talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 28.01.2007
Vũ Phương NghiChuyện lan man đầu thế kỷ

Phần I Phần II

Vu Phuong Nhi
Vũ Phương Nghi

Vũ Phương Nghi thuộc loại nhà văn bước vào văn đàn một cách bình tĩnh và bản lĩnh. Chỉ với tiểu thuyết đầu tay, Chuyện lan man đầu thế kỷ, một giọng văn mới và riêng đã được ấn định, một tác giả mới đã tìm được chỗ cho mình. talawas chủ nhật kỳ này xin giới thiệu tác phẩm của nhà văn có vị trí khá đặc biệt trong thế hệ nhà văn mới của Việt Nam.

talawas chủ nhật

Vũ Phương Nghi

Chuyện lan man đầu thế kỷ

(Tiểu thuyết)



Lời mở đầu

Nếu có ai đó cho rằng thế giới được số hóa và đem chuyển tải trong các đường dây internet là một thế giới ảo thì đó là sai lầm nghiêm trọng.

Phần II

Mùa đông

Lời cảnh báo cho phần hai Chương 1: Hủ nữ đi làm người bình thường dễ lắm?! Chương 2: Mong mỏi được trở về quê hương Chương 3: Những chuyện không thể hiểu Chương 4: Cuộc sống vẫn vậy Chương 5: Để mọi người đều biết mà đề phòng Chương 6: Thời thế tạo anh hùng Chương 7: Đâu là đáy của xã hội Chương 8: Công cốc Chương kết

 



Chương 5

Để mọi người đều biết mà đề phòng

Một giờ đêm, tôi ngồi ở đây, trong phòng anh, trước màn hình máy vi tính của anh, vừa nghe giọng đọc đều đều của Trúc Tử vừa không ngừng gõ bàn phím, từng chữ từng chữ Hán hiện ra vuông vắn cạnh nhau như những đường hoa văn tinh xảo nhất mà các cô gái người thiểu số ở xứ ta vẫn thêu lên áo váy, có điều nội dung của những câu chữ này thì lại chẳng làm người ta thấy vui mắt như những đường hoa văn đó.

Còn ba ngày nữa là tôi phải nộp một bài luận văn dài, đó là bài tập cho môn xã hội học trong cả học kỳ vừa rồi, bốn ngày nữa là tôi lên đường trở về Việt Nam nghỉ Tết, vé đã mua từ sáu ngày trước, ngay ngày đầu tiên nhà ga bắt đầu bán vé cho chuyến tàu hôm đó, vậy mà Kim đã phải ra ga xếp hàng từ năm giờ sáng mới mua nổi vé tàu cho tất cả chúng tôi (tôi đi về cùng một đoàn người có Kim và khoảng năm sáu người nữa). Doanh không về nhà Tết này, nó nói là muốn ở lại đây để đi quan sát mấy công ty sản xuất đồ may mặc, muốn học hỏi thêm ít nhiều để chuẩn bị tự mở lấy một cơ sở ở Hà Nội, “mẹ mà thấy khả thi thì thế nào cũng cấp vốn”, nó bảo thế. Vậy là chàng người yêu con một nhà giám đốc giàu có nào đó lại từ Hà Nội bay sang chơi với nó đã năm ngày nay, vẫn chưa có dấu hiệu gì là muốn về rồi cả. Và tôi, trong hoàn cảnh phải gấp rút nộp bài đến nơi cần phải tìm cách tránh các tiếng rúc rích nói cười không ngớt phát ra ngay trong nhà mình, ảnh hưởng đến khả năng tập trung, sau khi xác định rõ rằng Trúc Tử cũng đã không còn ở đó nữa liền kiên quyết dọn thẳng đến căn nhà giờ bỏ trống của anh ở vài ngày để viết bài, thậm chí còn có ý định ở luôn cho đến khi về nước. Tất nhiên ngoài cái bài tập của tôi ra thì đấy vẫn là những chuyện nhảm nhí cả, có thể bỏ qua không nhắc mà đi vào chuyện quan trọng ở đây luôn.

Tuy rằng cứ nhớ lại là đây vốn dĩ là căn hộ của anh và Trúc Tử là hàng loạt cảm giác chẳng mấy dễ chịu lại xâm chiếm tôi, thế nhưng hủ nữ là con người vô tư, vô tư hơn người bình thường nhiều mới có thể hủ bại đến thế, chính vì vậy mà khi bày biện sách vở của mình ra, pha một cốc cà phê môca nóng, mở máy tính của anh, lên trang đan mỹ quen thuộc một chốc, thì tôi đã cảm thấy vô cùng phấn chấn, cảm giác dễ chịu khi chỉ có một mình trong căn nhà yên tĩnh. Sau khi đã ổn định tinh thần, tôi bắt đầu viết bài, các con chữ cứ xổ ra rất nhanh, tay tôi gõ phím nhanh, bài viết dài ra nhanh đến không ngờ.

Mười hai giờ chín phút đêm, đúng ra là khi nghe tiếng chuông cửa tôi vẫn chưa biết lúc đó đã là mười hai giờ chín phút, tôi còn đang bận ngây ngất với tốc độ viết bài thần kỳ của mình, khi chuông cửa reo tôi mới chạy ra xem, vui vẻ nhảy những bước dài một cách hết sức phấn khích. Tôi giương mắt nhòm qua lỗ kính nhòm nhỏ đúng bằng con mắt trên cánh cửa bằng sắt, bên ngoài đèn hành lang rất sáng, tôi thấy khuôn mặt của Trúc Tử, chẳng nghĩ gì toan đưa tay mở cửa thì đột nhiên nghe tiếng hét kỳ quái của cậu ta:

“Đừng mở, gọi Lương ra đã.”

Tôi ngẩn người, kinh ngạc nhận ra qua miếng kính nhòm bé tẹo cũng có thể thấy khuôn mặt cậu lúc này có một vẻ hoảng hốt tôi chưa tưng thấy, bàn tay dừng lại ở nắm cửa, tôi nói:

“Anh ấy không có nhà, có việc gì thế?”

“Anh ấy đang ở đâu?”

“Anh ấy về nước đã một tuần nay rồi, bạn không biết à?” Tôi càng ngạc nhiên hơn nhưng không để cho tôi có thời gian để ngạc nhiên về việc Trúc Tử lại không biết anh đã về nước đến cả tuần nay, cậu ta lại hét:

“Có mình cô thôi à?”

“Ừ, sao…”

“Thế thì đừng mở cửa…”

Cậu ta chưa kịp nói hết thì bị cái gì đó đẩy bật ra khỏi miếng kính nhòm, tôi không nhìn thấy cậu ta nữa mà giật bắn mình thấy một bộ mặt đàn ông to bè bè, đỏ gay, đúng ra là tôi chỉ nhìn thấy một cái mũi to mập đầy lỗ chân lông đỏ lựng lên là chính, cái mũi phập phồng hai cánh chõ vào mắt kính, giọng đàn ông thô lỗ vừa văng tục vừa gầm gừ:

“Mở cửa ra! Trả tiền đây!”

Tôi nhảy lùi lại, rời xa cái mắt kính và cánh cửa sắt, cảm thấy chân tay run bắn lên, tôi vốn rất sợ vẻ thô bạo của đàn ông. Cánh cửa bị đập thình thịch, cửa sắt dày như cửa két bạc mà cũng rung lên, tiếng văng tục và đòi mở cửa vẫn vang lên mấy hồi nữa rồi thôi. Cho đến khi tất cả đã yên tĩnh trở lại, tôi vẫn đứng im, không nhúc nhích, mắt nhìn chăm chăm vào cánh cửa đã được yên thân, toàn thân tôi lúc này hệt như hồi nghe con chuột cái vật lộn cắn chết con, đông cứng lại không thể cựa nổi, tim đập thình thịch.

Tôi không biết mình cứ đứng thế được bao lâu, thực ra có lẽ chỉ đến nửa phút, tiếng ồn từ ngoài ban công vọng vào khiến cơ thể lại vận động trở lại được và kéo tôi đi ra đó, cửa ra ban công vốn dĩ được đóng nhưng do nhà để gần một tuần không có cánh cửa nào được mở ra nên khi đến tôi có mở hé ra một chút thông khí, cũng không bị khí lạnh làm ảnh hưởng nhiều do tôi ngồi làm bài ở phòng anh còn ban công lại thông với phòng ngoài, mở ra từ lúc trời còn sáng, đến đêm tôi lại quên đóng lại. Cảm thấy giống cái giọng đàn ông vừa rồi, tôi nhảy ra ban công, đưa mắt nhìn xuống đường, ban công này thông ra ngay đường lớn, đèn đường rất sáng. Có hai người đang vây đánh một người, hai người đàn ông, một to lớn, một bé nhỏ, đều rất hung hãn, trong một chốc họ ấn dí người bị đánh vào bờ rào ở ngay dưới ban công chỗ tôi đứng, có chếch về bên phải chục mét, người đàn ông to lớn dùng tay chẹn vào cổ, đưa mặt người bị ấn ngẩng lên, tôi mới nhận ra đó là Trúc Tử, mặt cậu ta đã tái mét.
“Này! Dừng lại!” Tôi hét toáng lên, cảm thấy tiếng hét của chính mình làm tim mình vỡ ra đến nơi.
Hai người đàn ông ngẩng đầu nhìn, tôi ở trên tầng bốn, người lại bé nhỏ, thế nên dù chẳng cách bao xa họ vẫn phải mất mấy chục giây mới nhìn thấy.

Họ văng tục rồi lại tiếp tục đánh.

“Không dừng lại tôi gọi công an!” Tôi cố thử lên giọng đe dọa.

Họ dừng lại thật, một người vừa văng tục vừa bảo tôi đừng lo việc của người khác, tôi bèn chạy vào nhà nhặt điện thoại mang ra làm ra vẻ bấm số ngay trước mặt cho họ xem, đến lúc đó một người mới nói một câu dài hơn một chút với tôi:

“Gọi thì cứ gọi, thằng ranh này quỵt tiền, gọi xem ai chết!”

“Bao nhiêu tiền?” Tôi hỏi, ngạc nhiên vì giọng đột nhiên dứt khoát và đầy quyền uy của mình.

“Ba trăm bảy mươi lăm tệ.” Người to lớn nói.

“Tôi trả, không được đánh anh ấy nữa!” Không kịp nghĩ đến bất cứ chuyện gì khác nữa, đến cả mình hiện giờ có đủ tiền không cũng không kịp nghĩ, lời nói cứ thế tuôn ra.

“Thế thì đưa tiền đây.” Người bé nhỏ nói.

Tôi chạy vào phòng, lấy ví, nhận ra trong ví có đúng bốn trăm tệ chẵn, số tiền được tôi rút từ ngân hàng ra sáng nay vốn định ngày mai đi mua sắm ít quà mang về nhà, tôi cầm cả, lao ra ban công, vung tay ném bốn tờ tiền một trăm tệ xuống, vừa ném vừa hét:

“Buông anh ấy ra!”

Người bé nhỏ nhặt tiền, xem mấy giây, rồi người to lớn buông Trúc Tử, từ chỗ tôi nhìn thấy cậu ta tựa vào tường rào, hai vai nặng nề nâng lên hạ xuống liên tục, có lẽ là đang thở.

Hai người đàn ông nhảy lên một chiếc xe máy cũ rích rồ ga phóng thẳng, Trúc Tử vẫn tựa vào tường rào như thế, tôi gọi cậu ta:

“Này, lên nhà đi chứ!”

Cậu ta không thay đổi tư thế một lúc, rồi cũng đứng dậy đi theo hướng vào trong khu chung cư, dáng đi cà nhắc, chắc là chân bị đau rồi, lúc này tôi mới để ý thấy mấy đám không ít những người đi đêm ngoài đường không biết tự lúc nào đã tụ tập lại bên đường nhìn Trúc Tử ở dưới đất và tôi trên ban công, một người đàn bà bán cơm đêm giơ tay chỉ trỏ về phía tôi, tôi giương mắt nhìn lại bà ta cho đến khi nghe tiếng chuông cửa lại vang lên lần nữa. Tôi chạy ra, qua mắt kính và đèn hành lang nhìn thấy bộ mặt đã có một bên má bắt đầu sưng lên của Trúc Tử, hỏi “Chỉ có mình bạn thôi đấy chứ?”, rồi mở cửa sau khi nghe khi cậu ta trả lời “Phải.”

Hai phút sau, tôi vào bếp cắm lại ấm đun nước, vừa đun nước pha cà phê, nước trong ấm vẫn còn nóng nên đun lại rất nhanh, tìm quanh nhà chẳng thấy sữa hay cái gì tương tự, tôi hơi ngượng ngùng pha một cốc nước gừng bằng gừng tôi đem đến và đường của anh, cẩn thận dùng cả hai tay bưng vào cho Trúc Tử, cậu ta ngồi ở mép giường, mặt vùi trong hai bàn tay, bảo tôi cứ để đó, tôi đặt cái cốc lên mặt bàn viết cách chỗ cậu ta ngồi chỉ một cái với tay rồi lại đi vào bếp. Nước nóng vừa đun còn lại khoảng hai trăm mililit, tôi kiếm một chai nước khoáng bỏ không vứt lăn lóc ở góc bếp, lau sạch bên ngoài rồi đổ toàn bộ nước nóng còn lại vào, cái chai nhựa móp méo đi vì hơi nóng, tôi quấn cái khăn mặt khô của anh quanh chai. Khi tôi cầm chai nước nóng móp méo bọc trong khăn mặt đi vào phòng anh thì Trúc Tử không ngồi bên giường nữa mà ngồi trước máy tính, có vẻ cố gắng gõ một cái gì đó, cốc nước gừng vẫn ở trên bàn, chưa được đụng đến. Tôi đến bên, nhìn đôi tay cậu ta đặt trên bàn phím, ngón trỏ và ngón đeo nhẫn của bàn tay phải sưng mọng lên, tím bầm, hai ngón tay này dường như không nhúc nhích nổi, các ngón còn lại đều run lên bần bật, tôi đứng đằng sau lưng, không nhìn thấy mặt cậu ta, rất muốn nhìn nhưng lại không dám tiến lên trước nhìn cậu ta, trên mặt trắng của văn bản trên màn hình chỉ có hai chữ “Hôm qua”. Tôi lí nhí:

“Có bình nước nóng này, chườm vào chỗ đau thử xem.”

Cậu ta dừng tay gõ bàn phím, mà đúng ra là nãy giờ ngoài hai chữ “Hôm qua” ra, cậu ta chẳng gõ được một chữ nào cả, cứ được một hai chữ còn chưa rõ nghĩa gì thì cậu ta lại xóa đi.

“Bạn viết cái gì thế?” Tôi hỏi.

Trúc Tử im lặng.

“Chườm nước nóng nào.” Tôi nói.

Cậu ta vẫn im lặng.

“Này.” Chẳng còn biết làm thế nào nữa, tôi gọi cộc lốc.

Sau khi tiếp tục gõ rồi lại xóa một cách bất lực vài chữ nữa, cậu ta từ từ đứng dậy, mặt vẫn không quay về phía tôi, đi cà nhắc lại giường và lại ngồi xuống chỗ cũ, hai tay lại ôm lấy mặt.

“Cô đánh giúp tôi một bài nhé.” Sau cùng cậu mở mồm, đầu không ngẩng lên, giọng nói run run, tôi đồ là cậu ta đang khóc, vì thế quyết định không tìm cách nhìn mặt cậu ta nữa, tôi vẫn biết khóc trước mặt người khác cảm giác tồi tệ thế nào.

Đặt bình nước nóng lên mặt ga trải giường gần Trúc Tử, nhắc lại cho cậu ta chườm, tôi ngồi xuống ghế trước máy tính, hỏi:

“Muốn đánh gì đây.”

“Tôi đọc, cô đánh.”

“Được.”

Cậu ta lại chìm vào im lặng.

“Bắt đầu chưa?” Tôi hỏi.

“Chờ chút, tôi nghĩ đã.”

“Ừ, cứ nghĩ đi.”

Rồi lại im lặng một chốc.

“Được rồi.”

“Thế thì bắt đầu đi.”





Thế là tôi ngồi đánh theo lời đọc của cậu ta một văn bản có nội dung như sau:

Tôi mắc bẫy - đề nghị mọi người chú ý cảnh giác

Hôm qua là một ngày buồn của tôi, buổi sáng mẹ tôi đi thăm một người họ hàng đang nằm viện ở Tô Châu, tôi đưa mẹ ra ga, khi quay về nhà tôi nhận thấy là sẽ phải trải qua mấy ngày chỉ có một mình. Trường bắt đầu cho sinh viên nghỉ đông, cả hai chỗ tôi làm việc đã vào giai đoạn vắng khách, họ nói là không cần tôi đến làm trong thời gian này nữa. Lớp tôi đã nghỉ học từ hôm kia, các bạn học cũng đã về quê hết cả, mà cũng chỉ còn nửa năm nữa là tốt nghiệp, đến khi đó tôi thậm chí sẽ không còn bạn học nữa, thực ra thì tôi cũng đã quen với cô độc từ lâu rồi, nhất là khi hai tuần trước bạn trai tôi muốn chia tay với tôi. Anh ta nói là đã đến lúc không thể tiếp tục cuộc sống này mà phải quay về nhà tìm một người đàn bà để kết hôn, tôi không trách anh ta, anh ta có cái lý của anh ta, có cuộc đời của anh ta.

Mẹ đi rồi tôi thấy rất cô đơn, tôi lên mạng, tìm đến “Mặc lan”, diễn đàn quen thuộc từ ngày rời khỏi “Hoa phong lan”, lúc đó tôi thật sự quá buồn, buồn ghê gớm, chỉ muốn tìm gì đó an ủi ngay lập tức, trên trang diễn đàn có một người mang ID “Sak”, anh ta nói rằng đã để ý đến tôi từ lâu, tôi đã chán chường và mệt mỏi đến mức quên cả cảnh giác, mà thực ra tôi cũng vẫn tin mọi người trên “Mặc lan”, vì thế tôi quyết định nhận lời hẹn của anh ta. Tối qua, tôi đến khách sạn Y, ở đường Z, đó là một khách sạn khá lớn, vì vậy tôi càng không nghi ngờ gì cả, anh ta chờ tôi trong phòng, tôi nói chuyện với anh ta một lúc, anh ta có mấy chiếc bánh và nước uống đưa tôi, tôi đều không thích nên không ăn mà cũng không uống, khi nói chuyện thấy anh ta không phải dạng tôi thích, tôi đã muốn đứng dậy ra về nhưng anh ta cứ níu kéo. Cuối cùng anh ta cũng ép được tôi ăn một cái bánh và uống nước. Sau khi ăn bánh xong tôi thấy trong người nôn nao khó chịu, anh ta dìu tôi lại giường nằm, tôi theo anh ta, những chuyện tiếp theo tôi không muốn kể ra ở đây nữa, cũng không cần thiết phải kể, cái chính là khi tôi tỉnh dậy thì đã là mười giờ tối ngày hôm nay, tức là tôi đã ngủ liền một ngày trời, đầu óc tôi đau ghê gớm và tôi nôn thốc tháo ngay khi tỉnh dậy, không hiểu trong bánh đó có thuốc gì mà tác dụng ghê gớm thế. Tôi chỉ còn có một mình trong phòng, người kia đã bỏ đi, điện thoại di động và ví tiền của tôi cũng không còn, khi đi ra khỏi khách sạn, tôi được biết là tiền phòng cũng chưa được trả, họ đòi tôi trả tiền phòng, tôi lúc này không có một xu, mà cũng không có cả điện thoại để gọi ai đến giúp, đồng thời tôi cũng quá giận dữ và quá mệt, tôi nói là tôi không trả tiền phòng đâu, trong lúc nói với họ tôi vẫn còn váng vất và buồn nôn, lúc đó đã rất muộn, khách sạn có hai bảo vệ đang say rất hung dữ, họ đánh tôi, tôi không còn cách nào khác, tôi không biết mẹ tôi đã về nhà hay chưa nên không thể đưa họ về nhà lấy tiền trong tình trạng này, mà tôi cũng không thể gọi bất kỳ ai giúp cả, mọi người thân thuộc xung quanh không có ai biết tôi là người đồng tính hết. Cuối cùng tôi chỉ còn cách dẫn hai bảo vệ về nhà bạn trai cũ của tôi, cái người đã bỏ tôi hai tuần trước, lúc này chỉ có anh ta giúp được tôi. Vậy mà anh ta không có nhà, một cô bạn của anh ta ở đây đã có lòng tốt giúp tôi trả tiền phòng, nếu không có cô ấy thì chắc là đêm nay tôi sẽ bị hai gã say rượu đánh đến chết mất.
Bây giờ cô gái ấy đang giúp tôi đánh bài viết này vì tay tôi bị đau, không đánh máy được. Tôi quyết định phải viết chuyện xảy ra với tôi, đưa lên mạng càng nhanh càng tốt để thông báo cho càng nhiều người biết càng tốt có thứ bẫy như thế này ở trên mạng, để mọi người cùng tránh, đấy là tất cả những gì tôi có thể làm được lúc này.

Tôi sắp tốt nghiệp, sau khi ra trường tôi sẽ chính thức đi làm, ngày ngày đi làm, tối về nhà với mẹ tôi, cuộc sống sẽ cứ tiếp diễn như thế, nhiều lúc tôi vẫn thấy sợ, không biết tương lai, một ngày nào đó mẹ không còn bên tôi nữa, không biết khi chỉ còn lại một mình, tôi sẽ tiếp tục sống thế nào. Tại sao lại có thứ người nhẫn tâm đến thế, tấn công cả vào những người đã bị cô đơn làm cho tuyệt vọng đến như tôi?!

Bài viết đánh xong, Trúc Tử chỉ cho tôi vài trang web của người đồng tính, để tôi dùng ID và cả mật mã của cậu ta đưa bài viết này lên, sau đó còn tìm thêm cả mấy chỗ cậu ta không quen thuộc đưa cả lên nữa, tôi hỏi cậu ta tuy những chỗ tôi biết đều chẳng có người đồng tính nhưng cứ đưa cả lên có được không? Cậu ta bảo có hay không nhiều khi chẳng biết được, cứ đưa lên càng nhiều nơi càng tốt, thế là tôi dán bài viết lên tất cả những chỗ tôi có thể nhớ ra, tất nhiên là đăng ký những ID khác chứ không dùng cái ID “Jinny” vốn có của tôi.

Sau khi đã đưa bài viết lên đến diễn đàn thứ hai mươi, tôi bảo Trúc Tử tạm nghỉ ở đây thôi, cậu ta đồng ý, lúc đó nhìn đồng hồ đã là hai giờ mười lăm phút sáng rồi, Trúc Tử bảo cậu ta phải ra về thôi.

“Về đâu?” Tôi hỏi.

“Về nhà tôi.”

“Bạn về được không?”

“Tôi có làm sao đâu, vẫn đi được mà, cô hôm nào về nước?”

“Thứ Năm này.”

“Tức là bốn ngày rồi, được rồi, thứ Ba này tôi trả cô tiền.”

Cậu ta nói rồi đứng dậy đi ra phòng ngoài, ra cửa, chân vẫn còn tập tễnh, tôi toan định hỏi chân có ổn không thì cậu ta đột ngột quay lại, hỏi trước:

“Sao lại pha nước gừng ngọt cho tôi?”

“Tại vì nhà không có sữa.” Tôi lúng túng.

“Tôi có phải trẻ con bé đâu, cần sữa làm gì?”

“Bạn bị đau.” Tôi lại bắt đầu lí nhí “Tôi bị huyết áp thấp, hay cần uống thứ có nhiều nhiệt như gừng, thế nên hay mang gừng theo.”

“Tại vì thấy tôi bị đau, cô nghĩ là cần pha sữa cho tôi, nhưng mà lại không có sữa chỉ có gừng nên coi như tôi cũng bị huyết áp thấp mà pha gừng?” Cậu ta tuôn ra một tràng rồi phì cười, trong một thoáng lấy lại sự hoạt bát vốn có.

Tôi ngượng không biết để đâu cho hết, cũng cười cười nhìn cậu ta tập tễnh ra về, sau rồi mới nhớ ra là cả hai đều quên cả chào. Cốc nước gừng gần như còn nguyên, đã nguội ngắt, bình nước nóng cuốn trong khăn mặt cũng vẫn ở vị trí như khi tôi đặt nó lên giường.

Nguồn: Chuyện lan man đầu thế kỷ, tiểu thuyết của Vũ Phương Nghi, Nhà sách Kiến Thức và NXB Lao Động, 2006. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả.

Vũ Phương Nghi (1983), hiện du học ngành mỹ thuật ở Thượng Hải, Trung Quốc.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài