talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 2

Chương 19: Margarita Chương 20: Hộp kem Azazello Chương 21: Chuyến bay Chương 22: Dưới ánh nến Chương 23: Ðại vũ hội của Chúa quỷ Satan Chương 24: Sự giải thoát cho nghệ nhân Chương 25: Quan tổng trấn đã cố gắng cứu tên Giuda ở thành phố Kiriaph như thế nào? Chương 26: Việc chôn cất Chương 27: Kết cục của căn hộ số 5 Chương 28: Những trò phiêu lưu cuối cùng của Koroviev và Beghemot Chương 29: Số phận của nghệ nhân và Margarita đã được định đoạt Chương 30: Ðã đến lúc! Ðã đến lúc! Chương 31: Trên đồi Vorobiev Chương 32: Sự tha thứ và chốn nương thân muôn đời Phần kết

 

Chương 32:
Sự tha thứ và chốn nương thân muôn đời



Hỡi Chúa Trời, hỡi các vị thần linh! Mặt đất lúc xế chiều mới buồn bã biết bao nhiêu! Những đám sương mù trên các đầm lầy mới huyền ảo biết bao nhiêu! Ai đã từng phiêu lạc trong những đám sương mù đó, ai đã từng chịu nhiều đau khổ trước cái chết, ai đã từng bay trên mặt đất này, mang trên mình một gánh nặng vượt quá sức, người ấy biết điều đó. Ai đã quá mệt mỏi cũng biết điều đó. Và anh ta không một phút tiếc nuối khi từ bỏ những đám sương mù của mặt đất, những đầm lầy và sông suối của nó, anh ta nhẹ nhàng trao mình cho cái chết, biết rằng chỉ có một mình cái chết mới mang lại sự an bình.

Ðến cả những con ngựa thần lông đen cũng phải mệt lử, mang các kỵ sĩ trên lưng bay chậm lại, và đêm tối tất yếu bắt đầu đuổi theo kịp họ. Cảm thấy bóng đêm đã ở sát sau lưng, đến cả Beghemot, vốn hiếu động tinh nghịch, cũng trở nên nghiêm trang, lặng lẽ bay, vuốt bấu chặt lên yên, đuôi xòe ra. Ðêm tối bắt đầu trùm tấm khăn choàng đen của mình lên những cánh rừng và đồng cỏ, đêm tối đã thắp những ánh lửa buồn thảm, thê lương ở một nơi nào đó rất xa phía dưới, những ánh lửa xa lạ bây giờ trở nên vô vị và không cần thiết đối với cả Margarita lẫn Nghệ Nhân. Ðêm tối đã đuổi kịp đoàn người cưỡi ngựa, bao trùm lên họ và vung vãi ra đây đó, trên bầu trời ảm đạm, những hạt sao trắng.

Ðêm tối trở nên đậm đặc, cùng bay bên cạnh đoàn người cưỡi ngựa, túm lấy những chiếc áo choàng, giật ra khỏi vai họ, bóc trần những ảo giác lừa dối. Và khi Margarita, được gột rửa bởi một cơn gió mát, mở mắt ra, nàng nhìn thấy diện mạo của tất cả những người đang bay tới đích đã thay đổi. Còn khi mặt trăng tròn đỏ thắm từ phía sau mép rừng bắt đầu hiện ra, thì tất cả những ảo giác đánh lừa biến mất, lớp vỏ ngoài không bền của yêu thuật đã tuột ra, rơi xuống đầm lầy, chìm trong các đám sương mù.

Bây giờ khó lòng có thể nhận ra Koroviev-Phagot, tay phiên dịch mạo danh của viên chuyên gia bí ẩn và không hề cần ai phải phiên dịch hết, trong cái người giờ đang bay sát liền Voland bên phải nàng bạn gái của Nghệ Nhân. Thay vào chỗ của người mặc bộ quần áo hề xiếc tả tơi rời bỏ đồi Vorobiev dưới cái tên Koroviev-Phagot, bây giờ là một chàng hiệp sĩ tay gò sợi cương vàng, mình mặc áo màu tím thẫm với khuôn mặt ảm đạm đến tột cùng, một khuôn mặt không bao giờ mỉm cười. Anh ta bay, đầu gục xuống ngực; anh ta không ngước mắt nhìn lên mặt trăng; anh ta không chú ý đến mặt đất ở phía dưới chân mình; anh ta bay bên cạnh Voland và mải mê nghĩ về một điều gì đó.

“Tại sao anh ấy thay đổi như thế?” - Margarita khẽ hỏi Voland trong tiếng gió rít.

“Ngày xưa, chàng hiệp sĩ này có một lần nói đùa không thật đạt, - quay khuôn mặt của mình với một con mắt cháy âm ỉ về phía Margarita, Voland đáp. - Câu chơi chữ mà anh ta sáng tác ra trong khi nói về ánh sáng và bóng tối là không tốt lắm. Sau việc đó, chàng hiệp sĩ buộc phải tiếp tục đùa nhiều hơn và lâu hơn so với dự định ban đầu. Nhưng đêm nay là đêm các món nợ đều được thanh toán. Chàng hiệp sĩ đã trả xong nợ của mình và đã được xóa sổ!”

Ðêm tối tước mất cả chiếc đuôi của Beghemot, nhổ sạch và ném tung từng nắm lông mèo xuống các bãi lầy. Kẻ trước đây là con mèo làm trò vui giải trí cho chúa tể bóng tối, bây giờ hóa ra là một chàng trai mảnh khảnh, một quỷ thị đồng, một người hề giỏi nhất trên thế giới từ trước đến nay. Bây giờ, cả anh ta cũng im tiếng và lặng lẽ bay, hướng khuôn mặt của mình lên đón luồng ánh sáng rót từ mặt trăng xuống.

Bay ở phía ngoài cùng của cả đoàn người, với bộ giáp binh loáng ánh thép, là Azazello. Trăng cũng làm đổi khác cả khuôn mặt anh ta. Chiếc răng nanh xấu xí vô nghĩa đã biến mất, và ánh mắt lác hóa ra cũng là giả tạo. Cả hai con mắt của Azazello đều giống nhau, trống rỗng và đen ngòm, còn khuôn mặt thì trắng và lạnh. Bây giờ, Azazello bay trong dáng mạo đích thật của mình: quỷ thần của những hoang mạc khô cằn, một con quỷ sát sinh.

Margarita không thể nhìn thấy mình, nhưng nàng trông thấy rất rõ Nghệ Nhân đã thay đổi như thế nào. Tóc anh giờ trắng bạc lên dưới ánh trăng và kết lại thành bím ở phía sau gáy bay xuôi theo gió. Khi gió thổi nâng vạt áo choàng lên khỏi chân Nghệ Nhân, Margarita trông thấy những chiếc đinh thúc ngựa trên đôi ủng kỵ mã của anh khi thì lóa sáng, khi thì tắt mờ đi như những ngôi sao. Giống như chàng tiểu quỷ thị đồng, Nghệ Nhân vừa bay, vừa nhìn mặt trăng không rời mắt, nhưng anh mỉm cười với tấm gương Nga như với một người quen biết và yêu quý. Theo thói quen có từ khi ở trong căn phòng số 118, anh vừa bay vừa lẩm bẩm nói với mình.

Và cuối cùng, Voland cũng bay trong diện mạo thật của mình. Margarita không thể nói là sợi dây cương ngựa của ông ta làm bằng gì, nhưng nghĩ rằng đó là một sợi dây xích được rèn bằng ánh trăng và cả chính con ngựa cũng là một tảng bóng đêm, bờm của nó là một khối mây đen, những chiếc đinh thúc ngựa trên đôi ủng là những vệt sao trắng.

Họ cứ bay trong im lặng như vậy rất lâu, cho đến khi cả vùng đất phía dưới cũng đã thay đổi. Những cánh rừng buồn thảm chìm sâu vào bóng tối của mặt đất và kéo theo mình các dải sông đục mờ. Ở phía dưới xuất hiện những khối đá lớn phản chiếu ánh trăng mờ ảo, còn giữa chúng là những khoảng đen ngòm nơi ánh trăng không rọi đến.

Voland gò cương ngựa hạ xuống một đỉnh núi bằng phẳng và tiêu điều, rồi đoàn kỵ sĩ đi bước một, lắng nghe tiếng móng ngựa giẫm lên đá sỏi lạo xạo dưới chân. Mặt trăng tưới ngập bãi trống trong một biển ánh sáng màu xanh rực rỡ, chẳng bao lâu sau Margarita trông thấy nổi lên giữa vùng hoang vắng một chiếc ghế bành, và hình người trắng toát ngồi trong ghế. Có thể người đang ngồi này bị điếc hoặc quá đắm sâu vào những suy nghĩ của mình. Người đó không nghe thấy đỉnh núi đá rung chuyển dưới sức nặng của những vó ngựa, và đoàn kỵ sĩ, không làm kinh động, tiến đến gần ông ta.

Ánh trăng giúp Margarita nhìn rất rõ, nó chiếu sáng hơn cả những chiếc đèn pha tốt nhất, và Margarita trông thấy người ngồi trong ghế, với cặp mắt dường như bị mù, đang xoa hai tay vào nhau và nhìn xoáy đôi mắt không trông thấy gì của mình vào vành trăng trên cao. Bây giờ, Margarita đã nhìn thấy, nằm bên cạnh chiếc ghế bành là một con chó đen thẫm khổng lồ tai nhọn; cũng như chủ, nó nằm nhìn lên mặt trăng với vẻ bồn chồn. Dưới chân người ngồi trong ghế bành vung vãi những mảnh hình gốm bị đánh vỡ cạnh một vũng nước đỏ thẫm không bao giờ khô.

Những người cưỡi ngựa gò cương dừng lại.

“Người ta đã đọc cuốn tiểu thuyết của anh, - Voland quay sang nói với Nghệ Nhân, - và chỉ nói có mỗi một điều, rằng nó, cuốn tiểu thuyết ấy, thật đáng tiếc, chưa trọn vẹn. Và đây, tôi muốn chỉ cho anh xem nhân vật của anh. Ðã gần hai nghìn năm nay ông ta ngồi trên bãi trống này và ngủ, nhưng mỗi khi rằm đến, thì như anh thấy đấy, ông ta lại không ngủ được. Chứng mất ngủ hành hạ không chỉ mình ông ta, mà còn cả tên vệ sĩ trung thành của ông ta nữa - con chó Banga. Nếu như quả thật sự hèn nhát là tội lỗi nặng nề nhất, thì có lẽ trong việc này con chó không hề có tội. Ðiều duy nhất mà con vật dũng cảm này sợ, là những cơn giông. Mà cũng phải thôi, ai yêu thì phải cùng chia sẻ số phận của người mình yêu.”

“Ông ấy đang nói gì?” - Margarita hỏi, và trên gương mặt tuyệt đối thanh thản của nàng thoáng hiện lên một làn sương đồng cảm.

“Ông ta chỉ nói có mỗi một điều, - giọng của Voland lại vang lên, - rằng cả dưới trăng ông ta cũng chẳng được yên ổn, và trách nhiệm của ông ta thật tồi tệ. Bao giờ ông ta cũng nói như vậy những lúc không ngủ, còn khi ngủ ông ta lại mơ thấy cũng chỉ một điều: con đường bằng ánh trăng, và ông ta muốn đi theo con đường đó để nói chuyện với người bị bắt Ha-Notxri, bởi vì như ông ta khẳng định, có cái gì đó ông ta còn chưa nói hết vào cái ngày mười bốn tháng Nisan mùa xuân xa xưa nọ. Nhưng than ôi, chẳng hiểu sao ông ta không thể nào bước chân lên con đường đó được, và cũng chẳng có ai đến với ông ta. Và thế là, biết làm sao được, ông ta buộc phải nói chuyện với chính mình. Hơn nữa, để cho khỏi đơn điệu, cùng với những câu nói về mặt trăng, ông ta còn nói thêm rằng cái mà ông ta căm ghét nhất trên thế giới này là sự vinh quang tột cùng và sự bất tử của chính mình. Ông ta khẳng định rằng sẵn sàng đánh đổi số phận của mình với tay Levi Matvei cầu bơ cầu bất rách rưới.”

“Mười hai ngàn đêm trăng sau một đêm trăng đó, như vậy có nhiều quá chăng [1] ?” - Margarita hỏi.

“Lại lặp lại câu chuyện của Phrida ư? - Voland nói. - Nhưng Margarita, ở đây nàng chớ bận tâm lo lắng. Tất cả đều sẽ đúng đắn, thế giới này được xếp đặt trên cơ sở đó.

“Hãy tha cho ông ấy!” - Margarita bỗng hét lên lanh lảnh, hệt như nàng đã từng hét khi còn là phù thủy; tiếng hét của nàng làm cho một tảng đá trên vách núi lở ra lăn theo sườn dốc xuống vực sâu, gây nên những tiếng động rung chuyển núi rừng. Nhưng Margarita không thể nói được rằng đó là tiếng ầm ầm của đá rơi, hay là tiếng cười của chúa quỷ. Dù sao đi nữa, thì vẫn thấy Voland phá lên cười, nhìn Margarita và nói:

“Ðừng la hét như thế ở trong núi, thế nào thì ông ta cũng đã quen với những trận đá lở, điều đó không thể làm kinh động đến ông ta đâu. Nàng không cần phải xin cho ông ta, Margarita ạ, vì cái người mà ông ta vẫn khao khát được gặp để nói chuyện đã xin cho ông ta rồi, - đến đây, Voland lại quay sang phía Nghệ Nhân và nói tiếp: - Vậy là bây giờ anh có thể kết thúc cuốn tiểu thuyết của mình bằng một câu văn!”

Nghệ Nhân dường như đã chờ đợi điều đó trong khi đứng bất động nhìn quan tổng trấn ngồi trong ghế bành. Anh chập hai tay làm loa và hét lên thật to, tiếng vọng truyền dội trên những ngọn núi trụi cây rừng và hoang vắng bóng người.

“Ngài đã được giải phóng! Ngài đã được tự do! Người ta đang đợi ngài! »

Những ngọn núi biến tiếng hét của Nghệ Nhân thành trận sấm rền, và chính trận sấm đó đã hủy diệt những ngọn núi. Những bức tường đã bị nguyền rủa đổ sập xuống. Chỉ còn lại bãi trống nhỏ với chiếc ghế bành đá trên đó. Trên vực sâu không đáy đen ngòm, nơi những bức tường đá vừa rơi tụt xuống, bỗng cháy bừng lên một thành phố rộng mênh mông với những pho tượng thần sáng loáng nổi bật lên ngự trị trên các mái nhà, treo lơ lửng trên khu vườn đã mọc um tùm sau hàng ngàn tuần trăng qua. Một con đường bằng ánh trăng mà quan tổng trấn mong đợi vươn thẳng xuống khu vườn, con chó tai nhọn lập tức chạy lên con đường đó. Người mặc áo choàng trắng với lần vải lót đỏ như máu rời ghế bành đứng dậy, hét lên một điều gì đó bằng giọng khản đặc. Không thể nào hiểu được là ông ta khóc hay cười, và ông ta hét điều gì. Chỉ có thể trông thấy là theo sau con chó vệ sĩ trung thành của mình, ông ta cũng vội vàng chạy lên con đường làm bằng ánh trăng.

«Tôi cũng theo ông ta đến đó à?» - Nghệ Nhân bồn chồn hỏi và khẽ giật dây cương.

«Không, - Voland đáp, - chạy theo dấu vết của cái đã kết thúc để làm gì?»

«Thế nghĩa là tôi phải đến kia?» - Nghệ Nhân lại hỏi và quay người chỉ về phía sau, nơi thành phố họ vừa rời bỏ cánh đây không lâu đứng chìm sâu trong sương với những ngọn tháp tu viện như bột nặn và vô vàn vầng mặt trời vỡ vụn trong các ô cửa sổ.

«Cũng không, - Voland đáp, và giọng nói của ông ta trầm lắng lại, vang rền trên các mỏm đá. - Hỡi Nghệ Nhân lãng mạn! Cái người, mà nhân vật do anh xây dựng nên và chính anh vừa giải thoát xong hằng khao khát được trông thấy, người đó đã đọc cuốn tiểu thuyết của anh. - Nói đến đây, Voland quay sang phía Margarita: - Margarita Nikolaevna! Không thể không tin rằng nàng đã cố gắng để nghĩ ra cho Nghệ Nhân một tương lai tốt đẹp nhất, nhưng cái điều mà ta sắp đề nghị với các người, cái điều mà Iesua đã hỏi xin cho các người, điều đó còn tốt đẹp hơn nhiều. Hãy cứ để cho họ ở riêng hai người với nhau, - Voland nói và ngồi trên yên ngựa của mình nghiêng người sang yên ngựa của Nghệ Nhân, chỉ về phía viên quan tổng trấn vừa đi khỏi, - chúng ta sẽ không quấy phiền họ. Và họ, biết đâu đấy, có thể thỏa thuận với nhau một điều gì đó», - nói xong, Voland khoát tay về phía Iersalaim, và thành phố tắt biến.
«Và ở đó cũng thế, - Voland chỉ về phía sau, - anh sẽ làm gì ở trong cái tầng nhà hầm ấy? - Liền đó, vầng mặt trời vỡ thành muôn mảnh trong các cửa kính vụt tắt. - Ðể làm gì? - Voland nói tiếp đầy thuyết phục và nhẹ nhàng. - Ô, hỡi Nghệ Nhân ba lần lãng mạn, chẳng lẽ anh không muốn ban ngày đi dạo chơi cùng người bạn tình dưới những rặng anh đào đang bắt đầu nở hoa, còn chiều về nghe nhạc của Schubert [2] hay sao? Chẳng lẽ anh không thích ngồi viết bằng ngòi bút lông ngỗng dưới ánh nến? Chẳng lẽ anh không muốn giống như Faust, ngồi bên chiếc bình cổ cong với niềm hy vọng mình sẽ tạo ra được một giống homuncul [3] mới? Hãy đến đấy, đến đấy. Ở đó có một ngôi nhà và một người đầy tớ già đang đợi anh, những ngọn nến đang cháy sáng, nhưng chỉ lát nữa thôi chúng sẽ được tắt đi, vì rằng anh sẽ nhanh chóng đón gặp bình minh. Hãy đi theo con đường này, hỡi Nghệ Nhân, theo đường này. Tạm biệt. Ta đã đến lúc phải chia tay.

«Vĩnh biệt!» - Margarita và Nghệ Nhân đồng thanh kêu lên đáp lại lời Voland. Liền ngay đó,

Voland hắc quỷ, không hề chọn đường, nhảy vụt xuống vực sâu, và cả đoàn tùy tùng của ông ta ầm ầm phóng theo sau. Xung quanh vụt không còn cả những núi đá lẫn bãi bằng trống trải, không còn cả con đường ánh trăng lẫn thành phố Iersalaim. Những con ngựa ô cũng biến mất. Nghệ Nhân và Margarita trông thấy vầng bình minh đã được hứa hẹn. Nó bắt đầu hiện ra tức khắc, tiếp ngay liền sau vầng trăng rằm nửa đêm. Nghệ Nhân cùng người bạn tình của mình bước đi trong ánh rực rỡ của những tia nắng sớm đầu tiên trên cây cầu nhỏ bằng đá rêu phong. Họ đã qua khỏi cầu, con suối nhỏ nằm lại phía sau lưng cặp tình nhân chung thủy, và họ bước dọc theo con đường rải cát.

«Anh hãy lắng nghe sự tĩnh mịch vô thanh, - Margarita nói với Nghệ Nhân, và con đường rải cát lạo xạo khe khẽ dưới đôi chân trần của nàng. - Hãy lắng nghe và hãy tận hưởng cái mà người ta không trao cho anh khi còn sống - sự yên tĩnh. Anh hãy nhìn xem kia, phía trước là ngôi nhà vĩnh viễn mà anh được ban tặng. Em đã trông thấy ô cửa sổ kiểu Venezia và cây nho dây, nó leo lên tận mái nhà. Ðây là nhà của anh, ngôi nhà vĩnh viễn của anh. Em biết rằng chiều về, mọi người sẽ đến với anh, những người mà anh yêu mến, những người mà anh quan tâm và những người không quấy phiền anh. Họ sẽ chơi đàn, sẽ hát cho anh nghe, anh sẽ thấy căn phòng sáng lên khi những ngọn nến được thắp đỏ. Anh sẽ ngủ thiếp đi với chiếc mũ không vành muôn thuở lấm dầu của anh, anh sẽ thiếp đi với nụ cười trên môi. Giấc ngủ sẽ làm cho anh trở nên sảng khoái hơn, anh sẽ suy nghĩ sáng suốt hơn. Và anh sẽ không còn xua đuổi em đi. Em sẽ là người giữ gìn giấc ngủ cho anh.»

Ðó là những lời Margarita nói khi đi bên cạnh Nghệ Nhân hướng về ngôi nhà vĩnh viễn của họ, Nghệ Nhân có cảm tưởng những lời của Margarita cũng chảy thành dòng như con suối nhỏ mà họ vừa bỏ lại thì thầm róc rách sau lưng; và ký ức của Nghệ Nhân, cái ký ức bất yên và bị những mũi kim đâm nát, bắt đầu mờ đi. Có ai đó đang giải thoát cho Nghệ Nhân đến với tự do, như chính anh vừa rồi đã giải thoát cho nhân vật mà anh tạo nên. Nhân vật của anh đã đi vào chốn hư vô, đã đi không trở lại, đã nhận được sự tha thứ vào đêm trước lễ Phục sinh ngày chủ nhật - đó là con trai của nhà vua kiêm nhà chiêm tinh học, viên quan tổng trấn thứ năm tàn bạo của xứ Giudea, kỵ sĩ Ponti Pilat.

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]Có lẽ ở đây muốn nói: sau khi duyệt bản án tử hình Iesua, sau đó, suốt hai ngàn năm, Ponti Pilat cảm thấy bị dày vò nặng nề, nhất là vào tuần trăng mùa xuân trước lễ Phục Sinh. Sáu đêm trăng trước lễ Phục Sinh, nhân với hai ngàn năm, thành “12 ngàn đêm trăng” như Bulgacov đã viết (chú thích của biên tập viên Nhà xuất bản Cầu Vồng, bản in năm 1989).
[2]Schubert F. (1797-1828): nhạc sĩ thiên tài người Áo.
[3]Homuncul (tiếng Latinh Trung thế kỷ: người tí hon): theo quan điểm của các nhà giả kim thuật Trung thế kỷ, là một sinh vật giống người có thể được tạo ra trong ống nghiệm.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài