talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 1

Chương 1: Ðừng bao giờ nói chuyện với những người lạ Chương 2: Ponti Pilat Chương 3: Bằng cứ thứ bảy Chương 4: Cuộc đuổi bắt Chương 5: Chuyện xảy ra ở Griboedov Chương 6: Sidôphrenia Như đã được nói trước Chương 7: Căn hộ có ma Chương 8: Cuộc đấu giữa giáo sư và nhà thơ Chương 9: Những trò ảo thuật của Koroviev Chương 10: Những tin tức từ Ialta Chương 11: Sự phân thân của Ivan Chương 12: Hắc ảo thuật và sự lật tẩy nó Chương 13: Nhân vật xuất hiện Chương 14: Khá khen thay gà trống! Chương 15: Giấc mơ của Nikanor Ivanovich Chương 16: Vụ hành quyết Chương 17: Một ngày bất an Chương 18: Những người khách rủi ro

 

Chương 14:
Khá khen thay gà trống!



Thần kinh không chịu đựng nổi, như người ta nói, và Rimski không đợi đến khi biên bản được lập xong, chạy vội về phòng làm việc của mình. Ông ta ngồi xuống sau bàn và đưa cặp mắt như bốc lửa nhìn những tờ giấy bạc mười rúp ma quái nằm trước mặt. Ðầu óc phó giám đốc tài chính như bị mụ mẫm đi. Từ phía ngoài vọng đến tiếng ồn ĩ đều đều. Người xem từ trong nhà hát Tạp Kỹ ùa nhau đổ ra đường phố. Cái thính giác đã trở nên cực nhạy của phó giám đốc tài chính bỗng bắt được một hồi còi chói tai của công an. Riêng bản thân nó vốn cũng đã chưa bao giờ hứa hẹn điều gì tốt lành; còn khi nó được lặp lại và cùng với nó là một hồi còi khác nổi lên, đầy quyền uy và kéo dài hơn, rồi tiếp theo đó hòa nhập vào với chúng là những tiếng cười hô hố nghe rất rõ, thậm chí cả tiếng hò la chế giễu, thì Rimski lập tức hiểu ra rằng ngoài phố đang diễn ra một cái gì đó còn bê bối, còn tồi tệ hơn nhiều. Và rằng cái gì đó này, dù ông ta có muốn mặc xác nó đến mấy, vẫn cứ có liên quan hết sức chặt chẽ tới buổi biểu diễn vừa rồi của nhà ảo thuật và các trợ lý của ông ta. Phó giám đốc tài chính thính nhạy quả đã không nhầm tí nào.

Chỉ vừa nhìn qua cửa sổ xuống đường Sadovaia, khuôn mặt Rimski bỗng méo xệch đi, và ông ta không còn thì thầm nữa, mà rít lên:

„Ta đã biết mà!»

Trong làn ánh sáng của những ngọn đèn đường cực mạnh, Rimski trông thấy trên vỉa hè ngay phía dưới cửa sổ của mình một người đàn bà mặc độc áo cánh lót, quần đùi màu tím than. Trên đầu chị ta, thực ra mà nói, còn có một chiếc mũ, và ngoài ra tay cầm cây ô.

Xung quanh người đàn bà đang ở trong trạng thái hoảng loạn đến cực điểm, khi thì ngồi thụp xuống đường, khi thì tìm cách bỏ chạy đi đâu đó, là một đám đông nhốn nháo phát ra chính cái tiếng cười hô hố nọ làm cho phó giám đốc tài chính lạnh toát cả sống lưng. Một người đàn ông chạy cuống quít quanh chị ta, cố cởi ra khỏi người mình chiếc áo măng tô mùa hè, nhưng vì quá nôn nóng nên không thể nào thoát khỏi ống áo bị vướng nơi tay.

Tiếng kêu la và tiếng cười còn vang lên ở một chỗ khác, cụ thể là ở cạnh cổng ra vào bên trái. Quay đầu sang phía đó, Grigori Danilovich Rimski trông thấy một người đàn bà thứ hai trên mình mặc bộ đồ màu hồng. Cô ta nhảy từ lòng đường phố lên vỉa hè, tìm cánh chạy trốn vào cổng của ngôi nhà, nhưng lại bị dòng người xem từ phía trong tràn ra chặn mất đường, và chị chàng nạn nhân của sự nhẹ dạ của chính mình và của lòng ham thích ăn chơi, bị đánh lừa bởi hãng buôn của tay Phagot độc địa, lúc này chỉ mơ ước có một điều: được chui khuất xuống đất. Một người công an vừa chạy về phía người đàn bà bất hạnh nọ vừa thổi còi váng tai, còn chạy theo sau anh ta là một đám thanh niên đội mũ lưỡi trai dáng điệu vui vẻ - chính họ đang phát ra những tiếng cười hô hố và tiếng hò la chế giễu.

Một tay xà ích gầy gò để râu phóng như bay đến bên người đàn bà ở trần thứ nhất, dừng sững con ngựa xương xẩu mệt lử ngay trước mặt chị ta. Khuôn mặt người xà ích nhếch lên trong một nụ cười đắc ý.

Rimski nắm tay đập lên đầu mình, nhổ một bãi nước bọt và nhảy lùi khỏi cửa sổ.

Ông ta ngồi một lúc cạnh bàn, lắng nghe âm thanh ngoài phố. Tiếng còi vang lên ở những chỗ khác nhau đã đạt đến tột điểm, rồi sau đó bắt đầu lắng dần xuống, Rimski ngạc nhiên trước việc vụ lộn xộn được dẹp đi quá chóng vánh đến mức bất ngờ.

Ðã đến lúc phải hành động, phải uống cạn cái chén đắng cay của trách nhiệm. Máy điện thoại đã được sửa chữa trong thời gian diễn ra phần ba của chương trình biểu diễn, cần phải gọi, phải thông báo về sự việc vừa xảy ra, phải cầu xin giúp đỡ, trốn bỏ trách nhiệm, đổ tất cả lên đầu Likhodeev, che chắn cho mình, và vân vân... Thật là quỷ quái! Viên phó giám đốc bối rối đã hai lần đặt tay lên ống nghe rồi lại hai lần bỏ tay ra. Bỗng nhiên trong sự im lặng tuyệt đối của gian phòng làm việc, cỗ máy điện thoại tự mình đột ngột réo chuông thẳng vào mặt phó giám đốc tài chính, và ông ta rùng mình lạnh toát người. “Thần kinh mình quả là đã nhão ra mất rồi“, Rimski thoáng nghĩ và nhấc ống nghe lên. Nhưng ngay lập tức ông ta giật bắn người, mặt trắng bệch ra như tờ giấy. Một giọng đàn bà khe khẽ nhưng đồng thời suồng sã và hư đốn thì thào trong ống nghe:

„Rimski, đừng có gọi điện thoại đi đâu cả, không thì khốn đấy!»

Rồi ống nghe lập tức im lặng như tờ. Cảm thấy sống lưng nổi gai ốc, phó giám đốc tài chính đặt ống nghe xuống và không hiểu sao lại đưa mắt liếc nhìn ra ô cửa sổ phía sau lưng. Qua những cành cây phong thưa thớt và còn ít lá xanh, ông ta trông thấy mặt trăng đang trôi trong một đám mây trong suốt.

Không hiểu vì sao mắt cứ dán chặt vào những cành cây, Rimski nhìn mãi lên đó và càng nhìn, ông ta càng cảm thấy nỗi sợ hãi một lúc một mãnh liệt hơn.

Cố tập trung hết nghị lực, phó giám đốc tài chính cuối cùng cũng quay người khỏi ô cửa sổ sáng ánh trăng và đứng dậy. Bây giờ hoàn toàn không thể nói gì đến chuyện gọi điện thoại đi đâu nữa, bây giờ ông ta chỉ nghĩ đến mỗi một điều - làm thế nào để nhanh chóng rời khỏi nhà hát.

Phó giám đốc tài chính lắng tai nghe: cả tòa nhà im lìm. Rimski hiểu rằng đã từ lâu ông ta chỉ còn lại một mình trên khắp cả tầng hai, và khi nghĩ đến điều đó, Rimski cảm thấy một nỗi sợ hãi trẻ con không cưỡng nổi bao trùm toàn thân. Phó giám đốc tài chính không thể không rùng mình khi hình dung rằng ông ta sẽ phải một mình theo những hành lang vắng vẻ đi xuống dưới theo cầu thang. Ông ta hối hả túm lấy những tờ mười rúp ma quái nằm trên bàn, nhét chúng vào cặp và hắng giọng ho, cố bằng cách đó làm cho mình mạnh bạo lên, dù chỉ là ít nhiều. Tiếng ho nghe khàn khàn, yếu ớt. Ðúng lúc đó Rimski bỗng cảm thấy như có mùi ẩm ướt hơi bùn mục lùa vào từ phía dưới cánh cửa phòng làm việc. Sống lưng phó giám đốc tài chính lạnh toát. Thêm vào đó, đồng hồ lại còn đột ngột gõ chuông, báo hiệu rằng đã nửa đêm. Ðến cả tiếng chuông cũng làm cho Rimski run lên. Nhưng tim của phó giám đốc tài chính thật sự như ngưng đập khi anh ta nghe có tiếng chìa khóa Anh quay nhẹ trong ổ khóa cửa. Bấu chặt hai bàn tay lạnh toát và đẫm mồ hôi vào chiếc cặp, Rimski cảm thấy rằng nếu cái tiếng động khẽ kia trong ổ khóa còn kéo dài dù chỉ thêm một chút nữa, thì ông ta sẽ không chịu nổi và hét lên thất thanh.

Cuối cùng, cánh cửa phải lùi bước trước sức mạnh của ai đó, mở ra, và Varenukha bước vào phòng không một tiếng động. Rimski đang đứng buông phịch người xuống chiếc ghế bành, vì đôi chân tự nó khuỵu gục xuống. Rít một hơi vào ngực, ông ta nặn ra một nụ cười méo mó và khẽ nói:

„Lạy Chúa, cậu làm tớ hết hồn!»

Ðúng thế, sự xuất hiện bất ngờ đó có thể làm hết hồn bất kỳ người nào, dầu vậy trong lúc này nó đồng thời cũng là một niềm vui lớn đối với Rimski. ít ra thì cũng thòi ra được một đầu mối trong cái chuyện cực kỳ rối rắm này.

„Nào, nói nhanh lên! Nào! Nào!„ Rimski rít lên, cố bám lấy cái đầu mối vừa thòi ra này. „Tất cả những chuyện này nghĩa là thế nào?»

„Xin lỗi anh“, Varênukha bước hẳn vào, đóng cửa lại, đáp bằng một giọng khàn khàn, «tôi nghĩ rằng anh đã đi về nhà rồi.»

Nói xong, không cởi mũ, Varenukha đi đến phía bên kia bàn, ngồi xuống chiếc ghế bành đối diện.

Cần phải nói rằng, trong câu trả lời của Varenukha có một vài điểm kỳ quặc mà phó giám đốc tài chính, người có độ thính nhạy đủ sức so sánh với bất kỳ trạm đo địa chấn nào của thế giới, lập tức cảm thấy ngay. Tại sao lại như thế? Varenukha đến phòng làm việc của phó giám đốc tài chính làm gì, nếu như đã biết rằng Rimski không còn ở đây nữa? Varenukha cũng có phòng làm việc riêng của mình kia mà? Ðó là một điểm. Ðiểm thứ hai: dù cho Varenukha có vào nhà theo bất cứ lối cửa nào, anh ta nhất thiết cũng phải gặp một trong số những người gác đêm, mà tất cả bọn họ đều đã được thông báo rằng hôm nay Grigori Danilovich Rimski sẽ ở nán lại trong phòng làm việc của mình một lúc.

Nhưng phó giám đốc tài chính lần này đã không để tâm suy nghĩ nhiều về những điều lạ lùng đó. Không phải lúc.

„Tại sao cậu không gọi điện về? Toàn bộ cái trò vớ vẩn với Ialta kia nghĩa là gì?»

„Thì đấy, chính là cái tôi đã nói với anh rồi mà“, trưởng phòng quản trị chắt lưỡi như bị đau răng, đáp, «đã tìm thấy lão ta trong một quán rượu ở thị trấn Puskino.»

„Sao lại ở Puskino? Ðó là ngoại ô Moskva ấy à? Còn những bức điện gửi đi từ Ialta?»

„Ialta quái quỷ nào ở đây? Lão ta chuốc say tay điện báo viên ở Puskino, rồi cả hai bắt đầu bày trò, kể cả việc gửi điện mạo địa chỉ gốc “Ialta”.

„À ra thế, ra thế... Thôi được rồi, được rồi...„ Rimski, không phải nói nữa, mà ngâm nga như hát. Ðôi mắt ông ta phát ra những tia sáng vàng vàng. Trong đầu hiện lên một viễn cảnh khả quan của việc cách chức Likhodeev... Một sự giải phóng! Một sự giải phóng mà phó giám đốc tài chính mong đợi từ lâu, giải phóng khỏi cái tai họa mà Likhodeev là hiện thân! Biết đâu Stepan Bogdanovich sẽ được hưởng một cái gì đó còn tồi tệ hơn là cách chức... „Kể lại tỉ mỉ nào!„ Ðập cái bàn thấm xuống mặt bàn viết, Rimski ra lệnh cho Varenukha.

Và Varenukha bắt đầu kể lại tỉ mỉ. Vừa có mặt ở cái nơi được phó giám đốc tài chính phái đến, anh ta lập tức được đón tiếp và lắng nghe cực kỳ chăm chú. Không một ai, tất nhiên, nghĩ đến chuyện Stepan hiện giờ đang ở Ialta. Tất cả ngay tức khắc đều đồng ý với Varenukha rằng Likhodeev, tất nhiên, đang ở quán rượu “Ialta” ở Puskinô.

„Thế anh ta giờ ở đâu?„ phó giám đốc tài chính hồi hộp hỏi cắt ngang lời trưởng phòng quản trị.

„Thì lão ta còn ở đâu được nữa“, trưởng phòng quản trị cười nhạt, đáp, «hiển nhiên là ở phòng “hồi tỉnh” rồi!»

„À, thế! Ôi, cảm ơn!»

Varenukha lại tiếp tục câu chuyện của mình. Và anh ta càng kể, trước mắt phó giám đốc tài chính càng hiện lên rõ ràng hơn một chuỗi tột cùng dài những hành động sai trái và trắng trợn của giám đốc nhà hát Tạp Kỹ, và mỗi một móc xích tiếp theo sau trong cái chuỗi dài những hành động đó càng một thêm tồi tệ hơn. Cái giá nào sẽ phải trả cho điệu nhảy say mềm với người nhân viên điện báo giữa bãi cỏ trước nhà bưu điện thị trấn Puskino trong tiếng đệm đàn gió của một tay vô công rồi nghề nào đó! Rồi cuộc rượt đuổi theo những bà, những cô vừa chạy, vừa la hét vì kinh hoàng! Rồi vụ gây gổ với nhân viên bán hàng ở ngay quán ăn “Ialta”! Rồi những nắm hành ném tung tóe ra khắp sàn nhà của chính cái quán “Ialta” ấy. Rồi tám chai vang trắng “Ai-Danil” bị đập vỡ. Rồi chiếc máy tính tiền bị hư nặng trong chiếc xe taxi của người tài xế không muốn chở Stepan. Rồi sự đe dọa bắt bỏ tù tất cả những ai định ngăn cản hành động làm loạn của ông ta. Tóm lại, một mớ khủng khiếp!

Stepan là một kẻ nổi danh trong giới nhà hát Moskva, và tất cả mọi người đều biết rằng ông ta đâu phải hạng hiền lành. Nhưng dù sao thì những gì trưởng phòng quản trị kể về ông ta cũng có vẻ quá đáng, quá đáng ngay cả đối với Stepan. Vâng, quá đáng. Thậm chí rất quá đáng nữa là đằng khác...

Ðôi mắt sắc nhọn như gai của Rimski cắm chặt vào bộ mặt của trưởng phòng quản trị ngồi ở bên kia bàn, và Varenukha càng nói bao nhiêu thì đôi mắt đó càng tối sầm lại bấy nhiêu. Những chi tiết xấu xa mà trưởng phòng quản trị tô điểm cho câu chuyện của mình càng sinh động và nhiều màu sắc bao nhiêu... thì phó giám đốc tài chính càng ít tin người kể chuyện bấy nhiêu. Khi Varenukha thông báo rằng Stepan trở nên táo tợn đến mức dám chống lại những người đến để bắt ông ta trở về Moskva thì Rimski đã biết một cách chắc chắn rằng tất cả những gì mà tay trưởng phòng quản trị trở về nhà hát vào lúc nửa đêm này kể cho ông ta nghe đều là dối trá! Dối trá từ đầu đến cuối!

Varenukha không hề đến Puskino, và cả Stepan cũng không có mặt ở Puskino. Không có cả người nhân viên điện báo say mèm, không có những chiếc chai vỡ ở quán ăn, Stepan không bị trói bằng dây thừng... không có gì hết...

Phó giám đốc tài chính vừa mới khẳng định trong ý nghĩ rằng trưởng phòng quản trị nói dối mình, thì một nỗi sợ hãi bỗng bò dọc thân thể ông ta, bắt đầu từ chân, và đã hai lần phó giám đốc tài chính cảm thấy có mùi bùn mục ẩm bốc lên từ sàn nhà. Không một giây nào rời mắt khỏi tay trưởng phòng quản trị - Varenukha không hiểu sao cứ vặn vẹo người một cách kỳ quặc trên chiếc ghế bành, luôn luôn tìm cách ẩn mình trong bóng tối xanh thẫm của ngọn đèn bàn và dùng tờ báo cố che mặt như thể bị ánh sáng của ngọn đèn làm khó chịu - phó giám đốc tài chính chỉ ngẫm đi nghĩ lại mỗi một điều: tất cả những cái này nghĩa là gì? Tại sao tay trưởng phòng quản trị trở về gặp ông ta muộn màng như thế này, lại nói dối một cách trắng trợn như vậy trong ngôi nhà vắng vẻ và im lặng như tờ này? Rồi linh cảm về một mối nguy hiểm, một mối nguy hiểm chưa rõ ràng nhưng đáng sợ, bắt đầu len vào ngực phó giám đốc tài chính. Làm ra bộ không nhận thấy những câu lươn lẹo cùng cái trò ảo thuật với tờ báo của trưởng phòng quản trị, Rimski chăm chú nhìn kỹ mặt anh ta, gần như không nghe Varenukha nói liến láu những gì nữa. Có một cái gì đó phó giám đốc tài chính cảm thấy còn khó giải thích hơn là câu chuyện bịa đặt ra không hiểu để làm gì về những trò phiêu lưu ở Puskino, và “cái gì đó” chính là những thay đổi ở vẻ ngoài và trong cử chỉ, nói năng của tay trưởng phòng quản trị.

Dù Varenukha có cố kéo chiếc mũ lưỡi trai sụp xuống để che tối bộ mặt mình, dù cho anh ta có xoay tờ báo như thế nào đi nữa, phó giám đốc tài chính vẫn nhìn thấy được trên mặt anh ta một vết tím bầm to tướng ở bên má phải ngay cạnh mũi. Ngoài ra, tay trưởng phòng quản trị vốn thường ngày hồng hào, nay bỗng trở nên tái nhợt một màu phấn trắng bệnh tật, và vào cái đêm oi bức này trên cổ anh ta lại quấn một tấm khăn quàng cũ kẻ sọc không hiểu để làm gì. Rồi nếu như cộng thêm vào đó cái thói xấu chép miệng chắt lưỡi vừa mới xuất hiện ở anh ta trong thời gian vắng mặt vừa qua, sự thay đổi đột ngột của giọng nói trở nên khàn khàn và thô kệch, vẻ lén lút, sợ sệt trong đôi mắt - thì có thể mạnh dạn mà nói rằng Ivan Savelievich Varenukha đã biến đổi đến mức không thể nào nhận ra được.

Còn thêm một cái gì đó làm phó giám đốc tài chính lo sợ, nhưng cụ thể là cái gì thì Rimski không hiểu được, dù cho ông ta có căng bộ não đã bốc lửa lên đến mấy và dù cho có nhìn kỹ vào bộ mặt của Varenukha đến mấy. Ông ta chỉ có thể khẳng định một điều, là có một cái gì đó chưa từng thấy, trái tự nhiên trong sự kết hợp giữa tay trưởng phòng quản trị với chiếc ghế bành quá quen thuộc kia.

„Thế rồi cuối cùng mọi người cũng trói được lão ta, cho lên xe“, Varenukha kể tiếp, mắt nhìn ra từ sau tờ báo và lấy bàn tay che chỗ bầm trên má.

Rimski bỗng chìa tay ra và làm như vô tình, những ngón tay vẫn gõ gõ trên mặt bàn, dùng lòng bàn tay ấn vào chiếc nút chuông điện, và ông ta sững người lại.

Ðáng lẽ ra trong ngôi nhà vắng lặng này phải đột ngột réo lên tiếng chuông gay gắt. Nhưng không hề có tiếng chuông nào réo lên cả, và chiếc nút mềm nhũn tụt sâu xuống mặt bàn. Chiếc nút chết. Hệ thống chuông hỏng.

Cái mưu mẹo của phó giám đốc tài chính không lọt qua nổi con mắt Varenukha. Anh ta hơi co giật đôi má, trong mắt ánh lên một tia lửa giận dữ:

„Anh ấn chuông làm gì thế?»

„Vô tình lỡ tay ấy mà“, phó giám đốc tài chính khàn giọng đáp và rụt tay lại; rồi đến lượt mình, ông ta hỏi bằng giọng yếu ớt: „Mà cái gì ở trên mặt cậu thế?»

„Khi xe giật mạnh, tôi bị đập mặt vào cánh cửa“, Varenukha nhìn đi nơi khác, đáp.

“Nói láo!” - phó giám đốc tài chính thầm thốt lên. Vào cái khoảng khắc đó cặp mắt của Rimski chợt trợn tròn lên và trở nên hoàn toàn mất trí, ông ta nhìn trừng trừng vào lưng ghế.

Phía sau chiếc ghế bành, trên sàn nhà, có hai chiếc bóng nằm chéo nhau, một bóng đậm và đen hơn, còn bóng kia nhạt hơn và có màu xám. Trên sàn nhà trông rõ bóng lưng tựa của ghế bành và hai cặp chân nhọn phía dưới của nó, nhưng phía trên lưng ghế không trông thấy bóng đầu của Varenukha, cũng như phía dưới chân ghế không có bóng chân của tay trưởng phòng quản trị này.

“Hắn ta không có bóng!” [1] - Rimski kinh hoàng thầm thốt lên trong đầu. Toàn thân phó giám đốc tài chính run bắn lên.

Varenukha lấm lét nhìn ra phía sau lưng ghế, theo hướng cái nhìn mất trí của Rimski, và hiểu rằng mình đã bị lộ tẩy.

Trưởng phòng quản trị đứng bật dậy khỏi ghế bành (và phó giám đốc tài chính cũng làm đúng như vậy, lùi khỏi bàn một bước, tay ôm chặt chiếc cặp).

„Ðã đoán ra rồi, đồ thổ tả! Bao giờ cũng khôn ngoan“, Varenukha nói nhanh, cười nhạo một cách độc địa thẳng vào mặt phó giám đốc tài chính, rồi bất ngờ nhảy từ ghế bành đến bên cửa ra vào, nhanh nhẹn kéo chốt ổ khóa Anh xuống phía dưới, khóa trái cửa lại. Phó giám đốc tài chính tuyệt vọng nhìn quanh, lùi về phía cửa sổ mở ra vườn; và trong ô cửa sổ tràn đầy ánh trăng đó, ông ta trông thấy bộ mặt áp chặt vào tấm kính cửa của một cô gái trần truồng, cánh tay của cô ta thò qua ô nhỏ thông gió ở phía trên cố tìm cách mở cái chốt dưới của cánh cửa. Chốt trên đã bị mở từ trước.

Rimski cảm thấy ánh sáng của ngọn đèn bàn chợt mờ đi và mặt bàn viết nghiêng xuống. Ông ta như bị một làn sóng lạnh băng bao trùm lấy, nhưng thật may mắn cho phó giám đốc tài chính, ông ta đã gắng hết sức bình sinh để không ngã xuống. Phần sức lực còn lại của Rimski chỉ đủ để thều thào, chứ không kêu lên thành tiếng được nữa:

„Cứu tôi với...»

Varenukha, đứng giữa lối ra vào, nhảy choi choi cạnh cánh cửa, người lơ lửng, lắc lư rất lâu trong không khí, vung những ngón tay co quắp về phía Rimski, chép mồm, chắt lưỡi, nháy mắt với cô gái trần truồng ngoài cửa sổ.

Cô ta vội vã thò đầu qua lỗ thông hơi, vươn dài cánh tay, dùng những móng tay nhọn cào cấu thanh chốt dưới và lắc mạnh khung cửa sổ. Cánh tay cô ta bắt đầu duỗi dài ra như bằng cao su, phủ một lớp màu xanh xám ngoét như ở xác chết. Cuối cùng thì những ngón tay xanh xám của tử thi đó đã túm được đầu chốt cửa, quay ngang, và khung cửa bắt đầu mở ra. Rimski rú lên một tiếng yếu ớt, dựa lưng vào tường và giơ chiếc cặp ra phía trước như tấm lá chắn. Ông ta hiểu rằng cái chết của mình đang đến.

Khung cửa sổ đã được mở rộng, nhưng thay vì làn không khí ban đêm mát mẻ và hương thơm của những cây lipa, ùa vào phòng là mùi thối mục của nhà mồ. Cô gái xác chết leo lên bệ cửa sổ. Rimski trông thấy rõ ràng những vết thối rữa trên ngực cô ta.

Vào đúng lúc đó vang lên một tiếng gáy bất ngờ và vui mừng của con gà trống [2] ở dưới khu vườn, từ ngôi nhà thấp phía sau trường bắn bia, nơi nhốt những loài chim tham gia vào các tiết mục biểu diễn. Con gà trống, được huấn luyện có giọng rất trầm, đã cất tiếng báo tin rằng bình minh từ Phương Ðông đang tiến gần đến thành phố Moskva. Một cơn giận dữ điên cuồng làm bộ mặt cô gái méo xệch đi, cô ta tuôn ra một tràng chửi rủa khàn khàn, và Varenukha đang lơ lửng trong không khí cạnh cửa ra vào rít lên và đổ ụp xuống sàn nhà.

Tiếng gà gáy lặp lại một lần nữa, cô gái nghiến răng nghe đánh cạch, những sợi tóc hung trên đầu dựng ngược cả lên. Sau tiếng gà thứ ba, cô ta quay người và bay đi mất hút. Theo sau cô ta, Varenukha nhảy vọt lên và vươn dài người ra theo phương nằm ngang trong không khí giống như thần Cupidon [3] đang bay, chầm chậm trôi trên mặt bàn viết ra cửa sổ.

Một ông già đầu bạc trắng như tuyết, không còn lấy một sợi tóc đen nào, người vừa mới đây còn là Rimski, nhảy vội đến bên cửa, kéo khóa, mở cửa và chạy dọc theo dãy hành lang tối tăm. Ðến chỗ rẽ xuống cầu thang, ông ta rít lên kinh hoàng, sờ soạng công tắc, bật đèn, và cầu thang sáng rực lên. Ông già run lẩy bẩy khuỵu gối ngã gục xuống cầu thang, vì ông ta cảm thấy như đang bị Varenukha từ phía trên nhẹ nhàng nhảy đúng xuống đầu mình.

Chạy xuống phía dưới, Rimski trông thấy người gác cửa đang gục xuống ngủ trên chiếc ghế cạnh quầy bán vé ở tiền sảnh. Rimski nhón chân đi qua và luồn ra cửa chính. Ở ngoài phố, phó giám đốc tài chính cảm thấy ít nhiều hoàn hồn lại. Ông ta đã hoàn hồn đến mức khi ôm hai tay lên đầu, đoán ngay được là chiếc mũ của mình đã bị bỏ quên trong phòng làm việc.

Dĩ nhiên là Rimski không quay trở lên để lấy mũ, mà ngược lại, vừa thở hổn hển vừa chạy qua đường phố rộng sang góc đối diện cạnh rạp chiếu bóng, nơi có một ánh đèn đỏ mờ mờ nhấp nháy. Sau một phút, ông ta đã ở bên cạnh chiếc taxi.

„Ðến ga tàu nhanh đi Leningrad, tôi trả hậu“, thở nặng nhọc, tay ôm lấy ngực, ông già nói.

„Tôi đi về gara đây“, người lái xe nói với vẻ căm ghét và ngoảnh mặt đi.

Rimski liền mở cặp, rút ra năm mươi rúp và chìa cho người lái xe qua ô cửa trước để ngỏ.

Mấy giây sau, như một cơn lốc, chiếc xe tắc xi kêu lọc xọc đã bay dọc theo phố Sadovaia. Ông già tóc bạc nhảy chồm chồm trên ghế ngồi, và trong mảnh gương treo trước mặt lái xe, Rimski khi thì trông thấy cặp mắt sung sướng của lái xe, khi thì cặp mắt điên dại của chính mình.

Nhảy ra khỏi xe ngay trước nhà ga, Rimski hét bảo người đàn ông đeo tạp dề trắng với tấm kim loại găm trước ngực mà ông ta gặp đầu tiên:

„Một vé toa hạng nhất, tôi trả ba chục rúp“, vừa rút từ trong cặp ra những tờ giấy bạc mười rúp, Rimski vừa nói: „Nếu không có hạng nhất, lấy hạng hai, nếu không có hạng hai - thì toa đứng cũng được.»

Người mặc áo tạp dề nhìn lướt lên chiếc đồng hồ dạ quang, chộp vội lấy tờ giấy bạc từ trong tay Rimski.

Năm phút sau, chuyến tàu nhanh chui ra khỏi tháp kính của nhà ga và biến mất vào bóng tối. Và biến mất cùng với nó là Rimski.

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]... hắn ta không có bóng: theo mê tín dân gian, một trong những đặc điểm để nhận biết ma quỷ là không có bóng, những người bán linh hồn cho quỷ cũng bị mất bóng vì không còn là chính mình nữa.
[2]... tiếng gà trống: theo quan niệm dân gian Phương Tây cũng như Phương Đông, gà trống là biểu tượng cho ánh sáng, cõi dương; tiếng gà gáy xua đuổi bóng tối, ma quỷ...
[3]Theo thần thoại cổ La Mã, Cupidon là thần ái tình.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài