talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến



Lời người dịch cho bản in tiếng Việt lần thứ ba

Năm 2006, Mikhail Bulgakov, một trong những nhà văn lớn nhất và kì bí nhất của nước Nga, tròn 115 tuổi.

Hành trình cuộc đời, hành trình văn chương của ông trên dưới trăm năm đầy gian nan thăng trầm nhưng hướng về bất tử, như lời khẳng định của một nhà văn Nga: "Bulgakov - nhà văn đang sống và sẽ sống chừng nào còn tồn tại văn học Nga". Hơn thế nữa, mối quan tâm đối với sự nghiệp sáng tác của Bulgakov mỗi ngày một tăng ở Nga và ở nhiều nơi trên thế giới, hầu hết tác phẩm của ông liên tục được in, tái bản, dịch, dựng phim... Xuất hiện ngày càng nhiều những công trình nghiên cứu "Bulgakov học". Ông là một trong số rất ít nhà văn ở Nga được làm "Bách khoa toàn thư"; và đặc biệt, Bulgakov có lẽ là một trong những nhà văn có tác phẩm được đưa lên và được đọc nhiều nhất trên mạng Internet.

Nghệ nhân và Margarita là cuốn tiểu thuyết lớn nhất của M. Bulgakov, một trong những đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ Nga. Tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Việt hai mươi năm trước, có thể nói đây là công trình dịch thuật công phu và tâm đắc nhất của tôi. Tuy nhiên, có một sự thật là, khác với ở nước Nga và phương Tây, kiệt tác này không thật sự được phổ biến và tiếp nhận rộng rãi ở bạn đọc Việt Nam - có lẽ là do những khác biệt nhất định về văn hóa. Lần này, 65 năm sau khi tác phẩm ra đời, chúng tôi xin tái bản lại bản tiếng Việt trong một nỗ lực tiếp tục đưa Bulgakov đến gần hơn nữa với bạn đọc Việt Nam, nhất là bạn đọc trẻ tuổi, thế hệ mà tôi hi vọng sẽ dễ dàng tiếp cận Nghệ nhân và Margarita hơn. Ngoài bản dịch cuốn tiểu thuyết, chúng tôi đưa thêm phần Phụ lục để phần nào giúp bạn đọc trong việc cảm thụ tác phẩm này.

Hà Nội, 27 tháng 1 năm 2006
Ðoàn Tử Huyến


Phần 1

Chương 1: Ðừng bao giờ nói chuyện với những người lạ Chương 2: Ponti Pilat Chương 3: Bằng cứ thứ bảy Chương 4: Cuộc đuổi bắt Chương 5: Chuyện xảy ra ở Griboedov Chương 6: Sidôphrenia Như đã được nói trước Chương 7: Căn hộ có ma Chương 8: Cuộc đấu giữa giáo sư và nhà thơ Chương 9: Những trò ảo thuật của Koroviev Chương 10: Những tin tức từ Ialta Chương 11: Sự phân thân của Ivan Chương 12: Hắc ảo thuật và sự lật tẩy nó Chương 13: Nhân vật xuất hiện Chương 14: Khá khen thay gà trống! Chương 15: Giấc mơ của Nikanor Ivanovich Chương 16: Vụ hành quyết Chương 17: Một ngày bất an Chương 18: Những người khách rủi ro

 



... thế rốt cuộc, ngươi là ai? „Ta là một phần của cái sức mạnh vốn muôn đời muốn điều ác nhưng muôn đời làm điều ích lợi. (Goethe, Faust) [0]


Chương 1
Ðừng bao giờ nói chuyện với những người lạ



Một buổi chiều mùa xuân, vào cái giờ mặt trời lặn nóng chưa từng thấy, trong công viên Hồ Pat'riarsi [1] ở Moskva xuất hiện hai vị nam công dân. Người thứ nhất dáng thâm thấp, béo tốt, hói đầu, mặc bộ quần áo mùa hè màu xám nhạt, chiếc mũ còn khá lịch sự bóp lại cầm trong tay, cặp kính gọng sừng đen to quá cỡ ôm ngang khuôn mặt cạo kỹ lưỡng. Người thứ hai còn trẻ, vai rộng, tóc vàng hung rối bù, mũ cát két sọc vuông đội lệch ra sáu gáy, áo sơ mi kẻ ô, quần dài trắng nhàu nát và chân đi đôi giày vải đen.

Người thứ nhất không phải ai khác, mà chính là Mikhail Aleksandrovich Berlioz [2] , chủ tịch ban chấp hành của một trong những hiệp hội văn học lớn nhất Moskva, viết tắt là MASSOLIT [3] , và ông đồng thời cũng là tổng biên tập một tờ tạp chí văn học lớn; còn người bạn đường trẻ của ông là nhà thơ Ivan Nikolaievich Ponưrev, bút danh Bezdomnưi [4] .

Bước vào dưới dãy bóng râm của hàng cây lipa [5] đang bắt đầu nhú lá xanh, việc đầu tiên của hai nhà văn là chạy vội đến bên chiếc quầy dựng bằng ván sơn sặc sỡ với dòng chữ “Bia và nước giải khát”.

Mà quên, có lẽ cần phải thông báo ngay cho bạn đọc biết điều kỳ lạ thứ nhất của cái buổi chiều tháng Năm khủng khiếp này. Ðó là: không chỉ ở cạnh quầy giải khát, mà suốt dọc cả con đường có trồng cây chạy song song với phố Malaia Bronnaia cũng không thấy một bóng người nào. Vào cái giờ đó, khi hình như mọi người đã hết cả sức để thở, khi vầng mặt trời, sau một ngày thiêu đốt Moskva, đang bọc mình trong màn sương khô lặn xuống một nơi nào đấy phía sau tuyến đường vòng Sadovoie, chúng ta không hề gặp một ai đi dạo hóng mát dưới bóng hàng cây lipa, không thấy một người nào ngồi trên những chiếc ghế băng „suốt dọc con đường dài vắng tanh vắng ngắt.

“Cho cốc nước khoáng narzan”, Berlioz nói với người đàn bà bán hàng.

“Không có narzan đâu”, người đàn bà trong quầy đáp, và không hiểu tại sao bà ta lại tỏ vẻ phật ý.

“Có bia không?” Bezdomnưi hỏi bằng giọng khàn khàn.

“Bia tối mới chở về“, người đàn bà trả lời.

„Thế có gì?„ Bezdomnưi lại lên tiếng.

„Nước mơ ấm”, người đàn bà nói.

„Thôi được, cho xin, cho xin, cho xin!...”

Hai cốc nước mơ sủi rất nhiều bọt màu vàng, và trong không khí bốc lên một thứ mùi như ta thường thấy trong các cửa hiệu cắt tóc. Uống xong, hai nhà văn lập tức đua nhau nấc cụt; họ trả tiền và ngồi xuống một chiếc ghế băng, mặt ngoảnh ra hồ, lưng quay về phía phố Bronnaia.

Ðúng lúc đó bắt đầu xảy ra điều kỳ lạ thứ hai của buổi chiều hôm đó, nhưng nó chỉ liên quan tới một mình Berlioz: ông bỗng thôi nấc, tim bỗng đập mạnh một cái rồi lặn hẫng đi đâu mất; và thoáng sau nó trở lại nhưng hình như có kèm theo một mũi kim tù nằm mắc bên trong. Thêm vào đó, Berlioz bỗng cảm thấy một nỗi sợ hãi vô cớ nhưng rõ rệt đến nỗi ông muốn ngay lập tức bỏ chạy khỏi nơi đây không ngoái lại. Không hiểu cái gì khiến ông hoảng sợ, Berlioz đưa mắt rầu rĩ nhìn quanh. Mặt ông tái mét; ông lấy khăn mùi soa lau trán, nghĩ thầm: “Cái gì xảy ra với mình thế này nhỉ? Trước đây chưa bao giờ như vậy cả... Hình như tim mình bị sao ấy... Mình mệt mỏi quá rồi. Có lẽ cần phải vứt tất cả lại để đến nghỉ ở Kislovodsk [6] thôi...”

Ðúng lúc đó, làn không khí oi ả bỗng cô đặc lại trước mắt Berlioz, tạo thành một người đàn ông trong suốt có hình thù hết sức kỳ dị. Trên mái đầu nhỏ tí của anh ta là chiếc mũ lưỡi trai của dân đua ngựa, áo vét kẻ ô mỏng ngắn cũn cỡn... Người này cao khoảng một sagien, nhưng vai hẹp, gầy không thể tưởng được, và bộ mặt, xin bạn đọc lưu ý cho, đầy vẻ nhạo báng!

Cuộc đời của Berlioz từ trước đến nay vốn không quen với những chuyện khác thường. Mặt mỗi lúc một tái nhợt đi, ông trố mắt kinh hãi và hoảng sợ nghĩ: “Ðiều này là không thể có được!..."

Nhưng than ôi, điều đó lại là có thật; và người đàn ông dài ngoẵng, trong suốt đến có thể nhìn thấu qua được, chân không chạm đất, cứ lắc lư hết sang phải lại sang trái ngay trước mắt ông.

Berlioz cảm thấy kinh hoàng tới mức ông phải nhắm mắt lại; còn khi mở mắt ra, ông thấy rằng tất cả đã kết thúc, ảo ảnh đã tan, không thấy người đàn ông mặc áo kẻ ô nữa, đồng thời cái mũi kim tù ở trong tim cũng đã rơi đâu mất.

„Hừ, quỷ quái thật! „ông tổng biên tập kêu lên. „Ivan này, anh biết không, tôi suýt bị trúng nắng đấy! Thậm chí còn có cái gì như ảo giác nữa”, ông cố nhếch mép cười khẩy, nhưng trong mắt vẫn lộ vẻ hoảng hốt và hai bàn tay vẫn chưa hết run.

Nhưng dần dần ông cũng bình tĩnh lại, dùng tấm khăn phe phẩy quạt lên mặt và cất giọng khá sảng khoái: “Và như vậy là..." rồi tiếp tục câu chuyện vừa bị bỏ dở vì việc uống nước mơ.

Câu chuyện họ đang nói, như sau này được biết, là về Chúa Giesu Christ [7] . Chả là ông tổng biên tập trước đấy có đặt hàng với nhà thơ một bản trường ca về đề tài chống tôn giáo cho số tạp chí sắp tới của mình. Bản trường ca này Ivan Nikolaievich đã sáng tác xong, và phải nói là trong một thời hạn hết sức ngắn; nhưng thật đáng tiếc, nó hoàn toàn không làm ông tổng biên tập thỏa mãn. Bezdomnưi đã nhuộm nhân vật chính của tác phẩm, tức là Chúa Giesu Christ, trong những mảng màu đen tối, nhưng dù sao thì, theo ý kiến của ông tổng biên tập, cũng phải viết lại toàn bộ bản trường ca. Và bây giờ ông gần như đang đọc cho nhà thơ một bài thuyết giảng về Giesu, qua đó nhấn mạnh cái sai lầm cơ bản của nhà thơ. Khó có thể nói cái gì đã làm cho Ivan Nikolaievich đi chệch hướng „khả năng tạo hình ảnh của anh hay là sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về vấn đề anh đang viết”, nhưng trong tác phẩm, Giesu được anh xây dựng thành một nhân vật rất sinh động, mặc dù không có sức lôi cuốn tí nào. Còn Berlioz lại muốn chứng minh với nhà thơ rằng: cái cơ bản không phải ở chỗ Giesu là người như thế nào, tốt hay xấu, mà ở chỗ trên đời này hoàn toàn không hề tồn tại một Giesu nào cả, và toàn bộ những câu chuyện về ông ta đều là những điều thuần túy bịa đặt, một huyền thoại tầm thường nhất.

Nên lưu ý rằng, ông tổng biên tập là người đọc nhiều và biết cách khéo léo viện dẫn những nhà sử học cổ đại, chẳng hạn như Philion Aleksandreus [8] lừng danh hay Jozefh Phlavius [9] thông thái, những người không bao giờ nói một lời nào về sự tồn tại của Giesu. Tỏ ra có một vốn kiến thức đồ sộ, Mikhail Aleksandrovich thông báo với nhà thơ rằng cái đoạn nói về cuộc hành hình Giesu ở quyển mười lăm, chương bốn mươi tư trong bộ Sử biên niên của Taxitus [10] chỉ là một sự chép thêm vào sau này không hơn không kém.

Ðối với nhà thơ, tất cả những gì ông tổng biên tập nói ra đều là mới mẻ, vì vậy anh nghe Mikhail Aleksandrovich rất chăm chú, nhìn thẳng vào ông bằng cặp mắt màu xanh linh hoạt, chỉ thỉnh thoảng lại nấc lên một tiếng và khe khẽ nén giọng nguyền rủa cốc nước mơ.

„Không có một tôn giáo Phương Ðông nào lại không có chuyện nữ đồng trinh sinh ra Chúa“, Berlioz nói. „Và cả những người Thiên Chúa giáo cũng không thể nghĩ ra được điều gì mới hơn, cũng bằng cách đó sáng tạo ra Giesu của mình, kẻ trong thực tế chưa bao giờ có thật trên đời. Ðó mới chính là điều ta cần phải tập trung nhấn mạnh...”

Giọng nam cao của Berlioz vang vang khắp con đường dưới hàng cây vắng vẻ, và Mikhail Aleksandrovich càng đi sâu vào những ngóc ngách hóc búa „chỉ có những người thật thông tuệ mới liều mạng xông vào mà không sợ ngã gẫy cổ“, thì nhà thơ càng được biết thêm nhiều điều thú vị và bổ ích về Oziris [11] của Ai Cập, vị thần tốt bụng, con trai của Trời và Ðất; về thần Phammuz [12] của người Phinikia [13] ; về thần Mardus [14] ; thậm chí cả về thần Vitsliputsli [15] dữ tợn ít nổi tiếng hơn, từng một thời được những người Astec ở Mehico rất sùng bái.

Và vào đúng vào lúc Mikhail Aleksandrovich đang kể cho nhà thơ nghe những người Astec lấy bột nặn tượng thần Vitsliputsli như thế nào, thì dưới hàng cây lipa của con đường xuất hiện một bóng người đầu tiên

Về sau, thực thà mà nói, khi sự việc đã quá muộn, nhiều cơ quan khác nhau đã đưa ra những thông báo mô tả lại hình dạng của người này. Ðem đối chiếu chúng với nhau, ta không thể không ngạc nhiên. Chẳng hạn, trong thông báo thứ nhất nói đó là một người thấp nhỏ, có răng vàng và thọt chân phải. Theo bản thông báo thứ hai thì đó là một người có thân hình đồ sộ, răng bịt bạch kim và thọt chân trái. Còn tờ thông báo thứ ba thì nói một cách ngắn gọn rằng con người này không có dấu hiệu gì đặc biệt.

Phải công nhận rằng: quả là không có một bản thông báo nào nên hồn cả!

Ðúng ra, người được mô tả không thọt chân nào hết, vóc dáng không thấp nhỏ cũng không đồ sộ, mà chỉ cao thôi. Còn về răng miệng, thì ở bên trái có bịt bạch kim, bên phải là răng vàng. Người đó mặc bộ quần áo màu xám đắt tiền, đi giày ngoại cùng màu với quần áo. Chiếc mũ bêrê xám đội lệch ngang tàng sang một bên tai, nách cắp cây can với tay cầm đen bóng khắc hình đầu chó puđel [16] . Trông bề ngoài khoảng hơn bốn mươi tuổi. Miệng hơi bị méo. Mặt cạo nhẵn nhụi. Tóc đen. Mắt phải đen, mắt trái không hiểu sao lại màu xanh. Lông mày đen, nhưng một bên cao hơn bên kia. Tóm lại: một người nước ngoài [17] !

Khi đi ngang qua chiếc ghế băng nhà thơ và ông tổng biên tập đang ngồi, vị khách nước ngoài liếc nhìn hai người, dừng lại, rồi bỗng ngồi xuống chiếc ghế băng bên cạnh, cách đôi bạn nhà văn chỉ vài bước chân.

“Người Ðức“, Berlioz nghĩ thầm.

“Người Anh“, Bezdomnưi thầm nghĩ. „Chà, ông ta đi găng tay mà không cảm thấy nóng”!

Ông khách nước ngoài đưa mắt nhìn những ngôi nhà cao tầng bao quanh hồ, và có thể nhận thấy rõ là ông ta đến đây lần đầu tiên nên tỏ ra rất thú vị với cảnh vật xung quanh.

Ông ta nhìn một lúc lên các tầng nhà phía trên với những tấm cửa kính chói chang phản chiếu ánh nắng của vầng mặt trời sắp vĩnh viễn rời bỏ Mikhail Aleksandrovich, rồi chuyển ánh mắt xuống phía dưới thấp, nơi những ô cửa sổ bắt đầu tối sẫm trong ánh hoàng hôn, không hiểu vì sao cười khẩy với vẻ bao dung, mắt nheo nheo, hai tay đặt lên chiếc can, cằm kê lên tay.

„Ivan này“, Berlioz nói, “anh mô tả rất hay và đầy hài hước, lấy thí dụ, đoạn nói về sự sinh ra của Giesu, con Ðức Chúa Trời. Nhưng cái mấu chốt là ở chỗ trước Chúa Giesu đã sinh ra hàng loạt những Ðức Chúa Con khác, chẳng hạn như thần Attit của người Phrighia [18] . Tóm lại, chẳng một ai trong số họ đã được sinh ra cả, không hề có họ tồn tại, kể cả Giesu, cho nên thay vào sự ra đời của Chúa hoặc sự xuất hiện của các thầy pháp [19] , anh cần phải mô tả những tin đồn ngớ ngẩn về những chuyện đó... Nếu không, theo câu chuyện của anh, thì Giesu quả đã được sinh ra thật!...”

Bấy giờ Bezdomnưi đang nín thở để cố gắng chấm dứt những tiếng nấc cụt, nhưng vì thế mà anh càng nấc lên một cách khó chịu và to hơn; và cũng vào lúc đó Berlioz ngừng lời, vì người khách nước ngoài bỗng đứng lên và đi lại phía họ.

Hai nhà văn ngạc nhiên nhìn ông ta.

„Xin các ngài thứ lỗi cho tôi“, người khách nói giọng nước ngoài lơ lớ nhưng phát âm không sai, “vì rằng tôi, trong khi chưa quen biết, đã dám mạo muội... nhưng đề tài câu chuyện bác học của các ngài thú vị đến nỗi...”

Nói đến đó, ông ta lịch thiệp bỏ chiếc mũ bêrê ra khỏi đầu, và hai người bạn của chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc đứng dậy nghiêng mình đáp lễ.

“Không, ông ta là người Pháp thì đúng hơn“, Berlioz nghĩ thầm.

“Có lẽ người Ba Lan?...” Bezdomnưi thầm nghĩ.

Cần phải nói thêm rằng, ngay từ những lời đầu tiên, người khách nước ngoài đã gây cho nhà thơ một ấn tượng khó chịu; còn Berlioz thì lại thích, hay nói đúng hơn, không hẳn là thích, mà... biết diễn đạt thế nào nhỉ... có thể nói là tò mò.

„Cho phép tôi cùng ngồi với các ngài chứ ạ?„ người nước ngoài lễ phép hỏi, và hai nhà văn, không hiểu sao, bất giác dịch ra hai bên; ông khách khéo léo ngồi lọt vào giữa họ và lập tức bắt chuyện:

„Nếu như tôi nghe không nhầm, thì ngài vừa nói rằng chưa bao giờ có Giesu ở trên đời này phải không ạ?„ vị khách ngoại quốc hướng con mắt bên trái màu xanh lục của mình về phía Berlioz và hỏi.

„Không, ngài nghe không nhầm đâu“, Berlioz lịch thiệp đáp. „Ðúng là tôi có nói như thế.”

„Ồ thú vị quá nhỉ!„ người khách thốt lên.

“Ông ta cần cái quỷ quái gì đây?” Bezdomnưi nghĩ thầm, mặt cau lại.

„Thế ngài đồng ý với điều đó chứ ạ?„ ông khách lạ quay sang phải hỏi Bezdomnưi.

„Một trăm phần trăm!„ Nhà thơ, vốn thích diễn đạt văn hoa và hình tượng, đáp.

„Tuyệt quá!„ vị khách không mời thốt lên, và không hiểu sao ông ta lấm lét nhìn quanh, hạ thấp giọng xuống, nói tiếp: „Xin bỏ quá sự bất nhã của tôi, nhưng tôi hiểu, là các ngài, ngoài những chuyện khác, lại còn không tin Chúa nữa phải không ạ?„ ánh mắt lộ vẻ sợ hãi, ông ta nói tiếp: „Tôi xin thề là sẽ không nói với ai cả đâu.”

„Vâng, chúng tôi không tin Chúa“, hơi mỉm cười trước vẻ sợ hãi của vị khách du lịch, Berlioz đáp, “nhưng về điều này có thể nói hoàn toàn công khai.”

Người nước ngoài ngả lưng lên thành ghế băng và hỏi, giọng thậm chí rít lên the thé vì tò mò:

„Các ngài là những người vô thần?”

„Vâng, chúng tôi là những người vô thần“, Berlioz mỉm cười đáp, còn Bezdomnưi cau có nghĩ thầm: “Cái con ngỗng ngoại quốc này cứ bám lấy mãi!”

„Ồ, tuyệt vời quá!„ vị khách nước ngoài kỳ lạ kêu lên và quay đầu hết nhìn nhà văn này đến nhà văn khác.

„Ở đất nước chúng tôi, chủ nghĩa vô thần không còn làm ai ngạc nhiên nữa“, Berlioz nói một cách lịch thiệp theo kiểu ngoại giao. „Phần lớn nhân dân chúng tôi đã từ lâu tự giác không tin vào những câu chuyện hoang đường và Chúa nữa rồi.”

Ðến đây người khách nước ngoài bỗng làm một trò như sau: ông ta đứng dậy bắt chặt tay viên tổng biên tập đang ngơ ngác, và nói:

„Xin phép được chân thành cám ơn ngài!”

„Vì sao ngài lại cám ơn anh ấy?„ Bezdomnưi nhấp nháy mắt, hỏi.

„Vì ngài đây đã cung cấp một tin tức cực kỳ quan trọng, mà đối với tôi, một người du lịch, là vô cùng thú vị“, ông khách nước ngoài kỳ quặc giơ một ngón tay lên đầy hàm ý và giải thích.

Cái tin quan trọng đó có lẽ quả thật đã gây một ấn tượng rất mạnh đối với vị khách du lịch, vì ông ta sợ hãi đưa mắt nhìn khắp các ngôi nhà, dường như lo lắng sẽ phải thấy trong mỗi ô cửa sổ một người theo chủ nghĩa vô thần.

“Không, ông ta không phải người Anh...” Berlioz nghĩ thầm; còn Bezdomnưi thầm nghĩ: “Không hiểu ông ta học nói tiếng Nga ở đâu như thế, điều này mới là thú vị!” và lại cau mặt.

„Nhưng xin phép được hỏi các ngài“, sau một lúc ngẫm nghĩ căng thẳng, vị khách ngoại quốc lên tiếng, “thế phải làm sao đây với những bằng cứ về sự tồn tại của Chúa, mà như chúng ta biết, có cả thảy đến năm bằng cứ [20] như vậy.”

„Ồ“, Berlioz đáp với vẻ thương hại, “nhưng không có một bằng cứ nào đáng giá hết, nhân loại đã từ lâu đem chúng xếp vào viện lưu trữ rồi. Bởi vì, chắc ngài cũng đồng ý rằng, trong lĩnh vực trí tuệ thì không thể có một bằng cứ nào về sự tồn tại của Chúa cả.”

„Ðúng quá! „người nước ngoài kêu lên. „Ðúng quá! Ngài lặp lại hoàn toàn ý kiến của ông già Immanuil [21] , người không bao giờ chịu sống yên ổn trong vấn đề này. Nhưng thật ngộ nghĩnh: ông ta đập tan tận gốc cả năm bằng cứ trên, rồi sau đó, như để chế nhạo chính bản thân, lại tự mình lập nên bằng cứ thứ sáu!”

„Bằng cứ của Kant“, viên tổng biên tập thông thái mỉm cười đáp“, cũng không có sức thuyết phục. Và chẳng phải vô cớ mà Schiler [22] nói rằng những lập luận của Kant về vấn đề này chỉ có thể thỏa mãn những kẻ nô lệ, còn Strauss [23] thì cười nhạo cái bằng cứ đó.”

Berlioz vừa nói vừa tự hỏi thầm: “Nhưng ông ta là ai nhỉ? Và tại sao ông ta lại nói tiếng Nga thạo đến thế?”

„Cái lão Kant này, vì những bằng cứ như vậy, đáng phải cho ba năm ở Solovki [24] .” Ivan Nikolaievich nổ ra hoàn toàn bất ngờ.

„Ivan!„ Berlioz bối rối nói khẽ.

Nhưng cái đề nghị bắt Kant đi Solovki không những không làm người khách nước ngoài ngạc nhiên, mà thậm chí còn làm cho ông ta thích thú.

„Ðúng thế, đúng thế!„ Ông ta hét to, và con mắt trái màu xanh lục hướng về phía Berlioz sáng lên lấp lánh. „Cho ông ta đến đấy là đúng lắm. Lần đó trong bữa ăn sáng tôi đã nói với ông ta rồi: “Thưa giáo sư, quyền là của ngài, nhưng điều ngài nghĩ ra không được ổn lắm. Nó có thể là rất thông minh, nhưng khó hiểu quá. Rồi người ta sẽ cười nhạo ngài cho mà coi”.

Berlioz trố mắt. “Nói với Kant... trong bữa ăn sáng?... Ông ta nói nhảm cái gì thế nhỉ?”, ông nghĩ.

„Nhưng có điều“, không hề bối rối trước vẻ kinh ngạc của Berlioz, người khách nước ngoài vẫn tiếp tục nói với nhà thơ, ”không thể nào bắt ông ta đến Solovki được là vì hơn một trăm năm nay [25] ông ta đã đến ở những chỗ còn xa hơn Solovki rất nhiều, và xin cam đoan với các ngài rằng không có cách nào có thể lôi ông ta ra khỏi chỗ đó được!”

„Ồ, thật đáng tiếc!„ nhà thơ hay gây sự đáp.

„Và tôi cũng lấy làm tiếc!„ Một con mắt của người khách lạ lấp lánh sáng lên, ông ta nói, rồi lại tiếp: „Nhưng có một vấn đề làm tôi băn khoăn: nếu như không có Chúa, thì ai là người điều hành cuộc sống của con người và nói chung, toàn bộ kỷ cương trật tự trên mặt đất?”

„Tự con người điều hành lấy“, Bezdomnưi giận dữ và hấp tấp trả lời cái câu hỏi, thú thật, không thực rõ ràng lắm này.

„Xin lỗi“, người lạ mặt nhẹ nhàng đáp“, để điều hành được, dù sao cũng cần phải có một kế hoạch chính xác cho ít nhất một thời hạn tương đối nào đó. Xin phép được hỏi các ngài, làm sao con người có thể điều hành được, nếu như anh ta không những không có khả năng lập kế hoạch cho một khoảng thời gian ngắn đến nực cười, cứ cho là chỉ một nghìn năm chẳng hạn, mà anh ta thậm chí còn không thể bảo đảm được cho cái ngày mai của chính mình? Và quả thật“, người lạ mặt quay sang nói với Berlioz, “ngài hãy thử hình dung rằng ngài bắt đầu điều hành, xếp đặt cuộc sống của người khác và của bản thân mình, nói chung, ngài bắt đầu cảm thấy ham thích, thì bỗng nhiên... khà... khà... khà, ngài bị bệnh xáckôm [26] phổi...” nói đến đó vị khách nước ngoài cười ngọt lịm, dường như cái ý nghĩ về xáckôm mang lại cho ông ta một khoái cảm nào đấy, “vâng, bệnh xáckôm“, nheo mắt như mèo, ông ta nhắc lại cái từ lạ tai đó, “và thế là ngài hết điều hành! Ngoài số phận của riêng chính mình, ngài sẽ không còn quan tâm đến số phận của ai khác. Những người thân bắt đầu nói dối ngài, và ngài, cảm thấy có điều gì bất ổn, vội vàng chạy bổ đến các bác sĩ danh tiếng, rồi đến bọn người lừa đảo, thậm chí có thể đến cả bọn lang băm thầy bói. Nhưng tất cả những cái đó đều hoàn toàn vô nghĩa, chính ngài cũng hiểu như vậy. Và rồi một kết cục bi thảm: cái người mà chỉ vừa mới đây còn cho rằng mình điều hành một cái gì đó, giờ bỗng nằm bất động trong hòm gỗ, và những người xung quanh hiểu rằng người vừa nằm xuống chẳng còn được tích sự gì, liền đem đi hỏa thiêu. Ðôi khi lại còn tệ hơn nữa, có người định đi đến Kislovodsk“, nói đến đây ông khách nước ngoài nheo mắt nhìn Berlioz, ”một việc tưởng như thật vặt vãnh, nhưng anh ta cũng không thể làm được, bởi vì chẳng hiểu vì sao mà lại bất thần trượt chân ngã xuống dưới bánh tàu điện! Chẳng lẽ ngài sẽ nói đấy là do anh ta tự điều hành bản thân mình? Có hợp lý hơn chăng nếu ta nghĩ rằng có một kẻ nào đó hoàn toàn khác điều hành anh ta?” và người lạ mặt phá lên cười bằng một giọng rất lạ lùng.

Berlioz hết sức chăm chú nghe câu chuyện khó chịu về bệnh xáckôm và tàu điện, và ông bắt đầu bị những ý nghĩ lo sợ ám ảnh. “Ông ta không phải người nước ngoài! Không phải người nước ngoài!„ ông nghĩ. „Một đối tượng đáng ngờ... nhưng đúng ra ông ta là ai?”

„Tôi thấy hình như ngài muốn hút thuốc?„ người lạ mặt bỗng đột ngột hỏi Bezdomnưi. „Ngài thích loại nào?”

„Chẳng lẽ ngài có nhiều loại thuốc khác nhau à?„ Nhà thơ cau có nói, anh đã hết mất thuốc lá.

„Ngài thích loại nào? „người lạ mặt nhắc lại câu hỏi.

“Nhãn hiệu chúng ta” [27] , nhà thơ cáu kỉnh đáp.

Người lạ mặt lập tức lôi từ trong túi ra một hộp thuốc lá và mời Bezdomnưi:

„Có ngay ‘Nhãn hiệu chúng ta’.”

Cả tổng biên tập lẫn nhà thơ đều sửng sốt không chỉ vì xếp trong hộp thuốc đúng là những điếu “Nhãn hiệu chúng ta”, mà còn bởi chính chiếc hộp. Nó rất đồ sộ, làm bằng vàng mười, khi mở trên nắp của nó một hình tam giác dát kim cương lấp lánh bắn ra những tia lửa xanh và trắng [28] .

Trong lúc đó, hai nhà văn có những suy nghĩ khác nhau. Berlioz nghĩ: “Không, ông ta là người nước ngoài!” Còn Bezdomnưi lại nghĩ: “Chà, quỷ tha ma bắt hắn đi!“

Nhà thơ và chủ chiếc hộp thuốc lá châm lửa hút, còn ông tổng biên tập Berlioz không nghiện thì từ chối.

“Cần phản đối lại ông ta như sau“, Berlioz nhẩm tính. „Ðúng là con người phải chết, không ai tranh cãi để phủ nhận điều đó. Nhưng vấn đề là ở chỗ...”

Nhưng ông chưa kịp nói ra những lời trên, thì ông khách nước ngoài đã cất tiếng trước:

„Vâng, con người là phải chết, nhưng cái đó còn chưa sao. Tồi tệ nhất là đôi khi anh ta phải chết bất đắc kỳ tử, thế mới ngộ! Và nhìn chung không thể nói được là anh ta sẽ làm gì trong buổi chiều ngày hôm nay.”

“Một cách đặt vấn đề kỳ quặc thế nào ấy...” Berlioz nghĩ bụng và lên tiếng phản đối:

„Ở chỗ này ngài hơi phóng đại lên đấy. Về buổi chiều hôm nay thì tôi biết được ít nhiều chính xác. Tất nhiên, nếu như trên đường Bronnaia tôi không bị một viên gạch nào đó rơi vào đầu...”

„Gạch sẽ không bao giờ lại vô cớ rơi lên đầu ai cả“, người lạ mặt cắt ngang một cách tin tưởng. „Nói riêng thì, xin ngài cứ tin tôi, nó không hề đe dọa ngài trong bất kỳ trường hợp nào. Ngài sẽ chết một cách khác.”

„Có thể, ngài biết cụ thể là cách nào?„ Berlioz bị cuốn hút vào câu chuyện quả là kỳ quái, hỏi với một vẻ mỉa mai hoàn toàn tự nhiên. „Và ngài cho tôi biết chứ?”

„Sẵn sàng“, người lạ đáp ngay. Ông ta nhìn Berlioz từ đầu đến chân như thể ước lượng để may cho ông một bộ quần áo, rồi lẩm bẩm qua kẽ răng những từ gì đó kiểu như: “Một, hai... Thủy Tinh ở nhị thất... Mặt trăng đi khỏi... sáu bất hạnh... buổi chiều bảy...” và lớn tiếng mừng rỡ tuyên bố: „Ngài sẽ bị đầu lìa khỏi cổ!”

Bezdomnưi trố mắt nhìn người lạ mặt suồng sã một cách dữ tợn và man dại, còn Berlioz cười nhạt hỏi:

„Nhưng ai cắt? Kẻ thù? Bọn can thiệp?”

„Không“, người nước ngoài đáp, “một người đàn bà Nga, một nữ đoàn viên thanh niên cộng sản.”

„Hừm...„ khó chịu trước lối đùa như vậy của người lạ, Berlioz hầm hừ, ”nhưng xin lỗi, điều đó thật khó tin.”

„Tôi cũng xin lỗi ngài“, người nước ngoài đáp, “nhưng sự thật là như vậy. Và tôi còn muốn hỏi ngài, chiều hôm nay ngài sẽ làm gì, nếu như đó không phải là chuyện bí mật?”

„Không có gì là bí mật cả. Bây giờ tôi sẽ về nhà ở phố Sadovaia, sau đó đến mười giờ tối có cuộc họp ở MASSOLIT, tôi sẽ chủ trì cuộc họp này.”

„Không, điều đó là hoàn toàn không thể được“, người lạ mặt quả quyết tuyên bố.

„Vì sao?”

„Vì rằng“, người khách nước ngoài đáp và nheo nheo mắt nhìn lên bầu trời, nơi những con chim đen cảm thấy hơi lạnh của buổi tối đang lặng lẽ bay, “vì rằng Annuska đã mua dầu hướng dương, và không chỉ mua mà còn làm đổ ra nữa. Cho nên cuộc họp sẽ không thành.”

Ðến đây, thật dễ hiểu, giữa nhưng người ngồi dưới bóng hàng cây lipa bắt đầu một sự im lặng.

„Xin lỗi“, một lát sau, Berlioz cất tiếng, mắt không rời người khách nước ngoài vừa ba hoa những điều nhảm nhí“, nhưng tại sao lại dầu hướng dương ở đây... và Annuska nào kia?”

„Dầu hướng dương ở đây là vì“, Bezdomnưi bỗng lên tiếng, có lẽ là anh quyết định tuyên chiến với người đối thoại không mời mà đến, “ngài đã từng bao giờ ở bệnh viện tâm thần chưa?”

„Ivan!...„ Mikhail Aleksandrovich khẽ thốt lên.

Nhưng người khách nước ngoài không tự ái chút nào mà phá lên cười rất vui vẻ.

„Tôi đã ở đấy rồi, và không chỉ một lần!„ Ông ta vừa cười vừa kêu to, nhưng không rời cặp mắt khỏi mặt nhà thơ. „Còn có nơi nào mà tôi không đến! Chỉ có điều đáng tiếc là tôi quên không hỏi giáo sư bệnh sizophrenia [29] là gì thôi. Cho nên tự ngài hãy tìm hiểu lấy qua ông ta, Ivan Nikolaievich nhé?”

„Làm sao mà ngài biết tên tôi?”

„Ôi, Ivan Nikolaievich, thử hỏi ai mà lại không biết ngài?„ Nói xong, người khách nước ngoài rút từ trong túi ra tờ “Báo văn học” ngày hôm qua, và Ivan Nikolaievich trông thấy trên trang nhất bức ảnh bán thân, phía dưới là bài thơ của mình. Nhưng cái bằng cứ của vinh quang và nổi tiếng hôm qua còn làm nhà thơ vui mừng thì bây giờ không làm anh mừng chút nào.

„Tôi xin lỗi“, nhà thơ nói, mặt anh tối sầm lại, “ngài có thể đợi tôi một phút được không? Tôi muốn nói riêng với đồng chí này vài lời.”

„Ồ, rất vui lòng!„ người lạ mặt thốt lên. „Ở đây, dưới bóng những cây lipa này, thích đến nỗi tôi, xin thú thật, không vội đi đâu cả.”

„Anh Mikhail này“, kéo Berlioz ra một quãng xa, nhà thơ thì thầm“, hắn ta không phải khách du lịch đâu, gián điệp đấy. Hắn là dân Nga lưu vong bây giờ lại mò về đây. Anh hỏi giấy tờ hắn đi, không hắn chuồn mất đấy...”

„Anh nghĩ thế ư?„ Berlioz lo lắng thì thầm hỏi lại, nghĩ bụng: “Mà có lẽ đúng thế thật!”

„Anh hãy tin tôi“, nhà thơ ghé sát tai Berlioz và nói bằng giọng khàn khàn, “hắn giả đò làm bộ ngớ ngẩn để do thám đấy. Anh nghe hắn ta nói tiếng Nga như thế nào không“, nhà thơ vừa nói vừa liếc mắt theo dõi để kẻ lạ mặt không lủi mất, “ta đến giữ hắn lại đi...”

Và nhà thơ túm lấy tay áo Berlioz kéo đến bên ghế băng. Người lạ mặt không còn ngồi mà đang đứng bên cạnh chiếc ghế, tay cầm cuốn sổ nhỏ bìa xám thẫm, chiếc phong bì dày bằng giấy tốt và tấm danh thiếp.

„Xin lỗi các ngài, vì mải sôi nổi tranh luận, tôi quên tự giới thiệu với các ngài. Ðây là danh thiếp và hộ chiếu của tôi, đây là giấy mời tôi đến Moskva với tư cách chuyên gia“, người lạ mặt nói một cách quả quyết, ánh mắt sắc nhọn nhìn xuyên suốt hai nhà văn.

Hai người bối rối. “Quỷ quái thật, ông ta đã nghe thấy hết“, Berlioz nghĩ và bằng một cử chỉ lịch thiệp tỏ ý là không cần phải trình giấy tờ làm gì. Trong khi người nước ngoài chìa hộ chiếu cho tổng biên tập, nhà thơ đã kịp đọc thấy trên đó từ “giáo sư” viết bằng tiếng nước ngoài và chữ cái đầu tiên của họ ông ta „chữ V đúp [30] .

„Rất hân hạnh“, lúc đó, viên tổng biên tập lúng túng đáp, và người khách nước ngoài nhét các thứ giấy tờ vào túi.

Như vậy là quan hệ đã được lập lại, và cả ba người ngồi xuống ghế.

„Ngài được mời đến chỗ chúng tôi làm chuyên gia ư?„ Berlioz hỏi.

„Vâng, làm chuyên gia.”

„Ngài là người Ðức?„ Bezdomnưi hỏi.

„Tôi ấy à?...„ giáo sư hỏi lại và bỗng trầm ngâm nghĩ ngợi. „Vâng, người Ðức...„ ông ta đáp.

„Ngài nói tiếng Nga thạo lắm“, Bezdomnưi nhận xét.

„Ồ, nói chung tôi là người đa ngữ, biết rất nhiều thứ tiếng“, giáo sư đáp.

„Chuyên môn ngài là gì ạ?„ Berlioz hỏi.

„Tôi là chuyên gia về hắc ma thuật» [31]

“Thế đấy?...” đầu Mikhail Aleksandrovich như va vào một cái gì đó.

„Và... và người ta mời ngài đến nước chúng tôi với tư cách là chuyên gia của môn đó?„ ông lắp bắp hỏi.

„Vâng, đúng thế“, giáo sư khẳng định và giải thích: „ở đây trong thư viện quốc gia người ta phát hiện ra những bản thảo nguyên gốc của nhà ma thuật Gerbert Avrilac [32] thế kỷ thứ mười. Vì thế họ mời tôi đến phân tích. Tôi là chuyên gia duy nhất trên thế giới.»

„À! Ngài là nhà sử học?„ Berlioz hỏi với vẻ nhẹ nhõm và kính trọng.

„Tôi là người nghiên cứu lịch sử“, giáo sư đáp và nói thêm chẳng ăn nhập vào đâu cả. „Tối nay ở Hồ Pat'riarsi sẽ có một câu chuyện rất thú vị. » [33]

Nhà thơ và tổng biên tập vô cùng ngơ ngác, còn giáo sư ra hiệu bảo hai người ghé lại gần, và khi họ vừa cúi xuống thì ông ta thì thào:

„Các ngài nên nhớ rằng Giesu là có thật.»

„Thưa giáo sư“, Berlioz miễn cưỡng mỉm cười, nói, «chúng tôi kính trọng những kiến thức uyên bác của ngài, nhưng về vấn đề này, chúng tôi có những quan điểm khác.»

„Chẳng cần quan điểm nào cả!„ vị giáo sư kỳ quặc đáp. „Chỉ đơn giản là Giesu đã từng tồn tại, và ngoài ra không cần gì hết.»

„Nhưng dù sao cũng cần một bằng cứ nào đó...„ Berlioz cất tiếng.

„Không cần một bằng cứ nào hết“, vị giáo sư trả lời và nói tiếp bằng giọng khe khẽ, không hiểu sao âm sắc lơ lớ của ông ta đã biến mất: „Tất cả rất đơn giản: trong tấm áo choàng màu trắng... »

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[0]Lời Đề từ lấy từ phần I tác phẩm Faust của Goethe. Nguyên văn tiếng Đức như sau: ”... wer bist du denn?/ Ein Teil von jener Kraft / die stets das Böse will und stets das Gute schafft.” Lời đề từ này thể hiện quan niệm về cái Ác như một chức năng của cái Thiện. Trong lần in đầu (của bản tiếng Việt, năm 1989), biên tập viên nhà xuất bản Cầu Vồng đã chữa “điều ích lợi” thành “điều thiện”; trong những lần in sau này người dịch xin lấy lại “điều ích lợi” vì nghĩ như thế rõ nghĩa và hợp lý hơn.
[1]Lưu ý: thời gian diễn biến của cuốn tiểu thuyết kéo dài hơn ba ngày, từ chiều thứ Tư đến đêm thứ Bảy (tháng Năm), trước ngày lễ Vượt Qua (tức lễ Phục Sinh). Hồ Pat'riarsi (Патриарх, giáo chủ): tên mới là hồ Tiền Phong (Пионерские): ngày xưa đây là Đầm Dê, về sau thành ấp của giáo chủ Philaret. Trong chi tiết này cũng đã có sự liên tưởng giữa Chúa Trời (giáo chủ) và Quỷ Sứ (Dê trong quan niệm dân gian là biểu tượng của quỷ).
[2]Berlioz: người ta tìm thấy nguyên mẫu của nhân vật này ở nhiều nhà hoạt động văn hóa tư tưởng thời đó, một nhà vô thần “bao cấp” điển hình. Ở hình tượng này cũng có nhiều mạch liên tưởng: Berlioz, giống như Giesu Christ, có 12 “sứ đồ” (12 ủy viên Ban chấp hành MASSOLIT); Berlioz là họ của nhà soạn nhạc người Pháp (1803-1869), tác giả của bản “Giao hưởng hoang tưởng” trong đó có các chương về Chúa Trời và Quỷ Sứ.
[3]MASSOLIT: viết tắt theo tiếng Nga МАССОЛИТ, có thể là Москвская ассоциаця литераторов (Hội những người làm công tác văn học Moskva).
[4]Bezdomnưi: tiếng Nga có nghĩa là kẻ không nhà; thời đó các văn nghệ sĩ hay lấy bút danh theo “tinh thần thời đại” như vậy, chẳng hạn: Bednưi (nghèo khổ), Gorki (đau khổ), Golodnưi (đói khổ), Bezưmenski (kẻ không tên) v.v... Đây cũng là hình tượng tổng hợp từ nhiều nguyên mẫu thời đó.
[5]Lipa: (tên khoa học Tilia): cây gia, cây đoạn; chúng tôi không muốn dịch nghĩa, chỉ phiên âm, như thế có âm hưởng hơn trong văn bản.
[6]Kislovodsk: một thành phố nghỉ mát và dưỡng bệnh nổi tiếng ở Nga.
[7]Giesu: trong tiếng Nga Giesu được phiên âm là Iisus, gần với âm Iesua mà Bulgakov đặt cho nhân vật của mình (ở chương sau).
[8]Philon Aleksandreus (25 hoặc 28 trước Công nguyên „khoảng 50 sau Công nguyên): nhà triết học tôn giáo Giudea cổ đại.
[9]Joseph Phlavius (khoảng 37 „sau 100): nhà sử học nổi tiếng Do Thái cổ đại.
[10]Tacitus (khoảng 58 „117): nhà sử học cổ La Mã.
[11]Oziris: con trai của thần đất Heb, anh trai và chồng của Izida, cha của Hor, tượng trưng cho lòng tốt và ánh sáng, bị hung thần Set giết chết và được Izida và Hor làm sống lại.
[12]Phammuz: thần sinh sản, chồng của nữ thần Inanna, một nửa năm sống dưới mặt đất.
[13]Phinikia: tên của đất nước cổ đại vùng Cận Đông, dọc theo bờ biển của Siri và Liban ngày nay.
[14] Mardus: vị thần tối cao của người Babilon, vị thần hộ mệnh của thành phố Babilon.
[15]Vitsliputsli: vị thần tối cao của người Astec, một dân tộc da đỏ lớn, sống ở Mehico hiện nay.
[16]Chó puđel: trong văn học Phương Tây, chó là biểu tượng cho cõi âm, thế giới âm phủ. ở đây còn có sự liên tưởng: quỷ Mephistopheleses đến gặp Faust trong hình dạng con chó puđel.
[17]Người nước ngoài: tâm lý dân chúng Moskva thời đó xem người nước ngoài là một đối tượng đặc biệt, nên tránh xa, thậm chí nguy hiểm. Điều đó thể hiện qua nhiều hành vi của các nhân vật trong tiểu thuyết, như Berlioz, Margarita, Bosoi v.v... Xin lưu ý: nhân vật người nước ngoài này được mô tả như hình ảnh của Chúa Quỷ trong văn học dân gian nhiều nước Phương Tây.
[18]Phrighia: một nước cổ đại vùng Tiểu Á. Attit: trong thần thoại của người Phrighia là thần phì nhiêu.
[19]Thầy pháp: tức là các tư tế. Theo Cựu Ước, tại thành phố Vifleem quê hương của Christ mọc lên một ngôi sao dẫn đường cho các thầy tư tế tới cái hang trong đó có Christ mới sinh. Các thầy tư tế tới đó để vái chào Christ.
[20]Năm bằng cứ: trong thần học, tồn tại một hệ thống các bằng cứ nhằm khẳng định sự tồn tại của Chúa Trời, như bằng cứ lịch sử luận, bằng cứ tâm lý luận, bằng cứ nhân chủng luận, bằng cứ vũ trụ luận, bằng cứ mục đích luận. Bằng cứ Kant đưa ra là bằng cứ luân lý (đạo đức) luận.
[21]Kant Immanuel (1742-1804): nhà triết học vĩ đại người Đức.
[22]Schiler Ph. K. (1864-1937): nhà triết học duy tâm Anh.
[23]Strauss David Phriedrich (1808 „1874): nhà thần học và triết học Đức, tác giả cuốn Đời Giesu.
[24]Solovki: hòn đảo ở Biển Trắng, vốn là địa điểm lưu đày.
[25]... hơn một trăm năm nay: câu chuyện này xảy ra vào những năm ba mươi thế kỷ XX, lúc đó I. Kant mất mới hơn một trăm năm.
[26]Sarcom: một dạng ung thư.
[27]“Nhãn hiệu chúng ta”: tên một loại thuốc lá những năm 1920.
[28]Hình tam giác: là biểu tượng phổ biến trên thế giới, nhưng mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn, hình tam giác góc nằm ở phía trên tượng trưng cho cái tốt, góc nằm ở phía dưới tượng trưng cho cái ác. Hình tam giác cũng là biểu tượng của kẻ làm chủ các linh hồn. Nó cũng là biểu tượng tam phân vũ trụ của hội Tam Điểm.
[29]Sizophrenia: bệnh tâm thần phân lập.
[30]Chữ V đúp (W)... người Đức: ở đây có sự liên tưởng: nhân vật này tên là Voland, tiếng Đức có nghĩa là “Con quỷ”. Hình tượng này trong tiểu thuyết Bulgakov dựa vào ý tưởng của Goethe qua nhân vật Mephistopheles, lấy từ truyền thuyết dân gian Đức. Theo các nhà nghiên cứu, M. Bulgakov thay chữ V (chữ cái đầu trong Voland) bằng W (V đúp) để có liên tưởng với chữ M lộn ngược (trong tiếng Nga, M là chữ cái đầu trong từ MacteP (Master) „Nghệ Nhân”).
[31]Hắc ma thuật: môn ma thuật thời Trung cổ sai khiến âm binh, ma quỷ để hành phép, khác với ma thuật trắng nhờ vào thiên binh.
[32]Gerbert Avrilac: một trong những học giả uyên thâm nhất thời kỳ Trung cổ (thế kỷ X), năm 999, được phong Giáo hoàng, lấy tên là Sinvestr II, nổi tiếng là nhà giả kim thuật, phù thủy.
[33]Ở đây tác giả chơi chữ: trong tiếng Nga, từ история vừa có nghĩa là “lịch sử” vừa có nghĩa là “câu chuyện”.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài