talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 20.01.2008
Nguyễn Đình ChínhOnlai... balô



Nguyễn Đình Chính
Nguyễn Đình Chính

Ảo giác 2007 là tên bộ sách tập hợp những sáng tác mới nhất của Nguyễn Đình Chính trong năm 2007 (gồm 1 vở kịch, 20 bài thơ và 1 tiểu thuyết), đang chờ xuất bản. talawas chủ nhật kì này xin được giới thiệu Onlai... balô, cuốn tiểu thuyết, tác phẩm chủ đạo trong bộ sách này.

talawas chủ nhật

Nguyễn Đình Chính

Onlai... balô

Nguyên do viết quyển tiểu thuyết này: Tôi thấy cần phải ép mình vào một cuộc chạy ma ra tông để tự đánh bóng lại tên tuổi nhà văn của mình.

Nguyễn Đình Chính


 



9.

Sau buổi đi hái nấm trong rừng về Thào Yêng trốn biệt tăm. Thằng Pháo cũng chẳng thấy mặt mũi đâu. Buổi trưa mò ra khe lụi hụi một mình đào bới. Nào có tìm thấy gì. Chán ngán. Bỏ về nhà ngồi thần bên bếp lửa hút thuốc lào vặt thỉnh thoảng lại nghển cổ dỏng tai nghe ngóng. Chỉ nghe thấy tiếng gió rừng xào xạc. Chiều nhọ mặt thì thằng Pháo mò về vai đeo một khẩu súng trường nói nói cười cười khoe là ngày mai lại lên huyện tập huấn nghiệp vụ công an 5 ngày. Tao đã nhờ noọng Yêng nấu cơm cho mày ăn rồi. Đừng có về xuôi vội. Mày buồn thì bảo noọng Yêng dẫn vào rừng hái măng. Mùa này nhiều măng rừng. Đợi tao về sẽ có câu chuyện trang nghiêm nói cho mày biết. Chỉ ừ ào. Muốn kể cho thằng Pháo biết là cũng đã theo Thào Yêng vào rừng hái măng, tắm ở hồ nước nóng rồi, đã ăn nằm với cô gái Thổn Mừ mấy lần rồi nhưng thấy khó nói quá. Sáng sớm hôm sau thằng Pháo ba lô xách súng lên đường. Ngồi lì bên bếp lửa không tiễn. Đến tận trưa vẫn không thấy Thào Yêng sang. Buồn bực lại xách mai vác thuổng ra đào đất gốc câu ruối dưới khe cho đỡ buồn chân buồn tay. Và cũng cho vơi nỗi bứt rứt trong lòng. Chiều muộn về tới nhà thì đã thấy có nồi cơm bát canh ủ trong tro bếp. Ăn cơm nhẩn nha. Rồi nằm dài bên ngọn lửa mơ màng chờ đợi. Rồi không hiểu sao lại thiếp vào giấc ngủ say như chết tới khi giật bắn người choàng dậy thì tiếng chim đã hót ríu rít ngoài sân chan hoà nắng sớm. Bực tức đá vào cây cột nhà. Gầm gừ văng ra câu chửi bậy tiếng Thổn Mừ É me mầy rồi lại lụi cụi vác mai vác thuổng đi ra bìa rừng. Vừa xén được vài mai đất thì có hòn sỏi ném cốc trúng đầu. Thào Yêng. Ta rú lên. Quay lại. Cô gái Thổn Mừ xống váy ướt đầm, vai đeo sọt tre chui ra từ trong bụi cây rậm rạp. Chạy vội tới định ôm chầm lấy cô gái. Trượt chân ngã lăn lông lốc xuống lòng khe. Đầu đập vào hòn cuội to tướng. Đau quá. Thào Yêng chạy lại dìu gã đứng lên. Đôi mắt đen láy long lanh nhìn.

“Ao chảy máu rồi.”

“Không đau.”

Siết chặt cô gái trong vòng tay. Môi vội tìm môi. Ngực vội tìm ngực. Thầm thì ao nhớ noọng quá. Rất lâu. Cô gái Thổn Mừ nhẹ nhàng trườn ra rồi từ tốn gỡ sọt tre khỏi vai. Trong sọt tre có mấy thẻ hương để lần bó măng. Gió rừng hú trên đầu. Cô gái Thổn Mừ run rẩy cắm mấy thẻ hương xuống đất.

“Noọng thắp hương cúng mế của ao đấy.”

“Mế của ao cũng là mế của noọng. Ao sẽ cưới noọng làm vợ.”

“Noọng cũng muốn cưới ao làm chồng.”

“Thật nhé?”

“Thật mà.”

“Lấy vợ phải lấy liền tay.Chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha.”

“Ao không chê noọng a?”

“Tại sao lại chê?”

“Ao không sợ ma sẽ bắt noọng a.”

“Ao không sợ.”

“Noọng cầu xin ao.”

“Nói đi.”

“Ao hãy xin ma mẹ ao tha cho cả nhà noọng.”

“Tại sao em lại nói như vậy.”

Cô gáo Thổn Mừ quỳ thụp xuống vái gã ba vái rồi nức nở.

“Xin ma tha tội cho mế noọng. Xin ma tha tội cho noọng.”

Giật thót người. Lờ mờ hiểu ra có điều gì ghê gớm ẩn giấu trong lời cầu xin thê thảm này.

“Nói cho ao nghe nào.”

Cô gái Thổn Mừ oà khóc.

“Noọng sợ ao giết noọng.”

Rùng mình. Thào Yêng chỉ lên nương rồi nghẹn ngào.

“Ao ơi. Mẹ ao chôn ở trên kia. Bố mẹ noọng phát nương chẳng may đào phải mộ mẹ ao. Bố noọng đem xương xuống vùi dưới gốc cây ruối này. Ao ơi ời.”

Ôm choàng lấy Thào Yêng.Người cô mềm oặt. Môi ta cố bập vào đôi môi đầm đìa nước mắt của cô gái Thổn Mừ. Thầm thì: không sao mà. Không sợ mà. Ao và noọng cùng đào rồi sẽ tìm thấy mế mà. Cô gái giẫy giụa rồi rũ xuống như tàu chuối héo.

“Nhưng mà không tìm được nữa rồi. Lợn rừng xục lên ăn xương của mế rồi.”

Choáng váng xa xẩm mặt mày ngã ngồi xuống đất. Thào Yêng cũng lăn ra cạnh gã.

Đêm đó ta thức trắng. Thào Yêng cũng thức trắng. Lửa bếp lập loè soi bóng hai người chập chờn trên vách. Chẳng còn cặp mông tròn vo căng mẩy đong đưa nữa. Chẳng còn đôi mắt đen lóng lánh nữa. Cũng chẳng còn mùi cỏ rừng thơm ngái. Váy áo tã tượi. Mắt xưng húp, Thảo Yêng rúm ró xấu xí như con ma rừng vừa ốm dậy. Cô gái Thổn Mừ vẫn chưa hết sợ. Cô sợ con ma mế ao thì ít mà sợ ta nhiều hơn. Đã mấy lần cô gái níu áo ta thì thầm: ao không giết noọng chứ. Ao không đánh noọng à. Ta đã dần lại hồn. Gần sáng. Thào Yêng vẫn còn run rẩy. Ta dịu dàng ôm cô gái vào lòng rồi nói thầm vào tai cô:

“Noọng đừng sợ nữa. Ao không nghĩ gì đâu. Chuyện ngày xưa trôi vào cổ tích rồi. Ma mế ao không giận bố mế noọng. Ma mế ao cũng không giận con dâu của mế. Không ai có tội.”

“Ao vẫn cưới noọng làm vợ?”

“Không cưới noọng thì cưới ai bây giờ.”

Môi ta gắn vào đôi môi mằn mặn vẫn còn chưa khô nước mắt. Thì thầm: ao yêu noọng mà. Ao thương noọng mà. Thào Yêng oà khóc nức nở quấn chặt lấy gã như sợ gã vùng ra chạy mất. Cô gái cứ hức lên như bị tắc thở. Khi thấy tay ta run rẩy lúng túng xục vào trong váy thế là vừa khóc Thào Yêng vừa tự tay giật tung cạp váy. Bụng Thào Yêng căng cứng. Gã bế thốc tấm thân trần truồng đẹp như trong giấc mơ của cô gái lên quay nhè nhẹ rồi cũng rất nhẹ nhàng đặt xuống sàn vầu sát cạnh bếp lửa. Ta quỳ xuống hôn lên vú lên ngực lên bụng của cô gái. Khi thấy môi ta trườn xuống nữa thì Thào Yêng co rúm người lại nhắm nghiền mắt ưỡn mông khuỳnh rộng hai đùi lẩy bẩy quặp chặt lấy cái thân hình đỏ ửng vì rét của gã.


*


Trỗi dậy một kí ức xấu hổ giấu kín trong chuyện cổ tích đã xa rồi. 17 tuổi. Mới nhập ngũ được ba tháng. Đóng quân trong một xóm nhỏ yên bình ven con sông Cà Lồ miền đồng bằng châu thổ vàng rực lúa. Chị chủ nhà goá chồng suốt ngày cứ nhìn gã tủm tủm cười rồi bê nồi khoai luộc nóng hôi hổi đổ ra cái nia cứ bắt gã ăn no căng bụng. Thằng bạn cùng tổ ba người nặn mụn trứng cá nhiều quá nhiễm trùng mặt xưng húp như ong đốt phát cơn sốt giật đành đạch phải cáng lên bệnh xá sư đoàn. Đêm tháng mười tối đen. Nằm ngủ say trên tấm phản góc nhà. Nửa đêm choàng tỉnh vì có cặp môi mềm mại nóng hổi hổn hển lướt trên bụng rồi trôi tuột dần xuống phía dưới. Miệng khô cháy. Cổ tắc nghẹn. Răng va lập cập. Oằn người toan vùng dậy thì một thân thể đàn bà trần truồng nóng hổi thơm ngát mùi hoa bưởi ập lên người. Và cái thân thể đàn bà trần truồng ấy cứ day nghiến cứ từ từ trượt dần lên trên cho đến khi môi ta bập vào một vùng da thịt nóng rực như lửa.


*


Trưa hôm đó ta quyết định rời khỏi bản Nà Cốc.

Khi thấy ta lục tục xếp quần áo chăn màn, Thảo Yêng cuống quýt như con gà con bị gà mẹ bỏ rơi. Nuớc mắt cô gái chảy vòng quanh. Ta dịu dàng ôm lấy tấm thân mềm mại rực lửa mấy hôm nay đã thiêu đốt cháy bỏng trái tim ta.

“Thào Yêng về nhà đi kẻo mế lo. Ao sẽ quay lại mà. Ao về mua quần áo đẹp cho Thào Yêng rồi lên ngay. Ao hứa như vậy.”

Đi ra tới bờ suối thì nghe tiếng bước chân lập cập đuổi theo. Thào Yêng khoác chéo vai túi thổ cẩm. Cô gái Thổn Mừ vừa mếu vừa giậm chân nhất định đòi đi theo. Ta bế cô gái Thổ lên quay nhè nhẹ rồi đặt ngồi lên thân cây trám già đổ vật trên bờ suối. Hôn lên đôi mắt cô gái. Quỳ xuống rồi vùi mặt vào bụng cô. Ôm chặt đôi mông tròn căng mẩy biết bỏ bùa hút hồn người đời. Trang nghiêm:

“Ao về đón bố lên nhà noọng để xin hỏi mế cưới noọng làm vợ. Tục lệ người Kinh là như thế.”

Cô gái Thổ lắc đầu.

“Noọng không muốn ở lại bản Nà Cốc nữa đâu. Noọng sợ ao không lên nữa.”

“Cưới xong, ao sẽ ở rể bản Nà Cốc một năm như tục lệ người Thốn Mừ mà.”

“Không bắt ao ở rể đâu. Muốn theo ao về xuôi ngay để ao không phải khổ.”

“Về xuôi thì ai nuôi mế và em gái nhỏ của noọng?”

“Ao Pháo nhận nuôi rồi mà.”

“Ao Pháo đã biết chuyện của chúng ta đâu.”

“Hôm kia noọng đã kể cho ao Páo nghe hết cả rồi. Noọng không thể sống xa ao được nữa đâu. Ao pháo nói rằng noọng phải theo ao về xuôi ngay kẻo gái ở dưới xuôi xinh lắm, khéo lắm.”

Ôi trời ơi thằng bạn Thổn Mừ cụt chim tấm ngẩm tầm ngầm

Thào Yêng vẫn cứ túm chặt lấy hai tay gã

“Chúng ta đã ngủ cùng bếp rồi mà. Đã tắm chung hồ nước nóng trong rừng rồi mà. Đừng có bỏ em.”

Nâng mặt cô gái Thổ Mừ lên nhìn vào đôi mắt đen láy ngời ngời tình yêu kỳ lạ núi rừng. Thầm thì:

“Từ bây giờ không gọi nhau là ao là noọng nữa. Gọi nhau là vợ là chồng. Vợ của anh ơi. Không bao giờ anh bỏ em. Nghe lời anh. Về nhà đi. Mấy ngày nữa chồng em sẽ lên đón em về xuôi. Nghe lời anh. Vợ của anh ơi.”

Thào Yêng oà khóc ngây dại đờ đẫn nhìn gã rồi quay mình chạy dúi dụi về bản. Chết lặng nhìn theo. Đôi mông tro vo căng mẩy của cô gái Thổn Mừ nhoà dần trong nước mắt của gã.


*


Đúng mười hôm sau.

Một chiếu gió giật. Ở chốn thị thành nhốn nháo cách xa bản Nà Coóc gần 500 cây số. Ta xách cái túi đựng bộ váy cưới thuê ở cửa hàng ở trung tâm thành phố đi về nhà thì nhận được lá thư của thằng bạn Thổ cụt chim. Chữ viết nguệch ngoạc như gà bới.

Báo cho mày biết tin buồn. Bản Nà Cộc vừa bị sạt đất. Noọng Thào Yêng của mày bị đất đè chết rồi. Ta đã chôn Thào Yêng ở gốc cây ruối cạnh khe cạn như ý nguyện của Noọng khi hấp hối…

Bạn cũ cùng trung đoàn. Bàn Kì Páo ký tên.


© 2008 talawas

Nguyễn Đình Chính sinh ngày 28.10.1946 tại số nhà 14 Nguyễn Thái Học (nhà bác sĩ Chính), Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2004) và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga (1926-1951). Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), Nguyễn Đình Chính (lúc ấy chưa tới 2 tháng tuổi) và anh trai (2 tuổi) được mẹ bồng đi di tản lên Việt Bắc. Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh 2/4. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.

Tác phẩm Xưởng máy nhỏ của tôi (tiểu thuyết đầu tay, 1976); Nhớ để mà quên (tiểu thuyết, viết năm 1981 nhưng đến 1998 mới được in, đã được dịch ra tiếng Pháp); Con phù du cánh mỏng (tiểu thuyết, 1986); Đêm thánh nhân (tiểu thuyết tâm đắc nhất, dài hơn 1000 trang, viết năm 1990-1992, in tập I năm 1998, dự định sẽ in tập II vào năm 2000, nhưng không được cấp giấy phép. Tháng 10.2006, Nxb. Văn Học in trọn vẹn cả hai tập dưới tựa đề mới là Ngày hoàng đạo.) Kịch bản điện ảnh (đã dựng phim): Rừng lạnh, Bãi biển đời người, Hồi chuông màu da cam, Người trên mặt sôngHòn đảo chìm xuống (không được duyệt). Duyên nợ trần gian (kịch bản sân khấu, giải thưởng Liên hoan sân khấu ở Hàn Quốc 2002) và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.

 

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài