talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 20.01.2008
Nguyễn Đình ChínhOnlai... balô



Nguyễn Đình Chính
Nguyễn Đình Chính

Ảo giác 2007 là tên bộ sách tập hợp những sáng tác mới nhất của Nguyễn Đình Chính trong năm 2007 (gồm 1 vở kịch, 20 bài thơ và 1 tiểu thuyết), đang chờ xuất bản. talawas chủ nhật kì này xin được giới thiệu Onlai... balô, cuốn tiểu thuyết, tác phẩm chủ đạo trong bộ sách này.

talawas chủ nhật

Nguyễn Đình Chính

Onlai... balô

Nguyên do viết quyển tiểu thuyết này: Tôi thấy cần phải ép mình vào một cuộc chạy ma ra tông để tự đánh bóng lại tên tuổi nhà văn của mình.

Nguyễn Đình Chính


 



5.

Đêm ngày mai rồi đêm ngày kia, đúng hẹn, ta (Zê) lên mạng đợi chát.

Chát với cái con tiều.

Em gái sinh viên kiêm gái gọi nghiệp dư cho ăn no thịt thỏ.

Tin em là ngu. Chính xác. Đại ngu.

Sáng sớm ngày kia khoá (hai ổ khoá) khoá cánh cổng vào khu nhà vườn.

Đi chơi thôi. Chó hoang chạy ra khỏi chuồng thôi.

5 giờ 25 phút.

Ba lô trên vai phơi phới ra khỏi nhà.

Không ai đưa tiễn.

Ngõ nhỏ vắng tanh. Gió mùa Đông hun hút. Sương Muối mờ mịt. Đặc quánh. Buốt giá.

“Ê sếp. Đi đâu mà sớm thế?”

“Con tườu. Cho ta ra bến xe ngược rừng. Mau lên.”

“Mời sếp.”

Xe ôm nhe răng cười nịnh. Tinh mơ. Bến xe thị xã đã tấp nập kẻ ngược người xuôi. Một người đàn bà tỉnh quê ngào trộn te tái đâm sầm cả vào gã. Bác ơi tết đến nơi rồi.

Phụ xe dìu tới tận ghế ngồi. Xe nổ máy. Điện thoại di động ca hát inh ỏi trong túi quần.

“E mé mầy [1] . Có lên không đấy?”

“Ta đang ngồi trên xe rồi.”

“Nói phét.”

“Không nói phét đâu. Nghe tiếng xe ca ình ình này. Nghe tiếng người léo nhéo này.”

“Tốt lắm a. Đang nhớ cậu. Ta đã dấm cho cậu con Mán non xinh lắm. Lên nhé. Đừng có lừa ta. Zịt mẹ thằng cậu không lên.”

“Ô thằng cụt chửi bậy.”

Cái thằng zịt mẹ cậu trong điện thoại di động họ tên là Bàn Kì Páo. Người Thổn Mừ. Cùng ngày cùng tháng cùng năm sinh. Chỉ có đẻ khác giờ. Bạn cũ cùng tiểu đoàn tân binh 154 hỗn tạp đánh nhau miên man tại miền biên giới tây Nam trong chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa.

Cũng những chiều mùa Đông giáp tết. Bệnh xá sư đoàn chìm trong sương muối tái tê rừng sâu biên giới cực Nam. Mảnh cối chém giữa đỉnh sọ. Đầu băng xù xụ. Nằm giường bên là thằng Bàn Kì Páo. Cũng mảnh cối chém. Nhưng chém đứt phăng bộ đồ nghề. Cụt chim. Cũng sù sụ băng. Nhưng quấn quanh cái vùng ngày xưa có tổ con chim cu.

Bàn Kì Páo cao 1 mét 76. Vai vuông. Mắt một mí. Da dẻ hồng hào. Đẹp thằng trai Thổn Mừ.

Bác sĩ Thông vỗ vai an ủi thằng Páo.

“Lo gì. Mai này khoa học phát triển tinh vi. Cấy một con chim khác cực to.”

“Zịt mẹ bác sĩ.”

Bác sĩ Thông cười xoà vì đã nhàm tai nghe thương binh chửi.

Đêm mò mẫm lội ngược con suối rừng câu cá trạch trấu. Bác sĩ Thông lắc đầu tiếc rẻ.

“Mảnh cối tiện ngọt quá. Sát bệ. Cỗ pháo của chàngThổ Mừ còn nguyên xi. Không tí ti dập nát. To bự. Thật là phí của giời.”

“Làm sao?”

“Giá mà ở Liên Xô thì có thể nối được.”

Ôi Liên Xô. Liên Xô xa xăm. Tuyết rơi đầy trời. Liên Xô nối được con cu. Đêm nào ta (thằng Páo) cũng nằm mơ ôm bộ đồ nghề bay vèo sang tận Liên Xô.

Mười bốn năm sau. Một buổi trưa trong sương mờ mịt lạnh buốt rừng Nà Cốc thằng Páo buồn rầu chép miệng thổ lộ với gã như vậy. Tiếc lắm a.

Đáng nhẽ ra thì không bao giờ gã gặp lại thằng bạn cũ cùng tiểu đoàn.

Chuyện cổ tích xa xưa 50 năm đã trôi qua kể rằng. Hồi mới hai tuổi mẹ địu sau lưng trong một ngày lửa cháy đầy trời. Bỏ đất Tràng An chạy loạn ngược mãi lên tới tận bản Nà Cốc heo hút rừng xanh núi đỏ Việt Bắc xa xôi. Đêm 30 tết mẹ thổ ra hàng đống máu vào thúng tro rồi chết. Người trong bản làm phúc bó chiếu chôn ở đâu đó bìa rừng. Được bà mế Thổn Mừ ẵm về nuôi. 30 năm sau. Đêm 30 tết. Đúng giao thừa. Mẹ hiện về buồn rầu. Con ơi. Người ta phá mất nhà của mẹ rồi. Con lên đón mẹ về.

Sáng mồng một mò lên nhà bố. Bố còn mải cãi nhau với người vợ kế. Tôi đuổi cô ra khỏi tâm hồn tôi. Rồi ông xách va li bỏ chạy mất tăm khỏi nhà. Sau tết vài ngày. Lặn lội xe máy Hon đa lên tận bản Nà Cốc heo hút mịt mù sương muối. Phó công an bản xộc lên tận nhà sàn quát: Chứng minh thư nhân dân của mày đâu?

Ôi trời ơi. Nhìn ra thì lại là thằng Bàn Kì Páo.


© 2008 talawas

[1]E mé mầy: tiếng Thốn Mừ chửi tục.

Nguyễn Đình Chính sinh ngày 28.10.1946 tại số nhà 14 Nguyễn Thái Học (nhà bác sĩ Chính), Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2004) và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga (1926-1951). Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), Nguyễn Đình Chính (lúc ấy chưa tới 2 tháng tuổi) và anh trai (2 tuổi) được mẹ bồng đi di tản lên Việt Bắc. Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh 2/4. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.

Tác phẩm Xưởng máy nhỏ của tôi (tiểu thuyết đầu tay, 1976); Nhớ để mà quên (tiểu thuyết, viết năm 1981 nhưng đến 1998 mới được in, đã được dịch ra tiếng Pháp); Con phù du cánh mỏng (tiểu thuyết, 1986); Đêm thánh nhân (tiểu thuyết tâm đắc nhất, dài hơn 1000 trang, viết năm 1990-1992, in tập I năm 1998, dự định sẽ in tập II vào năm 2000, nhưng không được cấp giấy phép. Tháng 10.2006, Nxb. Văn Học in trọn vẹn cả hai tập dưới tựa đề mới là Ngày hoàng đạo.) Kịch bản điện ảnh (đã dựng phim): Rừng lạnh, Bãi biển đời người, Hồi chuông màu da cam, Người trên mặt sôngHòn đảo chìm xuống (không được duyệt). Duyên nợ trần gian (kịch bản sân khấu, giải thưởng Liên hoan sân khấu ở Hàn Quốc 2002) và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.

 

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài