talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 01.06.2008


José SaramagoTất cả tên | Mù loà


José Saramago
José Saramago

Không gian vô tận của José Saramago

Nhà văn xứ Bồ Đào Nha, José Saramago, gọi cuốn Mọi cái tên (Todos os Nomes [1] ) của ông là câu chuyện giản dị nhất trong mọi chuyện. Câu chuyện của một người đi tìm một người khác, vì cuộc sống chẳng có gì quan trọng hơn. Mọi cái tên có sự hiện diện của mọi người đã và sắp sinh ra trên đời này. Nhân vật duy nhất có tên cụ thể trong tác phẩm là Senhor José, một cái tên không đầy đủ.

Senhor José là viên thư ký hạng bét trong Phòng Đăng ký Trung ương, nơi giữ hồ sơ khai sinh, hôn thú và khai tử của mọi người. Người chết và người sống đều nằm trên những ngăn kệ trong Phòng Đăng ký, nơi có vị trưởng phòng được nhắc đến như chúa trời toàn trí toàn năng, “bộ óc của Trưởng phòng không những biết tên của tất cả mọi người hiện đang sống và đã chết, ông ấy cũng có thể nói tên của mọi người sẽ sinh ra từ nay đến khi tận thế [2] . Nằm trong một toà nhà cổ mênh mông và sâu thẳm, có mặt tiền giống như mặt tiền của Nghĩa trang thành phố, Phòng Đăng ký thỉnh thoảng lại được nới dài thêm – đến vô tận – để có thể chứa tất cả hồ sơ của mọi người đã và sẽ sinh ra. Với những hàng kệ hồ sơ cao ngất ngưởng, bụi phủ và nhện giăng trong những khu ít lai vãng, Phòng Đăng ký không trang bị các tiện nghi hiện đại, không máy vi tính hay máy đánh chữ, và nhân viên trong phòng vẫn còn dùng ngòi bút và lọ mực để ghi chép hồ sơ. Thú vui duy nhất trong cuộc sống công chức nhàm chán của Senhor José là làm bộ sưu tập chi tiết về cuộc đời của những người nổi tiếng. Một hôm tình cờ bắt gặp tờ khai sinh của một thiếu phụ vô danh, Senhor José quyết định đi tìm nàng. Cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa đối với Senhor José nếu anh không đi tìm người phụ nữ đó. Mọi cái tên dẫn người đọc vào cõi không gian vô tận, về nỗi cô đơn mênh mang cùng cực của cuộc sống, vì những sự kiện ngẫu nhiên sẽ thay đổi toàn bộ cuộc đời chúng ta.

Câu văn của Saramago đủng đỉnh, thường có nét lừng khừng, rất đáng sốt ruột, nhưng dí dỏm. Trong cùng một câu viết, người đọc có thể thấy Saramago vừa đóng vai nhân vật trong truyện để mô tả sự kiện đang xảy ra, vừa là kẻ bàng quan chen lời bình phẩm của hắn vào giữa dòng, nhân vật và tác giả luôn luôn chuyển đổi vị trí. Ẩn giữa hai dòng chữ, Saramago để lộ nụ cười tinh quái của ông, và dường như trong khi đọc sách, những sự việc được mô tả mơ hồ giữa hai dòng chữ thường là những điều gây ấn tượng nhất. Saramago dễ chuyển từ một suy nghĩ nghiêm trang sang lời nói kề cà như đùa bỡn, từ những câu nói khoa trương sang một ý niệm súc tích, khiến người đọc phải dừng lại, rồi vội vàng đọc tiếp, hoặc quay ngược lại đoạn trước, để nắm bắt cái tinh tế và đôi khi ranh mãnh của tác giả. Đùa cợt hoặc mỉa mai, ông có thể đặt một quan sát thô kệch ngay trước một ý tưởng lãng mạn, chẳng hạn, “anh nhìn đôi vớ mạng cũ của mình, quần đã mất nếp ủi và hơi rút lên, ống chân xương xẩu trắng trẻo của anh có vài sợi lông thưa thớt. Anh cảm thấy thân mình chìm vào mặt lõm mềm mại do một thân người khác để lại trên nệm ghế và lò xo, Cô ấy sẽ không bao giờ ngồi đây nữa, anh thì thầm”.

José Saramago là nhà văn hà tiện dấu chấm. Phép ngắt câu của ông không có dấu chấm hỏi, chấm than, chấm phẩy, hoặc một loạt dấu trên bàn phím của thời hiện đại, ~@#$%^&*(){}[]|\<>. Dường như khi cuộc sống trở nên phức tạp hơn, người ta phải tạo ra nhiều ký hiệu hơn để diễn tả nó, để tách một sự kiện này với một sự kiện khác. Saramago thách thức những phức tạp đó bằng cách tối giản các dấu hiệu dùng để phân cách các cụm từ. Ông trình bày tất cả các vấn đề đang xảy ra trong một khoảnh khắc của tâm trí bằng cách gom tất cả sự việc đó vào một câu viết. Vì thế trong cùng một câu, Saramago có thể tả chồng chéo các tâm trạng của một nhân vật, vui, buồn, nói, cười, trầm tư, hốt hoảng..., như chiều sâu khôn dò của bức tranh chân dung lập thể vẽ cùng một người với nhiều khuôn mặt gối lên nhau, hốt hoảng, trầm tư, cười, nói, buồn, vui... Trong một sát na ngắn ngủi, dường như quả thật chúng ta là tổng hợp của những trạng thái tâm lý mâu thuẫn đó.

Saramago đưa nhịp điệu của đối thoại vào văn viết. Mở một tác phẩm của ông ra, độc giả thường phải đọc lớn thành lời các câu văn, khi đó họ dễ hiểu rõ hơn những gì ông viết. Nhịp điệu của câu văn là phương tiện chính để Saramago chuyên chở ý nghĩa của những điều ông muốn bày tỏ, tạo không khí cho người đọc đi vào thế giới của ông. Chúng ta hãy xem ông viết về cuộc đối thoại giữa vị Trưởng phòng tự tin đến mức độc đoán và Senhor José: “Trưởng phòng hỏi Senhor José chính xác như sau, Anh ốm hả, Tôi không nghĩ vậy, thưa ông, Ôi dào, nếu anh không ốm, anh giải thích làm sao về mức làm việc kém cỏi của anh dạo này, Tôi không biết, thưa ông, có lẽ vì tôi ngủ không yên giấc, Nếu thế thì anh ốm rồi, Không, tôi chỉ ngủ không ngon lắm thôi, Anh ngủ không ngon là vì anh ốm, một người khoẻ mạnh luôn ngủ ngon, trừ phi anh ta có điều gì đè nặng lên lương tâm, có một lỗi lầm đáng khiển trách nào đó, loại lỗi lầm mà lương tâm anh không thể tha thứ, vì lương tâm là quan trọng nhất…” Truyện của ông lạ lùng khi đọc thầm bằng mắt, nhưng lại rất gần gũi khi đọc thành lời, quen thuộc như những suy nghĩ thiếu mạch lạc trong tiềm thức hay những câu đối thoại miên man chúng ta vẫn nói hàng ngày.

Vì thế, đọc Saramago là một thách đố và cũng là niềm thích thú lớn. Saramago đòi hỏi người đọc phải cảnh giác và nhậy bén, vì mức độ đậm đặc và sâu thẳm trong câu viết của ông có thể làm chúng ta lạc lối, vừa lo ngại, vừa thú vị, vừa tò mò như đang bước vào mê hồn trận. Saramago ít khi xuống hàng để qua một đoạn mới. Một đoạn văn của ông có thể dàn trải qua rất nhiều trang, chỉ chấm dứt khi hết mạch suy nghĩ hoặc hết những ý niệm lan man có liên quan đến mạch suy nghĩ đó. Người đọc rất dễ mệt nhoài vì những đoạn văn dường như không dứt, những câu dài rất ít dấu ngắt câu. Cấu trúc suy nghĩ của người Việt hình như khác với người Âu, nhịp điệu trong câu nói tiếng Việt khác với sự hài hoà trong câu nói Tây phương. Trong khi đó, người dịch phải tái tạo được nét mê hoặc và liền lạc trong mạch suy nghĩ của Saramago, hoặc của nhân vật, như chuyển những nốt nhạc của nhạc cụ mang tên Saramago sang khung nhạc của một nhạc cụ khác, và nên nói trước là việc này không phải lúc nào cũng có thể thành công.

Trong diễn văn đọc nhân buổi nhận giải Nobel năm 1998, ông khiêm tốn nhận mình là kẻ tập sự, là học trò của các nhân vật trong truyện của mình. Rồi trong quá trình xây dựng lên, hoặc kể lại, các nhân vật trong tiểu thuyết của mình, Saramago nhập vào họ, để được họ dẫn dắt và đồng hoá với họ. “Tôi tin rằng không có họ tôi sẽ không là người như tôi hôm nay; không có họ có lẽ đời tôi đã không hơn một phác thảo lệch lạc, một hứa hẹn như bao lời hứa vẫn chỉ là hứa hẹn, sự hiện hữu của một kẻ có thể đáng lẽ là nhưng chung cuộc không thành[3] . Ông tìm kiếm và đi cùng các nhân vật trong tác phẩm để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Truyện của ông kể về những người rất thật, thật như chúng ta, tự tin như chúng ta về sự hiện hữu của mình, rồi cùng lúc đó, từ góc nhìn của nhân vật trong truyện, ông tiết lộ những dối trá và những điều hư ảo của kiếp người.

Từ một truyện giản dị không có truyện về những hành động ngẫu nhiên của một kẻ rất tầm thường như trong Mọi cái tên, đến một truyện đầy điển tích về một kẻ mang nặng nỗi thống khổ lừng danh và gây nhiều tranh cãi như Phúc âm theo Chúa Jesus [4] , đến một truyện với các tình tiết siêu thực, vừa phi lý vừa tàn nhẫn như Mù loà [5] , cái hấp dẫn chính của Saramago không ở cốt truyện, mà ở sự tinh tế và cách ông cùng người đọc thám hiểm, mò mẫm vào một không gian bao la, nơi có những điều giản dị sâu sắc như cổ tích. Trong Mù loà không nhân vật nào được mang một cái tên, Phúc âm tràn ngập tên các thánh trong vòm trời Ki-tô, Mọi cái tên chỉ thấy một Senhor José lạc lõng. Nhưng độc giả luôn gặp một Saramago tác giả lấp ló đây đó, như thể ông đã chợt biến thành một Saramago nhân vật trong truyện bước ra xem chúng ta ngồi đọc cuốn tiểu thuyết của hắn. Chúng ta bỗng trở thành những tấm thẻ trong bộ danh mục của Phòng Đăng ký Trung ương, đến một ngày nào đó tấm thẻ của chúng ta sẽ trôi dần đến cuối hàng kệ, và rốt cuộc Senhor José sẽ mang chúng ta vào phía cuối của toà nhà.

Senhor José trong Mọi cái tên hoà nhập vào José ngoài đời với vô số góc cạnh được tô vẽ thêm. Chúng ta thấy một José chất phác và trí trá, chân thật và thủ đoạn, rộng lượng và thù vặt, liều lĩnh và hèn nhát. Mê hồn trận trong Phòng Đăng ký Trung ương khiến người đọc liên tưởng đến những chiều kích ảo hoá của Franz Kafka và Jorge Luis Borges, hay thật ra, đó là thực tại chúng ta đang sống. Ngọn đèn trong Phòng Đăng ký Trung ương gợi nhớ đến con mắt kiểm soát ngày đêm trong 1984 của George Orwell, hay thật ra, đến những ràng buộc ngột ngạt trong cuộc sống hiện nay. Bộ máy quan liêu của Phòng Đăng ký Trung ương luôn luôn chờ chực để nghiến nát Senhor José của Saramago, như bộ máy quan liêu trên khắp các xó xỉnh của hành tinh nhỏ bé này mỗi ngày nuốt chửng chúng ta.

Saramago cho chúng ta biết Senhor José – cái tên José đơn giản như mọi tên gọi, như José Saramago, như mọi thằng Văn, con Thị – phải từ trong truyện bước ra tìm sợi chỉ Ariadne của chính mình để đi trong mê cung khô khan và lạnh lẽo của cuộc sống. Cuộc sống của một kẻ tầm thường sẽ trở nên có ý nghĩa và trọn vẹn trong cõi không gian vô tận này, miễn là họ có đi tìm, miễn là chúng ta có đi tìm.

Tháng 3.2008
Phạm Văn


talawas chủ nhật kì này xin trân trọng giới thiệu hai chương đầu của hai tiểu thuyết Tất cả tênMù loà của José Saramago do Phạm Văn dịch.

talawas chủ nhật

 

José Saramago

Tất cả tên | Mù loà

Phạm Văn dịch


Tất cả tên Mù loà


Tất cả tên

Phía trên khung cửa là tấm bảng kim loại sơn men dài và hẹp. Những chữ đen viết trên nền trắng ghi Phòng Đăng ký Trung ương – Khai sinh, Hôn thú và Khai tử. Lớp men ngoài đã rạn nứt và bong đây đó. Cánh cửa là cửa cũ, lớp sơn nâu ngoài cùng bắt đầu bong, để lộ thớ gỗ làm liên tưởng tới tấm da sống vằn vện. Dọc theo mặt tiền có năm cửa sổ. Vừa bước qua ngưỡng cửa, ta đã nhận ra ngay mùi giấy cũ. Đúng là chưa ngày nào trôi qua mà không có những tờ giấy mới vào Phòng Đăng ký Trung ương, giấy về những người nam và người nữ tiếp tục sinh ra ở thế giới bên ngoài, nhưng mùi giấy không bao giờ thay đổi, trước nhất, vì số phận của tất cả giấy tờ sau khoảnh khắc rời nhà máy là phải bắt đầu cũ, thứ nữa, vì trên những tờ giấy cũ, và thường là cả trên giấy mới, không một ngày nào trôi qua mà không có người viết lên chúng các lý do tử vong cũng như nơi và ngày chết tương ứng, mỗi tờ góp một mùi riêng, không hẳn sẽ luôn làm kinh tởm màng nhầy khứu giác, trong trường hợp này là mùi hương xông lên đôi lúc thoang thoảng toả ra khắp Phòng Đăng ký Trung ương, và những cái mũi nhậy cảm sẽ nhận thấy như mùi hương nửa hoa hồng, nửa hoa cúc.

Ngay sau lối vào chính là cánh cửa đôi, cao, láng bóng, dẫn ta vào căn phòng khổng lồ hình chữ nhật, chỗ các nhân viên làm việc, ngăn cách với công chúng bằng một cái quầy dài liền một mảnh nối hai bức tường bên hông, chỉ trừ tấm ván mở lên ở một đầu cho phép người ta ra vào. Tất nhiên, căn phòng được sắp đặt theo đẳng cấp, nhưng như ta trông đợi, vì nó hài hoà về mặt đẳng cấp, nó cũng hài hoà về mặt hình học, điều đó hẳn cho thấy không có mâu thuẫn nào không khắc phục được giữa thẩm mỹ và thẩm quyền. Dãy bàn đầu nằm song song với quầy là chỗ của tám viên thư ký có nhiệm vụ tiếp xúc với công chúng. Sau họ là một dãy bốn bàn, cũng sắp xếp cân đối hai bên một trục thẳng kéo dài từ lối vào chính đến khi biến mất ở tận phía sau, vào chốn sâu thẳm tối tăm của toà nhà. Bốn bàn này thuộc về các viên thư ký thâm niên. Sau các thư ký thâm niên là các phó phòng, có hai phó phòng. Cuối cùng, biệt lập và đơn độc, cũng như rất đúng mực và thích đáng, là viên Trưởng phòng thường được người ta gọi là “Ông”.

Phân công giữa các cấp nhân viên được chia theo một quy tắc đơn giản, đó là nhiệm vụ của các thành viên trong mỗi cấp là làm càng nhiều việc càng tốt, để chỉ có một phần nhỏ của việc đó phải chuyển lên cấp trên. Điều này nghĩa là các viên thư ký có bổn phận làm việc không ngừng từ sáng đến tối, trong khi các thư ký thâm niên chỉ thỉnh thoảng mới phải làm như thế, hai phó phòng rất hiếm khi, và Trưởng phòng hầu như không bao giờ. Tám viên thư ký ở dãy đầu bị bối rối liên tục, vừa ngồi xuống lại đứng lên, cứ luôn chạy từ bàn của họ đến quầy, từ quầy đến bộ thẻ danh mục, từ bộ thẻ danh mục đến văn khố, lặp lại không chán chuỗi hành động này và hỗn hợp của những chuỗi này trong sự lãnh đạm trơ trơ của cấp trên, cả cấp trên trực tiếp lẫn cấp cao hơn. Tâm trạng bối rối liên miên của tám viên thư ký ở dãy đầu là yếu tố không thể thiếu để hiểu làm sao đã có thể xảy ra, thật ra là dễ dàng một cách đáng xấu hổ, những hành động lạm quyền, trái quy tắc và giả mạo, những sự kiện tạo thành việc chính của câu chuyện này.

Để khỏi lạc mất đầu mối của một vấn đề quan trọng như thế, tốt nhất có lẽ nên bắt đầu bằng cách mô tả nơi lưu trữ và cách tổ chức bộ thẻ danh mục và văn khố. Chúng được chia theo cấu trúc và thực chất, hoặc nói đơn giản hơn, chia theo luật tự nhiên, thành hai phần lớn: văn khố và bộ thẻ danh mục của người chết, và bộ thẻ danh mục và văn khố của người sống. Giấy tờ thuộc về những ai không còn sống sẽ được tìm thấy trong tình trạng tương đối có tổ chức ở đằng sau toà nhà, bức tường phía sau này thỉnh thoảng cứ phải phá đi xây lại ra thêm vài mét do hậu quả của việc gia tăng không ngừng số người quá cố. Tất nhiên, những khó khăn liên quan đến việc cung cấp chỗ cho người sống ít bị thúc bách hơn mặc dù rắc rối, nên nhớ rằng người ta cứ sinh ra liên tục, và cho đến nay khó khăn đã được giải quyết khá tốt bằng cách đẩy ép các hồ sơ cá nhân đang đặt nằm ngang trên kệ trong văn khố, hoặc bằng cách dùng các phiếu danh mục mỏng và cực mỏng trong bộ thẻ danh mục. Tuy gặp trở ngại với vách tường phía sau như đã kể trên, tầm nhìn xa trông rộng của các kiến trúc sư ban đầu của Phòng Đăng ký Trung ương rất xứng đáng với lời ca tụng cao nhất, vì họ đã đề nghị và bảo vệ, chống lại ý kiến bảo thủ của một số cá nhân phản động có đầu óc kém cỏi nào đó, để dựng năm hàng kệ khổng lồ cao từ sàn lên đến trần ngay sau lưng các viên thư ký, hàng kệ giữa được đặt lùi xa phía sau, một đầu gần đụng cái ghế to của Trưởng phòng, đầu của hai dãy kệ dọc hai bức tường bên hông gần chạm quầy, và hai dãy kệ khác, nói một cách hình tượng, đặt giữa con tàu. Mọi người nhìn thấy đều cho là hoành tráng và siêu phàm, các công trình này nới sâu vào bên trong toà nhà, xa khuất tầm mắt, và tới một lúc bóng tối ngự trị, đèn đóm chỉ được bật lên khi phải tra cứu hồ sơ. Những dãy kệ này mang sức nặng của người sống. Người chết, hay đúng ra là hồ sơ của họ, được cất sâu hơn bên trong, trong điều kiện đáng lẽ phải khá hơn, vì thế khó tìm bất cứ thứ gì khi người thân, công chứng viên hay một nhân viên pháp luật nào đó đến Phòng Đăng ký Trung ương xin giấy chứng nhận hoặc bản sao của các hồ sơ thời trước. Sự thiếu tổ chức ở bộ phận văn khố này càng trầm trọng thêm vì chính những người chết từ xưa nhất lại nằm gần nhất với khu được xem là còn đang dùng, ngay sát bên cạnh người sống, và theo nhận định sáng suốt của Trưởng phòng, tạo thêm gánh nặng không cần thiết, vì rất hiếm khi có ai lưu tâm đến họ, rất ít khi xuất hiện một kẻ quái đản nào tìm tòi những chuyện lắt nhắt quá khứ. Trừ phi một ngày nào đó quyết định tách người chết ra khỏi người sống và xây một phòng đăng ký mới nơi khác để chỉ dùng riêng cho người chết, hiện thời chưa có giải pháp nào cho tình huống đó, vì rõ ràng khi một trong hai phó phòng nêu lên một ý kiến đáng tiếc đề nghị văn khố cho người chết nên được sắp xếp ngược lại, chết trước cất xa và mới chết cất gần, cho thuận tiện truy cập, theo thuật ngữ quan liêu của ông ta, còn đối với người mới chết, như mọi người đều biết họ là những người viết di chúc, người chủ gia tài, và do đó dễ là đối tượng tranh chấp và cãi cọ trong lúc xác họ còn ấm. Vị Trưởng phòng giễu cợt chấp thuận ý kiến, với điều kiện người đề nghị sẽ tự mình chịu trách nhiệm ngày này sang ngày khác khuân ra phía sau toà nhà khối lượng khổng lồ các hồ sơ cá nhân thuộc về những người chết đã lâu, để những người mới chết gần đây có thể bắt đầu lấp đầy chỗ trống vừa có. Để quét sạch khỏi ký ức ý kiến xấu số bất khả thi, và cũng để tự quên đi nỗi nhục nhã của ông ta, viên phó phòng cảm thấy cách cứu vãn tốt nhất là yêu cầu các thư ký chuyển cho ông một số việc của họ, vì thế tôn ti trật tự đang yên ổn xưa nay bị xáo trộn, cả trên lẫn dưới. Sau biến cố này, tình trạng xao lãng gia tăng, thói chểnh mảng sinh sôi, tính bất ổn nảy nở, quá tệ đến nỗi một hôm, mấy tháng sau đề nghị ngớ ngẩn của phó phòng, một nhà nghiên cứu lạc trong ngôi hầm mê hồn trận của văn khố người chết, ông ta được ủy thác đến Phòng Đăng ký Trung ương để thi hành một cuộc nghiên cứu phả hệ gì đó. Một tuần sau, hầu như phép lạ, người ta tìm thấy ông, đói, khát, suy kiệt, mê sảng, đã sống sót nhờ liều mạng ăn vào bụng một số lượng lớn tài liệu cũ, chúng không nấn ná trong dạ dầy và cũng chẳng bổ dưỡng, vì chúng tan trong miệng mà không cần nhai. Thủ trưởng của Phòng Đăng ký Trung ương coi như ông ta đã chết, đã ra lệnh mang phiếu lý lịch và hồ sơ của nhà viết sử bất cẩn đến bàn giấy của ông, nay ông quyết định phớt lờ tổn thất, chính thức đổ lỗi cho chuột, và lập tức ban hành một nội quy bắt buộc mọi người vào văn khố người chết phải dùng sợi chỉ Ariadne [6] , nếu không sẽ bị phạt và treo lương.

Tuy nhiên, nếu quên những vấn đề của người sống là bất công. Từ lâu ai cũng biết, vì kém cỏi bẩm sinh hay vì tính tráo trở học được qua kinh nghiệm, thần chết không chọn nạn nhân theo tuổi thọ. Hơn nữa, nói một cách tùy tiện, nếu ta tin lời của vô số kẻ có thẩm quyền về triết học và tôn giáo từng tuyên bố về vấn đề này, tuổi thọ đã có ảnh hưởng nghịch lý trên loài người một cách gián tiếp từ những nguyên cớ khác nhau và đôi khi mâu thuẫn, và tuổi thọ làm nảy sinh trong họ một siêu thức về nỗi sợ chết tự nhiên. Nhưng trở về với vấn đề hiện có, không ai có thể buộc tội thần chết đã để quên lại trên thế gian một lão già nào đó chẳng có gì đặc biệt xứng đáng và không có lý do rõ ràng nào để cho lão ta già thêm nữa. Chúng ta đều biết rằng, người già dù sống lâu đến mấy, hạn của họ cũng sẽ đến. Không một ngày nào trôi qua mà các viên thư ký không phải lấy xuống những hồ sơ từ hàng kệ của người sống để mang vào hàng kệ phía sau, không một ngày nào trôi qua mà họ không phải đẩy những người còn ở đó tới cuối hàng kệ, mặc dù vì tính đồng bóng chua chát nào đó của định mệnh bí ẩn, đôi khi họ chỉ còn ở nơi ấy đến ngày hôm sau. Theo cái-gọi-là trật tự tự nhiên của sự vật, tiến tới chỗ cuối của hàng kệ nghĩa là số phận đã dần tàn, là đường đi không còn dài. Chỗ cuối hàng kệ, nói chung, là chỗ bắt đầu của tàn tạ. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, có những hồ sơ đã lửng lơ trên mép hư không, trơ trơ với cảm giác chóng mặt tối hậu đó, năm này sang năm khác vượt quá độ dài hợp lý được coi là thông lệ của một đời người. Lúc đầu, các hồ sơ đó khơi dậy nỗi tò mò nghề nghiệp của các viên thư ký, nhưng chẳng mấy chốc họ bắt đầu cảm thấy sốt ruột, như thể tính dai dẳng trơ trẽn của bọn Methuselah [7] này đang làm suy giảm, ăn mòn và ngấu nghiến viễn ảnh sống của chính họ. Những viên thư ký mê tín này không sai hoàn toàn, nếu chúng ta nhớ đến nhiều trường hợp nhân viên các cấp có hồ sơ phải bị rút ra sớm hơn hạn định khỏi văn khố người sống, trong khi bìa hồ sơ của những kẻ sống sót dai dẳng đó càng lúc càng ngả vàng, đến khi biến thành những vết đen bẩn thiếu thẩm mỹ ở cuối hàng kệ, làm chướng mắt công chúng. Khi đó Trưởng phòng bảo một trong các viên thư ký, Senhor José, thay mấy cái bìa đó đi cho tôi, được chứ.

Ngoài tên gọi José của anh, Senhor José cũng có họ, những tên họ rất bình thường, không gì quá đáng, một họ bên cha, một họ nữa bên mẹ, như thông thường, những cái tên truyền lại một cách hợp pháp, vì chúng ta có thể xác nhận trong Sổ Đăng ký Khai sinh ở Phòng Đăng ký Trung ương, nếu vấn đề đủ biện minh cho sự quan tâm của chúng ta và nếu kết quả của cuộc điều tra xứng đáng với công sức bỏ ra chỉ để xác minh điều chúng ta đã biết. Tuy nhiên, vì lý do nào không rõ, hoặc chỉ vì tương xứng với sự tầm thường của đương sự, khi thiên hạ hỏi Senhor José tên anh là gì, hay khi tình thế đòi hỏi anh tự giới thiệu, Tôi là vậy-vậy, nói đầy đủ tên họ chả bao giờ đưa anh tới đâu, vì người mà anh đang đối thoại luôn luôn chỉ giữ lại phần tên gọi José, sau đó người ta có thêm hình thức xưng hô nhã nhặn hoặc thân tình hay không tùy theo mức độ trang trọng hay lịch sự. Và chúng ta hãy làm hết sức rõ điều này, vì chữ “Senhor” không có giá trị gì như thoạt tưởng, ít nhất tại Phòng Đăng ký Trung ương này, nơi mọi người xưng hô với nhau cùng một kiểu, từ Trưởng phòng xuống đến thư ký mới tuyển gần đây nhất, nó không nhất thiết có cùng nghĩa khi áp dụng cho những mối liên hệ thứ bậc khác nhau, vì con chữ ngắn ngủi này được nói nhiều cách khác nhau, và theo thứ bậc hay tính khí lúc nói, ta có thể nhận thấy cả một khoảng trầm bổng: hạ cố, cáu kỉnh, mỉa mai, khinh bỉ, khiêm tốn, nịnh bợ, biểu hiện rõ ràng tầm vóc tiềm năng diễn tả của hai âm ngắn, trong một phối hợp nhất định mới nghe qua tưởng như đang nói một điều duy nhất. Không nhiều thì ít, hai âm José cũng được phát âm như thế, cộng với hai âm Senhor khi đặt nó trước cái tên. Khi thiên hạ xưng hô với người có-tên-vừa-kể-trên cả bên trong hay bên ngoài Phòng Đăng ký Trung ương, ta có thể luôn nhận ra giọng khinh bỉ, mỉa mai, cáu kỉnh, hay hạ cố. Giọng vuốt ve êm ái của lời khiêm tốn và nịnh bợ chưa bao giờ hót trong tai thư ký Senhor José, chưa bao giờ có chỗ trong nửa cung bậc cảm giác anh thường được nghe. Tuy nhiên, ta nên vạch rõ rằng một số cảm giác này phức tạp hơn nhiều so với các cảm giác một chiều, khá cơ bản và hiển nhiên nêu trên. Chẳng hạn, khi Trưởng phòng ra lệnh, Senhor José, thay mấy cái bìa đó đi cho tôi, được chứ, một cái tai chăm chú và tinh tế sẽ nhận ra trong giọng ông một điều có thể mô tả là sự lãnh đạm độc đoán, nếu bạn bỏ quá cho sự mâu thuẫn hiển nhiên của phép tu từ, đó là một quyền lực rất tự tin, không những hoàn toàn phớt lờ kẻ được nói tới, thậm chí không thèm nhìn hắn, mà còn tỏ ra tuyệt đối rõ ràng rằng sau đó nó sẽ không hạ mình xuống để kiểm soát xem là mệnh lệnh đã được thi hành hay chưa. Để leo tới hàng kệ cao nhất, những hàng kệ đụng trần, Senhor José phải dùng chiếc thang cực dài, và không may cho anh, vì anh bị chứng mất thăng bằng thần kinh gây phiền hà mà chúng ta thường gọi là chứng sợ chiều cao, và để tránh ngã sầm xuống đất, anh không còn cách nào khác hơn là buộc mình vào bậc thang bằng sợi dây đai bền chắc. Ở bên dưới, không đồng nghiệp nào cùng cấp bậc, cấp trên lại càng không, nghĩ tới việc nhìn lên để xem liệu anh leo lên có bình an vô sự. Làm ra vẻ rằng anh bình an vô sự chỉ là một cách nữa để biện minh cho sự lãnh đạm của họ.

Lúc ban đầu, cái ban đầu đã bao nhiêu thế kỷ, các nhân viên thực sự sống trong Phòng Đăng ký Trung ương. Thật ra không hẳn trong đó, trong sự chung chạ tập thể, mà trong một số căn hộ giản dị, thô sơ xây phía ngoài, dọc theo bức tường bên hông, như những nhà nguyện nhỏ không có khả năng tự vệ bám vào cái khung cường tráng của ngôi giáo đường. Những căn nhà có hai cửa, một cửa bình thường mở ra đường phố, và thêm một cửa kín đáo, hầu như vô hình, mở vào gian giữa vĩ đại của văn khố. Hồi đó và thật ra mãi nhiều năm sau, cách bố trí này được đánh giá là rất có lợi cho hoạt động suôn sẻ của ngành, vì nhân viên không phải phí thì giờ đi băng qua thành phố, và họ cũng không thể đổ lỗi cho lưu thông khi họ đến làm việc trễ. Ngoài những thuận lợi hợp lý này, còn cực kỳ dễ dàng cử thanh tra đến kiểm xem họ có thực sự ốm đau không khi họ gọi điện cáo ốm. Không may thay, khái niệm đô thị trong việc phát triển thành phố nơi đặt Phòng Đăng ký Trung ương đã thay đổi, vì thế những căn hộ nhỏ lý thú này đều bị kéo sập, ngoại trừ một căn mà giới chức thẩm quyền đã quyết định giữ lại như một thí dụ của kiến trúc một thời, và để nhắc nhớ đến một hệ tương quan lao động cũng có mặt tốt, cho dù nó rất có thể gây nhức nhối cho những phán xét thay đổi thất thường của thời hiện đại. Senhor José sống trong căn nhà đó. Họ không chủ tâm chọn anh để làm kẻ ký thác những rơi rớt của thời đã qua, có thể do vị trí của căn nhà tại một góc xa khuất không làm hỏng sơ đồ mới, vì thế không phải là thưởng hay phạt, vì Senhor José không đáng phạt hay thưởng, chỉ đơn thuần là anh được phép tiếp tục sống trong căn nhà đó. Dù sao chăng nữa, như dấu hiệu chứng tỏ thời đại đã thay đổi và để tránh tình trạng có thể dễ dàng bị diễn dịch là một đặc ân, cánh cửa mở vào Phòng Đăng ký Trung ương bị đóng lại vĩnh viễn, nghĩa là họ ra lệnh cho Senhor José khoá nó và bảo anh rằng anh không bao giờ được đi qua nó nữa. Do đó, mỗi ngày, thậm chí nếu bão táp dữ dội có quất lên thành phố, Senhor José vẫn phải ra vào bằng cửa chính của Phòng Đăng ký Trung ương như mọi người. Tuy nhiên, cần phải thưa rằng việc phải chấp hành nguyên tắc bình đẳng là hợp với bản chất phục tùng của anh, tuy rằng trong trường hợp này nguyên tắc làm khó anh, mặc dù xin thưa thật rằng anh ước ao mình không phải là kẻ cứ phải leo chiếc thang để thay bìa các hồ sơ cũ, nhất là vì như chúng ta đã nói ở trên, anh bị chứng sợ chiều cao. Senhor José có tính khiêm tốn đáng khen của kẻ không đi quanh quẩn than phiền về chứng rối loạn thần kinh và tâm lý của mình, có thật hay tưởng tượng, và có thể anh chưa bao giờ kể về nỗi sợ hãi của anh với các đồng nghiệp, vì nếu anh kể, họ sẽ cứ phải mất thời giờ nhìn anh chằm chằm một cách sợ hãi mỗi khi anh chênh vênh trên thang, sợ rằng dù có dây đai an toàn, anh có thể trượt chân trên nấc thang và lao thẳng xuống đầu họ. Khi Senhor José xuống lại mặt đất, vẫn cảm thấy hơi hoa mắt, nhưng hết sức che đậy dấu vết chóng mặt cuối cùng còn sót lại của mình, không một viên chức nào, cả đồng nghiệp gần nhất hay cấp trên, biết chút gì về mối hiểm nguy họ đã trải qua.

Đã đến lúc giải thích rằng dù cho anh phải đi một vòng xa để vào Phòng Đăng ký Trung ương hoặc trở về nhà, Senhor José chỉ cảm thấy hài lòng và nhẹ nhõm khi cánh cửa thông rốt cuộc được đóng lại. Anh chưa bao giờ là kẻ được đồng nghiệp ghé thăm vào giờ ăn trưa, và những khi hiếm hoi anh đau ốm đủ để nằm bẹp giường, anh chủ động đến chỗ làm và trình diện trước phó phòng trực thuộc để không ai nghi ngờ lòng thành thật của một nhân viên như anh và để họ khỏi phải cử nhân viên y tế tới giường bệnh. Hiện nay anh bị cấm dùng cánh cửa thông, lại càng ít có khả năng bị xâm phạm bất ngờ vào cuộc sống riêng tại gia của anh, chẳng hạn, khi anh lỡ để mở trên bàn công trình anh đã gắng công làm nhiều năm dài, đó là bộ sưu tập lớn các mẩu tin về những người trong nước vì những lý do tốt hay xấu đã trở thành nổi tiếng. Anh không chú ý đến người nước ngoài, cho dù họ lừng danh đến mấy, vì hồ sơ của họ cất ở các khu đăng ký trung ương xa tít, giả sử rằng người ta gọi những chỗ đó như vậy, và được viết bằng những ngôn ngữ anh không thể giải đoán, được phê chuẩn bằng những luật lệ anh không biết, và anh không bao giờ với tới chúng được, ngay cả bằng cách dùng đến chiếc thang dài nhất. Khắp nơi đều có những người như Senhor José, những kẻ tiêu thì giờ, hoặc thì giờ rảnh rỗi theo họ nghĩ, bằng cách sưu tập tem, tiền đồng, huy chương, bình hũ, bưu thiếp, hộp diêm, sách, đồng hồ, áo thể thao, bút tích, đá, tượng nhỏ bằng đất sét, lon nước uống cạn, thiên thần nhỏ, cây xương rồng, tờ chương trình opera, bật lửa, bút máy, con cú, hộp âm nhạc, chai lọ, cây cảnh, tranh vẽ, tách vại, ống điếu, tháp thủy tinh, vịt sứ, đồ chơi cũ, mặt nạ hội hè. Có thể họ làm thế vì cái mà chúng ta có thể gọi là cảm giác bứt rứt siêu hình, có lẽ vì họ không thể chịu nổi sự hỗn loạn đang thống trị vũ trụ, vì thế, dùng quyền năng giới hạn của họ và không có sự giúp đỡ của thần thánh, họ cố áp đặt một trật tự nào đó lên thế gian, và họ chế ngự nó một lúc ngắn ngủi, nhưng chỉ đến khi họ còn ở đó để bảo vệ bộ sưu tập của mình, vì khi đến ngày nó phải bị phân tán, và ngày ấy chắc chắn sẽ đến, hoặc với cái chết của họ hoặc khi nhà sưu tập trở nên mệt mỏi, khi ấy mọi thứ sẽ trở lại điểm ban đầu, mọi thứ sẽ hỗn loạn trở lại.

Nào, vì nỗi ám ảnh của Senhor José rõ ràng hoàn toàn vô tội, ta khó hiểu tại sao anh cố hết sức tránh không để ai nghi ngờ anh đang sưu tập những mẩu cắt trong báo và tạp chí chứa tin tức và hình ảnh những người nổi tiếng chỉ vì họ nổi tiếng, vì anh bất kể họ là chính trị gia hay tướng lãnh, diễn viên hay kiến trúc sư, nhạc sĩ hay cầu thủ bóng đá, tay đua xe đạp hay nhà văn, kẻ đầu cơ hay diễn viên ba lê, tên sát nhân hay chủ ngân hàng, tội phạm hay hoa hậu. Nhưng anh không hẳn lúc nào cũng bí mật. Đúng là anh chưa bao giờ tự nguyện nói về sở thích này với vài đồng nghiệp anh tin cậy, nhưng đó là vì tính dè dặt tự nhiên của anh, chứ không phải vì lo sợ có ý thức rằng họ có thể chế giễu anh. Mối quan tâm khư khư bảo vệ đời tư của anh nảy ra không lâu sau khi dãy nhà của các nhân viên khác thuộc Phòng Đăng ký Trung ương bị phá sập, hay nói đúng hơn, sau khi được bảo rằng từ nay anh không còn được dùng cánh cửa thông qua nữa. Điều này có thể chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, xét cho cùng cuộc sống có rất nhiều trùng hợp ngẫu nhiên, vì ta không thể thấy mối liên hệ gần gũi hay trực tiếp nào giữa sự kiện đó và việc bỗng dưng cần phải bí mật, nhưng ai cũng biết rằng trí óc con người rất thường quyết định theo các nguyên do không rõ, đoán chừng nó làm thế là vì sau khi đã đi qua các lối mòn trong trí não với vận tốc nhanh đến nỗi sau đó nó không thể nhận ra các lối đi đó nữa, nói gì đến tìm lại chúng. Dẫu đó có phải là câu giải thích hay không, một hôm đã khuya, trong khi anh ở nhà lặng lẽ cập nhật những mẩu tin về một vị giám mục, Senhor José đã có một khai ngộ sẽ biến đổi cuộc đời anh. Nó có thể là một nhận thức bất chợt, băn khoăn hơn về sự hiện diện của Phòng Đăng ký Trung ương bên kia bức tường dày, những hàng kệ khổng lồ chất đầy người sống và kẻ chết, ngọn đèn nhỏ mờ nhạt thõng từ trần xuống trên bàn giấy của Trưởng phòng, ngày đêm bật sáng, bóng tối đậm đặc trên lối đi giữa những hàng kệ, cái u ám khôn dò ngự trị trong sự sâu thẳm của gian nhà giữa, trạng thái tĩnh mịch, sự im lắng, có thể là tất cả những thứ đó, trong một khoảnh khắc, đi theo cùng một lối mòn nào đó trong tâm hồn đã nói ở trên, đã khiến anh nhận thức rằng bộ sưu tập của anh thiếu một điều gì cơ bản, căn nguyên, cội rễ, gốc nguồn, nói cách khác, thiếu tờ khai sinh thực của những danh nhân này, những người mà anh đã dành bao nhiêu thời giờ để sưu tập tin tức về những việc làm công khai của họ. Chẳng hạn, anh không biết tên cha mẹ của vị giám mục, hoặc ai là cha mẹ đỡ đầu có mặt lúc làm lễ rửa tội cho ông, hoặc nơi ông sinh ra chính xác ở đâu, trên đường gì, trong toà nhà nào, trên tầng lầu nào, còn ngày sinh của ông nếu quả thật tình cờ xuất hiện trên một trong những mẩu báo cắt ra, thì chỉ có sổ sách chính thức trong Phòng Đăng ký Trung ương mới có thể chứng nhận sự thật đó, hơn là một mẩu tin hú hoạ trên báo thậm chí có thể không đúng, vì phóng viên có thể nghe nhầm hoặc ghi chép sai, người biên tập đáng lẽ có thể sửa lại, đó chẳng phải là lần đầu tiên việc này xảy ra trong quá trình deleatur [8] . Giải pháp nằm trong tầm tay anh. Lý do Senhor José vẫn giữ chiếc chìa khoá cánh cửa thông nằm trong niềm tin bất khả lay chuyển của Trưởng phòng về quyền lực tuyệt đối của ông, trong niềm tin vững chắc của ông rằng bất cứ lệnh lạc nào do ông thốt ra đều sẽ được thi hành nghiêm ngặt và thận trọng tối đa, không để rủi ro dẫn đến kết quả thất thường hay có những lơ đãng tùy tiện về phần kẻ thuộc cấp nhận lệnh. Senhor José chưa từng nghĩ đến việc dùng chiếc chìa khoá, anh sẽ không bao giờ lấy nó ra khỏi ngăn kéo anh đã cất, nếu anh không đi đến kết luận rằng những nỗ lực của mình để làm một nhà viết tiểu sử tự nguyện sẽ rất vô ích, nói một cách khách quan, nếu không kèm theo tài liệu làm bằng chứng, hay một bản sao trung thực, không những thực mà phải chính thức, về sự hiện hữu của đối tượng được viết tiểu sử.

Nào, ta hãy tưởng tượng nếu được, trạng thái bồn chồn, kích động khi Senhor José mở cánh cửa cấm lần đầu, cái run rẩy khiến anh dừng lại trước khi vào, như thể anh đã đặt chân lên ngưỡng cửa căn phòng chôn một vị thần, mà quyền năng của ngài, trái ngược với tín ngưỡng lưu truyền, không đến từ sự phục sinh của ngài, mà vì ngài đã khước từ sống lại. Chỉ các vị thần đã chết mới là thần thánh vĩnh cữu. Hình dáng lạ lùng của các hàng kệ chất đầy giấy tờ dường như chọc thủng mái nhà vô hình và vươn lên bầu trời tối đen, ngọn đèn mờ trên bàn giấy Trưởng phòng giống như vì sao le lói xa xăm. Tuy quen thuộc với khu vực anh phải đi qua, Senhor José nhận thấy, sau khi đã đủ bình tĩnh lại, rằng anh cần một ngọn đèn để khỏi va phải bàn ghế, và quan trọng hơn, để khỏi phí quá nhiều thời giờ tìm hồ sơ vị giám mục, trước tiên là phiếu lý lịch rồi đến hồ sơ cá nhân của ông. Trong ngăn kéo nơi anh cất chìa khoá có một chiếc đèn pin nhỏ. Anh đi lấy nó, rồi như thể có một ngọn đèn cầm tay đã khiến anh có dũng khí mới, anh gần như kiên quyết tiến tới giữa dãy bàn đến cái quầy, dưới quầy là bộ phiếu danh mục lớn thuộc về người sống. Anh tìm thấy ngay tấm thẻ của vị giám mục, và may mắn thay, ngăn kệ giữ hồ sơ vị giám mục nằm trong tầm tay với. Vì thế anh không cần dùng thang, nhưng anh sợ hãi tự hỏi đời mình sẽ ra sao khi anh phải leo lên những vùng kệ trên cao, trên đó bầu trời tối đen bắt đầu. Anh mở tủ đựng các mẫu giấy tờ, lấy mỗi thứ một bản rồi quay về nhà mình, vẫn để mở cánh cửa thông. Rồi anh ngồi xuống, tay anh vẫn còn run, bắt đầu chép lại lý lịch vị giám mục lên mẫu đơn trống, đầy đủ tên họ ông, không bỏ sót một chữ tên họ hay chi tiết nào, ngày và nơi sinh, tên cha mẹ, tên cha mẹ đỡ đầu, tên vị linh mục làm phép rửa tội cho ông, tên của nhân viên Phòng Đăng ký Trung ương đã vào sổ khai sinh cho ông, tất cả tên. Khi hoàn tất công việc ngắn gọn này, anh kiệt sức, tay anh toát mồ hôi và sống lưng anh run bắn, anh biết rất rõ rằng anh đã phạm tội đi ngược lại tinh thần tập thể của ngành công chức, thật vậy, không gì làm người ta mệt mỏi hơn là phải tranh đấu, không phải với chính mình, mà với một điều trừu tượng. Ăn cắp những giấy tờ đó, anh đã vi phạm kỷ luật và đạo đức, thậm chí có lẽ trái pháp luật. Không phải vì thông tin chứa trong đó là kín hay mật, không, vì bất cứ ai cũng có thể đến Phòng Đăng ký Trung ương xin bản sao hay giấy chứng nhận hồ sơ vị giám mục mà không phải giải thích tại sao hoặc cho mục đích gì, nhưng vì anh đã phá vỡ mắt xích tôn ti trật tự qua việc tiến hành mà không có mệnh lệnh cần thiết hay sự ủy nhiệm của cấp trên. Anh nghĩ tới việc quay lại và sửa chữa việc làm trái quy tắc bằng cách xé bỏ hay tiêu hủy những bản sao bất chính này, giao chìa khoá lại cho Trưởng phòng, Thưa Ông, tôi không muốn chịu trách nhiệm nếu Phòng Đăng ký Trung ương bị mất cái gì, rồi sau khi làm xong điều đó, sẽ quên đi giây phút có thể tả là siêu phàm anh vừa mới trải qua. Tuy nhiên, lòng kiêu hãnh và niềm toại nguyện đã thắng thế, bây giờ anh cảm thấy mình biết mọi điều, anh dùng chữ đó, Mọi điều, về đời vị giám mục. Anh nhìn cái tủ nơi anh cất những hộp sưu tập mẩu báo của mình và mỉm cười vui thích trong lòng, nghĩ đến công việc trước mắt, những cuộc đột nhập về đêm, thu thập một cách thứ tự những phiếu lý lịch và hồ sơ, những bản sao tự mình nắn nót viết tay, anh cảm thấy sung sướng đến nỗi thậm chí anh không sợ khi nghĩ mình sẽ phải leo lên thang. Anh quay lại Phòng Đăng ký Trung ương và đặt hồ sơ vị giám mục về đúng chỗ của nó. Rồi với cảm giác tự tin chưa từng trải nghiệm trong cả đời mình, anh chiếu đèn pin xung quanh, như thể rốt cuộc anh đang lấy lại điều vẫn thuộc về mình nhưng bây giờ mới có thể nhận biết nó là của mình. Anh dừng lại một thoáng để nhìn bàn giấy của Trưởng phòng, quầng sáng vàng vọt bên trên đổ xuống, ừ, anh nên làm thế, anh nên đến ngồi trên chiếc ghế đó, và từ nay anh sẽ là chủ nhân thực sự của văn khố, và nếu anh muốn, chỉ có anh, một kẻ buộc phải sống ban ngày nơi đây, cũng có thể chọn sống ban đêm ở chốn này, làm mặt trời và mặt trăng quay không mệt xung quanh Phòng Đăng ký Trung ương, một nơi vừa là thế giới và cũng vừa là trung tâm của thế giới. Khi chúng ta tuyên bố bắt đầu điều gì, chúng ta luôn nói về ngày khởi đầu, trong khi thực sự ta nên nói về đêm khởi đầu, có đêm mới có ngày, đêm sẽ là vĩnh cữu nếu không có đêm. Senhor José ngồi trên ghế Trưởng phòng và anh sẽ ngồi lại đó đến bình minh, lắng nghe tiếng hồ sơ người sống sột soạt yếu ớt trên sự câm nín dồn chặt của người chết. Khi đèn đường tắt và năm cửa sổ trên cánh cửa chính đổi màu tro sẫm, anh đứng lên khỏi chiếc ghế và về nhà, đóng cánh cửa thông lại sau lưng. Anh lau mặt, cạo râu, ăn chút điểm tâm, cất hồ sơ vị giám mục, mặc bộ com lê đẹp nhất của mình, và khi đến giờ, anh bước qua cánh cửa kia, cánh cửa ra đường phố, đi bộ vòng quanh toà nhà rồi vào Phòng Đăng ký Trung ương. Không đồng nghiệp nào chú ý ai đã đến, họ đáp lại lời chào của anh như thông lệ, Chào anh, Senhor José, họ nói và họ không biết họ đang nói với ai.

© 2008 talawas

Nguồn: José Saramago,Todos os Nomes, 1997, chương 1. Dịch theo bản tiếng Anh, All the Names, của Margaret Jull Costa, Nxb. Harcourt, San Diego, 1999. Toàn văn bản dịch sẽ được Công ty Cổ phần sách Bách Việt xuất bản trong thời gian tới.


Tất cả tên Mù loà

[1]Mọi cái tên, dịch theo bản tiếng Anh, All the Names, của Margaret Jull Costa. Công ty Sách Bách Việt dự định xuất bản trong thời gian tới.
[2]trích trong Mọi cái tên (mọi trích dẫn trong bài đều từ cùng tác phẩm, trừ phi chú thích khác).
[3]trích trong diễn văn nhận giải Nobel Văn chương năm 1998, How Characters Became the Masters and the Author Their Apprentice.
[4]The Gospel According to Jesus Christ, bản tiếng Anh của Giovanni Pontiero, Harcourt Brace & Company, 1991.
[5]Blindness, bản tiếng Anh của Giovanni Pontiero, Hartcourt Inc., 1995.
[6]Theo thần thoại Hy Lạp, Ariadne là con gái vua Minos xứ Crete. Minos xây một mê hồn trận để nhốt con quái thú Minotaur, và đòi thành Athens cống thanh niên và thiếu nữ cho nó ăn thịt. Theseus là công dân Athens, tình nguyện đi theo đoàn người triều cống. Ariadne yêu Theseus, đưa chàng sợi chỉ để vào mê hồn trận và giết con quái thú rồi sau đó tìm lại đường ra (tất cả ghi chú đều của người dịch).
[7]Methuselah: tổ tiên của Noah trong thánh kinh Do Thái, thọ ngàn tuổi, giống như ông Bành Tổ trong huyền thoại vùng đông Á.
[8]Bản tiếng Anh: “the history of the deleatur”, người dịch không rõ nghĩa. Deleatur có thể là cách viết của dele (deletion, nghĩa là xoá bỏ), một dấu hiệu thường dùng trong quá trình đọc và sửa chữa bản in thử. Saramago cũng rất hay dùng từ deleatur trong các tác phẩm khác của ông.

José Saramago sinh ngày 16.11.1922 tại Azinhaga, Bồ Đào Nha. Ông là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Bồ Đào Nha thế kỷ 20. Năm 1998, ông được trao Giải Nobel văn chương.








gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài