talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 20.01.2008
Nguyễn Đình ChínhOnlai... balô



Nguyễn Đình Chính
Nguyễn Đình Chính

Ảo giác 2007 là tên bộ sách tập hợp những sáng tác mới nhất của Nguyễn Đình Chính trong năm 2007 (gồm 1 vở kịch, 20 bài thơ và 1 tiểu thuyết), đang chờ xuất bản. talawas chủ nhật kì này xin được giới thiệu Onlai... balô, cuốn tiểu thuyết, tác phẩm chủ đạo trong bộ sách này.

talawas chủ nhật

Nguyễn Đình Chính

Onlai... balô

Nguyên do viết quyển tiểu thuyết này: Tôi thấy cần phải ép mình vào một cuộc chạy ma ra tông để tự đánh bóng lại tên tuổi nhà văn của mình.

Nguyễn Đình Chính


 



18.

Xe chạy tới chân đèo Con Kuông bỏ lại đằng sau thị trấn Nả Hoang mới hơn chục cây số là đã ngủ gà ngủ gật.

Chuyến xe đồng rừng về xuôi những ngày cận tết chật ních người và hàng. Hàng hoá còn buộc ngồn ngộn chất ngất trên mui xe. Trời lạnh. Giò rừng thổi ù ù. Cửa xe đóng kín mít. Trong xe hừng hực hơi người trộn lẫn mùi ngai ngái cay cay. Cái thứ mùi rất đắc biệt không biết gọi là mùi gì chỉ có ở những miền đồng rừng. Nó sẽ nhạt dần và biến mất hẳn khi xe bắt đầu lăn bánh xuống đồng bằng.

Gà gật. Chập chờn. Thức ngủ. Không mơ hoảng. Không mộng du. Tiếng ô tô ầm ì. Tiếng thở phò của ông già ngồi bên cạnh. Thỉnh thoảng ta lại giật bắn mình choàng tỉnh vì nhìn thấy tấm lưng to bè cánh phản của thằng bạn Thốn Mừ cụt chim đang trôi lừ đừ trong màn sương rừng lùng bùng nồng nặc mùi củ nâu. Hàng ngàn con sâu đang ngọ nguậy. Không phải hàng ngàn con sâu. Hàng ngàn con bòi con cặc nhựa xanh lẹt đang ngọ nguậy bò quanh tấm bảng hiệu àng choé kẻ hàng chữ Sướng Hết Ý... Giờ này thằng Bàn Kỳ Páo đang làm gì. Nằm ôm một em ca ve gầy nhẳng chìm lút trong tấm chăn bông Trung Quốc ấm áp. Hay là đang ngồi chồm hỗm giữa nhà ngắm nghía đếm đi đếm lại hàng nghìn hàng vạn con cặc nhựa đủ mọi kích kỡ kiểu dáng. Ô hô đời ơi là đời. Có thế nào thì cũng phải cám ơn những sản phẩm kì diệu của cái ngành công nghệ tình dục đổi mới này. Nó không chỉ làm các bà các chị nhỡ nhàng muộn màng goá chồng khóc rưng rức vì cảm động mà nó còn mang lại lẽ công bằng cho những thằng lính có số phận đen đủi tức cười như thằng Bàn Kì Páo.

Có ai đập vào vai. Choàng tỉnh. Xe đỗ trước một quán cơm đồng rừng ven đường. Hành khách đang lục tục xuống.

Nhìn ra ngoài. Dãy phố huyện lèo tèo vài mái nhà ngói đen sì cổ xưa. Dẫy phố không tên.

“Xuống đái ỉa ăn cơm ông bác ơi.”

Không buồn đái. Không buồn ỉa. Không đói. Không vào quán cơm ăn cơm như mọi người. Ngồi uống nước chè chén trong quán nước nhỏ đối diện bên kia đường. Móc tẩu nhồi thuốc hút. Có hai cô gái váy chàm chít khăn đỏ gù lưng cõng gùi to tướng đi vào. Một cô trố mắt nhìn.

“A lúi. Chú ơi.”

“Lông mày nét ngang.”

Tình cờ quá. Vi Bằng Tươi. Buông tẩu. Cô gái cười hi hi nhi nha nhí nhoáy như trẻ con được quà.

“Chú về xuôi a.”

“Phải rồi.”

“Hôm nọ em xuống xe. Chú ngủ say quá nên không chào giã biệt chú.”

“Ai đi cùng cậu đây?

“Đố chú biết.”

“Làm sao biết được.”

“Bạn em hay lắm nhé.”

Vi Bằng Tươi kéo cô gái lại gần trịnh trọng giới thiệu.

“Bạn em tên là Kim Chan Sun.”

“Người Hàn Quốc a?”

“Vâng.”

“Chào em.”

Cười xã giao. Nhìn. Kim Chan Sun mảnh mai trong bộ váy áo chàm. Lông mày cong. Mắt một mí. Thông minh. Bướng bỉnh. Vi Bằng Tươi cười hi hi huyên thuyên giới thiệu.

“Chú đây là một hoạ sĩ rất nổi tiếng.”

Cô gái Hàn quốc a lên ngạc nhiên đày vẻ tôn kính. Người nước ngoài thường cả tin như vậy đấy. Và cô chào lại gã bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ bị vặt trụi tất các dấu.

“Vinh hanh quen biet chu.”

“Không dám.”

“Me cua em cung la hoa si.”

“Hay lắm.”

Chỉ biết nói như vậy. Rồi hỏi Vi Bằng Tươi:

“Em đi đâu mà gùi hàng qua đây?”

“Lên bản Phì Thống.”

“Bản Phì Thống ở đâu?”

“Ở trên đỉnh núi đằng sau lưng chú.”

“Bản Phì Thống của người Xì Oắn ư?”

“Không phải.”

“Của người Lô Thống?”

“Cũng không phải.”

“Của người Mẹo Lài?”

“Bản Phì Thống của người Tha Lẳng.”

“Lên bản người Tha Lẳng làm gì?”

“Làm việc hay lắm.”

“Việc gì mà hay lắm?”

Vi Bằng Tươi cười. Lắc đầu bí ẩn. Cô gái Hàn Quốc cũng cười theo. Càng tăng thêm vẻ bí ẩn. Gọi ba chai bia Con Hổ. Toan lấy cốc thì Vi Bằng Tươi gạt đi. Không cần cốc. Ba người cầm ba chai bia cụng khẽ rồi tu. Uống hai ngụm chưa hết một phần năm chai. Vi Bằng Tươi uống hết nửa chai. Cô gái Hàn Quốc ngửa cổ tu chầm chậm và khi đặt chai bia xuống thì chỉ còn cái vỏ chai rỗng lùi xùi dính chút bọt. Ngạc nhiên chưa. Gọi thêm bia thì Vi Bằng Tươi xua tay.

“Thôi mà.”

“Uống nữa có làm sao.”

“Tốn tiền của chú a.”

“Mấy khi có chuyện gặp nhau tình cờ như thế này. Uống nữa. Chú có tiền mà.”

Búng ngón tay sành điệu. Chủ quán chỉ đợi có thế. Sáu chai bia được bê tới. Móc ví đặt lên bàn. Sáu tờ năm trăm ngàn xanh lè mới tinh. Bằng đúng số tiền cô gái nhỏ người Mán Pắc Xế đã lấy trộm. Lại ngạc nhiên chưa. Nhiều quá. Ôi chao là thằng bạn Thốn Mừ cụt chim Bàn Kì Páo. Chẳng mấy chốc sáu chai bia cũng đã được uống hết. Hai cậu ăn thêm cái gì nhé. Thân mật hỏi. Các cậu không thích ăn đâu. Uống thêm một vài chai nữa có được không. Cô gái Xì Oắn Vi Bằng Tươi cười hi hi hỏi lại như vậy. Thì uống. Thoải mái đi mà. Còn bao nhiêu tiền cơ mà. Chủ quán đâu. Mang một két bia ra đây. Uống hết. Chủ quán nhảy cẫng lên cười tít mắt. Ta khuyến mại một đĩa lạc đây này. Ăn lạc đi. Uống thêm thật nhiều bia nữa đi. Uống hết cả két bia đi. Cho ta cùng ngồi uống bia với. Cho ta góp thêm lạc nữa. Một rổ đầy lạc luộc a. Cho ta vui với. Mấy hôm nay ế hàng ngồi ỉu xìu buồn cái chân cái tay lắm.

Két bia được khuân ra. Uống tiếp. Vẫn kiểu tu chai không cốc. Uống bia như uống nước. Một két bia hết veo. Lại một két nữa được khuân ra. Vi Bằng Tươi ngửa mặt không cười hi hi nữa mà cười ha ha. Cô gái Hàn Quốc cũng ngửa cổ cười. Vẫn nụ cười mơ màng. Nụ cười không dành cho ai. Nụ cười bí ẩn

Trong quán ăn bên kia đường hành khách đã xong bữa cơm đang lục tục đùn nhau leo lên xe. Phụ xe hét oang oang. Lên xe. Lên xe thôi. Lại bật nắp thêm một chai bia cho gã. Uống. Nghe thấy tiếng gọi lên xe. Nhưng tảng lờ như không nghe thấy. Chủ quán cũng nghe thấy nhưng chỉ ngồi im thít nhìn gã. Cô gái Hàn Quốc uống như người điếc. Còn Vi Bằng Tươi thì cười ré lên.

“Không về xuôi nữa.”

“Không về.”

“Uống hết két bia này.”

“Thêm mười két nữa. Uống cho hết ba triệu mới thôi.”

“Ô kê hoạ sĩ.”

“Chủ quán. Khuân hết bia ra đây.”

“Có ngay.”

“Đi chơi.”

“Chơi.”

“Đi đâu?”

“Đi chơi là đi chơi. Hết. Xong phim.”

“Uống.”

Bên kia đường xe đã nổ máy rình rình. Phụ xe nhảy chồm vào quán.

“Bố ơi. Định mọc rễ ở đây à?”

“Ta uống.”

“Mời bố lên xe. Đến giờ xe chạy rồi.”

Khoát tay.

“Ta xuống ở đây rồi.”

“Ơ hay.”

“Biến.”

“Biến.”

“Biến.”

Gầm lên. Vi Bằng Tươi gầm lên. Chủ quán cũng gầm lên. Nhưng cô gái Hàn Quốc thì không gầm lên. Bởi vì cô đang lim dim mắt nhìn ra ngoài trời. Phụ xe hí lên rồi quay đầu chạy biến. Còi xe tu tu. Và chiếc xe rừ rừ lăn bánh bò khỏi dãy phố huyện xiêu vẹo lèo tèo vài mái ngói đen sì. Dãy phố không tên.


© 2008 talawas

Nguyễn Đình Chính sinh ngày 28.10.1946 tại số nhà 14 Nguyễn Thái Học (nhà bác sĩ Chính), Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2004) và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga (1926-1951). Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), Nguyễn Đình Chính (lúc ấy chưa tới 2 tháng tuổi) và anh trai (2 tuổi) được mẹ bồng đi di tản lên Việt Bắc. Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh 2/4. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.

Tác phẩm Xưởng máy nhỏ của tôi (tiểu thuyết đầu tay, 1976); Nhớ để mà quên (tiểu thuyết, viết năm 1981 nhưng đến 1998 mới được in, đã được dịch ra tiếng Pháp); Con phù du cánh mỏng (tiểu thuyết, 1986); Đêm thánh nhân (tiểu thuyết tâm đắc nhất, dài hơn 1000 trang, viết năm 1990-1992, in tập I năm 1998, dự định sẽ in tập II vào năm 2000, nhưng không được cấp giấy phép. Tháng 10.2006, Nxb. Văn Học in trọn vẹn cả hai tập dưới tựa đề mới là Ngày hoàng đạo.) Kịch bản điện ảnh (đã dựng phim): Rừng lạnh, Bãi biển đời người, Hồi chuông màu da cam, Người trên mặt sôngHòn đảo chìm xuống (không được duyệt). Duyên nợ trần gian (kịch bản sân khấu, giải thưởng Liên hoan sân khấu ở Hàn Quốc 2002) và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.

 

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài