talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 28.01.2007
Vũ Phương NghiChuyện lan man đầu thế kỷ

Phần I Phần II

Vu Phuong Nhi
Vũ Phương Nghi

Vũ Phương Nghi thuộc loại nhà văn bước vào văn đàn một cách bình tĩnh và bản lĩnh. Chỉ với tiểu thuyết đầu tay, Chuyện lan man đầu thế kỷ, một giọng văn mới và riêng đã được ấn định, một tác giả mới đã tìm được chỗ cho mình. talawas chủ nhật kỳ này xin giới thiệu tác phẩm của nhà văn có vị trí khá đặc biệt trong thế hệ nhà văn mới của Việt Nam.

talawas chủ nhật

Vũ Phương Nghi

Chuyện lan man đầu thế kỷ

(Tiểu thuyết)



Lời mở đầu

Nếu có ai đó cho rằng thế giới được số hóa và đem chuyển tải trong các đường dây internet là một thế giới ảo thì đó là sai lầm nghiêm trọng.

Phần I

Mùa thu

Lời mở đầu cho phần một Chương 1: Hủ nữ Nguyễn Kỳ Cầm Chương 2: Cuộc sống tươi đẹp Chương 3: Người và vật đều đáng yêu Chương 4: Đêm kinh hoàng Chương 5: Khi người ta đều nói thật Chương 6: Tôi là người biến thái?!

 



Chương 3

Người và vật đều đáng yêu

Long miêu tên tiếng Anh là con Chinchilla, cũng là tên gốc của sóc Nam Mỹ, nguồn gốc ở vùng cao nguyên Andis - Nam Mỹ, thuộc loài động vật có vú gặm nhấm, do ảnh hưởng của bộ phim hoạt hình Nhật “Totoro”, người Hồng Kông đặt cho vật này cái tên tiếng Trung là “long miêu”, sau đó “long miêu” trở thành cách gọi Chinchilla phổ biến của người Hoa nói chung.

Do nguồn gốc ở vùng Andes Nam Mỹ, da và lông có giá trị kinh tế cao, khiến long miêu bị săn bắt ở tầm đại quy mô, đến thế kỷ hai mươi, long miêu trong tự nhiên đã tuyệt chủng. Năm 1922, nhà nghiên cứu người Mỹ M. F. Chapman là người đầu tiên đưa tám con long miêu đực và ba con cái về Mỹ thực hiện nuôi và cải tạo giống. Hiện nay trên thế giới chỉ còn long miêu đã thuần hóa, tính đến cuối thế kỷ hai mươi khắp thế giới có khoảng bốn đến năm trăm nghìn con long miêu được nuôi chủ yếu ở Mỹ, Canađa, châu Âu, Nhật Bản, Hồng Kông,… Những khu vực ở xấp xỉ vĩ độ bốn mươi Bắc hay Nam bán cầu là thích hợp nhất cho long miêu sinh sống.

Đó là một đoạn rất ngắn trong hàng trăm hàng nghìn những trang tin tức về con long miêu mà tôi tìm được trên mạng, như vậy là con vật này có một tên tiếng Anh, cũng chính là tên gốc của nó, một tên tiếng Nhật được dân yêu thích hoạt hình Nhật Bản dùng phổ biến và một cái tên tiếng Trung được những người có tiếng mẹ đẻ là tiếng Trung và cả những người như tôi vốn chẳng có tiếng mẹ đẻ là tiếng Trung sử dụng, tôi cũng phải học theo người Trung Quốc gọi nó là long miêu thôi vì tôi không biết tên tiếng Việt của con vật này. Ở đây người ta gọi nó là “vật nuôi của thời đại mới”, những con long miêu được nuôi trong các gia đình có lẽ cũng chẳng thua gì hủ nữ ở trên mạng về độ mới mẻ, tôi ngờ rằng nó cũng hệt như hủ nữ - chưa hề có cách gọi riêng trong tiếng Việt.

Giờ thì cái con vật mới mẻ mà tôi còn chưa biết trong tiếng mẹ đẻ của mình nó được gọi là con gì đó đang ở trước mặt tôi đây, run rẩy nằm trong cái lồng sắt hình hộp chữ nhật khá lớn, nó nằm trên cái bát ăn bằng sứ, cuộn tròn lại, quay lưng về phía tôi, mặt mũi chìm dưới thành bát, từ chỗ tôi nhìn chỉ thấy một khối lông màu xám to bằng nắm tay người lớn đang run lên từng chập, nó run mạnh hơn mỗi khi tôi đưa tay vuốt lên lớp lông dày trên lưng nó, nhưng chỉ run được thôi chứ không còn đủ sức tránh bàn tay của tôi nữa. Chỉ độ nửa tháng trước, lần đầu tiên khi nhìn thấy con vật này, tôi còn không dễ dàng chạm vào nó như thế này được, khi đó nó rất khỏe, dùng tốc độ rất nhanh của loài gặm nhấm nhảy tránh bàn tay tôi, mở đôi mắt đen to nhìn kẻ lạ, ánh mắt linh hoạt, những sợi râu dài hai bên mép rung rung. Rồi nó được bán đi ngay hôm đó và sau hai tuần lại bị đưa trả về cửa hàng, trở thành một nắm lông và xương ốm yếu.

“Loại người này thật không xứng nuôi thú cảnh!” Chủ cửa hàng, một phụ nữ cao lớn trạc ba mươi lăm tuổi bất bình nói với tôi.

“Con long miêu này làm sao thế?” Tôi hỏi dù biết là thế nào có không hỏi thì chị ta cũng tự động kể cho tôi nghe thôi, từ lúc mua lũ chuột ở đây rồi hình thành thói quen rẽ vào cửa hàng những lúc rỗi rãi, ngắm các con vật như đi vườn thú, tôi đã quen thuộc cái cửa hàng này, các con vật ở đây và cả tính khí của bà chủ.

“Cô xem, chuyện cứ như đùa, cái gã mua con long miêu này mới nuôi được nửa tháng, đến hôm qua thì đem đến đây hỏi tôi “Nó làm sao thế? Sắp chết rồi?!”, mới đầu tôi cứ tưởng nó bị đau bụng hay làm sao chứ, xem rồi mới biết, nó chẳng sao cả, chỉ sắp chết đói thôi.” Chị ta vừa nói vừa lôi ra chìa cho tôi xem một túi thức ăn cho long miêu hàng Trung Quốc sản xuất, cái túi đã được mở ra nhưng gần như còn đầy nguyên. “Cô xem, trong nửa tháng vừa rồi chỉ cho nó ăn một tẹo thế này, gần như là không cho ăn gì cả, chỉ uống nước, thế thì sống làm sao được! Tôi hỏi sao lại không cho ăn thì trả lời là thức ăn cho nó đắt quá, chỉ cho được ngần đó thôi!”

Một con long miêu có giá tính bằng hàng nghìn nhân dân tệ và một túi đồ ăn, một túi cỏ giúp điều hòa tiêu hóa, lồng cũi, máng ăn, cát tắm,… mỗi thứ đều phải tính bằng hàng trăm nhân dân tệ, ấy là còn chưa kể đến các dụng cụ chống nóng dùng trong mùa hè và chống lạnh dùng trong mùa đông cùng tiền điện cho những lúc sử dụng, đây chẳng những là vật nuôi của thời đại mới mà còn là vật nuôi của người có tiền nữa, thế nên tôi cũng rất lấy làm lạ trước việc hôm nay.

“Đã mua được nó rồi thì sao lại không có tiền mua đồ ăn cho nó chứ?” Tôi thắc mắc, ngay lập tức bà chủ lại được dịp xổ ra một tràng.

“Thì đó, trước khi mua về nuôi phải tính kỹ chứ, giờ không những làm nó biến thành ốm yếu thế này đem trả lại, lại con đòi tôi phải trả lại tiền, tôi bảo làm gì có chuyện đó, tiền đó tôi dứt khoát không trả lại đâu, giờ nó bị viêm đường tiêu hóa nặng rồi, cô xem.”

Chị ta lại chỉ những viên phân to bằng cúc áo dưới đáy lồng, bình thường những loài gặm nhấm này cho ra phân cứng, khô và không có mùi, hình tròn hay hình thoi, nhưng lúc này, phân của con long miêu này thật sự không thành hình thù gì cả, nhão nhão và bốc mùi, điều này chứng tỏ hệ tiêu hóa đau nặng rồi, tôi lại nhìn con vật đang run rẩy, nhớ lại những lần mình bị đau bụng và nghĩ hẳn là nó đang đau lắm.

“Bà chủ, thuốc em mua về rồi, nhưng chỉ mua được một loại thuốc thôi.”

Một giọng con trai còn rất trẻ và một khuôn mặt cũng còn rất trẻ xuất hiện cạnh những lồng chuột, thỏ, thằn lằn và rùa bày đầy lên bên cửa ra vào. Chàng trai bước vào, đưa bà chủ một cái hộp bìa nhỏ bằng bao thuốc lá, bên trên có vẽ vài lá cỏ xanh và đầy chữ to chữ nhỏ, nhìn loáng thoáng cũng đoán ra là hộp thuốc dù tôi còn chưa kịp nhận ra những chữ viết trên hộp. Nhưng cái làm tôi chú ý nhất không phải là hộp thuốc mà là sang giây thứ ba nhìn khuôn mặt đó, tôi xác nhận là anh ta trông rất quen, rất có thể tôi đã nhìn thấy anh ta ở đâu đó rồi, đây cũng là hiện tượng bình thường thôi bởi lẽ cái cửa hàng này chỉ cách cổng trường gần nhất có năm phút đi bộ, rất có thể tôi đã nhìn thấy anh ta ở đâu đó trong trường.

Trong khi tôi cố nhớ lại xem đã gặp cái con người này ở đâu thì những lời đối đáp giữa anh ta và bà chủ cửa hàng lại thu hút sự chú ý của tôi:

“Thế còn một loại thuốc nữa đâu?”

“Đó là thuốc dùng để tiêm, các hiệu thuốc đều không có bán. Họ bảo chỉ có ở bệnh viện mới có bán thuốc tiêm.”

“Thế thì làm thế nào bây giờ?” Bà chủ thở dài “Từ đây đến bệnh viện thì xa quá.”

“Thực ra em đã đến cả bệnh viện trường nhưng ở đấy người ta bắt phải khám bệnh mới bán thuốc cho, em bảo mua thuốc cho thú cảnh, thế là họ không bán nữa.”

“Để tôi đi thử xem.” Tôi xen vào cuộc nói chuyện giữa họ, nhìn con vật ốm yếu và vẻ lo lắng ra mặt của bà chủ, lòng hăng hái muốn giúp đỡ của tôi không biết tự lúc nào nổi lên.

“Cô định mua ở đâu?” Cậu trai quen mặt hỏi.

“Cũng vào bệnh viện trường thôi, nhưng mà rất có thể tôi mua được vì tôi là lưu học sinh mà.”

“Vậy thì tốt quá, nhờ cô nhé.” Bà chủ cười tươi quay sang nói với cậu trai “Đi với cô ấy đi.”

Cậu trai này chẳng lộ một vẻ gì là ngạc nhiên khi tôi nói tôi là lưu học sinh cả, cần phải thấy cậu ta ngạc nhiên mới có thể coi là bình thường được bởi phần lớn người ở đây đều cho tôi là người Quảng Đông trong lần gặp đầu tiên. Vì thế, giờ thì tôi có thể chắc chắn là anh ta không những đã gặp tôi mà còn biết tôi là người nước ngoài rồi.

Ba phút sau, tôi và cậu trai quen mặt đã trên đường đến bệnh viện trường, nơi chỉ cách cửa hiệu thú cảnh có mười lăm phút đi bộ, tức là phút thứ ba của mười lăm phút đó, cậu ta hỏi tôi:

“Cô là khách quen của cửa hàng đó à?”

“Vâng, bạn cũng thế à?”

“Không, tôi kiếm thêm ở đấy.”

“Sao từ trước tôi không thấy bạn ở đấy?” Dù vẫn chưa nhớ ra được đã gặp cậu ta ở đâu, thế nhưng riêng về cái cửa hàng thú cảnh đó thì tôi đủ tự tin để chắc chắn rằng đến cả một con chuột nhỏ được bày ở đó qua ba ngày tôi cũng có thể nhận ra được ngay chứ chưa nói đến cả một con người đẹp đẽ như thế này.

“Tôi mới bắt đầu làm việc từ hôm nay thôi.”

Tôi “À” một tiếng rồi chúng tôi lại im lặng mà đi chừng ba phút nữa, cậu ta lại hỏi:

“Cô Nguyễn, cô chắc là mua được thuốc chứ? Vừa rồi họ có chịu bán cho tôi đâu?”

Lần này thì tôi không thể chịu nổi nữa, tôi bật ra câu hỏi với giọng sốt ruột nhiều hơn là kinh ngạc:

“Bạn biết họ của tôi à?”

“Cô là Nguyễn Kỳ Cầm, người Việt Nam, đang học khoa ngôn ngữ trường này, số hiệu sinh viên 1562300.” Cậu ta xổ ra một tràng, có vẻ hài lòng khi thấy vẻ kinh ngạc trên mặt tôi, cậu nghỉ một chút rồi nói tiếp: “Tôi còn làm việc ở cửa hàng internet gần trường nữa, một năm trước gần như ngày nào tôi cũng được xem thẻ sinh viên của cô.

Giờ thì tôi nhớ ra rồi, cậu ta và tôi đã từng thường xuyên nhìn thấy nhau trong một thời gian dài năm ngoái, khi mà tôi vẫn chưa mua máy tính riêng và ngày ngày phải trình thẻ sinh viên để lên mạng ở hàng internet (Ở đây người dưới mười tám tuổi không được vào hàng internet, vì vậy muốn vào phải trình chứng minh thư hay thẻ sinh viên). Đây là một quy trình chung của tất cả các lưu học sinh thôi, làm khách quen của hàng internet trong vài tháng đầu hay năm đầu dọn đến, sau đó thì mua một cái máy tính, nối mạng và lên mạng còn thường xuyên hơn nhiều những ngày phải ra hàng internet ngồi. Tôi cảm thấy mất thể diện quá, thật chẳng biết nói sao nữa, không thể nhớ nổi dù chỉ là mình đã gặp cậu ta ở đâu, vậy mà cậu ta thì đến cả số hiệu sinh viên của tôi cũng đọc vanh vách không sai. Dường như nhận ra sự bối rối của tôi, cậu ta cười nói:

“Người làm công thì thường chẳng mấy ai nhớ, lâu lắm rồi không thấy cô đến lên mạng, cô quên tôi cũng là phải thôi.”

“Giờ tôi lên mạng ở ký túc xá.” Tôi cố mở mồm cho đỡ ngượng và cắm đầu đi thật nhanh, rất may là chúng tôi đã đến cửa bệnh viện trường và cuộc đối thoại tạm ngừng.

Bà dược sĩ ngồi sau quầy thuốc trỏ lên gác hai:

“Lên đó, khám, rồi đem đơn xuống đây lấy thuốc.”

“Nhưng mà không phải lấy thuốc cho cháu, cháu không ốm.” Tôi nói.

“Không ốm cũng lên khám, phải có đơn tôi mới bán thuốc được.”

“Nhưng cháu không ốm thì khám thế nào ạ?”

“Thì cô cậu cứ lên trên ấy, trình bày, bảo bác sĩ viết đơn cho.”

Cậu trai thì thầm vào tai tôi:

“Vì thế nên tôi mới không mua được thuốc.”

Chúng tôi đi lên gác hai, rồi tôi giảng giải với một bà bác sĩ rằng chúng tôi đều không có bệnh nhưng cần mua loại thuốc tiêm chữa viêm dạ dày này, bà ta hỏi vậy ai có bệnh và khi tôi trả lời thuốc để chữa cho một con long miêu thì bà bảo rằng ở đây không bán thuốc cho mèo, cần thì đến bệnh viện thú y. Hiểu ra ngay rằng bà ta chỉ nghe được chữ “miêu” khi tôi nói “long miêu” nên nghĩ rằng chúng tôi mua thuốc cho mèo, nhưng cũng không muốn mất thời gian giải thích lằng nhằng rằng đây không phải là mèo mà là một con vật có họ với chuột, gốc ở Nam Mỹ và đã tuyệt chủng trong tự nhiên, quá nhiều người không biết long miêu là con gì cho dù có là bác sĩ đi chăng nữa, vì vậy tôi cứ coi nó là con mèo và cố gắng giải thích thật đơn giản:

“Đó là con mèo của cháu nuôi đã lâu, cháu biết bệnh của nó, không cần đến thú y đâu, bác sĩ giúp cho, nó cần thuốc ngay bây giờ.”

Chỉ một phút sau chúng tôi cầm tờ đơn kê thuốc cho người hẳn hoi đi xuống quầy thuốc ở tầng một, trong đơn tôi trở thành một bệnh nhân viêm dạ dày và mua toa thuốc với giá năm nhân dân tệ rưỡi, thêm hai tệ tiền mua một cái ống tiêm.

“Làm người nước ngoài thích thật, dễ nói cho người ta nghe được.” Cậu trai buông một câu khi chúng tôi ra khỏi bệnh viện.

“Ừ, chúng tôi ở đây cũng dễ được nhường nhịn.” Tôi gật gù.

Trong vòng mười lăm phút từ bệnh viện trường đi về cửa hàng tôi đã hỏi cậu ta được một số chuyện, như việc cậu ta tên là Trịnh Trúc Tử, bằng tuổi tôi tức là hai mươi hai tuổi, nhà ở cực Tây Nam Thượng Hải, cách trường tôi hai tiếng rưỡi đi xe buýt và nửa tiếng đi bộ nữa, lại học cùng khoa ngôn ngữ với tôi nhưng học hơn tôi đến hai năm. Cậu ta có một cậu bạn làm vào các buổi tối ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu ở hàng internet, cậu bạn ấy lại giới thiệu cậu ta đến làm vào tối các ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy (ban ngày cậu phải đi học), rồi thì gần đây cậu ta lại quen một cô bạn nhận làm việc ở cửa hiệu thú cảnh vào các buổi chiều và tối ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, vậy là cậu ta có việc làm vào tất cả các buổi chiều và tối trong tuần.

Thuốc và ống tiêm tất nhiên là không phải để bà chủ cửa hàng tự tay tiêm vào mạch máu con long miêu ốm, cái ống tiêm chỉ được dùng như một cái bơm xịt thuốc vào họng nó thôi, Trúc Tử ôm con vật, bóp hai bên quai hàm cho miệng nó phải há ra rồi bà chủ cầm cái ống tiêm có thuốc ở trong, nhằm cái miệng nhỏ há ra đó, xịt thuốc vào.

Đó là mười ngày sau hôm Trung Thu, khi con chuột cái của tôi sinh con đã được một tuần, tôi mới nhìn thấy lũ chuột con hôm qua (một tuần sau khi sinh tốt nhất là không nên nhìn chuột con để tránh căng thẳng cho chuột mẹ), sáu con chuột con đã mọc một lớp lông mỏng màu xám nhạt, vẫn chưa mở mắt. Cái lồng chuột vốn được dán bằng ba lớp bìa dày và dán thêm một số đĩa vi tính hỏng giờ đã gần như chỉ thấy đĩa là đĩa, lớp bìa đã bị xé ra gần hết, trong mười ngày qua chúng cứ xé ra chỗ nào tôi lại kịp thời dùng đĩa vi tính bịt chỗ đó, giờ thì có tìm khắp cả khu nhà chắc cũng chẳng ai tìm ra được một cái đĩa hỏng đâu, vì tôi đã trưng dụng hết để bịt lồng chuột rồi.

Xem con long miêu được cho uống thuốc xong, kể lể vài câu về lũ chuột mới sinh của mình, sau đó tôi về ký túc xá, gặp anh, lại hào hứng kể cho anh nghe rằng hóa ra ở Thượng Hải các loại thuốc tiêm và kim tiêm đều không thể mua được ở những hiệu thuốc ngoài phố mà phải vào trong bệnh viện lấy được đơn thuốc của bác sĩ rồi mới mua được. Sau cùng kết thúc bằng một câu hỏi:

“Anh thấy như thế hay không?”

“Ừ, hay lắm.” Anh trả lời ngắn gọn.

Hai ngày sau tức là khi lũ chuột con của tôi được chín ngày tuổi, tôi gặp Trúc Tử ở ngay trong phòng ký túc xá của anh, khi tôi thấy thì cậu ta đang ngồi trước màn hình máy tính xem một bộ phim kiếm hiệp Hồng Kông còn anh thì đang loay hoay pha chè. Anh ngạc nhiên vì tôi có biết Trúc Tử cũng như tôi ngạc nhiên vì anh có quen Trúc Tử vậy, chỉ có Trúc Tử thì chẳng hề ngạc nhiên, cậu ta nói rằng từ trước vẫn thấy tôi và anh cùng vào hàng internet nơi cậu ta làm việc. Anh có vẻ không mấy nhiệt tình khi kể với tôi anh quen Trúc Tử ra sao hay giới thiệu với Trúc Tử tôi và anh là kiểu quen biết gì, thường ngày đã ít nói, lúc đó anh còn ít nói hơn nhiều, chỉ có chuyện giữa tôi và Trúc Tử là nổ như ngô rang.

“Con long miêu khá lắm rồi, nhờ thuốc cô giúp mua đấy, chỉ vài ngày nữa là khỏi hẳn.”

Trúc Tử rất phấn khởi nói thế.

“Tôi muốn hỏi, chuột con lớn bằng ngần nào thì chạm tay vào được? Chuột của tôi được chín ngày tuổi rồi.”

“Chín ngày tuổi thì chưa chạm tay vào nó được đâu, có hơi người vào chuột mẹ sẽ cắn chết con đấy, dùng thìa hay đũa chuyển dịch chúng là được rồi.”

Trúc Tử nói rằng bạn của cậu ta mời đến dự một buổi liên hoan của khoa khác rồi gặp anh cũng được bạn mời đến đó dự như vậy, thế là quen nhau. Còn tôi thì rất tự hào giới thiệu với Trúc Tử rằng tôi và anh làm hàng xóm đã rất nhiều năm rồi (nhiều năm so với tuổi đời của chúng tôi). Trúc Tử nói lưu học sinh chúng tôi sống thật là sung sướng, được một người một phòng riêng còn sinh viên Trung Quốc thì lại phải ở đến bốn người một phòng. Tôi nói rằng từ lúc mới đến chúng tôi đều đã năn nỉ phòng đối ngoại chuyên phụ trách sinh viên nước ngoài của nhà trường để họ cho chúng tôi được ở cùng với sinh viên Trung Quốc, vậy mà không được, ở đây một mình một phòng và giá trong một tháng thì bằng giá tiền các bạn Trung Quốc trả cho ký túc của họ trong một năm rồi.

“Bạ cái gì họ cũng tính bằng dollar!” Tôi càu nhàu “Có lần tôi hỏi thẳng: đây có phải là nước Mỹ không? Sao tính dollar nhiều thế? Vậy là các vị thu tiền nhà cười tươi và lịch sự trả lời: cô có thể trả bằng nhân dân tệ cũng được, một dollar đổi tám nhân dân tệ. Họ thế đấy, có không coi đây là nước Mỹ thì cũng vẫn coi mọi lưu học sinh như người Mỹ cả!”

“Biết làm thế nào, họ phải kiếm tiền chứ.” Trúc Tử nói, không ra là đồng tình với “họ” hay đồng tình với tôi.

“Ở đây đắt thế, các bạn có định thuê nhà ở ngoài không?” Trúc Tử lại hỏi.

“Quanh đây không có nhiều nhà cho thuê, toàn những chỗ đang xây dựng thôi, chúng tôi cũng đã tìm nhà thuê từ một năm trở lại rồi.”

“Trước thì đúng là khó thật nhưng ngay tháng trước ở gần cổng phía Đông trường có một khu chung cư mười hai tầng vừa xây xong, có lẽ ở đó có nhà cho thuê đấy.”

“Hay quá, chúng tôi sẽ đến đó xem.”

“Không được thì tôi sẽ để ý hộ các bạn xem có chỗ nào có nhà cho thuê không.” Trúc Tử nói.

“Hay quá, cảm ơn bạn nhiều.” Tôi nói, hết sức cảm kích trước nhiệt tình giúp đỡ của cậu ta.
Anh vẫn im lặng suốt nhưng tôi không để ý đến.

Lũ chuột con được mười hai ngày tuổi, có một con đã mở mắt, như vậy là đã lớn rồi, đã nhìn thấy đường và tay chân cũng khá cứng cáp, nó như một đứa trẻ nhỏ tò mò chạy đi chạy lại trên lớp giấy lót, chui vào dưới một mẩu bìa rồi lại chui ra, lại chui ngay vào chỗ khác. Tôi cầm đôi đũa chuyên dụng để gắp chuột con, chạm khẽ vào lưng con vật, nó giật mình, ngỏng cổ lên, giương mắt nhìn cái vật thể lạ tấn công từ bên trên nhưng không bỏ chạy, có lẽ nó còn quá bé để biết chạy thoát thân khi thấy nguy hiểm, tôi lùa đôi đũa vào một bên sườn nó, gảy nhẹ, con vật ngay lập tức bị vật ngửa ra, hai đầu đũa của tôi dừng lại một quãng cách chừng hai xăngtimét bên trên đầu nó, đột ngột, giữ nguyên tư thế nằm ngửa như vậy, nó há to cái miệng để lộ ra một khoảng lớn đỏ lòm rất không cân bằng với cái thân hình bé nhỏ màu xám của nó, từ cái khoảng đỏ lòm ấy phát ra những âm thanh kỳ quái, không ra tiếng rú hay tiếng rít, nó khè khè, có độ rung, có âm rè, vừa hao hao âm thanh phát ra từ bánh xe đạp khi ta nhấc cao bánh xe khỏi mặt đất và dùng tay quay thật nhanh bánh xe, lại vừa hao hao những âm thanh từ loa phát ra khi đài hay ti vi bị mất sóng, không thể hình dung được đây lại là âm thanh phát ra từ một sinh vật sống, chỉ trong một giây, cái cổ họng đó và âm thanh đó làm tôi gai người, từ bên lồng chuột đứng bật dậy, lùi lại một bước suýt buông rơi đôi đũa. Từ trước tới giờ tôi chưa hề nghe thấy những âm thanh như vậy từ bố mẹ nó, cũng chưa bao giờ thấy cái miệng đỏ lòm ngoác ra lớn như vậy trên những bộ mặt đáng yêu của chúng. Khi chuột con mới sinh, đỏ hỏn và không có lông trông có lẽ còn đáng sợ hơn thế này nhiều, nhưng khi đó tôi lại không thấy ghê bởi đã biết thế nào lông cũng mọc ra đầy đủ, sẽ xù lên mượt mà như bố mẹ chúng thôi, thế nhưng giờ con chuột con này với đầy đủ lông đã mọc và mắt đã mở lại đột ngột lộ ra cái vẻ xấu xí tôi chưa từng thấy. Không còn bị đôi đũa của tôi làm phiền, tiếng kêu lập tức tắt ngay, cái miệng cũng ngậm lại và con vật lật người đứng dậy, trở lại cái vẻ vô hại đáng yêu, tiếp tục lần mò xung quanh. Sau mấy giây ngây ra vì được chứng kiến cái khả năng biến đổi quá nhanh của nó, tôi đâm ra thấy buồn cười chính bản thân mình, chỉ là con chuột con thôi mà, lại là vật nuôi yêu quý của mình, thế mà cũng thần hồn nát thần tính, đám bạn trên mạng mà biết thế nào tôi cũng mất thể diện to, đối với hủ nữ, tỏ ra yếu đuối là một thứ tội lớn.

Đó là chuyện xảy ra tầm bảy giờ ba mươi phút sáng hôm đó, trước giờ học nửa tiếng đồng hồ. Sáu con chuột con mười hai ngày tuổi, trong đó có một con đã mở mắt cùng cả bố mẹ chúng đều ở yên trong cái lồng chuột bằng bìa dán chi chít những đĩa vi tính hỏng. Tôi đặt vào lồng chuột thức ăn đủ cho hai con chuột lớn ăn trong một ngày, cũng chẳng phải là thứ gì đặc biệt, chỉ là những hạt ngũ cốc còn sống và còn trong vỏ được đóng gói và bán với giá mười nhân dân tệ một gói đủ cho một đôi chuột ăn trong một tháng. Chào tạm biệt lũ chuột và bước chân ra, ngày hôm đó tôi không về cho đến tối mịt.

Mười một giờ bốn mươi lăm phút, kết thúc ca học sáng, tôi ăn qua loa một bát mì trong nhà ăn tập thể của trường, sau đó đến cửa hàng thú cảnh, từ hôm đi mua thuốc cho con long miêu đến giờ tôi vẫn chưa nhìn thấy nó, giờ muốn đến xem nó ra sao rồi.

Khi đến nơi, tôi thấy một cảnh tượng kỳ lạ. Trúc Tử ngồi bên lồng con long miêu bị viêm đường tiêu hóa, một bàn tay trắng trẻo của cậu ta đưa vào trong lồng, con long miêu nằm với nửa thân trước ở trên bàn tay Trúc Tử, mặt giấu vào trong lòng bàn tay cậu, nửa thân sau vẫn ở trên cái giá ngang bằng thép vốn được đặt ở lưng chừng chiều cao của lồng để cho nó có chỗ nhảy đi nhảy lại, con vật có vẻ đang ngủ say còn Trúc Tử thì nhìn nó rất đỗi dịu dàng và nghiêm nghị tựa như cậu ta đang làm một việc gì đó rất quan trọng, tôi không khỏi muốn phì cười trước cảnh đó, tiến lại và cất tiếng hỏi:

“Bạn đang làm gì thế?”

“Nó thích thế này.” Trúc Tử chỉ ngẩng đầu lên nhìn nửa giây để xác định người hỏi là ai rồi lại quay lại nhìn con long miêu. “Nó vẫn không chịu tự giác leo hẳn lên tay tôi, long miêu cần nhiều thời gian để làm quen với người lắm.”

“Thế sao nó vẫn cắm mặt vào tay bạn thế?”

“Có lẽ làm như thế nó có cảm giác an toàn, nó vẫn còn lạ, chưa dám để tôi bế, thế nhưng lại thích được ôm ấp, con long miêu này chắc là từ trước chẳng mấy khi được vuốt ve.”

Đã đọc qua trên mạng rằng long miêu rất nhát gan lại dễ để bụng với chủ, thế nên không được miễn cưỡng nó, bắt nó lên tay mình mà vuốt ve là không xong, phải chịu khó dỗ dành để nó chủ động trèo lên tay mình mới được. Tôi nổi tính tò mò hỏi Trúc Tử:

“Bạn dỗ nó được bao lâu rồi? Liệu bao lâu nữa thì nó để bạn bế?”

“Bắt đầu từ hôm kia, hôm qua và hôm kia mỗi ngày tôi đều đặt đồ ăn trên tay rồi để tay trước mặt nó cho nó ăn, còn gãi cho nó nữa, bây giờ nó đã khá quen mùi tôi rồi, có lẽ chỉ hôm nay nữa là được.”

Có mấy thanh niên có lẽ cũng là sinh viên của trường như chúng tôi bước vào cửa hàng, có vẻ chú ý đến cuộc trò chuyện giữa tôi và Trúc Tử và tất nhiên là càng chú ý đến con long miêu, bà chủ cửa hàng vội vẫy Trúc Tử:

“Lấy cát cho nó tắm đi.”

Cái xô nhỏ đựng cát tắm của long miêu được đưa ra đặt trước cửa lồng, đó là thứ cát màu nâu nhạt rất mịn, thoạt nhìn cứ tưởng là bột, con vật này quen với khí hậu vùng cao nguyên sa mạc khô cằn và đầy cát, không thể dùng nước tắm rửa mà chỉ có thể dùng cát để rũ sạch bộ lông rất dày của nó. Con long miêu trèo ra khỏi cửa lồng mở, chẳng chạy đi đâu mà tự động nhảy vào xô cát, lăn lộn, chúi đầu xuống cát, lại xoay mình hết ngang rồi lại dọc, chỉ trong vài giây cát phủ đầy lên bộ lông của nó. Thấy rõ là bây giờ nó đã linh hoạt và khỏe lắm rồi, không như lần trước nữa, phân trong lồng giờ cũng đã khô, có hình thoi rõ ràng và không bốc mùi nữa.

“Thật thông minh! Biết tự tắm lấy.” Mọi người trầm trồ, tôi đọc được trên mạng là long miêu chỉ cần một ngày tắm một lần là nhiều lắm rồi, thế nhưng ở cửa hàng này thì chắc một ngày nó phải được tắm đến mười mấy lần, đây là một cách quảng cáo của bà chủ, cho con vật lăn lộn trong cát và mọi người sẽ kéo đến xem như xem xiếc.

Để nó lăn lộn một lát, Trúc Tử đưa cả hai tay vào hai bên nách con vật, gãi nhè nhẹ, con long miêu ngay lập tức ngừng lăn lộn, đứng im để được gãi, hai mắt từ từ nhắm lại một cách khoan khoái. Khi Trúc Tử ngừng tay gãi, con vật đã đứng trên hai tay cậu ta rồi từ bàn tay leo lên cẳng tay, trèo lên vai và ngồi luôn ở đó, bà chủ kêu lên:

“Cậu giỏi thật, có vài ngày đã bế được nó rồi.”

Nhìn con long miêu nằm im có vẻ rất yên tâm nhắm cả hai mắt trên tay Trúc Tử, tôi phát ghen tị, giá mà tôi có một con vật như thế này nhỉ, chắc là tôi cũng chẳng mất mấy công sức để dỗ được nó cho tôi bế, phương pháp dỗ ấy à, thì tôi vừa học được từ Trúc Tử đó.

Đó là chuyện buổi chiều.

Tối hôm đó lại có một buổi sinh nhật, sinh nhật của bạn Nguyễn Văn Giang, nhóm trưởng thân yêu của phái đoàn Bộ Giáo dục cử đi học, con người “học giỏi, tham gia công tác tập thể xuất sắc và lại rất đẹp trai” như lời Kim nói. Vì muốn tìm anh để cùng đi mua quà như mọi khi, tôi chạy đi chạy lại cả tiếng đồng hồ trước khi trời tối nhưng trong khắp cả khu ký túc xá chẳng thấy anh đâu, gọi vào điện thoại di động thì máy đã tắt, cuối cùng chỉ còn nước đi mua quà một mình, tôi mua một bó cẩm chướng đỏ lẫn trắng, bao ngoài bằng giấy bóng màu trắng, rất buồn khi nghĩ rằng nếu có anh ở bên thì có lẽ anh sẽ lại bảo nhìn bó hoa của tôi thấy có không khí Noel.

Cả buổi sinh nhật đó anh không có mặt, tôi hỏi hết người này đến người khác chẳng ai nhìn thấy anh cả, sau cùng chủ nhân của sinh nhật nói với tôi rằng anh đã đến và đưa quà riêng từ chiều, cáo lỗi rằng tối nay anh bận không dự được.

Sinh nhật bắt đầu bằng cắt bánh kem, ăn hoa quả và kết thúc bằng trò đánh bài giữa cánh con trai và tán dóc giữa phe con gái. Đúng ra là sau tất cả các màn ăn và uống kết thúc thì cánh con trai ở lại nguyên vị trí là phòng của Giang và đám con gái thì kéo sang phòng Vân, căn phòng nữ sinh ở gần đấy nhất để tiện bàn luận với nhau những chuyện của con gái.

Trường tôi có tất cả hai mươi tư đứa con gái Việt Nam, chia làm bốn dạng, dạng thứ nhất và cũng là đông đảo nhất là dạng con gái luôn luôn có mặt trong tất cả các cuộc tụ tập của con gái, từ tụ tập nấu nướng, đi mua sắm quần áo thời trang hay hoạt động mất nhiều thời gian nhất là tán chuyện, chia sẻ những chuyện tiện kể ra mồm của chính mình và những chuyện không tiện kể ra mồm của người không có mặt, hẳn nhiên là dạng này tập trung những cô nàng chưa có người yêu hoặc người yêu đang ở tít một nơi xa xôi nào đó và bận rộn việc gì đó đến mức thường ngày lên mạng chat cũng không tiện. Dạng thứ hai có ít hơn dạng thứ nhất một chút là kiểu con gái chỉ có mặt trong các cuộc tụ tập của con gái những lúc người yêu không có mặt bên cạnh hoặc không online trên mạng. Hai dạng còn lại mỗi dạng chỉ có một người, một dạng có tên Nguyễn Kỳ Cầm chính là tôi đây, chỉ có mặt trong các buổi tụ tập của con gái lẫn con trai hoặc cả gái cả trai trong tình huống không thể không có mặt hay nói trắng ra là sự có mặt của tôi thường trực phải mang chín mươi chín phẩy chín chín phần trăm là tính xã giao, cũng chẳng phải vì tôi không ưa gì mọi người ở đây, chẳng qua là so với Aslan, Yzak, Tiểu Muội, các hủ nữ trên diễn đàn, các buổi lễ nhà thờ của người Inđônêxia hay là các con vật nhỏ ở cửa hàng thú cảnh thì những cuộc tụ tập kiểu này đúng là chẳng có chút sức cuốn hút nào với tôi. Một dạng nữa cũng chỉ có một người độc quyền mang tên Phạm Doanh, đúng ra tên khai sinh là Phạm Thị Doanh nhưng cũng như phần lớn những đứa con gái Việt Nam cùng lứa có chữ “Thị” trong tên, Doanh không mấy vui vẻ với chữ “Thị” của mình và tự động gạt bỏ nó mỗi khi giới thiệu tên, rút gọn lại chỉ còn là Phạm Doanh, cái này về sau tôi vẫn có lúc đem ra trêu chọc nó và nói rằng sau này tôi mà có một đứa con gái thì tên nó thế nào cũng có một chữ “Thị”, và tôi được nó giảng giải cho rằng thứ con gái tên không có chữ “Thị” như tôi thì không thể hiểu được nỗi đau khổ của con gái tên có chữ “Thị” như nó, nếu không muốn con cái sau này tủi thân vì mẹ thì bỏ ngay cái ý tưởng điên rồ đó đi. Không như tôi tham gia các cuộc tụ tập của con gái với tính chất xã giao, Doanh chỉ có mặt trong đám con gái những khi nó cảm thấy đã chán ngấy tụ tập cùng đám con trai, nó xinh đẹp, hợp thời trang, thông minh lanh lợi, ăn nói táo bạo mà vẫn rất khôn khéo, khôn khéo trong cư xử với con trai, khôn khéo trong tính toán với những người bán hàng, khôn khéo cả khi bàn tán sau lưng người khác, trong đám con trai nó như một minh tinh giữa những kẻ hâm mộ, đã có người yêu ở Việt Nam và luôn tỏ vẻ rất chung thủy với người yêu nhưng cũng lại làm cho không ít cậu trai tại đây vẫn ôm hy vọng theo đuổi nó, trong các cuộc tán dóc mà nó không có mặt của phe con gái, nó thường được nhắc đến như là một đối tượng để miệt thị mà cũng để sợ chung của những người tham gia bàn chuyện, sở dĩ tôi biết như thế là vì cũng có những lần tôi có mặt mà Doanh không có, những khi đó cảm tưởng chính của tôi là “không biết có phải tìm dịp hỏi Doanh để biết những lúc nó có mặt mà tôi không có trong hoạt động tán dóc này, mọi người bình luận thế nào về tôi”, tuy rằng tôi không có khả năng gây dư luận như Doanh nhưng rất có thể cũng nghe được những thông tin thú vị.

Tối nay hiếm hoi có dịp cả tôi và Doanh đều có mặt trong một buổi tụ tập của con gái, tôi thì đã hơn một tháng rồi không có mặt nên giờ vì xã giao mà buộc phải ở lại, Doanh thì có lẽ sau mấy ngày liên tục đi chơi cùng con trai đã ngán và muốn đổi khẩu vị một hôm, như thế là hôm nay không thể hy vọng nghe được những lời bàn tán về cả hai thể loại con gái mà hai chúng tôi độc quyền được nữa.
Tuy vậy chuyện vẫn có rất nhiều để nói, ví dụ như cầu thủ nổi tiếng X có một cô bồ tên Y hết sức mất nết hay ca sĩ nổi tiếng Y có một bà mẹ rất kênh kiệu, hoặc gia đình diễn viên Z toàn những người vô duyên v.v…

“Bọn đấy không đá bóng thì cũng chẳng làm được gì!” Hạ, cô sinh viên kinh tế kết luận một câu như thế khi nói về cầu thủ X.

Tôi chợt nhớ ra rằng bản thân tôi cho đến giờ phút này vẫn còn chưa biết mình có thể làm gì khác ngoài việc dịch các văn bản từ tiếng Trung ra tiếng Việt và ngược lại, và lơ mơ nhận ra rằng không chỉ có cầu thủ X hay ca sĩ Y, diễn viên Z mà phần lớn trong số chúng tôi đều chỉ có thể làm một số việc nhất định nào đó, nhưng vì ít tiếp xúc với Hạ và không biết các sở trường sở đoản của cô ấy, tôi im lặng giữ cái phát hiện này cho riêng mình.

Sau khi nghe một hồi ngán đến tận cổ những dị nghị về các minh tinh, tôi muốn đứng dậy quay về với cái máy tính yêu quý của mình thì nhìn thấy một thứ đã giữ ngay chân tôi lại, Doanh không biết từ lúc nào đã khoanh chân ngồi chễm chệ trên giường, cầm bộ bài tây trong tay, mấy đứa con gái vây quanh nó chờ đến phiên bói bài, khi biết là bói về chuyện tình yêu, tôi cũng lại gần tỏ ý muốn bói.
“Thế thì xếp hàng!” Doanh khoát tay.

Cuối cùng cũng đến lượt, tôi ngồi trước mặt Doanh, nhìn chăm chú vào đôi bàn tay xinh xắn tráo bài hết sức thành thạo, nó dùng một vẻ nghiêm nghị có chất hài hước đưa bài cho tôi và nói cũng với cái giọng nghiêm nghị hài hước như thế:

“Tráo bảy lần.”

Tôi lẳng lặng làm theo, sau đó nó nhận lại bộ bài từ tay tôi nhặt ra bốn cây át, lại đưa tôi phần bài còn lại:

“Tráo chín lần.”

Lần này thì tôi vừa làm theo vừa hỏi:

“Bảy lần với chín lần thì có gì khác nhau?”

“Tráo bảy lần là vía của người ấy, chín lần là vía của Cầm.”

“Bói bài tây cũng xem vía à?”

“Thế mới hay chứ.” Doanh nở nụ cười tinh quái rất đặc trưng của nó, nhanh thoăn thoắt xếp bài ra đầy trên mặt ga trải giường.

“Xem nào, mới đầu thì cũng có cảm tình này, xem ra cũng phát triển được một chút…”

“Về sau thì sao?” Tôi sốt ruột hỏi.

“Từ từ, người ta đang xem đây.”

Tôi lại chỉ còn cách im lặng theo dõi từng cử động của hai bàn tay Doanh, hai bàn tay nó lướt trên những quân bài được xếp úp có hàng lối như lát gạch, lật bài ở chỗ này lên, nhặt bài từ chỗ này sang chỗ khác, thỉnh thoảng nhặt một quân bài ném qua bên cạnh, những quân bài bị ném đi bao giờ cũng bị úp xuống, về sau Doanh giải thích với tôi đó thực ra chỉ là những quân bài bỏ đi không cần dùng đến nữa, có lật hay úp cũng không quan trọng, có điều nó có thói quen úp tất cả bài bỏ đi cốt để tạo cho người xem cảm giác thần bí, càng nhìn càng rối không hiểu nó đang làm gì.

Sau một hồi lật lật úp úp bài, Doanh thu tất cả bài lại nắm trên tay, đây là lúc nó bắt đầu phán:

“Hắn có cảm tình với Cầm đấy, nhưng đây mới chỉ là bắt đầu thôi, về sau Cầm phải cố gắng nhiều, cẩn thận có kẻ thứ ba.”

“Kẻ thứ ba đã xuất hiện chưa?”

“Hỏi thế thì ai mà trả lời được!”

“Sao thế?”

“Với kiểu bói này không nên hỏi những câu về quá khứ hay hiện tại, nếu không sẽ mất độ chính xác.”
Vẻ nghiêm nghị hài hước của Doanh kết thúc theo mấy từ “mất độ chính xác”, nó cười rất tươi lộ hàm răng trắng và cả lũ con gái cùng cười theo.

Doanh thật đáng yêu, chỉ cần một lời phán “hắn có cảm tình” là tôi có thể cho Doanh một nghìn trên mười điểm đáng yêu rồi, còn cái phần kẻ thứ ba thì tôi chẳng cần bận tâm làm gì, chắc chắn là chẳng có đâu mà, đó là tâm trạng chính của tôi khi tiếp tục ngồi xem Doanh bói cho đám con gái còn lại.

“Tráo chín lần.”

“Vừa tráo chín lần rồi mà.”

“Thế thì bây giờ tráo bảy lần.”



“Tráo bảy lần.”

“Vừa tráo bảy lần rồi mà.”

“Thế thì giờ tráo chín lần.”



Tôi vừa nhìn Doanh cười cười nói nói, luôn tay tráo bài xếp bài mà cũng thấy thú vị, thật lạ, rõ ràng là thường ngày chẳng được mấy thiện cảm của đám con gái, lũ con gái chuyện gẫu với nhau, mỗi khi nhắc đến nó đều chẳng nói được gì hay, nếu không bảo nó “điêu” thì cũng nhẹ nhàng hơn dùng từ “giả tạo”, thế mà cái kẻ “giả tạo” ấy khi xuất hiện ngay cả trong một đám con gái thì vẫn có cách thu hút, chú ý, thậm chí vẫn có cách lôi kéo những ánh mắt tin tưởng tập trung vào nó.

Quên đi nỗi buồn về việc không có anh bên cạnh, tôi lại có một buổi tối rất dễ chịu trôi qua, con long miêu đáng yêu, Trúc Tử đáng yêu, Doanh đáng yêu, cái đám con gái lâu nhâu vây quanh nó đòi xem bói đáng yêu, và trong giấc mơ của tôi đêm đó, anh cũng đáng yêu như thế.

Nguồn: Chuyện lan man đầu thế kỷ, tiểu thuyết của Vũ Phương Nghi, Nhà sách Kiến Thức và NXB Lao Động, 2006. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả.

Vũ Phương Nghi (1983), hiện du học ngành mỹ thuật ở Thượng Hải, Trung Quốc.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài