talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 20.01.2008
Nguyễn Đình ChínhOnlai... balô



Nguyễn Đình Chính
Nguyễn Đình Chính

Ảo giác 2007 là tên bộ sách tập hợp những sáng tác mới nhất của Nguyễn Đình Chính trong năm 2007 (gồm 1 vở kịch, 20 bài thơ và 1 tiểu thuyết), đang chờ xuất bản. talawas chủ nhật kì này xin được giới thiệu Onlai... balô, cuốn tiểu thuyết, tác phẩm chủ đạo trong bộ sách này.

talawas chủ nhật

Nguyễn Đình Chính

Onlai... balô

Nguyên do viết quyển tiểu thuyết này: Tôi thấy cần phải ép mình vào một cuộc chạy ma ra tông để tự đánh bóng lại tên tuổi nhà văn của mình.

Nguyễn Đình Chính


 



4.

Mấy chục năm nay rồi, năm nào cũng thế. Tết đến. Sương muối mịt mù lạnh tái tê. Đêm co ro trong chăn. Ngủ. Trong mơ... đôi khi lại nghe thấy tiếng hú hoang vu từ rừng thẳm vọng về. Không phải tiếng hú thú rừng. Không phải tiếng hú người. Cũng không phải tiếng hú ma quỷ. Có ma quỷ không?

Hồi còn bé, ta (Zê) được một bà mế người Thổn Mừ nuôi. Bản Nà Cốc lèo tèo hơn chục nóc nhà trốn tít trong rừng thẳm đại ngàn. Suốt ngày bò lê la chơi với mấy đống cứt trâu khô thơm tho dưới gầm nhà sàn. Đêm khuya rúc vào váy bà mế cạnh bếp lửa bập bùng giữa nhà. Tiếng hú tru lên ghê rợn. Mếu. Bà mế Thổn Mừ xuýt xoa. A lúi. Bé Kinh ơi ời. Mế đang ôm con đây mà.

Bao nhiêu năm rồi? Chen chúc giữa chốn đô thành miền xuôi náo nhiệt. Đói rã họng. Thân phận thằng nhà văn chuyên nghiệp kiêm hoạ sĩ nửa mùa hèn mọn không bằng cấp chẳng bao giờ tranh cướp được hợp đồng béo bở (hợp đồng viết kỷ yếu các nhà máy hợp đồng vẽ tranh cổ động). Thua bạn kém bè.Tiền ơi là tiền. Đồng tiền co cẳng chạy nhanh như thằng ăn cắp. Một cuộc đuổi bắt ngoạn mục. Vắt chân lên cổ mà vẫn chỉ luôn luôn vồ hụt. Tiên sư đồng tiền. Cuối tháng chỉ mới nhìn thấy người sở điện phanh xe đạp ken két trước cửa nhà tống cho cái hoá đơn thu tiền mà đã giật mình nhớn nhác. Con gái ta (Zê) bé Nhí thông minh kì lạ. Bé Nhí học tiếng Anh giỏi lắm chăm lắm. Bé thèm được theo cô chị họ tu nghiệp ba tháng tại trường A pô lô để đươc các ông thầy Mỹ chính gốc luyện nói luyện nghe nhưng Nhí không dám xin tiền bố vì bé biết ràng… ôi 300 đô la Mỹ học phí bố (Zê) biết moi ra ở cái xó xỉnh nào. Ta (Zê) nhìn vào mắt con. Ta (Zê) ôm chặt con ta vào lòng. Ta (Zê) ngoác miệng cười nhăn nhở nước dãi bắn tung toé nhưng mắt ta (Zê) lại ứa ra nhứng giọt lệ tanh máu.

Đêm đông buốt giá. Tiếng hú rừng hoang vọng về tru lên thảm thiết. Vợ nằm bên trằn trọc. Răng nghiến ken két. Ôi chao là cái bệnh đàn bà nghiến răng trong giấc ngủ. Lạ lùng. Chân cẳng co quắp như bào thai. Mắt nhắm nghiền. Con sâu lại chầm chậm bò. Buồn đến nát người. Khốn nạn thay thân phận thằng nghệ sĩ nửa mùa.

Năm tháng dần trôi. Cuộc đời vẫn nát như tương. Tiến tùng. Túng tiền. Rơi gần xuống tận đáy vực kiết xác lưu manh. Vợ ta (Zê) con nhà trí thức quèn chỉ được bố mẹ dậy dỗ phải thật thà chịu thiệt chứ không được truyền cho mấy cái miếng võ đời trơ trẽn ranh ma nhẫn tâm ăn thịt người. Đểnh đoảng dại nghếch. Khi bị người ăn. Khổ quá. Hết tiền. Chỉ còn biết chui vào sau lưng chồng tu lên khóc. Ấy vậy mà hễ cứ có tiền thế là ta (Zê) lại chỉ lăm le ba lô khăn gói.

Lên đường thôi. Hàng chục năm rồi thực ảo đâu đây bao nhiêu chuyến ba lô bụi ngược rừng. Tại sao lại cứ lên rừng. Không biết. Có một tiếng gọi xa xăm nào đó thôi thúc ta (Zê). Ban ngày thì tiếng gọi đó hú lên nhứng tiếng lặng câm trong tâm trí. Ban đêm thì tiếng gọi đó bật lên thành nhứng tiếng hú điếc tai ai oán thảm thiết trong giấc mộng. Cũng chẳng thể hiểu tại sao lạ như vậy.

Vợ rên rỉ. Tiếc tiền. Xót tiền. Đi đâu. Sao lại cứ rúc lên rừng. Khỉ ho cò gáy. Tôi lạ gì cái máu dâm đãng của cả họ nhà ông. Xéo lên rừng mà ôm gái Thổ.

Bốp. Không phải một cái tát mà chỉ là một cây cọ to tướng bê bết sơn cứng đờ quất vào gối bông. Tiền này con gái nó cho ta. Bây giờ bé Nhí lớn rồi, giỏi giang lắm rồi. Con ta (Zê) cho ta (Zê) tiền.

“Bố đi chơi đi. Bố ba lô ra khỏi nhà đi. Bố chạy lên rừng đi. Tiền này là của con biếu bố. Tiêu như thế nào thì là quyền của bố.”

“Cám ơn con gái rượu con gái bia. Bố đang chán đời lắm đây.”

“Đêm qua nằm vắt tay lên trán lại thấy con sâu chầm chậm bò. Buồn đến nát người. Vợ ơi. Có hiểu ta (Zê) nói gì không.. Không hiểu à. Tôi đi chơi rừng.Thăm thằng bạn cũ cụt chim. Bà còn nhớ không. Bác Bàn Kì Páo. Chiến hữu cùng trung đoàn. Đây này. Đang gọi điện mời lên chơi. Số di động đây. Muốn kiểm tra không?”

“Tôi không thèm kiểm tra. Muốn đi đâu thì đi. Già rồi. Có thân thì lo. Đừng có đánh đu với bọn chíp hôi nữa. Mang theo cái khăn quàng cổ của tôi. Sương rừng độc lắm lạnh lắm. Đã không muốn cho thằng Bờm đi cùng để canh bố thì mượn đôi giày A đi đát của nó mà lội rừng.”

Ôi trời ơi. Thằng cu Bờm ư. 18 tuổi. Cao 1 mét 84 xăng ti mét. Nặng 90 cân. Tóc vàng. Da trắng, Đẹp trai hơn cả diễn viên Hàn Quốc. Ghi ta điện như bão giật. Đã bảo không được gọi con là thằng Bờm nữa. Phải gọi con là anh. Anh Bờm. Một tháng đôi lần anh Bờm vẫn đưa bố đi cà phê. Bờm hiền lành. Ít nói. Suốt ngày chỉ nhìn bố tủm tỉm cười. Bờm yêu bố. Thương bố. Bênh bố. Đã nhiều lần toan há mồm toan rủ Bờm cùng ngược rừng vui chơi. Nhưng rồi... hàm cứng đờ. Con ơi tha lỗi cho ta. Cái Thế giới rừng của riêng hồn ta. Sẻ chia ư. Cũng muốn chia sẻ cho con. Muốn. Mà không thể. Nó không thể sẻ chia. Anh Bờm ơi ời. Với con cũng vậy. Mai đây con cũng sẽ có một thế giới bí mật riêng biệt của riêng con. Đâu đây cánh rừng nổi gió. Khúc sông cuộn sóng. Mặt nước hồ mùa Thu trong vắt. Đốm lửa nhảy múa chập chờn trên cao nguyên. Hay có khi chỉ là trang giấy trắng tinh vô tình mắc trên cửa sổ. Chỉ riêng của con. Suốt đời con mơ màng đi tìm nó. Cái thế giới ấy không thể sẻ chia cho bất kì một ai. Nó chỉ của riêng một người. Sẻ chia ư. Nó sẽ biến mất. Nó hoá thành mây trắng vô hình ẩn hiện tan biến trời cao.

Danh tiếng. Áo cơm. Bạc tiền. Tranh tượng. Ghen tị. Mưu hèn. Dối trá. Lưu manh. Ào nát cuộc đời. Xoá đi tất cả.

Tơi tả.

Bốc mùi.

Đôi khi đau đớn chợt nhận ra thân phận y chang một con chó hoang. Chó hoang ơi. Chạy đi đâu. Cuống cuồng. Phát điên phát rồ. Cướp giật danh phận miếng ăn bạc tiền giữa cái chợ người náo loạn. Và tới một ngày nào đó. Phập. Chát. Bụp. Ẳng... ẳng... ẳng.

Chao ôi rừng thẳm đại ngàn. Một mình lang thang. Thèm muốn hít thật nhiều màn sương rừng tháng Giêng Hai lạnh lẽo và tinh khiết đến rùng minh rồi nắm sõng xoài ra đất co quắp chân cẳng ôm choàng những búi rễ trám già sần sùi héo khô đang âm thầm rỏ nhựa.

Vĩnh biệt cái chuồng chó chật chội mấy chục năm nay quanh quẩn chui ra chui vào.


© 2008 talawas

Nguyễn Đình Chính sinh ngày 28.10.1946 tại số nhà 14 Nguyễn Thái Học (nhà bác sĩ Chính), Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2004) và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga (1926-1951). Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), Nguyễn Đình Chính (lúc ấy chưa tới 2 tháng tuổi) và anh trai (2 tuổi) được mẹ bồng đi di tản lên Việt Bắc. Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh 2/4. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.

Tác phẩm Xưởng máy nhỏ của tôi (tiểu thuyết đầu tay, 1976); Nhớ để mà quên (tiểu thuyết, viết năm 1981 nhưng đến 1998 mới được in, đã được dịch ra tiếng Pháp); Con phù du cánh mỏng (tiểu thuyết, 1986); Đêm thánh nhân (tiểu thuyết tâm đắc nhất, dài hơn 1000 trang, viết năm 1990-1992, in tập I năm 1998, dự định sẽ in tập II vào năm 2000, nhưng không được cấp giấy phép. Tháng 10.2006, Nxb. Văn Học in trọn vẹn cả hai tập dưới tựa đề mới là Ngày hoàng đạo.) Kịch bản điện ảnh (đã dựng phim): Rừng lạnh, Bãi biển đời người, Hồi chuông màu da cam, Người trên mặt sôngHòn đảo chìm xuống (không được duyệt). Duyên nợ trần gian (kịch bản sân khấu, giải thưởng Liên hoan sân khấu ở Hàn Quốc 2002) và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.

 

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài