khách của Annelies cũng là khách của tôi”, bà ta nói. Tiếng Hà Lan của bà ta rất trôi chảy. “Tôi nên gọi cậu thế nào đây? Ông? Sinyo [9] ? Nhưng cậu không phải là Indo.”

“Dạ không phải Indo…” Tôi phải gọi bà ta thế nào, Nyai hay quí bà?

“Cậu thật sự là sinh viên của H.B.S.?” Bà ta hỏi với nụ cười thân thiện.

“Vâng ạ.”

“Mọi người gọi tôi là Nyai Ontosoroh. Họ không thể phát âm được chữ Buitenzorg. Sinyo có lẽ ngại gọi tôi là Nyai. Mọi người đều gọi như vậy. Ðừng ngại.”

Tôi không trả lời. Và dường như bà ta không để ý tới sự lúng túng của tôi.

“Nếu Sinyo là sinh viên H.B.S., Sinyo chắc chắn là con của một bupati. Bupati ở đâu vậy?”

“Không, Ny…”

“Sinyo thấy khó xưng hô Nyai với tôi. Vậy thì hãy gọi tôi là Mama, giống như Annelies – nếu như Sinyo không cảm thấy bị hạ thấp.”

“Ðúng rồi đấy Minke”, người con gái thêm vào. “Mama đúng. Hãy gọi mẹ em là Mama.”

“Cháu không phải là con của bupati, Mama”, từ Mama này làm cho sự lúng túng của tôi biến mất.

“Thì chắc sinyo là con của một patih [10] ”, Nyai Ontosoroh nói tiếp. Bà ta vẫn đang đứng cạnh tôi.

“Xin mời ngồi. Tại sao lại đứng vậy?” 

“Dạ, cũng không phải ạ.”

“Tôi rất vui khi Annelies có bạn đến thăm. Ann, chăm sóc bạn con cẩn thận nhé.”

“Tất nhiên rồi Mama”, cô ta trả lời một cách vui vẻ, bây giờ cô đã được sự đồng ý của mẹ.

Nyai Ontosoroh ra ngoài. Tôi quá ngạc nhiên không chỉ việc một phụ nữ bản xứ có thể nói tiếng Hà Lan giỏi như vậy, mà còn vì thái độ thoải mái của bà ta đối với khách nam giới. Bà ta đi học ở đâu? Tại sao bà ta chỉ là một Nyai, một người vợ lẽ? Ai làm cho bà ta trở nên tự do, như một phụ nữ châu Âu?

“Em rất mừng khi có anh là khách.” Annelies trở nên vui vẻ hơn nữa khi biết mẹ của mình không cản trở. “Em chẳng có bạn. Mọi người sợ đến đây. Thậm chí những người bạn cũ cùng trường em.”

“Em học ở trường nào?”

“E.L.S. [11] , em bỏ dở. Thậm chí em chưa học hết lớp bốn.”

“Tại sao em không học tiếp?”

Annelies cắn móng tay và nhìn tôi.

“Ðó là một biến cố bất ngờ”, cô trả lời, và không nói tiếp nữa. Cô ta bỗng nhiên hỏi: “Anh theo đạo Hồi phải không?”

“Tại sao?”

“Nếu vậy anh không ăn thịt lợn.”

Tôi gật đầu.

Một người hầu gái mang bánh và sữa tới. Cô ta không cúi người khi bước vào như cô ta sẽ phải làm trước mặt chủ là người bản xứ. Cô ta bước vào, đứng thẳng nhìn tôi trong sự ngạc nhiên. Ðiều này không bao giờ được cho phép bởi người bản xứ: người hầu phải cúi rạp khi đi và luôn cúi mặt. Thật tốt nếu một người không phải cúi rạp trước những người khác.

“Khách của tôi là người Hồi giáo”, Annelies nói bằng tiếng Java với người hầu. “Nói với nhà bếp đừng để thịt lợn dính vào đồ ăn nhé.” Cô ta nhanh chóng quay sang phía tôi và hỏi, “Tại sao anh yên lặng thế?”

“Em không biết sao?” Tôi hỏi lại. “Bởi vì tôi chưa bao giờ gặp được một cô gái xinh đẹp như vậy.” Cô ta yên lặng và nhìn tôi với cặp mắt sáng như sao mai của mình. Tôi thấy hơi hối hận sau khi nói. Cô ta hỏi tôi trong bối rối, “Anh nói ai vậy?”

“Em”, tôi thì thầm. Nét mặt của cô ta thay đổi hẳn. Nghiêng đầu sang một bên, mắt của cô ta mở to.

“Em? Anh nói là em đẹp?”

Tôi trở nên bạo dạn, chắc chắn, “không sai”.

“Mama!” Annelies hét to và chạy ra cửa sau. Thảm hoạ! Tôi hét to không kém gì cô ta – nhưng tất nhiên là trong tim tôi thôi.

Cô ta đi về phía cửa. Cô ta sẽ kể chuyện này với mẹ. Ðồ trẻ con! Thật là trái ngược với vẻ đẹp của cô ta. Và cô ta sẽ phàn nàn: Minke thật thô lỗ. Ngôi nhà này thật xúi quẩy. Thật xúi quẩy. Bất kể điều gì xảy ra bây giờ đều do tôi gây ra.

Nyai xuất hiện ở cửa và đi về phía tôi.

Tim của tôi đập mạnh trở lại. Có lẽ tôi đã làm sai. Xin trừng phạt kẻ thô lỗ này nhưng đừng làm xấu tôi trước mặt Robert Suurhof.

“Có vấn đề gì vậy Ann? Con lại gây sự đấy à?”

“Không, con không gây sự”, cô ta nói nhanh, và phàn nàn bằng giọng của người được nuông chiều, “Mama”, tay của cô ta chỉ vào tôi. “thử nghĩ xem, Mama, Minke nói con đẹp?”

Nyai nhìn tôi. Ðầu của bà ta nghiêng một chút. Bà ta quay sang nhìn con gái mình. Hai tay đặt lên vai con gái, bằng một giọng nhỏ nhẹ bà ta nói:

“Con không nhớ là mẹ vẫn nói con đẹp sao? Rất đẹp nữa là khác? Không còn nghi ngờ gì nữa, con đẹp lắm. Sinyo nói không sai đâu.”

“Ôi Mama!” Mặt của Annelies đỏ bừng.

Nyai ngồi xuống ghế bên cạnh tôi. Bà ta nói nhanh:

“Tôi rất vui cậu đã đến chơi. Có phải sinyo tên là Minke không? Con gái tôi không giống với những đứa trẻ Indo khác. Nó chưa thể trở thành một người Indo.”

“Con không phải là người Indo”, cô con gái phản đối. “Con không muốn trở thành người Indo. Con chỉ muốn giống Mama.”

Tôi thậm chí ngạc nhiên hơn nữa. Cái gì đang xảy ra trong gia đình này?

“Nyo, cậu nghe thấy rồi đấy: nó thích là người bản xứ hơn là Indo. Tại sao Sinyo yên lặng? Có lẽ cậu cảm thấy khó chịu khi tôi chỉ gọi cậu là Nyo, hay là Sinyo phải không?”

“Không, Mama, không phải”, tôi ngập ngừng.

“Nhìn cậu thật bối rối.”

Ai không bị bối rối? Nyai Ontosoroh cư xử như đã quen biết tôi từ lâu nhưng tôi lại quên hẳn bà ta là ai. Dường như bà ta sinh ra tôi và gần gũi tôi hơn mẹ tôi, thậm chí bà ta trẻ hơn mẹ tôi.

Tôi đã chờ đợi sự giận dữ của Nyai vì những lời tán tỉnh điên rồ của mình. Nhưng bà ta không giận dữ. Cũng giống như mẹ tôi, người chẳng bao giờ giận tôi cả. Tai của tôi nghe thấy tiếng cảnh cáo: Cẩn thận, đừng so sánh bà ta với mẹ. Bà ta chỉ là một Nyai, sống trong tội lỗi, sinh ra những đứa trẻ không hợp pháp, sa đoạ, lăng loàn, bán danh dự để sống trong sự nhàn hạ và giàu có. Và tôi không thể nói bà ta ngu dốt. Bà ta nói thành thạo tiếng Hà Lan và rất lịch sự. Cách cư xử đối với con gái rất nhẹ nhàng, thông minh và cởi mở, không giống như những bà mẹ bản xứ khác. Bà ta xử sự như những người đàn bà châu Âu có giáo dục. Thầy cô giáo của tôi thường thích đưa ra nhưng ví dụ về con người tân tiến cuat thời hiện đại. Có lẽ Nyai sẽ là một người như họ chăng?

“Vấn đề ở đây là, Ann”, Nyai thêm vào, “con không có nhiều bạn bè, chỉ muốn gần với Mama; con đã lớn rồi, nhưng vẫn như trẻ con vậy.” Vừa dứt lời, bà ta đột nhiên quay ra nói với tôi. “Nyo, cậu luôn khen ngợi các cô gái như vậy sao?”

Câu hỏi này đột ngột giống như một tia chớp. Có thể coi đây là một câu hỏi thân thiện nhưng tôi thấy cần phải dè dặt.

“Nếu một cô gái đẹp thật sự, có gì xấu khi nói ra điều đó không ạ?”

“Một cô gái châu Âu hay bản xứ?”

“Làm sao có thể khen ngợi những cô gái bản xứ? Đâu được phép lại gần họ, Mama. Tất nhiên là những cô gái châu Âu.”

“Sinyo dám làm điều đó sao?”

“Chúng cháu được dạy nói thật những cảm xúc của mình.”

“Vậy nên cậu dám khen ngợi những cô gái châu Âu ngay trước mặt họ?”

“Vâng, Mama, thầy giáo của cháu đã dạy văn hoá châu Âu.”

“Họ đáp lại những lời khen của cậu như thế nào? Xúc phạm cậu chăng?”

“Không, Mama. Ai mà không thích được khen, thầy giáo của cháu nói vậy. Nếu ai đó bị xúc phạm bởi lời khen của mình, đó là dấu hiệu của những trái tim không trung thực.”

“Vậy những cô gái châu Âu sẽ trả lời thế nào?”

“Câu trả lời của họ là, cảm ơn.”

“Giống như ở trong sách?”

Bà ta đọc cả sách châu Âu, nyai này!

“Dạ đúng, Mama, giống như ở trong sách.”

“Ann”, bà ta tiếp tục, “con cám ơn Minke đi.”

Giống như một cô gái bản xứ, Annelies đỏ mặt vì xấu hổ. Cô ta không nói gì.

“Thế còn những cô gái Indo?” Nyai hỏi.

“Nếu họ được giáo dục kiểu châu Âu, họ cũng cư xử như vậy, Mama.”

“Nếu họ không được?”

“Nếu không, đặc biệt nếu họ đang bực mình, họ có thể xúc phạm người khen họ.”

“Sinyo có hay bị xúc phạm không?”

Tôi biết lúc này mặt tôi đang đỏ rực. Bà ta cười và quay sang phía con gái:

“Con nghe rồi đó, Ann. Hãy cám ơn Minke đi. Khoan đã. Nyo, cậu nói lại lời khen của cậu đi, để tôi được nghe với.”

Tôi thật sự xấu hổ. Tôi đang phải đối phó với loại người nào đây? Bà ta quá thông minh và nắm bắt hết những suy nghĩ của tôi.

“Tôi không được phép nghe sao?” Bà ta hỏi, nhìn vào mặt của tôi. “Thôi được.”

Bà ta đi ra ngoài. Annelies và tôi nhìn theo cho đến khi bà ta biến mất sau cánh cửa. Và chúng tôi nhìn nhau như hai đứa trẻ con, cùng kinh ngạc. Tôi bật cười. Cô ta cắn môi và nhìn đi chỗ khác.

Gia đình này kiểu gì vậy? Robert Mellema với cái nhìn xoi mói. Annelies Mellema quá trẻ con. Nyai Ontosoroh quá thông minh và có thể nắm bắt ý nghĩ của người khác, thậm chí tôi đánh mất sự phán đoán và quên đi bà ta chỉ là một người vợ lẽ hèn mọn. Thế còn ông Mellema, chủ nhân của sự giàu có này?

“Bố của em ở đâu?” Tôi hỏi.

Annelies tỏ ra giận dữ.

“Anh không cần phải biết. Biết để làm gì? Thậm chí em còn không muốn tìm hiểu. Mama cũng không thích biết.”

“Tại sao?” Tôi hỏi.

“Anh có muốn nghe nhạc không?”

“Không phải lúc này.”

Và câu chuyện được kéo dài tới giờ ăn trưa. Robert Mellema, Robert Suurhof, Annelies, và tôi ngồi quanh bàn. Có một người hầu gái đứng gần cửa để phục vụ. Suurhof ngồi cạnh bạn của anh ta và liên tục nhìn trộm tôi và Annelies. Mama ngồi ở đầu bàn.

Có quá nhiều đồ ăn, chúng tôi không thể ăn hết. Món chính là thịt bê, đây là lần đầu tiên trong đời tôi ăn món này.

Annelies ngồi bên cạnh và phục vụ tôi rất chu đáo, dường như tôi là ông chủ người châu Âu hay người Indo được kính trọng.

Nyai ăn chậm, giống như một phụ nữ châu Âu học ở trường nội trú của Anh.

Tôi kiểm tra kĩ lưỡng vị trí của những cái thìa và nĩa, việc dùng thìa múc súp và dao, nĩa to để lấy đồ ăn, và cả sự phục vụ cầu kì cho bữa ăn. Mọi thứ đều hoàn hảo. Con dao bằng thép trắng có lẽ được mài bằng máy chứ không phải bằng tay, bởi vậy nó rất sắc. Qua sách vở mà tôi đọc, vị trí của khăn ăn, bát, và vị trí của những cái ly trên những đĩa bạc không sai chút nào.

Robert Suurhof ăn một cách tham lam giống như anh ta chưa ăn trong ba ngày qua. Tôi quá bối rối thậm chí không thấy đói. Annelies không thấy ăn gì, có lẽ bởi sự chú ý mà cô ta dành cho tôi và chỉ mình tôi.

Khi Nyai ngừng ăn, tự nhiên tôi cũng ngừng, và Annelies cũng vậy. Robert Suurhof tiếp tục ăn và hoàn toàn lờ Nyai. Tôi nhận ra rằng người đàn bà này chưa nói với con trai mình một lời.

“Minke”, Nyai nói, “có đúng là bây giờ con người có thể làm đá? Ðá rất lạnh như ở trong sách nói không? Lạnh cứng như mùa đông ở châu Âu?”

“Ðúng rồi, Mama, ít nhất báo chí nói vậy.”

Suurhof vừa nuốt vừa nhìn tôi.

“Tôi chỉ muốn biết những bài báo đó có đúng không.”

“Mọi thứ sẽ có thể được làm bởi con người, mama”, tôi trả lời, mặc dù trong tim tôi thấy rất ngạc nhiên khi người ta có thể nghi ngờ báo chí.

“Mọi thứ? Không thể được”, bà ta trả lời.

Câu chuyện bỗng ngừng bặt. Robert Mellema mời bạn của anh ta đi ra ngoài. Họ đứng lên và bước ra ngoài không hề xin phép người đàn bà bản xứ này.

“Tha lỗi cho bạn của cháu, Mama.”

Bà ta cười, gật đầu với tôi, đứng dạy, và cũng bỏ đi. Người hầu dọn dẹp bàn ăn.

“Mama phải tiếp tục công việc ở văn phòng”, Annelies giải thích. “Sau bữa ăn trưa, em cũng phải làm việc ở đằng sau.”

“Em làm gì?”

“Hãy đi cùng em.”

“Còn bạn của tôi nữa?”

“Anh không cần lo lắng. Anh trai em sẽ mời bạn anh đi săn. Anh ấy luôn đi săn chim hay sóc bằng súng hơi sau bữa cơm trưa.”

“Tại sao lại phải sau bữa trưa?”

“Những con chim và sóc đã no hay buồn ngủ nên chúng không còn nhanh nhẹn nữa. Nào đi thôi.”

Tôi đi sau cô nàng như một đứa trẻ đi theo mẹ. Nếu như cô ta không đẹp, điều này có thể xảy ra không? Ôi, đồ mê gái!

Ði qua cửa phía sau, chúng tôi bước vào một phòng đầy những thùng gỗ có đai sắt. Trên nóc của cái to nhất có một cái máy lọc sữa. Mùi sữa bò đầy phòng. Mọi người làm việc trong yên lặng, dường như họ câm. Thỉnh thoảng họ lại lau người bằng một miếng vải. Ai cũng quấn khăn trắng trên đầu. Tất cả đều mặc áo trắng, tay áo xắn cao khoảng mười centimet trên khuỷu tay. Không phải tất cả là đàn ông. Một vài người là phụ nữ; có thể nhận ra họ từ những miếng vải batik bên dưới áo trắng của họ. Phụ nữ làm việc trong một cơ sở thương mại. Mặc áo trắng! Phụ nữ nhà quê mặc áo sơ mi trắng! Và không phải ở trong bếp của họ! Họ có mặc áo lót ngực bên trong áo sơ mi trắng không?

Tôi nhìn từng người một. Họ chỉ chú ý đến tôi trong giây lát.

Annelies tiến gần đến từng người, và họ chào cô, không nói, chỉ bằng cử chỉ. Đó là lần đầu tiên tôi nhận thấy một cô bé xinh đẹp trong vai trò người quản lý, người mà tất cả công nhân, cả đàn ông và đàn bà đều phải tôn trọng.

Tôi sững người khi nhìn thấy những người đàn bà bỏ nhà bếp của mình, mặc quần áo lao động, kiếm sống trong một cơ sở thương mại của người khác, làm việc cùng với đàn ông! Ðây có phải là tín hiệu của kỉ nguyên hiện đại tại xứ Indies?

“Anh ngạc nhiên khi nhìn thấy phụ nữ làm việc?”

Tôi gật đầu. Cô ta nhìn tôi chăm chú dường như đọc được sự kinh ngạc của tôi.

“Có tốt không? Tất cả áo trắng? Tất cả? Họ mặc đồng phục giống như những công nhân ở Hà Lan, có điều ở đây chỉ dùng vải sợi bông chứ không phải vải lanh. Đó là do luật của Hà Lan.” Cô ta kéo tay tôi và đưa tôi đến một khu rộng, khu vực dành cho sản phẩm khô. Một vài người đang làm việc, bóc đậu lành, tẽ ngô, đậu, và lạc. Ngay khi chúng tôi tới, tất cả đều ngừng công việc, gật đầu và đưa tay lên chào chúng tôi. Tất cả đều đội mũ tre.

Annelies vỗ tay và dơ hai ngón tay ra chỉ vào một người nào đó. Một phút sau một đứa bé mang đến hai cái mũ tre. Annelies đội một cái lên đầu tôi, đội một cái cho mình, và chúng tôi đi bộ vài trăm mét trên con đường lát đá nhỏ.

“Dịp này đang là ngày lễ”, tôi nói. “Tại sao họ không được nghỉ?”

“Họ có thể nghỉ nếu muốn. Mama và em không bao giờ có ngày nghỉ. Họ là những công nhân được thuê theo ngày.”

Dọc theo con đường, phía trước chúng tôi khá xa, tôi có thể nhìn thấy hai Robert, mỗi người khoác một khẩu súng trên vai.

“Em sẽ làm việc gì?” Tôi hỏi.

“Tất cả ngoại trừ công việc văn phòng. Mama tự làm lấy hết.”

Vậy là Nyai Ontosoroh làm công việc văn phòng. Công việc gì mà bà ta có thể làm nhỉ?

“Công việc hành chính?” Tôi cố hỏi thêm.

“Tất cả. Sổ sách, thương mại, hợp tác, ngân hàng…”

Tôi dừng bước. Annelies cũng vậy. Tôi nhìn cô ta bằng ánh mắt không tin tưởng. Cô ta kéo tay tôi và chúng tôi lại đi bộ tiếp đến một dẫy những chuồng bò. Tôi có thể ngửi thấy mùi phân của chúng. Chỉ bởi vì một cô gái đẹp đang đưa tôi đi nên tôi không bỏ chạy; tôi còn đi vào những cái chuồng đó. Lần đầu tiên trong đời. Thật vậy.

Dẫy chuồng rất dài. Trong mỗi chuồng người ta đang bận rộn cho những con bò sữa ăn uống. Mùi phân bò và cỏ thối làm cho không khí nặng nề, và tôi cố kìm nén để khỏi nôn.

“Bác sĩ thú y có hay đến không?” Tôi hỏi.

“Nếu như được mời. Cách đây một năm, hầu như ngày nào ông bác sĩ thú y Domschoor cũng đến. Mama vẫn thích dùng thuốc lá để chữa bệnh mastitis [12] cho bò.”

“Mastitis là bệnh gì?”

Cô ta không trả lời. Nhấc vạt váy sa tanh lên, Annelies đi thẳng đến chỗ mấy con bò và vỗ nhẹ lên trán, nói thì thầm với chúng, thậm chí còn cười. Tôi quan sát cô ta từ xa. Cô ta thật thoải mái khi bước vào trong chuồng bò và nói chuyện với chúng trong lúc mặc một bộ váy sa tanh đẹp như vậy!

Ở đây cũng có phụ nữ làm việc, nhưng họ không mặc áo sơ mi. Mọi người cúi chào chúng tôi. Tôi lùi ra phía ngoài để hưởng chút không khí trong lành.

Cô ta quay lại nhìn tôi dường như muốn tôi đến cạnh cô ta. Tôi giả vờ như không hiểu. Tôi bắt đầu để ý tới những công nhân, những người tỏ vẻ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi ở đó. Họ đang quét và kì cọ sàn bằng cái chổi cán dài. Tất cả là phụ nữ.

Annelies đi bộ dọc theo hàng rào, còn tôi đi song song với cô ta. Cô ta dừng lại để nói chuyện với một công nhân, và cả hai đều liếc nhìn tôi, dường như họ đang chia sẻ một bí mật.

Một công nhân khác cúi đầu đi qua trước mặt tôi, cô ta xách hai cái xô nhôm không. Khuôn mặt của cô ta đẹp. Giống như những người khác cô ta mặc áo và sa rông. Cô ta đi chân đất, những ngón chân vểnh ra trước. Ngực của cô ta đầy đặn và thật quyến rũ. Cô ta cúi đầu, liếc nhìn tôi, và cười một cách mời mọc.

“Xin chào, Sinyo!” Cô ta xưng hô với tôi một cách thoải mái, nhẹ nhàng và quyến rũ.

Tôi chưa từng gặp một cô gái bản xứ nào mà thoải mái như vậy, chào một người đàn ông xa lạ. Cô ta dừng trước mặt tôi và hỏi bằng tiếng Malay:

“Nyo muốn kiểm tra công việc à?”

“Phải”, tôi trả lời.

Ðột nhiên Annelies tiến đến phía sau tôi. “Chị vắt được bao nhiêu xô sữa một ngày, chị Minem?” Bây giờ cô ta nói tiếng Java.

“Như thường lệ, Non [13] ”, Minem trả lời bằng tiếng Java.

“Nếu chị vắt được ít sữa như vậy thì làm sao được làm đội trưởng?”

“Nếu Non muốn, tôi có thể làm đội trưởng được.”

“Nhưng số sữa chị vắt không nhiều hơn những công nhân khác thì không thể làm gương cho họ. Không làm đội trưởng được.”

“Nhưng tổ chúng tôi chưa có đội trưởng”, Minem chống chế.

“Thế tôi không phải là đội trưởng của tổ cô hay sao?”

Annelies kéo tay tôi và chúng tôi đi dọc theo dãy chuồng bò.

“Em chỉ đạo những người này à?” Tôi hỏi.

“Em có thể lấy được nhiều sữa hơn bất kể ai trong số họ”, cô ta trả lời. “Em không nghĩ là anh thích bò. Anh thích đến chuồng ngựa hay đi ra đồng.”

Tôi chưa bao giờ ra đồng. Có gì thú vị ở đó nhỉ? Tuy nhiên tôi vẫn đi theo cô ta.

“Hay anh thích cưỡi ngựa?”

“Cưỡi ngựa?” Tôi kêu lên. “Em cưỡi ngựa à?”

Cô bé con này chưa từng tốt nghiệp tiểu học, nhưng bỗng chốc trở thành một người có một tính cách mạnh mẽ: không chỉ là một nhà quản lý tốt, mà còn có thể cưỡi ngựa và vắt được nhiều sữa bò hơn công nhân của mình.

“Tất nhiên. Làm sao có thể đi kiểm tra công việc trên những cánh đồng rộng như này nếu không biết cưỡi ngựa?”

Chúng tôi đi đến một cánh đồng vừa mới thu hoạch xong. Lạc. Có thể nhìn thấy lạc được chất đống khắp nơi. Cành và thân cây lạc cũng được xếp đống để làm thức ăn cho bò.

“Ðất ở đây rất tốt; có thể sản xuất được ba tấn lạc khô trên một héc ta. Nếu nhà em không chứng minh điều này có lẽ không ai tin là thật”, Annelies nói. “Ðất tốt. Chất lượng số một. Có lợi nhuận. Thậm chí lá và cành rất tốt cho việc làm phân bón hay làm thức ăn cho bò.”

Dường như cô ta đọc được ý nghĩ trong đầu tôi: Ai quan tâm đến hai hay năm tấn lạc một héc ta? Tôi nghe thấy giọng của cô ta: “Anh không quan tâm đến chuyện này. Mình đi đến chuồng ngựa nhé?”

Không để tôi trả lời, cô ta đã lôi tay tôi. Tôi bị kéo theo khi cô ta chạy. Tôi có thể nghe thấy hơi thở của cô ta và rồi những tiếng thở gấp. Cô ta đưa tôi vào trong một cái nhà tôn lớn để xe ngựa các loại. Những cái yên ngựa được treo trên tường. Khu nhà to này dường như trống rỗng.

Nhìn thấy sự ngạc nhiên của tôi khi chú ý tới gian nhà này, gian nhà để xe ngựa to bằng toà nhà của ông bupati, cô ta cười và chỉ cho tôi một cái xe được trang trí bằng đồng bóng loáng và những cái đèn được làm từ đất đèn.

“Anh đã nhìn thấy chiếc xe nào tốt như chiếc này chưa?”

Tôi không chú ý tới những loại xe kiểu này. Tôi cũng chưa làm chủ cái xe nào cả. Bởi vì được hỏi nên tôi nhìn thấy cái xe này tốt thật. Cũng có khi tôi tin cái xe này tốt vì cô ta bảo thế.

“Chưa từng nhìn thấy”, tôi trả lời và đi lại gần chiếc xe.

Annelies lại kéo tôi theo. Chúng tôi đi vào một cái chuồng dài và rộng. Chỉ có ba con ngựa ở bên trong. Mùi ngựa tràn ngập không khí và nó tấn công thính giác của tôi. Cô ta đến bên con ngựa mầu ghi, ôm cổ nó, và thầm thì gì đó vào tai con vật, gọi nó là Bawuk.

Bawuk hí nhẹ như đang trả lời trong tiếng cười. Annelies vuốt trán con ngựa và nó nhe răng ra.

Annelies cười sung sướng.

“Không Bawuk”, cô ta nói tiếng Hà Lan với con ngựa. “Chiều nay chúng ta không đi dạo.” Với giọng nói nghiêm trọng, vừa thì thầm vừa ôm cổ Bawuk, cô ta liếc tôi. “Bây giờ tao đang có khách. Anh ta đây. Anh ta tên là Minke. Tên giả phải không? Chắc vậy. Anh ta là người Hồi giáo Bawuk ạ, Hồi giáo. Nhưng tên của anh ta không phải của người Java, cũng không phải người Hồi, thậm chí không phải người đạo Thiên chúa, tao đoán vậy. Một cái tên giả. Mày có tin anh ta tên là Minke không?”

Một lần nữa con ngựa lại hí lên.

“Nah!” Annlies nói, và quay sang nói với tôi: “Bawuk nói rằng chắc chắn tên của anh là tên giả.”

Họ đang bầy trận. Tôi là mục tiêu của họ. Và hai con ngựa kia cũng gia nhập bằng tiếng hí, nhìn tôi một cách khó chịu bằng những con mắt to không chớp.

“Đi ra ngoài này thôi”, tôi gọi.

“Chờ em, ” cô ta nói rồi đi tới chỗ hai con ngựa kia và vuốt lưng chúng. “Ðến đây.”

“Em có mùi ngựa”, tôi nói.

Cô ta chỉ cười.

“Mùi này không làm em bận tâm sao?”

“Không vấn đề”, cô ta trả lời một cách bực bội. “Bawuk được đối xử như vậy từ khi nó còn bé. Mama sẽ giận nếu như em không yêu nó. Anh phải yêu mọi thứ đã cho anh cuộc sống thậm chí đó chỉ là con ngựa, Mama nói vậy.”

Tôi không quấy rầy cô ta chuyện mùi ngựa nữa.

“Tại sao em không tin tên tôi là Minke?”

Mắt của cô ta ánh lên sự không tin tưởng và bực bội.

Thực ra cái tên đó không phải tôi nghĩ ra, hay tôi thích mọi người gọi tôi Minke. Chính tôi cũng bất ngờ khi bị gọi bằng tên này. Nó có liên quan tới một câu chuyện. Nó bắt đầu khi tôi học ở E.L.S., lúc đó tôi không biết một chữ Hà Lan nào. Tôi rất hay chạm chán với ông Ben Rooseboom, thầy giáo đầu tiên của tôi. Tôi chẳng thể nào trả lời được câu hỏi của ông ta và chỉ biết khóc. Tuy nhiên hàng ngày vẫn có một người giúp việc đưa tôi đến ngôi trường đáng ghét đó.

Tôi học hai năm lớp một. Tôi vẫn gặp ông Rooseboom và vẫn rất sợ ông ta. Nhưng bắt đầu năm thứ hai tiếng Hà Lan của tôi đã khá hơn. Bạn bè của tôi lên lớp hai. Tôi vẫn học lớp một. Tôi ngồi giữa hai cô bé Hà Lan, họ luôn gây chuyện và phá rối tôi. Một lần, Vera, cô này ngồi cạnh tôi, dùng hết sức lực véo vào đùi tôi như để làm quen. Tôi thét lên vì đau.

Mắt của ông Rooseboom trợn ngược lên một cách đáng sợ, và ông ta hét lên:

“Yên lặng, monk… Minke!”

Từ hôm đó mọi người gọi tôi là Minke, người bản xứ duy nhất trong lớp. Những thầy giáo của tôi cũng vậy. Và những người bạn của tôi từ tất cả các lớp khác. Và ở bên ngoài trường nữa.

Một lần tôi hỏi anh trai của tôi, Minke có nghĩa là gì? Anh tôi không biết. Anh ấy thậm chí còn bắt tôi đến hỏi ông Rooseboom. Tôi không dám. Ông của tôi không biết tiếng Hà Lan. Ông cũng không thể đọc hay viết chữ Latin. Ông chỉ biết viết và đọc tiếng Java. Ông muốn Minke sẽ là tên chính của tôi để tỏ lòng kính trọng ông Rooseboom. Bởi vậy tên thật của tôi gần như biến mất.

Cho đến khi tốt nghiệp trường E.L.S, tôi vẫn tin rằng cái tên này có nghĩa không hay lắm. Ngày mà thầy giáo tôi nói từ Minke, mắt của ông ta trợn ngược lên giống như mắt của con bò. Lông mày của ông ta nhẩy ra khỏi bộ mặt to tướng. Và cái thước kẻ trong tay ông ta rơi xuống bàn. Chắc chắn chẳng có ý nghĩa tốt đẹp gì trong cái tên này.

Tôi không tìm thấy từ đó trong từ điển Hà Lan.

Và tôi vào trường H.B.S., Surabaya. Thầy giáo của tôi cũng không biết nghĩa của nó. Không giống những người Java, họ không bao giờ dựa vào cảm giác để đoán nghĩa. Một người thậm chí còn nhắc cho tôi câu châm ngôn của một người Anh nào đó: Một cái tên thì có nghĩa gì? (Tôi không thể nhớ được tên của người Anh đó.)

Chúng tôi bắt đầu học tiếng Anh. Sáu tháng đã qua và tôi gặp một từ phát âm và đánh vần giống với tên tôi. Tôi bắt đầu nghĩ lại: con mắt trợn ngược và lông mày biến mất trên khuôn mặt to tướng – chắc chắn ông ta hạ nhục tôi. Và tôi nhớ ông Rooseboom đã ngập ngừng khi nói tên tôi. Tôi dám chắc rằng: có lẽ ông ta cố ý hạ nhục tôi bằng cách gọi tôi là monkey [14] .

Tôi chưa bao giờ nói cho ai câu chuyện này. Dĩ nhiên mọi người sẽ chế nhạo tôi suốt đời nếu họ biết chuyện. Tôi cũng không nói cho Annelies.

“Minke là một tên hay”, Annelies nói. Và: “Mình đến mấy làng đằng kia. Có bốn cái làng trên đất của nhà em. Mọi người trong làng đều làm việc cho nhà em.”

Những người dân làng đều chào chúng tôi với sự kính trọng. Họ gọi Annelies là Non hay Noni.

“Nhà em có bao nhiêu héc ta?” Tôi hỏi.

“Một trăm tám mươi.”

Một trăm tám mươi! Tôi không thể tưởng tượng nó lớn thế nào. Và cô ta tiếp tục.

“Ðó chỉ là đồng ruộng, chưa kể rừng.”

Rừng! Cô ta làm chủ rừng. Ðiên khùng. Ðể làm gì?

“Lấy củi”, cô ta thêm vào.

“Có lẽ em làm chủ cả hồ nữa?”

“Vâng. Có hai cái hồ nhỏ.”

“Thế còn núi?” Tôi hỏi.

“Anh đừng trêu em.” Cô ta cấu tôi một cái.

“Khi núi lửa hoạt động, em có thể lấy lửa về dùng.”

“Anh này!” Cô ta cấu tôi cái nữa.

“Đằng kia trồng cái gì thế?” Tôi hỏi, chỉ một khu đầm lầy một vài mét phía trước.

“Chỉ có sậy. Anh chưa nhìn thấy loại sậy đó bao giờ à?”

“Đi đến đó nhé”, tôi nói.

“Không”, cô ta trả lời chắc chắn và vai của cô ta run lên. Rõ ràng là sợ hãi.

“Em sợ chỗ đó à?”

Cô ta nắm tay tôi và tay của cô ấy rất lạnh. Đôi mắt của cô ta trở nên sợ hãi và không nhìn về phía đầm lầy. Môi của cô ta tái nhợt. Tôi nhìn từ phía sau. Cô ta kéo tay tôi và thì thầm một cách sợ hãi:

“Ðừng chú ý. Ði nhanh lên một chút.”

Chúng tôi vào tới một làng khác, đi qua làng đó rồi lại vào một làng nữa. Mọi nơi đều như nhau: Những đứa trẻ không mặc quần áo đang chơi, đứa nào mũi cũng thò lò. Vài đứa đang liếm nước mũi. Trong bóng râm, những phụ nữ có bầu đang ngồi khâu trong khi địu những đứa con nhỏ bằng miếng vải. Hai hay ba phụ nữ ngồi thành hàng đang bắt chấy cho nhau.

Một vài người muốn nói chuyện với Annelies, muốn xin cô giúp đỡ. Và người con gái mạnh mẽ này, giống như một người mẹ, thân thiện chú ý tất cả mọi người. Cô ta yêu ngựa vì nó mang lại cuộc sống cho cô ta và cũng như với những người này. Cô ta xuất hiện thật cao cả giữa những người dân làng, thần dân của cô ta. Có lẽ vĩ đại hơn cả người mà tôi thường nằm mơ, người mà giờ đây là nữ hoàng cai trị toàn xứ Indies, Suriman, Antilles, và chính nước Hà Lan nữa. Da của Annelies có lẽ mịn màng và rám nắng hơn. Và cô ấy dễ gần hơn.

Ngay sau khi cô ta nghe hết những yêu cầu của mọi người, chúng tôi tiếp tục đi dạo. Thiên nhiên rộng lớn và bầu trời không mây bao bọc chúng tôi. Trời nóng bỏng. Lúc đó tôi thì thầm với cô ta những lời sau:

“Em đã nhìn thấy ảnh của nữ hoàng chưa?”

“Rồi ạ. Bà rất đẹp!”

“ Ừ. Em không sai.”

“Tại sao anh hỏi?”

“Em còn đẹp hơn bà ta.”

Cô ta dừng bước, nhìn thẳng vào tôi.

“Cảm-ơn-anh, Minke”, cô ta ngượng ngập trả lời.

Con đường trở nên nóng hơn và yên lặng hơn. Tôi nhẩy qua một cái rạch chỉ để nhìn xem cô ta có nhẩy qua không. Cô ta kéo cao váy và nhẩy. Tôi nắm tay của cô ta, kéo gần về phía tôi, và hôn lên má của cô ta. Cô ta nhìn tôi bằng đôi mắt mở to kinh ngạc như đang dò xét.

“Anh!” Mặt cô ta tái xanh.

Và tôi hôn cô ta một lần nữa. Lần này tôi cảm nhận được da mượt như nhung của cô ta.

“Em là cô gái đẹp nhất mà anh từng gặp”, tôi thì thầm bằng tất cả sự thành thật trong trái tim. “Anh thích em, Ann.”

Cô ta không trả lời, và cũng không nói cám ơn. Cô ta ra hiệu chúng tôi nên về nhà. Trên đường về cô ta đi trong yên lặng. Cảm giác có một thảm hoạ lại đến với tôi: Mày sẽ lĩnh đủ những rắc rối do mày gây ra, Minke. Nếu cô ta phàn nàn với Darsam, mày sẽ bị đánh trước khi kịp sủa.

Cô ta cúi đầu bước. Chỉ lúc đó tôi mới nhận ra cô ta bỏ lại đôi dép xăng đan phía bên kia của rạch nước. Đầu tiên tôi giả vờ không biết. Nhưng tôi cảm thấy xấu hổ nếu làm như vậy.

“Em bỏ quên dép, Ann.”

Cô ta chẳng để ý tới. Không trả lời. Không nhìn lại. Cô ta đi nhanh hơn.

Tôi nhanh chóng đi cạnh cô ta.

“Em giận à, Ann? Giận tôi phải không?”

Cô ta tiếp tục đi trong yên lặng.

Dinh thự bằng gỗ hiện ra ở đằng xa, cao hơn cả những toà nhà khác. Tôi có thể nhìn thấy Nyai đang nhìn chúng tôi từ cửa sổ trên cao. Annelies đang cúi đầu bước không biết có một đôi mắt đang dõi theo chúng tôi cho đến khi mái nhà của nhà máy che đi.

Chúng tôi bước vào nhà và lại ngồi xuống cái ghế dài ở căn phòng phía trước. Annelies ngồi câm lặng bỏ lại những câu hỏi của tôi trong im lặng. Bỗng nhiên cô ta đứng dạy và đi vào một phòng khác. Tôi ngồi đó và càng trở nên lo lắng. Chắc cô ta sẽ phàn nàn với Nyai. Tôi sẽ nhận được một hình phạt xứng đáng! Nhưng không, tôi sẽ không bỏ chạy.

Không lâu sau cô ta trở lại, mang theo một bọc giấy lớn. Cô ta đặt bọc đó trên bàn và nói lạnh lùng:

“Đã chiều muộn rồi. Anh nghĩ đi. Cửa đó” – cô ta chỉ về cánh cửa phía sau – “là phòng của anh. Trong bọc này là dép, khăn tắm, và quần áo ngủ. Anh có thể tắm ở đó. Em vẫn còn việc phải làm.

Trước khi đi, cô ta đi đến cánh cửa vừa chỉ, mở nó ra, và mời tôi vào.

“Anh đã biết phòng tắm chỗ nào rồi”, cô ta nói thêm. Đẩy nhẹ tôi vào, cô ấy đóng cửa từ phía ngoài, bỏ tôi một mình ở trong đó.

Những căng thẳng lớn bé làm tôi mệt mỏi. Tôi lo sợ những hậu quả do những hành động thô lỗ liên tiếp của mình, mặc dù tôi không cho là mình đã làm điều gì sai trái. Tôi làm gì sai? Bất kể người đàn ông trẻ tuổi nào cũng xử sự như vậy trước một người phụ nữ xinh đẹp. Không phải thầy giáo dạy sinh vật của tôi nói …? Thôi quên sinh học đi!

Bước vào buồng tắm lại là một kinh nghiệm mới, một kiểu xa xỉ khác. Những bức tường được gắn bằng gương dầy ít nhất ba mili mét. Nền được lát bằng gạch sứ mầu kem. Tôi chưa từng nhìn một cái buồng tắm rộng, sạch, và đẹp như thế. Thậm chí ở trong nhà của một bupati cũng không có cái buồng tắm như thế. Nước rất xanh trong bồn tắm tráng men mời tôi đắm mình trong đó. Và bất kể nơi nào mắt của bạn nhìn vào, bạn luôn nhìn thấy bạn: trước, sau, bên cạnh, mọi thứ.

Nước xanh mát lạnh rửa đi sự lo lắng và sợ hãi của tôi.

Và tôi nghĩ nếu như giàu có, tôi sẽ xây nhà xa xỉ như này. Không kém một chút nào.

*

Mama mời tôi ngồi ở phòng phía sau. Bà ta ngồi xuống cạnh tôi và bắt đầu nói chuyện về kinh doanh và thương mại. Ngay khi câu chuyện bắt đầu tôi đã thấy rõ là mình chẳng biết gì về những vấn đề này. Bà ta dùng rất nhiều những cụm từ châu Âu chuyên môn mà tôi không biết. Thỉnh thoảng bà ta giải thích cho tôi giống như một cô giáo. Và tôi thật ngạc nhiên! Nyai đang ngồi cạnh tôi là ai?

“Sinyo quan tâm đến kinh doanh và thương mại”, bà ta nói tiếp, làm như tôi hiểu tất cả. “Không giống một người Java chút nào, lại là con trai của một nhân vật quan trọng. Có lẽ Sinyo muốn trở thành nhà kinh doanh hay nhà thương gia?”

“Cháu đang thử làm công việc kinh doanh, Mama.”

“Sinyo? Con trai của một bupati? Kinh doanh cái gì?”

“Có lẽ bởi vì cháu không phải là con của bupati”, tôi cải chính.

“Công việc kinh doanh gì?”

“Ðồ gỗ cao cấp, Mama”, tôi bắt đầu nói đến kế hoạch của mình, “kiểu mẫu và phong cách mới nhất từ châu Âu. Cháu xem những hàng mới nhập về từ châu Âu bằng tàu thuỷ, cũng như ở nhà của bạn bè trong trường.”

“Và việc học hành ở trường? Cậu không sao lãng việc học sao?”

“Chưa bao giờ, Mama.”

“Thú vị thật. Ðối với tôi, những người luôn cố gắng là những người thú vị. Sinyo làm chủ xưởng làm đồ gỗ à? Có bao nhiêu người thợ?”

“Không, cháu chỉ bán đồ gỗ qua hình ảnh .”

“Vậy cậu đến đây để bán đồ hả? Cho tôi xem những bức ảnh đó nào.”

“Cháu không mang theo khi đến đây. Nhưng nếu Mama cần, cháu sẽ mang đến dịp khác: ví dụ tủ quần áo giống như trong những dinh thự ở Áo hay Pháp hay Anh – Renaissance, baroque, rococo, Victorian …”

Bà ta lắng nghe tôi một cách chăm chú. Hai lần tôi thấy bà ta bật môi. Tôi không biết bà ta muốn khen hay chê. Bà ta nói chậm rãi:

“Con người sẽ hạnh phúc khi kiếm sống được bằng chính mồ hôi của mình, đạt được thoả mãn từ những cố gắng của chính mình, và thành công bởi chính kinh nghiệm của mình.”

Giọng nói của bà ta như được phát ra từ lồng ngực của nhân vật thầy tu trong buổi diễn wayang [15] . Bỗng bà ta kêu lên:

“Ái chà!” Bà ta đang nhìn lên phía đầu cầu thang.

Bước xuống những bậc thang là thiên thần Annelies trong sa rông batik và áo viền kabaya truyền thống. Tóc búi rất cao để lộ cái cổ trắng của cô ta. Cổ, tay, tai, và ngực được trang điểm bằng hai mầu xanh trắng của ngọc bích, ngọc trai, và kim cương. (Thật sự tôi không biết cái nào là kim cương, là ngọc bích, cái nào là thật, cái nào là giả.)

Tôi bị mê hoặc. Cô ta ở ngay trước mắt tôi và chắc chắn đẹp hơn thiên thần Jaka Tarub trong câu chuyện huyền thoại Babad Tanah Jawi. Cô ta cười ngượng ngập. Trang sức trên người cô ta thật rực rỡ, quá xa xỉ. Và tôi biết cô ta mặc như vậy để cho mình tôi.

Với khuôn mặt xinh đẹp như vậy, tôi cảm thấy những đồ trang sức đó thật không cần thiết. Thậm chí không mặc quần áo gì cả cô ta vẫn xinh đẹp. Thật khờ khạo làm sao khi nghĩ rằng cái đẹp mà thượng đế ban tặng vẫn cần thêm sự tô điểm của con người. Những trang sức lấy từ biển và đất kia làm cô ta trông xa lạ. Sa rông batik và áo viền kabaya truyền thống, đồ mà cô ta không quen mặc, làm cho những chuyển động của cô ta giống như những con rối gỗ. Vẻ mềm mại và duyên dáng đã biến mất, mọi thứ trên người cô ta có vẻ giả dối. Nhưng đây không phải là vấn đề – cái gì đẹp thì vẫn đẹp. Ðối với tôi thì tốt nhất là lờ chuyện này đi.

“Nó mặc như vậy là cho cậu đấy, Nyo”, Nyai nói thầm với tôi. Bà ta đã đọc được ý nghĩ của tôi.

Annelies đi đến chỗ chúng tôi với nụ cười và có lẽ cùng với lời cám ơn trong trái tim. Nhưng trước khi tôi có thể nói những lời khen ngợi, Nyai đã nói trước:

“Con học được cách mặc trang phục và đeo trang sức như này từ ai vậy?”

“Ah, Mama này!” Cô ta bật kêu lên, lắc nhẹ vai mẹ và liếc nhìn tôi với đôi mắt mở to. Cô ta đỏ mặt.

Tôi thấy ngượng khi nghe đoạn đối thoại giữa mẹ và con gái: quá thân mật để một người lạ nghe. Tuy nhiên ở gần Mama tôi cảm thấy mình cần phải cẩn thận. Tôi phải luôn tỏ ra mình là một người đàn ông cứng rắn, hấp dẫn, nhanh nhẹn, khả năng chinh phục phái đẹp không mệt mỏi. Dù cho đứng trước mặt nữ hoàng tôi cũng phải thể hiện thái độ như vậy. Ðó là bộ lông của con công, cái sừng của con hươu, biểu tượng của nam tính.

Tôi không tham dự vào câu chuyện giữa mẹ và con gái này.

“Ðấy, Ann, Sinyo sẵn sàng đi về nhà rồi. Thật may mắn là chúng ta giữ cậu ta lại. Nếu không cậu ấy bỏ lỡ cơ hội nhìn con mặc đẹp thế này!”

“Ah, Mama này!” Một lần nữa Annelies lại nói bằng giọng ngọt ngào, nhõng nhẽo với mẹ. Mắt của cô ta liếc nhìn tôi.

“Nyo thấy thế nào? Tại sao cậu yên lặng thế? Cậu quên mất thói quen của mình rồi sao?”

“Quá đẹp, Mama. Có từ nào để diễn tả sắc đẹp này? Thật đấy, Ann.”

“Ðúng”, Nyai thêm vào, “thật xứng để trở thành nữ hoàng của xứ Indies, phải không Nyo?” Bà ta quay về phía tôi.

“Ah, Mama này”, người đẹp chỉ biết nói mỗi câu này.

Mối quan hệ giữa mẹ và con gái này thật kì lạ đối với tôi. Có lẽ do kết quả của một cuộc hôn nhân không hợp pháp. Có lẽ đây cũng là không khí trong nhà của tất cả nyai. Thậm chí trong những gia đình châu Âu ngày nay và những gia đình ở xứ Indies tương lai cũng như vậy. Mối quan hệ này thật không bình thường. Tôi lại thấy thích. Và thật may mắn màn ca tụng cuối cùng kết thúc dở dang.

Trời tối dần. Mama vẫn nói. Annelies và tôi chỉ nghe. Có quá nhiều điều mới lạ được nói ra từ miệng của bà ta, thầy giáo của tôi còn chưa nói tới. Ðáng nhớ. Và tôi vẫn chưa được phép đi về nhà.

“Xe ngựa?”, bà ta hỏi. “Đằng sau có rất nhiều xe. Nếu thích cậu có thể lấy một chiếc để đi về.”

Một thằng bé bắt đang thắp những ngọn đèn ga. Tôi vẫn chưa biết bình ga để ở đâu.

Những người làm bắt đầu chuẩn bị bàn ăn tối.

Hai anh chàng Robert được gọi. Bữa tối được bắt đầu trong yên lặng.

Một người làm bước ra phòng phía trước để đóng cửa. Ðèn ở phòng phía sau có cái chụp kính mầu trắng sữa đang toả sáng mờ mờ. Không ai nói một lời nào. Những con mắt di chuyển từ đĩa ra bát, từ bát ra đĩa. Thìa, nĩa, và dao kêu lách cách khi chúng chạm vào đĩa.

Nyai ngửng đầu. Ai đang mở cửa trước, không có tiếng gõ cửa, không có tiếng nói. Tôi nhìn Nyai. Bà ta nhìn một cách cảnh giác về phòng phía trước.

Robert Mellema nhìn cùng một hướng. Mắt anh ta tỏ ra sự hài lòng và môi nở một nụ cười thoả mãn. Tôi cũng muốn quay lại nhìn, nhìn về phía họ đang nhìn. Tôi kiềm chế ham muốn của tôi; làm vậy không lịch sự, không nam tính. Tôi liếc nhìn Annelies. Ðầu của cô ta cúi xuống, mắt của cô ta đang nhìn lên, rõ ràng cô ta đang cố lắng nghe.

Thật cẩn thận, tôi để thìa xuống và tập trung nghe những tiếng động sau lưng tôi. Tiếng giầy gõ trên sàn. Càng lúc càng rõ, càng gần. Nyai dừng ăn. Robert Suurhof không đưa thức ăn lên miệng mà đặt thìa và nĩa lên đĩa. Tôi nghe bước chân gần hơn, nhanh hơn tiếng tích tắc của đồng hồ quả lắc.

Robert Mellema tiếp tục ăn dường như không có chuyện gì xảy ra.

Cuối cùng Annelies, người đang ngồi bên cạnh tôi, liếc nhìn đằng sau. Cô ta chớp mắt, nhìn sửng sốt. Thìa của cô ta rơi xuống sàn nhà. Tôi cố nhặt nó lên. Một người làm chạy tới và lấy nó. Và người đó bước nhanh đi ra chỗ khác. Annelies đứng dạy dường như muốn chào đón người mới đến.

Tôi đặt thìa và nĩa lên đĩa, làm theo Annelies, đứng dạy và quay lại.

Nyai cũng đứng dạy.

Ánh đèn phòng phía trước hắt vào một bóng người. Những bước chân rõ ràng hơn. Và một người đàn ông châu Âu bước vào – cao, to, béo, quá béo. Quần áo của ông ta luộm thuộm và tóc rối bời, ai biết chắc đó là mầu trắng hay mầu ghi.

Ông ta nhìn về phía chúng tôi. Dừng lại một chút.

“Cha của em?” Tôi thì thầm với Annelies.

“Vâng.” Cô ấy nói lí nhí.

Ông Mellema nhìn thẳng vào tôi, kéo lê đôi chân thẳng về phía tôi. Về phía tôi. Ông ta dừng trước mặt tôi. Lông mày của ông ta rậm, hầu như trắng, và mặt của ông trắng bệch. Trong giây mắt của tôi nhìn xuống đôi giầy của ông ta, đôi giầy đầy bụi, không buộc. Tôi nhớ lại những gì thầy giáo tôi dạy: nhìn vào mắt những người muốn nói chuyện với mình. Nhanh chóng tôi nhìn lên và chào:

“Xin chào ông Mellema”, bằng tiếng Hà Lan và với giọng lịch sự.

Ông ta gầm gừ giống như con mèo. Bộ quần áo luộm thuộm thật rộng đối với ông ta. Tóc của ông ta không chải và rất mỏng trùm lên chán và tai.

“Ai cho phép mày đến đây, đồ con khỉ!” Ông ta quát lên những câu nói bằng tiếng Malay, kì cục và thô lỗ.

Ðằng sau tôi Robert Mellema ho. Tôi nghe thấy Annelies bật khóc. Robert Suurhof chuẩn bị sẵn sàng đứng lên để chào. Nhưng con quỉ trước mặt tôi không chú ý gì đến anh ta.

Tôi phải công nhận: Người tôi run lên, mặc dù chỉ ít thôi. Trong tình huống này tôi chỉ còn chờ đợi những lời từ Nyai. Tôi không thể trông đợi vào những người khác. Sẽ là thảm hoạ cho tôi nếu bà ta im lặng. Và thật sự bà ta im lặng.

“Thằng nhóc, mày nghĩ rằng mặc quần áo châu Âu, trộn lẫn với người châu Âu, và có thể nói một chút tiếng Hà Lan thì mày trở thành người châu Âu à? Mày vẫn sẽ chỉ là con khỉ.”

“Im mồm đi!” Nyai gằn giọng nói bằng tiếng Hà Lan. “Anh ta là khách của tôi.”

Đôi mắt tối tăm của ông Mellema nhìn bà vợ lẽ. Xắp có chuyện gì xảy ra bởi người khách bản xứ không mời này chăng?

“Nyai”, ông Mellema nói.

“Một người châu Âu điên cũng giống như một người bản xứ điên!” Mắt của bà ta cháy lên sự căm thù và kinh tởm. “Ông không có quyền gì trong ngôi nhà này. Ông biết phòng của mình ở đâu.” Nyai chỉ tay đến một cánh cửa. Và ngón tay trỏ của bà nhọn như một móng vuốt của con mèo.

Ông Mellema vẫn đứng trước mặt tôi, ngập ngừng.

“Tôi có cần phải gọi Darsam không?” Bà ta đe doạ.

Người đàn ông to béo lúng túng, gầm gừ đáp lại. Ông ta quay đi, kéo lê bàn chân đến cánh cửa phòng, bên cạnh căn phòng tôi đã nghỉ và biến mất đằng sau đó.

“Rob”, Robert Mellema nói với khách của mình, “hãy đi ra ngoài, trong này nóng quá.”

Họ đi ra ngoài cùng nhau, không một lời với Nyai.

“Rác rưởi!” Nyai nguyền rủa.

Annelies khóc.

“Yên lặng, Ann. Tha lỗi cho chúng tôi, Minke, Nyo. Ngồi xuống. Ðừng gây thêm sự buồn khổ, Ann. Ngồi vào chỗ của con đi.”

Cả hai chúng tôi ngồi xuống. Annelies che mặt bằng chiếc khăn tay bằng lụa. Và Nyai vẫn nhìn vào cánh cửa mới đóng.

“Không cần phải xấu hổ trước mặt Sinyo”, không nhìn chúng tôi Nyai nói trong sự giận dữ. “Và cậu, Nyo, cậu có lẽ sẽ không bao giờ quên điều này. Tôi không xấu hổ. Sinyo cũng không cần cảm thấy xấu hổ hay giận dữ. Tôi đã làm chính xác những gì phải làm. Hãy coi như ông ta không tồn tại, Nyo. Tôi từng là nyai trung thành của ông ta, một người bạn đời của ông ta. Bây giờ ông ta chỉ là rác thải vô dụng. Chỉ còn biết bôi sấu con cái của mình. Ðó là cha của con, Ann.”

Dịu bớt sau cơn giận dữ, bà ta ngồi xuống nhưng không ăn nữa. Khuôn mặt của bà ta lạnh và sắc. Tôi bình tĩnh nhìn bà ta. Người phụ nữ này là người thế nào?

“Nếu không cứng rắn như vậy, Nyo – tha lỗi cho tôi vì tôi phải chống lại sự lăng mạ của ông ta – nếu không cái gì sẽ sẩy đến? Con cái… công việc kinh doanh… Chúng tôi sẽ bị phá sản. Tôi không hối hận khi hành động như vậy trước mặt cậu, Nyo.” Bà ta thấp giọng dường như nài nỉ tôi. “Ðừng cho tôi là con người không lễ độ và thô lỗ, Nyo”, bà ta nói tiếp bằng tiếng Hà Lan rất chuẩn. “Tất cả vì sự tốt đẹp của ông ta. Tôi đối xử với ông ta theo cách mà ông ấy mong muốn. Ðó là những gì ông ta muốn. Những người châu Âu đã dạy tôi hành động như vậy, Minke, chính những người châu Âu.” Giọng của bà ta nài nỉ tôi để tôi tin. “Không phải ở trường học, mà trong cuộc sống.”

Tôi im lặng. Tôi ghi nhớ từng chữ của bà ta trong bộ nhớ của tôi: không phải ở trường học, mà trong cuộc sống! Ðừng cho tôi là con người không lễ độ và thô lỗ! Những người châu Âu đã dạy tôi hành động như vậy …

Nyai đứng dạy, đi chậm đến cửa sổ. Ở đằng sau cánh cửa, bà ta kéo một sợi dây mà đầu sợi dây được trang trí bằng tua chỉ. Từ xa có thể nghe thấy tiếng chuông. Người hầu gái vừa mới biến mất lại xuất hiện. Nyai nói cô ta dọn đồ ăn đi. Tôi vẫn chưa biết nên làm gì.

“Cậu nên về nghỉ, Nyo”, bà ta nói.

“Vâng, Mama. Tốt hơn là cháu nên về nhà.”

Bà ta đi đến chỗ tôi. Ðôi mắt của bà ta trở lại như cũ, hiền dịu của một người mẹ.

“Ann”, bà ta nói mềm mại hơn, “bây giờ khách của con về. Lau nước mắt đi.”

“Tha lỗi cho chúng tôi, Minke”, Annelies thì thầm, nén khóc.

“Không có gì đâu, Ann.”

“Khi nào có ngày nghỉ, đến đây chơi, Nyo. Ðừng ngại. Không có gì xảy ra đâu. Cậu nghĩ sao? Ðồng ý chứ? Bây giờ Sinyo phải đi về. Darsam sẽ đưa cậu về bằng xe ngựa.”

Bà ta lại đi đến cánh cửa và kéo dây sau đó quay lại chiếc ghế của mình. Bà ta thật đáng kinh ngạc, nyai này: mọi người và mọi vật xung quanh đều nằm trong bàn tay của bà ta, và tôi, chính tôi cũng vậy. Tốt nghiệp từ trường học nào mà bà ta có giáo dục và thông minh đến vậy? Và bà ta có thể biết được nhu cầu khác nhau của nhiều người một lúc. Nếu như bà ta tốt nghiệp từ một trường học nào đó, làm sao bà ta có thể chấp nhận vị trí của mình như một nyai? Tôi không thể hiểu được những chuyện này.

Người đàn ông Madura đã đến. Ông ta khoảng bốn mươi, quần áo toàn mầu đen, buộc một cái khăn trên đầu kiểu miền đông Java. Một cái kiếm ngắn được dắt ở lưng quần. Bộ ria mép của ông ta vểnh cao, đen và dầy.

Nyai nói với ông ta bằng tiếng Madura. Tôi không hiểu được hết đoạn đối thoại. Bà ta có lẽ ra lệnh cho ông ấy đưa tôi về nhà an toàn.

Darsam đứng thẳng. Ông ta không nói. Ông ta nhìn tôi bằng con mắt thăm dò không chớp – dường như ông ta muốn ghi nhớ khuôn mặt của tôi.

“Cậu này là khách của tôi và cũng là khách của cô Annelies”, Nyai nói bằng tiếng Java. “Ðưa cậu ấy về nhà. Ðừng để chuyện gì xảy ra ở trên đường. Cẩn thận nhé.” Ðúng ra nó chỉ là những câu nói được dịch từ đoạn đối thoại lúc trước bằng tiếng Madura.

Darsam đưa tay lên không nói một câu và bỏ đi.

“Sinyo, Minke”, Nyai bằng giọng tin tưởng, “Annelies không có bạn. Nó rất vui mừng khi Sinyo đến đây. Chắc là cậu cũng không có nhiều thời gian. Tôi biết điều này. Thậm chí như vậy cũng cố gắng đến đây chơi thường nhé. Cậu không cần lo sợ ông Mellema. Đó là việc của tôi. Nếu Sinyo thích, chúng tôi sẽ rất vui mừng mời cậu ở luôn đây. Cậu sẽ được đưa đến trường hàng ngày bằng xe ngựa. Ðó là nếu cậu thích.”

Ðúng là một ngôi nhà và một gia đình kì lạ và đáng sợ! Thật đúng với những gì thiên hạ bàn tán. Tôi trả lời:

“Ðể cháu suy nghĩ, Mama. Cám ơn Mama đã quan tâm.”

“Anh đừng từ chối nhé”, Annelies nói. Có sự trách móc trong giọng nói của cô ta.

“Ðúng rồi, Nyo, hãy suy nghĩ về việc này. Nếu cậu không phản đối, Annelies sẽ lo tất cả việc này. Có phải không Ann?”

Annelies gật đầu đồng ý.

Có tiếng xe đang đi dọc theo ngôi nhà. Chúng tôi đi bộ ra trước nhà và nhìn thấy Robert Suurhof và Robert Mellema đang ngồi yên lặng, nhìn ra ngoài bóng đêm. Chiếc xe dừng trước những bậc thềm. Suurhof và tôi bước xuống và lên xe.

“Xin chào tất cả mọi người, cám ơn rất nhiều Mama, Ann, Rob!” Tôi nói.

Và chiếc xe bắt đầu lăn bánh.

“Dừng lại!? Mama ra lệnh. Chiếc xe dừng lại. “Sinyo, Minke! Xuống đây một chút.”

Giống như kẻ nô lệ tôi làm theo lệnh của bà ta. Không suy nghĩ tôi trèo xuống xe và bước tới bậc thềm. Nyai bước xuống một bậc, Annelies cũng vậy, và Nyai nói chậm vào tai tôi:

“Annelies nói với tôi, Nyo – đừng sợ – có đúng là cậu đã hôn nó không?”

Thậm chí một tia chớp trước mắt cũng không làm tôi kinh ngạc đến thế. Lo lắng tràn khắp người tôi, xuống chân tôi, và chân tôi run lên.

“Có đúng vậy không?” Bà ta khăng khăng. Nhận ra rằng tôi không thể trả lời, bà ta kéo Amelies gần về phía tôi. “Nếu là thật. Bây giờ Minke hãy hôn Annelies trước mặt tôi. Vậy tôi có thể biết là con gái của tôi không nói dối.”

Tôi run rẩy. Tuy nhiên tôi không thế từ chối mệnh lệnh của bà ta. Và tôi hôn Annelies lên má.

“Tôi rất tự hào, Nyo, chính cậu đã hôn nó. Cậu về nghỉ được rồi.”

*

Tôi không thể nói một lời nào suốt chặng đường về nhà. Tôi cảm giác Nyai bỏ bùa mê thuốc lú vào tôi. Annelies thật sự đẹp. Tuy nhiên người mẹ thông minh của cô ta có thể chinh phục tất cả mọi người, tất cả sẽ phải làm theo những mong muốn của bà ta.

Robert Suurhof cũng không nói.

Chiếc xe lăn lạch cạch dường như trên con đường sỏi đá. Ánh sáng phát ra từ chiếc đèn đất đèn làm sáng một góc đường. Chỉ duy nhất chiếc xe của chúng tôi trên đường đêm hôm đó. Chắc chắn mọi người đổ xô vào Surabaya để chào mừng lễ lên ngôi của Wihelmina.

Darsam đưa tôi về đến nhà trọ ở Kranggan. Ông ta dừng lại cho đến khi tôi bước vào nhà và tiếp tục đưa Suurhof về nhà.

“Ôi cậu Minke!” Bà Telinga, người chủ nhà lắm mồm của tôi gọi lớn. “Thế cậu chủ không ăn cơm ở nhà nữa hay sao? Tôi để lá thư mới ở trong phòng cậu. Tôi thấy cậu vẫn chưa đọc những lá trước đây. Những cái phong bì vẫn chưa được bóc. Hãy nhớ lấy cậu chủ, những lá thư đó được viết, được dán tem, và được gởi đi để đọc. Ai biết trong đó có điều gì quan trọng? Tất cả chúng đều đến từ thành phố B – Cậu chủ, cậu có vấn đề gì vậy? Ngày mai tiền đi chợ hết rồi nhé.”

Tôi đưa vài xu cho bà chủ nhà lắm mồm. Như thường lệ bà ta nói cám ơn nhiều lần một cách khách sáo.

Có một cốc sô cô la nóng để trong phòng của tôi. Tôi uống một hơi. Tôi cởi giầy, áo, nhẩy lên giường, và nghĩ lại tất cả những gì đã xảy ra. Nhưng mắt của tôi đập vào bức hình người đẹp được treo ở trên tường gần cái đèn dầu. Tôi nhẩy ra khỏi giường, nhìn nó thật kĩ rồi quay úp nó vào tường. Tôi trèo lại lên giường.

Tôi bỏ mấy tờ báo Surabaya và Batavia sang bên mà như thường lệ chúng được đặt ở trên gối. Thói quen của tôi là đọc báo trước khi đi ngủ. Tôi không biết tại sao nhưng tôi thích đọc những báo cáo về nước Nhật. Tôi thấy thích thú khi phát hiện ra những thanh niên của nước họ được gởi đi Anh hay Mỹ du học. Có thể nói tôi là một người hiểu biết về nước Nhật. Nhưng đêm nay có một điều khác thú vị hơn – gia đình giàu có và kì lạ đó: Nyai với quyền lực có thể nắm giữ trái tim mọi người, dường như bà ta là phù thuỷ; Annelies Mellema đẹp, trẻ con tuy nhiên có kinh nghiệm quản lí công nhân; Robert Mellema với cái nhìn sắc lẹm, người chẳng quan tâm đến bất kể việc gì, thậm chí đối với mẹ đẻ, ngoại trừ bóng đá; Ông Mellema to như con voi nhưng lại không có chút quyền hành trước mặt người vợ lẽ của mình. Mỗi người đều giống một nhân vật trong kịch. Gia đình này thuộc loại nào? Và bản thân tôi nữa? Tôi cũng hoàn toàn không còn chút sức mạnh nào trước Nyai. Thậm chí khi tôi úp mặt xuống giường giọng của bà ta vẫn văng vẳng: Annelies không có bạn. Nó rất vui mừng khi Sinyo đến đây. Chắc là cậu cũng không có nhiều thời gian. Thậm chí như vậy cũng cố gắng đến đây chơi thường nhé … chúng tôi sẽ rất vui mừng mời cậu ở đây…

Tôi có cảm giác chỉ ngủ được một tí thì đã có những tiếng động ở nhà ngoài. Tôi thắp đèn dầu ở trong phòng lên. Năm giờ sáng.

“Có một gói đồ. Cho cậu Minke” – tôi nghe thấy một giọng đàn ông – “sữa, pho mát, và bơ. Có một bức thư từ Nyai Ontosoroh nữa.”

Nguồn: Dịch từ nguyên tác Bumi Manusia (Jakarta, Hasta Mitra, 2001), có tham khảo bản tiếng Anh This Earth of Mankind, dịch giả Max Lane (New York, William Morrow and Company, Inc., 1990).


Bản tiếng Việt © 2007 talawas

[1]Indies: thuộc địa của Hà Lan mà ngày nay là Indonesia. (Tất cả các chú thích trong bản dịch này đều là của các dịch giả. - talawas)
[2]Indo: tiếng chỉ người có hai dòng máu Á Âu.
[3]Perankan: tiếng chỉ con lai (thường là giữa người bản xứ và người Trung Quốc).
[4]Indisch: tiếng chỉ người bản xứ
[5]Bupati: chức vụ hành chính dành cho người bản xứ tương đương với quan huyện.
[6]Harem: từ gốc Ả Rập chỉ buồng kín hay khu nhà dành riêng cho các bà vợ trong gia đình đạo Hồi.
[7]Phần lớn người Java không có tên họ, thường tên chỉ có một từ.
[8]Nyai: từ để gọi những phụ nữ là nhân tình hay vợ lẽ của người châu Âu hay Trung Quốc. Theo tiếng Java, từ này dùng để gọi một phụ nữ lớn tuổi.
[9]Sinyo: từ để gọi những thanh niên học theo lối Tây phương hay thanh niên châu Âu.
[10]Patih: từ để gọi thống đốc người bản xứ.
[11]E.L.S.: trường tiểu học thuộc địa dậy bằng tiếng Hà Lan.
[12]Mastitis: bệnh viêm vú.
[13]Non or Nona: từ để gọi những cô gái trẻ người châu Âu, hay người Indo ở những gia đình khá giả.
[14]Monkey: tiếng Anh nghĩa là con khỉ.
[15]Wayang: kịch múa rối truyền thống của Indonesia.

Tác giả

Pramoedya Ananta Toer: (1964), sinh năm 1925 tại Blora, Đông Java. Ông viết rất nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, báo chí. Không phải là thành viên của Đảng cộng sản Indonesia nhưng là thành viên danh dự và người phát ngôn không chính thức của tổ chức Lekra (Lembaga Kebudayaan Rakyat, hay Hội Văn hoá quần chúng), tổ chức quần chúng của đảng này. Năm 1965 khi đảng này bị đàn áp, ông bị bắt và bị đày ở đảo Buru. Năm 1979, ông được thả về sống ở Jakarta. Ông được nhận rất nhiều giải thưởng quốc tế có tiếng và đã được đề nghị giải thưởng Nobel văn học nhiều lần kể từ năm 1981. Ông mất tháng 4 năm 2006.

Tác phẩm chính: Chuyện kể từ Blora (1952, đã được dịch ra tiếng Việt năm 1961 ở Miền Bắc), Chuyện kể từ Jakarta (1957), Cô gái miền duyên hải (1965), Độc thoại của người câm (1995), Tứ Tuyệt Buru: bao gồm 4 tiểu thuyết: Đất của loài người (1980), Đứa trẻ đa chủng tộc (1981), Dấu chân (1985), Ngôi nhà kính (1988)

Giải thưởng: 1988: Freedom to Write Award, Văn bút quốc tế, Mỹ, 1995: Stichting Wertheim Award, Hà Lan, 1999: Chancellor’s Distinguished Honor Award, Đại học California, Berkeley, Mỹ

Các bài liên quan

Các dịch giả:

Trần Hoàng Lan: Trợ lý Chương trình Phòng chống ung thư tiểu bang California. Đã từng sống ở Indonesia.

Vũ Tường: Tiến sĩ khoa Chính trị học, Đại học California, Berkeley, giảng viên (assistant professor) bộ môn Chính trị Á Châu, Trường Cao học Hải quân Hoa Kỳ. Đã sống và nghiên cứu ở Indonesia. Tác phẩm nghiên cứu chính về Indonesia: “State Formation and the Origins of Developmental States in South Korea and Indonesia”, Studies in Comparative International Development 41:4 (Winter 2007). “Of Rice and Revolution: The Politics of Provisioning and State-Society Relations on Java, 1945-1949”, South East Asia Research, 11:3 (November 2003), pp. 237-267. Tác phẩm dịch: Sang Jenderal Pensiun (cùng với Prapto Waluyo, từ truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp), Kalam, no. 20 (Jakarta: July 2003).

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài