Đinh Linh |
Ngoài thơ, hai sở trường khác của tác giả chùm "Hậu Việt ngữ" trên talawas chủ nhật mới đây là truyện ngắn và kí. Chúng tôi xin giới thiệu bài kí mới nhất, đậm đặc "chất Đinh Linh" trong kì này.
talawas chủ nhật
Đinh Linh
Loay hoay giữa sa mạc
Cách đây đã gần một năm, tôi và Nguyễn Quốc Chánh có dịp đi ăn thịt dê với Phạm Thị Hoài tại khu thương mại Việt Nam tại Marzahn, Đông Berlin. Khác với những cơ sở làm ăn của người Việt tại California, những gian hàng tại Berlin trông tạm bợ hơn nhiều. Ở phía ngoài binđinh, những bảng hiệu cũng nho nhỏ, chỉ vừa đủ thấy khi đã lò mò vào bãi đậu xe. Tuy hợp pháp, họ sinh hoạt rất kín đáo, gần như bán công khai, như để khỏi làm phiền dân bản xứ. Hôm đó tôi nhớ chắc là ăn thịt dê, không phải cơ mỡ chó, tuy ở Berlin cũng có cái món lằng nhằng, vương vấn kẽ răng của Vũ Bằng. Đã hơn 4 năm tôi mới gặp lại anh Chánh, nên mừng lắm, rồi lại được chị Hoài bao đi ăn, lại càng vui hơn. Nhấm nháp thịt ram bùi, nhậu bia 333, tụi tôi nói chuyện lung tung nhưng rất vô đề. Tôi bảo, “Kỳ này anh Chánh về Việt Nam, phải viết một bài về chuyến đi này.”
“Ừ, phải viết một bài.”
“Người mình đi xa, ít viết du ký,” chị Hoài chêm.
“Chẳng ai thèm viết, chỉ có Đỗ Khờ!”
“Ừ, chỉ có Đỗ Khiêm. Sao anh không viết?”
“Kỳ này qua Anh, tôi sẽ viết cho chị vài bài.”
Lúc đó vợ chồng tôi sắp đi Norwich, nước Anh, sống 9 tháng. Nếu hứa 10 chuyện, tôi làm được 1, 2, 3. Không phải ma lanh, chỉ vì bất lực. Đi đâu tôi cũng hoa mắt, nên không dám lải nhải khi về nhà. Đến một tỉnh lẻ ấm ớ, vô duyên nhất, tôi cũng thấy nó bát ngát, đầy những chi tiết hỗn tạp, mâu thuẫn. Tả vòi thì hụt đuôi, vẽ răng xuyên tạc ngà. Trên đời, muốn viết hoặc nói một điều gì, phải nghĩ đi nghĩ lại ít nhất một tỉ lần. Nếu không, cứ phải đính chính liên miên, khàn cả họng, đứt mạch máu, chết ngay tại chỗ hồi nào không hay. Ai không tin tôi, thử hỏi Nguyễn Duy thì biết. Nhưng nếu không ráng chụp bừa những mẩu đất lạ, chẳng lẽ văn chương Việt Nam chỉ mãi mải mê 36 phố phường, cố đô Huế, lục tỉnh, đắc chí hình chữ S? Gần đây tôi thấy Phan Nhiên Hạo viết vài bài du ký có duyên, sắc nét, nên tôi cũng liều mở laptop, gõ đại, tham gia.
Tôi đang viết những hàng này từ Marfa, Texas. Texas là tiểu bang lớn nhì nước Mỹ. Với 695.622 km², nó chỉ thua Alaska, và to hơn gấp đôi nước Việt Nam. Nhiều Việt kiều sống tại Texas, nhưng phần đông quanh quẩn ở Houston, cách tôi hơn một ngàn cây số, hay 12 tiếng lái xe hơi, tốc độ cao. Tuy không có tên tuổi ở Việt Nam, người Việt nổi tiếng nhất tại Mỹ là Đạt Nguyễn, người Texas.
Người Việt nổi tiếng nhất tại Mỹ là Đạt Nguyễn… |
Hắn sinh năm 1975 trong trại tị nạn Fort Chaffee, Arkansas, lớn lên ở Rockport, Texas, rồi chơi American football cho đội Texas A&M, rồi Dallas Cowboys. Cao 1,8 mét, nặng 108 ký, hắn là một con rồng, cháu tiên xuất chúng theo cả nghĩa đen. Nhưng người Texas được cưng và ghét nhất hiện nay, dĩ nhiên, là trùm George W. Bush. Nông trại 6,4 km² của hắn nằm ở Crawford. Một nhóm chống chiến tranh Iraq thường xuyên đóng đô, biểu tình gần cái cổng căn cứ. Họ noi gương Cindy Sheehan, một bà mẹ có con trai tử trận tại Iraq. Lúc đầu chỉ một mình bà ngồi chực ngoài cổng, đòi gặp Bush, nhưng hắn không thèm tiếp.
Đây là lần thứ tư tôi đến Texas. Mấy kỳ trước, tôi ở Amarillo và Houston. Amarillo khá đặc biệt, cứ ra khỏi xe hay nhà thì ngửi được mùi cứt bò. Y như Phan Thiết, luôn luôn nồng nặc mùi nước mắm, ở Amarillo thiên hạ sống quanh năm suốt tháng, trăm năm trong cõi người ta, chìm đắm trong mùi cứt bò. Texas rất nhiều bò nên sọ bò đã trở thành trang vật để dân treo lên tường hay cột nhà. Vì bò, kẽm gai được phổ biến tại Texas trước mọi nơi. Trước thời du kích đặc công, ăn cơm vò, mặc quần xà lỏn hay miễn mặc quần, cho đỡ vướng, kẽm gai được dùng để răn loài bò chừa tật lang thang, giang hồ. Từ tuổi thơ, tôi cứ thắc mắc tại sao người Việt lại gọi một giống biết đi đứng hẳn hoi là con bò? Việt ngữ quả là một môn rối rắm, bí hiểm, khiến những Việt kiều như tôi, Trần Vũ, Phạm Thị Hoài, Đỗ Kh., Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Trịnh Thanh Thủy, Đinh Từ Bích Thúy, Miên Đáng, Hồ Đình Nghiêm, Nguyễn Quí Đức, Thơ Thơ và Lê Thị Thấm Vân, v.v., không sao mò (bò) nổi. Ờ bờ cờ, lu loa, lu loa. Ờ bờ cờ, lu loa, lu loa.
Nhà thơ tiếng Nga Joseph Brodsky, tiếng Ba Lan Czeslaw Milosz, tiếng Hoa Cao Hành Kiện, nhà văn tiếng Yiddish Isaac Bashevis Singer, tất cả đều xấu số phải trèo khỏi miệng giếng, khóc ròng, vẫy vẫy, sụt sịt, sống hắt hủi lưu vong cả mấy chục năm, không sao nhớ nổi hằng tỉ bài ca dao, vọng cổ, nên Hàn lâm Thụy Điển mới mủi lòng, tội nghiệp, trao đỡ giải Nobel an ủi. Tiểu thuyết gia tiếng Anh James Joyce thì phải linh đinh nhiều năm tại Ý, Thụy Sĩ, rồi Pháp. Dồn quá nhiều ngoại ngữ vào sọ, hắn rặn hoài tiếng mẹ đẻ mà chẳng đâu ra đâu, nên mới viết đại những quyển quái thai như Ulysses hay Finnegans Wake. Bắc Đảo thì nay đây mai đó đã gần chục nước, x(s)ướng ca vô loài, không chịu an phận trong Chinatown để ôn lại Kinh Thi, trau dồi Bát giới, mở tiệm xá xíu, bán chả giò trộn toàn là bắp cải, mà cứ phát ngôn bừa bãi, chống Đảng và dân tộc, rồi cả gan thắng hết giải này đến giải nọ. Paul Bowles thì không thèm nhởn nhơ trong vườn địa đàng bằng nhôm và nhựa của Hoa Kỳ, mà lại chuồn qua Ma Rốc để lầm lì nhích mức truyện ngắn Mỹ. Gertrude Stein, César Vallejo, Samuel Beckett, Julio Cortázar, Milan Kundera, Paul Celan và vài chục vị tiền vệ khác thì nằm vạ ở Paris, không thấy lần về cái gác khỉ ấm cúng, thum thủm, treo lịch quá date tại nhà bu.
Trở về con bò: Marfa thì thưa bò hơn Amarillo nhiều, chỉ vài con tượng trưng. Làng này lấy tên từ một nhân vật của Dostoevsky. Năm 1883, khi đang ráp đường rầy ngang lãnh thổ cằn cỗi, đầy những bụi cây lụp xụp, chia chỉa, xương rồng, rắn độc, nhện độc, con gì cũng độc, bò cạp thì thâm hiểm, quản đốc công ty xe lửa bỗng thấy cây cối mọc khá cao ngay tại đây, thậm chí có cả vài cây thông mát rượi. Biết dưới đất có mạch nước, hắn quyết định lập làng. Bà vợ hắn đang ngốn nghiến quyển Anh em nhà Karamazov [Братья Карамазовы]. Có cảm tình với nhân vật con ở, Marfa, bà đề nghị với chồng là nên đặt tên làng thành Marfa. Quyển Anh em nhà Karamazov xuất bản tại Nga năm 1880, nhưng chỉ 3 năm sau nó đã được dịch sang tiếng Anh, rồi vào tay một phụ nữ theo chồng đi công tác tại một nơi rất hoang dã, loạn lạc. Thời đó, miền Tây Texas vẫn còn nhiều vụ xích mích, nổ súng giữa dân da trắng, da đỏ và người Mễ. Chốn cao bồi mà lị! Cũng hên là mụ không đang đọc dở quyển Thằng ngốc [Идиот]. Nếu vậy, làng đã ra đời với địa danh The Idiot.
Ngày nay, Marfa có khoảng 2.100 người. Ở nhiều tỉnh lẻ tại Texas, căn nhà lớn nhất là toà án. Biểu tượng của pháp luật phải đồ sộ để dằn mặt bọn đeo súng. Cách nay không đầy một thế kỷ, ai bị kết án tử hình thì được đóng vai chính, treo cổ trước toà. Nhốt thì hao khoai tây, thỉnh thoảng miếng thịt, nói chi muối? Cho lủng lẳng một lần một, thì đủ nhớ đời, làm gương chung chung cho con cháu, đồng nghiệp và hậu thế. Dân bu lại xem, nhộn nhịp như hội chợ. Sống tại những nơi hẻo lánh trước thời TV và internet, thiên hạ không có nhiều cơ hội để thưởng thức những trò giải trí rẻ tiền, lố bịch. Ở Marfa, toà án cao 3 tầng, phết màu trái đào. Đứng trên đỉnh mái vòm nhô nhọn, xanh xám, là một tượng gỗ sơn trắng, hình như Nữ thần Công lý, nhìn khá lẫy lừng. Làng có vài quán ăn, sang và bình dân, thư viện cho dân mượn sách miễn phí, một tiệm sách kha khá và hai quán rượu, Borunda’s và Joe’s, tại mép làng, cạnh xa lộ. Mỗi đêm, Joe bật nê-ông đỏ, súc tích chữ BEER, nhử khách trường chinh. Xỉn, xin gút bai, lái cẩn thận nhé, thượng lộ bình an, hẹn gặp lại kỳ sau, nếu chưa lưu thông chết, giết lây vài người giùm tao cho bõ ghét. Đường Mỹ tốc độ cao, nên bảng hiệu thường to tổ chảng. Muốn lai rai, bạn cũng có thể vào siêu thị, mua về nhà, tu. Ở đây không cần công viên hay sở thú. Đạp xe đạp ba phút bất cứ hướng nào, bạn đã được nhập nhoà vào thiên nhiên, để có thể nhông nhỗng với những con nai sừng móc, thỏ cao chân, thỏ co cẳng, heo rừng và vài chục loài chim, kể cả kền kền. Đấy là chưa kể những giống nhược tiểu, vụn vặt như chuồn chuồn, châu chấu và vài loài kỳ nhông sần sùi, có sừng. Ở đây rất nhiều bướm, không cần nhai đậu phộng, hát karaoke cũng thấy bướm. Lái xe, đã mấy lần tôi suýt cán lên một con chim rất lạ, roadrunner, tạm dịch là con chạy đường trường. Mình thon, đuôi chỉa, mặt mày hống hách, lớn gấp đôi con bồ câu, nó gặp rắn thì mổ đầu, rồi xơi như cơm bữa, và có thể chạy với tốc độ 25 km một giờ.
Nhà tại Marfa đủ kiểu. Ở Mỹ, bọn đầu tư địa ốc thường mua một lô đất lớn tại ngoại ô, xây nhà chỉ 3, 4 kiểu cho đỡ tốn. Chúng xen xen những căn này, đánh lận con đen, để dân bớt ngượng phải nằm trong khuôn khổ. A dua với bọn đầu tư, luật địa phương thường cấm dân tự chỉnh nhà theo ý riêng. Ai lên cơn, sơn sảng nhà mình những màu không chuẩn, sẽ bị phạt. Chữ chuẩn, nghe thì nghiêm chỉnh, đạo đức, nhưng thường bị lạm dụng bởi những kẻ hẹp hòi, nghèo trí tưởng tượng, độc tài, nịnh hót. Nhưng nhà tại Marfa thì đủ kiểu, gần như không cái nào y như cái nào. Vài căn khá dị hõm. Có một cái tròn vo, na ná trái bóng đá. Chéo tôi, một vị đã tô những nốt nhạc đen đen lên tường trắng, không biết bản nào? Ngoài vườn, gần như ai cũng trồng cây kiểng, xương rồng mặt bành hay có nhánh, xanh có, tím có, hoa vàng, tím, đỏ, cam, trắng hay hồng, cỏ sa mạc tím nhoà hay màu cát trắng, hắt nắng như ở Nha Trang. Họ bầy đá để trang trí, nịnh khách, chẳng phải bùa phong thủy để hù ma. Sọ bò nhan nhản, đủ 2 sừng, có cái được sơn xanh đỏ cho vui mắt. Vài người đặt xích đu cho con cưng được tâng bốc, cầu tuột cho chúng khỏi kiêu căng. Xe đạp, đồ chơi con nít, họ để ngổn ngang trên bãi cỏ trước nhà, khỏi cần cất. Bạn phải nhớ đây vẫn là Texas, 10 người thì 7 tên xạ thủ, trừ 2, 3 thằng làm thơ, cận thị, đui mắt. Bốc của lạ, bạn sẽ được hồi hương, nằm cạnh Bác ngay lập tức! Có người nuôi dê, ngựa, lừa, bò, gà hay gà tây. Ở đây hiếm mưa, không tiện thả vịt. Lông chẳng mướt, mỏ khô, chúng sẽ than thân, trách phận, cặc cặc cả ngày, điếc cả tai.
Như nhiều vùng quê tại miền Nam nước Mỹ, nhà dân tại Marfa thường có một hành lang nho nhỏ ở phía trước. Dưới mái, họ đặt ghế gỗ, ghế nhựa, ghế đu, ghế lúc lắc gật gù ru ngủ, ghế bành hay xa lông cũ, để ngồi hứng mát và trò chuyện với làng xóm đi ngang. Nhưng ngày nay, hiếm ai bách bộ. Đạp xe quanh làng cả mấy chục lần, tôi chỉ thấy một gã híp pi và một ông già hết xí quách ngồi trước nhà. Ai đi ngang, quen hay không, hắn cũng vẫy vẫy. Thời buổi văn minh, thà co ro trong phòng có máy lạnh, ngồi trước computer để hơ mắt bởi hàng tỉ hình chụp, video người mẫu nam nữ, nóng hổi, còn hơn. Nhà có máy lạnh thu hẹp chu vi con người, tạo điều kiện cho tâm hồn và dương vật săn lại, tập trung, giúp ta ngủ ngon hơn một tí, tuy chỉ một mình. Chính vì vậy mà tại các nơi oi bức, tương đối nghèo, chưa nhiều máy lạnh, thiên hạ chểnh mảng và cởi mở hơn, cả nghĩa đen lẫn bóng.
Trước một căn, tôi thấy tượng một thằng bé da đen. Phong tục để tượng người da đen trước nhà khá thông thường cách đây vài chục năm, nhưng bây giờ tối kỵ. Vùng này hiếm hắc bà con nên chưa ai phản đối. Hồi xưa, người Mỹ còn trưng một tượng tù trưởng da đỏ trước tiệm bán xì gà. Ở đây có khá nhiều trailer home, một loại nhà thùng thích hợp cho dân nghèo, nhất là ở vùng quê. Nhìn ngoài thì sơ sài và không mấy lịch sự, nhưng căn nhà thùng cũng có thể rộng và đầy đủ tiện nghi như nhà bình thường. Người Mỹ có một từ mỉa mai gọi dân sống trong nhà thùng là trailer trash, bọn rác rưởi nhà thùng.
Nhiều người Việt ở Mỹ mấy chục năm nhưng không hiểu một từ lóng tiếng Anh. Bị chúng chửi, họ chỉ ngớ ra hay cười xoà. Mỹ có rất nhiều từ để chửi riêng tất cả các sắc dân trên thế gian, không phải vì họ kỳ thị hơn ta, nhưng vì họ có nhiều cơ hội tiếp xúc với người lạ. Chung đụng thì dễ xích mích, chung chạ không khéo có ngày giết nhau. Cách đây vài năm, tôi thấy một tấm hình rất buồn cười, và rất đáng buồn. Sau khi đi Mỹ về, nhà thơ Thu Bồn ghi chú một tấm hình trong một tập thơ: “Thu Bồn và nhà thơ da đỏ Mỹ.”
Người Mỹ này màu gì thì tôi miễn bàn… |
Người Mỹ này màu gì thì tôi miễn bàn, để bạn tự suy, nhưng hắn phải có tên tuổi đàng hoàng, không phải vì hắn là thi sĩ, hoạ sĩ, hiệp sĩ gì cả, nhưng vì hắn là một cá nhân. Tuy choàng vai ra vẻ thân mật, Thu Bồn chẳng thèm liếc sơ quyển Anh ngữ vỡ lòng, bán có 10.000 đồng tại 2 tiệm sách xịn phố Tràng Tiền, để tiện hỏi tên nhà thơ bạn khi tay bắt, mặt mừng, hay nhờ ai dò giùm nếu ngượng phát âm. Bẽn lẽn, không lời, chẳng lẽ hai bên chỉ rưng rưng nhìn nhau, âm thầm nắn mó như cặp trẻ mới lớn? Nhìn kỹ, tôi thấy chỉ một bên chủ động, mát xa, còn bên kia thì cắn răng (nghĩa bóng) mà chịu. Thấy ai nhe răng toe toét, đừng tưởng họ đang không cắn răng. Viếng bia ôm, người ta còn nhã nhặn, lịch sự hỏi, “Em tên gì?”, trước khi vồ đại. Việt kiều ngớ ngẩn cũng biết lơ lớ, “Chị tên gì?” Tôi không trách Thu Bồn không biết tiếng Anh, tôi chỉ than Thu Bồn đã xem ngoại kiều này như một hiện tượng là lạ, chung chung, “da đỏ,” không phải một cá nhân. Bạn thử tưởng tượng một nhà thơ Mỹ đến Việt Nam, chụp hình với Dương Thu Hương, rồi đăng, “Tôi và nhà văn nữ Việt Nam,” hay hậu kích thật là đáo để, chồm lên người Inrasara, “Tôi và nhà thơ da hơi đen Việt Nam.” Hơn nữa, nếu Thu Bồn, một ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, không phân biệt nổi đen hay đỏ, chẳng lẽ không ai tại Hà Nội có đủ kiến thức tối thiểu để mách khéo hay chỉ trích khi sách lỡ in? Sống quá lâu trong cõi đỏ, chẳng lẽ họ nhìn đâu cũng thấy đỏ? Nhờ có nhiều dịp tiếp xúc với ngoại kiều, mấy em bia ôm, hoành thánh ôm, tiết canh ôm đã gần đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Chính phủ nên khuyến khích mấy em dành vài phút mỗi bình minh, sau giờ làm việc, để mần thơ, nặn văn lai rai, khai thác vốn ngoại giao có thừa. Mỗi năm ta nên tổ chức một đại hội nhà thơ, nhà văn đĩ trẻ, trao vài giải thưởng để mấy em độn vào tiểu sử khi lên báo. Vừa đọc thơ vừa diện áo tắm, một mảnh, hai mảnh hay xỏ đít cũng chuẩn, khoả thân càng tốt, em nào gây ấn tượng nhất, em đó thắng. Nhiều nhà thơ, nhà văn bậc lão nước ta cũng đĩ không kém, chỉ tiếc thiếu cơ hội nháy mắt, cà cạ thường xuyên với những người da đỏ, da đen, mũi lõ hay ti hí từ phương Bắc.
Cái ngu không phải là tội phạm. Nhiều người sinh ra chỉ có ½, ¼ hay 1/8 bộ óc bình thường. Cái dốt cũng không đáng nguyền rủa. Nhiều người phải lao động cả đời, không có một phút để đi học. Nhưng vừa ngu vừa dốt vừa đắc chí, vỗ ngực, tự tôn ta là đỉnh cao trí tuệ loài người, rồi thoải mái phán xét thiên hạ, bay chuẩn, bay không chuẩn, thì bỏ mẹ! Khi tôi gặp Bảo Ninh tại Hà Nội năm 1995, ông ấy nói chuyện thẳng thắn, hồn nhiên, vô tư. Mốt đàm thoại này ở Việt Nam xưa nay rất hiếm. Bảo Ninh bình dân, ở chung cư. Khui bia Hà Nội, rót hai ly Black Label, Bảo Ninh nói toẹt, “Thế hệ của chúng tôi dốt lắm, chẳng biết gì cả. Xưa trong bộ đội, mỗi đơn vị có một chú lính đeo sách trong ba lô, tụi tôi gọi đó là thư viện ba lô, nhưng chẳng ai thèm đọc, dở lắm. Mỗi khi vào được một tỉnh lị miền Nam, tụi tôi thấy nhà nào có sách thì lấy.”
Ở tỉnh lẻ tại Texas, không gì vui bằng đêm thứ Sáu vào mùa Thu, vì lúc đó đội football của trường trung học địa phương thi đấu. Biệt danh khá hài hước của đội Marfa là Sừng ngắn, Shorthorns. Làng nhỏ, có lẽ họ không dám vỗ ngực, tự xưng là sừng dài. Ai dài ai ngắn người đó biết, vào trận rồi tính sau. Đang viết nửa chừng bài này, tôi nghe trống kèn vang tới từ sân vận động, bèn đạp xe đến đó để xem vài phút. Mỗi năm chỉ có 6 trận tại sân nhà, nên gần như ai cũng phải có mặt. Cả nam lẫn nữ, ông già bà cả, con nít chưa đầy 5 tuổi, ai nấy đều ngồi nghẹt khán đài dưới những tháp đèn sáng chói. Nếu chơi ở sân bạn, có khi cách 3, 4 tiếng, nhiều người cũng phải lái xe đến đó để cổ động. Tại mỗi trận, ủng hộ viên của mỗi phe ngồi đối diện nhau tại 2 khán đài riêng biệt. Có câu, High school football is a religion in Texas, football trung học là một phái đạo ở Texas. Trong trò football, trên sân mỗi phe mười một cầu thủ, tất cả đội nón sắt. Húc, đè nhau, họ tranh chấp từng tấc đất. Đội nào xâm nhập vào khu cuối, end zone, của đối phương nhiều hơn thì thắng. Ai thẩy, chạy hay chụp banh bao nhiêu lần, được bao nhiêu thước, đều ghi sổ. Ai làm rớt banh, ai đè, cướp hay phá banh của đối thủ, cũng ghi sổ. Một bảng điểm football, đăng trên mạng hay báo, trông còn phức tạp hơn một phương trình lượng giác học. Không ai chơi môn này ngoài Mỹ và Canada. Tối thứ Sáu, người Mỹ xem football trung học. Trưa và chiều thứ bảy, họ xem football đại học. Nguyên này chủ nhật và tối thứ hai, họ xem những đội football nhà nghề. Những ngày khác thì đã có bóng chày, bóng rổ và hockey để theo dõi đỡ nghiền. Trong trò football, hai phe chơi một tí thì phải ngừng hai ba phút, một tí thì phải ngừng hai ba phút. Những gián đoạn này không phải để cầu thủ giải lao mà để TV dễ quảng cáo. Siêu tư bản mà lị!
Thật sự thì Marfa không phải là một làng điển hình của Texas hay nước Mỹ, mà là một nơi rất đặc biệt, có một không hai. Năm 1971, Donald Judd, một nhà điêu khắc trứ danh, dọn từ New York đến đây. Hắn mê phong cảnh bát ngát của sa mạc tại vùng này, mê ánh sáng trong sạch, mê những dãy núi như xương sống khủng long lô nhô từ mặt đất, mê những hẽm núi sừng sững, ngoạn mục. Tài trợ bởi The Dia Foundation, một cơ quan tư nhân ủng hộ nghệ thuật, Judd mua một số nhà kho tại Marfa, và cả một trại lính bỏ hoang, để biến chúng thành những phòng triển lãm vĩnh viễn. Trong đó hắn bầy cả ngàn tác phẩm của mình và một số bạn bè, đều là những người nổi tiếng như John Chamberlain, Dan Flavin, Richard Long, Carl Andre, Claes Odenburg và Frank Stella… Sự hiện diện của Judd thu hút một số nghệ sĩ khác, và 12 năm sau khi hắn qua đời, Marfa vẫn là một trung tâm nghệ thuật độc đáo, bất ngờ, nằm giữa sa mạc.
Marfa cũng nổi tiếng bởi những đốm ánh sáng huyền bí, hiện lên vào buổi tối giữa sa mạc, cách làng khoảng 12 km. Nhiều nhà bác học đã nghiên cứu hiện tượng này, nhưng vẫn không giải thích nổi. Dân thì suy lung tung, “Đó là những hồn ma da đỏ, hiện về để nguyền rủa chúng ta.” “Không, đấy chính là những phi thuyền đến từ một hành tinh khác.” “Tào lao! Những ánh sáng vớ vẩn này chỉ là hơi gas xì ra từ mặt đất.” “Tụi bay ngu như con cặc! Chính phủ đang thí nghiệm vũ khí mới, bí mật!” Có người ở đây cả đời, nhưng chưa từng thấy. Có người bảo đêm nào chẳng thấy được, nếu muốn. Có một con mẹ còn kể là bị đốm ánh sáng rượt, khi đang lái xe. Hú vía, mẹ lái 200 km một giờ, về nhà thì thấy đít xe bị cháy xém. Nhiều người chờ chực cả đời, nhưng không ma nào thèm rượt, ế bỏ mẹ. Mụ này vừa nốc vài cốc bia tại quán xa lộ, chắc vậy, thì đã được đủ loại ma, ma trơi, ma sói, ma da, ma cà rồng, ma nhe răng, lè lưỡi, ma thuật tình dục rượt vãi cả quần. Một đêm, khoảng 10 giờ, tôi lái xe ra địa điểm dành riêng cho khách hiếu kỳ. Xa lộ tối hù, trời tấp nập sao, tôi vừa lái vừa nghi nghi, không biết có phí thì giờ đi mò ma da đỏ, thà ở nhà xem vi tính còn phê hơn. Vào bãi đậu xe mập mờ, tôi thấy 4, 5 chiếc khác. Chính phủ đã xây 2 phòng vệ sinh, đặt 5 ống nhòm. Trời tối hù, người sống cũng như chết, tôi đi ngang hai, ba cái bóng, nhưng không ai nói gì. Ngoài làng, không đèn đường, ngân hà càng rõ nét, nhưng tôi không thấy phi thuyền, vũ khí hay ma da đỏ nào. Nhìn hoài chẳng thấy gì khác biệt, mọi người bắt đầu trò chuyện. Tôi hỏi thăm một cặp da trắng, trạc 33, người đàn bà quấn mền vì lạnh, người đàn ông cầm bia. Họ từ California, “Còn mày thì từ đâu?”
“Philadelphia.”
“Philadelphia! Xa quá.”
“Tao mới lại đây hai tuần. Tụi bay du khách?”
“Không,” người đàn ông đáp. “Tụi tao đang trình diễn ở Odessa, hôm nay mới rảnh, lại đây chơi.”
“Tụi bay nhạc sĩ?”
“Không, tụi tao tài tử. Tụi tao đang đóng tuồng Much Ado About Nothing của Shakespeare. Còn mày làm gì?”
“Tao viết văn.”
“À, hay quá! Mày viết tiểu thuyết?”
“Tao viết thơ và văn xuôi.”
Tại Mỹ, dân có học sơ sơ rất khoái Shakespeare. Thiếu văn hoá, đọc sách thì nhức đầu, rã rượi cặp mắt, vả lại không có thì giờ, mỗi năm họ đi coi 1 tuồng Shakepeare để bù đắp. Tuồng nào vừa lòng, họ có thể xem đi xem lại cả chục lần. Anh ngữ của Shakespeare đã 400 năm, họ nghe chữ lọt, chữ không, nhưng nhìn những y phục lạ mắt, họ đã thấy đáng đồng tiền, bát gạo, như người Việt mình say sưa phim chưởng vậy. Hàng trăm tỉnh lẻ tại Mỹ tổ chức đại hội Shakepeare mỗi năm để câu khách từ những vùng khỉ ho cò gáy lân cận. Có lần tôi đến Ashland, Oregon, đúng vào lúc có đại hội Shakepeare. “May quá,” tôi bảo, “để ngày mai tao mua vé đi xem.”
“Ngày nào mày xem chẳng được,” thằng bạn tôi, nhà thơ K. Silem Mohammad, nhe răng cười, “đại hội này sẽ kéo dài 6 tháng!”
Tôi nghĩ đến hiện tượng Nguyễn Du của người Việt. Ai cũng có vài câu trong bụng để lẩy sơ cua, nhưng bàn trệch ra một tí thì nhăn mặt, bảo đó chẳng phải thơ. Nói chuyện một chặp, cặp tài tử Shakespeare chúc tôi may mắn trong mọi việc, “Good luck with everything,” rồi đi về. Nhóm nhân công xe lửa, nãy đến đây mò ma, cũng đã biến. Tôi bỗng một mình. Sau lưng, xa lộ yên tĩnh, không động vật nào, người hay thú, sống hay chết. Phía trước, sa mạc đen thẳm, những con dế vẫn dai dẳng, gió thổi mát mặt. Trước khi hai đốm ma rực lên tại chân trời, tôi đã rợn mình. Cách tôi khoảng 1 km, lúc trên, lúc trước dãy núi, chúng chập chờn, nhún nhảy, như hai con đom đóm khổng lồ. Vừa buồn, vừa lâng lâng, mãn nguyện, tôi trèo lên tường đá, cao ngang háng, để xem chúng quấn quít được một phút rưỡi, không hơn, rồi khuất.
Ở khắp nước Mỹ, có cả ngàn làng ma, xưa có người ở, bây giờ bỏ trống. Đến đấy, bạn chỉ thấy những nhà đá thiếu mái, nhà gỗ xiêu vẹo, nghĩa địa lất phất bùn, lấp le sau cỏ lau phất phới. Nhiều nơi xưa có mỏ vàng, mỏ bạc, nhưng dân đành bỏ đi sau khi khoét cạn. Chỉ cần một xa lộ mới, tiện lưu thông hơn cho một nơi lân cận, dân cũng có thể bỏ làng đi. Làng nào vẫn còn một mống, thì trên nguyên tắc chưa phải làng ma. Cách tôi hơn 30 phút có Casa Piedra, nay chỉ còn một bà già độc lập, ù lì, cương quyết, nghe nói khá xinh. Đường đến đó gồ ghề sỏi, chưa tráng, lái hay đạp xe cũng rêm cả đáy mình, nên tôi miễn đến thăm.
Ai bảo những dãy núi ở đây chỉ như xương sống khủng long? Thằng nào nói vậy, thằng đó láo. Xin cho phép tôi đính chính: có cái hình nón lá, có cái hình nón vải, có cái đỉnh không nhô mà phẳng như mặt bàn, có cái mang máng bướu người hay lạc đà, có cái dựng đứng như huyền thoại. Tại Tây Ninh có một núi Bà Đen, tại đây có vài trăm chị em đen, xanh xậm, xanh lợt, đỏ đằm thắm, nâu chất phác, vàng cứt ngựa. Tại Tây Ninh chỉ có một cái u nên khó so sánh, không đẹp cũng phải đẹp. Nếu lỡ quờ quạng, lảo đảo vào động mà chỉ thấy tủm tỉm một ả trực ca đêm, thì không xinh cũng phải xinh. Viếng Tây Ninh, tôi để ý nhiều cô gái đen đuốc, có duyên, nhưng không gặp một bà nào có nước da bánh mật hoàn toàn thuyết phục. Vương Hồng Sển bảo là bà đã bị một thằng nào thỉnh từ lâu. Đang bàn dãy này, tôi đã lỡ nhảy qua ngọn kia. Không khéo, vấp chân, có ngày té dập mặt. Tôi còn định nhắc đến dãy núi chùa Hương, đẹp không thể tả, nhưng thôi, để bữa khác. Bây giờ tôi xin trở lại Texas.
Việc Dia Foundation bảo trợ Donald Judd cho ta thấy rằng tư bản không chỉ biết chà đạp, hút máu nhân công, mà cũng thường xuyên ưu đãi vài nghệ sĩ. Một cơ quan khác, cũng của tư nhân, The Lannan Foundation, thì lại mời những nhà văn, nhà thơ đến Marfa sống 1 hay 2 tháng để sáng tác, rồi trình diễn đọc văn cho dân làng. Hollywood cũng đã quay phim tại Marfa. Nổi tiếng nhất là Giant (1956), với sự đóng góp của Elizabeth Taylor, Rock Hudson và James Dean. Đây là phim cuối của the rebel without a cause, kẻ quậy phá vô mục đích. Dean lái xe, bị tai nạn chết trước khi phim ra mắt. Tại khách sạn Paisano ở Marfa, xây kiểu Mễ năm 1930, nhiều lữ khách yêu cầu thuê phòng nơi James Dean hay Elizabeth Taylor đã ngáy ngủ, xem TV hồi xưa. Phòng Taylor mắc hơn vì bự hơn. Nhiều phụ nữ lớn lên tại Sài Gòn trước 1975 vẫn thỉnh thoảng nhắc đến Ê Li Da Bét Tây Lơ. Mấy mụ sồn sồn này nhớ hoài vai nữ hoàng Cleopatra của Taylor. Phim chiếu bên Mỹ năm 1963, nhưng mãi đến 1974 mới rầm rồ vào những rạp Sài Gòn. Diện áo dài mốt kiểu bà Nhu, những tú sinh trưởng giả, bán trưởng giả trường Gia Long, khi trông cảnh vua chúa trên màn ảnh thì thấy mình cũng nữ hoàng không kém, cũng biết tô lông mày thật đậm, cũng lông mi giả, nốt ruồi duyên, cũng được hầu hạ, dạ dạ vâng vâng, ở nhà, nên hơn 30 năm sau vẫn nhắc lại kỷ niệm đẹp này.
Khoảng 70% dân Marfa là gốc Mễ, 30% da trắng. Lại đây 2 tuần, tôi chưa thấy một người da đen hay da vàng nào. Tỉnh bên cạnh, cách đây 40 km, có một nhà hàng Tàu. Nơi nào nhiều người Mễ, rất khó đếm dân. Họ vượt biên thường xuyên để kiếm sống, rồi ở lậu với đồng hương hay bà con. Khác với Việt Nam và một vài nước khác, ở Mỹ ai muốn ở đâu thì ở, không phải đăng ký với công an. Công dân của một nước nghèo nằm cạnh đế quốc, nhiều người Mễ coi biên giới Mễ/Mỹ như một thử thách và cám dỗ. Mấy năm gần đây, họ càng tràn qua nhiều hơn. Người Mỹ có từ mỉa mai gọi dân Mễ là wetbacks, bọn lưng ướt, vì phần đông phải lội qua sông Rio Grande để luồn vào Mỹ. Rio Grande có nghĩa là “Sông Lớn” trong tiếng Tây Ban Nha. Nó chỉ cách Marfa hơn một tiếng lái xe. Tôi đã mò đến Rio Grande để thò chân xuống mặt nước óng ánh màu đất sét, nhìn âu yếm qua Mexico. Đúng là thùng rỗng thì kêu to. Tôi đã thấy sông Seine, Thames, Clyde, Arno, Tiber, Isar, Spree, Hudson, Potomac, Mississippi, Willamette, Bạch Đằng, Cửu Long, Sông Hồng, nhưng tôi chưa từng thấy một con sông nào không xứng đáng chữ “sông” như sông Rio Grande. Tôi đã giáp mặt với nó tại ba bốn khúc, và chỗ nào tôi cũng có thể dễ dàng bơi qua. Bề ngang của Rio Grande có nơi chỉ 7, 8 mét, đi bộ cũng được, chỉ ngại ướt lưng.
Sông Rio Grande |
Hai lần tôi lái thẳng qua cầu để đến Ojinaga, một tỉnh Mexico với 20.000 dân số, ngay bên kia bờ Rio Grande. Công an Mễ tại trạm kiểm soát chỉ vẫy chào, không cần xét giấy tờ. Vừa qua bất cứ biên giới nào, lòng tôi cũng phấn khởi, cho dù địa lý của hai bên y như nhau, và con người, kiến trúc cũng chưa mấy khác biệt. Tuy đã được thương lượng bằng xương máu, biên giới vẫn là một định thể phi lý. Đứng bên này, không ai hiểu tại sao mình không được qua bên kia. Nếu ai vẽ một lằn dưới đất, bảo đó là biên giới, cấm qua, thì ta lại phải đạp qua. Mỗi năm, gần 500 người Mễ chết trên đường vượt biên, phần lớn vì kiệt sức và đói khát trong sa mạc, nơi mà nhiệt độ vào mùa hè có thể lên đến 46C ban ngày, nhưng lại sụt xuống dưới 15C ban đêm.
Ở lậu tại Mỹ, người Mễ làm toàn những việc thấp hèn, lương rẻ mạt, không giám ú ớ than phiền, đòi quyền lợi gì cả, nên chủ Mỹ rất hài lòng. Đàn ông làm ruộng, làm vườn, nấu nướng, rửa chén, dọn bàn trong nhà hàng, đàn bà thì giữ con nít hay lau chùi nhà cửa. Giới lao động Mỹ, không cần biết trắng, đen hay vàng, thậm chí nhiều người Mỹ gốc Mễ, không hài lòng với tình trạng này, vì lương họ không thể nào nhích lên. Nước Mỹ tuy bình đẳng nhưng, như tất cả các nơi trên thế gian này, có người vẫn bình đẳng hơn người khác, như chủ phải luôn luôn bình đẳng hơn tớ, chẳng hạn, nên tuy giới lao động Mỹ rất bất mãn, thậm chí phẫn nộ, chính phủ Mỹ vẫn làm lơ, để mấy trăm ngàn người Mễ qua lậu mỗi năm.
Lần đầu đến Ojinaga, không bản đồ, tôi theo bảng đường chỉ “centro” để lái xe đến quảng trường ngay trung tâm. Vì ảnh hưởng Tây Ban Nha, tất cả thị trấn Mễ đều có một quảng trường trước nhà thờ chính. Đây là nơi dân tụ tập, ngồi hứng gió, trò chuyện với nhau. Khác người Mỹ, người Mễ thích sinh hoạt cộng đồng, ngoài trời. Như người Việt, họ có nhu cầu la cà, dòm thiên hạ qua lại. Người Mễ sơn nhà màu xanh dương, xanh vỏ chanh, cam, vàng, đỏ, hồng, rực rỡ hơn Mỹ nhiều. Nhà của họ cũng khít lại với nhau, không riêng biệt như ở Mỹ. Người Mỹ chỉ chịu gần gũi, chung đụng tại những thành phố lớn. Có ít đất, họ tách ra ngay, càng xa càng tốt.
Đi bộ lòng vòng quanh trung tâm Ojinaga, tôi không thấy trắng, đen, vàng hay du khách, chỉ toàn dân địa phương. Tôi thấy hai sạp đánh giày, mỗi cái 6 ghế trên một bục như sân khấu. Đàn ông Mễ vùng này ưa đội nón cao bồi màu trắng, đan bằng cói, chứ không phải nỉ như bên Mỹ, và đi giày bút. Giày da mắc tiền, đóng cầu kỳ, nên phải săn sóc kỹ lưỡng. Nguyên nghĩa “cao bồi” chỉ là thằng chăn bò, nhưng vào Sài Gòn thời chiến, nó hoá thành một tên ba gai, kên kên, phì phèo thuốc lá, đảo Honda ẩu, chọc gái. Tại một góc đường, tôi thấy một sạp bán báo, sách trinh thám, sách hình, thuốc lá và kẹo. Tại những góc khác, một bà bán hoa, một anh bán nước. Trên con lươn giữa đường, cả trăm lá cờ được cắm xuống đất, bày bán để chuẩn bị cho lễ Quốc khánh. Mexico có nhiều di tích lịch sử, kim tự tháp từ 2.000 năm đổ lại, những nhà thờ Barôc đồ sộ từ thế kỷ 17, 18, nhưng ở Ojinaga thì không. Như tất cả thị trấn Mễ tại biên giới, Matamoros, Nuevo Laredo, Juarez, Tijuana, Ojinaga có rất nhiều nha sĩ. Đi đâu cũng thấy chữ “dentista.” Chuyên nghiệp, khéo tay nhưng rẻ mạt, nha sĩ Mễ mở phòng răng tại đây để câu khách Mỹ. Ở Mỹ 26 năm, tôi chỉ khám răng vài lần vì quá mắc. Về Việt Nam, tôi mới dám há họng, sửa sơ cái mồm. Tại Juarez và Tijuana, đối diện hai thành phố lớn Mỹ, El Paso và San Diego, dân Mỹ tràn qua mỗi đêm để vào những bar nhảy cởi truồng, nhậu bia Corona, rượu tequila đến phát ói, chơi ma túy và đĩ. Làm thợ may tại Mễ, 25 đô một tuần. Sành ăn mặn, húp lặn, chịu nhột, nằm ngửa, thỉnh thoảng úp, trói đối tượng, quất roi theo yêu cầu, 600 đô một đêm. Tại nhiều nước nghèo, dân dễ phụ thuộc vào cái vốn có sẵn, trời ban, không cần đào tạo. Có lẽ vì vậy mà người Việt vẫn thấy Truyện Kiều thấm thía sau gần 2 thế kỷ, không phải vì ngôn ngữ trau chuốt gì cả, thôi thì lỡ một lầm hai, mà vì cốt chuyện đến nay đã quá quen thuộc, như một ai trong gia đình, như hai bàn tay trắng, như số phận bấp bênh, luôn luôn lệ thuộc vào kẻ khác.
Tôi đến Ojinaga vào buổi trưa nên nhiều tiệm đóng cửa. Ở những tỉnh lẻ bên Ý, Pháp và Tây Ban Nha, thiên hạ cũng đóng cửa tiệm để ngủ trưa. Ló đầu vào một quán ăn, tôi thấy một mụ lau nhà, bèn hỏi cộc lốc, “¿Abierto?”
Tôi ngồi xuống, dò thực đơn, 10 chữ suy được 3, chỉ bồi bàn món pollo, thịt gà. Như mọi thứ trên đời, món nào biết tên thì ta kêu, ngon dở không cần biết, món nào không biết tên thì ta lờ hay trề môi. Biết một, ta ăn một; biết hai, ta nhai hai. Nhìn tôi, bồi bàn xổ một tràng liu líu, đại khái là hôm nay không có pollo, rồi đề nghị một thứ gì tôi chẳng hiểu khỉ khô. Tôi gật đại cho qua chuyện, “Si, si.” Trong tiệm, mỗi mình tôi là khách. Trên TV, một vở kịch sến. Tôi nhìn ra ngoài đường, thấy một bà mẹ trẻ dẫn con đi dạo. Sau một phút, bồi bàn đem lại một dĩa thịt dê, với đậu nhuyền và cơm nấu với xốt cà chua. Hắn cũng cho tôi một mâm bánh bắp dẻo, tortilla, để cuốn thịt khi ngán cơm. Tôi kêu thêm “cerveza” để uống. Mỗi lần cạn bia, tôi lại hớn hở, “Uno mas, por favor!” Vừa ra khỏi Mỹ, đi đâu cũng vậy, Mỹ châu, Âu châu, Á châu, Phi châu, Bắc hay Nam cực, có lẽ cả trên mặt trăng, tất cả những thứ căn bản, thịt, rau, trứng, đều ngon hẳn. Vì người Mỹ bơm, xịt và chích cả trăm chất hoá học vào rau cỏ và gia súc, cái gì của họ trông cũng hấp dẫn, to béo, rực rỡ, xanh đỏ khác thường, nhưng ăn vào thì vô vị. Một chục quả trứng Mỹ không bằng một lòng đỏ An Nam. Muốn ăn uống tử tế tại Mỹ, bạn phải đi chợ tại những tiệm đặc biệt, rất mắc, nơi mà hàng hoá được quảng cáo, cam kết là “all natural,” hoàn toàn thiên nhiên. Hoá ra tất cả những thứ tại một siêu thị bình thường, thịt heo, bò, gà, rau cải và trái cây, chỉ đại khái hay mang máng thiên nhiên. Andrei Codrescu, nhà thơ Mỹ gốc Lỗ Mã Ni, phiếm, “Muốn ăn ngon bằng những nước nghèo, người Mỹ phải tốn thật nhiều tiền.”
Tờ 100 pesos |
Đến lúc tính tiền, bồi bàn đưa hoá đơn 90 pesos. Tôi lò mò trong bóp, xoè tờ 20, không phải để trả giá mà vì nhìn tiền lạ không quen. Hắn lắc đầu, bật cười, chỉ tờ 100. Tôi cũng bật cười. Tờ 100 pesos có hình một vị nào nhìn quen quen. Người Mễ cũng tóc đen, không lông ngực, tổ tiên đến từ Á châu… À, tôi sực hiểu! Tại bến Bạch Đằng, sông Sài Gòn, có tượng Trần Hưng Đạo đứng trên đài, trỏ ngón ra khơi. Ai cũng bảo người anh hùng họ Trần đang khuyên dân vượt biên. Hoá ra chính Trần Hưng Đạo cũng đã tẩu thoát từ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đến Mễ, ngài hiện lên tờ 100 pesos.
Nước Mễ rất nghèo so với Mỹ, nhưng đối với Việt Nam, họ giàu to. Trên những con đường tại Ojinaga, tôi chỉ thấy những xe tư nhân bốn bánh, phần đông khá mới, chứ không một chiếc hai bánh nào. Tôi cũng không thấy những đứa bé lem luốc, bán vé số tại những quán nước. Sống tại một xứ nóng gần bằng Việt Nam, người Mễ vẫn ăn mặc gọn gàng, chỉnh tề. Tuy vậy, nước Mễ đang bị khủng hoảng, một phần vì lợi tức từ dầu hoả mỗi ngày mỗi sụt, nhưng chính là vì Thoả ước Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Thoả ước này cho phép Mỹ xuất cảng bắp qua Mexico. Bắp Mỹ được chính phủ Mỹ phụ cấp, nên bán quá rẻ, nông dân Mễ không thể cạnh tranh. Bị phá sản bởi giặc ngô, người Mễ tràn qua Mỹ.
Bắp là lương thực chủ yếu của người Mễ. Nghiền bắp thành bột, họ làm đủ loại bánh bắp dẻo để cuốn thức ăn. Họ ăn bắp như ta ăn cơm. Quanh bàn thờ Đức Mẹ, Chúa Giê-su, thỉnh thoảng họ còn treo những củ bắp. Thậm chí tổ tiên họ thờ bắp. Có lẽ tôi cũng thờ bắp. Sống ở Sài Gòn từ năm 1999 đến 2001, lâu lâu tôi phải mò xuống quán Tex Mex trên đường Lê Thánh Tôn, để thưởng thức những món Mễ. Tiệm này không thuần túy cho lắm, nhưng tôi đớp đại cho đỡ nghiền. Về Mỹ, tôi liền mò đến một tiệm ăn Mễ ở San Jose. Tại sao chính phủ Mỹ lại phải đài thọ nông nghiệp trồng bắp? Coke, Pepsi và hàng trăm công ty thức ăn, nước uống Mỹ đều dùng si rô bắp, corn syrup, để pha ngọt. Súp hộp, xúc xích, bò khô, bánh kẹo, sữa chua Mỹ, tất cả đều dùng si rô bắp, tuy chất này rất có hại cho cơ thể, khiến nạn béo phì ở Mỹ, và cả thế giới nữa, càng ngày càng trầm trọng. Nhưng vì công nghiệp và chính phủ Mỹ đang a dua với nhau, những người Mỹ quá tải đều phải đóng thuế để dễ được lâm bệnh, rồi chết sớm.
Khoảng 1/4 nước Mỹ là đất Mexico hồi xưa. Người Mễ nhìn qua Mỹ, thấy toàn những địa danh của họ: Los Angeles, San Jose, San Francisco, San Diego, Sacramento, San Antonio, Reno, Las Vegas… Chỉ cách đây 150 năm, Mexico mất ½ lãnh thổ sau chiến tranh Mỹ xâm lăng. Vết thương này, nhiều người Mễ không bỏ qua. Tại vài xóm Mễ ở Mỹ, thỉnh thoảng bạn có thể thấy những khẩu hiệu khiêu khích vẽ lên tường bằng tiếng Tây Ban Nha, như Por la raza todo, fuera de la raza nada, Tất cả cho chủng tộc, không gì cho ngoại chủng. Nhiều người Mễ còn coi việc di cư sang Mỹ như chiếm lại, reconquista, một vùng đất của quê hương. Theo một thống kê năm 2002, 58% người Mễ nghĩ rằng vùng tây nam của Mỹ vẫn thật sự là đất Mễ, và người Mễ nên có quyền sang Mỹ, không cần giấy phép. Ngược lại, 68% người Mỹ ủng hộ việc đặt lính tại biên giới, giúp cảnh sát ngăn chặn người Mễ xâm nhập. Một số thường dân Mỹ đã tự tổ chức, tình nguyện canh rình tại biên giới. Ngồi trong xe hơi hay trên ghế bố dưới bóng cây, thường thường trên một ngọn đồi, họ cứ dao dác, thô lố cái ống nhòm, thấy ai lang thang giữa sa mạc thì kêu cảnh sát bằng điện thoại di động. Với 300 triệu dân, nước Mỹ có khoảng 13 triệu người ở lậu, 60% con số đó là người Mễ.
Hai lần lái xe từ Ojinaga về Marfa, tôi đều bị cảnh sát Mỹ chặn lại để rà xe và hỏi thăm. Họ nhìn hộ chiếu tôi một cách nghi ngờ. Như tất cả người Việt, tôi bỗng hiền hẳn khi phải trò chuyện với cảnh sát, nhưng lần thứ hai, khi một tên ba trợn giữ tôi lại khá lâu để nhìn đi nhìn lại giấy tờ và hỏi những câu hoàn toàn ngớ ngẩn, tôi cũng rất bực mình. Hắn khá lùn, hớt tóc đinh, mặt mày chăm chăm, đại khái ngoại hình rất giống tôi. Mấy thằng lùn đều láu cá, tôi tự nhủ. Nhỏ con, mặc cảm, hận đời, dễ giật mình, thằng lùn nào cũng chỉ muốn chứng minh cho thế giới là hắn không thực sự lùn. (Chỉ lùn bên ngoài, không lùn bên trong. Nhìn thoáng thì lùn, nhìn kỹ không lùn.) Đầy tự ái, tự ti, tự tử (nghĩa bóng), mấy thằng lùn không nên làm những nghề nhiều cơ hội lạm dụng quyền lực, như cảnh sát, chẳng hạn. Đưa súng lùn cho một thằng lùn, hắn bắn lung tung, mệt lắm. Mấy thằng lùn chỉ nên làm những nghề nhẹ nhàng, khuất mắt, như thi ca chẳng hạn, những trò không ai thèm đếm xỉa đến. Mấy thằng lùn chỉ nên ngồi nhà, làm thơ lùn, không nên vênh váo ngoài đường, làm phiền thiên hạ. Bàn chuyện thi ca, tôi bỗng nhớ đến một loài cóc, spadefoot toad, tạm dịch là cóc chân thuổng, sống tại vùng này. Con cóc chân thuổng thường ngủ dưới đất. Phải mưa bão lớn lắm, hắn mới chịu thức dậy, bò lên mặt đất để kêu ộp ộp một chuỗi âu sầu, Ò, ụp, ò, ụp, có vần hẳn hoi. Nếu không mưa gió hà rầm bẻ cành, đốn cây, hắn có thể ngủ luôn đến tận thế… Có lẽ tên cảnh sát này nghi tôi là một tên xã hội đen, đang chuyên chở ma túy. Đã hơn chục năm tôi không hút bồ đà để trấn an tâm thần, không hít bạch phiến để lấy tinh thần, không nuốt những viên speed để có sức làm việc thâu đêm, không thả acid để được gần gũi với trời Phật và những đấng linh thiêng linh tinh khác, vậy mà thằng lùn này vẫn cứ níu tôi lại, thật là oan!
Bạch phiến từ Colombia đến Mỹ qua biên giới Mexico. Mỗi năm chính phủ Mỹ tịch thâu khoảng 110 tấn, nhưng phần lớn lọt qua. Chỉ cần một ký bạch phiến, bạn có thể tậu một căn nhà thùng hạng bét, sống kiểu rác rưởi. Có khoảng 25 ký, bạn giàu to. Làm áp phe lớn thì dĩ nhiên phải có sự thông đồng, tay trong, mới dễ thành công. Trên đời, chẳng có gì oái oăm, chỉ hàng vạn những hiểu lầm lớn hay nhỏ. Nếu trí thức có thể mù mịt một cách ngoạn mục, thầy cô có thể dạy con em cho càng ngày càng đần độn, tu sĩ có thể vô đạo đức, dâm tà, thì cảnh sát bài trừ ma túy cũng phải làm tròn bổn phận làm chồng, làm cha, lo thật chu đáo cho tuổi về già, ai biết bao giờ mình sẽ ngủm? Dư dả chút đỉnh, ta còn có cơ hội làm từ thiện, đóng góp cho cộng đồng. Vì vậy, vào năm 1991, xếp cảnh sát vùng Marfa, Rick Thompson, bị kết tội vận tải vào Mỹ hơn 2 tấn bạch phiến, giấu trong xe chở ngựa. Hắn đang nằm tù chung thân.
Cuối cùng, thằng lùn cũng phải cho tôi đi, để lái xe về căn nhà này. Một đêm lại đến. Ngoài cửa sổ, những con dế rên rỉ. Cách đây vài phút, xe lửa lại đi ngang, hú còi inh ỏi. Mỗi ngày đêm, xe lửa chia đôi làng này hơn một chục lần. Những đoàn xe dài thăm thẳm, chở hàng Trung Quốc, Nhật, Đại Hàn, Hanjin, China Shipping, từ những cảng Thái Bình Dương vào nội địa. Món gì cũng vậy, xài vài chặp thì phải dục sọt rác, tu bổ phí công, chẳng gì bền hơn 2, 3 chớp mắt. Tôi đang ngồi một mình, trước vi tính. Trong căn nhà rộng rãi, khang trang này, nhà thơ Robert Creeley chỉ sống có vài hôm cách đây một năm rưỡi, trước khi chết vì bệnh viêm phổi tại một nhà thương gần đây. Như hắn, tôi cũng được mời đến Marfa bởi The Lannan Foundation để loay hoay, viết những bài như vầy. Chỗ nào cũng đáng thăm ít nhất một lần, nhưng nhiều nơi thực sự không đáng sống. Ngược lại, có vài chỗ nếu phải chết cũng không thấy uổng mạng.
Tại mép làng có một bãi tha ma. Ai sang thì được nằm dưới bia đá, ai hèn thì phải phớt tỉnh, tạm nghỉ dưới thánh giá gỗ. Kẻ nào còn thân nhân ân cần thì được chậu hoa mủ, cờ hoa nếu cựu chiến binh, lâu ngày nghiêng ngả bởi gió thổi. Đây đó tượng Chúa, Đức Mẹ hay ông thánh này, bà thánh nọ, thiên thần vớ va vớ vẩn, cũng bắt đầu xiêu vẹo, mẻ mũi, tróc sơn. Cũng như con cóc chân thuổng, cũng như tất cả loài khác, con người cũng bỗng hiện lên trên mặt đất, hát lạc giọng vài bài lãng xẹt, khuơ khuơ nón khuyên tiền, kiện cáo, cãi cọ vài hồi, rồi biến mất.
© 2006 talawas
Các bài liên quan
- Ngôn ngữ là một cái que trong bóng tối
- Việt Nam đã trở thành một phản ảnh mù quáng về nước Mỹ
- Trăm năm trong cõi đồi truỵ
- Đọc thơ ở Philadelphia
- Thơ tiếng Anh của Đinh Linh trên Green Integer
- Thơ tiếng Anh của Đinh Linh trên MIPOESIAS
- Thơ tiếng Anh của Đinh Linh trên Jacket magazine
- Thơ tiếng Anh của Đinh Linh trên Tool a Magazine
- Thơ tiếng Anh của Đinh Linh, thu âm trên MIPORADIO
- Truyện ngắn tiếng Anh của Đinh Linh trên Jacket magazine
- Nhà thơ Susan M. Schultz viết về Đinh Linh
- Thơ Đinh Linh, dịch sang tiếng Đức bởi Gerd Burger
- Thơ Đinh Linh, tự dịch sang tiếng Ý
- Những bài viết và tác phẩm của Đinh Linh trên Tiền Vệ
- Đèo đeo biên giới
- 555
Đinh Linh sinh 1963 tại Sài Gòn. Qua Mỹ 1975. Có lúc sống ở Ý và Anh. Theo tự bạch của Đinh Linh, cách đây vài năm, anh đi sơn nhà, rửa cầu tiêu để kiếm ăn, nhưng hiện nay chỉ phải dạy sinh viên Mỹ làm thơ, làm văn tại các trường đại học như Bard College (New York), Fairleigh Dickinson (New Jersey) và Naropa (Colorado). Anh đã được mời đọc thơ ở khắp nước Mỹ và tại London, Cambridge và Berlin. Đinh Linh hiện sống với vợ, Diễm Hằng, tại Philadelphia.
Tác phẩm: Viết bằng tiếng Anh, Đinh Linh là tác giả của hai tập truyện ngắn: Fake House (2000) và Blood and Soap (2004) và ba tập thơ: All Around What Empties Out (2003), American Tatts (2005) và Borderless Bodies (2006). Anh cũng là chủ biên các tuyển tập: Night, Again: Contemporary Fiction from Vietnam (1996) và Three Vietnamese Poets (2001). Anh là dịch giả của tập Night, Fish and Charlie Parker (2006), thơ Phan Nhiên Hạo. Anh cũng đã dịch nhiều nhà thơ, nhà văn Việt sang tiếng Anh, và nhiều nhà thơ thế giới sang tiếng Việt.
Những sáng tác của Đinh Linh đã được tuyển vào Best American Poetry 2000, Best American Poetry 2004, Great American Prose Poems from Poe to the Present, và nhiều tập khác. Blood and Soap được báo Village Voice (New York) chọn là một trong những cuốn sách hay nhất năm 2004 và đã được dịch sang tiếng Ý, xuất bản dưới tựa đề Elvis Phong è Morto (2006).
Những tác phẩm và bài viết tiếng Việt của Đinh Linh được đăng trên các trang Tiền Vệ, talawas, Tạp chí Thơ, Văn Học, Văn, Gió Văn, Hợp Lưu, và Da Màu.