talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 15.04.2007


Khương NhungTôtem sói


Khuong Nhung, Totem soi

Mấy năm gần đây, các nhà xuất bản Việt Nam đã cho ra mắt bản dịch nhiều tác phẩm gây tiếng vang lớn trong đời sống tinh thần quốc tế: Sự va chạm giữa các nền văn minh của Samuel Huntington; Chiếc Lexus và cây ôliu, Thế giới phẳng của Thomas Friedman, Súng, vì trùng và thép - định mệnh của các xã hội loài người, Loài tinh tinh thứ ba, Sụp đổ của Jared Diamond, Mỏ chim sẻ đảo của Jonathan Weiner, Trí tuệ đám đông của James Surowiecki… [1] Những cuốn sách này không phải những sản phẩm hàn lâm thuần tuý, vốn chỉ dành cho một giới chuyên môn hẹp. Tác giả của chúng đều là những nhà nghiên cứu hoặc những nhà báo hàng đầu. Và hầu như tất cả những cuốn sách này đều được viết bằng tiếng Anh. Có vẻ như toàn cầu hoá, ít nhất là trong lĩnh vực tư tưởng-học thuật, đã và đang ngày càng đồng nghĩa với với Anh-Mỹ hoá. Anh-Mỹ là trung tâm phát ra các ý tưởng, các khuynh hướng, các quan niệm và toàn cầu chỉ còn có một việc là sao chép, diễn dịch hoặc, nếu có khả năng - và thường là trong phạm vi quốc gia - "phản biện hoặc bàn luận trong nhà". Trái với kì vọng của các nhà hậu hiện đại về một thế giới đa cực, nơi các ngôn ngữ có cùng cơ hội đóng góp vào tư tưởng-học thuật thế giới, ngày nay một học giả không phải Anh-Mỹ hoặc không viết bằng tiếng Anh có rất ít khả năng và cơ hội để gây được ảnh hưởng rộng, và nếu ta xem ngôn ngữ là phần cốt tuỷ của văn hoá thì cái thế giới toàn cầu hoá hôm nay tuy có thể không còn “dĩ Âu vi trung”, nhưng lại “dĩ Mỹ vi trung” hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, một cuốn sách như Tôtem sói của Khương Nhung (Jiang Rong) cần được xem là một ngoại lệ hiếm hoi và là "câu trả lời của Trung Quốc" đặt trong tương quan nói trên. Tôtem sói được thai nghén trong vòng 30 năm, với tham vọng lật ngược toàn bộ lịch sử Trung Hoa. Đây là một cuộc đại phẫu thuật nguồn gốc và tính cách dân tộc Hoa Hạ ở phần cốt tuỷ nhất của nó: Hoa Hạ là truyền nhân của Sói hay Rồng? Đối với độc giả Việt Nam, cuốn sách chắc chắn sẽ đặc biệt hấp dẫn bởi nó cho một cái nhìn mới mẻ và đầy tính phát hiện về tính cách của người hàng xóm gần gũi nhất, thân thuộc nhất nhưng cũng nhiều duyên nợ nhất của chúng ta: Trung Hoa.

>Tôtem sói là tiểu thuyết, nhưng nó có thể được đọc như một tác phẩm nghiên cứu. Tác phẩm có 35 chương, một chương "Vĩ thanh" và một chương kết có tên là "Khai quật bằng lý tính", có thể coi như một tiểu luận tổng kết toàn bộ triết lý của tác phẩm. Được sự đồng ý của dịch giả, chúng tôi xin giới thiệu toàn bộ chương 1, chương 5, chương kết và lời giới thiệu của Mã Ba Thuấn.

talawas chủ nhật

 

Khương Nhung

Tôtem sói

Trần Đình Hiến dịch


I II III

Chúng ta là truyền nhân của Rồng hay của Sói?
(Lời giới thiệu của Mã Ba Thuấn, người biên tập)

Đây là một bộ sách lạ - một kỳ thư duy nhất trên thế giới, mô tả nghiên cứu về sói thảo nguyên Mông Cổ. Đọc sách này, chúng ta được thưởng thức một món ăn tinh thần vô tận về tôtem sói. Bởi lẽ nó vô cùng phong phú, bởi lẽ nó không thể tái hiện. Vì rằng những đoàn thiết kị Mông Cổ và sói Mông Cổ tự do tung hoành trên thảo nguyên đang hoặc đã biến mất, tất cả những truyền thuyết, những câu chuyện về sói đang mất dần trong ký ức chúng ta, và chỉ lưu lại trong ta và trong các thế hệ mai sau những ký hiệu ngôn ngữ của lời nguyền rủa và chửi bới cay độc. Nếu như không có sách này thì sói, đặc biệt là sói thảo nguyên Mông Cổ - bộ máy phát lực của sùng bái vật tổ và sự tiến hoá tự nhiên cuả nền văn minh cổ đại Trung Quốc, chắng khác những vật không phát sáng trong vũ trụ, rời xa quả đất và nhân loại, lênh đênh trong cõi vô cùng tận bất khả tri, lạnh nhạt trước sự dốt nát ngu xuẩn của chúng ta.

Vậy mà giờ đây, trong tình trạng thiên nhiên rệu rã, các loài vật giảm đi nhanh chóng, tinh thần và tính cách nhân loại ngày càng tồi tệ, đọc Lang đồ đằng một tác phẩm có tính sử thi mà sói là đối tượng miêu tả, thì quả thật là dịp may cho độc giả. Hàng ngàn năm nay, hồng học cự nho chiếm địa vị chủ đạo chính thống, sợ sói như sợ hổ, cho rằng sói gieo tai hoạ mà ghét bỏ, trong nền văn hoá Hán tồn tại bao nhiêu là sự hiểu lầm và thiên kiến đối với sói, vậy mà có một cuốn sách hay như vậy về sói, coi sói như đồng đội, như bè bạn.

Cảm ơn tác giả Khương Nhung! Cách đây hơn ba mươi năm, là thanh niên trí thức Bắc Kinh, ông tình nguyện về lao động ở thảo nguyên Ơlôn Mông Cổ mười một năm, tính đến năm 1979 thi đỗ nghiên cứu sinh Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Ở thảo nguyên, ông từng chui vào hang sói, từng đào bắt sói con, từng nuôi sói nhỏ, từng chiến đấu với sói, cũng từng sống chung với sói. Thậm chí đã từng chung hoạn nạn với sói con, trải qua cuộc sống tinh thần “du mục” cực khổ thời trai trẻ. Bầy sói Mông Cổ dẫn ông đi xuyên suốt mê lộ ngàn năm, tới trung tâm của những câu hỏi lớn. Chính là sự khôn ngoan và trí tuệ của sói, tài năng quân sự và tính cách ngoan cường của sói, tình yêu và hờn giận của người thảo nguyên đối với sói, sức hấp dẫn ma mị của sói, khiến Khương Nhung gắn bó với sói như một mối lương duyên. Sói là ông tổ, là tổ sư, là thần chiến tranh và là tấm gương sáng của người thảo nguyên; tinh thần đồng đội và trách nhiệm đối với dòng họ của sói, trí tuệ của sói, tính cách ngoan cường và nghiêm cẩn của sói, công việc huấn luyện đội thiết kị và bảo vệ môi trường thảo nguyên của sói, sự sùng bái tột đỉnh của dân thảo nguyên đối với sói, nghi thức thiên táng thần bí cổ xưa của người Mông Cổ. Lại nữa, tiếng hú của sói, tai sói, mắt sói, thức ăn của sói, khói sói, cờ sói… Hàng nghìn chi tiết liên quan đến sói đều làm cho tác giả mê mẩn, từ đó tiến hành hơn ba mươi năm nghiên cứu và suy ngẫm để viết một tiểu thuyết trường thiên về quan hệ giữa con người và thiên nhiên, nhân tính và sói tính, đạo của sói và đạo của trời. Ngày nay, giữa lúc xã hội Trung Quốc đang chuyển đổi mô hình, tính cách quốc dân hình thành từ nền văn minh nông canh đang níu chân mọi người tiến tới, học giả Khương Nhung đã đánh dấu son lên tác phẩm đồ sộ mà ông tâm huyết cả nửa cuộc đời, để rồi hoàn thành sứ mạng tái hiện “Lang đồ đằng” (tôtem sói), trở thành người đúc kết chân lý về sói.

Cuốn truyện tập hợp mấy chục chuyện về sói, tình tiết gay cấn, quyết liệt mà lạ lùng thần bí. Mỗi chương, mỗi tính tiết đều đem lại khoái cảm cho độc giả, đã đọc là không thể dừng lại nửa chừng. Giống như thần linh, những con sói Mông Cổ bất thình lình từ trong sách nhảy ra mà cất tiếng tru, chiến thuật cao siêu của sói mỗi cuộc trinh sát, cách bày binh bố trận, phục kích, tập kích, sự lợi dụng tài tình về khí tượng, địa hình; khí phách coi cái chết nhẹ như lông hồng và tinh thần bất khuất; tình thân ái trong cộng đồng; mối quan hệ giữa sói và muôn vật trên thảo nguyên; quá trình trưởng thành đầy khó khăn của sói con, sự ngang ngạnh đáng yêu một khi đã mất tự do, chuyện nào cũng khiến ta liên tưởng tới con người, từ đó mà suy ngẫm về những câu hỏi lớn cho đến nay vẫn chưa được giải đáp trong lịch sử nhân loại: Năm xưa chỉ vẻn vẹn hơn chục vạn quân kị mà sao Mông Cổ tung hoành ngang dọc từ Á sang Âu? Đất đai Trung Hoa rộng lớn như ngày nay, nguyên nhân sâu xa vì đâu mà được như vậy? Rốt cuộc trong lịch sử, văn minh Hoa Hạ chinh phục các dân tộc du mục, hay là các dân tộc du mục đợt này kế tiếp đợt khác không ngừng tiếp máu cho văn minh Trung Hoa. Vì sao dân tộc sống trên lưng ngựa ở Trung Quốc không thờ tôtem ngựa mà lại thờ tôtem sói? Văn minh Trung Hoa không đứt đoạn, phải chăng đó là do có nền văn hoá sùng bái sói tồn tại ở Trung Quốc? Vậy là, ta không thể không suy xét ngọn nguồn, không thể không đặt câu hỏi trước những thăng trầm của đất nước. Chúng ta luôn miệng thừa nhận là con cháu của Viêm Hoàng, nhưng rất có thể “tôtem rồng” là diễn biến từ “tôtem sói”. Tấm màn bí mật “sùng bái rồng” của dân tộc Hoa Hạ từ đó được vén lên. Vậy thì rốt cuộc chúng ta là truyền nhân của Rồng hay của Sói?

Mã Ba Thuấn


*

Chương 1

"Tộc Khuyển Nhung tự nhận tổ tiên của họ là hai con chó trắng, tôtem của họ là chó."
(Phạm Văn Lan - Trung Quốc thông sử giản biên, tập I)

"Chu Mục Vương chinh phạt Khuyển Nhung, đem về bốn sói trắng, bốn hươu trắng."
(Hán thư - Hung Nô truyện)

Khi Trần Trận phục trong hố tuyết dùng ống nhòm đơn chộp được một con sói gộc vào trong ống kính, cậu thấy ánh mắt con sói Mông Cổ nhọn như mũi dùi thép. Khắp người cậu nổi da gà, áo sơ mi bị đội lên, gần như không dính vào da thịt. Có ông già Pilich ở bên, lần này Trần Trận không đến nỗi hồn vía lên mây, nhưng mồ hôi lạnh cứ túa ra từ lỗ chân lông, áo ướt đẫm. Tuy lên thảo nguyên đã hai năm, nhưng cậu vẫn sợ sói gộc và sói đàn. Trong núi sâu, xa lều trại, gặp đàn sói đông đến như thế, hơi thở của cậu cũng run. Trần Trận và ông già Pilich lúc này trong tay không súng, không mác, không thòng lọng bắt ngựa, thậm chí ngay cả chiếc bàn đạp bằng sắt cũng không. Hai người chỉ mỗi hai cây roi, lỡ ra bọn sói ngửi thấy hơi người, chắc chắn cả hai chầu trời sớm.

Trần Trận thở hổn hển, ngoảnh sang nhìn ông già. Ông đang quan sát vòng vây của bọn sói bằng chiếc ống nhòm đơn. Ông kìm giọng, nói khẽ: Cậu nhát như thỏ đế, chẳng khác lũ cừu tí nào! Người Hán các cậu sợ sói từ trong máu, nếu không, sao cứ vào đến thảo nguyên là bại trận? Thấy Trần Trận không nói gì, ông khẽ nạt: Lần này thì đừng có cuống lên, phải quan sát động tĩnh, bọn sói không rửng mỡ đùa nghịch cho vui đâu. Trần Trận gật đầu, cậu bốc một nắm tuyết nắm chặt, tuyết trong tay cậu đóng thành băng.

Dốc núi chênh chếch phía trước mặt, đàn dê vàng đông đúc trong khi tranh thủ bứt cỏ vẫn đề cao cảnh giác, nhưng hình như chúng chưa phát hiện ra âm mưu của sói. Một đầu của vòng cung bao vây ngày càng tới gần chỗ nấp của hai người. Trần Trận không dám cử động, cậu cảm thấy như bị đóng băng.

Đây là lần thứ hai Trần Trận gặp đàn sói lớn như thế trên thảo nguyên. Lúc này, nỗi kinh hoàng khi lần thứ nhất gặp đàn sói khiến toàn thân cậu run rẩy. Câu tin rằng, bất cứ người Hán nào gặp cảnh ngộ như cậu mà gan mật không bị tổn thương thì chớ kể.

Cách đây hai năm, khi Trần Trận từ Bắc Kinh về lao động ở mục trường vùng biên này đã là cuối tháng 11, đây đó tuyết trắng mênh mông. Chưa có lều cấp cho thanh niên trí thức, Trần Trận đến ở cùng gia đình ông già Pilich, đảm nhiệm công việc chăn cừu. Hơn tháng sau, một hôm cậu cùng ông già lên Ban Quản lý mục trường xa hơn tám mươi cây số nhận tài liệu học tập, nhân tiện mua sắm ít đồ nhật dụng. Lúc sắp ra về, ông già là uỷ viên Uỷ ban cách mạng mục trường phải ở lại họp đột xuất, nhưng tài liệu thì mục trưòng chỉ thị phải đem về ngay, không được để chậm. Trần Trận đành ra về một mình. Ông già đổi cho cậu con ngựa ô cao lớn của ông, nó vừa chạy nhanh vừa thuộc đường. Ông dặn đi dặn lại đừng đi đường tắt, cứ đường lớn mà đi, dọc đường hai ba mưoi dặm lại có một lều dân, sẽ không xảy ra chuyện gì.

Trần Trận lên yên, lập tức cảm thấy sức mạnh tràn trề của con ngựa Mông Cổ thượng thặng, liền nảy ra cái ý muốn phóng thật nhanh. Vừa lên đầu dốc, ngó thấy đỉnh Sacanôla, nơi trú ngụ của đại đội, cậu liền quên béng lời dặn của ông già, bỏ con đường vòng dài hai mươi cây số, chạy theo đường tắt về thẳng đại đội cho nhanh.

Trời mỗi lúc mỗi lạnh, đi được nửa đường thì có lẽ vì rét, mặt trời run rẩy lẩn xuống dưới đường chân trời. Hơi lạnh từ mặt tuyết dâng lên, vạt áo da cứng ngắc. Trần Trận co duỗi cánh tay, khuỷu tay và kích áo kêu sột soạt. Một lớp trắng như sương muối phủ kín mình con ngựa ô, chân lún trong tuyết dày, con ngựa chạy chậm dần. Đồi núi nhấp nhô, cái nọ tiếp cái kia, nhìn khắp không thấy một sợi khói bếp. Con ngựa vẫn chạy nước kiệu, nó chưa mệt, nước chạy ổn định, người cưỡi không bị lắc. Trần Trận buông lỏng dây cương, mặc cho con ngựa tự điều chỉnh tốc độ và hướng chạy. Cậu bỗng chột dạ mà không rõ nguyên nhân cụ thể. Cậu sợ con ngựa lạc đường, sợ trời trở chứng, sợ bão tuyết, sợ chết cóng trong thảo nguyên, nhưng còn một nỗi sợ nữa mà cậu quên: Sợ sói.

Sắp tới một cái khe. Con ngựa ô dọc đường hoạt bát nhanh nhẹn, tai đảo bốn phía dò động tĩnh bỗng dừng phắt. Nó nhìn như đóng đinh về phía sau khe và bắt đầu khịt mũi, bước chân rối loạn. Đây là lần đầu Trần Trận một mình một ngựa chạy đường trường trên thảo nguyên, cậu không biết sự nguy hiểm đang rình rập phía trước. Con ngựa ô nở to cánh mũi, mắt trợn tròn, tự động đổi hướng. Nó định tránh đường, nhưng Trần Trận không hiểu con ngựa, cậu gò cương bắt nó chạy theo hướng cũ. Nước kiệu con ngựa càng rối, trở thành nửa chạy nửa lắc, vậy mà tiếng vó thì lại rất khoẻ, có thể chuyển sang nước đại bất cứ lúc nào. Trần Trận hiểu rằng mùa đông phải giữ sức cho ngựa nên gò cương không cho nó chạy vụt lên.

Con ngựa thấy hàng loạt cảnh báo mà không có tác dụng, bèn quay lại ngoạm ủng da trên chân cậu. Nhìn vào ánh mắt sợ hãi của con ngựa, Trần Trận chợt cảm thấy hình như có chuyện nguy hiểm. Nhưng lúc này thì đã muộn, con ngựa đã run rẩy bước vào cửa khe thăm thẳm hình phễu.

Khi nhìn thẳng vào bên trong khe, Trần Trận suýt ngã ngựa. Trong ánh hoàng hôn, một đàn sói Mông Cổ lông vàng rực, sát khí đằng đằng đang đứng trên một đồi tuyết cách khoảng bốn mươi mét. Tất cả đều nhìn thẳng hoặc nhìn nghiêng, tia mắt như những chùm lông nhím bay về phía cậu. Phía gần nhất là mấy con sói gộc, lớn như báo gấm, to gấp đôi, cao gấp rưỡi, dài bằng một thân rưỡi những con sói trong vườn thú Bắc Kinh. Lúc này những con đang ngồi đứng vụt cả dậy, đuôi duỗi thẳng như lưỡi lê tuốt khỏi vỏ, như cánh cung từ trên cao chĩa xuống, chuẩn bị một cuộc xung sát. Những con sói gộc vây quanh con sói chúa lông trắng, nhưng cổ, ức và dưới bụng thì lại màu xám tro sáng như bạch kim, đầy vẻ dữ dằn. Đàn sói không dưới bốn chục con. Sau này, khi Trần Trận kể lại chi tiết cách bài binh bố trận của bầy sói cho ông Pilich nghe, ông dùng ngón tay trỏ gạt mồ hôi trán rồi bảo, có đến tám phần là đàn sói đang họp, chúng đang phân công tập kích một đàn ngựa sau núi. May mà đàn sói khi ấy không đói. Sói đói thì lông không phát sáng.

Trong một thoáng, Trần Trận mất sạch cảm giác. Cái dấu hiệu cuối cùng mà cậu nhận biết được là một tiếng động rủn người như hai đồng bạc trắng đập vào nhau, chắc chắn đó là tiếng va chạm của hồn vía cậu đập vào thiên linh cái khi thoát ra khỏi đầu. Cậu cảm thấy dễ đến mười mấy giây sinh mạng của cậu đã đứt đoạn, chỉ còn là cái xác không hồn. Cậu sở dĩ không ngã bởi vì con ngựa mà cậu cưỡi không phải con ngựa thường. Nó là một con ngựa săn nổi tiếng, trưởng thành qua hàng trăm trận chiến đấu với sói.

Giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc, con ngựa trở lại bình tĩnh đến ngạc nhiên. Nó làm ra vẻ không trông thấy đàn sói, hoặc ra cái điều ngẫu nhiên bắt gặp bầy sói đang tụ tập, tiếp tục chậm rãi bước tới như một khách qua đường. Nó tỏ ra gan lì, bước chân đĩnh đạc, không dụt dè, cũng không cướp đưòng mà chạy, mà như một diễn viên thượng thặng đội giàn cốc pha lê trên đầu, nó điều chỉnh nhịp đi sao cho uyển chuyển để người cưỡi trên lưng khỏi ngã xuống làm mồi cho sói.

Có lẽ do dũng khí và sự thông minh của con ngựa mà hồn vía Trần Trận lại trở về với cậu. Cũng có thể Trần Trận được trời rủ lòng thương, trả lại linh hồn và thổi váo đấylòng tin và nghị lực. Khi thể xác nhận lại hồn vía, cậu coi như từ cõi chết trở về, điềm tĩnh đến ngạc nhiên.

Trần Trận ngồi thẳng đuỗn trên yên. Cậu tự dưng bắt chước con ngựa làm ra vẻ phớt đời, không thèm nhìn lũ sói, chỉ vội vàng liếc xéo một cái và có cảm giác chúng ở ngay bên cạnh. Cậu biết tốc độ của sói thảo nguyên, chỉ vài giây là đã vọt tới trước mặt con mồi. Người ngựa ngày càng gần lũ sói phía bên. Trần Trận rất hiểu không được mảy may tỏ ra sợ sệt, phải như Khổng Minh bày không thành kế, làm như trong tay nắm hàng triệu quân, sau lưng có hàng vạn quân thiết kỵ. Chỉ có như vậy mới có thể bình tĩnh trước sói Mông Cổ - sát thủ hung hãn và đa nghi trên thảo nguyên.

Cậu cảm thấy con sói chúa vươn cổ nhìn phía sau lưng cậu. Đàn sói như một dàn rađa, nhất loạt vểnh tai về hướng nhìn của con sói chúa. Các sát thủ im lặng đợi sói chúa ta lệnh. Cặp người ngựa tay không tấc sắt này mà dám ngang nhiên diễu qua trước mặt, khiến sói chúa sinh nghi.

Hoàng hôn sẫm dần, người ngựa càng tới gần lũ sói. Giờ đây chỉ mấy chục bước chân nhưng là nguy hiểm nhất trong đời Trần Trận, và cũng là quãng đường dài nhất đối với cậu. Con ngựa lại tiến thêm mấy bước, Trần Trận bỗng cảm thấy có một con sói chạy lên đầu dốc sau lưng, cậu đoan chắc đó là con sói trinh sát theo lệnh sói chúa, xem phía sau có quân mai phục không? Cậu lại cảm thấy hồn xiêu phách lạc lần nữa.

Con ngựa hình như cũng bối rối. Cặp đùi Trần Trận và thân ngựa đều run, rồi thì do cộng hưởng, cái run nhanh chóng chuyển sang sợ hãi. Con ngựa vểnh tai về phía sau, sốt ruột nghe ngóng con sói do thám. Khi con sói phát hiện ra sự thật là không có gì, cũng là lúc cả người lẫn ngựa đã đến chỗ gần đàn sói nhất. Trần Trận tưởng như cậu đang chui vào một cái miệng sói khổng lồ, phía trên là những răng sắc nhọn, phía dưới cũng là những răng sắc nhọn, biết đâu khi vào đến giữa hai hàm răng, con sói sẽ bập miệng một phát. Con ngựa ô nhún thấp khuỷu chân sau chuẩn bị lấy đà xung trận. Nhưng do tải nặng, nó khó mà thoát hiểm.

Đột nhiên, Trần Trận kêu trời y hệt dân du mục những lúc nguy cấp: Trời ơi, trời cao đất dày ơi, xin Người hãy giúp con! Rồi cậu lại gọi ông già Pilich. Tiếng Mông Cổ, Pilich có nghĩa là khôn ngoan. Cậu hi vọng ông già sẽ nhét vào đầu cậu sự khôn ngoan của dân thảo nguyên Mông Cổ. Thảo nguyên im lặng, không một hồi âm. Cậu tuyệt vọng ngước nhìn trời, cậu muốn nhìn lần cuối màu trắng xanh của bầu trời băng giá.

Đột nhiên, lòi ông già như tiếng sấm ngang tai: Sói sợ nhất là súng, thòng lọng và đồ vật bằng sắt. Súng và thòng lọng, cậu không có. Đồ vật bằng sắt thì sao? Bàn chân cậu nóng ran, có đấy! Dưới chân cậu là hai bàn đạp to tướng. Cậu mừng đến nỗi chân run bắn.

Ông già Pilich đổi ngựa cho cậu nhưng không đổi yên. Thảo nào ngay từ đầu, ông đã lựa cho cậu một cặp bàn đạp to bự, hình như ông tính có lúc phải dùng đến chúng như hôm nay. Nhưng khi đó ông bảo, mới tập cưỡi ngựa, bàn đạp không to thì ngồi không vững, rủi bị hất ngã, rút chân cũng dễ, tránh được trọng thương hoặc chết vì ngựa đá. Cặp bàn đạp này miệng rộng gót tròn, so với cặp bàn đạp bình thường, to gấp đôi, nặng gấp ba.

Đàn sói đang đợi con sói trinh sát. người và ngựa đã mặt đối mặt với chúng. Trần Trận rút chân khỏi bàn đạp rồi cúi xuống mỗi tay cầm một chiếc. Sống chết là ở phút này đây. Cậu vận sức lên đôi tay, ngoảnh mặt về phía đàn sói quát lên một tiếng rồi giơ bàn đạp ra trước ngực đập vào nhau “keng”một tiếng!

Keng! Keng! Keng!

Tiếng “keng” trên thảo nguyên chát chúa như búa tạ đập đường ray, xoáy vào tai lũ sói khiễn chúng giật thót. Với loài sói, tiếng va đập của kim loại còn kinh khủng hơn tiếng sét trên trời, tiếng bẫy sập trên đồng cỏ. Trần Trận gõ tiếng thứ nhất, đàn sói run bắn. Gõ mạnh mấy tiếng nữa, đàn sói cụp tai, rụt cổ, lặng lẽ bỏ chạy theo sói chúa, thoắt cái đã mất dạng. Con sói trinh sát cũng bỏ luôn nhiệm vụ, chạy theo đàn.

Trần Trận quả thực không dám tin vào mắt cậu, đàn sói đông là thế mà bị hai chiếc bàn đạp đuổi toé khói. Phấn khởi quá, cậu đập liên hồi cặp bàn đạp, vừa khoát tay về phía sau như dân du mục, vừa quát lớn: Khơlơtâng! Khơlơtâng! (Mau lên, mau lên!) ở đây rất nhiều sói.

Có thể những con sói Mông Cổ nghe hiểu tiếng Mông Cổ, hiểu cái khoát tay của cánh thợ săn Mông Cổ. Chúng tưởng bị bao vây nên nhanh chóng rút lui, nhanh nhưng vẫn rất trật tự, chạy như gió nhưng vẫn giữ được đội hình muôn thuở: Sói khoẻ đi đầu, sói chúa phía trước, sói gộc đoạn hậu, không tán loạn như loài cầm thú khác. Trần Trận đứng ngây ra nhìn.

Đàn sói thoáng cái đã mất dạng, trong khe chỉ còn lại bụi tuyết.

Trời tối sẩm, Trần Trận chưa kịp nhìn lại bàn đạp thì con ngựa đã nhằm cụm lều mà nó quen thuộc, lao đi như mũi tên. Gió lạnh lùa vào ống tay áo, vào cổ, mồ hôi trong người Trần Trận gần như đóng băng.

Thoát khỏi miệng sói trở về, Trần Trận từ đó tin là có trời như dân du mục. Hơn nữa, cũng từ đó cậu đâm sợ, kính nể và say mê sói. Với Trần Trận, sói Mông Cổ không những đụng vào tâm linh cậu, mà còn từ tâm linh hiện ra những cơ thể sống. Làm sao trong mình con sói tiềm ẩn sức hấp dẫn mạnh mẽ nhường ấy! Cái vật nhìn không thấy, sờ không được, hư vô mà hiện hữu này, có lẽ nó là sự sùng bái vật trong tâm linh, còn gọi là tôtem. Trần Trận mang máng cảm thấy hình như cậu đã tiếp cận lĩnh vực tinh thần của dân tộc thảo nguyên, tuy cánh cửa mới mở hé, nhưng cậu đã nhìn đựoc vào bên trong với một tâm trạng hứng khởi.

Hai năm sau đó, Trần Trận chưa lần nào gặp một đàn sói lớn như thế. Ban ngày chăn cừu, cậu chỉ trông thấy từ xa một hai con, mà dù có đi xa vài chục, thậm chí hàng trăm cây số, cũng chỉ gặp nhiều nhất là hai ba con, bốn năm con sói. Nhưng cậu thường thấy bò dê cừu bị sói ăn thịt, ít là một hai con, nhiều là hai ba con cừu, ba bốn con ngựa, nhiều thì xác nằm ngổn ngang. Đến thăm các gia đình có thể thấy tấm da sau khi ăn thịt sói. Nó được treo lên ở đầu sào, bay phất phới như lá cờ phướn.


*

Ông gìa Pilich nằm yên trong hố tuyết, nheo mắt nhìn chăm chú đàn dê trên sườn dốc và đàn sói ngày càng tiến lại gần, bảo Trần Trận: Ráng đợi chút nữa, học săn bắt, trước hết phải học tính kiên nhẫn của sói.

Có ông già bên cạnh, Trần Trận vững tâm hơn. Cậu gạt băng đọng trên lông mi, chớp chớp mắt nhìn ông già, giơ ống nhòm quan sát đàn dê vàng trên sườn dốc chênh chếch trước mặt và vòng vây của bầy sói. Bầy sói chưa hành động.

Từ sau lần con ngựa ô chạm trán với bầy sói, cậu hiểu con người trên thảo nguyên thực tế luôn bị sói bao vây rất gần. Ban ngày chăn cừu, ra khỏi lều không xa là đã trông thấy hàng loạt dấu chân còn mới, trên dốc dưới bãi dấu chân càng nhiều hơn, có cả những bãi phân sói màu xám nhạt. Đêm đêm cậu gần như trông thấy bóng sói vật vờ như trong cõi u linh, nhất là trong những đêm đông rét buốt, những cặp mắt sáng xanh như đom đóm chỉ cách đàn cừu vài chục mét, ít là hai ba cặp, năm sáu cặp, nhiều là mười mấy cặp, nhiều nhất là cái lần cậu dùng đèn pin của con trai ông già, đếm được hai mươi lăm cặp. Du mục nguyên thuỷ cũng như du kích hành quân, càng gọn nhẹ càng tốt. Chuồng cừu mùa đông chỉ là xe cũ, rào lưu động và những tấm thảm lớn quây thành một vòng bán nguyệt, chỉ chắn gió, không ngăn được sói. Khoảng trống rất lớn ở phía nam hoàn toàn dựa vào đàn chó và đám phụ nữ gác đêm. Đôi khi sói lọt vào trong chuồng, sói và chó cắn nhau văng vào vách lều, đụng phải người ngủ sát bên trong. Trần Trận từng hai lần bị đánh thức kiểu ấy, nếu không có bức vách, con sói rơi trúng người cậu. Du mục nguyên thuỷ, người và sói thảo nguyên chỉ cách nhau hai lớp thảm. Có điều cho đến bây giờ, Trần Trận chưa có dịp nào quần nhau với sói. Những con sói Mông Cổ thiện chiến xuất quỷ nhập thần hơn du kích đồng bằng Hoa Bắc. Những đêm bị sói quấy nhiẽu, Trần Trận buộc phải tỉnh ngủ, cậu dặn Caxưmai trực đêm thấy sói vào chuồng nhớ đánh thức, cậu sẽ giúp một tay. Ông già Pilich thường vê vê bọ râu dê mà cười mỉm, ông bảo ông chưa thấy người Hán nào hăng hái như cậu. Hình như ông già rất bằng lòng về chàng thanh niên trí thức Bắc Kinh đầy nhiệt huyết này.

Rồi thì Trần Trận cũng được chứng kiến một cuộc ác chiến giữa người và sói dưới ánh đèn pin trong một đêm giông bão cuối năm.

"Trần Tận (Trận)! Trần Tận (Trận)!"

Trần Trận bị tiếng gọi giật giọng của Caxưmai và tiếng chó sủa điên cuồng đánh thức. Đêm đã khuya. Cậu xỏ vội đôi ủng và chiếc áo khoác ngoài, cầm đèn pin và roi ngựa bước ra khỏi lều, hai chân run bắn. Trong quầng sáng đèn pin có tuyết bay lất phất, cậu trong thấy Caxưmai đang túm chặt cái đuôi rất dài một con sói gộc. Con sói có chiều dài suýt soát một thân người trưởng thành. Caxưmai định lôi nó ra khỏi đàn cừu dày đặc. Con sói muốn quay lại cắn ngưòi, nhưng đàn cừu vì sợ gió, sợ lạnh nên đỏ xô về phía bức tường chắn gió, ken chặt đến nỗi nửa thân trước của con sói bị kẹt cứng không cựa quậy được, chi còn mỗi cách cắn văng mạng những con cừu hai bên và hai chân trước bám đất chơi trò kéo co với Caxưmai để thoát ra khỏi đàn cừu, quay lại cắn trả. Trần Trận loạng choạng chạy về phía Caxưmai, nhất thời chưa biết xử lý ra sao. Hai con chó to lớn sau lưng Caxưmai cũng bị đàn cừu che chắn, không thể tiếp cận con sói, chỉ quáng quàng bên ngoài mà sủa uy hiếp con sói. Năm sáu con chó nhà ông Pilich và toàn bộ chó của những nhà lân cận đang quần nhau với bầy sói tại phía đông chuồng cừu. Tiến sủa, tiếng rú, tiếng gào kinh thiên động địa. Trần Trận rát muốn giúp Caxưmai một tay, nhng cậu run quá, không nhích nổi nửa bước. Cậu vốn rất muốn chạm tay vào con sói, giờ đây ý tưởng đó tan như bọt xà phòng. Nhưng Caxưmai thì cứ tưởng cậu định đến giúp, vội hét: Đừng lại gần kẻo bị sói cắn! Đuổi đàn cừu để lấy chỗ cho chó vào!

Caxưmai ngả ngưòi về phía sau, ra sức kéo đuôi con sói đến nỗi mồ hôi đầy mặt. Cô dùng cả hai tay bẻ gập đuôi khiến nó đau quá, há miệng đỏ lòm hớp gió lạnh, hận nỗi không thể quay lại cắn chết tươi con người phía sau cho hả giận. Trườn lên không ăn thua, con sói bò giật lùi thật nhanh, quay được người lại cắn Caxưmai. “Soạt”, vạt áo dài của cô bị rách toạc. Cặp mắt lá răm của cô gái Mông Cổ loé sáng như mắt con báo hoa, cô vẫn túm chặt đuôi sói, nhảy lùi một bước để kéo thẳng nó như cũ, rối ra sức lôi con sói về phía mấy con chó.

Trần Trận hoa mắt, cậu giơ cao đèn pin để Caxưmai nhìn rõ con sói, còn tay cầm gậy thì vụt lia lịa, bất kể vào đầu hay vào tai nó. Đàn cừu nhốn nháo, vì sợ con sói trong bóng tối nên tranh nhau chạy tới chỗ quầng sáng. Trần Trận đâm ra bất lực, không xua được đàn cừu theo ý muốn. Cậu nhận ra Caxưmai đang yếu thế, con sói đã dướn lên một bước.

"A má! A má!" - Có tiếng trẻ kêu thất thanh.

Bayan, đứa con trai lên chín của Caxưmai xông ra khỏi lều, trông thấy mẹ với con sói, nó kêu lạc cả giọng. Như chơi trò nhảy cừu, nó nhảy tưng tưng trên lưng những con cừu đến chỗ mẹ, cùng mẹ tóm đuôi con sói. Caxưmai hét to: Tóm cẳng nó! Bayan chuyển một tay tóm cẳng con sói rồi ra sức kéo. Sức dướn của con sói bị giảm nhiều, hai mẹ con đã ghìm được nó tại chỗ. Tiếng chó vẫn sủa râm ran phía đông. Đàn sói rõ ràng giương đông kích tây. Bộ phận chủ lực khống chế đàn chó, yểm hộ cho những con xông vào chuồng cừu. Mạn giữa và phía tây hoàn toàn do hai mẹ con Caxưmai cố thủ, không cho con sói gộc dồn một số cừu ra ngoài bằng cách chọc thủng tấm thảm chắn.

Ông già Pilich cũng ra chỗ đàn cừu. Ông vừa dồn cừu, vừa gọi: Balưa! Balưa! Balưa tiếng Mông Cổ có nghĩa là “hổ”. Đó là con chó săn sói, giống chó Tạng, to lớn nhất đàn, cực kỳ hung hãn, thân tuy không dài bằng, nhưng cao và ức nở hơn sói nhiều. Nghe tiếng gọi của chủ, Balưa lập tức rút khỏi cuộc chiến, chạy tới bên chủ, hơi thở toàn mùi máu. Ông già vội đón chiếc đèn pin từ tay Trần Trận soi về phía con sói. Balưa lắc đầu một cái thật mạnh, buồn như vệ sĩ bị mất chức, điên cuồng nhào tới chỗ con sói, đạp cả lên đầu lũ cừu. Ông già bào Trần Trận: Dồn cừu về phía sói! Lèn chặt sói lại, không cho nó chạy thoát! Nói rồi ông nắm tay Trần Trận, hai người dồn cừu về phía con sói và mẹ con Caxưmai.

Con Balưa hung dữ miệng phì khói, cuối cùng vào tới chỗ Caxưmai, nhưng con sói bị kẹt giữa đàn cừu không một kẽ hở. Những con chó săn khôn ngoan của Mông Cổ đều không cắn vào những chỗ có thể làm hỏng bộ da sói. Con Balưa tìm không ra chỗ thích hợp để cắn, nó cuống quít rên ư ử. Thấy con Balưa,Caxưmai liền né sang bên, tì đuôi sói vào gối rồi dùng sức mạnh toàn thân mà bẻ, “rắc” một tiếng, xuơng đuôi con sói bị gãy. Con sói đau quá tru thảm thiết, bốn chân bám trụ lơi ra, mẹ con Caxưmai nhân đà giật mạnh nó ra khỏi đàn cừu. Con sói toàn thân run rẩy, ngoái lại nhìn vết thương. Balưa thừa cơ nhảy tới ngoạm trúng cổ họng con sói, rồi mặc cho nó quẫy đạp, con Balưa dùng hai chân trước chặn ức, hàm răng sắc nhọn bập trúng họng, máu sói vọt ra hai bên mép chó. Con sói giãy giụa trong vài phút rồi ngã vật, thân mềm nhũn. Caxưmai chùi máu trên mặt, thở ra một hơi. Trần Trận nhìn sắc mặt đỏ au tưởng chị dùng son làm bằng huyết sói, đẹp man rợ như phụ nữ thời tiền sử.

Mùi máu sói lan ra không khí, đàn chó im bặt, lũ sói bỏ chạy, thoáng cái đã mất hút trong đêm. Chỉ lát sau, từ những trảng cỏ phía tây bắc vọng lại tiếng hú dài thê thảm tiễn đưa viên tướng của chúng vừa trận vong.

Mình là đồ vô tích sự, dát như cừu! Trần Trận thẹn thùng tự trách. Mình không bằng những con chó thảo nguyên, không bằng phụ nữ thảo nguyên. Đứa trẻ lên chín mình cũng không bằng. Caxưmai cười, lắc đầu bảo: Không đúng, nếu không có chú đến giúp thì nó bắt mất cừu rồi. Ông già Pilich cũng cười: Học trò người Hán như cậu mà biết dồn cừu, biết soi đèn pin, tôi mới thấy là một.

Rốt cuộc Trần Trận cũng sờ được vào cái xác còn nóng của con sói. Cậu hối hận vì hồi nãy không kéo đuôi con sói cùng với Caxưmai, bỏ lỡ dịp ngàn năm có một tay không bắt sói. Sói Ơlôn quả thực to vật vã, lông lá đầy mình như hắc tinh tinh, chết rồi mà vẫn oai phong, chỉ như say rượu nằm dưới đất, có thể vọt dậy bất cứ lúc nào. Trần Trận sờ cái đầu to đùng của con sói, lấy hết can đảm ngồi xuống, giang ngón cái và ngón giữa đo chiều dài từ chóp mũi dến chót đuôi. Chín gang tay, vị chi là một mét tám, cao hơn cậu mấy phân. Trần Trận hít hà ngạc nhiên quá đỗi.

Ông già Pilich dùng đèn pin soi đàn cừu. Có ba bốn con đã bị sói cắn cụt khu đuôi béo mẫm, mỡ và máu trộn lẫn, chảy từng vệt. Ông già bảo, đổi bốn năm cái đuôi cừu lấy một con sói không lỗ vốn. Ông cùng Trần Trận kéo con sói về lều, đề phòng lũ chó hàng xóm cắn xé bộ da cho đỡ tức. Trần Trận cảm thấy chân sói to hơn nhiều so với chân chó. Cậu xoè bàn tay ướm thử, trừ các ngón tay, bàn chân sói vừa bằng bàn tay người lớn. Thảo hèn sói chạy rất ổn định trên tuyết hoặc trên đá sỏi. Ông già bảo: Ngày mai tôi dạy cậu lột da sói làm xà cạp chân.

Caxưmai bê từ trong lều ra nửa chậu thịt vụn lẫn xưong khao Balư và lũ chó. Trần Trận cũng ra theo, luôn tay vuốt ve cái đầu to bự và tấm lưng cánh phản của con Balư. Con chó vừa nhai xương rau ráu vừa vẫy đuôi tỏ vẻ biết ơn. Trần Trận không nén được, hỏi Caxưmai: Lúc nãy chị có sợ không? Cô cười: Sợ chứ, tôi sợ sói bắt mất cừu, mất công điểm. Tôi là Tổ trưởng sản xuất, để mất cừu thì xấu hổ chết! Caxưmai võ vỗ đầu con chó, luôn miệng khen: Balư sai (giỏi lắm)! Balư sai (giỏi lắm)! Con Balư nhả miếng xương, ngẩng lên đón bàn tay của cô chủ rồi rúc mõm vào ống tay áo cô, đuôi phe phẩy. Trần Trận thấy rõ con Balư nhận ra tình cảm của cô chủ đối với nó trong lúc đói lòng giữa đêm đông. Caxưmai bảo: Cậu Trận này, sau Tết, tôi sẽ cho cậu một con cún rất đẹp, chăn nuôi đúng kỹ thuật không khó, cậu nuôi tốt, nó sẽ như con Balư. Trần Trận rối rít cảm ơn.

Vào trong lều rồi, Trần Trận vẫn chưa hết sợ, nói: Hồi nãy cháu sợ quá. Ông già nói: Khi ấy tôi cũng thấy thế khi cầm tay cậu. Mà sao cậu run ghê thế? Ra trận mà tay run thế thì làm sao cầm chắc tay dao? Muốn trụ lại trên thảo nguyên, phải tài giỏi hơn sói. Từ nay tôi sẽ thường xuyên đưa cậu đi săn sói mới được. Xưa kia Thành Cát Tư Hãn tuyển quân, bao giờ cũng tuyển những thợ săn giỏi.

Trần Trận gật đầu liền mấy cái, nói: Cháu tin là như thế. Chị Caxưmai mà lên ngựa ra trận, tài giỏi hơn Hoa Mộc Lan nhiều. Hoa Mộc Lan là một nữ tướng rất nổi tiếng đời Hán.

Ông già nói: Hoa… Hoa Mộ La (Mộc Lan) của người Hán rất hiếm, còn Caxưmai của Mông Cổ thì rất nhiều, nhà nào cũng có. Ông già cất tiếng cười khà, y hệt tiếng cười của con sói chúa.

Từ ấy Trần Trận ngày càng muốn tiếp cận, quan sát, nghiên cứu lũ sói. Cậu lờ mờ cảm thấy rằng, thảo nguyên và người thảo nguyên có mối quan hệ bí ẩn. Có lẽ phải hiểu rõ sói thảo nguyên thì mới hiểu được thảo nguyên và người thảo nguyên, mà sói thảo nguyên là khâu bí ẩn nhất. Trần Trận rất muốn có thêm những cảm xúc chân thực của cậu về sói, thậm chí cậu rất muốn tự mình bắt được sói con đem về nuôi. Khi nảy ra ý nghĩ này, bản thân cậu cũng giật mình. Nhưng mùa xuân càng tới gần, ý nghĩ này càng mãnh liệt.

Tuy vậy, cậu vẫn vô cùng cảm kích về tấm lòng của ông già.

Trần Trận cảm thấy ông già hích tay cậu rồi chỉ lên sườn dốc. Cậu vội chĩa ống nhòm về phía ấy, đàn dê vàng vẫn đang hối hả gặm cỏ. Nhưng cậu trông thấy một con sói lớn tách khỏi vòng vây, nhằm hướng núi phía tây chạy đi. Cậu chột dạ, khẽ hỏi ông già: Chẳng lẽ đàn sói bỏ cuộc, hoài công mình phục cả buổi ở đây!

Ông già bảo: Đàn sói không dễ bỏ qua một dịp may. Hẳn là sói chúa thấy đàn dê quá đông, nên sai lính về điều thêm quân. Dịp may như thế này năm sáu năm chưa chắc đã gặp một lần. Xem ra đàn sói muốn vớ bẫm, khoắng một mẻ lớn. Hôm nay không uổng công khi dẫn cậu đến đây. Cậu thấy chưa, đi săn là phải kiên trì.

*


Chương 5

"Chuyện rằng, tổ tiên ngưòi Đột Quyết ở Sách quốc, phía bắc Hung Nô. Bộ lạc này người lớn thì gọi là Abangpu. Trong mười bảy người lớn, có một người tên Doanchiniixưtu do sói sinh ra. Các Bangpu đều đần độn, nên mất nước. Chỉ mỗi Nixưtu tư chất khác người, biết hú gió gọi mưa. Lấy hai vợ, con gái của thần mùa Hạ và thần mùa Đông, sinh liền bốn trai… Chuyện tuy lạ, nhưng đúng họ thuộc giống sói."
(Chu thư. Đột Quyết)

Mây đen dầy đặc từ chân trời phương bắc cuồn cuộn đổ về, hung hãn chiếm lĩnh trời xanh. Loáng cái, bóng mây nuốt chửng bóng núi, chụp bàn tay khổng lồ lên mục trường. Phía tây, mặt trời màu da cam chưa khuất hẳn. Đồng hành với gió bắc là tuyết dày càn quét vùng Ơlôn. Những bông tuyết bay ngang dưói ánh nằng chênh chếch trông như hàng tỉ con châu chấu đói giương đôi cánh màu vàng đua nhau xông tới mục trường phì nhiêu.

Ngạn ngữ Mông Cổ: Hoạ sói về cùng gió. Đàn sói Ơlôn mấy chục năm nay di chuyển như du kích hai bên biên giới, lợi dụng đợt rét muộn hi hữu vượt mốc giới, băng qua dải phòng cháy, tràn qua đưòng tuần tra biên phòng, tiến vào thảo nguyên Ơlôn cận vùng biên. Bên kia biên giới rét buốt, đất đai nghèo xác, sói đói không có cái ăn. Năm nay, vùng biên bên này, thực phẩm dự trữ của sói bị cướp sạch, bên kia càng khó khăn. Đàn sói khó mà bắt những con dê vàng chạy như bay như biến. Hầu hết sói đói tập kết trên đường biên. Vựot biên lần này, đàn sói mắt đỏ ngầu, háu ăn khủng khiếp, thủ đoạn tàn nhẫn, hoạt động liều lĩnh, mỗi con mang theo tâm trạng phục thù, sẵn sàng đổi mạng lấy cái ăn. Vậy mà Ơlôn đang là lúc đào bắt sói con, lơ là cảnh giác.

Những năm giữa và cuối thập kỷ 60, trình độ dự báo thời tiết cho vùng Ơlôn: báo mưa không thấy nước, báo nắng không thấy mặt tròi. Trưởng bãi Ulichi bảo, khí tượng rặt một lũ nói bậy! Ngoài ông già Pilich và mấy bô lão khác tỏ ra lo lắng khi Ban Quản lý điều động quá nhiều lao động đi đào bắt sói con, những người khác không ai dự đoán được trận rét muộn khủng khiếp và tai hoạ do sói gây ra. Ngay cả sĩ quan và lính biên phòng là những ngưòi rất quan tâm đến dân du mục và côngviệc chăn nuôi cũng không có dự báo hoặc nhắc nhở. Trước kia mỗi khi phát hiện đàn sói vượt đường tuần tra, họ đều báo ngay cho mục trường và người dân. Vùng biên Ơlôn núi đồi thấp bé không vật cản che chắn, bạch mao phong bất thình lình tràn về nhanh như chớp, và đàn sói thiện chiến lợi dụng bão tuyết tổ chức những cuộc tấn công chớp nhoáng.

Tại bãi chăn tốt nhất ở tây bắc Ơlôn, có một đàn ngựa mới tập kết mấy hôm nay. Đó là những con ngựa thượng thặng do trung đoàn X thuộc sư X kỵ binh dân quân tuyển từ hơn chục đàn ngựa trên thảo nguyên Ơlôn. Khoảng bảy tám mươi con ngựa đang đợi bản kết quả kiểm tra sức khoẻ, chỉ cần không có bệnh lở mồm là lập tức lên đường. Công việc chuẩn bị chiến tranh rất khẩn trương, trách nhiệm trên vai những mã quan (người chăn ngựa) rất nặng nề. Đại diện quân đội và Uỷ ban cách mạng mục trường đã chọn ra bỗn mã quan tinh thần trách nhiệm cao, cảnh giác tốt, can đảm và kỹ thuật chăn nuôi giỏi, chia hai ca, luân phiên trực 24/24 giờ trong ngày. Batu - Đại đội trưởng dân quân của đội II, được cử làm Tổ trưởng. Đề phòng ngựa nhớ đàn bỏ về, Batu đã cho di chuyển các đàn ngựa lùi xa mấy chục dặm. Mấy hôm trước thời tiết thuận, ăn uống đầy đủ, lại được một bữa mầm cỏ ngon miệng, những con ngựa chiến không nhớ nhà, đàn ngựa yên ổn. Bốn chàng mã quan cũng làm hết sức mình, mấy ngày trôi qua bình yên…

Thoạt tiên, gió lạnh tạm ngừng, và bạch mao phong thảo nguyên cường độ trên cấp 10 quét ngang, nước hồ tràn lên bãi cỏ như lũ lụt, đàn gia súc phá rào bỏ chạy. Những căn lều giữa luồng gió vặn như chão, xoắn lại rồi đổ sập. Những cỗ xe bị giật mui tung lên trời. Tuyết dày đến nỗi người ngồi trên yên không nhìn thấy đầu và đuôi ngựa. Tuyết hòn bay mù trời, rào rào như đạn ghém bắn ra từ súng săn, kéo theo ngàn vạn sợi trắng như bạc.

Người già bảo, ngày xưa một pháp sư Mông Cổ có tên Xaman từng nói: Bạch mao phong là con yêu tóc trắng (bạch mao). Do đó có tên bạch mao phong. Nghe nói đến bạch mao phong, người và gia súc sợ mất vía. Người la, ngựa hí, chó sủa, cừu kêu, hộn tất cả những âm thanh ấy lại là tiếng rú điên cuồng ma quái của bạch mao phong!

Những thợ săn sói con đang chuẩn bị cho cuộc đào bắt ban đêm thì bị kẹt trong núi, về cũng dở, ở lại cũng dở. Người nào ra về thì giữa đường bị lạc. Những ngưòi ở nhà trông nom gia súc thì cùng với trẻ già lớn bé liều chết dồn đàn gia súc về. Trên thảo nguyên, thường chỉ một ngày hay một đêm là còn hay mất tiêu những gì tích cóp trong nhiều năm.

Mục tiêu công kích số một của đàn sói vượt biên là đàn ngựa béo. Hôm ấy, ông già Pilich tưởng đàn ngựa chiến đã được gửi đi đúng thời gian qui định. Khi bạch mao phong tràn về, ông đã mừng, nhưng sau mới biết, đàn ngựa phải lùi lại một hôm vì chưa có báo cáo kết quả kiểm tra sức khoẻ, mà người nhận báo cáo thì hôm ấy cùng đại diện quân đội Bao Thuận Quí lên núi đào bắt sói con. Sói con năm nay bắt được nhiều, không dưới mưòi mấy ổ, tổng cộng hơn một trăm con. Những con sói mẹ mất con gào thảm thiết, khiến đàn sói càng điên cuồng hung hãn.

Người già bảo: Đây là cơ hội ông Trời tạo ra cho sói chúa. Dứt khoát đó là con sói trắng trên thảo nguyên Ơlôn sau khi quan sát kỹ, đã chọn đúng mục tiêu trả thù.

Gió vừa nổi, Batu đã chui ra khỏi chiếc lều dã chiến. Ban ngày anh nghỉ vì đã trực liền mấy đêm, nhưng anh vẫn không sao chợp mắt được. Lớn lên giữa đàn ngựa, Batu đã nhiều phen chịu trận những gì bạch mao phong đã gây ra. Liên tiếp mấy ngày bình yên một cách đáng ngờ khiến thần kinh căng thẳng như sợi dây đàn, thoảng chút gíó là rung lên thành tiếng. Dân chăn ngựa đều nhớ nằm lòng câu châm ngôn bằng máu: Trên thảo nguyên Mông Cổ, phía sau bình yên không bình yên, đằng sau nguy hiểm vẫn còn nguy hiểm.

Batu vừa ra khỏi lều, liền ngửi thấy mùi bạch mao phong. Ngước nhìn hướng gió từ phương bắc tới, sắc mặt anh đang đỏ au bỗng xám ngoét, con ngươi màu hổ phách loé sáng. Anh lập tức trở vào lều đạp một phát cho anh bạn chăn Xaxưleng tỉnh dậy, rôi cầm lấy đèn pin, lên cò súng, lồng roi ngựa vào cổ tay, khoác áo da, dập lửa bếp, không quên đem theo hai áo khoác da cho hai người trực. Hai ngưòi khoác súng lên vai, cầm đèn pin dài hai thước, lên yên, nhằm phía đàn ngựa phóng đi.

Mặt trời vừa khuất sau dãy núi phía tây, thảo nguyên Ơlôn đã một màu xám xịt. Hai con ngựa vừa phi xuống dốc liền gặp bạch mao phong, người ngựa lập tức bị nuốt chửng, gíó cà rát mặt, mắt không mở đựoc vì tuyết hòn, ngựa liêu xiêu không vững.

Hai con ngựa như ngửi thấy mùi gì đó, đầu lắc liên hồi, chỉ rình chạy tháo thân. Hai người vẫn sát bên nhau nhưng Batu giơ tay nhìn không thấy ngón, sốt ruột gào toáng lên vẫn không thấy Xaxưleng đáp lại. Bão tuyết gào rú, nhận chìm tất cả. Batu gò cương lau mồ hôi và tuyết trên trán, định thần lại, rồi đổi tay cầm roi, cầm chắc đèn pin, bật công tắc. Bình thường đèn của anh sáng như đèn pha, ngoài trăm mét nhìn rõ ngựa, giờ chỉ nhìn được hơn chục mét, tuyết lông chim bay dày đặc trong quầng sáng. Lát sau, cặp người ngựa trắng như tuyết quét đèn lại phía anh, ánh đèn nhợt nhạt thảm hại. Hai người khua đèn một vòng tròn, tìm cách cho hai con ngựa đang kinh hoảng xáp lại gần nhau.

Batu kéo Xaxưleng lại gần, lột bao che tai của cậu ta, nói như quát: Dừng ở đây! Cho ngựa rẽ hướng đông, tránh hồ lớn! Không thì chết hết!

Xaxưleng cũng hét vào mặt Batu: Ngựa tôi sợ, e có sói. Bốn người làm sao chống lại?

Batu cũng hét: Phải chống thôi, chết bỏ!

Nói rồi, hai người giơ cao đèn pin rọi theo hướng bắc và liên tục khua tròn, phát tín hiệu cho hai mã quan và đàn ngựa.

Một con ngựa bờm và lông màu xám lao vào trong quầng sáng đèn pin rồi dừng lại đột ngột bên cạnh Batu như gặp được cứu tinh. Con ngựa chưa hoàn hồn, thở phì phì, dưới cổ có vết cắn máu chảy đầy ức, miệng vết thương bốc hơi, mảu rỏ giọt. Con ngựa của Xaxưleng hoảng sợ chồm hai chân trước rồi đầu cúi gằm, cổ vươn dài, nó bất chấp tất cả, phóng như điên theo chiều gió. Batu vội thúc ngựa bám sát Xaxưleng. Con ngựa xám cũng biến mất.

Loay hoay một lúc lâu, Batu mới tóm được cương con ngựa của Xaxưleng. Lúc này, đàn ngựa cũng đã chạy tới bên anh. Dưới ánh đèn pin loang loáng, những con ngựa mà anh nhìn thấy đều tỏ ra sợ hãi tột độ, hồn vía bay đâu mất, chẳng khác con ngựa xám lúc nãy. Đàn ngựa hí dài theo gió, vừa chạy vừa đá lung tung, hàng trăm cặp vó hất tuyết bay lên như sóng bạc đầu, trong tiếng gầm rú điên cuồng của bạch mao phong. Khi Batu và Xaxưleng rọi dèn xuống thấp, cả hai giật nảy người. Xaxưleng vội ghì chặt cổ ngựa để khỏi bị ngã. Tuy chỉ thoáng qua, nhưng với con mắt tinh tường của dân chăn ngựa, hai người đã nhìn thấy sói trong đàn ngựa. Những con ngựa ở vòng ngoài, gần như con nào cũng bị hai ba con sói đeo bám, những con sói trắng toát do bạch mao phong cài tuyết đầy người. Eo ngựa lớn hơn rất nhiều so với lúc thường, trắng lốp. Bầy sói như hung thần ác quỉ khiến cánh mã quan chết khiếp. Những con sói lúc thường thấy ánh đèn pin là bỏ chạy, lúc này chúng chẳng sợ gì cả, chúng đang nổi cơn điên vì căm thù.

Batu toát mồ hôi, chạm trán với bầy sói, anh cảm thấy như bị Trời trừng phạt. Tuy nhiên, là mục dân Ơlôn, ai mà chẳng chôn trong bụng sói, khi chết vẫn được sói xử lý gọn ghẽ để linh hồn được về với Trời. Nghìn năm qua là thế, nghìn năm nữa vẫn vậy. Nhưng người ta dù khoẻ mạnh hay đau yếu vẫn sợ sói, không muốn bị sói ăn thịt khi chưa hết tuổi trời.

Batu và Xaxưleng không nhìn thấy hai mã quan kia. Anh đoán hai người hoặc đã bị thương vì bạch mao phong, hoặc ngựa của họ khiếp đảm chạy bạt mạng. Hai người trực ban ngày, không súng, không đèn pin, không áo khoác dày. Batu đành phó mặc cho may rủi, bảo Xaxưleng: Kệ họ, cứu đàn ngựa đã!

Đàn ngựa vẫn chạy theo ánh đèn của Batu. Bảy tám mưoi con ngựa này là tinh hoa của các đàn ngựa trên thảo nguyên Ơlôn và là tâm huyết của mấy chục mã quan, toàn là ngựa thuần chủng, rất quí, giống ngựa Uchumuxin nổi tiếng thế giới, sách gọi là ngựa Đột Quyết. Chúng có thân hình tuyệt đẹp, sức chịu đựng tốt, giỏi nhịn đói nhịn khát, chịu mưa chịu nắng, chạy nhanh và dai sức. Thường ngày, người cưỡi chúng là mã quan và những người đứng đầu cơ quan quản lý mục trường. Giờ phải điều cho sư đoàn kỵ binh dân quân để chuẩn bị cho cuộc chiến, mục trường rất khổ tâm mà không nói ra. Đàn ngựa này mà bị sói ăn thịt, hoặc chết đuối dưới đầm lầy, thì đám mã quan sẽ xé xác anh ra! Batu điên đầu khi nghĩ đến những mã phu ngày thường vốn không phục anh.

Thấy Xaxưleng còn chần chừ, Batu thúc ngựa vọt lên, gõ roi vào đầu anh ta, cho ngựa ép anh ta về phía đàn ngựa. Anh huơ đèn pin mấy vòng trên đầu làm hiệu, quát: Cậu mà bỏ chạy, tôi bắn chết! Xaxưleng la to: Tôi không sợ, nhưng ngựa tôi sợ! Xaxưleng cầm cương vụt liền mấy cái lên đầu con ngựa của cậu ta, nó mới chịu áp sát đàn ngựa. Hai người dùng ánh đèn pin chỉ huy đàn ngựa, vụt thẳng cánh những con không tuân lệnh và những con vẫn chạy theo chiều gió, cố lái đàn ngựa chạy chếch về hướng đông. Batu đoán hồ lớn ngày càng gần, chỉ khoảng hai chục dặm. Những con ngựa chiến này đều là ngựa thiến, cổ cao ức nở, không lấn bấn vợ con như những con ngựa khác nên di chuyển nhanh, với tốc độ này thì chỉ sau nửa giờ là cả đàn tới đầm lầy. Cái đầm này nguy hiểm ở chỗ chiều bắc nam hẹp, đông tây rộng, án ngữ ngay trên đường chạy. Nếu gió không đổi chiều thì khó thoát. Batu hình dung cái đầm như miệng con quái vật há hốc, đang chờ thần gió và thần sói dẫn đàn ngựa tới.

Bạch mao phong không đổi hướng, tiếp tục lồng lộn từ bắc xuống nam. Trong đêm tối, Batu có thể qua tiếng chân ngựa chạm đất mà đoán được địa hình cao thấp, chất đất mịn thô, để biết mình đang ở đâu và gió chiều nào. Giờ đây lòng như lửa đốt, anh cảm thấy những con sói mẹ mất con còn điên cuồng hơn sói chúa. Bất chấp đang bị đàn sói bao vây, bất chấp con ngựa anh cưỡi có thể bị cắn chết, bị té, quẳng anh xuống đất cho đàn sói xé xác, anh chỉ một ý nghĩ: Phải lái đàn ngựa rời hướng bắc nam, chạy vòng hồ lớn để tập kết chúng tại khu lều Mông Cổ rồi huy động đàn chó và mọi người ra đối phó với đàn sói.

Đàn ngựa chạy theo sánh sáng đền pin, hai mã quan bám sát, luôn miệng gào thét và quất roi tới tấp. Chúng hình như đã có con đầu đàn: Một con ngựa bạch cao lớn tách ra, vươn cổ hí dài, tỏ ý tự nguyện đảm nhiệm vai trò của người hướng đạo. Batu và Xaxưleng vội rọi đèn về phía con ngựa bạch. Có ngựa đầu đàn, đàn ngựa tỏ ra phấn khởi, tinh thần bầy đàn lập tức đựoc khôi phục, thế trận truyền thống tự ngàn đời lập tức được tổ chức để đối phó với bầy sói. Con đàu đàn bỗng phát tiếng hí lệnh, đàn ngựa đang bị sói phá tan đội hình, lập tức co cụm về phía con đàu đàn, vai ken vai, bụng ken bụng đến mức gió thổi không lọt. Hàng trăm cặp vó đồng loạt nện mạnh xuống phía dưới. Lũ sói trở tay không kịp, mất lợi thế, đã có những con bị què chân, gãy xương sống, vỡ đầu chảy máu. Giờ thì tiếng rú tiếng kêu thảm thiết của sói át cả tiếng gầm gào của bạch mao phong. Batu nhẹ cả ngưòi. Anh thấy chí ít có bốn con sói bị chết hoặc bị thương. Anh nhớ nơi này, đợi khi gió tạnh trời quang, anh sẽ trở lại lột lấy da. Đàn ngựa sau khi làm cuộc đại sát giới, nhanh chóng chỉnh đốn đội hình, con yếu vòng trong, con khoẻ vòng ngoài, hình thành cụm phòng ngự với những cú đá hậu như trời giáng bởi những cặp vó đóng cá sắt.

Khoảng cách với hồ lớn không còn xa. Batu rất bằng lòng về đội hình chính qui của đàn ngựa vừa được tổ chức lại. Đó là đội hình có thể hành động theo chỉ huy, chỉ cần điều khiển được con đầu đàn là trong khoảng thời gian ngắn có thể lái đàn ngựa chạy về phía đông của hồ lớn. Nhưng Batu vẫn còn một mối lo: Đàn sói này không bình thường. Không nên đả thương những con sói khùng, vì càng bị đánh chúng càng dữ. Ai cũng biết sói thảo nguyên trả thù ghê gớm như thế nào. chắc chắn đàn sói nghe thấy tiếng kêu thảm thiết của những con sói bị thương ban nãy, đoạn đường sắp qua sẽ đầy nguy hiểm. Batu nhìn lướt đàn ngựa, nhiều con đã bị thương. Đàn ngựa này toàn ngựa tốt, ngựa chiến, vừa đánh nhau với sói, dù bị thưong sẽ vẫn chạy theo đàn, không chịu rớt lại để sói có dịp tấn công.

Nhưng đàn ngựa cũng có chỗ yếu chí mạng: Là ngựa thiến nên chúng thiếu tính dũng mãnh chủ động tấn công của con đực. Thảo nguyên Mông Cổ có hơn chục dòng ngựa lớn nhỏ, mỗi dòng có một con đầu đàn, vó bằng, bờm chấm đất, cao hơn những con khác một cái đầu, tướng mạo khôi ngô hùng vĩ. Đó là con đầu đàn, dìu dắt cả đàn và là sát thủ thực thụ. Gặp sói, dưới sự chỉ huy của con đầu đàn, đàn ngựa lập tức quây thành vòng tròn, ngựa cái và ngựa con bên trong, ngựa khoẻ bên ngoài. Con đầu đàn đứng riêng, tấn công trực diện kẻ thù. Nó lắc bờm, khịt mũi, hí vang, hai chân trước chồm lên, đứng bằng hai chân sau sừng sững như quả núi nhỏ trên đầu sói, rồi bổ cặp vó xuống đầu sói bằng cả sức nặng của cơ thể. Nếu sói bỏ chạy, ngựa đầu đàn đuổi theo, đầu cúi gằm, vừa cào vừa cắn. Những con đầu đàn to lớn còn biết ngoạm sói tung lên trời, quật xuống đất rồi giẫm chết. Trên thảo nguyên, sói dữ đến mấy cũng không phải là đối thủ của ngựa đầu đàn. Ngựa dầu đàn bảo vệ đàn ngựa không kể ngày đêm. Khi gặp sói đàn, gặp sấm sét, cháy đồng, ngựa đầu đàn tận tâm bảo vệ dòng họ, biết cách giảm thiểu thương vong, đưa bầy đàn đến nơi an toàn.

Lúc này Batu rất nhớ con ngựa đầu đàn của anh. Con ngựa bạch và đàn ngựa đều là ngựa thiến, khoẻ đấy, nhưng đã mất nam tính, chiến đấu không hăng. Batu nghĩ mà buồn. Mấy năm liền bộ đội chính qui không về tuyển ngựa chiến, mọi người đã quên khuấy sự tai hại của một đàn ngựa chiến mà không có con đầu đàn. Có người đã nghĩ tới, nhưng lại thấy không cần, vì chỉ vài hôm là đàn ngựa sẽ chuyển đi., mà đã chuyển đi thì chẳng còn chuyện gì liên quan tới mục trường. Tưởng không thể sinh chuyện, ai đè đó chính là điểm yếu cho sói lợi dụng. Batu càng nghĩ càng phục con sói chúa. Có thể nó phát hiện rất sớm đàn ngựa chiến không có con đầu đàn. Batu áp sát tận nơi mới vụt cho con đầu đàn một roi thật mạnh, bắt nó rẽ sang hướng đông, đồng thời xoay khẩu bán tự động ra trước ngực, mở chốt an toàn, nhưng nếu không thật cần thiết thì anh cũng không nổ súng. Đàn ngựa hãy còn là tân binh, nổ súng không những không doạ được sói, mà còn khiến ngựa vỡ đàn. Xaxưleng cũng làm mọi công việc chuẩn bị như Batu. Bạch mao phong ngày càng mạnh, hai người tay đã mỏi dừ, giơ không nổi chiếc thòng lọng dài thượt. Hồ lớn cũng ngày càng gần, bình thường đã có thể ngửi thấy mùi muối. Batu cáu tiết bèn lấy độc trị độc. Anh vụt con ngựa đầu đàn một roi thật mạnh, tiếp theo là tiếng huýt sáo gọi đàn đi uống nước. Con đầu đàn và đàn ngựa rất hiểu ý chủ, hướng nam chính là hồ lớn mà cứ hai ngày một lần chúng đến đó uống nước. Mùa xuân năm nay hạn liên tiếp, nước đã rút xuống giữa hồ, xung quanh là bãi lầy, chỉ còn đôi chỗ đất cứng vì là lối đi của gia súc nên tương đối an toàn, những nơi khác đều nguy hiểm. Từ đầu xuân đến giờ rất nhiều gia súc đã bị sa lầy mà chết. Đàn ngựa đi uống nước, dù là theo chân mã quan, chúng vẫn hết sức dè dặt. Ngay dù ban ngày, không một con ngựa nào dám chạy ào ra đầm lầy.

Tiếng huýt sáo lệnh của Batu quả nhiên linh nghiệm. Đàn ngựa vốn quen thuộc bãi chăn, nhận ra ngay mối nguy đang chờ đợi ở phía nam. Chúng hí vang, cả đàn chỉ dừng lại trong một thoáng rồi tất cả chuyển hướng, liều chết rẽ sang hướng đông nam, mặc cho bão tuyết tạt sườn với sức mạnh khủng khiếp. Phía nam là đầm lầy, phía bắc ngược gió, chỉ còn mỗi phía đông nam là con đường sống, Lũ ngựa mở to cặp mắt thất thần, cắm đầu chạy, thở hồng hộc, không hí lấy một tiếng. Đàn ngựa chạy đua với thần chết trong một tâm trạng kinh hoàng.

Đàn ngựa vừa đổi hướng, tình hình đã đổi khác. Khi chuyển sang hướng đông nam, đội hình ngựa bị hở sườn cho sói công kích. Không còn đội hình ken dày, đá hậu là môn võ sở trường không còn phát huy tác dụng. Gió tạt sườn làm chậm tốc độ - vũ khí chống lại sói của đàn ngựa. Nhưng gió tạt sườn lại giúp sói, như hổ mọc thêm cánh. Thông thường, tốc độ của sói dù xuôi gió hay ngược gió đều nhanh hơn tốc độ của ngựa. Thuận gió, sói chạy nhanh, nhưng ngựa cũng không chậm. Nhưng sói không dám nhảy lên lưng ngựa từ phía sau, vì gặp phải con ngựa tinh khôn tăng tốc đột ngột, sói sẽ rơi vào chân sau của ngựa, không chết cũng bị thương. Muốn đạt kết quả, sói chỉ có thể nhảy tạt ngang, nhưng nếu tạt ngang thì tốc độ của sói bị ảnh hưởng, vồ trúng cũng hoá trượt, giỏi lắm cũng chỉ cào rách da, tỉ lệ cắn chết không đáng kể. Lúc đàn ngựa đổi hướng, tốc độ chựng lại, đã tạo cho sói một cơ hội vàng, sói nhanh vồ ngựa chậm, sói không cần tạt ngang mà chỉ cần bổ nhào từ trên không xuống lưng ngựa, hàm răng rắn như thép bập một phát vào chỗ chí mạng rồi nhảy trái ra. Ngựa dùng cách lăn đất để rũ sói trên người, nếu là sói độc, một chọi một còn khả dĩ, nếu là sói đàn thi khi ngựa lăn đất, đàn sói bu lại xé tan xác.

Đàn ngựa hí thảm thiết, từng con bị thương một bên eo hoặc một bên ức, máu me vung vãi, thịt da tơi tả, cuộc tàn sát đẫm máu khiến đàn sói càng hung hăng lạ thường. Chúng không kịp ăn, mà chỉ điên cuồng cắn xé. Ngựa bị thương ngày càng nhiều, còn sói thì liên tục tấn công, đợt này tiếp đợt khác. Sói chúa và sói đầu đàn vượt lên trước, chồm lên mình ngựa cắn một miếng ngập răng rồi hai chân sau làm điểm tựa, hai chân truớc làm điểm tì, mình cong như cánh cung, dùng sức bật khủng khiếp bứt miếng thịt trên mình ngựa. Con sói nhả miếng thịt còn cả lông ra, lộn ba vòng, rồi nhảy lên, cắn tiếp. Đàn sói theo sau, tranh nhau bắt chước sói chúa và con sói đầu đàn, phát huy đến tận cùng bản năng săn mồi trong huyết quản.

Đàn ngựa thương vong nhiều, máu me vung vãi, tuyết lạnh lại phủ lên, xoá sạch dấu vết. Cảnh tàn khốc tái diễn trên thảo nguyên tàn khốc. Đàn sói ngốn ngấu biết bao sinh linh của thảo nguyên, đời này sang đời khác lưu lại dấu ấn bằng máu.

Dưới ánh đèn pin loang loáng, Batu và Xaxưleng thêm một lần mục kích cảnh tàn sát trên thảo nguyên, nhưng lần này thì lại càng không chịu đựng nổi, vì đây là số ngựa được tuyển mộ cho quân đội. Chúng là những con ngựa chiến nổi tiếng làm vẻ vang cho thảo nguyên Ơlôn, đã bao lần thoát hiểm từ miệng sói, những đứa con cưng được mã quan trong nhiếu năm ra công chăm chút. Giương mắt mà nhìn lũ sói cắn xé đàn ngựa, Batu và Xaxưleng khóc không ra tiếng, lửa giận bừng bừng nhưng phải cố nén để đủ tĩnh trí bảo về cho số còn lại. Batu mỗi lúc mỗi lo, bằng vào kinh nghiệm bản thân, anh thấy đàn sói này không bình thưòng, kẻ cầm đầu của chúng rất mưu mẹo, tính toán, thông thạo vùng Ơlôn. Đó là con sói trắng. Đàn sói này, những con sói đực thì căm thù vì bị cướp mất miếng ăn, những con sói cái thì điên dại vì mất con. Nhưng con sói chúa thì không điên. Nhìn đàn sói ép đàn ngựa chạy về hướng nam, có thể đoán sói chúa định giở trò gì? Nó định dồn đàn ngựa xuống đầm lấy! Đây là chiêu thức quen dùng của sói chúa trên thảo nguyên. Batu càng nghĩ càng hãi. Trước đây anh có lần chứng kiến sói chúa dồn dê vàng xuống đầm lầy, cũng từng thấy sói dồn bò, ngựa xuống đầm lầy, nhưng số lượng không nhiều. Còn như dồn cả một đàn ngựa thì anh chỉ được nghe người già kể lại. Chẳng lẽ đàn sói hôm nay cũng làm thế? Chẳng lẽ chúng ăn gỏi cả một đàn ngựa? Batu không dám nghĩ tiếp.

Batu huơ đèn gọi Xaxưleng. Hai người liều mạng chạy vòng từ tây sang đông, trực tiếp cản đàn sói, dùng thòng lọng, đèn pin để doạ sói. Sói vốn sợ thòng lọng, sợ ánh đèn chói mắt. Hai người hai ngựa tả xung hữu đột dưới ánh đèn, tạm thời bảo vệ được mạn sườn phía đông của đàn ngựa. Đàn ngựa từ trạng thái kinh hoảng, dần trấn tĩnh lại, nhanh nhẹn điều chỉnh bước chân, tranh thủ chạy về phía đông của đầm lầy. Chúng biết rằng, chỉ cần vòng qua đầm lầy từ phía đông, thuận gió chạy về khu lều nuôi cừu mới đẻ, nơi có rất nhiều căn lều, có nhiều người quen, có nhiều tiếng hò, nhiều ánh sáng chói mắt, lại có những người bạn thân - đàn chó săn. Đàn chó trông thấy sói là choảng liền, cùng với những chủ chó cứu đàn ngựa.

Nhưng sói là thần chiến tranh kiên trì tìm kiếm cơ hội và biết chờ đợi cơ hội trên thảo nguyên. Mỗi khi chộp được một cơ hội, sói quyết không buông, chưa vắt kiệt sức chưa bỏ cuộc. Đang nổi khùng mà có cơ hội như thế này, sói lập tức ăn sống nuốt tươi, không cho con ngựa nào chạy thoát. Đàn ngựa đã chạy đến bãi cỏ ven đầm, vó ngựa cày tuyết trên mặt và cả đất phèn phía dưới, mùi cay xộc lên mắt lên mũi người và ngựa, họ hiểu rằng, đang trên bờ vực thẳm. Xung quanh một màu đen kịt, không nhìn thấy nhưng vẫn cảm nhận được mùi vị của đầm lầy. Người và ngựa bất chấp mắt mũi cay xè tiếp tục chạy. Khi nào không thấy mùi cay bốc lên từ vó ngựa, có nghĩa là đã tới con dốc thoai thoải phía đông đầm lầy. Khi ấy đàn ngựa sẽ tự động chuyển hướng, men theo bờ phía đông, xuôi gió chạy về nam.

Người, ngựa, sói cùng chạy. Sói tạm ngừng tấn công, nhưng Batu vẫn căng thẳng tới mức bàn tay cầm súng ướt đẫm mồ hôi. Kinh nghiệm mười máy năm chăn ngựa đã mách anh, đàn sói sắp sửa phát động cuộc tổng công kích lần cuối, nếu không, sẽ chẳng còn dịp nào khác. Đàn sói quyết không bỏ lỡ một dịp trả thù. Chịu đựng hơi phèn đỏ mặt mũi, chúng chạy mò cùng ngựa một đoạn đường. Chỉ cần đàn ngựa chạy lên dốc là Batu nổ súng, vừa giục ngựa chay nhanh vào đưòng rẽ, vựa giết sói doạ sói, vừa báo động cho mọi người đến cứu. Batu cố kìm cho tay bớt run, nhằm chỗ sói đông nhất lẩy cò. Xaxưleng cũng làm như anh.

Batu chưa kịp trở tay, đàn ngựa bỗng hí vang, kinh hoảng tột độ. Con ngựa anh cưõi hình như bị vướng chân. Anh dụi mắt soi đèn lên phía trước. Dưới ánh đèn, mấy con sói gộc chụm vào nhau chạy tới trước ngựa anh. Chúng không sợ ngựa xéo để cản mũi anh. Batu ngoảnh lại nhìn, Xaxưleng cũng đang bị sói chặn hậu. Lũ sói bắt đầu tấn công con ngựa của Xaxưleng. Batu hươ đèn ra hiệu cho Xaxưleng chạy tới bên anh, nhưng con ngựa của cậu ta không nhích nổi một bước. Những con sói luân phiên xốc tới, con ngựa của Xaxưleng mình đầy những vết cào cấu, áo khoác của cậu cũng bị đóp mất vạt dưới. Xaxưleng vứt bỏ thòng lọng giờ đã trở thành vô dụng, dùng đèn pin làm vũ khí vụt ngang vụt dọc, đèn bẹp gí, đầu sói toé khói vẫn không chặn được cjiến thuật luân xa của bầy sói. Một con ngoạm đứt miếng thịt mông con ngựa Xaxưleng đang cưỡi. Con ngựa bất chấp mối hiểm nguy sẽ gây ra cho chủ, cố hí lên một tiếng thảm thiết rồi cắn chặt hàm thiết, chạy tháo thân về hướng tây nam. Xaxưleng không cản nổi con ngựa chưa lâm trận đã bỏ chạy. Lũ sói thấy đã tống khứ được một đối tượng kỳ đà cản mũi, liền quay lại tấn công đàn ngựa.

Lúc này chỉ còn lại Batu và đàn ngựa. Nhóm sói gộc lập tức nhằm vào anh và con ngựa ô của anh. Con ngựa thở phì phì, mắt mở to, giẫm đạp, đá hậu… liều chết chống cự. Batu lâm vào tình trạng vô cùng nguy hiểm. Anh biết có chạy cũng không thoát, chỉ còn cách chống lại. Quẳng cây thòng lọng, anh nhổm người trên cọc yên, rút cây gậy thép giắt dưới đệm, lông dây da ở đầu gậy vào cổ tay, thay hình đổi dạng từ người chăn ngựa thành dũng sĩ Mông Cổ, quyết một trận sống mái với sói. Cây gậy thép dài như thanh đao, là vật báu gia truyền của tổ tiên, một vũ khí dùng để đối phó với sói, do ông Pilich truyền lại cho anh. Thân gậy và chỗ tay cầm to bằng nhau, phần chót nẹp toàn sợi thép dẻo, các kẽ có nhiều vết ố. Đó là máu sói. Lũ sói luân phiên vồ ngựa từ hai bên, do đó anh ở vị trí dễ đánh trúng nhất, vấn đề quan trọng là phải can đảm và độ chính xác đến đâu.

Batu ý đã quyết, anh bặm môi, khẽ chuyển dịch ánh đèn sang bên phải, rồi giơ cây gậy cao quá đầu, nhằm đúng con sói lúc nó đang chững lại, anh giáng một gậy vào răng, bộ phận rắn nhất nhưng cũng yếu nhất, chí mạng nhất của con sói. Con sói nhe nanh múa vuốt nhảy lên đón trúng cây gậy từ trên quật xuống, gãy liền bốn chiếc răng cửa. Nó đã bị Batu giáng cho một đòn choáng váng và về tổn thất thì không gì có thể bù đắp.

Con sói ngã bổ chửng, há cái miệng đầy máu mà gào thảm thiết, giá như nó chết còn đỡ khổ hơn. Trên thảo nguyên mông cổ, hàm răng chính là sinh mạng của sói. Vũ khí lợi hại nhất của sói là bốn chiếc răng cửa của hàm trên hàm dưới, không còn răng thì tất cả những phẩm chất ưu việt và không ưu việt như dũng cảm, kiên cường, tinh khôn, ranh mãnh, tàn bạo, tham lam, tham vọng, dã tâm, chí lớn, sự kiên nhẫn, tính linh hoạt, tính cảnh giác, sức mạnh, dẻo dai đều bằng số không. Trong thế giới của sói, nếu chột một mắt, què một chân, mất hai tai vẫn có thể tồn tại. Nhưng nếu khuyết răng thì về cơ bản đã bị tước đoạt quyền sinh sát - cái quyền đưa nó lên vị trí chúa tể trên thảo nguyên, đẩy sói vào tình cảnh coi miếng ăn bằng trời chứ không phải quyền sinh sát bằng trời. Sói không còn răng coi như sói không có trời, không còn cái thú lớn nhất của loài sói là săn bắt gia súc lớn, không còn đủ sức phòng vệ cuộc tấn công của chó săn và tranh cướp của đồng loại, không còn khả năng xâu xé, ngoạm những miếng to, uống từng ngụm lớn máu tươi con mồi; không còn khả năng bổ sung kịp thời năng lượng cho mình trên thảo nguyên khốc liệt. Sói sẽ trắng tay, mất sạch nét kiêu hùng và chí lớn, mất sạch địa vị trong bầy sói và sự kính nể của đồng loại, nó chỉ có thể sống một cuộc sống tạm bợ, đắp đổi qua ngày. Cuộc sống có miệng mà không có ăn, giương mắt nhìn đồng loại tàn sát và yến ẩm, thu vào mắt tất cả những gì mà nó không muốn nhìn. Sau đó nó chỉ còn một con đường: cái chết. Chết gầy, chết cóng, chết vì tức giận, chết ấm ức.

Nhìn đàn ngựa bị hạ sát hết con này đến con khác, Batu những muốn dùng phương thức cực độc, cho chúng nếm mùi tàn nhẫn của con người thảo nguyên. Anh nhân lúc chúng chưa kịp có phản ứng, lại nhắm một con quật mạnh cây gậy, nhưng lần này không trúng răng mà đập trúng mũi con sói. Lá mía nát bét, con sói ngã lăn, co rúm như một quả cầu bông. Tuyệt kỹ giết sói của Batu, tiếng rú của hai con sói lớn, khiến lũ sói bâu quanh anh sững lại vì kinh hãi. Chúng không dám chồm lên, nhưng vẫn dám dàn hàng ngang trước đầu ngựa, ngăn anh tiếp cận đàn ngựa.

Batu đánh lui đợt tấn công của lũ sói nhằm vào anh. Nhìn ra anh thấy những con sói lớn đều tập trung phía đông đàn ngựa. Chúng cảm thấy thì giờ gấp gáp, đồng thời cũng thấy đồng bọn phía sau đang núng thế. Cả đàn cất tiếng hú như tiếng gió lướt trên dây điện, đậm mùi chết chóc và kích động. Dưới sự chỉ huy của sói chúa, đàn sói điên khùng đánh canh bạc dốc túi. Chúng sử dụng cách đánh tàn bạo nhất, đẫm máu nhất, không bút mực nào có thể diễn tả là tấn công tự sát, đồng loạt công kích đàn ngựa. Từng con từng con, nhất là những sói cái mất con chồm lên nhằm thóp bụng ngựa là chỗ da mỏng nhất mà đớp, bất kể cái giá phải trả cho nửa thân sau treo lủng lẳng dưới mình ngựa, dùng sức nặng nửa dưới cơ thể xé toạc mình ngựa. Đó là một tư thế nguy hiểm cho cả sói lẫn ngựa. Với sói, treo dưới bụng ngựa cầm bằng treo cổ dưới cây thập giá, ngựa chạy, nửa mình sói rơi vào nửa thân sau của ngựa, con ngựa muốn thoát thân cứ thế mà đá hậu như điên, trúng một cú là tan xương nát thịt. Chỉ những con sói lớn, răng sắc mới không cần mượn sức. Răng sắc, cơ thể nặng, chúng cắn rách bụng ngựa rồi nhảy xuống để bảo toàn mạng sống. Tuyệt chiêu này rất nguy hiểm cho ngựa, không rũ được sói thì ngựa rớt đàn vì đeo nặng rồi chết vì bị sói bổ vây; nếu đá trúng con sói thì hoá ra giúp sói giật mạnh vết cắn, rách bụng tự dẫn đến tử vong.

Đàn ngựa bị giết và đàn sói tự sát đều trong trạng thái tuyệt vọng, chúng run như giẽ.

Những con sói bị thương hoặc bị đá văng ra từ chân ngựa, hầu hết là sói cái. Chúng nhẹ hơn sói đực. Nếu chỉ trông vào sức nặng cơ thể thì khó mà xé rách bụng ngựa, chỉ còn cách liều mạng mượn sức ngựa. Những con sói cái đúng là liều mạng chỉ nghĩ đến trả thù, coi cái chết như không, can đảm đến thế là cùng. Chúng sẵn sàng tan xương nát thịt, chết cùng đàn ngựa.

Một con sói đói bị đá văng khỏi mình ngựa, bụng rách toác, gào thảm thiết. Vậy mà nó còn nhổm dậy lết bằng hai chân trước tới bên con ngựa ngã xuống nhưng chưa chết, ngoạm luôn một miếng. Nó không bỏ qua cơ hội cuối cùng. Chỉ cần còn miệng, còn răng thì dù không còn cái bụng con sói vẫn ăn, miếng thịt ngựa trôi qua họng rồi truồi ra ngoài, con sói không còn bụng làm cữ là con sói tham ăn nhất, ăn nhiều nhất, và chắc chắn nó là con sói ăn nhiều thịt ngựa nhất trong một bữa ăn tàn bạo cuối cùng của cuộc đời. Những con ngựa bị sói xé rách bụng vốn no căng, dạ dày chứa toàn cỏ non năm nay và cỏ thu năm ngoái, thuỷ phần đầy đủ nên rất nặng, một khi bụng rách, dạ dày và ruột lập tức văng ra ngoài, lòng thòng trên tuyết. Hai chân sau của ngựa vẫn chạy theo quán tính giẫm rách dạ dày, cuốn ruột vào chân, chỉ nháy mắt dạ dày vỡ toạc, thức ăn tung toé, ruột gan nát bét. Vậy mà con ngựa sợ đến mất trí vẫn lồng lên, cuốn vào chân sau tất cả nội tạng: dạ dày và ruột, cuối cùng đến tim phổi, khí quản đều bị lôi hết ra. Con ngựa chết vì chính nó giẫm lên gan ruột của nó, có thể tự giẫm phải mật, chết vì vỡ mật; có thể tự dẫm phải tim, chết vì vỡ tim; có thể tự dẫm bẹp phổi, chết vì nghẹt thở. Tự sát của sói vô cùng đau đớn và tàn khốc, do vậy sói không cho đối thủ được chết thanh thản, bắt đối thủ nếm trải nỗi kinh hoàng của tự sát Ngựa bị sói giết, nhưng một nửa cái chết của ngựa là tự sát. Cái chết của ngựa càng đau đớn càng oan khuất càng thê thảm.

Cuộc tấn công tự sát cuối cùng của đàn sói, đập tan sự chống trả có tổ chức của đàn ngựa, thảo nguyên trở thành chiến trường, những con ngựa tự dẫm lên gan ruột đang giẫy chết, khoang bụng khoang ngực vẫn nóng hôi hổi, chỉ một thoáng đã lạnh ngắt vì tuyết lọt vào. Những con khác lần lượt ngã xuống, không ngừng co giật, máu phun có vòi, nhuốm đỏ những bông tuyết bay qua. Hàng triệu viên tuyết hòn nhuốm đỏ đuổi theo những con ngựa kinh hoàng thất thố mà bỏ chạy. Bão tuyết càng mạnh lên, tiếp tục rượt theo đàn ngựa đến hơi thở cuối cùng.

Batu đứng như trời trồng trước cảnh báo thù tự sát của bầy sói, chân tay run bắn, mồ hôi trên người cũng đã đóng băng. Anh biết đại sự đã hỏng, không thể cứu vãn, nhưng anh vẫn muốn cố giữ lại vài con đầu đàn, bèn gò cương cho ngựa lấy đà rồi thúc ngựa bằng gót ủng, nhả cưong cho con ngựa ô vọt qua đầu lũ sói chặn đường, lướt tới con ngựa đầu đàn. Nhưng đàn ngựa đã bị sói quần cho tơi tả, binh bại như núi lở, toàn bộ số ngựa còn lại chạy xuôi gió tháo thân, nhanh như tên bắn, quên phắt phía nam là đầm lầy.

Con dốc xuôi về phía đầm lầy, thành ra đàn ngựa tăng tốc tự nhiên, bạch mao phong càng mạnh, đẩy sau lưng với sức mạnh khủng khiếp, đàn ngựa như vừa bay vừa chạy, ào ào núi lở đá lăn, lao tuột xuống đầm lầy. Tức thì băng mỏng vỡ vụn, bùn lầy tung toé, đàn ngựa đã sa xuống đầm. Chúng tuyệt vọng hí vang, giãy giụa điên cuồng mong thoát hiểm. Ngựa khiếp đảm trước hành động phục thù mang tính khủng bố của bầy sói, do dự một lát, rồi ra sức trườn vào nơi sâu hơn, thà chết đuối còn hơn rơi vào miệng sói, không cho kẻ thù truyền kiếp vớ bở. Những con ngựa đã bị con người diệt mất nam tính này khi cận kề cái chết đã vùng lên phản kháng lần cuối, lấy tự sát tập thể đối phó với tấn công tự sát của bầy sói. Chúng là những sinh mệnh mạnh mẽ nhất trên thảo nguyên.

Nhưng thảo nguyên tàn nhẫn coi khinh và không hề thương xót kẻ yếu. Khí ôn về đêm đã mau chóng kết thành một lớp băng mỏng trên mặt đầm, ven đầm tuy đông cứng, nhưng bên trong đầm vẫn lút một phần chiều cao của ngựa. Khi đàn ngựa lao xuống đã đụng lớp bùn đặc quánh so với lúc thường, bão tuyết và giá lạnh càng làm cho bùn đặc như keo níu chân đàn ngựa. Đàn ngựa ra sức trườn, miết, gồng mình lên mà bò, nhưng sau mỗi cử động, gió lại lùa tuyết vào khe hở giữa thân ngựa và đất bùn nhiều hơn, cuối cùng đàn ngựa kiệt sức, không cử động gì nữa. Con ngựa đầu tiên xông vào vẫn hở đầu, hở cổ, hở lưng, không lún sâu thêm. Những con phía sau thì mới lút bốn chân, mình vẫn trên mặt bùn. Lúc này đàn ngựa y hệt những tử tù trên pháp trường, băng tuyết trên mình như trói kiểu ngũ hoa, muốn chết mà không chết cho, hí thảm thiết, hơi phả ra như sương bám trên mặt lông. Đàn ngựa hiểu giờ đây không ai cứu nổi chúng, không ai cản được cuộc tàn sát tập thể đối với chúng.

Batu điều khiển con ngựa ô thận trọng tiến vào ven đầm. Chân vừa chạm bùn, con ngựa khịt khịt mũi, cúi thấp nhìn mặt đầm băng tuyết, không dám bước tiếp. Batu rọi đèn vào bên trong, trong tic tắc tuyết ngừng rơi, anh nhìn thấy bóng dáng đàn ngựa. Vài con cố lúc lắc cái đầu kêu cứu về phía chủ. Batu thúc ngựa tiến lên, con ngựa dụt dè bước lên năm sáu bước rồi hoảng hốt nhảy giật lùi cho đến khi gặp đất cứng mới dừng lại. Batu vụt con ngựa một roi vào mông, nó vẫn ỳ ra không chịu tiến. Anh định bỏ ngựa, tiếp cận đàn ngựa rồi bảo vệ chúng bằng súng. Nhưng nếu không cưỡi ngựa mà gặp sói thì mất lợi thế từ trên đánh xuống, đàn sói sẽ không sợ anh, cả người lẫn ngựa sẽ bị xé xác. Với lại, anh chỉ có mười viên đạn, bản lĩnh bằng trời thì cũng chỉ mỗi phát một con, không thể bắn chết hết. Mà dù anh có đuổi được đàn sói đi, thì chỉ qua nửa đêm bạch mao phong càng lạnh, sẽ đóng băng toàn bộ đàn ngựa dưới đầm lầy. Còn nếu như anh chạy về đại đội bộ cầu cứu thì đang lúc bão to như thế này, nhà nhà đang dốc sức bảo vệ đàn cừu, đại đội không thể điều lao động và xe đi cứu. Batu băng bám trên mặt, anh ngoảnh về phía đông, khấn: Lạy trời, lạy ông trời trường sinh bât tử! Hãy cho con trí tuệ, hãy cho con sức khoẻ như thần, hãy giúp con cứu lấy đàn sói! Nhưng ông Trời phồng mang mà thổi cho bạch mao phong át đi lời thỉnh cầu của anh.

Batu dùng bao tay bằng da cừu non lau nước mắt, lồng dây gậy vào cổ tay, sau đó anh gỡ quai, cầm súng trong tay cùng đèn pin, đứng đợi đàn sói. Lúc này, trong đầu anh chỉ một ý nghĩ: phải giết thêm mấy con nữa!

Sau đó một lúc Batu rét đến nỗi không thể ngồi vững trên yên. Bất chợt đàn sói lướt bên anh mà xuống đầm như một làn khói đen, chúng dừng lại ở rìa phía đông, làm tung lên một đám tuyết trắng. Một con sói nhỏ dáng thanh mảnh tách ra, thận trọng bò về phía đàn ngựa, thăm dò độ cứng của đất dưới chân. Batu thấy con sói nhỏ, không bắn. Con sói bò một quãng ngắn rồi chạy gằn về phía đàn ngựa, nó chưa đến nơi thì một cơn lốc hình thành từ mép đầm di chuyển về phía nó, đất trời nhập làm một, trắng xoá, cảnh tượng như bộ tộc bán khai tóc tai bù xù nhảy múa quanh đống lửa, người và gia súc bị làm vật hiến tế.

Batu không mở được mắt vì tuyết hòn. Anh cảm thấy rất lạnh, run cầm cập. Con ngựa ô khứu giác cực nhậy của anh đã bị nhiễm lạnh, run lẩy bẩy, cất tiếng hí đứt quãng. Đêm đen nặng nề, tuyết đầy trời, lại một lần nữa xoá sạch dáu vết cuộc thảm sát trên thảo nguyên.

Batu lạnh cứng người, anh lóng ngóng tắt đèn pin để bản thân anh chìm hẳn trong bóng tối, rối chĩa súng rất thấp về phía đầm lầy, nhưng sau đó đột nhiên anh nâng đầu nòng cao hơn nửa mét, lẩy ba phát: đoàng, đoàng, đoàng!


I II III

[1]Thông tin chi tiết: Samuel Huntington, Sự xung đột giữa các nền văn minh (The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order, 1996), Nhiều dịch giả, Nxb. Thế giới; Hà Nội 1998; Thomas L. Friedman, Chiếc Lexus và cây ôliu (The Lexus and the Olive Tree, 1999), Lê Minh dịch, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 2005; Thomas L. Friedman, Thế giới phẳng (The World Is Flat: A Brief History of the Twenty-first Century, 2005), Nguyễn Quang A dịch, Nxb. Trẻ, Hà Nội 2006; Jared Diamond, Súng, vi trùng và thép - Định mệnh của các xã hội loài người (Guns, Germs, and Steel: The Fates of Human Societies, 1997), Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nxb. Tri Thức, Hà Nội 2006; Jared Diamond, Loài tinh tinh thứ ba - Sự tiến hoá và tương lai của loài người (The Third Chimpanzee, 2000), Nguyễn Thuỷ Chung và Nguyễn Kim Nữ Thảo dịch, Nxb. Tri Thức, Hà Nội 2007, Jared Diamond, Sụp đổ - Các xã hội đã thất bại hay thành công như thế nào (Collapse. How Societies Choose to Fail or Succeed, 2005), Hà Trần dịch, Nxb. Tri Thức, Hà Nội 2006; Jonathan Weiner, Mỏ chim sẻ đảo - Câu chuyện tiến hoá (The Beak of the Finch - A Story of Evolution in Our Time, 1995), Nguyễn Ngọc Hải dịch, Nxb. Tri Thức, Hà Nội 2006; James Surowiecki, Trí tuệ đám đông (The Wisdom of Crowds, 2004), Nguyễn Thị Yến dịch, Nxb. Tri Thức, Hà Nội 2006.

Tác giả Khương Nhung (Jiang Rong) Sinh năm 1947 tại Bắc Kinh. Thời kì cách mạng văn hoá, xung phong đi lao động ở vùng thảo nguyên Nội Mông 11 năm. Năm 1979, trở lại Bắc Kinh. Tiểu thuyết Tôtem sói (Lang đồ đằng) được Khương Nhung thai nghén và viết trong vòng 30 năm (từ 1971 đến 2003). Khi tác phẩm được xuất bản lần đầu năm 2004, lập tức nó trở thành cuốn sách bán chạy kỷ lục tại Trung Quốc và trở thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Trung Quốc được một nhà xuất bản nước ngoài mua bản quyền với giá 100.000 USD.

Dịch giả Trần Đình Hiến Sinh năm 1933 tại Vĩnh Phúc. Trần Đình Hiến từng là giảng viên Đại học Ngoại ngữ trước khi chuyển sang ngành ngoại giao. Là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, ông từng có 10 năm công tác tại Bắc Kinh. Hiện Trần Đình Hiến sống và hoạt động dịch thuật tại Hà Nội.

Các tác phẩm dịch tiêu biểu: Đàn hương hình của Mạc Ngôn (Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2003), Báu vật của đời của Mạc Ngôn, Cây không gió của Lý Nhuệ, Ngân thành cố sự của Lý Nhuệ, Tuyển tập kịch của Lão Xá và Tôtem sói của Khương Nhung.

Các bài liên quan

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài