talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 1

Chương 1: Ðừng bao giờ nói chuyện với những người lạ Chương 2: Ponti Pilat Chương 3: Bằng cứ thứ bảy Chương 4: Cuộc đuổi bắt Chương 5: Chuyện xảy ra ở Griboedov Chương 6: Sidôphrenia Như đã được nói trước Chương 7: Căn hộ có ma Chương 8: Cuộc đấu giữa giáo sư và nhà thơ Chương 9: Những trò ảo thuật của Koroviev Chương 10: Những tin tức từ Ialta Chương 11: Sự phân thân của Ivan Chương 12: Hắc ảo thuật và sự lật tẩy nó Chương 13: Nhân vật xuất hiện Chương 14: Khá khen thay gà trống! Chương 15: Giấc mơ của Nikanor Ivanovich Chương 16: Vụ hành quyết Chương 17: Một ngày bất an Chương 18: Những người khách rủi ro

 

Chương 6:
Sidôphrenia
Như đã được nói trước



Khi người đàn ông với bộ râu nhọn hoắt mặc áo choàng trắng bước vào phòng khám của bệnh viện tâm thần nổi tiếng vừa mới xây dựng xong cách đây không lâu trên bờ sông ở ngoại ô Moskva, đồng hồ đã chỉ một giờ rưỡi đêm. Ba hộ lý không rời mắt khỏi người Ivan Nikolaievich lúc này đang ngồi trên đi văng. Nhà thơ Riukhin vô cùng xúc động cũng có mặt tại đây. Những chiếc khăn vừa mới đây dùng để trói Ivan Nikolaievich, giờ được xếp thành một đống cũng nằm trên chiếc đi văng đó. Tay và chân Ivan Nikolaievich đều được tự do.

Trông thấy người vừa bước vào, Riukhin tái mặt, khẽ ho một tiếng và rụt rè nói:

„Chào bác sĩ.»

Bác sĩ nghiêng người đáp lại Riukhin, nhưng trong lúc đó mắt ông không nhìn Riukhin, mà nhìn Ivan Nikolaievich.

Ivan ngồi hoàn toàn bất động, với vẻ dữ tợn, cặp lông mày cau lại, và anh không hề nhúc nhích cả khi thấy bác sĩ bước vào.

„Ðây là, thưa bác sĩ“, không hiểu sao Riukhin bắt đầu nói bằng giọng thì thào đầy vẻ bí mật, mắt sợ sệt liếc nhìn Ivan Nikolaievich, «đây là nhà thơ nổi tiếng Ivan Bezdomnưi... Sự thể là... bác sĩ thấy đấy, chúng tôi sợ, không biết có phải chứng sốt trắng không...»

„Uống nhiều không?„ bác sĩ hỏi qua kẽ răng.

„Không, có uống, nhưng không đến mức...»

„Có bắt gián, chuột, mèo hay chó hoang không?»

„Không“, Riukhin rùng mình, đáp. „Tôi gặp anh ấy chiều qua và sáng nay. Anh ấy hoàn toàn khỏe mạnh...»

„Thế tại sao lại mặc quần lót? Ðưa thẳng từ giường ngủ đến đây à?»

„Thưa bác sĩ, anh ấy đến tiệm ăn như thế này đấy ạ.»

„Ra thế, ra thế“, bác sĩ nói với vẻ rất thỏa mãn, «còn tại sao lại có vết xước? Ðánh lộn với ai à?»

„Anh ấy ngã từ hàng rào xuống, rồi sau ở trong tiệm ăn đánh một anh... và một vài người khác nữa...»

„Thế, thế, thế“, bác sĩ nói, và quay sang Ivan, tiếp: „Chào anh!»

„Chào, đồ phá hoại!„ Ivan đáp to và giận dữ.

Riukhin ngượng đến mức không dám ngước mắt lên nhìn người bác sĩ lịch thiệp. Nhưng ông ta hoàn toàn không tỏ vẻ gì là tức giận, bằng một động tác quen thuộc khéo léo gỡ cặp kính xuống, nhấc vạt áo choàng ngoài lên, nhét kính vào túi sau của quần dài, rồi hỏi Ivan:

„Anh bao nhiêu tuổi?»

„Cút mẹ các người đi, thật đấy!„ Ivan cục cằn hét lên và ngoảnh mặt đi.

„Tại sao anh lại cáu như vậy? Chẳng lẽ tôi có nói cái gì khó chịu với anh sao?»

„Tôi hai mươi ba tuổi“, Ivan kích động nói, «tôi sẽ viết giấy kiện tất cả các người. Mà đặc biệt là cái thằng khốn nạn này!„ Ivan nhấn mạnh chỉ về phía Riukhin.

„Thế anh định kiện về chuyện gì?»

„Về chuyện các người bắt ta, một người khỏe mạnh, rồi dùng sức lôi ta đến cái nhà điên này!„ Ivan giận dữ đáp.

Ðến đây Riukhin nhìn kỹ vào mặt Ivan và lạnh toát người: trong mắt của nhà thơ hoàn toàn không có một biểu hiện mất trí nào. Cặp mắt khi ở nhà Griboedov đục ngầu giờ trở nên trong sáng như trước kia.

“Cha ơi!” - Riukhin sợ hãi thầm thốt lên, «anh ta quả là khỏe mạnh sao? Ðúng là ngớ ngẩn thế nào ấy! Thật ra tại sao chúng ta lại lôi anh ấy đến đây? Khỏe mạnh, bình thường, chỉ có da mặt bị xước...”.

„Hiện nay anh đang ở“, viên bác sĩ ngồi xuống chiếc ghế đẩu trắng, chân bằng thép mạ sáng loáng, bình tĩnh nói, «không phải trong nhà điên mà tại bệnh viện; và sẽ không ai giữ anh lại đây cả, nếu như điều đó là không cần thiết.»

Ivan Nikolaievich liếc nhìn sang với vẻ nghi hoặc, nhưng rồi vẫn cất tiếng lẩm bẩm:

„Ơn Chúa, cuối cùng rồi cũng tìm ra được một người bình thường ở giữa lũ ngốc, mà số một trong lũ ngốc đó là cái thằng đần độn và bất tài Saska!»

„Cái tay Saska bất tài ấy là ai thế?„ viên bác sĩ hỏi.

„Thì hắn kia, cái thằng cha Riukhin này đây!„ Ivan đáp và trỏ ngón tay cáu bẩn về hướng Riukhin.

Anh này đỏ bừng mặt lên vì phẫn nộ.

“Hắn ta trả ơn mình như thế đấy!„ Riukhin cay đắng nghĩ, «vì mình đã tỏ ra thông cảm với hắn ta! Thế mới đúng là khốn nạn!”

„Một gã culắc [1] điển hình về mặt tâm lý“, Ivan Nikolaievich lại cất tiếng nói tiếp; anh có vẻ như rất muốn phơi trần bản chất của Riukhin, «hơn nữa, một tên culắc ngụy trang rất kỹ dưới cái vỏ vô sản. Cứ thử nhìn xem cái bộ mặt đạo đức giả của hắn và đem đối chiếu với những câu thơ ồn ĩ hắn sáng tác được để kỷ niệm các ngày lễ! Ha-ha-ha!... Nào là “Hãy bay lên!” rồi “Hãy vút cao!”... Còn nếu thử nhìn sâu vào gan ruột xem hắn ta nghĩ gì thì anh sẽ hắt hơi không kịp! - và Ivan Nikolaievich phá ra cười dữ tợn.

Riukhin thở nặng nhọc, mặt tím bầm và chỉ nghĩ về một điều, rằng mình đã nuôi ong tay áo, rằng đã dại dột giơ tay làm phúc cho cái thằng hóa ra là một kẻ thù độc địa. Và cái chính là không thể làm gì được cả: chẳng lẽ lại đi chửi nhau với một người bị bệnh tâm thần?!

„Thế thực ra tại sao người ta lại đưa anh đến chỗ chúng tôi đây?„ sau khi chăm chú nghe những lời vạch tội của Bezdomnưi, viên bác sĩ hỏi.

„Mong cho quỷ tha ma bắt cái lũ đần độn ấy đi! Chúng túm lấy tôi, trói bằng những mảnh vải kia rồi nhét lên xe tải!”

„Xin phép được hỏi anh câu này, tại sao anh lại mặc quần lót đến tiệm ăn?”

„Ðiều đó chẳng có gì là lạ lùng cả“, Ivan đáp. „Tôi ra tắm ở sông Moskva, chúng nó cuỗm mất áo quần của tôi, để lại cái của nợ này! Chẳng lẽ lại trần truồng đi trong thành phố Moskva à? Tôi đành có gì mặc nấy, vì đang vội phải đến Griboedov.”

Viên bác sĩ nhìn sang Riukhin tỏ ý hỏi, anh ta cau có lẩm bẩm:

„Ðó là tên của một tiệm ăn.”

„Ra thế“, viên bác sĩ nói“, nhưng tại sao anh lại phải vội? Có cuộc gặp bàn công việc quan trọng à?”

„Tôi đi tìm bắt tay chuyên gia!„ Ivan Nikolaievich đáp và lo lắng quay đầu nhìn quanh.

„Chuyên gia nào?”

„Ông có biết Berlioz không?„ Ivan hỏi một cách đầy ngụ ý.

„Là một... nhạc sĩ [2] à?»

Ivan tỏ vẻ thất vọng:

„Nhạc sĩ nhạc xiếc nào? à, phải, phải! Ông nhạc sĩ đó chỉ là một người cùng họ với Mikhail Berlioz thôi!»

Riukhin vốn không muốn nói gì, nhưng đến đây buộc phải lên tiếng giải thích:

„Chủ tịch Hội MASSOLIT là Berlioz chiều hôm nay vừa bị tàu điện cán chết ở cạnh Hồ Pat'riarsi.»

„Ðừng có nói bừa những điều mà mình không biết!„ Ivan nổi cáu với Riukhin. „Hôm nay tôi đã có mặt ở đó lúc xảy ra sự việc chứ không phải anh! Hắn ta cố ý làm cho Berlioz rơi xuống dưới tàu điện.»

„Ðẩy xuống đấy à?»

„Sao lại “đẩy” ở đây!„ cáu kỉnh trước sự chậm hiểu của mọi người, Ivan quát lên. „Một thằng như hắn thì không cần phải đẩy! Hắn có thể làm được những trò còn ghê gớm hơn nhiều. Hắn biết trước rằng Berlioz sẽ rơi xuống dưới bánh tàu điện!»

„Thế còn có ai ngoài anh trông thấy tay chuyên gia đó nữa không?»

„Thì tai họa là ở chỗ chỉ có tôi và Berlioz.»

„Thế đấy. Anh đã áp dụng những biện pháp nào để bắt tay giết người đó?„ Nói đến đây, viên bác sĩ quay đầu ném một ánh mắt cho người đàn bà mặc áo choàng trắng ngồi sau chiếc bàn đặt cách đấy một quãng. Chị ta rút ra một tờ giấy và bắt đầu điền vào chỗ trống trong các mục đã ghi sẵn.

„Những biện pháp là... Tôi lấy một cây nến ở bếp...»

„Cái này phải không?„ bác sĩ hỏi và chỉ cây nến gẫy nằm cạnh bức ảnh thánh trên chiếc bàn trước mặt người đàn bà.

„Chính cái này, và...»

„Nhưng bức ảnh thánh để làm gì?»

„À vâng, ảnh thánh...„ Ivan đỏ mặt. „Ảnh thánh trước hết chỉ để mà dọa [3] „, anh lại đưa ngón tay chỉ về phía Riukhin, «nhưng sự thể là hắn, cái tay chuyên gia ấy, chúng tôi sẽ nói thẳng ra... hắn có quan hệ với lũ tà ma... tay không thì đừng hòng bắt được hắn.»

Mấy người hộ lý không hiểu sao đặt thẳng tay dọc theo đường nẹp quần và không rời mắt khỏi người Ivan.

„Vâng, đúng thế“, Ivan vẫn nói tiếp, «hắn có quan hệ với lũ ma quỷ. Ở đây có những sự kiện không thể chối cãi được. Hắn đã trực tiếp nói chuyện với Ponti Pilat. Mà sao lại nhìn tôi như thế hả? Tôi nói thật đấy mà! Hắn đã thấy cả - nào là ban công, nào những cây cọ. Tóm lại, hắn ta đã ở chỗ Ponti Pilat, tôi dám cam đoan điều đó.

„Thế đấy, thế đấy... »

„Và thế là tôi đeo bức ảnh thánh lên ngực và chạy đi... »

Vừa lúc đó chuông đồng hồ điểm hai giờ.

„Ái chà chà!„ Ivan kêu lên và vụt nhổm dậy khỏi đi văng. „Ðã hai giờ rồi, mà tôi cứ mất thời gian với các anh. Xin lỗi, điện thoại ở đâu?»

„Ðể anh ta đến điện thoại“, viên bác sĩ ra lệnh cho mấy người hộ lý.

Ivan túm lấy ống nghe, còn trong lúc đó người đàn bà khẽ hỏi Riukhin:

„Anh ta có vợ chưa?»

„Chưa“, Riukhin hốt hoảng đáp.

„Ðoàn viên công đoàn à?»

„Vâng.»

„Công an đấy à?„ Ivan hét vào ống nghe, «công an phải không? Ðồng chí trực ban, hãy phái ngay năm người dùng mô tô và súng máy đi tìm bắt tên chuyên gia người nước ngoài. Cái gì? Hãy đến đón tôi, tôi sẽ đi cùng các anh... Tôi là nhà thơ Bezdomnưi, hiện đang ở bệnh viện tâm thần... Ðịa chỉ của anh như thế nào? » Bezdomnưi quay lại thì thầm hỏi viên bác sĩ, lấy bàn tay che ống nghe, rồi lại hét vào máy: „Anh nghe đấy à? Alô!... Thật tệ hại!„ Ivan bỗng rít lên và hất ống nghe vào tường. Rồi anh quay về phía viên bác sĩ, chìa tay ra cho ông ta và lạnh nhạt nói “Chào ông!” rồi chực bước đi.

„Xin lỗi, nhưng anh định đi đâu bây giờ?„ viên bác sĩ nói, nhìn sâu vào mắt Ivan, «đêm khuya, lại chỉ mặc quần lót... Anh không được khỏe đâu, ở lại chỗ chúng tôi đi!»

„Tránh ra nào“, Ivan nói với mấy người hộ lý đang đứng chẹn ở lối cửa ra vào. „Có tránh ra không hả?„ nhà thơ hét lên bằng một giọng đáng sợ.

Riukhin run lẩy bẩy, còn người đàn bà ấn một cái nút nhỏ ở bàn, và trên mặt kính của nó nảy bật ra chiếc hộp sáng loáng và ống thuốc được hàn kín.

„À ra thế?!„ Ivan thốt lên, nhìn quanh man dại và sợ sệt. „Thôi được! Chào các người...„ và anh lao đầu bay thẳng vào tấm màn cửa sổ. Một tiếng ầm vang lên, nhưng lớp kính không vỡ ở phía ngoài tấm màn đã giữ anh lại, và một thoáng sau Ivan đã vật vã trong tay các hộ lý. Anh vừa thở phì phò, tìm cách cắn xé, vừa hét tướng lên:

„Thì ra các người chắn cửa sổ bằng cái thứ kính như thế!... Bỏ ra. Bỏ ra, nghe không!»

Ống tiêm lấp loáng trong tay viên bác sĩ, người đàn bà bằng một động tác dứt khoát cắt toạc ống tay chiếc áo khoác cũ của nhà thơ và níu chặt tay Ivan bằng một sức mạnh không đàn bà chút nào.

Mùi ete bốc lên, Ivan yếu dần trong những cánh tay của bốn người, viên bác sĩ nhanh nhẹn lợi dụng cái khoảnh khắc đó cắm mũi tiêm vào cánh tay Ivan. Anh bị giữ chặt thêm mấy giây rồi được thả xuống đi văng.

„Quân kẻ cướp!„ Ivan hét lên và nhẩy bật dậy khỏi đi văng, nhưng lại bị ấn xuống. Vừa được bỏ ra, anh lại chồm dậy, nhưng lần này thì tự mình ngồi xuống. Anh im lặng một lát, nhìn quanh với một vẻ hơi hoang dại, rồi bất ngờ ngáp dài, mỉm cười dữ tợn: „Thế là các người cũng giam được ta“, anh nói, ngáp một lần nữa, bất ngờ nằm xuống, đầu đặt lên gối, hai tay nắm lại để dưới má như trẻ con, lẩm bẩm bằng một giọng đã ngái ngủ, không còn vẻ giận dữ: „Thôi được rồi... chính các người rồi sẽ phải trả giá tất cả. Tôi đã báo trước, còn sau đó tùy các người! Bây giờ cái làm ta quan tâm nhất là Ponti Pilat... Pilat...„ nói đến đó, anh nhắm mắt lại.

„Trị liệu ngâm tắm, phòng một người số một trăm mười bảy, đặt gác“, viên bác sĩ đeo kính lên, cắt đặt. Riukhin lại giật mình: những cánh cửa trắng mở ra không tiếng động, trông rõ phía ngoài dãy hành lang được chiếu sáng bằng những ngọn đèn đêm màu xanh. Một chiếc đi văng có gối đầu bằng cao su từ ngoài hành lang lăn vào, mọi người đặt Ivan giờ đã nằm yên lên đó, đẩy ra hành lang, và cánh cửa đóng lại.

„Thưa bác sĩ“, Riukhin, sửng sốt trước sự việc vừa rồi, thì thầm hỏi, «anh ta bị bệnh thật đấy ạ?»

„Ồ, vâng“, viên bác sĩ đáp.

„Anh ta bị sao thế ạ?„ Riukhin rụt rè hỏi.

Viên bác sĩ mệt mỏi liếc nhìn Riukhin và uể oải đáp:

„Kích động hoạt động ngôn ngữ và vận động... những câu diễn giải hoang tưởng... một trường hợp có lẽ là phức tạp... Có thể là sizophrenia. Mà ở đây lại còn rượu...»

Riukhin không hiểu gì từ những lời của viên bác sĩ, ngoài một điều: tình hình của Ivan Nikolaievinh có lẽ là gay go; anh ta thở dài và hỏi:

„Thế anh ta cứ nói mãi về một tay chuyên gia nào đó là vì sao?»

„Có lẽ anh ta gặp một người nào đó đã kích động trí tưởng tượng đã bị chấn thương của anh ta. Mà cũng có thể là ảo giác... »

Mấy phút sau, chiếc ô tô tải lại chở Riukhin đi vào Moskva. Trời đã rạng, và ánh sáng của những ngọn đèn còn chưa tắt trên đường trở nên không cần thiết và khó chịu. Người lái xe nổi cáu vì đã mất toi đi một đêm và ra sức phóng xe, ở những chỗ cua ngoặt nó cứ trượt bánh trên mặt đường.

Rừng đã hết, đã ở lại đâu đó sau lưng, con sông cũng rẽ ngoặt đi đâu đó, và chạy ngược lại đón cỗ xe là những cảnh vật thật khác nhau: những hàng rào có bốt gác, những đống gỗ, những cây cột cao ngất trời, còn phía trên cột là những ống tròn xâu vào nhau, những đống đá, sỏi, mặt đất bị những chiếc rãnh cắt ngang dọc, nói tóm lại là đã cảm thấy Moskva ở rất gần, sau chỗ rẽ ngoặt kia, và ngay bây giờ nó sẽ vụt xông đến, ôm vào lòng...

Riukhin bị xóc dữ dội, hết hất sang phải lại sang trái, và cái khúc gỗ mà Riukhin ngồi lên chỉ chực chuội đi mất. Những chiếc khăn mặt của tiệm ăn, mà viên công an và Pantelei đã ném lại khi về trước bằng ô tô buýt chạy điện, giờ đang vương vãi khắp sàn xe. Riukhin đã toan tìm cách nhặt gom chúng lại, nhưng không hiểu sao anh ta lại rít lên giận dữ: “Mà mặc kệ mẹ chúng mày! Sao mình cứ loay hoay như thằng ngu thế này nhỉ?...” - và lấy chân hất chúng ra xa rồi quay mặt đi không ngó đến nữa.

Tâm trạng của nhà thơ ngồi trên xe đúng là rất kinh khủng. Rõ ràng chuyến đi đến nhà thương điên đã để lại trong lòng anh ta một ấn tượng cực kỳ nặng nề. Riukhin cố hiểu xem cái gì đang hành hạ mình. Dãy hành lang với những ngọn đèn xanh cứ bám riết lấy đầu óc ư? Hay cái ý nghĩ rằng trên đời không có bất hạnh nào khủng khiếp hơn việc bị mất trí khôn? Vâng, vâng, tất nhiên có cả những điều đó. Nhưng đấy chỉ là những ý nghĩ chung chung. Còn phải có một cái gì khác nữa. Nhưng là cái gì? Sự xúc phạm? Chính thế! Vâng, vâng, những lời xúc phạm mà Bezdomnưi đã ném thẳng vào mặt. Và cái làm anh đau khổ không phải vì chúng là những lời xúc phạm, mà vì chúng chứa đựng sự thật.

Nhà thơ không còn nhìn sang hai bên nữa; anh ta cắm ánh mắt xuống mặt sàn xe cáu bẩn xóc dữ dội, miệng lẩm bẩm, rên rỉ điều gì đó, giày vò chính bản thân mình.

Ðúng, những bài thơ... Anh ta đã ba mươi hai tuổi rồi! Quả thực, rồi cái gì sẽ tiếp theo đây? Tiếp theo anh ta sẽ viết một năm vài bài thơ. „Cho đến già?„ Vâng, cho đến già. „Những bài thơ này sẽ mang lại cái gì cho anh ta? Vinh quang à? “ Thật vớ vẩn! ít ra là đừng có lừa dối chính bản thân mình. Không bao giờ vinh quang lại đến với những kẻ viết những câu thơ tồi. Tại sao chúng lại tồi? Anh ta nói đúng, anh ta đã nói ra sự thật?! Riukhin nói với bản thân mình một cách nghiêm khắc, tàn nhẫn. „Mình không tin vào tất cả những gì mình viết ra!...”

Kiệt quệ, sững sờ sau cơn chấn động tinh thần, nhà thơ lảo đảo, người như hẫng đi, sàn xe ở dưới chân thôi không lắc nữa. Riukhin ngẩng đầu lên và thấy rằng xe đã vào Moskva từ lâu; hơn nữa, trên bầu trời Moskva bình minh đã ửng hồng, những đám mây như được mạ vàng lấp lánh, chiếc xe tải đang đứng kẹt trong dãy dài xe cộ trước chỗ rẽ ngoặt ra đại lộ, và sát ngay bên cạnh là một con người bằng kim loại đứng trên bệ cao, đầu hơi cúi nghiêng hờ hững nhìn xuôi xuống đại lộ.

Những ý nghĩ kỳ quặc vụt dồn lên trong đầu nhà thơ đã nhuốm bệnh. “Ðây là một thí dụ của sự may mắn thật sự...„ nghĩ đến đấy, Riukhin đứng vươn thẳng người trên thùng xe, đưa tay chỉ vào cái con người bằng gang không hề động chạm đến ai đứng bên đường kia, «bất kỳ bước đi nào trong đời ông ta, bất kỳ chuyện gì có xảy ra với ông ta, tất cả đều mang lợi cho ông ta, tất cả đều góp làm nên vinh quang của ông ta! Nhưng ông ta đã làm được cái gì? Ta thật không hiểu nổi!... Có cái gì đây đặc biệt trong những lời này: “Cơn bão tuyết che nghịt bầu trời...” [4] ? Ta không hiểu!... Thật gặp may, thật may mắn!„ Riukhin đột nhiên kết luận một cách độc địa và cảm thấy chiếc xe tải đã lại bắt đầu chuyển bánh. „Cái tay bạch vệ [5] kia đã bắn, đã bắn vào ông ta, làm nát đùi ông ta và đưa ông ta vào bất tử...”.

Ðoàn xe chuyển bánh. Sau chưa đầy hai phút, nhà thơ hoàn toàn nhuốm bệnh và thậm chí già rộc đi đã bước lên hàng hiên của ngôi nhà Griboedov giờ trở nên trống vắng. Chỉ trong một góc nhà còn lại một nhóm nào đó, xăng xái ở giữa đám này là tay dẫn chương trình các buổi biểu diễn quen biết, đầu đội chiếc mũ chỏm, tay cầm cốc rượu vang “áprau”.

Riukhin, tay ôm đống khăn mặt, được Artribald Artribaldovich đón tiếp rất niềm nở và ngay lập tức được giải phóng khỏi đống giẻ đáng nguyền rủa nọ.

Giá như Riukhin không bị hành hạ khổ sở như vậy ở bệnh viện và trên xe tải, chắc anh ta đã được hưởng sự khoan khoái khi kể về những gì đã diễn ra ở phòng khám, điểm xuyết cho câu chuyện những chi tiết tự mình bịa ra. Nhưng bây giờ anh ta không còn bụng dạ và hơi sức đâu để nghĩ đến chuyện đó; hơn nữa, dù cho Riukhin có kém quan sát đến mấy, thì bây giờ, sau những khốn khổ trên chiếc xe tải, anh ta lần đầu tiên nhìn sâu vào đôi mắt của tên cướp biển và hiểu rằng, mặc dù gã vẫn hỏi thăm về Bezdomnưi và thậm chí còn xuýt xoa: “Ôi, ôi, ôi!”, nhưng thực chất thì gã hoàn toàn hờ hững đối với số phận của nhà thơ và không thương xót người bị bệnh tí nào. “Tay này khá thật! Mà thế là đúng!” - trong cơn giận dữ, độc địa và trắng trợn, Riukhin nghĩ thầm, rồi, cắt ngang câu chuyện đang kể về bệnh sizophrenia, hỏi:

„Artribald Artribaldovich, giá mang cho tôi được một ít vodka...»

Tên cướp biển làm ra vẻ thông cảm, nói thầm vào tai:

„Tôi hiểu... có ngay bây giờ...„ và vẫy tay ra hiệu cho một nhân viên phục vụ.

Mười lăm phút sau, Riukhin đã ngồi trong sự cô đơn tuyệt đối, cúi gầm mặt trên đĩa cá chép, uống hết cốc này đến cốc khác, tự mình hiểu ra và tự mình thú nhận rằng không có thể còn sửa chữa được gì trong cuộc đời của mình nữa, mà chỉ có thể quên đi....

Nhà thơ đã để mất cả một đêm trong khi những người khác tiệc tùng say sưa, và bây giờ anh ta hiểu rằng không thể lấy lại nó được nữa. Chỉ cần ngẩng đầu rời khỏi những ngọn đèn nhìn lên bầu trời là có thể hiểu ngay rằng đêm đã qua đi không bao giờ trở lại. Những nhân viên phục vụ đang vội vã thu dọn khăn trải bàn. Những con mèo chạy đi chạy lại cạnh hàng hiên cũng mang dáng vẻ của buổi sáng mai: Một ngày mới ập đến trùm lên nhà thơ không gì cưỡng nổi.

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]Culắc: tầng lớp trung nông, là đối tượng đấu tranh của chính quyền cách mạng. Thời đó khi thù ghét, người ta thường gọi nhau là “culắc”, “phá hoại”, “phản động” v.v...
[2]Chỉ Berlioz H.L (1803-1869): một nhạc sĩ lớn người Pháp.
[3]Ảnh thánh trước hết chỉ để mà dọa: Quỷ là kẻ thù của Chúa và chỉ sợ những gì liên quan tới Chúa. Lúc này Bezdomnưi đã lờ mờ đoán ra tay chuyên gia là ai nên mới dùng ảnh thánh để đi bắt.
[4]Câu đầu trong bài thơ nổi tiếng “Buổi tối mùa đông” của A. Puskin (1799-1837). "Người bằng gang" là tượng của Puskin.
[5]Chỉ Dantes (1812-1895): người Pháp, từ năm 1830 sống ở Nga, năm 1837 trong cuộc đấu súng đã bắn tử thương A. Puskin. Thời đó thường gọi tất cả những ai thù địch là “bạch vệ”.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài