talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 2

Chương 19: Margarita Chương 20: Hộp kem Azazello Chương 21: Chuyến bay Chương 22: Dưới ánh nến Chương 23: Ðại vũ hội của Chúa quỷ Satan Chương 24: Sự giải thoát cho nghệ nhân Chương 25: Quan tổng trấn đã cố gắng cứu tên Giuda ở thành phố Kiriaph như thế nào? Chương 26: Việc chôn cất Chương 27: Kết cục của căn hộ số 5 Chương 28: Những trò phiêu lưu cuối cùng của Koroviev và Beghemot Chương 29: Số phận của nghệ nhân và Margarita đã được định đoạt Chương 30: Ðã đến lúc! Ðã đến lúc! Chương 31: Trên đồi Vorobiev Chương 32: Sự tha thứ và chốn nương thân muôn đời Phần kết

 

Chương 23:
Ðại vũ hội của Chúa quỷ Satan



Ðã sắp nửa đêm, cần phải vội. Margarita nhìn mọi vật một cách lờ mờ, chỉ còn nhờ vào những cây nến và một bể chứa nước sáng chói. Khi Margarita xuống đứng ở đáy bể, Ghella được Natasa phụ giúp dội lên người nàng một thứ chất lỏng màu đỏ đặc sền sệt và âm ấm. Margarita cảm thấy vị mặn trên môi và hiểu rằng người ta đang tắm nàng bằng máu. Rồi lớp màng huyết được thay bằng một thứ nước khác, đặc sánh, màu hồng phơn phớt trong suốt, và mùi tinh dầu hoa hồng làm đầu Margarita choáng váng. Sau đó Margarita được đặt lên một chiếc giường pha lê và chà xát cho đến ánh bóng lên bằng những chiếc lá lớn màu xanh. Vừa lúc đó, con mèo chạy xộc vào và bắt đầu trợ giúp. Nó ngồi xổm dưới chân Margarita và xát lên bàn chân nàng với một vẻ hệt như đang đánh giày ở ngoài phố. Margarita không còn nhớ là ai đã khâu cho nàng một đôi giày từ những cánh hoa hồng màu trắng nhợt, đôi giày đó tự mình thắt lại ôm lấy bàn chân nàng bằng những móc khóa bằng vàng. Một sức mạnh nào đó dựng Margarita dậy và đặt nàng đứng trước gương, trên mái tóc của nàng lấp lánh một vòng vương miện bằng kim cương. Koroviev bỗng từ đâu xuất hiện và treo lên ngực Margarita tấm hình con chó puđel đen tuyền lồng khung ôvan với sợi dây chuyền nặng trĩu. Món đồ trang sức này làm cho hoàng hậu cảm thấy cực kỳ vất vả. Sợi dây lập tức xát lên cổ, tấm hình kéo đầu nàng gục xuống. Nhưng Margarita cũng được đền bù ít nhiều bởi những sự bất tiện mà sợi dây chuyền và tấm hình con chó puđel đen mang lại cho nàng. Ðó là sự kính cẩn mà Koroviev và Beghemot bắt đầu thể hiện đối với nàng.

«Không sao, không sao, không sao! - Koroviev lẩm bẩm ở cửa ra vào của gian phòng có bể chứa nước. - Không thể làm khác được, cần phải vậy, cần phải vậy, cần phải vậy. Thưa hoàng hậu, xin phép được có một lời khuyên cuối cùng. Giữa đám khách khứa sẽ có rất nhiều loại người khác nhau, ôi, rất khác nhau, nhưng thưa hoàng hậu Margo, không được thiên vị bất cứ ai một tí nào! Nếu như có ai đấy không làm cho hoàng hậu thích... thì tôi hiểu, rằng hoàng hậu, tất nhiên, sẽ không thể hiện điều đó ra trên nét mặt của mình... Không, không, không được nghĩ đến cái đó! Sẽ nhận thấy, sẽ nhận thấy ngay trong cái khoảnh khắc ấy. Cần phải yêu mến, phải yêu mến, thưa hoàng hậu. Vì điều đó, nữ chủ nhân của vũ hội sẽ được đền bù gấp trăm lần! Và thêm nữa: không bỏ qua một người nào. Dù chỉ là một nụ cười, nếu như không đủ thời gian để ném ra vài lời, dù chỉ là nửa vòng quay đầu. Bất cứ cái gì cũng được, nhưng không được thể hiện sự không chú ý. Ðiều đó làm cho họ héo hon đi...»

Vừa lúc đó, Margarita, cùng với Koroviev và Beghemot đi theo, bước từ phòng có bể chứa nước vào một khoảng tối hoàn toàn.

«Ðể tôi, tôi - con mèo thì thào, - tôi sẽ ra hiệu lệnh!»

«Làm đi!» - Koroviev trả lời trong bóng tối.

«Vũ hội bắt đầu!» - con mèo rít lên lanh lảnh, và ngay lúc đó Margarita kêu lên một tiếng và nhắm chặt mắt lại mấy giây. Vũ hội rơi ụp xuống đầu nàng ngay tức khắc dưới dạng ánh sáng, và cùng với nó là âm thanh và mùi hương. Ðược Koroviev đỡ tay dẫn đi, Margarita trông thấy mình đang ở trong một khu rừng nhiệt đới. Những con vẹt đuôi xanh yếm đỏ bám vào dây leo, nhảy qua nhảy lại và hét chói tai: “Tôi rất vui lòng!”. Nhưng khu rừng nhanh chóng kết thúc, và bầu không khí oi nóng như trong nhà tắm hơi liền đó được thay thế bằng sự mát mẻ của gian phòng vũ hội với những cột tròn đẽo bằng một thứ đá màu vàng lấp lánh. Gian phòng này, cũng như khu rừng trước đó, hoàn toàn vắng vẻ, chỉ có mấy người da đen ở trần, đầu đội vòng bạc đứng bất động cạnh các cây cột. Khuôn mặt của họ trở nên có màu xám cáu bẩn vì xúc động khi Margarita bay vào phòng cùng với đoàn tùy tùng của mình, bây giờ có thêm Azazello không hiểu từ đâu xuất hiện. Ðến đây, Koroviev buông tay Margarita và thì thầm nói:

«Bước thẳng lên hoa uất kim cương!»

Một bức tường không cao toàn hoa uất kim cương trắng muốt mọc lên trước mặt Margarita, sau bức tường đó nàng trông thấy vô số những bóng đèn có chao treo phía trên, và đằng trước chúng là những mảng ngực trắng và những đôi vai đen của những người mặc áo đuôi tôm. Lúc đó Margarita mới hiểu những âm thanh vũ hội từ đâu vang lên. Ðổ ụp xuống đầu nàng là tiếng kèn đồng như sấm, còn giọng violon ngân nga vút lên từ trong tiếng sấm đó tắm đẫm người nàng như một làn máu ấm. Một dàn nhạc chừng trăm rưởi người đang dạo khúc polonaise.

Người mặc áo đuôi tôm đứng nổi cao phía trước dàn nhạc khi trông thấy Margarita mặt chợt trở nên tái nhợt, ông ta cười và bất ngờ bằng một cái vung tay nâng vút cả dàn nhạc lên. Không một phút ngừng nghỉ, cả dàn nhạc đứng dậy, dội âm thanh lên người Margarita. Người đứng nổi cao trước dàn nhạc quay mình lại và cúi chào rất thấp, hai tay dang rộng ra hai bên; Margarita mỉm cười giơ tay lên vẫy đáp lại ông ta.

«Không, hãy còn ít, còn ít quá, - Koroviev thì thầm, - ông ta sẽ không ngủ suốt đêm. Hãy kêu to với ông ta: “Ta xin chào ngài, vua của những bản nhạc vals!”

Margarita kêu to câu đó, và nàng ngạc nhiên trước giọng nói của mình: nó vang lên như tiếng chuông, át cả dàn nhạc đang chơi. Người mặc áo đuôi tôm run lên vì sung sướng, tay trái đưa lên ép chặt vào ngực, còn tay phải vẫn tiếp tục vung cây gậy trắng chỉ huy dàn nhạc.

«Vẫn còn ít, còn ít, - Koroviev thì thào. - Hãy nhìn sang trái, về phía những tay đàn violon đầu tiên, và gật đầu như thế nào đó sao cho người nào cũng nghĩ rằng hoàng hậu đã nhận ra mình. Ở đây toàn là những tên tuổi lừng danh thế giới. Kia, người thứ nhất hàng đầu là Vientan [1] đấy. Thế, rất tốt. Còn bây giờ ta đi tiếp.»

«Nhạc trưởng là ai vậy?» - vừa bay đi, Margarita vừa hỏi.

«Johann Straus [2] , - con mèo hét toáng lên, - và cứ để người ta treo cổ tôi lên đám dây leo trong khu rừng nhiệt đới kia nếu như đã bao giờ có một vũ hội nào có được một dàn nhạc như thế này. Ðấy là tôi mời đến! Và, hoàng hậu thấy đấy, không một ai ốm và không một ai từ chối cả.»

Trong gian phòng tiếp theo không có các dãy cột tròn, mà thay vào đó một phía là những bức tường hoa hồng đỏ thắm, hoa hồng đỏ phớt, hoa hồng trắng sữa, còn phía khác là một bức tường hoa hải đường kép Nhật Bản. Giữa những bức tường này các đài phun đã sôi réo bắn tung từng cột nước, rượu sâm banh đã sủi bọt trong ba bể chứa lớn, trong số đó bể thứ nhất có màu tím nhạt trong suốt, bể thứ hai màu hồng ngọc, còn bể thứ ba màu pha lê. Cạnh các bể chứa, những người da đen thắt lưng điều hối hả dùng những chiếc gầu bằng bạc múc rượu từ bể lên đổ đầy vô số các cốc đáy cạn. Trong bức tường hoa hồng có một khoảng trống, và ở đó, trên bục cao, một người mặc áo đuôi tôm đỏ chói đang vung tay nóng nảy. Trước mặt anh ta, một dàn nhạc jazz đang gầm to đến không chịu nổi. Chỉ vừa mới trông thấy Margarita, nhạc trưởng liền gập người xuống trước mặt nàng đến mức hai tay chạm sàn, rồi ông ta ưỡn thẳng người lên và hét chói tai:

«Alliluia!»

Ông ta vỗ mạnh lên đầu gối mình một cái, rồi đập chéo tay lần thứ hai lên đầu gối kia, giật mạnh chiếc chũm chọe từ tay nhạc công đứng hàng ngoài và đập mạnh nó lên cột.
Bay đi, Margarita chỉ kịp nhìn thấy viên nhạc trưởng dàn nhạc điêu luyện vừa vật lộn với khúc polonaise đang thổi vào lưng Margarita, vừa vung chiếc chũm chọe của mình đánh dứ vào đầu các nhạc công, và những người này khuỵu chân xuống trong cơn kinh hoàng hài hước.

Cuối cùng, họ bay tới một bãi trống, nơi trước đó như Margarita hiểu ra, Koroviev đã cầm đèn ra đón nàng trong bóng tối. Bây giờ ở đây những luồng ánh sáng phát ra từ các chùm nho bằng pha lê làm lóa mắt. Margarita được dẫn tới chỗ của nàng, và dưới cánh tay trái của nàng hiện ra một chiếc bệ thấp bằng thạch anh tím.

«Có thể đặt tay lên đó, nếu như quá mệt», - Koroviev thì thầm.

Một người da đen ném xuống chân Margarita chiếc gối thêu hình con chó puđel bằng vàng, và nàng, theo sự điều khiển của tay ai đó, co gập chân phải lại ở đầu gối và đặt lên đấy. Margarita thử liếc quanh. Koroviev và Azazello đứng bên cạnh nàng trong tư thế rất trang trọng. Bên cạnh Azazello còn có ba người đàn ông trẻ tuổi mà Margarita cảm thấy có cái gì đó giống Abadonna. Nghe hơi lạnh phả vào lưng, Margarita quay lại nhìn và thấy từ bức tường cẩm thạch phía sau mình, từng luồng rượu vang sủi bọt vọt ra và chảy vào bể lạnh. Cạnh chân trái, nàng cảm thấy một cái gì đó rậm và ấm. Ðó là Beghemot.

Margarita đứng ở trên cao, từ chân nàng dẫn xuống phía dưới là một cầu thang đồ sộ phủ thảm. ở phía dưới, rất xa, dường như Margarita nhìn vào chiếc ống nhòm quay ngược, nàng trông thấy một gian phòng dành riêng cho đầy tớ gác cửa cực lớn và một chiếc lò sưởi đúng là khổng lồ, đến mức một cỗ xe tải năm tấn có thể thoải mái đi vào cái mõm đen ngòm và lạnh ngắt của nó. Phòng đầy tớ và cầu thang chói chang ánh sáng đến nhức mắt và hoàn toàn vắng vẻ. Tiếng kèn đồng giờ đây vẳng đến tai Margarita từ xa. Họ cứ đứng bất động như vậy gần một phút.

“Thế khách đâu?” - Margarita hỏi Koroviev.

“Họ sẽ đến, thưa nữ chúa, họ sẽ đến, sẽ đến ngay bây giờ. Họ sẽ kéo đến cả đoàn cả lũ! Và nói thật lòng, tôi thích thà phải đi bổ củi còn hơn là đứng đón họ ở đây, trên đầu cầu thang này.”

“Nói gì đến bổ củi, - con mèo lắm mồm phụ họa theo ngay, - tôi sẵn sàng làm người bán vé trên tàu điện, mà trên đời này không còn cái gì tồi tệ hơn công việc đó.”

“Tất cả đều phải sẵn sàng từ trước, thưa hoàng hậu, - Koroviev giải thích, một con mắt của anh ta lấp lánh qua mặt kính bị hỏng. - Không có gì khó chịu bằng việc người khách đến đầu tiên phải rơi vào cảnh bối rối không biết mình nên làm gì, còn bà xã hợp pháp của anh ta lại đay nghiến anh ta vì chuyện họ đến sớm nhất. Những buổi vũ hội như vậy đáng đem vứt xuống hố rác, thưa hoàng hậu!”

“Ðúng là phải vứt xuống hố rác”, - con mèo khẳng định.

“Ðến nửa đêm chỉ còn hơn mười giây nữa thôi, - Koroviev nói thêm, - bấy giờ sẽ bắt đầu.”

Mười giây còn lại đó Margarita cảm thấy sao quá dài. Có vẻ như mười giây đã qua rồi, mà vẫn chưa có gì xảy ra. Nhưng đúng lúc ấy, một cái gì đó khua loảng xoảng ở phía dưới, trong lòng lò sưởi khổng lồ, và từ đấy nhảy vọt ra chiếc giá treo cổ với một thây người đã rữa nát treo lủng lẳng. Cái thây tuột khỏi sợi dây thừng, rơi phịch xuống sàn, và từ đó bật dậy một gã trai đẹp mã, tóc đen, mặc áo đuôi tôm, đi giày da láng. Từ lò sưởi chạy ra tiếp một cỗ quan tài không lớn lắm đã mục, tấm ván thiên văng ra, một thây người khác từ trong quan tài rơi xuống sàn. Gã trai đẹp mã với một vẻ phong nhã bước đến bên và khuỳnh khuỷu tay ra thành hình vòng cung; cái thây ma thứ hai liền biến thành người đàn bà khỏa thân hiếu động đi đôi giày đen với chòm lông chim cũng màu đen gài trên đầu; rồi cả hai, một đàn ông, một đàn bà, vội vã theo cầu thang đi ngược lên phía trên.

“Những vị khách đầu tiên! - Koroviev hét vang. - Ngài Giắc [3] cùng phu nhân. Xin giới thiệu với hoàng hậu, đây là một trong những người đàn ông có duyên nhất! Chuyên gia làm bạc giả lừng danh, kẻ phản bội tổ quốc, nhưng là một nhà giả kim thuật rất không tồi. Anh ta nổi tiếng, - Koroviev thì thầm vào tai Margarita, - nhờ việc đầu độc tình nhân của nhà vua. Mà việc đó đâu phải ai cũng làm được. Hoàng hậu hãy nhìn xem, đẹp trai đến nhường kia!”

Margarita mặt tái nhợt, miệng há hốc, đưa mắt nhìn xuống dưới và trông thấy cả giá treo cổ lẫn quan tài đều biến mất đi đâu đó vào cửa bên phải của căn phòng đầy tớ gác cửa.

“Tôi rất vui lòng”, - con mèo hét thẳng vào mặt ngài Giăc đang đi lên cầu thang.

Cùng lúc đó ở phía dưới từ trong lò sưởi xuất hiện một bộ xương không đầu với cánh tay bị cắt rời, bộ xương ngã sấp xuống đất và biến thành một người đàn ông mặc áo đuôi tôm.
Phu nhân của ngài Giắc đã dừng lại quỳ một chân xuống trước mặt Margarita và tái nhợt đi vì xúc động, hôn lên đầu gối nàng.

“Thưa hoàng hậu”, - Giắc phu nhân lắp bắp.

“Hoàng hậu rất vui lòng”, - Koroviev hét to.

“Thưa hoàng hậu...” - ngài Giắc điển trai khẽ cất tiếng.

“Chúng tôi rất vui lòng”, - con mèo gào lên.

Mấy người trẻ tuổi cùng đi với Azazello, miệng mỉm những nụ cười không sinh khí nhưng cởi mở, đã ép ngài Giắc cùng với phu nhân sang bên cạnh đến với những cốc sâm banh được những người da đen bưng sẵn trên tay. Người đàn ông đơn độc mặc áo đuôi tôm đang một mình chạy lên cầu thang.

“Bá tước Robert [4] , - Koroviev nói thầm với Margarita, - vẫn cứ duyên dáng như trước. Xin hoàng hậu lưu ý một trường hợp ngược lại thật khôi hài: ông này là tình nhân của vợ vua và bỏ thuốc độc giết chết vợ mình.”

“Chúng tôi rất vui lòng, thưa bá tước”, - Beghemot hét.

Từ lò sưởi văng ra, nổ tung và rơi xuống sàn ba chiếc quan tài, theo sau là một người đàn ông mặc áo choàng đen, ông ta bị người từ cái miệng đen ngòm của lò sưởi chạy ra tiếp đó đâm một nhát dao vào lưng. Ở phía dưới nghe vang lên tiếng kêu tắc nghẹn. Từ lò sưởi chạy ra một xác chết gần như bị rữa nát hoàn toàn. Margarita nheo mắt lại, và một bàn tay của ai đó đưa lên mũi nàng một lọ nhỏ đựng muối trắng. Margarita nghĩ rằng đó là tay của Natasa. Cầu thang bắt đầu chật ních người. Bây giờ trên mỗi bậc cầu thang đều có những người đàn ông mặc áo đuôi tôm từ xa trông giống nhau hoàn toàn, và cùng với họ là những người phụ nữ khỏa thân chỉ khác nhau bởi màu sắc của những chiếc lông chim cắm trên đầu và những đôi giày dưới chân.

Ðang đi lại gần Margarita là một người đàn bà gầy gò, khiêm nhường, có dáng đi khập khễnh với một chiếc ủng bằng gỗ kỳ cục ở chân trái, đôi mắt nhìn xuống như một nữ tu sĩ, một dải vải xanh rộng quấn ngang cổ không hiểu để làm gì.

“Người quấn vải xanh là ai?W - Margarita buột miệng hỏi.

“Một phụ nữ cực kỳ sang trọng và cực kỳ đáng mến, - Koroviev thì thầm. - Xin giới thiệu với hoàng hậu, đây là bà Tophana [5] , người đặc biệt nổi tiếng giữa đám phụ nữ tuyệt vời của thành Napoli và Palermo, nhất là trong số những người vợ chán chồng. Bởi vì, thưa hoàng hậu, thường vẫn có khi các ông chồng trở nên đáng ngán lắm chứ ạ.”

“Ðúng vậy”, - Margarita đáp khẽ, trong lúc đó vẫn mỉm cười với hai người đàn ông mặc áo đuôi tôm theo nhau cúi mình hôn tay và đầu gối nàng.

“Thế đấy, - Koroviev vừa khéo léo thì thầm vào tai Margarita, đồng thời cũng trong lúc đó vừa kịp hét lên với ai đó: - Thưa công tước, xin mời một cốc sâm banh! Tôi rất vui lòng! Vâng, thế đấy, bà Tophana hiểu rõ tình cảnh của những người phụ nữ đáng thương đó và bán cho họ một thứ nước gì đấy trong các ve nhỏ. Vợ đổ thứ nước đó vào bát súp cho chồng, chồng ăn súp, cảm ơn vợ về sự nâng niu âu yếm và cảm thấy trong người thật thoải mái. Tuy nhiên, sau vài giờ, anh chồng bắt đầu cảm thấy rất khát nước, vào giường nằm, và ngày hôm sau, người vợ tuyệt vời ở thành Napoli cho chồng ăn súp đã được tự do như ngọn gió mùa xuân.”

“Thế cái gì trên chân bà ta thế? - Margarita hỏi, vẫn không ngừng giơ tay ra cho những người khách đã đi vượt bà Tophana khập khiễng. - Và cái dải xanh trên cổ để làm gì? Cổ bị tật à?”

“Tôi rất vui lòng, thưa hầu tước! - Koroviev hét và cùng lúc đó nói thầm với Margarita: - Cái cổ tuyệt trần, nhưng ở trong nhà tù xảy ra một chuyện khó chịu đối với bà ta. Ở chân bà ta là chiếc ủng Tây Ban Nha [6] , thưa hoàng hậu, còn dải xanh ở cổ có sự tích như sau: khi những người coi ngục được biết rằng gần năm trăm ông chồng được chọn không như ý đã vĩnh viễn rời bỏ Napoli và Palermo, họ quá nóng nảy thắt cổ bà Tophana ở trong nhà giam.”

“Tôi thật sung sướng, thưa hoàng hậu, được hưởng cái vinh hạnh cao cả như thế này”, - bà Tophana vừa thì thào như một nữ tu sĩ, vừa cố quỳ chân xuống sàn, nhưng bị vướng bởi chiếc ủng Tây Ban Nha. Koroviev và Beghemot giúp bà ta đứng dậy.

“Ta rất vui”, - Margarita đáp lời, cùng lúc đó chìa tay cho những người khác.

Bây giờ, chảy ngược theo cầu thang lên trên là cả một dòng người. Margarita không còn trông thấy những gì diễn ra ở phòng đầy tớ gác cửa nữa. Nàng giơ tay lên và hạ xuống một cách máy móc, phô hàm răng đơn điệu mỉm cười với khách. Trên đầu cầu thang đã bắt đầu ồn ào, từ phía những gian vũ hội mà Margarita vừa rời khỏi vẳng lại tiếng nhạc như biển động.

“Còn đây là một người đàn bà ngán ngẩm, - Koroviev không còn thì thầm nữa, mà nói to, vì biết rằng trong tiếng ồn ào sẽ không ai nghe thấy anh ta, - rất say mê các buổi vũ hội, cứ mơ ước được kêu ca về chiếc khăn của mình.”

Margarita đưa mắt tìm, giữa dòng người đang leo lên, người mà Koroviev vừa nói đến. Ðó là một phụ nữ trẻ chừng hai mươi tuổi, thân hình đẹp khác thường, nhưng cặp mắt có một cái gì đó lo âu, ám ảnh.

“Khăn nào?” - Margarita hỏi.

“Có một con sen được phái đến chỗ cô ta, - Koroviev giải thích, - và suốt ba chục năm nay đêm đến lại đặt lên bàn cho cô ta một chiếc khăn mùi soa. Cứ tỉnh dậy là cô ta đã thấy chiếc khăn ở đó rồi. Cô ta đem đốt trong lò, đem vứt xuống sông, nhưng không làm sao được.”

“Khăn nào?” - Margarita thì thầm hỏi, tay vẫn không ngừng nâng lên, hạ xuống.

“Chiếc khăn viền xanh. Ðầu đuôi sự việc là khi còn làm ở một tiệm rượu, có lần tay chủ tiệm gọi cô ta vào nhà kho; sau chín tháng cô ta sinh ra một đứa bé trai, mang nó vào rừng, nhét chiếc khăn vào miệng, rồi chôn đứa bé xuống đất. Khi ra tòa, cô ta nói rằng cô ta không biết lấy gì để nuôi con cả.”

“Thế còn lão chủ tiệm rượu đâu?” - Margarita hỏi.

“Thưa hoàng hậu, - từ phía dưới chân, con mèo bỗng kêu rít lên, - cho phép tôi được hỏi: lão chủ thì có liên quan gì đến đây? Ông ta có bóp chết đứa bé ở trong rừng đâu?”

Margarita, vẫn không ngừng mỉm cười và chìa tay phải ra cho khách, bấm những móng nhọn của bàn tay trái vào tai Beghemot và thì thào:

“Nếu như nhà ngươi, đồ đểu cáng, còn dám chen vào chuyện một lần nữa...”

Beghemot kêu lên the thé không theo cung cách vũ hội và nói khàn khàn:

“Thưa hoàng hậu... tai sưng lên mất... Sao lại làm hỏng vũ hội bằng cái tai sưng vù này?... Ðó là tôi nói về pháp lý... đứng trên quan điểm pháp lý... Tôi xin im lặng, im lặng... Hãy coi tôi không phải mèo, mà là hến, chỉ xin buông tai ra.”

Margarita thả tai mèo ra, và cặp mắt ám ảnh, rầu rĩ đã ở ngay trước mặt nàng.

“Tôi rất sung sướng, thưa hoàng hậu, được đến dự đại vũ hội của đêm rằm.”

«Còn ta, - Margarita đáp, - ta rất vui được gặp nàng. Ta rất vui. Nàng có thích sâm banh không?»

«Ôi, sao lại thế này, thưa hoàng hậu?! - Koroviev tuyệt vọng, nhưng không thành tiếng, hét vào tai Margarita. - Hàng người sẽ bị nghẽn lại mất!»

«Tôi rất thích, - người đàn bà trẻ nói với vẻ cầu khẩn, và bỗng bắt đầu lặp đi lặp lại một cách máy móc: - Phrida, Phrida, Phrida [7] ! Tên tôi là Phrida, thưa hoàng hậu.»

«Thế thì hôm nay hãy uống cho thật say, Phrida ạ, và đừng nghĩ gì cả», - Margarita nói.

Phrida vươn cả hai tay về phía Margarita, nhưng Koroviev và Beghemot rất khéo léo đỡ lấy tay cô ta, và Phrida mất hút trong đám đông.

Bây giờ từ phía dưới, dòng người đã chật cứng như nêm chen chúc nhau xông lên đầu cầu thang, nơi Margarita đứng. Những thân thể đàn bà khỏa thân giữa những người đàn ông mặc lễ phục đuôi tôm. Những tấm thân ngăm đen, trắng nõn, màu cà phê hạt, và cả màu đen hoàn toàn, dập dờn dồn đến trước mặt Margarita. Những viên ngọc quý trên các mái tóc màu hung, màu đen, màu hạt dẻ, màu lanh, lấp lánh nhảy múa bắn ra vô vàn tia lửa trong làn ánh sáng chói chang từ trên đổ xuống. Và dường như có ai đó vẩy những giọt ánh sáng xuống đám đàn ông đang chen chúc đi ngược lên cầu thang - trên ngực họ, những chiếc khuy cài cổ bằng kim cương ánh lên rực rỡ. Bây giờ Margarita cảm thấy từng giây một những cặp môi chạm vào đầu gối, từng giây một chìa tay ra đón nhận những cái hôn, gương mặt nàng chảy ra trong chiếc mặt nạ tươi cười bất động.

«Tôi rất vui lòng, - giọng Koroviev ngân nga một cách đơn điệu, - chúng tôi rất vui lòng, hoàng hậu rất vui lòng.»

«Hoàng hậu rất vui lòng», - Azazello khàn khàn giọng mũi sau lưng Margarita.

«Tôi rất vui lòng», - con mèo bên cạnh liên tục gào lên.

«Hầu tước tiểu thư [8] , - Koroviev lẩm bẩm, - bỏ thuốc độc giết chết cha, hai người anh và hai người chị chỉ vì quyền thừa kế gia sản! Hoàng hậu rất vui lòng! Quý bà Minkina [9] , ôi tuyệt quá! Chỉ hơi cáu bẳn. Sao lại đốt một người hầu phòng bằng những chiếc kẹp uốn tóc? Tất nhiên, trong những điều kiện như thế người ta sẽ cắt đầu! Hoàng hậu rất vui lòng! Thưa hoàng hậu, một giây lưu ý: Hoàng Ðế Ruđolf [10] , một nhà giả kim thuật và phù thủy. Lại một nhà giả kim thuật - bị treo cổ. A, bà ta đây rồi! Ôi, cái nhà chứa của bà ta ở thành phố Strasbourg mới tuyệt vời chứ! Chúng tôi rất vui lòng. Chị thợ may ở Moskva, tất cả chúng ta đều mê chị ta bởi cái trí tưởng tượng không bao giờ cạn. Chị ta mở tiệm may và nghĩ ra một trò buồn cười kinh khủng: khoan hai lỗ tròn ở tường...»

«Thế các bà khách không biết à?» - Margarita hỏi.

«Tất cả đều biết, thưa hoàng hậu, - Koroviev đáp, - tôi rất vui lòng. Cái cậu bé hai mươi tuổi này từ bé đã có những ý tưởng lạ lùng, một kẻ hay mơ mộng và kỳ cục. Có một cô gái yêu cậu ta, còn cậu ta đem bán cô ta vào nhà thổ.»

Từ phía dưới, dòng sông người vẫn chảy. Không thấy khúc cuối của dòng sông đó ở đâu. Nguồn của nó, chiếc lò sưởi khổng lồ vẫn tiếp tục nhả người ra. Cứ như vậy một giờ trôi qua, rồi giờ thứ hai. Margarita bắt đầu cảm thấy sợi dây chuyền đeo ở cổ trở nên nặng nề hơn trước và có một cái gì đó khủng khiếp xảy ra với cánh tay của nàng. Bây giờ mỗi khi nâng nó lên, Margarita phải nhăn mặt lại. Nàng thôi không còn chú ý đến các nhận xét thú vị của Koroviev nữa. Và những khuôn mặt mắt xếch của người Mông Cổ, những khuôn mặt da trắng và da đen trở nên giống nhau, nhiều khi nhập lại làm một, còn bầu không khí giữa những khuôn mặt đó không hiểu sao bắt đầu lung linh run rẩy. Một cơn đau buốt như bị kim đâm bỗng nhói lên ở cánh tay phải của Margarita, và nàng nghiến răng tựa khuỷu tay lên mặt bệ thấp. Những tiếng động sột soạt như tiếng cánh chim quệt vào tường bây giờ từ gian phòng lớn phía sau vẳng lại, và có thể hiểu được rằng ở đó cả đám khách đông chưa từng thấy kia đang nhảy. Margarita cảm tưởng như đến cả những sàn nhà nặng nề bằng đá cẩm thạch khảm pha lê trong ngôi nhà kỳ lạ này cũng phải rung lên theo nhịp nhảy.

Cả Gai Caesar Kaligula [11] lẫn Mesalina [12] đều không làm cho Margarita quan tâm nữa, cũng như nàng không còn quan tâm đến một ai trong số những vua chúa, quận công, hiệp sĩ, những kẻ tự tử, giết người, bị treo cổ và những kẻ ma cô ma cậu, những tên coi ngục và những đao phủ, những kẻ chuyên nghề tố giác và cờ bạc, bịp bợm, những tên phản bội, gián điệp, những kẻ điên khùng và hoang dâm. Tất cả tên tuổi của họ rối tinh lên trong đầu nàng, những khuôn mặt của họ nhòa kết thành một khối bột nhão khổng lồ; và chỉ có một khuôn mặt với bộ râu đỏ như lửa, khuôn mặt của Maliuta Scuratov [13] là bám chặt một cách đau đớn trong trí nhớ của nàng. Ðôi chân của Margarita khuỵu xuống, từng phút một nàng chỉ sợ mình òa lên khóc. Cái nàng cảm thấy đau đớn nhất là đầu gối chân trái, nơi người ta không ngừng hôn lên. Nó sưng phồng, da trở nên tím xanh, mặc dù đã mấy lần bàn tay của Natasa xuất hiện cạnh đầu gối nàng và dùng bọt biển thoa một thứ nước thơm lên đó. Ðến cuối giờ thứ ba, Margarita đưa đôi mắt hoàn toàn tuyệt vọng nhìn xuống và rùng mình sung sướng: đám khách đã thưa đi nhiều.

«Quy luật của các cuộc đón khách vũ hội đều như nhau, thưa hoàng hậu, - Koroviev thì thầm, - bây giờ đợt sóng sẽ bắt đầu hạ xuống. Xin thề là chúng ta đang phải chịu đựng những phút cuối cùng. Kia là đám ăn chơi vùng núi Broken. Họ bao giờ cũng đến sau rốt. Ðúng là họ rồi. Hai quỷ hút máu say mềm... hết rồi ư? à không, lại còn thêm một. Không, thêm hai người nữa!»

Hai người khách cuối cùng đang bước lên cầu thang.

«Ai đây có vẻ mới nhỉ? - Koroviev nheo mắt nhìn qua mặt kính, nói. - À phải rồi, phải rồi. Một lần trước đây Azazello đến thăm ông ta và sau cốc rượu cô nhắc khuyên ông ta cách thoát khỏi tay một người. Ông ta đang vô cùng lo sợ bị người đó vạch mặt. Và thế là ông ta ra lệnh cho một người quen dưới quyền của mình vẩy thuốc độc lên các bức tường phòng làm việc [14]

«Tên ông ta là gì?» - Margarita hỏi.

«Thú thực là tôi cũng không biết, - Koroviev đáp, - cần phải hỏi Azazello.»

«Thế ai đi cùng với ông ta kia?»

«Ðó chính là người thừa hành dưới quyền của ông ta. Tôi rất vui lòng! - Koroviev hét lên với hai người khách cuối cùng.»

Cầu thang trở nên trống không. Ðể cẩn thận, họ đợi thêm một lúc. Nhưng từ lò sưởi không còn ai ra thêm nữa.

Một giây sau, không hiểu bằng cách nào, Margarita đã thấy mình lại ở trong căn phòng có bể tắm; và ở đó, lập tức òa lên khóc vì những cơn đau ở tay và chân, nàng nằm xoài ngay xuống sàn. Nhưng Ghella và Natasa, không ngớt miệng an ủi, lại kéo nàng đến dưới vòi tắm máu, lại xoa bóp người nàng, và Margarita cảm thấy mình khỏe khoắn trở lại.

«Còn nữa, còn nữa, thưa hoàng hậu Margo, - Koroviev từ đâu hiện ra bên cạnh, thì thầm. - Cần phải bay thêm một vòng qua các phòng để các vị khách quý không cảm thấy mình bị bỏ rơi.»

Và Margarita bay ra khỏi căn phòng có bể tắm. Trên sân khấu phía sau bức tường hoa uất kim cương, nơi trước đây dàn nhạc của vua các bản nhạc vals biểu diễn, giờ vang lên điên loạn dàn nhạc jazz của bầy khỉ. Một con vượn gorila khổng lồ với bộ mặt râu quai nón cầm cây kèn đồng trong tay vừa nặng nề nhún nhảy vừa chỉ huy dàn nhạc. Những con đười ươi ngồi thành một dãy ra sức thổi những chiếc kèn sáng loáng. Một bầy tinh tinh vui nhộn ôm đàn gió ngồi cưỡi trên vai chúng. Hai con vượn hamadria có bờm sư tử ngồi chơi dương cầm, nhưng tiếng nhạc dương cầm không nghe rõ trong tiếng gầm, tiếng rít và tiếng rền rĩ của các cây kèn saxophon, violon và trống trong tay những con vượn gibbon, khỉ mandri và khỉ đuôi dài. Trên mặt sàn gương, vô số những cặp nhảy, dường như kết chặt vào với nhau, phô diễn sự khéo léo và điêu luyện của các động tác, cùng quay tròn về một hướng, ken đặc như một bức tường, sẵn sàng quét sạch mọi thứ trên đường đi. Những con bướm cánh mịn màng chao lượn trên đám người nhảy múa; từ trên trần, hoa rắc xuống lả tả. Trên các đỉnh của những cây cột tròn, khi điện tắt, nhấp nháy hằng hà sa số những đàn đom đóm và những ngọn lửa ma trơi bơi chập chờn trong không khí.

Rồi Margarita thấy mình đang ở trong một bể tắm có kích thước to đến quái dị với hàng cột tròn bao quanh. Một bức tượng Hải Vương khổng lồ phun từ miệng ra cột nước lớn màu hồng. Mùi rượu sâm banh ngây ngất bốc lên từ lòng bể tắm. Ở đây đang vào giai đoạn cao trào của một trò giải trí vô cùng thoải mái. Những người đàn bà nói cười, cởi giày dép, trao ví xách tay của mình cho các bạn nhảy hay đám người da đen đang chạy đi chạy lại với những ôm khăn tắm trong tay, rồi hét lên nhảy lao đầu xuống bể. Những cột bọt trắng vọt lên cao. Những ngọn đèn đặt dưới đáy bể pha lê cháy sáng xuyên qua lớp rượu vang dày trong bể làm hiện rõ những thân người lấp lánh bạc đang bơi lội. Từ dưới bể lên, tất cả mọi người đều đã say ngây ngất. Tiếng cười sằng sặc vang lên dưới các dãy cột tròn và vang xa mãi, như trong một nhà tắm hơi.

Trong toàn bộ cái khối hỗn độn đó, hiện lên rất rõ một khuôn mặt phụ nữ đã hoàn toàn say, với đôi mắt mất trí, nhưng trong cái vẻ mất trí đó vẫn toát ra một sự cầu khẩn, và Margarita nhớ lại cái tên “Phrida”. Ðầu nàng bắt đầu choáng váng vì hơi rượu, và khi Margarita vừa định bay đi thì Beghemot đã biểu diễn trong bể rượu một tiết mục khiến nàng phải nán lại. Con mèo làm một động tác phù phép gì đó ở miệng Hải Vương, và ngay tức khắc toàn bộ khối sâm banh cuồn cuộn cùng với tiếng sủi rít ầm ầm rút khỏi bể, còn pho tượng Hải Vương bắt đầu phun ra những đợt sóng màu vàng thẫm không óng ánh, không sủi bọt. Ðám đàn bà vừa hét ré lên: - Cô nhắc! - vừa chạy từ mép bể ra phía sau các cây cột tròn. Sau mấy giây, bể tắm đã đầy ắp, và con mèo, nhảy lộn ba vòng trong không khí, rơi tõm xuống bể rượu cô nhắc đang gợn sóng chao đảo. Khi nó vừa thở phì phò vừa leo lên bờ, chiếc cà vạt đã ướt sũng nhàu nát, chiếc ống nhòm và màu vàng của bộ ria đã biến mất. Theo gương của Beghemot chỉ có hai người, đó là chị thợ may lắm trò nọ và tay bạn nhảy của chị ta, một người lai trẻ tuổi lạ mặt. Khi cặp kia vừa nhảy xuống bể cô nhắc, Koroviev đã khoác lấy cánh tay Margarita, và họ rời bỏ những người đang tắm.

Margarita thấy mình bay qua một nơi không quen, nàng trông thấy phía dưới những núi sò huyết trong chiếc ao lớn bằng đá. Sau đó nàng bay trên một mặt sàn bằng kính, dưới sàn là những lò lửa địa ngục đang cháy rực và những người đầu bếp trắng toát của chúa quỷ đang chạy đi chạy lại tất bật. Rồi ở một nơi khác, khi nàng đã không còn hiểu được một cái gì nữa, Margarita trông thấy những tầng nhà hầm tối thẫm, nơi có những ngọn đèn cháy sáng, những cô gái dọn ra những miếng thịt nướng trên than đỏ cháy xèo xèo và mọi người uống mừng sức khỏe nàng bằng những chiếc cốc lớn tướng. Rồi nàng trông thấy những con gấu trắng chơi đàn gió và nhảy điệu nhảy dân gian trên sân khấu. Một nhà ảo thuật ma quỷ không cháy trong lò sưởi... Và lần thứ hai, sức lực của nàng bắt đầu cạn kiệt.

«Ðợt trình diễn cuối cùng, - Koroviev lo lắng nói thầm vào tai Margarita, - và chúng ta sẽ được tự do.»

Cùng với Koroviev, nàng lại rơi vào phòng vũ hội, nhưng ở đó bây giờ mọi người không còn nhảy nữa, mà tụ lại thành một đám đông vô vàn bên các dãy cột, để một khoảng trống ở giữa phòng. Margarita không còn nhớ ai đã giúp nàng leo lên chiếc bục cao vừa xuất hiện chính giữa khoảng trống đó. Khi đã đứng trên bục, nàng kinh ngạc nghe ở đâu đó có tiếng chuông điểm nửa đêm, mà theo sự tính toán của nàng là thời khắc đó đã phải qua từ lâu lắm rồi. Cùng với tiếng chuông đồng hồ cuối cùng không hiểu từ đâu vọng lại, một sự im lặng bao trùm lên đám khách. Lúc đó Margarita lại trông thấy Voland. Ði theo ông ta là Abadonna, Azazello và một vài người trẻ tuổi mặc áo đen giống như Abadonna. Bây giờ Margarita trông thấy đối diện với chiếc bục của nàng nổi lên một chiếc bục khác dành cho Voland. Nhưng ông ta không sử dụng chiếc bục đó. Ðiều làm cho Margarita ngạc nhiên là trong đợt trình diễn lớn cuối cùng này trên vũ hội, Voland vẫn có bộ dạng hệt như khi ở trong phòng ngủ. Vẫn chiếc áo ngủ đã mạng và cáu bẩn ấy treo trên vai ông ta, chân vẫn đi đôi giày dùng trong nhà cũ mòn ấy. Voland có mang theo kiếm, nhưng ông ta sử dụng thanh kiếm tuốt trần như một cây gậy, tỳ tay lên nó mà bước đi khập khễnh. Voland vừa dừng lại cạnh chiếc bục của mình, lập tức Azazello đã xuất hiện trước mặt ông ta với chiếc khay trên tay; trên chiếc khay đó, Margarita trông thấy một đầu người bị cắt cụt với mấy chiếc răng cửa gãy. Trong phòng vẫn tiếp tục im lặng tuyệt đối, và sự im lặng đó chỉ một lần bị phá vỡ bởi tiếng chuông vọng lại từ rất xa như từ cửa chính vọng đến và hoàn toàn khó hiểu trong những điều kiện ở đây.

«Mikhail Aleksandrovich, - Voland nói khẽ với chiếc đầu, và khi ấy hai hàng mi của người bị giết mở ra, Margarita rùng mình trông thấy trên khuôn mặt chết một đôi mắt sống đầy trí tuệ và đau khổ. - Tất cả đều xảy ra đúng như thế, có phải không? - Voland tiếp tục nói, nhìn thẳng vào cặp mắt của cái đầu. - Ðầu ông bị một người đàn bà cắt đứt, cuộc họp không thành, và tôi đang ở trong căn hộ của ông. Ðó là sự thật. Mà sự thật là một thứ cực kỳ bướng bỉnh trên thế gian này. Nhưng bây giờ chúng tôi quan tâm đến những gì sẽ tiếp theo, chứ không phải cái sự kiện đã xảy ra. Ông bao giờ cũng là người nhiệt thành truyền bá cái học thuyết cho rằng sau khi đầu bị cắt, cuộc sống con người cũng chấm dứt, con người biến thành tro bụi và đi vào cõi vô sinh. Tôi lấy làm hài lòng được thông báo với ông, trước mặt các vị khách của tôi, mặc dù họ lại là bằng chứng của một học thuyết hoàn toàn khác, rằng học thuyết của các ông vừa vững chắc, vừa sắc sảo. Tuy nhiên, mọi học thuyết đều có giá trị của mình. Và trong số các học thuyết đó, có cả học thuyết cho rằng mỗi con người sẽ được hưởng theo đức tin của anh ta. Và việc đó sẽ được thành hiện thực! Ông đi vào cõi vô sinh, còn tôi sẽ được sung sướng từ cái chén mà ông sẽ biến thành uống mừng sự sinh tồn!»

Voland nâng kiếm lên. Ngay lúc đó bề ngoài của đầu người trên khay biến sang màu đen thẫm, thu nhỏ lại, rồi lở ra từng mảng, hai con mắt biến mất, và một lát sau Margarita trông thấy trên khay một chiếc chén bằng sọ người màu vàng nhạt, với cặp mắt ngọc bích và hàm răng ngọc trai đứng trên chân bệ bằng vàng. Nắp chiếc sọ mở ra bằng bản lề.

«Ngay bây giờ, thưa messir, - nhận thấy ánh nhìn dò hỏi của Voland, Koroviev nói, - hắn sẽ đến trước mặt ngài. Tôi đã nghe trong sự im lặng tuyệt đối này tiếng đôi giày da láng của hắn bước đi, tiếng va lanh canh của chiếc cốc hắn đặt xuống bàn, cốc sâm banh cuối cùng mà hắn uống trong cuộc sống nơi kia. Và hắn đây rồi.»

Một người khách mới đơn độc bước vào phòng, đi thẳng đến chỗ Voland. Bề ngoài anh ta không có gì khác biệt với vô số những người khách đàn ông khác, chỉ trừ một điểm: anh ta bước đi không vững vì lo sợ, điều đó có thể trông thấy rõ ngay từ xa. Trên hai má anh ta đỏ cháy lên những vết bầm, cặp mắt nhìn quanh hoảng hốt. Người khách sửng sốt tột độ, mà điều đó là dĩ nhiên thôi: tất cả mọi cái xung quanh đều làm anh ta kinh ngạc, mà trước hết là bộ trang phục của Voland.»

Nhưng người khách đã được đón tiếp một cách hết sức ân cần.

«A, ngài nam tước Maighel vô cùng quý mến, - mỉm cười cởi mở, Voland đón chào người khách đang trố mắt ra ngơ ngác. - Tôi rất hân hạnh được giới thiệu với các quý vị, - Voland quay về đám khách đứng trong phòng, - đây là ngài nam tước Maighel tột cùng đáng kính, một viên chức ở ủy ban biểu diễn - chuyên trách giới thiệu với người nước ngoài những danh lam thắng cảnh của thủ đô.»

Nghe đến đó, Margarita sững sờ cả người, vì nàng bỗng nhận ra cái tay Maighel này. Ðã mấy lần nàng gặp anh ta ở các nhà hát Moskva và trong các tiệm ăn. “Khoan đã... - Margarita nghĩ thầm, - thế này có nghĩa là anh ta đã chết rồi?” Nhưng sự thể đã được làm sáng tỏ ngay liền đó.

«Ngài nam tước đáng mến, - Voland mỉm cười rạng rỡ, nói tiếp, - là một người tuyệt vời đến mức vừa nghe tin tôi đến Moskva đã lập tức gọi điện cho tôi và đề nghị được phục vụ theo chức trách của mình, tức là giới thiệu những danh lam thắng cảnh của thủ đô. Tôi, lẽ dĩ nhiên, rất sung sướng được mời ngài nam tước đến đây.»

Vào đúng lúc đó, Margarita trông thấy Azazello trao chiếc khay đựng đầu lâu cho Koroviev.

«Mà nhân thể nói thêm, thưa nam tước, - Voland bỗng thân mật hạ giọng nói tiếp, - có những tin đồn về tính ham hiểu biết đặc biệt hiếm có của ngài. Người ta nói rằng nó, kết hợp với sự mau miệng phát triển cũng không kém của ngài, đã thu hút được sự chú ý chung. Hơn thế nữa, những miệng lưỡi độc địa đã ném ra những lời về ngài như “kẻ tố giác”, “thằng do thám”. Và còn hơn thế nữa, lại có cả ý kiến cho rằng chỉ một tháng nữa là cùng điều đó sẽ dẫn ngài tới một kết cục đau buồn. Vì thế, để giải thoát ngài khỏi sự chờ đợi mệt mỏi, chúng tôi quyết định giúp đỡ ngài, tiện thể gặp dịp ngài xin đến thăm tôi với mục đích là để rình xem và nghe trộm tất cả những gì có thể.»

Mặt nam tước trở nên tái nhợt, còn tái hơn cả Abadonna, là người đã rất tái nhợt rồi. Và liền đó xảy ra một việc lạ lùng. Abadonna vụt hiện đến trước mặt gã nam tước, gỡ cặp kính của mình ra trong một giây. Ðúng vào khoảnh khắc ấy, có một cái gì đó vụt lóe lên trong tay Azazello, một cái gì đó khẽ nổ bục như tiếng vỗ tay, nam tước từ từ ngã ngửa xuống, một dòng máu đỏ thắm bắn vọt ra từ ngực, nhuộm hết chiếc áo sơmi hồ bột và áo gilê lễ phục. Koroviev hứng chiếc chén dưới dòng máu vọt ra và đưa chiếc chén đã hứng đầy cho Voland. Trong lúc đó tấm thân không còn sinh khí của gã nam tước đã nằm gục trên sàn nhà.

«Thưa quý khách, tôi uống chúc sức khỏe của các vị!» - Voland nói khẽ và nâng cốc lên môi.
Và lúc đó xảy ra một sự biến đổi kỳ lạ. Chiếc áo ngủ mạng và đôi giày sờn cũ của Voland biến mất. Voland đứng giữa phòng, trên mình mặc một tấm áo choàng đen với thanh kiếm thép ngang sườn. Ông ta bước nhanh đến bên Margarita, nâng chiếc chén lên gần mặt nàng và ra lệnh:

«Uống đi!»

Ðầu Margarita quay cuồng, nàng lảo đảo, nhưng cái chén đã ở ngay cặp môi của nàng, và những giọng nói của ai đó, - của ai, nàng không nhận ra, - thì thầm vào cả hai tai nàng:
«Ðừng sợ, thưa hoàng hậu... Ðừng sợ, thưa hoàng hậu, máu đã thấm xuống đất từ lâu. Và ở đó, nơi máu đổ xuống, đã mọc lên những chùm nho [15]

Margarita, không mở mắt, uống một ngụm, và một dòng điện ngọt ngào chạy khắp các mạch máu của nàng, hai tai bắt đầu rè đi. Nàng như nghe thấy những tiếng gà trống gáy váng óc, và một bản nhạc hành khúc vang lên đâu đây. Ðám khách bắt đầu mất đi diện mạo của mình. Cả những người đàn ông mặc áo đuôi tôm lẫn những người đàn bà đều biến thành các thây ma. Sự mục rữa ngay trước mắt Margarita bao trùm toàn bộ căn phòng, trong không khí bốc lên mùi hầm mộ. Các dãy cột tròn đổ vụn, lửa đèn tắt ngấm, tất cả thu nhỏ lại, và cả những đài phun, những bức tường hoa uất kim cương lẫn hoa hải đường đều không còn dấu vết. Mà chỉ còn lại cái vốn vẫn ở nơi đây - căn phòng khách đơn sơ của bà chủ hiệu kim hoàn, từ cánh cửa hé mở dẫn vào đó hắt ra một dải ánh sáng. Và Margarita bước qua cánh cửa hé mở ấy.

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]Anri Vientan (1820-1881): nhà soạn nhạc, nhạc sĩ vĩ cầm người Bỉ.
[2]Johann Straus (1825-1899): nhà soạn nhạc, nghệ sĩ vĩ cầm và nhạc trưởng vĩ đại người Áo, “vua nhạc vals”.
[3]Ngài Giắc: tức Giắc le Kor (l400-l456), người Pháp, bị buộc tội làm tiền giả và đầu độc người tình của vua Karl IV.
[4]Bá tước Robert: người tình của nữ hoàng Anh Elisabet I, bị nghi là đầu độc vợ mình.
[5]Bà Tophana: một phụ nữ Italia buôn bán thuốc độc.
[6]... ủng Tây Ban Nha: một thứ dụng cụ khổ hình.
[7]Phrida: câu chuyện này được ghi lại trong sách về Phrida Keller, hình tượng này cũng gợi liên tưởng tới nhân vật nữ Gretkhen trong Faust của Goethe.
[8]Hầu tước tiểu thư Brevile cùng người tình đầu độc cha, hai anh và hai chị để chiếm tài sản.
[9]Minkina: người tình của bá tước Araktrev, nổi tiếng hư hỏng và tàn bạo, bị những người hầu giết chết năm 1825.
[10]Hoàng Đế Rudolf (l552-1621): nhà giả kim thuật, thích khoa học hơn chính trị.
[11]Caesar Kaligula (12-14): Hoàng Đế La Mã, tàn bạo, hoang phí.
[12]Mesalina (thế kỷ I sau Công nguyên): vợ thứ ba của Hoàng Đế La Mã Klavdi, nổi tiếng tàn bạo, hiếu danh, dâm đãng. Tên bà ta trở thành danh từ chung.
[13]Maliuta Scuratov (không rõ năm sinh - mất năm 1573): nhà quý tộc, cận thần của Nga hoàng Ivan Hung Đế, người tham gia vào việc sát hại nhiều kẻ thù chính trị của Nga hoàng.
[14]... vẩy thuốc độc lên các bức tường phòng làm việc: ở đây ám chỉ cựu Bộ trưởng Nội vụ (Liên Xô cũ) G. Iagoda và thư ký của ông ta P.Bulanov, năm 1938 cả hai đã bị xử tử.
[15]... mọc lên những chùm nho: ý nói, máu đã biến thành rượu vang. Theo truyền thuyết, trong bữa ăn tối cuối cùng, Giesu Christ đã biến rượu vang thành máu, còn Voland thì làm điều ngược lại.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài