talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 28.01.2007
Vũ Phương NghiChuyện lan man đầu thế kỷ

Phần I Phần II

Vu Phuong Nhi
Vũ Phương Nghi

Vũ Phương Nghi thuộc loại nhà văn bước vào văn đàn một cách bình tĩnh và bản lĩnh. Chỉ với tiểu thuyết đầu tay, Chuyện lan man đầu thế kỷ, một giọng văn mới và riêng đã được ấn định, một tác giả mới đã tìm được chỗ cho mình. talawas chủ nhật kỳ này xin giới thiệu tác phẩm của nhà văn có vị trí khá đặc biệt trong thế hệ nhà văn mới của Việt Nam.

talawas chủ nhật

Vũ Phương Nghi

Chuyện lan man đầu thế kỷ

(Tiểu thuyết)



Lời mở đầu

Nếu có ai đó cho rằng thế giới được số hóa và đem chuyển tải trong các đường dây internet là một thế giới ảo thì đó là sai lầm nghiêm trọng.

Phần II

Mùa đông

Lời cảnh báo cho phần hai Chương 1: Hủ nữ đi làm người bình thường dễ lắm?! Chương 2: Mong mỏi được trở về quê hương Chương 3: Những chuyện không thể hiểu Chương 4: Cuộc sống vẫn vậy Chương 5: Để mọi người đều biết mà đề phòng Chương 6: Thời thế tạo anh hùng Chương 7: Đâu là đáy của xã hội Chương 8: Công cốc Chương kết

 



Chương 8

Công cốc

Sáu giờ ba mươi sáng

Tôi ngồi một mình trên chuyến xe buýt từ lãnh sự quán đến ga Nam Ninh, vì còn sớm nên xe rất vắng người, chỉ có tôi, một cô gái trẻ kéo một cái vali to chắc cũng đến ga bắt tàu như tôi, một ông già đeo kính đang chăm chú đọc báo sớm, một anh chàng khoảng ba mươi tuổi đeo đôi kính còn dày hơn cả kính của ông già, cắp một cái ca táp chắc là đi làm ở chỗ xa phải đi từ sớm.

Từ sáng hôm kia đến giờ mới được thưởng thức cảnh yên tĩnh có một mình thế này, tôi khoan khoái hít một hơi thật sâu và thở ra, cảm thấy không khí buổi sớm ở đây thật dễ chịu.

Cách đây chỉ năm phút, tôi nói tạm biệt với mẹ con chị Diêu, thơm lên má Dung Dung ở trước cửa lãnh sự quán rồi bắt xe buýt quay trở lại ga để đón chuyến tàu đi Bằng Tường lúc bảy giờ cùng với cả nhóm Kim.

Tuy ông lãnh sự Q nói rằng dứt khoát phải đến từ tám giờ trở đi mới có người giải quyết chuyện của chị Diêu, thế nhưng bảy giờ tôi đã phải lên tàu và chị Diêu thì cứ lặp đi lặp lại “Tôi sợ!” khi tôi hỏi chị có đi một mình đến lãnh sự quán lúc tám giờ được không. Vậy là từ lúc năm giờ, sau khi loanh quanh đến mệt nhoài ở ga mà không sao dỗ cho Dung Dung nín khóc, tôi quyết định sớm đưa mẹ con chị Diêu đến lãnh sự quán rồi để mẹ con chị ở đó một mình trở về bắt tàu. Trước khi đi tôi có dùng giấy bút viết và đưa cho chị Diêu một văn bản tiếng Việt như sau:

Tên chị này: Vũ Thị Diêu

Số điện thoại của anh Vũ Thanh Huyên - anh trai chị Diêu (có bố là Vũ Thanh Hòe): …

Số điện thoại của anh X. - công an ở Hà Nội: … (chính là anh “Tinh-yeu-o-noi-dau”)

Số điện thoại của ông Y. - trưởng công an huyện Z. - huyện nhà chị Diêu ở Thái Bình: …

Sau khi đưa cho chị tôi còn gạch dưới mấy số điện thoại nói là mấy số này chị cho ông lãnh sự xem, ông ấy cần biết gì ông ấy sẽ gọi điện hỏi mấy người này, vừa nói trong lòng vừa áy náy với anh “Tinh-yeu-o-noi-dau”, thấy anh hôm nay thế nào cũng lại bị làm phiền lần nữa rồi nhưng chắc đây là lần cuối cùng thôi. Chị Diêu nói là sau này có dịp trở lại chị sẽ báo đáp tôi và Doanh, tôi câm tịt chẳng biết nói sao nữa, sau rồi cũng chỉ bảo chẳng cần báo đáp gì đâu.

Nếu cứ lôi cả những chuyện trên đường từ ga đến lãnh sự để kể ra ở đây thì có thể dông dài ra cả một chương nữa, thế nhưng chẳng có gì quan trọng bằng việc tôi sắp nói ở đây cả, vậy nên chúng ta vào vấn đề chính ngay thôi. Đó là tất cả những gì tôi làm để đưa mẹ con chị Diêu đến đây trong hai ngày nay đều là công cốc cả.

Tất nhiên khi ngồi trên chuyến xe buýt vắng vẻ và cho đến tận khi lên tàu tôi vẫn chưa biết thế, trong lòng có lo lắng về những rắc rối mà Dung Dung có thể gây ra thật, nhưng cùng lắm thì cũng chỉ nghĩ đến chuyện bố nó được gọi đến đưa nó về là cùng, còn chị Diêu thì dứt khoát chị phải về nhà chứ, mà cái chính là có lo mấy thì cũng thấy rằng mọi việc mình có thể làm đã hết, trách nhiệm của tôi chấm dứt từ đây, thật là ấu trĩ, nghĩ như vậy thì thật là ấu trĩ.

Đầu tiên khi đã yên vị trên tàu cùng mấy người bạn học của tôi, chuông điện thoại của tôi réo vang, Doanh gọi cho tôi hỏi tình hình chị Diêu thế nào rồi, tôi bảo tôi vẫn chưa thấy mặt mũi ông lãnh sự Q đâu, tàu chạy sớm một tiếng trước khi lãnh sự quán mở cửa, chỉ có cách để chị Diêu ở lại đó chờ. Doanh lại hỏi liệu ông Q có biết tiếng Trung mà nói chuyện với chị Diêu được không, tôi ngớ ra rồi cười ầm nói với nó không biết tiếng Trung thì ông ấy làm lãnh sự ở Trung Quốc kiểu gì?!

Quãng chín giờ sáng chuông điện thoại của tôi lại réo, lại là Doanh, nó bảo chính ông Q vừa gọi điện cho nó, số điện thoại của nó chị Diêu cho (thực ra đó là số của nhà chúng tôi ở Thượng Hải), nó khai ra người đưa chị Diêu đến đây là tôi, vậy là ông Q hỏi số di động của tôi, nó cho ông ta rồi và ông ta sắp gọi cho tôi đấy, “Xem ra chị Diêu không về được đâu.” Doanh nói vậy rồi cúp máy. Tôi ngơ ngác thật sự, không hiểu ông Q gọi cho Doanh làm gì mà càng không hiểu ông ta muốn gọi cho cả tôi để làm gì.

Rồi ông Q gọi cho tôi thật, nội dung cuộc nói chuyện như sau:

“Này cháu, sao cháu lại nghĩ là cứ thế này đưa cô ấy đến đây là cô ấy về Việt Nam được hả?”

“Dạ???” Tôi lại ngẩn ngơ.

“Cái cô này nói là muốn về Việt Nam, lại còn bảo là về rồi sẽ quay lại nữa, mà các chú thì không làm thể nào xác minh được cô ấy có phải là người Việt Nam hay không nữa.”

“Dạ, cô ấy có tờ điện thoại, cháu ghi ra đấy ạ, các chú xem chưa ạ?”

“Xem rồi, ở đây có mấy số điện, của mấy ông nào đấy, nhưng mà cháu này, các chú cũng không thể chỉ dựa vào lời mấy người này để xác định cô này là người Việt Nam được, cô ấy còn chẳng nói được tiếng Việt.”

“Dạ, số đầu tiên là của anh trai chị ấy ở Việt Nam.”

Tôi thở dài khi hiểu ra tôi là người có vinh dự được ông Q nghĩ đến mà gọi cho trước tiên, trước cả gia đình chị Diêu và công an, đang băn khoăn không hiểu sao mình lại đâm ra quan trọng thế thì ông Q lại hỏi tiếp.

“Làm thế nào mà biết đấy đúng là anh trai cô ấy hay không chứ, cháu có biết chắc là đấy có phải là anh cô ấy hay không?!”

Tôi muốn gắt ầm lên “Muốn biết là thật hay không thì cứ gọi mà hỏi cho ra chứ sao?!!!” nhưng tất nhiên là không dám gắt mà chỉ cố trình bày:

“Dạ, cháu nói chuyện với anh cô ấy nhiều lần rồi, ở Thái Bình cô ấy cũng có hộ khẩu.”

“Chúng tôi cũng không thể chỉ căn cứ vào một cái hộ khẩu mà cho cô ấy về Việt Nam được.”

“Dạ, ở đấy còn có số điện thoại của anh công an ở Hà Nội với ông trưởng công an huyện chỗ nhà chị ấy đấy ạ.” Tôi vẫn chưa rõ ông trưởng công an huyện kia ra sao nhưng cảm thấy rõ là anh “Tinh-yeu-o-noi-dau” giờ là chỗ bám víu duy nhất rồi.

“Cái anh công an này là thế nào đây?”

“Dạ, anh ấy là người lo giúp chị ấy tìm và liên lạc với người nhà ở Thái Bình đấy ạ, chú muốn xác nhận người nhà chị ấy thì gọi cho anh ấy là được.”

Sau đó tôi nghe giọng ông Q đột nhiên biến thành rất nhỏ, rõ ra là không phải nói với tôi mà là nói với ai đó ở cạnh ông: “Đây là số điện thoại của anh công an ở Hà Nội lo tìm và liên lạc với nhà cô này ở Thái Bình”.

Trời đất ạ! Cái phong cách nhắc lại lời của chính mình và lời của người khác của ông Q sao mà giống chị Diêu và anh trai chị đến thế, tôi lại shock mất mấy giây, có ý nghĩ rằng viết giấy đưa chị Diêu thật là tốn giấy mực, cứ ngồi chờ ông Q gọi điện đến cho mình rồi đọc ra cho ông nội dung tờ giấy đó còn hơn.

Ông Q lại tiếp tục quay ra nói với tôi:

“Nhưng mà cháu ạ, cháu phải hiểu thế này nhé, các chú còn phải xem xét nhiều lắm, không thể chỉ dựa vào lời của anh công an nào đó hay ông nào đó ở Thái Bình mà xác định được thân thế cô này.”
“Chị ấy có hộ khẩu ạ.”

Tôi cảm thấy mình cũng bắt đầu dùng điệp khúc rồi, cũng may mà đây không phải là diễn đàn đan mỹ nào cả, ngôn từ có nghèo một chút cũng không sao.

“Có hộ khẩu chúng tôi cũng phải xem lại!” Ông Q nói rất kiên quyết “Chúng tôi phải làm rất nhiều công đoạn, không thể tùy tiện. Cháu học ở Trung Quốc bao lâu rồi, cháu phải biết chứ hả? Cháu học bao lâu rồi? Học cái gì thế?”

“Dạ! Cháu không học ngoại giao ạ!” Lần này thì không có cách gì dùng giọng lễ phép nổi nữa, lời nói như là bắn ra khỏi họng tôi vậy “Ở đây chị ấy không có giấy tờ, lại là người mù chữ!” Tôi cố nhấn mạnh lại cái nội dung chính đã khiến tôi mong chị Diêu về Việt Nam, vẫn thường nhắc đi nhắc lại với ông Q mỗi lần gọi điện và giờ lại cố nói, mong sao ông nhìn ra vẫn đề.

“Dầu gì thì chúng tôi vẫn phải xem xét! Chứ không phải cháu cứ đưa cô ấy đến đây là được đâu.” Ông Q cũng kiên quyết nhấn mạnh ý của mình.

Tôi lại muốn gắt lên rằng “Xem xét thì cứ xem xét! Ai cấm các vị xem?! Đấy là việc của các vị, nói với tôi làm gì?!”, có nhầm lẫn gì ở đây không? Tôi chỉ là người cố vấn cho chị Diêu mua vé tàu đi cùng tôi và xách đồ bế con hộ trên đường đi thôi mà, tại sao cái ông Q này không có ý thức là đã đến lúc ngừng cuộc nói chuyện với tôi để gọi cho bất kỳ ai trong ba người mà số điện thoại tôi đã ghi lại và đang nằm trong tay ông ta?

Thế nhưng tôi còn đang tìm cách kiềm chế để không phun ra như thế thì ông Q đã tiếp tục nói:

“Bây giờ thế này, một là chúng tôi khuyên cô ấy về Thượng Hải, hai là chúng tôi sẽ phải xem xét rất nhiều để xác định rồi cho cô ấy về.” Ông Q nói chắc như đinh đóng cột.

“Dạ, chị ấy phải về nhà!” Giờ thì tôi lại ngu ngốc nữa rồi, ngu ngốc thậm tệ mới dám đi dùng chữ “phải” và lối ăn nói như ra lệnh thế này với “người cửa quan”, nhưng lúc đó tôi chẳng nghĩ ra nổi thế mới phạm thứ sai lầm nghiêm trọng này, tại sao ông Q lại có thể đặt việc khuyên chị Diêu về Thượng Hải lên trước tiên như thế? Ông ta mong chị về Thượng Hải là về thế nào? Tiếp tục cuộc sống như thế nào? Một người Việt Nam sống bất hợp pháp ở Trung Quốc, điều này còn chưa đủ lý do để cho ông thấy là chị ấy cần về Việt Nam trở thành con người hợp pháp sao?! Trong một chốc tôi có cảm tưởng là Doanh đã không hề đánh giá quá thấp trình độ của cái ông Q này khi băn khoăn hỏi tôi liệu ông ta có biết tiếng Trung hay không.

“Chúng tôi phải xem xét rất nhiều!” Ông Q lặp lại.

“Vâng ạ, nhưng chị ấy phải về nhà!” Tôi cũng lặp lại.

“Cháu gái ra lệnh cho cơ quan đại diện nhiều quá đấy.”

Ông Q vừa nói vừa thở dài, rõ ra là một người lớn rất độ lượng với đứa trẻ đang ăn nói hỗn hào, cụm từ “cơ quan đại diện” có kéo tôi về với thực tại đôi chút, nhưng trước khi tôi kịp chỉnh sửa lại các lỗi hỗn hào của mình thì ông Q đã kịp làm cái việc tôi vẫn mong đợi từ nãy đến giờ: cúp điện thoại chấm dứt cuộc nói chuyện với tôi.

Điện thoại cúp rồi cơn tức của tôi lại xổ ra với một loạt người ngồi xung quanh trên tàu, tôi thao thao kể lại những gì ông Q vừa nói, mà thực ra nội dung ông nói thì có mấy từ đâu mà kể, tôi nói nỗi ấm ức của tôi là chính thôi.

“Khiếp thế!” Trân gật gù, tôi lại thấy mến Trân khi thấy một lần nữa khi được nó đồng tình.
Kim im lặng nhìn tôi, không tỏ thái độ gì, có lẽ do lần trước bị gắt mà cũng lại biết tính tôi rồi, cậu ta có nước lạnh cũng không giội cho tôi nữa.

Anh Hóa nghĩ ngợi rồi rút điện thoại của anh ra, bảo tôi cho anh số của ông Q, “Để anh gọi thử xem”. Anh nói thế, tất nhiên là với tôi hay là với anh đều chẳng có lý do gì để gọi cho ông Q nữa cả (chí ít thì tôi cho là như thế), thế nhưng anh hỏi thì tôi vẫn đưa, tôi cũng đâm ra muốn nghe xem người khác nói với ông Q về chuyện chị Diêu chứ không phải là tôi thì sẽ có hiệu quả như thế nào, với lại cũng nhớ ra là vừa rồi ông Q chưa nói một câu nào có liên quan đến Dung Dung.

Anh Hóa bấm máy, nghe, rồi giọng nói của anh vang lên rất nhẹ nhàng:

“Dạ, xin cho hỏi đấy là… anh là… dạ… dạ… tôi là… à, vâng, đúng rồi, phải xem xét chứ ạ, à, vâng… vâng… Xin các anh làm ơn giúp cho… Vâng… chúng tôi hiểu ạ… Cám ơn các anh nhiều lắm.”

Tôi ngẩn ra nhìn anh Hóa nói với ông Q, bỗng thắc mắc không biết cái người đang nói chuyện với anh có phải là ông Q hay ai khác, không những nghe thấy giọng nói nhẹ nhàng của anh Hóa mà tôi còn có thể cảm nhận thấy rõ sự nhẹ nhàng lịch thiệp của người đối thoại với anh dù không nghe thấy tiếng, Trân dường như cũng có cảm giác như tôi khi nó khe khẽ bình luận:

“Đúng là nói với người lớn có khác, thái độ khác ngay.”

Tôi không khỏi thở dài rầu rĩ khi nhận ra rằng mình còn là đứa trẻ nhỏ lắm, thua anh Hóa những chục tuổi cơ mà, qua điện thoại ông Q cũng nhận ra được mà gia giảm thái độ cho phù hợp như thế đấy. Ngẩn ngơ một hồi rồi cũng quên cả hỏi chuyện Dung Dung, mà thực ra tôi cũng chẳng dám hỏi, bây giờ thì tôi đã tin chắc là chị Diêu không đưa con về được rồi, hy vọng ông Q sẽ biết đường xử lý để con bé về với bố nó còn chị về với bố mẹ chị vậy.

Thế nhưng đến đêm ba mươi Tết, tôi ngồi trước máy tính ở nhà chat với Doanh, tôi biết là công mình thành công cốc rồi:

Sweet-rose: Chị Diêu lại về đây rồi, thỉnh thoảng có đến nhà chơi.

Jinny: Lãnh sự quán bảo sao?

Sweet-rose: Tớ gọi điện cho ông Q, hỏi rốt cuộc ra sao?

Trả lời: Trước mắt con bé Dung Dung không về Việt Nam được.

Hỏi: Thế làm thế nào.

Trả lời: Đang xem xét.

Hỏi: Xem xét bao lâu?

Trả lời: Chưa biết.

Sau đó thì chúng tôi tự động không ai nói với ai về chuyện chị Diêu nữa do ngại tiếp tục phải mệt óc những vấn đề gây mệt mỏi và chán nản, dầu gì thì cũng vừa thực hiện một công cốc, mà ngày Tết nói chuyện công cốc thì là điều tối kỵ, chúng tôi quay sang nói toàn chuyện ăn Tết, Doanh bảo Tết ở Thượng Hải hơi chán, ở đây người ta có vẻ ít đi chơi Tết hơn ở nhà mình. Nó lại hỏi tôi ở nhà ăn Tết thế nào, rồi chúng tôi chúc nhau năm mới vui vẻ, thế là một năm trôi qua.

Nguồn: Chuyện lan man đầu thế kỷ, tiểu thuyết của Vũ Phương Nghi, Nhà sách Kiến Thức và NXB Lao Động, 2006. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả.

Vũ Phương Nghi (1983), hiện du học ngành mỹ thuật ở Thượng Hải, Trung Quốc.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài