talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 2

Chương 19: Margarita Chương 20: Hộp kem Azazello Chương 21: Chuyến bay Chương 22: Dưới ánh nến Chương 23: Ðại vũ hội của Chúa quỷ Satan Chương 24: Sự giải thoát cho nghệ nhân Chương 25: Quan tổng trấn đã cố gắng cứu tên Giuda ở thành phố Kiriaph như thế nào? Chương 26: Việc chôn cất Chương 27: Kết cục của căn hộ số 5 Chương 28: Những trò phiêu lưu cuối cùng của Koroviev và Beghemot Chương 29: Số phận của nghệ nhân và Margarita đã được định đoạt Chương 30: Ðã đến lúc! Ðã đến lúc! Chương 31: Trên đồi Vorobiev Chương 32: Sự tha thứ và chốn nương thân muôn đời Phần kết

 

Chương 31:
Trên đồi Vorobiev



[1]

Cơn giông đã qua không còn dấu vết. Một chiếc cầu vồng bảy sắc bắc ngang bầu trời suốt từ bên này đến bên kia thành phố, thả vòi xuống hút nước của dòng sông Moskva. Trên cao, tận đỉnh đồi giữa hai khu rừng nhỏ, có ba bóng người đen thẫm. Voland, Koroviev và Beghemot ngồi trên yên những con ngựa ô nhìn xuống thành phố trải dài phía bên kia sông với muôn vàn tia nắng phản chiếu lấp lánh trên hàng nghìn cửa sổ ngoảnh về hướng Tây, nhìn xuống những ngọn tháp như nặn bằng bột của tu viện Nữ Ðồng Trinh.

Trong không khí có tiếng xao động, và Azazello, cùng với Nghệ Nhân và Margarita bay ở phía sau chiếc áo choàng đen của anh ta, hạ xuống cạnh ba người đang đứng chờ họ.
“Margarita Nikolaevna và Nghệ Nhân, ta có việc phải làm phiền hai người, - Voland nói sau một lát im lặng. - Nhưng các người sẽ chẳng có gì phải kêu ca về ta đâu. Ta không nghĩ rằng các người sẽ hối tiếc về điều này. Thôi, còn bây giờ, - Voland quay sang nói riêng với Nghệ Nhân: - Anh hãy từ biệt thành phố đi. Chúng ta đã đến lúc đi rồi”, - Voland đưa bàn tay đi găng loe ở cổ tay chỉ về phía vô số vầng mặt trời đang hun chảy những mặt kính ở bên kia sông, và phía trên những vầng mặt trời đó là khối sương khói và hơi nước của thành phố bị nung bỏng sau một ngày dài.

Nghệ Nhân nhảy xuống yên, rời những người đang ngồi trên ngựa và chạy đến bên bờ dốc của ngọn đồi. Vạt áo choàng đen quét lên mặt đất phía sau lưng anh. Nghệ Nhân dừng lại, đứng nhìn xuống thành phố. Trong những giây phút đầu tiên, một nỗi buồn xốn xang trào lên bóp chặt trái tim, nhưng rồi nó nhanh chóng được thay bằng nỗi xao xuyến ngọt ngào, một sự hồi hộp như của những kẻ sống cuộc đời lang bạt.

“Vĩnh viễn! Ðiều này cần phải hiểu thấu!” - Nghệ Nhân thì thầm và liếm đôi môi khô nứt nẻ. Anh lắng nghe và ghi nhớ chính xác tất cả những gì diễn ra trong lòng mình. Sự hồi hộp của anh đã chuyển thành, như anh cảm thấy, một cảm giác bị xúc phạm nặng nề, sâu sắc. Nhưng đó là một cảm giác không bền vững, nó tan biến đi rất nhanh và không hiểu sao được thay bằng sự hờ hững ngạo mạn; rồi đến lượt mình, nó lại được thay bằng một mối linh cảm của trạng thái bình yên vĩnh hằng.

Ðoàn kỵ sĩ ngồi trên lưng ngựa im lặng chờ Nghệ Nhân. Họ nhìn cái bóng người dài mặc áo đen đứng làm điệu bộ trên mép bờ dốc, khi thì ngẩng cao đầu dường như muốn ném ánh mắt qua suốt Moskva, nhìn tận phía bên kia thành phố, khi thì cúi gục đầu xuống, dường như ngắm nghía những sợi cỏ khô héo bị giẫm nát dưới chân. Buồn chán vì phải đứng yên một chỗ, Beghemot phá tan sự im lặng:

“Thưa maitre [2] , xin ngài cho phép tôi huýt lên một tiếng để từ biệt trước chuyến bay.”

“Nhà ngươi có thể làm madam sợ, - Voland đáp, - và thêm vào đó đừng quên rằng những trò nghịch ngợm hôm nay của nhà ngươi đã kết thúc.”

“Ồ không, không đâu, thưa messir, - Margarita nói, nàng ngồi trên yên như một nữ kỵ sĩ Amazon [3] , tay chống ngang hông, chiếc áo đuôi tôm dài rủ xuống tận đất, - xin ngài cho phép, cứ để anh ấy huýt gió. Tôi cũng cảm thấy buồn trước lúc lên đường đi xa. Phải chăng, thưa messir, điều đó cũng là hoàn toàn tự nhiên, thậm chí cả khi con người biết rằng ở cuối con đường đó hạnh phúc đang chờ đón mình? Cứ để cho Beghemot giải khuây cho chúng ta, nếu không, tôi sợ cứ điệu này sẽ kết thúc bằng nước mắt, và tất cả sẽ mất vui trước lúc lên đường.”

Voland gật đầu với Beghemot, anh ta tươi tỉnh hẳn lên, nhảy từ trên yên ngựa xuống đất, đút ngón tay vào miệng, phồng má, và huýt to một tiếng. Tai Margarita ngân ù lên. Con ngựa của nàng nhảy chồm trên hai chân sau; trong khu rừng, những cành khô từ trên cây rụng rơi lả tả, cả một đàn quạ và chim sẻ bay vụt lên trời, một cột bụi xoáy cuộn ra bờ sông, đứng từ đây trông thấy rõ từ trên chiếc ca nô chở khách, mấy chiếc mũ cát két bốc lên khỏi đầu hành khách bay xuống nước. Nghe tiếng huýt, Nghệ Nhân rùng mình; nhưng anh không quay lại, mà bắt đầu cử động bồn chồn hơn, giơ một nắm tay lên trời dường như đang đe dọa thành phố.

Beghemot kiêu hãnh nhìn quanh.

“Cũng biết huýt đấy, tớ không phủ nhận, - Koroviev nhận xét một cách kẻ cả. - Quả là cũng biết huýt đấy, nhưng nếu nói thật công bằng, thì huýt rất xoàng!”

“Tôi có phải quản ca đâu”, - Beghemot nói mát với vẻ đầy tự trọng, rồi bất ngờ nháy mắt với Margarita.

“Nào, để tôi theo ký ức cũ thử xem”, - Koroviev nói, xoa xoa bàn tay rồi thổi phù phù lên ngón tay.

“Nhưng nhà ngươi xem chừng đấy, - từ trên lưng ngựa vẳng xuống giọng nói nghiêm khắc của Voland, - không được có những trò gây tổn thương!”

“Thưa messir, xin ngài hãy tin, - đặt tay lên ngực, Koroviev đáp, - là chỉ để đùa, hoàn toàn để đùa thôi...” - Nói đến đây, anh ta bỗng vươn mình lên cao như thể thân người bằng cao su, những ngón tay phải xếp lại thành một hình gì đó rắc rối, người xoáy tròn như một chiếc đinh ốc, rồi bất ngờ duỗi thẳng người ra, huýt lên một tiếng.

Margarita không nghe thấy tiếng huýt đó, nhưng nàng trông thấy nó khi cùng với con ngựa nóng nảy của mình bị hất bắn ra xa chừng mười sazen. Bên cạnh nàng, một cây sồi bị nhổ bật lên cả rễ, còn mặt đất nứt ra thành những vệt rạn ra đến tận bờ sông. Một mảng bờ lớn, cùng với cả bến thuyền và tiệm ăn, lở ập xuống sông. Nước sông sôi lên, dựng thành cột, và cả một chiếc ca nô hành khách bị ném tung sang mép bờ thấp và xanh rì cây cối ở bên kia, nhưng toàn bộ hành khách không một ai hề hấn gì. Một con quạ bị tiếng huýt gió của Phagot giết chết rơi phịch xuống chân Margarita. Tiếng huýt gió làm cho Nghệ Nhân hoảng sợ. Hai tay ôm lấy đầu, anh chạy trở lại chỗ những người bạn đường đang đợi anh.

“Thế nào, - từ trên yên con ngựa cao lớn của mình, Voland hỏi anh, - tất cả các món nợ đã được thanh toán rồi chứ? Việc chia tay đã xong rồi chứ?”

“Vâng, đã xong”, - Nghệ Nhân đáp; sau khi đã bình tâm lại, anh nhìn vào mặt Voland một cách mạnh bạo, thẳng thắn.

Và lúc đó, phía trên những ngọn núi vang rền tiếng thét khủng khiếp như sấm của Voland: “Ðến lúc rồi!” cùng tiếng huýt gió gay gắt và tiếng cười của Beghemot.

Những con ngựa tung vó, các kỵ sĩ bay vọt lên cao, phóng vụt đi. Margarita cảm thấy con ngựa nổi cơn hăng của nàng gặm và giật mạnh hàm thiếc.

Chiếc áo choàng của Voland căng phồng bay trên đầu cả đoàn người ngựa, chiếc áo đó dần dần che khuất cả bầu trời đang về chiều. Khi tấm màn đen trong một thoáng giạt sang bên. Margarita vừa bay vừa quay lại nhìn và thấy rằng ở phía sau đã biến mất không chỉ những ngọn tháp nhiều mầu rực rỡ với chiếc máy bay lượn ở phía trên, mà ngay cả thành phố cũng không còn: nó đã chìm sâu vào mặt đất chỉ để lại một màn sương.

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]Đồi Vorobiev: ngày nay là đồi Lenin, ở bờ sông Moskva.
[2]Thầy (tiếng Pháp).
[3]Amazon: theo thần thoại cổ Hy Lạp, là các nữ chiến binh của một bộ tộc toàn phụ nữ ở bờ Biển Đen.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài