talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 2

Chương 19: Margarita Chương 20: Hộp kem Azazello Chương 21: Chuyến bay Chương 22: Dưới ánh nến Chương 23: Ðại vũ hội của Chúa quỷ Satan Chương 24: Sự giải thoát cho nghệ nhân Chương 25: Quan tổng trấn đã cố gắng cứu tên Giuda ở thành phố Kiriaph như thế nào? Chương 26: Việc chôn cất Chương 27: Kết cục của căn hộ số 5 Chương 28: Những trò phiêu lưu cuối cùng của Koroviev và Beghemot Chương 29: Số phận của nghệ nhân và Margarita đã được định đoạt Chương 30: Ðã đến lúc! Ðã đến lúc! Chương 31: Trên đồi Vorobiev Chương 32: Sự tha thứ và chốn nương thân muôn đời Phần kết

 

Chương 24:
Sự giải thoát cho nghệ nhân



Trong phòng ngủ của Voland tất cả vẫn y nguyên như trước khi bắt đầu vũ hội. Voland mặc áo ngủ ngồi trên giường, chỉ khác là Ghella không còn xoa bóp chân cho ông ta nữa, mà đang dọn bữa tối lên chiếc bàn, nơi trước đấy Voland và Beghemot chơi cờ. Koroviev cùng Azazello đã trút bỏ lễ phục đuôi tôm đang ngồi bên bàn, và cạnh họ, tất nhiên, là con mèo - Beghemot vẫn chưa chịu rời chiếc cà vạt ra, mặc dù bây giờ nó biến thành một mảnh giẻ cáu bẩn hết chỗ nói. Margarita lảo đảo bước đến bên bàn, tựa người lên đấy. Voland giơ ngón tay lên vẫy gọi nàng, như trước đó, lại gần mình và chỉ cho nàng ngồi xuống bên cạnh.

«Thế nào, người ta hành hạ nàng mệt lắm phải không?» - Voland hỏi.

«Ồ không, thưa messir», - Margarita đáp, nhưng giọng nàng khẽ đến mức gần như không nghe thấy.

«Noblesse oblige» [1] - con mèo nói và rót cho Margarita một thứ chất lỏng trong suốt vào chiếc cốc rượu vang.

«Ðây là vodka à?» - Margarita yếu ớt hỏi.

Con mèo nhảy vọt dậy trên ghế vì phật ý.

«Ôi xin xá lỗi, thưa hoàng hậu, - nó kêu rít lên khàn khàn, - chẳng lẽ tôi cho phép mình rót vodka cho phụ nữ ư? Ðây là cồn nguyên chất đấy!»

Margarita mỉm cười và định đẩy chiếc cốc ra xa.

«Cứ mạnh dạn uống đi, - Voland nói, và Margarita lập tức cầm lấy cốc lên tay. - Ghella, ngồi xuống, - Voland ra lệnh, rồi quay sang giải thích với Margarita: - Ðêm rằm là đêm hội, và ta ăn tối thân mật cùng với những người thân cận và đầy tớ của mình. Thế nào, các người cảm thấy ra sao? Cuộc vũ hội vất vả này đã diễn ra như thế nào?»

«Rất chấn động! - Koroviev liến thoắng. - Tất cả đều như bị bỏ bùa, đều mê mệt, đều sững sờ, bao nhiêu là phép lịch sự, bao nhiêu là khéo léo, duyên dáng và quyến rũ!»

Voland im lặng nâng cốc lên chạm với Margarita. Margarita ngoan ngoãn uống cạn, nghĩ rằng mình sẽ bị sặc chết ngay bởi cốc rượu cồn. Nhưng không hề có việc gì xảy ra cả. Một luồng hơi ấm đầy sinh lực chảy lan trong bụng nàng, một cái gì đó mềm mại gõ vào gáy; sức lực đã hồi phục, dường như nàng vừa trở dậy sau một giấc ngủ dài thoải mái, thêm vào đó, nàng cảm thấy bụng đói cồn cào. Và khi nhớ lại rằng nàng chưa hề ăn gì từ sáng hôm qua tới giờ, cái đói càng thêm cào xé. Margarita bắt đầu háo hức nuốt món trứng cá.

Beghemot cắt một miếng dứa, chấm muối, rắc ớt, ăn xong và tợp gọn một cách rất ngang tàng cốc rượu cồn thứ hai, làm tất cả phải vỗ tay hoan hô.

Sau khi Margarita uống xong cốc rượu thứ hai, những ngọn nến trên giá sáng hơn, lửa trong lò sưởi cũng bốc cao thêm. Margarita không cảm thấy mình say một chút nào. Vừa nhai thịt bằng hai hàm răng trắng muốt và tận hưởng thứ nước thịt ngon lành, Margarita vừa nhìn Beghemot phết mù tạt lên con sò huyết.

«Beghemot, nên đặt một quả nho lên trên nữa», - Ghella thúc vào sườn con mèo, nói khẽ.

«Yêu cầu không dạy tôi! - Beghemot đáp. - Tôi đã từng ngồi ăn tiệc rồi, xin đừng lo, đã từng rồi!»

«Ôi, thật dễ chịu được ngồi ăn tối như thế này, cạnh lò sưởi, một cách tự nhiên, - Koroviev nói rè rè, - trong vòng thân mật...»

«Không, Phagot ạ, - con mèo bác lại, - vũ hội có cái mê li và quy mô của nó...»

«Không hề có mê li nào ở đó hết, và cả quy mô cũng vậy. Còn những con gấu đần độn, cũng như những con hổ trong quán rượu, bằng tiếng rống của chúng chỉ thiếu chút nữa làm ta phải mắc chứng đau nửa đầu», - Voland nói.

«Xin vâng, thưa messir, - con mèo nói, - nếu như ngài cho rằng không hề có quy mô, thì tôi cũng sẽ lập tức có quan điểm như vậy ngay ạ.»

«Nhà ngươi coi chừng đấy!» - Voland nói.

«Tôi đùa đấy ạ, - con mèo nói với vẻ ngoan ngoãn, - còn về chuyện mấy con hổ, thì tôi sẽ ra lệnh rán thịt chúng lên.»

«Hổ không ăn được», - Ghella nói.

«Các người cho là như vậy sao? Nếu thế thì xin nghe đây», - con mèo đáp và nheo mắt lại vẻ khoan khoái, bắt đầu kể rằng có lần nó đi lang thang suốt mười chín ngày trong sa mạc và thức ăn duy nhất lúc đó là thịt của một con hổ bị nó giết. Tất cả đều chăm chú lắng nghe câu chuyện hấp dẫn đó, còn khi Beghemot kể xong, tất cả đồng thanh kêu lên:

«Chuyện bịa!»

«Và điều hay nhất trong câu chuyện bịa này, - Voland nói, - là nó được bịa ra từ chữ đầu đến chữ cuối.»

«Thế sao? Bịa à? - con mèo thốt lên, và tất cả nghĩ rằng nó sẽ bắt đầu phản đối, nhưng Beghemot chỉ nói rất khẽ: - Lịch sử sẽ phán xét chúng ta.»

«Mà này, - tươi tỉnh lên sau chén rượu, Margo hỏi Azazello, - có phải anh đã bắn chết hắn, cái tay cựu nam tước ấy?»

«Dĩ nhiên, - Azazello trả lời, - làm sao lại không bắn hắn được? Nhất định phải bắn hắn.»

«Lúc ấy tôi sợ quá! - Margarita thốt lên. - Ðiều đó xảy ra thật bất ngờ.»

«Không có gì bất ngờ ở đây cả», - Azazello không đồng ý, còn Koroviev rên rỉ rít lên:

«Làm sao lại không sợ được? Ngay tôi, đầu gối cũng run lên bần bật! Bụp! Xong! Ngài nam tước đã nằm trên sàn!»

«Tôi suýt nữa lên cơn động kinh», - con mèo vừa liếm thìa trứng cá, vừa chen vào.

«Có một điều tôi không hiểu, - Margarita nói, và những tia lửa vàng phản chiếu từ chiếc cốc pha lê nhảy múa trong đáy mắt nàng, - là chẳng lẽ người ngoài không nghe thấy tiếng nhạc và nói chung những tiếng ồn ào của vũ hội sao?»

«Tất nhiên là không nghe thấy, thưa hoàng hậu, - Koroviev giải thích, - cần phải làm điều đó sao cho không thể nghe thấy được. Phải làm điều đó thật cẩn thận.»

«Ðúng vậy, đúng vậy... Thế nhưng còn cái người ở ngoài cầu thang... Khi tôi cùng Azazello đến đây thấy... Và một người khác đứng ở cổng ra vào... Tôi nghĩ là anh ta theo dõi căn hộ này...»

«Ðúng thế! Ðúng thế! - Koroviev hét to. - Ðúng thế, ôi Margarita Nikolaevna quý mến! Ðúng như tôi đã nghi ngờ! Ðúng, anh ta theo dõi căn hộ của chúng ta. Tôi đã tưởng đó là một ông phó giáo sư đãng trí nào đó, hay một kẻ đang yêu vô công rồi nghề đứng chờ ngoài cầu thang, nhưng không, không phải. Lúc đó có một cái gì đấy nhói lên trong ngực tôi! Ôi! Anh ta theo dõi căn hộ của chúng ta! Và cả người ở chân cầu thang cũng vậy! Và cả người ở ngoài cổng sân nữa!»

«Thật là thú vị, nếu như họ đến bắt các anh?» - Margarita hỏi.

«Nhất định họ sẽ đến, hoàng hậu kiều diễm ạ, nhất định họ sẽ đến, - Koroviev đáp, - trái tim tôi cảm thấy là họ sẽ đến, nhưng không phải bây giờ, tất nhiên, nhưng rồi tới lúc họ nhất định sẽ đến. Nhưng tôi cho là sẽ chẳng có gì thú vị cả đâu.»

«Ôi, tôi sợ quá khi cái tay nam tước kia ngã xuống, - Margarita nói, chắc hẳn là đến tận giờ nàng vẫn không quên được cái cảnh giết người lần đầu tiên nàng thấy trong đời. - Chắc anh bắn phải giỏi lắm?»

«Tương đối», - Azazello đáp.

«Cách bao nhiêu bước?» - Margarita hỏi Azazello một câu không thật rõ ràng lắm.

«Còn phải xem đích là cái gì đã chứ, - Azazello đáp với vẻ hiểu biết. - Ðập trúng búa vào cửa
kính nhà phê bình Latunski là một chuyện, còn vào đúng tim anh ta lại là chuyện hoàn toàn khác.»

«Vào đúng tim! - Margarita thốt lên, không hiểu sao lại đưa tay ôm chặt lấy tim mình. - Vào đúng tim!» - nàng nhắc lại bằng giọng trầm xuống.

«Nhà phê bình Latunski nào vậy?» - Voland nheo mắt nhìn Margarita, hỏi.

Azazello, Koroviev và Beghemot có vẻ ngượng nghịu cụp mắt xuống, còn Margarita đỏ mặt đáp:

«Có một nhà phê bình như vậy. Chiều qua tôi vừa đập phá tan hoang nhà của anh ta.»

«Ra thế đấy! Ðể làm gì?»

«Thưa messir, - Margarita giải thích, - anh ta làm hại đời một Nghệ Nhân.»

«Thế nhưng nàng phải tự mình vất vả làm gì?» - Voland hỏi.

«Hãy cho phép tôi, thưa messir», - con mèo hét lên mừng rỡ và nhảy bật dậy.

«Ngồi xuống đi, - Azazello gằn giọng nói rồi đứng dậy, - tôi sẽ đi ngay bây giờ...»

«Không! - Margarita kêu lên. - Không, tôi van ngài, thưa messir, không cần thế.»

«Tùy nàng, tùy nàng!» - Voland đáp, và Azazello ngồi xuống chỗ của mình.

«Chúng ta đang dừng lại ở chỗ nào, thưa hoàng hậu Margo quý mến? - Koroviev nói. - A, đúng rồi, trái tim! Anh ta sẽ bắn đúng tim, - Koroviev chĩa ngón tay dài ngoẵng của mình về phía Azazello, - tùy ý chọn, vào bất cứ tâm thất hoặc bất cứ tâm nhĩ nào.»
Margarita chưa hiểu được ngay, và khi hiểu ra, nàng thốt lên ngạc nhiên:

«Nhưng mà không thể trông thấy chúng!»

«Hoàng hậu quý mến, - Koroviev nói rè rè, - cái chính là không trông thấy! Thực chất câu chuyện là ở đó! Còn vào vật trông thấy thì ai mà chả bắn trúng!»

Koroviev rút từ ngăn bàn ra quân bài bảy pích, trao cho Margarita, bảo nàng dùng móng tay đánh dấu một hình trên đó. Margarita đánh dấu hình ở góc phải phía trên. Ghella giấu quân bài xuống dưới gối, hô:

«Xong rồi!»

Azazello, vẫn ngồi quay lưng lại với chiếc gối, rút từ trong túi quần ra một khẩu súng lục đen tự động, đặt nòng súng lên vai, và vẫn không quay mặt lại giường, bắn một phát, làm cho Margarita sợ hãi một cách vui vẻ. Hình con pích mà Margarita đánh dấu đã bị bắn thủng.

«Tôi thật không muốn gặp phải anh khi anh có súng ngắn trong tay», - Margarita liếc mắt nhìn Azazello với vẻ nũng nịu và nói. Nàng vốn say mê tất cả những ai biết làm một cái gì đó hoàn hảo.

«Thưa hoàng hậu quý mến, - Koroviev rên rỉ, - tôi không khuyên bất cứ một ai gặp phải anh ta, kể cả khi anh ta không có súng ngắn, súng dài nào trong tay cả! Xin bảo đảm bằng lời hứa danh dự của một cựu quản ca, rằng sẽ không một ai chúc mừng cho cái người gặp phải đó!»

Con mèo, ngồi cau có trong suốt thời gian diễn ra cuộc bắn thử, bỗng tuyên bố:

«Tôi xin phá kỷ lục quân bài bảy pích.»

Ðáp lại Azazello gầm gừ một câu gì đó. Nhưng con mèo không chịu thôi, và đòi không phải một, mà là hai khẩu súng ngắn. Azazello rút khẩu súng lục thứ hai từ túi sau thứ hai của chiếc quần dài ra và, nhếch mép một cách khinh bỉ, đưa chúng cho con mèo khoác lác. Mọi người đánh dấu hai hình con pích trên quân bài. Beghemot ngồi quay lưng lại phía chiếc gối, chuẩn bị rất lâu. Margarita, lấy ngón tay bịt chặt hai tai, ngồi nhìn lên con cú đang ngủ gật trên giá lò sưởi. Con mèo bắn cả hai khẩu súng cùng một lúc; liền ngay đó có tiếng Ghella kêu rú lên, con cú bị giết chết rơi từ trên lò sưởi xuống và chiếc đồng hồ vỡ tan ngừng chạy. Ghella, một bàn tay chảy máu, hét lên túm chặt lấy lông mèo, còn Beghemot đáp lại bằng cách túm lấy tóc Ghella, cả hai cuộn tròn lăn trên sàn nhà. Một chiếc cốc rơi từ mặt bàn xuống, vỡ tan.

«Kéo con quỷ cái hóa rồ này ra!» - con mèo rít lên, cố thoát khỏi tay Ghella đang ngồi cưỡi trên mình nó. Mọi người tách họ ra, Koroviev thổi lên ngón tay bị bắn thủng của Ghella, và nó lành ngay.

«Tôi không thể bắn khi có người nói quấy ở bên cạnh!» - Beghemot vừa hét vừa cố gắn một túm lông lớn bị nhổ ra khỏi lưng về chỗ cũ.

«Ta đánh cuộc rằng, - Voland mỉm cười nói với Margarita, - hắn ta làm cái trò này là cố ý. Hắn bắn không đến nỗi tồi đâu.»

Ghella và Beghemot bắt tay giảng hòa, và để chứng tỏ cho sự hòa hoãn đó, họ hôn nhau. Rồi mọi người lấy quân bài từ dưới gối lên kiểm tra. Không có thêm một vết thủng nào khác, ngoài vết do Azazello bắn.

«Không thể như thế được», - con mèo nói, giơ quân bài lên phía giá nến ngắm nghía.

Bữa ăn tối vui vẻ vẫn tiếp tục. Những cây nến chảy ra trên giá, từng đợt sóng hơi ấm khô ráo và thoang thoảng thơm tỏa ra từ lò sưởi. Sau khi ăn no, Margarita cảm thấy lâng lâng khoái lạc. Nàng ngồi nhìn những vòng khói xám từ điếu xì gà của Azazello bốc lên trôi dần vào lò sưởi, và con mèo khua mũi gươm chọc vào chúng. Margarita không muốn đi đâu cả, mặc dù, theo nàng nghĩ, là đã muộn. Có lẽ phải đến gần sáu giờ sáng rồi. Lợi dụng lúc câu chuyện ngừng lại, Margarita rụt rè nói với Voland:

«Có lẽ tôi đến lúc phải đi... Muộn rồi.»

«Nàng vội đi đâu thế?» - Voland hỏi lịch sự nhưng hơi khô khan. Những người còn lại im lặng, làm ra vẻ đang mải theo dõi những vòng khói xì gà.

«Vâng, đã đến lúc», - hoàn toàn bối rối trước cảnh đó, Margarita lặp lại rồi quay đi dường như tìm một tấm khăn hay chiếc áo gì đó. Nàng bắt đầu cảm thấy ngượng bởi sự khỏa thân của mình.

Margarita rời bàn đứng dậy. Voland im lặng nhặt từ giường lên chiếc áo khoác dùng trong nhà đã sờn cũ và lấm dầu mỡ của mình, Koroviev choàng nó lên vai nàng.

“Tôi xin cám ơn ngài, thưa messir”, - Margarita nói rất khẽ và nhìn Voland vẻ dò hỏi. Ðáp lại, ông ta mỉm cười với nàng lịch sự nhưng hờ hững. Một nỗi buồn nặng trĩu bỗng từ đâu dâng lên trong tim Margarita. Nàng cảm thấy mình bị lừa dối. Hình như không ai có ý định ban thưởng cho nàng vì tất cả những gì nàng đã làm trên vũ hội, cũng như không ai tỏ ý giữ nàng lại. Mà trong lúc đó, nàng hiểu rất rõ rằng, từ đây ra nàng không còn đâu để mà đi nữa. Cái ý nghĩ thoáng qua về việc sẽ buộc phải trở lại ngôi biệt thự nọ gợi nên trong lòng nàng một cơn tuyệt vọng vô bờ. Hay là tự mình hỏi xin, như Azazello đã khuyên một cách đầy quyến rũ trong công viên Aleksandrovski? “Không, không đời nào”, - nàng thầm nhủ mình.

“Chúc ngài mọi sự tốt lành, thưa messir”, - nàng nói lên thành tiếng, còn trong bụng thầm nghĩ: “Chỉ cần ra được khỏi đây, còn sau đó ta sẽ đi xuống sông trẫm mình”.

“Nàng hãy ngồi xuống đã, - Voland bỗng ra lệnh. Margarita biến sắc mặt và ngồi xuống. - Có thể nàng muốn nói gì trước lúc chia tay?”

“Không, không có gì, thưa messir, - Margarita đáp với vẻ kiêu hãnh, - ngoài một điều là nếu như ngài còn cần đến tôi, tôi sẵn sàng làm tất cả những gì ngài muốn. Tôi hoàn toàn không mệt tí nào và cảm thấy rất vui với vũ hội. Cho nên, nếu như nó còn kéo dài nữa, tôi sẵn lòng chìa đầu gối của tôi ra để cho hàng nghìn kẻ giết người và bị treo cổ hôn lên đó”, - Margarita nhìn Voland như qua một làn nước, mắt nàng đã ứa đầy những giọt lệ.

“Ðúng lắm! Nàng nói hoàn toàn đúng! - Voland hét lên âm vang và dữ dội. - Cần phải thế chứ!”

“Cần phải thế chứ!” - cả đoàn tùy tùng của Voland lặp lại như tiếng vọng.

“Chúng ta đã thử thách nàng, - Voland nói tiếp, - nàng đừng bao giờ hỏi xin ai bất cứ một cái gì! Không bao giờ và không bất cứ một cái gì, đặc biệt là ở những người mạnh hơn mình! Tự họ sẽ đề nghị và tự họ sẽ phải cho tất cả! Hãy ngồi xuống, hỡi người đàn bà kiêu hãnh! - Voland giật chiếc áo khoác nặng khỏi vai Margarita, và nàng lại ngồi cạnh ông ta trên giường. - Vậy là, hỡi Margo, - Voland dịu giọng xuống, nói tiếp, - nàng muốn ta trả gì cho việc hôm nay nàng làm nữ chủ cho ta ở đây? Nàng muốn ta trả gì cho việc nàng đã phải khỏa thân trong buổi vũ hội này? Nàng định giá đầu gối mình bằng cái gì? Những thiệt thòi hao tổn nàng phải chịu với các vị khách của ta mà nàng vừa mới gọi là những kẻ bị treo cổ? Nàng nói đi và bây giờ hãy nói không cần rụt rè, vì đây là ta đề nghị nàng!”

Trái tim Margarita đập mạnh, nàng hít vào một hơi nặng nề và bắt đầu suy nghĩ về một điều gì đó.

“Nào, hãy mạnh dạn lên, - Voland khuyến khích, - hãy đánh thức dậy trí tưởng tượng của mình, hãy thúc nó bay bổng lên. Chỉ riêng việc chứng kiến cảnh giết tên nam tước đểu cáng hết thời kia cũng đã xứng đáng được đền thưởng rồi, nhất là đối với một phụ nữ. Nào?”

Margarita cảm thấy như nghẹt thở, và nàng đã muốn nói ra những lời thiêng liêng ấp ủ sẵn trong lòng, nhưng bỗng nhiên nàng tái nhợt người, mắt tròn xoe, miệng há ra. “Phrida! Phrida! Phrida! - một giọng nói cầu khẩn, dai dẳng của ai đó vang lên bên tai nàng. - Tên tôi là Phrida!” Và Margarita ấp úng nói:

“Thế, nghĩa là, tôi có thể hỏi xin một việc?”

“Hãy đòi hỏi, đòi hỏi, donna [2] của ta ạ, - Voland mỉm cười một cách thấu hiểu, đáp, - hãy đòi hỏi một việc!”

“Ôi”, Voland nhấn mạnh một cách thật khéo léo và rõ ràng khi nhắc lại lời của chính Margarita - “một việc”!

Margarita hít mạnh vào một lần nữa rồi nói:

“Tôi muốn người ta sẽ thôi đặt lên bàn Phrida chiếc khăn mà cô ta đã nhét vào miệng đứa con của mình.”

Con mèo nhướng cặp mắt nhìn lên trời và thở ra một tiếng thật to, nhưng không nói gì, có lẽ là nó còn nhớ chiếc tai bị xoắn lại trên vũ hội.

“Xét lý do rằng, - Voland cười khẩy, cất tiếng nói, - cái khả năng nàng nhận hối lộ của cái cô ả Phrida ngốc nghếch kia là hoàn toàn, tất nhiên, bị loại trừ, bởi vì việc đó không xứng với tư cách hoàng hậu của nàng, ta cũng chẳng biết phải làm gì nữa. Có lẽ chỉ còn lại một cách - kiếm thật nhiều giẻ và nhét kín tất cả các khe hở trong phòng ngủ của ta!”

“Ngài nói gì thế, thưa messir?” - Margarita ngơ ngác khi nghe những lời quả là khó hiểu đó.

“Tôi hoàn toàn đồng ý với ngài, thưa messir, - con mèo nói chen vào, - đúng là phải kiếm thật nhiều giẻ, - và nó cáu kỉnh đập chi trước xuống mặt bàn.”

“Ta nói về lòng thương người, - Voland không rời con mắt lửa khỏi mặt Margarita, giải thích câu nói của mình. - Nhiều lúc hoàn toàn bất ngờ và ranh ma, nó chui vào qua những khe hở nhỏ nhất. Vì vậy mà ta nói phải kiếm giẻ.”

“Và tôi cũng nói như vậy”, - con mèo kêu lên; và để đề phòng, nó nghiêng người ra xa Margarita, lấy hai chi trước bê bết kem màu hồng che kín đôi tai nhọn của mình.

“Ði ra chỗ khác”, - Voland nói với nó.

“Tôi còn chưa uống hết cà phê, - Beghemot đáp, - làm sao mà tôi có thể đi ra chỗ khác được? Chẳng lẽ, thưa messir, vào đêm hội vui lại đem chia những thực khách ngồi sau bàn ăn thành hai loại? Số này thuộc loại một, còn số kia, theo như cách diễn đạt của cái tay chủ nhiệm nhà ăn đầu cơ nọ, là thuộc loại hai?”

“Im ngay, - Voland ra lệnh cho con mèo, rồi quay sang Margarita, hỏi: - Nàng, như có thể thấy được, là một người đặc biệt hay thương người? Một người đạo đức cao?”

“Không ạ, - Margarita sôi nổi đáp, - tôi biết rằng với ngài chỉ có thể nói chuyện một cách chân thực, và tôi chân thực nói với ngài rằng: tôi là một người nhẹ dạ. Tôi xin ngài về chuyện Phrida chỉ là vì lý do không thận trọng tôi đã trao cho cô ta một niềm hy vọng chắc chắn. Cô ta đang chờ đợi, thưa messir, cô ta tin tưởng vào sự giúp đỡ của tôi. Còn nếu như cô ta bị đánh lừa, tôi sẽ rơi vào một tình trạng kinh khủng. Suốt đời tôi sẽ không được yên ổn. Biết làm sao được! Sự việc đã lỡ ra như thế.”

“À, - Voland nói, - điều đó có thể hiểu được.”

“Thế ngài sẽ làm điều đó chứ ạ?” - Margarita khe khẽ hỏi.

“Ta hoàn toàn không thể, - Voland đáp. - Sự thể là, hỡi hoàng hậu quý mến của ta, ở đây đã xảy ra một sự nhầm lẫn nho nhỏ. Mỗi một ngành cần phải làm những việc của mình. Ta không tranh cãi là những khả năng của ta khá lớn, chúng lớn hơn rất nhiều so với một số người không lấy gì làm sắc sảo lắm vẫn nghĩ...”

“Ðúng thế, lớn hơn rất nhiều”, - con mèo không kìm được nói chen vào, nó có vẻ rất tự hào với những khả năng đó.

“Có im đi không, quỷ tha ma bắt nhà ngươi đi! - Voland quát lên, rồi lại quay sang nói tiếp với Margarita: - Nhưng thử hỏi có ý nghĩa gì khi đi làm cái việc đáng ra, như ta đã nói, các ngành khác phải làm? Tóm lại, ta sẽ không làm điều đó, mà nàng hãy tự mình làm lấy.”

“Chẳng lẽ tôi có thể làm được ư?”

Azazello liếc con mắt lé về phía Margarita với vẻ giễu cợt và khẽ lắc lắc mái tóc hung, thở phì ra.

“Mà nàng làm đi, khốn khổ quá”, - Voland lẩm bẩm, rồi đưa tay quay nhẹ quả địa cầu, bắt đầu chăm chú nhìn vào một chi tiết nào đấy trên đó, dường như trong khi nói chuyện với Margarita, ông ta còn bận làm cả việc khác nữa.

“Nào, Phrida”, - Koroviev nhắc.

“Phrida!” - Margarita hét lên lanh lảnh.
Cánh cửa bật mở, một người đàn bà phờ phạc, khỏa thân, nhưng không còn lấy một dấu vết nào của cơn say, với cặp mắt man dại, chạy vào phòng và chìa hai tay về phía Margarita. Margarita nghiêm trang nói:

“Ngươi đã được tha thứ. Người ta sẽ không mang chiếc khăn đến nữa.”

Vang lên một tiếng rú của Phrida, cô ta ngã sấp xuống sàn nhà, hai tay dang ra như một cây thập tự trước mặt Margarita. Voland khoát tay, và Phrida biến mất.

“Tôi xin cảm ơn ngài, và xin tạm biệt”, - Margarita nói rồi đứng dậy.

“Thế nào Beghemot, - Voland cất tiếng, - chúng ta sẽ không lợi dụng sự nông nổi của người chưa có kinh nghiệm trong đêm vũ hội này chứ? - Ông ta quay sang Margarita: - Vậy là, việc vừa rồi không tính, bởi vì ta chưa làm gì cả. Nàng muốn cái gì cho mình?”

Bắt đầu một sự im lặng, và Koroviev phá vỡ nó bằng tiếng thì thầm vào tai Margarita:

“Thưa donna sáng láng như kim cương, tôi xin có lời khuyên: hãy thông minh hơn! Còn nếu không, vận may có thể tuột đi mất!”

“Tôi muốn rằng ngay bây giờ, ngay giây phút này, trả lại cho tôi người tình của tôi là Nghệ Nhân!” - Margarita nói, và gương mặt nàng méo xệch đi vì những cơn co giật.

Ngay lúc đó, một trận gió thổi ập vào phòng, khiến những ngọn lửa cháy trên giá nến nằm rạp xuống, tấm màn che nặng trĩu trên cửa sổ giạt sang bên, cánh cửa sổ mở toang, và ở trên trời cao hiện ra đĩa trăng tròn, nhưng không phải mặt trăng lúc về sáng, mà là mặt trăng của đúng nửa đêm. Ánh trăng chiếu từ bệ cửa sổ trải xuống sàn nhà như một tấm khăn màu xanh nhạt, và trên đó xuất hiện người khách đêm khuya của nhà thơ Ivan, người tự xưng mình là Nghệ Nhân. Anh vẫn mặc bộ đồ bệnh viện - áo choàng, giày vải và chiếc mũ đen mà anh không bao giờ rời. Khuôn mặt không cạo của anh khẽ giật giật, anh liếc nhìn những ngọn nến với vẻ man dại hoảng hốt; còn xung quanh anh, dòng ánh trăng chảy trào lên như suối.

Margarita lập tức nhận ra anh, nàng khẽ rên lên một tiếng, vươn hai tay ra, rồi chạy đến bên anh. Nàng hôn anh lên trán, lên môi, ép mặt vào bên má không cạo lởm chởm của anh, và những giọt nước mắt bị dồn nén lâu nay giờ chảy như suối trên mặt nàng. Margarita chỉ thốt lên nổi một lời, lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa:

“Anh... anh, anh...”

Nghệ Nhân gỡ nàng ra khỏi người mình, nói bằng giọng khàn khàn:

“Ðừng khóc, Margo, đừng hành hạ anh nữa. Anh đang ốm nặng. - Nghệ Nhân đưa tay bám lấy bệ cửa sổ, dường như muốn nhảy lên đó và bỏ chạy, rồi anh nhe răng, nhìn kỹ vào những người ngồi trong phòng, hét lên: - Anh sợ lắm, Margo! Anh lại bắt đầu thấy ảo ảnh rồi.”

Những tiếng nức nở làm Margarita nghẹn thở, nàng lắp bắp thì thầm:

“Không, không, không, anh đừng sợ gì cả! Có em bên anh đây! Em đang ở bên anh đây!”
Koroviev khéo léo và kín đáo đẩy chiếc ghế lại cho Nghệ Nhân, anh buông mình ngồi xuống đó.

Margarita quỳ xuống sàn, ép mặt vào sườn Nghệ Nhân và lặng người đi. Trong cơn xúc động, nàng không nhận thấy là nàng không còn khỏa thân nữa, trên người nàng bất ngờ xuất hiện một chiếc áo khoác đen bằng lụa. Người bệnh cúi đầu, nhìn xuống đất bằng cặp mắt ốm yếu ảm đạm.

“Phải, - Voland nói sau một lúc im lặng, - người ta đã quần cho anh ta khá đấy. - Ông ta ra lệnh cho Koroviev: - Nào, hiệp sĩ, hãy cho con người này uống một cái gì đó.”

Margarita khẩn khoản nói với Nghệ Nhân bằng giọng run rẩy:

“Anh uống đi, uống đi. Anh sợ à? Không, không, anh hãy tin em, rằng người ta sẽ giúp anh.”
Người bệnh cầm lấy cốc và uống cạn những gì có trong đó, nhưng cánh tay anh bỗng run lên, và chiếc cốc không rơi xuống vỡ tan dưới chân anh.

“Ðiềm may đấy! Ðiềm may đấy! - Koroviev thì thầm vào tai Margarita. - Xem kìa, anh ta đang tỉnh lại.”

Quả nhiên, ánh mắt của người bệnh đã trở nên không còn man dại và bồn chồn như trước.

“Em đấy à, Margo?” - người khách đêm trăng hỏi.

“Anh đừng hoài nghi nữa, em đây” - Margarita đáp.

“Nữa!” - Voland ra lệnh.

Sau khi Nghệ Nhân uống cạn cốc thứ hai, đôi mắt anh trở nên sinh động và tinh nhanh.

“Thế đấy, bây giờ thì khác rồi, - Voland nheo mắt nói, - bây giờ chúng ta sẽ nói chuyện. Anh là ai?”

“Bây giờ tôi không là ai cả”, - Nghệ Nhân đáp, và một nụ cười làm miệng anh méo xệch.

“Anh vừa từ đâu đến?”

“Từ nhà thương điên. Tôi là người bị bệnh tâm thần”, - người mới đến đáp.
Margarita không chịu đựng nổi những lời đó và lại òa lên khóc. Rồi, lau khô nước mắt, nàng hét lên:

“Những từ khủng khiếp quá! Những từ khủng khiếp quá! Anh ấy là Nghệ Nhân, thưa messir, tôi đã nói với ngài về điều đó rồi. Ngài hãy cứu chữa cho anh ấy, anh ấy xứng đáng được như vậy.”

“Anh có biết là anh đang nói chuyện với ai không? - Voland hỏi. - Anh có biết là anh đang ở chỗ của ai không?”

“Tôi biết, - Nghệ Nhân đáp, - người cạnh phòng của tôi trong nhà thương điên là cái chàng trai nọ, Ivan Bezdomnưi. Anh ta đã kể với tôi về ngài.”

“Quả vậy, quả vậy, - Voland nói, - ta có dịp may mắn được gặp anh chàng trẻ tuổi đó ở Hồ Pat'riarsi. Anh ta suýt nữa thì làm chính ta phát điên lên bằng những lời chứng minh rằng ta không tồn tại! Thế còn anh thì tin rằng đấy quả thật là ta chứ?”

“Buộc phải tin, - người khách mới đến nói, - nhưng tất nhiên, giá như được coi ngài chỉ là kết quả của ảo giác thì chắc mọi việc yên ổn hơn. Ôi xin lỗi”, - sực nhớ ra, Nghệ Nhân vội nói thêm.

“Cũng được thôi, nếu như thế yên ổn hơn thì anh cứ việc coi như thế”, - Voland lịch thiệp đáp lời.

“Không, không, - Margarita hốt hoảng nói và túm lấy vai Nghệ Nhân lắc mạnh, - anh tỉnh lại đi! Trước mặt anh đúng là ông ấy đấy!”

Ðến đây con mèo lại chen vào:

“Còn tôi thì đúng là giống như một ảo ảnh. Hãy chú ý tới bộ mặt nhìn nghiêng của tôi trong ánh trăng, - con mèo trườn ra cột ánh sáng từ mặt trăng dội xuống, toan nói thêm những điều gì đó nữa, nhưng mọi người yêu cầu nó im lặng, và nó đáp: - Ðược rồi, được rồi, tôi sẵn sàng im lặng. Tôi sẽ là một ảo ảnh câm”, - và nó ngừng nói.

“Thế tại sao Margarita lại gọi anh là Nghệ Nhân?” - Voland hỏi.

Anh cười khẩy và nói:

“Ðó là một điểm yếu có thể tha thứ được. Nàng đánh giá quá cao về cuốn tiểu thuyết tôi viết.”

“Tiểu thuyết viết về gì?”

“Về Ponti Pilat.”

Liền đó những ngọn nến lại ngả nghiêng chao đảo, bát đĩa trên bàn kêu loảng xoảng. Voland phá lên cười như sấm, nhưng tiếng cười đó không làm ai ngạc nhiên và sợ hãi. Beghemot không hiểu sao lại còn vỗ tay.

“Về cái gì, về cái gì? Về ai? - thôi cười, Voland cất tiếng hỏi: - Thế nào bây giờ hả? Ðúng là đáng kinh ngạc! Thế anh không thể tìm được đề tài khác sao? Nào, đưa cho ta xem”, - Voland chìa tay ra, lòng bàn tay ngửa lên trên.

“Thật đáng tiếc, tôi không thể làm điều đó được, - Nghệ Nhân đáp, - vì tôi đã đốt mất nó trong lò sưởi rồi.”

“Xin lỗi, ta không tin, - Voland nói, - không thể có điều đó được. Các bản thảo không cháy.”
Voland quay về phía Beghemot và ra lệnh:

“Nào, Beghemot, đưa cuốn tiểu thuyết đây.”

Con mèo ngay tức thì nhảy khỏi mặt ghế, và tất cả đều thấy là nó vừa ngồi trên một đống bản thảo dầy cộm. Con mèo nghiêng mình trao tập bản thảo đánh máy trên cùng cho Voland. Margarita xúc động đến chảy nước mắt, run lên, hét:

“Ôi nó đấy, bản thảo đấy! Nó đấy!”

Nàng chạy đến bên Voland và nói thêm vẻ đầy thán phục:

“Ngài quả là toàn năng, toàn năng!”

Voland cầm tập bản thảo con mèo trao cho lên tay, lật qua, đặt sang một bên rồi im lặng, không mỉm cười, nhìn Nghệ Nhân chằm chằm. Nhưng anh, không hiểu sao lại cảm thấy rất rầu rĩ bất an, rời ghế đứng dậy, hai tay vặn xoắn vào nhau, rùng mình, ngửa mặt nhìn lên mặt trăng tròn trên cao, rồi bắt đầu lẩm bẩm:

“Những đêm có trăng ta vẫn chẳng được yên, sao các người lại làm ta kinh động? Ôi, hỡi các vị thần linh...”

Margarita bám chặt lấy tấm áo choàng bệnh viện của Nghệ Nhân, nép sát vào người anh, và nàng cũng bắt đầu lẩm bẩm qua hàng nước mắt trong cơn rầu rĩ:

“Lạy Chúa, thuốc cũng chẳng giúp được anh sao?”

“Không sao, không sao, không sao, - Koroviev chạy quanh Nghệ Nhân, miệng thì thầm, - không sao, không sao... Thêm một cốc nhỏ nữa, và tôi sẽ uống mừng với anh.”

Chiếc cốc nhỏ lóe lên, lấp lánh dưới ánh trăng sáng, và cái cốc nhỏ đó đã có tác dụng. Nghệ Nhân được đưa về chỗ ngồi, khuôn mặt người bệnh lại có vẻ bình thường.

“Thế đấy, bây giờ thì tất cả đã rõ”, - Voland nói và gõ gõ ngón tay dài lên tập bản thảo.

“Ðã rõ hoàn toàn, - con mèo khẳng định, quên mất lời hứa của mình là trở thành một ảo ảnh câm, - bây giờ các tuyến chính của tác phẩm này đối với tôi đã rõ rành rành. Anh nói gì, hở Azazello?” - nó quay sang hỏi Azazello đang ngồi im lặng.

“Tớ nói rằng, - Azazello lẩm bẩm bằng giọng mũi, - giá đem nhà ngươi nhận nước đi thì tốt.”
“Hãy nhân từ với chứ, Azazello, - con mèo đáp, - và đừng làm cho ông chủ của chúng ta có cái ý nghĩ ấy. Anh hãy tin rằng đêm nào tôi cũng sẽ hiện về gặp anh trong bộ y phục bằng ánh trăng, hệt như chàng Nghệ Nhân tội nghiệp này, rồi sẽ gật đầu với anh, sẽ vẫy gọi anh đi theo tôi. Lúc đó anh sẽ như thế nào, hả Azazello?”

“Thế nào, Margarita, - Voland lại cất tiếng, - nàng nói đi chứ, nàng cần gì?”

Cặp mắt Margarita bừng sáng, và nàng cầu khẩn nói với Voland:

“Xin phép cho tôi được nói nhỏ với anh ấy vài lời?”

Voland gật đầu, và Margarita ghé miệng thì thầm một điều gì đó vào tai Nghệ Nhân. Chỉ nghe thấy anh trả lời:

“Không, muộn mất rồi. Anh không còn mong muốn thêm một cái gì trong đời. Ngoài việc được trông thấy em. Nhưng anh lại khuyên em: hãy để mặc anh. Với anh, em sẽ không sống nổi đâu.”

“Không, em sẽ không bỏ anh, - Margarita đáp và quay lại nói với Voland: - Tôi xin ngài cho chúng tôi trở về căn nhà hầm ở ngõ nhỏ trên phố Arbat, và mong cho ngọn đèn ở đó vẫn cháy, tất cả vẫn y nguyên như trước.”

Nghe đến đó, Nghệ Nhân phá lên cười; rồi ôm mái tóc xoăn giờ đã chảy duỗi ra của Margarita, anh nói:

“Ôi, xin ngài đừng nghe người đàn bà đáng thương này, thưa messir. Trong căn nhà hầm ấy từ lâu đã có người khác sống, và nói chung là không thể nào tất cả lại vẫn như xưa được. - Anh ép má lên mái tóc người bạn gái của mình, ôm ngang lưng Margarita và thì thầm: - Ôi tội nghiệp, em tội nghiệp...”

“Anh bảo là không thể được à? - Voland nói. - Ðiều đó là đúng. Nhưng chúng ta sẽ thử. - Và ông ta gọi: - Azazello!”

Ngay liền đó từ trên trần rơi xuống sàn nhà một người đàn ông ngơ ngác và sắp mất trí, trên mình chỉ mặc độc quần áo lót, nhưng không hiểu sao lại đội mũ cát két và tay xách vali. Quá kinh hoàng, người đó run lẩy bẩy và ngồi khuỵu xuống sàn.

“Mogarưt phải không?” - Azazello hỏi người từ trên trần nhà vừa rơi xuống.

“Aloyzi Mogarưt”, - người đó run rẩy đáp.

“Có phải chính là anh, sau khi đọc bài báo của Latunski về cuốn tiểu thuyết của người này, đã viết thư tố giác anh ấy cất giữ tài liệu bất hợp pháp không?” - Azazello hỏi.

Người đàn ông mới xuất hiện tái xanh mặt và tuôn ra từng dòng nước mắt ăn năn.

“Anh muốn chuyển sang căn hộ của anh ấy chứ gì?” - Azazello cố hỏi sao cho cái giọng mũi của mình có vẻ thân mật hơn.

Trong phòng chợt có tiếng gầm gừ như tiếng mèo nổi cơn khùng, và Margarita rít lên:

“Cho mày biết tay phù thủy này, cho mày biết tay!” - và nàng vung những ngón tay xòe móng chộp lấy mặt Aloyzi Mogarưt.

Tất cả mọi người đều sửng sốt.

“Em làm gì thế? - Nghệ Nhân kêu lên đau khổ. - Margo, đừng hạ nhục mình như thế!”

“Tôi phản đối, đây không phải là hạ nhục!” - con mèo gào to.

Koroviev kéo Margarita ra.

“Tôi đã xây thêm phòng tắm, - răng đánh vào nhau lập cập, mặt đầy máu, Mogarưt hét lên, và trong cơn kinh hoàng bắt đầu nói lảm nhảm: - Chỉ riêng quét vôi... sunphát...”

“Thôi được, xây thêm phòng tắm là tốt, - Azazello nói vẻ đồng tình, - anh ấy cần phải tắm, - và quát to: - Biến!”

Ngay tức khắc, Mogarưt lộn chân lên trần và bay vọt ra khỏi phòng ngủ của Voland qua ô cửa sổ để mở.

Nghệ Nhân trố mắt, thì thầm:

“Cái này lại còn cao tay hơn cả điều mà Ivan đã kể! - Hoàn toàn sững sờ, anh nhìn quanh, mãi rồi mới nói với con mèo: - Mà xin lỗi... đấy là mày... đấy là anh... - Nghệ Nhân lúng túng, không biết phải xưng hô với con mèo như thế nào, “mày” hay “anh”, - có phải anh là con mèo đi xe điện hay không?”

“Chính tôi! - Con mèo phổng mũi khẳng định, rồi nói thêm: - Thật dễ chịu khi nghe anh xưng hô lịch sự như vậy với mèo. Với mèo, không hiểu sao, người ta thường “mày-tao”, mặc dù chưa bao giờ có con mèo nào ngồi uống rượu Brüderschaft [3] với một ai cả.”

“Không hiểu sao tôi có cảm tưởng rằng anh không thật là mèo, - Nghệ Nhân ngập ngừng nói. - Còn ở bệnh viện, dù sao người ta cũng đi tìm tôi”, - anh rụt rè nói thêm với Voland.

“Ấy, họ đi tìm anh để làm gì? - Koroviev nói để anh yên tâm, và trong tay anh ta xuất hiện những cuốn sổ và giấy tờ nào đó. - Bệnh án của anh đây phải không?”

“Vâng.”

Korovlev ném tập bệnh án vào lò sưởi.

“Không còn giấy tờ, nghĩa là không còn cả con người, - Koroviev hài lòng nói. - Còn đây là sổ hộ khẩu của những người thuê nhà?”

“Vâng...”

“Ai đăng ký ở đây? Aloyzi Mogarưt à? - Koroviev thổi vào trang sổ hộ khẩu. - Thế, không còn hắn ta nữa, và xin anh nhớ lấy, là chưa từng bao giờ có hắn cả. Còn nếu như ông chủ nhà ngạc nhiên có hỏi, thì nói rằng đấy là ông ta nằm mơ thấy Aloyzi đấy. Mogarưt à? Mogarưt nào? Không hề có Mogarưt nào cả! - Và cuốn sổ đóng bằng chỉ biến mất khỏi tay Koroviev. - Còn bây giờ thì nó đã nằm trên bàn của chủ ngôi nhà rồi.”

“Anh nói rất đúng, - Nghệ Nhân kinh ngạc trước phép thuật của Koroviev, nói: - một khi không còn giấy tờ thì tức là không còn cả con người nữa. Và chính tôi cũng không còn, vì tôi không còn giấy tờ gì cả.”

“Tôi xin lỗi, - Koroviev hét lên, - đó chỉ là ảo ảnh thôi, giấy tờ của anh đây, - và Koroviev trao mấy tờ giấy cho Nghệ Nhân. Rồi anh ta tròn mắt và ngọt ngào nói thầm với Margarita: - Còn đây là tài sản của chị, Margarita Nikolaevna, - và trao cho nàng một cuốn vở đã cháy sém các mép, bông hoa hồng héo khô, tấm ảnh, và với vẻ đặc biệt nâng niu, cuốn sổ tiết kiệm, - mười ngàn rúp, như chị đã ký gửi đấy, Margarita Nikolaevna ạ. Chúng tôi không tơ hào đến tài sản của người khác đâu.”

“Tôi thà rụng hết chân đi còn hơn là động đến tài sản của người khác”, - làm ra bộ trang trọng, con mèo thốt lên, rồi bắt đầu nhảy múa trên chiếc vali để làm cho những tập bản thảo của cuốn tiểu thuyết rủi ro kia nhàu cũ đi.

“Còn đây là giấy tờ của chị, - Koroviev nói tiếp và trao giấy tờ cho Margarita, xong xuôi anh ta quay lại phía Voland kính cẩn báo cáo: - Xong cả rồi, thưa messir!”

“Không, chưa xong cả đâu, - Voland rời mắt khỏi quả địa cầu, đáp: - Hỡi donna thân mến của ta, nàng định cho đoàn tùy tùng của mình đi đâu bây giờ? Bản thân ta không cần đến họ.”

Vừa lúc đó, Natasa chạy vào cánh cửa để mở, vẫn khỏa thân như trước, giơ hai tay lên trời và kêu to với Margarita:

“Chúc chị hạnh phúc, chị Margarita Nikolaevna! - Natasa gật đầu chào Nghệ Nhân rồi lại quay về phía Margarita: - Trước đây em vẫn biết là chị thường đi đâu.”

“Những người làm công bao giờ cũng biết hết mọi chuyện, - con mèo giơ một chi trước lên trời đầy hàm ý và nhận xét”, - thật sai lầm khi nghĩ rằng họ mù.

“Em muốn gì, Natasa? - Margarita hỏi. - Em hãy trở về biệt thự đi.”

“Chị Margarita Nikolaevna yêu quý, - Natasa cất tiếng khẩn khoản và quỳ gối xuống, - chị hãy xin, - Natasa liếc nhìn sang phía Voland, - cho em được ở lại làm phù thủy. Em không muốn trở lại biệt thự nữa! Em không muốn lấy chồng là kỹ sư, kỹ thuật viên nào cả! Hôm qua ở vũ hội, ngài Giắc đã ngỏ lời cầu hôn với em”, - Natasa duỗi nắm tay ra và chìa cho Margarita xem mấy đồng tiền vàng.

Margarita hướng ánh mắt dò hỏi về phía Voland. Ông ta gật đầu. Natasa liền chạy vụt đến ôm lấy cổ Margarita, hôn nàng rất kêu, rồi hét lên một tiếng đắc thắng, bay qua cửa ra ngoài. Thay vào chỗ Natasa là Nikolai Ivanovich. Ông ta đã lấy lại được dạng người trước đó của mình, nhưng có vẻ đặc biệt rầu rĩ, và thậm chí là cáu kỉnh.

“Tên này thì ta đặc biệt hài lòng được tống khứ đi ngay, - Voland nhìn Nikolai Ivanovich với vẻ ghê tởm, nói. - Ðặc biệt hài lòng, vì hắn ở đây là thừa.”

“Tôi khẩn thiết đề nghị cấp cho tôi một tờ giấy chứng nhận, - Nikolai Ivanovich cất tiếng, mắt man dại nhìn quanh, nhưng nói với vẻ quả quyết, - về việc đêm vừa qua tôi đã ở tại đâu.”

“Ðể làm gì?” - con mèo nghiêm khắc hỏi.

“Ðể trình công an và vợ”, - Nikolai Ivanovich đáp chắc như đinh đóng cột.

“Thường thì chúng tôi không cấp giấy chứng nhận, - con mèo cau mặt đáp, - nhưng với ông, thôi thì, ngoại lệ vậy.”

Nikolai Ivanovich còn chưa kịp định thần, thì nàng Ghella khỏa thân đã ngồi sau máy chữ, còn con mèo đọc:

“Tôi chứng nhận rằng người cầm giấy này, Nikolai Ivanovich, đêm qua đã có mặt tại vũ hội của chúa quỷ Satan, bị đưa đến đây với tư cách là phương tiện chuyên chở... Ghella, mở ngoặc đơn! Trong ngoặc đơn viết “lợn đực thiến”. Ký tên - Beghemot.”

“Còn ngày tháng?” - Nikolai Ivanovich lắp bắp.

“Ngày tháng chúng ta không ghi, đề ngày tháng vào thì giấy sẽ không có tác dụng”, - con mèo đáp, vung tờ giấy lên, lấy từ đâu đó ra một con dấu, theo đúng mọi cách thức phà hơi lên mặt dấu, đóng lên tờ giấy hai chữ “chứng thực” và trao nó cho Nikolai Ivanovich. Liền ngay đó, Nikolai Ivanovich biến mất không còn dấu vết; thay vào chỗ ông ta xuất hiện một người mới hoàn toàn bất ngờ.

“Lại còn ai thế này?” - Voland khó chịu hỏi, lấy tay che mặt khỏi ánh sáng của mấy ngọn nến.

Varenukha ngoẹo đầu, thở dài và nói khẽ:

“Hãy thả tôi ra. Tôi không thể làm quỷ hút máu [4] được. Hôm trước, tôi suýt cùng với Ghella giết chết Rimski! Nhưng tôi không khát máu. Hãy thả tôi ra.”

“Lại còn chuyện nhảm nhí nào thế này? - Voland nhăn mặt hỏi. - Rimski nào? Trò vớ vẩn gì vậy?”

“Xin ngài đừng bận tâm, thưa messir, - Azazello lên tiếng và quay sang phía Varenukha: - Không được thô lỗ qua điện thoại. Không được dối trá qua điện thoại! Hiểu chưa? Anh sẽ không làm những điều đó nữa chứ?”

Quá mừng, tất cả trong đầu Varenukha như mụ đi, mặt anh ta rạng rỡ, và anh ta lắp bắp, không hiểu mình đang nói gì:

“Ðức Chúa thiêng... tức là tôi muốn nói, bẩm ng... ngay bây giờ sau bữa ăn...” - Varenukha ép hai tay lên ngực, nhìn Azazello vẻ cầu khẩn.

“Thôi được, về nhà đi”, - Azazello quát, và Varenukha tan biến.

“Bây giờ để ta một mình với họ”, - Voland nói, chỉ về phía Nghệ Nhân và Margarita.
Mệnh lệnh của Voland lập tức được thi hành. Sau một lát im lặng, Voland hỏi Nghệ Nhân:

“Vậy nghĩa là lại trở về nhà hầm ở phố Arbat? Thế ai sẽ viết? Thế còn những ước mơ, cảm hứng?”

“Ở tôi giờ không còn mơ ước nào nữa, cả cảm hứng cũng không, - Nghệ Nhân đáp. - Bây giờ tôi không quan tâm đến một cái gì xung quanh, ngoài nàng, - anh lại đặt tay lên đầu Margarita, - người ta đã đánh gục tôi, tôi buồn, và tôi muốn về lại căn nhà hầm cũ của tôi.”

“Thế còn cuốn tiểu thuyết của anh, còn Ponti Pilat?”

“Bây giờ tôi căm ghét cuốn tiểu thuyết của tôi, - Nghệ Nhân đáp, - vì nó, tôi đã phải chịu đựng quá nhiều.”

“Em van anh, - Margarita khẩn khoản, - anh đừng nói thế. Sao anh lại làm khổ em? Bởi vì anh biết đấy, em đã để cả cuộc đời em vào cuốn sách của anh. - Margarita quay lại phía Voland, tiếp thêm: - Ðừng nghe anh ấy, thưa messir, anh ấy đã quá đau khổ.”

“Nhưng cần phải viết về một cái gì đó chứ? - Voland nói. - Nếu như anh đã nói hết về ông quan tổng trấn kia, thì cứ cho là hãy viết về cái gã Aloyzi ấy.”

Nghệ Nhân mỉm cười.

“Cái đó thì Lavsionnikova sẽ không đăng, mà hơn nữa, nó chẳng hay ho gì.”

“Thế anh sẽ sống bằng gì? Như vậy anh sẽ phải sống trong cảnh nghèo khổ.”

“Sẵn lòng, sẵn lòng, - Nghệ Nhân đáp, rồi kéo Margarita lại bên mình, ôm lấy vai nàng, nói thêm: - Rồi cô ấy sẽ hiểu ra và sẽ bỏ tôi đi.”

“Ta không nghĩ như vậy, - Voland nói qua kẽ răng, rồi tiếp: - Vậy là, con người đã từng viết
nên câu chuyện về Ponti Pilat, giờ sẽ đi xuống nhà hầm với dự định nằm cạnh ngọn đèn và chịu nghèo khổ.”

Margarita rời khỏi Nghệ Nhân và cất tiếng nói rất tha thiết:

“Tôi đã làm tất cả nhưng gì có thể, tôi đã nói thầm với anh ấy điều quyến rũ nhất. Nhưng anh ấy đã từ chối.”

“Ðiều mà nàng nói thầm với anh ấy, ta biết, - Voland nói, - nhưng đó chưa phải là điều quyến rũ nhất. Còn ta, ta nói với anh, - ông ta mỉm cười với Nghệ Nhân, - cuốn tiểu thuyết của anh sẽ còn mang đến những điều bất ngờ.”

“Ðiều đó thật đáng buồn”, - Nghệ Nhân đáp.

“Không, không, điều đó không đáng buồn, - Voland nói. - Sẽ không còn gì đáng sợ nữa hết. Thôi nhé, Margarita Nikolaevna, tất cả đã được làm xong. Nàng còn đòi hỏi gì đối với ta nữa không?”

“Ô không, không đâu, thưa messir!”

“Vậy thì hãy cầm lấy cái này ta tặng làm kỷ niệm”, - Voland nói và rút từ dưới gối ra một chiếc khuyên hình bán nguyệt [5] nhỏ bằng vàng gắn kim cương.

“Không, không, không, không được đâu ạ!”

“Nàng định cãi nhau với ta đấy chắc?” - Voland mỉm cười, hỏi.

Vì áo choàng trên người không có túi, Margarita bỏ chiếc khuyên bán nguyệt vào tấm khăn ăn và thắt nút lại. Lúc đó có một cái gì đấy khiến nàng ngạc nhiên. Margarita đưa mắt nhìn ra cửa sổ, nơi ánh trăng vẫn sáng vằng vặc, và nói:

“Có điều này tôi không hiểu... Tại sao mãi vẫn cứ nửa đêm, mà đáng ra trời phải sáng từ lâu rồi mới đúng?”

“Nửa đêm hội vui cũng nên kéo dài ra một chút cho dễ chịu, - Voland đáp. - Nào, chúc hai người hạnh phúc.”

Margarita chắp hai tay lại với nhau vươn về phía Voland, nhưng nàng không dám bước lại gần, chỉ khẽ thốt lên:

“Vĩnh biệt! Vĩnh biệt!”

“Tạm biệt”, - Voland nói.

Rồi Margarita khoác chiếc áo choàng đen cùng Nghệ Nhân trong bộ đồ bệnh viện bước ra hành lang của căn hộ bà chủ tiệm kim hoàn cũ, ở đó hai người thấy một ngọn nến cháy sáng và đoàn tùy tùng của Voland đang đợi. Khi họ bước ra khỏi hành lang, Ghella xách chiếc vali đựng tập bản thảo cuốn tiểu thuyết và món tài sản nhỏ của Margarita Nikolaevna, còn con mèo thì giúp Ghella. Cạnh cửa ra vào, Koroviev cúi chào rồi biến mất, những người khác đi theo tiễn xuống cầu thang. Khắp khu nhà vắng vẻ. Khi đi qua cầu thang của tầng ba, có một cái gì đấy rơi nhẹ xuống sàn, nhưng không một ai chú ý đến điều đó. Cạnh cửa ra vào của cổng cầu thang số sáu, Azazello ngửa mặt lên trời thổi một cái. Khi vừa xuống đến sân, nơi ánh trăng không rọi tới, họ trông thấy một người đang ngủ, có lẽ là ngủ rất say, chân đi ủng, đầu đội mũ lưỡi trai, và cạnh cổng khu nhà là một cỗ xe lớn màu đen không bật đèn pha. Qua tấm kính phía trước hiện lên lờ mờ hình một con quạ.

Khi đã chuẩn bị ngồi vào xe, Margarita bỗng khẽ thốt lên tuyệt vọng:

“Ôi lạy Chúa, tôi đánh rơi chiếc khuyên mất rồi!”

“Ngồi lên xe đi, - Azazello nói, - và đợi tôi ở đây. Tôi đi xem cái gì đã xảy ra, rồi quay lại ngay.” - Và anh ta bước khuất vào lối lên cầu thang.

Cái việc đã xảy ra như sau: trước khi Margarita với Nghệ Nhân cùng những người tiễn chân họ đi xuống, từ căn hộ số 48 nằm dưới căn hộ bà chủ tiệm kim hoàn có một người đàn bà gầy gò xách can và túi bước ra cầu thang. Ðó chính là Annuska, người vào hôm thứ tư đã đánh đổ dầu hướng dương, thật khổ cho Berlioz, lên cánh cửa quay dẫn vào công viên.

Không ai biết, và có lẽ sẽ không một ai biết được là người đàn bà này làm nghề gì ở Moskva và thị ta sinh sống bằng nguồn thu nhập nào. Chỉ biết rằng ngày nào cũng có thể gặp thị - khi thì xách can, khi thì xách túi, khi thì cả túi lẫn can - hoặc là cạnh cửa hàng bán dầu, hoặc là ngoài chợ, hoặc là dưới cổng nhà, hoặc là ở cầu thang, nhưng thường xuyên hơn cả là ở gian bếp của căn hộ số 48, nơi chị chàng Annuska này trú ngụ. Ngoài ra, và điều này có thể biết rõ nhất, là bất kỳ nơi nào có thị đứng hoặc xuất hiện, ở đó lập tức xảy ra cãi nhau; thêm vào đó, thị còn có biệt hiệu là “Dịch hạch”.

Annuska-Dịch hạch không hiểu sao thường dậy rất sớm, còn hôm nay có một cái gì đấy khiến thị thức giấc vào lúc chưa thể nào gọi là buổi sáng được, chỉ vì khi đó mới quá mười hai giờ đêm một chút. Quay chìa khóa ở cửa, Annuska đầu tiên thò mũi ra ngoài, rồi sau chui cả người ra, đóng cửa lại sau lưng và định đi đâu đó. Vừa lúc ấy, ở tầng trên có tiếng sập cửa, rồi một người nào đó lao xuống cầu thang, xông thẳng vào Annuska, hất thị bắn sang một bên mạnh đến nỗi khiến thị đập gáy vào tường.

“Quỷ tha anh đi đâu mà chỉ mặc mỗi quần lót thế?” - Annuska rít lên, tay ôm lấy gáy. Người đàn ông mặc đồ lót, tay xách vali, đội mũ lưỡi trai, hai mắt nhắm chặt, trả lời Annuska bằng giọng ngái ngủ man dại:

“Máy đun nước tắm! Sunphát! Chỉ riêng quét vôi cũng đã tốn bao nhiêu!” - rồi òa lên khóc, rồi bỗng gào lên: “Biến!” - Và anh ta lại vùng chạy, nhưng lần này không phải theo cầu thang xuống dưới, mà ngược lên trên, đến chỗ cửa sổ có tấm kính bị chân nhà kinh tế học đập vỡ, rồi anh ta bay chân đi trước qua ô cửa sổ vỡ kính đó ra phía ngoài sân. Annuska quên phắt ngay cả cái gáy đau của mình, kêu lên một tiếng và chạy bổ đến bên cửa sổ. Thị nằm úp bụng lên đầu cầu thang, thò cổ ra ngoài, chờ sẽ trông thấy trên mặt sân nhựa được ngọn đèn ở cổng chiếu sáng hình người xách vali rơi xuống chết ở đó. Nhưng trên mặt sân nhựa tịnh không có một cái gì.

Chỉ còn một cách cho rằng cái nhân vật kỳ quái ngái ngủ đó đã bay ra khỏi ngôi nhà như một con chim trời không để lại dấu vết nào. Annuska làm dấu thánh và nghĩ thầm: “Ôi, quả là căn hộ số năm mươi! Chả trách gì người ta đồn đại! Ôi, căn hộ là cái căn hộ!”

Thị còn chưa kịp nghĩ hết, thì ở tầng năm lại có tiếng đập cửa, và một người thứ hai từ phía trên chạy xuống. Annuska ép sát mình vào tường, trông thấy một người đàn ông khả kính, để râu, nhưng có khuôn mặt, như Annuska nghĩ, hao hao giống mặt lợn; ông ta nhảy vụt qua chỗ thị đứng, rồi cũng như người thứ nhất, rời khỏi ngôi nhà bằng lối qua cửa sổ, và lại vẫn như người thứ nhất, không nghĩ đến chuyện rơi đập đầu xuống sân nhựa. Annuska quên béng mất mục đích chuyến đi đã dự định của mình, đứng lại trên cầu thang, vừa làm dấu thánh, vừa kêu ối chà và nói chuyện với chính mình.

Người thứ ba, không râu với bộ mặt tròn trĩnh cạo nhẵn, mặc áo bludong dài có thắt lưng, chạy ngược lên và rồi một lát sau cũng bay qua cửa sổ hệt như hai người trước.

Cần phải khen rằng Annuska là một người tò mò, thị quyết định đợi xem có thêm chuyện gì kỳ diệu xảy ra nữa không. Cánh cửa tầng trên lại mở ra, và bây giờ cả một toán người xuống cùng một lúc nhưng không phải chạy, mà bước bình thường như mọi người vẫn đi. Annuska rời khỏi cửa sổ cầu thang, chạy về nhà mình, nhanh chóng mở cửa ra, trốn vào trong, và qua khe hở nhỏ thị ta chừa lại một cặp mắt điên dại ánh lên vì tò mò.

Một người đàn ông không hẳn là bệnh nhân, cũng không hẳn là không bệnh nhân, mà có vẻ lạ lùng thế nào ấy, người tái nhợt, mặt đầy râu ria, đội chiếc mũ đen, mặc áo choàng dài, đi xuống cầu thang bằng những bước chân không vững. Anh ta được một người đàn bà mặc áo choàng nhà tu, như Annuska cảm thấy trong bóng tối lờ mờ, đỡ tay, thận trọng dìu từng bước. Người đàn bà không hẳn đi chân không, không hẳn đi một đôi giày nào đó trong suốt, có lẽ là hàng ngoại, đã bị xé rách ra từng mảnh. Ôi trời! Giày với dép! Mà chị ta ở truồng? Ðúng thế, chiếc áo choàng chỉ khoác hờ lên thân hình trần truồng của chị ta. “Ái chà là cái căn hộ!” trong lòng Annuska đã ngân nga lên một nỗi khoái trá trước việc ngày mai thị sẽ được đi kể cho hàng xóm nghe những chuyện vừa trông thấy này.

Ði sau người đàn bà choàng áo là một người đàn bà khác, hoàn toàn lõa lồ, tay xách chiếc vali nhỏ, và một con mèo đen khổng lồ lẽo đẽo cạnh vali. Annuska vội lấy tay lau mắt, suýt nữa thì rít lên thành tiếng.

Ði sau cùng là một người nước ngoài thấp nhỏ, bước hơi khập khiễng với một mắt lé, mặc áo gilê trắng của bộ lễ phục đuôi tôm, đeo cà vạt, nhưng không có áo khoác ngoài. Cả toán người diễu qua trước mặt Annuska đi xuống dưới. Vừa lúc đó có một cái gì rơi nhẹ lên bãi chiếu nghỉ đầu cầu thang. Khi nghe tiếng bước chân đã lắng dần, Annuska như một con rắn trườn ra khỏi cửa, đặt chiếc can xuống cạnh chân tường, nằm sấp bụng xuống sàn và bắt đầu sờ soạng. Tay thị vấp phải một chiếc khăn ăn với vật gì nằng nặng gói ở bên trong. Mắt Annuska trố ra khi thị mở bọc vải. Annuska đưa vật báu lên sát tận mắt, và đôi mắt đó sáng rực lên hệt như mắt chó sói. Trong đầu Annuska hình thành một cơn bão lốc: “Tôi chẳng biết gì hết! Tôi chẳng thấy gì hết!... Ðưa đến chỗ thằng cháu họ à? Hay cưa ra từng mảnh?... Các viên đá quý này có thể nạy ra được. Và tách ra từng viên một: một viên đến phố Pet'rovca, viên khác đưa đi chợ Smolensk... Và - tôi chẳng biết gì hết, tôi chẳng thấy gì hết!”

Annuska giấu vật bắt được vào ngực áo, túm lấy chiếc can và đã toan chui ngược trở lại vào căn hộ của mình, hoãn chuyến du lịch vào thành phố, thì thị bỗng trông thấy trước mặt mình, có quỷ sứ mới biết từ đâu hiện ra, chính cái người đàn ông “ngực trắng” không có áo khoác ngoài. Anh ta nói nhỏ:

“Ðưa chiếc khuyên và tấm khăn ăn đây!”

“Chiếc khuyên và tấm khăn ăn nào? - Annuska giả đò hỏi thật khéo. - Tôi không biết khăn ăn khăn mặc nào cả. Anh sao thế, say đấy à?”

Người đàn ông “ngực trắng” không nói gì thêm, đưa những ngón tay cứng như thanh tay vịn trên ô tô buýt, và cũng lạnh ngắt như thế, bóp lấy cổ Annuska khiến cho không khí tuyệt hết mọi đường vào ngực thị. Chiếc can tuột khỏi tay Annuska rơi xuống. Giữ Annuska một lúc không có không khí, người nước ngoài không mặc áo khoác ngoài bỏ những ngón tay của mình ra khỏi cổ thị. Hớp hớp không khí, Annuska mỉm cười.

“À, chiếc khuyên ấy à, - Annuska lắp bắp, - ngay bây giờ! Thế đây là chiếc khuyên của anh à? Tôi bước ra, trông thấy nó nằm trong tấm khăn ăn. Tôi chủ ý cất đi, để khỏi có ai đó nhặt được, rồi sau có mà tìm! »

Sau khi đã nhận được chiếc khuyên và tấm khăn ăn, người khách ngoại quốc liền cúi người chào lia lịa trước mặt Annuska, bắt tay thị thật chặt và cám ơn rối rít bằng một giọng đặc sệt âm nước ngoài:

«Tôi cực kỳ biết ơn bà, thưa madam. Tôi đặc biệt quý chiếc khuyên bán nguyệt này như một vật kỷ niệm. Ðể tỏ lòng biết ơn bà đã cất giữ nó, tôi xin biếu bà hai trăm rúp.» - Và anh ta lập tức rút tiền trong túi áo gilê ra trao cho Annuska.

Thị mỉm cười ngây dại, lắp bắp rối rít:

«Ái, vô cùng cám ơn ngài. Merci! Merci! »

Người đàn ông ngoại quốc hào phóng nhảy một bước qua suốt cả cầu thang, xuống phía dưới, nhưng trước khi khuất hẳn, anh ta còn hét vọng lên, nhưng lần này không còn pha âm nước ngoài nữa:

«Này mụ phù thủy già, nếu có bao giờ còn nhặt được của người khác, thì hãy nộp cho công an, chứ đừng có đem giấu vào ngực áo nhé!»

Cảm thấy đầu như ù lên và chao đảo bởi tất cả những gì xảy ra trên cầu thang, Annuska theo quán tính vẫn còn đứng tiếp tục kêu một lúc lâu:

«Merci! Merci! Merci!»

Còn người đàn ông nước ngoài đã mất bóng tự bao giờ.

Cả cỗ xe ở trong sân cũng không còn nữa. Sau khi trả lại quà của Voland cho Margarita, Azazello chia tay với nàng, hỏi nàng ngồi đã thoải mái chưa, còn Ghella và Margarita ôm hôn nhau rất lâu, con mèo cũng hôn tay nàng. Rồi những người đi tiễn vẫy tay chào Nghệ Nhân đang tựa người ngồi bất động và không sinh khí trong góc ghế, vẫy tay chào lái xe quạ, rồi tan biến ngay vào không khí, không cần phải cất công khó nhọc leo lên theo cầu thang. Con quạ bật đèn pha và cho xe lăn bánh ra cổng ngang qua người đàn ông ngủ say như chết bên lối ra vào sân. Và ánh đèn của cỗ xe lớn màu đen tan biến giữa những ánh đèn khác trên đường phố Xadovaia ồn ào không ngủ.

Một giờ sau, tại căn phòng đầu tiên của căn hộ dưới tầng hầm trong ngõ nhỏ Arbat, nơi tất cả vẫn y nguyên như trước cái đêm mùa thu khủng khiếp nọ của năm ngoái, Margarita ngồi sau chiếc bàn trải tấm khăn nhung dưới ngọn đèn có chụp che đặt bên cạnh lọ hoa linh lan và lặng lẽ khóc vì những chấn động đã trải qua và vì hạnh phúc. Quyển vở bị lửa cháy sém nằm trước mặt nàng, và bên cạnh là một chồng những bản thảo còn nguyên. Cả ngôi nhà im ắng. Trong căn phòng nhỏ bên cạnh, Nghệ Nhân nằm ngủ say trên đi văng, mình đắp tấm áo choàng bệnh viện. Những hơi thở đều đều của anh rất êm, không phát ra tiếng động.

Sau khi khóc đã thỏa thuê, Margarita cầm lấy tập bản thảo còn nguyên và tìm ra chỗ nàng đã đọc trước cuộc gặp gỡ với Azazello dưới chân tường Kremli. Margarita không buồn ngủ. Nàng âu yếm vuốt ve tập bản thảo như người ta vuốt ve con mèo yêu quý của mình, lật qua lật lại trong tay, ngắm nhìn cả bốn mặt, khi thì mân mê trang bìa, khi thì giở xem trang cuối. Bỗng một ý nghĩ ập đến khiến nàng kinh hoàng, rằng tất cả những cái này chỉ là trò phù thủy, rằng ngay bây giờ tập bản thảo sẽ biến mất, rằng nàng lại sẽ thấy mình trong phòng ngủ của mình ở ngôi biệt thự, và tỉnh dậy nàng sẽ phải đi trẫm mình. Nhưng đó chỉ là cái ý nghĩ khủng khiếp cuối cùng, cái âm hưởng của những nỗi đau khổ kéo dài mà nàng đã phải trải qua. Không có cái gì biến mất đi, và Voland toàn năng đúng là toàn năng thật, Margarita có thể thỏa sức, dù là cho đến tận sáng cũng được, lật giở những trang bản thảo, nhìn ngắm chúng và hôn hít, đọc đi đọc lại những dòng chữ sau:

«Bóng tối từ phía Ðịa Trung Hải kéo đến đã che phủ cái thành phố bị quan tổng trấn căm ghét. Vâng, bóng tối...»

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]Địa vị bắt buộc phải thế (tiếng Pháp).
[2]Bà (tiếng Italia, Bồ Đào Nha).
[3]Brüderschaft (tiếng Đức): lễ kết nghĩa bạn bè, hai người cùng uống cạn chén rượu của mình, hôn nhau và từ đó xưng hô mày tao thân mật với nhau.
[4]Quỷ hút máu: Vampir.
[5]... chiếc khuyên hình bán nguyệt: tức hình móng ngựa, móng dê. Trong những bản thảo trước, Bulgacov để Voland tặng Nghệ Nhân chiếc nhẫn, ngụ ý Nghệ Nhân và Margarita sẽ cưới nhau, nhưng sau đổi thành chiếc móng khuyên, biểu tượng của Quỷ.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài