talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 20.01.2008
Nguyễn Đình ChínhOnlai... balô



Nguyễn Đình Chính
Nguyễn Đình Chính

Ảo giác 2007 là tên bộ sách tập hợp những sáng tác mới nhất của Nguyễn Đình Chính trong năm 2007 (gồm 1 vở kịch, 20 bài thơ và 1 tiểu thuyết), đang chờ xuất bản. talawas chủ nhật kì này xin được giới thiệu Onlai... balô, cuốn tiểu thuyết, tác phẩm chủ đạo trong bộ sách này.

talawas chủ nhật

Nguyễn Đình Chính

Onlai... balô

Nguyên do viết quyển tiểu thuyết này: Tôi thấy cần phải ép mình vào một cuộc chạy ma ra tông để tự đánh bóng lại tên tuổi nhà văn của mình.

Nguyễn Đình Chính


 



16.

Một lần đuổi theo con lợn què chạy tới đây. Con lợn bơi lũn tũn qua suối. Thằng Páo đứng lại chần chừ. Gã nhạc nhiên trố mắt nhìn nó. Thằng bạn Thổn Mừ lè lưỡi. Đành chịu mất con lợn. Tiếc quá. Quay lại thôi. Tại sao? Bên kia có lán hủi người Mẹo Lài mà. Ta sợ người hủi lắm.

Thằng Páo sợ người hủi nhưng ta thì lại không sợ. Bảo thằng bạn Thổ lội suối sang bờ bên kia đi tìm người hủi thì nó chùn lại lắc đầu.

“Ta không nghe lời mày.”

“Vào thăm người hủi hay lắm mà.”

“Không thăm.”

Rủ không đắt. Lội suối sang một mình. Con đường mòn lòng vòng. Trong rừng hoang mà có con đường mòn lòng vòng thế này là có người vẫn thường xuyên qua lại. Cái lán hủi nằm nép vào hang đá. Mái nứa mốc thếch núp dưới cành lá cây lim vàng cổ thụ. Một ông cụ râu tóc bạc trắng. Hai bàn chân quấn rẻ rách. Cởi trần. Ngồi khoanh chân trên tảng đá lim dim gà gật phơi tấm lưng gầy guộc trong nắng rừng mùa đông lạnh lẽo. Chào thật to. Ông cụ mở mắt ra nhìn như nhìn một khúc gỗ rồi lại nhắm mắt. Lại chào thật to. Rồi lại chào lần nữa. Ông cụ từ tốn đứng lên. Không căm ghét không thân thiện. Thong thả chui vào lán đậy phên cửa lại.

Ta thực sự thấy hứng thú muốn chui vào cái lán hủi nép sát hang đá. Quay lại bờ suối. Thằng bạn Thổn Mừ cụt chim vẫn đang dáo dác ngồi đợi đằng sau bụi cây Mốc Chó rậm rạp. Hai thằng ngồi uống khan hai bát rượu ngô. Thằng Pháo lắc đầu. Ôi trời ơi. Ta chưa sang bên đó lần nào. Ta sợ hủi. Nghe người già kể thôi mà. Ông hủi là người Thổn Mừ bản Nà Cốc a? Không phải đâu. Là người Kinh sống ở tận bản tộc người Thẻn Hà Lũng Huối tít trên núi Xà Chiêng. Bị hủi. Dân bản đuổi vào rừng dạt tới Nả Hoang chúng ta. Tại sao là người Kinh mà lại lên sống tít tận bản người Thẻn Hà Lũng Huối? Ta làm sao biết được. Thằng Páo lại lắc đầu. Rủ thằng bạn Thổ cụt chim ở lại trong rừng chơi với ông cụ hủi một hai hôm. Thằng Páo kêu ối một tiếng như bị rết đốt rồi trương mắt nhìn gã.

Tất nhiên là thằng bạn Thổn Mừ cụt chim không ở lại. Nhưng ta thì quyết không chịu về. Cãi nhau ỏm tỏi một hồi. Đành chịu thua cái lý của người Thốn Mừ. Thế là đành hẹn nhau hai hôm nữa thằng Páo sẽ quay lại đón.

Thằng bạn Thổn Mừ cụt chim bỏ lại chai rượu uống dở và hai con sóc vừa bắn được rồi cắm đầu chạy thẳng. Lội qua suối đi một mạch tới trước cái lán nhỏ đóng chặt cửa. Gõ lộc cộc vào vách nứa. Một lúc sau ông cụ hủi chui ra. Hai người đứng nhìn nhau. Ta kính cẩn chào. Ông cụ từ tốn gật đầu mời vào lán. Chui vào. Lán nhỏ. Thấp. Kiên cố. Rất ngăn nắp gọn gàng. Không hôi thối tanh tưởi. Một chồng sách dầy cộm cũ kỹ xếp ngay ngắn ở góc cột. Toàn sách chữ Tây. Thật là ngoạn mục.

Ta xưng danh là hoạ sĩ. Đi săn tình cờ nhìn thấy cái lán lọt thỏm giữa rừng. Muốn vào chơi. Hỏi thăm sức khoẻ bệnh tật. Nhìn thấy đống sách chữ Tây. Muốn nói chuyện với cụ nếu cụ cho phép. Ông cụ hủi cũng xưng danh tên là Giản. Bị bệnh hủi phiêu dạt vào rừng sâu đã gần mười năm nay rồi. Không e ngại thì cứ vào chơi. Ăn cơm. Uống rượu. Ngủ qua đêm trong góc lán kia. Tóm lại muốn làm gì tuỳ thích. Hai người ngồi nói chuyện bên bếp lửa lim dim phun khói. Ta kể chuyện đã nhiều lần sống với đồng bào bị bệnh phong mà người đời vẫn gọi là bệnh hủi hoặc là bệnh cùi. Rồi tình cờ có anh bạn nhà văn rủ gã tham gia một chuyến đi tự nguyện mang thuốc men và gạo vào cứu trợ giúp đỡ những người mắc bệnh phong ở Tây Nguyên. Gần ba tháng trời lang thang phiêu bạt qua mấy trại cùi nghèo đói bị xã hội ruồng bỏ lạc lõng trong rừng thẳm đại ngàn đã khiến ta gần như là một thành viên thực sự trong thế giới người cùi. Sau chuyến đi đó được một tổ chức nhân đạo quốc tế mời sang Mã Lai nghiên cứu dự án thành lập thị trấn người cùi. Nhưng không được đi chỉ vì lý do đơn giản là một nghệ sĩ tự do không phải là người nhà nước vì không làm việc ở cơ quan đoàn thể nào cả. Không được bảo hiểm chính trị. Không được tín nhiệm chính trị. Ông cụ Giản gật gù ngồi nghe. Rồi ông cũng chậm rãi kể ông là người Kinh họ Trần chứ không phải là người Thẻn Hà. Ông là y sĩ. Gia đình tư sản thuộc diện bị cải tạo thành phần. Học xong trường y sĩ là ông được tổ chức nhà trường gọi lên gợi ý tự nguyện viết đơn xung phong lên bản tộc người Thẻn Hà làm việc lâu dài cũng có thể hiểu là suốt đời để phục vụ nhân dân lao động đặng chuộc lại tội lỗi cho ông bà cha mẹ. Tộc Thẻn Hà ở tít trên núi cao. Chỉ còn hơn ngàn người thôi. Nghèo đói. Thật thà. Hồn nhiên như cây cỏ.

“Tôi lấy vợ Thẻn Hà đẻ bốn người con không đứa nào nói được tiếng Kinh. Tôi cũng không hào hứng dạy chúng nó nói cái thứ tiếng của họ nội. Khi bị bệnh hủi tôi bị làng bản đuổi vào rừng. Tôi không oán trách. Tôi hiểu đấy là cái tục lệ của người Thẻn Hà. Dân bản không ghét người hủi. Người hủi phải vào rừng sống chung với ma rừng thôi. Nếu ma rừng không bắt thì sẽ khỏi bệnh trở về với vợ con.”

Hỏi tại sao ông Giản bị bệnh hủi mà sở y tế tỉnh lại không cho ông vào chữa bệnh ở trại phong Quỳnh Lập nổi tiếng. Ông Giản nói là ông ở với người Thẻn Hà lâu quá rồi nên hoá thành người Thẻn Hà rồi. Ông phải vào rừng sống với ma rừng theo phong tục của người Thẻn Hà. Bèn hỏi bao nhiêu năm nay sống thui thủi một mình trong rừng sâu ông có sợ không có buồn không. Ông Giản cười. Không sợ cũng không buồn. Chỉ thấy tĩnh lặng trong tâm không còn ham muốn vương vấn gì cả. Cách đây một năm hai cán bộ y tế của tỉnh có theo con gái út của tôi vào đây cho rất nhiều thuốc tốt và mời tôi về thị xã dưỡng bệnh vì bây giờ có chủ trương là chữa bệnh phong tại nhà vì bệnh hủi đâu có lây. Hay nói chính xác tỉ lệ lây bệnh qua nhiễm trùng máu chỉ là bảy phần nghìn. Vi trùng Hát San chui ra ngoài chỉ sống được có hai mươi bốn giờ đồng hồ. Ngạc nhiên hỏi tại sao ông Giản lại từ chối một cơ hội may mắn được quay trở về sống chung với cộng đồng. Ông Giản lắc đầu. Tôi cũng không hiểu tại sao. Gặng hỏi thêm mấy lần thì ông Giản ngửa cổ nhìn ngọn khói bay vu vơ. Tôi sống thế này quen rồi mà. Già rồi. Sắp thành ma rừng rồi.

Có tin hay không.

Ngồi nói chuyện đến trưa thì cô con gái út của ông Giản gùi gạo vào. Cô bé lai pha trộn hai dòng máu Kinh và Thẻn Hà. Mắt xếch ngược.Tóc xoăn. Da nâu. Cổ chân to tướng. Mặt tròn. Mông cong tếu. Không biết đến nửa tiếng Kinh nhưng cứ luôn mồm líu la líu lô vui vẻ hồn nhiên với ông khách của bố. Ăn cơm xong. Ông Giản nói. Con gái tôi muốn rủ cậu ra chơi hội nhảy lửa ở bản Nài Thút của người Thẻn Hà Mẹo Lài. Gã hỏi. Có xa không. Không xa đâu. Đi đến tối thì tới nơi thôi. Bao giò về. Hết đêm tan hội thì về. Thế là gật đầu luôn không đắn đo.

Ta lội rừng cũng đã gớm. Nhưng cô gái Thẻn Hà lội rừng gớm hơn nhiều. Lội phăng phăng. Hình như là cây rừng bảo nhau rẽ lối nhường bước cô gái. Đuổi theo mệt phờ. Cô gái cười nói luôn mồm mặc dù gã chẳng hiểu gì cả. Đi một mạch sâm sẩm tối thì tới bản Nài Thút. Sườn núi dốc ngược. Hơn chục nóc nhà thấp lè tè chơi trò trốn tìm lấp ló trong cỏ tranh cao ngút đầu người. Cô gái dắt tay ta chui vào ngôi nhà mái cỏ tranh. Trong nhà lố nhố đám người ngồi quây quần trong ánh sáng chập chờn của đèn nhựa cây phun phì phì. Không ai nhìn. Không ai hỏi. Dường như không phải là người xa lạ. Tay cô gái vẫn nắm chặt tay ta. Trố mắt nhìn. Mâm cơm cúng bày giữa nhà. Con gà sống đã vặt trụi lông. Luộc chín. Ghếch mỏ. Quắp chân cẳng. Bát cơm đầy tú hụ. Chai rượu men lá đục ngầu. Đám người ngả nghiêng lắc lư theo điệu hát của ông thầy cúng mũ áo lùng phùng đang ê a gọi hồn ông bà tổ tiên người Thẻn Hà về với con cháu. Cô gái út con ông Giản cũng ngả nghiêng lắc lư. Ta cũng ngả nghiêng lắc lư. Ông thầy cúng tung đồng xu xin quẻ âm dương. Rồi ông nhảy cẫng lên. Ông bà tổ tiên đã nhận lời về ngồi ăn thịt gà ăn xôi rồi. Ông bà tổ tiên ưng thuận vui chơi nhảy lửa với con cháu rồi. Đám người đứng lên chân trần xô nhau chạy ùa ra khỏi nhà. Cô gái cũng lôi tay ta chạy ra khỏi nhà. Một đống lửa thật to đốt cháy đùng đùng giữa sân. Ông thầy cúng cứ thế chân trần nhảy vọt vào giữa đống lửa rồi nhanh như cắt lại nhảy vọt ra. Đám người reo ồ lên. Và cũng lần lượt theo nhau chân trần nhảy vọt vào giữa đống lửa rồi lại nhảy vọt ra. Tàn lửa bay tung toé hoa đăng lẫn tiếng reo cười hả hê. Có bàn tay ai thụi vào lưng rất mạnh. Cô con út ông Giản hú lên thất thanh. Thế là ta nghiến răng nhảy vọt vào giữa đống lửa. Thanh củi cháy rần rật vọt lên cao. Tàn lửa bắn vào mặt nóng giãy. Tóc cháy xèo xèo khét lẹt. Nhưng đi giày. Chân không bị bỏng. Lại nhảy vọt ra khỏi đống lửa và ngã huỵch vào vòng tay của một cô gái Thẻn Hà lạ hoắc.

Đêm đó nhảy lửa bao nhiêu lần. Không đếm xuể. Ai xui nhảy lửa như người Thẻn Hà. Ngọn lửa. Tiếng hò reo vang động rừng đêm của bà con bản Nà Xút. Hay là con ma rừng. Không biết. Lên đồng. Mọi người nhảy vọt vào đống lửa cháy đùng đùng thì cũng nhảy vọt vào đống lửa cháy đùng đùng. Mọi người hét rống lên thì cũng hét rống lên. Mọi ngưòi nốc rượu ồng ộc thì gã cũng nốc rượu ồng ộc. Ngã vào vòng tay của bao nhiêu cô gái Thẻn Hà cũng không nhớ.

Trời sáng bạch. Đống lửa tắt rụi. Bà con bản Nà Xút xô nhau chạy tán loạn. Bám theo váy theo cô gái con út ông Giản vọt vào rừng. Mặt mũi quần áo gã nhem nhuốc tro than. Chạy như bị ma đuổi. Rồi nằm vật ra bên bờ suối chảy róc rách. Ngủ như chết. Lửa cháy đùng đùng trong giấc ngủ. Rồi bỗng nhiên thấy mông đít lạnh buốt. Choàng tỉnh. Cởi truồng. Cô gái Thẻn Hà vú thỗn thện đang quỳ xuống úp mặt vào háng của ta (zê ) mút chùn chụt. Ối trời ơi. Tại sao cô gái Pà Thẻn mù chữ hoang dại như cây cỏ chốn núi rừng hoang vu lại thành thạo cái trò làm tình ở chốn thành thị văn minh tinh quái này. Ai xui. Vô thức tập thể tối đen ông bà tổ tiên xui. Bản năng nguyên thuỷ mù mờ sinh tồn đưa dắt. Hay là con ma rừng vẽ đường chỉ lối. Con nõn dựng đứng như cây trò chỉ. Mắt trợn ngược. Rú lên cong lưng phóng tinh vòn vọt lên trời. Cô gái Thẻn Hà nghẩng mặt lấm láp đen xì tro than lên trời. Nhoẻn cười. Răng trắng loá. Sói cái hiện hình...


© 2008 talawas

Nguyễn Đình Chính sinh ngày 28.10.1946 tại số nhà 14 Nguyễn Thái Học (nhà bác sĩ Chính), Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2004) và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga (1926-1951). Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), Nguyễn Đình Chính (lúc ấy chưa tới 2 tháng tuổi) và anh trai (2 tuổi) được mẹ bồng đi di tản lên Việt Bắc. Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh 2/4. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.

Tác phẩm Xưởng máy nhỏ của tôi (tiểu thuyết đầu tay, 1976); Nhớ để mà quên (tiểu thuyết, viết năm 1981 nhưng đến 1998 mới được in, đã được dịch ra tiếng Pháp); Con phù du cánh mỏng (tiểu thuyết, 1986); Đêm thánh nhân (tiểu thuyết tâm đắc nhất, dài hơn 1000 trang, viết năm 1990-1992, in tập I năm 1998, dự định sẽ in tập II vào năm 2000, nhưng không được cấp giấy phép. Tháng 10.2006, Nxb. Văn Học in trọn vẹn cả hai tập dưới tựa đề mới là Ngày hoàng đạo.) Kịch bản điện ảnh (đã dựng phim): Rừng lạnh, Bãi biển đời người, Hồi chuông màu da cam, Người trên mặt sôngHòn đảo chìm xuống (không được duyệt). Duyên nợ trần gian (kịch bản sân khấu, giải thưởng Liên hoan sân khấu ở Hàn Quốc 2002) và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.

 

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài