talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 1

Chương 1: Ðừng bao giờ nói chuyện với những người lạ Chương 2: Ponti Pilat Chương 3: Bằng cứ thứ bảy Chương 4: Cuộc đuổi bắt Chương 5: Chuyện xảy ra ở Griboedov Chương 6: Sidôphrenia Như đã được nói trước Chương 7: Căn hộ có ma Chương 8: Cuộc đấu giữa giáo sư và nhà thơ Chương 9: Những trò ảo thuật của Koroviev Chương 10: Những tin tức từ Ialta Chương 11: Sự phân thân của Ivan Chương 12: Hắc ảo thuật và sự lật tẩy nó Chương 13: Nhân vật xuất hiện Chương 14: Khá khen thay gà trống! Chương 15: Giấc mơ của Nikanor Ivanovich Chương 16: Vụ hành quyết Chương 17: Một ngày bất an Chương 18: Những người khách rủi ro

 

Chương 9:
Những trò ảo thuật của Koroviev



Nikanor Ivanovich Bosoi, chủ tịch Hội đồng nhà cửa của ngôi nhà số 302-bis trên đường Sadovaia thuộc thành phố Moskva, nơi ở trước đây của ông Berlioz giờ đã trở thành quá cố, bắt đầu từ đêm hôm thứ tư sang ngày thứ năm ở vào một tâm trạng vô cùng khủng khiếp.

Vào nửa đêm, như chúng ta đã biết, một tiểu ban, trong đó có Gieldưbin tham gia, đã mời Nikanor Ivanovich đến, thông báo cho ông ta biết về cái chết của Berlioz và cùng với ông ta đi đến căn hộ số 50.

Ở đấy họ bắt tay vào niêm phong bản thảo và các đồ đạc của người vừa chết. Trong thời gian đó không thấy có mặt ở nhà cả chị làm công Grunha lẫn ông Stepan Bogdanovich nhẹ dạ. Tiểu ban tuyên bố với Nikanor Ivanovich rằng họ sẽ mang các bản thảo của nhà văn quá cố đi để xem xét, còn diện tích nhà ở của người đã chết, tức là ba căn phòng (trước đây là phòng làm việc, phòng khách, phòng ăn của bà chủ hiệu kim hoàn) sẽ được chuyển giao cho Hội đồng nhà cửa, còn đồ đạc của người quá cố sẽ bàn giao bảo quản tại căn hộ nói trên cho đến khi tìm được người thừa kế.

Tin về cái chết của Berlioz được loan đi khắp ngôi nhà với một tốc độ siêu thường, và từ bẩy giờ sáng thứ năm người ta bắt đầu gọi điện cho Bosoi, còn sau đó là đổ xô đến với những lá đơn đòi được phân đến ở trên diện tích của người chết. Trong vòng hai tiếng đồng hồ Nikanor Ivanovich đã phải nhận ba mươi hai lá đơn như vậy.

Trong những lá đơn đó có đủ giọng: cầu khẩn, đe dọa, vu khống, tố giác, hứa hẹn sẽ bỏ tiền riêng ra sửa chữa, trình bày sự chật chội không chịu nổi và hoàn cảnh không thể sống chung với một lũ kẻ cướp. Có cả một tác phẩm đạt đến mức chấn động về mặt nghệ thuật mô tả vụ ăn cắp món mằn thắn bỏ trực tiếp vào túi áo vét ở căn hộ số 31, hai lời cảnh cáo sẽ tự tử và một lời thú nhận chửa hoang. Người ta gọi Nikanor Ivanovich ra phòng ngoài, thân mật nắm lấy tay áo, thì thầm những điều gì đó, nháy mắt, hứa hẹn sẽ không quên ơn, vân vân. Tình trạng khốn khổ đó kéo dài cho đến tận một giờ chiều, khi Nikanor Ivanovich buộc phải bỏ nhà chạy đến văn phòng ban quản lý ở cạnh cổng; nhưng khi thấy ở đấy cũng đang có những người rình đợi mình, thì ông ta lại chạy trốn tiếp. Sau khi tìm cách thoát khỏi những người đang đuổi theo ông ta sát gót qua khu sân trải nhựa đường, Nikanor Ivanovich lẩn vào cổng cầu thang số sáu, leo lên tầng năm, nơi có căn hộ ma quái số 50.

Dừng lại nghỉ lấy hơi một lát ở đầu cầu thang, ông chủ tịch Hội đồng nhà cửa Nikanor Ivanovich to béo bắt đầu ấn chuông, nhưng không ai ra mở cửa cả. Ông ta gọi lần nữa, thêm lần thứ ba, rồi bắt đầu càu nhàu và lẩm bẩm chửi rủa. Nhưng cửa vẫn đóng chặt. Nikanor Ivanovich mất hết kiên nhẫn, rút từ túi quần ra chùm chìa khóa thứ hai của phòng quản lý nhà cửa, bằng bàn tay đầy quyền lực mở cửa ra và bước vào.

„Ê, người trông nhà đâu!„ đứng ở phòng ngoài tối mờ mờ, Nikanor Ivanovich hỏi to. „Grunha ở đây phải không? Grunha đâu rồi?»

Không ai đáp lại.

Lúc đó Nikanor Ivanovich liền gỡ dấu niêm phong ở cửa, rút chiếc thước gấp từ cặp ra và bước vào phòng làm việc.

Bước vào thì ông ta có bước vào thật, nhưng rồi lập tức đứng sững kinh ngạc lại ở nơi cửa, thậm chí còn giật bắn cả người lên.

Ngồi sau bàn Berlioz quá cố là một người đàn ông lạ mặt gày gò và dài ngoẵng mặc áo vét kẻ ô, đội mũ đua ngựa, đeo kính... tóm lại, chính thị anh ta!

„Anh là ai?„ Nikanor Ivanovich hoảng hốt hỏi.

„Chà! Nikanor Ivanovich!„ người đàn ông lạ lùng hét lên bằng giọng tênô lanh lảnh và nhảy chồm dậy đón chào chủ tịch Hội đồng nhà cửa bằng một cái bắt tay cưỡng bức bất ngờ. Cái bắt tay đó không làm cho Nikanor Ivanovich vui mừng chút nào.

„Tôi xin lỗi“, ông chủ tịch cất tiếng đầy ngờ vực, «anh là ai? Anh là nhà chức trách à?»

„Ôi, Nikanor Ivanovich!„người lạ mặt thốt lên thân mật. „Thế nào là chức trách với không chức trách? Ðiều đó phụ thuộc vào việc ta nhìn sự vật dưới góc độ nào, tất cả những cái đó đều là ước lệ và dễ thay đổi, Nikanor Ivanovich ạ. Hôm nay tôi không phải nhà chức trách, nhưng coi đấy, ngày mai lại là chức trách rồi! Mà cũng có thể là ngược lại, anh Nikanor Ivanovich ạ, rất có thể nữa ấy chứ!»

Những lời bàn luận đó không làm cho chủ tịch Hội đồng quản trị nhà cửa thỏa mãn chút nào. Vốn bản chất là một người đa nghi, ông ta kết luận rằng tay đàn ông đang ba hoa trước mặt mình không phải nhà chức trách nào cả, mà có lẽ chỉ là một kẻ ăn không ngồi rồi vô tích sự.

„Nhưng anh là ai mới được chứ? Họ tên của anh là gì?„ chủ tịch Hội đồng nhà cửa hỏi mỗi lúc một nghiêm khắc hơn, và thậm chí ông ta còn tiến đến sát bên người lạ.

„Họ của tôi là“, hoàn toàn không bối rối trước sự nghiêm khắc của Nikanor Ivanovich, người đàn ông đáp, «cứ cho là Koroviev [1] chẳng hạn. Mà anh có ưng làm một tí tửu không, hả Nikanor Ivanovich? Xin cứ tự nhiên. Thế nào?»

„Tôi xin lỗi“, Nikanor Ivanovich đã bắt đầu nổi cáu, nói «tửu với tiếc gì ở đây hả! (Cần phải công nhận - mặc dù điều này không thật dễ chịu lắm - là Nikanor Ivanovich có bản tính hơi thô lỗ). „Ngồi trong phòng người mới chết là không được phép! Anh làm gì ở đây?»

„Mà anh ngồi xuống đi, Nikanor lvanovich!„ Không hề bối rối chút nào, người đàn ông hét to và bắt đầu múa may đẩy chiếc ghế bành đến mời chủ tịch Hội đồng nhà cửa ngồi xuống.

Nổi khùng lên thật sự, Nikanor lvanovich gạt chiếc ghế ra và quát:

„Anh là ai, hả?»

„Tôi, xin được trình bày với anh, là phiên dịch của một ngài nước ngoài đặt công thự trong căn hộ này“, người tự xưng là Koroviev tự giới thiệu và đập gót chiếc giày màu hung không lau chùi.

Nikanor Ivanovich há hốc miệng. Việc có mặt một người nước ngoài nào đó ở trong căn nhà này, mà lại kèm thêm cả phiên dịch, đối với ông ta là một điều hoàn toàn bất ngờ, và ông ta đòi phải giải thích rõ.

Tay phiên dịch sẵn sàng giải thích ngay. Nhà nghệ sĩ nước ngoài, ngài Voland, được giám đốc nhà hát Tạp Kỹ Stepan Bogdanovich Likhodeev lịch thiệp mời đến ở trong căn hộ của ông ta trong thời gian biểu diễn chừng một tuần tại Moskva. Về điều đó Stepan Bogdanovich ngay từ hôm qua đã viết cho Nikanor Ivanovich, xin phép ông chủ tịch Hội đồng nhà cửa đăng ký cho ngài khách nước ngoài tạm trú tại nhà ông giám đốc trong khi bản thân Likhodeev bận đi Ialta.

„Anh ta chẳng hề viết gì cho tôi cả“, Nikanor Ivanovich kinh ngạc nói.

„Thì anh thử tìm trong cặp của mình xem, Nikanor Ivanovich ạ“, Koroviev ngọt ngào khuyên.

Nikanor Ivanovich nhún vai, mở cặp, và thấy ngay trong đó lá thư của Likhodeev.

„Làm sao mà tôi lại có thể quên được nó nhỉ?„ ngơ ngác nhìn chiếc phong bì đã mở, Nikanor Ivanovich lẩm bẩm.

„Chuyện cũng thường thôi, cũng thường gặp thôi, anh Nikanor Ivanovich ạ“, Koroviev liến láu, «tính đãng trí, lơ đễnh, rồi quá mệt mỏi, rồi huyết áp cao, anh bạn Nikanor Ivanovich quý mến ạ! Chính tôi cũng đãng trí kinh khủng. Ngồi xuống ta làm một chén rồi tôi sẽ kể cho anh nghe đôi điều trong tiểu sử của tôi, anh sẽ tha hồ mà cười!»

„Thế Likhodeev đi Ialta bao giờ?»

„Anh ấy đi rồi, đi rồi!„ Tay phiên dịch hét to. „Anh ấy, anh biết không, đang lăn. Có quỷ mới biết hiện giờ anh ấy đang ở đâu!„ Nói đến đây người tự xưng là phiên dịch vung vẩy hai tay như những chiếc cánh cối xay gió.

Nikanor Ivanovich tuyên bố rằng ông ta cần phải gặp đích thân vị khách nước ngoài, nhưng yêu cầu đó bị tay phiên dịch từ chối: tuyệt đối không thể được. Ngài nghệ sĩ đang bận. Bận huấn luyện mèo.

„Nếu như anh ưng, tôi có thể chỉ mèo cho anh xem“, Koroviev nói.

Ðến lượt mình, Nikanor Ivanovich cũng từ chối điều đó, và tay phiên dịch liền đưa ra với chủ tịch Hội đồng nhà cửa một đề nghị bất ngờ nhưng khá thú vị.

Vì rằng ngài giáo sư Voland dứt khoát không muốn sống tại khách sạn mà ông ta lại quen ở rộng rãi, nên không hiểu Hội đồng nhà cửa có thể cho thuê toàn bộ căn hộ, tức là cả mấy phòng của Berlioz quá cố, trong một tuần lễ khi Voland tiếp tục biểu diễn ở Moskva, được không?

„Bởi vì đối với người chết thì thế nào mà chả được“, Koroviev thì thầm bằng giọng khàn khàn, «chắc anh cũng đồng ý là căn hộ này đối với ông ta chẳng để làm gì.»

Nikanor Ivanovich ít nhiều băn khoăn bác lại, «ấy, khách nước ngoài thì phải ở khách sạn Met'ropol, chứ không thể ở nhà tư được...»

„Tôi nói với anh là ông ta trái tính trái nết, cứ như chúa quỷ ấy!„ Koroviev thì thầm. „Ông ta không chịu! Ông ta không thích khách sạn! Bọn họ, cái đám dân du lịch nước ngoài ấy, cứ ngồi lên cổ tôi đây này!„ Koroviev phàn nàn bằng một giọng tin cẩn và chọc ngón tay vào chiếc cổ nổi gân của mình. „Anh biết không, họ làm tôi hết cả hơi! Hễ đến đây... hoặc là rình mò do thám như một thằng chó đẻ mạt hạng, hoặc là đòi hỏi, yêu sách đủ thứ: thế này không ưng, thế kia không được!... Còn Hội đồng của các anh sẽ được lợi rất nhiều, Nikanor Ivanovich ạ. Ông ta không tiếc tiền đâu“, Koroviev nhìn quanh, rồi nói thầm vào tai chủ tịch Hội đồng nhà cửa: „triệu phú đấy!»

Lời đề nghị của tay phiên dịch có một ý nghĩa thực tế rất rõ ràng; lời đề nghị ấy nghiêm chỉnh, nhưng lại có một cái gì đó rất không nghiêm chỉnh đến kinh ngạc cả trong cách nói của tay phiên dịch, cả trong cách ăn mặc, cả trong chiếc kính quái dị và vô tích sự của gã ta. Có một cái gì đó không rõ ràng khiến Nikanor Ivanovich cảm thấy day dứt, nhưng dù sao ông ta vẫn quyết định chấp nhận yêu cầu của Koroviev. Nguyên do là hiện nay Hội đồng nhà cửa của Nikanor Ivanovich, than ôi, đang thiếu hụt kinh phí quá lớn. Mùa thu đến cần phải mua dầu cho trạm đốt lò sưởi bằng hơi nước, mà chưa biết lấy đâu ra. Còn với số tiền nhận được của tay nước ngoài kia thì có thể xoay xở được. Nhưng vốn là người tháo vát và thận trọng, Nikanor Ivanovich tuyên bố rằng trước hết ông ta cần phải thỏa thuận vấn đề này với Cục phục vụ khách nước ngoài đã.

„Tôi hiểu!„ Koroviev hét lên. „Nhất định rồi, không thỏa thuận làm sao được. Ðiện thoại kia, Nikanor Ivanovich, và xin anh thỏa thuận ngay cho. Còn về chuyện tiền nong anh đừng ngại“, vừa kéo chủ tịch Hội đồng nhà cửa đến chỗ đặt điện thoại ở phòng ngoài, Koroviev vừa thì thầm: „Còn lấy ở đâu được nữa, nếu không là lấy của ông ta! Giá như anh trông thấy cái biệt thự của ông ta ở Nice [2] như thế nào! Mà đến hè năm sau, khi anh được đi ra nước ngoài, anh hãy cố đến đó mà xem - tha hồ kinh ngạc!»

Việc thỏa thuận với Cục phục vụ khách nước ngoài được giải quyết qua điện thoai mau chóng khác thường, làm cho chủ tịch Hội đồng nhà cửa phải kinh ngạc. Hóa ra ở đấy người ta đã biết về dự định của ngài Voland muốn sống ở căn hộ riêng của Likhodeev và hoàn toàn không phản đối điều đó.

„Thế là tuyệt rồi!„ Koroviev hét toáng lên.

Ít nhiều sửng sốt trước những câu huyên thuyên của Koroviev, ông chủ tịch tuyên bố rằng Hội đồng nhà cửa đồng ý cho nghệ sĩ Voland thuê căn hộ số 50 trong thời hạn một tuần với giá... - Nikanor Ivanovich hơi ngập ngừng, rồi tiếp: „năm trăm rúp một ngày.»

Ðến đây thì Koroviev làm cho chủ tịch Hội đồng nhà cửa sửng sốt hoàn toàn. Nháy mắt một cách vụng lén về phía phòng ngủ - từ đó nghe vẳng ra những bước nhảy mềm mại của con mèo lớn - tay phiên dịch thì thầm the thé:

„Thế nghĩa là một tuần ba nghìn rưởi rúp?»

Nikanor Ivanovich đã nghĩ rằng tiếp theo đó sẽ là câu: “Chà, anh Nikanor Ivanovich, máu anh cũng tham đấy!” nhưng Koroviev đã nói một câu khác hẳn:

„Chẳng lẽ chỉ chừng ấy thôi ư? Anh hãy đòi năm nghìn đi, ông ta sẽ trả ngay.»

Mỉm cười bối rối, Nikanor Ivanovich không nhận thấy mình đã từ lúc nào ngồi sau bàn viết của Berlioz quá cố, nơi Koroviev với một sự nhanh nhẹn và khéo léo cực kỳ đã viết xong hợp đồng thành hai bản. Sau đó gã chạy vụt vào phòng ngủ rồi quay trở ra, cả hai hợp đồng đã có chữ ký rất bay bướm của người khách nước ngoài. Chủ tịch Hội đồng nhà cửa cũng đặt chữ ký của mình vào dưới bản hợp đồng.

Xong đâu đấy, Koroviev hỏi xin một tờ giấy biên nhận năm nghìn...

„Viết bằng chữ, Nikanor Ivanovich, bằng chữ!... Năm nghìn rúp...„ và vừa phát ra những từ hoàn toàn không thích hợp với công việc nghiêm túc đang diễn ra “Ây, svây, đrây!” [3] vừa trải ra trước mặt chủ tịch Hội đồng nhà cửa năm gói giấy bạc mới tinh.

Tiếp đó là việc đếm tiền diễn ra cùng với những câu đùa vui của Koroviev, đại loại như: “tiền bạc thích được đếm tính”, “trăm thấy không bằng một sờ”, v.v...

Ðếm xong, chủ tịch Hội đồng nhà cửa nhận từ tay Koroviev tấm hộ chiếu của ông khách nước ngoài để đăng ký tạm trú, bỏ tất cả - hộ chiếu, tờ hợp đồng, tiền - vào cặp; rồi, như không kìm được, ông ta ngượng nghịu hỏi xin một chiếc vé mời...

„Ồ có ngay!„ Koroviev thé lên. „Anh cần bao nhiêu vé, Nikanor Ivanovich? Mười hai? Mười lăm?»

Sững sờ, chủ tịch Hội đồng nhà cửa giải thích rằng ông ta chỉ cần một đôi vé - cho mình và bà vợ Pelageia Antonovna của ông ta.

Koroviev liền túm ngay lấy cuốn sổ và trong nháy mắt viết cho Nikanor Ivanovich một tờ vé mời hai chỗ ngồi ở hàng thứ nhất. Rồi tay phiên dịch khéo léo dùng tay trái dúi tấm vé mời cho Nikanor Ivanovich, còn tay phải đặt vào bàn tay ông ta một gói tiền dày kêu sột soạt. Liếc mắt nhìn qua, Nikanor Ivanovich đỏ bừng mặt và đẩy nó ra.

„Ðiều này không được phép...„ ông ta lẩm bẩm.

„Tôi không chịu nghe anh đâu“, Koroviev thì thầm vào tận tai ông ta, «đối với chúng ta không được phép, nhưng đối với người nước ngoài thì được. Anh làm ông ta phật ý đấy, Nikanor Ivanovich ạ, điều đó không tốt đâu. Anh đã vất vả... »

„Chuyện này sẽ bị nghiêm trị“, chủ tịch Hội đồng nhà cửa thì thào nho nhỏ và nhìn quanh.

„Nhưng nhân chứng ở đâu?„ Koroviev thì thào đáp vào tai bên kia, «tôi hỏi anh, lấy đâu ra nhân chứng? Anh sao thế?»

Và lúc đó đã xảy ra, như sau này chủ tịch Hội đồng nhà cửa khẳng định, một điều kỳ lạ: gói tiền tự nó bò vào cặp của ông ta. Rồi sau đó Nikanor Ivanovich, người như bị kiệt sức, mệt mỏi, đã đứng ở ngoài cầu thang. Ðầu óc ông ta như sắp nổ tung ra bởi bao ý nghĩ. Trong đó quay cuồng có cả ngôi biệt thự ở Nice, cả con mèo đã được huấn luyện, cả ý nghĩ rằng quả là không có một nhân chứng nào hết, và Pelageia Antonovna sẽ rất vui vì tấm vé mời. Ðó chỉ là những ý nghĩ rời rạc, nhưng nói chung là dễ chịu. Tuy vậy ở một nơi rất sâu tận trong đáy lòng vẫn có một mũi kim nào đó làm Nikanor Ivanovich nhức nhối. Ðó là sự lo lắng. Ngoài ra, khi đã ở trên cầu thang, một ý nghĩ thoáng qua đầu ông ta như một tia chớp: “Mà làm sao tay phiên dịch kia có thể vào phòng làm việc được một khi cửa đã bị niêm phong?! Tại sao mình lại quên không hỏi về điều đó kia chứ?” Phải mất một lúc ông chủ tịch Hội đồng nhà cửa đứng như mọc rễ thẫn thờ nhìn cắm xuống bậc cầu thang, nhưng rồi ông ta quyết tâm nhổ toẹt vào tất cả, không hành hạ mình bằng những điều rối rắm đó nữa.

Ông chủ tịch Hội đồng nhà cửa vừa rời khỏi căn hộ, thì từ trong phòng ngủ vẳng ra một giọng nói rất trầm:

„Ta không thích cái gã Nikanor Ivanovich này. Hắn keo bẩn và ranh ma lắm. Có thể làm thế nào để hắn không đến đây được nữa không?”

„Thưa messir [4] , chỉ cần ngài ra lệnh!...„ từ đâu đó có tiếng Koroviev đáp lại, nhưng không phải bằng giọng the thé như trước nữa, mà rất trong trẻo, ngân vang.

Và ngay lúc đó đã thấy tay phiên dịch đáng nguyền rủa kia có mặt ở phòng ngoài quay số điện thoại và nói bằng một giọng hết sức lè nhè vào ống nghe:

„Alô! Tôi thấy mình có trách nhiệm phải báo cáo là chủ tịch Hội đồng nhà cửa của ngôi nhà ba trăm lẻ hai-bis ở phố Sadovaia Nikanor Ivanovich Bosoi đang đầu cơ ngoại tệ. Hiện nay trong căn hộ số ba mươi lăm của anh ta có bốn trăm đô la gói trong tờ giấy báo giấu trên ống thông gió của phòng vệ sinh. Tôi là Timophei Kvatsov ở căn hộ số mười một cùng ngôi nhà trên, nhưng xin được giữ bí mật tên của tôi, vì sợ ông chủ tịch sẽ trả thù.”

Và tay phiên dịch đểu cáng treo ống nghe lên.

Việc gì đã diễn ra tiếp theo ở căn hộ số 50, không ai rõ, nhưng chúng tôi biết rõ những gì đã xảy ra trong căn hộ của Nikanor Ivanovich. Khóa trái cánh cửa phòng vệ sinh lại, ông ta lôi từ trong cặp ra gói tiền được tay phiên dịch dúi cho, và tin chắc là trong đó có bốn trăm rúp. Nikanor Ivanovich gói số tiền đó vào một mẩu giấy báo và nhét lên ống thông gió.

Sau năm phút, chủ tịch Hội đồng nhà cửa đã ngồi vào bàn trong căn phòng ăn xinh xắn của mình. Bà vợ ông ta bưng từ bếp lên một đĩa cá trích bày ngay ngắn phủ lớp hành tươi rất dày. Nikanor Ivanovich rót ra một li rượu lớn, uống cạn, rót li thứ hai, uống cạn, dùng dĩa xóc lên một mẩu cá trích và... đúng lúc đó có tiếng chuông gọi cửa, còn Pelageia Antonovna cũng vừa đúng lúc đó mang lên một xoong nhôm bốc khói nghi ngút, chỉ cần liếc qua một cái cũng đã có thể đoán ngay được rằng trong xoong, ở giữa đáy sâu của món súp màu hung đỏ như lửa, là thứ mà trên đời này không có gì có thể sánh kịp: tủy não.

Nuốt nước miếng, Nikanor Ivanovich gầm gừ như một con sói:

„Chết rấp chúng mày đi. Không để cho người ta ăn một miếng nữa. Ðừng để cho ai vào cả, tôi không có nhà, đi vắng! Bảo họ đừng có chạy chọt chuyện nhà cửa nữa. Sau một tuần sẽ có cuộc họp...”

Bà vợ chạy ra phòng ngoài, còn Nikanor Ivanovich dùng muôi vớt từ mặt nồi súp bốc khói lên một bộ tủy não bị nứt làm đôi. Ðúng vào khoảnh khắc đó hai người đàn ông bước vào phòng ăn, và cùng với họ là Pelageia Antonovna không hiểu sao mặt tái ngoét. Nhìn thấy hai người đàn ông, Nikanor Ivanovich cũng tái mặt và đứng bật dậy.

„Phòng vệ sinh ở đâu?„ người đàn ông thứ nhất, mặc áo cánh trắng cài cúc một bên, hỏi với giọng cau có.

Trên mặt bàn ăn vang lên một tiếng kêu đánh cách (đó là do Nikanor Ivanovich đánh rơi chiếc thìa lên tấm khăn phủ bàn bằng vải sơn).

„Ở đây, ở đây“, Pelageia Antonovna lắp bắp đáp.

Hai người đàn ông lập tức rời phòng ăn bước ra hành lang.

„Mà có chuyện gì thế?„ Nikanor Ivanovich cũng bước theo họ, hỏi khe khẽ. „Trong nhà chúng tôi không có gì cả đâu... Mà xin lỗi, các anh cho xem giấy tờ...”

Người đàn ông thứ nhất vừa đi vừa chìa giấy cho Nikanor Ivanovich xem, còn người thứ hai, cũng vào đúng giây đồng hồ đó, đã đứng trên chiếc ghế đẩu đặt trong buồng vệ sinh, thò tay vào ống thông gió. Mắt Nikanor Ivanovich tối sầm lại. Mảnh giấy báo được mở ra, nhưng trong gói không phải tiền rúp, mà là những tờ giấy bạc lạ, không hẳn là xanh biếc, cũng không hẳn là xanh lục, có in hình một ông già nào đó. Thật ra, Nikanor Ivanovich không trông thấy rõ một cái gì cả, trước mắt ông ta chỉ có những vệt đen chập chờn rối loạn.

„Tiền đô la ở ống thông gió“, người đàn ông thứ nhất nói, dáng nghĩ ngợi, rồi hỏi Nikanor Ivanovich nhẹ nhàng và lịch sự: „Gói của anh phải không?”

„Không!„ Nikanor Ivanovich đáp lại bằng một giọng kinh hoàng. „Bọn thù tôi nó vứt vào đấy!

„Ðiều đó cũng thường xảy ra thật“, người đàn ông thứ nhất đồng ý, và lại nhẹ nhàng hỏi: „Nhưng mà còn lại bao nhiêu phải đem nộp hết.”

„Không có! Tôi không có, thề với Chúa là tôi chưa bao giờ cầm chúng trong tay!„ ông chủ tịch Hội đồng nhà cửa tuyệt vọng hét lên.

Ông ta chạy đến bên tủ ngăn, giật mạnh ngăn kéo, rút từ trong đó ra chiếc cặp, đồng thời miệng lẩm bẩm rời rạc:

„Ðây là bản hợp đồng... tay phiên dịch đểu cáng nhét cho... Hắn tên là Koroviev, đeo kính!”

Ông ta mở cặp, nhìn vào, rồi cho tay vào lục lọi, mặt biến sắc, xanh mét, và đánh rơi chiếc cặp lên xoong súp. Trong cặp không có gì hết, cả bức thư của Stepan, cả bản hợp đồng, cả tấm hộ chiếu nước ngoài, cả tiền lẫn tấm vé mời. Tóm lại, không có gì cả ngoài một chiếc thước gấp.

„Các đồng chí!„ ông chủ tịch Hội đồng nhà cửa hét lên điên loạn. „Bắt lấy chúng! Trong ngôi nhà chúng ta có ma!”

Vừa lúc đó không biết có một cái gì đó vụt thoáng qua đầu Pelageia Antonovna, chỉ thấy bà ta vung hai tay, kêu lên:

„Thú thật đi, Nikanor Ivanovich, người ta sẽ tha cho ông!”

Mắt đỏ ngầu máu, Nikanor Ivanovich vung nắm tay phía trên đầu vợ, rít lên:

„Ôi, đồ ngu như lợn!”

Rồi ông ta cảm thấy kiệt sức, buông người xuống ghế, có lẽ là quyết định phó mặc tất cả cho số phận.

Trong lúc đó, Timophei Kondratievich Kvatsov đang quỳ chân trên khoảng trống đầu cầu thang, khi thì ghé mắt, khi thì ghé tai vào lỗ khóa trên cánh cửa của căn hộ ông chủ tịch Hội đồng nhà cửa, người nóng ran lên vì tò mò.

Năm phút sau, những người đứng trong khoảng sân của ngôi nhà trông thấy ông chủ tịch Hội đồng nhà cửa cùng với hai người đàn ông lạ mặt đi thẳng ra cổng. Mọi người kể lại rằng, Nikanor Ivanovich trông hệt người mất hồn, bước đi lảo đảo như say rượu, luôn miệng lẩm bẩm một điều gì đó.

Còn sau một giờ nữa, một người đàn ông lạ mặt bước vào căn hộ số mười một đúng vào lúc Timophei Kondratievich đang say sưa kể cho những người cùng nhà nghe chuyện ông chủ tịch Hội đồng nhà cửa bị bắt như thế nào. Người lạ giơ ngón tay ra hiệu mời Timophei Kondratievich ra phòng ngoài, nói một câu gì đó rồi cùng ông ta biến mất.

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]Koroviev „Phagot: tên Koroviev có thể gợi liên tưởng đến nhân vật Korovkin trong tiểu thuyết Anh em nhà Caramazov của Doxtoevxki, người được Ivan kể cho nghe câu chuyện về một người mắc tội phải đi hàng tỉ cây số trong bóng tối mới đến được cửa thiên đường. Phagot trong tiếng Nga chỉ một loại sáo, còn gốc tiếng Pháp và tiếng Italia có nghĩa là bông lơn, tầm phào...
[2]Nice: một thành phố nghỉ mát, trung tâm du lịch của Pháp ở Địa Trung Hải.
[3]Ây, svây, đrây: “Một, hai, ba” (phiên âm tiếng Đức trong nguyên bản).
[4]Messir: tiếng tôn xưng đối với các chúa đất cũ, về sau dùng trước tên riêng các tư tế, luật sư, thầy thuốc, có thể dịch là “thầy” trong tiếng Việt.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài