talawas chủ nhật

 
Thơ :: 10.09.2006
Đinh Linh Hậu Việt ngữ
Dinh Linh

Hãy hình dung, đề thi đại học môn Văn ở Việt Nam là bình giải một bài thơ của Đinh Linh. Những kịch bản kì lạ sẽ diễn ra không chỉ trong phòng thi mà có lẽ trước hết trong phòng giám khảo. Phẫn nộ là phản ứng dễ xảy ra nhất. Rồi đến ngơ ngác. Và cả tuyệt vọng về tương lai của thi ca Việt Nam. Chẳng lẽ hành trình thơ Việt từ đỉnh cao của những câu lục bát Nguyễn Du lại ngoặt qua một "nẻo dặm trường" như những gì mà tác giả của talawas chủ nhật kì này mời bạn đọc thưởng thức?

Thơ Việt quả nhiên đã bước vào những quỹ đạo văn hoá và ngôn ngữ vượt xa các quan niệm chuẩn mực cố hữu. Chúng tôi xin giới thiệu chùm thơ tiếng Việt mới nhất của nhà thơ Mỹ gốc Việt sáng tác bằng cả hai ngôn ngữ, Đinh Linh, một trong những tác giả độc đáo và chia rẽ dư luận nhất từ nhiều năm nay.
talawas chủ nhật

Đinh Linh

Hậu Việt ngữ


13


Bạn luôn khom người trên ghế bành để tỏ tình cải lương với một bộ mặt nhìn ngang. Như thế, bạn giống cây kèn bầu. Tuy luôn mong chờ những lời khen quá đáng về những thành tích cực kỳ vụn vặt, bạn lánh và khi miệt những ai yêu mến bạn.

Khi nắng trưa lại chéo xuống, bạn khẩy đàn, nhai paté chaud và nhấm nháp cà phê chế rượu rom. Luôn luôn lâng lâng, bạn coi cuộc đời như lá bắc hồng quấn quít nhuỵ vàng. Tối nay, đứng trong hành lang mốc meo, bạn sẽ thốt câu kế cuối với một chút sĩ diện.

Thiên hạ thường thấy bạn đứng ngang đầu cầu thang, lắng nghe điệu nhạc xa vời. Tóc bạn phồng phía trước, dẹp phía sau. Nhìn chéo, bạn ăn ảnh nhất. Một hai phút sau nửa đêm, sâm banh sẽ tràn từ vành miệng thơm dịu của bạn.

Khi đang khều mẩu đặc ân đã bị thất lạc từ lâu, ai đó níu vai bạn. Bạn quả là bậc thầy cái chiêu thẩm-mỹ-hoá tội phạm của chính mình, khiến những nạn nhân cũng biết ơn khi được hiện hình trong những nhiếp ảnh khiếp tởm của bạn.

Khơi dậy sự ngờ vực và căm ghét bản thân trong bất cứ ai có quan hệ với mình, bạn là một ung thư và một con lợn. Khi chuỗi mơ màng thỏa thuê của bạn bị cắt ngang bởi một cảnh tượng đáng khiếp, rờn rợn, bạn trút một nốt Mi cao, rồi nặn cơ thể một cách khiếm nhã.

“Lằn thẳng thì quá dễ”, bạn nghe trong giấc mơ, “nhưng không ai có thể vẽ một vòng tròn hoàn hảo”. Bạn nhếch môi trước sự khiêu khích. Thức dậy, bạn làm việc cả đêm trên một tờ giấy vô tận, vẽ vòng tròn rồi lại vòng tròn, mỗi cái méo mó, vuông vuông, mang máng hình chữ nhật, thậm chí rõ ràng tam giác.

Ráng lột những ngón tay của bạn, ai đó nài “Buông tôi ra!”, nhưng bạn đã đạp đổ mọi ranh giới. Như tất cả nhân loại, bạn thèm một phút phơi bày tuyệt đối. Hôm nay là ngày của bạn. Gân bạn sẽ nhô ra.

Tình cờ nghe “Quê tôi, thiên hạ không…”, bạn đấm vào mặt kẻ phát ngôn, một lão di dân mù, khiến hắn phun hai răng, trước khi chính bạn bị đánh gục bởi một phang ngay ót. Tỉnh dậy sau vài ngày, bạn nghe một con chó đượm sắc não nùng tâm sự rằng chính hắn cũng thường xuyên ngủ gục trong những đoạn gay cấn nhất.

Trong cầu tiêu của trạm xe tỉnh lẻ, bạn phát hiện chân dung mình trong thùng rác. Bạn cắt tranh sơn dầu, rồi gấp mặt vào túi quần. Sau đó, bạn cau có khi thấy mũi mình được biểu hiện bằng điếu hút thuốc lào, và miệng mình chỉ là một cái lỗ.

Bạn không hiểu nổi tích chuyện một thanh niên say đắm phản ảnh của chính hắn dưới mặt suối. Nơi bạn sống, nước không phản ảnh. Không gì phản ảnh. Quan niệm về bản thân hoàn toàn được cóp ghép từ những lời gièm pha của thiên hạ.

Khi bị chủ khuyên nên mua áo mới, bạn đáp: “Mua áo mới có nghĩa là thừa nhận tôi sẽ sống ít nhất hai năm nữa. Quá tự tin như vậy dĩ nhiên sẽ bị trừng phạt. Hơn nữa, một sự bất phù hợp nhố nhăng sẽ hiện ra giữa cái áo mới tinh và cơ thể chưa chi đã mòn của tôi. Sự bất phù hợp này sẽ làm toàn thể con người tôi, từng tế bào một, cảm thấy xấu hổ không thể tả xiết, một sự xấu hổ không phải trên da mà trong da, một sự xấu hổ sẽ khiến tôi chết sớm”.

Bạn thức dậy, bao trùm bởi một giai điệu hoang dã. Trên trần, một vết ẩm hiện hình mặt mẹ, nhìn chéo. Một chất lỏng đáng khả nghi đang nhiễu xuống trán bạn. Uớc gì có một bàn tay to choán như cây dù để che chở bạn khỏi cơn thoái hoá mơn mởn này.


Costa San Giorgio

Có một con đường tại Firenze, một con đường có thiệt —Costa San Giorgio— được xây như đường hầm. Hẹp và vằn vèo, bề ngang bị xiết bởi những bức tường uy nghi, lô nhô trên đỉnh cả vạn mảnh thủy tinh sắc và đa sắc, Costa San Giorgio chạy hoài mà không bao giờ bị lỡ trớn hay cắt ngang bởi bất cứ đạo nào khác. Bầu trời mảnh khảnh giảm sơ phần ngộp ngạt. Costa San Giorgio nhấp lên, thoải xuống, trải qua nhiều đồi, hay chỉ một đồi theo hình chữ chi. Cũng có lẽ nó luẩn quẩn đi vòng, một hình thể bao bọc Firenze, nước Ý hay cả vũ trụ đã được, hay chưa đã được, đồ vẽ trong bản đồ. Cũng có thể nó là một loại máy tập thể dục khổ sai, đời mới, giẫm chân tại chỗ để đun, nhoà rồi giảm mỡ. Gì thì gì, khi khách bộ hành xấu số, ấm ớ đã lỡ luồn vào Costa San Giorgio, hắn chỉ có thể sải chân bước hoài để đến một kết thúc đơn độc thê thảm và nực cười. Trong cuộc hành trình hắn sẽ thấy, nếu thò lỏ mắt tinh, bao nhiêu phế tích tội nghiệp của những kẻ đi trước: những chiếc giày lẻ loi, há họng, với đế mòn, gãy, xi ba chao; những cây bút khát mực; tăm tẩm đen; cụm tóc dài, ngắn hay loăn xoăn; những mẩu xuơng không rõ lý lịch từ thú, tiên hay người; những trang xé từ tiểu thuyết hoặc từ điển, Zingarelli, Webster, La Rousse, tất cả đều được tuyển làm nghĩa vụ hậu bã vệ sinh. Khách bộ hành có thể đi ngược chiều, dĩ nhiên, nhưng quyết định này hiếm khi dẫn đến một kết quả mát dạ—quá nhiều cây số đã phai nhòa, quá nhiều tích tắc đã tích tắc. Đi ngược lại cũng có nghĩa là thú nhận sự dại dột và vô nghĩa của cả một cuộc đời, một đời người lãng phí lảng vảng cõi Costa San Giorgio. Vì vậy khách lữ hành đành phải lê bước tiến tới, trên một lề đường quá hẹp cho chỉ một chị mèo được đỏng đảnh. Khi lả người vì đói khát, sĩ diện không cho phép hắn gõ những cánh cửa lạnh lùng của những căn nhà hiếm thấy. Gì thì gì, những căn này, tuy vẫn kiên cố và thanh lịch, rõ ràng đã bị bỏ trống nhiều thế kỷ.


Phương thức vận chuyển

Cách, kiểu hay kiểu cách nhàn hạ, chậm, rẻ, bần cùng và dễ thương nhất là xích lô. Đây tôi chưa kể về sự quan hệ lành mạnh, không vụ lợi, giữa sinh vật và môi trường, một nỗi thông đồng nhịp nhàng giữa cẳng và bầu khí quyển.

Tại Sài Gòn, đầy thiện chí, da ngăm đen, phu đạp, định hướng từ sau lưng ta, như một người mẹ ân cần, lo âu, toát mồ hôi hột. Vừa nhìn thẳng vừa liếc ngang, phu chồm, đảo hai vai gầy qua lại, lầm lì đẩy ta vào nguồn xe 2, 4 hay 18 bánh, lắm khi phóng ngược chiều, thường xuyên quá tải, lái bởi những kẻ lơ đãng, buồn ngủ, xỉn hay hận đời.

Tại Cần Thơ, phu khụm người, mâu thuẫn và oái oăm thay, trước mặt khách. Không chớp mắt, ta phập phồng theo dõi bố già khi hắn lao đầu vào một chốn hư vô đầy hí hửng và bất trắc.

Tại Philippines, phu song song khách, như một người bạn hay anh em, một sự dàn xếp bình đẳng, thân mật và lý tưởng. Tuy vậy, nhiều kẻ vẫn không hài lòng, vì họ thà được trôi qua cuộc đời này hoàn toàn trong tư duy.

Gì thì gì, khi một máy bay nhiều màu, gầm vang, bỗng hiện lên trên trời, ta lại ngước mặt nhèm nhẹp lệ, rồi ao ước, Có lẽ một ngày nào đó tôi cũng được lạnh cóng trên những làn mây, mút kẹo mút rồi quăng que vào thiên đàng.


Phong thủy

Nhà không cửa. Thay vì cửa, một bồn nước luôn sôi sục, biểu tượng cho vượt biên. Dăm con cá vàng thì tượng trưng cho vàng, đô, dép mủ và cả ngàn thứ lặt vặt được gói ghém, chuẩn bị cho tẩu thoát và tương lai, nay lẳng lặng dưới đáy biển. Cá vàng cũng là linh hồn những kẻ chết đuối.

Muốn ra vô phải trèo qua cửa sổ. Cửa sổ nào cũng được. Đập bể kiếng nếu cần. Cậy thanh sắt nếu cần. Ra vào phải lậu mới bõ ghét. Cửa không chặn, không đáng bước qua.

Tường nào cũng tâng Bác, thậm chí cả trần nhà. Nhìn lên, thấy Bác cười xòa, nhìn xuống, bắt gặp Bác tua tủa tòi. Trên bàn thờ, Bác đứng giữa Bồ Đề Đạt Ma, Giê Su Ma, Hà Bá, Ông Địa và Quan Công.

Giữa phòng khách, trên một bệ cao ngang lỗ mũi, một bồn cầu tượng trưng, đúc đại bằng sáo thơ, khẩu hiệu và hiến pháp, to gấp mấy lần tiêu chuẩn quốc tế. Không có bồn cầu thiệt trong nhà.

Trên một kệ cao quá tầm tay là những món quốc cấm, nhố nhăng, bổ ích, đồi truỵ, nham nhở, phản động, sống động, thông thường, nhiều lắm không đếm xuể.

Ở cuối một hành lang thăm thẳm, rất dốc, là một cái gương khổng lồ. Gương này cho phép bạn tự chiêm ngưỡng mình từ một khoảng cách rất xa, trong khi đang lảo đảo bước tới, mỗi lúc mỗi thêm tốc độ, trước khi té nhào vào gương.


Phim sếch

Một ả mặt non (hề) đứng bên ven đường (hề) cạnh người cha chồm hổm (hề) luôn luôn trù SIDA (hề) mỗi lần tôi phóng ngang trên xe Dream (bô xì, rỉ nhớt).

Quất đuôi có-thể-tách-rời lên tường trắng ngà, một khứa thằn lằn khằng khặc, Đắc, đắc, đắc, đắc, đắc, hả hê vì vừa khắng khít với một mống ruồi xanh.

Hí mắt, địa chéo ra cửa sổ, tôi lại thấy nó đứng trơ trong phòng thuê. Cách tôi năm mét, nó đang khòm lưng tưới hoa hay vuốt mèo. Ngứa, nó chậm rãi gãi ngã này, bùng binh nọ. Ai chẳng biết vải bông rất mềm dịu, thoải mái, không hầm háng, nhưng tôi, như nó, cũng chẳng thèm mặc. Hôm nay 99 độ C. Ngày mai hay ngày mốt, bảo đảm tận thế.


Hậu Việt ngữ

Thân tặng Trịnh Thanh Thuỷ và Nguyễn Duy

Tuy có gấp ba cơ hội để thoải mái, em tôi, ba phái, vẫn chưa từng áp drap.

“Khổ lắm”, nó lẻo loét, “em chưa hạnh tung hay choãi vã bao giờ. Thà lết dương như anh còn hơn!”

“Mày cứ kiên nhẫn”, tôi khuyên. “Đừng vồ đại bi hài hay hạ bã của bất cứ ai. Làm vậy, chỉ có dạng dang. Từ từ mày sẽ có đối tượng trám mút. Đừng vội neo nồn.”

“Đèo đéo cả đời bởi bọn trừ sản, anh quen són hót. Thơ bất động sảng, thơ đườn, thơ đùn, thơ ông kẹ, anh đều rành. Nhờ biết phỉnh nặn, ngày nay anh bơ phở, nhưng em không muốn làm quân truồng mãi mãi, nhục lắm.”

“Hết liến dương, bây giờ tao chỉ đại đường, dộng dang, sắp sửa thụt địa, nhưng dù sao đi nữa, tao lạy ông bà vì gia đình mình khắm khít.”

© 2006 talawas

Đinh Linh sinh 1963 tại Sài Gòn. Qua Mỹ 1975. Có lúc sống ở Ý và Anh. Theo tự bạch của Đinh Linh, cách đây vài năm, anh đi sơn nhà, rửa cầu tiêu để kiếm ăn, nhưng hiện nay chỉ phải dạy sinh viên Mỹ làm thơ, làm văn tại các trường đại học như Bard College (New York), Fairleigh Dickinson (New Jersey) và Naropa (Colorado). Anh đã được mời đọc thơ ở khắp nước Mỹ và tại London, Cambridge và Berlin. Đinh Linh hiện sống với vợ, Diễm Hằng, tại Philadelphia.

Tác phẩm: Viết bằng tiếng Anh, Đinh Linh là tác giả của hai tập truyện ngắn: Fake House (2000) và Blood and Soap (2004) và ba tập thơ: All Around What Empties Out (2003), American Tatts (2005) và Borderless Bodies (2006). Anh cũng là chủ biên các tuyển tập: Night, Again: Contemporary Fiction from Vietnam (1996) và Three Vietnamese Poets (2001). Anh là dịch giả của tập Night, Fish and Charlie Parker (2006), thơ Phan Nhiên Hạo. Anh cũng đã dịch nhiều nhà thơ, nhà văn Việt sang tiếng Anh, và nhiều nhà thơ thế giới sang tiếng Việt.

Những sáng tác của Đinh Linh đã được tuyển vào Best American Poetry 2000, Best American Poetry 2004, Great American Prose Poems from Poe to the Present, và nhiều tập khác. Blood and Soap được báo Village Voice (New York) chọn là một trong những cuốn sách hay nhất năm 2004 và đã được dịch sang tiếng Ý, xuất bản dưới tựa đề Elvis Phong è Morto (2006).

Những tác phẩm và bài viết tiếng Việt của Đinh Linh được đăng trên các trang Tiền Vệ, talawas, Tạp chí Thơ, Văn Học, Văn, Gió Văn, Hợp Lưu, và Da Màu.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài