talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 24.03.2007


Gabriel García MárquezMấy cô điếm buồn


Gabriel Garcia Marquez
Gabriel García Márquez

Nếu chúng ta làm một cuộc khảo sát về việc ai là nhà văn nước ngoài thế kỉ 20 được yêu thích nhất ở Việt Nam hiện nay, người chiếm ngôi đầu bảng rất có thể sẽ là Gabriel García Márquez. Công chúng văn học Việt Nam hôm nay có thể không đọc William Faulkner, không đọc James Joyce, không đọc Franz Kafka, không đọc Marcel Proust, không đọc Jorge Luis Borges; Camus và Sartre thì đã bị lãng quên; Claude Simon và Georges Perec, Günter Grass và các nhà văn Đức, Mikhail Bulgakov và các nhà văn Nga, tất cả đều có thể bị bỏ qua; Milan Kundera và Haruki Murakami đang là thời thượng, nhưng rất có thể sẽ nhanh chóng bị thất sủng, nhưng vị trí của Gabriel García Márquez thì rất khó bị lay chuyển. Từ hơn hai thập kỉ nay khi Trăm năm cô đơn được dịch ra tiếng Việt, nhà văn lão thành người Columbia này đã gây được ảnh hưởng lớn và rõ nét hơn cả lên các nhà văn Việt Nam. Xét về hai tiêu chí: được công chúng yêu thích và được nhiều nhà văn mến mộ, có lẽ ở Việt Nam không ai so được với García Márquez.

Năm 2004, ở tuổi 76, Gabriel García Márquez còn cho ra một cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi và bán chạy kỉ lục. talawas chủ nhật kì này xin giới thiệu bản dịch cuốn tiểu thuyết này đến bạn đọc, bản dịch của Mai Kim Ngọc.

talawas chủ nhật

 

Gabriel García Márquez

Mấy cô điếm buồn

Mai Kim Ngọc dịch


I II III

Mụ đàn bà dặn ông già Eguchi:
„Không được làm điều gì lố lăng đấy nhé.
Không được đút ngón tay vào miệng cô gái đang ngủ,
cũng không được toan tính những chuyện tương tự.“

(Yusanari Kawabata, Ngôi nhà những mỹ nhân say ngủ)


1.

Năm chín mươi tuổi tôi muốn tự thưởng một đêm tình điên với một xử nữ vị thành niên. Tôi nghĩ đến Rosa Cabarcas, mụ tú bà thường gọi cho khách quen mỗi khi có gái mới. Tôi chưa từng sa ngã trước những đề nghị dung tục của mụ, nhưng mụ chắc không tin tưởng vào những nguyên tắc sống trong sáng của tôi. Tôi đoán mụ sẽ cười ranh mãnh mà bảo, rồi anh coi, đạo lý cũng chỉ là vấn đề thời gian. Mụ trẻ hơn tôi chút đỉnh, nhiều năm qua bặt tin, và tôi tưởng mụ đã chết. Vậy mà tôi nhận ngay ra tiếng mụ trong điện thoại. Tôi vào đề liền:

“Hôm nay nhé.”

Mụ thở dài cái sượt:

“Ái chà, anh giáo đa sầu đa cảm của tôi. Anh đi biến đâu cả hai chục năm nay, để bây giờ trở về đòi những chuyện khó thế.”

Rồi lấy lại tức thì phong thái nghề nghiệp điêu luyện, mụ đưa ra khoảng nửa tá đề nghị, nhưng toàn là những món hàng đã có người dùng qua. Tôi nhất định không chịu, bảo phải là gái tơ, mà phải có ngay tối nay. Mụ làm bộ sửng sốt hỏi lại:

“Anh tự cho mình là thứ gì mà hách thế.”

Tôi trả lời là chẳng là thứ gì cả, tôi biết cái gì làm được và cái gì không làm được. Tỉnh bơ, mụ bảo là mấy ông giáo chuyện gì cũng tưởng mình biết, mà thực ra chẳng biết chuyện gì. Trên cõi đời này làm gì còn gái trinh, trừ mấy cô nàng sinh tháng tám đúng vào con giáp xử nữ của hoàng đạo. Mà tại sao lại không cho hay trước nhỉ. Tôi bảo chơi đĩ, làm sao mà biết khi nào nổi hứng. Không bao giờ chịu lép vế với đàn ông, mụ nói chịu khó đợi vài bữa mụ sẽ đi lùng. Tôi nghiêm trang bảo:

“Chuyện này ở tuổi tôi, một giờ quý như một năm.”

“Nếu vậy thì dứt khoát là không được”, mụ nói chắc như đinh đóng cột. Nhưng rồi mụ đổi giọng:

“Để xem nào. Đã thế cóc cần, tôi gọi lại anh trong vòng một giờ.”

Tôi không nói ra, nhưng biết rõ từ lâu là mình xấu trai, lại nhút nhát vụng về. Vì luôn luôn mong ước là mình không xoàng xĩnh tầm thường, tôi đã thành công làm ra bộ như mình không hề khiếm khuyết về những mặt này. Mãi cho đến hôm nay tôi mới quyết định tự nhìn bản thân, có sao nhận vậy, ít nhất là để nhẹ nhõm trong lòng. Khởi sự là cú điện thoại bất thường cho Rosa. Tôi lấy sự trung thực làm nguyên tắc cho cuộc sống mới của mình kể từ hôm nay, ở cái tuổi mà người ta phần đông đã chết ngủm.

Tôi ở một ngôi nhà kiểu thuộc địa, phía dãi nắng của công viên San Nicolás. Tôi sống tại đây từ khi lọt lòng mẹ, không vợ, không tài sản; cũng tại đây cha mẹ tôi đã sống và đã mãn phần, và tôi cũng tính sẽ từ giã cuộc đời này trong cô đơn, ngay trên chiếc giường mà tôi lọt lòng mẹ, hy vọng không đau đớn, và trong một ngày còn lâu mới tới.

Cha tôi mua ngôi nhà trong một cuộc đấu giá vào khoảng cuối thế kỷ mười chín. Ông cho một tổ hợp thương mại Ý thuê tầng duới làm tiệm bán xa xỉ phẩm, giữ lại tầng trên để sống những ngày hạnh phúc với ái nữ của một trong những thương gia của tổ hợp. Florina De Dios Cargamentos biết chơi nhạc Mozart, nói được nhiều sinh ngữ, và là người đàn bà đẹp nhất và tài hoa nhất từng sống trong thành phố: người đàn bà này chính là mẹ tôi.

Ngôi nhà rộng thênh thang và đầy ánh sáng, với những vòm cửa cong đắp bằng vữa, sàn lát gạch vuông bàn cờ kiểu Ý, bốn cửa kính lớn mở ra ban-công dài nơi mẹ tôi cùng mấy chị em họ thường ra ngồi ca hát những buổi tối tháng Ba. Từ đấy có thể nhìn ra công viên San Nicolás với nhà thờ lớn, thấy tượng đài Cristobal Colón, và xa hơn nữa thấy giang cảng với những nhà kho cùng chân trời bao la của sông Magdelena hai mươi dặm trước khi tới biển. Bất tiện độc nhất của ngôi nhà là mặt trời trong ngày di chuyển từ cửa sổ này sang cửa sổ khác, và những trưa hè nóng nực nếu muốn ngủ trong bóng râm thì phải đóng kín tất cả lại.

Năm 32 tuổi, còn lại một mình trên đời, tôi dọn vào phòng ngủ của cha mẹ và trổ cửa từ đấy sang phòng sách. Tôi bán đấu giá dần tất cả những đồ đạc không cần thiết để ăn, trừ những pho sách và chiếc đàn dương cầm.

Tôi làm biên tập viên tin điện cho tờ Hoà bình Nhật báo suốt bốn mươi năm qua, việc chính là chụp bắt tin tức thế giới đang di chuyển trong không trung bằng sóng điện hay mật mã, và dịch ra ngôn ngữ địa phương. Việc này đã hết, và tôi sống tạm bằng lương hưu trí nhỏ nhoi của nó; chút hưu trí khác nhờ dạy văn phạm Tây Ban Nha và La Tinh còn nhỏ nhoi hơn, và nhỏ nhoi hơn nữa là lợi tức từ những bài báo chủ nhật tôi đã viết không mệt mỏi hơn nửa thế kỷ nay; và sau cùng kể như không mang lại lợi tức gì đáng kể là những bài bình luận âm nhạc kịch nghệ người ta nể tôi mà đăng, khi tôi viết về những nghệ sĩ nổi danh đi qua thành phố.

Tôi không làm được gì đáng kể ngoài chuyện viết lách, nhưng lại không giỏi cách kể chuyện và hoàn toàn dốt về kỹ thuật dựng kịch. Tôi nhảy vào nghề văn chỉ vì tin tưởng vào nguồn sáng nhờ đã đọc sách suốt đời. Nôm na mà nói, tôi không có tài, bản thân không chút hào quang, chắc chẳng có gì để lại gì cho hậu thế, nếu không có mối tình lớn mà tôi đang ráng ghi chép lại đây.

Hôm đúng chín mươi tuổi, tôi thức giấc như thường lệ vào lúc năm giờ sáng. Vì là thứ Sáu, nên có việc viết cột báo chủ nhật cho tờ Hoà bình. Tảng sáng đã có những báo hiệu không tốt là xương cốt đau nhức và hậu môn xót. Trời lại đổ mưa giông sau ba tháng hạn hán. Tôi tắm rửa, đợi cà-phê ngấm. Rồi tôi rót một tách uống với mật ong, ăn cặp bánh, và mặc áo choàng làm việc vào.

Đề tài hôm ấy tất nhiên là về ngày sinh nhật thứ chín mươi của tôi. Tôi chưa từng nghĩ đến tuổi tác như chỗ mái nhà dột, nhắc nhở cho ta đời sống còn được bao lăm. Thuở thơ ấu tôi nghe kể là có người khi chết, chấy trên đầu sợ hãi chạy trốn ra gối, làm xấu hổ cho cả gia đình. Chuyện ám ảnh đến nỗi tôi cắt tóc ngắn đi học, và lấy xà-phòng tắm chó gội kỹ những cọng tóc lơ thơ còn lại. Bây giờ nhớ chuyện cũ, tôi thấy từ tấm bé tôi sợ mất thể diện hơn là sợ chết.

Tôi đã định từ mấy tháng nay là cột báo chủ nhật này không phải là để than tiếc như thường lệ những năm tháng đã qua, mà ngược lại để vinh danh tuổi già. Tôi bắt đầu bằng cách ôn lại xem mình có ý niệm về chuyện già nua từ bao giờ, và tôi tin rằng cũng mới đây thôi. Năm bốn mươi hai tuổi tôi có đi khám bệnh vì vai đau mỗi khi thở. Bác sĩ bảo không can gì, tuổi này như vậy cũng là bình thường. Tôi hỏi lại: “Vậy thì chuyện bất bình thường là tuổi của tôi chăng.” Ông ta cười như thương hại. Ông ta nói: “Ông bạn có vẻ hiền triết nhỉ.”

Đó là lần đầu tiên tôi liên hệ tuổi tác với già nua, nhưng quên sự việc ngay sau đó. Tôi đã quen với cái đau mỗi khi thức giấc; nó thay đổi vị trí và thể cách với năm tháng, có khi như thần chết đang cào cấu để rồi hôm sau lại tự giảm đi.

Tôi có nghe nói triệu chứng già nua là khi ta bắt đầu thấy giống cha mẹ mình. Nếu vậy, tôi nghĩ mình bị trời phạt là phải trẻ vĩnh viễn, vì cái bán diện mặt ngựa của tôi không bao giờ giống những nét thô tạp thổ dân vùng Caribbe của cha, lại cũng không mang những nét quý phái La Mã của mẹ.

Sự thật là những thay đổi vì tuổi tác xảy ra rất chậm, khó mà ghi nhận. Tự nhìn từ trong ta thấy ta bao giờ cũng vậy, nhưng kẻ khác nhìn từ ngoài vào lại thấy ngay kết quả của thời gian.

Năm năm mươi, tôi bắt đầu tưởng tượng tuổi già là như thế nào, khi bắt đầu có những lúc quên quên nhớ nhớ. Lục lọi khắp nhà để tìm kính, để thấy kính đang đeo trên sống mũi, hoặc đang tắm mà không tháo kính ra, hoặc đeo kính đọc sách chồng lên kính nhìn xa. Có ngày ăn sáng hai lần, vì quên mất đã ăn lần đầu. Có khi thấy bạn bè lúng túng ngượng ngùng vì mình kể lại câu chuyện mới kể tuần trước. Từ đó tôi lập trong đầu hai cuốn sổ, một cho các khuôn mặt quen biết, một cho danh tính từng người, nhưng khổn nỗi lúc hữu sự lại quên tên nào đi với mặt nào.

Sự lão hoá về dục tình không làm tôi bận tâm, vì rằng khả năng của tôi về mặt này không tuỳ thuộc tôi. Nó tuỳ thuộc các bà, vì quý phu nhân khi muốn thì rành rẽ phương cách cũng như nguyên do thành bại. Hôm nay tôi thấy tức cười những cậu mới tám mươi sợ hãi đi khám bác sĩ vì tình dục suy nhược, không biết rằng nó sẽ còn suy nhược hơn nữa ở tuổi chín mươi, nhưng có gì quan trọng đâu: đó chẳng qua chỉ là một trong những bất trắc ở đời.

Đổi lại, cuộc sống toàn thắng vì ông già chỉ hay quên những chuyện tầm phào, nhưng hiếm khi không nhớ những chuyện đáng nhớ. Cicéron đã phóng bút một câu tài tình minh hoạ chuyện này: Không có ông già nào quên chỗ mình giấu của.

Sử dụng những ý trên, tôi viết xong bản nháp đầu của cột báo chủ nhật khi nắng tháng Tám rọi vào những cây hạnh ngoài công viên, và chiếc tàu tải thư chậm đã mấy tuần vì hạn hán bây giờ đang hụ còi tiến vào bãi sông. Tôi nghĩ thế là ngày sinh nhật thứ 90 của mình đang tới.

Tôi không bao giờ hiểu tại sao mà cũng không giả bộ hiểu, nhưng những cảm nghĩ như ma quỷ lúc ấy làm tôi quyết định gọi điện cho Rosa Cabarcas, nhờ mụ giúp tôi khánh thành ngày sinh nhật này bằng một đêm trác táng. Tôi đã sống nhiều năm trong hoà bình thánh thiện với thân xác mình, tận tuỵ đọc lại sách cổ điển mà trước kia đọc không mấy chuyên cần, và nghe lại những chương trình nhạc hay, nhưng lòng dục của tôi hôm ấy khẩn cấp như lời Chúa gọi. Sau cú điện cho tú bà, tôi không ngồi yên nổi để viết tiếp. Mắc chiếc võng trong góc phòng sách nơi nắng sớm không rọi tới, tôi nằm ruỗi người đợi tin, tâm thần căng thẳng, ngực nặng trình trịch.

Ngày xưa tôi đã là đứa con được nuông chiều với bà mẹ có nhiều tài năng thiên phú chết mòn mỏi vì lao vào tuổi năm mươi, cùng với người cha nghiêm khắc cứng cỏi chưa bao giờ chịu nhận mình sai điều gì, sau cùng chết trong cảnh goá bụa chính hôm hiệp ước Neerlandia ký kết chấm dứt cuộc chiến ngàn ngày cũng như bao nhiêu cuộc nội chiến khác của thế kỷ trước.

Hoà bình thay đổi thành phố theo một chiều hướng mọi người không ngờ mà cũng không thích. Một đám phụ nữ không lấy gì làm tiết hạnh tới tụ họp tại các quán rượu đường Ancha, đã đổi tên thành hẻm Abello và bây giờ trở thành xóm Colón, trong cái thành phố thân yêu của tâm hồn tôi mà mọi người ưa thích vì thuần phong mỹ tục của dân chúng và sự trong lành của khí hậu.

Tôi chưa bao giờ ngủ với đàn bà mà không thù lao, và trong vài trường hợp hiếm hoi mà đương sự không thuộc giới chuyên nghiệp, tôi cũng ráng thuyết phục bằng lý hay bằng lực để họ nhận tiền, dù nhận xong có quẳng vào thùng rác cũng được. Năm hai mươi tuổi tôi bắt đầu ghi sổ danh tánh, tuổi tác, nơi chốn, cùng với đôi ba hàng về hoàn cảnh nào mà gặp gỡ và kiểu cọ làm sao. Tới tuổi năm mươi, sổ ghi được năm trăm mười bốn vị nữ lưu đã ngủ với tôi ít nhất một lần. Tôi ngưng việc biên chép khi sức lực đã xuống, và tôi có thể nhớ mà không cần sổ sách. Tôi có nguyên tắc đạo lý của tôi. Tôi không tham dự những vụ cuồng dâm tập thể hay bắt bò lạc nơi công cộng, mà cũng không chia sẻ bí mật hay kể lại những cuộc phiêu lưu thể xác hay tâm hồn với ai, vì từ tấm bé tôi đã biết là không có chuyện vay nào mà không phải trả.

Ngoại lệ độc nhất là mối liên hệ nhiều năm với con sen Damiana chung thuỷ. Gần như một em bé gái, nó dáng dấp thổ dân, khoẻ mạnh và quê mùa; nó ăn nói gần như cục cằn, đi chân đất trong nhà để khỏi làm mất yên tĩnh những khi tôi viết. Tôi nhớ hôm ấy đang nằm võng ngoài hành lang đọc La Lozana Andaluza, tình cờ thấy nó lúi húi trong phòng giặt, chiếc váy quá ngắn để lộ những đường cong mầu mỡ. Như nổi cơn dâm, tôi tới vén váy nó lên, tụt quần lót nó xuống tới mắt cá, và từ sau đâm vào mình nó. “Ối chao ôi là ông chủ ơi”, nó rên lên một tiếng hãi hùng, “cái này không phải để vào mà là để ra”. Toàn thân run lên, nhưng nó vẫn đứng vững. Về sau, tôi xấu hổ vì đã đối xử một cách đáng xấu hổ với con sen. Tôi muốn trả tiền cho nó gấp đôi giá tôi thường trả điếm đắt nhất bấy giờ, nhưng nó không nhận một trinh, và tôi phải tăng lương tính theo giá mỗi tháng một lần, luôn luôn trong khi đang giặt quần áo, và từ sau làm tới.

Có lần tôi nghĩ những chuyện dục tình như vậy có thể dùng làm chất liệu để viết lại cuộc đời lầm lạc khốn khổ của tôi, và tựa cuốn truyện như từ trên trời rớt xuống: Nhớ lại mấy cô điếm buồn.

Còn cuộc sống của tôi dưới mắt mọi người chẳng có gì đặc sắc: mồ côi cả cha lẫn mẹ, độc thân, không tương lai, nhà báo tầm thường, bốn lần vào được chung kết kỳ thi thơ Juegos Florales de Cartagena de Indias, và được các nhà hoạt hoạ yêu thích vì có khuôn mặt xấu xí một cách điển hình. Tóm lại, một cuộc sống lãng phí đã sai lầm từ đầu, kể từ hôm 19 tuổi được mẹ tôi cầm tay dắt đi tới tờ trụ sở tờ Hoà bình Nhật báo để xem họ có muốn in bài phóng sự về đời sống học đường tôi viết trong lớp văn chương. Bài được ra mắt trong số chủ nhật với lời tựa đầy khuyến khích của vị chủ biên. Nhiều năm sau, khi tôi biết là mẹ tôi đã trả tiền cho toà báo để in bài ấy cũng như bảy bài tiếp theo, thì sự việc quá trễ để xấu hổ. Cột báo của tôi đã có thể tự nó bay bổng, và ngoài ra tôi còn được phụ trách mục điện báo kiêm bình luận âm nhạc.

Sau khi đậu bằng cử nhân với hạng cao, tôi bắt đầu dạy văn chương Y Pha nho và La Tinh tại ba trường trung học công lập cùng một lúc. Tôi là một thày giáo xoàng, không có huấn luyện sư phạm, không năng khiếu, không chút xót thương đám học sinh tội nghiệp đến trường chỉ để trốn ông bố độc đoán ở nhà. Chuyện độc nhất tôi làm cho các em là giữ các em dưới kỷ luật sắt của cây thước gỗ, để ít nhất nhờ tôi chúng học được bài thơ tôi tâm đắc:

Hỡi Fabio
những gì ngươi bây giờ trông thấy,
những cánh đồng cô quạnh này
những núi đồi héo úa kia
đã có thời là nước Ý lẫy lừng.

Mãi về già tôi tình cờ mới biết sau lưng tôi đám học trò đã đặt cho tôi hỗn danh là giáo sư “Núi đồi héo úa”.

Cuộc đời chỉ cho tôi chừng ấy, và tôi cũng không tìm cách đòi hỏi gì thêm. Mỗi ngày ăn trưa một mình giữa hai buổi dạy học, và sáu giờ chiều tới toà soạn để chụp bắt những tin tức từ sóng điện hay mật mã bay qua trong không gian. Mười một giờ đêm toà soạn đóng cửa, tôi bắt đầu cuộc sống thực của mình. Tôi vào khu đèn đỏ ngủ mỗi tuần vài lần với những bạn tình khác nhau, nhờ chuyên cần đã hai lần được phong là khách quý của năm. Thường là sau bữa ăn tối tại tiệm Roma, tôi chọn hú hoạ một nhà chứa nào đấy, và vào bằng lối cửa sau cho kín đáo. Đi nhà thổ cốt vì vui thú, vậy mà cũng có dịp hành nghề báo chí, nhờ cái miệng bép xép của mấy tay chính khách có tật chia sẻ bí mật quốc gia với bạn tình một đêm, không ngờ bên kia tấm vách các-tông mỏng là lỗ tai của công luận. Tất nhiên nhờ vậy tôi cũng biết được họ nghĩ gì về mình. Họ cho tôi độc thân là vì đồng tính luyến ái, đêm đêm thoả thích đồng dâm với đám con trai không cha không mẹ của mấy con phố tội lỗi. Tôi bỏ qua chuyện bị nói xấu oan, vì lý do chính đáng là có khi cũng được nghe người ta nói tốt về mình.

Tôi không bao giờ có bạn thân, mấy người có thể gọi là thân lại đang ở Nữu Ước. Nói như vậy có nghĩa là họ đã qua đời, vì tôi cho rằng thành phố này là nơi các linh hồn trì trệ đau khổ tới cư ngụ để khỏi phải nhìn thấy sự thật về cuộc đời đã qua của họ. Từ khi về hưu, tôi rất rảnh, chỉ có việc mỗi chiều thứ Sáu mang bài tới toà soạn cho cột báo chủ nhật, hay những công việc quan trọng khác như thể nghe hoà tấu ở trung tâm văn nghệ, hay ngắm tranh triển lãm ở Hội Mỹ thuật mà tôi đã góp phần sáng lập, hay thỉnh thoảng đi nghe thuyết trình tại Hội Phát huy Cộng đồng, hay dự những buổi trình diễn quan trọng như của Fábregas tại nhà hát Apolo. Hồi còn trẻ, tôi hay đi xem chiếu bóng ngoài trời, nơi có thể cùng lúc ngắm nguyệt thực hay bị sưng phổi vì cơn mưa bất ngờ. Nhưng thật ra phim ảnh không thú vị bằng mấy con chim đêm chịu ăn nằm với giá chỉ bằng tấm vé vào cửa, có khi lại miễn phí hay cho chịu. Điện ảnh không phải món tôi chuộng. Sự thờ phượng thô bạo người ta dành cho Shirley Temple là giọt nước tràn đầy cái bình chịu đựng của tôi.

Cho đến năm ba mươi hai tuổi, tôi mới đi du lịch được tất cả bốn lần để dự thi thơ, và một chuyến đi đò máy đêm khi được Sacramento Montiel mời đi khánh thành nhà thổ của y mới mở ở Santa Marta. Còn đời sống riêng, tôi ăn ít mà cũng dễ ăn. Từ khi Damiana có tuổi và không tới nhà lo bếp núc nữa, chuyện ăn uống hàng ngày của tôi chỉ còn là mấy cái bánh khoai tại tiệm Roma sau khi toà báo đóng cửa.

Như thế trước hôm sinh nhật, đợi Rosa Cabarcas báo tin, tôi đã bỏ ăn trưa và cũng không chú tâm được vào chuyện đọc sách. Ve sầu kêu inh ỏi trong cái nắng hai giờ trưa. Mặt trời di chuyển qua mấy cửa sổ làm tôi phải đổi chỗ mắc võng ba lần. Tôi có cảm tưởng là sinh nhật tôi, thời tiết thường nóng nhất trong năm, và đã quen như vậy, nhưng tâm trạng tôi hôm ấy làm sự chịu đựng còn khó khăn hơn. Đến bốn giờ tôi gắng tĩnh tâm nghe bản đàn Chê-lô của Sebastián Bach do Pablo Casals trình diễn không đệm. Tôi thường cho bản nhạc này hoàn mỹ nhất, nhưng bấy giờ thay vì thư giãn lại làm tôi kiệt quệ hơn. Qua khúc 2 tôi thấy như có gì thiếu thốn, ngủ thiếp đi, và trong mơ tôi lẫn lộn tiếng đàn than van với tiếng còi buồn thảm của con tầu đang rời bến. Có lẽ chính lúc ấy, điện thoại làm tôi thức giấc, và cái giọng đặc biệt của mụ Rosa làm tôi sống lại.

“Thánh nhân đãi khù khờ”, mụ nói. “Tôi kiếm được cho anh một con nhỏ còn khá hơn anh mong ước. Chỉ có vấn đề là nó mới mười bốn.”

Không hiểu ý mụ, tôi nói đùa:

“Tôi không ngại thay tã.”

“Vấn đề không phải cho anh, mà là có chuyện gì thì ai trả cho tôi ba năm tù?”

Tôi nghĩ chẳng ai phải đi tù, nhất là mụ thì lại càng không. Mụ thu dụng em út trong đám trẻ vị thành niên, vỡ lòng cho chúng, vắt chúng khô kiệt cho đến khi chúng tốt nghiệp sang một cuộc sống còn tệ hơn của cô điếm thập thành. Mụ chưa từng trả tiền phạt, vì nhà chứa của mụ là vườn chơi cho chức sắc địa phương, từ ông thống đốc cho đến anh thư ký quèn toà tỉnh. Không ai có thể nghĩ là mụ không có khả năng muốn làm bậy thế nào cũng được. Nên chi những ái ngại cuối cùng của mụ chẳng qua là để moi tiền: chuyện càng có thể phạm pháp thì giá càng đắt. Sự sai biệt thanh toán bằng hai đồng bạc chi thêm vào lệ phí mười đồng, và chúng tôi thoả thuận là tối nay mười giờ, tôi có mặt tại nhà mụ với năm đồng tiền mặt đưa trước. Không được sớm một phút, con bé còn phải cho mấy đứa em ăn, dỗ chúng đi ngủ, và đưa mẹ tàn phế vì tê thấp lên giường.

Còn bốn giờ nữa mới tới lúc hẹn. Trong khi thời gian qua, ngực tôi trào lên nước chua làm cho khó thở. Tôi cố gắng một cách vô hiệu để giúp thời gian qua mau bằng những nghi thức ăn mặc. Tất nhiên là chuyện không có gì đặc biệt đáng ngạc nhiên, dù Damiana nói rằng tôi sửa soạn trịnh trọng với như một vị tổng giám mục. Tôi cạo mặt bằng con dao thẳng lưỡi của thợ cúp chuyên nghiệp. Tôi phải đợi cho nước bị mặt trời hâm nóng trong ống nguội đi, và chỉ cần lấy khăn lau mình là mồ hôi lại nhễ nhại. Tôi ăn diện thích nghi đêm vui này: bộ com-lê trắng, áo sơ-mi rằn xanh cổ hồ cứng, cà-vạt lụa Tàu, giầy ủng ngắn đánh phấn trắng lại cho mới, và chiếc đồng hồ vàng dây móc vào khuyết ve áo. Sau cùng tôi vén gấu quần lên để giấu mình đã lùn đi vài phân vì tuổi già.

Tôi mang tiếng là tằn tiện, vì thấy tôi sống tại nơi đang sống không ai tin rằng tôi nghèo đến thế. Sự thật là phí tổn cho một đêm như đêm nay quả là quá cao cho phương tiện của tôi. Để trả tiền thuê phòng, tôi moi ra hai đồng từ cái rương nhỏ đựng vốn liếng giấu dưới giường, bốn đồng nữa để trả mụ chủ, ba đồng cho con bé, năm đồng để ăn tối và những chi tiêu lặt vặt khác. Nói cách khác, đó là cả tháng lương toà soạn trả tôi để viết cột báo chủ nhật. Tôi cất tiền trong ngăn thắt lưng bí mật, và xức dầu thơm hiệu Lanman & Kemp-Barclay. Ruột tôi thắt lại vì lo sợ. Khi nghe chuông đồng hồ đánh tám giờ, tôi lần mò trong bóng tối xuống thang lầu. Mồ hôi vã ra vì sợ, truớc ngày sinh nhật của mình, tôi bước vào bóng đêm.

Trời đã mát. Đàn ông tụm năm túm ba trên ngõ Colón bàn cãi ồn ào về trận túc cầu, giữa những xe ta-xi đậu ngay trên vỉa hè. Một ban nhạc kèn đồng chơi bản luân vũ dưới khóm cây đang rộ bông. Có cô điếm nhỏ tội nghiệp thường săn mấy ông khách bộ tịch nghiêm nghị trên phố Công Chứng Viên, làm bộ xin tôi điếu thuốc lá thường lệ. Và như thường lệ tôi trả lời: “Tôi bỏ thuốc lá được ba mươi ba năm hai tháng và mười bẩy ngày”. Ngang qua El Alambre de Oro, tôi ngắm gương thấy hình mình khác hẳn với những gì cảm thấy trong lòng, mà già hơn và áo quần xập xệ hơn.

Trước mười giờ một chút, tôi lấy tắc-xi bảo tài xế đưa đến Nghĩa địa Công cộng, hy vọng giấu anh ta tôi đi đâu. Anh ta nhìn tôi ranh mãnh qua gương chiếu hậu và nói:

“Cụ giáo ơi, đừng doạ con như vậy. Con chỉ mong Chúa cho con được khoẻ mạnh như cụ thôi.”

Không có tiền lẻ thối lại, anh ta xuống xe với tôi vào tiệm rượu Nấm Mồ trước nghĩa trang đổi tiền; nơi đây đám say rượu thường tới khóc cho thân nhân quá cố. Thanh toán tiền xe xong, anh tài xế nghiêm trang bảo tôi:

“Ông giáo cẩn thận nhá, nhà mụ Rosa Cabarcas không còn như xưa đâu.”

Tôi chỉ còn nước cảm ơn anh ta, quả thật không có gì dưới gầm trời mà các anh tài tắc-xi xóm Colón không biết. Tôi đi vào hẻm, thấy không còn giống gì cái khu nghèo tôi biết thuở trước. Tuy vẫn là những con đường cũ đầy cát nóng, những ngôi nhà mở sẵn cửa, vách tường bằng ta-bơ-lô trần không trét hồ, mái lợp lá cọ đắng, phía trước trải đá vụn, nhưng dân chúng đã đánh mất cái an tĩnh ngày xưa. Gần như nhà nào sân trước cũng có những cuộc vui chiều thứ sáu loại dữ dằn, trống và phèng la ầm ĩ làm ruột gan bập bùng theo. Có 50 xu, ai muốn vào đâu thì vào, nhưng nếu cứ ở ngoài đường nhảy miễn phí thì cũng tốt thôi. Tôi bước đi, bụng dạ căng thẳng như sợ bị nuốt vào lòng đất. Nhưng chẳng ai để ý đến tôi với bộ đồ công tử, trừ một thằng mọi lai gầy còm đang tựa khung cửa một căn nhà mà ngủ đứng. Hắn la lớn:

“Chúa che chở cho ông giáo. Chúc ông đi bắn súng cho sướng nhá.”

Chỉ còn nước làm thinh mà cảm ơn thằng cha. Leo đến con dốc cuối, tôi đã phải dừng lại ba lần để thở. Từ đỉnh dốc tôi thấy mặt trăng to đỏ như thau đang mọc nơi chân trời, và bụng tôi bất ngờ nôn nao sợ hãi những gì sắp tới. Tới cuối đường, nơi xóm nối tiếp với vườn cây ăn trái, tôi bước vào nhà Rosa Cabarcas.

Mụ thay đổi rất nhiều. Mụ là chủ chứa rất kín miệng, vì vậy mà được nhiều người chiếu cố. Ngày xưa mụ được chúng tôi bầu cho là bà cai cứu hoả, vừa vì thân xác vạm vỡ đẫy đà, mà cũng vừa là khả năng khôn khéo khi dẹp những vụ ồn ào trong cộng đồng. Nhưng cuộc sống đơn chiếc đã làm cho mụ xọp hẳn, da dẻ héo hon và giọng nói khó nghe; sự thay đổi làm mụ giống như một đứa con gái nhỏ bị lão hoá. Tất cả thuở xưa chỉ còn lại bộ răng rất đều rất tốt của mụ, với một chiếc bịt vàng không phải vì sâu mà vì làm dáng.

Mụ để tang rất kỹ cho người chồng chết sau năm mươi năm chung sống, lại đội thêm chiếc mũ đen để tang cho đứa con trai độc nhất thuở sinh thời vẫn đỡ đần mẹ trong những sinh hoạt mờ ám. Chỉ còn đôi mắt sáng và dữ dằn của mụ là vẫn tinh anh, và qua đôi mắt ấy tôi thấy tâm tính mụ cũng vẫn như xưa.

Cửa hàng mụ treo ngọn đèn trần lù mù, trong tủ gần như chẳng có bày hàng hoá gì, dù chỉ để nguỵ trang cho một dịch vụ ai cũng biết mà không nói ra. Rosa Cabarcas đang tiếp một khách hàng khi tôi nhẹ bước đi vào. Không biết mụ không nhận ra tôi thật, hay chỉ vờ vịt. Tôi ngồi xuống chiếc ghế đẩu đợi, và gắng dựng lại trong đầu hình ảnh của mụ ngày xưa. Nhiều lần trong quá khứ khi cả hai chúng tôi còn trẻ trung khoẻ mạnh, mụ đã giúp tôi rũ bỏ một số ảo tưởng của mình. Tôi nghĩ mụ đọc được ý nghĩ tôi, vì mụ bỗng quay lại nhìn tôi rất kỹ. Mụ buồn bã phân bì:

“Thời gian như chừa anh ra.”

Tôi nịnh mụ:

“Nhưng thời gian làm chị trẻ lại.”

Mụ không vừa:

“Thật ra thời gian có làm cho cái mặt ngựa của anh linh hoạt hơn đôi chút.”

Tôi trêu mụ:

“Chắc tại nhờ hay đổi nhà thổ.”

Trở nên hứng chuyện, mụ nói:

“Tôi nhớ ngày xưa anh có cái dùi đục to như của tù khổ sai. Nó có khoẻ không?”

Tôi đánh trống lảng:

“Kể từ xa chị, chuyện độc nhất xảy ra cho tôi là nhiều khi bị xót hậu môn.”

Mụ định bệnh tức thì:

“Chắc tại ít dùng phải không?”

Tôi cãi:

“Chúa sinh nó ra để làm việc gì, thì tôi chỉ dùng vào việc ấy. Nhưng sự thật là tôi bị xót hậu môn đã lâu, vào bao giờ cũng vào ngày trăng tròn.”

Rosa lục trong túi đựng kim chỉ ra một hộp thiếc nhỏ, đựng một thứ thuốc mỡ màu lục có mùi hăng hắc. Mở nắp, mụ nói:

“Bảo con nhỏ lấy ngón tay mà bôi cho anh. Bôi như thế này này”, mụ vừa nói vừa đưa ngón tay trỏ ra, dáng điệu sỗ sàng trắng trợn.

Tôi bảo mụ, nhờ Chúa tôi vẫn giữ gìn được sức khoẻ mà khỏi cần thuốc cao đơn nhà quê của chị. Rosa chế nhạo tôi:

“Ái già, xin lỗi ông giáo nhé. Chẳng qua là sống nhiều nên có kinh nghiệm vậy thôi.”

Và mụ vào chuyện:

“Con bé tới phòng lúc 10 giờ. Nó đẹp đẽ, sạch sẽ, có phép, nhưng sợ chết khiếp vì một con bạn của nó từ Gayra trốn nhà theo một thằng phu bến tàu, băng huyết suốt hai tiếng đồng hồ.”

Mụ cũng ghi nhận rằng, mấy thằng đực rựa vùng Gayra có tiếng là đã chơi, thì lừa cái cũng phải khóc thét lên.

Rồi mụ trở lại chuyện chính:

“Tội nghiệp con bé, vậy mà suốt ngày còn phải đơm khuy trong hãng may.”

Tôi nghĩ đơm khuy áo thì có gì mà vất vả. Mụ bảo:

“Đàn ông thường nghĩ vậy. Nhưng đập đá còn nhẹ hơn.”

Ngoài ra mụ cũng thú thật đã cho con bé uống một liều thuốc ngủ, và hiện tại nó đang ngủ say.

Tôi đã nghi lòng thương hại của mụ nói ra chỉ là ngón xin thêm tiền, nhưng không, mụ bảo bao giờ mụ cũng nhất ngôn. Với mụ, món nào trả món ấy, tiền mặt, đưa trước. Cứ như vậy mà làm.

Tôi theo chân mụ băng qua sân, nhìn mụ da dẻ nhăn nheo, bước đi khó khăn với đôi chân sưng to trong đôi tất dày mà thấy thương hại. Vầng trăng tròn đã tới đỉnh trời, và tạo vật như phủ một làn nước màu lục. Gần tiệm mụ là một rừng cọ nhỏ chánh quyền dùng để tổ chức hội hè cho công chúng, với vô số ghế đẩu bằng da bò và võng mắc vào cột gỗ. Nơi sân sau tiệm, tiếp giáp với vườn cây ăn trái là sáu căn phòng ngủ tường đất sét không trát vôi, cửa sổ giăng vải đay để ngăn muỗi. Phòng độc nhất có thắp đèn lù mù, và giọng ca sĩ Tona la Negra từ radio vang ra bài hát cho những mối tình bất hạnh. Rosa thở dài nói, âm nhạc mà thật như cuộc đời. Tôi đồng ý với mụ, nhưng cho đến bây giờ chưa dám viết ra như vậy. Mụ đẩy cửa bước vào, một lát trở ra và nói:

“Vẫn còn ngủ. Anh nên để cho nó ngủ cho đã, đêm của anh dài hơn của nó.”

Tôi ngạc nhiên vì lời căn dặn:

“Chị nghĩ tôi phải làm gì bây giờ?”

Mụ bình thản:

“Làm gì thì anh phải tự biết lấy thôi. Anh chẳng là ông giáo thông thái sao?”

Mụ xoay lưng bước đi, bỏ tôi lại một mình truớc hoàn cảnh khó khăn.

Không có lối thoát. Tim đập loạn xạ, tôi bước vào căn phòng, thấy trên chiếc giường thuê rộng mênh mông, con bé thư thái nằm ngủ, trần truồng như lúc mới chào đời. Nó nằm nghiêng mặt nhìn ra cửa, ngọn đèn trần chói chang không khoan nhượng chiếu lên thân thể nó. Tôi ngồi lên mép giường ngắm con bé, tất cả giác quan như bị hấp hồn. Người ta đã hoàn tất trên con bé một chương trình vệ sinh và thẩm mỹ kỹ càng, cho đến cả lông háng cũng không bỏ qua. Tóc nó uốn, móng tay móng chân sơn màu tự nhiên, nhưng nước da mần quân có vẻ xù xì và không được thường xuyên chăm sóc. Cặp vú mới mọc trông như vú con trai, nhưng đã có vẻ căng lên vì một năng lực bí mật như sắp bùng nổ. Phần đẹp nhất trên thân thể con bé là đôi bàn chân với những ngón mảnh như ngón tay và có lẽ cũng nhạy cảm như vậy. Dù có quạt máy con bé vẫn đầm đìa mồ hôi, và đêm càng khuya lại càng nóng nực. Không thể đoán ra khuôn mặt nó như thế nào dưới lớp trang điểm khá nặng tay, má trét đầy phấn gạo cùng hai má hồng bệt trên lưỡng quyền, mi lắp lông giả, mí mắt cũng như lông mày một màu đen ướt của thuốc đánh quầng, và cặp môi tô dày thêm bằng son màu chocolat. Tuy nhiên bấy nhiêu hoá trang không che nổi tính nết con bé: cái mũi kiêu kỳ, đôi mày rậm, và cặp môi đa mê. Tôi nghĩ: đúng là con bò tót non.

Mười một giờ, tôi vào nhà tắm sửa soạn, thấy trên chiếc ghế đống quần áo con bé đã gấp gọn với cái ngăn nắp của đứa con gái nhà giàu, gồm chiếc áo dài in bươm bướm, chiếc quần lót rẻ tiền màu vàng và đôi dép bằng xơ đay. Trên đống quần áo là chiếc vòng tay rẻ tiền và sợi dây chuyền mảnh với tượng Đức Mẹ đồng trinh. Trên vành bồn rửa mặt là chiếc ví với thỏi son, thuốc má hồng, chiếc chìa khoá, và ít tiền lẻ. Mọi thứ xoàng xĩnh và cũ mòn, tôi khó tưởng tượng có ai nghèo như nó. Tôi cởi quần áo, cẩn thận treo lên giá để chiếc sơ-mi lụa khỏi nhăn, và bộ com-lê khỏi mất nếp. Tôi đi tiểu trong thế ngồi như mẹ đã dạy để khỏi văng vãi ra xung quanh, và không muốn khoe khoang, tôi nghĩ tôi đái mạnh và liên tục như con ngựa non. Khi rời phòng tắm, tôi ngắm mình trong gương. Con ngựa từ trong gương nhìn lại không phải là chết hẳn mà thê thảm, da cổ chảy xuống như bị, mí mắt húp híp, mái tóc nghệ sĩ năm xưa chỉ còn lưa thưa vài sợi. Tôi nói với con ngựa:

“Cục c., nếu mày không thích tao thì tao cũng đành chịu.”

Tránh không đánh thức con bé, tôi ngồi xuống giường, trần truồng. Mắt đã quen với ánh sáng hồng lừa dối, tôi ngắm lại con bé từng ly từng tý. Tôi lấy đầu ngón tay trỏ vuốt nhẹ cái gáy ướt của nó. Con bé rùng mình như một dây đàn bị gảy, làu bàu lăn lại phía tôi, và hơi thở chua chua nó toả ra bao trùm lấy tôi. Tôi bóp mũi nó, con bé quay đầu né tránh, xoay lưng lại mà vẫn không thức giấc. Tôi bỗng nổi hứng, lấy đầu gối toan banh cặp chân nó. Hai lần đầu nó dùng sức chống lại. Tôi hát khẽ vào tai nó: Cái giường của bé Delgadina có thiên thần bao quanh. Nó thư giãn đôi chút. Mạch máu tôi nóng bừng bừng, và con vật chậm chạp đã về hưu của tôi bỗng thức dậy từ giấc ngủ dài bấy lâu.

Tôi lo lắng năn nỉ nó:

“Delgadina yêu dấu, linh hồn của ta…”

Con bé rên lên môt tiếng rùng rợn, thoát ra khỏi cặp đùi tôi, quay lưng lại và cuốn tròn như con ốc. Liều thuốc ngủ không những hiệu nghiệm với nó, mà hoá ra cũng hiệu nghiệm với tôi, vì rằng không có chuyện gì xảy ra cho cả hai. Nhưng không sao. Tôi tự nhủ, đánh thức nó dậy nào có ích gì, khi trong lòng tôi cảm thấy hổ thẹn, buồn bã, và hiện tại thì lạnh như con cá chết.

Có tiếng chuông mười hai giờ đêm, âm thanh rành rọt rõ ràng, báo hiệu ngày 29 tháng tám, ngày của thánh Marinio de San Juan Bautista. Có ai khóc ầm ĩ ngoài đường, mà không ai thèm để ý. Tôi cầu nguyện cho y, nghĩ rằng chắc y cần cầu nguyện, và cũng cho chính tôi, tạ ơn cho những lợi lạc nhận được. Tôi đọc câu kinh: Không, đừng tự lừa dối mình, nghĩ rằng những điều mong ước sẽ bền hơn những điều đã thấy. Con bé rên trong giấc mơ, và tôi cũng cầu nguyện cho nó: mọi chuyện rồi cũng phải như thế mà trôi qua. Rồi tôi tắt đèn, tắt radio đi ngủ.

Tôi thức giấc lúc còn khuya, không nhớ ra mình đang ở đâu. Con bé tiếp tục ngủ, cuộn tròn co quắp, lưng xoay lại tôi. Tôi có cảm tưởng mơ hồ là thấy nó thức giấc trong đêm và nghe tiếng tháo nước nhà tắm, nhưng cũng có thể nằm mơ mà thấy và nghe như vậy.

Kinh nghiệm vừa qua mới lạ cho tôi. Không biết cách chinh phục phái nữ, tôi thường chọn bạn gái một đêm tuỳ theo may rủi, vì giá cả hơn vì duyên dáng, và làm tình mà không cần có tình, với người nữ thường thường quần áo chưa cởi hết và luôn luôn trong bóng tối để tôi có thể tưởng tượng là bạn tình đẹp đẽ hơn.

Đêm nay, tôi được hưởng cái thú vui mới bất ngờ, là chiêm ngưỡng thân thể đàn bà đang ngủ, không có cái lụp chụp khẩn cấp của dục vọng phá rầy, mà cũng không bị trở ngại vì tính hay xấu hổ của bản thân.

Tôi thức giấc lúc năm giờ sáng, thấp thỏm vì cột báo phải nạp cho phòng biên tập trước mười hai giờ trưa. Tôi đi cầu đúng giờ như thường lệ, vẫn cái xót hậu môn những hôm trăng tròn, nhưng khi giựt nước thì những phiền muộn trôi tuột xuống cống.

Khi trở vào phòng, mát mẻ và quần áo chỉnh tề, tôi thấy con bé nằm ngang giuờng mà ngủ trong nắng mai êm dịu, cánh tay dang ra như hình thánh giá, hoàn toàn làm chủ cái trinh tiết của mình. Tôi nói với nó, “Xin Chúa che chở bảo vệ cho bé”. Còn bao nhiêu tiền trong túi, phần nó và phần tôi, tôi lấy ra để trên gối, và tôi hôn cái hôn từ biệt lên trán nó. Nhà thổ lúc bình minh yên tĩnh an bình, có thể ví với thiên đàng cũng không sai lắm. Tôi đi bằng cửa sau để khỏi gặp ai. Lúc xuống đến mặt đường nóng bỏng, tôi bỗng cảm thấy tất cả gánh nặng của chín mươi năm tuổi đời, và tôi đếm từng phút từng phút của những đêm còn lại trước khi chết.


2.

Tôi viết cuốn hồi ký này với những gì còn sót lại trong thư phòng cha mẹ tôi để lại, mấy giá sách mọt gặm năm này qua năm khác tưởng đến lúc sắp sụp xuống; bộ tự điển đủ loại; hai pho đầu của bộ Episodios Nacionales do Benito Pérez Galdós soạn; và cuốn La Montana Magica để hiểu những cơn vui buồn bất bình thường vì bệnh lao của mẹ tôi. Chỉ chừng ấy là đủ để tôi làm nốt những chuyện còn phải làm trên đời này.


Khác với những đồ đạc khác, và khác với cả bản thân tôi, chiếc bàn giấy lớn xem ra càng ngày càng tốt hơn với thời gian; nó được ông nội tôi, nguyên thợ chuyên đóng tầu chế tạo bằng gỗ quý. Dù cần viết hay không, sáng nào tôi cũng thu xếp bàn giấy thật ngay ngắn, với cái kỹ lưỡng tỷ mẩn đã làm tôi lỡ mất bao nhiêu mối tình trong quá khứ. Ngang tầm tay là những pho sách tâm đắc: hai cuốn tự điển có minh hoạ của Viện Hàn lâm Hoàng gia in năm 1903; cuốn Ngữ vựng đồng nghĩa của tiếng Tây Ban Nha do Sebastián de Covarrubias soạn; cuốn văn phạm của Andrés Bello vô cùng cần thiết khi đang viết mà gặp điều gì nghi ngại; cuốn Tư tưởng tự vị tân biên của Julio Cesares; cuốn Ngữ vựng Ý văn của Nicola Zingarelli để giúp tôi hiểu tiếng mẹ đẻ đã học từ lúc nằm nôi, và sau hết, cuốn Tự điển La-tinh, vì gốc nguồn của hai ngôn ngữ Ý và Tây Ban Nha nên được coi như của đất nước tôi.

Bên trái bàn viết, tôi luôn luôn có sẵn năm trang giấy khổ văn phòng dành cho cột báo chủ nhật, cùng với cái sừng đựng cát mịn mà tôi thích dùng hơn là giấy thấm kiểu mới. Bên phải là bình mực và giá bút gỗ balsa nhẹ để gác những cây bút vàng, vì tôi vẫn viết bằng kiểu chữ hoa mỹ mẹ dạy, thay vì viết theo kiểu chữ hành chánh của cha tôi, một công chứng kiêm kế toán viên cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng. Có thời toà báo ra lệnh cho chúng tôi viết bằng máy chữ để tiện in ấn, nhưng tôi không bao giờ chịu tập thói xấu ấy. Bây giờ tôi vẫn viết tay trước rồi mới chuyển sang máy chữ bằng lối gà mổ, nhờ đặc quyền của người nhân viên già nhất. Hôm nay, về hưu nhưng chưa chịu thua cuộc, tôi lại hưởng thêm cái đặc quyền thiêng liêng là viết ở nhà, điện thoại tháo ra để khỏi bị quấy rầy, và cũng không có kiểm duyệt viên tới ám sau lưng.

Tôi sống không chim không chó không người giúp việc, ngoại trừ Damiana trung thành vẫn còn cứu tôi khỏi những khó khăn gia chánh bất ngờ. Người gia nhân cũ tiếp tục tới hàng tuần làm những việc cần thiết, mặc dù thị cũng không khỏe gì, mắt đã yếu mà tinh thần cũng không còn lanh lợi như trước.

Mẹ tôi lúc sắp qua đời trên giường bệnh năn nỉ tôi lập gia đình khi còn trẻ cùng với một phụ nữ da trắng, ít nhất phải có ba đứa con trong đó một con gái sẽ mang tên bà mà cũng là tên của bà ngoại và mẹ của bà ngoại. Tôi có ý định làm theo lời mẹ dặn, nhưng chẳng may lại cứ nghĩ là tuổi trẻ co giãn và không bao giờ quá trễ để thi hành lời hứa.

Một buổi trưa nóng nực trong tư thất gia đình Palomares de Castro tại vùng Pradomar, tôi mở lầm một cánh cửa và bắt gặp cô gái út của họ tên là Ximena Ortiz đang cởi truồng ngủ trưa. Đang xoay lưng ra ngoài, cô gái vụt quay đầu lại nhìn tôi, nhanh đến nỗi tôi trốn không kịp.

“Ấy chết, tôi xin lỗi…”

Cổ còn nghẹn, tôi phải khó khăn mới nói nên lời. Cô mỉm cười quay cả mình ra ngoài duyên dáng như con hoãng, phô bày toàn thân cho tôi thấy. Tính chất riêng tư của cô gái cởi truồng trùm lấy toàn thể căn phòng. Thật ra cô không hoàn toàn trần truồng, mà có để bông hoa độc cánh vàng trên vành tai như trong tranh Olympia của Manet, tay phải đeo vòng vàng, và cổ đeo một chuỗi hạt trai nhỏ. Lúc ấy tôi nghĩ không thể có gì còn khêu gợi hơn trên đời, và sống đến hôm nay tôi tin là tôi đã không nghĩ sai.

Tôi đóng mạnh cửa lại, lúng túng vì đã lầm cửa, và quyết định sẽ quên cô ta đi. Nhưng Ximena Ortiz không để cho tôi quên. Nhờ mấy người bạn chung, cô gửi cho tôi những lá thư tình khiêu khích, đe doạ, tàn nhẫn, đồng thời loan tin chúng tôi say mê nhau như điên như dại, dù chúng tôi không trao đổi lấy một lời. Không cách nào có thể khước từ cô. Cô gái có đôi mắt mèo hoang, có tấm thân dù mặc quần áo hay cởi truồng cũng đều quyến rũ, có mái tóc dầy vàng chói toả ra mùi hương đàn bà làm tôi đêm đêm như điên dại vì tình mà phát khóc trên gối. Tôi biết sự quyến rũ ma quái này sẽ không bao giờ trở thành tình yêu, nhưng nó ám ảnh đến nỗi mỗi lần gặp bất kỳ người con gái mắt xanh nào tôi cũng muốn giải quyết trên người ta sự khao khát mà cô đã khêu gợi lên trong tôi. Không dập tắt nổi ngọn lửa bừng bừng trong lòng mỗi khi nhớ lại cái giường của ngôi nhà Pradomar, tôi đành đầu hàng, hỏi cô làm vợ, trao nhẫn cho cô, và định cử hành đám cưới trước lễ Pentecostés.

Tin này nổ lớn trong xóm đèn đỏ cũng như những nơi giao tế sang trọng. Mới đầu người ta cho là chuyện dỡn, nhưng về sau các vị nữ lưu thông thái lại lấy làm phật lòng, vì họ coi hôn nhân là một định chế khôi hài hơn là thiêng liêng. Lễ hứa hôn của tôi theo đúng nghi thức Gia Tô, được tổ chức trên sân nhà nàng với vô số phong lan Amazon và thiên tuế trồng trong các chậu treo. Tối hôm đó tôi tới nhà nàng lúc bảy giờ, diện bộ đũi trắng, mang theo kẹo chocolat Thuỵ Sĩ và hạt thuỷ tinh làm bằng tay, chuyện trò với nàng nửa bằng thứ ngôn ngữ thường nửa bằng mật hiệu cho đến mười giờ, dưới sự chứng giám của dì Argénida, người đàn bà chớp mắt đã ngủ gật như nhân vật tiểu thuyết thời ấy.

Chúng tôi càng quen nhau hơn, Ximena lại càng háu ăn về tình dục. Khi nắng tháng sáu đem cái nóng về, cô sẵn sàng nới lỏng xiêm y, ai nhìn vào sẽ dễ dàng tưởng tuợng sức công phá mãnh liệt của cô trong bóng râm sau làn cửa khép. Hứa hôn được hai tháng, chúng tôi không còn gì để nói với nhau. Không cần lời, cô nêu lên đề tài con cái bằng cách đan móc những chiếc giày bằng len thô cho trẻ sơ sinh. Là vị hôn phu dễ bảo, tôi học đan móc với cô, và cứ như thế những ngày giờ chờ cưới vô dụng trôi qua, chàng đan giày xanh con trai nàng đan giày hồng con gái để xem ai đoán trúng, cho đến khi đủ giày cho hơn năm chục hài nhi. Rồi khi đồng hồ điểm mười giờ tối, tôi nhảy xe ngựa đến xóm đèn đỏ để sống cái đêm trung thực của mình trong hoà bình với Chúa.

Tiệc giã từ đời trai độc thân tổ chức cho tôi tại xóm đèn đỏ thật trái ngược với buổi chiều ngột ngạt tại hội quán trưởng giả. Sự trái ngược giúp tôi biết mình thuộc về thế giới nào. Tôi có ảo tưởng thuộc về cả hai, tuỳ theo lúc, vì dù đứng từ phía nào tôi cũng nuối tiếc thấy phía kia rời xa tôi, não ruột như tiếng còi hụ của hai con tàu di chuyển ngược chiều trên biển cả. Buổi khiêu vũ đêm trước hôm cưới tại quán ruợu có tên Uy quyền của Chúa có tiết mục cuối cùng xứng đáng cho một tu sĩ tu đạo dâm, với toàn thể nữ nhân viên nhà hàng trùm mặt và cài hoa vàng để cùng kết hôn với tôi trong một lễ cưới tập thể. Quả là một đêm không thánh thiện với hai mươi hai người đàn bà thề sẽ yêu đương và phục tòng tôi, và tôi hứa lại sẽ chung thuỷ và săn sóc các cô mãi mãi cho đến bên kia nấm mồ.

Tôi thao thức như linh tính một chuyện gì vô phương cứu vãn sắp xảy ra. Từ nửa đêm về sáng, tôi bắt đầu đếm thời gian qua chiếc đồng hồ của đại giáo đường, canh thời điểm khủng khiếp là bảy giờ đúng phải có mặt tại nhà thờ. Điện thoại reo lúc tám giờ, dai dẳng không ngưng, kéo dài hơn tiếng đồng hồ. Không những tôi không dám trả lời, mà còn nín khe không dám thở. Gần mười giờ, có ai tới trước nhà, mới đầu đập cửa, về sau la hét, giọng quen thuộc rất khả ố. Có lúc tôi sợ đương sự đạp đổ cánh cửa mà vào, nhưng tới mười một giờ yên lặng trở lại cho ngôi nhà như cái êm ả sau bão tố. Rồi tôi khóc cho cô ấy mà cũng khóc cho tôi, và với hết lòng thành kính tôi cầu nguyện để hai chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau. Có lẽ có ông thánh nào đó chỉ nghe lời cầu xin của tôi nửa chừng, vì cô ấy rời khỏi xứ ngay hôm ấy để hai mươi năm sau lại trở về với bảy đứa con lẽ ra là con của tôi.

Sau sự cố, tôi phải khó khăn mới giữ được việc làm và tiết mục chủ nhật tại toà soạn Hoà bình nhật báo. Nhưng không phải đây là lý do họ chuyển bài của tôi xuống trang 11, mà vì tốc độ chóng mặt của thế kỷ hai mươi. Hai chữ “tiến bộ” trở thành huyền thoại của thành phố. Mọi chuyện đổi thay; phi cơ lượn trên trời, và một hành khách lôi ra từ chiếc Junker một bị đựng đầy thư, và thế là bưu điện hàng không được phát minh.


Chỉ có một thứ không thay đổi là cột báo của tôi. Giới trẻ tấn công nó như một xác ướp từ thời cổ đại cần phải phá huỷ, nhưng tôi vẫn viết với phong cách cũ, không nhượng bộ, chống lại không khí cải cách. Tôi không chịu nghe ai. Các biên tập viên trẻ đặt điều nọ kia để chế riễu cột báo đã bốn mươi tuổi. Vị chủ biên gọi tôi vào ra lệnh phải theo trào lưu mới. Nghiêm nghị, ông ta nói như một chân lý mình mới khám phá là trái đất tiếp tục tiến tới trong tiến bộ. Tôi trả lời đúng, trái đất tiến tới chứ, nhưng bao giờ cũng trở lại quay xung quanh mặt trời.

Tôi được lưu dụng vì họ không kiếm được ai khác cho chân biên tập điện báo. Bây giờ thì tôi biết mình có lý, và tại sao. Những người trẻ thế hệ tôi tham lam vì cuộc sống, quên cả xác lẫn hồn rằng tương lai đầy ảo tưởng, cho đến khi thực tế dạy cho họ rằng ngày mai không như họ mơ ước. Bấy giờ họ mới khám phá ra quá khứ và hoài niệm. Đó là vị trí những bài chủ nhật của tôi bây giờ, những bảo vật khảo cổ kiếm ra được từ những phế tích cũ, và người ta ghi nhận rằng chúng không phải chỉ dành cho người già mà còn cho người trẻ không sợ già. Nên chi cột báo trở lại mục quan điểm, có khi lại còn được in ngay trang nhất.

Ai hỏi tôi tại sao không lấy vợ, câu trả lời thành thật là tại quá bận rộn với các cô điếm. Tuy nhiên, tôi phải ghi nhận rằng tôi chưa bao giờ giải thích như vậy cho đến hôm sinh nhật thứ 90 khi từ nhà Rosa Cabarcas về với quyết định là sẽ không bao giờ thách thức số phận nữa. Tôi cảm thấy mình thành một con người khác. Tôi bực mình vì đám đông nhếch nhác đang đứng tựa hàng rào sắt bao quanh công viên.

Tôi gặp Damiana đang bò xuống chùi sàn nhà phòng khách, nét trẻ trung của cặp đùi ở tuổi ấy làm cái rung động thời xưa trở về. Chắc Damiana cũng cảm thấy điều tôi đang nghĩ nên kéo váy xuống. Không đừng được, tôi hỏi:

“Damiana đang nhớ chuyện gì đấy?”

Damiana trả lời:

“Cháu chẳng nhớ gì cả, nhưng khi ông hỏi thì cháu bỗng nhớ lại.”

Ngực nặng trề trề, tôi nói:

“Tôi chưa yêu ai bao giờ.”

Damiana ngần ngại rồi nói:

“Cháu thì có.”

Và người đàn bà nói tiếp, tay vẫn chùi nhà:

“Vì ông mà cháu khóc suốt hai mươi năm qua.”

Tim tôi lỡ một nhịp. Tôi tìm một lối ra:

“Chúng mình lẽ ra có thể đã thành một cặp tốt đôi.”

Damiana nói:

“Bây giờ mà nói chuyện này ra thật là không phải, ông có còn gì để cho cháu nữa đâu, dù chỉ là một sự an ủi.”

Khi ra khỏi nhà, Diamina nói với trở lại:

“Chắc ông không tin, nhưng cháu vẫn còn trinh, lạy Chúa.”

Lát sau, tôi khám phá ra người đàn bà đã bày những bình hoa hồng đỏ khắp nhà, và để một tấm các sai chính tả trên gối tôi: “Chúc ông sống đến chăm tuổi”.

Miệng đắng, tôi ngồi xuống viết nốt bài báo hôm qua bỏ dở nửa chừng. Tôi viết một hơi chưa đến nửa giờ đã xong. Tôi đã “vặn cổ con thiên nga” như có nhà thơ Mễ Tây Cơ từng nói, không cho ai thấy mình rơi lệ viết thẳng từ gan ruột ra. Trong ngẫu hứng lúc viết gần xong, tôi kết luận bằng lời báo tin rằng, với bài này tôi sung sướng chấm dứt một sự nghiệp dài mà không cần phải chấm dứt sự sống.

Tôi dự tính sẽ để bài báo nơi bàn giấy cô thư ký tiếp tân rồi bỏ về nhà. Nhưng dự tính không thi hành được, vì toàn thể nhân viên đang đợi chúc mừng sinh nhật tôi. Toà báo đang trùng tu, thang bày khắp nơi, bụi bặm cùng vật liệu xây cất văng vãi tứ tung, nhưng người ta đã tạm ngưng công tác để làm tiệc. Đồ uống để chúc mừng bày đầy trên một chiếc bàn thợ mộc cùng với những gói quà đủ màu sắc. Đèn máy ảnh làm tôi chói mắt khi người ta chụp liên tiếp những tấm hình lưu niệm.

Tôi lấy làm vui khi thấy nhân viên vô tuyến và phóng viên các tờ báo khác trong tỉnh đều có mặt đông đủ; El Herado, tờ tin sáng cấp tiến, và El Nacional, tờ tin chiều có xu hướng giật gân thường cố gắng làm trật tự công cộng bớt căng thẳng với những phơi-ớt-tông uớt át. Phóng viên nhiều phe cùng tới không phải là chuyện lạ, vì trong tinh thần thành phố này, thân tình giữa binh lính luôn luôn là chuyện dễ coi, trong khi các sĩ quan có thể đánh phá nhau bằng những trận chiến bỉnh bút.

Tuy không phải giờ làm việc, Jerómino Ortega, viên chức chính quyền lo kiểm duyệt cũng có mặt. Chúng tôi thường gọi y là Con người khiếp đảm của lúc chín giờ, vì đêm đêm y thường tới toà báo đúng vào giờ ấy cùng với cây bút đỏ như máu. Y ở lại cho đến khi chắc chắn không còn một chữ nào không bị kiểm tra trong số báo sáng hôm sau. Y có ác cảm riêng với tôi, có thể vì bộ điệu chuyên gia văn phạm của tôi, mà cũng có thể vì tôi hay dùng những từ Ý mà không bỏ chúng vào ngoặc kép hay đổi thành chữ nghiêng, vì nghĩ để nguyên như vậy chúng tạo ấn được tượng mạnh hơn, và cũng vì hai ngôn ngữ giống nhau như anh em song sinh nên có dùng qua mượn lại cũng là điều phải. Sau khi chịu đựng suốt bốn năm ròng, sau cùng chúng tôi chấp nhận y như một điều gì bất ưng trong chính lương tâm mình.

Các cô thư ký mang vào phòng khách chiếc bánh với chín mươi ngọn nến đã thắp, làm lần đầu tiên trên đời tôi phải đối diện với số tuổi của mình. Tôi phải nuốt nước mắt khi họ hát lời chúc tụng sinh nhật, và tôi bỗng vô cớ nhớ tới đứa con gái tối hôm trước. Không phải vì giận trách gì nó, mà vì một thứ thương hại muộn cho một sinh vật tôi đã nghĩ không bao giờ mình có ngày nhớ lại.

Rồi đến lúc người ta đưa tôi con dao để cắt chiếc bánh sinh nhật. Sợ bị riễu, không ai chịu ứng khẩu một bài diễn văn. Còn tôi, thà chết còn hơn phải đáp từ như vậy. Để chấm dứt cuộc vui, anh chủ biên, một người tôi không có nhiều thiện cảm, đưa tôi về thực tại một cách tàn bạo. Anh hỏi:

“Này bậc trưởng thượng chín mươi, bài của cụ đâu?”

Sự thật là suốt buổi tiệc, bài viết của tôi nóng bỏng như hòn than hồng trong túi áo, nhưng vì tràn trề cảm động với lễ sinh nhật người ta làm cho mình, nên tôi không có bụng dạ nào nỡ phá niềm vui bữa liên hoan bằng cách báo tin mình xin từ chức.

Tôi nói:

“Lần này thì khất.”

Anh chủ biên bực mình với sự thiếu sót chưa hề xảy ra từ thế kỷ trước.

Tôi cắt nghĩa:

“Làm ơn thông cảm cho một lần. Đêm qua tôi khó ở nên sáng nay thức dậy vô cùng mệt mỏi.”

Anh khôi hài với cái chua cay thường lệ:

“Lẽ ra cụ có thể viết về chính chuyện ấy. Độc giả chắc thích được người có kinh nghiệm bản thân cho biết cuộc sống như thế nào vào tuổi chín mươi.”

Cô thư ký ranh mãnh nhìn tôi và nói xía vào:

“Chắc là đêm qua cụ có chuyện bí mật thú vị lắm. Đúng không nào?”

Mặt tôi nóng bừng. Tôi nghĩ, cơ khổ chưa, cái tính dễ đỏ mặt này thật là hay phản bội ta. Một cô khác đưa ngón tay chỉ chỉ vào tôi. Cô trêu:

“Kỳ diệu thay, ông cụ vẫn chưa hết lẳng, vẫn còn biết đỏ mặt đấy.”

Sự rắn mắt của cô gái làm cho tôi đã đỏ mặt lại càng đỏ mặt thêm.

Cô đầu tiên nói:

“Chắc phải là một đêm trời long đất lở. Đáng thèm thay.”

Và cô hôn tôi lên mặt. Mấy tay thợ ảnh nhào tới.

Lúng túng, tôi đưa bài cho anh chủ biên, nói rằng lúc nãy tôi nói chơi là không viết xong, và vụng về rút lui giữa tiếng vỗ tay của mọi người để khỏi phải hiện diện khi họ khám phá tôi nạp đơn xin từ chức sau nửa thế kỷ khổ sai.

Tối hôm ấy về nhà tôi vẫn còn xúc động khi ngồi mở các gói quà. Đám sắp chữ lại chọn sai, cho tôi thêm chiếc bình cà-phê mới giống như hai chiếc cũ đã nhận được những hôm sinh nhật trước. Đám đả tự viên cho tôi giấy phép để lãnh một con mèo tại sở phú-de đô thành. Ban quản trị cho tôi một món tiền thưởng tượng trưng. Mấy cô thư ký cho tôi ba cái quần lót lụa có in vô số hình môi hôn và một lá thư rằng nếu tôi muốn, các cô xin tình nguyện tới cởi chúng ra. Tôi chợt nghĩ một trong những thú vị của tuổi già là những khiêu khích mà đám con gái trẻ tự cho phép, chúng bạo như vậy là vì nghĩ rằng tôi không còn làm ăn được gì nữa. Không biết ai tặng tôi cái đĩa nhạc Chopin do Stefan Askenase trình diễn. Phần đông các biên tập viên tặng tôi mấy cuốn sách thời thượng.

Tôi chưa mở xong các gói quà thì Rosa Cabarcas gọi, với câu hỏi tôi không muốn nghe:

“Anh có chuyện gì với con bé con thế hử?”

Tôi nói mà không nghĩ:

“Chẳng có chuyện gì cả.”

“Anh không thèm đánh thức nó dậy, vậy mà cho là không có chuyện gì sao? Đàn bà không tha thứ cho ai mới gặp đã coi rẻ họ.”

Tôi cãi lại rằng, có lẽ con bé sợ nên vờ ngủ say, vì ban ngày chỉ có việc đơm khuy áo, không lẽ mệt đến thế. Mụ bảo:

“Chỉ có chuyện quan trọng là nó tưởng anh không còn làm ăn gì được nữa, và tôi không thích nó đi rêu rao với tất cả mọi người.”

Tôi không cho mụ cái thú nghĩ rằng mụ làm tôi bất ngờ. Tôi nói:

“Dù có thật như vậy, nhưng tình trạng con bé bết bát quá, ngủ hay thức cũng chẳng được việc gì. Lẽ ra chị cho nó vào nhà thương là đúng nhất.”

Mụ xuống giọng:

“Lỗi hay phải chẳng qua là tại gấp gáp quá, nhưng đã có cách chữa, rồi anh coi. Để tôi hỏi chuyện lại con bé. Nếu quả như vậy thì bắt nó trả lại tiền. Anh nghĩ sao?”

Tôi nói:

“Thôi bỏ đi. Chuyện không có đáng gì. Và ngược lại, sự việc kể như bằng chứng là tôi hết thích hợp với những vụ như vậy. Về ngả này, con bé có phần đúng: tôi không còn làm ăn được nữa.”

Tôi gác máy, với cảm nghĩ sung sướng chưa bao giờ có trong đời, là sau cùng mình được giải phóng khỏi ách nô lệ của cái bản năng đã chi phối mình từ tuổi mười hai đến giờ.


I II III

Tác giả Gabriel García Márquez sinh năm 1928 ở Aracataca, Columbia. Ông từng theo học ngành Luật nhưng đã sớm bỏ dở để theo nghề báo. Với tư cách là phóng viên, ông đã từng có mặt ở nhiều thành phố châu Âu, Trung Mỹ và Bắc Mỹ. Ông viết phóng sự, kịch bản phim, truyện ngắn, tiểu thuyết và hồi kí. Ông được xem là tác giả quan trọng nhất của dòng văn học hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh. Với tiểu thuyết Trăm năm cô đơn (Cien años de soledad, 1967), ông được trao giải Nobel văn chương (1982).

Tác phẩm Phần lớn tác phẩm của Gabriel García Márquez đã được dịch ra tiếng Việt, trong đó đáng kể nhất là: Trăm năm cô đơn (Cien años de soledad, Nguyễn Trung Đức dịch), Tình yêu thời thổ tả (El amor en los tiempos del cólera, Nguyễn Trung Đức dịch), Ngài đại tá chờ thư (El general en su laberinto, Nguyễn Trung Đức dịch), Sống để kể lại (Vivir para contarla, hồi ký, Lê Xuân Quỳnh dịch).

Tiểu thuyết Memoria de mis putas tristes được giới thiệu trên talawas lần này cũng đã có một bản dịch tiếng Việt: Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, Lê Xuân Quỳnh dịch, Nxb. Tổng hợp TP HCM, 2005.

Dịch giả Mai Kim Ngọc gốc Nam Định, tên thật là Vũ Đình Minh, học trung học phần đầu tại khu IV và phần cuối tại Quốc học Huế. Ông học y tại Sài Gòn, sau 2 năm quân dịch trong ngành y tế sang Mỹ học hậu đại học tại Georgetown University, rồi dạy và khảo cứu y khoa tại University of California cho đến khi về hưu mới đây. Về y học ông có khoảng 100 báo cáo đăng tải trên các nguyệt san nghề nghiệp như (Amer. J. Respiratory Disease, European J. of Applied Physiology, Chinese J. of Medicine,…). Về văn học, ông là tác giả của những tác phẩm: Một chút riêng tư, Thuyền nhân, Bạn văn, Muôn kiếp cô liêu, Nụ tầm xuân, Trong phòng hồi sinh, Nước mắt chảy xuôi... và dịch Lỗ Tấn và Kawabata từ bản Pháp văn và Anh văn, Gide từ nguyên bản, Pablo Néruda từ nguyên bản, Raymond Carver và O. Butler từ nguyên bản, Coetzee từ nguyên bản, Harold Pinter từ nguyên bản…

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài