talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 26.11.2006
Jonathan LittellLes Bienveillantes (chương 1)

Jonathan Littell

Một tiết lộ ghê gớm về tâm hồn và ngôn từ, một cái nhìn thấu suốt xuất phát từ cái ác, Les Bienveillantes (Gallimard, Paris 2006), hay các nữ thần phục thù, ấn định một giọng văn lớn ngay từ khi mới xuất hiện, Jonathan Littell. Đu đưa trên bờ vực thẳm, một bên là văn minh, tâm hồn Đức và nhạc Bach, bên kia là những miêu tả gần nhất có thể của cái man rợ, những suy tư đáng sợ nhưng không thể nói là không tỉnh táo và thậm chí có lương tri, Les Bienveillantes cho thấy tấm lưới khổng lồ của sự rùm beng trên thị trường xuất bản vẫn để lọt chỗ vượt thoát cho những tác phẩm văn chương ngoại hạng.

Chúng tôi xin giới thiệu bản dịch tiếng Việt chương đầu tiên của cuốn sách, Toccata, một bản tuyên ngôn của Maximilien Aue, cựu sĩ quan SS, nhân vật chính và người dẫn chuyện trong cuốn tiểu thuyết dày 900 trang vừa chiếm hai giải thưởng văn chương của Pháp: Giải tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp và Giải Goncourt ngay sau đó, đồng thời là sự kiện văn học ồn ào nhất trong mùa sách và mùa giải thưởng vừa qua.

talawas chủ nhật

Jonathan Littell

Les Bienveillantes (chương 1)

Cao Việt Dũng dịch



Chương 1
Toccata

Này các anh em con người, hãy nghe tôi kể chuyện đã xảy ra như thế nào. Chúng ta không phải anh em của ngươi, các người sẽ trả lời, và chúng ta không muốn biết. Và quả thật đây là một câu chuyện ảm đạm, nhưng cũng mang tính khuyến thiện, một truyện ngụ ngôn thực thụ, tôi đảm bảo với các người. Sẽ hơi dài đấy, thì đã có nhiều chuyện đến thế xảy ra cơ mà, nhưng nếu có thật là như thế thì các người cũng có vội vã gì lắm đâu, may mắn một chút là các người có đủ thời gian thôi. Và rồi chuyện đó lại còn liên quan đến các người nữa: các người sẽ thấy rõ nó liên quan đến các người. Đừng nghĩ tôi tìm cách thuyết phục các người một điều gì; mà ý kiến của các người đâu quan hệ gì đến tôi. Sau từng ấy năm, tôi quyết định viết, chỉ là để sắp xếp lại mọi chuyện, vì tôi, không phải vì các người. Đã từ lâu, chúng ta bò đi trên mặt đất như một con sâu, chờ đợi con bướm huy hoàng màu trắng mờ vốn ẩn trong chúng ta lộ diện. Rồi thời gian trôi, nhộng không thấy đâu, chúng ta vẫn mãi là ấu trùng, tình hình thật đáng ngao ngán, mà làm gì được đây? Tự tử, dĩ nhiên, vẫn là một lựa chọn. Nhưng nói cho đúng, tự tử không hấp dẫn tôi mấy. Tôi từng đã, cái này thì hẳn nhiên rồi, nghĩ nhiều đến chuyện đó; và nếu quả thật phải viện nhờ đến nó, cách tôi làm sẽ là như sau: tôi sẽ đặt một quả lựu đạn ngay sát tim và ra đi trong một cơn vui nồng nhiệt. Một quả lựu đạn thuôn nhỏ mà tôi sẽ nhẹ nhàng rút chốt trước khi thả lẫy, miệng mỉm cười khi nghe tiếng lò xo bật khẽ, tiếng động cuối cùng mà tôi nghe thấy, ngoài tiếng tim đập trong tai. Và rồi cuối cùng là hạnh phúc, hoặc nếu không thì cũng phải là bình yên, và những bức tường văn phòng lấm chấm hoen bẩn. Mấy bà lao công sẽ phải dọn, họ được trả tiền để làm việc đó, kệ họ. Nhưng tôi nói rồi, tự tử không hấp dẫn tôi. Ngoài ra tôi cũng không biết tại sao, có thể là một mảnh vụn xưa cũ nào đó của luân lý triết học còn lại, khiến tôi tin rằng chúng ta sống đâu có phải để vui đùa. Thế thì để làm gì? Tôi biết làm sao được, hẳn là để kéo dài, để giết thời gian trước khi nó giết anh. Và trong trường hợp đó, trong những giờ bỏ phí đó, viết xứng đáng là một trò tiêu thời không kém cạnh gì những trò khác. Không phải vì tôi có rất nhiều thời giờ để mất, tôi là một người bận rộn; tôi có cái mà người ta gọi là một gia đình, một công việc, vậy là có trách nhiệm rồi, tất cả những cái đó đều mất thời gian, không còn nhiều để kể lại kỷ niệm đâu. Nhất là khi kỷ niệm thì tôi không thiếu, thậm chí còn ở một số lượng đáng kể. Tôi là một nhà máy sản xuất kỷ niệm thực thụ. Tôi hoàn toàn có thể sống cả đời sản xuất ra kỷ niệm, dù cho giờ đây người ta trả tiền cho tôi để sản xuất đăngten. Thật sự là tôi hoàn toàn có thể không viết. Đó có phải là một bổn phận đâu. Sau chiến tranh, tôi là một người kín đáo; nhờ Chúa, tôi không bao giờ cần, giống như vài đồng nghiệp cũ của tôi, viết hồi ký để thanh minh, vì tôi không cần phải thanh minh điều gì, cũng không phải vì mục đích tiền bạc, vì tôi kiếm tiền cũng khá. Một lần, ở Đức, trong một vụ làm ăn, tôi nói chuyện với giám đốc một hãng đồ lót lớn, tôi muốn bán cho ông ta đồ đăngten. Vài người bạn cũ giới thiệu tôi cho ông ta; thế rồi, không cần hỏi han gì nhau, chúng tôi biết ngay được phải làm gì. Sau cuộc nói chuyện, diễn ra hết sức suôn sẻ, ông ta đứng dậy rút một cuốn sách từ tủ sách của mình tặng cho tôi. Đó là hồi ký in sau khi chết của Hans Frank [1] , Tướng-Thống đốc Ba Lan; sách tên là Đối mặt với máy chém. “Tôi nhận được một bức thư của bà vợ góa của ông ấy”, ông giám đốc giải thích cho tôi. “Bà ấy tự bỏ tiền xuất bản bản thảo mà ông ấy viết sau phiên tòa xử mình, và bà ấy bán sách để lấy tiền nuôi con. Anh tưởng tượng được không? Đến mức đó đấy. Vợ góa của ông Tướng-Thống đốc. Tôi bèn đặt mua hai mươi cuốn, để mang tặng. Tôi cũng đề nghị mỗi phụ trách bộ phận chỗ tôi mua một cuốn. Bà ấy viết cho tôi một bức thư cảm ơn rất mủi. Anh có biết ông ấy không?” Tôi trả lời là không, nhưng tôi sẽ thích thú đọc cuốn sách. Thực tế là có, tôi đã từng gặp thoáng qua ông ta, có thể sau này tôi sẽ kể, nếu có đủ can đảm hoặc kiên nhẫn. Nhưng lúc đó nói chuyện này có ích gì đâu. Cuốn sách thì vô cùng dở, lộn xộn, giọng điệu lè nhè, tắm đẫm trong một thứ đạo đức giả mang tính tôn giáo kỳ quặc. Những câu tôi viết ở đây cũng sẽ có thể lộn xộn và dở, nhưng tôi sẽ làm hết sức để được rõ ràng; tôi có thể đảm bảo với các người rằng ít nhất thì chúng sẽ không chút vương vấn lòng ăn năn. Tôi không hối tiếc gì hết: tôi đã làm việc của tôi, vậy thôi; những câu chuyện gia đình, mà có thể là tôi cũng sẽ kể, chỉ liên quan đến mình tôi; những chuyện khác, ở đoạn cuối, hẳn là tôi cũng có đẩy giới hạn đi xa một chút, nhưng khi đó thì tôi không còn hoàn toàn là tôi nữa, tôi chao đảo, mà xung quanh cả thế giới cũng có yên ổn gì đâu, tôi không phải là người duy nhất mất trí, các người công nhận đi. Và rồi, tôi không viết để kiếm tiền nuôi vợ góa con côi, tôi hoàn toàn có khả năng chu cấp đầy đủ cho cả nhà. Không, tôi quyết định viết chỉ là để tiêu thời gian, và, nếu có thể, cả để soi sáng một hoặc hai điểm còn khó hiểu, có thể với các người và với chính tôi. Ngoài đó ra tôi nghĩ viết khiến tôi cảm thấy thoải mái. Đúng là tâm trạng tôi khá ảm đạm. Hiệu ứng của bệnh táo bón đấy. Vấn đề bực mình và đau đớn, không những thế còn mới phát sinh; ngày xưa thì ngược hẳn lại. Trước, mỗi ngày tôi phải vào nhà vệ sinh ba, bốn lần; giờ thì một lần một tuần đã là hạnh phúc lắm rồi. Tôi đành chấp nhận chịu đựng những lần thụt ruột, thủ tục thật sự khó chịu, nhưng hiệu quả. Tha lỗi cho tôi vì cứ nói mãi đến những chi tiết tục tằn như thế: tôi cũng có quyền được kêu ca một chút chứ. Và rồi nếu các người không chịu được thì cứ việc dừng lại luôn ở đây đi. Tôi không phải là Hans Frank, tôi không ưa kiểu cách. Tôi muốn chính xác, trong chừng mực khả năng. Dù những lệch lạc, và lệch lạc thì cũng nhiều, tôi vẫn thuộc vào số những người nghĩ rằng chỉ có vài thứ không thể thiếu cho cuộc sống người là không khí, ăn, uống và bài tiết, và tìm chân lý. Mọi cái còn lại đều thứ yếu.

Cách đây một thời gian, vợ tôi mang về nhà một con mèo đen, hẳn là nghĩ sẽ làm tôi thích. Dĩ nhiên không hỏi ý kiến tôi. Bà ta sợ tôi sẽ từ chối thẳng thừng, chuyện đã rồi thì chắc cú hơn. Và một khi mèo đã ở đó thì còn làm gì được nữa, bọn cháu chắt sẽ khóc lóc, rồi thì đủ thứ chuyện. Thế nhưng con mèo đó khó chịu kinh khủng. Khi tôi định vuốt nó, để tỏ ra là mình có thiện ý, thì nó nhảy ngay lên ngồi trên bậu cửa sổ và nhìn chằm chằm đôi mắt màu vàng vào tôi; nếu tôi tìm cách ôm nó, nó sẽ cào tôi. Ngược lại, đến đêm nó leo lên nằm cuộn tròn trên ngực tôi, một đống ngạt thở, và trong giấc ngủ tôi mơ thấy mình đang bị chẹn nghẹt thở bằng một đống đá. Kỷ niệm của tôi cũng gần tương tự thế. Lần đầu tiên quyết định ghi lại chúng bằng ngôn từ, tôi xin nghỉ phép. Có khả năng đó là một sai lầm. Dù thế mọi việc đều có vẻ đúng hướng: tôi đã mua và đọc một số lượng lớn sách viết về đề tài này, để cải tạo ký ức, tôi đã dựng bảng công việc, lập ra các niên biểu chi tiết, rồi nhiều việc khác nữa. Nhưng với lần nghỉ phép đó đột nhiên tôi có thời gian và bắt đầu suy nghĩ. Thêm vào đó hồi ấy là mùa thu, một cơn mưa xám ngoét khó chịu lột trần cây cối, tôi chầm chậm chìm vào nỗi hoang mang. Tôi nhận ra suy nghĩ không phải là một việc hay ho.

Điều đó thì còn phải bàn. Đồng nghiệp luôn coi tôi là một người bình thản, chậm rãi, suy tính nhiều. Bình thản thì chắc rồi; nhưng rất thường xuyên trong ngày, đầu tôi gầm lên từng đợt âm u như một cái lò thiêu xác. Tôi nói, tôi thảo luận, tôi quyết định, giống như mọi người; nhưng ở quầy bar, trước cốc rượu, tôi cứ tưởng tượng có một người cầm súng săn sắp sửa bước vào nã đạn; ở rạp chiếu phim hoặc rạp hát, tôi nhìn thấy một quả lựu đạn đã rút chốt lăn dưới những hàng ghế; trên quảng trường, vào một ngày lễ, tôi nhìn thấy một chiếc xe lèn chặt thuốc nổ tung lên, cuộc vui buổi chiều biến thành chém giết, máu chảy thành dòng trên hè phố, từng mảng da thịt dính vào tường hoặc bắn qua những ô cửa sổ hạ cánh xuống bát xúp ngày Chủ nhật, tôi nghe thấy những tiếng hét, tiếng rên rỉ của những người tay chân bị giật đứt giống như cẳng chân của một con côn trùng, nạn nhân của một thằng bé tò mò, sự bàng hoàng của những kẻ còn sống, một sự im lặng lạ lùng như thể ép chặt lên màng nhĩ, khởi đầu của cơn sợ kéo dài. Bình thản? Đúng, tôi bình thản, dù có chuyện gì xảy ra, tôi không để lộ cho ai thấy, lúc nào tôi cũng bình tĩnh, vô cảm, giống như những mặt tiền nhà câm lặng của những thành phố bị tàn phá, giống như những lão già nhỏ bé ngồi trên ghế băng công viên tay cầm can, ngực đeo huân chương, giống như những gương mặt là là trên mặt nước của những kẻ chết đuối không bao giờ vớt lên được. Phá vỡ cái vẻ bình thản đáng sợ đó, tôi hoàn toàn không có khả năng, dù cho tôi có muốn đi chăng nữa. Tôi không thuộc vào những kẻ gây ra một vụ xì căng đan vì một lời thuận hoặc một lời chống, tôi biết cách kìm giữ bản thân. Tuy thế điều ấy cũng đè nặng lên tôi. Điều tồi tệ nhất lại không hẳn là những hình ảnh mà tôi vừa miêu tả; những trò phóng túng giống như chúng thì tôi đã quá quen từ lâu rồi, hẳn là phải từ khi tôi còn nhỏ, dù thế nào đi nữa cũng phải rất lâu trước khi cả tôi cũng rơi vào trước mũi dao xả thịt. Chiến tranh, theo nghĩa đó, chỉ là một lời khẳng định, và tôi đã quen với những kịch bản nho nhỏ đó, tôi coi chúng như một lời bình luận xác đáng về tính phù phiếm của các sự vật. Không, cái nặng nề, đè nặng, là không làm gì khác ngoài suy nghĩ. Thử nghĩ mà xem: cả các người nữa, các người nghĩ đến những gì trong một ngày? Trên thực tế là rất ít thứ. Thiết lập một bảng phân loại hợp lý những ý nghĩ thường gặp ở các người là một việc quá dễ: những ý nghĩ mang tính thực tiễn hoặc cơ học, những kế hoạch hóa cử động và thời gian (chẳng hạn: đặt nước đun cà phê trước khi đánh răng, nhưng nướng bánh thì phải sau đó, vì chúng chín nhanh hơn); những lo âu về công việc; những lo lắng về tiền bạc; những vấn đề gia đình; mộng ảo xác thịt. Chi tiết thì thôi, tôi tha cho các người. Bữa tối, các người nhìn cái mặt đang già đi của vợ, kém kích thích hàng dặm so với người tình của các người, nhưng theo lối khác lại tốt đẹp ở mọi khía cạnh, làm gì bây giờ, đời là thế, thế là các người bèn nói đến cuộc bê bối gần đây nhất ở bộ, mà còn chuyện gì khác để nói nữa? Thử dẹp những ý nghĩ đó đi, các người sẽ đồng ý với tôi, rằng sẽ không còn gì nhiều nhặn đâu. Dĩ nhiên là vẫn còn có những khoảnh khắc rất khác. Không hề được chờ đợi giữa hai quảng cáo bột giặt, một điệu tango trước chiến tranh, cứ cho là Violetta đi, và thế là lại vang lên trở lại những tiếng ì oạp ban đêm của sông, những ngọn đèn trong quán rượu, mùi mồ hôi dịu nhẹ trên da thịt một người đàn bà vui tươi; ở lối vào một công viên, khuôn mặt tươi cười của một đứa bé trả lại cho các người khuôn mặt thằng con trai hồi trước khi nó biết đi; trên phố, một tia nắng xuyên qua làn mây chiếu sáng những cái lá to, thân cây màu trắng nhạt của một cây tiêu huyền: và đột nhiên các người nghĩ đến tuổi thơ, đến cái sân giờ ra chơi ở ngôi trường nơi các người hay chơi trò trận giả, hét toáng lên những tiếng kinh hoàng và hạnh phúc. Các người vừa có một ý nghĩ người. Nhưng cái đó hiếm.

Nhưng khi nghỉ không làm việc, ngừng những hoạt động tầm thường, sự sôi động của hàng ngày, để nghiêm túc lao thân vào một suy nghĩ, mọi chuyện sẽ khác ngay. Mọi thứ sẽ ào về, những đợt sóng nặng và đen. Đêm đến, các giấc mơ sẽ trật rời, giăng ra, nảy nở, và để lại trong đầu, khi tỉnh giấc, một lớp màng mỏng chua chát và ẩm ướt, và còn đọng lại rất lâu mới tan đi. Đừng nhầm lẫn: đó không phải là ý thức phạm tội hay cảm giác hối hận. Hẳn những cái đó cũng tồn tại, tôi không muốn chối, nhưng tôi nghĩ là mọi thứ phức tạp theo cách hoàn toàn khác. Ngay một kẻ chưa từng tham gia chiến tranh, không buộc phải giết người, cũng sẽ phải chịu đựng những gì tôi nói. Luôn có những độc ác nho nhỏ, hèn nhát, dối trá, những trò ti tiện mà ai nấy đều mắc phải. Không đáng ngạc nhiên, vì con người nghĩ ra cả công việc, rượu, những cuộc chuyện gẫu tào lao. Không đáng ngạc nhiên khi truyền hình thành công đến mức ấy. Ngắn gọn, tôi nhanh chóng chấm dứt kỳ nghỉ tệ hại, như thế tốt hơn. Tôi có khối thời gian, để nguệch ngoạc mấy câu vào bữa trưa hoặc vào buổi tối sau khi các thư ký đã ra về.

Đợi chút, tôi ra ngoài nôn rồi sẽ trở lại ngay. Thêm một trong số rất nhiều những đau khổ nho nhỏ của tôi: thỉnh thoảng, những bữa ăn đã nhai xong lại trào lên cổ họng, có khi còn ngay lập tức sau khi ăn, có khi sau đó, không lý do, cứ trào lên vậy thôi. Đó là một cái nạn lưu niên, có từ hồi chiến tranh, chính xác là bắt đầu vào khoảng mùa thu 1941, ở Ukraine, Kiev, hoặc có thể là Jitomir. Chắc rồi tôi cũng sẽ nói đến những chuyện đó. Dù thế nào đi nữa, đã từ lâu tôi quen thế này: tôi đánh răng, nuốt ực một cốc rượu, và tiếp tục việc đang làm dở. Chúng ta quay lại với những kỷ niệm của tôi. Tôi đã mua nhiều cuốn vở học sinh, khổ lớn nhưng kẻ carô nhỏ, mà tôi để trong ngăn bàn làm việc lúc nào cũng khóa. Trước, tôi viết bút chì lên những tờ phiếu bằng giấy bristol, cũng kẻ carô rất sít; giờ, tôi quyết định viết lại hoàn toàn. Để làm gì thì tôi cũng không rõ. Chắc chắn là không phải để làm tấm gương cho con cháu tôi. Nếu vào ngay lúc này tôi đột ngột chết đi, một cơn đột quỵ, hoặc nghẽn mạch máu não, và các thư ký của tôi lấy chìa khóa mở ngăn kéo này, họ sẽ bị sốc, những cô thư ký khốn khổ, và vợ tôi cũng thế: những mảnh phiếu bristol là đã đủ cho việc đó lắm rồi. Phải nhanh chóng đốt hết những cái đó để ngăn ngừa xì căng đan. Còn với tôi thì nước non gì, khi đó tôi chết rồi còn đâu. Và xét cho cùng, ngay cả khi tôi nói với các người, thì đâu có phải vì các người mà tôi viết.

Văn phòng của tôi là một nơi dễ chịu để viết, rộng, giản dị, yên tĩnh. Những bức tường trắng, gần như không có trang trí, tủ kính để các mẫu hàng; và ở góc là một cửa kính lớn nhìn xuống xưởng máy từ rất cao. Dù cửa lắp kính hai lớp, tiếng lách tách không ngừng của những cỗ máy dệt Leavers vẫn tràn ngập căn phòng. Khi muốn suy nghĩ, tôi rời khỏi bàn làm việc đến đứng trước cửa kính, ngắm nhìn đống máy sắp hàng thẳng tắp dưới chân, những động tác chắc chắn và chính xác của thợ dệt; tôi thấy như thể đang được đưa nôi. Đôi khi, tôi xuống lang thang giữa đám máy. Phòng u tối, các cửa kính bám bụi sơn màu xanh, vì đăngten là thứ đồ mỏng manh, nó sợ ánh sáng, và cái ánh sáng xanh nhạt đó làm tâm trí tôi được yên ổn. Tôi thích miên man suy nghĩ một chút trong tiếng máy đơn điệu theo nhịp lệch đang ngự trị không gian, tiếng đập của kim loại theo nhịp hai đầy ám ảnh đó. Những cỗ máy dệt lúc nào cũng làm tôi ấn tượng. Chúng được đúc bằng gang, sơn màu xanh lá cây, và mỗi cái nặng mười tấn. Một số đã rất cũ, đã lâu rồi người ta không còn sản xuất chúng nữa; tôi phải đặt làm các bộ phận máy thay thế; sau chiến tranh, chúng ta đã chuyển từ hơi nước sang điện, nhưng chúng ta vẫn chưa chạm vào bản thân những chiếc máy. Tôi không lại gần chúng, vì sợ giây bẩn vào người: từng ấy bộ phận suốt ngày chạy đi chạy lại đó cần được liên tục bôi trơn, mà dầu mỡ thì rõ ràng là làm hại đăngten, vì thế phải dùng than chì, thứ than chì tán nhỏ mà thợ dệt rắc lên các bộ phận chuyển động nhờ một cái tất, giống như một cái bình hương. Từ đó đi ra đăngten có màu đen, và nó phủ lên tường, lên sàn nhà, những cỗ máy, và những người trông coi máy. Ngay cả khi không thường xuyên chạm tay vào đó, tôi vẫn biết rõ những cỗ máy to lớn này. Những cỗ máy dệt vải tuyn Anh đầu tiên, bí mật được bo bo giấu kín, đã được đưa lậu vào Pháp sau những cuộc chiến tranh của Napoléon, tác giả là những công nhân trốn thuế quan; một người Lyon tên là Jacquard đã biến đổi những cái máy để sản xuất đăngten, bằng cách lắp thêm một loạt bìa các tông đục lỗ để định hình mẫu cắt. Những cái cuộn phía dưới cung cấp chỉ cho máy; ở giữa cỗ máy là năm nghìn bôbin, lõi, chật cứng trong một giá đỡ; rồi một catch-bar (trong tiếng Pháp chúng tôi vẫn giữ nguyên thuật ngữ tiếng Anh) giữ và đưa cái giá này chuyển động từ trước ra sau, với một tiếng tặc tặc vang dội đầy mê hoặc. Những sợi chỉ, được dẫn đi theo chiều ngang, bởi các comb bằng đồng gắn trên chì, theo một vũ đạo phức tạp mã hóa bởi năm hay sáu trăm bìa các tông Jacquard, dệt thành những cái nút; một cần mảnh hình cổ thiên nga nhấc cái lược lên; cuối cùng là xuất hiện đăngten, mỏng nhẹ như mạng nhện, chảy ra dưới lớp than chì, và chầm chậm cuốn quanh một cái trục gắn trên đỉnh máy Laevers.

Công việc ở nhà máy biết đến một sự phân biệt giới tính cao độ: đàn ông tạo mẫu, đục bìa các tông, dựng các dây chuyền, trông coi các máy dệt và quản lý những thứ tương tự; vợ và con gái của họ, ngày nay vẫn vậy, vẫn là những người quay tơ, tẩy than chì, khâu vá, tháo tơ sợi và gấp vải. Truyền thống có sức mạnh lớn. Ở đây, những người thợ dệt tạo thành cái gì đó tương tự một giai cấp quý tộc vô sản. Thời gian học nghề dài dặc, công việc thì khó khăn; ở thế kỷ vừa qua, thợ dệt Calais đi làm bằng xe ngựa và đội mũ cao, xưng hô cậu tớ với ông chủ. Thời thế đã thay đổi. Chiến tranh, dù vẫn có vài máy dệt được dùng để làm việc cho Đức, đã làm ngành này lụn bại. Phải bắt đầu lại tất cả từ con số không; ngày nay, ở miền Bắc, chỉ còn lại khoảng ba trăm máy dệt, trước chiến tranh con số đó là bốn nghìn. Tuy nhiên, vào giai đoạn phục hồi kinh tế, thợ dệt mua được ôtô còn trước giới tư sản. Nhưng công nhân của tôi không xưng hô cậu tớ với tôi. Tôi không nghĩ công nhân của tôi yêu quý tôi. Có hề gì đâu, tôi không hề thuê họ yêu tôi. Và rồi tôi cũng đâu có yêu quý họ. Chúng tôi làm việc chung với nhau, có thế thôi. Khi một người làm công cẩn thận và chăm chú, đăngten từ máy của anh ta làm ra không cần mạng lại nhiều, đến cuối năm tôi thưởng cho anh ta một khoản; còn ai đi làm muộn, hoặc say rượu, thì tôi phạt. Trên cơ sở đó, chúng tôi tiến hành công việc một cách ăn ý.

Có thể các người đang tự hỏi làm thế nào mà tôi lại rơi vào cái nghề làm đăngten này. Thực ra tôi không hề có thiên hướng thương mại chút nào. Tôi học luật và kinh tế chính trị, tôi là tiến sĩ luật, ở Đức cụm từ Dr. jur. về mặt luật pháp cũng thuộc vào tên tôi. Nhưng rõ ràng là hoàn cảnh sau 1945 đã có phần ngăn cản mảnh bằng của tôi phát huy tác dụng. Nếu thật tình các người muốn biết tất cả, thì tôi cũng không hề có thiên hướng luật: khi còn trẻ, tôi muốn nhất là được nghiên cứu văn chương và triết học. Nhưng người ta đã ngăn cản tôi; lại thêm một đoạn buồn bã trong cuốn tiểu thuyết gia đình của tôi, có thể tôi sẽ còn quay lại việc này. Tuy thế tôi phải công nhận rằng để làm đăngten, luật giúp ích được nhiều hơn so với văn chương. Mọi chuyện đã xảy ra gần giống như tôi kể sau đây. Khi tất cả cuối cùng cũng kết thúc, tôi đến được Pháp, tìm cách tự biến mình thành một người Pháp; cũng không khó khăn lắm, nếu nhìn vào sự hỗn loạn của thời đó, tôi đã trở về cùng những người bị đi trại tập trung, người ta không đặt nhiều câu hỏi lắm. Phải, tôi nói tiếng Pháp rất chuẩn; nguyên do nằm ở chỗ mẹ tôi là người Pháp; hồi nhỏ tôi sống mười năm ở Pháp, tôi đã học cấp hai, trung học, trường dự bị, thậm chí cả hai năm đại học, ở ELSP [2] , và vì lớn lên ở miền Nam, thậm chí tôi còn có thể nói được một thứ tiếng Pháp giọng Nam, dù thế nào đi nữa thì cũng không ai chú ý đến tôi, hồi đó rất lộn xộn, người ta đón tiếp tôi ở Orsay, cho tôi ăn một bát xúp, kèm vài câu chửi bới nữa, cũng cần nói thêm là tôi không hề định giả làm một người từ trại tập trung về, mà giả làm một người lao động thuộc STO [3] , cái đó thì bọn họ, những kẻ theo phái de Gaulle, không khoái mấy, thế là bọn họ mắng mỏ tôi một chút, những người khác cũng chịu chung số phận, rồi họ thả chúng tôi ra, không có Lutetia [4] nào cho chúng tôi, nhưng có tự do. Tôi không ở lại Paris, ở đó tôi quen quá nhiều người, lại toàn những người không nên quen, thế là tôi đi tỉnh, tôi sống bằng mấy thứ nghề vặt vãnh, nay đây mai đó. Và rồi mọi chuyện cũng dần êm trở lại. Họ nhanh chóng thôi không xử bắn người ta, thậm chí họ còn chẳng nhọc công bỏ tù ai nữa. Thế là tôi bắt đầu tìm kiếm và tìm lại được một người quen. Ông ấy đã xoay xở rất giỏi, xuôi chèo mát mái chuyển từ chế độ này sang chế độ kia; là người nhìn xa trông rộng, ông ấy tìm mọi cách không để lộ những gì đã làm cho chúng tôi. Thoạt tiên, ông ấy không muốn tiếp tôi, nhưng khi cuối cùng hiểu ra tôi là ai, ông ấy thấy rõ mình không còn lựa chọn nào khác. Tôi không thể nói rằng đó là một cuộc nói chuyện vui vẻ: ở đó ngự trị một không khí nặng nề và gò bó rõ nét. Nhưng ông ấy hiểu rõ rằng chúng tôi có những lợi ích chung: tôi, tìm được một chỗ làm, ông ấy, giữ được chỗ của mình. Ông ấy có một người em họ sống ở miền Bắc, cựu nhân viên môi giới, đang tìm cách thành lập một xí nghiệp nhỏ với ba chiếc máy Laevers lấy lại từ một bà góa phá sản. Người em họ này thuê tôi, tôi phải đi khắp nơi, đi rao hàng để bán đồ đăngten. Thứ công việc đó làm tôi bực mình vô cùng; cuối cùng tôi thuyết phục được ông ta rằng tôi sẽ có ích hơn trong công việc tổ chức. Quả thật là tôi có kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực này, dù cho tôi không còn có thể giơ cái bằng tiến sĩ ra để làm chứng nữa. Xí nghiệp lớn dần lên, nhất là từ những năm 50, khi tôi nối lại được các quan hệ ở Cộng hòa Liên bang Đức và mở được cho xí nghiệp thị trường đó. Tôi có thể dễ dàng quay trở lại Đức: rất đông đồng nghiệp cũ của tôi vẫn sống yên ổn ở đó, một số đã chịu xong một bản án nhỏ, những người khác thậm chí còn không bị sờ tới. Với con đường đã trải qua, tôi hoàn toàn có thể lấy lại tên, khôi phục tấm bằng tiến sĩ, đòi được trả tiền dành cho cựu chiến binh và thương binh hạng nhẹ, sẽ không ai quan tâm gì. Tôi có thể nhanh chóng kiếm được việc làm. Nhưng, tôi tự nhủ, thế thì được gì? Sâu xa, tôi không thích thú ngành luật bằng ngành thương mại, và rồi tôi đã bắt đầu thấy thích đăngten, tạo tác đẹp mê hồn và hài hòa của con người. Khi đã mua xong đủ số lượng máy dệt, ông chủ của tôi quyết định mở một nhà máy thứ hai và giao cho tôi phụ trách. Kể từ đó tôi giữ chức vụ này, trong khi chờ đợi về hưu. Cũng trong cùng khoảng thời gian, tôi cưới vợ, quả là cũng không thích thú gì lắm, nhưng ở đây, ở miền Bắc, chuyện đó khá là cần thiết, một cách để củng cố những gì tôi đã có được. Tôi đã chọn bà ta từ một gia đình khá giả, tương đối đẹp, một người đàn bà không có gì để chê, và ngay lập tức sinh cùng bà ta một đứa con, để bắt bà ta có việc mà lo. Thật không may là bà ta sinh hai đứa một lúc, mà trong gia đình, tôi muốn nói là gia đình của tôi, một thằng nhóc đã là đủ lắm rồi. Ông chủ ứng trước tiền cho tôi, tôi mua một ngôi nhà tiện nghi, không xa biển lắm. Đó là cách tôi rơi tõm vào giai cấp tư sản. Dù sao đi nữa như thế thì cũng tốt hơn. Sau tất cả những gì đã xảy ra, tôi cần nhất là yên tĩnh và trật tự. Những giấc mơ hồi trẻ đã bị dòng đời riêng của tôi bẻ gãy sống lưng, và những nỗi sợ hãi của tôi, từ rìa bên này sang rìa bên kia của châu Âu thuộc Đức, dần tiêu tan. Tôi ra khỏi chiến tranh với tư cách một con người trống rỗng, chỉ có trong mình niềm cay đắng và một nỗi xấu hổ dài dặc, giống như thứ cát nghiến sào sạo trong hàm răng. Vì thế, một cuộc sống theo đúng mọi quy ước xã hội thích hợp với tôi: một cái vỏ tiện nghi, ngay cả khi tôi thường xuyên mỉa mai mà quan sát nó, thậm chí có lúc còn căm ghét. Cứ theo nhịp điệu đó, tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ đạt đến trạng thái được hồng ân của Jérôme Nadal [5] , đến chỗ không thiên về cái gì, nếu không phải là không thiên về cái gì. Tôi trở nên sách vở mất rồi; đó là một trong những chỗ yếu của tôi. Về sự thánh thiện thì than ôi, tôi vẫn chưa thoát hẳn được khỏi những nhu cầu của mình. Vợ tôi, thỉnh thoảng tôi vẫn còn chiếu cố đến bà ta, một cách chu đáo, không mấy thích thú nhưng cũng không có niềm kinh tởm đặc biệt nào, với mục đích đảm bảo yên ổn cho cuộc sống gia đình của tôi. Và, lâu lâu, vào những chuyến đi công vụ, tôi chịu khó nối lại với những thói quen cũ; nhưng gần như tất cả chỉ còn là vấn đề vệ sinh mà thôi. Tất cả những cái đó không còn hấp dẫn tôi gì nhiều nữa. Cơ thể một thằng bé xinh đẹp, một bức tượng của Michel-Ange, cũng vậy: tôi không còn hụt hơi vì thở dốc nữa. Giống như sau một cơn bệnh kéo dài, khi đồ ăn đi vào miệng không một chút mùi vị; khi đó ăn thịt bò hay thịt gà thì có quan trọng gì nữa? Phải ăn lấy sức, có thế thôi. Nói đúng ra thì chẳng còn mấy điều khiến tôi quan tâm nữa. Văn chương, cũng có thể, và ngay ở đây nữa, tôi không chắc là không phải chỉ vì tôi đã có thói quen. Có thể vì lẽ đó mà tôi viết những kỷ niệm này: để tự kích thích, xem liệu tôi còn có thể cảm thấy điều gì nữa không, liệu tôi còn biết đau khổ chút nào không. Một thứ bài tập kỳ quái.

Tuy vậy, tôi phải biết rất rõ đau khổ chứ. Mọi người châu Âu thuộc thế hệ của tôi đều phải trải qua cái đó, nhưng tôi có thể nói không chút khiêm tốn giả hiệu nào, rằng tôi đã chứng kiến nhiều hơn phần lớn họ. Và rồi người ta quên đi rất nhanh, tôi nhìn thấy điều đó hàng ngày. Ngay cả những người từng ở đó cũng chỉ dùng đến, khi nói về những điều đó, những ý nghĩ và câu văn có sẵn. Chỉ cần nhìn vào thứ thơ ca rên rỉ của các tác giả Đức viết về những trận đánh ở phía Đông: một thứ chủ nghĩa tình cảm thối rữa, một thứ ngôn ngữ chết, xấu xí. Chẳng hạn như văn chương của Herr Paul Carrell, một tác giả thành công những năm vừa rồi. Hóa ra tôi từng biết Herr Carrell đó, ở Hungari, vào thời ông ta còn có tên Paul Carl Schmidt [6] và viết, dưới sự chỉ đạo của bộ trưởng của ông ta, von Ribbentrop, những gì ông ta thật sự nghĩ, bằng một thứ văn xuôi mạnh mẽ với một hiệu ứng đẹp nhất: Vấn đề Do Thái không phải là một vấn đề nhân loại, đó không phải là một vấn đề tôn giáo; nó chỉ duy nhất là một vấn đề vệ sinh chính trị. Giờ đây, Herr Carrell-Schmidt đáng kính đã thực hiện được một chiến công to tát khi xuất bản được bốn tập sách nhạt nhẽo về cuộc chiến tranh ở Liên Xô, không một lần duy nhất nhắc đến từ Do Thái. Tôi biết mà, tôi đọc chúng rồi: chán lắm, nhưng tôi vốn cứng đầu. Các tác giả Pháp của chúng ta, những Mabire, những Landemer [7] , không khá gì hơn. Về phần những người cộng sản, cũng tương tự luôn, chỉ có điều là họ đứng ở cực đối lập. Đi đâu mất rồi những người từng hát Hỡi những đứa trẻ, hãy mài dao trên vỉa hè đường? Họ im lặng, hoặc là họ đã chết. Người ta chuyện gẫu, người ta làm duyên làm dáng, người ta lội bì bõm trong một đám nhạt toẹt ngập tràn những từ vinh quang, danh dự, chủ nghĩa anh hùng, thật đáng ngán, chứ không ai nói gì cả. Có thể là tôi không công bằng, nhưng tôi dám hy vọng rằng các người sẽ hiểu tôi. Truyền hình quẳng lên đầu chúng ta cả đống số liệu, những con số ấn tượng, rất nhiều số không; nhưng ai trong số các người đôi khi dừng lại để thực sự nghĩ đến những con số đó? Ai trong số các người có lúc đã thử tính tất cả những người mình quen biết hoặc từng quen biết trong đời, và so sánh con số nực cười đó với những con số nghe được trên truyền hình, những con số ấn tượng như sáu triệu, hoặc hai mươi triệu. Làm toán đi. Toán học có lợi lắm, nó cung cấp triển vọng, cải tạo được trí tuệ. Đó là một thứ bài tập đôi khi hết sức hữu ích. Thử kiên nhẫn một chút và dành cho tôi một chút chú ý đi nào. Tôi sẽ chỉ chú trọng vào hai sân khấu nơi tôi đã có thể đóng được một vai, dù vô cùng nhỏ bé: cuộc chiến tranh chống Liên Xô, và chương trình diệt trừ mang cái tên chính thức trong các tài liệu của chúng tôi là “Giải pháp cuối cùng về vấn đề Do Thái”, Endlösung der Judenfrage, một cách để trích lại cái uyển ngữ đẹp đẽ đó. Về phần các mặt trận phía Tây, dù thế nào đi nữa, tổn thất tương đối không lớn. Những con số khởi đầu của tôi hơi mang tính võ đoán: tôi không có lựa chọn, chẳng ai đồng ý với ai hết. Về tổng số tổn thất bên phía Liên Xô, tôi sẽ sử dụng lại con số truyền thống, được Khrouchtchev đưa ra vào năm 1956, tức là hai mươi triệu, nhưng cũng phải nói rằng Reitlinger, một tác giả người Anh có tiếng, chỉ ước tính có mười hai triệu, và Erickson, một tác giả Xcôtlen cũng có tiếng không kém, nếu không nói là hơn, tính rằng con số tối thiểu là hai mươi sáu triệu; vậy là con số chính thức của Liên Xô nằm ở ngay gần điểm chính giữa. Về phần tổn thất của Đức – chỉ tính ở mặt trận Liên Xô – chúng ta có thể dựa trên con số còn chính thức hơn và mang độ chính xác theo kiểu Đức, tổn thất 6 172 373 lính ở phía Đông từ 22 tháng Sáu 1941 đến 31 tháng Ba 1945, con số được đưa ra trong một báo cáo nội bộ của OKH (bộ tổng chỉ huy quân đội) được tìm thấy sau chiến tranh, nhưng đó là bao gồm cả người chết (hơn một triệu), người bị thương (gần bốn triệu) và người mất tích (nghĩa là người chết và tù binh cộng với tù binh chết, khoảng 1 288 000 người). Nói ngắn gọn là hai triệu người chết, thương binh không liên quan gì đến chúng ta ở đây, cộng thêm một cách đại khái hơn năm mươi nghìn người thiệt mạng từ mồng 1 tháng Tư đến mồng 8 tháng Năm 1945, chủ yếu ở Berlin, và còn phải tính thêm ước tính một triệu dân thường chết trong lần tấn công ở phía Đông Đức và những di chuyển dân cư sau đó, hay, tổng cộng, cứ cho là ba triệu người. Về phần Do Thái, chúng ta có lựa chọn: con số được thừa nhận rộng rãi, dù ít người biết từ đâu ra, là sáu triệu (Höttl là người nói ở Nuremberg rằng Eichmann từng nói với ông ta điều đó; nhưng Wisliceny thì lại khẳng định Eichmann nói cho các đồng nghiệp của mình con số năm triệu [8] ; và chính Eichmann, khi người Do Thái cuối cùng đặt được câu hỏi cho đích thân ông ta, đã nói giữa năm và sáu triệu, nhưng hẳn là năm). Tiến sĩ Korherr, người thực hiện công việc thống kê cho Reichsführer-SS Heinrich Himmler, đạt đến con số gần hai triệu vào ngày 31 tháng Chạp 1942, nhưng công nhận, khi tôi có dịp nói chuyện với ông ta, rằng những con số được sử dụng để tính toán không đáng tin cậy cho lắm. Sau nữa, giáo sư Hilberg vô cùng khả kính, chuyên gia về vấn đề và không bao giờ bị nghi ngờ thiên vị, ít nhất cũng không vị Đức, sau một phần trình bày chặt chẽ dài mười chín trang giấy, đi đến con số 5 100 000, khá tương hợp với ý kiến của Obersturmbannführer quá cố Eichmann. Cho nên cứ theo số liệu của giáo sư Hilberg, chúng ta sẽ có bảng sau:

Số tử vong của Liên Xô……………. 20 triệu
Số tử vong của Đức………………… 3 triệu
Tổng số tử vong (mặt trận phía Đông)… 23 triệu
Endlösung…………………………. 5,1 triệu
Tổng toàn bộ………………………………. 26,6 triệu, biết rằng 1,5 triệu Do Thái đã được tính vào số tử vong của Liên Xô (“Công dân Liên Xô bị giết bởi quân xâm lược Đức phát xít” như đã được chỉ ra một cách vô cùng kín đáo công trình đặc biệt ở Kiev).

Giờ thì làm toán. Xung đột với Liên Xô kéo dài từ 22 tháng Sáu 1941 vào ba giờ sáng cho đến, một cách chính thức, mồng 8 tháng Năm 1945 vào lúc 23h 01, nghĩa là ba năm, mười tháng, mười sáu ngày, hai mươi giờ và một phút, hoặc nếu làm tròn, 46,5 tháng, 202,42 tuần, 1 417 ngày, 34004 giờ, hoặc 2 040 241 phút (tính cả cái phút lẻ). Về chương trình mang tên “Giải pháp cuối cùng”, chúng ta lấy lại cùng những ngày tháng đó. Trước, chưa có gì được quyết định hay được hệ thống hóa, Do Thái chết vì không may. Bây giờ thử làm một trò chơi con số với hai bên: với người Đức, như vậy là mỗi tháng có 64 516 người chết, mỗi tuần 14 821 người chết, mỗi ngày 2 117 người chết, mỗi giờ 88 người chết, và mỗi phút 1,47 người chết, đó là trung bình mỗi phút mỗi giờ mỗi ngày mỗi tuần mỗi tháng trong vòng ba năm, mười tháng, mười sáu ngày, hai mươi giờ và một phút. Với Do Thái, tính luôn cả Do Thái Liên Xô, chúng ta có khoảng 109 677 cái chết cho mỗi tháng hoặc 25 195 cái chết mỗi tuần hoặc 3 599 cái chết mỗi ngày hoặc 150 cái chết mỗi giờ hoặc 2,5 cái chết mỗi phút, trong cùng một khoảng thời gian. Cuối cùng, về phía Liên Xô, chúng ta có khoảng 430 108 cái chết mỗi tháng, 98 804 cái chết mỗi tuần, 14 114 cái chết mỗi ngày, 588 cái chết mỗi giờ, hoặc 9,8 cái chết mỗi phút, cùng thời gian. Tức là tính tổng sẽ có 572 043 cái chết mỗi tháng, 131 410 cái chết mỗi tuần, 18 772 cái chết mỗi ngày, 782 cái chết mỗi giờ, và 13,04 cái chết mỗi phút, tất cả các phút của tất cả các giờ của tất cả các ngày của tất cả các tuần của tất cả các tháng của mỗi năm trong khoảng thời gian cho trước, để nhắc lại, ba năm, mười tháng, mười sáu ngày, hai mươi giờ và một phút. Những kẻ từng chế nhạo cái phút lẻ ra, quả là cũng hơi có phần thông thái rởm, chỉ cần biết rằng cuối cùng có đến 13,04 cái chết, trung bình, và chỉ cần tưởng tượng mười ba người quen biết của hắn ta bị giết trong vòng một phút, nếu hắn ta có khả năng làm chuyện đó. Chúng ta cũng có thể thực hiện một phép tính khác để chỉ ra khoảng cách thời gian giữa mỗi cái chết: chúng ta sẽ có được trung bình cứ 40,8 giây một người Đức chết, cứ 24 giây một Do Thái chết, và cứ 6,12 giây một Bônsêvich (tính cả Do Thái Liên Xô vào rồi), và tổng số cứ 4,6 giây có một cái chết, trong khoảng thời gian đã nói ở trên. Bây giờ các người, từ những con số đó, thậm chí còn có thể thực hiện những bài tập tưởng tượng mang tính cụ thể khác. Chẳng hạn lấy một cái đồng hồ đeo tay ra và đếm một người chết, hai người chết, ba người chết, cứ thế, cứ 4,6 giây một lần (hoặc cứ 6,12 giây, hoặc cứ 24 giây, hoặc cứ 40,8 giây, nếu các người thích một con số nào đó), và cố tưởng tượng rằng họ đang đứng đó trước mặt các người, xếp hàng dọc, những một, hai, ba người chết đó. Các người sẽ thấy rằng đó là một bài tập suy tư rất tốt. Hoặc là lấy một thảm họa khác, gần đây hơn, một thảm họa làm các người cảm kích, và so sánh. Chẳng hạn, nếu là người Pháp, các người hãy thử xem lại cuộc phiêu lưu Algérie nho nhỏ của các người, cuộc phiêu lưu từng làm đồng bào các người bị chấn động đến thế. Các người mất ở đó 25 000 người trong vòng bảy năm, tính gộp cả các tai nạn: tương đương với một ngày và mười ba giờ người chết ở chiến trường phía Đông; hoặc khoảng bảy ngày người chết Do Thái. Dĩ nhiên tôi sẽ không tính toán số lượng người Algérie chết: vì các người không bao giờ đả động gì đến chuyện đó, trong sách và các chương trình truyền hình của các người, hẳn là nó đâu có ý nghĩa gì lớn với các người. Tuy thế mỗi người chết trong số các người đã giết mười người khác, nỗ lực đáng kính nể dù có phải so sánh với nỗ lực của chúng tôi. Tôi dừng lại ở đây, người ta có thể tiếp tục rất lâu; tôi mời các người cứ làm tiếp một mình, cho đến khi mặt đất hẫng đi dưới chân các người. Còn tôi thì cần gì: từ rất lâu rồi ý nghĩ về cái chết đã gần gũi với tôi hơn cả mạch máu cổ, nói theo câu văn tuyệt đẹp của kinh Coran. Nếu có khi nào các người làm được tôi khóc, nước mắt của tôi sẽ bắn axit lên mặt các người.

Kết luận của tất cả những thứ đó, nếu các người cho phép tôi dùng một trích dẫn, trích dẫn cuối cùng, tôi hứa với các người, sẽ là, như Sophocle từng nói rất hay: Điều mà ngươi phải thích hơn tất cả, là không được sinh ra. Mặt khác Schopenhauer cũng viết gần như là tương tự: Sẽ tốt hơn nếu không có gì cả. Vì trên cõi đời này khổ đau nhiều hơn sung sướng, mọi niềm vui chỉ là tạm bợ, sẽ tạo ra những ham muốn mới và những khốn quẫn mới, và hấp hối của con thú bị ăn lớn hơn khoái cảm của con thú ăn thịt nó. Vâng, tôi biết, hai trích dẫn liền, nhưng là cùng một ý thôi: trên thực tế, chúng ta sống trong cái thế giới tệ hại nhất có thể có. Tất nhiên, chiến tranh kết thúc rồi. Và rồi người ta cũng đã rút ra được bài học, nó sẽ không quay trở lại nữa. Nhưng các người có chắc là người ta đã rút được bài học không? Các người có tin rằng nó sẽ không quay trở lại không? Các người có tin rằng chiến tranh đã kết thúc không? Theo một cách nào đó, chiến tranh không bao giờ kết thúc, hoặc là nó chỉ kết thúc khi đứa trẻ cuối cùng sinh ra vào ngày cuối cùng của những trận chiến được chôn xuống đất, lành lặn vô sự, và ngay cả khi đó nó vẫn sẽ tiếp tục, trong những đứa con rồi trong những đứa con của những đứa con, cho đến khi cuối cùng cái di sản bị phát tán đi một chút, các kỷ niệm tơi tả hết ra và nỗi đau giảm xuống, ngay cả khi vào thời điểm đó mọi người đều đã quên đi từ đời tám hoánh, và tất cả những cái đó từ rất lâu đã được tính vào hàng những câu chuyện cũ, thậm chí còn không xứng tầm để được mang ra dọa trẻ con, và nhất là lũ con những người chết và những người những muốn như thế, tôi muốn nói là muốn chết.

Tôi đoán ra ý nghĩ của các người rồi: Đây là một thằng cha thậm ác, các người tự nhủ, một kẻ xấu, tóm lại, một thằng khốn nạn ở mọi khía cạnh, lẽ ra phải rũ xương trong tù chứ không phải ở đây mà nhồi nhét cho chúng ta thứ triết lý rối tung của một thằng cựu phát xít mới hối cải một phần. Về chủ nghĩa phát xít, đừng có nhầm lẫn mọi thứ với nhau, và về vấn đề trách nhiệm hình sự của tôi, đừng vội xét đoán, tôi còn chưa kể câu chuyện của tôi đâu; còn về trách nhiệm luân lý của tôi, cho phép tôi có vài nhận xét. Các nhà triết học chính trị vẫn thường cho rằng vào thời chiến tranh người công dân, ít nhất là công dân nam, mất đi một trong những quyền cơ bản nhất của mình, quyền được sống, và đã như vậy kể từ Cách mạng Pháp và phát minh trò nghĩa vụ quân sự theo lứa tuổi, nguyên lý giờ đây đã được chấp nhận ở khắp nơi hoặc gần như thế. Nhưng họ hiếm khi nhận ra rằng người công dân đó cùng lúc cũng mất đi một quyền khác nữa, cũng vô cùng cơ bản và với anh ta có thể còn mang tính thiết yếu hơn, thuộc vào những gì anh ta nghĩ về bản thân mình với tư cách người văn minh: quyền được không giết người. Không ai hỏi ý kiến của các người đâu nhé. Người đứng ở trên miệng cái hố chôn người chung, trong phần lớn các trường hợp, không đòi được ở đó nhiều hơn là người đang nằm, đã chết hoặc đang chết, dưới đáy cái hố kia. Các người sẽ phản đối tôi, nói rằng hạ sát một tay lính chiến trong một trận đánh khác hẳn với giết một người dân sự tay không vũ khí; luật lệ của chiến tranh cho phép một điều, còn điều kia thì không; luân lý chung cũng vậy. Đó là một lập luận tốt trong trừu tượng, chắc chắn rồi, nhưng nó tuyệt đối không tính đến những điều kiện của xung đột đang nói đến. Việc phân biệt hoàn toàn võ đoán sau chiến tranh giữa một bên là “các chiến dịch quân sự”, tương đương với các chiến dịch của mọi cuộc xung đột khác, và bên kia là “những điều tàn bạo”, được dẫn dắt bởi một thiểu số những kẻ mê khoái tàn ác và lũ loạn óc, phân biệt đó, như tôi hy vọng chỉ ra được, là một trò vè mang tính an ủi ve vãn của những kẻ thắng trận – những kẻ thắng trận phương Tây, tôi phải nói rõ, còn người Xô viết, mặc cho trò tu từ học của những kẻ kia, luôn hiểu được rõ sự tình: Staline, sau tháng Năm 1945, và sau khi đã thực hiện xong những trò mị dân đầu tiên, chế nhạo đến thảm hại một thứ “công lý” ảo tưởng, ông ta muốn cái cứng rắn, cái cụ thể, nô lệ và trang thiết bị để chấn hưng và tái thiết, chứ không phải những lời than thở và ăn năn, bởi ông ta biết rõ ngang với chúng tôi rằng những người chết không nghe thấy tiếng khóc hờ nữa, và những lời ăn năn không bao giờ mang được gạo bỏ vào bát. Tôi không biện hộ theo Befehlsnotstand, mệnh lệnh bắt thế, trò rất được các luật sư Đức giỏi giang của chúng ta ưa thích. Những gì tôi đã làm, tôi đều đã làm với nhận thức đầy đủ về nguồn cơn, nghĩ rằng có cả những gì thuộc về bổn phận và cả những gì cần phải được làm, dù cho có khó chịu và bất hạnh đến đâu. Chiến tranh tổng lực còn có nghĩa này nữa: dân sự không còn tồn tại, và giữa đứa trẻ con Do Thái bị ngạt khí độc hoặc bị bắn chết và đứa trẻ con Đức chết dưới những trận bom cháy, chỉ có khác biệt về phương tiện; hai cái chết đó cùng vô ích như nhau, không cái chết nào làm chiến tranh ngắn lại dù chỉ một giây; nhưng trong hai trường hợp, kẻ hoặc những kẻ đã giết chúng tin rằng việc đó là đúng và cần thiết; nếu họ nhầm lẫn, thì phải trách cứ ai đây? Điều tôi nói cũng đúng ngay cả khi người ta phân biệt một cách hời hợt cái mà luật sư Do Thái Lempkin gọi là diệt chủng với chiến tranh, vì rõ ràng là ít nhất trong thế kỷ của chúng ta, không bao giờ có diệt chủng mà không có chiến tranh, diệt chủng không tồn tại ở đâu ngoài chiến tranh, và giống như chiến tranh, nó cũng là một hiện tượng tập thể: diệt chủng hiện đại là một tiến trình buộc đám đông phải gánh chịu, bởi đám đông, vì đám đông. Trong trường hợp chúng ta đang nói, đó cũng là một tiến trình bị chia nhỏ bởi những đòi hỏi về phương pháp công nghiệp. Tất cả giống như, theo Marx, người công nhân bị tha hóa trong quan hệ với sản phẩm công việc của anh ta, trong diệt chủng hoặc chiến tranh tổng lực dưới hình thức hiện đại của nó, kẻ tiến hành diệt chủng bị tha hóa trong quan hệ với sản phẩm của hành động của anh ta. Điều đó cũng đúng trong trường hợp một kẻ kề miệng súng vào đầu một kẻ khác và bóp cò. Bởi nạn nhân đã được mang đến đó bởi những người khác, cái chết của anh ta được quyết định bởi những người khác nữa, và kẻ bắn cũng biết mình chỉ là mắt xích cuối cùng của một dây xích rất dài, và không việc gì phải tự đặt cho mình nhiều câu hỏi hơn là thành viên một đội hành quyết xử tử một kẻ bị luật pháp kết án một cách hợp lệ trong thời bình. Kẻ bắn biết rằng mình bắn người vì một sự tình cờ, rằng cũng vì tình cờ mà người bạn đồng ngũ của anh ta canh gác, và người thứ ba lái xe camnhông. Cùng lắm thì anh ta sẽ chỉ có thể tìm cách đổi chỗ cho người gác hoặc người lái xe. Một ví dụ khác, rút ra từ kho văn học lịch sử phong phú, chứ không phải từ kinh nghiệm cá nhân tôi: ví dụ về chương trình tận diệt người Đức bị tàn tật nặng và người mắc chứng thần kinh, gọi là chương trình “Euthanasie” hoặc “T-4”, được bắt đầu thực hiện hai năm trước chương trình “Giải pháp cuối cùng”. Ở đây, người bệnh được lựa chọn theo khung một đạo luật được đón tiếp trong một khu nhà bởi các nữ y tá chuyên nghiệp, được ghi tên vào sổ và được cởi quần áo; các bác sĩ khám cho họ và dẫn họ đến một căn phòng kín mít; một người công nhân trông coi khí gaz; những người khác dọn dẹp; một cảnh sát viết giấy chứng tử. Khi bị thẩm vấn sau chiến tranh, tất cả bọn họ đều nói: Tôi, phạm tội? Nữ y tá không giết ai, cô ta chỉ cởi quần áo và làm người ốm bình tâm trở lại, những động tác thông thường của nghề nghiệp. Bác sĩ cũng không giết, ông ta chỉ khẳng định một chẩn đoán theo đúng những tiêu chí do các cấp khác lập ra. Người mở vòi khí gaz, người gần nhất với người chết cả về thời gian và không gian, tiến hành một thao tác kỹ thuật dưới sự giám sát của cấp trên và các bác sĩ. Các công nhân dọn phòng làm một công việc vệ sinh cần thiết, hơn thế nữa lại rất độc hại. Người cảnh sát làm theo thủ tục, đó là xác nhận một cái chết và ghi rõ rằng cái chết đã xảy ra, không có vi phạm gì với luật lệ hiện hành. Vậy thì ai có tội? Tất cả hay không ai cả? Tại sao người công nhân phụ trách khí gaz lại phạm tội nhiều hơn là người công nhân phụ trách nồi hơi, phụ trách làm vườn, phụ trách xe cộ? Cũng vậy đối với tất cả các khía cạnh của cái công trình khổng lồ đó. Người bẻ ghi đường sắt, chẳng hạn, có tội về cái chết của những người Do Thái bị anh ta bẻ ghi hướng đường đến một trại tập trung không? Người công nhân đó là một công chức, anh ta làm công việc đó từ hai mươi năm, anh ta hướng lối cho những con tàu theo một lịch trình, anh ta không cần biết tàu chở gì. Không phải lỗi của anh ta nếu những người Do Thái đó được chuyển từ một điểm A, qua điểm bẻ ghi của anh ta, đến một điểm B, nơi họ bị giết. Tuy vậy, người bẻ ghi đường sắt lại đóng một vai trò chủ chốt trong công việc tận trừ đó: không có anh ta, tàu chở người Do Thái sẽ không thể đến được điểm B. Cũng như vậy đối với người công chức phụ trách việc trưng dụng các căn hộ cho những người chịu thiệt hại trong những trận bom, người thợ in ấn hành những tờ lệnh đi trại tập trung, người cung cấp bán bê tông hoặc dây thép gai cho SS, người hạ sĩ quan hậu cần chuyển xăng đến cho một Teilkommando [9] của SP [10] , và cả Chúa trên cao kia, người cho phép tất cả những chuyện đó. Dĩ nhiên là người ta có thể thiết lập những mức độ trách nhiệm hình sự tương đối chính xác, cho phép kết án một số người và để mặc những người khác cho lương tâm của họ, nếu giả sử họ có lương tâm; việc đó lại càng dễ dàng hơn vì người ta dựng ra những bộ luật theo các sự kiện, như ở Nuremberg. Nhưng ngay cả ở đó người ta cũng làm những việc rất vớ vẩn. Tại sao lại treo cổ Streicher, tay nhà quê bất lực, mà lại không treo cổ von dem Bach-Zelewski [11] khủng khiếp? Tại sao lại treo cổ thượng cấp của tôi, Rudolf Brandt, mà không phải thượng cấp của ông ta, Wolff [12] ? Tại sao lại treo cổ bộ trưởng Frick, mà không phải bộ hạ của ông ta, Stuckart [13] , kẻ đã làm mọi việc thay cho ông ta? Cái tay Stuckart sung sướng đó, kẻ chỉ để tay mình vấy mực, không bao giờ vấy máu. Chúng ta, thêm một lần nữa, phải thật rõ ràng: tôi không tìm cách nói tôi không phạm tội về điều này hay điều kia. Tôi có tội, các người không có tội, thế là tốt rồi. Nhưng dù sao thì các người cũng phải biết đường tự nhủ rằng điều tôi đã làm, các người cũng có thể làm. Có thể là không nhiệt tình bằng, nhưng cũng có thể ít tuyệt vọng hơn, dù thế nào đi nữa cũng sẽ có cách nào đó. Tôi nghĩ mình được phép kết luận như một sự kiện đã được lịch sử hiện đại chứng thực rằng tất cả mọi người, hoặc phần lớn, trong một tổng hợp những hoàn cảnh cho trước, sẽ làm những gì người ta bảo họ làm; và, xin lỗi nhé, có rất ít cơ hội để các người là ngoại lệ, không nhiều hơn tôi đâu. Nếu các người sinh ra trong một đất nước hoặc vào một thời kỳ không chỉ không có kẻ nào mò đến giết vợ con các người, mà còn không ai đến sai các người giết vợ con người khác, hãy tạ ân Chúa và ra đi trong thanh thản. Nhưng hãy luôn giữ ý nghĩ này trong tâm trí: có thể các người có nhiều may mắn hơn tôi, nhưng các người chẳng tốt đẹp gì hơn đâu. Bởi nếu các người có đủ lòng kiêu ngạo để nghĩ như thế, thì chính ở đó sẽ bắt đầu nguy cơ. Người ta thích đối lập nhà nước, dù toàn trị hay không, với con người bình thường, dù là con rệp hay cây sậy. Nhưng khi đó người ta quên rằng nhà nước được tạo ra từ nhiều người, tất cả đều ít nhiều bình thường, mỗi người có cuộc sống riêng, lịch sử riêng, cả một loạt những tình cờ khiến cho một ngày nào đó nó đứng ở vị trí nắm được kiếm đằng chuôi trong khi những người khác nằm ở phía tệ hại. Quá trình đó hiếm khi là đối tượng của một chọn lựa, thậm chí một thiên hướng. Các nạn nhân, trong đại đa số các trường hợp, không bị tra tấn hoặc bị giết chết vì họ tốt đẹp còn bọn đao phủ làm họ phải đau khổ vì chúng độc ác. Sẽ hơi ngây thơ nếu tin vào điều đó, và chỉ cần tiếp xúc với bất kỳ một tổ chức hành chính nào, dù có là Hồng Thập tự đi chăng nữa, là có thể hiểu ra điều đó. Staline, mặt khác, đã chứng minh một cách rõ ràng điều tôi vừa nói kia, bằng cách biến mọi thế hệ từ đao phủ thành nạn nhân của thế hệ tiếp theo, thế mà ông ta có bao giờ thiếu đao phủ đâu. Thế nhưng cỗ máy nhà nước được làm từ đống cát cũng dễ vỡ vụn như những gì chính nó tán nghiền ra, từng hạt từng hạt. Nó tồn tại bởi vì mọi người nhất trí để cho nó tồn tại, và rất thường xuyên, cho đến tận phút cuối cùng, ngay cả các nạn nhân của nó cũng nhất trí. Không có những Höss, những Eichmann, những Goglidze, những Vychinski, và cũng vậy, không có người người bẻ ghi đường sắt, những người sản xuất bê tông và những viên kế toán của các bộ, một Staline hoặc một Hitler sẽ chỉ là một cái túi da chứa chất hận thù và đe dọa đầy bất lực. Nói rằng đại đa số những người tiến hành quá trình tận diệt không phải là những kẻ mê cuồng bạo lực hoặc bất bình thường về đầu óc giờ đây đã trở nên quá sáo mòn. Những kẻ cuồng loạn, những kẻ loạn óc, dĩ nhiên là cũng có, như trong tất cả các cuộc chiến tranh, và bọn họ gây ra những điều khủng khiếp không tên, đó là sự thật. Cũng là sự thật việc SS nhẽ ra có thể tăng cường nỗ lực của mình để kiểm soát những kẻ đó, ngay cả khi nó đã làm việc đó nhiều hơn người ta vẫn thường nghĩ nhiều; và hoàn toàn không dễ dàng đâu nhé: cứ thử đi hỏi những ông tướng Pháp, họ cũng gặp nhiều phiền phức ở Algérie lắm chứ, với bọn sĩ quan say rượu, hiếp dâm, giết người của họ. Nhưng vấn đề không nằm ở đó. Những kẻ loạn óc, ở đâu và thời nào chẳng có. Các ngoại ô yên bình của chúng ta nhung nhúc bọn thích làm tình với trẻ con và những kẻ loạn tâm, các trại điên của chúng ta đầy bọn điên rồ thích nổi; một số quả thật trở thành vấn đề lớn, chúng giết hai, ba, mười, thậm chí năm mươi người – rồi chính cái nhà nước có lẽ sẽ sử dụng chúng không chút nhíu mày trong một cuộc chiến tranh lại đập bẹp chúng như một bọn muỗi đã hút đầy máu người. Những kẻ bệnh hoạn đó là lũ dòi bọ. Nhưng những người bình thường từ đó nhà nước được xây dựng – nhất là vào những thời bất ổn – thì thật là một mối nguy. Nguy cơ thực sự với con người là tôi, là các người. Và nếu các người không chịu công nhận, thì không việc gì phải đọc thêm nữa. Các người sẽ chẳng hiểu gì hết và các người sẽ nổi giận, không được ích lợi gì cho các người cũng như cho tôi.

Như phần lớn loài người, tôi chưa bao giờ đòi hỏi được trở thành một tên sát nhân. Nếu tôi có thể, điều này tôi nói rồi, tôi muốn làm văn chương. Viết, nếu tôi có tài, nếu không thì có thể là dạy học, miễn là được sống giữa những điều đẹp và bình thản, những tạo tác tuyệt vời nhất của cái muốn của con người. Phải, nếu được tùy ý lựa chọn, ngoài một thằng điên, ai sẽ chọn giết chóc? Và rồi tôi muốn chơi dương cầm. Một hôm, khi nghe hòa nhạc, một người đàn bà đứng tuổi quay sang tôi: “Hẳn anh là nghệ sĩ dương cầm?” – “Ôi không phải đâu, thưa bà”, tôi buộc phải tiếc rẻ trả lời. Giờ đây nữa, việc không chơi dương cầm, và sẽ không bao giờ chơi vẫn làm tôi uất hận, đôi khi thậm chí còn hơn cả những điều ghê rợn, dòng sông đen ký ức chở tôi đi suốt những năm dài. Theo nghĩa đen, điều đó vẫn làm tôi choáng váng. Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi từng mua đàn dương cầm cho tôi. Tôi nghĩ là cho ngày sinh nhật chín tuổi của tôi. Hoặc tám tuổi. Dù thế nào đi nữa thì cũng phải trước khi chúng tôi chuyển sang Pháp sống cùng tay Moreau đó. Tôi đã nài xin bà suốt hàng tháng, hàng tháng. Tôi mơ mình là nghệ sĩ dương cầm, một nghệ sĩ dương cầm lớn: dưới ngón tay tôi là những giáo đường, nhẹ bỗng như những quả bong bóng xà phòng. Nhưng chúng tôi không có tiền. Bố tôi đã bỏ đi được ít lâu, các tài khoản của ông (mãi sau này tôi mới biết) bị phong tỏa, mẹ tôi phải tự xoay xở một mình. Nhưng rồi, bà kiếm được tiền, tôi không biết bằng cách nào, hẳn bà đã phải tiết kiệm, hoặc đi vay; thậm chí có thể bà đã bán thân, cái đó tôi không biết, mà cũng quan trọng gì. Hẳn bà đã nuôi dưỡng những tham vọng về tôi, bà muốn vun xới những tài năng của tôi. Thế là, vào ngày sinh nhật của tôi, người ta chuyển đến chiếc đàn dương cầm đó, một chiếc dương cầm kiểu đứng rất đẹp. Dù là đồ cũ, nó hẳn cũng rất đắt tiền. Thời gian đầu, tôi như mê đi. Tôi bắt đầu học đàn; nhưng vì chậm tiến bộ nên tôi nhanh chóng chán, và tôi sớm bỏ không tập nữa. Chạy gam không phải là điều tôi từng tưởng tượng, tôi cũng giống như tất cả những đứa trẻ con khác mà thôi. Mẹ tôi không bao giờ dám trách mắng tôi vì sự phù phiếm và tính lười biếng; nhưng tôi hiểu rõ rằng cái ý nghĩ về cả món tiền bị tiêu phí đó hẳn đã làm bà rất đau khổ. Chiếc dương cầm đứng đó, bụi dần chồng lên từng lớp; em gái tôi không quan tâm đến nó hơn tôi; tôi không nghĩ đến nó nữa, và gần như không nhận ra khi cuối cùng mẹ tôi bán nó đi, chắc chắn là lỗ kha khá tiền. Tôi chưa bao giờ thật sự yêu mẹ tôi, thậm chí tôi còn ghét bà, nhưng sự cố đó khiến tôi cảm thấy buồn cho bà. Bà cũng có lỗi một chút. Nếu bà kiên quyết, nếu bà biết tỏ ra nghiêm khắc khi cần thiết, hẳn là tôi đã có thể học được cách chơi đàn dương cầm, và điều đó sẽ mang lại cho tôi một niềm vui to lớn, một nơi trú ẩn chắc chắn. Chơi đàn ở nhà, chỉ cho mình tôi, hẳn sẽ làm tôi vui sướng lắm. Dĩ nhiên, tôi nghe nhạc rất thường xuyên, và có một niềm thích thú vô cùng to lớn với việc đó, nhưng hai chuyện khác hẳn nhau, đó chỉ là một thứ vật thế chỗ. Hoàn toàn giống như những mối tình đồng giới của tôi: thực tế, tôi không đỏ mặt khi nói điều đó đâu, là chắc chắn tôi thích mình là phụ nữ hơn. Không nhất thiết là một phụ nữ đầy sức sống và hoạt động giữa thế giới này, một người vợ, một người mẹ; không, mà là một người phụ nữ trần truồng, nằm ngửa, hai chân giạng ra, bị đè nghiến dưới trọng lượng của một người đàn ông, bấu chặt vào hắn ta và bị hắn ta xuyên thủng, chết chìm trong hắn và trở thành một biển cả không bến bờ trong đó chính hắn cũng chết chìm, khoái cảm không điểm dừng, và cũng không có điểm bắt đầu. Thế mà không được như vậy. Thay vào đó, tôi lại trở thành một luật gia, công chức ngành an ninh, sĩ quan SS, rồi giám đốc một nhà máy sản xuất đăngten. Thật đáng buồn, nhưng mà như thế đấy.

Những gì tôi viết hoàn toàn đúng, nhưng cũng đúng rằng tôi từng yêu một người phụ nữ. Một người duy nhất, nhưng hơn mọi người khác trên đời. Nhưng người phụ nữ đó lại chính là người tôi không được phép chạm tới. Thật dễ suy ra rằng khi mơ trở thành một người phụ nữ, khi mơ mình có một cơ thể phụ nữ, thì tôi vẫn đang tìm kiếm nàng, tôi muốn lại gần nàng, tôi muốn được như nàng, tôi muốn là nàng. Điều đó hoàn toàn là có thể, dù không thay đổi được gì hết. Tôi không yêu bất kỳ gã nào từng ngủ với tôi, tôi chỉ lợi dụng bọn họ, thân xác bọn họ. Nàng, tình yêu của nàng sẽ là đủ cho cuộc đời tôi. Các người đừng chế nhạo tôi: tình yêu đó chắc chắn là điều tốt đẹp duy nhất mà tôi từng làm. Tất cả những cái đó, hẳn các người nghĩ vậy, có vẻ hơi kỳ quặc đối với một sĩ quan của Schutzstaffel. Nhưng tại sao một SS-Obersturmbannführer lại không thể có một cuộc sống nội tâm, những ham muốn, những niềm say mê như bất kỳ đàn ông nào khác? Những người trong số chúng tôi mà các người vẫn buộc tội là những kẻ tội phạm, số đó có đến hàng trăm nghìn: trong số họ, cũng như trong số toàn bộ loài người, chắc chắn là có những kẻ tầm thường, nhưng cũng có những người khác thường, những nghệ sĩ, những người đầy văn hóa, những kẻ loạn thần kinh, những kẻ đồng tính, những kẻ mơ tưởng mẹ mình, và còn rất nhiều loại nữa, và tại sao lại không? Không ai điển hình hơn bất kỳ người nào trong bất kỳ nghề nào. Có những thương gia thích rượu vang ngon và xì gà, những thương gia bị tiền bạc ám ảnh, và cả những thương gia cắm một cái dương vật đồ chơi vào lỗ đít để đến văn phòng và giấu giếm, dưới bộ lễ phục đủ cả áo quần, gilê, những hình xăm tục tĩu: khả năng đó ai cũng nghĩ là chắc chắn, vậy thì tại sao lại không như vậy với SS hoặc Wehrmacht? Các bác sĩ quân y của chúng tôi tìm thấy nhiều đồ lót phụ nữ khi cắt quân phục của thương binh, hơn nhiều so với người ta nghĩ. Khẳng định rằng tôi không điển hình không có ý nghĩa gì hết. Tôi từng sống, tôi có một quá khứ, một quá khứ nặng nề và trĩu nặng, nhưng điều đó cũng thường thôi, và tôi quản lý nó theo cách của tôi. Rồi chiến tranh xảy tới, tôi phục vụ, và rơi vào giữa những chuyện khủng khiếp, những điều thảm khốc. Tôi đã không hề thay đổi, tôi vẫn là con người đó, những vấn đề của tôi vẫn không được giải quyết, ngay cả khi chiến tranh đã đặt cho tôi những vấn đề mới, ngay cả khi những điều ghê rợn đó đã biến đổi tôi. Có những người nghĩ rằng chiến tranh, hoặc thậm chí giết người, là một giải pháp, nhưng tôi không thuộc những kẻ đó, với tôi, cũng như với phần lớn mọi người, chiến tranh và giết người là một câu hỏi, một câu hỏi không có trả lời, bởi khi người ta hét lên trong đêm, không ai trả lời cả. Và một chuyện sẽ kéo theo một chuyện khác: tôi đã khởi đầu trong khuôn khổ nghĩa vụ quân sự, rồi, dưới áp lực của các sự kiện, cuối cùng tôi đã vượt ra ngoài khuôn khổ đó; nhưng tất cả những thứ đó có liên quan với nhau, chặt chẽ và sâu xa: nói nếu không có chiến tranh thì tôi cũng vẫn sẽ đi đến những chỗ cực đoan đó là hoàn toàn sai. Cũng có thể sẽ như vậy, nhưng cũng có thể là không, có thể tôi sẽ tìm được một giải pháp khác. Làm sao biết được. Eckhart đã viết: Một thiên thần ở Địa ngục vẫn bay trên đám mây nhỏ Thiên đường của mình. Tôi luôn nghĩ điều ngược lại vẫn đúng, rằng một con quỷ trên Thiên đường vẫn sẽ bay trên đám mây nhỏ Địa ngục của nó. Nhưng tôi không nghĩ mình là một con quỷ. Những điều tôi từng làm luôn có lý do, tốt hay xấu, tôi không biết, nhưng dù thế nào đi nữa thì chúng cũng là những lý do rất người. Những kẻ giết chóc là con người, cũng như những người bị giết, chính điều đó là khủng khiếp. Các người không bao giờ có thể nói: Tôi sẽ không giết ai, điều đó là không thể, cùng lắm các người cũng chỉ có thể nói: Tôi hy vọng sẽ không giết ai. Tôi cũng vậy, tôi từng hy vọng thế, tôi cũng vậy, tôi muốn sống một cuộc đời tốt đẹp và có ích, là một con người trong số con người, bình đẳng với những người khác, tôi cũng vậy, tôi muốn đóng góp viên gạch của mình cho tác phẩm chung. Nhưng niềm hy vọng của tôi đã tan tành, và người ta đã sử dụng sự thành thực của tôi để hoàn thành một công trình xấu xa và có hại, và tôi đã đi qua những lằn ranh tăm tối, và toàn bộ cái ác đó đã xâm nhập chính đời tôi, và không gì trong tất cả những thứ đó có thể sửa chữa được, không bao giờ cả. Từ ngữ cũng không còn dùng để làm gì, chúng biến đi như nước tan vào cát, và thứ cát đó bịt kín miệng tôi. Tôi sống, tôi làm những gì có thể, ai cũng thế thôi, tôi là một người như những người khác, tôi là một người giống như các người. Nào, bởi vì tôi nói với các người là tôi cũng giống các người!

Nguồn: Jonathan Littell, Les Bienveillantes, Gallimard, 2006

Bản tiếng Việt © 2006 talawas

[1]Tiến sĩ luật Hans Frank sinh năm 1900. Tham gia Đảng Quốc xã từ rất sớm, Frank từng là cố vấn luật của Hitler. Vai trò quan trọng trong việc tàn sát người Do Thái ở Ba Lan khiến Frank bị kết án tử hình tại tòa án Nuremberg và bị xử tử vào ngày 16/10/1946.
[2]ELSP (École Libre des Sciences Politiques – Trường Khoa học Chính trị) thành lập năm 1872 là tiền thân của Institut d’Études Politiques, nổi tiếng hơn dưới cái tên Sciences-Po, thuộc hệ thống trường lớn của Pháp, đòi hỏi sinh viên thi vào phải học qua các lớp dự bị (hệ thống trường lớn được coi là có chất lượng cao hơn các trường đại học).
[3]STO (Service du Travail Obligatoire – Lao động bắt buộc), một hình thức bắt nhân công từ các nước bị chiếm đóng sang Đức làm việc khổ sai.
[4]Khách sạn nổi tiếng và cũng là “palace” duy nhất của tả ngạn sông Seine, nơi cuối Thế chiến II được dùng làm nơi chăm sóc những người từ các trại tập trung trở về.
[5]Jérôme Nadal (1507-1580) người Tây Ban Nha là một trong mười thành viên đầu tiên của Dòng Tên, chủ trì bộ sách minh họa Tin lành, hướng dẫn suy niệm, cuốn sách đầu tiên thuộc loại này, xuất bản tại Anvers năm 1594.
[6]Paul Carell tên thật là Paul Carl Schmidt (1911-1997), từng làm đến chức Obersturmbannführer (tương đương trung tá) SS, người phát ngôn báo chí của Bộ trưởng Ngoại giao Joachim von Ribbentrop. Sau chiến tranh trở thành một tác giả thành công.
[7]Jean Mabire: nhà văn Pháp cực hữu và dân tộc chủ nghĩa. Henri Landemer: tác giả cuốn La Waffen SS (1972).
[8]Adolf Eichmann (1906-1962) là Obersturmbannführer (trung tá) SS, là người được Obergruppenführer (tương đương tướng sư đoàn trưởng) Reinhard Heydrich giao nhiệm vụ tổ chức các ghetto và trại tập trung ở Đông Âu. Bị cơ quan tình báo Israel Mossad bắt được ở Argentina, bị tòa án Israel xử tử. Wilhelm Höttl và Dieter Wisliceny là các tay chân đắc lực của Eichmann.
[9]Đơn vị gồm 15-20 người, thuộc cảnh sát an ninh.
[10]SP (Hauptamt Sicherheitspolizei – Trung tâm cảnh sát an ninh), có khi còn được gọi là Sipo. Ngoài SP, trong RSHA (Reichsicherheitsdiensthauptamt – Trung tâm an ninh Đế chế) còn có SD (Hauptamt Sicherheitsdienst – Trung tâm an ninh), về nguyên tắc đều nắm dưới quyền của Reinhard Heydrich.
[11]Julius Streicher (1885-1946), chủ bút tờ Der Stürmer, tờ báo của Nazi, bị kết án xử tử sau chiến tranh. Erich von dem Bach-Zelewski (1899-1972), từng leo đến chức Obergruppenführer của SS.
[12]Rudolf Brandt (1909-1948), luật gia, đặc biệt thân cận với Himmler. Sau chiến tranh bị xử tử. Karl Wolff (1900-1984), làm đến Obergruppenführer của SS và tướng của Waffen-SS.
[13]Tiến sĩ Wilhelm Frick (1877-1946), Bộ trưởng Nội vụ vào năm 1933 khi Hitler lên nắm quyền, một trong ba đảng viên Quốc xã duy nhất trong nội các đầu tiên của Hitler. Sau này Frick mất dần vai trò đứng đầu cảnh sát vào tay Himmler; sau chiến tranh bị xử tử. Wilhelm Stuckart (1902-1953), luật gia, làm cho Bộ Nội vụ.

Jonathan Littell (1967) sinh ra trong một gia đình Do Thái gốc Đông Âu, là con trai nhà văn và nhà báo Mĩ có tên tuổi Robert Littell. Ông tốt nghiệp phổ thông trung học tại Pháp, học đại học tại Yale, làm việc cho một số tổ chức từ thiện quốc tế tại Bosnia, Chechnya, Ruanda..., hiện sống với vợ và hai con tại Barcelona.

Tác phẩm Bad Voltage: A Fantasy in 4/4, Signet, 1989 (nguyên bản tiếng Anh); Les Bienveillantes, Gallimard 2006 (nguyên bản tiếng Pháp)

Cao Việt Dũng (1980) học phổ thông trung học tại Trường Hà Nội-Amsterdam, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 2002; từ 2002 theo học văn học hiện đại, chuyên ngành phê bình văn học tại Trường École Normale Supérieure và Đại học Sorbonne (Paris), từ 2006 nghiên cứu viên tại Viện Văn học Hà Nội.

Một số tác phẩm dịch đã xuất bản: Cuộc sống không ở đây (M. Kundera) - Trung tâm Đông Tây và NXB Văn hóa Thông tin, 2003; 15 anh hùng Hy Lạp (Plutarque) - dịch chung, NXB Trẻ, 2003, Điệu valse giã từ (M. Kundera) - Trung tâm Đông Tây và NXB Hội Nhà văn, 2004; Khúc quanh của dòng sông (V. S. Naipaul), NXB Lao Động, 2004; Những cuộc đời song hành (Plutarque), NXB Tri Thức, 2005.

Sắp xuất bản: Hạt cơ bản (Houellebecq)

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài