talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 30.03.2008
Lý NhuệĐất dày (trích)

Lý Nhuệ
Lý Nhuệ

Sự bền bỉ và tài năng văn chương là hai thứ đồng hành cùng Lý Nhuệ (Li Rui), khiến ông trở thành một trong những nhà văn Trung Quốc đương đại thành công nhất trong việc miêu tả cá nhân trong những lên xuống bất an của lịch sử. Ở Việt Nam, các tác phẩm quan trọng nhất của Lý Nhuệ đều đã được dịch, gồm các tiểu thuyết Cây không gió, Chốn xưa, Ngân Thành cố sự, và sắp tới là Ngàn dặm không mây. talawas chủ nhật xin giới thiệu bốn truyện ngắn trong tập Đất dày mới được phát hành tại Việt Nam, và những lời tự sự ở cuối sách của tác giả, như một cách để hiểu thêm về nhà văn Trung Quốc nhiều lần ngấp nghé giải thưởng Nobel văn chương Lý Nhuệ.

talawas chủ nhật

Lý Nhuệ

Đất dày (trích)

Phạm Tú Châu dịch

Bìa tập truyện
Đất dày

Đồng hành


“Chỉ một lần thôi, được không?”

“Được cái mẹ cậu ấy!”

“Chỉ một lát là xong thôi mà, chẳng ai nhìn thấy đâu.”

“Phì, chết đi cho rồi!”

Bàn tay đưa ra kéo áo bị đập mạnh cho rơi xuống, đành rụt lại giơ lên chùi nước bọt lạnh giá dính trên mặt, vừa chùi vừa cười lấy lòng, nhưng vừa nhếch mép đã để lộ hàm răng đen sì. Đàn bà trong toàn thôn khinh bỉ nhất là hàm răng đen ấy. Vội vàng ngậm miệng lại để che đi nhưng chưa kịp che đã bị té tát:

“Nhìn hàm răng kìa, nhìn mà phát khiếp!”

Câu này có hiệu quả hơn đánh mắng, nhiệt tình và lòng tự tin của đàn ông ngay lập tức nhụt hết, hắn tự ti, bẽ bàng cúi đầu xuống.

Trong rừng rất tối, rất lặng. Con đường nhỏ dưới chân phủ đầy lá khô lâu năm, mỗi một bước giẫm xuống đều có tiếng thở dài mệt mỏi vang lên. Một biển rừng do cành lá rậm rạp dệt nên trải dài không biết sâu đến chừng nào trên đầu, thỉnh thoảng có một vài con chim vụt bay qua rồi mất hút như cá lặn. Bắt đầu từ đây, trên đường núi tới thôn Đồi Đông dài mười lăm dặm đều là rừng rậm kín như bưng, trước đây đã lâu thường là nơi thổ phỉ ra tay. Có lẽ chính vì nghĩ tới đám đàn ông dữ tợn đó, cuối cùng hắn mới đánh bạo như vậy. Bây giờ hắn không còn bạo gan nữa, chỉ còn nghĩ thật rõ về chức trách của mình. Cái tay nải của người đàn bà trên đầu vai hắn trở nên nặng hẳn. Người đàn bà sau khi bị chồng bỏ đã cải giá với người Đồi Đông, nhưng mẹ chồng mới không thuận mắt. Chịu không nổi sự ngược đãi của bà ta, chị một mình tự bỏ về.

Hôm nay, trước khi đi, cha chị dúi cho hắn bao thuốc Lục Diệp nói:

“Tao bảo này, chẳng phải mày muốn tới Đồi Đông thăm chị gái mày sao? Thôi cứ làm tới với nó đi nhé!”

Hắn đỡ lấy bao thuốc, hiểu rằng thế nào cũng phải đến thăm người chị ấy - một bao Lục Diệp những một hào bốn xu cơ mà! Đợi cho người làm cha mẹ mắng chửi xong, người làm con gái khóc lóc xong, hai người bèn cùng nhau lên đường. Trước khi đi, hắn nung nấu dã tâm cầu may: “Đồ chết tiệt, hai thằng đàn ông đã xài qua rồi, ta cũng...”

Bây giờ, khi dã tâm và thân hình từng ấp ủ dã tâm đã bị xé tan, ngoài bàng hoàng, luống cuống ra, hắn không nghĩ được một cách nào để ứng phó với tình thế đó, chỉ cảm thấy có phần oan uổng.

“Răng đen thì đã sao? Răng đen cũng là đàn ông chứ...”

Người đàn bà bỏ lại người đàn ông thất vọng buồn rầu ở phía sau, tự đi trước. Không khí buồn lắng lan ra tứ phía, chỉ có tiếng thở dài của lá khô dưới chân là hô ứng với phía trước phía sau. Thoáng chốc, bóng tối dày đặc trong rừng đè nặng lên người. Mồ hôi thành giọt rỉ ra chỗ tóc mai của người đàn ông.

Bên ngoài rừng, mặt trời cuối hè như chiếc bàn là khổng lồ, là bầu trời quang đãng vừa bằng phẳng vừa xanh lam. Đột nhiên, trước mắt bừng sáng căn nhà cũ đã đổ nát một góc nhô ra như hòn đảo giữa mộng cảnh u ám. Nghe nói, bọn thổ phỉ đã từng bắc nồi ăn thịt người ở đấy. Người đàn bà dừng chân, đợi người đàn ông đuổi kịp cho đỡ sợ. Đợi được người đến nơi, thấy mồ hôi mồ kê đầy đầu bèn chỉ vào tảng đá bên cạnh:

“Nghỉ một lát đã!”

Người đàn bà ngồi xuống trước, người đàn ông do dự rồi cũng ngồi. Lập tức, hơi đàn bà xông lên mũi. Khuôn mặt nghiêng nghiêng màu phấn hồng, đầu vai nghiêng nghiêng thật tròn trịa, đôi bầu vú căng lên thật cao, dã tâm đã bị xé nát thành bốn năm mảnh dồn lại ghép với nhau và dâng lên, hơi thở cũng theo đó mà hổn hển. Người đàn bà nghiêm giọng:

“Đứng đắn đi!”

“... Chỉ muốn nói đám lá khô này dày và êm còn hơn cả đệm!”

“Bậy nào!”

“Hai thằng đàn ông đã xài rồi, còn ngại gì nữa...”

“Phì!”

Lại là bãi nước bọt lạnh giá, dã tâm kia lại bị xé thành bốn năm mảnh văng tới tận Java.

“Nếu cứ bám riết thì tôi trở lại thôn đấy!”

Miệng nói nhưng người không đứng lên, nước mắt rỏ xuống từng giọt rất to. Người đàn ông hoảng lên:

“Đã động đến đâu, chưa động đến mà...”

Người đàn bà vẫn khóc. Bây giờ, cả hai nơi chị đều chẳng thể về, cả hai nơi đều là hố lửa, vực sâu.

“Anh là đồ súc sinh sói không thèm ăn, chó chẳng thèm cắn...”

“Phải, là súc sinh, đúng là súc sinh!”

“Đồ táng tận lương tâm...”

“Phải, chẳng có lương tâm!”

“Chẳng còn là người...”

“Đúng, chẳng còn là người... Nhưng trời ơi, đừng khóc nữa, khóc mãi khiến người qua đường để ý đấy!”

“Họ nhìn thì mặc họ nhìn, mình khóc cho mình thì cứ khóc, sợ gì ai nhìn...”

Màu xanh dày đặc như mực vây lấy căn nhà hoang, chỉ để lọt một khoảng trời xanh lam mênh mông sâu như cái giếng ở trên đầu. Tiếng khóc thút thít của người đàn bà hòa lẫn với lời xin lỗi vụng về của người đàn ông, cả hai thứ từ từ dâng lên bầu trời xanh lam đó. Xa xa có tiếng chim hót, còn ở gần chỉ có con gà rừng bị kinh động chui ra khỏi bụi rậm, đập cánh kéo theo một dải gấm màu thật dài.

Vì tự khóc cho mình thì tự mình phải kết thúc. Quả nhiên, người đàn bà khóc một hồi rồi lẳng lặng đứng lên đi. Người đàn ông vội vàng giắt nửa điếu Lục Diệp chưa hút hết lên vành tai rồi bước theo. Cả hai lặng thinh, người trước người sau mà đi. Ngoài tiếng lá khô xào xạc giẫm vụn dưới chân, không còn chút âm thanh nào khác. Xung quanh lại là sự trầm lắng và bóng tối càng dày đặc hơn, dường như họ đang đi dưới vực sâu của cõi âm. Để tỏ ý xin lỗi và lòng hối hận, người đàn ông bước đi rất khó nhọc, hắn thậm chí còn mong khu rừng rộng hơn nữa, dày đặc hơn nữa, đường dẫn đến Đồi Đông càng xa hơn nữa, như thế hắn càng có thể chuộc được dã tâm tội lỗi của mình, bày tỏ lòng hối hận và ý xin lỗi càng rõ ràng hơn. Nhưng mười lăm dặm đường núi chẳng hề xa, khi tấm áo đẫm mồ hôi đã se khô thì phía xa xa đã là thôn làng lô nhô. Nheo mắt lại nhìn kỹ một lúc, hắn nhận ra ngôi nhà hang xây bằng gạch xám đen có ba lỗ hổng của nhà chồng chị gái. Ống khói trên mái nhà đang tỏa khói xanh uốn lượn - còn may, chưa lỡ bữa cơm. Nghĩ đến việc có thể ăn một bữa cơm ngon miệng ở nhà chị gái, hắn thấy sung sướng thật sự.

Sau khi cha mẹ chết, hai chị em hắn dựa vào nhau mà sống. Năm chị hắn lấy chồng ở Đồi Đông, hắn thường chạy xuyên qua rừng đến thăm chị, có lúc vì nhớ chị, có lúc chỉ vì một bữa cơm. Chị em gặp nhau không tránh khỏi ôm nhau khóc một trận. Hồi đó, còn bé nên nhút nhát, khi đi trong bóng tối, hắn đều phải nói to, gọi to cho đỡ sợ. Cứ như thế suốt mười lăm dặm đường nên thường là khản cổ khi đi được tới nơi. Sau đó, cách lâu lâu cũng thấy nhạt dần. Lại sau đó, khi chị hắn đẻ hết đứa con này đến đứa con khác, chị em thường cả năm cũng không gặp nhau, và mười lăm dặm đường núi đó khiến hắn cảm thấy xa xôi.

Chị gái rốt cuộc vẫn là chị gái. Thấy em trai đến là đổ thêm hai bát bột mì thật đầy vào nhào. Chỉ đến khi giơ bàn tay dính đầy bột lên trước mặt thì chị mới gí ngón tay vào mũi hắn mà mắng:

“Sao mà ngu thế? Con lừa trong chuồng cũng không ngu bằng cậu. Chỉ một gói Lục Diệp cũng đủ sai khiến cậu đi cả hơn ba chục dặm đường à? Lỡ công điểm một ngày là bao nhiêu tiền? Ăn một bữa cơm này đáng bao nhiêu tiền? Bảo cậu chưa biết nghĩ đúng là chưa biết nghĩ, cứ thế này thì cả vạn đời cậu cũng đừng nghĩ tới chuyện lấy vợ nữa. Nhà họ Lưu chúng ta đời trước kiếp trước đã gây nên nghiệp chướng gì thế không biết...”

Hắn cúi gằm đầu, nuốt vội nuốt vàng hết bát này đến bát khác cả thứ nghe được lẫn thứ có trong bát. Tất nhiên hắn không phải đến đây vì một bao Lục Diệp. Rốt cuộc vì lẽ gì thì hắn lại không nói ra được. Nghe đến mức thực sự phiền lòng, hắn mới đáp một câu:

“Vì sao à? Nhớ chị đấy, không cho đến thăm à?”

“Chị chưa chết, cũng chưa ốm, nhớ làm gì? Lúc nào cậu nên nhà lập nghiệp, cắm rễ cho sâu, có con có cháu thì dù chị có nhắm mắt xuôi tay cũng yên lòng!”

Hắn không nhẫn nại lắng nghe được nữa:

“Chẳng phải đã ăn một bữa cơm sao, để em trả tiền chị!”

Một câu nói đâm sâu vào tim, chị hắn đấm ngực giậm chân gào lên. Hắn quẳng bát xuống bỏ đi. Nương tựa vào nhau mà sống bao nhiêu năm nay, lần đầu tiên hai chị em trở mặt.

Hầm hầm tức giận ra khỏi thôn, hắn chọn chỗ có bóng râm bên bờ sông ngoài thôn ngồi xuống. Hơi nóng trên hòn đá vừa phơi nắng vẫn chưa tan hết, chỉ một lát dưới mông đã nóng như phải bỏng. Hắn rút bao Lục Diệp ra song lại nghĩ đến lời chửi mắng của chị gái. Nghĩ cho kỹ thì hắn tuy có phần bị bao Lục Diệp sai khiến, nhưng điều cần thiết hơn cả ăn cơm, hút thuốc rất nhiều là tâm tư mà hắn chưa thể nói ra. Nay thì chẳng những bị chị gái mắng mỏ, mà điều quan trọng nhất là tâm tư ấy cũng chỉ uổng công suy nghĩ. Xúi quẩy! Đen đủi! Nghĩ lại thì đều do nể mặt bao Lục Diệp mà nên. Không hiểu sao nỗi thù hận bao thuốc dâng lên trong lòng, hắn hầm hầm quẳng bao thuốc xuống đất:

“Đồ chết tiệt, chỉ vì hút cái đồ chết tiệt nhà mày!”

Khi rút lấy một điếu, hắn chợt nghĩ đến mẩu thuốc còn giắt mang tai, đành bực mình nhét điếu thuốc vừa rút ra trở lại bao, châm mẩu thuốc lấy từ mang tai xuống. Vừa hút hắn vừa lưu luyến nhìn về phía thôn. Hắn cảm thấy chị gái hoặc đứa con nào đó của chị gái ắt sẽ men theo đường rìa làng mà đuổi theo hắn. Hắn mong có người đuổi theo. Như thế dù có bỏ đi, hắn cũng thấy thỏa mãn trong lòng. Hơn nữa, hắn còn có thể quăng trả cho chị gái mấy câu mà khi ngồi dưới bóng râm hắn đã nghĩ kỹ: “Sao, nghèo thì nghèo, không vợ thì không vợ, chưa biết nghĩ thì chưa biết nghĩ, bị thịt thì bị thịt đấy. Dù sao cũng chỉ có vậy thôi! Dù sao cũng chẳng cần mấy người nuôi, dù sao cha mẹ cũng mất cả rồi!”.

Hắn biết nói như thế thì chị gái hắn thế nào cũng khóc. Đợi chị khóc rồi hắn cũng khóc, sau đó sẽ đi. Là thằng đàn ông thì không thể để đàn bà mắng mỏ mãi được. Hắn còn biết chỉ mấy ngày sau, chị hắn sẽ hấp bánh bao về thăm hắn.

Nhưng mặc cho hắn nghĩ viển vông bên bờ sông, chẳng có mống nào đuổi theo hắn cả. Chí khí đàn ông ở hắn cuối cùng cũng đã tiêu tan, chỉ còn lại nỗi ấm ức và cô đơn ngày một tăng khiến mũi hắn thấy cay cay. Hắn muốn khóc.

Trên đỉnh đầu, mặt trời bị bầu trời xanh lam giam cầm cả một ngày, lúc này chẳng khác gì đàn bà đẻ khó, cuối cùng đã nhầy nhụa những máu, cố thoát ra khỏi cái màu lam kia, rồi ngã phệt xuống đỉnh núi phía Tây, tiếp đó như để báo thù, phóng hỏa cho cháy rực trời. Hang núi đột ngột tối mịt.

Cuối cùng, trên con đường rìa thôn cũng có người chạy tới, hơn nữa chiếu thẳng chỗ hắn mà chạy tới. Khi đã nhận ra rõ người chạy tới, hắn bất giác xúc động, còn cách rất xa đã gọi to:

“Sao thế, lại trở về à?”

Người đi tới không trả lời, chỉ gấp gáp đi cho tới nơi. Lúc người ấy đã tới gần, hắn kêu lên:

“Đồ chó đểu, chúng lấy cớ gì đánh người ta? Nhìn máu trên mặt kìa. Đồ chó đ., tên Đồi Đông ấy lấy cớ gì đánh người thôn ta? Phải tìm hắn hỏi cho ra lẽ!”

Vừa nhảy dựng lên chửi mắng, hắn vừa cúi xuống nhặt một cục đá trên bãi rộng. Người đàn bà bước tới nắm chặt tay hắn lôi lại:

“Đi thôi, chúng mình vẫn theo như trước vậy. Tôi không đến nhà ấy nữa, chết cũng không đến...”

“Tay nải đâu? Không thể bỏ tay nải lại cho nó hưởng được. Tôi đi đòi về cho.”

“Đi thôi, đi thôi...”

“Không được, không thể bỏ qua dễ dàng thế được!”

“Tôi van anh đấy!”

Người đàn bà gào lên. Hắn sợ quá, ngây người nhìn khuôn mặt nhuộm đầy máu, quên hết chí khí và nỗi ấm ức của mình.

Đi qua bờ sông rồi leo lên sườn núi. Hai người cùng đến thì lại cùng mất hút trong khu rừng cây cối dày đặc. Điều khác trước là lúc đến có thêm cái tay nải, khi về có thêm một số vết thương và nước mắt. Lần này, hắn không hề có dã tâm gì hết. Hắn biết nước mắt ấy rơi xuống là vì hai người đàn ông khác và vì bản thân người đàn bà, chứ không hề có một phần nhỏ nào dành cho hắn. Nhiều nhất hắn chỉ là vừa khéo nhìn thấy một số sự việc của người khác. Những sự việc ấy, có nằm mơ cũng không đến lượt hắn; cả đến cơ hội khóc một trận cho sự việc đó, hắn cũng chưa hề có một lần.

Trên đường về, người đàn bà vẫn khóc thút thít, hắn đành im lặng đi theo. Hai bóng người vội vã bước nhanh trong khu rừng rậm rạp, chẳng khác gì một tên quỷ răng đen tróc nã một oan hồn nào đó để trả món nợ ghi trong sổ Sinh Tử.

Khi trời đã tối mịt, họ trở về đến ngoài thôn làng mình. Cây dương già đầu thôn nanh ác chụp xuống từ lưng chừng trời như quái vật, như rừng rậm. Người đàn bà bất chợt dừng chân đứng sững lại, hắn vấp phải, vụng về ngã trên người chị.

“Sao thế?”

“Không về nữa...”

“Sao lại không về?”

“Giày vò đến chết mất, thật không bằng chết đi còn hơn...”

Tới lúc này hắn mới hiểu ra, thế là hắn bước tới nắm chặt lấy cánh tay chị:

“Không sợ, có tôi, tôi sẽ nói giúp!”

Lần này, người đàn bà không đánh hắn mà lại sà vào lòng hắn tức tưởi khóc:

“Giày vò đến chết mất, thật là giày vò đến chết mất...”

Bờ vai và bộ ngực khiến hắn thèm thuồng nhìn lúc ban ngày, bây giờ đang cọ xát vào người hắn. Dã tâm đã tắt từ lâu lại bùng lên như củi khô gặp lửa. Hắn khẽ khàng đặt bàn tay lên bầu vú bóp một cái rồi ngay lập tức buông ra như phải bỏng, thầm chờ bãi nước bọt lại nhổ vào mặt. Chờ một lát không thấy nhổ, người đàn bà chỉ thổn thức khóc. Nỗi buồn cô đơn, khổ sở không nơi nương tựa đã đè nát chị. Không biết là dũng khí tự đến thật hay là người đàn bà thương hại cho hắn dũng khí mà hắn buột miệng nói lớn:

“Không việc gì phải sợ! Họ vứt bỏ thì tôi nhận lấy, không sợ!”

Trong bóng tối, hắn cảm thấy mình cao lớn hẳn lên. Người đàn bà như chẳng nghe thấy gì, vẫn thảm thiết khóc. Hắn lại ngang tàng nói thêm một câu:

“Đồ chó đẻ, tôi nhận đấy, tôi chẳng sợ!”

Trời tối mịt, tối đến mức chẳng nhìn thấy gì. Thế giới đại thiên dưới ánh mặt trời bây giờ không còn nữa, tất cả đều trở thành màu đen đơn nhất.

Nguyên đăng trên tạp chí Áp Lục Giang,
số 12 năm 1987

Uống nước


Vừa bước ra khỏi bóng râm mát mẻ của căn nhà hang, bỗng “rùng” một cái, cái nóng bỏng rát lập tức khiến cả người nổi da gà, đâu cũng phát ngứa. Hai mươi tuổi bấy giờ mới biết, thì ra da gà cũng nổi cả khi quá nóng nực. Xung quanh là một vùng bóng đen do nắng chói lòa gây ra, chập chà chập chờn khiến anh thấy lơ mơ váng vất. Cổ áo đẫm mồ hôi lúc ngủ vừa nãy chỉ nháy mắt đã khô. Một chút ngái ngủ còn đọng lại trong đầu bị cái nóng quét sạch trơn - tỉnh hẳn người. Trong ý thức sáng lóe dường như cũng có một vầng mặt trời treo cao. Anh nheo mắt lại nhìn về phía xa. Vách đá màu bã trầu ở bờ bên kia con sông Giản như khuôn mặt đỏ bừng của kẻ say, nóng hôi hổi áp xuống mặt sông. Nuốt miếng nước bọt xuống cổ, anh nhớ lại hết sức rõ rệt cảnh mộng vừa nãy: anh mua một que kem ngay đầu ngõ vào nhà mình, kem đỗ, từ nhỏ đến lớn anh chỉ thích ăn kem đỗ. Cắn một miếng to đánh “khực”, ngẩng lên vừa hay nhìn thấy tấm biển gắn trên tường gạch màu xám ở đầu ngõ. Biển tráng men sứ, nền xanh chữ trắng, viết rõ ràng: Ngõ Đuôi Dê. Thầm nghĩ, nên mua cho cô một que kem mang về... Nhầm rồi, nhà cô ở ngõ Dạy Con liền kề chứ không ở ngõ Đuôi Dê... Tiếp đó, thình lình sấm nổ vang, người run lên, thế là tỉnh giấc. Nhưng không phải là sấm nổ mà là đốc công gọi đi làm. Anh ta đứng chắn ở cửa hang, chỉ hô hai tiếng:

“Uống nước!”

Lũ thợ trẻ lồm cồm bò dậy bằng cả tứ chi, ồn ào vươn vai rồi bước ra. Trên ổ rơm còn có người nấn ná nằm lại, đốc công chửi mắng liền:

“Mẹ mày, nằm ổ đấy à? Mau lên!”

Anh ngoái lại liếc nhìn. Mặc dù người nằm trên ổ rơm vừa ngồi dậy vừa ra sức che giấu nhưng anh vẫn nhìn thấy phía trước đũng quần cậu ta có một mảng ướt, bất giác khinh bỉ thầm mắng:

Thằng này lại di mộng tinh rồi! Mẹ nó chứ, đúng là đồ Makuni [1] .

Makuni là biệt hiệu mà mọi người đặt cho hắn bởi vì hắn cứ “phi ngựa”, sách nói đó là “di mộng tinh”, là bệnh. Makuni suốt ngày rầu rĩ, ủ ê, khi nào mọi người trêu chọc thì hắn rụt đầu rụt cổ càng thấp hơn, mặt tím lịm chỉ giận không chui được vào đũng quần để tránh. Tình cảnh ấy chỉ khiến người ta thương hại. Anh đã từng gợi ý: “Về Bắc Kinh tìm thầy mà chữa đi!”, Makuni cúi gằm mặt xuống: “Chuyện này khó mở miệng lắm”.

Đốc công đã cầm dao xây lên giàn giáo, không đội mũ, để cho cái đầu trọc chịu phơi dưới nắng. Anh ta là thợ xây tay nghề giỏi nhất ở vùng sông Giản. Thần thánh trong miếu, nam nữ trong thôn đều ở nhà do anh ta xây nên. Anh ta có hai câu nói cửa miệng rất nổi tiếng, một là “Mẹ mày, ông không biết thế nào là mệt!”, hai là “Mẹ mày, ông không biết thế nào là nhẵn túi!” Mọi người chửi thầm anh ta, gọi anh ta là Địa Chủ Nhì. Thật ra, năm đời nhà Địa Chủ Nhì đều là bần nông. Địa Chủ Nhì gọi thợ là vì trạm thu mua lương thực ở lò gạch Thập Khổng đã ký hợp đồng với anh ta, đại đội cho anh toàn quyền phụ trách. Số tiền quy định trong hợp đồng là cố định, song lại quy định nếu bàn giao sớm ngày nào thì trả tiền sớm ngày ấy, người lĩnh việc cũng được thêm cái món hoa hồng. Địa Chủ Nhì vì thế cố sống cố chết làm cho nhanh, ban ngày thì xua thợ đi làm, trời vừa tối là xua thợ đi ngủ. Để kéo dài giờ làm việc ban ngày, anh ta bỏ luôn giờ nghỉ sau bữa cơm trưa. Dưới quyền thống trị của anh ta, mấy cái nhà hang đầy mùi rơm rạ và mùi mồ hôi chẳng khác gì chuồng ngựa. Những thân thể xiêu vẹo ra vào ngoài việc không biết xì hơi cho thật kêu và vẫy đuôi ra, phần còn lại chẳng khác mấy so với ngựa.

Anh dựa sát vào bóng râm ngắn hẹp dưới chân tường mà đứng một lúc. Đốc công phân công anh và Makuni lọc vôi. Công việc này khiến anh hơi cụt hứng, nhưng người khác chẳng một ai tình nguyện cùng làm với Makuni, còn anh thì không nỡ nhìn đồng hương Bắc Kinh mất thể diện. Makuni lẳng lặng bước tới, anh mắng vỗ mặt:

“Cậu chẳng ra cái đếch gì cả!”

Makuni đỏ mặt, hiểu rằng bị mắng vì điều gì nên chỉ cảm thấy không có lỗ nẻ nào để chui xuống.

“Cậu không biết cố nhịn một chút à?”

“Chuyện này không do người quyết định...”

“Một bụng nước thối tha, suốt ngày cậu chỉ nghĩ đến cái chuyện bậy bạ đó.”

“Không... không hề nghĩ đến mà!”

“Tớ không tin!”

“Thật mà... Việc này không do tôi... Chỉ vì công việc quá mệt nên mới chống đỡ không nổi.

Makuni nói như sắp khóc, anh đành phải cố nén lòng ghét bỏ, không truy hỏi nữa. Trong hai mươi năm cuộc đời, anh chưa từng có kinh nghiệm về mặt này lần nào. Chỉ trong giờ giảng về thường thức vệ sinh hồi học năm thứ ba phổ thông cơ sở, anh có láng máng nghe thầy giáo giảng một lần. Ấn tượng sâu kín nhất là anh cảm thấy việc đó rất bẩn thỉu, không còn mặt mũi nào thấy người khác.”

Dường như muốn trêu ngươi, mặt trời chính ngọ biến tất cả mọi người ngắn ngủn như người lùn, thân kéo lê sát gót chân. Ánh phản quang chói chang từ đống vôi khiến anh ta khó mà mở mắt. Anh vội vàng lấy kính râm ra, thế giới thẫm lại sau mắt kính màu trà nước lập tức mát dịu được mấy phần. Makuni không có kính râm, đành khổ sở lim dim mắt. Chiếc kính râm mà anh vô tình mang theo là vật dụng “bảo hộ lao động” duy nhất của họ. Khi phân công, đốc công nói: “Cậu có kính râm, thế thì lọc vôi.” Nhưng chiếc kính râm chỉ tổ dằn vặt anh; mỗi khi gác gọng kính lên sống mũi, anh đều cảm thấy mình như có lỗi với Makuni. Mấy lần anh nhét kính vào tay cậu ta nhưng đều bị cậu ta nửa mếu nửa cười chối từ. Nếu cậu ta từ chối thẳng thừng như cánh đàn ông thì đi một nhẽ, đằng này lại mặt mũi khổ sở. Cứ thấy vẻ mặt đó là anh lại nổi nóng:

“Không đeo cho đáng kiếp!”

Bên cạnh ao lọc vôi là đống vôi cao như núi. Nhiệm vụ của anh và Makuni là gánh nước sông đổ xuống ao, tôi từng phần nhỏ một của núi vôi kia rồi dùng cào đảo luôn tay không được nghỉ, sau đó lọc vôi đã tôi sang cái hố thật to và sâu phía dưới ao vôi để lấy hết đá và cặn bã ra. Núi vôi rất lớn, nước sông Giản rất đầy, cào, xẻng, đòn gánh và thùng gánh nước lại đều kiên cố, bền chắc, cái cần đến là sức vóc của anh và Makuni sau khi ăn bánh ngô mà chuyển hóa thành.

Có lẽ chút mát dịu do đôi mắt kính màu trà mang lại đã khiến anh khoan khoái nên anh lại nghĩ tới cảnh trong mộng lúc nãy: hay nhỉ, làm sao lại chỉ mơ thấy mình định mua kem cho cô? Mà lại là kem đỗ nữa chứ! Không chừng người ta lại thích ăn kem bơ nữa kia! Việc này quả thật chưa bao giờ hỏi cô ấy cả. Người ta thường bảo nghĩ thế nào mơ thế ấy, nhưng không biết tại sao việc mà anh đặc biệt mơ ước thì lại chẳng mơ thấy bao giờ. Tối hôm qua, thừa lúc Địa Chủ Nhì không để ý, anh đã lén chạy về thôn, chạy liền một mạch mười lăm dặm đường núi, rồi lén gọi cô ra đầu thôn ngồi dưới gốc cây dương già đến hơn ba giờ. Sau đó anh lại lần đường trong đêm tối trở lại, chẳng hề cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi chút nào. Cây dương già là cây thiêng của thôn, thân cây to bằng nửa gian nhà, rễ cây lớn bằng cái ghế đẩu, không kém chút nào so với chiếc ghế dài ở công viên Bắc Hải. Trong hơn ba giờ đó anh cứ ôm lấy cô, kèo nèo đến hơn mười lần, cuối cùng cô đã đồng ý cởi khuy áo cổ để cho anh thò tay vào. Bàn tay đầy chai khi bóp chặt cái của mềm mềm đó, khắp người anh đã run lên. Anh muốn kiềm chế nhưng không kiềm chế nổi, cả người cứ rung như cái máy gì đó đang chạy, rung đến nỗi lòng dạ rối bừng từng trận. Anh biết tên hồi nhỏ của cô bèn gọi:

“Nhị A Nhi...”

“Ừ.”

“Nhị A Nhi, anh từ nhỏ đã dõi theo chỗ này của em dần dần nhú lên.”

“Hư đốn, chỉ giỏi nhìn vào chỗ ấy thôi!”

“Anh từ lâu đã muốn sờ xem chỗ này của em thế nào.”

“Thì em có cản anh đâu...”

“Nếu mẹ em biết thì mẹ ắt chửi anh là quyến rũ, làm hư em.”

“Tự biết được như thế là tốt!”

“Nhưng anh nhịn không nổi...”

“Mất dạy!”

Cây dương già âu yếm che phủ phía trên đầu, mảnh trăng hạ huyền ở ngoài bóng cây thấm loang ra một thế giới mông lung. Đã mấy lần anh bóp đến nỗi cô phải kêu lên. Mơ hồ, anh ao ước một thứ mãnh liệt hơn, bí ẩn hơn, tung thâm hơn nữa, nhưng lại có sự sợ hãi khó gọi thành tên đang nhắc nhở và kiềm chế anh. Mọi ngữ khí và cử động nhỏ bé của cô đều ngầm bảo cho anh biết rất rõ rằng cô tuyệt nhiên không thể thỏa mãn tất cả dã tâm đang lớn dần trong anh, cô không khi nào chịu vứt bỏ phòng tuyến cuối cùng. Anh và cô dường như đang sa vào nỗi sợ hãi và xấu hổ chung... Từ đêm hôm qua tới giờ, anh luôn có một niềm hưng phấn khó nhẫn nhịn nổi. Cứ như chiếu phim, óc anh ôn lại hết lần này đến lần khác toàn bộ chi tiết trong hơn ba giờ đồng hồ đó. Trên mặt, trên môi, trên tay, trên ngực, trên đùi, trên đầu gối, tất cả những nơi đụng chạm đến và gần gũi, tất cả đều giữ lại ấn tượng hết sức rõ ràng, chẳng khác gì nắm một trái dưa vàng non có cả hoa lẫn gai trong tay, đưa lên răng và lên lưỡi. Tiếc thay, trong giấc mơ ban nãy lại chỉ có kem, phần còn lại chẳng có gì hết.

“Mẹ mày, đứng đực ra như thế không sợ tê chân à?”

Thật cứ như sét đánh ban ngày, đốc công đứng trên giàn giáo gõ dao xây vào tường chửi mắng. Kem và gốc cây thiêng lập tức tan biến, anh vô cùng tỉnh táo trở về với thế giới dưới cái nắng gay gắt, hốt hoảng cầm lấy xẻng, khuấy lên luồng khói trắng đến ngạt thở. Vừa xúc, Makuni vừa hỏi:

“Cậu nghĩ gì mà ngẩn mặt ra thế?”

Anh cười, không nói gì, một lát sau mới hỏi thăm dò:

“Này, khi “phi ngựa” cậu mơ thấy những gì?”

Mặt Makuni vụt đỏ tía:

“Đừng có định dò hỏi vớ vẩn, tớ chẳng mơ thấy gì hết. Chỉ vì công việc quá mệt nên mới không chống đỡ nổi...”

Anh nói rất nghiêm túc và cũng rất chân thành:

“Tớ không dò hỏi vớ vẩn đâu. Chỉ vì không hiểu nên mới muốn hỏi cậu, thật đấy! Cái lúc ấy cậu thấy thế nào?”

“Cũng chẳng thế nào cả, chỉ cảm thấy khoái rồi không sao nhịn nổi...”

“Rất khoái à?”

Anh mở to mắt, tiếng cũng to hơn. Makuni hoảng hồn, xua tay lia lịa:

“Cậu đừng có kêu lên như thế. Ai bảo khoái đâu nào, như thế là bệnh...”

Trong khi nói, nước mắt đã ứa đầy tròng. Anh không chịu nổi cái dạng mau nước mắt như đàn bà đó, tình cảm chán ghét lại trào lên:

“Thôi, thôi, thôi! Cậu đừng có rặn nước đái mèo ra với tớ ở đây nữa!”

Có lẽ Địa Chủ Nhì đã nghe thấy anh nói nên giận dữ nhảy lên, nhào từ giàn giáo xuống, xông thẳng đến ao vôi:

“Mẹ mày, đây là nơi làm việc hay nơi hội họp? Định lấy không tiền của nhà nước à? Gánh nước đi!”

Hắn vừa chửi vừa giận dữ giằng lấy xẻng, xúc từng xẻng đầy vôi sống hất xuống ao vôi. Như mìn nổ tung khói, trong phút chốc cả ba người đã bị khói trắng ngạt thở bao bọc, anh và cậu bạn gánh thùng lao xuống bãi sông như chạy trốn. Để trừng phạt và cũng để ra oai với người khác, đốc công liên tiếp quăng vôi sống xuống ao, không nghỉ phút nào như kẻ điên. Đám thợ trẻ có phần vui và có phần sướng thấy người khác gặp họa, ngắm nhìn ba người xoay tít như đèn cù. Vôi tôi hết ao này đến ao khác, mồ hôi ứa ra hết lần này đến lần khác, hai người gánh cho đến khi mình mẩy không còn mồ hôi toát ra được nữa, bấy giờ đốc công mới cắm xẻng vào đống vôi sống. Ba vật phủ đầy vôi trắng xóa, chẳng ra người chẳng ra ma, đứng sừng sững bên cạnh ao vôi, nơi bắt mắt nhất trên ba khuôn mặt trắng ấy là ba cái lỗ để lộ ra ba cái lưỡi đỏ chót. Địa Chủ Nhì chùi phấn vôi trên râu, gọi nhân viên chấm công đến:

“Chiều hôm nay ghi công làm thêm buổi cho hai cậu này!”

Sau đó đắc ý cười rộng lượng với cả hai:

“Mẹ mày, có nửa ngày mà được tiền công cả ngày đấy nhé!”

Kết thúc kiểu hài kịch này hơi bất ngờ, thế là một trận cười lan khắp công trường. Anh và cậu bạn rời rã cả người ngồi bệt xuống đất. Cơn giận vốn định cãi nhau một trận với đốc công tan biến, chẳng còn cảm giác gì, chỉ thấy khớp xương khắp người đang cắn rứt rất đau đớn. Lưỡi theo bản năng thè ra liếm đôi môi nứt nẻ rồi lập tức rụt ngay vào như phải bỏng. Đám thần kinh cảm giác phụ trách phân biệt mùi vị trên mặt lưỡi bị một vị lạ song rất mạnh giày vò, không thể nói được là đắng, chát hay cay vì chúng đã chạm phải lớp bột vôi sống bám trên môi.

Đốc công đập phủi vôi bám trên vai và quần áo mình với dáng rất có khí thế rồi bỏ hai người mệt đến đứt hơi ở lại đằng sau, cất cao tiếng hô:

“Uống nước!”

Lũ thợ trẻ đều biết, hô như thế là ban lệnh nghỉ một lát, thế là đua nhau bỏ công cụ trên tay xuống.

Anh tháo kính râm ra, cài vào khuy áo trước ngực, vẫn chưa kịp hồi tỉnh sau trận điên cuồng vừa rồi nên chẳng để ý đến việc chọn chỗ râm, ngồi luôn dưới nắng gay gắt và chói mắt. Trong óc là một khối hỗn loạn, chẳng có cây dương thiêng và càng không có kem. Anh nheo mắt nhìn con sông Giản mà mình vừa mới đánh vật với nó, thế là dòng sông sáng quắc mang theo ánh nắng gay gắt nóng hôi hổi chảy vào ý thức, nhuộm tất cả thành màu trắng...

Theo bản năng, anh hô thầm theo ai đó một tiếng:

“Uống nước!”

Hô xong mới sực tỉnh, ngọn lửa giận buột khỏi mồm:

“Súc sinh!”

Dưới mông có hòn đá nhọn đâm vào rất đau, nơi tầm mắt vươn tới đều là những thứ bị mặt trời thiêu đốt đến trắng lóa.

Nguyên đăng trên tạp chí Thanh niên Văn học, số 12 năm 1987

Bên đống lửa


Ngọn lửa vừa đỏ vừa vàng như người đàn bà dịu dàng lắc lư trong bóng tối, làm ánh sáng lóe lên. Họ ngồi quanh lửa, mặt cũng phủ đầy nét dịu dàng vừa vàng vừa đỏ. Trên màn trời đầy sao như gấm, dải Ngân Hà mát lạnh tách ra chảy qua lưng núi. Có tiếng nước róc rách vang từ lòng sông hòa với sự mát lạnh ấy. Bên đống lửa có người đứng lên lấy chiếc thanh la bằng đồng ở căn lều phía sau, gõ mạnh mấy cái, sau đó tiếng gọi dài, thô và khàn vang lên khắp núi:

“Lợn rừng đấy, mau tới đi, đi, đi, đi!”

Không có tiếng đáp, trên lòng sông phẳng lặng toàn là màn đêm mông lung và khí núi nhàn nhạt bọc trong màn đêm. Tiếng gọi như dòng nước rạch màn đêm và khí núi rồi chìm sâu vào bóng tối. Gọi xong, treo thanh la lên, lại ngồi xuống đống lửa, mặt lại phủ đầy nét dịu dàng vừa vàng vừa đỏ. Hai người lại như bâng quơ trò chuyện:

“Sao hôm nay anh cũng bỏ mà đến đây?”

Anh ta nhận ra ý ngầm trong câu hỏi nên cố ý lảng tránh:

“Nói cái đếch gì thế, không đến cậu có ghi công điểm cho tôi không?”

“Ái chà, thôi đừng giả bộ ngây ngô nữa. Anh trở thành bậc thánh từ khi nào vậy? Anh là đội trưởng, công điểm còn cần phải kiếm hay sao? Hơn nữa hai công điểm này đáng giá bằng cuộc vui ấy của anh đêm nay sao?”

Lửa trong mắt người bạn sáng lấp lánh, lửa ghen trong lòng mà vừa nãy anh ta cố kìm nén bây giờ bỗng nhoi lên. Anh ta ho khan mấy tiếng rồi gắng sức đè xuống. Một lần nữa lại lảng tránh câu hỏi, cầm một thanh củi gạt tìm trong đống lửa:

“Chín rồi đấy nhỉ?”

“Vừa mới vùi, chín làm sao được?”

Nhưng anh không ngừng bới, cố chấp bới ra một củ trong số khoai tây vừa vùi vào than, thò tay nắn một cái khiến đầu ngón tay bỏng đến mức đau nhói tận tim. Anh ta hít một hơi khí lạnh rồi ném củ đó vào lửa, ấm ức không phủ tro lên trên mà để mặc cho lửa thiêu đốt. Tức thì một mùi cháy do bị lửa thiêu đốt lan ra. Người bạn lại móc máy:

“Sao thế, đêm nay làm sao thế? Bị vợ chỉnh rồi cả cơm cũng không cho ăn à? Đói đến mức đó sao? Bỏ người thương không ôm mà tới đây chen chúc trong lều với tôi sao? Những gì ngon ngọt người ta lại không biết làm cho anh ăn à? Đồ ngựa dái như anh làm sao lại nỡ bỏ suông thế?”

Anh ta cuối cùng đã nổi nóng:

“Có câm mồm đi không? Cậu không biết đồ con hoang đó đêm nay đến đây à? Cậu như thế là cố ý làm khó cho tôi đấy!”

Ánh lửa trong mắt anh bạn lập tức bùng to:

“... Anh nói bí thư công xã ấy ư”

“Ngoài hắn ra còn ai nữa?”

Hai người đều im lặng. Ánh lửa lại lặng lẽ phết lên hai khuôn mặt vẻ dịu dàng khó nói...

Thực ra, hôm nay anh ta đã đến chỗ cô ấy. Hôm nay bí thư vừa về đến thôn, anh ta xếp phòng ở, báo cơm, lại tiếp bí thư một chầu rượu và một chầu thuốc lá, sau đó mới thừa lúc rảnh tới nhà cô, nói:

“Bí thư đến rồi?”

Cô gật đầu.

“Nửa đêm về sáng em kiếm cớ cho ông ta về. Anh sẽ đến!”

Cô lại gật đầu.

Anh ta chửi:

“Đồ chó đ. ấy chỉ vì em mà mới về thôn này.”

Cô trấn tĩnh, không tỏ vẻ gì. Anh ta lại “tổ tông”, “chó đ.” chửi mấy câu nữa. Chửi xong, cảm thấy chửi như thế chẳng thỏa mãn, chợt lại nhớ tới bộ mặt ngăm ngăm đen, núc ních béo của bí thư:

“Em chỉ nên vờ vịt với đồ con hoang ấy thôi, đừng để hắn thấy ngon ăn là cứ về mãi.”

Anh ta và cô đều biết rõ đây không phải là lần đầu, đều biết rõ họ hầu như chẳng có biện pháp nào hay để ngăn cản. Người đàn bà im lặng để lộ niềm ai oán không lời, niềm ai oán đó khiến anh ta phiền muộn và nóng nảy:

“Em yên tâm đi! Anh đã bảo sẽ kiếm cho em một người là sẽ kiếm người đó cho em, không để em cứ ở suông thế này. Đấy là việc chỉ sớm muộn mà thôi, nôn nóng làm gì?”

Mấy câu này anh ta đã nói không chỉ một lần nên cũng cảm thấy vô vị, đứng ngây ra một lát rồi tự bỏ đi.

Uống rượu rồi không hứng ăn cơm nữa, áng chừng đã sắp tới giờ, anh ta nhân lúc đêm tối lẻn vào sân, nấp dưới cửa sổ. Nghe trong phòng có động tĩnh liền lén nhòm qua lỗ thủng trên giấy dán cửa sổ đã chọc sẵn từ trước. Tình hình nhiều lần giống hệt nhau lập tức hiển hiện ra trước mắt, hàm răng ngay lập tức nghiến trèo trẹo: đồ chó đ., cả đèn cũng không buồn tắt! Cứ thở hổn hển dưới ánh đèn sáng trưng, thân thể ngăm đen béo núc trần truồng ngọ nguậy, còn bị đè bên dưới là một màu trắng bóc cũng trần truồng. Bậc cửa sổ cản tầm nhìn nên không thấy mặt cô, chỉ thấy vật đen sì béo núc rên rỉ và thở hồng hộc như lợn. Anh ta thầm cười nhạt: đồ con hoang, muốn ngủ với đàn bà nhưng lại chẳng có công cụ tốt để ngủ với đàn bà! Tiếp đó, đèn tắt, anh ta đành quay đầu lại. Vừa ngoảnh đầu, những ngôi sao trong nháy mắt rơi đầy mắt rất dày, rất đặc và rất sạch như rửa qua nước vậy. Ngọn lửa ghen dường như cũng nhờ thế mà được rửa đi phần nào. Anh ta tự cười và tự chửi thầm:

“Đồ chó đ. nhà mày định làm gì thế? Mày ngủ với người thương thì hắn cũng ngủ với bồ bịch, có phải ngủ với vợ mày đâu, có chiếm đoạt cái gì của mày đâu, can cớ gì mày phải đau lòng?”

Tuy nói là vậy nhưng anh ta vẫn có chút không chịu phục, vẫn có cái gì đó mắc ở cổ họng nuốt không trôi: đồ chó đ., ngươi là bí thư công xã cơ đấy! Đàn bà trong công xã nhiều lắm, đàn bà trong thôn cũng nhiều, muốn ai mà chẳng được. Đồ con hoang ấy lại cứ muốn chiếm miếng ăn đã tới mồm của mình kia! Nghĩ như thế, anh ta lại hầm hầm ghé mắt nhìn qua lỗ thủng tối om om, càng không nhìn thấy gì lại càng muốn nhìn xem có cái gì, nỗi bất bình trong lòng lại càng mãnh liệt. Thình lình chân giẫm gẫy một cành củi nghe đánh “cắc” một tiếng, lập tức trong cửa sổ vang lên tiếng hỏi cảnh giác “Ai đấy?”. Anh ta sợ quá nín thở, chạy tót ra ngoài. Chạy xa rồi mới ngoảnh nhìn căn nhà quen thuộc: “Đồ con hoang không thể cứ hạ phóng mãi một thôn này! Nửa đêm về sáng là phần ông!”

Không hiểu sao chửi xong, anh ta thấy một điều khó nói trỗi dậy trong lòng: anh ta bỗng cảm thấy việc đó và người đàn bà yêu thương của mình trở nên nhạt thếch, cảm thấy hai người bồ bịch với nhau ròng rã mấy năm trời, trong chớp mắt đã chẳng còn mùi vị gì nữa. Anh ta không nói rõ được mùi vị ấy là gì, là thế nào. Có lẽ chỉ vì cảm thấy bản thân nợ người đàn bà ấy một chút tình, nhưng khi có thằng con hoang đen trũi ấy xen vào thì anh ta chẳng còn nợ gì hết. Không những không nợ mà ngược lại cảm thấy cô ta nợ mình rất nhiều thứ. “Buôn bán đã lỗ vốn thì còn mùi mẽ đếch gì nữa? Đàn bà trong thôn đâu có thiếu?” Chửi thế rồi anh ta mới lại thấy dễ chịu.

Lửa cháy to quá, củ khoai tây vừa nãy anh ta ném vào lửa đã bị cháy teo lại, mấy tia lửa màu xanh tiếp nối phụt lên từ cục than đó. Người bạn cảm thấy vừa nãy mình lỡ lời bèn chân thành khuyên nhủ:

“Chà, chẳng đáng phải tức giận đến thế? Anh ngủ với bồ thì người ta cũng ngủ với bồ. Bồ là bồ, vợ là vợ, hai chuyện đó khác nhau. Hơn nữa, người ta còn là người đứng đầu công xã, đội trưởng như anh chọi được à? Thôi cho qua, đàn bà đều trai lơ, đĩ thõa, mà đồ chó đ. nhà anh cũng ngủ đủ vốn với cô ta rồi!”

Hai người đàn ông cùng cất tiếng cười thoải mái, cười chán mới lại đùa tếu:

“Đêm nay lẽ ra anh nên dẫn vợ anh đến nghe trộm. Nếu cô ta biết bí thư công xã chen chân vào thì bảo đảm sẽ không cãi cọ với anh nữa!”

Hai người lại cười lớn tiếng một hồi nữa. Vốn là câu chuyện canh cánh trong lòng mình, đột nhiên được người khác nói ra rõ ràng không sai, lại chẳng thiếu một ly một lai nào thì những gì vướng bận trong lòng đột nhiên cũng mây tan khói tản, anh thấy lòng thư thái, trong sáng như con sông Ngân tách dòng trên đỉnh đầu.

“Tôi hỏi này, cô ta có gì hay mà buộc được chân đồ ngựa dái như anh đến mấy năm thế?”

Anh ta đắc ý cười:

“Không cười lên thì không phân biệt được hay dở, cười lên rồi cậu mới biết là có khác...”

“Nói khoác! Dù là gì đi nữa, cô ta cũng chỉ là đàn bà! Hay là anh đã gặp tiên giáng trần?”

Anh ta không đáp, chỉ nhào trộn những chi tiết khi ngủ cùng người tình với những ngọn lửa vừa đỏ vừa vàng trước mắt thành một mớ hỗn độn... Thình lình, đống thịt đen trùi trũi trần truồng kia xen vào, thế là anh ta chửi:

“Đồ chó đ., hoa đẹp ngửi đều thấy thơm. Đêm nay, thằng con hoang đen trũi ấy tha hồ được lợi!”

“Ái chà, vẫn còn ghen cơ à? Nếu thật sự không nín nhịn được thì anh đi đi, thử xem bí thư có nhường đội trưởng không nào? Thử xem anh có gan đó không nào?”

Anh bạn nói xong lại cười khà khà. Anh ta cũng cười theo nhưng giấu kín cuộc hẹn hò nửa đêm về sáng. Khi anh bạn không cười nữa, anh ta mới nói sang một đề tài khác:

“Người chăn dê ở Gò Đông đến nói vài ba bận rồi. Tôi thấy anh ta rất thích hợp. Đàn dê đội ta lâu nay không có người thành thạo chăn dắt. Hễ anh ta tới thì đàn dê thôn ta được nhờ.”

Anh bạn lại giễu cợt:

“Đồ chó đ., người thương trở thành giấy rách thì anh đem bán chứ gì!”

“Nói bậy nào, từ lâu đã nhận lời làm cho cô ấy một việc.”

Anh ta lại nghĩ tới bộ mặt nín thinh của cô, nghĩ tới những nỗi ai oán không cất nên lời, thế là lại cứng rắn nói:

“Đã làm việc thì không thể chỉ nghĩ đến sướng cho riêng mình. Tớ có vợ con, làm sao có thể yêu thương người ta suốt đời được? Người ta cũng cần phải sống theo hoàn cảnh của mình chứ!”

Anh bạn gật đầu với vẻ tin phục:

“Tôi thấy thế cũng được. Nhưng anh phải nói trước, bảo cậu chăn dê ấy thế nào cũng phải ở rể.”

“Cậu ta nghèo đến mức chẳng có lấy một bộ quần áo cho ra hồn, không ở rể thì làm gì được? Nếu đã lo được lễ ăn hỏi, lấy được vợ thì cậu ta còn sống độc thân hay sao? Việc hôn nhân này chẳng phải cậu ta vớ được món bở lớn hay sao?”

“Bồ bịch một thời gian, cũng coi như anh không phụ cô ấy.”

Có lẽ do lửa làm nóng người lên nên trong lòng thấy ấm áp, anh ta cũng dịu dàng hơn. Vừa cười anh ta vừa nghĩ tới khuôn mặt im hơi lặng tiếng, nghĩ đến cảnh lần đầu tiên anh ta qua đêm ở nhà cô. Nửa đêm anh ta mới tới, vào khỏi cửa câu đầu tiên là: “Đêm nay tôi ở lại”. Cô không nói gì. Câu thứ hai là: “Em cởi ra”. Cô thong thả cởi quần áo ra. Người miền núi ăn mặc rất đơn giản, cởi áo vải, cởi quần vải đã là thân hình trắng toát. Cổ tay, cổ, đầu gối và chân đều có một tầng ghét bám như vẩy cá giống anh ta. Sau đó anh ta thổi tắt đèn. Trong bóng tối đen như mực, anh ta biết cô là người đàn bà rất hay. Anh ta chưa bao giờ ngủ với cô mà lại thắp đèn như gã con hoang đen trũi nọ... Nhân ngãi mấy năm, không biết anh ta đã nhận lời với cô bao nhiêu lần, song có lời này là không quên được: ngay lần đầu tiên anh đã nhận sau này sẽ giúp cô tìm một người đàn ông thích hợp để thành gia thất. Đại trượng phu, nam tử Hán, đàn ông đã nói là ra nói, bây giờ cũng được tiếng là đối xử tốt với cô.
Anh bạn ngồi bên đống lửa đã có ý mệt mỏi, quấn chặt hơn cái áo da dê trên người rồi cúi thấp đầu chui vào lều:

“Tôi ngủ trước một lúc nhé.”

“Được, ngủ đi.”

Nói xong, anh ta cười thầm. Tiếng nước trên sông vẫn rì rào vang lên, trong bụi cây không xa có con chim đỗ quyên đang khóc, sao trên trời dường như càng dày, càng đặc hơn.

Không biết qua đi bao lâu.

Khi người trong lều ngủ được một giấc tỉnh dậy, anh ta không còn ở đó nữa. Bên cạnh đống lửa bỏ lại một đống vỏ khoai tây bóc ra, còn củ bị ném vào lửa thì đã cháy thành than từ lâu, tròn, như một con mắt cô độc lấp lánh ánh đỏ sẫm yếu ớt trong lửa tàn. Người bạn vui vẻ chửi rủa để lộ nét cười hiểu ý.

Bỗng một ngôi sao sa quên mình vùng ra khỏi màn trời như gấm như hoa để nhào xuống bóng đêm không đáy. Sau một thoáng chói mắt, bóng đêm trong hang núi dường như đen hơn, sâu hơn. Có tiếng gọi dài, thô và khàn vang lên từ bóng tối đó:

“Lợn rừng đấy, mau tới đi, đi, đi, đi!”

Nguyên đăng trên tạp chí Bắc Kinh Văn học, số 5 năm 1988

Hảo hán


“Kẹt, kít”, cánh cửa đóng lại phía sau lưng, qua khe cửa anh nghe thấy cô thở dài như rên rỉ. Trong bóng tối, anh cười thầm: “Mẹ nó, độc chiếm một phần trong thiên hạ!” Chửi xong, thuận tay nhấc cây súng kíp dựa ngả cạnh cửa, lập tức cái lạnh giá khoan khoái từ tay lan ra. Vừa nãy đôi bàn tay này đã nhào người đàn bà như nhào bột mì, anh thấy khoan khoái nói sao cho xiết nhưng không như lúc này, mà nóng bỏng, nóng bỏng đến mức thoải mái trên người và say say trong lòng... “Mẹ nó, riêng chiếm một phần!”

Không biết tuyết ngừng rơi lúc nào, gió Tây thoang thoảng vén một bầu trời cao xa đầy sao. Gió đưa hơi lạnh vào ngực, làm nhiệt huyết sôi sục vì đàn bà của anh bình lặng rất sảng khoái. Thân hình cao lớn cường tráng được duỗi ra trong gió đêm, hơi thở khắp người do bén thân thể đàn bà cũng lan tỏa cùng với nhiệt lượng. Anh đổi khẩu súng kíp từ tay này sang tay kia, ngoảnh lại liếc nhìn cánh cửa vừa mới khép lại. Anh biết, chỉ cần giơ tay lên vỗ một cái vào cửa, chỉ cần hiên ngang nhả ra một tiếng “Anh” thì cánh cửa vừa đóng lại kia sẽ mở ra, cô sẽ vừa mừng vừa sợ ngửa lòng ra đón. Đêm nay, anh muốn nhào cô thế nào thì nhào, muốn sai bảo thế nào thì sai bảo. Nhưng anh lại không thế, lại cứ ra về. Chuyện ấy vừa mới xong là anh mặc quần áo ngay. Cô bảo tuyết xuống nhiều lắm, đừng đi. Anh nói, không. Cô bảo, cơm rượu để anh ăn đêm đã chuẩn bị sẵn rồi, anh vẫn nói, không đói. Thế là cô khóc. Anh cười, bước tới bếp mở vung nồi, trong nồi nóng hôi hổi là một đĩa khoai tây thái chỉ và một đĩa trứng rán. Anh lại cả cười, đậy vung lại, quay sang chụp lấy chai rượu trên mặt bếp, dùng răng cắn để mở nắp chai rồi tu ừng ực đến nửa chai Cao Lương Bạch. Sau đó ra lệnh: “Mau trở dậy! Cài cửa lại!” Cô ngoan ngoãn bò dậy, vừa mặc quần áo vừa thút thít khóc. Khi ra đến cửa, cô đi phía sau van nài:

“uyết lớn như thế này, ngày mai đừng đi săn...”

Anh nhận ra điều cô van nài không phải là chuyện ấy:

“Nói chán thế! Tuyết xuống không đi săn khi nào mới đi? Cả một đoàn đã hẹn đâu vào đấy rồi.”

Cô dùng dằng mãi, cuối cùng nhịn không nổi:

“Việc ấy anh đã nghĩ chín chưa?”

Anh cố ý lảng tránh, hỏi lại:

“Vệc gì?”

“Hai ông chú trong họ đang đợi một lời đó của anh đấy. Các chú nói nếu anh không nhận lời ở rể thì các chú sẽ đánh gãy chân em.”

“Dá... m! Mẹ kiếp, cứ bảo họ nói với tôi xem nào! Ông đây ngủ với người thương là việc công khai, đã khi nào đến với cô mà phải lén lút chưa? Súng của ông dựng cửa kia kìa, sao chẳng có đứa con hoang nào dám đánh rắm. Tôi không tin đầu họ cứng rắn hơn đầu báo!”

“Các ông ấy bảo chi nhánh Vĩnh Phúc chỉ có anh ấy là con trai duy nhất, Vĩnh Phúc chết rồi thì không còn ai hương khói nữa... Còn bảo anh đã chiếm vợ của anh ấy, lại diệt luôn họ của anh ấy thì ắt gặp phải báo ứng...”

Anh cười nhạt:

“Đã sợ báo ứng đến thế thì sao cô và mấy ông chú của cô không bàn bạc trước đã rồi hãy gọi tôi đến ngủ với cô?”

Câu này làm cho cô nước mắt tuôn rơi tràn mặt:

“Em van anh đấy, em biết anh là hảo hán, hiếu thắng, nhưng chỉ cần anh nhận lời với họ thì chuyện của hai chúng ta sẽ dễ dàng hơn. Ngoài việc đổi sang họ của Vĩnh Phúc, những việc khác cả đời này em đều nghe theo anh, anh muốn sao được vậy...”

Anh nhe hai hàm răng trắng ởn:

“Tôi chẳng muốn gì hết, chỉ muốn ngủ với cô thôi!”

Vừa nói anh vừa ôm lấy người đàn bà khóc lả đi trong lòng rồi bế lên giường. Mượn hơi men, anh lại nhào thân thể người đàn bà như nhào mì một lúc nữa.

Bây giờ, mọi khớp xương trên người anh đều đã khoan khoái duỗi ra, khoan khoái đến mức anh muốn ngân nga vài câu hát bội, tiếc rằng lại không thuộc bèn giơ khẩu súng yêu quý lên trước mặt và ngắm nghía. Danh tiếng khẩu súng cùng danh tiếng của anh vang dội như nhau trong sáu mươi dặm vùng núi này. Trong vùng ấy, người dám cầm súng kíp bắn vào báo và không phải bắn chết mỗi một con chỉ có anh, chỉ có một hảo hán là anh. Công khai ngủ với đàn bà, ngủ với đàn bà còn khiến đàn bà phải tới cửa van nài cũng chỉ có riêng mình anh! Sức lực trên dưới khắp người dùng không hết lúc này đang mượn hơi men trào lên dội xuống nóng rực trong ngực. Ngoài sức lực dùng không hết ấy và khẩu súng tốt trong tay, anh không tin và cũng chẳng để ý tới những gì còn lại. Anh ước lượng thế gió ngày một yếu đi với vẻ hài lòng:

“Tốt, mặt trời vừa ra khỏi núi thì thế nào gió cũng dừng. Đúng là thuận lợi cho đi săn!”


Vừa mới tỉnh lại từ cơn mê, anh suýt nữa bị tiếng cười ha ha, hì hì nâng dậy. Qua tiếng cười và ánh mắt chế nhạo vui vẻ, điên cuồng của chúng bạn, anh nhận ra có điều lạ gì đó, thế là anh chống tay nâng thân thể từ dưới đất lên, nhìn vào chỗ mà mọi người đang ngắm nghía. Vừa nhìn, tự anh cũng không nhịn được cười. Giữa đũng quần của anh toác ra một lỗ hổng bán kính đến gần một gang, cái của quý đang treo ở đó như một cái chuông gió, lộ hẳn ra ngoài chẳng có gì che. Nhưng vừa cười thì trán, gò má và nửa mặt bên phải đã đau như dao cắt. Anh nghiến răng hít hà và ngửi thấy mùi máu tanh đầy mồm. Anh cảm thấy rõ ràng có một luồng gió lạnh luồn từ vết thương trên mặt xuống mồm nên buột miệng chửi:

“Đồ chết tiệt, xuyên thủng rồi!”

Một lần nữa, tiếng cười của chúng bạn lại vỡ òa:

“Mẹ cậu, không phải lo lắng cho mặt nữa, nếu có cắn đứt của quý ấy thì cậu chẳng thể làm thằng chưa vợ nữa rồi! Cậu cùng làm đồ góa với người thương của cậu đi thôi!”

“Của quý của đồ con hoang này xịn thật đấy, cả đến con lợn rừng cái ấy cũng đuổi theo để cắn...”

“Ha ha, hảo hán có súng tốt! Cả hai khẩu đều cừ!”

Thấy chúng bạn cười đùa vui vẻ đến thế, anh cũng muốn cười theo. Nhưng nụ cười chưa nở trên mặt thì ngượng quay lại vì cái đau như dao cắt, búa chặt. Máu tươi lại từ vết thương xuyên thủng ấy ứa ra từng bụm một, ngập cả răng và lưỡi. Anh bực tức nuốt một ngụm, mùi tanh nồng lập tức khuấy động cả lục phủ ngũ tạng.

Lúc nãy, khi con lợn rừng cái bị thương chồm từ tảng đá xuống, anh bị trượt chân, ngã ngửa trên núi. Cây súng kíp được cả anh lẫn chúng bạn ngợi khen không biết bao nhiêu lần cũng tuột khỏi tay rơi trên đá, bắn một phát vào chỗ trống không. Nghe súng nổ, con lợn cái điên lên vồ lấy anh. Phản lưng to như cánh cửa, răng nanh như mũi dao cuốn trong một trận gió lạnh. Khi cái mõm dài hơn một thước ta cắn phập một nhát, anh chỉ kịp đạp một cái theo bản năng, tim giật lên một cái: “Hỏng rồi!”. Sau đó con lợn hất đầu, anh bay khỏi mặt đất một lát như chiếc lá bị gió cuốn đi rồi rơi phịch xuống đất. Một gốc gai đã bị liềm cắt cụt chỉ còn gốc đã đâm vào mặt anh như mũi dao, sau đó anh không biết gì nữa. Chúng bạn đã kêu lên ra sao, người khác đã bắn mấy phát súng, anh được khiêng đến đây như thế nào, con lợn rừng bị hạ gục như thế nào, anh đều không biết... Bây giờ nghĩ lại, thật là may mà có cái quần với đũng rộng và dày này. Cái mõm to như chậu máu và dài hơn một thước ta đã đớp vào đũng quần rộng thùng thình đó, nếu cao lên phía trên ba tấc nữa thì chưa thể nói chắc anh có tỉnh lại được không. Anh nghĩ một lát rồi lấy khăn mặt quấn trên đầu nhét vào lỗ thủng để che chỗ xấu hổ đi. Cử chỉ này lại làm rộ lên một trận cười và chửi vui nữa. Mấy người bạn họ kết thành một nhóm, mùa đông năm nay mới đi săn lần đầu, mới khai trương lần đầu. Lần đầu khai trương đã săn được hai con lợn rừng, một lớn một bé. Ngoài lợn rừng ra, hôm nay họ còn vớ được một chuyện cười vui đến thế, bởi vậy tinh thần mọi người phấn chấn là điều đương nhiên. Hôm nay anh bắn chuẩn đến kỳ lạ. Sau khi đuổi kịp hai mẹ con con lợn rừng, ai nấy mừng đến hò hét luôn miệng. Chỉ một phát, anh đã bắn trúng con lợn con, tiếp ngay sau đó, phát thứ hai bắn trúng hông con lợn mẹ. Lợn hộc lên, người cũng hét lên, không phân biệt được lợn điên hay người điên nữa, thế là đuổi thẳng một hơi qua hai đầu núi. Không ai ngờ con lợn mẹ bị thương nấp dưới tảng đá, không ai ngờ con lợn mẹ đã hoảng hồn còn quay trở lại liều mạng. Khi nó chui ra mang theo một luồng gió lạnh và máu me đầy mình, chúng bạn sợ đến mức chui lủi tứ phía. Chính trong giây phút đó anh trượt chân, chính trong giây phút đó khẩu súng kíp tuột khỏi tay anh. Khẩu súng là niềm kiêu hãnh của anh. Anh đã mua nó bằng một gánh lúa mạch và năm mươi tệ từ cửa hàng lò rèn Trương Ký ở thị trấn Hà Đề. Nòng khẩu súng này dài hơn nòng súng của người khác đến năm sáu tấc ta, bắn được xa và chuẩn xác. Hàng năm, hễ đi săn vào mùa đông, anh cùng với khẩu súng đều được tăng thêm nhiều oai phong.

Nhưng thật là vạn lần không ngờ tới, khi con lợn mẹ vồ tới thì súng lại tuột khỏi tay. Súng tuột khỏi tay rồi anh mới biết, không có súng thì cũng chẳng có oai phong. Con lợn mẹ chỉ hất đầu một cái là anh đã bay lên như chiếc lá... May là đũng quần dày, may là quần lối cũ, nếu không thì đi đời tất tật. Cơn vui điên cuồng của chúng bạn vẫn chưa tàn, có người cười nắc nẻ đến chảy cả nước mắt. Anh chẳng quản ai cười ai không, chỉ cẩn thận chỉnh lại cái khăn mặt nhét vào lỗ thủng, sau đó đưa mắt tìm rồi hỏi:

“Súng đâu?”

“Cái gì?”

“Súng của tôi đâu?”

“Súng của cậu chẳng phải vẫn còn nguyên trong đũng quần đó sao?”

“Súng đâu? Mau đưa cho tôi đi!”

Nắm chặt báng súng lạnh giá, anh bỗng nghĩ đến câu chuyện tối hôm qua, nghĩ đến lời cầu xin của người đàn bà, bất giác cảm thấy hối hận: nếu nghe lời cô không đi săn thì đã chẳng gây nên chuyện rủi ro đó, quả đúng là anh đã bị báo ứng. Nghĩ đến hai chữ báo ứng, hai con ngươi của anh trừng trừng đứng sững trong tròng mắt.

Vết thương trên mặt và trên trán đau rát như phải bỏng. Trước mặt anh là một đống lửa cháy rừng rực do chúng bạn nhóm lên, củi khô ném vào lửa tí tách bắn ra vô số tia lửa. Lửa táp vào, vết thương càng đau dữ. Anh quay người lại để cho vết thương hứng gió lạnh. Thịt lợn rừng đã chia xong, hai phát súng đều do anh bắn trúng, lại bị thương nữa nên theo lý, đương nhiên anh được chia nhiều hơn người khác hai cái thủ lợn. Mấy miếng thịt ngon nhất để cạnh hai cái thủ cũng là của anh, công lao được bày ra rõ ràng ở đó. Ngoài câu chuyện buồn cười kia ra, trong mắt chúng bạn anh vẫn là một trang hảo hán. Nhưng anh vẫn có chút hoảng hốt không nói ra được, vẫn có chút miễn cưỡng không thể nói ra, cả một bầu tâm sự và ngờ vực đè nặng trong lòng.

Trong chúng bạn có người nói đùa:

“Còn ngây người ra làm gì nữa? Vác thịt lên mà về thôi, trên người cậu còn thiếu mất cái gì đâu nào!”

“Phát súng của cậu bắn trúng hông con quái đó không nhẹ đâu! Thôi được rồi, có lỗ vốn đâu nào!”

“Bảo quả phụ làm bánh cảo cho hảo hán ăn đi. Ăn xong thì tha hồ ngủ với cô ấy!”

Cả đám người lại cười ngả ngốn như điên dại. Vừa cười mọi người vừa vốc một ít tuyết phủ lên đống lửa. Trong tiếng xì xì xèo xèo, một đống lửa rừng rực trong nháy mắt biến thành mấy làn khói lạnh do dự tản ra trước mắt.

Nhờ người giúp đỡ, anh chuyển hai cái thủ và thịt lợn treo ở đầu súng sang vác trên vai trái. Cả đám người cười nói đi xuống núi, đầu đề câu chuyện tất nhiên vẫn xoay quanh có chiến lợi phẩm nhiều nhất và cũng nhiều chuyện buồn cười nhất. Mặc cho mọi người nói gì thì nói, anh vẫn lầm lũi đi không trả lời. Ai đó thúc vào lưng anh:

“Sợ, sợ mất vía, mất hồn rồi sao?”

Anh rướn cổ lên nói cộc lốc:

“Đếch!”

“Không mất vía sao chẳng nói? Có vội về đưa thịt cho người ta cũng không vội kiểu ấy được?
Anh vừa toan đáp lại thì cơn đau kịch liệt đã ngăn cản, miệng lại có mùi tanh xộc lên. Một người chuyển đề tài sang khen khẩu súng:”

“Súng của cậu tốt thật đấy, bắn rất chính xác. Một gánh lúa mạch với năm mươi tệ cũng đáng!”

Súng đang vác trên vai, còn báng súng bằng sừng trâu nhẵn thín đang nắm trong tay. Đồ vật yêu quý này của anh đã dùng không phải mới một vài năm, nhưng hôm nay, lần đầu tiên anh có cảm giác hơi khác lạ về nó. Làn gió gở đầy chết chóc do con lợn mẹ mang đến khi nó chồm xuống mặt anh, bây giờ vẫn còn xoay tròn trong ngực. Anh cảm thấy lòng mình có phần giống với đống lửa rừng rực lúc nãy, dường như cũng có ai đó vốc một nắm tuyết lạnh giá phủ lên, dường như cũng có cái gì đó hóa thành làn khói xanh do dự rồi bay đi mất... Anh chợt cảm thấy một luồng hơi lạnh thấu xương, nếu có một ngụm rượu thì tốt quá, anh có thể nhờ hơi men mà xua đuổi cái lạnh đó đi. Anh ước ao như thế rồi run rẩy thật sự, anh phải vận hết sức lực toàn thân để cố nén cơn rét đó xuống. Chưa đi được mấy bước, anh lại run lên... Trong ánh chiều tà, anh ngẩng đầu lên: xa xa, thôn xóm quen thuộc đang lạnh lùng nhả khói xanh vào bóng tối âm u lạnh lẽo của núi cao.

Khi vào đến thôn, anh cố ý tụt lại cuối cùng vờ như muốn đi tiểu. Thấy chúng bạn đã tản ra, ai về nhà nấy, anh mới vội vã tới gốc cây dương thiêng ở đầu thôn cung kính, dâng hai cái thủ lợn lên bàn đá đặt trước cây rồi khấu đầu ba cái, vái ba vái. Vái xong, anh quỳ mãi trước cây, cố chấp và thành kính khấn thầm mấy lượt về chuyện báo ứng, dường như tin chắc thân cây sẽ cho mình lời giải đáp rõ ràng. Hai mắt anh nhìn thẳng vào bóng tối mỗi lúc một dày đặc.

Có lẽ đúng là để đáp lại anh, sau một hồi nháo nhác đàn quạ đen sì đập cánh từ tán cây um tùm bay ra như lũ ma quỷ, lượn mấy vòng quanh cây thiêng, sau đó lại trở về náu mình trong cành lá già cỗi và thần bí.

Anh ngước mắt lên, cố chộp lấy những bóng đen lướt rất nhanh qua kẽ cành lá dày đặc nhưng chỉ uổng công. Cuối cùng, anh ngoẹo đầu chúi xuống buông xuôi mọi nỗ lực. Một tiếng thở dài não nề buông ra từ lồng ngực nở nang, rắn chắc rồi rơi phịch xuống bóng đen. Theo sau tiếng thở dài đó, một bụm máu tanh nồng lại tràn ngập cả răng và lưỡi.


Tối đến, khi cánh tay vạm vỡ của anh lại kéo người đàn bà vào lòng, anh đã nghiêm mặt hỏi cô:

“Em bảo báo ứng, thế nào là báo ứng?”

Cô nghĩ một lát:

“Báo ứng tức là không chết được yên lành.”

“Người nghèo khổ thì làm sao có được cái chết yên lành?”

“Lại còn phải hỏi à? Cả đời được ăn no, uống tốt, có nhà cửa, vợ con, có gốc có rễ, có người nối dõi, sống đủ tuổi của mình... Nhưng tối nay anh làm sao thế?”

Anh không trả lời ngay, ngừng một lát mới nói:

“Em bảo lúc nào chúng ta cưới nhau?”

Cô vùng ra khỏi tay anh:

“Anh nói thật đấy chứ?”

Anh bực mình ngửng mặt:

“Gì mà nhiễu thế! Khi nào?”

“Em sẽ bàn thêm với các chú ấy lần nữa...”

“Đếch! Hảo hán đã làm là hảo hán chịu trách nhiệm, việc của mình cần gì đến họ phải bận lòng?”

Ngay tức thì, hai hàng nước mắt nóng hổi từ má cô rơi xuống...

Nguyên đăng trên tạp chí Bắc Kinh Văn học, số 5 năm 1988

Lời cuối sách


I. Sự đền bù cho sinh mệnh

Nếu chẳng phải đã từng sống sáu năm ở vùng núi Lữ Lương xa xôi hẻo lánh, nếu chẳng phải đã trồng hoa màu sáu năm với những người dân vùng núi không hay biết gì, thì dù có thế nào tôi cũng không sao viết nổi những truyện này. Thời gian sáu năm chỉ một loáng đã trôi qua, cũng đã có mười mấy năm cách ở giữa. Bây giờ, khi tôi đã viết xong từng truyện từng truyện một và viết Lời cuối sách này, tôi biết, giờ đang vào lúc chuẩn bị cấy cày, nông dân vùng núi Lữ Lương đang bận bịu với công việc nhà nông trước khi gieo giống: dọn đất, bón phân, chọn giống, sửa sang nông cụ. Sau khi đã gieo giống, họ mong mưa, mong hạt nảy mầm, mong những vất vả cả năm của mình đổi lấy một mùa bội thu. Liềm họ cầm trong tay, thời đại đồ đá mới đã có hình dạng cơ bản; cào dày để tuốt lúa dùng ở sân phơi, thời đại Xuân Thu [2] đã định hình; lưỡi mai vuông họ dùng để xắn đất đã phổ biến ở thời đại đồ sắt; cái lâu [3] dùng để gieo thóc giống là do Triệu Quá thời Tây Hán phát minh, cảnh tượng cày ruộng đánh luống của họ giống hệt trên bức tranh trâu cày được vẽ vào đời Hán... So với họ, sáu năm thật ngắn ngủi. Đời đời kiếp kiếp, họ cứ lặp đi lặp lại như thế, lặp đi lặp lại đến mấy chục thế kỷ. Cái mà văn nhân gọi là lịch sử dường như chẳng liên quan gì đến họ, xưa nay chưa hề đi vào ý thức của họ. Biết bao nhiêu thế kỷ đã qua, chỉ có gió mùa khô hạn của đại lục châu Á và mây mưa đậm đặc của Thái Bình Dương là chiếu cố nơi đây. Cứ như thế, trên vùng đất khô hạn mênh mông của đại lục châu Á này dần dần sinh sôi nảy nở một quần thể người màu vàng. Do bị biển khơi và núi cao ngăn cách hoàn toàn, người ở đây cho rằng trong vũ trụ này chỉ có họ mà thôi. Thế là đến đời Đường, có một nhà thơ cảm khái thở than cho nỗi cô đơn từ xưa tới nay chưa có trên đời này. Ông nói: “Trước không thấy người xưa, sau chẳng thấy người tới”. Rồi ông khóc: “Nghĩ đến trời đất xa xăm, riêng ta đau buồn nhỏ lệ...” [4] Tôi chính là một người trong quần thể người màu vàng đó.

Vì có cuộc sống trong sáu năm đó nên tôi hiểu sâu sắc rằng những truyện mà tôi viết sẽ không có trên tay những con người cầm cuốc đó. So với những vấn đề mà đời đời kiếp kiếp họ luôn luôn lo lắng, văn học quả thực chẳng là cái gì, hoặc quả thực là thứ quá xa xỉ. Bởi vậy, tôi không tự dối lòng: cho rằng tiểu thuyết của mình có thể thay họ kêu lên nỗi đau, bởi vậy tôi không tự khoe khoang: nhất định phải nói tiểu thuyết của mình “viết cho nông dân đọc”; bởi vậy tôi không tự tin: viết được mấy truyện là có thể “cải tạo tính quốc dân”; bởi vậy tôi không tự ngạo mạn: cho rằng tiểu thuyết của mình có thể đem lại “vinh quang” vô dụng cho họ; bởi vậy tôi không tự tô vẽ: cứ phải tới lao động ở nơi gần như tàn khốc để tìm niềm say mê điền viên; bởi vậy tôi không tự dối trá: cho rằng kê một đơn thuốc tốt trong truyện là có thể cứu thoát dân đen khỏi chốn nước lửa; bởi vậy tôi không làm ra vẻ đa tình: cho rằng mình chảy nước mắt khóc trong tiểu thuyết là có thể giảm được khổ đau cho đông đảo chúng sinh.

Thực ra, văn học do văn nhân viết ra đại để cũng là thứ tương đồng với danh mục “lịch sử”, “vĩnh hằng”, “chân lý”, “lý tưởng”, v.v... đều là những thứ không có quan hệ sát sườn là bao với những người “mặt cắm xuống đất, lưng ngửa lên trời”. Thế là liền có người đứng ra chỉ trích họ “tê dại”, chỉ trích họ “lạc hậu”, chỉ trích họ “ngu muội”, chỉ trích họ “khép kín”. Nhưng những lời chỉ trích đó cũng chung số phận như sự đồng tình hoặc ca ngợi mà thôi, vẫn không bao giờ đến được với họ. Họ lặng lẽ trong mòn mỏi, lặng lẽ trong tiêu tán với năm tháng chẳng khác gì những mạch núi miền hoàng thổ câm lặng trên cao nguyên... Có lẽ một ngày nào đó, đột nhiên ở một nơi mà người ta không thể ngờ tới, sự chết lặng của họ tích tụ nên miền đất phì nhiêu rộng lớn. Năm tháng dằng dặc, vật đổi sao dời, trong thời gian mà không gian vô cực vô hạn, sự hiển hiện hoàn toàn không cố ý đó càng gây chấn động không lời nào nói xiết cho con người. Khi đám văn nhân kinh ngạc cảm thán cho sự hiển hiện đó, rất có thể trong phút chốc liếc thấy một ánh mắt lạnh lùng với vẻ chế giễu.

Tôi rất lấy làm xấu hổ khi bản thân cũng là một trong số văn nhân kinh ngạc cảm thán nông cạn đó. Tôi cũng rất lấy làm may mắn vì mình đã gia nhập vào việc kinh ngạc cảm thán đó. Người sở dĩ làm người là một bi kịch, và cũng là một sự may mắn. Bi kịch hoặc may mắn ấy đều xuất phát từ cùng một nguyên nhân - đó là sự không cam lòng. Con người luôn không cam lòng dừng lại ở sự hiển hiện của tạo hóa; sau khi kinh ngạc cảm thán, bao giờ cũng hy vọng thoát ra khỏi sự hiển hiện đó để xem phải chăng có một cái tự ngã song lại chẳng thoát ra nổi... Tiểu thuyết của tôi nếu biểu hiện sơ lược được một vài phần kinh ngạc cảm thán thì đã là may mắn lắm rồi. Tôi không bao giờ dám hy vọng quá nhiều, sự hiển hiện không lời song lại không nơi nào không có ấy - sự hiển hiện vốn dĩ đã là sự đền bù cho tất cả sinh mệnh đã chết, đang chết và trong tương lai nhất định cũng sẽ chết đi.

Ô hô, sinh mệnh!

Y hi, văn học!

Ngày 16 tháng Ba năm 1988, tức ngày 29 tháng Giêng năm Mậu Thìn tại nhà ở Thái Nguyên.


II. Tự nhủ [5]

“Trung Quốc là gì? Trung Quốc là mùa thu chín mõm mòm mom!” Một buổi tối nhiều năm trước đây, tôi đã viết câu này vào nhật ký. Viết xong, nhìn chằm chằm một lúc lâu, không nói, trước mắt liền hiện lên khuôn mặt già nua mệt mỏi của núi Lữ Lương... Từ mười tám tuổi đến hai mươi bốn tuổi, tôi đã biến thời gian vàng trong hơn sáu năm trời thành mồ hôi rỏ trên những nếp nhăn già nua và mệt mỏi đó. Tôi không hề nghĩ những giọt mồ hôi đó lại có ngày biến thành tiểu thuyết, tôi không hề nghĩ tôi đã sống mãi với sáu năm đó về mặt tinh thần, tôi không hề nghĩ cần phải suy nghĩ về ý nghĩa sinh mệnh trong sáu năm. Việc lặp lại và kéo dài quá trình sáu năm sinh mệnh hóa ra lại trở thành sự nghiệp của tôi, trở thành sinh mệnh thứ hai của tôi. Tôi đã lún sâu vào sinh mệnh thứ hai này và không sao tự rút chân ra được, cho dù đã thấy rõ sự yếu đuối và vô dụng của nó, hiểu biết sâu sắc sự hư ảo và lôi cuốn của nó, tôi vẫn không thể tự rút chân ra. Tôi biết, mồ hôi còn lại của cuộc đời này nhất định sẽ phải thấm đẫm những thứ yếu đuối và vô dụng, hư ảo và lôi cuốn đó. Thấm đẫm rồi mà còn cảm thấy xa lạ, cảm thấy mất mát sâu sắc. Thế là lại thè cái lưỡi khô ráp như con trâu già nặng tình liếm láp từng miếng một, hy vọng liếm tìm ra một sinh mệnh tươi rói và chân thực ở phía dưới những yếu đuối và vô dụng, hư ảo và lôi cuốn đó... Bao nhiêu lần rồi, khi làm đến cùng công việc này, những gì nhìn thấy trước mắt vẫn là mùa thu chín mõm mòm đó, già nua, mệt mỏi, gió bụi cùng mình. Vô duyên vô cớ bèn muốn mang vầng mặt trời không còn sức lực kia tới gần hơn, nhưng lại biết đó là điều tuyệt nhiên không thể. Rõ ràng vầng mặt trời đó đã rời xa. Thế là mồ hôi lập tức biến thành nước mắt..., thế là lại dùng nước mắt để thấm đẫm lần nữa, thế là trong nỗi tuyệt vọng đau đớn lại có hạnh phúc đớn đau đi kèm... Không nhớ ai đã nói, nhà văn, nhà nghệ thuật đều là những người mềm yếu về tinh thần và tình cảm, nhất là khi họ đối mặt với mùa thu chín mõm thì lại càng là như thế. Bởi vì, trong mùa thu chín quá lâu ấy, chắc chắn ai cũng là một phần của sắc thu, không hề ngoại lệ, cũng tức là một phần của già nua, mệt mỏi, cho dù có nhiệt huyết đầy bầu tưới xuống đất thì khi nhuộm được ra cũng vẫn là cả một sắc đỏ bắt mắt của mùa thu...

Có lúc tôi nghĩ, mình đúng là tự chuốc lấy, mình hoàn toàn có thể không cần phải như thế, mình như thế thì chỉ chứng minh mình viển vông và vô dụng, mình có thể hài hước, thoải mái nhẹ nhàng, tất cả đều đem chơi cho thật “sành điệu”. Nhưng tôi lại nhìn thấy cái hài hước, thoải mái nhẹ nhàng, và kể cả sự “sành điệu” của chúng đều bị gió thu quét cho rơi xuống đám khô vàng khắp đất.

“Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu, thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu” [6] . Những lời này về sau tôi mới lĩnh hội được, nhưng đám nhiệt huyết trong người lại bức bách tôi, không cho tôi tin vào lời tự dối lừa lạnh lùng đó. Đám nhiệt huyết trong lòng tôi kêu ầm lên: Ông không được tin vào lời tự dối lừa đó. Khi chúng tôi đem lại cho ông sự tuyệt vọng thì cũng chẳng cho ông hạnh phúc đó sao? Tôi chế giễu bọn chúng: Thế nào, các anh cũng muốn đem hạnh phúc tuyệt vọng đó ra bịp tôi sao?

Bọn chúng lập tức cứng họng... Sau đó chúng khóc: Đúng thế, nếu bảo lừa bịp thì đây cũng là lừa bịp. Song sự lừa bịp này thuộc về ông, nó mang theo mọi thứ của ông, mang theo niềm vui và hạnh phúc của ông, mang theo đau khổ và hy vọng của ông, mang theo tuổi xuân và sự già yếu của ông, thậm chí nó còn mang theo nhiệt độ cơ thể của ông. Nó thuần túy là của ông, chỉ thuộc riêng một mình ông, nó do máu thịt của ông tạo ra, nó là quá trình của ông, là sinh mệnh của ông... Có được hết thảy như thế, lẽ nào còn chưa đủ sao? Còn chưa đủ để đền bù cho ông hay sao? Lẽ nào ông lại tham lam đến thế?

Chúng nói, chúng khóc. Thế là tôi cũng nói, cũng khóc: “Tôi tin, tôi tin rồi, thực sự tin rồi!” Thà tôi cần sự lừa dối tuyệt vọng ấy còn hơn!

Ngày 7 tháng Tư năm 1988


III. Một kiểu tự giác [7]

Một lần, tôi đến nghe giờ lên lớp do học giả tương lai của Câu lạc bộ Rome và học giả Trung Quốc tổ chức tại giảng đường khoa Điện trường Đại học Bắc Kinh. Đề mục chung của chương trình là “Văn hóa và Tương lai”, tổng cộng giảng đến mười ngày. Ý nghĩ ban đầu của tôi là nghe cho mở mang tầm mắt, được một chút gì đó cũng hay. Cuối cùng tôi lại được một cảm nhận mà lúc đầu không lường tới, và để có được sự cảm nhận này, tôi hầu như phải vứt bỏ hết những ý nghĩ trước đây của mình. Ngồi trong lớp học rộng rãi của giảng đường khoa Điện, tôi bị sự thu hoạch bất ngờ quăng vào một tầm nhìn rộng rãi song càng mơ hồ hơn mà khó lòng rút chân ra... Cùng ở trên một bục giảng trong gian phòng lớn hình quạt xòe, tất cả học giả phương Tây đều nghiêm túc, hơn nữa thường là đau lòng phê phán văn hóa phương Tây: phê phán triết học theo phép lưỡng phân của phương Tây, phê phán những thói tật do phương Tây chỉ nhấn mạnh giá trị cá thể gây ra, thậm chí còn dự báo văn minh phương Tây đã từng gây nên hai cuộc đại chiến thế giới, đã từng chế tạo vô số vũ khí hạt nhân, xâm hại sự hài hòa vốn có của thiên nhiên, có đầy rẫy những nhân tố chao đảo không yên, cuối cùng sẽ hủy diệt nhân loại. Thế là họ chuyển ánh mắt sang phương Đông, sang Trung Quốc, mong muốn xây dựng lại hy vọng trên nền đất nhấn mạnh tính quần thể và chưa bị văn minh công nghiệp hiện đại triệt để hủy hoại. Trái ngược hẳn với ý kiến trên, hầu như tất cả học giả Trung Quốc đều nghiêm túc hơn nữa, đau lòng hơn nữa phê phán văn hóa Trung Quốc: phê phán thuyết nhất nguyên theo kiểu phong bế của nó, phê phán nó dùng tính quần thể để bóp chết cá tính, phê phán đủ mọi thứ lạc hậu, thủ cựu, không có thuốc chữa do chính thể luận lý của nó mang lại. Họ lấy dẫn chứng mấy trăm năm qua văn hóa Trung Quốc suy đồi không chấn hưng lên được, thậm chí còn phạm tội ác, lấy dẫn chứng tất cả mọi người trong hội trường đều đích thân trải qua kiếp nạn “cách mạng văn hóa”, dẫn chứng đủ mọi điều hàng ngày thường thấy bên cạnh họ. Thế là họ chuyển ánh mắt sang phương Tây, hy vọng giành được mọi thành quả mà phương Tây đã đạt được...

Tôi lắng nghe, nghe mãi rồi bỗng nhiên cảm thấy một nỗi bi ai chưa từng có, nỗi bi ai về con người, về nòi giống của nhân loại. Ở đó, trên bục giảng trước mắt tôi, những bậc trí giả hoặc gọi là những bậc tinh anh, trong lúc vô tình đã bộc lộ, không phải qua bài giảng mà là qua hành vi, toàn bộ hạn chế của con người một cách chính xác, rõ ràng đến thế - nhân loại bao giờ cũng hy vọng được cứu vớt nhưng sự thực thì sự cứu vớt đó vốn là con số không, vốn là một cái hữu không đáng kể và cũng là cái vô không đáng kể. Nếu cứ nhất định nói là có thì: người chỉ có thể là người, người chỉ thích hợp với quá trình của người.

Từ đó về sau, tôi từ bỏ quan niệm về đủ mọi thuyết văn hóa quyết định mà lâu nay vẫn cho là đúng đắn, không có gì phải ngờ.

Sau khi đăng Đất dày, tôi đã thấy có không ít bài bình luận, cũng nhận được nhiều thư của bạn đọc. Điều người ta nói đến cơ hồ đều là phê phán văn hóa: tính xấu của dân tộc, sự chất chứa tâm lý văn hóa, miêu tả tâm thái nói chung v.v... coi đó là lập ý và ý chính của tác phẩm, rồi đánh giá và so sánh chúng về mọi mặt. Từ điểm nóng bình luận hầu hết tập trung ở Hợp táng, có thể nhận ra điều này. Sở dĩ dẫn đến khuynh hướng này, một là vì không tách khỏi “cơn sốt văn hóa” hồi đó, hai là vì bản thân tác phẩm quả thực có nội dung và miêu tả như vậy, có truyện thậm chí ngoài đó ra rất khó có thể coi là còn có nội dung gì khác, ví như truyện có phần nông cạn và thẳng đuột là Bầu kẻ trộm. Mặc dù đánh giá Đất dày có cao có thấp, có khen có chê, nhưng điều tôi nhận thấy phía sau những lời đánh giá đó là góc nhìn của thuyết văn hóa quyết định mà chẳng ai hẹn cũng giống nhau. Tôi phải thừa nhận, điều đó ít nhiều khiến tôi cảm thấy đáng tiếc.

Sự thực là nếu xuất phát từ góc độ văn hóa, lấy văn học làm vũ khí để phê phán truyền thống văn hóa của dân tộc Trung Hoa thì trước đây hơn nửa thế kỷ người ta đã làm rồi. Từ phong trào văn hóa mới đến nay, quần thể nhà văn mà Lỗ Tấn là người tiêu biểu, quả là đã có địa vị không thể thay thế trong lịch sử. Còn như đối với truyền thống văn hóa Trung Quốc về mặt triết học, lịch sử học, xã hội học, tâm lý học, kinh tế học cùng mọi thứ “học” khác khó dự liệu trước, người ta cần viết bao nhiêu bài, nghiên cứu bao nhiêu nữa thì đó là việc của họ. Nhưng vào thời đó, với tư cách là một quá trình vận động nghệ thuật, văn hóa đã được hoàn thành rồi (mặc dù quá trình đó từng có bao nhiêu lỗ hổng và những điều đáng tiếc). Nếu lặp lại thì mất đi giá trị, hơn nữa lặp lại càng nhiều càng giống thì càng không có giá trị. Bởi vậy tôi mới nói, tôi thấy đáng tiếc.

Văn học thời kỳ mới của Trung Quốc đã bước ra từ sa mạc của “đại cách mạng văn hóa” đã có “cơn sốt vết thương”, “cơn sốt suy ngẫm lại”, “cơn sốt cải cách”, “cơn sốt tìm cội” và bây giờ là “cơn sốt hiện đại”. Góc nhìn càng mở càng lớn, đường càng đi càng rộng, có đủ góc nhìn tình cảm, góc nhìn đạo đức, góc nhìn xã hội, góc nhìn lịch sử, đến bây giờ là góc nhìn văn hóa. Tôi đặt “cơn sốt hiện đại” vào góc nhìn văn hóa là vì khi một số nhà văn, nhà lý luận biểu hiện một thái độ nếu không phải là của phái hiện đại thì không đủ để gọi là văn học, trên thực tế họ vẫn chỉ lựa chọn văn hóa một cách hẹp hòi, cái được lựa chọn chẳng qua chỉ không phải là văn hóa của mình mà là văn hóa phương Tây. So sánh ra, văn hóa quả thực là góc nhìn rộng rãi hơn nhiều, nhưng nó chắc chắn đều có một cái “góc”, một cái thước dù to cũng vẫn là cái thước. Điều nghiêm trọng nhất là đằng sau sự lựa chọn có vẻ mới mẻ đó, cái chúng ta thấy vẫn là phương pháp cũ của hơn nửa thế kỷ trước - vẫn là thuyết văn hóa quyết định, vẫn là lô gích nhân quả theo kiểu trực tuyến, vẫn là phương thức không thế này thì thế kia, vẫn là lối nắm vững triết học có từ xưa. Với phương pháp đó, các bậc tinh anh của dân tộc Trung Hoa đã từng phê phán và dựng xây rất đáng ca ngợi và cảm động đạt chiến tích huy hoàng đối với truyền thống văn hóa của dân tộc mình; các nhà văn học Trung Quốc cũng đã từng đắp nên đỉnh cao văn học rực rỡ nghìn thu. Nhưng chúng ta phải ghi nhớ: đó là đã từng. Thời gian trôi qua, hoàn cảnh biến đổi, biển cả trở thành nương dâu, thế giới đã không còn là thế giới của ngày hôm qua, trái đất cũng không phải là trái đất của ngày hôm qua nữa. Khi nhân loại cách biệt mông muội và hỗn độn ngày một xa, họ đã từng cầu xin tô tem, cầu xin vu thuật, cầu xin tôn giáo, cầu xin lý tính, cầu xin khoa học, cầu xin chân lý và vĩnh hằng, cầu xin sự lựa chọn và biến đổi của chủng loại văn hóa. Tóm lại là cầu xin những gì ở ngoài con người và cao hơn con người. Nếu không có những thứ đó, người ta sẽ không tiếc sức mượn đủ mọi loại lý do nói ra rất xác thực để tạo dựng nên. Tuy vậy “ý vẫn khó lặng”, cuối cùng thì chờ đợi loài người vẫn là hoàn cảnh cô đơn không ai giúp đỡ “trước không thấy người xưa, sau chẳng thấy người tới”. Thế là bèn có ý thức “làng địa cầu” và “ý thức vũ trụ” nảy sinh trong đầu... Cuối cùng, ngoài có được người ra, con người chẳng có gì khác. Nhưng người dù sao cũng là con người cụ thể chứ không phải là con người trừu tượng, “ba tấc khí dùng cho nghìn cách”, vì thế khi tới làng địa cầu, năm tỉ dân làng có năm tỉ sự khác biệt, năm tỉ khả năng có thể. Thế là mượn sự khác biệt và khả năng có thể đó, chúng ta có thể trở lại là chính mình.

Chúng ta không nên lặp lại, mà sự thực thì chúng ta không có cách gì lặp lại. Nói thế không phải để nói rằng văn hóa truyền thống phong kiến Trung Quốc đã phê phán đủ, không thể nhận thức lần nữa, phê phán lần nữa. Kiếp nạn mười năm của “cách mạng văn hóa” và sự xuất hiện của trào lưu lịch sử cải cách đã dẫn tới sự xuất hiện tất nhiên của lối phê phán đó. Chính sự tích lũy tình cảm lớn lao của hàng tỉ người, sự chờ đợi tâm lý lớn lao của hàng tỉ người đã tạo nên một thế hệ danh gia, danh tác rực rỡ như sao trên văn đàn đương đại Trung Quốc. Xin chú ý: tôi nói “tạo nên” là có ý, ý ấy muốn chỉ ra tính chất đặc biệt cực kỳ nổi bật trong văn học thời kỳ mới. Tính chất đặc biệt đó là nó được tạo ra một cách bị động. Khác với cuộc vận động văn hóa mới, nó cho thấy tính bị động lịch sử nhiều hơn, mà tính bị động này tất nhiên dẫn tới một cục diện cá rồng lẫn lộn, dẫn tới sự xuống cấp của bản thân phẩm vị văn học. Tính tức thời của hàng loạt nhà văn và tác phẩm, sau đó nhanh chóng im hơi lặng tiếng là lời thuyết minh không gì tốt hơn cho điểm này. Điều càng cần chỉ ra nữa là văn nghệ Trung Quốc lâu nay vẫn ở địa vị phụ thuộc chính trị, cuối cùng trong kiếp nạn “cách mạng văn hóa”, từ phụ thuộc trở thành đồng phạm. Trong thời kỳ lịch sử khá dài đó, hiện thực lịch sử ấy, không khí xã hội len vào mọi ngõ ngách ấy đã làm sâu thêm tính bị động của văn học nghệ thuật Trung Quốc về hai phương diện là chủ thể sáng tác và khách thể thẩm mỹ. Có thể nói không chút khoa trương rằng, văn học thời mới của Trung Quốc ra đời khó khăn giữa kẽ hở của ngụy tác gia, ngụy tác phẩm, ngụy bình luận gia và ngụy độc giả. Nhất là khi những thứ có vẻ như ngoại tại đó trên thực tế lại là bộ phận tổ chức một nội tại sống động của mỗi một người Trung Quốc thì càng cho thấy bước tiếp thật gian nan. Quá trình văn học mới của Trung Quốc trên thực tế là quá trình mới sinh của việc tự phê phán, tự phản lại mình của mỗi nhà văn. Vì vậy trong quá trình này, tự giác trở thành tiền đề có tính quyết định: mức độ tự giác sẽ tỉ lệ thuận với thành tựu của văn học. Trong dòng lũ văn học trước mắt chúng ta, nhà văn nếu không tự giác cao độ, không chủ động cao độ, thậm chí còn dùng phương pháp cũ để soạn nên vở “mới”, như thế không chỉ là đáng tiếc mà còn báo trước sự chết yểu của mình. Khi chúng ta hoan hô thành quả huy hoàng của văn học thời kỳ mới, nếu không chú ý tới địa vị được tạo ra đó, không thoát khỏi tính bị động đó thì tất nhiên chúng ta ắt bị tòa lầu hình thành do mây đen trước mắt lừa dối. Thực ra, hiện nay chúng ta đã tới giai đoạn văn học tương đối vắng lặng. Đó là giai đoạn kẻ bị động, kẻ không tự giác chìm xuống, là giai đoạn người chủ động và người tự giác bị thử thách. Nó ít nhiều giống thời kỳ sông đóng băng, một số loài bị tiêu diệt, một số loài lại thích ứng, một số loài nhân đó mà hoàn thành sự biến đổi mới mẻ.

Nói không lặp lại không có nghĩa là không kế thừa. Xét cho cùng, giống người là tổng hòa mọi sự kế thừa truyền thống (nói tổng hòa phải chăng có chút máy móc), giống người là một loại động vật quá truyền thống, chí ít cũng có truyền thống hàng năm trăm ngàn năm. Tôi nghĩ văn học Trung Quốc chỉ có thể men theo con đường tính chủ động do cuộc vận động văn hóa mới khai phá nên mà đi tiếp (chứ không phải con đường do người khác nào đã chỉ cho). Vấn đề là phải sáng tạo của mình, phải có sự tự giác và chủ động của mình. Không thể bê nguyên xi phương pháp cũ của họ mà lại còn lựa chọn không thế này thì thế kia đối với văn hóa, mà lại còn cho rằng viết tiểu thuyết là có thể “cải tạo tính quốc dân”, vì thế mà cũng có cứu nước hoặc gây họa cho nước. Chúng ta cần phải nội hóa một số thành quả và mục đích nào đấy mà họ đã đạt được để chúng trở thành quá trình dưới tay chúng ta, chứ không phải tái tạo tác phẩm phục chế mục đích và thành quả của họ. Chúng ta chỉ có thể chứng minh và hoàn thành bản thân trong quá trình đầy tính công năng sáng tạo đó.

Nói cụ thể hơn một chút, chúng ta không nên coi miêu tả, thuật lại “tính quốc dân”, tính xấu hoặc bất kỳ một hình thái văn hóa nào đó là lập ý, ý chính hoặc mục đích mà nên biến chúng thành tài liệu nguyên thủy, biến chúng thành thành phần hữu cơ trong máu thịt để theo đuổi sự thể hiện văn học cao hơn. Trong sự thể hiện ấy, không nên coi việc hoàn thành miêu tả, thuật lại bất kỳ một mô thức văn hóa nào đó làm mục đích. Văn học không đáng bị nhốt trong một cái khung rõ ràng đến thế và cũng cứng nhắc đến thế, văn học cần phải gạt bỏ sự che chắn có vẻ thiêng liêng ở ngoài con người và cao hơn con người và trả lại cho con người một hoàn cảnh đúng thực là người. Trong khi thể nghiệm, quan sát ghi lòng tạc dạ hoàn cảnh này, người ta không còn cầu xin một ai nữa, vì thế tránh khỏi sa vào sự hụt hẫng vô vọng; do không còn cầu xin một ai nữa, người ta cũng mới vì thế mà càng sâu sắc hơn, càng chân thực hơn, cũng là càng thể nghiệm, quan sát phong phú hơn “con người sở dĩ là con người, người chỉ có thể là người”. Thể nghiệm, quan sát được điểm này, có thể sẽ khiến người ta đau buồn, rối bời trăm mối, khiến người ta “đau buồn mà nhỏ lệ”, song khi đã có được điều này thì có được tất cả về nghệ thuật.

Nói đến người và tính người, tôi cảm thấy chúng không nên trở thành một cái gì đó có sẵn, tiên nghiệm, trừu tượng, lý tưởng, định sẵn, đương nhiên càng không nên chỉ trở thành độc quyền sáng chế của phương Tây. Đau khổ của người phương Tây là đau khổ, đau khổ của người phương Đông cũng là đau khổ, người có tính cá thể là người, người có tính quần thể cũng là người. Người và tính người luôn sống động, là một quá trình không ngừng sinh thành, cho nên mới nói “chỉ trong chớp mắt, mới mẻ vụt sinh đều không tạm dừng, đều vô thực định”. Ở điểm này, những nhà khoa học hoặc thầy thuốc như Erust Cassirer, Carl Gustar Jung, Abraham Maslon lại khoáng đạt và linh hoạt hơn nhà văn Trung Quốc với tư cách là nhà nghệ thuật. Người đẹp bao nhiêu thì tính người cũng đẹp bấy nhiêu; người xấu bao nhiêu thì tính người cũng xấu bấy nhiêu; người cởi mở bao nhiêu thì tính người cũng cởi mở bấy nhiêu; người phong bế bao nhiêu thì tính người cũng phong bế bấy nhiêu. Không tồn tại bất kỳ một phương thức tối ưu nào, cũng chẳng hề có một phương thức nào là dở nhất. Mấu chốt ở chỗ nhà văn biết phát hiện và biểu hiện. Nhà văn Trung Quốc sinh ra ở Trung Quốc, lớn lên ở Trung Quốc chỉ có thể viết về người Trung Quốc, hoàn cảnh của người Trung Quốc cũng là một loại hoàn cảnh của con người. Đau khổ kiểu Kafka, phi lý kiểu Camus cũng chỉ là một loại của riêng mình. Không nhất thiết cứ phải khuôn theo một bộ mặt. Tôi vẫn tin có đến năm tỉ khả năng có thể, hơn nữa năm tỉ khả năng này vẫn ngày ngày biến đổi mới mẻ. Văn học và lý luận hiện nay của chúng ta đại để đều đang bận với việc kiến lập cho mình nên đã bỏ rơi người Trung Quốc. Trong khoảng đó, ngoài ảnh hưởng rõ rệt hoặc kín đáo do đủ mọi loại biến đổi “khí hậu chính trị” tạo nên thì quả thật có một truyền thống văn nhân Trung Quốc: không phải khẳng định mình trong sự tồn tại của mình với tư cách là con người cụ thể, mà là sau khi tiêu diệt ý thức làm người thì kiến lập mình bằng những lời bàn luận hư ảo, làm riết rồi thì coi luôn cái bóng của bàn luận hư ảo là người mà không biết rằng ngay cạnh cái bóng lớn đó vẫn là một kẻ lùn tịt.

Cuối cùng tôi còn muốn nhấn mạnh, mọi lời viết ở đây không phải là một lối chỉ trích mà nhiều hơn là một lối tự trách. Là một nhà văn Trung Quốc, tôi chỉ có thể viết về người Trung Quốc. Đồng thời khi tôi viết về người Trung Quốc, bản thân tôi cũng là một người Trung Quốc chính cống. Điều này như tôi đã nói trong lời tựa của Đất dày là người Trung Quốc nào cũng vậy, anh ta chỉ có thể là một bộ phận của mùa thu đã chín mõm mòm. Trong khi thể nghiệm và quan sát sâu sắc hoàn cảnh của người Trung Quốc, tôi chỉ có thể quan sát và thể nghiệm hoàn cảnh của nòi giống được gọi là người trong lòng địa cầu. Tôi không biết văn học Trung Quốc có nên đi ra thế giới và có ra được thế giới hay không, cũng không biết thế giới rốt cuộc phải chăng đúng là rất cần văn học Trung Quốc như người Trung Quốc chỉ biết khát vọng chủ quan hay không, càng không biết văn học có vĩnh hằng hay không trong số phận lâu đời và cô đơn của toàn nhân loại.

Tôi chỉ chọn văn học làm sự nghiệp của mình, tôi coi văn học là sinh mệnh thứ hai của mình. Nói xác thực hơn nữa, tôi coi văn học là quá trình và hình thức của một loại sinh mệnh mà tôi đã chọn cho mình.

Chỉ vậy mà thôi, há có gì khác!

Ngày 10 tháng Tư năm 1988

Nguồn: Đất dày, tập truyện ngắn, Phạm Tú Châu dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, 2007

[1]Phiên âm của “Mã khổ nỉ” trong nguyên văn, có nghĩa là nỉ may quần cưỡi ngựa.
[2]Từ năm 722 trước Công nguyên đến năm 481 trước Công nguyên.
[3]Nông cụ có hai tay cầm và hai càng cho súc vật kéo, ở giữa lắp hộp có lối cho thóc giống rơi ra.
[4]Bài “Đăng U Châu đài ca” của Trần Tử Ngang.
[5]Lời cuối sách viết cho Đất dày do Hồng Phạm Thư điếm ở Đài Loan xuất bản.
[6]Câu dẫn từ sách Lão Tử, nghĩa là “trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó ăn cỏ, thánh nhân bất nhân, coi trăm họ như chó ăn cỏ”. Vương Bật chú giải: “Đất không vì thú vật mà sinh cỏ nhưng thú vật biết ăn cỏ, không vì người mà sinh ra chó nhưng người biết ăn thịt chó. Vô vi đối với vạn vật tự biết dùng cho thích hợp. Thánh nhân cùng chung một đức với trời đất nên coi trăm họ như chó (thú) ăn cỏ vậy.” Như vậy bất nhân ở đây có nghĩa là ngược lại với chí nhân, thành nhân để cho dân chúng tự tìm đến vật thích dụng cho mình.
[7]Lời nói đầu cuốn Đất dày do Chiết Giang Văn nghệ xuất bản.

Tác giả

Lý Nhuệ (sinh 1950 tại Bắc Kinh), từng xuất bản bốn tiểu thuyết, ba tập tiểu luận và bốn tập truyện ngắn. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Lý Nhuệ từng đoạt giải thưởng China Times Literary Prize cho tập truyện ngắn Đất dày.

Dịch giả:

Phạm Tú Châu (sinh 1935), Phó Giáo sư, Tiến sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam, từng là nghiên cứu viên của Viện Văn học, tặng thưởng của Hội Nhà văn năm 1998 cho bản dịch Gót sen ba tấc (Phùng Ký Tài), dịch nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc: Tiễn đăng tân thoại, Tuyết Sơn phi hồ, Chuồng bò trong tháng mù sương...

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài