talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 14.09.2008

Đinh Linh555

Dinh Linh
Đinh Linh

 

Đinh Linh

555

Phan Nhiên Hạo dịch

 

Gói 555 trên bàn tố giác tất cả.

“Tao mời tay đó một ly, Fergie”, tôi nói, chỉ tay về phía người đàn ông cau có đang ngồi cạnh máy tính tiền, gói 555 trước mặt. Đó là một chiều thứ Bảy mùa hè, phần lớn mươi người khách trong bar đang hướng mặt lên tivi. Lenny Dykstra đấu với Maddux, 2-2. Hiệp ba chưa có điểm. Cả ba góc còn trống.

Suốt mười lăm năm lui tới McGlinchey, đây là lần thứ ba hay thứ tư gì đó tôi thấy người Việt. Đại Hàn có, Tàu có, nhưng hầu như không bao giờ gặp Việt Nam. Tôi bước về cuối quầy rượu ngồi xuống cạnh người đàn ông. Tôi mở lời, bằng tiếng Việt: “Tôi tên Bùi”.

“Tôi là Thanh”

“Anh tới đây lần đầu hả”?

“Ừ”.

“Ở đây bán rượu khá rẻ”.

“Vấn đề không phải chỗ đó”, người đàn ông trả lời, hơi kỳ quặc. Y khoảng bốn lăm, da nâu sậm, chắc nịch, mắt nháy liên tục, tương phản với vẻ tập trung cứng đơ.

“Làm một ly”? Tôi hỏi.

“Ừ”.

“Anh uống gì”?

“Gì cũng được”.

“Anh mới uống gì xong”? Tôi chỉ vào chiếc ly thủy tinh thấp trước mặt.

“Tui không biết”

“Vậy sao anh gọi rượu được”?

“Thì tui chỉ vô ông già ngồi bên kia rồi kêu: “Giống vậy’”!

“Cho hai ly Jamersons, Fergie”.

Thanh nhìn tôi, nhấp nháy. “Cậu ở đây bao lâu rồi”?

“Hồi mười một tuổi”, tôi nói, “từ 1975. Còn anh”?

“Bảy tháng”.

“Bảy tháng”!

“Nhìn nè”, anh ta há miệng, “không còn cái răng nào”.

Thật vậy.

“Sao thế”?

“Ở tù”.

“Bị rụng răng”?

“Không, bị đánh”!

“Việt cộng”?

“Việt cộng”.

Tôi cảm thấy buồn cười, rồi xấu hổ. Để xua đuổi cảm giác đó, tôi mời, “làm hai ly nữa nhé”?

“Lần này tôi trả tiền”.

“Hai ly nữa, Fergie”.

Tôi từng gặp một người đàn ông sau chiến tranh bị giam mười ba tháng trong cái lỗ dưới đất. Ông chùi đít bằng những sợi vải rút ra từ áo khoác. Fergie quay lại, Thanh cho hắn năm đô la tiền boa.

“Vậy nhiều quá”, tôi thì thầm khi tay bồi rượu đi khỏi.

“Đã chơi thì tiền bạc không thành vấn đề”, Thanh lạnh lùng nói. Y dụi điếu thuốc, đốt điếu khác. Y đưa tôi một đô. “Bỏ vô máy nghe nhạc giùm được không”?

“Anh thích nhạc gì”?

“Gì cũng được”.

Tôi bước đến máy chơi nhạc bấm Nina Simone, Patsy Cline, Sam Cooke, Dylan, bỏ qua loại nhạc grunge. Lúc quay lại, y nói với tôi: “Bữa nay mới chơi đĩ”.

“Cái gì”?

“Chơi đĩ ở phố Tàu”.

“Ồ”.

“Có một tiệm mát-xa ngay góc đuờng Eleventh và Arch. Bốn chục đô mát-xa, thêm hai mươi đô thổi kèn, hoặc năm mươi đô thay nhớt”.

“Cái gì”?

“Thay nhớt. Cậu xa Việt Nam lâu quá”.

Có lần ở Washington tôi đã trả tiền một em tóc đỏ. “Bữa nay chơi sao”?

“Tui không chơi. Chọn trúng con nhỏ người Việt, nhưng lúc đầu không biết”.

“Thường mấy con nhỏ ở đó đâu phải người Việt”?

“Đúng vậy, toàn Đại Hàn. Vài đứa Tàu, không có Việt Nam. Mỗi tháng lãnh lương hai lần, tui tới thăm một lần, đã năm tháng nay rồi. Mấy con nhỏ không đẹp, nhưng vui vẻ, chỗ đó cũng sạch sẽ”.



Chỗ đó sạch sẽ và em út vui vẻ. Phải dò hỏi mới tìm ra. Trên tầng hai và ba một văn phòng du lịch với những tấm poster sau cửa kính in hình Hongkong, Seoul, Ho Chi Minh city. Kế bên là một tiệm Quảng Đông có bán tỉm sấm sáng Chủ nhật. Tầng dưới, phía trên cánh cửa kính bẩn thỉu, bảng đèn hiệu chỉ treo một chữ Tàu màu đỏ: Phòng tập. Sau cửa kính, chẳng thấy gì ngoài cầu thang lót thảm xanh lục. Một camera gắn trên trụ sắt nhìn dọa nạt. Bấm chuông, tay Đại Hàn canh gác sẽ nhấn nút mở cửa.

Thanh ngồi trên ghế sofa màu xanh, bồn chồn với lon nước ngọt miễn phí lùn tịt. Đang giữa trưa, nhưng cửa sổ sơn kín khiến bên trong lúc nào cũng như đêm. Ba cô gái hở hang, vừa xuống nhà sau một đợt phục vụ, dàn quân trên những chiếc ghế xếp dựa tường đối diện. Một cô che miệng ngáp. Làm việc suốt đêm, họ chỉ đợi một tiếng nữa để về nhà. Tay canh cửa Đại Hàn vạm vỡ, đồng bạc cắt nhét tai, miệng nhai tăm, ngồi ở quầy lau đi lau lại khẩu 22 ly. Thanh không hài lòng với hàng họ trước mặt, hai khách hàng bên cạnh cũng vậy. Ngồi cùng sofa với Thanh là tay đầu bếp tiệm Ho Sai Sai, đồng phục trắng ố vàng vệt dầu mỡ. Trên ghế mềm bên trái, một tay có khuôn mặt trẻ con, khá điển trai, khoảng hai mươi hai. Hắn không dựa ra sau mà gập người về trước, cánh tay đặt trên đùi. Thỉnh thoảng hắn hít hít, quệt mũi bằng mu bàn tay. Người hắn toát mùi bia. Thanh tự hỏi, sao một thằng nhóc như vầy phải mò vô động trả cả trăm đô để chơi? Sao nó không tìm được bồ? Một cô gái bước vào: thấp, vú nhỏ, khuôn mặt hồng ngây thơ, mặc váy ngủ lụa xanh. Cô mỉm cười. Trong khi tay đầu bếp và thằng mặt trẻ còn do dự, Thanh đứng dậy, gật đầu, tiến lại quầy. Y móc ra bốn mươi đô, cởi giày, theo cô gái lên lầu. Cô gái dẫn y qua hành lang, dừng ngang tủ đựng khăn, nhặt một khăn tắm trắng. Những động tác diễn ra lặng lẽ, gần như không đối thoại, rất hợp ý Thanh. Y không bao giờ chọn một cô gái hai lần. Ý tưởng chơi một cô gái hoàn toàn xa lạ có vẻ hợp đạo đức. Không cần vờ vĩnh - y thích điều đó - chỉ chung đụng.

Căn phòng gồm giường nệm lớn và chiếc ghế dùng vắt quần áo, thắp sáng bởi bóng đèn đỏ. Có vòi sen, nhưng không có bồn cầu. Thanh nhanh chóng cởi áo thun, quần jeans, bước vào phòng tắm. Cô gái thử tay dưới vòi nước nóng, xoay nút điều chỉnh. Nước hơi nóng quá, nhưng y chẳng nói gì. Vẫn mặc váy ngủ và quần lót, cô gái đứng né sang bên chà xà bông lên thân thể ướt nước của Thanh. Cô gái kỳ cọ Thanh bằng một miếng bọt biển lớn, dừng lại lâu hơn quanh bộ phận sinh dục. Cô ta làm việc này hiệu năng và máy móc, như người ta rửa xe, như mẹ tắm con, Thanh thật sự cảm động vì sự chăm sóc. Y ngắm cơ thể nhỏ bé, và nhớ lại chuyện xảy ra tối qua: ai đó trên một chiếc xe chạy ngang đã ném trứng vào y. Quả trứng rơi ngay chân, lòng trứng văng đầy giầy. Y chỉ kịp nhìn thấy đứa con gái tóc vàng trong xe. Nó la to câu gì đó.

Cô gái tắt nước, lau khô người Thanh, cầm tay y dẫn lại giường. “Phải ngủ chút”, cô nói. “Thức cả đêm qua. Ngủ năm phút rồi làm”.

Cô nằm úp người, nhắm mắt, mặt quay vào trong. Thanh cương cứng, nằm xuống bên cạnh. Y muốn ngửi tóc cô gái nhưng không dám. Y nhìn chăm chú chiếc quần lót trắng chuyển màu hồng dưới ánh đèn, rồi quyết định lột nó xuống. Cô gái giằng lại. “Lạnh đít”!

“Đụ mẹ”, Thanh chửi.

Cô gái quay người, cau mặt, “Anh người Việt”! Cô nói tiếng Việt.

“Cô cũng vậy”.

Y quơ chiếc khăn che hạ bộ vừa bất ngờ xìu xuống.

“Anh tên gì”?

“Thanh”.

“Còn em”?

“Hương”.

“Tên thiệt là gì”?

“Thì tên thiệt đó”.

Cả hai cười. Mặt cô gái sáng lên.

“Em mấy tuổi Hương”?

“Tại sao tui phải trả lời”?

Hương trông khoảng mười bảy. Thanh nói: “Còn đi học không”?

Hương gật đầu.

“Em làm gì ở đây”?

“Chớ anh nghĩ tui đang làm gì”?

“Em nên ở nhà đi học”.

Hương nhìn Thanh, không biểu lộ cảm xúc. Bằng hai động tác nhanh nhẹn, cô cởi áo ngủ, tụt quần lót. “Làm cho xong đi”, cô nói, “tui còn phải về”.

Thanh vẫn bất động, khăn tắm che hạ bộ. “Em học môn gì”?

Hương bắt đầu khó chịu: “Năm phút nữa tui phải xuống nhà dưới”.

“Anh không muốn chơi”, Thanh nói, “nhưng sẽ trả em tiền giờ”.

Hương tươi tỉnh. “Tui học lịch sử, sinh vật, Anh văn, Pháp văn”.

“Chia động từ être nghe coi”.

“Bộ anh tưởng tui ngu sao”.

“Anh cho thêm năm chục đô nếu em chia được động từ être”.

Hương mím môi kinh ngạc. Cô suy nghĩ một lúc rồi nói, “tui sẽ chia động từ être nếu anh hứa không bao giờ tới đây nữa”.

“Tại sao”?

“Tại tui không bao giờ muốn gặp lại anh”.

“Đuợc rồi”.

Je suis”, Hương thốt ra, bực bội, nhấn từng trọng âm, “Tu es. Il est. Elle est. Nous sommes. Vous êtes. Ils sont. Elles sont”.


Nguồn: Tác phẩm này in trong tập truyện ngắn Thư lạ của Đinh Linh; Phan Nhiên Hạo tuyển chọn và dịch từ nguyên bản tiếng Anh, Nxb. Văn Mới, California, 2007.

Đinh Linh sinh 1963 tại Sài Gòn. Qua Mỹ 1975. Có lúc sống ở Ý và Anh. Theo tự bạch của Đinh Linh, cách đây vài năm, anh đi sơn nhà, rửa cầu tiêu để kiếm ăn, nhưng hiện nay chỉ phải dạy sinh viên Mỹ làm thơ, làm văn tại các trường đại học như Bard College (New York), Fairleigh Dickinson (New Jersey) và Naropa (Colorado). Anh đã được mời đọc thơ ở khắp nước Mỹ và tại London, Cambridge và Berlin. Đinh Linh hiện sống với vợ, Diễm Hằng, tại Philadelphia.

Tác phẩm: Viết bằng tiếng Anh, Đinh Linh là tác giả của hai tập truyện ngắn: Fake House (2000) và Blood and Soap (2004) và ba tập thơ: All Around What Empties Out (2003), American Tatts (2005) và Borderless Bodies (2006). Anh cũng là chủ biên các tuyển tập: Night, Again: Contemporary Fiction from Vietnam (1996) và Three Vietnamese Poets (2001). Anh là dịch giả của tập Night, Fish and Charlie Parker (2006), thơ Phan Nhiên Hạo. Anh cũng đã dịch nhiều nhà thơ, nhà văn Việt sang tiếng Anh, và nhiều nhà thơ thế giới sang tiếng Việt.

Những sáng tác của Đinh Linh đã được tuyển vào Best American Poetry 2000, Best American Poetry 2004, Great American Prose Poems from Poe to the Present, và nhiều tập khác. Blood and Soap được báo Village Voice (New York) chọn là một trong những cuốn sách hay nhất năm 2004 và đã được dịch sang tiếng Ý, xuất bản dưới tựa đề Elvis Phong è Morto (2006).

Những tác phẩm và bài viết tiếng Việt của Đinh Linh được đăng trên các trang Tiền Vệ, talawas, Tạp chí Thơ, Văn Học, Văn, Gió Văn, Hợp Lưu, và Da Màu.

Phan Nhiên Hạo sinh 1967 tại Kontum, Việt Nam, sống ở Hoa Kỳ từ 1991. Học xong khoa Văn Đại học Sư phạm, TP HCM, 1989. Cử nhân văn chương Anh-Mỹ (1998) và cao học thư viện-thông tin (2000) tại University of California, Los Angeles (UCLA). Hiện làm việc trong một thư viện đại học ở Illinois và theo học cao học nhân chủng học văn hoá.

Tác phẩm Night, Fish, and Charlie Parker. Tuyển tập thơ song ngữ, Đinh Linh dịch. Dorset: Tupelo Press, 2006; Chế tạo thơ ca 99-04. Thơ. San Jose: NXB Văn, 2004; Thiên đường chuông giấy. Thơ. Garden Grove: NXB Tân Thư, 1998.

Một số thơ dịch ra tiếng Anh in trên các tạp chí Xconnet, Cutbank, MANOA, Filling Station, The Literary Review…, các tuyển tập: Of Vietnam Indentities in Dialogue, Three Vietnamese Poets.

Website http://www.haophan.net

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài