talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 1

Chương 1: Ðừng bao giờ nói chuyện với những người lạ Chương 2: Ponti Pilat Chương 3: Bằng cứ thứ bảy Chương 4: Cuộc đuổi bắt Chương 5: Chuyện xảy ra ở Griboedov Chương 6: Sidôphrenia Như đã được nói trước Chương 7: Căn hộ có ma Chương 8: Cuộc đấu giữa giáo sư và nhà thơ Chương 9: Những trò ảo thuật của Koroviev Chương 10: Những tin tức từ Ialta Chương 11: Sự phân thân của Ivan Chương 12: Hắc ảo thuật và sự lật tẩy nó Chương 13: Nhân vật xuất hiện Chương 14: Khá khen thay gà trống! Chương 15: Giấc mơ của Nikanor Ivanovich Chương 16: Vụ hành quyết Chương 17: Một ngày bất an Chương 18: Những người khách rủi ro

 

Chương 18:
Những người khách rủi ro



Cũng đồng thời với lúc viên trưởng phòng tài vụ tận tụy ngồi trên xe taxi để đi đến đụng đầu với bộ comlê biết viết, từ toa ghế mềm số chín của đoàn tàu đi từ Kiev đến Moskva có một người khách lịch sự tay cầm chiếc vali nhỏ bằng cáctông giả da bước xuống sân ga. Người khách đó không phải ai khác, mà chính là Maksimilian Andreevich Poplavski, ông dượng của nhà văn Berlioz quá cố, một nhà kinh tế - kế hoạch hiện sống ở Kiev trên đường phố Ðại học trước đây. Nguyên nhân của chuyến đi đến Moskva của Maksimilian Andreevich là bức điện ông ta nhận được tối hôm kia với nội dung như sau:

“Cháu vừa bị xe điện chẹt ở Hồ Pat'riarsi. Mai táng vào thứ sáu, ba giờ chiều. Dượng đến gấp. Berlioz”.

Maksimilian Andreevich được coi, và cũng rất xứng đáng, là một trong những người thông minh nhất ở Kiev. Nhưng cả người thông minh nhất cũng bị một bức điện như vậy làm cho rối trí. Nếu một người đã đánh được điện nói rằng anh ta bị xe điện chẹt, thì có nghĩa là anh ta không bị chẹt đến chết. Nhưng đã thế thì tại sao lại có mai táng? Hay là anh ta bị rất nặng và thấy trước rằng mình sẽ chết? Ðiều đó thì có thể, nhưng có một điểm cực kỳ lạ lùng là sự chính xác - do đâu anh ta biết được rằng người ta sẽ mai táng mình vào ba giờ chiều ngày thứ sáu? Một bức điện kỳ quái!

Nhưng những người thông minh vốn sinh ra thông minh là để phân tích những chuyện rối rắm. Rất đơn giản. Ở đây đã xảy ra một sự lầm lẫn, và bức điện được gửi đi với sự lầm lẫn đó. Từ “cháu” ở đây không còn nghi ngờ gì nữa, nhảy sang từ một bức điện khác thay vào từ “Berlioz”, còn cái từ Berlioz này lại rơi vào cuối bức điện. Nếu sửa chữa lại theo hướng đó, thì ý nghĩa của bức điện trở nên rõ ràng, nhưng tất nhiên, vẫn đầy bi thảm.

Khi cơn đau khổ bột phát bao trùm lấy bà vợ của Maksimilian Andreevich đã qua, ông ta liền lập tức thu xếp để đi Moskva.

Chúng tôi thấy cần phải hé lộ ra một bí mật của Maksimilian Andreevich. Không phải tranh cãi, là ông ta rất thương tiếc người cháu của vợ mình vừa lìa đời trong độ tuổi đang sung sức. Nhưng tất nhiên, như một con người thực dụng, ông ta hiểu rằng mình không nhất thiết phải có mặt trong buổi mai táng. Mặc dù vậy, Maksimilian Andreevich vẫn vội vàng đến Moskva. Tại sao vậy? Nguyên nhân: cái căn hộ. Một căn hộ ở Moskva! Ðiều đó quan trọng lắm! Không hiểu vì sao, nhưng ông ta không ưa Kiev, và ý nghĩ về việc chuyển đến Moskva trong thời gian gần đây bám riết lấy ông ta dai dẳng đến nỗi thậm chí Maksimilian Andreevich mất cả ngủ nghê. Ông ta không cảm thấy thích thú trước những cơn lũ xuân của dòng sông Dniev, khi nước tràn về nhận chìm các hòn đảo rồi trải ra bao la nối liền với chân trời. Ông ta không thích cái cảnh đẹp đến sững sờ mở ra từ chân bệ đài kỷ niệm công tước Vladimir [1] . Những bóng nắng mùa xuân lung linh trên những con đường lát gạch của ngọn đồi Vladimir không làm cho ông ta vui vẻ. Ông ta không muốn tất cả những cái đó, ông ta chỉ khao khát mỗi một điều - được chuyển đến Moskva.

Những lời rao trên báo về việc đổi căn hộ trên phố Ðại học ở Kiev lấy một căn hộ có diện tích nhỏ hơn ở Moskva không mang lại kết quả nào. Không tìm đâu ra những người có ý muốn làm điều đó, mà thỉnh thoảng có ai đến thì những lời đề nghị của họ cũng là thiếu thiện ý, không thể chấp nhận được.

Bức điện đã làm cho Maksimilian Andreevich xúc động mạnh. Ðây là một thời cơ mà nếu bỏ qua mất thì thật là tội lỗi. Những người thực dụng hiểu rằng những cơ hội như thế là không lặp lại.

Tóm lại, bất kể phải gặp những khó khăn như thế nào cũng cần phải chiếm cho được quyền thừa kế căn hộ của người cháu ở phố Sadovaia. Vâng, điều đó là phức tạp, cực kỳ phức tạp, nhưng phải bằng bất cứ giá nào khắc phục những phức tạp đó. Ông Maksimilian Andreevich giàu kinh nghiệm biết rằng để làm chuyện đó, bước đầu tiên là bằng mọi giá đăng ký, dù tạm thời, vào ở tại ba phòng của người cháu quá cố.

Trưa ngày thứ sáu, Maksimilian Andreevich bước vào cửa căn phòng dùng làm trụ sở Ban quản lý nhà cửa của ngôi nhà số 302-bis phố Sadovaia tại thành phố Moskva.

Trong căn phòng hẹp, trên tường treo tấm biểu ngữ với mấy bức tranh vẽ hướng dẫn phương pháp cứu người chết đuối trên sông, ngồi trong sự cô đơn tuyệt đối phía sau chiếc bàn gỗ là một người đàn ông đã đứng tuổi, râu không cạo với cặp mắt lộ đầy vẻ lo âu

„Tôi có thể gặp ông chủ tịch Hội đồng quản lý nhà cửa được không ạ?“ nhà kinh tế - kế hoạch lịch sự hỏi; ông ta bỏ mũ trên đầu xuống và đặt chiếc vali nhỏ lên mặt ghế trống.

Câu hỏi dường như thật đơn giản này không hiểu sao lại làm cho người ngồi sau bàn hoảng hốt, đến nỗi nét mặt ông ta thay đổi. Ðôi mắt lác đi vì sợ sệt, ông ta lúng búng không thành tiếng rằng ông chủ tịch không có ở đây.

„Anh ấy ở nhà riêng phải không ạ?„ Maksimilian Andreevich Poplavski hỏi. „Tôi có việc rất cần, muốn gặp anh ấy.“

Người ngồi sau bàn lại lúng búng trả lời một câu gì đó không rõ. Nhưng dù sao cũng có thể đoán được rằng ông chủ tịch cũng không có ở nhà riêng.

„Thế bao giờ anh ấy đến?“

Người ngồi sau bàn không đáp và với một nỗi buồn rầu nhìn ra cửa sổ.

“Ra thế đấy?!” - ông Poplavski thông minh nói thầm với mình và hỏi thăm viên thư ký.

Cái người kỳ quặc ngồi sau bàn thậm chí đỏ mặt lên vì căng thẳng và lại lúng búng nói không thành câu rằng cả viên thư ký cũng không có ở đây... bao giờ anh ta đến, không biết... hình như viên thư ký đang ốm.

“Ra thế!...” - Poplavski lại nói thầm với mình, rồi hỏi tiếp:

„Nhưng có ai đó trong ban quản lý ở đây chứ?“

„Tôi“, người ngồi sau bàn đáp lại bằng một giọng yếu ớt.

„Sự thể là“, Poplavski đĩnh đạc nói, „tôi là người thừa kế duy nhất của người cháu họ quá cố Berlioz, vừa bị mất, như anh biết đấy, ở Hồ Pat'riarsi, và tôi cần, theo pháp luật, tiếp nhận di sản ở căn hộ số năm mươi của chúng tôi...“

„Tôi không nắm được tình hình, đồng chí ạ“, người ngồi sau bàn rầu rĩ cắt ngang.

„Nhưng, xin lỗi“, Poplavski nói bằng giọng âm vang, „anh là ủy viên Hội đồng quản lý và có trách nhiệm...“

Vừa lúc đó một người đàn ông bước vào phòng. Trông thấy người mới vào, người ngồi sau bàn bỗng tái mét mặt.

„Anh là ủy viên Hội đồng quản lý Piatnajko?„ người vừa vào hỏi người ngồi sau bàn.

„Vâng“, ông ta đáp gần như không nghe thấy. Người mới vào thì thầm điều gì đó với người ngồi sau bàn, và người ngồi sau bàn, hoàn toàn ngơ ngác, rời ghế đứng dậy; mấy giây sau Poplavski chỉ còn lại một mình trong gian phòng trống không.

“Ồ tình hình hóa ra phức tạp thế đấy! Mà lại ngay cùng một lúc tất cả bọn họ...” „Poplavski chán ngán nghĩ khi vội vã đi qua mảnh sân lát nhựa để đến căn hộ số 50.

Nhà kinh tế - kế hoạch vừa mới bấm chuông, cánh cửa lập tức bật mở, và Maksimilian Andreevich bước vào gian phòng ngoài mờ mờ tối. Ông ta hơi ngạc nhiên không biết ai vừa mở cửa: trong gian phòng ngoài không có một người nào nếu không kể một con mèo đen cực lớn ngồi trên ghế.

Maksimilian Andreevich hắng giọng ho, giẫm giẫm chân, và lúc đó cánh cửa phòng làm việc mở rộng, Koroviev bước ra gian phòng ngoài. Maksimilian Andreevich nghiêng mình chào lịch sự nhưng đĩnh đạc và nói.

„Tôi là Poplavski, dượng của...“

Ông ta chưa kịp nói hết câu, Koroviev đã rút từ trong túi ra một chiếc khăn mùi soa cáu bẩn, vục mũi vào đó và òa ra khóc.

„... Berlioz quá cố.“

„Tất nhiên, tất nhiên“, Koroviev ngắt ngang lời, bỏ khăn mùi soa ra khỏi mặt. „Chỉ vừa nhìn thấy ông, tôi đã đoán ngay ra đấy là ông„ Nói rồi gã run người lên nức nở và bắt đầu than thở: „Ôi đau khổ quá! Mà tại sao lại như thế kia chứ, ôi!“

„Bị xe điện nghiến à?„ Poplavski thì thào hỏi.

„Hoàn toàn“, Koroviev hét lên, và những giọt nước mắt từ dưới chiếc kính của gã chảy ròng ròng, „hoàn toàn! Tôi đã tận mắt chứng kiến. Ông có tin được không - hấp! Ðầu văng ra một nơi. Chân phải - rắc, cắt làm đôi. Chân trái - rắc, cắt làm đôi. Những chiếc tàu điện đã đưa đến nông nỗi ấy đấy!„ Và có lẽ không nén nổi mình, Koroviev chọc mũi vào bức tường cạnh tấm gương và cả người co giật trong cơn nức nở.

Ông dượng của Berlioz thật sự kinh ngạc trước thái độ của người lạ. “Thế mà người ta nói rằng vào thời đại của chúng ta không còn những người có tình cảm!” - ông ta nghĩ thầm và cảm thấy mắt của mình cũng bắt đầu cay cay. Nhưng cũng cùng lúc đó một đám mây đen khó chịu kéo đến bao trùm lấy tâm hồn ông ta, và một ý nghĩ như con rắn cứ len lỏi vào trong đầu: hay là cái con người tình cảm này đã đăng ký hộ khẩu vào căn hộ của người quá cố rồi, bởi vì trong thực tế đã xảy ra những trường hợp tương tự.

„Xin lỗi, anh là bạn của Mikhail nhà tôi à?„ ông ta hỏi, dùng ống tay áo lau con mắt bên trái ráo hoảnh, còn con mắt phải chăm chú nghiên cứu Koroviev đang trong cơn xúc động đau thương.

Nhưng gã cứ nức nở đến mức người nghe không thể hiểu gì được ngoài mấy từ nhắc đi nhắc lại “rắc - và cắt làm đôi!” Nức nở đã thỏa thuê, Koroviev cuối cùng cũng tách mặt ra khỏi bức tường và thốt lên:

„Không, không thể chịu được nữa! Tôi phải đi uống ba trăm giọt ête an thần đây!„ Và quay bộ mặt đầm đìa nước mắt về phía Poplavski, gã nói thêm: „Vậy đó, tàu điện là thế đấy!“

„Tôi xin lỗi, có phải anh gửi điện cho tôi không?“

Maksimilian Andreevich hỏi, dằn vặt bởi ý nghĩ: cái tay mau nước mắt lạ lùng này là ai nhỉ?

„Nó“, Koroviev đáp và chỉ tay về phía con mèo.

Poplavski trố mắt, nghĩ rằng mình nghe nhầm.

„Không, tôi không thể, hết sức rồi“, Koroviev khịt mũi nói tiếp: „chỉ cần tôi nhớ lại: bánh xe lăn qua chân... một bánh nặng mười pút... Rắc! Tôi vào giường nằm đây, ngủ quên đi một lúc“, và gã biến khỏi phòng ngoài.

Còn con mèo lại cựa quậy, nhảy từ trên ghế xuống, đứng trên hai chi sau, chống nạnh, mở miệng và nói:

„Thì tôi gửi điện đấy. Rồi sao nữa?“

Ðầu Maksimilian Andreevich lập tức quay cuồng, tay chân trở nên mềm nhũn, ông ta đánh rơi chiếc vali và ngồi phịch xuống chiếc ghế đối diện với con mèo.

„Hình như tôi hỏi bằng tiếng Nga kia mà“, con mèo nghiêm khắc nói, „rồi sao nữa?“

Nhưng Poplavski không phát ra một tiếng nào đáp lại cả.

„Hộ chiếu đâu!?„ con mèo gào lên và chìa một chi trước mũm mĩm ra.

Không nghĩ ngợi gì và không trông thấy gì ngoài hai đốm lửa cháy rực trong hai con mắt mèo, Poplavski rút quyển hộ chiếu từ trong túi áo ra như rút một con dao găm. Con mèo nhấc chiếc kính gọng đen và dày từ trên mặt bàn đặt dưới tấm gương lên, đeo vào mõm khiến cho bộ dạng của nó càng thêm oai vệ, và cầm lấy quyển hộ chiếu từ bàn tay run lẩy bẩy của Poplavski.

“Không biết mình có bị ngất đi không đây?” - Poplavski nghĩ. Từ đâu đó phía xa vẳng lại những tiếng nức nở của Koroviev, cả căn phòng ngoài nồng nặc mùi ête, thuốc an thần và một mùi gì đó buồn nôn.

„Hộ chiếu này do công an nào cấp?„ con mèo nhìn vào một trang giấy, hỏi. Không có câu trả lời.

„Phòng bốn trăm mười hai“, con mèo tự nói với mình, đưa một chi trước vuốt dọc theo quyển hộ chiếu cầm ngược. „Hừm, đúng thế, tất nhiên! Tôi biết cái phòng này mà! Ở đó bất kỳ ai cũng được cấp hộ chiếu cả! Tôi chẳng hạn, tôi sẽ không cấp hộ chiếu cho những người như ông đâu! Không cấp với bất cứ giá nào! Chỉ cần nhìn vào mặt một lần là từ chối ngay tức khắc!„ Con mèo nổi cáu đến mức nó ném mạnh quyển hộ chiếu xuống sàn nhà. „Sự có mặt của ông ở đám tang bị hủy bỏ“, con mèo tiếp tục nói bằng giọng nhà chức trách, “ông hãy trở về nơi sinh sống ngay đi!„ và nó quát vào cửa: „Azazello!”

Sau tiếng gọi của con mèo, ở phòng ngoài xuất biện một người tóc hung nhỏ bé, chân đi cà nhắc, mặc chiếc áo sợi t'ricô đen, có một con dao dắt ngang thắt lưng da, với chiếc răng nanh vàng khè, mắt trái bị vẩy mại che.

Poplavski cảm thấy thiếu không khí, đứng nhổm dậy, tay ôm lấy tim.

„Azazello, dẫn đi“, con mèo ra lệnh và rời khỏi phòng ngoài.

„Poplavski“, người vừa mới bước vào nói bằng giọng mũi khó nghe, “tôi hy vọng là ông đã hiểu hết rồi chứ?”

Poplavski gật đầu.

„Ngay lập tức trở về Kiev“, Azazello nói tiếp, “và hãy ngồi ở đó im thin thít, lặng như tờ và đừng có mơ ước về nhà với cửa nào ở Moskva nữa, rõ chưa?”

Cái con người nhỏ bé làm cho Poplavski kinh hoàng đến chết bằng chiếc răng nanh, lưỡi dao và con mắt lác này đứng chỉ đến vai nhà kinh tế học, nhưng hành động rất dứt khoát, khéo léo và có tổ chức, trình tự.

Trước hết, y nhặt quyển hộ chiếu lên và trao nó cho Maksimilian Andreevich, ông ta đón nó bằng cánh tay cứng đờ như chết. Rồi người có tên gọi là Azazello một tay nhấc chiếc vali lên, tay kia mở cửa, túm lấy tay ông dượng của Berlioz, dẫn ông ta ra khoảng trống đầu cầu thang. Poplavski đứng dựa vào tường. Không cần dùng đến chìa khóa, Azazello mở vali, lấy từ trong đó ra một con gà quay đồ sộ thiếu một chân bọc trong tờ báo thấm mỡ, đặt nó xuống sàn hành lang. Rồi y lôi ra hai bộ đồ lót, hộp dao cạo râu, một cuốn sách nào đó, một cái hộp và dùng chân đá tất cả những thứ đó xuống cầu thang, chỉ để lại con gà quay. Chiếc vali rỗng không cũng bay theo xuống. Nghe có tiếng rơi ở phía dưới, và xét qua tiếng va đập có thể đoán là nắp vali đã bị bắn văng ra.

Rồi tên kẻ cướp tóc hung túm lấy chân con gà quay và vung tay giáng cả con gà đó thật mạnh vào cổ Poplavski, làm cho thân con gà bắn văng đi, còn cái chân nằm lại trong tay Azazello. Tất cả đảo điên lên trong nhà Oblonski [2] , như nhà văn nổi tiếng Lev Tolstoi đã nhận xét thật công minh. Và chắc ông cũng sẽ nói đúng như thế trong trường hợp này. Vâng! Tất cả đảo điên lên trước mặt Poplavski. Một tia lửa dài vụt lóe qua mắt ông ta, rồi thay vào đó là một con rắn màu tang trong thoáng chốc làm tắt lụi cả ngày tháng Năm rực rỡ - và Poplavski bay xuống dưới theo cầu thang, tay cầm khư khư tấm hộ chiếu. Bay đến chỗ ngoặt, ông ta vướng chân, làm vỡ tấm kính trên cửa sổ ở khoang trống cầu thang tiếp theo, rồi ngồi xuống bậc gỗ. Con gà quay không chân nhẩy tâng tâng qua ngang người ông ta rồi văng tiếp xuống dưới. Azazello đứng lại ở phía trên, chớp nhoáng gặm sạch chiếc đùi gà, nhét khúc xương vào túi nách của chiếc áo sợi t'ricô, quay vào căn hộ đóng cửa đánh ầm. Vừa lúc đó từ phía dưới nghe có tiếng bước chân thận trọng của ai đó đang đi lên.

Chạy xuống cầu thang thêm một tầng, Poplavski ngồi lên chiếc đi văng gỗ để nghỉ lấy hơi.

Một người đàn ông đứng tuổi nhỏ thó với khuôn mặt buồn bã khác thường, mặc chiếc áo vét kiểu cổ bằng vải tuýtxo, đầu đội mũ rơm bện cứng với dải băng xanh, leo ngược lên cầu thang, dừng lại bên Poplavxki.

„Thưa ông, cho phép tôi được hỏi“, người đàn ông mặc áo vét bằng vải len dày buồn bã hỏi: „căn hộ số năm mươi ở đâu ạ?”

„Tầng trên“, Poplavski hấp tấp nói.

„Vô cùng cảm ơn ông“, người đàn ông nói cũng với vẻ buồn rầu như vậy và tiếp tục leo lên trên, còn Poplavski đứng dậy và chạy xuống dưới.

Nảy sinh ra một câu hỏi: phải chăng Maksimilian Andreevich đang vội vã chạy đến đồn công an để tố cáo bọn cướp dám cưỡng đoạt ông ta một cách man rợ như vậy ngay giữa thanh thiên bạch nhật? Không, tuyệt đối không, điều đó có thể khẳng định một cách chắc chắn. Ðến đồn công an và nói rằng: thưa các đồng chí, vừa rồi có một con mèo đen đeo kính đọc hộ chiếu của tôi, rồi sau đó một người mặc áo t'ricô, đeo dao... Ồ không, xin các ngài thôi, Maksimilian Andreevich là một người khôn ngoan thật sự!

Ông ta đã xuống đến tầng dưới và trông thấy cạnh cửa ra vào cánh cửa dẫn vào một gian phòng nào đó. Kính ở trên cánh cửa này đã bị vỡ. Poplavski nhét hộ chiếu vào túi, nhìn quanh, hy vọng rằng sẽ trông thấy đồ đạc của mình bị vứt xuống đâu đây. Nhưng không thấy dấu vết của chúng đâu cả. Bản thân Poplavski cũng cảm thấy ngạc nhiên là điều đó không làm cho ông ta tiếc lắm. Một ý nghĩ khác thú vị và quyến rũ hơn đang cuốn hút ông ta: kiểm tra lại cái căn hộ đáng nguyền rủa bằng con người vừa mới đi lên trên kia. Bởi vì, một khi ông ta đã hỏi thăm căn hộ đó ở đâu, thì hiển nhiên là ông ta đến đây lần đầu tiên. Như vậy có nghĩa là giờ đây ông ta đang đi thẳng vào nanh vuốt của cái bọn đến ở trong căn hộ số 50 kia. Có một cái gì đó mách với Poplavski rằng người đó sẽ rất nhanh chóng ra khỏi căn hộ nọ. Maksimilian Andreevich, tất nhiên, không có ý định đi dự bất cứ lễ mai táng nào của bất cứ ông cháu ông chắt nào nữa hết, mà phải còn khá lâu nữa mới có chuyến tàu đầu tiên đi Kiev. Nhà kinh tế nhìn quanh rồi chui vào gian phòng ngách. Vừa lúc đó ở trên cao vọng xuống tiếng dập cửa. “Ðấy là ông ta vào!” „Poplavski nín thở nghĩ. Trong gian phòng mát lạnh bốc mùi chuột và mùi giày ủng, Maksimilian Andreevich ngồi xuống một khúc gỗ và quyết định chờ. Ðịa điểm rất thuận tiện - căn buồng này trông thẳng ra cửa ra vào của cầu thang số sáu.

Nhưng trong thực tế ông dượng người Kiev đã phải chờ đợi lâu hơn là ông ta tưởng. Trên cầu thang không hiểu sao lúc nào cũng vắng người. Cuối cùng thì cũng nghe rõ tiếng cánh cửa dập mạnh từ tầng năm vọng xuống. Poplavski nép người nín thở. Ðúng, bước chân của ông ta. “Ðang đi xuống đấy!” Một cánh cửa ở tầng thấp hơn mở ra. Tiếng bước chân im bặt. Một giọng phụ nữ. Rồi giọng của người đàn ông buồn rầu... đúng, đó là giọng của ông ta... Nói một câu gì đó đại loại như “Vì Chúa, thôi đi...” Tai của Poplavski vểnh ra cạnh tấm kính vỡ rơi nơi cánh cửa. Lỗ tai đó nhận bắt được tiếng cười của đàn bà. Những bước chân nhanh, hối hả chạy xuống dưới, và thấp thoáng lưng đàn bà. Một người đàn bà cầm túi xách bằng vải sơn xanh từ cửa cầu thang bước ra sân. Lại nghe thấy tiếng bước chân của người đàn ông nọ. “Thật kỳ lạ, ông ta quay trở lên căn hộ kia. Hay là ông ta cùng một bọn với chúng? Ðúng, ông ta lại quay lên. Ðấy, cửa phía trên lại mở ra. Thôi được, ta cố chờ thêm một lát nữa”.

Lần này thì không phải chờ lâu. Tiếng cửa mở. Tiếng bước chân. Tiếng bước chân dừng lại. Tiếng kêu thất thanh. Tiếng mèo gào. Tiếng bước chân vội vã hơn, dồn dập hơn, xuống dưới, xuống dưới, xuống dưới!...

Poplavski đã đợi được. Vừa làm dấu thánh, vừa ú ớ những câu gì đó, người đàn ông buồn thảm bay xuống cầu thang, đầu không mũ, với bộ mặt của kẻ hoàn toàn mất trí, khoảng hói trên đầu bị cào xước, chiếc quần dài ướt sũng thật sự. Ông ta túm lấy nắm đấm cửa ra vào nhưng vì quá sợ hãi không còn biết mở nó như thế nào - đẩy ra hay kéo vào - và cuối cùng thì cũng mở được và nhảy bổ ra khoảng sân đầy nắng.

Việc kiểm tra căn hộ đã được thực hiện, không còn nghĩ gì thêm về người cháu quá cố lẫn căn hộ, co rúm người trước mối nguy hiểm vừa trải qua, Maksimilian Andreevich, miệng thì thào chỉ hai từ: “Hiểu rồi! Hiểu rồi!“ và chạy vụt ra sân. Sau mấy phút, một chiếc ô tô buyt chạy điện đã chở nhà kinh tế - kế hoạch đi về hướng ga Kiev.

Trong khi nhà kinh tế ngồi trong gian phòng nhỏ ở dưới chân cầu thang, thì với người đàn ông nhỏ bé nọ đã xảy ra một câu chuyện cực kỳ khó chịu. Người đàn ông nhỏ bé đó là chủ nhiệm nhà ăn của nhà hát Tạp Kỹ và họ tên ông ta là Andrei Phokich Socov. Trong lúc ở nhà hát Tạp Kỹ tiến hành cuộc điều tra, Andrei Phokich cố tránh xa những sự việc đang diễn ra, và chỉ có thể nhận thấy một điều là ông ta càng trở nên buồn rầu hơn so với thường ngày nói chung; ngoài ra, ông ta còn hỏi dò được ở anh nhân viên văn thư Karpov nơi nhà ảo thuật nước ngoài trọ lại.

Thế rồi, sau khi chia tay với nhà kinh tế học ở đầu cầu thang, chủ nhiệm nhà ăn leo lên tầng năm và bấm chuông căn hộ số 50.

Cánh cửa mở ra tức thời, nhưng chủ nhiệm nhà ăn rùng mình lùi lại và không bước vào nhà ngay. Ðiều đó có thể hiểu được. Người mở cửa là một cô gái tuyệt đối không mặc gì trên mình ngoài tấm tạp dề thêu đăng ten đỏm dáng và que trâm trắng gài trên đầu. Thực ra, dưới chân cô ta còn có một đôi dép vàng nữa. Thân hình cô gái nói chung là không chê vào đâu được, và có thể coi điểm khiếm khuyết duy nhất trong bề ngoài của cô ta là một vết sẹo đỏ trên cổ.

„Một khi anh đã gọi cửa thì mời anh vào đi“, cô gái nói, cặp mắt xanh đàng điếm nhìn chủ nhiệm nhà ăn chằm chằm.

Andrei Phokich hắt hơi mấy cái, hấp háy đôi mắt và bước vào phòng ngoài, bỏ mũ ra. Vừa lúc đó có tiếng chuông điện thoại réo vang. Cô hầu phòng trơ trẽn ghếch một chân lên ghế, tay cầm lấy ống nghe từ trên giá xuống và nói vào máy:

„Alô!”

Chủ nhiệm nhà ăn không biết để mắt đi đâu, đứng giẫm chân tại chỗ và nghĩ: “Ôi, hầu phòng của người nước ngoài thế đấy! Hừ, tởm quá!” Và để tránh cái tởm đó, ông ta liếc mắt nhìn ra xung quanh.

Toàn bộ căn phòng ngoài rộng và tối mờ chất đầy những vật dụng và trang phục khác thường. Chẳng hạn, vắt trên lưng ghế là chiếc áo khoác đen với lần vải lót đỏ chói như lửa, một thanh trường kiếm cán vàng lóng lánh nằm trên mặt bàn con dưới tấm gương đứng, ba thanh kiếm cán bạc dựng chỏng chơ trong góc như những chiếc ô hay chiếc gậy nào đó. Còn trên các móc áo sừng hươu treo mấy chiếc mũ bê rê cắm lông đại bàng.

„Vâng“, cô hầu phòng nói vào ống nghe, “sao? Nam tước Maighel à? Tôi nghe đây. Vâng! Ngài nghệ sĩ hôm nay có ở nhà. Vâng, rất hân hạnh được đón ngài. Vâng, khách... áo đuôi tôm hoặc áo vét đen. Cái gì ạ? Mười hai giờ đêm.„ Kết thúc câu chuyện điện thoại cô hầu phòng treo ống nghe lên và quay lại phía chủ nhiệm nhà ăn: „Ông cần gì ạ? »

„Tôi cần gặp ngài nghệ sĩ.»

„Sao? Trực tiếp gặp chính ông ấy à?»

„Vâng“, chủ nhiệm nhà ăn buồn rầu đáp.

„Tôi sẽ chuyển lời“, cô hầu phòng nói có vẻ lưỡng lự, rồi mở hé cánh cửa dẫn vào phòng làm việc của nhà văn Berlioz quá cố, báo cáo: „Thưa hiệp sĩ, có một người nhỏ bé đến đây nói là muốn gặp messir...»

„Cứ để cho vào“, từ trong phòng vẳng ra giọng nói uể oải của Koroviev.

„Mời ông vào phòng khách“, cô gái nói một cách thản nhiên, dường như cô ta cũng mặc đủ quần áo như những người khác, rồi mở cánh cửa dẫn vào phòng khách, còn tự mình cô ta cũng rời khỏi phòng ngoài.

Bước vào nơi được mời vào, chủ nhiệm nhà ăn kinh ngạc trước cách bài trí của căn phòng đến mức quên cả công việc riêng của mình. Xuyên qua những tấm kính màu của mấy ô cửa sổ lớn (trí tưởng tượng của bà vợ góa chủ hiệu kim hoàn trước đây) chảy vào phòng một làn ánh sáng khác thường, giống như ánh sáng của nhà thờ. Trong chiếc lò sưởi đồ sộ kiểu cổ, mặc dù đang là tiết trời mùa xuân ấm áp, những thanh củi vẫn cháy đỏ rực. Nhưng đồng thời, trong phòng lại không hề cảm thấy nóng chút nào, mà ngược lại người vừa mới bước vào đã cảm thấy mình bị một làn hơi ẩm lạnh lẽo như từ dưới hầm phả lên bao trùm. Một con mèo đen lớn tướng ngồi trên tấm da hổ được lò sưởi làm cho ấm, mắt lim dim khoan khoái nhìn ngọn lửa. Trong phòng có một chiếc bàn, mà vừa liếc nhìn qua, ông chủ nhiệm nhà ăn vốn kính Chúa bỗng rùng mình: bàn được phủ bằng một tấm vải gấm của nhà thờ. Trên tấm vải gấm trải bàn bày vô số chai lọ - bụng phình to, nổi mốc meo và bám đầy bụi. Lấp lánh giữa đám chai lọ đó là một chiếc đĩa, trông qua cũng có thể thấy ngay đấy là chiếc đĩa bằng vàng ròng. Cạnh lò sưởi một người tóc hung nhỏ bé với con dao dắt ngang thắt lưng đang dùng đầu nhọn của thanh kiếm thép nướng những miếng thịt, mỡ chảy ra nhỏ giọt vào ngọn lửa làm khói bốc lên luồn qua ống xông khói. Trong phòng không chỉ có mùi thịt nướng, mà còn có mùi nước hoa và hương trầm rất đậm, điều đó làm cho chủ nhiệm nhà ăn, vốn đã đọc trên báo biết tin về cái chết của Berlioz và về nơi sống của nhà văn, thoáng nghĩ rằng không biết có phải người ta đang làm lễ cầu hồn - biết đâu đấy! - cho Berlioz không? Nhưng ông ta lập tức xua đuổi ra khỏi đầu mình cái ý nghĩ đó như một điều đã biết trước là phi lý.

Ðang ngơ ngác, chủ nhiệm nhà ăn chợt nghe thấy một giọng trầm rất nặng.

„Xin lỗi, tôi có thể làm gì được cho ông?»

Ðến lúc này chủ nhiệm nhà ăn mới trông thấy trong bóng tối người mà ông ta cần gặp.

Nhà hắc ảo thuật nằm dài trên chiếc đi văng thấp, rộng mênh mông với những chiếc gối vứt ngổn ngang. Chủ nhiệm nhà ăn cảm thấy như trên mình ông ta chỉ mặc bộ đồ lót đen, chân đi đôi giày mũi nhọn cũng màu đen.

„Tôi là phụ trách nhà ăn của nhà hát Tạp Kỹ“, chủ nhiệm nhà ăn cất tiếng nói một cách cay đắng.

Nhà pháp thuật giơ bàn tay với các ngón lấp lánh những viên ngọc quý ra phía trước, dường như muốn bịt miệng chủ nhiệm nhà ăn lại, rồi nóng nảy nói:

„Thôi, thôi, thôi! Ðừng nói thêm một lời nào nữa! Không bao giờ và không trong bất kỳ trường hợp nào! Tôi sẽ không bao giờ cho vào mồm bất kỳ một cái gì trong nhà ăn của ông đâu! Thưa quý ông đáng kính bậc nhất, tối qua tôi có đi ngang qua nhà ăn của ông, và cho đến tận bây giờ vẫn không quên được cả món cá chiên lẫn phó mát sữa cừu. Thưa ngài thân mến! Phó mát không bao giờ có màu xanh cả, ông đã bị ai lừa rồi đấy. Nó cần phải có màu trắng. Còn nước trà thì sao? Cứ như nước rửa bát ấy! Tôi tự mắt mình nhìn thấy một cô gái luộm thuộm nào đó trút cả xô nước lã vào chiếc ấm xamôva lớn tướng của các ông, mà trong lúc đó nước trà vẫn liên tục được rót ra cho khách. Không, thưa ngài vô cùng thân mến, không thể như thế được!»

„Tôi xin lỗi“, choáng váng trước trận công kích bất ngờ đó, Andrei Phokich ấp úng, «tôi đến không phải về việc đó, mà cá chiên thì chẳng có liên quan gì đến đây cả.»

„Tại sao lại không liên quan, nếu như nó đã bị thối hỏng?»

„Cá chiên được gửi đến cho chúng tôi là thứ cá tươi loại hai.„ Chủ nhiệm nhà ăn thông báo.

„Vớ vẩn, ông bạn thân mến ạ!»

„Cái gì vớ vẩn ạ?»

„Thứ cá loại hai ấy. Chỉ có một loại cá tươi thôi - cá tươi loại nhất, và nó cũng là loại cuối cùng. Còn nếu như có cá chiên loại hai, thì nghĩa là nó đã bị ươn!»

„Xin được bỏ quá...„ chủ nhiệm nhà ăn lắp bắp, không biết làm cách nào để thoát khỏi cái tay nghệ sĩ cứ xoi mói ông ta như thế này.

„Tôi không thể bỏ quá được“, tay nghệ sĩ đáp như đinh đóng cột.

„Tôi đến đây không phải về chuyện đó!„ hoàn toàn thất vọng, chủ nhiệm nhà ăn thốt lên.

„Không phải về chuyện đó?„ nhà pháp thuật nước ngoài ngạc nhiên. „Thế còn việc gì nữa có thể xui khiến ông đến gặp tôi? Nếu như trí nhớ không phản bội tôi, thì trong số những người có nghề nghiệp gần với nghề nghiệp của ông, tôi chỉ biết có mỗi một mụ markitant [3] , nhưng chuyện đó cũng đã lâu lắm rồi, khi ông còn chưa có trên đời này kia! Nhưng thôi được, rất hân hạnh. Azazello! Mang ghế đến cho ngài chủ nhiệm nhà ăn ngồi.»

Người đang nướng thịt quay mặt lại - y làm cho chủ nhiệm nhà ăn kinh hoàng bởi những chiếc răng nanh của mình - và nhanh nhẹn đẩy về phía ông ta một trong số những chiếc ghế đẩu thấp bằng gỗ sồi đen. Những loại ghế khác trong phòng không thấy có.

Chủ nhiệm nhà ăn khẽ nói:

„Xin đa tạ“, và ngồi xuống ghế. Chân sau của ghế lập tức gẫy đánh rắc một tiếng, và chủ nhiệm nhà ăn hét to, đập mông cực đau xuống sàn nhà. Trong khi ngã, một chân ông ta vướng vào chiếc ghế khác đứng trước mặt, làm đổ lên quần dài của mình chén rượu vang đỏ đầy đặt trên đó.

Nhà ảo thuật kêu lên:

„Ối! Ông có bị sao không?»

Azazello giúp chủ nhiệm nhà ăn đứng dậy, rồi đưa đến một chiếc ghế khác. Bằng giọng đầy đau khổ, chủ nhiệm nhà ăn từ chối đề nghị của chủ nhà cởi quần dài để hơ bên lò lửa; và, cảm thấy mình bất tiện đến mức không chịu nổi trong bộ quần áo ướt sũng, ông ta thận trọng ngồi xuống một chiếc ghế khác.

„Tôi thích ngồi thấp“, nhà nghệ sĩ nói, «ngồi ở chỗ thấp ngã không đến nỗi nguy hiểm. Vâng, chúng ta đang dừng lại ở câu chuyện về cá chiên phải không? Ông bạn quý mến của tôi! Tươi, tươi, và tươi nữa - đấy phải là khẩu hiệu của bất kỳ một người nào làm chủ nhiệm nhà ăn! À mà ông có ưng thử một tí...»

Vừa lúc ấy trong luồng ánh sáng đỏ rực của lò sưởi, một lưỡi kiếm vung loáng lên trước mặt chủ nhiệm nhà ăn, rồi Azazello đặt xuống chiếc đĩa bằng vàng một miếng thịt đang sủi mỡ xèo xèo, rót dấm chanh lên và đưa cho ông ta chiếc dĩa hai răng cũng bằng vàng.

„Xin đa tạ... tôi...»

„Không, không, mời ông thử qua!»

Vì muốn giữ vẻ lịch sự, chủ nhiệm nhà ăn bỏ một miếng vào mồm và tức khắc hiểu rằng mình đang nhai một thức gì đó quả là rất tươi và cái cơ bản là ngon đến khác thường. Nhưng, nhai dở miếng thịt béo ngậy, thơm lựng, chủ nhiệm nhà ăn suýt bị nghẹn và ngã xuống sàn lần thứ hai. Từ phòng bên, một con chim lớn đen ngòm bay vào chạm nhẹ chiếc cánh lên chỗ hói trên đầu chủ nhiệm nhà ăn. Con chim đậu lên tấm giá đỡ trên lò sưởi cạnh đồng hồ - thì ra đó là con cú. “Lạy Chúa tôi!„ vốn là người hay xúc động như tất cả những người làm nghề trông nom nhà ăn khác, Andrei Phokich nghĩ, «một căn hộ ma quái!”

„Ông uống cốc rượu vang chứ? Rượu trắng, hay rượu đỏ? Rượu vang nước nào ông ưa dùng vào giờ này trong ngày?»

„Xin cám ơn... tôi không uống...»

„Phí quá! Thế ông có làm một ván xúc xắc chơi không? Hay là ông thích những trò chơi khác? Ðôminô hay bài?»

„Tôi không chơi“, đã gần như kiệt sức, chủ nhiệm nhà ăn đáp.

„Tệ quá“, chủ nhà kết luận, «thưa ông bạn, có một cái gì đó không tốt ẩn giấu trong những người đàn ông lảng tránh rượu, các loại trò chơi, tiếp xúc với đàn bà đẹp, những câu chuyện sau bàn ăn. Những người như vậy hoặc là bị bệnh nặng, hoặc là âm thầm căm ghét những người xung quanh. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ. Giữa những người đã từng ngồi với tôi bên các bàn tiệc đôi khi có những kẻ đểu giả đến kinh ngạc! Tóm lại, tôi xin nghe chuyện của ông.»

„Hôm qua ngài đã làm trò ảo thuật...»

„Tôi ấy à?„ nhà ảo thuật thốt lên kinh ngạc, «xin lỗi ông. Ðiều đó thậm chí không hợp với bộ dạng của tôi.»

„Xin ngài bỏ quá“, chủ nhiệm nhà ăn bối rối nói, «nhưng mà chương trình ảo thuật...»

„Ôi, à vâng, à vâng! Ông bạn thân mến! Tôi xin tiết lộ với ông một bí mật: tôi hoàn toàn không phải là nghệ sĩ, mà đơn giản là tôi chỉ muốn quan sát những người dân Moskva tập hợp lại với nhau trong một đám đông. Ðể làm điều đó tiện lợi nhất là trong nhà hát. Và thế là các phụ tá của tôi“, ông ta gật đầu chỉ về phía con mèo - đã tổ chức buổi diễn đó, còn tôi chỉ ngồi và nhìn những người dân Moskva mà thôi. Nhưng ông đừng tái mặt đi như thế, mà nói tôi nghe xem cái gì liên quan đến buổi biểu diễn kia đưa ông tới đây?

„Xin mạn phép ngài, hôm qua trong số những thứ rơi từ trên trần xuống có cả giấy bạc“, chủ nhiệm nhà ăn hạ giọng, ngượng nghịu nhìn quanh, «và mọi người đã nhặt sạch chúng. Thế rồi một người đàn ông còn trẻ đi đến quầy của tôi, đưa ra một tờ mười rúp; tôi trả lại cho anh ta tám rúp rưỡi... Sau đó người thứ hai...»

„Cũng còn trẻ?»

„Không, đã đứng tuổi. Rồi tới người thứ ba, thứ tư. Tôi vẫn phải phụ lại tiền. Còn hôm nay kiểm tra lại, thì không thấy tiền đâu, thay vào đó là những tờ giấy lộn cắt thành mẩu. Nhà ăn bị phạt một trăm lẻ chín rúp.»

„Ôi, ôi, ôi!„ nhà nghệ sĩ kêu thốt lên. „Mà chẳng lẽ bọn họ cho rằng đấy là những tờ giấy bạc thật ư?... Tôi không thể nghĩ rằng họ làm việc đó một cách có ý thức.»

Chủ nhiệm nhà ăn nhìn quanh với vẻ chua chát và buồn bã, nhưng không nói gì.

„Chẳng lẽ đó là bọn bịp bợm?„ nhà ảo thuật lo lắng hỏi người khách. „Chẳng lẽ trong số dân Moskva có những kẻ bịp bợm?»

Ðáp lại, chủ nhiệm nhà ăn mỉm cười thật cay đắng đến mức làm tan biến mọi nghi ngờ: Vâng, trong dân Moskva có những kẻ bịp bợm.

„Ðiều đó thật đê tiện!„ Voland phẫn nộ. „Ông là một người nghèo... quả đúng ông là một người nghèo chứ?»

Chủ nhiệm nhà ăn rụt đầu vào vai, bằng cách đó có thể thấy rõ rằng ông ta quả là một người nghèo.

„Ông có bao nhiêu tiền tiết kiệm?»

Câu hỏi được nói ra bằng một giọng chân tình thông cảm, nhưng mặc dù vậy vẫn không thể coi một câu hỏi như vậy là tế nhị được. Chủ nhiệm nhà ăn bối rối.

„Hai trăm bốn mươi chín nghìn rúp ở năm quỹ tiết kiệm khác nhau“, từ phòng bên có tiếng rè rè đáp lại „và ở nhà, chôn dưới sàn, hai trăm đồng tiền vàng.»

Chủ nhiệm nhà ăn như bị lửa đốt trên chiếc ghế của mình.

„Ấy, tất nhiên, đấy chưa phải là số tiền lớn“, Voland nói với ông khách vẻ rộng rãi, «nhưng thực ra mà nói, nó không cần thiết cho ông. Bao giờ ông chết?»

Ðến đây thì chủ nhiệm nhà ăn phẫn nộ.

„Ðiều đó thì không ai biết và không can hệ gì đến ai cả“, ông ta đáp.

„Sao lại không, biết chứ“, vẫn cái giọng khó chịu ấy từ phòng làm việc vẳng đến, «ghê gớm chưa, nhị thức Newton! Ông sẽ chết sau chín tháng nữa, vào tháng Hai năm sau, và bị ung thư gan, ở bệnh viện Trường đại học Tổng hợp quốc gia Moskva số một, phòng số bốn.»

Mặt chủ nhiệm nhà ăn vàng ệch ra.

„Chín tháng“, Voland trầm ngâm nhẩm tính, «hai trăm bốn mươi chín nghìn... Như vậy, lấy số tròn là hai mươi bảy nghìn một tháng phải không? Hơi ít, nhưng đối với cuộc sống đạm bạc thì cũng đủ. Lại còn những đồng tiền vàng kia.»

„Tiền vàng không thể dùng được“, vẫn cái giọng nói nọ làm cho trái tim chủ nhiệm nhà ăn lạnh toát, «sau cái chết của Andrei Phokich, nhà sẽ lập tức bị phá và tiền vàng sẽ được gửi vào Ngân hàng nhà nước.»

„Mà tôi cũng không khuyên ông vào nằm ở bệnh viện“, nhà nghệ sĩ nói tiếp, «chết tại phòng bệnh trong tiếng rên la của những người bệnh tuyệt vọng thì được ích gì? Có tốt hơn chăng là tổ chức một bữa tiệc bằng số tiền hai mươi bảy nghìn đó rồi uống thuốc độc để chuyển sang thế giới khác trong tiếng đàn, giữa những người đàn bà đẹp ngà ngà say và đám bạn bè táo tợn?»

Chủ nhiệm nhà ăn ngồi bất động và già đi rất nhiều. Những quầng thâm bao quanh cặp mắt, má hóp lại và hàm dưới thõng xuống.

„Nhưng mà chúng ta mải mơ tưởng quá rồi đấy“, chủ nhà thốt lên, «bây giờ chuyển sang công việc. Ông cho tôi xem những tờ giấy cắt của ông.»

Hồi hộp, chủ nhiệm nhà ăn rút từ trong túi ra một gói nhỏ, mở ra và sững sờ. Nằm trong mảnh báo là những tờ giấy bạc mười rúp.

„Ông bạn thân mến ạ, ông quả là ốm mất rồi“, Voland nhún vai, nói.

Chủ nhiệm nhà ăn mỉm cười man dại, rời chiếc ghế đẩu đang ngồi đứng dậy.

„Còn...„ ông ta nói lắp bắp, «còn nếu như chúng lại...»

„Hừm“, nhà nghệ sĩ vẻ nghĩ ngợi, «thì lúc ấy ông hãy đến đây. Rất hân hạnh! Rất mừng được làm quen với ông!»

Vừa lúc đó Koroviev chạy vụt từ phòng làm việc ra, hai tay túm chặt lấy tay chủ nhiệm nhà ăn ra sức lắc và khẩn khoản nhờ Andrei Phokich chuyển lời hỏi thăm đến tất cả, tất cả mọi người. Ngơ ngác, không hiểu nổi những gì đang diễn ra, chủ nhiệm nhà ăn đi ra phòng ngoài.

„Ghella, ra tiễn khách!„ Koroviev gọi.

Lại cô gái trần truồng tóc hung lúc nãy ở phòng ngoài. Chủ nhiệm nhà ăn luồn ra cửa, lắp bắp chào tạm biệt và bước đi như người say rượu. Ði được một quãng xuống dưới, ông ta dừng bước, ngồi xuống bậc cầu thang, rút gói tiền ra kiểm tra lại - những tờ giấy bạc mười rúp vẫn nguyên chỗ cũ.

Vừa lúc đó từ căn hộ đối diện với đầu cầu thang có một người đàn bà bước ra với túi xách cầm tay. Trông thấy người đàn ông ngồi trên bậc lên xuống và đờ đẫn nhìn những tờ giấy bạc mười rúp, chị ta mỉm cười và nói với vẻ trầm ngâm:

„Ngôi nhà này thật lạ lùng! Cái nhà ông này cũng lại say sưa ngay từ sáng. Cửa kính ở cầu thang lại bị đập vỡ.„ Rồi sau khi nhìn kỹ hơn vào người chủ nhiệm nhà ăn, chị ta tiếp: „Ê, mà anh lắm tiền mười đồng thật đấy. Giá anh chia cho tôi một ít, hả?»

„Vì Chúa, hãy để cho tôi yên!„ chủ nhiệm nhà ăn hốt hoảng nói và vội vàng giấu tập giấy bạc đi.

Người đàn bà phá lên cười:

„Hừ, quỷ tha ông đi, đồ keo xỉn! Tôi đùa đấy“, nói xong, chị ta đi tiếp xuống dưới.

Chủ nhiệm nhà ăn chậm chạp đứng dậy, giơ tay lên để sửa lại mũ, và nhận thấy rằng nó không có ở trên đầu mình. Ông ta hoàn toàn không muốn quay trở lại căn nhà nọ tí nào, nhưng lại tiếc chiếc mũ. Lưỡng lự một lúc, rồi ông ta cũng đi lên và bấm chuông gọi cửa.

„Ông còn cần gì nữa?„ cô gái Ghella đáng nguyền rủa ra mở và hỏi.

„Tôi bỏ quên chiếc mũ“, chủ nhiệm nhà ăn thì thào và lấy tay chọc vào chỗ hói trên đầu mình.

Ghella quay lưng đi vào, chủ nhiệm nhà ăn thầm nhổ một bãi nước bọt và nhắm mắt lại. Khi Andrei Phokich mở mắt ra, Ghella trao cho ông ta chiếc mũ của ông ta và thanh kiếm có cán màu thẫm.

„Không phải của tôi“, chủ nhiệm nhà ăn thì thào, đẩy thanh kiếm ra và vội vã đội mũ lên đầu.

„Chẳng lẽ ông đến đây không có kiếm à?„ Ghella ngạc nhiên.

Chủ nhiệm nhà ăn lúng búng một điều gì đó rồi chạy nhanh xuống cầu thang. Trên đầu không hiểu sao ông ta cảm thấy có cái gì đó bất tiện, và chiếc mũ dường như quá ấm. Andrei Phokich bỏ mũ xuống và khẽ kêu một tiếng, nhảy dựng lên vì kinh hãi. Trong tay ông ta là chiếc mũ bê rê nhưng cắm chiếc lông gà trống tơi tả. Chủ nhiệm nhà ăn làm dấu thánh. Vào đúng khoảnh khắc đó, chiếc mũ chợt kêu “ngoao”, biến thành con mèo đen và nhảy vụt trở lên đầu Andrei Phokich, cắm tất cả các móng vuốt vào khoảng hói của ông ta. Hét lên một tiếng thất thanh, chủ nhiệm nhà ăn lao mình chạy xuống dưới, còn con mèo rời khỏi đầu ông ta và theo cầu thang chạy ngược lên phía trên.

Thoát ra được ngoài trời, chủ nhiệm nhà ăn phi nước đại đến cổng và vĩnh viễn rời bỏ ngôi nhà số 302-bis quỷ quái.

Sau này người ta đã biết rất rõ những gì xảy ra tiếp theo với Andrei Phokich. Ra khỏi cổng, chủ nhiệm nhà ăn man dại nhìn quanh dường như tìm kiếm cái gì đó. Một phút sau ông ta đã ở trong hiệu thuốc ở bên kia đường phố. Ông ta chỉ vừa mở miệng nói: “Xin chị làm ơn...”, thì người đàn bà sau quầy đã kêu lên:

„Ôi! Ðầu ông sao xước hết ra thế kia!...»

Năm phút sau, đầu của chủ nhiệm nhà ăn đã được quấn băng và ông ta biết được rằng những chuyên gia giỏi nhất về bệnh gan là các giáo sư Bernadski và Kuzmin. Sau khi hỏi thăm trong hai người ai ở gần hơn, ông ta vui mừng biết rằng Kuzmin sống cách đấy đúng một khoảng sân trong ngôi biệt thự nhỏ màu trắng, và sau hai phút chủ nhiệm nhà ăn đã có mặt tại đó. Ngôi biệt thự đã cũ, nhưng có vẻ hết sức tiện lợi. Chủ nhiệm nhà ăn nhớ rất rõ rằng người đầu tiên gặp ông ta là một bà giúp việc già ra định đón lấy mũ, nhưng vì chủ nhiệm nhà ăn không còn mũ nên bà ta nhóp nhép chiếc miệng móm và bỏ đi đâu đấy.

Thế vào chỗ bà ta, cạnh tấm gương, và dường như là ở dưới một vòm cửa cuốn nào đó, xuất hiện người đàn bà trung niên; chị ta nói ngay rằng chỉ có thể ghi tên đến khám vào ngày mười chín, không thể sớm hơn. Chủ nhiệm nhà ăn lập tức hiểu ngay ra đâu là lối thoát. Bằng ánh mắt đờ đẫn nhìn qua vòm cửa cuốn vào gian phòng rõ ràng là phòng đợi, nơi có ba người đang ngồi chờ, ông ta thì thào:

„Bệnh tôi nguy kịch lắm...»

Người đàn bà phân vân nhìn chiếc đầu quấn băng của chủ nhiệm nhà ăn, tỏ vẻ lưỡng lự, rồi nói:

„Thì thôi được...„ và để cho chủ nhiệm nhà ăn đi qua vòm cửa cuốn.

Vào đúng khoảnh khắc đó, cánh cửa đối diện mở ra, từ bên trong lấp loáng một cặp kính gọng vàng; người đàn bà mặc áo choàng nói:

„Thưa các ông, bệnh nhân này ưu tiên vào trước.»

Và chưa kịp nhìn lại, chủ nhiệm nhà ăn đã thấy mình ở trong phòng làm việc của giáo sư Kuzmin.

Nhưng căn phòng hơi dài này không có vẻ là một cơ sở y học, không có gì có vẻ trang trọng và khủng khiếp cả.

„Ông làm sao thế?„ giáo sư Kuzmin hỏi bằng giọng dễ chịu và ít nhiều lo lắng nhìn mái đầu quấn băng.

„Vừa rồi từ một nguồn đáng tin cậy tôi được biết“, chủ nhiệm nhà ăn hoang dại nhìn lên một bức ảnh chụp tập thể nào đó lồng trong khung kính, đáp, «rằng vào tháng Hai năm sau tôi sẽ chết vì ung thư gan. Tôi cầu xin giáo sư cứu chữa.»

Giáo sư Kuzmin, vẫn trong tư thế ngồi, ngả người ra chiếc ghế bành cao bằng da kiểu gôtich, nói:

„Xin lỗi, tôi chưa hiểu ý ông... Ông đã đến gặp bác sĩ phải không? Tại sao đầu ông quấn băng?”

„Bác sĩ nào? Giá như ông trông thấy tay bác sĩ ấy!„ Andrei Phokich bỗng đánh răng cầm cập. „Mà ông đừng có chú ý đến đầu tôi, nó không có ý nghĩa gì hết“, chủ nhiệm nhà ăn nói tiếp, «hãy nhổ toẹt vào cái đầu ấy, nó không có liên quan gì. Ung thư gan, xin ông chặn nó lại.”

„Nhưng xin lỗi, ai nói với ông như vậy?”

„Ông hãy tin hắn ta“, chủ nhiệm nhà ăn nói, “hắn ta thì biết hết!»

„Tôi không hiểu cái gì cả“, giáo sư nhún vai, dịch chiếc ghế bành ra xa bàn, nói: „Làm sao một người nào đó có thể biết được bao giờ ông chết? Nhất là ông ta lại không phải là bác sĩ?»

„Ở buồng bệnh số bốn“, chủ nhiệm nhà ăn đáp.

Ðến lúc này giáo sư nhìn kỹ bệnh nhân của mình, nhìn mái đầu, chiếc quần dài ướt của ông ta, và nghĩ: “Chỉ còn thiếu nước này nữa thôi! Gã ta điên!” Và giáo sư hỏi:

„Anh có uống vodka không?»

„Không bao giờ động đến“, chủ nhiệm nhà ăn đáp.

Một phút sau ông ta đã cởi quần nằm trên chiếc ghế trải vải sơn lành lạnh để giáo sư sờ nắn bụng.

Chỗ này cần phải nói rằng chủ nhiệm nhà ăn đã vui vẻ hơn rất nhiều. Giáo sư khẳng định một cách chắc chắn rằng hiện nay, ít nhất là vào cái thời điểm này, hoàn toàn không có một dấu hiệu nào của căn bệnh ung thư ở người chủ nhiệm nhà ăn cả. Nhưng nếu đã thế... nếu như ông ta lo lắng và bị một tay bố láo nào đó làm cho sợ hãi, thì cần phải tiến hành tất cả các xét nghiệm cần thiết... Giáo sư viết nhanh mấy tờ giấy, giải thích cho ông ta phải đi đến đâu, phải mang gì đến. Ngoài ra, ông còn viết mấy chữ cho giáo sư thần kinh học Bure và giải thích với chủ nhiệm nhà ăn rằng thần kinh của ông ta nói chung là hoàn toàn bị rối loạn.

„Tôi cần phải trả bao nhiêu ạ, thưa giáo sư?„ chủ nhiệm nhà ăn vừa rút chiếc ví dày cộm của mình ra vừa hỏi bằng một giọng dịu dàng và run run.

„Bao nhiêu tùy anh“, giáo sư khô khan đáp.

Chủ nhiệm nhà ăn rút ra ba mươi rúp và đặt lên bàn, rồi sau đó bất ngờ bàn tay ông ta, hệt như chân mèo, làm một động tác mềm mại đặt lên những tờ giấy bạc mười rúp một cột tiền kêu xủng xẻng trong bọc giấy báo.

„Còn đây là cái gì?„ Kuzmin hỏi, tay xoắn ria mép.

„Xin ngài giáo sư đừng chê“, chủ nhiệm nhà ăn thì thào“, tôi xin ngài hãy cứu tôi khỏi bệnh ung thư.

„Hãy cất ngay số tiền vàng của anh đi“, giáo sư nói đầy vẻ tự trọng, « 

anh, tốt hơn hết, là đi xem lại thần kinh của mình. Còn ngày mai mang nước tiểu đến để xét nghiệm, và đừng uống chè nhiều, tuyệt đối không ăn muối.»

„Cả súp cũng không nêm muối?„ chủ nhiệm nhà ăn hỏi.

„Không nêm gì cả“, Kuzmin ra lệnh.

„Ôi“, chủ nhiệm nhà ăn thốt lên buồn bã, nhìn giáo sư một cách cầu khẩn, biết ơn, rồi nhặt những đồng tiền vàng của mình lên và đi thụt lùi ra cửa.

Buổi chiều hôm đó giáo sư ít bệnh nhân và người cuối cùng đã ra về khi trời chập choạng tối.

Vừa cởi áo choàng, giáo sư vừa nhìn lên chỗ tay chủ nhiệm nhà ăn nọ để những tờ giấy bạc mười rúp, và ông nhìn thấy ở đó chẳng có tờ giấy bạc nào cả, mà thay vào đấy là ba tờ nhãn của các chai rượu vang “Abrau-Durso”.

„Ma quỷ nào biết cái gì thế này“, Kuzmin lẩm bẩm, vừa kéo lê vạt áo choàng trắng trên sàn nhà, vừa mân mê mấy tờ giấy, «hóa ra hắn ta không chỉ bị bệnh tâm thần, mà còn là thằng lừa đảo! Nhưng mình không hiểu hắn ta cần gì ở mình? Chẳng lẽ là giấy xét nghiệm nước tiểu? Ô, hắn lấy trộm áo măng tô!» Ông nhẩy bổ ra phòng ngoài, một cánh tay vẫn xỏ trong chiếc áo choàng. „Ksenia Nikitisna!„ Ông hét tướng lên ở cửa phòng ngoài, xem áo măng tô có còn đủ không?»

Hóa ra những chiếc áo măng tô vẫn còn đủ cả. Nhưng khi giáo sư quay lại bàn (rốt cuộc rồi ông cũng cởi xong chiếc áo choàng), ông đứng sững như bị chôn chặt chân xuống sàn nhà cạnh bàn, mắt nhìn trân trân lên mặt bàn làm việc của mình. Trên chỗ trước đây đặt những tờ nhãn rượu vang, giờ là một con mèo đen, loại mèo hoang côi cút với chiếc mõm bất hạnh, kêu meo meo bên chiếc đĩa đựng sữa.

„Ôi, lại cái gì thế này?! Ðây đã là...„ ông cảm thấy gáy mình lạnh toát.

Nghe thấy tiếng kêu thảng thốt của giáo sư, Ksenia Nikitisna chạy vội vào và hoàn toàn làm cho ông yên tâm sau khi nói rằng con mèo này, tất nhiên, là do một khách hàng nào đó quẳng vào, các giáo sư vẫn thường gặp những chuyện như thế mà.

„Chắc họ sống nghèo lắm“, Ksenia Nikitisna giải thích, «còn ở nhà ta thì tất nhiên...»

Họ bắt đầu suy đoán xem ai là người có thể mang mèo đến bỏ đây. Sự nghi ngờ dừng lại ở một bà già bị loét dạ dày.

„Tất nhiên là bà ta rồi!„Ksenia Nikitisna nói, «chắc bà ta nghĩ: mình thì thế nào cũng chết, chỉ thương con mèo.»

„Nhưng khoan đã!„ Kuzmin hét to, «thế còn sữa thì sao? Cũng bà ta mang đến à? Còn đĩa?»

„Bà ta mang sữa vào túi bóng, đến đây mới đổ ra đĩa“, Ksenia Nikitisna giải thích.

„Dù sao thì cũng đưa con mèo và cái đĩa này đi“, Kuzmin nói và tự mình đi cùng Ksenia Nikitisna ra đến cửa. Khi ông quay vào, tình huống đã thay đổi.

Ðang treo chiếc áo choàng lên móc, giáo sư nghe có tiếng cười rộ lên ngoài sân. Ông nhìn ra, tất nhiên, sững người lại. Một người đàn bà chỉ mặc áo lót đang chạy ngang qua sân vào ngôi nhà nhỏ đối diện. Thậm chí giáo sư còn biết cả tên của chị ta nữa - Maria Aleksandrovna. Một cậu bé đang cười sặc sụa.

„Cái gì thế?„ Kuzmin nói một cách khinh bỉ.

Vừa lúc đó, ở phía bên kia bức tường, trong căn phòng của con gái giáo sư, chiếc máy hát bỗng chơi bản nhạc fokst'rot “Alliluia”, và cũng trong khoảnh khắc đó nghe có tiếng chim sẻ líu ríu ở ngay sau lưng giáo sư. Ông quay lại và nhìn thấy trên bàn của mình một con chim sẻ lớn tướng đang nhảy.

“Hừ... bình tĩnh nào...„ giáo sư nghĩ, «nó bay vào khi mình rời khỏi cửa sổ đấy mà. Tất cả mọi chuyện đều ổn cả“, giáo sư tự ra lệnh cho mình, đồng thời cảm thấy rằng tất cả đều không ổn tí nào, mà cái chính, tất nhiên, là do con chim sẻ này. Quan sát kỹ, giáo sư lập tức hiểu rằng con chim sẻ này không hoàn toàn là một con chim sẻ bình thường. Con chim ghê tởm này thọt chân trái, rõ ràng là đang làm trò, kéo lê một chân, nhún nhảy - tóm lại là đang nhảy fokst'rot theo điệu nhạc của chiếc máy hát như một tay say rượu cạnh quầy. Nó nhìn giáo sư với vẻ rất trơ tráo.

Bàn tay của Kuzmin đã đặt lên ống nghe, ông định gọi điện cho Bure, người bạn cùng khóa của mình, để hỏi xem vào cái tuổi sáu mươi những con chim sẻ loại như thế này có nghĩa là gì, nhất là khi đầu lại bỗng quay cuồng lên nữa?

Trong lúc đó con chim sẻ ngồi lên miệng lọ mực ông được tặng, són vào đó một bãi (tôi không đùa đâu!), rồi bay lên cao, treo lơ lửng trong không khí, dùng chiếc mỏ dường như bằng thép mổ mạnh vào mặt kính của khung ảnh chụp toàn bộ khóa tốt nghiệp trường Ðại học tổng hợp năm 94 làm nó vỡ vụn, sau đó nó mới bay ra cửa sổ. Giáo sư đổi số điện thoại, thay vào chỗ gọi cho Bure, ông lại gọi về phòng “Ðỉa chữa bệnh” và nói rằng người gọi điện là giáo sư Kuzmin và rằng ông yêu cầu gửi đỉa về nhà riêng cho ông.

Ðặt ống nghe lên giá máy, giáo sư quay về phía bàn, và lập tức kêu rú lên. Ngồi sau chiếc bàn là một người đàn bà đội mũ hộ lý, tay ôm chiếc hộp có dòng chữ đề ngoài “Ðỉa”. Giáo sư rú lên sau khi nhìn vào miệng của người hộ lý. Ðó là chiếc miệng đàn ông, méo xệch, rộng đến mang tai, có một răng nanh. Ðôi mắt của người đàn bà không sinh khí.

„Tôi sẽ thu số tiền này về“, người hộ lý nói bằng giọng nam trầm, «chẳng nên để chúng ở đây làm gì cả.„ Bằng bàn tay còng queo như chân chim người đàn bà vơ lấy những tờ nhãn hiệu dán chai rượu rồi bắt đầu tan biến vào không khí.

Hai giờ sau, giáo sư Kuzmin đã ngồi trên giường trong phòng ngủ, những con đỉa chữa bệnh treo lủng lẳng ở hai bên thái dương, sau tai và trên cổ. Giáo sư Bure với bộ ria bạc trắng ngồi phía dưới chân giáo sư Kuzmin trên chiếc chăn lụa chần, nhìn ông với vẻ thông cảm và an ủi rằng tất cả những chuyện đó đều là vớ vẩn. Ngoài cửa sổ trời đã tối.

Những chuyện gì lạ lùng xảy ra tiếp theo ở Moskva trong đêm hôm đó, chúng tôi không biết, và tất nhiên, cũng sẽ không tìm hiểu, hơn nữa giờ đã đến lúc chúng ta cần phải chuyển sang phần thứ hai của cái câu chuyện rất chân thực này. Hãy theo tôi, hỡi bạn đọc!

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]Công tước Vladimir: người sáng lập ra thành phố Kiev.
[2]Câu đầu trong tiểu thuyết Anna Karenina của Lev Tolstoi.
[3]Markitant: những người buôn đồ ăn và thức uống trong quân đội vào thế kỷ XVIII-XIV, phần lớn là đàn bà.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài