talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 1

Chương 1: Ðừng bao giờ nói chuyện với những người lạ Chương 2: Ponti Pilat Chương 3: Bằng cứ thứ bảy Chương 4: Cuộc đuổi bắt Chương 5: Chuyện xảy ra ở Griboedov Chương 6: Sidôphrenia Như đã được nói trước Chương 7: Căn hộ có ma Chương 8: Cuộc đấu giữa giáo sư và nhà thơ Chương 9: Những trò ảo thuật của Koroviev Chương 10: Những tin tức từ Ialta Chương 11: Sự phân thân của Ivan Chương 12: Hắc ảo thuật và sự lật tẩy nó Chương 13: Nhân vật xuất hiện Chương 14: Khá khen thay gà trống! Chương 15: Giấc mơ của Nikanor Ivanovich Chương 16: Vụ hành quyết Chương 17: Một ngày bất an Chương 18: Những người khách rủi ro

 

Chương 16:
Vụ hành quyết



Mặt trời đã hạ thấp xuống trên ngọn Núi Trọc, và ngọn đồi này bị vây bọc bởi hai lớp quân lính.

Chính cái ala kỵ binh, lúc gần trưa cắt ngang đường quan tổng trấn, giờ đã ra đến cổng Hevrov [1] . Ðường đi của nó đã được chuẩn bị trước. Những tốp lính bộ binh của kogort người Kapadokia [2] đã dồn những toán lớn người, lừa, lạc đà ra hai bên vệ đường, và ala nhịp nhàng chạy nước kiệu, làm bốc lên tận trời những cột bụi trắng, phi đến ngã tư, nơi gặp nhau của hai con đường: một từ phía Nam chạy đến Vifleem [3] , một theo hướng Tây Bắc đến Iapha [4] . Ala phóng theo con đường chạy theo hướng Tây Bắc. Vẫn những người lính bộ binh Kapadokia kia đứng dọc hai bên vệ đường, họ dẹp đuổi xuống khỏi mặt đường tất cả những đoàn xe thồ hàng đang vội vã tới Iersalaim để dự hội. Những đám người đi lễ thánh, rời bỏ các túp lều vải kẻ sọc tạm thời dựng ngay trên cỏ đến đứng túm tụm sau lưng hàng lính Kapadokia. Ði được gần một cây số, ala vượt kogort thứ hai của legio Tia Chớp và sau khi phi thêm chừng cây số nữa, đã đến chân Núi Trọc trước tiên. Ðến đây cả ala xuống ngựa và chia thành từng trung đội vây kín một vòng quanh ngọn đồi thấp, chỉ trừ một lối nhỏ lên đồi từ phía đường đi Iapha.

Một lúc sau tiếp theo ala, kogort thứ hai hành quân đến nơi, leo lên một bậc cao hơn và đứng rải thành vòng bao quanh ngọn đồi.

Cuối cùng, kenturia dưới sự chỉ huy của Mark Crưsoboi cũng đã đến. Kenturia đi rải thành hai dãy dài dọc hai bên vệ đường; ở giữa hai dãy đó, dưới sự giám sát của đội cấm vệ, ba tên tội nhân bị đưa ra hành hình đi trên một chiếc xe, cổ mỗi người mang một tấm gỗ trắng với hàng chữ viết: “Kẻ cướp và phiến loạn” bằng hai thứ tiếng - tiếng Aramei và tiếng Hy Lạp. Tiếp sau xe tội đồ là các xe khác chở những chiếc cột gỗ mới bào, với xà ngang, dây thừng, cuốc xẻng, xô thùng, rìu rựa. Trên các xe này còn có sáu tên đao phủ. Cưỡi ngựa đi liền phía sau là kenturion Mark Crưsoboi, chỉ huy đội cấm binh của Iersalaim, và chính cái người đội mũ chụp trước đó đã có một cuộc nói chuyện chớp nhoáng với Pilat trong gian phòng tối ở lâu đài. Một toán lính xếp hàng đi đoạn hậu đoàn diễu hành, còn phía sau toán lính là gần hai nghìn người gồm những kẻ tò mò, không sợ cái nắng khủng khiếp và muốn được chứng kiến cảnh tượng thú vị.

Giờ đây, nhập theo đám người tò mò từ thành phố tới còn có những kẻ tò mò trong số người hành hương đi lễ, họ được phép nhập vào đuôi đoàn diễu hành không bị ngăn cản. Trong tiếng rao lanh lảnh của bọn mõ tòa đi theo đoàn xử quyết và gào hét những gì Pilat vừa gào lúc gần trưa, đoàn người bò dần lên ngọn Núi Trọc.

Ala để cho tất cả đi lên tầng hai, còn kenturia thứ hai chỉ cho phép những ai có quan hệ trực tiếp với việc hành quyết được đi lên phía trên, rồi nó chuyển đội hình rất nhanh, xua đám đông rải tản ra xung quanh toàn bộ ngọn đồi, khiến họ lọt vào giữa một bên là hàng rào lính bộ binh phía trên và một bên là hàng rào kỵ binh ở phía dưới. Bây giờ mọi người có thể nhìn thấy cuộc hành hình qua hàng rào bộ binh thưa thớt.

Vậy là, đã ba giờ đồng hồ trôi qua kể từ khi đoàn diễu hành leo lên đồi, mặt trời đã hạ thấp xuống trên ngọn Núi Trọc, nhưng sức nóng vẫn còn khủng khiếp không chịu nổi, những người lính ở cả hai dãy hàng rào phải chịu khổ sở vì nắng, vì buồn chán, trong lòng nguyền rủa những tên kẻ cướp kia, thành thật mong cho họ một cái chết thật nhanh chóng.

Viên chỉ huy ala có dáng người nhỏ bé, với mảng trán ướt đẫm và chiếc áo cánh trắng đã đen thẫm lại vì mồ hôi ở trên lưng, đứng dưới chân đồi cạnh lối đi lên để ngỏ, chốc chốc lại bước đến bên chiếc xô bằng da đặt ở trung đội một, khum tay lại múc nước uống và dấp ướt chiếc khăn đầu rìu của mình. Cảm thấy dễ chịu hơn được ít nhiều, anh ta lại về vị trí của mình và bắt đầu đếm bước đi lui đi tới trên con đường dẫn lên đỉnh núi. Thanh kiếm dài của anh ta gõ nhịp lên chiếc ủng da thắt dây. Viên chỉ huy muốn tỏ ra cho những người lính kỵ binh của mình tấm gương về sức chịu đựng, nhưng lại thương đám lính, cho phép họ dùng những ngọn giáo cắm xuống đất rồi lấy các tấm áo choàng trắng phủ lên làm lều. Dưới những chiếc lều đó, đám lính người Siri ẩn tránh cái nắng kinh người. Các xô nước cạn đi rất nhanh, những người lính kỵ binh của các trung đội thay nhau đi lấy nước ở trong một cái khe tận chân núi, nơi dưới bóng râm nhợt nhạt của những cây dâu khẳng khiu, con suối nước đục đang cố sống nốt những ngày cuối cùng trong cái nóng địa ngục này. Tại đây, đám mã phu, đón bắt từng bóng râm chập chờn, đang đứng buồn chán trông coi những con ngựa đã mệt lử.

Sự mỏi mệt của đám lính tráng và những lời chửi rủa của họ dành cho mấy tên cướp là dễ hiểu. Những lo lắng của quan tổng trấn về những vụ lộn xộn có thể xảy ra trong thời gian tiến hành vụ hành quyết ở cái thành phố Iersalaim mà ngài căm ghét này, thật may mắn, đã không thành hiện thực. Và khi đã bước sang giờ thứ tư của cuộc hành hình, giữa hai hàng rào lính - bộ binh ở phía trên và kỵ binh ở chân đồi - trái hẳn với mọi dự đoán, không còn lại một bóng người nào nữa. Mặt trời thiêu đốt đám đông và xua đuổi mọi người ngược trở lại Iersalaim. Phía sau hàng rào của hai kenturia La Mã chỉ còn lại hai con chó không hiểu của ai và chạy lên đồi để làm gì. Nhưng cái nóng cũng đã làm cho chúng mệt lử, chúng nằm xuống đất, lưỡi thè ra ngoài, thở nặng nhọc và không chú ý gì đến mấy chú thằn lằn lưng xanh, những con vật duy nhất không sợ nắng, chạy đi chạy lại loăng quăng giữa những tảng đá nóng rẫy và những loài cây gì đó gai to mọc bò trên mặt đất.

Không có một kẻ nào tìm cách đánh tháo những người bị đưa đi hành quyết ở cả trong chính thành phố Iersalaim dầy đặc quân lính, cả ở đây, trên ngọn đồi bị hai vòng người vây chặt; và đám đông tò mò lại đã quay trở về thành phố, bởi vì thật ra họ chẳng tìm thấy cái gì hay ho thú vị trong cuộc hành hình này, còn trong lúc đó ở thành phố lại đang chuẩn bị để đón buổi đại lễ Vượt Qua chiều nay.

Những người lính bộ binh La Mã ở tầng hai còn khốn khổ hơn cả đám kỵ binh phía dưới. Ðiều duy nhất mà kenturion Crưsoboi cho phép binh lính là cởi mũ sắt và đội thay vào đó những tấm vải trắng nhúng nước, nhưng vẫn bắt họ phải đứng, tay cầm giáo sẵn sàng. Anh ta cũng quấn một tấm vải trắng như thế nhưng để khô, không thấm nước, không cởi bỏ thậm chí cả những chiếc đầu sư tử bằng bạc khoác ngoài áo cánh, không cởi xà cạp, đi đi lại lại cách đám đao phủ không xa. Mặt trời rọi thẳng vào người kenturion, nhưng không làm cho anh ta mảy may suy suyển, và người ngoài không thể nào nhìn thẳng được vào những chiếc đầu sư tử, ánh phản chiếu chói lòa của tấm khiên bạc như bị nấu chảy ra dưới nắng khiến mắt nhức nhối không chịu nổi.

Trên khuôn mặt bị biến dạng của Crưsoboi không hề thể hiện sự mệt mỏi hay khó chịu nào, và có cảm giác như cái con người khổng lồ này đủ sức để đi lại như thế suốt ngày hôm nay, suốt đêm, rồi suốt một ngày nữa - tóm lại, cần thiết bao nhiêu cũng được. Vẫn cứ bước đi như thế, hai bàn tay đặt lên dải thắt lưng nặng bịt những tấm đồng lớn, vẫn cứ cau có nhìn khi thì lên những chiếc cột treo người bị hành hình, khi thì hàng rào lính, vẫn cứ hờ hững dùng mõm chiếc ủng lông đá văng những khúc xương người bị thời gian bào trắng hay những viên đá nhỏ vấp phải dưới chân.

Còn người đội mũ chụp thì ngồi thoải mái trong tư thế bất động trên chiếc ghế đẩu ba chân cách cột hành hình không xa, tuy vậy thỉnh thoảng vì buồn tay, ông ta dùng đầu roi đào bới trong cát.

Nhưng thực ra, nếu nói rằng phía sau hàng rào lính không có người nào thì không chính xác lắm. Có một người, nhưng không ai nhìn thấy anh ta. Người đó không ở bên phía có lối để ngỏ đi lên đồi và đồng thời cũng là nơi tiện lợi cho việc quan sát vụ hành quyết, mà ở phía Bắc, nơi sườn đồi dốc và khó leo lên, không bằng phẳng, nơi có nhiều khe, nhiều hố, nơi có một cây sung ốm yếu cố sống bám vào mảnh đất khô cằn bị trời nguyền rủa trong một khe con.

Chính dưới cái gốc cây không có lấy một tí bóng nào này là nơi ẩn mình của người xem duy nhất - chứ không phải người tham gia - của cuộc hành quyết; anh ta ngồi trên một hòn đá ngay từ đầu, tức là đã bốn tiếng đồng hồ. Vâng, để quan sát cuộc hành quyết, anh ta đã chọn không phải vị trí tốt nhất, mà là xấu nhất. Nhưng dù sao thì từ đây vẫn trông rõ những cột treo cổ, trông rõ phía sau hàng rào lính hai mảng sáng loáng trên ngực viên kenturion, mà chừng đó chắc có lẽ cũng đã là hoàn toàn đủ đối với cái con người rõ ràng muốn không bị ai nhận thấy và quấy rầy này.

Nhưng bốn giờ trước đây, khi cuộc hành hình mới bắt đầu, người này lại xử sự hoàn toàn khác hẳn và rất có thể đã bị chú ý, vì vậy bây giờ anh ta thay đổi cách thức hành động của mình và ẩn náu tại đây.

Lúc đó, khi đoàn diễu hành chỉ vừa mới qua khỏi hàng rào lính leo lên đỉnh đồi, anh ta lần đầu tiên xuất hiện, và hơn nữa lại có vẻ rõ ràng là người đến chậm. Anh ta thở nặng nhọc, không đi, mà vừa chen lấn xô đẩy, vừa chạy lên đồi; khi trông thấy trước mắt mình, như trước mắt tất cả những người khác, hàng rào lính khép kín lại, anh ta liền làm một cố gắng ngây thơ, là giả đò không hiểu những tiếng quát cáu kỉnh, tìm cách luồn qua hàng lính để chạy đến chỗ hành hình, nơi các tử tù đã bị lùa xuống khỏi xe. Chính vì thế mà anh ta đã lĩnh một đòn cán giáo vào giữa ngực, bắn ngược trở lại khỏi hàng rào lính. Hét lên một tiếng, nhưng không phải vì đau, mà vì tuyệt vọng, anh ta ném lên người lính vừa đánh mình một ánh mắt đục mờ và hoàn toàn hờ hững, như của một người không cảm thấy đau đớn về thể chất.

Vừa ho vừa thở dốc, tay ôm ngực, anh ta chạy quanh ngọn đồi lên sườn phía Bắc, cố tìm ra một lỗ hổng nào đó trong hàng rào lính để chui qua. Nhưng đã muộn. Vòng vây đã khép kín. Và người đàn ông với bộ mặt méo xệch đi vì đau khổ buộc phải từ bỏ những cố gắng của mình tìm cách luồn đến bên mấy chiếc xe - từ đó giờ đây người ta đã dỡ ba chiếc cột xuống. Bởi vì những cố gắng đó chắc chẳng mang lại kết quả gì, mà anh ta lại sẽ bị bắt, mà để bị bắt giữ trong ngày hôm nay là việc tuyệt đối không nằm trong dự kiến của anh ta.

Và thế là anh ta đi tránh sang phía khe nhỏ, nơi yên tĩnh hơn và không bị ai quấy rầy.

Còn bây giờ, cái con người râu đen, với đôi mắt sưng mọng nước vì mặt trời và mất ngủ này đang ngồi buồn bã trên một tảng đá nhỏ. Anh ta khi thì thở dài, mở phanh chiếc áo tallif [5] đã tả tơi trong các chuyến lang thang, từ màu xanh da trời đã biến thành màu xám cáu ghét, để lộ bộ ngực bị thương bởi ngọn giáo và đầm đìa mồ hôi bẩn; khi thì ngước cặp mắt chất chứa nỗi đau khổ vô biên lên bầu trời, nhìn theo ba con chim cắt đã từ lâu bay lượn trên không thành những vòng tròn lớn trong linh cảm một bữa tiệc sắp tới; khi thì cắm ánh mắt tuyệt vọng xuống mặt đất vàng và trông thấy trên đó một chiếc xương sọ chó đã mục nát một nửa và những con thằn lằn chạy xung quanh nó.

Nỗi đau khổ của người đàn ông lớn đến mức thỉnh thoảng anh ta lại cất tiếng nói với chính mình.

„Ô ta ngu quá!„ Anh ta lẩm bẩm, lắc lư người trên tảng đá trong cơn vò xé tâm can, những ngón tay cào rách cả bộ ngực rám nắng.„ Ta là một thằng ngu, một con đàn bà đần độn, một đứa hèn nhát! Ta là đồ vứt đi, chứ không phải là người!”

Anh ta im lặng, cúi đầu, rồi uống vài hớp nước ấm từ trong chiếc bình bằng gỗ, trở nên linh hoạt hơn, túm lấy khi thì con dao giấu sau lần áo tallif trên ngực, khi thì mảnh giấy da cừu nằm trước mặt trên tảng đá cạnh chiếc que và lọ mực.

Trên mảnh giấy da cừu đã có những hàng chữ viết:

“Những phút cứ trôi qua, và ta, Levi Matvei, ngồi trên Núi Trọc, mà cái chết vẫn chưa đến!”

Tiếp đó là:

“Mặt trời đã xuống thấp, mà cái chết vẫn chưa đến”.

Giờ đây Levi Matvei thất vọng dùng chiếc que nhọn viết:

“Hỡi Chúa Trời! Tại sao Người lại giận anh ấy đến thế? Hãy cho anh ấy chết đi!”

Viết xong, anh ta nấc lên không nước mắt và lại dùng những ngón tay cào nát ngực mình.

Nguyên nhân sự tuyệt vọng của Levi là ở nỗi bất hạnh khủng khiếp mà Iesua và anh ta gặp phải; và ngoài ra, còn là ở điều sai lầm nặng nề mà anh ta, Levi, theo ý nghĩ của anh ta, đã phạm phải. Trưa ngày hôm kia Iesua và Levi còn ở Viphania [6] , ngoại vi Iersalaim, tại nhà một người làm vườn đặc biệt ưa thích những lời rao giảng của Iesua. Suốt cả buổi sáng, hai người khách làm việc ở ngoài vườn, giúp đỡ chủ nhà, còn đến chiều thu xếp chuẩn bị lên đường đi Iersalaim. Nhưng Iesua, không hiểu sao lại vội vàng, nói rằng anh ta có một việc rất cấp bách ở trong thành phố, đã ra đi một mình lúc gần trưa. Ðó chính là sai lầm thứ nhất của Levi Matvei. Tại sao, tại sao lại để cho Iesua đi một mình!

Còn chiều hôm đó thì Matvei không thể đi Iersalaim được. Một cơn bệnh khủng khiếp và bất ngờ đã quật ngã anh ta. Người run rẩy, thân thể như bốc lửa, răng đánh cầm cập và liên tục xin nước uống, Matvei không thể đi đâu được hết, nằm co quắp trên chiếc chăn đắp ngựa trong gian chái nhà của người làm vườn, và cứ nằm ở đó cho đến tận sáng thứ sáu, khi cơn bệnh rời bỏ anh ta cũng bất ngờ hệt như khi vụt đến. Mặc dù hãy còn yếu, chân tay run lẩy bẩy, nhưng anh ta linh cảm trước một mối tai họa nào đó, liền chia tay với chủ nhà, đi vào thành phố Iersalaim. Ở đó Matvei biết rằng linh cảm đã không đánh lừa anh ta. Tai họa đã xảy ra. Ðứng trong đám đông, Levi Matvei đã nghe quan tổng trấn tuyên án.

Khi đoàn tử tù bị dẫn lên núi, Levi Matvei chạy bên cạnh toán lính trong đám những người tò mò, cố bằng một cách nào đó kín đáo ra hiệu cho Iesua biết rằng anh ta, Levi Matvei, đang ở đây, rằng anh ta sẽ không bỏ mặc Iesua trên quãng đường cuối cùng, và anh ta sẽ cầu nguyện cho cái chết của Iesua đến thật nhanh chóng. Nhưng Iesua mải nhìn về phía xa, nơi người ta sẽ đưa mình đến, nên tất nhiên, đã không nhìn thấy Levi.

Khi đoàn diễu hành đã đi trên đường được nửa dặm, trong đầu Matvei, lúc đó đang chen lách giữa đám đông ngay cạnh hàng rào lính, vụt lóe ra một ý nghĩ đơn giản và thiên tài; thế là ngay lập tức, trong cơn nóng nẩy, anh ta trút lên đầu mình những lời nguyền rủa vì rằng đã không nghĩ ra điều đó được sớm hơn. Những người lính đi không thành hàng dày đặc, ở giữa họ vẫn có những khoảng hở. Nếu thật khéo léo và tính toán chính xác, có thể luồn qua giữa hai tên lính để chạy đến bên xe và nhảy lên. Lúc đó Iesua sẽ được giải thoát khỏi những cực hình dai dẳng.

Chỉ cần một giây là đủ để Levi dùng dao đâm vào lưng Iesua, sau khi hét lên: “Iesua! Tôi đến cứu anh và đi cùng với anh đây! Tôi là Matvei, người học trò duy nhất và trung thành của anh!”

Còn nếu như Chúa Trời rộng lòng cho thêm một giây tự do nữa thì có thể còn kịp đâm cả chính bản thân, tránh cho mình cái chết trên cột treo cổ. Nhưng thực ra, Levi, người thu thuế trước đây, không quan tâm đến cái điều cuối cùng này lắm - anh ta thì chết thế nào cũng được. Anh ta chỉ muốn có một điều: làm sao để Iesua, người không hề làm cho ai một điều ác nhỏ nào, tránh khỏi những cực hình đau đớn.»

Kế hoạch dự tính rất hay, nhưng cái khó là ở chỗ Levi không có sẵn dao ở bên mình. Anh ta cũng không có lấy một đồng tiền nào.

Trong cơn cáu giận mình đến điên khùng, Levi luồn ra khỏi đám đông và chạy ngược trở về thành phố. Trong mái đầu bốc lửa của anh ta chỉ có một ý nghĩ nóng bỏng: làm sao để ngay bây giờ, bằng bất kỳ cách nào, kiếm được ở trong thành phố một con dao và quay trở lại đuổi kịp đoàn diễu hành.

Anh ta chạy đến cổng thành, vòng vèo giữa đám hàng xe thồ đổ xô vào thành phố, và trông thấy phía tay trái một hiệu bánh mì đang mở cửa. Thở hổn hển vì vừa phải chạy trên một quãng đường nóng bỏng, Levi cố trấn tĩnh, với vẻ rất đĩnh đạc bước vào cửa hiệu, cất tiếng chào bà chủ đang đứng sau quầy, yêu cầu bà ta đưa cho khoanh bánh mì ở tầng trên, mà không hiểu sao lại làm cho anh ta thích hơn những khoanh bánh khác; và khi bà chủ hiệu bánh quay mặt đi, Levi im lặng nhanh như cắt chộp lấy từ mặt quầy cái mà không thể có gì tốt hơn - con dao cắt bánh mì dài sắc như dao cạo - và lập tức nhẩy bổ ra khỏi cửa hiệu. Mấy phút sau anh ta đã ở trên con đường đi Iapha. Nhưng không còn thấy bóng dáng đoàn diễu hành đâu nữa. Levi co chân vụt chạy. Thỉnh thoảng anh ta lại phải ngã xoài xuống mặt đất đầy bụi nằm bất động để thở lấy hơi. Những người đi bộ và cưỡi lừa vào thành phố Iersalaim nhìn anh ta kinh ngạc. Levi nằm, nghe tiếng tim không chỉ đập dồn dập ở trong lồng ngực mình, mà cả ở trên đầu và hai bên mang tai. Thở lấy hơi được một lúc, anh ta lại nhỏm dậy và chạy tiếp, nhưng mỗi lúc một chậm dần, chậm dần. Cuối cùng, khi anh ta trông thấy đoàn diễu hành dài bốc bụi đằng xa, nó đã ở ngay dưới chân đồi.

„Ô, lạy Chúa...„ Levi bật tiếng rên rỉ, hiểu rằng mình chậm mất rồi. Và đúng là anh ta đã quá chậm thật.

Khi đã hết giờ thứ tư của cuộc hành quyết, những nỗi đau khổ của Levi đạt đến tột đỉnh, và anh ta như hóa điên. Nhỏm dậy khỏi hòn đá đang ngồi, anh ta quẳng con dao đánh cắp được mà bây giờ, như anh ta nghĩ, đã trở nên vô dụng, giẫm nát bình nước, ném chiếc khăn kephi [7] trên đầu xuống, túm lấy những sợi tóc thưa thớt của mình và cất tiếng nguyền rủa bản thân.

Anh ta xỉ vả mình, tuôn ra những lời lẽ vô nghĩa, gầm gào, nhổ nước bọt, nguyền rủa bố mẹ mình đã sinh ra trên đời một thằng ngốc.

Thấy những lời chửi rủa thề nguyền của mình không có tác dụng, dưới trời nắng chói chang vẫn chẳng có gì thay đổi, anh ta liền nắm chặt hai bàn tay khô gân guốc, nheo nheo mắt, giơ chúng lên thật cao, về phía vầng mặt trời đang hạ mỗi lúc một thấp xuống làm những chiếc bóng trên mặt đất mỗi chốc một dài ra để rồi đi khỏi và chui tọt xuống mặt biển Ðịa Trung Hải, và anh ta đòi Chúa Trời phải hiển hiện một phép lạ. Levi đòi Chúa Trời phải lập tức gửi cái chết đến cho Iesua.

Nhưng khi mở mắt ra, anh ta thấy rằng tất cả vẫn y nguyên như cũ, ngoài một điều - những vệt sáng loáng trên ngực kenturion đã mờ đục đi. Mặt trời dọi luồng ánh sáng của mình vào lưng những người bị hành quyết ngoảnh mặt về phía thành phố Iersalaim. Khi đó Levi liền hét lên.

„Ta nguyền rủa Người, hỡi Chúa Trời!»

Bằng một giọng đã khàn đặc, Levi hét lên rằng bây giờ anh ta đã thấy rõ sự bất công của Chúa Trời và sẽ không còn tin tưởng vào Chúa Trời nữa.

„Người đã bị điếc rồi!„ Levi gào lên. „Nếu như Người không điếc, hẳn Người đã phải nghe lời ta, và đã cho anh ấy chết ngay tức khắc.»

Nhắm mắt lại, Levi chờ một trận mưa lửa từ trên trời trút xuống và thiêu cháy ngay anh ta. Nhưng điều đó đã không xảy ra; và, vẫn không mở mắt, Levi tiếp tục ném lên trời cao những câu nhục mạ cay độc. Anh ta gào thét về sự mất lòng tin tuyệt đối, rằng còn có những thánh thần và tôn giáo khác. Ðúng thế, với một vị Chúa Trời khác thì chắc đã không xảy ra chuyện như thế này, đã không bao giờ để một người như Iesua bị mặt trời thiêu sống trên giá tử hình.

„Ta đã lầm!„ Levi gào thét, giọng đã hoàn toàn khản đặc. „Người là Chúa Trời độc ác! Hoặc là đôi mắt Người đã bị hương khói từ những ngôi đền che kín, còn hai tai Người không còn biết nghe thấy một điều gì khác ngoài những tiếng kèn của các thầy tế lễ? Người không phải là vị Chúa Trời toàn năng. Người là hắc thần. Ta nguyền rủa Người, Chúa Trời của những tên cường đạo, kẻ bảo trợ và linh hồn của chúng!»

Vừa lúc đó có một ngọn gió thổi vào mặt cựu nhân viên thu thuế, có cái gì đó xào xạc dưới chân anh ta. Gió lại thổi một lần nữa; và khi Levi mở mắt ra, anh ta trông thấy rằng tất cả trên thế gian, không biết có phải do tác động những lời nguyền rủa của anh ta hay còn do những nguyên nhân nào khác nữa, đã thay đổi. Mặt trời, chưa kịp hạ đến mặt biển, nơi hàng ngày vẫn chìm lặn xuống, đã biến mất. Một khối mây giông, sau khi nuốt chửng vầng thái dương, từ phía Tây mỗi lúc một dâng cao lên dữ dội và không gì cản nổi trên bầu trời. Mép của nó đã sủi bọt trắng, chiếc bụng đen thẫm màu khói bị những tia nắng dọi qua hắt ánh vàng. Khối mây cựa mình, và từ thân thể của nó thỉnh thoảng lại bắn ra những sợi chỉ đỏ như lửa. Dọc theo đường đi Iaffa, trên thung lũng Hion [8] cằn cỗi, trên những mái lều dựng tạm của những người hành hương dự lễ, những cột bụi bốc cao bị những ngọn gió bất ngờ nổi lên thổi chạy dài. Levi im lặng, cố đoán hiểu xem cơn giông, mà chỉ một chốc nữa sẽ bao trùm lên thành phố Iersalaim, có mang lại thay đổi gì trong số phận của Iesua bất hạnh hay không. Và, vừa đưa mắt nhìn lên những đường chỉ lửa cắt ngang dọc đám mây đen, Levi vừa cầu xin một lưỡi chớp đánh vào cột hành hình Iesua. Trong cơn ăn năn, nhìn lên khoảng trời trong vắt còn chưa bị mây đen che kín, nơi những con chim cắt dang rộng cánh để bay tránh cơn giông, Levi nghĩ rằng mình đã điên dại vội vàng với những lời nguyền rủa của mình. Chắc bây giờ Chúa Trời sẽ không còn nghe lời anh ta nữa.

Hướng ánh mắt của mình xuống chân đồi, Levi nhìn chằm chằm vào nơi đám kỵ binh đứng rải rác và trông thấy ở đó cũng đang diễn ra những thay đổi lớn. Từ trên cao, Levi nhìn thấy rất rõ những người lính chạy đi chạy lại nhổ giáo khỏi mặt đất, khoác áo choàng lên người, đám mã phu dẫn những con ngựa ô chạy vội đến bên đường. Bọn lính sắp chuyển chỗ, điều đó là rõ ràng. Vừa dùng tay che những luồng bụi quật thẳng vào mặt, Levi vừa cố đoán xem việc bọn kỵ binh sắp di chuyển có nghĩa là gì? Anh ta đưa ánh mắt lên cao hơn và nhìn thấy một hình người mặc áo choàng nhà binh đỏ rực đang leo lên bãi hành quyết. Và trái tim người thu thuế lại lặng đi trước linh cảm về một kết cục vui mừng.

Người leo lên núi vào giờ thứ năm của cuộc hành hình những tên kẻ cướp là viên chỉ huy kogort vừa phóng ngựa từ thành phố Iersalaim tới cùng tên tùy tùng. Hàng rào lính theo lệnh của Crưsoboi đứng giãn ra, và kenturion thi lễ chào viên tribunut. Viên quan này gọi Crưsoboi sang bên, thì thầm một điều gì đó. Kenturion lại thi lễ lần thứ hai và đi về phía đám đao phủ ngồi trên những tảng đá cạnh các chân cột. Viên tribunut bước về phía người ngồi trên chiếc ghế đẩu ba chân, người này lễ phép đứng dậy đón. Viên tribunut cũng nói khẽ một điều gì đó, rồi cả hai người cùng đi về phía các cột xử hình. Viên chỉ huy đội cấm vệ của Ðền Thờ cũng đi theo họ.

Crưsoboi kinh tởm liếc nhìn những miếng giẻ bẩn thỉu nằm trên mặt đất cạnh các chân cột - những miếng giẻ vừa mới đây còn là áo quần của các phạm nhân mà những tên đao phủ không thèm lấy - gọi trong số bọn chúng ra hai tên và ra lệnh:

„Theo ta!»

Từ chiếc cột gần nhất vẳng lại tiếng hát vô nghĩa khàn khàn. Người bị treo trên cột là Hestas, đến cuối giờ thứ ba của cực hình đã hóa điên vì đau đớn và nắng nóng, bây giờ khe khẽ hát một bài ca về vườn nho, nhưng chiếc đầu quấn khăn chốc chốc vẫn lắc lư làm bầy ruồi bám trên mặt uể oải bay lên rồi lát sau lại đậu xuống.

Dismas ở cột thứ hai phải chịu đau đớn hơn hai người còn lại vì không bị ngất đi, anh ta liên tục và đều đặn lắc đầu khi sang phải khi sang trái để tai đập vào vai.

Iesua may mắn hơn hai người kia. Vào ngay giờ đầu tiên, anh ta đã bị cảm nặng và ngất đi, mái đầu với chiếc khăn quấn xổ tung ra gục ngoẹo xuống một bên. Ruồi và mòng trâu vì vậy bâu kín làm cho mặt anh ta hoàn toàn biến mất dưới một lớp đen lúc nhúc ngọ nguậy. Trong háng, trên bụng lẫn dưới nách, những con mòng đen béo mỡ bám hút cái thân thể trần truồng vàng ệch của anh ta.

Tuân theo hiệu lệnh của người đội mũ chụp, một tên đao phủ cầm lấy ngọn giáo, còn tên thứ hai xách xô nước và tấm bọt biển đến cạnh cột. Tên đao phủ thứ nhất giơ cao ngọn giáo và lần lượt gõ vào hai cánh tay của Iesua bị dây thừng trói dăng thẳng trên thanh xà ngang của cột. Tấm thân với những chiếc xương sườn lồi ra rùng mình. Tên đao phủ kéo đầu ngọn giáo xuống bụng. Lúc đó Iesua ngẩng đầu, và đàn ruồi bay vù lên, để lộ khuôn mặt của người bị treo cổ sưng vù vì những vết đốt, với cặp mắt đờ đẫn đến không thể nhận ra được.

Tách đôi hàng mi, Ha-Notxri nhìn xuống dưới. Ðôi mắt của anh ta thường ngày trong sáng, giờ trở nên mờ đục.

„Ha-Notxri!„ tên đao phủ hô.

Ha-Notxri mấp máy đôi môi sưng vều và đáp lại bằng giọng khàn khàn:

„Anh cần gì? Sao anh lại đến gọi tôi?”

„Uống đi!„ tên đao phủ nói, và tấm bọt biển đẫm nước ở đầu ngọn giáo được giơ lên đến bên cặp môi của Iesua. Cặp mắt anh ta ánh lên sung sướng, anh ta áp môi vào miếng bọt biển và khao khát hút chất ẩm ở trong đó. Từ chiếc cột thứ hai vang lên giọng nói của Dismas:

„Bất công! Ta cũng là kẻ cướp như hắn kia mà.”

Dismas căng người, nhưng không thể cựa quậy được, hai tay anh ta bị những vòng dây thừng gắn chặt vào ba chỗ trên thanh xà ngang. Anh ta thót bụng, móng tay bám chặt vào cuối thanh xà, đầu quay về hướng cột của Iesua. Trong cặp mắt Disma ánh lên vẻ căm giận.

Một đám mây bụi bao phủ lên bãi bằng, làm cho tất cả tối tăm mù mịt. Khi đám bụi đã bay đi, kentunon quát lên:

„Cột thứ hai câm miệng!”

Dismas im lặng. Iesua rời môi khỏi tấm bọt biển, và cố gắng sao cho giọng nói của mình vang lên dịu dàng và có sức thuyết phục, nhưng không được, anh ta khàn khàn xin tên đao phủ:

„Ðưa cho anh ấy uống với.”

Trời mỗi lúc một tối hơn. Mây đen đã phủ kín nửa bầu trời. Nhằm về hướng Iersalaim, những đám mây trắng sủi bọt bay vùn vụt phía trước khối mây giông chứa đầy nước và lửa. Một ánh chớp lóe lên và một tiếng sấm gầm vang ngay trên ngọn đồi. Tên đao phủ gỡ tấm bọt biển ra khỏi mũi giáo.

„Hãy ca ngợi ighemon đại lượng đi!„ tên đao phủ thì thầm trang trọng và khẽ đâm ngọn giáo vào tim Iesua. Anh ta rùng mình, thì thào:

„Ighemon...”

Máu chảy dọc theo bụng Iesua, hàm dưới co giật mạnh, và mái đầu anh ta thõng xuống.

Trong tiếng sấm thứ hai, tên đao phủ đã cho Dismas uống nước và cùng với những lời:

„Hãy ca ngợi ighemon!„ đâm chết luôn anh ta.

Hestas bị mất trí, vừa trông thấy tên đao phủ đến cạnh mình liền hét lên sợ hãi, nhưng khi tấm bọt biển chạm vào môi, anh ta gầm gừ một điều gì đó và dùng răng cắn chặt lấy nó. Mấy giây sau, tấm thân của anh ta cũng đã theo những vòng dây treo thõng trên cột.

Người đội mũ chụp đầu đi theo sát gót tên đao phủ và kentunon, còn sau nữa là viên chỉ huy đội cấm vệ Ðền Thờ. Dừng lại cạnh chiếc cột thứ nhất, người đội mũ chụp chăm chú nhìn thân hình Iesua đẫm máu, đưa bàn tay trắng muốt sờ lên gót chân và nói với những người cùng đi:

„Chết rồi!”

Ở các cột khác cũng lặp lại như vậy.

Xong xuôi, viên tribunut ra hiệu cho kenturion, rồi quay lưng, cùng với viên chỉ huy đội cấm vệ Ðền Thờ và người đội mũ chụp bắt đầu đi xuống đồi. Bóng tối ập đến, những tia chớp cày nát bầu trời đen kịt. Từ trên cao chợt bùng lên một đám lửa, và tiếng quát của kenturion: “Giải tán!” bị chìm lấp trong tiếng sấm rền. Những người lính mừng rỡ vội vàng đội mũ sắt lên đầu ùa chạy xuống chân đồi.

Bóng tối trùm lấy Iersalaim [9] .

Trận mưa rào ập xuống bất thần khi những kenturia mới xuống tới lưng chừng đồi. Nước trút xuống khủng khiếp đến mức khi những người lính chạy đến chân đồi, từng dòng suối sôi réo đã lao đuổi theo sau lưng họ. Những người lính trượt ngã trên sườn đất sét ngấm nước, gắng vượt xuống con đường bằng phẳng. Dọc theo con đường đó - chỉ còn thấp thoáng từ xa - đoàn kỵ binh ướt từ đầu đến chân đang vội vàng đi vào thành phố Iersalaim. Mấy phút sau, trong khối hỗn độn mờ mịt của cơn giông, nước và lửa, trên ngọn đồi chỉ còn lại một con người. Múa vung con dao đánh cắp không vô ích, nhảy chồm trên những bậc đất trơn tuột, bấu vào bất kỳ vật gì gặp phải, nhiều lúc bò bằng bốn tay chân, anh ta chạy về hướng các cây cột. Bóng người lúc mất hút trong bóng tối mù mịt, lúc đột nhiên được chiếu sáng dưới làn ánh sáng run rẩy.

Khi đã đến cạnh cột, chân ngập đến mắt cá trong nước mưa, anh ta giật phắt tấm tallif đẫm nước nặng trịch từ trên người xuống, chỉ mặc độc mỗi áo cánh, quỳ sụp dưới chân Iesua. Anh ta cắt dây thừng ở đầu gối, rồi đứng lên trên thanh xà ngang dưới, ôm lấy người Iesua và gỡ tay người chết khỏi những sợi dây trói ở phía trên. Tấm thân trần truồng của Iesua đổ ụp lên người Levi và xô anh ta ngã xuống mặt đất. Levi định cõng thi hài lên vai, nhưng một ý nghĩ nào đó dừng anh ta lại. Ðặt thi thể với mái đầu ngửa ra sau và hai cánh tay dãi ra hai phía lên mặt đất ngập nước, Levi chạy trên đôi chân trơn tuột trong vũng nước lõng bõng đến những cây cột khác, cắt đứt dây thừng ở cả trên đó, và hai xác người rơi ụp xuống đất.

Mấy phút sau, trên đỉnh đồi chỉ còn lại hai xác người và ba cây cột đứng không. Nước đổ ập xuống, xô đẩy hai xác người này.

Cả Levi lẫn thi hài Iesua lúc đó đã không còn ở trên ngọn đồi nữa.

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]Hevrov: một thành phố cổ ở Palestin, cách Jerusalem 37 km. Cổng Hevron tức cổng Iapha hay cổng Thung Lũng, gần cung Herod Đại Đế.
[2]Kapadokia: một tỉnh ở Tiểu Á thời đó thuộc đế quốc La Mã.
[3]Vifleem: thành phố nhỏ ở phía Nam Jerusalem, quê của Giesu.
[4]Iapha: thành phố ở Địa Trung Hải, ngày nay ở ngoại ô Tel-Aviv.
[5]Tallif: y phục mặc ngoài của đàn ông (như khăn choàng) dùng khi cầu nguyện, thường bằng len hay lụa trắng viền sọc xanh da trời.
[6]Viphania: một làng ở ngoại ô Jerusalem, cạnh núi Eleon.
[7]Kephi: khăn đội đầu.
[8]Thung lũng Hion: (thung lũng Hinnom, hay Ennom): địa điểm phía Tây-Nam Jerusalem, cạnh cổng Mặt Trời, thời trước là nơi tế người, sau người Giudea biến thành bãi rác.
[9]Bóng tối trùm lấy Iersalaim: theo các sách Phúc Âm, khi Giesu Christ chết, đã xẩy ra động đất và bóng tối kéo đến.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài