talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 20.01.2008
Nguyễn Đình ChínhOnlai... balô



Nguyễn Đình Chính
Nguyễn Đình Chính

Ảo giác 2007 là tên bộ sách tập hợp những sáng tác mới nhất của Nguyễn Đình Chính trong năm 2007 (gồm 1 vở kịch, 20 bài thơ và 1 tiểu thuyết), đang chờ xuất bản. talawas chủ nhật kì này xin được giới thiệu Onlai... balô, cuốn tiểu thuyết, tác phẩm chủ đạo trong bộ sách này.

talawas chủ nhật

Nguyễn Đình Chính

Onlai... balô

Nguyên do viết quyển tiểu thuyết này: Tôi thấy cần phải ép mình vào một cuộc chạy ma ra tông để tự đánh bóng lại tên tuổi nhà văn của mình.

Nguyễn Đình Chính


 



6.

Ngày xưa. Đường lên Việt Bắc quanh co. Xấu lắm. Ổ gà ổ voi trùng điệp. Xóc kinh khủng. Nhưng mươi năm nay thì khác rồi. Nhựa bê tông Áp phan đen thẫm êm thuận. Hai bên đường núi xanh mây trắng cảnh đẹp thần tiên. Xe máy lạnh chạy như mơ.

Thức. Ngủ. Rồi lại thức. Rồi lại ngủ.Khách lên khách xuống gã chẳng để ý.

Gần trưa xe đỗ lại một quán ăn bên đường thiên lý. Cũng loè loẹt cờ đuôi nheo bảng hiệu xanh đỏ tím vàng. Một tấm biển quảng cáo to tướng ngất ngưởng bia chai Con Hổ nhăn nhở ngoác miệng cười. Cơm gạo nương. Dẻo. Thơm. Gạo này có nhiễm độc phân hoá học không. Làm sao biết được. Cá suối rán ròn. Nhiều xương mỏng thịt. Hành khách đổ xuống ăn hùm uống cọp. Có một cô gái lông mày nét ngang xinh đẹp không ăn không uống ngồi dúi dụi mềm oặt góc bàn. Chẳng ai hỏi han. Thân gái dặm trường.

“Cô say xe.”

“Vâng. Em mệt quá. Em buồn nôn quá.”

“Hãy uống hết cốc nước tinh khiết La Vie.”

“Cám ơn chú. Cháu mệt. Em mệt. Buồn nôn. Chỉ muốn nằm.”

Ta xăng xái chạy sang bên đường hỏi nhờ ông chủ nhà mặt mũi như thằng lái trâu đang ngồi bán nước ché chén xin cho cô gái nằm nghỉ nhờ. Giường nhỏ trong buồng kín mít tối lờ mờ rất khả nghi. Chăn bông Trung Quốc. Gối bọc thổ cẩm. Nồng nàn mùi nước hoa rẻ tiền. Cô gái lăn ra manh chiếu lá cọ thiếp ngay vào giấc ngủ dại dột tin cậy. Đường mông cong thiếu nữ xuân thì lơ đãng vẽ một nét khêu gợi trên giường.

Ta (zê) ngồi bệt ở bậc cửa ra vào. Ngồi làm gì. Gác. gác ai. Gac ông chủ nhà. Hút thuốc.

Nghỉ thêm nửa tiếng qua giờ Ngọ. Lại lục tục lên xe.Cô gái đổi chỗ ghế trên xuống ngồi cạnh. Mùi thơm ngai ngái của hoa dại cỏ dại núi rừng. Lặng người. Trò chuyện.

“Chú là nghệ sĩ.”

“Đúng đấy. Tại sai cậu lại biết.”

“Biết chứ. Trông thoáng qua là biết ngay.”

“Giỏi thật. Đúng rồi. Chú là hoạ sĩ. Còn cậu. Tên gọi là gì?”

“Vi Bằng Tươi. Vừa tốt nghiệp trường cao đẳng ngoại ngữ. Không phải người Kinh đâu. Em là người Xi Oắn bản Mương Cọn Khuông Luông”

“Vi Tươi đi đâu vậy?”

“Đi chơi.”

“Lang thang ba lô bụi.”

“Không có ba lô bụi đâu. Đi công vụ cho tổ chức nhân đạo quốc tế đấy. Chú đi đâu.”

“Ta lên bản Nà Cốc Nác Hang thăm bạn cũ.”

“Vậy là chú đi chơi lang thang đích thực rồi.”

Xe liên tục vào những đường cua. Ngả nghiêng. Mùi hoa cỏ núi rừng. Vai xô vai. Đùi ép sát đùi. Ma núi ơi. Em lại buồn nôn. Cô gái thầm thì. Mắt nhắm nghiền. Má thiếu nữ áp vào vai gã. Cho em mượn cái vai của chú một lúc. Cứ tự nhiên. Một vài cặp mắt trong xe nhìn. Nhìn cái gì nhỉ. Tự nhìn soi mói kính xe. Kính xe phản chiếu loang loáng. Áo da cũ bạc thếch. Đầu hình quả bom. Trọc lốc. Râu ria tua rủa gớm ghiếc. Đôi mắt to tướng rừng rực ngọn lửa thợ săn đang điên cuồng săn lùng. Săn lùng cái gì. Không biết nữa. Nhưng chắc chắn không phải săn... đầu ngưòi. Ôi chao. Đâu có phải thằng già râu xanh đang tán tỉnh gái non giữa đường. Dù sao thì ta (Zê) cũng là một nghệ sĩ. Một nghệ sĩ đích thực (chắc là như vậy) đang ngồi giữa đám chúng sinh trong cỗ xe máy lạnh ngàn dặm thiên lý này. Hàng ngàn những trang bản thảo mơ màng mộng tưởng mười năm nay bị đánh chìm trong bóng tối lặng im của ngu dốt của đố kị của ghen tức. Bao nhiêu năm tháng qua phải nghiến răng vùi đầu ngụp lặn giãy giụa trong một căn phòng tập thể tồi tàn ô uế 16 mét vuông tầng chót thượng thứ năm vừa là phòng ở vừa là xưởng vẽ bề bộn đồ đạc và toan màu và những trang bản thảo nhàu nát giữa người vợ hiền lành và hai đứa con ngơ ngác. Chăm chỉ rửa bát lau nhà hót cứt chó cứt mèo. Chỉ dám mong hai đứa con cố học lấy mấy cái chữ tiếng Mỹ eo eo làm vốn mai này không chết đói. Âu yếm ôm hôn tất cả mọi người trong cái gia đình nhỏ bé nghèo hèn. Máu thịt tưởng như ngào trộn lẫn máu thịt vợ con. Ấy vậy mà lại xa lạ với vợ con quá chừng. Như người khách lạ trong nhà.

Mỏi mệt. Đi ra đường lẫn giữa cả triệu người thị thành náo nhiệt chen chúc mà lạc lõng cô đơn như đi giữa sa mạc không người.

Trợn mắt nhìn xuyên qua sọ não con người không thấy hàng tỉ nơ ron thần kinh nhảy múa vận hành mà chỉ nhìn thấy đám mây nhầy nhụa đang quằn quại vò xé.

Bao nhiêu năm nay rồi chỉ thầm mơ một buổi sáng nào đó đẹp trời tỉnh dậy bưu điện ném vào khe cửa phong thư mời của một bảo tàng danh tiếng ở Pháp ở Mỹ trang trọng và kính cẩn có nguyện vọng muốn bầy tranh của gã. Rồi một mạng lưới thông tin toàn cầu nổi tiếng bỗng nhiên xộc đến tận nhà xin phỏng vẫn. A ha ngài chưa biết a. Chúc mừng. Chúc mừng. Một giải thưởng văn học tầm cỡ quốc tế hàng năm từ nước Bỉ đã chọn đích danh tác phẩm ta (Zê) kèm theo một ngân phiếu hàng chục vạn đô la (tất nhiên là đô la Mỹ).

Ngồi ngay lưng mơ màng nhìn ngắm những tác phẩm của gã đang treo ngất ngưởng hoang đường ở một phương trời xa xăm. Lẩm bẩm đọc lại bản ghi nhớ cuộc phỏng vấn giả tưởng trong mộng mị. Xe vẫn lao đi vùn vụt ngả nghiêng. Cô gái trẻ bạn đường áp má vào vai ngủ ngon lành mặc xác ngoài xe mây trắng xốp cuồn cuộn dạt trôi như thác.


© 2008 talawas

Nguyễn Đình Chính sinh ngày 28.10.1946 tại số nhà 14 Nguyễn Thái Học (nhà bác sĩ Chính), Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2004) và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga (1926-1951). Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), Nguyễn Đình Chính (lúc ấy chưa tới 2 tháng tuổi) và anh trai (2 tuổi) được mẹ bồng đi di tản lên Việt Bắc. Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh 2/4. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.

Tác phẩm Xưởng máy nhỏ của tôi (tiểu thuyết đầu tay, 1976); Nhớ để mà quên (tiểu thuyết, viết năm 1981 nhưng đến 1998 mới được in, đã được dịch ra tiếng Pháp); Con phù du cánh mỏng (tiểu thuyết, 1986); Đêm thánh nhân (tiểu thuyết tâm đắc nhất, dài hơn 1000 trang, viết năm 1990-1992, in tập I năm 1998, dự định sẽ in tập II vào năm 2000, nhưng không được cấp giấy phép. Tháng 10.2006, Nxb. Văn Học in trọn vẹn cả hai tập dưới tựa đề mới là Ngày hoàng đạo.) Kịch bản điện ảnh (đã dựng phim): Rừng lạnh, Bãi biển đời người, Hồi chuông màu da cam, Người trên mặt sôngHòn đảo chìm xuống (không được duyệt). Duyên nợ trần gian (kịch bản sân khấu, giải thưởng Liên hoan sân khấu ở Hàn Quốc 2002) và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.

 

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài