talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 17.09.2006
Bernhard SchlinkNgười đọc

Phần 1 Phần 2

Bernhard Schlink
Bernhard Schlink
Ảnh: Đại học Humboldt Berlin

Với 7 triệu ấn bản và được dịch ra 38 thứ tiếng, tiểu thuyết Der Vorleser (Người đọc) của Bernhard Schlink (xuất bản lần đầu năm 1995) là một thành công vang dội của văn học Đức và gần đây đã được đưa vào chương trình dạy văn phổ thông của nước này. Cuốn sách mới được dịch giả Lê Quang dịch ra tiếng Việt, Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành tháng 9.2006.


Tóm tắt nội dung

Câu chuyện xảy ra vào những năm 1960, khi chiến tranh thế giới thứ hai đã lùi xa, và Tây Đức đang ở giai đoạn phát triển kinh tế vượt bậc. Michael, một học sinh trung học 15 tuổi, tình cờ gặp gỡ Hanna Schmitz, một phụ nữ làm nghề bán vé tàu điện hơn cậu 21 tuổi. Giữa hai người cách nhau hẳn một thế hệ này đã nảy nở một mối quan hệ, thoạt tiên chỉ mang tính nhục dục, nhưng dần dà đã trở thành một thứ nghi lễ dâng hiến. Nghi lễ ấy luôn bắt đầu bằng việc hai người tắm chung, rồi Michael đọc sách cho Hanna nghe - thường là một cuốn tiểu thuyết, sau đó là làm tình. Một ngày kia, Hanna đột ngột biến mất. Michael đau khổ và dằn vặt bởi ý nghĩ vì mình hèn nhát, không dám thừa nhận mối quan hệ tình ái mà Hanna phải bỏ đi. Nhiều năm trôi qua, Michael đã tốt nghiệp phổ thông và trở thành sinh viên luật. Với tư cách là sinh viên dự thính, trong một phiên toà Michael đã bất ngờ gặp lại Hanna - lúc này bị truy tố với tội danh khi làm quản tù đã cùng với các nữ quản tù khác dung túng và tiếp tay giết hại tù nhân ở các trại tập trung Auschwitz và Krakov. Phiên toà phải kéo dài vì thiếu bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, cuối cùng người ta cũng tìm ra được thủ phạm chính là Hanna khi chị thừa nhận rằng đã tự tay soạn thảo một biên bản, bằng chứng của tội ác. Khi phiên toà đi vào giai đoạn kết, Michael đã suy nghĩ và chắp nối tất cả các sự kiện có liên quan tới Hanna và anh phát hiện ra rằng, Hanna không thể là người viết biên bản ấy được, bởi đơn giản chị là người mù chữ. Mù chữ - đấy là nỗi xấu hổ lớn nhất của Hanna. Nó giải thích tất cả những hành vi che đậy kì quặc ở chị, khiến chị thà bị kết tội còn hơn là để lộ cái bí mật mà cả đời chị muốn che giấu. Michael đứng trước một hình huống khó xử. Một mặt, anh biết rằng Hanna bị oan và chỉ cần anh gặp quan toà, nói ra sự thật, Hanna sẽ được giảm tội. Nhưng mặt khác, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bí mật của Hanna bị phanh phui và chị sẽ phải đối diện với sự khiếm khuyết đầy xấu hổ của mình. Sau những ngày đấu tranh nội tâm, thậm chí hỏi cả ý kiến của bố (vốn là một triết gia, chuyên về Kant và Hegel), Michael đã đi đến quyết định là giữ kín bí mật của Hanna. Kết cục, Hanna bị kết án tù chung thân. Michael tốt nghiệp đại học, làm việc ở ngành lịch sử luật pháp. Anh kết hôn, có con, ly hôn. Suốt thời gian đó, anh không liên hệ với Hanna cũng như không một lần vào thăm chị. Năm thứ 8 khi Hanna ngồi tù, lần đầu tiên Michael gửi cho chị một cuốn băng ghi âm anh đọc truyện. Từ đó đều đặn, cứ vài ba tuần anh lại gửi cho Hanna một băng ghi âm mới. Một ngày kia, nhận được một bức thư: "Truyện vừa gửi hay quá, cậu bé ạ. Cám ơn. Hanna", Michael biết rằng Hanna trong tù đã tự học đọc và viết... Sau 18 năm tù, đơn xin ân xá của Hanna được chấp nhận. Theo thỉnh cầu của bà giám đốc trại giam, Michael đã đến thăm Hanna. Sau cuộc viếng thăm đó, anh đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết để Hanna có thể tái hoà nhập với cuộc sống bên ngoài. Nhưng một ngày trước khi được tự do, Hanna đã treo cổ tự tử.

Tác phẩm được chia làm 3 phần với dung lượng gần tương đương nhau. Được sự đồng ý của dịch giả, talawas chủ nhật kì này xin giới thiệu phần 1 của cuốn tiểu thuyết: từ khi Michael gặp gỡ Hanna cho tới khi Hanna biến mất.
talawas chủ nhật

 

Bernhard Schlink

Người đọc

Lê Quang dịch

 

Phần 2

10.

Hôm đầu tiên của kỳ nghỉ Phục sinh, tôi thức dậy lúc bốn giờ. Hanna làm ca sáng. Bốn giờ mười lăm cô đạp xe đến bãi đỗ tàu điện, đúng bốn rưỡi tàu đi Schwetzingen. Nghe cô kể là chuyến đó tàu thường vắng. Chuyến quay trở lại thì đông.

Tôi lên xe ở bến thứ hai. Toa sau không có người. Hanna đứng cạnh lái tàu ở toa trước. Tôi ngập ngừng không biết nên ngồi toa trước hay toa sau, rồi quyết định lên toa sau. Hứa hẹn một không khí riêng tư, một vòng ôm, một nụ hôn. Nhưng Hanna không đến. Nhất định cô nhìn thấy tôi đợi ở bến và lên tàu. Tàu dừng lại vì thế. Song Hanna ở lại bên ông lái tàu, nói chuyện và cười đùa. Tôi nhìn thấy hết.

Tàu bỏ hết bến này đến bến kia. Không có người nào đứng đợi. Đường phố không một bóng người. Mặt trời chưa lên, dưới bầu trời trắng mọi vật đều nhợt nhạt trong ánh sáng nhợt nhạt - nhà cửa, ô tô đỗ, lá cây mới mọc xanh và hoa nở trong các bụi cây, téc chứa gas và núi non phía xa xa. Tàu điện chạy chầm chậm, chắc là lịch trình gắn liền với giờ đi và giờ vào bến nên phải kéo dài giờ đi sau khi đã bỏ bến. Đầu tiên tôi ngồi ghế, sau đó tôi đứng ra sàn phía trước toa và chăm chú nhìn Hanna. Cô phải cảm thấy ánh mắt của tôi sau lưng chứ. Một lát sau cô quay lại, thỉnh thoảng nhìn tôi. Rồi lại nói chuyện tiếp với lái tàu. Tàu vẫn đi tiếp. Qua khỏi Eppelheim đường ray không ở trên mặt đường mà chạy ven đường trên nền đá rải trên đê. Tàu đi nhanh hơn, tiếng xập xình đều đặn như tàu hoả. Tôi biết là tàu chạy qua nhiều khu dân cư rồi mới đến Schwetzingen. Nhưng tôi thấy mình bị hắt hủi, bị bỏ rơi, bị tống ra khỏi thế giới thường nhật nơi mọi người sinh sống, làm việc và yêu nhau. Tựa như bị kết án phải đi vô hướng và vô tận trên một toa tàu trống rỗng.

Rồi tôi thấy một bến dừng, một nhà đợi nho nhỏ giữa đồng. Tôi kéo dây chuông mà soát vé vẫn dùng để báo cho lái tàu đỗ lại hay đi tiếp. Tàu dừng lại. Cả Hanna lẫn lái tàu lúc nghe chuông đều không ngoảnh lại nhìn tôi. Trong lúc xuống tàu tôi cảm thấy họ vừa nhìn theo tôi vừa cười, nhưng tôi không chắc chắn. Tàu chuyển bánh, tôi ngóng theo cho đến khi nó xuống một đoạn dốc rồi biến mất sau một quả đồi. Tôi đứng giữa đê và đường, xung quanh là cánh đồng, cây ăn quả, đằng xa là khu vườn với những nhà kính. Không khí mát lạnh, tràn tiếng chim hót. Bầu trời trắng ửng hồng phía trên núi.

Chuyến đi trên tàu điện như một cơn ác mộng. Nếu không nhớ rõ những gì sau đó xảy ra thì có lẽ tôi cố cho đó là một cơn ác mộng thật sự. Đứng ở bến đợi, nghe chim hót và ngắm mặt trời lên giống như tỉnh giấc. Nhưng tỉnh dậy sau một cơn ác mộng không nhất thiết làm ta nhẹ người. Nó còn cho ta cảm nhận rõ hơn những gì khủng khiếp đã mơ thấy, thậm chí chỉ ra sự thật khủng khiếp nào ta đã chứng kiến trong mơ. Tôi lên đường về nhà, nước mắt tuôn trào, đến tận Eppelheim tôi mới thôi khóc.

Tôi đi bộ về nhà. Vài lần toan vẫy xe đi nhờ nhưng không được. Đi được nửa đường thì tàu điện vượt tôi. Tàu đầy người. Tôi không thấy Hanna.

Tôi đợi cô trên bậc thang trước phòng, buồn bã, sợ hãi và căm tức.

"Anh lại trốn học à?"

"Anh được nghỉ. Chuyện gì sáng nay vậy?" Cô mở khoá, tôi theo chân cô vào nhà và đi vào bếp.

"Có chuyện gì sáng nay cơ chứ?"

"Tại sao em làm ra bộ như không quen anh? Anh định…"

"Em ra bộ không quen anh?" Cô quay lại và lạnh nhạt nhìn tôi. "Chính anh không muốn quen em. Anh lên toa sau, mặc dù đã thấy em ở toa trước."

"Có lý do gì để ngày đầu kỳ nghỉ anh lại lên tàu lúc bốn rưỡi đi Schwetzingen? Chỉ vì anh định làm em bất ngờ chứ sao, vì anh tưởng là em sẽ vui mừng. Anh lên toa sau..."

"Tội nghiệp cậu bé. Bốn rưỡi đã dậy, lại còn trong kỳ nghỉ nữa chứ." Tôi chưa thấy cô nói mỉa bao giờ. Cô lắc đầu. "Làm sao em biết được anh đi Schwetzingen làm gì. Làm sao em biết lý do anh không muốn quen em. Chuyện của anh, không phải của em. Anh có định đi khỏi đây không?"

Tôi tức không tả nổi. "Hanna, thế là không công bằng. Em đã biết, em phải biết là anh đi cùng chỉ vì em. Vậy thì làm sao em có thể tin rằng anh không muốn quen em? Nếu không muốn tỏ ra quen em thì anh đã không đi cùng."

"Trời ạ, để cho em yên, em đã nói rằng anh làm gì là chuyện của anh, không phải chuyện của em." Cô đứng bên kia chiếc bàn bếp chắn giữa hai người, ánh mắt, giọng nói và điệu bộ của cô coi tôi là kẻ quấy quả và bảo tôi hãy đi khỏi đây.

Tôi ngồi xuống sofa. Cô đã đối xử không tốt với tôi, và tôi chỉ muốn được cô giải thích. Nhưng tôi không lại gần cô được. Thay vào đó cô tấn công tôi. Và tôi bắt đầu thấy yếu thế. Có lẽ cô có lý, về khách quan thì không, nhưng chủ quan? Liệu cô có thể hoặc bắt buộc phải hiểu nhầm tôi? Liệu tôi có xúc phạm cô mà tôi không chủ ý hoặc đi ngược với chủ ý, nói cho cùng là vẫn xúc phạm?

"Xin lỗi, Hanna, mọi chuyện đều sai cả. Anh không định làm em phiền lòng, nhưng hình như..."

"Hình như? Anh định nói là hình như anh đã làm em phiền lòng? Không, anh không thể làm em phiền lòng. Bây giờ anh có đi khỏi đây không thì bảo? Em đã làm việc, em muốn tắm, em muốn nghỉ ngơi." Cô nhìn tôi thôi thúc. Thấy tôi không đứng dậy, cô nhún vai quay đi, xả nước vào bồn và cởi quần áo.

Giờ thì tôi đứng dậy và đi. Tôi nghĩ là tôi sẽ bỏ đi hẳn. Nhưng nửa tiếng sau tôi lại đứng trước cửa phòng. Cô để tôi vào, và tôi nhận hết về mình. Tôi đã hành động không suy nghĩ, không để ý đến ai, không tình cảm. Tôi nhận ra là cô không phiền lòng, vì tôi không thể làm cô phiền lòng. Tôi nhận ra là tôi không thể làm cô phiền lòng, song cô cũng không thể cho phép tôi cư xử như thế. Cuối cùng thì tôi sung sướng thấy cô thú nhận là tôi đã xúc phạm cô. Nghĩa là cô không phải lạnh lùng và vô cảm như cô đã tỏ vẻ như vậy.

"Em tha lỗi cho anh?"

Cô gật đầu.

"Em có yêu anh không?"

Cô lại gật đầu. "Bồn tắm đầy nước đấy. Lại đây, em tắm cho anh."

Về sau tôi tự hỏi, có phải cô xả nước vào bồn vì biết là tôi sẽ quay lại. Có phải cô cởi quần áo vì biết tôi không quên được hình ảnh đó và nó sẽ kéo tôi quay lại? Có phải cô muốn giành phần thắng trong trò chơi đọ sức? Sau khi chúng tôi làm tình và nằm bên nhau, và tôi kể cho cô tại sao tôi leo lên toa sau chứ không lên toa trước thì cô trêu tôi. "Trên tàu điện mà anh muốn làm chuyện ấy với em à? Cậu bé ơi là cậu bé!" Có vẻ như lý do để chúng tôi cãi cọ chẳng có ý nghĩa gì.

Nhưng hậu quả thì có ý nghĩa. Tôi không chỉ thua lần cãi nhau này. Tôi đã đầu hàng sau một cuộc chiến ngắn ngủi khi cô doạ sẽ xua đuổi tôi, không thèm dính đến tôi. Trong những tuần tiếp sau thậm chí tôi cũng chẳng có lấy một cuộc chiến ngắn. Cô cứ doạ là tôi đầu hàng vô điều kiện. Tôi nhận hết tội. Tôi nhận những lỗi lầm mà tôi không phạm phải, những chủ ý mà tôi không ấp ủ. Khi cô tỏ ra lạnh lùng và cứng rắn, tôi xin cô hãy tử tế với tôi, hãy tha thứ, hay yêu tôi. Có lúc tôi cảm thấy rằng cô cũng đau khổ khi lạnh lùng và cố chấp. Tựa như cô mong tìm hơi ấm của lời tạ tội, hứa hẹn và thề thốt. Có lúc tôi nghĩ là đơn giản cô đã ngự trị được tôi. Nhưng dù thế nào chăng nữa, tôi không có sự lựa chọn nào khác.


11.

Sau ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Phục sinh không phải là Hanna và tôi không hạnh phúc nữa. Chưa bao giờ chúng tôi hạnh phúc hơn những tuần tháng Tư ấy. Cho dù trận cãi cọ đầu tiên ấy hay nói chung việc chúng tôi cãi nhau có đảo lộn đến đâu - chúng tôi tận hưởng tất cả những gì đã khơi mở nghi lễ đọc truyện, tắm, làm tình và nằm bên nhau. Thêm vào đó, lời trách móc rằng tôi giả bộ không quen biết cô đã làm lộ ra chỗ đứng của cô. Khi tôi muốn cùng cô ra trước mắt mọi người, cô hoàn toàn không thể trách cứ gì cả. "Vậy có nghĩa là em không muốn người ta thấy em đi cùng anh sao" - đó là câu nói mà cô không muốn bị nghe tôi nói. Tuần tiếp sau lễ Phục sinh, chúng tôi đạp xe bốn ngày đi xa, qua Wimpfen, Amorbach và Miltenberg.

Tôi không nhớ đã nói gì với bố mẹ. Đi xe đạp với cậu bạn Matthias? Với một nhóm bạn? Đến thăm một người bạn cũ? Ắt hẳn là mẹ tôi lo lắng, như vẫn hay lo lắng, và bố tôi, như từ xưa đến nay, bảo mẹ không việc gì mà lo lắng cả. Chẳng phải tôi vừa được lên lớp, một việc mà chẳng ai tin tôi làm nổi hay sao?

Hồi bị ốm tôi không tiêu đến tiền riêng. Nhưng nếu muốn trả tiền cho cả Hanna thì sẽ không đủ. Do đó tôi đem bộ tem sưu tầm của mình ra mời bán cho cửa hàng tem bên cạnh nhà thờ. Đó là cửa hàng duy nhất có biển báo mua lại các bộ sưu tầm. Người bán hàng xem kỹ các sổ tem của tôi và mời tôi 60 Mark. Tôi chỉ cho ông ta xem báu vật của tôi, một con tem Ai Cập chữ nhật không răng cưa in hình Kim tự tháp có giá 400 Mark trong danh mục. Ông ta nhún vai. Nếu cậu quý bộ sưu tầm đến thế thì có lẽ nên giữ lại thì hơn. Mà cậu có được phép bán không nhỉ? Bố mẹ cậu nói sao? Tôi cố mặc cả. Nếu con tem Kim tự tháp không quý lắm thì đơn giản là tôi sẽ giữ nó lại. Vậy thì ông ta chỉ trả tôi có 30 Mark thôi. Nghĩa là con tem quý thật đấy chứ. Rốt cục tôi được 70 Mark. Tôi nghĩ là mình bị lỡm, nhưng chuyện đó không đáng bận tâm.

Không chỉ mình tôi hồi hộp trước khi khởi hành. Điều làm tôi ngạc nhiên là Hanna mấy ngày trước khi đi cũng chộn rộn. Cô suy đi tính lại phải đem gì theo, mở ra gói vào cái túi đèo hàng và ba lô mà tôi mua cho cô. Lúc tôi định chỉ cho cô xem trên bản đồ tuyến hành trình mà tôi vạch ra thì cô không muốn nghe và nhìn gì cả. "Bây giờ em hồi hộp quá. Anh làm thì đúng thôi, cậu bé ạ."

Ngày thứ Hai Phục sinh chúng tôi lên đường. Mặt trời sáng rực, sáng cả bốn ngày liền. Sáng sớm trời se lạnh, ban ngày ấm lên, không quá ấm để đạp xe nhưng đủ ấm để đi picknick. Những cánh rừng như thảm xanh với các chấm, vệt và mặt bằng xanh vàng, xanh chai, xanh lơ và xanh lục. Những cây ăn quả đầu tiên đã nở hoa ở đồng bằng sông Rhein, Trong rừng Odenwald những bông hoa đầu tiên của cây đầu xuân vừa bung ra.

Chúng tôi hay đạp xe cạnh nhau, chỉ cho nhau xem những gì chúng tôi trông thấy: thành trì, người câu cá, tàu thủy trên sông, lều trại, một gia đình nối đuôi nhau đi bên bờ sông, chiếc xe Mỹ mui trần to tướng. Lúc nào đi sang hướng khác hay theo đường khác, tôi phải đi trước; cô không muốn quan tâm đến hướng đi hay đường đi. Còn thì lúc cô đi sau tôi, lúc tôi đi sau nếu đường nhiều xe quá. Cô đi một chiếc xe đạp có lưới che nan hoa và chắn xích đĩa, mặc chiếc áo dài xanh, nửa dưới rộng tung bay trong gió. Mất một hồi lâu tôi mới hết lo áo dài quấn vào nam hoa hay đĩa xích làm cô bị ngã. Sau đó tôi thích ngắm cô đi trước.

Tôi thích chờ đến đêm. Tôi đã tưởng tượng ra cảnh chúng tôi làm tình, ngủ thiếp đi, thức dậy, lại làm tình, lại ngủ, rồi lại thức dậy v.v. đêm nào cũng thế. Nhưng chỉ có đêm đầu là tôi tỉnh dậy một lần. Cô nằm xây lưng lại phía tôi, tôi cúi xuống hôn cô, cô nằm ngửa ra, kéo tôi vào lòng và ôm tôi trong vòng tay. "Cậu bé, cậu bé của em." Rồi tôi ngủ thiếp đi trên người cô. Các đêm khác chúng tôi ngủ một mạch, mệt mỏi vì đạp xe, vì nắng và gió. Chúng tôi làm tình vào sáng sớm.

Hanna không chỉ để tôi tự chọn hướng đi và đường đi. Tôi chọn nhà trọ để ngủ qua đêm, ghi tên vào giấy đăng ký là mẹ con và cô chỉ còn việc ký, trong thực đơn tôi không chỉ chọn món ăn cho mình mà cho cả cô nữa. "Em thích thế mà, em thích không phải bận tâm chuyện gì."

Lần chúng tôi cãi nhau duy nhất là ở Amorbach. Tôi dậy sớm, khe khẽ mặc quần áo và lẩn ra khỏi phòng. Tôi định bưng bữa sáng lên phòng và cũng tìm xem có thấy một cửa hàng hoa nào đã mở để kiếm cho Hanna một bông hồng. Tôi đặt một mảnh giấy lên bàn ngủ. "Chào em! Anh đi lấy quà sáng, về ngay" hay đại loại như vậy. Khi tôi quay về, cô đứng trong phòng, quần áo mặc dở, run lên vì giận dữ và mặt trắng bệch.

"Tại sao anh có thể tự nhiên bỏ đi như vậy?"

Tôi đặt khay đựng đồ ăn sáng và bông hồng xuống, định ôm cô. "Hanna …"

"Đừng chạm vào tôi." Cô cầm thắt lưng da nhỏ bản vẫn thắt quanh áo dài, lùi lại một bước và quất vào mặt tôi. Môi tôi dập ra, và tôi thấy vị máu. Tôi không thấy đau. Tôi hoảng sợ kinh khủng. Cô lại vung tay lấy đà.

Nhưng cô không đánh nữa. Cô thả xuôi tay, buông rơi thắt lưng và oà khóc. Tôi chưa thấy cô khóc bao giờ. Khuôn mặt cô biến dạng méo mó. Mắt trợn, mồm há, mi mắt sưng mọng vì những giọt nước mắt đầu tiên, trên má và cổ nổi những đám đỏ. Từ miệng cô thốt ra những âm thanh khò khè trong cổ, giống như những tiếng kêu không ra tiếng khi chúng tôi làm tình. Cô đứng đó, nhìn tôi qua hàng nước mắt.

Đúng ra là tôi định dang tay ôm cô, nhưng không làm được. Tôi không biết tại sao. Ở nhà tôi không ai khóc như vậy. Không ai đánh, không đánh bằng tay, bằng roi da lại càng không. Chỉ nói thôi. Song, tôi có gì để nói?

Cô tiến hai bước đến tôi, ập vào ngực tôi, nắm tay đấm tôi, bám chặt lấy tôi. Bây giờ tôi có thể giữ chặt cô. Vai cô giật giật, cô đập trán vào ngực tôi. Rồi cô thở dài thật sâu và rúc vào vòng tay tôi.

"Mình ăn sáng nhé?" Cô rời tôi ra. "Lạy Chúa tôi, trông anh kìa, cậu bé!" Cô lấy khăn ướt lau mồm và cằm tôi. "Áo cũng đầy máu kìa." Cô cởi áo tôi ra, và chúng tôi làm tình.

"Có chuyện gì vậy? Tại sao em lại giận dữ như vậy?" Chúng tôi nằm cạnh nhau. Mãn nguyện và hài lòng, khiến tôi nghĩ rằng bây giờ sẽ sáng tỏ được mọi chuyện.

"Chuyện gì vậy, chuyện gì vậy - anh cứ hay hỏi dốt nát vậy. Anh không thể tự nhiên bỏ đi như vậy."

"Nhưng anh đã để lại cho em mảnh giấy..."

"Mảnh giấy?"

Tôi ngồi dậy. Trên bàn ngủ, nơi tôi đặt mảnh giấy, bây giờ không thấy nó đâu. Tôi đứng lên tìm bên cạnh và dưới bàn, dưới gầm và trên giường. Không thấy. "Anh không hiểu. Anh có viết cho em một mảnh giấy là anh đi lấy đồ ăn sáng và trở lại ngay."

"Thế à? Em không thấy mảnh giấy nào."

"Em không tin anh?"

"Em muốn tin anh. Nhưng em không thấy mảnh giấy nào cả."

Chúng tôi thôi cãi nhau. Có cơn gió lùa, cuốn mảnh giấy đi đâu mất tăm? Phải chăng là sự hiểm lầm, cơn giận dữ của cô, môi tôi bầm dập, khuôn mặt sưng lên của cô, nỗi bất lực của tôi?

Đáng lẽ tôi nên tìm tiếp mảnh giấy, tìm tiếp nguyên nhân cho cơn thịnh nộ của Hanna, cho nỗi bất lực của mình? "Đọc chút gì đi, cậu bé!" Cô áp chặt vào tôi, tôi lấy cuốn Đồ vô dụng của Eichendorff và đọc tiếp từ đoạn dừng lần trước. Đồ vô dụng dễ đọc, dễ hơn Emilia Galotti Âm mưu và tình yêu. Hanna lại theo dõi một cách hồi hộp đồng cảm. Cô thích những đoạn thơ xen vào. Cô thích những chuyện hoá trang, lầm lẫn, rối rắm, bám đuổi mà người hùng bị cuốn vào ở Ý. Đồng thời cô khó chịu hắn là đồ vô dụng, không làm được trò trống gì, chẳng có khả năng và cũng chẳng muốn có khả năng gì. Cô suy tính, và hàng tiếng đồng hồ sau khi tôi đã thôi đọc vẫn hỏi tiếp. "Nghề thu thuế - cũng là một nghề hay đấy chứ?"

Kể về vụ chúng tôi cãi cọ đã quá chi tiết, giờ thì tôi phải kể về chúng tôi đã hạnh phúc ra sao. Trận cãi nhau làm quan hệ của chúng tôi càng thắm thiết hơn lên. Tôi đã thấy cô khóc, một Hanna cũng biết khóc gần gũi với tôi hơn là Hanna luôn mạnh mẽ. Cô bắt đầu hé mở vẻ dịu dàng mà tôi chưa từng biết. Cho đến khi môi tôi lành hẳn, cô luôn ngắm nhìn và âu yếm sờ vào.

Chúng tôi làm tình khác đi. Lâu nay tôi để cho cô hoàn toàn chủ động và chiếm hữu. Sau đó tôi cũng học được cách chiếm hữu cô. Trong chuyến đi và từ sau đó, chúng tôi không chỉ còn biết chiếm hữu nhau.

Ngày ấy tôi có viết một bài thơ. Về thi ca thì nó chẳng có giá trị gì. Hồi đó tôi mê mẩn Rilke và Benn, và tôi nhận thấy mình đồng thời muốn bắt chước cả hai. Nhưng tôi cũng lại nhận ra ngày đó chúng tôi gần nhau đến mức nào. Bài thơ ấy đây:

Khi mình tự mở ra
Em cho anh và anh cho em
Khi mình chìm đắm
Em vào anh và anh vào em
Khi mình mê muội
Em trong anh và anh trong em
Thì anh là anh
Và em là em


12.

Trong khi không nhớ đã nói dối bố mẹ ra sao trước chuyến đi với Hanna thì tôi lại nhớ được cái giá mà tôi phải trả để được ở nhà một mình trong tuần lễ cuối cùng của kỳ nghỉ. Tôi đã quên là bố mẹ và hai anh chị tôi đi đâu. Vấn đề là đứa em gái của tôi. Nó đáng lẽ phải đến ở nhà một đứa bạn gái. Nhưng nếu tôi ở nhà thì nó cũng muốn ở nhà. Bố mẹ tôi không thích thế, vậy là tôi cũng phải đến ở nhà một người bạn.

Nhìn lại, tôi thấy bố mẹ tôi cũng đáng phục khi sẵn sàng để tôi, một thằng bé 15 tuổi, ở nhà một mình cả tuần. Có phải là bố mẹ tôi nhận ra tính tự lập đã phát triển trong tôi từ khi tôi gặp Hanna? Hay đơn giản là đã thấy tôi dù ốm mấy tháng vẫn được lên lớp, từ đó suy ra là tôi có ý thức trách nhiệm hơn và đáng tin cậy hơn so với trước? Tôi cũng không nhớ ngày ấy có bị truy hỏi đã ở đâu trong những giờ mà tôi ở chỗ Hanna. Chắc là bố mẹ tôi tin rằng sau khi khỏi bệnh tôi thích đi chơi nhiều và học cùng với các bạn. Thêm vào đó, không thể nào chăm chút từng đứa trong bầy bốn đứa trẻ con, mà chỉ tập trung vào đứa nào đang có vấn đề đặc biệt. Tôi đã gây vấn đề đủ rồi; bố mẹ tôi nhẹ cả người khi tôi đã khoẻ và được lên lớp.

Lúc tôi hỏi em gái xem nó muốn gì để đi đến chỗ bạn gái trong lúc tôi ở nhà, nó đòi một cái quần bò - ngày ấy chúng tôi gọi là quần bò xanh hay quần đinh - và một cái nicki, đó là một loại áo bằng nhung the. Tôi hiểu. Quần bò thời bấy giờ là một thứ đặc biệt và sành điệu, lại còn hứa hẹn giải phóng khỏi bộ đồ dệt vân xương cá và áo dài in hoa to. Giống như tôi phải mặc thừa đồ của ông bác, em gái tôi phải mặc quần áo của chị. Nhưng tôi không có tiền.

"Thế thì đi ăn cắp!" Cô em gái tỏ vẻ bất cần.

Thật đơn giản đến kinh ngạc. Tôi mặc thử mấy cái quần bò, đem cả một cái đúng cỡ của nó vào phòng thay quần áo, mặc vào dưới chiếc quần rộng và đem ra khỏi cửa hàng. Áo nicki tôi ăn trộm ở cửa hàng Kaufhof. Hôm trước tôi lang thang với em gái từ quầy này đến quầy khác trong ngăn đồ mốt, cho đến khi tìm thấy đúng quầy và đúng cái nicki mong muốn. Hôm sau tôi đi nhanh và dứt khoát qua ngăn hàng đó, cầm lấy cái áo giấu xuống dưới áo vét và biến luôn ra ngoài. Hôm sau nữa tôi lấy trộm cho Hanna một chiếc váy ngủ bằng lụa, bị tay thám tử nhìn thấy, tôi chạy bán bán sống bán chết và thoát trong gang tấc. Mấy năm liền tôi không đặt chân vào Kaufhof nữa.

Từ những đêm nằm cạnh nhau trong chuyến đi, đêm nào tôi cũng khát khao được cảm thấy cô bên cạnh, rúc vào sườn cô, áp bụng vào mông và tay đặt vào vú cô, khi tỉnh dậy quờ tay tìm và thấy cô, áp mặt vào vai cô. Một tuần ở nhà một mình là bảy đêm với Hanna.

Một buổi tối, tôi mời cô đến nhà và nấu cho cô ăn. Cô đứng trong bếp khi tôi vừa nấu ăn xong. Cô đứng trong khung cửa mở giữa phòng ăn và phòng tiếp khách lúc tôi bày đồ ăn lên bàn. Cô ngồi vào chỗ bố tôi mọi khi bên chiếc bàn tròn. Cô ngắm quanh.

Ánh mắt cô chiếu đến mọi thứ, những đồ gỗ kiểu Biedermeier, cây đàn piano cánh, đồng hồ đứng, giá sách, chén đĩa và dao dĩa trên bàn. Tôi để cô một mình để đi làm món tráng miệng, lúc quay lại không thấy cô bên bàn. Cô đi từ phòng nọ qua phòng kia và dừng chân trong phòng làm việc của bố tôi. Tôi khẽ tựa lưng vào khung cửa và ngắm cô. Cô đưa mắt dọc các giá sách đứng kín tường, tựa như đang đọc chúng. Rồi cô đến bên một giá sách, chầm chậm quẹt ngón tay trỏ dọc theo các gáy sách ở tầm cao ngang ngực, đi sang giá sách bên cạnh và quẹt tiếp với ngón tay qua từng gáy sách một, rồi đo bước chân dọc phòng. Đến cửa sổ thì cô ngừng chân, nhìn vào bóng tối, nhìn ánh phản chiếu từ các giá sách và bóng của mình.

Đó là một trong những hình ảnh về Hanna còn đọng lại trong tôi. Tôi lưu giữ những hình ảnh đó, có thể chiếu chúng lên một màn ảnh nội tâm để quan sát mà không sợ chúng thay đổi hay cũ mòn. Thỉnh thoảng tôi lâu lâu không nghĩ đến cô. Nhưng cô luôn hiện ra trong tâm tưởng, và khi ấy tôi phải chiếu hình cô lên màn hình nội tâm mấy lần liền và ngắm nhìn. Một hình là Hanna xỏ tất ở trong bếp. Một hình khác là Hanna đứng trước bồn tắm và dang tay nâng chiếc khăn bông. Hình khác nữa là Hanna đi xe đạp, váy tung bay trong gió. Rồi đến hình ảnh Hanna đứng trong phòng làm việc của bố tôi. Cô mặc chiếc áo dài sọc xanh trắng, hồi đó gọi là áo váy. Trong chiếc áo dài ấy nom cô trẻ trung. Cô quẹt ngón tay dọc theo các gáy sách và nhìn vào cửa sổ. Rồi cô quay sang phía tôi, đủ nhanh để váy sóng lên quấn quanh chân trước khi phẳng phiu rủ xuống. Ánh mắt cô mệt mỏi.

"Sách này bố anh chỉ đọc hay viết ra?"

Tôi biết một quyển về Kant và một quyển về Hegel do bố tôi viết, tìm thấy cả hai và đưa cô xem.

"Đọc cho em nghe một chút trong đó được không hả cậu bé?"

"Anh..." Tôi không muốn đọc, nhưng cũng không muốn chối nguyện vọng của cô. Tôi lấy cuốn sách về Kant của bố và đọc cho cô nghe một đoạn trong sách về phân tích và biện chứng mà cả tôi lẫn cô đều không hiểu như nhau. "Thế đã đủ chưa?"

Cô nhìn tôi, tựa như hiểu tất cả, hoặc không quan trọng là chỗ nào hiểu và chỗ nào không. "Một ngày nào đó, anh sẽ viết những cuốn sách như thế chứ?"

Tôi lắc đầu.

"Anh sẽ viết sách khác?"

"Anh không biết."

"Anh sẽ viết kịch?"

"Hanna, anh không biết."

Cô gật đầu. Sau khi ăn tráng miệng, chúng tôi đi đến nhà cô. Tôi muốn ngủ với cô trong giường mình, nhưng cô không muốn. Ở nhà tôi, cô thấy mình như kẻ đột nhập. Chuyện ấy cô không nói ra lời, nhưng nói qua cách cô đứng trong bếp hay trong khung cửa mở, đi từ phòng nọ sang phòng kia, đo bước chân trong phòng bố tôi và ngồi bên tôi trong bữa ăn.

Tôi tặng cô chiếc váy ngủ bằng lụa màu cà tím với hai dây đeo mỏng để lộ vai và cánh tay, dài đến tận mắt cá. Chiếc áo lấp lánh. Hanna sung sướng, tươi tắn cười. Cô nhìn dọc theo người, quay mình, nhảy nhót vài bước, ngắm mình trong gương, ngắm hình mình trong đó một chút rồi nhảy tiếp. Đó cũng là một hình ảnh của Hanna lưu lại trong tôi.


13.

Tôi luôn coi ngày bắt đầu năm học mới như một bước ngoặt. Chuyển từ lớp mười lên lớp mười một là một sự thay đổi sâu sắc. Lớp tôi bị giải tán và chia vào ba lớp song song. Khá nhiều học sinh không vượt qua được kỳ thi lên lớp mười một, do đó bốn lớp nhỏ bị dồn thành ba lớp lớn.

Trường trung học của tôi lâu nay chỉ nhận học sinh nam. Khi có cả học sinh nữ thì ban đầu có ít đến mức họ không thể chia đều được vào các lớp song song, mà tất cả vào một lớp, sau này cũng vào hai và ba lớp, cho đến khi số học sinh nữ chiếm một phần ba sĩ số của từng lớp. Cùng tuổi tôi không có nhiều học sinh nữ nên ở lớp cũ không có ai được phân vào. Lớp tôi là lớp thứ tư cùng bậc, toàn con trai, do vậy bị giải tán và chia ra chứ không phải một lớp khác.

Mãi tới đầu niên khoá chúng tôi mới được thông báo. Ông hiệu trưởng gọi chúng tôi vào một phòng học, cho biết rằng chúng tôi bị chia ra và chia theo kiểu nào. Cùng với sáu bạn khác, tôi đi dọc hành lang trống trải tới phòng học mới. Chúng tôi nhận các chỗ ghế còn thừa, tôi ngồi ở dãy thứ hai. Đó là các ghế đơn, nhưng trong ba hàng dọc cứ hai ghế kê thành một hàng. Tôi ngồi hàng giữa, bên trái là Rudolf Bargen, một bạn cùng lớp cũ, to béo, trầm tính và đáng tin cậy, chơi cờ và khúc côn cầu. Ở lớp cũ tôi hầu như không chơi với cậu, nhưng chúng tôi rất nhanh chóng thân nhau. Bên phải tôi, cách lối đi là các bạn gái.

Người sát tôi là Sophie. Tóc nâu, mắt nâu, da rám nắng hè, lông măng vàng óng trên cánh tay để trần. Khi tôi ngồi xuống và quay nhìn xung quanh, cô cười với tôi.

Tôi cười đáp. Tôi thấy dễ chịu, vui vẻ với sự bắt đầu mới mẻ và với các nữ sinh. Tôi đã quan sát các bạn trai cùng trường hồi lớp mười: bất kể có con gái trong lớp hay không, bọn nó đều ngại con gái, tránh mặt chúng, làm bộ làm tịch trước mặt hoặc si mê bọn con gái. Tôi đã biết đàn bà nên có đủ tư thế để bình thản hoặc thân mật. Bọn con gái thích thế. Tôi sẽ quan hệ bình thường với bọn nó và qua đó được bọn con trai chấp nhận.

Ai cũng thế ư? Hồi còn trẻ, hoặc là tôi cảm thấy quá tự tin hoặc là quá thiếu tự tin. Hoặc là tôi thấy mình hoàn toàn bất tài, xấu trai và hèn mọn, hay là tôi cho rằng nhìn chung thì tôi thành đạt và tôi làm gì cũng phải trôi chảy. Khi cảm thấy tự tin thì tôi chinh phục được những khó khăn lớn nhất. Nhưng chỉ một thất bại nhỏ nhất là đủ thuyết phục tôi tin vào sự hèn mọn của mình. Thành công không bao giờ giúp tôi lấy lại được tự tin; so với những gì mà tôi mong đợi ở khả năng của mình hay so với lời khen ngợi của mọi người thì thành công nhỏ nhoi một cách thảm hại. Để tôi cảm nhận được sự thảm hại đó hay tự hào về thành công, điều đó còn phụ thuộc vào tâm trạng của tôi. Hàng tuần liền bên cạnh Hanna, tâm trạng của tôi ổn - mặc cho những chuyện xích mích, mặc cho cô luôn xua đuổi tôi và tôi luôn nuốt nhục. Nhìn vậy thì mùa hè ở lớp mới cũng bắt đầu tốt đẹp.

Tôi còn thấy rõ phòng học trước mắt: phía trước bên phải là cánh cửa, trên tường bên phải có tấm ván với những mắc áo, bên trái là dãy cửa sổ nối tiếp nhau để tầm mắt nhìn tới núi Heiligenberg, và giờ nghỉ đứng bên cửa sổ chúng tôi nhìn được xuống đường, thấy con sông và đồng cỏ phía bên kia bờ. Đằng trước là bảng, giá treo bản đồ và tranh ảnh, bàn giáo viên và ghế kê trên bục. Tường quét sơn dầu màu vàng cao đến đầu, trên đó sơn trắng, hai ngọn đèn hình cầu trắng đục treo từ trần xuống. Căn phòng không có gì thừa, không có tranh ảnh, không có cây lá, không có ghế nào thừa, không có tủ đựng sách vở bị bỏ quên hay phấn màu. Ngước mắt lên, ánh mắt sẽ phóng qua cửa sổ hoặc vụng trộm đưa sang người ngồi cạnh. Khi nhận ra tôi ngắm cô, Sophie quay sang phía tôi và mỉm cười với tôi.

"Berg, Sophia là một cái tên Hy Lạp, nhưng không có nghĩa là trong giờ học tiếng Hy Lạp em cứ nghiên cứu cô bé ngồi bên cạnh đâu. Em dịch đi!"

Chúng tôi đang dịch Odyssey. Tôi đã đọc bản tiếng Đức, tôi thích Odyssey, đến tận bây giờ vẫn thích. Nếu bị gọi đến lượt, tôi chỉ cần một giây để tìm thấy đoạn cần dịch và dịch được. Sau khi thầy giáo lấy Sophie ra để trêu tôi và cả lớp đã ngừng cười, tôi lắp bắp vì một lý do khác. Nausikaa với thân hình và vẻ mặt như tiên nữ, trinh bạch với cánh tay trắng ngần - tôi nên tưởng tượng ra hình ảnh Hanna hay Sophie nhỉ? Nhất định là một trong hai người đó.


14.

Khi động cơ máy bay bị hỏng, chuyến bay chưa phải chấm dứt ngay. Máy bay không rơi như hòn đá từ trên trời xuống. Nó tiếp tục lượn, những chiếc máy bay chở khách khổng lồ nhiều động cơ còn lượn hàng nửa tiếng đến 45 phút trước khi nổ tung lúc cố gắng hạ cánh. Hành khách không cảm thấy gì. Cảm giác bay khi tắt động cơ không khác gì lúc động cơ còn làm việc. Tiếng ồn ít đi, nhưng không đáng kể, vì tiếng gió mài vào thân và cánh máy bay còn to hơn tiếng động cơ. Một lúc nào đó nhìn qua cửa thấy mặt đất hay biển gần sát đến phát sợ. Hay đang lúc chiếu phim và các tiếp viên đã hạ tấm che cửa sổ xuống. Thậm chí có khi hành khách còn thấy dễ chịu khi tiếng ồn của máy bay giảm đi chút ít.

Mùa hè ấy là chuyến bay mất động cơ đối với mối tình của chúng tôi. Hay đúng hơn là đối với tình yêu của tôi cho Hanna; cô yêu tôi đến mức nào thì tôi hoàn toàn không rõ.

Chúng tôi giữ nguyên nghi lễ đọc truyện, tắm, làm tình và nằm bên nhau. Tôi đọc cuốn Chiến tranh và hoà bình, với tất cả các giải trình của Tolstoi về lịch sử, vĩ nhân, nước Nga, tình yêu và hôn nhân, phải đến 40 hay 50 tiếng đồng hồ. Hanna lại hồi hộp theo dõi diễn biến trong sách. Nhưng khác với từ trước đến nay, cô không bày tỏ nhận xét của mình nữa, không biến Natasha, Andrey và Pierre thành một phần trong thế giới của mình như cô đã làm với Luise và Emilia, mà bước vào thế giới của họ, như ai đó ngơ ngác trên một chuyến viễn du hay được phép bước vào một lâu đài, nhưng không thể rũ hết được vẻ rụt rè. Cho đến giờ, tôi đã biết trước tất cả các truyện mà tôi đọc cho cô nghe. Chiến tranh và hoà bình thì tôi chưa đọc. Chúng tôi cùng bước vào chuyến viễn du ấy.

Chúng tôi đặt ra những cái tên để nựng nhau. Cô không những bắt đầu bỏ chữ "cậu bé" để gọi tôi, mà còn thay vào đó những từ chỉ đặc tính và âu yếm, cóc và nhái, chó con, viên sỏi và bông hồng. Tôi để nguyên tên Hanna cho đến khi cô hỏi: "Anh nghĩ đến con vật nào khi anh ôm em rồi nhắm mắt lại và nghĩ đến các con vật?" Tôi nhắm mắt và nghĩ đến các con vật. Chúng tôi nằm áp sát vào nhau, đầu tôi cạnh cổ cô, cổ tôi áp vào ngực cô, tay phải đỡ dưới cô còn tay trái đặt lên mông. Tôi xoa tay lên tấm lưng nở nang, cặp đùi khoẻ mạnh, bờ mông rắn chắc và cảm thấy vú và bụng cô ép vào cổ và ngực tôi. Da cô trơn và mềm, thân thể cô mạnh mẽ và che chở. Khi để tay lên bắp chân cô, tôi cảm thấy các cơ động đậy liên hồi. Nó làm tôi nghĩ đến con ngựa giật giật lớp da để đuổi ruồi. "Con ngựa."

"Ngựa à?" Cô buông tôi ra, ngồi lên và nhìn tôi. Ánh mắt kinh hoàng.

"Em không thích à? Anh nghĩ đến ngựa vì da em rất đẹp, trơn và mềm, phủ lên sự cứng rắn và mạnh mẽ. Và vì bắp chân em giật giật." Tôi giải thích cho cô nghe mối liên tưởng của mình.

Cô nhìn xuống bắp chân mình. "Ngựa", cô lắc đầu, "em không biết nữa..."

Đó không phải kiểu của cô. Mọi khi cô hoàn toàn rạch ròi, đồng ý hay từ chối. Nhìn ánh mắt kinh hoàng của cô, tôi sẵn lòng rút lại mọi câu nói của mình nếu buộc phải làm thế, sẵn sàng nhận tội và xin thứ lỗi. Nhưng bây giờ thì tôi muốn xin cô dàn hoà với con ngựa. "Anh cũng có thể gọi em là Cheval, hay Hottehueh, hay Equin yêu dấu, hay Bukeffel bé nhỏ. Nói đến ngựa, anh không nghĩ tới hàm răng hay sọ dừa hay thứ gì mà em không ưa, mà một cái gì đó tốt đẹp, ấm áp, mềm mại, mạnh mẽ. Em không phải là con thỏ con hay mèo con, và con hổ thì có vẻ độc ác, không phải là em."

Cô đặt lưng xuống, lót tay sau gáy. Bây giờ tôi ngồi dậy và nhìn cô. Ánh mắt cô dõi vào hư vô. Một lát sau cô quay sang nhìn tôi. Vẻ mặt cô biểu hiện nội tâm rất lạ. "Có chứ, em thích anh gọi em là ngựa hay các tên khác của ngựa. Anh giải thích cho em đi."

Có lần chúng tôi đến nhà hát ở thành phố bên cạnh, xem vở Âm mưu và tình yêu. Đó là lần đầu Hanna đến nhà hát. Cô tận hưởng mọi thứ, từ vở diễn cho đến ly champagner trong giờ giải lao. Tôi quàng tay qua eo cô, và không bận tâm xem người khác nghĩ gì về đôi chúng tôi. Tôi tự hào là đã không phải bận tâm. Đồng thời cũng biết là nếu ở nhà hát thành phố mình thì tôi sẽ không như thế. Liệu cô có biết điều đó?

Cô biết là cuộc sống của tôi trong mùa hè không chỉ xoay quanh một mình cô nữa. Mỗi ngày một thường xuyên hơn, lúc chiều muộn tôi đi từ bể bơi về chỗ cô. Ở đó bọn con trai và con gái trong lớp gặp nhau, cùng làm bài tập, chơi bóng đá, bóng chuyền và bài tay ba. Đó là nơi diễn ra sinh hoạt xã hội của lớp mà tôi muốn được góp mặt. Tùy vào giờ làm việc của Hanna mà tôi đến muộn hay về sớm hơn các bạn, chuyện đó không làm giảm thể diện mà còn khiến tôi được chú ý. Tôi biết chứ. Tôi cũng biết là không bị bỏ lỡ gì cả, tuy nhiên thường có cảm giác rằng khi tôi vắng mặt thì có trời mới biết chuyện gì xảy ra. Một quãng thời gian dài tôi không dám tự hỏi mình thích ra bể bơi hay ở bên Hanna hơn. Nhưng hồi tháng Bảy, khi sinh nhật tôi được tổ chức ở bể bơi thì mọi người luyến tiếc chia tay tôi ra về, và Hanna mệt mỏi bẳn tính đón tôi. Cô không biết là tôi có sinh nhật. Đã có lần tôi hỏi sinh nhật cô và được biết là ngày 21 tháng Mười, cô không hỏi lại xem sinh nhật tôi là bao giờ. Hôm nay cô cũng không bẳn tính hơn mỗi lần mệt mỏi khác, nhưng tôi bực mình, và tôi chỉ muốn biến khỏi đây, ra bể bơi, đến với các bạn cùng lớp, đến với sự thanh thản khi chuyện trò, đùa cợt, vui chơi và tán tỉnh. Khi tôi cũng phản ứng một cách cáu bẳn, chúng tôi cãi nhau và Hanna lạnh nhạt với tôi thì nỗi sợ mất Hanna lại trở lại. Tôi nhịn nhục và xin lỗi, cho đến khi cô chấp nhận tôi. Nhưng trong lòng tôi đầy căm hận.


15.

Đó là lúc tôi bắt đầu phản bội cô.

Không phải tôi đã kể ra việc gì bí mật hoặc làm tổn hại đến Hanna. Tôi chẳng để lộ điều gì mà lẽ ra phải giữ gìn. Tôi đã giữ kín những gì đáng lẽ phải công khai ra. Tôi không thú nhận có quan hệ với cô. Tôi biết, chối bỏ là một hình thức rõ rệt của phản bội. Bên ngoài không thể phân biệt được ai đó chối bỏ hay chỉ kín đáo, tôn trọng người khác, tránh rắc rối và phiền phức. Nhưng người nào không chịu thú nhận, người đó biết rõ. Sự chối bỏ làm hại đến mối quan hệ không khác gì phản bội trắng trợn.

Tôi không nhớ lần đầu tiên tôi phủ nhận quan hệ với Hanna vào lúc nào. Từ những quan hệ đồng môn của các buổi chiều hè đã nảy nở tình bạn. Ngoài cậu bạn ngồi cạnh mà tôi đã quen từ lớp cũ, ở lớp mới tôi thích nhất Holger Schlueter, người say mê môn Sử và Văn giống tôi, chúng tôi nhanh chóng thân nhau. Tôi cũng nhanh làm thân với Sophie, nhà cô cách có mấy phố và chúng tôi đi cùng đường tới bể bơi. Thoạt tiên tôi tự nhủ rằng độ thân mật với bạn bè chưa đủ để tôi kể về Hanna, kế đó là tôi không tìm được cơ hội, không tìm được thời điểm và câu chữ thích hợp. Rốt cuộc thì mọi sự đã quá muộn để còn kể về Hanna và khoe về cô cùng các bí mật trẻ con khác. Tôi tự nhủ, muộn đến thế này mới kể về cô thì ắt sẽ gây ấn tượng sai lạc, rằng tôi ngậm miệng về Hanna bởi quan hệ với cô có gì không hay làm tôi phải áy náy. Nhưng muốn tự huyễn hoặc mình ra sao thì tùy - tôi biết là mình đã phản bội Hanna khi làm ra vẻ để cho các bạn biết hết những việc quan trọng trong cuộc đời mình, nhưng lại không nói gì về Hanna.

Bọn bạn nhận ra rằng tôi không hẳn cởi mở, nhưng như thế cũng chẳng có ích gì. Một buổi tối trên đường về nhà, Sophie và tôi gặp cơn giông và trú mưa dưới mái hiên một ngôi nhà vườn ở khu Neuenheim, hồi ấy chưa có khu nhà của trường đại học mà toàn ruộng và vườn. Trời sấm chớp, bão mưa nặng hạt. Nhiệt độ phải sụt đến năm độ. Chúng tôi rét run, và tôi quàng tay ôm cô.

"Hỏi bạn nhé?" Cô không nhìn tôi, mà nhìn vào cơn mưa.

"Gì cơ?"

"Bạn ốm lâu đúng không, bị viêm gan, có phải vì thế mà bạn có vấn đề. Bạn sợ không bình phục hẳn à? Hay các bác sĩ nói gì? Ngày nào bạn cũng phải đến bệnh viện để lọc máu hay truyền dịch à?"

Căn bệnh tên là Hanna. Tôi xấu hổ, song lại càng không thể kể về Hanna. "Không phải đâu, Sophie, tớ hết bệnh rồi. Các chỉ số về gan bình thường, một năm nữa thậm chí tớ còn được phép uống rượu nếu muốn, nhưng tớ không muốn. Tớ đang ..." Đã xoay quanh Hanna thì tôi không muốn nói rằng tôi đang có vấn đề. "Tại sao tớ đến muộn hoặc về sớm, đó là chuyện khác."

"Bạn không muốn nói chuyện ấy, hay thật ra có muốn nhưng không biết nói như thế nào?"

Tôi không muốn, hay không biết làm thế nào? Tôi cũng chẳng biết nữa. Nhưng khi chúng tôi đứng đó dưới ánh chớp, trong tiếng sấm vang rền sát gần, trong tiếng mưa sầm sập, cùng run rẩy và sưởi ấm cho nhau đôi chút - tôi có cảm giác là nên kể cho Sophie, cho chính Sophie nghe chuyện Hanna. "Có lẽ lần khác tớ sẽ kể cho bạn nghe."

Nhưng chuyện ấy không bao giờ xảy ra.


16.

Tôi không bao giờ được biết Hanna làm gì ngoài giờ đi làm và ngoài lúc chúng tôi ở bên nhau. Nếu tôi có hỏi thì cô đẩy ngược câu hỏi về phía tôi. Chúng tôi không có một thế giới chung, mà cô giành cho tôi một vị trí trong cuộc đời mình như cô muốn. Tôi phải chấp nhận. Muốn có nhiều hơn nữa, hay chỉ muốn biết nhiều hơn nữa đã là quá đáng. Khi nào rất hạnh phúc bên nhau và tôi hỏi cô, vì đoán rằng lúc đó làm gì cũng được, thì có thể cô lảng tránh câu hỏi của tôi thay vì đẩy ngược câu hỏi. "Cái gì cũng muốn biết thế hả cậu bé!" Hoặc cô đặt tay tôi lên bụng cô. "Anh có muốn hỏi thủng cả bụng em ra không?" Hay cô đếm trên các đầu ngón tay. "Em phải giặt giũ, em phải ủi quần áo, em phải quét nhà, em phải lau nhà, em phải đi chợ, em phải nấu ăn, em phải lay cây mận, gom quả, đem về nhà và nhanh nhanh nấu để cho vào lọ." Cô lắc ngón út giữa ngón trỏ và ngón cái tay kia. "Không thì một mình cái ngón út này nó ăn hết sạch mất!"

Tôi cũng không bao giờ tình cờ gặp cô ngoài phố, trong cửa hiệu hay ở rạp phim là nơi cô vẫn kể là cô thích và hay đến đó. Mấy tháng đầu tôi vẫn liên tục muốn cùng cô đi xem phim, nhưng cô không muốn. Thỉnh thoảng chúng tôi chuyện trò về những bộ phim mà cả hai cùng xem. Có điều lạ là cô đi xem phim một cách bừa bãi, xem tất cả các phim từ phim chiến tranh và phim đồng quê của Đức, phim cowboy, cho đến phim hiện đại, còn tôi thích phim Hollywood, bất kể đề tài La Mã cổ đại hay miền Tây hoang dã. Có một phim cowboy mà chúng tôi đặc biệt thích xem: Richard Widmark thủ vai một cảnh sát trưởng trước ngày đấu súng, biết là nhất định sẽ thua và buổi tối đến gõ cửa phòng Dorothy Malone, người đã uổng công khuyên ông đi trốn. Cô mở cửa. "Anh muốn gì bây giờ? Cả cuộc đời anh trong một đêm?" Thỉnh thoảng Hanna trêu tôi khi tôi đến chỗ cô và đầy thèm muốn. "Anh muốn gì bây giờ? Cả cuộc đời anh trong một giờ?"

Chỉ một lần tôi thấy Hanna mà không hẹn trước. Vào cuối tháng Bảy hoặc đầu tháng Tám, mấy ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ hè.

Đã mấy hôm nay Hanna ở trong tâm trạng khó lường, ủ rũ và võ đoán, đồng thời rõ ràng chịu một áp lực đang hết sức đè nén, làm cô mẫn cảm và dễ tổn thương. Cô gắng sức làm chủ mình để khỏi nổ tung dưới áp lực đó. Khi tôi hỏi có chuyện gì thì cô cáu kỉnh phản ứng. Tôi không biết phải làm gì. Ít nhất thì tôi không những cảm thấy mình bị hắt hủi, mà còn nhận ra cả sự bối rối của Hanna. Tôi cố làm chỗ dựa cho cô, đồng thời muốn để cô yên. Rồi một hôm áp lực đó biến mất. Đầu tiên tôi tưởng là Hanna lại trở lại như xưa. Sau khi đọc xong Chiến tranh và hoà bình chúng tôi chưa bắt đầu ngay một quyển mới. Tôi hứa sẽ lo kiếm, và đưa mấy quyển sách ra để chọn.

Nhưng cô không muốn. "Để em tắm cho anh, cậu bé nhé!"

Không phải là cái oi bức của mùa hè trùm lên tôi như một tấm chăn khi bước vào bếp. Hanna đã đốt lò nước tắm. Cô xả nước vào bồn, cho thêm mấy giọt dầu oải hương và tắm cho tôi. Chiếc yếm dài xanh nhạt in hoa mà ở dưới cô không mặc đồ lót dán vào cơ thể toát mồ hôi của cô trong không khí nóng và ẩm. Cô rất kích thích tôi. Trong khi làm tình tôi cảm thấy cô muốn đưa tôi đến những cảm giác vượt lên những gì mà tôi đã từng cảm nhận thấy. Cô cũng tự thả mình như chưa bao giờ từng làm thế. Không phải buông thả, cô chưa khi nào buông thả cả. Nhưng tựa như cô muốn cùng tôi chết đuối.

"Giờ thì ra chỗ các bạn anh đi." Cô chia tay, và tôi ra đi. Cơn nực nội chen giữa các ngôi nhà, phủ lên ruộng vuờn và lung linh trên mặt đường nhựa. Tôi chuếnh choáng. Tiếng la hét của lũ trẻ vui chơi vầy nước ở bể bơi vọng đến tai tôi như từ đâu đó xa lắc. Tôi đi qua thế giới này như nó không thuộc về tôi và tôi không thuộc về nó. Tôi ngụp vào làn nước nhờ nhờ đượm mùi clo và chẳng có ý định ngoi lên. Tôi nằm bên cạnh lũ bạn, nghe chúng nói chuyện và thấy những gì chúng nói đều nực cười và vô nghĩa.

Một lúc nào đó tâm trạng ấy tan biến. Một lúc nào đó buổi chiều ở bể bơi trở lại bình thường, với bài tập về nhà và bóng chuyền, hóng hớt và tán tỉnh. Tôi không nhớ là mình vừa đang làm việc gì khi tôi ngước lên và nhìn thấy cô.

Cô đứng cách đó 20 đến 30 mét, mặc quần soóc, áo mở khuy và thắt nút ngang eo, nhìn về phía tôi. Tôi nhìn lại. Từ xa tôi không nhận ra được biểu cảm trên mặt cô. Tôi không nhảy bật dậy để chạy ra chỗ cô. Ý nghĩ thoáng qua óc tôi là cô ra bể bơi làm gì, cô có muốn để tôi thấy mặt hoặc để người khác nhìn thấy cô cùng tôi, liệu tôi có thích để ai thấy mặt cùng cô, tôi làm gì đây khi chúng tôi chưa bao giờ ngẫu nhiên gặp nhau. Sau đó tôi đứng dậy. Trong giây lát ấy, khi tôi rời mắt khỏi Hanna thì cô biến mất.

Hanna mặc soóc và áo thắt nút, mặt quay về phía tôi mà tôi không nhận ra biểu cảm gì - đó cũng là một hình ảnh của cô mà tôi ghi nhớ.


17.

Hôm sau cô biến mất. Tôi đến đúng giờ mọi hôm và nhấn chuông. Tôi nhìn qua cửa, tất cả nom vẫn như mọi khi, và tôi nghe tiếng đồng hồ tích tắc.

Tôi lại ngồi lên bậc thang. Mấy tháng đầu tôi luôn biết rõ cô làm việc trên tuyến nào, cho dù tôi không bao giờ định tiễn hay chỉ định đón cô nữa. Đến lúc nào đó tôi không hỏi cô nữa, cũng chẳng quan tâm làm gì. Bây giờ tôi mới sực nhớ ra điều đó.

Từ trạm điện thoại ở quảng trường Wilhelm tôi gọi tới công ty tàu điện, người ta nối máy mấy lần và cho biết là Hanna Schmitz không đến chỗ làm việc. Tôi trở lại phố Ga, hỏi thăm trong xưởng mộc tên của chủ nhà, nhận được tên và số điện thoại ở Kirchheim. Tôi đi đến đó.

"Bà Schmitz? Sáng sớm nay bà ấy ra khỏi nhà rồi."

"Thế còn đồ gỗ của bà ấy?"

"Đồ gỗ không phải của bà ấy."

"Thế bà Schmitz ở căn hộ ấy từ bao giờ ạ?"

"Liên quan gì đến anh?" người phụ nữ vừa nói chuyện với tôi qua khung cửa sổ liền đóng lại.

Ở toà nhà văn phòng của công ty tàu điện, tôi hỏi đến tận phòng nhân sự. Ông phụ trách tỏ vẻ thân thiện và lo lắng.

"Cô ấy có gọi điện lúc sáng sớm, kịp để chúng tôi kiếm người làm thay, và nói là sẽ không đến. Không bao giờ đến nữa." Ông lắc đầu. "Cách đây hai tuần tôi mời cô ấy đi học nghề lái tàu, vậy mà cô ấy vứt bỏ tất cả."

Mãi mấy hôm sau tôi mới nghĩ ra là phải đến phòng đăng ký hộ tịch. Cô đã chuyển hộ khẩu đến Hamburg, nhưng không cho biết địa chỉ.

Tôi mệt mỏi mấy ngày liền. Tôi cẩn thận để bố mẹ và anh chị không nhận ra chuyện gì. Ngồi ở bàn, tôi góp vài câu, cùng ăn một ít, và nếu bị nôn thì vẫn kịp ra đến phòng vệ sinh. Tôi đến trường và ra bể bơi. Các buổi chiều ở đấy tôi lánh vào một chỗ khuất để không ai nhìn thấy. Cơ thể tôi khao khát Hanna. Nhưng tồi tệ hơn cả niềm khao khát thể chất là mặc cảm tội lỗi. Tại sao khi cô đứng đó tôi lại không lập tức vùng dậy chạy ra với cô! Một giây lát ngắn ngủi đã thâu tóm sự hời hợt của mấy tháng cuối, sự hời hợt khiến tôi phủ nhận cô, phản bội cô. Sự ra đi của cô là đòn trừng phạt giành cho tôi.

Thỉnh thoảng tôi cố tự huyễn hoặc mình rằng người mà tôi nhìn thấy không phải cô. Làm sao tôi có thể chắc chắn đó là cô khi tôi không nhận rõ khuôn mặt. Nếu đó đúng là Hanna thì tôi phải nhận ra mặt cô chứ? Vậy thì tôi không thể chắc chắn đó là cô?

Nhưng tôi biết đó là Hanna. Cô đã đứng đấy, nhìn tôi - quá muộn.


— Hết phần 1 —


Nguồn: Bản tiếng Đức (Der Vorleser) của Nhà xuất bản Diogenes, Zürich 2005; bản tiếng Việt (Người đọc) của Nhà xuất bản Phụ Nữ, Hà Nội 2006.

Bernhard Schlink sinh năm 1944 ở Bielefeld, Đức. Ông học luật ở Heidelberg và Berlin. Hiện là giáo sư luật tại New York và Berlin. Ông viết nhiều sách giáo khoa và tham luận khoa học về luật, đồng thời giữ ghế thẩm phán tại Toà án Hiến pháp bang Nordrhein-Westfalen của Đức.

Tác phẩm: Sau truyện trinh thám đầu tay Selbs Justiz viết cùng Walter Popp được chuyển thể điện ảnh, Bernhard Schlink viết tiếp một loạt truyện tinh thám và đều được giải cao (Die gordische Schleife, Selbs Betrug). Tiểu thuyết Der Vorleser ra đời năm 1995, chiếm ngay vị trí best-seller quốc tế, được dịch ra 38 thứ tiếng và nhận được nhiều giải thưởng từ Ý, Pháp, Nhật... Cùng với tập truyện Liebesfluchten xuất bản năm 2000, Der Vorleser là minh chứng đậm nét cho ngòi bút tầm cỡ thế giới. Năm 1996, Selbs Mord đặt dấu kết cho bộ ba tác phẩm về thám tử tư Gerhard Selb.

Giải thưởng: Bernhard Schlink đã được nhận nhiều giải thưởng văn học, trong đó có: Giải Glauser cho tiểu thuyết trinh thám Die gordische Schleife (1989), Giải Tiểu thuyết trinh thám Đức cho Selbs Betrug (1993), Giải Ngôi sao của năm (Báo Abendzeitung Munich) cho Der Vorleser (1995), Giải Grinzane Cavour (Italia) cho Der Vorleser (1997), Giải Sự nghiệp văn học của báo Die Welt (1999), Bằng danh dự của Hội Heinrich Heine (Duesseldorf, 2000), Giải thưởng của Nhà thờ Tin Lành cho Der Vorleser (2000), Giải văn hoá đặc biệt của nhật báo Mainichi Shinbun (Nhật Bản) cho best-seller của năm Der Vorleser (2000), Giải German-British-Forum cho sự nghiệp văn học (2002), Huân chương Thập tự CHLB Đức cho Der Vorleser (2003)...

Lê Quang sinh năm 1956 ở Hà Nội; 1974, du học ở CHDC Đức; 1980, tốt nghiệp khoa Kiến trúc tại Bauhaus-Universität Weimar; 1981-1988, làm kiến trúc sư tại Erfurt; từ 1988, thông dịch tự do.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài