talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 20.01.2008
Nguyễn Đình ChínhOnlai... balô



Nguyễn Đình Chính
Nguyễn Đình Chính

Ảo giác 2007 là tên bộ sách tập hợp những sáng tác mới nhất của Nguyễn Đình Chính trong năm 2007 (gồm 1 vở kịch, 20 bài thơ và 1 tiểu thuyết), đang chờ xuất bản. talawas chủ nhật kì này xin được giới thiệu Onlai... balô, cuốn tiểu thuyết, tác phẩm chủ đạo trong bộ sách này.

talawas chủ nhật

Nguyễn Đình Chính

Onlai... balô

Nguyên do viết quyển tiểu thuyết này: Tôi thấy cần phải ép mình vào một cuộc chạy ma ra tông để tự đánh bóng lại tên tuổi nhà văn của mình.

Nguyễn Đình Chính


 



12.

Những tiếng động ồn ã hỗn tạp quen thuộc của một vùng nhà cửa xe cộ đông đúc náo nhiệt làm ta tỉnh dậy.

Nắng sớm mùa đông vùng rừng biên giới xa xăm đã rọi ngoài khung cửa sổ. Trong phòng chỉ có trơ một mình. Thằng bạn Thổn Mừ cụt chim và đống chăn bông biết động đậy đã biến đâu mất. Đầu rức như búa bổ. Rửa mặt rồi ra đứng cạnh cửa sổ ngắm xuống đường phố. Ôi trời ơi. Đâu rồi nhỉ cái thị xã miền rừng Nả Hoang của ngày xưa. Cái thị xã suốt từ sáng tới chiều lười nhác ngủ gà ngủ gật hồn nhiên nguệch ngoạc mơ màng tranh vẽ. Những ngôi nhà bé nhỏ méo mó hộp diêm bá vai bá cổ thân mật tựa phên dựa vách vào nhau. Con phố hẹp đắp đất đỏ ối ngoằn ngoèo trễ nải bò lên dốc bò xuống dốc. Hàng cây hồi cổ thụ cành lá xanh biếc uể oải đu đưa đổ bóng trong nắng trưa vàng. Và mùi bánh bao buổi sáng tinh mơ thơm lừng bay khắp phố. Vâng. Chỉ có mỗi một mùi bánh bao thôi.

Tất cả đã biến mất tăm như trong phép phù thuỷ...

Thật là lạ mắt quá chừng. Nhà cửa hai tầng, ba tầng mái ngói đỏ tươi cửa kính khung nhôm sáng choang chen chúc xô đẩy. Biển hiệu xanh đỏ tím vàng loè loẹt ngả nghiêng thò ra thụt vào hoa cả mắt. Xe máy rú ga chạy loằng ngoằng đua nhau ngoáy đuôi phun khói khét lẹt. Vậy đấy bây giờ thị xã Nả Hoang...

Bàn Kì Páo đã mò lên. Mặt bóng nhẫy. Tẩu thuốc dài ngoẵng phì phèo phun khói hể hả.

“Nả Hoang của ta oách không?”

“Chán.”

“Tất nhiên không thể bằng chốn kinh kỳ rồi.”

“Chán.”

“Đi ăn cháo ba ba nhé.”

Lắc đầu. Thằng bạn Thổ cụt chim cười hì hì dúi cho một cái tẩu ngà khảm ốc rất đẹp.

“Hút tẩu cho đã.”

“Tẩu Trung Quốc chứ gì?”

“Không phải đâu. Tẩu Thái đấy. Cầm lấy mà. Đêm qua ta gọi cho cậu một em Mán. Nhưng cậu ngủ say quá. Ta không cho em Mán quấy rầy cậu.”

“Em Mán đâu rồi?”

“Ta cho em về rồi.”

Không hứng thú chuyện gái. Bàn Kì Páo rót rượu. Lại uống. Không hứng thú chuyện gái thì nói chuyện nhà mới. Mấy tháng trước Bàn Kì Páo điện thoại di động báo cho biết là đã bỏ bản Nà Cốc ra thị xã Nả Hoang mua nhà mới rồi. Từ nay cậu lên chơi không phải thuê nhà trọ nữa. Có nhà rồi. Ta sẽ mở cửa hiệu buôn bán. Vậy thôi. Hỏi là định mở cửa hiệu buôn bán thứ hàng gì thì thằng bạn Thổ cụt chim chỉ cười trừ. Bàn Kì Páo kể là đã thôi làm phó công an bản Nà Cốc hơn ba năm nay. Già rồi. Nhường cho bọn trẻ làm công an bản để đi làm kinh tế. Hỏi làm kinh tế gì thì nói là hai năm trước đi làm cửu vạn còn hơn năm nay thì buôn lậu chuyển hàng qua biên giới. Có thế mới đủ tiền mua nhà mới ở thị xã Nả Hoang đấy.

“Bao giờ cậu khai trương cửa hiệu?”

“Còn thiếu ít vốn. Sau tết ta còn phải sang Trung Quốc đánh một quả long nhãn khô kiếm thêm ít tiền tu sửa tân trang lại tầng dưới và thuê vẽ một cái bảng hiệu thật to thật oách.”

“Cậu mua tôn và màu về đây ta sẽ kẻ bảng hiệu cho.”

“Biết vẽ bảng hiệu a?”

“Hơi đẹp đấy.”

“Tốt quá. Ta nhớ rồi. Ta có thằng bạn là hoạ sĩ cơ mà. Chiều nay ta với cậu ra chợ mua tôn và màu ngay.”

Nhưng buổi chiều Bàn Kì Páo không kéo gã ra chợ mua tôn và màu. Thằng bạn Thổ cụt chim mồi thuốc cho cả hai nguời rồi rủ.

“Về bản Nà Cốc với ta.”

“Về chơi?”

“Về ăn giỗ noọng Thào Yêng vợ mày ngày xửa ngày xưa.”

Nhắc tới Thào Yêng chỉ thấy hơi bùi ngùi. Chuyện cũ đã trôi vào cổ tích xa xôi.

Bàn Kì Páo lấy xe máy chở đi ngay. Đường về bản Nà Cốc mới trải nhựa. Đen bóng. Êm thuận. Xe máy phóng vù vù. Không còn lổn nhổn ổ trâu ổ voi sóc long sòng sọc. Cũng không còn bị cành cây bên đường rình quất vào mặt. Hơn hai chục cây số đường chạy xe mất có hơn nửa tiếng. Tới ngã ba rẽ vào bản Nà Cốc. Bàn Kì Páo dừng xe ngoái lại hỏi:

“Ra mộ trước hay vào nhà mẹ vợ của cậu trước?”

“Tuỳ cậu thôi mà.”

“Thế thì ra mộ noọng Thào Yêng trước.”

Noọng Thào Yêng chết được một năm thì ta (zê )mới dám lò dò ba lô khăn gói mò lên bản Nà Cốc thắp hương cho cô gái Thổn Mừ đẹp mê hồn nhưng xấu số đó. Ta vẫn sợ. Tại sao? Ta không biết. Một chuyến đi bụi vất vả, hoang mang, lén lút và thê thảm. Trời biên giới mưa sùi sụt. Bùn văng lên tận cổ. Thuê một căn phòng trọ tồi tàn ở thị xã Nả Hoang nằm co ro đợi nhọ mặt mới dám mặc áo mưa lù xù lẻn vào bản Nà Cốc như thằng trốn tù. Đêm rừng tối đen. Đất rừng nhầy nhụa lạnh buốt. Thằng bạn Thổ phải căng cái áo mưa lên mới thắp được hương. Vậy mà bó hương cứ tắt lụi mấy lần. Hình như noọng Thào Yêng hờn giận không chịu nhận hương của người thắp. Ngay đêm đó lại lọc cọc xe máy chạy ra thị xã Nả Hoang. Bàn Kì Páo cố níu lại nhưng không chịu. Thế là thằng bạn Thổ cụt chim lại phải nhăn nhó ngồi lên sau xe. Mờ sáng hôm sau hai thằng ăn hết tám chiếc bánh bao nóng rồi chia tay. Từ đó không bao giờ dám vào bản Nà Cốc nữa. Mỗi lần lên chơi với thằng bạn Thổ cụt chim là lại thuê phòng trọ ở thị xã Nả Hoang rồi nhắn nó ra.

Tiếng chim hót lảnh lót. Trời chiều nắng ấm. Khe suối cũ nhưng cảnh vật cây cỏ đã xa lạ hoang đường. Một nắm đất sè sè. Khói hương nghi ngút bay.

Thằng bạn Thổ cụt chim đầu trọc ngửa mặt lên trời nhai cỏ vu vơ.

Ta cũng đầu trọc cúi đầu im lặng cố giấu mấy giọt nước mắt.

Chuyện cũ thực sự đã trôi vào cổ tích mất rồi. Muốn níu lại cũng không được nữa mà. Đời người lạ lùng có biết bao nhiêu là chuyện cổ tích.

Khi quay xe ra. Tới ngã ba. Bàn Kì Pháo quay đầu hỏi:

“Tạt vào nhà mẹ vợ của cậu nhé.”

Ta (zê ) lưỡng lự. Thằng Páo xua tay.

“Vào chào bà mế rồi đi ngay chứ không bắt cậu ăn cỗ. Bà mế khỏi mắt rồi.”

“Ừ thì vào chơi.”

Thằng Páo thích lắm. Xe máy rú ga xộc vào tận sân ngôi nhà đẹp ngày xưa. Ngôi nhà vẫn rất đẹp. Càng ngắm nhìn càng thấy đẹp. Xe cộ xếp đầy trong sân. Người ngồi đầy trên sàn nhà. Đủ cả trẻ già gái trai lớn bé. Bàn thờ cạnh hai cây cột. Cỗ bàn tú hụ. Chào hỏi Bàn Kì Pháo inh ỏi. Không ai nhận ra ta. Nào ngồi xuống đây uống rượu. Ngồi thụt tít trong góc nhà. Chén rượu cúng lẫn ít tàn hương. Bàn Kì Páo chỉ bà mế lẳn người mông tròn váy chàm mới tinh đang khấn vái xì xụp.

“Mẹ vợ của cậu kia kìa. Gắp thịt gà đi. Gắp thịt trâu đi. Ăn đi nào. Uống rượu đi nào. Trời còn sớm mà. Tí nữa về Nả Hoang chứ không bắt cậu ngủ lại Nà Cốc đâu. Ngày mai ta với cậu còn đi chợ mua tôn và màu.”
Tối về đến thị xã Nả Hoang. Thằng bạn Thổ cụt chim lại kéo đi ăn cửa hàng đặc sản. Nhưng lần này chui vào một quán nhỏ gần cổng chợ. Không thịt chồn đực nữa mà là thịt dê núi. Rượu tiết dê. Dê om dê xào đê luộc dê thập cẩm. Tiết canh dê. Đủ món dê. Ăn xong chui ngay vào quán ka ra ô kê cũng ngay gần cổng chợ. Đèn mờ. Ghế bọc vải giả da. Mùi nước hoa rẻ tiền. Mùi bia. Mùi rượu lẫn mùi phòng tối lưu cữu hôi tanh lờm lợm. Hai em váy ngắn tới bẹn, tóc rối bù xà ngay vào lòng gã tranh nhau lau mặt lau mũi. Hát. Trời tối lờ mờ nom cả hái em còn đẹp hơn người mẫu. Lại hát. Một em ngồi thọt lỏm tròng lòng gã. Nhẹ bẫng. Dễ chỉ hơn ba chục cân. Giọng em rin rít hụt hơi mà lại ngòng ngọng vừa buồn cười mà cũng rất dễ thương: Đời iêmdơn không yêu ai. Đời anh cô dơn háy yêu iêm cùng... Thằng Páo nhoài sang phun khói tẩu sặc sụa.

“Có thích không.”

“Ta không thích.”

“Nếu không thích thì về nhà uống rượu.Ta cũng không thích ngồi hát.”

Đèn bật lên. Giật mình. Cô gái ngồi trong lòng gã vừa gân cổ hát bé như cái kẹo. Mặt mũi non choẹt trát đầy phấn nhưng mà vẫn rất ưa nhìn. Khi hai thằng chui ra đường rồi mà thằng Páo còn quay vào thì thào điều gì đó ở trong quán.

Trên đường về nhà thằng Páo hỏi:

“Em ngồi với cậu được đấy chứ?”

“Được.”

“Gái Lô Láy bản Pắc Xế đấy. Mới xuống làm tiếp viên ở Nả Hoang hơn một tháng.”

“Trông như trẻ con.”

“Không phải đâu. Nó mười tám tuổi rồi.”

“Bốc phét.”

“Ta xem chứng minh thư nhân dân của nó rồi mà. Ta dấm cho cho cậu đấy.”

“Cũng đẹp.”

“Không đẹp bằng noọng Thào Yêng ngày nào của cậu.”

Nhắc tới noọng Thào Yêng rồi lại thôi. Trong lòng ta mơ hồ chẳng buồn chẳng vui. Hai thằng lòng vòng tản bộ. Phố về đêm nom hiền lành hơn. Thỉnh thoảng lại thấy mấy người dân tộc xống váy sặc sỡ chẳng biết thuộc sắc tộc nào đội khăn đeo gùi đứng tần ngần trước những ô kính cửa hiệu lập loè ánh điện xanh đỏ.

Về đến nhà thì đã thấy có cô gái váy chàm trùm khăn đỏ đang ngồi đợi trong bóng tối cây hồi đổ trên bậc cửa. Thằng Páo kéo cô gái vào nhà. Đèn bật lên. Giật mình. Cô gái Lô Láy bé như cái kẹo vừa ngồi hát trong lòng gã.

Đêm đó thằng Páo ôm chăn đệm xuống ngủ ở tầng dưới. Cô Lô Láy nhỏ chui váo toa lét mở nước dội xè xè rồi quấn khăn tắm Trung Quốc xanh đỏ nhẹ nhàng đi ra ngồi trên đống chăn bông im lặng nhìn gã. Không sợ. Không ngượng. Không sấn sổ. Không trơ tráo. Đèn trong phòng vàng ệch mà đôi vai trần vẫn cứ xanh rớt. Xanh như da rắn. Son phấn tuột hết đi rồi mắt mũi non chớt như trẻ con. Hỏi em bao nhiêu tuổi. Không nói. Gạn hỏi hai lần rồi ba lần. Se sẽ. Mười tám tuổi rồi mà. Người Mán a. Không trả lời. Ở bản Pắc Xế chứ gì. Ngoảnh đi. Nhồi thuốc. Cô gái vội vàng xoè diêm. Rít một hơi. Đưa tẩu cho cô Lô Láy. Cô gái vội vàng đỡ lấy tẩu và cũng rít một hơi rồi lễ phép đưa trả. Cởi quần áo. Cô Lô Láy ngồi im lặng nhìn chẳng chút xấu hổ. Chui vào chăn. Cô Lô Láy chui tọt theo nhanh như con rắn mối rồi thò tay thành thạo vặn nhỏ ngọn đèn.

Gian phòng tối mờ mờ. Im phăng phắc.

Chỉ còn nghe tiếng kim đồng hồ chạy tích tắc ở đâu đó.

Người cô Lô Láy xương xẩu. Cứng. Khô. Lạnh. Cổ lạnh. Vú lạnh. Bụng lạnh. Đùi lạnh. Mông lạnh. Không run rảy. Không thèm muốn. Bàn tay đặt trên tượng gỗ vô cảm.

Nằm im. Mắt nhìn mảng trần nhà lờ mờ. Không ham muốn. Đầu óc đặc sệt. Chăn bông Trung Quốc không đủ ấm. Trần truồng. Lạnh...

Hình như có một dấu hỏi vô hình đang treo lơ lửng trong bóng đêm. Ai hỏi? Hỏi cái gì? Không biết.

Tỉnh dậy sau một giấc ngủ rất ngắn. Hơi ấm trong chăn. Hơi ấm không mùi không vị. Hơi ấm đã sưởi mền bức tượng gỗ người. Hơi thở của cô Lô Láy phà vào cổ ta (zê). Hơi thở ấm nhưng cũng không mùi không vị. Bàn tay nhỏ ram ráp như chiếc lá rừng đang mân mê sờ soạng. Đặt tay lên bụng cô Lô Láy. Da bụng mỏng dính. Hai xương háng trồi lên. Cặp đùi nhỏ giạng sẵn tè he. Lặng lẽ leo lên. Cô Lô Láy bật tiếng kêu hự hự. Tiếng kêu đã được ai đó chỉ bảo cho từ trước. Giả dối. Vụng về. Lăn xuống sàn nhà. Đôi mắt nhỏ đen láy mở to hốt hoảng nhìn. Đôi mắt của một cô học trò nhỏ không thuộc bài sợ hãi nhìn thầy giáo. Đàn ông. Đàn bà. Mẹ kiếp. Tặc lưỡi. Lại leo lên cái bụng mỏng dính trồi lên hai khúc xương nhọn hoắt. Xấu hổ vì thấy nham nhở ti tiện quá. Lại lăn xuống và ngồi dậy mặc quần áo.

Cô gái Lô Láy cũng ngồi dậy vội vàng xỏ chân vào cái váy sặc sỡ rồi quấn chăn ngồi nhìn.

“Em xuống làm ăn ở Nả Hoang lâu chưa?

Hỏi mấy lần cô gái Lô Láy mới đáp cụt lủn.

“Mới xuống.”

“Bao nhiêu ngày rồi?”

“Hơn một tháng.”

“Ai rủ xuống Nả Hoang?”

“Các chị rủ.”

“Ngủ với mấy người rồi?”

“Được ngủ với năm người thôi.”

“Đã có chồng chưa?”

“Có chồng rồi.”

“Chồng cho em xuống Nả Hoang?”

“Không cho.”

“Tại sao lại cứ xuống?”

“Xuống chứ. Chồng nó chết rồi.”

“Gấu vồ chết chồng?”

“Không phải đâu. Nó chết vì sốc thuốc mà.”

“Thuốc phiện?”

“Bạch phiến mà.”

Ta ngồi im. Cô gái Lô Láy cũng ngồi im.

Câu hỏi vô hình lại hiện ra treo lơ lửng trong phòng. Ai hỏi? Hỏi cái gì? Không biết.

Gã thấy vô vị quá. Chán. Dúi vào tay cô gái một trăm ngàn đồng. Cô gái lắc đầu.

“Không dám đâu. Ao Páo đã dặn không được lấy tiền.”

“Tại sao?”

“Ao Páo cho tiền rồi.”

“Cho bao nhiêu tiền?”

“Cho năm mươi ngàn đồng. Nhiều tiền rồi.”

“Cứ cầm lấy.”

Đôi nắt học trò lại mở to nhìn.

“Cho nữa a?”

“Cho nữa.”

“Không được nói cho ao Páo biết nhé.”

“Không nói.”

Cô gái Lô Láy nhét tiền vào cái túi nhỏ thổ cẩm. Ta nằm xuống. Cô gái cũng nằm xuống. Tấm thân gầy mỏng nép sát vào người ta biết ơn. Chỉ một lúc sau đã nghe tiếng ngáy gừ gừ nhẹ êm như tiếng mèo hen. Ta cũng muốn ngủ. Nhưng không thể nào ngủ được. Bỗng dưng nhớ lại một câu chuyện đã trôi vào cổ tích xa xưa...


© 2008 talawas

Nguyễn Đình Chính sinh ngày 28.10.1946 tại số nhà 14 Nguyễn Thái Học (nhà bác sĩ Chính), Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2004) và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga (1926-1951). Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), Nguyễn Đình Chính (lúc ấy chưa tới 2 tháng tuổi) và anh trai (2 tuổi) được mẹ bồng đi di tản lên Việt Bắc. Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh 2/4. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.

Tác phẩm Xưởng máy nhỏ của tôi (tiểu thuyết đầu tay, 1976); Nhớ để mà quên (tiểu thuyết, viết năm 1981 nhưng đến 1998 mới được in, đã được dịch ra tiếng Pháp); Con phù du cánh mỏng (tiểu thuyết, 1986); Đêm thánh nhân (tiểu thuyết tâm đắc nhất, dài hơn 1000 trang, viết năm 1990-1992, in tập I năm 1998, dự định sẽ in tập II vào năm 2000, nhưng không được cấp giấy phép. Tháng 10.2006, Nxb. Văn Học in trọn vẹn cả hai tập dưới tựa đề mới là Ngày hoàng đạo.) Kịch bản điện ảnh (đã dựng phim): Rừng lạnh, Bãi biển đời người, Hồi chuông màu da cam, Người trên mặt sôngHòn đảo chìm xuống (không được duyệt). Duyên nợ trần gian (kịch bản sân khấu, giải thưởng Liên hoan sân khấu ở Hàn Quốc 2002) và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.

 

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài