talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 2

Chương 19: Margarita Chương 20: Hộp kem Azazello Chương 21: Chuyến bay Chương 22: Dưới ánh nến Chương 23: Ðại vũ hội của Chúa quỷ Satan Chương 24: Sự giải thoát cho nghệ nhân Chương 25: Quan tổng trấn đã cố gắng cứu tên Giuda ở thành phố Kiriaph như thế nào? Chương 26: Việc chôn cất Chương 27: Kết cục của căn hộ số 5 Chương 28: Những trò phiêu lưu cuối cùng của Koroviev và Beghemot Chương 29: Số phận của nghệ nhân và Margarita đã được định đoạt Chương 30: Ðã đến lúc! Ðã đến lúc! Chương 31: Trên đồi Vorobiev Chương 32: Sự tha thứ và chốn nương thân muôn đời Phần kết

 

Chương 29:
Số phận của nghệ nhân và Margarita đã được định đoạt



Vào lúc hoàng hôn, ở rất cao trên thành phố, trên hàng hiên sân thượng của một trong những ngôi nhà đẹp nhất Moskva, ngôi nhà được xây dựng hơn một trăm năm mươi năm về trước, có hai người: Voland và Azazello... Từ phía dưới đường phố không trông thấy họ, vì họ được che khuất khỏi những ánh mắt không cần thiết bởi hàng lan can với những chiếc bình bằng thạch cao và những chùm hoa cũng bằng thạch cao. Nhưng họ lại trông rõ thành phố gần như đến tận các khu ngoại ô.

Voland ngồi trên chiếc ghế xếp, vận áo thụng màu đen. Thanh kiếm dài lưỡi rộng của ông ta cắm dựng đứng vào khe hở giữa hai phiến đá của sân thượng tạo thành một chiếc đồng hồ mặt trời. Bóng của thanh kiếm chậm chạp và không ngừng trải dài ra, bò dần đến đôi giày đen dưới chân chúa quỷ Satan. Tỳ chiếc cằm nhọn lên bàn tay nắm chặt, ngồi còng lưng trên ghế và co một chân xuống dưới mình, Voland mải mê nhìn cái khối khổng lồ những lâu đài, những ngôi nhà đồ sộ và những túp lều bé nhỏ chẳng bao lâu nữa sẽ bị phá dỡ. Azazello, đã trút bỏ bộ trang phục hiện đại của mình - tức là áo vét, mũ nồi, giầy da láng, - giờ đây cũng ăn vận đồ đen như Voland, đứng bất động cách ông chủ một quãng ngắn, và cũng như ông ta, nhìn không rời mắt khỏi thành phố.

Voland cất tiếng nói:

«Một thành phố thật thú vị, phải không?»

Azazello khẽ cử động, cung kính đáp:

«Thưa messir, tôi thích La Mã hơn!»

«Ðúng, việc đó tùy theo thị hiếu», - Voland đáp.

Một lát sau lại vang lên giọng nói của ông ta:

«Có khói gì ở kia, trên đại lộ có hàng cây ở giữa ấy?»

«Nhà Griboedov cháy.»

«Chắc là cái cặp bạn keo sơn Koroviev và Beghemot đã đến đó?»

«Không nghi ngờ gì nữa, thưa messir.»

Tiếp đến lại im lặng, và cả hai người ở trên sân thượng nhìn mãi về phía ánh mặt trời chói chang và nát vụn cháy rực lên trong các ô cửa sổ hướng về phía Tây trên các tầng cao của các khối nhà đồ sộ. Ánh mắt của Voland cũng cháy lên hệt như một trong những ô cửa sổ đó, mặc dù ông ta ngồi ngoảnh lưng về hướng Tây.

Nhưng đúng lúc đó có gì đấy khiến Voland quay người lại và hướng sự chú ý của mình lên thiếc tháp tròn ở trên mái nhà phía sau lưng ông ta. Từ bức tường của tháp bước ra một con người râu đen, vẻ mặt ảm đạm, ăn mặc rách rưới, lấm đất sét, khoác áo hiton, đi đôi xăng đan tự làm.

«A! - Voland thốt lên, nhìn người mới đến vẻ giễu cợt. - Ðiều ta ít chờ đợi nhất là được gặp nhà ngươi ở đây! Nhà ngươi đến để làm gì, hỡi người khách không mời nhưng ta đã đoán trước được?»

«Ta đến gặp ngươi, hỡi ác thần và chúa tể của bóng tối», - người mới đến đáp, liếc nhìn Voland với vẻ không thân thiện.

«Nếu như nhà ngươi đến gặp ta, thì tại sao ngươi không chào chúc sức khỏe [1] ta, hỡi tên thư lại trước làm nghề thu thuế kia?»

«Bởi vì ta không muốn nhà ngươi được sống khỏe mạnh», - người mới đến táo gan trả lời.

«Nhưng nhà ngươi buộc phải chấp nhận điều đó thôi, - Voland đáp, và nụ cười giễu cợt làm miệng ông ta méo đi, - chưa kịp đặt chân lên mái nhà ở đây nhà ngươi đã làm điều phi lý rồi, và ta sẽ nói cho nhà ngươi biết là nó ở đâu - ở trong ngữ điệu của nhà ngươi ấy. Nhà ngươi nói như thể nhà ngươi không công nhận bóng tối, cũng như không công nhận cái ác. Nhưng liệu nhà ngươi có tốt đến mức để nghĩ đến một câu hỏi sau hay không: cái tốt của nhà ngươi sẽ làm gì nếu như không có cái ác, và mặt đất này trông sẽ như thế nào nếu tất cả các bóng đen trên đó đều biến mất? Bởi vì các bóng đen được sinh ra bởi mọi vật và mọi người. Ðây là bóng thanh kiếm của ta. Nhưng còn có bóng của cây cối và của các sinh vật sống. Phải chăng nhà ngươi muốn lột trần cả quả địa cầu, mang đi khỏi bề mặt của nó tất cả các cây cối và toàn bộ sinh vật sống, chỉ vì cái mơ tưởng của nhà ngươi muốn được thưởng thức cái thế giới chỉ có ánh sáng trần trụi? Nhà ngươi ngu lắm.»

«Ta sẽ không tranh luận với nhà ngươi, hỡi lão ngụy biện già đời», - Levi Matvei đáp.

«Và nhà ngươi cũng không thể tranh luận với ta được, vì một lẽ mà ta đã nói: nhà ngươi ngu lắm, - Voland đáp, rồi hỏi: - Thôi, nói ngắn gọn, đừng làm ta mệt mỏi, nhà ngươi đến đây để làm gì?»

«Thầy ta sai ta đến.»

«Ông ta bảo nhà ngươi nói với ta cái gì, hỡi kẻ nô lệ?»

«Ta không phải nô lệ, - mỗi lúc một cáu giận hơn, Levi Matvei đáp. - Ta là học trò của thầy ta.»

«Ta với nhà ngươi, như bao giờ cũng vậy, nói bằng những ngôn ngữ khác nhau, - Voland đáp, - nhưng những điều mà chúng ta nói tới không vì thế mà thay đổi. Thế nào...»

«Thầy ta đã đọc cuốn sách của Nghệ Nhân, - Levi Matvei nói, - và muốn xin nhà ngươi mang anh ta theo và ban thưởng cho anh ta sự yên tĩnh [2] . Chẳng lẽ làm điều đó là khó đối với nhà ngươi hay sao, hỡi ác thần?»

«Ðối với ta không có gì là khó cả, - Voland đáp, - và nhà ngươi cũng biết rõ điều đó. - Ông ta im lặng một lát rồi nói thêm: - Thế tại sao các người không mang anh ta đến chỗ của mình, về nơi ánh sáng [3]

«Anh ta chưa xứng hưởng ánh sáng, anh ta chỉ xứng hưởng sự yên tĩnh», - Levi nói bằng giọng rầu rĩ.

«Nhà ngươi hãy chuyển lời là ta sẽ làm, - Voland đáp, rồi nói tiếp, ánh mắt ông ta cháy lóe
lên, - và rời ta ngay lập tức!»

«Thầy ta còn muốn cả người đàn bà đã yêu và chịu đau khổ vì anh ta cũng được mang theo», - lần đầu tiên, Levi nói với Voland bằng giọng cầu khẩn.

«Không có nhà ngươi chắc chúng ta không nghĩ ra điều đó. Biến!»

Levi Mátvei liền đó biến mất, còn Voland gọi Azazello đến và ra lệnh:

«Hãy bay đến chỗ họ và thu xếp mọi việc.»

Azazello rời gác thượng, và Voland còn lại một mình. Nhưng sự cô đơn của ông ta kéo dài không lâu. Có tiếng bước chân gõ trên các phiến đá lát sân thượng và tiếng người nói sôi nổi vang lên, rồi trước mặt Voland xuất hiện Koroviev và Beghemot. Nhưng giờ đây trong tay Beghemot không còn bếp dầu nữa, mà thay vào đó là những vật khác: dưới nách anh ta kẹp một bức tranh sơn thủy nhỏ khung mạ vàng, một chiếc áo blu đầu bếp vẫn mặc cháy một nửa vắt ngang cánh tay, còn tay kia anh ta cầm một con cá chiên lớn còn đủ cả da và đuôi. Từ người Koroviev và Beghemot bốc mùi khét của đám cháy, da mặt Beghemot đầy bồ hóng, chiếc mũ lưỡi trai sém mất một nửa.

«Xin kính chào messir», - đôi bạn không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ hét to, và Beghemot vung con cá chiên lên vẫy vẫy.

«Trông đẹp chưa kìa», - Voland nói.

«Thưa messir, ngài thử hình dung xem, - Beghemot vui mừng và kích động hét, - người ta đã cho tôi là kẻ trộm đấy!»

« Xét theo những vật nhà ngươi mang về, - Voland ngắm nghía bức tranh sơn thủy, đáp, - thì nhà ngươi đích thị là kẻ trộm còn gì.»

«Thưa messir, ngài có tin không...» - Beghemot bắt đầu bằng giọng tâm tình.

«Không, ta không tin», - Voland đáp cụt lủn.

«Thưa messir, tôi xin thề là tôi đã có những cố gắng anh hùng để cứu lấy tất cả những gì có thể, và đây là toàn bộ những gì cứu được.»

«Tốt hơn là ngươi hãy nói xem vì sao nhà Griboedov lại cháy?» - Voland hỏi.
Cả hai, cả Koroviev lẫn Beghemot, dang rộng hai tay vẻ ngạc nhiên, ngước mắt nhìn lên trời, còn Beghemot hét:

«Tôi không thể hiểu nổi! Chúng tôi đang ngồi hiền lành, hoàn toàn lặng lẽ, ăn uống...»

«Thì bỗng nhiên - pằng, pằng! - Koroviev chen vào, - họ nổ súng! Kinh hoàng quá, tôi cùng Beghemot bỏ chạy ra đại lộ, họ đuổi theo, chúng tôi chạy đến chỗ pho tượng Timiriazev [4]

«Nhưng tinh thần trách nhiệm, - Beghemot lại nói tiếp, - đã chiến thắng cơn kinh hoàng đáng xấu hổ, và chúng tôi đã quay lại!»

«Chà, các ngươi quay lại à? - Voland nói. - Thế thì tất nhiên ngôi nhà đã cháy thành tro.»

«Cháy thành tro! - Koroviev cay đắng xác nhận. - Nghĩa là thật sự thành tro, như ngài diễn đạt một cách chính xác. Chỉ còn lại một đống than!»

«Tôi nhảy bổ vào, - Beghemot kể, - trước hết là vào phòng họp - đó là phòng có các dãy cột tròn ấy thưa messir, - tính là sẽ lôi ra được cái gì đó quý giá. Ôi, thưa messir, vợ tôi, ấy là trong trường hợp mà tôi có vợ thật, chắc đã hai chục lần suýt trở thành góa bụa! Nhưng rất may, thưa messir, tôi không có vợ, và tôi xin nói thẳng với ngài, là tôi lấy làm hạnh phúc rằng mình không có vợ. Ôi, messir, làm sao có thể đổi sự tự do độc thân để lấy cái ách nặng nề như thế được!»

«Lại bắt đầu nói nhảm nhí rồi», - Voland nhận xét.

«Tôi xin nghe và xin tiếp tục, - Beghemot đáp, - vâng, đây là bức tranh sơn thủy. Ngoài ra, không thể mang thêm được gì nữa ra khỏi phòng họp, lửa quất thẳng vào mặt tôi. Tôi chạy vào nhà kho, cứu được con cá chiên này. Rồi tôi chạy xuống bếp cứu được chiếc áo blu của đầu bếp. Tôi cho rằng tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể, và tôi thật không hiểu cái vẻ nghi ngờ trên mặt ngài có nghĩa là gì.»

«Thế Koroviev làm cái gì trong khi nhà ngươi bận giở trò ăn cắp?» - Voland hỏi.
«Tôi giúp đỡ những người lính cứu hỏa ạ, thưa messir», - Koroviev đáp và chỉ xuống chiếc quần dài rách bươm.

« À, nếu thế thì tất nhiên, sẽ phải xây dựng lại ngôi nhà mới.»

«Nó sẽ được xây lại, thưa messir», - Koroviev đáp.

«Xin ngài hãy tin tôi, - con mèo nói thêm, - tôi vốn là một nhà tiên tri có hạng.»

«Trong bất kỳ trường hợp nào thì chúng tôi cũng đã đến đây, thưa messir, - Koroviev báo cáo, - và chờ mệnh lệnh của ngài.»

Voland rời chiếc ghế đang ngồi đứng dậy, bước đến hàng lan can, quay lưng về phía các tùy tùng của mình, cô đơn im lặng nhìn ra xa. Rồi ông ta rời hàng lan can, lại ngồi xuống ghế và nói:

«Sẽ không có mệnh lệnh nào cả - các ngươi đã làm tất cả những gì có thể, và bây giờ, tạm thời ta chưa cần đến các ngươi. Có thể nghỉ ngơi. Bây giờ sẽ có cơn giông, cơn giông cuối cùng, nó sẽ làm những gì cần phải làm nốt, rồi chúng ta lên đường.»

«Rất tốt, thưa messir», - cả hai chàng hề đáp và biến mất vào một nơi nào đó phía sau ngọn tháp chính hình cầu ở giữa sân thượng.

Cơn giông mà Voland nói tới đã bắt đầu hình thành nơi chân trời, một đám mây đen nổi lên ở phía Tây và che khuất nửa mặt trời. Rồi nó che kín cả mặt trời. Không khí trên sân thượng trở nên mát dịu. Một lúc sau trời tối sầm lại.

Bóng tối từ phía Tây kéo đến đã bao phủ kín thành phố khổng lồ. Những nhịp cầu, những lâu đài, cung điện biến mất. Tất cả biến mất, dường như chưa bao giờ tồn tại trên thế giới này. Một sợi chỉ lửa chạy suốt bầu trời. Rồi thành phố rung chuyển trong tiếng sấm rền. Tiếng sấm lặp lại một lần nữa, và cơn giông bắt đầu. Voland đã mất dạng trong bóng tối của nó.

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1] ... chúc sức khỏe: ở đây tác giả chơi chữ khó dịch. Trong tiếng Nga, câu chào khi gặp nhau nguyên nghĩa là “Hãy sống mạnh khỏe”, vì vậy Matvei không muốn nói câu đó với Voland.
[2]Sự yên tĩnh: tiếng Nga là покой, có các nghĩa: sự tĩnh lặng, sự yên tĩnh, sự thanh thản; ngoài ra còn có các kết hợp (nghĩa đen: sự yên tĩnh muôn đời): cõi vĩnh hằng, cái chết; уйти в покой, жить в покое: nghỉ ngơi, thôi làm việc. Do vậy, dịch ra tiếng Việt từ này sao cho bao hàm đủ các nghĩa trong tiếng Nga là rất khó. Sự yên tĩnh ở đây phải hiểu cả nghĩa vật chất lẫn nghĩa tinh thần (sự thanh thản). Cho đến nay, câu hỏi tại sao Bulgacov để cho Nghệ Nhân được hưởng sự yên tĩnh (покой) chứ không phải ánh sáng (свет) còn là vấn đề tranh cãi chưa được giải mã đến tận cùng, cũng như nhiều vấn đề khác trong tác phẩm này.
[3]Ánh sáng: dịch từ chữ свет: ánh sáng là biểu tượng của sự sống, của hạnh phúc, sự cứu rỗi do Chúa Trời ban cho, bản thân Chúa, lời Chúa cũng là ánh sáng: Giesu Christ mang ánh sáng đến cho thế gian. Tuy nghiên biểu tượng ánh sáng trong tiểu thuyết của Bulgacov phải hiểu trong tương quan với bóng tối (của Voland) và sự yên tĩnh (của Nghệ Nhân).
[4]Ở đây chỉ đài kỷ niệm K. A. Timiriazev - nhà nghiên cứu tự nhiên Nga.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài