talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 20.01.2008
Nguyễn Đình ChínhOnlai... balô



Nguyễn Đình Chính
Nguyễn Đình Chính

Ảo giác 2007 là tên bộ sách tập hợp những sáng tác mới nhất của Nguyễn Đình Chính trong năm 2007 (gồm 1 vở kịch, 20 bài thơ và 1 tiểu thuyết), đang chờ xuất bản. talawas chủ nhật kì này xin được giới thiệu Onlai... balô, cuốn tiểu thuyết, tác phẩm chủ đạo trong bộ sách này.

talawas chủ nhật

Nguyễn Đình Chính

Onlai... balô

Nguyên do viết quyển tiểu thuyết này: Tôi thấy cần phải ép mình vào một cuộc chạy ma ra tông để tự đánh bóng lại tên tuổi nhà văn của mình.

Nguyễn Đình Chính


 



14.

Bàn Kì Páo mua về một tấm tôn to tướng và gần chục hộp sơn Trung Quốc đủ các màu. Hoạ sĩ vẽ biển hiệu cho ta thật đẹp vào. Hỏi tên bảng hiệu là gì thì thằng bạn Thổn Mừ cười tủm tỉm. Tên là gì nhỉ? Tên là Sướng Hết Ý hoặc là Khoái Hết Ý. Tên nào cũng được. Cho cậu chọn. Nhớ vẽ cho ta một bó hoa hồng thật to thật đẹp. Cậu bán cái thứ hàng gì mà lại đòi vẽ một bó hoa hồng thật to thật đẹp? Định bán hoa a? Thằng Páo ngây mặt lắc đâu rồi lại gật đầu. Bí mật quân sự. Cứ hoa hồng. Hôm khai trương sẽ biết. Nhìn đống bao tải lồng phồng lù lù trong nhà mà chịu không thể đoán được.

Sau khi giải ngũ. Ta thất nghiệp. Vì chẳng có ghề nghiệp gì cả. Mấy thằng bạn cho theo phụ vẽ Pa nô áp phích, vẽ tranh cổ động. Cứt trâu hoá bùn. Dần dà trở thành hoạ sĩ từ lúc nào chẳng biết nữa. Vẽ bạt mạng. Rồi cũng triển lãm cá nhân. Rồi cũng hội viên hội mỹ thuật thành phố. Chấm hết.

Đang hùng hục phết sơn thì có tiếng nheo nhéo ngòng ngọng quen thuộc ở dưới nhà.
Cô gái Lô Láy bê giỏ xôi tú hụ đột ngột hiện lên trên đầu cầu thang. Không váy. Không đội khăn đỏ. Quần bò bó chặt mông đít rúm ró. Áo giả da móp mọp. Giày thể thao trắng Trung Quốc nhái theo kiểu hãng giày thể thao A đi đát. Phấn trát trên mặt. Kệch cỡm. đua đòi nhưng cũng ngộ nghĩnh.

Ta trố mắt. Cô gái Lô Láy cũng trố mắt. Nhưng không phải nhìn ta mà nhìn mấy bông hoa hồng rực rỡ vẽ dở dang trên tấm tôn.

“Em chưa về quán a?”

“Về từ sớm rồi. Thay quần áo. Bây giờ lại đến. Ao Pháo bảo đến.”

“Ao Páo đâu?”

“Không biết.”

“Đến đây làm gì?”

“Mua xôi cho anh.”

“Cho anh?”

“Vâng. Ao Páo dặn như thế mà.”

Cô gái Lô Láy đơm xôi ra bát rồi chặt thịt gà rất khéo. Không còn cô gái đời iemdơn không yêu ai. Đời anh cô dơn háy yêu iêm cùng. Cũng biến mất rồi cô Lô Láy trần truồng gầy đét co ro quấn trong chiếc khăn tắm Trung Quốc sặc sỡ.

“Ăn xôi với anh”

“ Vâng. Cùng ăn mà.”

Cô gái Lô Láy ăn rất khoẻ. Cố lắm ta cũng chỉ ăn hết một bát xôi. Cô gái ăn ba bát xôi. Ta ăn bốn miếng thịt gà. Cô gái ăn hết sạch cả đĩa thịt gà hơn chục miếng. Ăn xong. Cô gái rót nước cho uống rồi ôm gối ra ngồi góc phòng nhoay nhoáy bấm điều khiển bật ti vi xem. Chương trình buổi trưa chiếu phim Hồng Công. Diễn viên trong phim nói tiếng Trung Quốc lảo đảo liến láu. Tới ngồi cạnh cô gái. Nhồi thuốc vào tẩu. Cô Lô Láy nhanh nhảu xoè diêm mồi lửa. Dăm phút sau. Ngoảnh sang thì đã thấy cô gái ngoẹo cổ ngủ ngon lành. Gương mặt non choẹt của một đứa trẻ con trong giấc ngủ.

Hút hết tẩu thuốc rồi cũng nằm dài ra sàn nhà nhắm mắt lại.

Khi tỉnh dậy thì đã hơn hai giờ chiều. Cô gái Lô Láy đã biến mất. Mưa biên giới đang dìu dịu bay ngoài cửa sổ.

Mãi gần chập tối Bàn Kì Páo mới về khoác trên vai hai khẩu súng kíp nòng dài nghêu ngao. Ta vào bản Nà Cốc mượn thằng trưởng bản hai khẩu kíp này để sáng mai cho mày đi săn lợn rừng. Gần tết rồi lợn rừng hay mò ra nương phá ngô. Rồi hai thằng cùng nhau ra ăn phở thịt trâu cách nhà có vài chục bước chân. Đang ăn thằng bạn Thổ cụt chim trợn mắt hỏi:

“Cậu không chịu zịt con bé Lô Láy a?”

“Sao cậu biết?”

“Ta gặp nó ngoài bến xe. Nó bảo cậu không chịu zịt nó nên nó buồn. Nó bỏ về bản Pắc Xế rồi.”

“Ta không hứng.”

“Sao lại không hứng?”

“Ta không biết.”

“Sao lại không biết?”

“Có khi ta già rồi.”

“Bố láo.”

“Thật đấy.”

“Cậu chưa già. Ta biết tại sao rồi.”

“Tại sao?”

Bàn Kì Pháo trầm ngâm.

“Đáng nhẽ ta không nên rủ cậu vào bản Nà Cốc ăn lễ cúng noọng Thào Yêng.”

Ta thấy nhói đau ở mạng sườn. Cười ngượng nghịu.

“Không phải ta nhớ noọng Thào Yêng đâu.”

“Nói dối mà.”

“Ta quên chuyện cũ trôi vào cổ tích xa xưa rồi. Quên hẳn rồi.”

“Người sống biết quên. Người chết không biết quên. Cái ma noọng Thào Yêng không biết quên. Cái ma Thào Yêng vẫn nhớ chồng của nó. Nên nó ghen không cho cậu ngủ với con Lô Láy.”

Ta ngồi im lặng nhìn bát phở thịt trâu bốc khói.

Đêm đó cố bôi trát cho xong tấm biển hiệu.Thằng Páo ngồi loay hoay thau nòng hai khẩu súng kíp rồi đổ bọc đan chì ra sàn tỉ mẩn đếm đi đếm lại từng viên. Nói chuyện bâng quơ về ngày mai vào rừng Nả Hoang bắn lợn rừng đi ăn độc. Mười một giờ hai thằng đi ngủ. Đặt lưng xuống là thằng Páo đã ngáy o o. Trằn trọc mãi. Rồi cũng thiếp đi. Mơ. Giấc mơ lộn xộn quái gở. Lạc trong rừng. Sương muối dầy đặc quấn nghẹt thở. Mùi sương thối hoăng. Thằng bạn Thổn Mừ đang nằm chổng mông vào mặt đánh rắm um ủm liên hồi. Có ai cứ ném sỏi cốc cốc vào sọ ta. Nhói buốt. Một con lợn rừng gầy xác ve lông lá nhọn hoắt, dựng đứng, há mõm đỏ lòm nhe nanh xông thẳng về phía ta. Rồi nghe tiếng hú thê thảm nghẹn ngào từ rừng hoang vọng về.


© 2008 talawas

Nguyễn Đình Chính sinh ngày 28.10.1946 tại số nhà 14 Nguyễn Thái Học (nhà bác sĩ Chính), Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2004) và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga (1926-1951). Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), Nguyễn Đình Chính (lúc ấy chưa tới 2 tháng tuổi) và anh trai (2 tuổi) được mẹ bồng đi di tản lên Việt Bắc. Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh 2/4. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.

Tác phẩm Xưởng máy nhỏ của tôi (tiểu thuyết đầu tay, 1976); Nhớ để mà quên (tiểu thuyết, viết năm 1981 nhưng đến 1998 mới được in, đã được dịch ra tiếng Pháp); Con phù du cánh mỏng (tiểu thuyết, 1986); Đêm thánh nhân (tiểu thuyết tâm đắc nhất, dài hơn 1000 trang, viết năm 1990-1992, in tập I năm 1998, dự định sẽ in tập II vào năm 2000, nhưng không được cấp giấy phép. Tháng 10.2006, Nxb. Văn Học in trọn vẹn cả hai tập dưới tựa đề mới là Ngày hoàng đạo.) Kịch bản điện ảnh (đã dựng phim): Rừng lạnh, Bãi biển đời người, Hồi chuông màu da cam, Người trên mặt sôngHòn đảo chìm xuống (không được duyệt). Duyên nợ trần gian (kịch bản sân khấu, giải thưởng Liên hoan sân khấu ở Hàn Quốc 2002) và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.

 

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài