talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 1

Chương 1: Ðừng bao giờ nói chuyện với những người lạ Chương 2: Ponti Pilat Chương 3: Bằng cứ thứ bảy Chương 4: Cuộc đuổi bắt Chương 5: Chuyện xảy ra ở Griboedov Chương 6: Sidôphrenia Như đã được nói trước Chương 7: Căn hộ có ma Chương 8: Cuộc đấu giữa giáo sư và nhà thơ Chương 9: Những trò ảo thuật của Koroviev Chương 10: Những tin tức từ Ialta Chương 11: Sự phân thân của Ivan Chương 12: Hắc ảo thuật và sự lật tẩy nó Chương 13: Nhân vật xuất hiện Chương 14: Khá khen thay gà trống! Chương 15: Giấc mơ của Nikanor Ivanovich Chương 16: Vụ hành quyết Chương 17: Một ngày bất an Chương 18: Những người khách rủi ro

 

Chương 3:
Bằng cứ thứ bảy



„Vâng, lúc đó là vào khoảng mười giờ sáng, thưa ngài Ivan Nikolaievich đáng kính“, giáo sư nói.

Nhà thơ đưa bàn tay vuốt xuôi mặt như người vừa tỉnh ngủ, và chợt thấy bóng chiều đã buông xuống trên công viên Hồ Pat'riarsi.

Nước trong hồ đã trở nên đen thẫm, một chiếc thuyền con nhẹ lướt trên mặt hồ, nghe vọng lại tiếng mái chèo vỗ nước và tiếng cười khúc khích của người phụ nữ nào đó ở trong thuyền. Trên những chiếc ghế băng đặt dưới hàng cây ở tất cả mọi phía của bờ hồ đã thấy có người ngồi, chỉ trừ phía có các nhân vật của chúng ta đang trò chuyện là vẫn vắng tanh.

Bầu trời trên thành phố Moskva có màu bàng bạc, giữa không trung hiện lên rõ nét một vầng trăng tròn, nhưng đó chưa phải trăng vàng, mà hãy còn trắng nhợt. Không khí trở nên dễ thở hơn, và dưới bóng hàng lipa, những giọng nói cũng có vẻ dịu dàng, ấm cúng hơn, như thường vẫn vậy vào những buổi chiều hôm.

“Làm sao mà mình không nhận thấy là ông ta đã kịp dựng nên cả một thiên truyện nhỉ?...„ Bezdomnưi sửng sốt nghĩ thầm. „Kìa, trời đã bắt đầu tối rồi. Hay đấy không phải là ông ta kể, mà tất cả do mình vừa ngủ thiếp đi và mơ thấy?”

Nhưng có lẽ đó là do tay giáo sư kia kể lại, bởi nếu không thì buộc phải cho rằng cả Berlioz cũng vừa cùng mơ thấy những điều như thế, vì ông vừa nhìn chằm chằm vào mặt người khách nước ngoài vừa nói:

„Câu chuyện của ngài cực kỳ thú vị, thưa giáo sư, mặc dù nó hoàn toàn không khớp với những chuyện kể trong Kinh Phúc Âm. »

„Xin ngài bỏ quá cho“, viên giáo sư cười khẩy một cách bao dung, đáp, «ai chứ, ngài thì chắc ngài phải biết rất rõ rằng tất cả những gì được chép trong Kinh Phúc Âm thực tế chưa bao giờ xảy ra cả, và nếu chúng ta dựa vào Kinh Phúc Âm như một nguồn tài liệu lịch sử thì....„ giáo sư lại cười khẩy lần nữa, và Berlioz sửng sốt, vì lúc nãy chính ông vừa nói đúng những lời như vậy với Bezdomnưi khi hai người trên đường đi dọc phố Bronnaia đến Hồ Pat'riarsi.

„Nó quả là như thế“, Berlioz nói, «nhưng tôi e rằng không ai có thể khẳng định những điều ngài vừa kể đúng là đã xảy ra thật.»

„Ồ không! Có người có thể khẳng định được điều đó!„ bằng giọng nước ngoài lơ lớ viên giáo sư đáp một cách vô cùng tự tin, rồi đột ngột dùng ngón tay vẫy vẫy ra hiệu cho hai nhà văn ghé gần lại bên ông ta.

Berlioz và Bezdomnưi từ hai phía nghiêng đầu lại gần viên giáo sư, và ông ta cất tiếng nói, nhưng lần này cái giọng nước ngoài lơ lớ, mà không hiểu sao lúc có lúc không ở ông ta, đã biến mất hoàn toàn.

„Sự thể là...„ Vừa nói viên giáo sư vừa đưa mắt nhìn quanh vẻ sợ sệt, rồi thì thầm tiếp: „Chính tôi đã tận mắt chứng kiến tất cả những việc đó. Cả trên ban công ở chỗ Ponti Pilat, cả ở trong vườn khi ông ta nói chuyện với Kaipha, cả ở trên bệ đài, nhưng chỉ có điều là bí mật, không ai biết, vậy nên xin các ngài hoàn toàn giữ kín cho, không nói với bất kỳ người nào hết!... Xuỵt!»

Im lặng bao trùm, mặt Berlioz tái nhợt.

„Ngài... ngài đã đến Moskva được bao lâu?„ ông hỏi bằng giọng run run.

„Tôi vừa đến Moskva ngay tức thời“, viên giáo sư vẻ ngơ ngác đáp; đến lúc này hai người mới sực nhớ ra, nhìn kỹ vào mắt ông ta và thấy rằng con mắt bên trái, màu xanh, của người khách nước ngoài có vẻ hoàn toàn mất trí, còn con mắt bên phải thì trống rỗng, đen ngòm và chết cứng.

“Ra thế, điều này đã giải thích tất cả!” Berlioz bối rối nghĩ. „Một gã điên người Ðức đến đây, hoặc là hắn ta vừa mới lên cơn tại chỗ, trên Hồ Pat'riarsi này. Toàn bộ câu chuyện hóa ra là thế!”

Ðúng, tất cả đã được giải thích: cả bữa ăn sáng kỳ lạ với nhà triết học quá cố Kant, cả những câu ngớ ngẩn về dầu hướng dương và về Annuska, cả những lời tiên đoán về việc đầu lìa khỏi cổ, và tất cả mọi chuyện khác, chứng tỏ tay giáo sư này là một người điên.

Berlioz lập tức hình dung ra ngay là cần phải làm gì. Ngả người ra thành chiếc ghế băng, ông nháy mắt ra hiệu với Bezdomnưi ở phía sau lưng viên giáo sư, «ấy, đừng có trái ý ông ta“, nhưng nhà thơ ngơ ngác không hiểu các tín hiệu ấy có nghĩa là gì.

„Vâng, vâng, vâng“, Berlioz sốt sắng nói, »thực ra mọi chuyện đều có thể! Thậm chí còn rất có thể nữa kia, cả Ponti Pilat, cả ban công, cả những thứ khác... Thế ngài đến đây một mình hay cùng với phu nhân?»

„Một mình, một mình, bao giờ cũng một mình“, viên giáo sư đáp với vẻ cay đắng.

„Thế hành lý của ngài đâu, thưa giáo sư?„ Berlioz quan tâm hỏi. „Chắc là ở khách sạn Met'ropol? Ngài dừng chân ở đâu ạ?»

„Tôi ấy à? Không ở đâu cả“, tay người Ðức dở điên dở dại đáp, con mắt màu xanh nhìn quanh Hồ Pat’riarsi một cách rầu rĩ và hoang dại...

„Sao? Thế... ngài sẽ sống ở đâu?»

„Trong căn hộ của ngài ấy“, người điên bỗng suồng sã đáp và nháy nháy mắt.

„Tôi... tôi rất hân hạnh“, Berlioz lúng búng, «nhưng, quả thật, ở chỗ tôi ngài sẽ thấy hơi bất tiện... còn ở Met'ropol có những buồng rất tuyệt, đó là một khách sạn hạng nhất...»

„Thế cả quỷ sứ cũng không có chứ?„ người điên bỗng quay sang vui vẻ hỏi Ivan Nikolaievich.

„Cả quỷ sứ...»

„Ðừng phản đối ông ta!„ Berlioz vội ngả người ra phía sau lưng viên giáo sư và mấp máy môi không thành tiếng, ra hiệu với nhà thơ.

„Không có quỷ sứ nào hết!„ ngơ ngác trước tất cả những chuyện ngớ ngẩn đó, Ivan Nikolaievich hét to lên điều đáng ra không cần phải nói. „Khốn khổ! Các người đừng có làm ra bộ tâm thần nữa đi!»

Người điên liền phá ra cười ha hả, làm một con chim sẻ đậu ở cành lipa trên đầu ba người giật mình bay vụt đi.

„Ôi, điều đó quả thật là thú vị“, cười rung cả người, viên giáo sư nói, «mà sao các ngài lại thế, động tới cái gì cũng đều không cả?„ Ông ta bỗng đột ngột ngừng cười; và, một điều hoàn toàn dễ hiểu đối với những người bị bệnh tâm thần, sau trận cười lại rơi vào một thái cực khác, ông ta giận dữ và nghiêm khắc quát: „Thế nghĩa là không có à?»

„Ngài bình tâm lại đi, bình tâm lại đi, thưa giáo sư“, Berlioz lắp bắp, sợ làm ông ta quá xúc động, «ngài ngồi đây chốc lát với đồng chí Bezdomnưi này nhé, còn tôi xin phép chạy ra đằng góc kia gọi điện một tí. Rồi chúng tôi sẽ đưa ngài đến nơi nào ngài muốn. Chắc là ngài còn chưa quen thành phố...»

Phải công nhận những tính toán của Berlioz là đúng: chạy đến trạm điện thoại tự động gần nhất, báo về Cục phục vụ khách nước ngoài rằng có một chuyên gia ngoại quốc đang ngồi bên Hồ Pat'riarsi trong một trạng thái không bình thường, cần có những biện pháp cần thiết, nếu không thì sẽ xảy ra những chuyện rắc rối.

„Gọi điện à? Thôi được, ngài cứ đi gọi đi“, người khách điên buồn rầu đồng ý và bỗng nói tiếp bằng một giọng cầu khẩn tha thiết: „Nhưng trước lúc chia tay, tôi xin ngài là ít nhất ngài cũng hãy tin rằng quỷ sứ có tồn tại thật! Tôi không dám cầu xin ngài điều gì hơn. Ngài hãy nhớ rằng về điều đó có tồn tại bằng cứ thứ bảy, cái bằng cứ chắc chắn nhất! Và ngay bây giờ nó sẽ được đưa ra với ngài.»

„Ðược rồi, được rồi“, Berlioz nói một cách dịu dàng giả tạo, và sau khi nháy mắt với nhà thơ đang khó chịu với ý nghĩ phải ngồi canh cái gã người Ðức tâm thần điên dại này, ông đi vội ra cửa công viên nơi phố Bronnaia và ngõ Ermolaievski gặp nhau.

Còn tay giáo sư lập tức bỗng trở nên có vẻ hoàn toàn khỏe mạnh và vui vẻ.

„Ông Mikhail Aleksandrovich“, ông ta gọi với theo Berlioz.

Ông tổng biên tập rùng mình quay lại, nhưng ông tự trấn an bằng ý nghĩ rằng tay giáo sư kia biết được tên và phụ danh của ông cũng là qua một tờ báo nào đó. Viên giáo sư chụm tay lại làm loa, kêu tiếp:

„Ngài có đồng ý, là bây giờ tôi sẽ ra lệnh gửi điện báo đến cho ông dượng của ngài ở Kiev không?»

Berlioz lại rùng mình. Làm sao mà gã điên này biết là ông có một ông dượng ở Kiev nhỉ? Bởi vì chắc chắn là về điều này không có trên bất kỳ một tờ báo nào cả. Ôi, ôi, ôi, hay là Bezdomnưi nói đúng? Thế còn những giấy tờ kia là giả mạo ư? Một kẻ thật kỳ quặc! Phải gọi điện, gọi điện! Gọi điện ngay lập tức! Rồi người ta sẽ nhanh chóng tìm hiểu mọi chuyện.

Và không nghe gì thêm nữa, Berlioz chạy tiếp.

Vừa lúc ấy ngay ở lối công viên dẫn ra phố Bronnaia, có một người đàn ông rời chiếc ghế dài đứng dậy đi ngược lại phía ông tổng biên tập, đó chính là người mà lúc nãy vừa hiện lên với Berlioz từ làn không khí nóng nực đậm đặc trong ánh nắng chiều. Chỉ có điều bây giờ anh ta không còn nhẹ bẫng trong không khí nữa, mà bằng xương, bằng thịt bình thường; và trong ánh hoàng hôn đang bắt đầu buông xuống, Berlioz trông thấy rất rõ bộ ria thưa của anh ta chĩa ra lởm chởm, cặp mắt nhỏ tí có vẻ giễu cợt và hơi say, ống quần dài kẻ ô kéo cao đến để lộ ra những mảng tất trắng cáu bẩn.

Mikhail Aleksandrovich bất giác lùi lại, nhưng ông lập tức tự trấn an rằng đó chỉ là một sự trùng hợp ngu ngốc và bây giờ không còn thời giờ để ngẫm nghĩ về điều đó nữa.

„Ông tìm cửa quay phải không ạ?„ người mặc quần kẻ ô hỏi bằng giọng nam cao như bị nứt rạn ra. „Mời theo hướng này ạ! Ði thẳng, và ông sẽ ra đến nơi cần đến. Ðáng ra ông phải trả công chỉ đường một phần tư lít... để thằng cựu quản ca nhà thờ này lấy lại sức!„ méo xệch miệng, gã lạ mặt gỡ hẳn chiếc mũ đua ngựa từ trên đầu xuống.

Berlioz không bỏ vào tai những câu uốn éo xin xỏ của tay cựu quản ca, chạy đến bên cửa quay và giơ tay ra cầm lấy thanh vịn ngang. Xoay trục cửa, ông đã định bước ra ngoài đường ray, thì một luồng ánh sáng trắng và đỏ bỗng đột ngột bừng lên và hắt thẳng vào mặt ông: ngọn đèn hiệu trong hộp kính ở cửa cháy lên dòng chữ: “Cẩn thận, tàu điện!”

Ngay lúc đó một chiếc tàu điện rẽ theo con đường mới đặt từ ngõ Ermolaievski qua ngõ Bronnaia lao ầm ầm tới. Vừa qua khỏi khúc vòng đến đoạn đường thẳng, nó bất ngờ bật đèn điện chiếu sáng từ bên trong và rú lên, tăng tốc.

Berlioz vốn thận trọng, nên dù đã đứng ở chỗ an toàn, ông vẫn quyết định quay vào phía trong cửa công viên; ông chuyển tay sang cầm lấy trục quay, bước lùi một bước. Nhưng bàn tay của ông bất thần tuột đi và rơi hẫng xuống, một chân ông trượt không kìm lại được theo mặt đá dốc như trên mặt băng chảy nghiêng xuôi xuống đường ray, chân kia bị hất lên cao, và Berlioz ngã xuống đường ray.

Cố tìm cách túm lấy một cái gì đó, Berlioz ngã ngửa, đập gáy không mạnh lắm lên mặt đường đá, và ông còn kịp nhìn thấy trên cao, nhưng ở bên phải hay bên trái, ông không còn nhận ra nữa, một vầng trăng lấp lánh như dát vàng. Ông còn kịp lật nghiêng người lại, đồng thời cũng trong khoảnh khắc đó bằng một cử động điên cuồng co hai chân lên bụng; và, sau khi đã nằm ở tư thế nghiêng người, ông trông thấy khuôn mặt trắng bệch vì kinh hoàng của cô gái lái tàu điện cùng dải băng đỏ thắm chít trên mái tóc đang vùn vụt lao tới không gì có thể cản nổi. Berlioz không hề kêu, nhưng xung quanh ông khắp dãy phố rú lên những tiếng thét kinh hoàng của phụ nữ. Cô gái lái tàu giật phanh điện, toa tàu chúi mũi xuống đất, rồi liền đó nó lại lập tức nảy lên, tiếng kính ở các ô cửa sổ vỡ tứ tung bay loảng xoảng. Ðúng vào khoảnh khắc ấy trong đầu Berlioz có một ai đó tuyệt vọng hét lên: “Chẳng lẽ?...”. Thêm một lần nữa, và là lần cuối cùng, mặt trăng thoáng lướt qua trước mắt ông, nhưng nó đã bị vỡ ra từng mảnh, rồi tất cả trở nên tối đen.

Toa tàu điện chạy trùm lên Berlioz, và có một vật gì tròn và đen đen bị ném lên bờ dốc đá dưới chân hàng rào bằng song sắt của công viên Hồ Pat’riarsi. Lăn xuống hết bờ dốc, nó nhẩy tâng tâng trên mặt đá của đường phố Bronnaia.

Ðó là chiếc đầu đã bị cắt rời ra của Berlioz.

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài