talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 18.06.2006


Nguyễn ViệnÐI.COM

Phần 1 Phần 2 Phần 3

Nguyen Vien
Nhà văn Nguyễn Viện tại Sài Gòn, 2005
Ảnh: Cổ Ngư

… Chưa bao giờ nhà văn Việt Nam có những điều kiện thuận lợi như hiện nay để có những tác phẩm lớn. Bối cảnh xã hội phong phú bày cỗ sẵn cho những ai biết đón nhận, dĩ nhiên với điều kiện tiên quyết là anh không hèn. Với tôi, tôi cảm nhận một cách chân thành rằng mình đang đứng đúng “điểm rơi” của lịch sử. Bởi thế tôi đã viết miệt mài mê mải, viết tưởng như không bao giờ hết, viết ngấu nghiến, viết như sợ không còn cơ hội nào khác...

… Tôi cũng không chắc thi ca có phải là chất kết dính trong văn của tôi không. Nhưng tôi có thể nói, chất kết dính mà tôi nhìn thấy trong lúc viết là cái tương ngộ ngay trong bản thân chữ nghĩa. Tôi viết không cần chuyển mạch bằng một câu văn hay một liên từ. Tôi nhìn thấy trong chữ này có chữ kia. Chữ nghĩa ẩn nấp trong nhau và tôi bắt nó lộ diện theo một liên tưởng thông suốt và bất chợt, tạo nên cái đa tầng của chữ nghĩa…

(Nguyễn Viện trả lời phỏng vấn của Pierre Bùi)

 

Nguyễn Viện

ÐI.COM



Phần 1

Một nửa trái đất bị bao phủ trong bóng tối sợ hãi. Mỗi ngày lại có một tin đồn mới về sự xuất hiện của “ÐI.COM.“ Dù chưa ai dám khẳng định là mình đã nhìn thấy “ÐI.COM”, nhưng tất cả các chính phủ, các phương tiện thông tin đều không thể trấn an dân chúng thoát khỏi sự hoang mang. Không ai giải thích được hiện tượng có những nhóm người tự quây quần với nhau vào ban đêm dưới một lá cờ màu đen vuông vức, gào rú như những kẻ lên đồng, khi chính những người này cũng không biết họ đã làm gì vào đêm hôm trước. Lúc đầu, người ta cho rằng đó chỉ là sinh hoạt của một nhóm người dị giáo. Nhưng tiếng gào rú của họ mỗi ngày một lớn, đến khi không một ai không nghe thấy tiếng gào rú ma quái ấy, thì người ta tin rằng một thời kỳ mới của con người đã thật sự bắt đầu. Hiện tượng này khởi phát từ Hồng Kông, sau đó lan nhanh vào lục địa Trung Hoa, rồi toả ra tất cả các cộng đồng người da vàng trên thế giới, tạo thành một ma trận chuyển động bất tận từ Ðông sang Tây, từ Bắc xuống Nam. Ðó là năm 2055.

Quán cà phê là một cái lồng kính trong suốt được xây trên mặt hồ và quay vòng theo chiều kim đồng hồ. Cảnh quan thay đổi từ một gốc cây si chằng chịt rễ đến một cao ốc lừng lững xám xịt chắn ngang tầm mắt, tiếp theo lại là một dòng chuyển động của những xe cộ đầy sắc màu. Tốc độ quay của quán chậm vừa đủ để người ta nhận thấy sự dịch chuyển mà không bị chóng mặt. Người đàn ông đầu trọc nhưng có bộ râu rậm trắng phơ cất tiếng hỏi bà lão ngồi đối diện:

“Em nhận được thông tin lúc 8 giờ chưa?”

„Rồi.”

„Anh có cảm giác đêm nay tới lượt mình.”

„Em sẽ ở với anh cho đến lúc đó nhé.”

„Ừ.”

Nhắp một ngụm cà phê không đường, mùi cà phê thơm ngát, người đàn ông bảo:

„Anh sợ mình cũng không tự kiểm soát được.”

„Dường như các nhà khoa học đang nghiên cứu một phương pháp phân thân để con người có thể tự quản lý theo nguyên tắc đối kháng. Bà lão nói.

Người đàn ông thầm nghĩ không ai có thể giúp được mình.

„Cái tai hoạ lớn nhất của con người là đã tin vào khoa học.”

Bà lão cười:

„Chẳng lẽ anh lại muốn đến Himalaya vào trong các hang động của mấy ông đạo sĩ?”

„Tất nhiên là không. Ðiều mà chúng ta đã đánh mất là niềm tin vào chính mình.”

Cảnh quan vẫn không có gì thay đổi, từ một dòng xe cộ đầy màu sắc đang chuyển động đến một cây si già rễ chằng chịt, tiếp theo là một cao ốc xám xịt lừng lững, một dãy phố có mặt tiền giống hệt nhau bán dưỡng khí. Người đàn ông chăm chú nhìn khuôn mặt bà lão dưới một lớp kem chống ô nhiễm. Tuy không có một vết nám nào, nhưng đôi má béo phị của bà đang xệ xuống. Ða số khách trong quán đều im lặng. Người đàn ông hỏi:

„Tại sao em không căng da mặt?”

„Anh vẫn quen với khuôn mặt tròn trĩnh của em mà phải không?”

„Ừ.”

„Em không có ý định sẽ thay đổi bất cứ điều gì trên thân thể mình.”

„Cũng không nên cố chấp vậy.”

„Thật ra em vẫn hài lòng với mình, cả với sự thay đổi của thời gian.”

Người đàn ông cầm tay bà lão như thể ông ta vẫn cầm như thế từ mấy chục năm trước.

Năm 2005. Trong một phòng riêng của quán cà phê nhìn ra vòng xoay giao thông, tôi nói với N chưa bao giờ anh lại muốn hôn em như lúc này. Mắt của N cười và đôi môi của N dẩu ra. Tôi ngậm đôi môi ấy trong miệng. Tôi nhớ có lần đã nói với N rằng, hãy cho anh hôn em, và em hãy lắng nghe, đấy có phải là điều em chờ đợi không. Lúc ấy N bảo đừng có xúi dại, lỡ tôi ghiền ông rồi sao. Thì cứ để cho anh hôn em suốt ngày đêm, tôi bảo. Ðừng có xạo, ông hôn được tôi rồi ông chán, ông lại tìm người khác bảo anh muốn hôn em suốt ngày đêm. Có mà tai hoạ. Tôi cầm tay N và nói anh mắc đoạ trần gian vì em, em không biết điều ấy sao? N cười bảo để tôi đi xem tử vi đã nhé.

Thày tử vi bảo cung Phu của cô có sao Riêu, Y, lại thêm Hồng Loan xung chiếu, chắc chắn anh ta sẽ là người trăng hoa, nhưng nhờ có tứ Ðức cho nên không đến nỗi mất nết. Ðàn ông như thế là quí rồi. Tôi cũng cho cô biết, cung Phu này có Thất Sát triều đẩu là cách của một người đàn ông anh hùng. Số cô có Vũ Khúc, Quả Tú trong Mệnh nên có thể cô không lấy chồng nhưng sẽ luôn có một người đàn ông bên cạnh vì cô có Ðào Hoa, Tả phù, Hữu Bật, Khôi, Việt, Thiên Hỉ, Hỉ Thần... quần tụ.

Nhưng người đàn ông trong tử vi của N không phải là tôi, bởi đơn giản là tôi chưa bao giờ là chồng N, kể cả cho tới năm 2055. Tuy nhiên tôi tin rằng không có một người đàn ông nào thân thiết với N hơn tôi, cũng như không có một người đàn bà nào tôi yêu hơn N.

Tôi nói với N, ngày mai anh đi Châu Ðốc với Tiến, em có muốn cùng đi với bọn anh không? N nói em còn một số việc phải làm, trót hẹn với người ta rồi. Hình như lúc nào tôi cũng thấy N trót hẹn với một ai đó.

Có chuyện gì vậy? N hỏi. Tôi bảo anh chỉ muốn đi chơi thôi.

Dưới ấy có gì mà chơi, N bảo. Tôi nghĩ là có, bởi tôi không có ý định của một người du lịch đi xem thắng cảnh hay hành hương Miếu Bà Chúa Xứ vay tiền làm giàu. Cho khỏi phí công, N bảo, nhân tiện anh nên tìm mua một em về cho nó phục vụ. Tôi cười, để thử xem.

Trên xe chỉ có năm hành khách. Tôi ngồi cạnh cửa sổ. Tiến ngồi cạnh một cô gái. Tôi nghĩ thế nào Tiến cũng có cách để bắt chuyện với cô ta. Và đây là chuyện cô ta nói:

“Từ hồi nào đến giờ em chỉ biết có một mình anh ấy, nhưng anh ấy đã bỏ em đi Mỹ cùng với gia đình. Em không muốn nhìn thấy những kỷ niệm cũ nên bỏ về quê sống với má. Một đêm buồn kinh khủng, em lén mở cửa sau ra đi, không cho má biết. Mà em cũng không biết đi đâu. Trời tối thui chỉ có bóng cây u dù ủ dũ hai bên con đường đất. Không biết bao lâu, em đến trước một cái cốc của một ni sư già. Thật ra, đó là một cái chòi lá. Em xin vào tá túc. Ni sư biết ngay là em thất tình. Ni sư bảo nếu em muốn dứt bỏ nghiệp chướng quyết chí tu hành thì cũng nên về báo cho gia đình biết để gia đình khỏi lo lắng. Ở trong cốc ba ngày, má em tìm được. Má ôm em khóc. Em về với má và bắt đầu từ đó ngày nào em cũng tụng kinh, một tháng ăn chay hai lần. Mà cũng lạ lắm, tháng nào em không ăn chay, lên chùa thì thế nào cũng bịnh. Không có một cái chùa nào trong Thất Sơn mà em chưa đến. Anh biết không, trên núi Cấm có một cái hang gọi là hang Mẹ Ðẻ linh thiêng lắm. Ai đi qua cái hang ấy một lần thì giống như là được trời sinh lần thứ hai, vì thế người ta gọi là hang Mẹ Ðẻ. Nhưng không phải ai cũng đi qua được cái hang ấy đâu. Có khi người mập đi lọt mà người ốm đi không lọt. Nếu các anh không biết đường, em sẽ dẫn các anh đi.”

Còn đây là chuyện cô gái nghĩ:

“Có thể các anh không tin những điều em nói. Cũng như các anh không thể hiểu tại sao em đến nỗi muốn bỏ nhà đi tu. Người ta chỉ có thể nghĩ tại em muốn trốn tránh nỗi buồn, hoặc muốn trả thù cuộc tình ngay trên nhan sắc của mình. Thật ra, em cũng không hề đốn ngộ vì sự phù phiếm của cái sân hận tình đời mà chỉ vì em muốn thay đổi. Em muốn sống một cuộc sống khác. Bởi vì em không thể yêu một ai khác nữa. Em không tin có một người đàn ông nào khác có thể làm cho em sung sướng hạnh phúc đến thế. Em sợ sự trống không vì mỗi khi trống không em lại nhớ đến ảnh. Và luôn luôn nhớ những lúc chúng em làm tình với nhau. Ảnh thích hôn chim em. Em cũng thích hôn cái của ảnh. Em không biết nước tiểu có chữa được bịnh không, nhưng ảnh thường bảo em đái vào mồm cho ảnh uống. Lúc đầu em cũng thấy kỳ, sau thấy vui vì em cảm thấy mình được yêu và tôn thờ. Không biết các anh có thích như vậy không. Nhưng ảnh chỉ thờ em có mấy tháng rồi ảnh đi mất. Không biết bao giờ mới lại có một người đàn ông yêu em như thế.”

Chiếc xe tắp vào quán cơm dọc đường. Tôi mời cô gái ăn chung với bọn tôi. Tôi hỏi: “Em về Châu Ðốc hay Long Xuyên?”. “Dạ, em về Phú Tân. Nhà em ngay trong vùng thánh địa Hoà Hảo.“ Quả là may, tôi nghĩ là nên theo cô gái đến thắp một nén nhang cho người lập đạo. Chúng tôi xuống xe ở bến phà Năng Gù. Chiếc phà nhỏ vắng người sang sông. Nước mênh mông mùa lũ. Ở phía bên kia sông, những người đàn ông chạy xe ôm bám lấy chúng tôi như đỉa. Ðể họ cắn, cô gái ngồi chung xe với tôi chỉ vào một nhà máy xay lúa nói cái đó là của đứa em gái em và thằng chồng Singapore của nó. Tôi bảo thế có nghĩa em là chị vợ thằng Singapore, má em là má vợ thằng Singapore. Bả còn muốn làm má vợ thằng Ðài Loan nữa đó, cô gái thản nhiên nói thêm.

Thánh địa Hoà Hảo dù có tiệm chụp hình kiểu Hàn Quốc và cửa hàng Internet tốc độ cao vẫn có vẻ trầm lắng và tiềm ẩn sự bất an từ năm Kỷ Mão, khi sứ mạng của Ðức Thày bắt đầu được thực hiện.

Ở trong An Hoà Tự, trong lúc cô gái tín tâm khoác chiếc áo dài nâu vái lạy các bàn thờ, tôi chỉ quan tâm đến tướng mạo của đấng khai sáng và đặc biệt chú ý tới bức hình chân dung Ðức Thày với đôi mắt và cặp lông mày xếch ngược, mái tóc hất ra phía sau và dài cặp mang tai. Ðó là một tấm ảnh dị thường. Sau này, khi đọc sấm giảng của Ðức Thày và biết ngài tự xưng là “Ðiên”, tôi nhận ra một bi kịch hùng tráng trong số phận của những ai xướng ngôn thần thánh.

Những kẻ điên không bao giờ chết. Ðức Thày vẫn sống và làm phép lạ trong niềm tin của tín đồ. Niềm tin của con người tạo thành phép lạ. Không một tôn giáo nào không có phép lạ và con người vẫn sống nhờ phép lạ.

Năm 2055, ông lão ngồi trong quán cà phê xoay chờ đợi tới lượt mình lên đường. Chưa một ai cưỡng lại được tiếng gọi bí ẩn ấy. Không biết ai là người đầu tiên loan truyền có một ÐI.COM. Và tiếng gọi bí ẩn bắt con người phải lên đường và lên đồng chính là ÐI.COM. Nhưng chưa một ai biết thật sự ÐI.COM là gì. Những người sử dụng Anh ngữ thì bảo “ÐI” là phát âm của “D.“ “D” có thể là Dragon (con rồng), Driver (người lái xe), Dreamer (người mơ mộng), Druid (đạo sĩ), Drunkard (người nghiện rượu), Drummer (người đánh trống), Dredger (người đánh lưới vét), Dread (sự khiếp đảm), Door man (người gác cửa), Dragoon (khủng bố), Dorothy (thánh nữ), Dramatist (nhà soạn kịch), Doomsday (ngày phán xét), Dominion (quyền thống trị), Dolt (người ngu xuẩn), Dodger (kẻ ranh ma), Divine (thần thánh), Dissenter (kẻ ly khai), Discover (khám phá)... hoặc có thể chỉ đơn giản là Document. Những người sủng ái truyền thống Việt lại bảo “ÐI” là khác với đứng hoặc ngồi hay nằm. Bọn rỗi hơi tán vung vít “ÐI” là tiếng gọi của các em đứng đường: “Ði không anh?”

Năm 2005, dưới chân núi Sam gần Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Ðốc, các em cũng hỏi tôi và Tiến: “Ði không anh?.“ Tôi không chơi đĩ, không phải vì tôi không thích, mà vì tôi còn nhiều việc khác phải đi. Trước hết tôi cần phải đi với cô gái ngồi chung xe cho hết đoạn đường Hoà Hảo.

“Em tên Phượng”, cô gái tự giới thiệu rồi hỏi tôi: “Anh thứ mấy?”. Tôi bảo thứ ba. “Còn anh?” Cô hỏi Tiến. Tiến nói “anh con một của má anh nhưng là con thứ tám của ba anh, nên gọi là Út cũng được, Tám cũng được, Hai cũng không sao”. “Em thích gọi anh là anh Hai, Phượng nói với Tiến, vì em thích có một người anh lớn”. Tôi bảo “thằng này nó nhỏ hơn anh cả chục tuổi mà em gọi nó là anh Hai, gọi anh là anh Ba thì mất tôn ti trật tự, đảo lộn luân thường”. Phượng cười: “Như thế mới vui.“ Cũng vui như khi Phượng dẫn bọn tôi về nhà bà dì của Phượng gần Tổ Ðình của Ðức Thày. Dì của Phượng trẻ và mặn mòi da bánh mật. Dì làm dâu một người gọi Ðức Thày bằng cậu. Phượng kể: “Dì em nói muốn mời hai anh ở lại nhà dì em chơi, mai hãy đi. Nhưng dì không biết xưng hô với hai anh ra sao?”. Tôi bảo: “Sao em không bảo dì cứ nói thẳng với bọn anh là mời hai cháu ở lại chơi. Dì trẻ hơn cháu mới hách.”

Tôi nhìn thấy tấm bằng sơ đẳng tiểu học của Ðức Thày năm 1930. Phòng của Ðức Thày đóng kín, không ai được quyền vào. Nhưng người ta kể đã có một người con gái đẹp nhất định đòi vào ngủ trong phòng Ðức Thày giữa đêm hội kỷ niệm ngày Ðức Thày đản sinh. Cô gái bảo tôi phải vào và tôi sẽ đi giữa khuya. Không biết bởi một sức mạnh nào mà các vị chức việc đã phải nhượng bộ cô gái. Và đúng như cô gái nói, 12 giờ đêm, người ta không còn nhìn thấy cô gái trên võng trong lúc cánh cửa vẫn đóng kín. Tương truyền, Ðức Thày vẫn hoá thân thành người này người kia đi lại trên đất thánh. Tôi không bận tâm về chuyện Ðức Thày còn sống hay đã chết. Nhưng tôi nghĩ đến dì của Phượng màu da bánh mật.

Tiến nói bố vợ tôi là một người Hoa. Có lần tôi nghe ổng nói với tôi về kinh nghiệm đàn bà. Ổng cho biết có một loại đàn bà rất quí, lai giữa Tiều và Miên, gọi là đầu gà đít vịt. Những người đàn bà ấy, âm đạo bao giờ cũng bót, cho dù họ có sinh con đẻ cái. Ở vùng Long Xuyên, Châu Ðốc, người Tàu lai Miên nhiều hơn Việt lai Miên. Tiến bảo muốn chơi cho sướng thì hãy tìm các cô da nâu.

Tôi cũng nghe nói “da bồ quân cởi quần không kịp.“ Da của N ngăm đen, tôi mong sao N đậm đà bản sắc Phi châu hay núi non hoang dại cho đời tôi bốc cháy.

Phượng bảo hai anh không ở lại nhà dì em thì về nhà em nhá.

Con đường bị ngắt quãng bởi tiếng đọc kinh ê a từ băng cassette phát ra. Những lu nước dưới gốc cây cho người khát giữa đường vẫn lác đác theo một truyền thống cưu mang Nam bộ. Phượng bảo tới mùa lễ hội vui lắm, thuyền bè các nơi chở gạo, đường, bột ngọt đến. Ai cũng được ăn.

Nước mênh mông ngoài đê bao. Nước đẹp tràn trề. Tôi muốn nhảy xuống nước. Tôi muốn phung phí đời tôi cho nước nôi của những cửa mình rộng mở. Phượng nói nhìn con nước em biết nhà em đã bị ngập rồi. Không biết bây giờ má em ở đâu. Tiến bảo chắc má em tá túc ở đâu đó. Em cứ yên tâm theo bọn anh đến Thất Sơn lập cốc tu hành, tu lạc. Phượng đấm vào lưng Tiến: “Ðến nước này mà anh còn đùa được”. Tôi bảo cớ gì mà không đùa. Cứ hỏi bất kỳ một người nào quanh đó thế nào người ta cũng biết má em ở đâu. Phượng lại băn khoăn không biết bè cá nhà em có sao không. Tôi bảo cá thì cho nó về sông. Phượng bực mình nói thế còn em về đâu? Nước hoang mang thế này. Ðất trôi dạt thế này. Những con cò trắng cũng không còn chỗ đậu. Phượng nói thôi hai anh đi đi. Em sẽ đi tìm má em. Nếu hai anh đến Thất Sơn thì nhớ vào núi Cấm để được tái sanh, nhưng trước đó nên đi núi Voi xem những sọ người chết.

Tôi nghĩ là Tiến đã ôm hôn Phượng khi từ biệt.

Bọn tôi thuê xe ôm ra bến phà Thị Ðam. Lòng mang mang tôi nhớ những con cò lặn lội bờ sông. Tôi nhớ những cành củi khô trên sông dài. Trời chiều hắt hiu, không một ai trên ghe nói chuyện. Tiến lẳng lặng đưa máy ảnh lên ngắm. Những vầng mây xám trong khung hình trừu tượng nỗi buồn của Chúa. Tiếng máy nổ tạt trên sóng nước một âm thanh đều đều nghi hoặc. Tôi thèm hút một điếu thuốc. Tôi nhớ đến Phượng heo hút thôn dã. Và tôi chợt hiểu tại sao những cô gái lẫn lộn với cây cỏ một hôm đòi ra thành phố phấn son làm đĩ. Không hẳn vì nghèo.

M đón chúng tôi ở khách sạn, sau đó đưa chúng tôi vào một khu phố cũ còn chút dấu tích của kiến trúc Pháp và một vẻ rất Tàu, ăn cơm. M nói: “Nếu hai ông muốn đi chơi núi, để tôi gọi cho ông bạn giáo chủ trong đó, sẽ đón hai ông. Có yêu cầu gì cứ nói với giáo chủ, kể cả thịt rừng. Chỉ ngoại trừ gái”. M cười cười nói tiếp: “Cũng không chừng, giáo chủ thì không dám nhưng đãi khách thì có thể.“ Cơm ngon. Một số người nước ngoài có vẻ cũng thích thú. Tiến hỏi: “Nếu muốn đi biên giới thì đi làm sao?“ M cho biết: “Gần thị xã cũng có một cửa khẩu, nhưng mùa này nước ngập hết rồi. Còn một cửa khẩu nữa ở Tịnh Biên cách đây khoảng hơn hai chục cây. Thích thì cứ bảo tụi xe ôm chở.”

Chiếc xe ôm chở ba. Trên đường, những người lái xe ra dấu cho nhau biết có công an giao thông chặn đường hay không. May là xe chúng tôi không bị phạt. Trời mưa khi xe gần đến Tịnh Biên. Mưa cũng đi. Những cây thốt nốt dần dần hiện ra. Những người gốc Miên cũng dần dần hiện ra. Cảm giác ở một vùng biên giới bao giờ cũng xa xăm. Tiến bảo là chao giao.

Chợ biên giới Tịnh Biên đa phần bán mỹ phẩm và vải vóc. Chúng tôi không vào chợ mà đi qua một chiếc cầu gỗ nhỏ mở ra một đoạn đường độc đạo giữa mênh mông nước hai bên. Một không gian khác hẳn. Như thể chúng tôi đã vừa bỏ lại một đất nước phía sau. Trời vẫn mưa lất phất. Nước trắng đồng. Nước xoá bỏ những làn ranh, những cột mốc địa lý. Dường như chúng tôi vừa đi qua một chiếc cầu nữa. Tôi đoán là cầu vì có lan can hai bên. Một vài người đàn ông Campuchia chạy xe ôm bám theo chúng tôi. Họ nói gì đó bằng tiếng Miên. Người lái xe ôm cho biết những người đàn ông Miên chào mời thuê họ chở qua biên giới.

Chúng tôi dừng lại ở chỗ cuối cùng không được phép đi qua. Cửa khẩu.

Tôi nhớ đến những từ mà bây giờ không còn ai dùng nữa, như biên ải, quan san, quan tái... những từ gợi cảm, gợi nhớ của cả một nền văn học đã tàn lụi. Những chữ lần lượt tắt thở bởi chúng đã từng sống cái hơi thở thời đại của nó. Quả thật, tôi đang sống lại với chữ “Nhạn Môn Quan” nghìn trùng cách trở, phiêu bạt và cô độc của anh chàng Kiều Phong ngộ nạn cõi giang hồ.

Dãy núi Khom Lưng phía bên Campuchia mờ trong mưa. Không thể không đốt một điếu thuốc để tận hưởng cảnh tượng “đất chìm trong nước, nước chìm trong mưa” (chữ của Trần Tiến Dũng) và mưa chìm trong nỗi quan hoài sử lịch. Người lính biên phòng không cho chụp hình. Chiếc máy ảnh cất giấu nỗi buồn của Chúa.

Bỏ lại biên giới sau lưng để nhìn thấy hơn ba ngàn chiếc sọ của người dân vô tội dưới chân núi Voi bị giết bằng nhiều cách khác nhau. Những phụ nữ bị hãm hiếp cho đến chết. Những phụ nữ chịu nhục hình bởi sự thù oán truyền kiếp bằng một cây tre đầy mấu mắt chọc thẳng từ cửa mình lên tới cổ. Những chiếc sọ vỡ bởi cán cuốc và báng súng. Những chiếc sọ trẻ con. Ðấy là năm 1978.

Bỏ lại những oan hồn cho bọn Khmer Ðỏ. Chúng tôi đi qua những cánh đồng cô quạnh. Không khí trong veo. Nhị tì người Hoa trong thung lũng thốt nốt. Những ngôi chùa Miên kiêu ngạo trong vẻ mặt u tối của những người chăn bò.

Những con ếch được moi bụng và người ta dồn thịt bằm với nghệ vào trong đó. Những nền văn minh dồn vào bao tử tôi. Tôi bị dồn vào trong ánh mắt của người đàn ông bán bánh mì ếch dồn thịt.

Núi Cấm linh thiêng năm ngàn một vé vào cổng. Núi Cấm huyền bí la liệt hàng quán và xe ôm. Núi Cấm biến sắc thành núi Câm. Tiến bảo tôi không muốn tái sinh nữa. Tôi nghĩ là Tiến đùa cho vui, nhưng trên đường về ngang núi Két, Tiến xuống xe và đi vào trong đám cây thâm u lên núi. Tôi đứng ngoài chờ, tin rằng Tiến sẽ quay ra. Cho đến khi tắt nắng, vẫn không thấy Tiến đâu, tôi đành về thị xã Châu Ðốc một mình, không hiểu đã có điều gì xảy ra trong Tiến.

Năm 2010. Trong vườn tượng quốc tế dưới chân núi Sam, có một người đàn ông đầu trọc, cởi trần trùng trục tự biến mình thành tượng, tư thế như một con két đang gáy trên một tảng đá lớn. Mỗi ngày, khi mặt trời lặn, ông ta lại hú lên những âm thanh kỳ dị của rừng rú và thuyết giảng rằng đó là âm thanh của bản năng nguyên thuỷ. Và sự sắp đặt âm thanh là một nghệ thuật của cuộc sống an lạc. Ông ta nói người nào nghe ông ta và thực hành những lời ông dạy thì sẽ có một cuộc sống khoẻ mạnh và hạnh phúc. Nếu thế giới này không nghe lời ông ta, tai hoạ sẽ khôn lường. Một đấng đến sau ông ta, quyền phép hơn ông ta sẽ áp đặt lối sống của một đẳng sinh vật không phải người cũng không phải quỉ, vô thức và bạo liệt. Triệt để và toàn diện. Không một ai có thể đứng ngoài.

Quần chúng cho rằng ông ta điên.

Tôi trở lại Châu Ðốc với ý định xem người đàn ông này có phải là Tiến năm xưa không. Chen giữa đám đông hiếu kỳ, tôi lắng nghe tiếng hú của nhà tiên tri. Trong một tư thế đứng tấn chững chạc, hai tay co lại thành hình góc vuông đưa ra phía trước, bàn tay nắm chặt, miệng ông ngậm lại, nhưng từ đó những âm thanh vẫn phát ra hùng dũng đầy khí lực nội công. Khi là tiếng chó sói tru, khi là tiếng cọp beo gầm gừ, lại có khi nghe như tiếng rên hoan lạc của con người lúc làm tình. Tôi không nghĩ ông ta điên. Tôi cũng không nghĩ đó là Tiến.

Buổi tối năm 2005 khi quay trở lại thị xã Châu Ðốc một mình, tôi vội vã tìm M và báo cho M biết Tiến đã vào núi. Không có vẻ gì lo lắng, M nói: Chỉ tính riêng núi Sam đã có khoảng trên ba trăm cốc của các ông đạo. Trong toàn bộ Thất Sơn thì không thống kê được. Có thêm ông Tiến nhà cậu vào càng vui. Chẳng có gì phải bận tâm.

Tôi thuê một chiếc xe lôi đạp dạo phố. Người đạp xe hỏi có muốn tìm gái không? Vào khách sạn thì một trăm ba. Mượn đi hát Karaoke ôm cho đỡ buồn thì bo năm chục. Em không lừa đảo. Thấy anh buồn thì em giới thiệu thôi.

Tôi có buồn không? Gọi điện thoại cho Phượng, tôi bảo Tiến đã thành Phật rồi. Phượng nghĩ tôi rỡn chơi. Nhưng đến năm 2010, khi tìm Tiến ở Châu Ðốc, tôi đã gặp Phượng trong đám người đứng nghe nhà tiên tri biểu diễn âm thanh trong vườn tượng. Phượng cho biết, chỉ vài ngày sau khi Tiến lên núi Két, cô đã đi tìm Tiến. Ròng rã suốt một tháng, Phượng tìm thấy Tiến trong một cốc nhỏ cũ nát của ông đạo già, nhưng Tiến không cho Phượng gặp với lý do đã nhập thất. Cô nấn ná quanh núi để chờ gặp Tiến cho bằng được, nhưng sau bảy ngày tham thiền, đột nhiên Tiến biến mất. Cái cốc cũ nát cũng biến mất. Ngọn núi hoang vu, chỉ có cây với đá lởn vởn.

Phượng bảo từ đó em sống trong tâm trạng của một người con gái bỏ nhà theo trai, mặc dù không thấy trai đâu. Quanh quẩn sống dưới chân núi Sam. Làm đủ thứ nghề, trừ làm gái. Cuối cùng em phát hiện ra làm nghề bói toán là ngon ăn nhất. Em mua sách về học thuộc lòng, nói như két. Thấy ai đáng ghét thì hù cho sợ chơi. Người ta càng sợ mình càng có tiền.

Tôi cười bảo: “Em hù anh thử xem có đáng sợ không?“

“Em đâu có ghét anh.”

Tuy nhiên, Phượng cũng bảo tôi xào bài rồi rút ra một lá. Nhìn Phượng bày bài, tôi có cảm giác cô muốn coi bói cho tôi thật. “Số cậu lẽ ra phải ở nhà lầu đi xe hơi, nhưng vì chỗ cậu đang ở đó có một âm hồn quấy phá. Tôi nói cho cậu biết, sắp tới cậu sẽ gặp một tai nạn khủng khiếp. Vì thương cậu đường xa tới đây, tôi mách cho cậu biết, cậu phải vào trong núi tìm thày của tôi để thày giải cứu cho. Nếu cậu không đi được thì để tôi ra tay giúp cậu. Cậu có muốn tôi giúp không? Nếu cậu muốn thì mua ba trăm sáu chục bó nhang, một ít gạo và muối đem đến đây, tôi cúng sư phụ để sư phụ tôi bắt âm hồn đó về núi tu, cậu sẽ được an lành...“

Tôi thành tâm đưa cho Phượng ít tiền và bảo em cúng giùm anh. Cô ngần ngừ rồi cũng đút tiền vào túi. Em cám ơn anh.

N bảo số anh chết vì gái. Tôi cười nói anh chỉ có thể chết vì em. Năm 2015, một bệnh lạ xuất hiện làm mười triệu người chết chỉ trong vòng một tháng. N cũng mắc bệnh lạ đó. Và nàng yêu cầu tôi không được gặp nàng. Tôi bảo em chết thì anh chơi với ai, thôi cùng chết. Hằng ngày tôi vào bệnh viện thăm N, bất chấp sự lây nhiễm. Không phải tôi lãng mạn cổ điển, mà vì tôi cũng thật sự chán sống. Có người hỏi tôi tại sao các nhà văn Việt Nam không ai dám tự sát? Không ai có vấn đề gì sao? Thì tôi vẫn đâm đầu vào chỗ chết đấy thôi. Tôi vẫn tự huỷ hoại mình trong ý thức rực sáng về sự vô nghĩa và đạp chân đến cái tối hậu của bùn lầy hiện hữu. Tự chấm dứt sự sống không phải là cách hành xử duy nhất cho một thái độ quyết liệt và tự do. Nhưng rồi tôi cũng không hiểu tại sao N không chết, tôi không chết. Sống tiếp trong một bối cảnh không đáng sống là một bi kịch lạ lùng nhất của con người. Tôi phải làm việc gấp ba lần để có không khí thở. Nhưng đó vẫn là thứ không khí đã được nhuộm màu. Năm 2005, tôi viết kịch bản với hy vọng có thể bán được cho các hãng phim tư nhân, nhưng tôi đụng phải các khái niệm về đạo đức của chính các nhân vật của mình, như khái niệm về “hãng phim tư nhân” chẳng hạn. Có lúc nó là hiện thực, nhưng có lúc nó chỉ là một khái niệm. Cũng tương tự như thế, “hội nhập” là một từ mang tính khẩu hiệu từ cuối thế kỷ 20, nhưng đến giữa thế kỷ 21, “hội nhập” mới trở thành một thực thể. Trong khoảng thời gian biến chuyển của một từ, sự nhập nhằng có thể đưa người ta đến những cái chết lãng nhách. N nói, năm 2015 em đã ở trong sự chết và em thấy các xác chết đang manh nha sống lại. Sẽ đến lúc các xác chết thống trị thế giới. Tôi cười bảo con người có lúc nào thoát khỏi sự thống trị của các xác chết đâu. N nói đây không phải vấn đề tinh thần. Hitler, Staline, Mao Trạch Ðông, Roosevelt, Napoléon, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh, Caligula... sẽ phân chia lại thế giới và cai trị loài người theo kiểu chuyên môn hoá về khả năng hoá thân.

Cũng trong năm 2015, người đàn ông trước đây đã xuất hiện trong vườn tượng dưới chân núi Sam biểu diễn âm thanh và loan truyền về một người sẽ xuất hiện sau ông ta... đã trở lại. Người ta gọi ông là ông Ðạo Tiếng. Vẫn cái đầu trọc và cởi trần trùng trục, nhưng lần này ông ta chỉ biểu diễn hình thể. Nó hoàn toàn không phải là cái thứ performance khều khoào của các nghệ sĩ học đòi triết lý. Mỗi một phần thân thể, mỗi một tế bào đều cất tiếng nói và người xem cũng không thấy gì hơn đó là một thứ ngôn ngữ bản năng. Những bắp thịt nổi cuộn, uốn lượn, bò trườn. Thèm khát và phô trương. Rồi tất cả từng bộ phận thân thể đang kêu la kia trở nên hợp nhất. Nó tạo nên một sức mạnh hùng hổ và lấn át mọi cảm xúc để chỉ còn một cảm xúc duy nhất là bùng vỡ. Hành động. Không một ai đứng xem có thể đứng yên. Bắt đầu là họ quơ chân, khua tay. Sau đó họ lăn lộn dưới đất hoặc nhảy cẫng lên. Ðám đông như một lũ động kinh dấn thân vào một bản thể sống động và phổ quát của dục tính.

Phượng nói với tôi, người đàn ông này nhất định là Tiến. Nhưng Tiến không nhận ai là anh em, bạn hữu, hay người tình của mình. Người đàn ông trong vườn tượng nói: “Tôi đến từ tương lai và chuẩn bị cho tương lai”. Có một số kẻ khôn ngoan biết rằng người đàn ông này có thể lợi dụng được, bèn tôn ông là sư phụ. Nhưng ông nói chỉ có bọn láo toét mới dám nhận mình là sư phụ và đuổi đám người cơ hội đi chỗ khác.

Tôi thật sự cũng không biết về Tiến nhiều lắm. Bởi vì tôi không quan tâm đến quá khứ của bạn bè. Khi chơi với một ai đó, tôi chỉ cần biết họ đang làm gì, thế nào. Trước khi gặp Tiến, tôi đã đọc được một số bài thơ của hắn và tôi thấy hắn là kẻ có thể làm cho người ta đau mắt, ngạt thở hoặc cảm cúm vì bầu trời lông gà lông vịt do hắn làm ra. Tôi không thích người tốt việc tốt mà chỉ thích người xấu việc xấu, nên chơi với Tiến. Việc Tiến bỗng nhiên bỏ tất cả vào núi tu đạo thật ra chỉ là bước nhảy sau cùng của một quá trình nhấp nhổm tự huỷ, lăm le giữa hư vô và thường tại. Sau này tôi biết Tiến cũng đã có thời kỳ vào chùa và học nội công với một nhà sư. Tiến có thể coi tử vi và chữa được một số bệnh bằng phương pháp nội công. Có lần Tiến nói với tôi: “Số phận hay định mệnh của con người không phải chỉ là số phận, định mệnh của từng cá nhân mà nó có tính chất tập thể. Tôi đã xem nhiều bản tử vi và thấy rằng có một sự trùng hợp đáng ngại về một tai hoạ khủng khiếp vào giữa thế kỷ 21”. Phải chăng Tiến muốn tìm cách thoát khỏi tai hoạ ấy trước khi nó xảy đến?

Phượng kể: “Vào mỗi đêm rằm em lại chiêm bao thấy anh Tiến. Ảnh cởi trần trùng trục y như cái ông trong vườn tượng. Ảnh ôm em và khuyên nhủ em đừng vay mượn gì của thần thánh. Vì thần thánh cho vay nặng lãi lắm. Lúc đầu em cũng không hiểu ý ảnh là sao. Nhưng càng sống em càng thấy là thần thánh còn khó chơi hơn dân ma cô tú bà. Nợ nần dân ma cô tú bà cùng lắm thì chết là hết. Nhưng nợ thần thánh thì oan trái tới muôn đời sau. Em nghe nói ở miền Bắc có Bà Chúa Kho, còn ở Châu Ðốc có Bà Chúa Xứ, cả hai bà đều cho vay tiền làm ăn. Em không vay tiền nhưng có khấn với Bà Chúa Xứ rằng nếu Bà linh thiêng thì xui khiến cho anh Tiến quay trở lại. Trong giấc mơ anh Tiến trách em tại sao lại muốn ảnh rời bỏ con đường đã chọn, rằng Bà Chúa Xứ có thể sẽ làm hỏng sự nghiệp tu hành của ảnh, rằng các thần thánh cũng tranh dành quyền lực khốc liệt còn hơn con người nhiều lắm... Tuy nhiên, em thấy rõ một điều rằng em và anh Tiến có nợ nần với nhau từ kiếp trước, nên kiếp này em phải đoạ đày vì ảnh. Tại sao ảnh không cho em trả nợ ảnh?”

Tôi thầm nghĩ, không phải em nợ nó mà nó bỏ chạy trốn nợ em, nhưng tôi nói: “Tiến nó muốn em dứt bỏ nghiệp. Dứt bỏ luân hồi”.

Sau lần đó, gần như tôi không còn gặp Phượng nữa. Có thể Phượng cũng đã vào núi và trú thân trong một cái cốc nào đó. Người ta đồn trong núi Két có một bà thày bói nói không sai điều gì. Tôi cũng nghe đồn có rất nhiều ông lớn bà lớn thường vào núi Két coi bói.

Năm 2030 có một hội nghị toàn cầu về các hiện tượng bí ẩn. Cả sự minh triết và mù quáng đều được hội nghị đề cập tới. Ðã có rất nhiều dẫn chứng đáng tin cậy cho thấy đang có một sức mạnh vô hình chi phối cuộc sống con người theo một chiều hướng khổ hạnh. Vào thời gian đó, N bỗng dưng lãnh cảm. Nàng từ chối mọi cuộc làm tình và tuyệt đối không vui chơi giải trí. Tôi cho rằng đó là những biểu hiện tâm sinh lý của giai đoạn tiền mãn kinh, nhưng N bảo không phải. Có một tiếng nói khác trong N ngăn cản nàng làm theo ý muốn, ức chế cả tinh thần lẫn thể xác. Một thống kê cho thấy gần 40% phụ nữ có vấn đề về tâm thần và tỉ lệ người điên tăng lên 20% mỗi năm. Tôi có cảm giác N cũng đang cận kề điên loạn. Giữa lúc bối rối và lo lắng, tôi nhớ đến Phượng.

Ðưa N xuống Châu Ðốc chơi, tôi đi lại cái hành trình của 25 năm trước. Bến phà Năng Gù vẫn hiu hắt trong tiếng máy nổ của chiếc phà cũ kỹ. Tôi nghĩ nếu không có tiếng máy nổ xình xịch ấy, dòng sông Năng Gù không thể chảy và những cô gái quanh đây sẽ mãi mãi trinh tiết.

Chiếc phà còn thì tất nhiên những gã xe ôm cũng vẫn còn. Tôi thuê hai chiếc vào An Hoà Tự. Thày Huỳnh Phú Sổ vẫn hai mươi tuổi thông minh, đẹp trai trên bàn thờ. Tổ đình được công nhận là di tích quốc gia. Dì của Phượng vẫn nấu rượu và nuôi heo. Tôi nhắc lại chuyến đi năm xưa, dì của Phượng vẫn còn nhớ và mời tôi với N ở lại chơi. Dì nói: “Hồi đó tôi cứ nghĩ là sẽ được ăn cưới Phượng, nhưng không ngờ Phượng lại bỏ đi biệt tích. Tội nghiệp nó. Cái anh bạn của anh chắc giờ này bộn con cháu he?”. Không hiểu dì của Phượng có ý muốn thăm dò tôi về tung tích của Phượng và Tiến không, tôi dè dặt nói: “Bạn tôi không lấy vợ. Cậu ấy đi tu rồi.“ Dì của Phượng vui vẻ: “Vậy là Ðức Thày đã cảm hoá ảnh”. Tôi nghe như Tiến vừa giải thoát. Trong một cảnh giới khác, tôi thấy Tiến đang đứng giữa các loài thú hoang. Hắn cũng hoang dã như thú. Không phải giải trừ tinh thần. Không phải lược giản sự sống. Mà nguyên sơ.

Trước khi vào núi, tôi và N tìm ăn tất cả các loại mắm, từ mắm thái, đến mắm cá linh, mắm cá trèn, mắm bò hóc, mắm ba khía... Ăn mặn khát nước. Chống lại sự thoái hoá cảm giác. Thúc đẩy nhân quả.

N tự thắp một nén nhang dưới chân núi cho hai linh hồn. Coi như một lần chết.

Chúng tôi đi theo một lối mòn được khoảng năm trăm thước thì bị những tảng đá bít đường. Leo qua các tảng đá, chúng tôi bám vào cành cây lần mò bước tới. Ðường càng lúc càng khó đi. Chúng tôi định hướng bằng cách leo dốc. Mệt muốn đứt thở. Nhưng không thể dừng lại, quay về. Ít nhất một lần trong đời đi tới tận cùng. Cho dù là cái tận cùng không đâu. Tôi nghĩ đến đoạn đường thánh giá của Chúa. Ði hết số phận. Ði cạn mồ hôi và máu. Cả tôi và N đều lờ mờ hiểu ra “ÐI” là một giải pháp. Chúng tôi trở nên phấn chấn. Cái cản ngại nội tại dần dần mất đi. Cái cản ngại bí ẩn của một tiếng nói khác dần dần rõ nét. Và không còn cách nào khác là buộc phải triệt hạ, thủ tiêu, giết chết cái “tiếng nói khác” bí ẩn kia đi, nếu N muốn thoát khỏi tình trạng lưỡng nan bất khả dung hợp làm tê liệt mọi cảm xúc.

Chúng tôi nhìn thấy tảng đá lớn nhô ra khỏi sườn núi. Ðó là mũi Két. Chênh vênh. Tôi nhớ tới lời Phượng nói: “Không ai có thể leo lên tới đó và không ai đứng được trên cái mũi Két ấy, trừ Thày. Mỏm núi linh thiêng sẽ hất nhào xuống đất bất cứ ai còn nghiệp chướng”. Tôi nói với N: “Mình phải lên tới đó”. Khoảng cách không xa, nhưng tôi nghĩ phải đi vòng lên đỉnh núi rồi mới bước xuống được tảng đá ấy. Thế là lại bước, tôi không còn khái niệm về thời gian, phần vì không nhìn thấy mặt trời, phần vì mệt. Có lúc tôi như mộng du. Một tiếng nói của chính tôi thúc giục: Mi phải đi cho đến khi tắt thở. Tôi vừa lết vừa kéo N theo. Bỗng nhiên tôi nhận ra một điều khác sáng rỡ trong tôi: Càng đi tôi càng thấy mình nhẹ. Tôi đã tháo bỏ và trút cạn tôi cho con đường. Ðúng lúc tôi cảm thấy mình không còn gì và sẽ lịm đi, tôi nhìn thấy cái mỏm đá rộng ngay trước mặt. Một khoảng bằng phẳng to bằng cái chiếu, nhẵn thín. Ở giữa có vài chỗ lõm như ai đó đã đặt cái mông của họ xuống cát ẩm. Tôi quay sang N. Nàng cũng đang sững sờ, nhưng rồi bất ngờ, nàng reo lên.

Cho đến rất lâu sau này, tôi không quên được cảm giác lúc ấy. Nó vẫn là một thứ cảm giác nước đôi. Chết đi và sống lại. Sau tiếng reo của N, chúng tôi nghe thấy nhiều thứ tiếng khác. Tiếng bước chân và tiếng nói chuyện của những kẻ hành hương. Tôi tự hỏi không biết mình ảo giác hay đã thật sự đi hết một con đường? Tôi nhìn N và tôi biết không còn điều gì quan trọng. Nàng tươi cười và có chút hóm hỉnh.

N nói với tôi: “Anh có biết lúc ấy em thật sự nghĩ gì không?”. Tôi lắc đầu. “Bỗng dưng em nghĩ, nếu như em có con với anh thì chẳng có chuyện quái gì xảy ra. Em sẽ như mọi người đàn bà khác cơm nước giặt giũ quét nhà và linh tinh đủ thứ việc vặt. Và lúc ấy, anh nhớ không? Em đã hôn anh và muốn khóc.“ Nhớ nụ hôn của N và cách N hôn tôi, tôi tin rằng N đã thoát được nguy cơ biến dạng bởi một “tiếng nói khác”.

Nhưng thật ra tôi biết mọi thứ đang biến dạng, kể cả tôi. Và tôi nhìn sự biến dạng một cách e dè, bởi vì vẫn có một điều gì đó không thuộc về mình. Cuối năm 2005, một loạt hiện tượng “Ðức mẹ khóc” xảy ra. Những giải thích về cái dấu vết lõm sâu trên má tượng Ðức mẹ như một dòng chảy của các giới chức tôn giáo cũng như chính quyền đều không thoả đáng. Những kẻ ăn mày phép lạ được hả hê và những kẻ phỉ báng niềm tin cũng được thoả chí. Người sống vẫn phải sống và kẻ chết vẫn cứ chết. Tiếng đọc kinh dưới chân tượng và tiếng hát của các ca sĩ hạng hai trong quán cà phê hoà vào không gian vô tận. Các thiên thần trên mái nhà thờ vẫy cánh. N nói em phải ăn một cái gì đấy cho cứng bụng. Tôi bảo cóc, ổi, bắp rang, đậu phộng da cá đồng hành tới tương lai. Chúng ta còn đầy một thế kỷ trước mặt. Và chúng ta sẽ phải khóc trước ÐI.COM. Tôi đã biết gì về ÐI.COM ở thời điểm năm 2005 khi ÐI.COM chưa xuất hiện? Tại sao tôi lại hỏi? Tại sao tôi buột miệng nói ra? Tôi không hiểu được khi viết những dòng này người tôi lại ớn lạnh.

ÐI.COM cho tôi đến gần với cái chết trong lúc tôi chờ N tới ở quán cà phê quen thuộc. Khởi đầu là một chút cồn cào trong bụng. Sau đó choáng đầu. Cảm thấy không ổn, tôi ra lấy xe với ý định sẽ về cơ quan nghỉ một chút. Nhưng chỉ đi được một quãng, tim tôi nặng và trì trệ đập, choáng váng muốn ngã. Tôi ngừng xe, ngồi bệt xuống đường gọi điện thoại nhờ bạn bè đưa đi cấp cứu. Không hốt hoảng, tôi tự nhủ không được chết, không được để cho lịm xuống. Cùng lúc tôi cầu nguyện, mặc dù tôi vốn vô đạo. Lạy Chúa cứu con. Tôi nghĩ đến ÐI.COM. Nghĩ đến N. Tôi cảm thấy cái chết ngấp nghé. Quả tim sẽ thôi không đập nữa và đầu óc sẽ thôi không nghĩ gì nữa. Tôi yêu hư vô. Và hư vô sẽ đón nhận tôi, hoà tan tôi vào nó. Sẽ vĩnh viễn không là gì. Vĩnh viễn cô đơn.

Nhưng rồi ÐI.COM buông tha tôi, trả tôi lại cho cuộc đời. Tôi nói với N, anh muốn đến một nơi nào đó, nghỉ và quên đi những điều không cần nhớ. Tôi cảm thấy có Tiến cùng đi với tôi. Những đứa bé bắt cua biển ở Vĩnh Châu có cả ba dòng máu Việt, Tàu, Miên tò mò nhìn chúng tôi khi chúng tôi cũng tò mò nhìn sự lam lũ của chúng giữa biển bùn lấp xấp. Tôi muốn chụp hình một cô bé có nụ cười đẹp. Một đứa láu lỉnh bảo “hãy cười cho hết hàm răng.“ Ừ nhỉ, đã bao giờ tôi cười hết hàm răng như cây khế trên đồi trổ hết bông của Phạm Công Thiện? Tôi rơi vào một cơn mệt u tối. Tiến truyền nội lực cho tôi bằng cách áp hai tay trên đầu tôi. Một hơi ấm toả ra từ hai bàn tay Tiến xâm nhập vào tôi. Sao tôi lại mong manh thế? Những đứa bé lấm lem đang lún xuống bùn. Tôi biết chúng sẽ đi qua đám bùn cạn ấy để ra biển, không hề gì. Và chúng vẫn cười hết hàm răng cho nỗi vất vả cơm áo và cái bất khả vãn hồi của số phận.

Trong khi tôi ngậm miệng đi qua những cánh đồng ngập gió, những con chó làm mồi trong quán cầy tơ bên đường, những đám cưới giả cho một cô gái để đẹp mặt với bà con chòm xóm, những con cua biển bé xíu sẽ vướng vào vợt của những đứa bé và chúng sẽ có một cuộc đời mới. Tiến bảo không được quên con chó là để ăn. Thay đổi phẩm trật ấy là một sai lầm của văn hoá. Tôi đã có cảm giác mình được ăn một thứ thịt sạch ở một quán nhậu trên đường vào Vĩnh Châu. Cô gái nằm trên võng mời: “Các anh sang quán em nhậu ca cổ.“ Tiến bảo cái này mới là nhậu văn hoá. Trong lúc cô gái ca vọng cổ, bàn tay Tiến giao lưu văn hoá trong áo cô ta. “Vô đi anh.“ Vô thì vô. Cô gái bảo nếu anh giúp em trả nợ cho má thì em sẵn sàng theo anh. Những con tôm búng mình từ dưới ao lên bàn nhậu. Cô gái nói tiếp, em sẽ hầu hạ anh, em sẽ làm bất cứ điều gì anh muốn. Những con cua biển bé xíu sẽ được bán cho các trại giống. Nhưng một ngày nào đó khi ÐI.COM đến, cô bé có nụ cười hết hàm răng sẽ bỏ biển cho trùng khơi lên bờ trang điểm rồi vào quán giao lưu văn hoá.

N đang nghe nhạc ở quán Yokos, nhắn tin cho tôi: “Anh ơi, làm thế nào để điên?”.

Tôi cảm thấy một nỗi khẩn thiết phải thoát khỏi sự nhàm chán của N. Như Muội. Quăng tấm thân mình vào giữa lũ đàn ông và ngồi trên miệng họ. Muội vẽ những con quái thú bằng sợi dây kẽm gai và phơi chúng giữa nắng, tìm một phiên bản trên cái bóng của chính nó, rồi bỏ quên chúng trên vỉa hè. Muội bảo cái cảm giác ngồi trên miệng một gã đàn ông cũng giống như cho con bú. Nhưng em không muốn anh nói đến tình dục. Chỉ có ÐI.COM và để cho ÐI.COM hành động. Tôi bảo ÐI.COM là đấng tự có, bởi thế ÐI.COM không hành động theo cách của vật được thụ tạo.

© 2006 talawas

Nguyễn Viện sinh năm 1949 tại Hải Dương. Hiện sống và viết tại Sài Gòn.

Tác phẩm Đã xuất bản: Trinh nữ (tập truyện ngắn). NXB Ðồng Nai 1995; Bố mẹ và con và... (tạp văn). NXB Trẻ 1997; Hạt cát mang bóng đêm (tiểu thuyết). NXB Trẻ 1998; Rồng và rắn (bốn tiểu thuyết). Tổ hợp xuất bản Miền Ðông Hoa Kỳ 2002; Thời của những tiên tri giả (tiểu thuyết). NXB Công an Nhân dân 2003. (Sách bị thu hồi sau 2 tuần phát hành); Chữ dưới chân tường (tập truyện). NXB Văn Mới, Hoa Kỳ 2004. 26 lần tờ bờ lờ (tiểu thuyết). Cửa xuất bản, Việt Nam 2008; Cơn bấn loạn bằng phẳng (tiểu thuyết). Cửa xuất bản, Việt Nam 2008; Em có gì bí mật, hãy mail cho anh (tiểu thuyết mở). Cửa xuất bản, Việt Nam 2008.

Chưa xuất bản: Dọc đường muộn (những truyện ngắn viết trước 1999); Lao về phía bão 32 nhịp (thơ, 2001); Mật ngôn viết trên da người (thơ, 2002, đã công bố trên tienve.org); Đi tới cuối đường, rồi... (truyện vừa, 2007); Kịch và một số truyện ngắn khác.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài