talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 20.01.2008
Nguyễn Đình ChínhOnlai... balô



Nguyễn Đình Chính
Nguyễn Đình Chính

Ảo giác 2007 là tên bộ sách tập hợp những sáng tác mới nhất của Nguyễn Đình Chính trong năm 2007 (gồm 1 vở kịch, 20 bài thơ và 1 tiểu thuyết), đang chờ xuất bản. talawas chủ nhật kì này xin được giới thiệu Onlai... balô, cuốn tiểu thuyết, tác phẩm chủ đạo trong bộ sách này.

talawas chủ nhật

Nguyễn Đình Chính

Onlai... balô

Nguyên do viết quyển tiểu thuyết này: Tôi thấy cần phải ép mình vào một cuộc chạy ma ra tông để tự đánh bóng lại tên tuổi nhà văn của mình.

Nguyễn Đình Chính


 



20.

Ta (Zê) và Zăng PônThọ có một món nợ nhỏ.

Gái.

Trong một lần cà phê Linh Lang ta nói:

“Xin ông cho tôi một lời dạy dỗ.”

“Ấy chết. Tôi có phẩm hạnh gì hơn được ông mà dám.”

“Phẩm hạnh thì không hơn. Có khi còn kém. Nhưng tuổi tác thì hơn.”

“Không dám đâu.”

“Tôi chân thành đấy. Có dám đi.”

“Một lời khuyên về... cái gì.”

“Đại loại... Ý nghĩ cuộc đời... Phải sống... Ở cái tuổi của chúng ta. Cái tuổi đã thọc một chân và mả rồi.”

“Ông là nhà văn. Về cái vấn đề sặc mùi triết học này... Tôi tưởng ngược lại, ông phải dạy dỗ tôi chứ.”

“Cũng có thể. Nhưng tôi muốn nghe ông.”

“Thật ư?”

“Thật.”

Zăng Thọ nhún vai.

“Với tôi... bây giờ... chẳng có chuyện gì quan trọng cả. Cái gì tôi cũng thấy buồn cười. Thậm chí đến dự một đám tang nhìn kỹ một lúc là mình thấy buồn cười. Mẹc xà lù. Bệnh hoạn quá. Vì thế bây giờ... Thứ nhất. Thích cái gì thì làm cái ấy. Và...”

“Thứ hai.”

“Vâng. Hai là...”

“Là gì?”

“Là... yêu.”

“Yêu?”

“Đúng rồi.”

“Yêu trong mộng nhớ nhung hờn ghen hay là cử chỉ yêu trên giường trần truồng. Xếch.”

“Cả hai.”

“Ông theo một nửa thuyết trường thọ của người Tàu.”

“Người già được ngủ với gái non thì khoẻ mạnh và trẻ lại.”

“Ông có muốn kiếm một cô gái trẻ ở Việt Nam để mà vừa được yêu cô ta trong mộng vừa được cùng cô ta cởi truồng ra đú đởn vật nhau trên giường?”

“Tôi muốn. Và rất muốn.”

“Dễ ợt. Gái điếm bên này giá rẻ như bèo.”

“Ồ không. Tôi không gái điếm.”

“Con nhà lành.”

“Vâng. Ở bên Pháp, với thực trạng thu nhập hiện nay của tôi tất cả chỉ nhờ vào số tiền hưu còm cõi, tôi không bao giờ có cơ hội... cơ hội gì nhỉ... cơ hội cung gấp tài chánh nuôi được (bao. ok). Bao được một cô gái trẻ lương thiện để mà yêu để mà làm tình. Thú thật với ông tôi thường xuyên về Việt Nam cũng là để hy vọng tìm...

“Tôi hiểu rồi. Yên tâm đi. Tôi giúp cho. Ông còn có cái mác Việt kiều. Cộng thêm điểm.

Và ta (Zê) cũng đã tìm giúp cho Zăng Thọ môt cô gái trẻ chỉ khoảng trên dưới hai mươi tuổi xưng tên là Tắn, mông lép kẹp, chuyên gãi đầu cho khách trong một hiệu cắt tóc ở cuối thị xã. Thú thật là ta cũng chẳng biết rõ Tắn có thật tên là Tắn hay không. Họ gì. Trần thị hay Nguyễn thị hay Lê thị. Ta cũng không biết. Chỉ biết hai người có vẻ quấn quýt ngay. Mặc dù thỉnh thoảng cô bé Tắn lại ghé vào tai ta (Zê): Anh Zăng Thọ dừ quá anh nhỉ. Zăng Thọ cong đuôi hơn cả con gà trống xăng xái chụp cho cô bé Tắn hơn trăm tấm ảnh kỹ thuật số đủ các tư thế nhảy nhót vui cười. Có cả kiểu cô bé Tắn hồn nhiên vắt vẻo ngồi trên cây bưởi. Tôi hỏi Zăng Thọ tuyệt chưa? Tuyệt rồi. Zăng Thọ xoè cả hai bàn tay ra: Chỉ có một khiếm khuyết nhỏ là mông lép quá. Con gái Tây (Đầm) đứa nào mông cũng to bự cong tếu. Zăng Thọ nhờ mua hộ hai chiếc gối, một cái chăn mỏng và một bộ quần áo ngủ loại rẻ tiền. Ta ngạc nhiên thì Zăng Thọ cười tủm tỉm đắc ý :

“Tắn đã đồng ý ngủ với tôi đêm nay trên cái giường kia.”

“Chúc mừng.”

“Cám ơn.”

“Tiền nong thế nào?”

“Tôi nhờ ông đưa Tắn một trăm đô. Một pớ ti ka đô.

“Tốt.”

Ta (Zê) bèn gọi ngay cô bé Tắn đến ngồi trước mặt Zăng Pôn Thọ và nói toạc ra:

“Ông bạn Việt kiều của anh tặng em một trăm đô. Tiền đây. Anh đưa trước cho em mười đô. Sáng mai đưa nốt cho em chín mươi đô.”

Cô bé Tắn chỉ nhoẻn miệng cười.

Đêm đó ta (Zê) ôm chăn chiếu chui váo cái lán tranh muỗi như trấu ở cuối vườn nhường gian phòng cho đôi tình nhân quốc tế vui hưởng chuyện gối chăn. Ta ngủ một mạch tới bốn giờ sáng thì choàng thức giậy vì nghe có tiếng đập muỗi phành phạch ở ngoài sân. Ai nhỉ. Vén màn nhìn ra thì thấy Zăng Pôn Thọ sơ mi trắng xi líp đang ngồi trên mấy viên gạch vỡ. Có lẽ chàng đang thụ hưởng một mình cái khoái cảm cô đơn giống đực rời khỏi con cái sau một cuộc làm tình dai dẳng quyết liệt. Ta ngủ tiếp. Bảy giờ sáng bạch. Nắng chói lọi. Choàng dậy. Cô bé Tắn đã biến mất. Zăng Pôn thọ vẫn ngồi trên mấy viên gạch vỡ. Hai ống chân đã hoá thành hai vầng bánh đa kê chi chít nốt muỗi đốt. Ta hỏi:

“Lên thiên đàng chứ.”

Zăng Pôn thọ lắc đầu.

“Địa ngục.”

“Tại sao địa ngục?”

“Tại vì khi tôi bò lên giường nằm xuống ôm lấy Tắn thì cô bé lại đẩy tôi ra và lắc đầu nguây nguậy: em không đồng ý đâu.”

“Sao nữa?”

“Ông hỏi thế tôi không hiểu.”

“Kể tiếp đi.”

“Thế là tôi đành xin lỗi và đi ra ngoài sân ngồi.”

“Ông ngu như chó.”

“Tại sao lại rủa xả tôi?”

“Vì ông ngu quá.”

“Tại sao lại ngu quá?”

“Con gái Việt Nam đứa nào mà chẳng như vậy. Thích mê đi rồi nhưng vấn lắc đầu nguây nguẩy: em chẳng đồng ý đâu. Thế ông tưởng rằng khi ông trèo lên giường là cô bé Tắn giạng ngay háng ra à.”

“Tôi không hiểu.”

“Vì thế ông mới ngu như chó.”

“Nhưng mà có lé tôi không ngu hơn chó đâu vì cô bé Tắn không đồng ý thật.”

“Ông vẫn ngu như chó.”

“Tại sao?”

“Tại vì nếu con ranh đó có lật kèo thì cứ lột truồng nó ra mà zịt.”

“Như thế là cưỡng hiếp.”

“Đúng rồi.”

Zăng Pôn Thọ ngồi chét lặng. Rồi ông ta bỗng nhảy chồm lên xỉa vào mặt Ta (Zê) và thét lên

“Tôi không phải là loại người man rợ xài cái văn hoá cưỡng hiếp khồn khiếp đó.”

Đó là lần duy nhất Zăng Pôn Thọ nổi giận. Hai hôm sau ta (Zê) gặp lại cô bé Tắn và hỏi tái sao thì cô bé lại cười: nói rồi mà. Anh Zăng Thọ ấy nom già quá. Già hơn cả ông em. Còn ta (Zê) thì mãi vẫn cứ luẩn quẩn trong đầu óc chăng hiểu nổi tại sao Zăng Pôn Thọ lại hét tướng lên văng vào mặt tôi mấy chữ văn hoá cưỡng hiếp. Ông ta phẫn nộ kinh tởm hay ông ta sợ khiếp vía cái kiêủ làm tình cưỡng hiếp đó. Nghe đâu ở Pháp ai phạm tội cưỡng hiếp đều cầm chắc cái án treo cổ.

Cũng cần phải thêm một chút coi như là ghi chú.

Zăng Pôn Thọ về Paris mang theo hơn 100 bức ảnh chụp cô bé Tắn. Thỉnh thoảng ông vẫn meo sang cho ta hỏi thăm cô bé Tắn và không giấu ý định sẽ còn gặp lại cô bé.

Về tiền bạc. Tắn cầm 10 đô không trả lại. Còn 90 đô ta đưa về chủ cũ tức Zăng Pôn Thọ. Ông nhận tiền và quay lưng lại móc ví ra rồi nhét tiền vào ví.

Ta (Zê) thất vọng quá. Nhưng về đến Paris được hai tuần ông gọi điện thoại trực tiếp sang cho ta (Zê) nhờ chuyển cho cô bé Tắn 100 đó. Có thế chứ. Tôi vay ông và sẽ trả sòng phẳng. Zăng Pôn thọ cam đoan như vậy.

Một năm sau Zăng Pôn Thọ lại về Việt Nam. Từ máy bay bước xuống Zăng đã dúi ngay vào túi áo Ta (Zê) 100 đô và đề nghị ta dẫn đi gặp cô bé Tắn. Ta cũng có do dự chút ít. Nhưng rồi Ta cũng đưa ông bạn quốc tế ra quán gội đấu máy lạnh cuối thị xã nơi Tắn hành nghề gãi đấu cho khách. Zăng Pôn Thọ được mời nằm dài ra ghế để gội đầu. Một cô bé mũm mĩm xinh xắn xăng xái gãi đầu cho ông. Zăng rất lấy làm thú vị. Xong xuôi. Zăng Thọ tụt xuống ghế tặng thêm cho cô bé 20 ngàn tiền hoa hồng kèm theo lời cám ơn rất đĩ trai: Pớ ti ka đô nhé. Ok (lại cái văn hoá pớ ti ka đô). Cô bé cười toét miệng. Zăng Thọ khen cô bé có nụ cười duyên dáng giống như cô bé Tắn rồi làm ra vẻ vô tình hỏi: Em Tắn đâu rồi. Nghe Zăng Thọ hỏi vậy cô bé vẫn toét miệng cười :

“Nằm trại rồi.”

“Hả?”

Thấy Zăng Thọ trợn lồi con mắt, cô bé vấn toét moệng cười:

“Nó đi khách bị công an túm rồi.”


© 2008 talawas

Nguyễn Đình Chính sinh ngày 28.10.1946 tại số nhà 14 Nguyễn Thái Học (nhà bác sĩ Chính), Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2004) và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga (1926-1951). Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), Nguyễn Đình Chính (lúc ấy chưa tới 2 tháng tuổi) và anh trai (2 tuổi) được mẹ bồng đi di tản lên Việt Bắc. Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh 2/4. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.

Tác phẩm Xưởng máy nhỏ của tôi (tiểu thuyết đầu tay, 1976); Nhớ để mà quên (tiểu thuyết, viết năm 1981 nhưng đến 1998 mới được in, đã được dịch ra tiếng Pháp); Con phù du cánh mỏng (tiểu thuyết, 1986); Đêm thánh nhân (tiểu thuyết tâm đắc nhất, dài hơn 1000 trang, viết năm 1990-1992, in tập I năm 1998, dự định sẽ in tập II vào năm 2000, nhưng không được cấp giấy phép. Tháng 10.2006, Nxb. Văn Học in trọn vẹn cả hai tập dưới tựa đề mới là Ngày hoàng đạo.) Kịch bản điện ảnh (đã dựng phim): Rừng lạnh, Bãi biển đời người, Hồi chuông màu da cam, Người trên mặt sôngHòn đảo chìm xuống (không được duyệt). Duyên nợ trần gian (kịch bản sân khấu, giải thưởng Liên hoan sân khấu ở Hàn Quốc 2002) và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.

 

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài