talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 08.04.2007


Đỗ Kh.Gừng đi bỏ phiếu


Do Kh
Đỗ Kh.

Trong một sự sung túc đáng kinh ngạc của ngôn từ và trí tưởng tượng, Đỗ Kh. không những viết văn, mà còn tạo nên một trọng lượng không thể coi nhẹ của một hỗn hợp khéo léo pha trộn sự trôi chảy, hài hước và sắc sảo. Đọc các bài ký (đặc biệt rõ ở Gừng đi bỏ phiếu mà talawas chủ nhật đăng kỳ này) của Đỗ Kh., khó ai có thể đoán trước được ở câu văn tiếp ngay sau mình sẽ rơi vào đâu, vào sự kiện có thật, điều kiện cần để có được một tác phẩm ở dạng ký, hay vào sự hư cấu tinh giản và rất đáng tin (nhờ vào một logic hết sức chặt chẽ và hiếm thấy), điều kiện đủ để những gì một nhà văn viết ra trở thành một tác phẩm văn chương. Tất cả những điều đó xây dựng tính bất ngờ của văn Đỗ Kh. và khẳng định chỗ đứng ở giữa hư cấu và phi hư cấu của nhà văn Đỗ Kh.

Đỗ Kh. còn làm người ta thích thú (hoặc là… phát hoảng), vì bị/được liên tiếp lôi kéo vào ma trận hằng hà sa số chi tiết. Viết bình luận tin tức thế giới như một nghề (đã từng thực hành trên báo chí in ở Việt Nam - dưới một cái tên khác), Đỗ Kh. nhảy một bước (qua mương cạn) vượt ra khỏi lối du ký dễ gây nhàm chán của những miêu tả ấn tượng (thường là bàng hoàng), cảm xúc (thường xuyên nhịp nhàng theo điệu lắc phương tiện giao thông công cộng), và phong tục, thổ nhưỡng, cộng với những cái tên địa danh cũ mòn vẹt trong những sách Lonely Planet. Chọn cách đó, nhà văn thích bôn ba (những vùng nóng bỏng, nhưng nhất là những khu du lịch phóng dật, thậm chí là các quán cà phê Hà Nội) của chúng ta buộc lòng phải giải quyết một vấn đề không hề nhỏ như nó tỏ ra ở bên ngoài: làm cho những cái tên xa xôi không chút thân thương (thân thương thì phải như là Paris vườn Luxembourg có lạ gì không hay Bruxelles trời mưa âm u bao giờ mới tạnh) thành ra quen thuộc, và, cũng có thể, thân thương. Đỗ Kh. làm điều này một cách thoải mái, gọi Ginger là Gừng (thậm chí còn bịa hẳn ra một lý lịch Á Đông cho cô nàng sinh năm 1982 nhân vật chính này) và bắt Jimmy Carter ăn vận đi giày theo ý muốn riêng của mình, thoắt cái trở thành người dẫn chuyện (rồi sau đó biến mất, rồi lại xuất hiện, nhưng thôi không dẫn chuyện nữa).

Nhà văn giỏi thường tìm đến sự tối giản, thậm chí tìm cách tạo ra một cảm giác thiếu thốn nào đó để kêu gọi sự bù đắp và bổ sung của người đọc. Con đường của Đỗ Kh. lại ngược lại: sự sung túc và phong phú được cân đong chính xác, để không trở thành sự thừa đáng ngán ngẩm, và định lượng sao đó để sự phun trào của từ ngữ ăn nhập (vừa khít, hoặc là xóc đi xóc lại cho ngay ngắn) với mức độ đa dạng của hình ảnh và chi tiết.

Cao Việt Dũng

 

Đỗ Kh.

Gừng đi bỏ phiếu

 

Đại sứ quán Yanqui

Cái kính sau của cửa xe bị vỡ, đập vào mặt tôi gió đêm của đại lộ lớn rất vắng và tối chập chùng. Đây là khu vực quyền lực im lỉm đến đáng sợ trên nhiều cây số, đột nhiên trước Bộ Lao động lao xao ánh đèn, công an lốm đốm trước vài ba trăm người tụ họp ồn ào. Người tài xế taxi phóng nhanh, long sọc xạch chiếc xe Đài Loan đời cũ. Chỉ mới tám giờ tối nhưng đêm nay giới nghiêm “hạn chế”. Hạn chế là thế nào, tôi hỏi. Là ra đường không được tụ tập hay đi đâu xa mà chỉ được lẩn quẩn gần nhà. Hai cái pickup của biệt động chợt lướt qua âm thầm (xe biệt động là Nhật Bản đời mới) mỗi chiếc sáu anh bám vào thành, giáo gươm tua tủa và gọn gàng sắc phục ninja. Những khoảng trống tối dài không dứt và hun hút, còn năm hay mười phút nữa mới đến trường bay. Vài ba tiếng lẹt đẹt nổ ở gần, tôi nghe trong đêm nửa dạ lý nửa mùi thuốc súng. Lại lẹt đẹt đây đó, vào giờ các phòng phiếu vừa mới đóng cửa làm sao phân thắng bại, có phản đối, biểu tình, cũng phải đợi đến ngày kia hay sớm lắm ngày mai. Trừ khi quân đội hạ thủ ngay, thằng nào đánh trước làm cha. Nếu trước cái phi cảng mà có thiết giáp án ngữ, hồn ma của thời Liên Xô tăng viện mặt trận Sandino, BRDM hình thon thả với pháo tháp lè tè, nhú nhô nòng đại liên 14 ly rưỡi trên nền trời... giông bão, thì đêm nay nội chiến Nicaragua (lần thứ ba) lại bắt đầu chứ sao. Tôi lui người lại nhưng ném cái nhìn giương mắt ra thật xa.

Casino Pharaoh ở Cây số 9 chẳng hiểu đóng hay là mở và vắng ngắt nhưng vẫn lập lòe đèn chớp nháy, làm tôi vừa vững dạ lại vừa thất vọng. Trại Không quân im lìm cổng gác và rốt cuộc thì trường bay không có xe bọc sắt, chỉ có chuyến đến chót của hàng không TACA. Vài mươi khách đến và một trăm người đón dán mắt vào cửa kính, các thiếu nữ chờ người thân xếp thành một hàng dài chổng mông (tựa vào thành và lom khom nhìn vào bên trong thì phải chổng mông thôi). Biện pháp an ninh đặc biệt ngày hôm nay là nhân viên của các khách sạn cầm bảng đón khách đến bị đuổi ra đứng chờ ở cổng thay vì được chờ như thường lệ ở bên trong. Sự cố gây tụ họp và ồn ào là một tốp người Anh hành lý bị thất lạc, không phải là đảo chánh! Tôi nhớ lại một chuyện đố vui Trung Mỹ (và Nam Mỹ):

Sao ở Washington DC không bao giờ thấy có đảo chánh?
Nhờ nền dân chủ Mỹ lâu đời và vững chãi?
Không phải!
Nhờ Hiến pháp Mỹ và Bản Tuyên ngôn Dân quyền được tôn trọng?
Không phải!
Hay nhờ quân đội Mỹ kỷ luật và phục tòng chính quyền dân sự?
Cũng không phải nữa. Ở Washington DC không bao giờ có đảo chánh vì ở đó không có Toà Đại sứ Hoa Kỳ!

Những tiếng nổ lẹt đẹt mới nói đến tôi biết là tiếng pháo ăn mừng sớm của phe nào đó nhưng gắng tưởng tượng ra là tiếng súng cho ly kỳ (còn mùi dạ lý là tôi bịa ra chứ hương đêm Managua tôi nào biết mùi gì). Xe thiết giáp Liên xô từ ngày sang đây tôi chưa từng thấy dáng, chỉ mới lúc nãy ở phía ngoại ô xa trên đường đi Léon, trong đêm khập khễnh một chiếc UAZ cũ đang lò mò khắc phục những gập ghềnh.

Mặt trận Giải phóng Quốc gia Sandino (FSLN) thất cử vào năm 1990 sau một thập niên nắm quyền và nội chiến (với kháng chiến Contra được Mỹ ủng hộ). 15 năm kế tiếp, Nicaragua rơi trở lại vào quỹ đạo của Hoa Kỳ qua ba kỳ bầu cử liên tục. Hôm nay, 5.11.2006, là cơ may khôi phục bằng lá phiếu nếu “nhà cách mạng Mác xít”, cựu Chủ tịch Daniel Ortega tái đắc cử Tổng thống. Được vậy thì trục của bướng bỉnh và khó bảo ở khu vực sẽ thêm một lãnh tụ thứ ba bên cạnh hai ông Hugo Chavez (Venezuela) và Fidel Castro (Cuba), ấy là người Mỹ lo xa. Ông Ortega giờ thì theo chính ông đã nhiều thay đổi, và trên ảnh còn thấy ông cười (tuy kiểu mới tập nên vẫn còn hơi chút gì gượng tạo). Băng rôn, biểu ngữ tranh cử của ông đều một màu hồng tuyền kiểu Hello Kitty [1] coi đến dễ thương. Đầu của ông thì đã bắt đầu thưa tóc, 15 năm rồi, chắc từ khi ông không còn đội mũ nồi của các comandante nữa (mà ngay Che còn sống thì cũng hói nữa là). Sáng nay, đồng chí Daniel này đi bỏ phiếu bằng xe Mercedes SUV (nhưng mà Mercedes G sản xuất tại Âu châu chứ không phải kiểu M sản xuất tại Mỹ) nhưng tôi không được thấy tận mắt.

Sáng nay, tôi đi theo Gừng, xem cô bỏ phiếu ở một ngoại ô lối gầy lồi lõm và những tường vôi màu chua nứt nẻ, khúc ở giữa phố La Sabana và phố La Libertad của thủ đô Managua.

Anh đến rồi, Gừng hỏi trên điện thoại.

Tôi lỡ một chuyến bay tại vì thói quen hay đúng ra là tật coi thường, thôi nằm thêm năm phút nữa, đâm ra làm trễ mất một ngày. Nhưng giờ, vào lúc Gừng nhấc di động ở trên, nghĩa là hôm thứ Bảy, một ngày trước khi bầu cử, tôi mới vừa nhận phòng ở Best Western Las Mercedes đối diện với trường bay. Các khách sạn quốc tế khác trong phố không còn chỗ, báo chí và các phái đoàn quan sát nước ngoài vào dịp này đến chiếm hết buồng thuê. Managua không phải là một thành phố khách du lịch dập dìu, và còn có thể gọi về mặt này là một nơi thanh vắng đìu hiu, cho nên nếu không kể các khách sạn địa phương và ba lô thì sức chứa chỉ có mấy trăm phòng. Gừng còn đang bận làm việc, hôm nay công ty bận kiểm kê hàng hoá, Gừng hẹn tôi ba giờ, lúng túng và ngập ngừng suy nghĩ là không biết gặp ở đâu đây, ậm à, công ty Gừng làm việc lại ở đầu kia thành phố. Thì chỗ nào trung tâm cho tiện cả đôi bên, tôi đề nghị, ba giờ, rồi, trong bar của khách sạn Intercontinental. Tôi đến đây là lần đầu, nhưng Managua như nhiều thành phố khác, có một Intercontinental, và Intercontinental nào mà chẳng có ít nhất một cái bar, không trên lầu thì cũng dưới nhà.

Bar của Intercontinental là ở từng một, và nhìn quanh quất không thấy cầu thang tôi chạy vội vào thang máy đang khép cửa. Hai anh cao to ở bên trong liếc tôi dò xét, tôi nhìn ông già mặc sơ mi hở cổ và áo lắm túi của thợ câu cá đứng giữa mà sững sờ. Ông ta mỉm cười thân thiện, hai cánh cửa thép sáng ngời đã đóng kín lại, tôi đành ấp úng chào và ứng khẩu

Cám ơn ông lại có mặt ở nơi này…

Thì đây cũng là lần thứ tư ông sang đây mà quan sát bầu cử.

Cám ơn ông về quyển sách vừa ra mắt, tôi tiếp. Đừng nên quan tâm lắm về phát biểu của bà Pelosi. Mặc kệ bà ta, giờ thì tôi thao thao không ngưng lại được, ông không đại diện Đảng Dân chủ thì thôi, đã sao nào, cám ơn ông là… ông, cám ơn ông là… Jimmy Carter.

Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ vừa mới ra một quyển sách, phê bình thẳng tay chính sách của nước ông, đến nỗi lãnh tụ của Đảng Dân chủ tại Hạ viện là bà vừa mới nói đến, tuy cầm đầu đối lập nhưng vẫn còn cảm thấy quá lời. Bà phải nhích ra xa xa, tuyên bố là ông không đại diện cho Đảng, không đại diện cho tất cả những đảng viên Dân chủ mà chỉ đại diện cho cá nhân ông, theo thói thường của những nhà chính trị lõi đời thận trọng.

Còn anh, ở nơi đây làm gì? Carter hỏi.

Tôi cũng quan sát vậy, tôi nói, và tôi cũng chỉ đại diện cho tôi!

Ông bật cười, anh có cái áo trông đẹp nhỉ.

Tôi có cái áo ít túi hơn ông một tí, nhưng sặc sỡ rằn ri dã chiến, không phải thứ màu vàng của ông tầm thường safari nhãn Walkabout.

Để mà lỡ gặp phải Oliver North, tôi nhanh trí.

Trung tá North, nhân viên của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới trào Reagan, là một trong những nhân vật chính của vụ bán súng (lén) cho Iran để lấy tiền giúp (lén) cho kháng chiến Contra ở Iran. Chuyện này đổ bể (tức là lén mà không khéo), ông trở thành người hùng… thủ tiêu tài liệu mật để khỏi đi tù (trong vụ phạm pháp này, Đô đốc Poindexter, từng là xếp lớn của tất cả các cơ quan tình báo Mỹ, đã bị kết án tội phạm). “Ollie” hiện cũng đang có mặt ở Managua, ở Hilton La Princesa thì phải. Mặc đồ bông nguỵ trang rằn cọp biển mà gặp trung tá Thuỷ quân Lục chiến North ắt sẽ tức khắc gây thiện cảm nơi chàng.

Hay là để gặp phải Jaime Morales thì cũng tiện, tôi nhanh trí tiếp, ít khi nào tôi nhanh trí và nhanh trí nhiều đến vậy.

Ông Morales, cựu phát ngôn nhân của kháng chiến Contra, tức là kháng chiến theo Mỹ và chống cách mạng, ngày hôm nay lại là ứng cử viên Phó Tổng thống của liên danh Ortega! Ông này từng bị Ortega tịch thu tư thất đồ sộ, nay đã được đền bù xứng đáng và hai ông ôm nhau hát bè ca từ Hoà bình và Hoà giải trên nhạc bài Give peace a chance của John Lennon. Ví von đại khái, chuyện này như Nông Đức Mạnh ra tranh cử Tổng thống ở Việt Nam, giữ vai phó là Nguyễn Cao Kỳ (chứ ai vào đó) và nhạc tranh cử của hai ông là bài Beautiful Sunday (Daniel Boone)

Sớm mai tươi hồng, một ngày tươi đẹp,
Hây hây hây là một sáng tươi hồng!
(lời Việt Phạm Duy [2] )

Không hay sao được và hay chết đi được (“hay chết liền”) nhưng mở dấu ngoặc, nếu Việt Nam mà có bầu cử tự do thì chắc cũng phải vậy thôi. May mà tôi không đi vớ tím, chứ không tôi đã chìa ra cho Carter xem để thêm vào, còn cái này, là để lỡ gặp phải Đức Hồng y Obando y Bravo. Vị này, cựu thù của ông Ortega, đã khoan dung tha thứ từ ngày Ortega luôn miệng nhắc đến Đấng Tối cao (tôi suy diễn thêm là chuyện này nếu ở nước ta, thì có thêm cả Đức cha Phạm Minh Mẫn). Nhưng vớ tím Hồng y, trên toàn thế giới bao la này chỉ có một cửa hàng ở Vatican bày bán.

Đoạn trên đây, cả chương ngắn này, là do tôi vừa hư cấu hoàn toàn. Xin nhấn mạnh “hư cấu hoàn toàn”, kẻo có người vừa đọc nhanh vừa khó tính lại vạch ra là áo đi câu của Jimmy Carter không phải nhãn Walkabout (nhãn này là của Australia), nhưng đã bịa chuyện thì sao tôi không cho ông mặc hẳn áo nhãn Banana Republic! Hư cấu nhưng đây dựa vào kinh nghiệm sống (và tất nhiên là có thật), một bận vào khách sạn Biltmore ở Los Angeles tìm nhà tiểu lại phải đi thang máy cùng với ứng cử viên Tổng thống John Anderson [3] và các bảo vệ tuỳ tùng! Lần này, tôi đi Managua không phải là để gặp Jimmy Carter, cho dù ngẫu nhiên, mà là để gặp Gừng, và là chủ ý. Tuy Gừng cũng như Carter, tôi chưa hề được thấy tận mắt, chỉ mới biết qua hình.


Sự nghiệp đổi mới của Đài Loan

Nơi Gừng hẹn tôi là Métro Centró, thương xá ngay đằng sau lưng của khách sạn Intercontinental, hay là đằng trước (khiến tên gọi đầy đủ của khách sạn là Intercontinental Métro Centró Managua). Tôi hỏi hẹn ở hàng quán nào trong thương xá? Gừng nghĩ mãi không ra, bèn bảo, thôi trước cinema. Thế nào anh cũng nhận ra tôi, hôm nay là áo trắng quần đen. Tôi (kiêu ngạo mà) nghĩ vội, người Á như tôi ở đây phải là của hiếm, có khi còn độc nhất vô nhị, còn phụ nữ Nicaragua hẳn là phải đầy đường, cho dù có áo trắng quần đen. Cho nên tôi (kiêu ngạo mà) trả lời, không thì thế nào cô cũng nhận ra tôi.

Đúng là chân chưa kịp ráo, vừa đến đây mới dám nói bạo. Đặt chân vào thương xá, lác đác trai thanh và gái tú, vài du khách người Âu người Mỹ, ngoại trừ các gia đình bình dân bồng bế nhau đến đây ăn Burger King và xem cầu thang máy cuốn lên cuốn xuống thế nào, khách ở đây, tôi nói không ngoa, lại toàn là người Tàu.

Trung tâm Managua bị cơn động đất 1972 tàn phá, 10.000 người thiệt mạng và 500.000 người không nhà. Tiền cứu trợ quốc tế để xây dựng Managua, họ nhà Somoza mang hết một nửa sang Florida xây dựng (biệt thự) Miami khiến cho đến ngày hôm nay khu vực Area Monumental vẫn còn trống trải khác thường. Tại chỗ này, chẳng vẻ gì là một thủ đô một triệu dân mà ngợp những rặng cây và bãi cỏ mênh mông, các công trình xây cất chốc chốc lại bập bềnh như du thuyền, nhú nhô trong vịnh của một đảo Caríb vắng. Nicaragua lại đất rộng người thưa, mật độ đã thấp, những năm trở lại đây kinh tế khó khăn, mỗi năm 70 hay 80 ngàn người phải sang Honduras, Costa Rica, El Salvador lang thang kiếm sống, mà con số này so với tỉ lệ dân số ở Việt Nam là tương đương với 1 triệu 2 trăm ngàn.

Nói đơn giản (tuy kém hiểm nguy hơn, và thuần vì lý do kinh tế v.v…), Nicaragua đến cột đèn cũng phải vượt biên và mỗi năm số này tỉ lệ bằng người Việt trong suốt một thập niên đi biển. Hậu quả, kết quả, ở thành phố này là một sự trống trải dễ chịu, căn nhà ở đây cao nhất tôi nghĩ là Intercontinental bảy tầng, tháp thánh đường mới cất vào 1985 cũng chỉ cao hơn các bãi hoa mắc cỡ có chút xíu. Métro Centró là một trong những công trình mới, một thương xá kiểu Âu hay là Mỹ gặp phải kiến trúc sư lười, chỉ việc lấy hoạ đồ ở nước ngoài có sẵn, bỏ vào máy photo thu nhỏ lại theo tỉ lệ kích thước một phần hai.

Đá hoa, điều hoà, bãi đậu xe hai tầng (cho ra vẻ hiện đại hay là vì lười như đã nói, vì chỗ thì ở đây thì đâu có thiếu), bảo vệ sắc phục, rạp hát multiplex bốn phòng chiếu, Nine West, Radio Shack, màn hình plasma High Definition lớn (và dĩ nhiên không giải quyết được mâu thuẫn kiểu ở những nước chưa phát triển là màn hình thì HD nhưng hình phát lại rất VCR lờ mờ băng sang lậu). Frappuccino, nhưng tôi không thấy Starbucks (có lẽ bởi vì Nicaragua là quốc gia sản xuất càfé nhưng chưa sản xuất đủ giai cấp tiêu thụ, hiện còn đang thành lập từ giai cấp hàng ngày quần quật những đồn điền). Đây là thương xá cao cấp nhất thủ đô, người ta đi ngắm nhiều hơn là người ta mua sắm, các cửa hàng vào một chiều thứ Bảy đều rất vắng ở bên trong, trừ food court nhộn nhịp. Các cô bán hàng đứng phưỡn rốn quần xệ, bên ngoài bố dắt thằng lớn, áo sơ mi ủi thẳng bỏ trong quần, mẹ váy đầm đi lễ ẵm đứa bé, tò mò xem giá qua cửa kính. Và người Trung Hoa, ở đâu ra mà lắm vậy.

Họ Đài Loan thì chính xác, ở đây rất tự nhiên một vẻ chủ nhân ông làm tôi được phần hãnh diện lây. Khách sạn Intercontinental và cả thương xá này là do một tập đoàn Đài Loan đầu tư. Managua còn có khu chế xuất, và Đài Loan thì vào dạng làm sếp thật, sang bên này không phải để cưới vợ. Họ mở xưởng may quần áo, giày thể thao, ví đầm designed in Taiwan made in Nicaragua, ở địa phương gọi là các maquilas chuyên mượn người biết ngồi đạp máy 12 tiếng một ngày. Tiền công thì cũng trả vừa đủ sống (chứ chết thì lấy ai mà lao động), đủ nuôi con (bảo đảm việc tiếp dõi các thợ cần mẫn của tương lai) và dư sắm một bộ quần áo tươm tất để chủ nhật đi nhà thờ, còn nghe giảng đạo chớ, rất quan trọng là đời sống tinh thần.

Tôi có vẻ đơn giản và cực đoan, có vẻ tả giai cấp thợ thuyền tại Anh quốc vào thế kỷ thứ 19, nhưng thế mới biết là ở nhiều nơi Các Mác vẫn còn sống nhăn răng. Ai rao Các Mác chết rồi phải là người gì đó ở nơi nào, thì học rộng biết nhiều, thì nhìn xa thông thái, nhưng nhất định không phải là những người 60-70 tiếng một tuần cắm đầu trên một cái máy vắt sổ của zona franca ở Managua [4] .

Như vậy là tôi nhận ra Gừng chứ không phải là Gừng nhận ra tôi. Đúng 1m61 đủ 49kg, và 24 tuổi, Gừng là mestizo như là 67% người bản xứ, lai giữa thổ dân địa phương (7%) và da trắng Tây Ban Nha (17%). Năm 1523, ông Gil Gonzáles Dávila dắt được một tốp lính đến bên hồ Managua, gặp một tộc trưởng tù trưởng thổ dân tên là Nicarao. Ông bèn đặt tên cho vùng này Nicarao + Agua (nước) thành Nicar-agua. Từ đó, các conquistador này vàng thì bỏ túi, đàn ông thì đày ải, phụ nữ thì các ông đụ đứng đụ ngồi 36 kiểu khiến ngày hôm nay mới có Gừng. Gừng là Ginger do tôi Việt hoá, ngực nhỏ và cao nhưng mông đầy, cho nên tôi liệt vào dạng nhân chủng gọi là “dạng Vasco Núñez de Balboa”.

Tôi xin giải thích. Vị này là người Tây phương đầu từ Đại Tây dương đạt đến biển Thái Bình. Nicaragua hai mặt đại dương, phía Đông (tức Đại Tây dương) còn có thêm (9%) thiểu số da đen. Gừng mông phần phật thế này chắc là phải mang gene hai mặt biển, có tí máu Phi châu trong chí ít là phần sau và phần dưới của người. Nhân tiện tôi cũng xin lỗi là làm phiền người đọc hơi nhiều về những chuyện mông má gần đây, chẳng qua là sự hăng say của kẻ mới nhập đạo (hay đúng hơn là nhập… môn), tưởng mình vừa tìm ra chân lý để phục vụ. Nhưng thật tình mà nói, nếu đi đến tinh vi, thì mông cũng như là mắt mũi, trên đời này đủ loại và không một ai giống ai, thể hiện cá tính và là một bộ phận của tướng học chứ chẳng đùa.

Gừng quê ở Jinotepe, một tỉnh lẻ đối với khách nước ngoài có thể nhiều thú vị nhưng tỉnh lẻ đêm buồn và ít việc kiếm ăn. Đèn Managua ngọn xanh ngọn đỏ, đèn Jinotepe ngọn tỏ ngọn lu, năm lên 8 tuổi Gừng theo gia đình lên thủ đô hoa lệ. Lúc Gừng sinh ra (1982) thì FSLN nắm quyền, lật đổ Somoza (1979) đã được ba năm nhưng cả Nam lẫn Bắc đều khói lửa mùa chinh chiến với Contra. Năm 1990, lúc cô lên Managua, xứ sở này đang kiệt quệ sau hai lần nội chiến, lạm phát không kịp đếm và mức sống chỉ còn bằng một phần mười của thời gia đình trị.

Mà thời gia đình trị thì có hay ho gì. Từ đầu thế kỷ lệ thuộc đại láng giềng phương Bắc, Trịnh ở Léon và Nguyễn ở Granada phân tranh rồi tam đại Somoza độc tài trong 46 năm liên tiếp, Nicaragua trở thành trại chăn nuôi khổng lồ của Hoa Kỳ và vườn sau của các công ty nông nghiệp Mỹ như NIPCO. Một cộng hoà vườn chuối (Banana Republic) môi sinh băng hoại, ô nhiễm và khai thác vô lối, chưa nói đến (khỏi nói gì đến) dân chủ, nhân quyền là những khái niệm xa hoa. Một mình Tổng thống Anastasio “Tachito” Somoza đã sở hữu 20% đất đai canh tác của cả quốc gia! Nhưng ông lại dùng vào việc thả bò cưỡi ngựa, đuổi nông dân vào rừng già mà đào củ chuối.

Tám năm đầu trong cuộc đời Gừng, không phải chỉ là bom đạn, mà còn là cấm vận và phong toả kinh tế của Hoa Kỳ. Các cảng bị chính quyền Reagan thả mìn bế quan (từ 1984) mặc dù Liên Hiệp Quốc lên án hay Toà án Quốc tế The Hague phạt vạ. The Hague chính quyền Mỹ không biết ở nơi nào, phạt thì không trả, làm gì nhau. Nhưng Nicaragua ở đâu thì họ rất rõ và Tổng thống Reagan tuyên bố một câu xanh rờn lịch sử và chính xác về mặt địa lý, là “Quân Sandino chỉ cách nước Mỹ có hai ngày đường bộ,” dĩ nhiên là đồn Alamo [5] ở Texas lại một lần nữa bị đe doạ.

Mẹ của Gừng là một phụ nữ lao động và riêng tư có lắm chuyện buồn. Ba người con của bà ba cha khác nhau và không ai thấy mặt, bà có ở với một ông thứ tư được vài năm để học gồng nhưng không đạt công phu. Mỗi ngày ông uống rượu rồi về nhà lôi vợ ra tập võ, bà không có cái cốt trở thành Thiếu lâm La hán nên phải bỏ. Năm tam đại bồng bế nhau lên Managua là năm có một niềm hy vọng mới cho cả nước, có bầu cử được coi là hoàn toàn tự do [6] và ông Ortega mất chức, bà Violeta Chamorro lên làm Tổng thống. Quả phụ này là một loại với bà Corazon Aquino của Philippines, có chồng “cải cách” và đối lập ôn hoà bị chính quyền Somoza ám sát vào năm 78. Bức tường Sandino không đổ như bức tường Berlin nhưng lung lay (FSLN sau đó còn tiếp tục nắm giữ quân đội, công an, vững chãi trong quốc hội, các nghiệp đoàn lao động và chính quyền nhiều địa phương). Mỹ ngưng phong toả và Nicaragua đi vào kỷ nguyên mới của kinh tế thị trường đầy hứa hẹn, sôi nổi đến độ một Bianca Jagger (vợ cũ của ca sĩ Mick Jagger ban Rolling Stones) còn về cố quận tham gia chính trị và ra tranh cử. Nhờ thay đổi này nên mới có những cơ hội mới và một số nghề phát triển trở lại. Mẹ của Gừng tìm ngay ra việc... đi ở mướn nhà chủ, để các con không cha ở phố bình dân La Sabana với bà ngoại mà nghịch đất mùa khô và nghịch nước mùa mưa.

Gừng được đi học, dẫu sao thì FSLN cũng phát triển giáo dục, đẩy lui mù chữ và nâng đỡ phụ nữ. Comandante Ortega phát biểu “Sau chiến tranh, vai trò của phụ nữ đóng góp vào xây dựng là... sinh sản” (tức là nằm đó mà dang hai đùi, người viết này suy diễn, nhưng tôi chưa biết ai đẻ con mà đẻ ngồi và khép kín lại hai chân). Ông có phát biểu kém tế nhị thì cũng có phụ nữ lên được chức Tổng Giám đốc Công an Quốc gia (Doris Tijerino [7] ) và Gừng được cắp sách đến trường. Những năm 90 này, nàng còn lại được xem cả Spice Girls trên truyền hình (sau khi đất nước này có tự do tư tưởng) và bắt chước họ piercing, xỏ khuyên vào rốn chứ không còn phải quấn khăn quàng hai màu đen đỏ.

Năm 1996, sự nghiệp đổi mới của Nicaragua thêm mạnh bạo, cánh hữu (chứ không phải là Trung hữu trước đây như bà Chamorro) lên cầm quyền, ông Ortega lại bị đánh bại trong cuộc bầu cử Tổng thống một lần thứ hai vì lý do Nicaragua đã đổi mới nhưng mà đổi mới còn chưa đủ. Đeo bông vàng trên rốn, Gừng phấn đấu vào đại học, Universidad Centro Americana (UCA). Ngày thì cô đi làm, tối đi học, đêm về còn tập thêm hai tiếng thể dục thể hình. Nhờ vậy, Gừng có một thân hình rất đẹp của một nữ lực sĩ, vai ngang, eo thon, mông săn và bắp thịt rắn chắc, ngực cao thiếu điều mặc áo cổ kín cũng còn lòi ra ngoài (vì cao và nảy chứ không phải là vì to, nói kiểu tượng hình thì như trái banh bóng bàn vừa lưng tưng qua lưới, diễn tả như thế là đủ hiểu). Cô đầy nghị lực, chạy nhanh nên mới lọt được vào trường khi còn bán công lập, chứ đã tư hữu hẳn (như hiện nay) thì đừng hòng mà lấy đâu góp cho đủ học phí. Nicaragua tiếp tục thay đổi mạnh bạo, mạnh đến nỗi Tổng thống Arnaldo Alemán (1996-2001) không tự kềm chế được lòng tham, phải đi tù về tội nhũng lãm! Bầu cử 2001, quá tam ba bận, một lần nữa Daniel Ortega lại thất cử, nhưng tổ chức FSLN vẫn giữ được ảnh hưởng trong xã hội và chính quyền ở cấp quốc hội và địa phương.

Hết hai tuần càfé ở Métro Centró và nhìn chủ với lại cai Đài Loan qua lại trong thương xá này đã nhàm mắt, tôi đề nghị Gừng đi đâu ăn tối. Một chỗ nào khác ở ngoài nơi tuy thanh lịch nhưng quá quen thuộc này, cùng một nhiệt độ điều hoà, cùng một loại hàng quán tương tự và một mẫu thương xá với bất kỳ nơi nào và khắp toàn thế giới. Bên ngoài, trời nóng như Sài Gòn.

Sài Gòn là đâu vậy, Gừng hỏi.

Sài Gòn giờ mang tên Hồ Chí Minh Ciudad, tôi nói, và như thế chưa chắc là thì Gừng đã biết, nhưng không thấy Gừng hỏi thêm danh nhân UNESCO này là ai.

Chúng tôi đi bộ, những vỉa hè nhá nhem và vắng, thỉnh thoảng lỗ chỗ những tàn cây xa cách. Đêm hạ xuống lung lay nặng nhọc như màn nhung vá víu của một rạp hát tỉnh lẻ.


Colonial bầu không khí

La Cocina de Doña Haydée là kiến trúc kiểu thuộc địa, giống như những biệt thự kế cận, và ở khu vực này cao cấp, giống như những khu vực gia cư trung lưu rủng rỉnh ở Hoa Kỳ, không cổng không tường ngoài, không hàng dậu để còn có những cô da ngăm nấp đằng sau ngấp nghé. Thập niên 60 loáng thoáng qua như một làn gió thoảng, một vài căn kiểu Le Corbusier bán khai làm tôi nhớ lại căn nhà bố mẹ tôi cất hơn 40 năm về trước, mặt tường đá tô và mái nhà xe kiểu streamline modern, rất tương xứng với tên do anh em chúng tôi đặt vào dạo đó cho con chó trong nhà và không kém modern là “Boeing”.

Doña Haydée không có bán rượu. Mấy ngày hôm qua, Managua cấm vì lý do bầu cử và người Nicaragua có thể là hăng máu khi bàn đến vấn đề chính trị cộng với chất cồn ở trong người nhưng họ rất tôn trọng pháp luật và nơi nào tôi hỏi thử mua bia đều bị lắc đầu! Đây có thể gọi là Đức quốc của Mỹ La Tinh, lưu thông thấy đèn đỏ là… ngừng, buôn bán không tuỳ theo mặt khách, giá các cuốc xe cũng chỉ cần trả một tiếng là đủ, và nằm trong một phạm vi co giãn phải chăng. Chính quyền hữu khuynh Bolaños lo xa thế thôi, lần ẩu đả duy nhất xảy ra trong cuộc tranh cử này là giữa quần chúng của phe Sandino cách tân (MRS) và phe Sandino truyền thống (FSLN) chứ không phải là giữa tả và hữu hay giữa cực tả và cực hữu. Chẳng qua là chuyện trong nhà, tả này đả tả kia xem ai tả hơn ai, mà cũng bắt cả nước phải nhịn rượu.

Hàng hiên mở ra mặt đường, cách một khoảng vườn nho nhỏ và gạch men cẩn ở chân tường, kiểu Ottoman biến thái đời thứ tư tôi đoán thế (nếu kể đời thứ nhất là Ottoman nguyên thuỷ, thứ nhì là Ả rạp Trung Đông, đời thứ ba là Ả rạp Tây Ban Nha và ở đây thứ tư là Tây Ban Nha thuộc địa). Phục vụ mặc áo quần truyền thống dân tộc nhưng không xun xoe vồn vã, bản sắc này có vẻ thật thà. Lát nữa cũng sẽ chẳng có màn trình diễn gọi là dân tộc với mấy cô vũ công thi trượt hoa hậu và trang phục thiếu vải như ở bên ta, mặc dù ở đây muốn lấy cớ dân tộc để mà phơi bày thì Maya, Inca, Aztec gì cũng rất tiện để chống chế cho việc vén khố lên đến bẹn và không mang nịt vú. Khách ở đây tôi thấy toàn người địa phương nhỏ nhẹ, một đêm cuối tuần thư giãn, đối với tôi chỉ thiếu có rượu nho Chile hay là bia nội Bò rừng (Buffalo). Dura ley, sed ley y la ley es seca, luật “khô” là luật.

Không có rượu thì Gừng vẫn cười, Gừng là người thể thao chỉ uống nước trái cây và vui tính. Cô miệng rất rộng và răng rất trắng, chắc lại gene từ bờ biển Đông (tức gen Phi châu) trôi dạt đến tận hàm (sau khi cặp bến ở bờ mông như đã nhận xét). Khi Gừng cười, tít mắt thổ dân meso-america và thăm thẳm mùa mưa nhưng tôi nhìn bên trong miệng hai hàng, ờ thì... ngà ngọc, thẳng đều và nguyên vẹn, không thiếu một chiếc và không một dấu chì, dấu bạc hay dấu thiết của một tay nào nha sĩ.

Gừng tốt nghiệp Quản trị Kinh doanh ở một đại học có tiếng, nhưng dưới đời Enrique Bolaños, có tới tấp xuất cảng may mặc thì việc làm vẫn thiếu. Cô tìm được chức Phụ tá Quản lý ở một công ty phân phát nệm, lương 300 USD và thực chất là một công việc thư ký văn phòng. Công ty sản xuất nệm này gốc ở Guatamela, đã lan sang thị trường Honduras nhưng ở Nicaragua còn giới hạn. Gừng định đi học thêm bằng Thạc sĩ kế toán nhưng trong công ty không có đường thăng tiến và nếu công ty không phát triển thêm thì đến có bằng Tiến sĩ Kinh tế vẫn thế thôi. Mà rời hãng này ra thì phiêu lưu mạo hiểm vô cùng, việc hiếm người đông, khả năng lao động và trình độ bằng cấp đều được dùng ở dưới mức, nhất là đối với phụ nữ. Người anh trai của Gừng thì mấy năm làm kỹ sư vi tính, gia đình cô nhờ vậy đã dọn ra ở riêng được ở một ngoại ô xa trên đường đi Léon. Ba người con và bà mẹ, hộ hai buồng ngủ, tuy bà vẫn ở nhà chủ, cứ hai tuần mới một lần được nghỉ phép về nhà. Đứa em trai út lên 18 tuổi, thì Gừng buồn không muốn kể tới. Giờ thì không còn chuyện nghĩa vụ quân sự, ra biên khu trong một chiều sương âm u như hai thập niên về trước, thì cậu đi các tụ điểm ca nhạc, chưa tốt nghiệp phổ thông mà đã bỏ học hành.

Nó để tóc dài, lúc nào cũng mặc toàn đồ đen. Thằng em tôi là rocker!

Lúc nãy, ngang Pista Juan Pablo el Segundo, tôi có thấy treo một băng rôn quảng cáo của một buổi biểu diễn sắp tới của ban nhạc Los Angeles del Infierno (“Những thiên thần của địa ngục”): somos todos los angeles (chúng ta đều là thiên thần cả). Ngay bên cạnh cũng phất phơ là băng rôn tranh cử của comandante Bayardo Arce (FSLN, tức liên danh số 2, kỳ bầu cử này vừa Tổng thống, vừa Quốc hội, vừa địa phương và cả Nghị viện Cộng đồng các Quốc gia Trung Mỹ Parlacen [8] ). Thì ứng cử viên nào mà chẳng là thiên thần, họ đều là thiên thần cả, tuy hẳn không phải là thiên thần nhạc rock.

Rock gì mới được, tôi hỏi.

Heavy metal, Gừng trả lời.

Đêm Managua rất là tĩnh, tôi không nghe thấy tiếng dây xích quấn lưng của quần chúng Heavy metal loảng xoảng, tiếng cụng ly (vào dịp bầu cử là cụng ly nước ngọt) hay cười nói ồn ào. Đêm lặng lờ, chỉ thiếu có tiếng Tây Ban cầm thánh thót.

Người đàn ông trung niên cầm đàn đã xuất hiện từ bao giờ không biết. Ông hẳn là phải có râu mép (đây là Trung Mỹ nhé), áo guayabera ngắn tay nhiệt đới, không phải phục sức mariachi. Tiệm ăn giờ đã đông khách thầm thì trong những khoảng nửa tối nửa sáng bập bềnh của hàng hiên một đêm mùa mưa nhiệt đới. Giọng ấm của chàng ca sĩ đong đưa từng bàn những giai điệu của tình yêu. Cái này Pablo Milanés (Cuba), sang đến bàn bên cạnh Leonardo Fabio (Argentina), Gừng một tai theo dõi và chú thích. Gừng giờ hết còn nghe Spice Girls, Gừng thích nghe Dixie Chicks, Gừng thích nghe Cristina Aguilera, Gừng thích nghe cả Edith Piaf. Rồi người ca sĩ nhà hàng cũng phải đến cạnh bàn chúng tôi, đứng ở góc giữa hai người, đảo đôi mắt nhung một vòng dò xét. Khi đã nhận ra tôi là người Viễn Đông, ông bắt đầu cất tiếng một giọng trầm.

Besamé...
Besamé mucho...

Đây là chuyện xấu hổ cả dân tộc (ta nói riêng) và cả nòi giống (da vàng nói chung) nhưng tôn trọng sự thực nên tôi phải kể, ca sĩ quán địa phương thấy mặt Tàu là phải hát Besamé! Đây hẳn là thói quen theo yêu cầu của khách Viễn Đông, chẳng lẽ họ đòi phải hát cho họ nghe “Mùa thu lá bay”. Tôi không nhớ ra tựa một bài nào Victor Jara, một bài nào Carlos Mejía (người Nicaragua và ứng cử viên Phó Tổng thống 2006) để yêu cầu, hay ngay tới cả một bài xập xình Carlos Gardel (lại là người gốc Pháp theo truyền thuyết). Tôi là người Việt và nếu ông này đoán được, chắc ông đã hát bài... “Mexico”! (Nhân tiện ở đây tôi xin chào riêng bạn Dũng. Dũng nào? Thì “Dũng Mexico”!)

Gừng vặn tôi về nhạc Mỹ La Tinh, tôi ấp úng, phim Buena Vista Social Club của Wim Wenders tôi chỉ còn nhớ có Ry Cooder! Và xa hơn nữa, vào thuở mà Gừng chưa sinh ra thì làm sao nàng biết, thuở phong trào “Chúng ta sẽ thắng” (Venceremos) hay “Nhân dân đoàn kết/Sẽ không bao giờ bị đánh bại” (El pueblo unido/Jamás será vencido) của các ban Quilapayun hay là Inti Illimani. Du dương nhất mà tôi biết đến, cho phù hợp với hoàn cảnh lúc này thì vẫn là ca từ rực lửa Canto General (Pablo Neruda, trên nhạc của Mikis Theodorakis với giọng vàng ríu rít đến lạnh mình của Maria Farandouri). Bandonéon Argentina huyền ảo tôi chỉ thuộc có vài lời của Cuarteto Cedrón:

Nadie detiene al sol
Nadie detiene al gallo cantar
Không ai ngăn được mặt trời mọc
Không ai ngăn được tiếng gà gáy

Tức là không ai ngăn nổi lời ca, Mỹ La Tinh tôi chỉ biết những bài hát cách mạng. Dù đang ở Trung Mỹ, giờ vẫn là thế kỷ thứ 21 không phải là thập niên 70-80, tôi phải biết, đến ông Ortega còn biết nữa là. Đêm đang mềm nhũn người ra ở Doña Haydée mà tôi không vét ở đâu ra một nốt nào tình cảm. Giờ là đêm và Gừng không đưa một sợi tóc nào lên miệng ngậm để mà tôi mở giọng Phú Quang (“Buổi sáng”) [9] .


William Walker Nguyễn

Tôi đến đây, thực ra lại vì tình cảm, lý do này nên mang theo chiếc áo rằn ri. Một vài năm sau 1975 (ở Việt Nam), thì ở Nicaragua chiến tranh tăng cường độ, từ mức tảo trừ phiến loạn, đàn áp chống đối và ức hiếp dân chúng chuyển sang một giai đoạn quy mô, cần có đôi chút tay nghề chứ mang giày sô đạp vào bụng đàn bà chửa thôi không còn đủ hiệu quả. Cậu “Tachito” Somoza, tức là Anastasio cháu, hay Anastasio III, con của Tổng thống Anastasio cha (hay Anastasio II) và cháu của Tổng thống Anastasio ông nội (hay Anastasio I) bèn thuê một chuyên gia từ Mỹ. Vị Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ mới giải ngũ này sang Managua rủ theo hai anh cựu Mike Force người Việt Nam đi chơi cho có bạn và làm phụ tá. Ba người dày dạn kinh nghiệm trên giúp cậu này tổ chức lại và huấn luyện tiểu đoàn Phủ Tổng thống của Guardia Nacional.

Vệ binh Quốc gia Nicaragua, công cụ quyền lực của nhà Somoza, ngay vào thời kỳ này, cũng chỉ có 10.000 tay súng. Ngoài tiểu đoàn Phủ Tổng thống chỉ có thêm một tiểu đoàn Chiến thuật Trừ bị, một tiểu đoàn Công binh, một đại đội Cơ giới với 10 tăng M4 Sherman cọc cạch, một đại đội Pháo binh và 16 đại đội Bảo an cho 16 tỉnh. Chuyện tha phương cầm súng của hai người Việt là chuyện tôi cũng chỉ nghe phong thanh, ai biết rõ chi tiết thì tôi xin hậu tạ (một phù hiệu đeo ngực “Hồn ma biên giới” của Biệt kích Mỹ còn mới nguyên [10] ). Tiểu đoàn Phủ Tổng thống tất nhiên được coi là ưu tú, được mệnh danh là Pantera Negra, diễn sang tiếng Việt là Hắc Báo [11] . Hỏi không lãng mạn sao được, và nhất là trùng hợp.

Vào dạo ấy, nghề đánh thuê còn đầy hào khí (tuy đã gọi là thuê thì cũng phải trả tiền). Tôi còn nhớ trên tấm ảnh chụp bởi Gilles Caron, tại Biafra (nội chiến Nigeria 1968), một anh Bỉ cởi trần lưng trắng hếu đang được mấy người lính đen vác xác lội qua sông. Đánh thuê lúc ấy còn là một hoạt động nghệ nhân (với Mad Mike Hoare… hay đạt hàng nghệ thuật với những trường hợp như hầu tước Thuỵ Điển von Rosen [12] ), chưa kỹ nghệ và công nghiệp hoá như ngày nay ở Iraq với các mafia quốc phòng Blackwater, Triple Canopy… đấu thầu dịch vụ với Lầu Năm Góc. Nếu có bẩn thỉu thì cũng chỉ bẩn thỉu kiểu chạp phô hàng xén thôi, như ông Bob Denard ở quần đảo Comores chẳng hạn. Hai bạn đồng hương này, tuy không một túi nhét cơm nắm vắt và túi kia lựu đạn, nhưng có lẽ cũng chẳng đến nỗi tệ. Tôi tưởng tượng mỗi chiều họ thả bộ ra bùng binh Santo Domingo, áo hoa giày saut, ngồi uống bia Victoria chai lớn trong cái động đĩ không tên cạnh cửa hàng lốp xe Kelly (động đĩ này, chứ không phải là cửa hàng lốp xe, chẳng hiểu tại sao lại lủng lẳng bày toàn yên ngựa [13] ), hát a capella (vào dạo chưa phát minh ra karaoke) bài “Kẻ ở miền xa[14] .

Trong mọi phim Mỹ về chiến tranh Việt Nam, bất luận là phim nào, nếu có một người lính miền Nam, thì bắt buộc là anh phải mang phù hiệu hình một đầu beo đen trên ngôi sao năm cánh màu vàng. Bằng chứng, gần đây thì vai Kit Carson Scout - thông dịch trong We were soldiers của Mel Gibson hay dấu ấn điện ảnh thì vai ARVN chạy xe máy (và dắt gái) trong Full Metal Jacket của Stanley Kubrick. Đến nỗi ngay cả trong một phim B, tướng công an cộng sản lại cũng mang phù hiệu này mới oai! Đây là phù hiệu của binh chủng miền Nam Ta Biệt động quân danh lừng bốn phương [15] với tiếng hô “Biệt Động Quân, Sát!” khi lâm trận [16] . Phù hiệu này bắt mắt đến như vậy và chẳng riêng gì điện ảnh nên tôi đồ rằng, tiểu đoàn Phủ Tổng thống Pantera Negra cũng mang một phù hiệu tương tự chứ không thể tránh.

Câu hô lâm trận thì dễ thôi, đã có tiền lệ của Lê dương Bắc Phi của Đại tá Milan Astray (ông này vừa chột mắt vừa cụt tay nhưng cho dù ông có lành lặn, khi ông cười nhìn răng ông lởm chởm là đã đủ dựng tóc gáy) trong thời nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939). Khẩu hiệu của Lê dương do ông thành lập là “Viva la Muerte!” đầy mâu thuẫn hào hùng (đã Viva lại còn Muerte). Như vậy, theo tôi nghĩ, đóng góp quốc tế của hai người đánh thuê Việt Nam này là danh xưng, phù hiệu và Ta Biệt động quân nung rèn chí trai khi chuyển ngữ sang Tây Ban Nha trở thành, vẫn là theo tôi suy diễn và đồ chừng, hẳn phải là “Pantera Negra: Viva la Muerte!”

Làm sao mà tránh khỏi tình cảm, ở đây với tôi là tình đồng đội miền Nam cũ. Tình cảm, theo nghĩa thông dụng hơn, tôi không biết vào dạo ấy, có cô mestizo nào phải lòng anh chiến sĩ (di tản) xa nhà để ra bến Tico Bus mà ca Tàu đêm năm cũ.

Tàu cũ năm xưa
Đưa người tình (Việt Nam) biên khu (Nicaragua) về chưa
Trắng đêm tôi chờ nghe
Chuyến tàu đêm tìm về...

Và vô vọng, 1979 du kích FSLN chiến thắng, chàng đã di tản lần thứ hai, tuy vẫn là di tản sang Hoa Kỳ mà thôi. Mỹ cũng là quê hương của Từ Hải William Walker, một tay đánh thuê vào thế kỷ 19 được thành Léon mời sang Nicaragua giúp để hạ thành Granada (tranh chấp lâu dài giữa Léon và Granada là lý do Managua lúc đó còn bé nhỏ và ở giữa, được chọn lập thành thủ đô cho khỏi phải giằng co). Năm 1859 thành công đánh mướn, Walker tự tấn phong Tổng thống Nicaragua! Bị đuổi đi và lại âm mưu trở về, Walker rốt cuộc tròn kiếp phiêu bồng của ông, làm Từ Hải thì chỉ có mà chết đứng. Đó là số phận của ông nhưng các bạn William Walker Nguyễn, William Walker Trần của tôi thân trai dặm trường Trung Mỹ không được như ông và vô danh hậu thế.

Đêm càng trễ thì càng nhũn người ra vì ẩm. Tôi đưa Gừng về đến tận nhà, trên đường đi tuyến Bắc và hun hút ngõ sâu nhưng vẫn còn một vẻ gì đồng áng. Căn nhà ngoại ô, một căn nhà xinh có hoa thơm trái hiền và lập lòe nê ông. Mẹ Gừng ra mở cửa, một thiếu phụ ngoài 50, tuy mới ở tuổi nửa đời hương phấn nhưng đã cằn cỗi những lo toan cuộc sống, tình cảm đã đi qua khuôn mặt chỉ để lại những đường nhăn khắc nghiệt. Tôi chưa kịp nhìn bà, bà đã nhìn tôi chầm chập, ngơ ngác và lặng người một lúc lâu khiến tôi thêm bối rối.

Anh đã về đấy hả? Bà run run giọng nói [17] . Bà lui lại một bước, và tôi tiến vào nhà nhưng không hiểu chuyện gì.

Không… Không thể nào… Không phải… Bà lập cập, Gừng đứng cạnh ngẩn người.

Mẹ Gừng vào phòng, lục đục một lúc bên trong và trở ra mang theo một gói bọc bằng giấy báo. Bà trao cho tôi trọn gói, giấy báo bằng chữ Việt đã ố, loại đánh máy vào thời mang đi in còn phải bỏ dấu bằng tay. Bài viết trên tờ giấy gói ngả màu là một bài kỷ niệm ngày giỗ thứ bao nhiêu đó của họ Ngô Đình (chứ không phải họ Somoza) nhưng giờ không phải là lúc để tôi đọc Văn Nghệ Tiền Phong, ấn bản hải ngoại vào cuối thập niên 70. Tôi nhìn Gừng, thì đôi mắt em dìu dịu buồn đông phương (chứ không phải là tây). Tôi mở gói báo ra. Bên trong là một cái áo rằn ri cũ, vải worstead tropical tức là loại vải có “gân”, thời chiến tranh ở miền Nam rất được chuộng. Vai của chiếc áo phong trần này còn khâu phù hiệu đầu beo trên sao vàng năm cánh của tiểu đoàn Phủ Tổng thống (chứ không phải là của Biệt động quân miền Nam, tuy coi rất giống). Mắt mẹ Gừng mờ đi, chiều sương không thấy bóng Esteli (chứ không phải bóng Ba Vì) [18] .

Người cha không biết mặt của Gừng, chính là người chiến sĩ tự do của lưỡng quốc! Vào một ngày đen tối 1979, trước khi thấy mặt con, ông đã phải lần nữa mịt mờ Mỹ tiến (chứ không phải là Tây) [19] . Con chưa sinh, ông đã đặt tay lên bụng bà dặn đặt tên nó là “Rừng” (vì ông là beo nhớ rừng nên mới sang Nicaragua cầm súng trở lại). Bởi thế tôi đoán ông là người Bến Tre, chữ “R” phát âm thành chữ “G”, cho nên người con gái vai ngang thuỳ mị đang ướt mi cạnh bên tôi mới mang tên là Gừng chứ không phải Jungle.

Ai người khăn gói gió đưa,
Về đây... quên hết nắng mưa bụi đời.
Khi yêu! Yêu lắm người ơi!
Cả trời, cả đất, cả người Bến Tre.

Bà mẹ mắt rưng rưng, thì hoa trắng đã thôi cài trên áo tím [20] , bà cầm tay tôi và đặt vào tay con gái bà (chứ không phải là tay tôi bà cầm luôn không tha). Người ca sĩ ở quán lúc nãy bỗng hiện ra ở ngưỡng cửa, ông đi xe ôm theo chúng tôi về đến đây để búng nhẹ vào đàn và giờ thì cất tiếng hát bằng tiếng Việt (chứ không phải Besamé).

Tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi
Khi biết người ra đi vì đời
Trở gót bâng khuâng
Tôi hỏi lòng đêm nay buồn không?
Chuyến xe đêm lạnh không?
Để người yêu vừa lòng [21] .

Thật ra thì Gừng sinh năm 82 chứ không phải 79 (cho dù có thêm hay bớt ba tuổi thì đối với tôi đằng nào cũng vẫn còn trẻ chán) và Nicaragua không có xe ôm, nhưng cũng chẳng sao hết, đây là hiện thực huyền ảo Trung Mỹ. Tựa của truyện này, tôi xin đặt là, “Tình mẹ, thì duyên con chứ sao”.


Ba Cero, No Future

Hiện thực huyền ảo trong cuộc bầu cử này, theo nhà thơ Gioconda Belli tả lại, là tháng Bảy năm nay nhằm vào ngày kỷ niệm chiến thắng, Daniel Ortega ngồi trên ngựa diễn hành vào Managua. Ông khoác quốc kỳ trên vai như là hiệp sĩ (Comandante Zorro?). Bên cạnh ông là bà vợ (Rosario Murillo) váy xòe hồng nhạt, có mười ngón tay thì đeo hết mười hai cái nhẫn, trong khi nhạc nền là Give Peace a Chance và trong đoàn diễn hành có cả cờ... Mỹ! Trong khi đó thì phe hữu, lên truyền hình giải thích cặn kẽ cho quần chúng là câu khẩu hiệu tranh cử của FSLN đếm được 18 chữ, tức là ba lần sáu, hay 666, tức là dấu ấn của Quỷ! Bằng cớ là chữ ký của Ortega, “Daniel 2006”, trên khắp các bích chương, biểu ngữ, dù mát một màu hồng tươi, chữ “d” ông viết giống như là một số “6” đảo ngược! Nicaragua là một nước rất sùng đạo Công giáo, tất nhiên là chống quỷ sứ rồi, chống cả phá thai vì người phụ nữ không thể quyết định mà phải là giáo hội. Nào có hề gì, hay nề gì, nhà cách mạng Mác xít cực tả, Daniel Ortega, người từng sáng lập khuynh hướng tercerista của phong trào Sandino, cũng là một người kiên quyết chống phá thai lập trường rất vững.

Dĩ nhiên là, cũng như Gioconda Belli, Gừng đã biết sẵn là cô sẽ bỏ phiếu cho ai. Phải tinh mắt lắm, khách phương xa mới nhận ra là Managua sắp sửa có một cuộc tuyển cử quan trọng. Người Nicaragua sạch sẽ và trật tự, ở trên tường tuyệt đối không thấy có khẩu hiệu viết lem nhem ngõ hẻm, bích chương dán bừa bãi, không có truyền đơn rải khắp đường. Chỉ thấy có “quảng cáo” của các ứng cử viên, tức là ngăn nắp và ở những vị trí đã định sẵn, cạnh quảng cáo thuốc tây, băng vệ sinh hay là điện thoại di động. Ngoài quảng cáo pa-nô năm ba gốc cây hay cột đèn mới có một bích chương bằng vải, rất tươm tất và chắc phải trả tiền hay sao đó mà tôi thấy nhiều nhất là của liên danh 1 (Montealegre, tiền “yểm trợ” của Hoa Kỳ) và của liên danh 2 (Ortega, tiền “đoàn kết quốc tế” của Venezuela [22] ).

Ở đây, các liên danh đều đánh số, mà lại bắt đầu từ số 1 nên ông Eden Pastora đành phải chịu số 5 thì phải. Pastora là người hùng bắt đại biểu quốc hội làm con tin để đổi lấy tù binh chính trị của Somoza vào năm 1978, dưới bí danh là Comandante Cero (Số không). 28 năm sau, các pa-nô của liên danh AC vẫn còn dựa vào con số không may này, hô ba không hay là bốn không khẩu hiệu gì đó (không tham nhũng, không độc tài, không v.v...) với ảnh của ông bịt mặt cầm súng. Pastora giải thoát Daniel Ortega (lúc đó đang ngồi tù) và mang sang Cuba, được Fidel (theo Pastora kể lại) cưu mang bằng xa xỉ và bằng gái nhưng thực chất là cầm tù, phải đợi chính con của Tổng thống Panama (Omar Torrijos) sang đến tận nơi bảo lãnh mới cho ra khỏi nước. Pastora về chỉ huy mặt trận miền Nam của FSLN nhưng sau khi kháng chiến thành công thì bất mãn các đồng chí cường hào, quay sang kháng chiến chống lại FSLN. Contra thì ông có, và có nhận tiền Mỹ nhưng không nhận chỉ thị [23] . Tôi thấy ông này vui, chỉ tiếc là ông đã nhợt nhạt Dân chủ Xã hội lại nhá nhem Ki tô. Sau ba bận ly dị, ông phát biểu, làm cách mạng trước hết là ngồi tù, tức là mất tự do, sau đó bị vợ bỏ, tức là mất hạnh phúc và sau cùng là bị chết tức là mất cả mạng sống! Và không tương lai, đương nhiên.

Gừng định bỏ phiếu cho PAEC và Pastora? Tôi hỏi.

Như tuyệt đại đa số người Nicaragua, nghe đến Pastora Gừng cười to, thấy cả đáy cổ họng rung rinh một màu đỏ ướt và ấm (37 độ). Các thăm dò đều cho Pastora từ một phần trăm số phiếu đến vài ba trở lại là nhiều và nói đến Pastora, 97, 98 hay 99% người còn lại đều cười.

Không, Gừng nói, tôi ủng hộ liên danh MRS.

Tôi rất thích nghe người Tây Ban Nha phát âm chữ “s”, esse. Dài hun hút và nhừa nhựa, ngọt như một khúc mía do chính tay Ernesto Che Guevara cởi trần ra nhễ nhại mà chặt vào dịp La Grande Zafra. MR-Esse, là Phong trào Cách tân Sandino, từ FSLN ly khai mà ra, có thể tạm gọi là Trung-Tả tuy cách sắp xếp từ hữu sang tả này tôi nghĩ là giờ này và ở đây chẳng có ý nghĩa gì hết. Ứng cử viên Tổng thống của MRS là Edmundo Jarquin (“Mundo” thân mật) mới trở lại chính trường và nhờ đi xa vắng nhà lâu năm nên không tai tiếng nhũng lãm. Đứng Phó cho ông là nhạc sĩ Carlos Mejía, chỉ biết có đàn hát chứ không biết chia chác nhận tiền. Liên danh này lắm trí thức và nghệ sĩ, bà Bellí đã nói đến, nhà văn Sergio Ramiréz (Phó Tổng thống trước đây của Ortega), đều là thành tích cách mạng cả, do đó không ai có thể đổ vấy cho là tay sai ngoại bang.

Trong sạch và hiệu quả đối với Gừng là cốt lõi. Cô long lanh mắt mà phát biểu hùng hồn và rất nhanh khiến tôi hiểu chỉ có độ một phần tư. Tôi với Gừng đàm thoại bâng quơ thì dùng Anh ngữ, đệm thêm vài tiếng Tây Ban Nha lững lờ cho đậm đà mùi vị, claro que si. Nhưng đến những vấn đề lớn hay quan tâm đặc biệt, Gừng chuyển sang sử dụng tiếng mẹ đẻ với tốc độ làm tôi chỉ có thể lặng người. Đại khái, cán bộ và công chức các chính quyền hữu hay tả lo chia chác, các giáo viên, lao động, bác sĩ thì nghèo đói, phụ nữ thì bị chèn ép, nhìn chung quanh đây này, Gừng vung tay chỉ Bắc chỉ Nam và tôi đoán được bấy nhiêu. Cô vững một niềm tin là nhân dân không còn chịu nổi, và ông Jarquin sẽ vẻ vang đắc cử. Các thăm dò đều cho ông này cỡ 15% số phiếu hay đâu đó, nhưng phụ nữ nói sao thì tôi nghe vậy, không dám cãi. MRS mang số 4 và màu cam (“Như ở Ukraine” Gừng còn thêm). FSLN cờ hai màu đen và đỏ nhưng tranh cử dưới cờ hồng. Hồng đây là hồng hồng (như trong ca từ Trời hồng hồng, sáng trong trong, mặc cái quần xì líp lòi lông) chứ không phải là hồng đỏ (như trong ca từ Trung quốc “Đông Phương hồng”). Màu đỏ là màu của Montealegre, chủ ngân hàng tốt nghiệp Harvard và được Hoa Kỳ tích cực ủng hộ. Tự nhiên thôi, trong một cuộc bầu cử tự do, ai muốn ủng hộ ai thì ủng hộ. Gừng tốt nghiệp cùng một trường (UCA) với Jarquin thì cô ta chớp chớp mi tin tưởng, Bush tốt nghiệp cùng một trường với Montealegre nên ông doạ nếu Ortega mà thắng, Mỹ sẽ (chớp chớp mi mất tin tưởng và) cắt viện trợ kinh tế 220 triệu USD đồng thời cấm Nicaragua kiều ở Mỹ chuyển tiền về nước. Đó là chưa nói đến 60% hàng xuất khẩu của quốc gia này là sang Mỹ, ràng buộc về kinh tế cả hai chiều.

Con số kiều hối hàng năm tôi không rõ chính xác là bao nhưng rất là quan trọng đối với kinh tế quốc gia và nhất là đối với thân nhân trong nước của những người tha phương lao động đường xa [24] . Nhưng công ty chuyển tiền Western Union nghe thế thì chắc cũng sợ chứ và Managua tôi thấy quảng cáo, bảng hiệu của Western Union nhiều hơn là của liên danh MRS, chỉ kém có ba liên danh đầu. Xét trên mặt bằng của biểu ngữ thì cờ vàng của Western Union chỉ có sau cờ đỏ, cờ hồng và cờ xanh dương (liên danh Rizo của đảng đang cầm quyền). Khẩu hiệu của họ thì không có và chẳng cần nhưng ai cũng hiểu, không có hứa hẹn xoá đói giảm nghèo thêm lao động bớt thất nghiệp nhưng Western Union nhanh chóng và hữu hiệu thế nào thì ai cũng biết. 100 USD ở Miami chỉ năm phút sau là đã có ở Managua để người thân đong gạo, đi chợ hay là trả tiền nhà.

Riêng 220 triệu USD kinh viện của Mỹ, nếu chia đều cho mỗi người trong nước thì đã là 40 USD mỗi người, một số tiền không phải là nhỏ ở một quốc gia Tổng sản lượng bình quân là 800 USD. Nhưng dĩ nhiên là 5% của Tổng sản lượng quốc gia này tôi nghĩ là chia đều sao được! Đi ngang Santa María de Los Lagos ở ngoại ô Nam thành phố, Gừng chỉ những biệt thự cấm tử tường dài cả trăm mét và cao đến nỗi Michael Jordan với còn không tới.

Mẹ tôi làm công trong một nhà kiểu như vầy và cũng ở đâu đây...

Lương bà bao nhiêu, tôi hỏi.

Gừng móc điện thoại di động từ túi quần sau ra loáy hoáy bấm. Nàng không gọi mẹ để hỏi mà là sử dụng chức năng máy tính.

111 đồng phẩy 64 USD, Gừng nói. Mẹ tôi là thuộc hàng lương cao nhất trong nghề, ba mươi năm kinh nghiệm rồi còn gì, còn ở mướn trung bình là một tháng có 70-80 USD.

Nicaragua là một trong những nước bất bình đẳng nhất thế giới. 10% người giàu nhất sở hữu 45% của cải, còn 10% nghèo nhất chỉ có sở hữu 1,2% (xin đọc rõ là một phẩy hai phần trăm chứ không phải là mười hai phần trăm). Giai cấp trung lưu thì không thể nói là có được khi 50% dân số ở dưới mức nghèo khó và số nghèo khó này tăng trưởng vui vẻ từ ngày Mác xít giãy chết, đến độ cao gấp hai so với là 1990. Những biệt thự (“phủ”) đồ sộ này, có cái trương cờ xanh, có cái trương cờ đỏ của các đảng hữu phái, đột nhiên tôi thấy sau một bức tường cao bằng Yao Ming đang lom khom cõng Shaquille O’Neal (vâng, vớ được hình ảnh ngộ nghĩnh là tôi tận dụng), phất phơ màu đỏ và đen cách mạng, rực rỡ trên nền trời xám. Cờ FSLN. Đây là lá cờ của nông dân bị Somoza truất đất, của phu đồn điền khổ sai của những công ty nước ngoài. Đây là cờ của trí thức tiến bộ và của thanh niên vùng dậy, lá cờ của tướng Augusto Sandino đuổi Thuỷ quân Lục chiến Mỹ. Tôi ngạc nhiên.

Ở khu này mà cũng có quần chúng của FSLN?

Gừng trợn một nửa mắt (buồn tây phương, buồn đông phương, buồn mestizo và thăm thẳm mùa mưa).

Đây là nhà của Humberto Ortega!


Anh em nhà Karamazov

Nếu trong bốn thập niên cai trị, họ Somoza vắt xứ sở đến kiệt quệ thì khi bị lật đổ, những gì không mang theo sang Miami được và phải để lại, thì các comandante xung tư chứ không phải là xung công. Humberto là bào đệ của Daniel, hai anh em ông Castro bản xứ này thành lập khuynh hướng tercerista của phong trào và cho đến 1995, Humberto vẫn còn chỉ huy quân lực của cả nước để bảo đảm sự chuyển tiếp hoà bình sang dân chủ mới. Ngôi nhà trên là ba hay bốn biệt thự cạnh nhau được ông cất công gom lại, bên trong có nước nóng nước lạnh và sân chơi dã cầu (baseball là thể thao được ưa chuộng hàng đầu ở Nicaragua). Tôi không được thấy nội thất nhưng cổng nhà ông thì đã to bằng cổng thánh đường Managua. Tôi có lúc cường điệu, nhưng ở trường hợp này tôi ghi nhận chính xác mặc dù không sẵn thước đo ở trên tay. Humberto còn xí được cái bàn giấy của chính Anastasio Somoza và chắc ông vẫn giữ bên trong. Mô đen cất tường rất cao chung quanh tư thất này (và tối đi ngủ cầm súng ngắn nhìn dưới gầm giường) là đặc thù của kiến trúc thập niên 80 ở Managua, và đây là phần của ông Humberto đóng góp vào phong trào kín cổng.

Giai thoại về ông thì rất nhiều, Humberto là người đi trước quân nhân Mỹ ở Iraq, trong phố Managua áp dụng chiến thuật bảo toàn an ninh là xe con nào vượt qua đoàn của ông thì tuỳ tùng của ông nổ súng và chạy thẳng chứ không nhởn nhơ mà dừng lại xem kết quả ra sao [25] . Dĩ nhiên đây là trong thời kỳ căng thẳng của nội chiến Contra và một tối xấu trời, một xe cá mập Toyota từ hồ Masaya về rơi phải vào hoàn cảnh khắc nghiệt trên. Bảo vệ ông bắn vào xối xả, chiếc Toyota bị nổ tung lốp, vỡ bình nước và bất động nhưng may mà không ai trên xe mang thương tích. Sớm ra thì phát hiện, đây là xe chở ông Alejandro, trưởng phái bộ quân sự Liên Xô và ông này đến bàn giấy của Humberto mà gõ cửa, trên mặt có vẻ không vui, hay có thể nói là có vẻ gì một chút xíu bất bình. Vào năm 1982, vũ khí, đạn dược, quân lương của Quân đội Nhân dân Sandino (ESP) đều phải qua tay của vị Alejandro này. Humberto phải xin lỗi, viện cớ là các comandante đang bị Trung ương Tình báo Hoa Kỳ đe doạ, đến độ Daniel mỗi bữa ăn còn phải có tuỳ viên nếm trước vì sợ bị bỏ thuốc (chẳng kém gì một Saddam Hussein sau này). Sau sự cố trên, Bộ Quốc phòng phải nhập đèn nháy đặt trên mui xe từ Panama về, để mọi người (kể cả, hay nhất là, phái bộ quân sự Liên Xô) nhìn thấy từ xa mà còn tránh.

Để công bằng với nhân vật, thì Humberto cũng là người có đầu óc châm biếm bén nhạy. Một hôm, gặp comandante Tomas Borge là Bộ trưởng Bộ Nội an (theo tổ chức của Liên Xô, Bộ Nội an cũng có lực lượng quân sự, nghĩa là cạnh tranh với quyền lực của Quốc phòng), Humberto vỗ vai và bảo “Này đồng chí, máy bay tôi từ Cuba về, xuống Managua mà chỉ thấy có cái hồ bơi nhà anh.” Managua ở cạnh hồ Managua mênh mông và hồ bơi của Tomas Borge thực sự thì chỉ đạt có tiêu chuẩn thế vận thôi, nghĩa là dài đủ chỉ đúng có 50 mét. Sau chiến thắng, vào Managua, Borge chiếm nhà của một vị tướng “nguỵ” rồi nhà của một người chú của Somoza. Thì mạnh ai nấy chiếm chứ, và đã chiếm thì chiếm nhà đẹp, chẳng lẽ lại đi chiếm nhà thường. Nhưng bị phê bình bởi dư luận, ông đành dọn từ khu cao cấp về khu trung lưu Belo Horizonte cho có vẻ đỡ cách xa quần chúng, Tại đây ông xung quỹ một nửa khu phố để gom lại, xây dựng thành tư thất thoáng mát với cái bể bơi tầm cỡ như đã nói. Thế mà vẫn không yên, sau khi cứ nghe nhắc đi nhắc lại mãi hồ bơi của ông là kỳ quan duy nhất của thành phố trông thấy được từ máy bay, ông đã phải biến nó thành câu lạc bộ của cán bộ FSLN, dĩ nhiên là cán bộ cấp cao, để cho các đồng chí vô-hồ-bơi (chứ không phải là vô sản) cùng hưởng.

Ngay cả những comandante được tiếng là ít hôi của (hay là không được nhanh tay bằng), như Henri Ruiz chẳng hạn, chỉ có tội thích mặc đồ designer từ đầu đến chân, cũng có giai thoại lưu truyền. Ông này mang chứng mặt khinh khỉnh, khiến cũng lại Pastora nhận xét: “ Tôi không rõ được ở Henri là sự khiêm tốn cực kỳ phách lối hay là sự khiêm tốn phách lối cực kỳ”! Được nghe đến đây, theo tôi thì Comandante Cero Eden Pastora nên ở nhà (trống vắng và không có bóng dáng người phụ nữ) mà viết ngụ ngôn hay về các anh em nhà Sandino, chứ (lại) ra ứng cử Tổng thống làm gì.

Giai thoại về ông Ortega anh, ngược lại phải kiên nhẫn thì mới được nghe kể đến. Ai hỏi về chuyện Daniel Ortega, phải ngồi nghe mãi mà không hết về phu nhân Rosario! Ngắn gọn, là nhận định của nhà thơ thanh cao, linh mục công giáo và Bộ trưởng Văn hoá (của chính quyền cách mạng FSLN) Ernesto Cardenal: “Con đĩ ngựa này còn tệ hơn cả là mụ Dinorah!” Bà Dinorah là nhân tình của Tổng thống Somoza, không cần phải tả, chỉ chức danh này cũng đã cho thấy khi nhà độc tài này còn khạc ra lửa thì bà õng ẹo mà mửa ra khói thế nào. Câu phê bình trên, thanh cao, văn hoá và công giáo, là vào thời bà Rosario chỉ mới lăng xăng tưởng bà mới chính là Bộ Trưởng bộ Văn hoá. Giờ thì bà là Giám đốc Uỷ ban Vận động tranh cử của chàng nhưng dư luận vỉa hè xấu miệng thì cho là Ortega chỉ là con rối nước con rối cạn của vợ. Phó Tổng thống ứng cử Jaime Moralés (đã được bồi thường nhà và trả lại cái bàn ăn) thì không thấy tố cáo nữa như đã từng, là Rosario không biết xấu hổ mặc cả quần trong áo ngoài và đeo tòng teng nữ trang của vợ ông sau khi của cải ông bị nhân dân xung công. Nhưng Daniel có nể vợ cách mấy, trong một lãnh vực ông tỏ ra có ý‎ chí độc lập, đó là lãnh vực tình dục. Xì căng đan riêng tư nhưng lan sang lãnh vực chính trị, là chuyện ông đối xử hơi bị đẹp làm sao đó với con gái riêng của vợ, Zola-america, từ lúc cô này lên mới lên 11 tuổi hay 13, chứ không đợi nổi đến khi cô trăng rằm 16, là tuổi hai bên đồng thuận được ở xứ này, đó là nếu cô thuận nhưng không phải vậy.

Đây thuộc tội hình, xâm phạm tình dục trẻ em vị thành niên (theo cô Zola-america tố cáo nhưng theo ông và cả bà Ortega thì cô ái nữ này mắc bệnh tâm thần và lẩn thẩn). Vào lúc đó, Tổng thống hữu khuynh Alemán cũng mắc phải rắc rối vì nhũng lạm. Cánh FSLN và cánh hữu tại Quốc hội và Tối cao Pháp viện bèn cấu kết và trao đổi: Ortega được miễn tố, Alemán mang án 20 năm tù nhưng được thụ án tại gia thảnh thơi, đồng thời luật bầu cử được thay đổi. Tại Nicaragua, ứng cử viên Tổng thống nào vòng đầu về nhất và trên 45% số phiếu thì trúng cử. Điều lệ này được hạ bớt xuống 40%. Ứng cử viên về đầu đạt 35% và hơn người về nhì 5% cũng khỏi phải trải qua vòng nhì. Đây là một điểm rất quan trọng trong một cuộc bầu cử có đến năm liên danh, mỗi liên danh lại là liên minh tạm bợ giữa dăm ba hay là bảy khuynh hướng lúc thì hoà hoãn dịu dàng lúc lại xung đột gay gắt (thí dụ, MRS là liên minh giữa hai thành phần Sandino ly khai khác nhau, thành phần Sandino cách tân và thành phần Sandino đổi mới gì đó, thêm vào đảng Xanh bảo vệ môi sinh, đảng Xã hội tức thành phần ly khai đảng Cộng sản cũ, Phong trào Phụ nữ Tự lập, tổ chức CREA v.v..., và vào giai đoạn năm ngoái còn có cả Pastora). Nếu phải vòng hai thì rắc rối cuộc đời, cử tri hoang mang và các liên minh tan vỡ hay là oán ân kế toán sẽ vô vàn thay đổi, chẳng còn ai rõ được mà mò. Như mọi người, Gừng cũng chỉ mong là bầu cử sẽ kết quả rõ rệt trong một vòng thôi.

Sáng chủ nhật 5.11, điềm xấu, Gừng không hiểu sao lại mặc áo màu hồng thay vì màu cam. Cô đã hấp tấp cạo lông nách không kỹ, lại còn cả hai bên để lại dấu phấn trắng của thuốc thơm. Gừng dậy trễ, áo màu hồng hở nách không phải là vấn đề, tuy tôi có chờ đợi banh ping pong lọt ra bằng đường nách này mà không thấy. Vấn đề là, vì dọn sang nhà mới có hai năm trở lại, cô chưa kịp làm thủ tục đổi địa chỉ. Gừng phải đi bỏ phiếu gần địa chỉ cũ cách những mười dặm đường. Tôi thì phận khách chữ tòng, cô đâu tôi đó một lòng đi theo.


Ba năm tù, một hộp sữa

Cửa hàng nằm ở mặt lộ cái, lem nhem bày ở cửa kính ngoài vài ba áo quần phụ nữ trên những người mẫu nhựa không còn được mới. Gừng nói.

Thỉnh thoảng, tôi vào đây, mới tìm được hợp khổ người.

Vóc dáng người ở đây không mấy cao to và phụ nữ cũng tầm thước, Gừng cũng chẳng là bé nhỏ gì mấy.

Đây là cửa hàng Trung Quốc, có cỡ tôi mặc vừa. Đây lại rẻ.

Tôi nhìn mấy cái nịt vú, có lẽ Gừng muốn nói đến phụ tùng phụ nữ này, cỡ như nàng là khó kiếm ở đây. Cửa hàng Trung Quốc thì hiếm hoi nhưng có một thì chẳng mấy chốc mà sẽ có hàng trăm, món gì cũng 10 cordoba, tha hồ mà sắm rẻ. Gừng thuộc loại phụ nữ thiếu hiểu biết về tiêu dùng, hay là người Nicaragua thiếu kiến thức hơn là người Việt Nam. Chẳng hạn, khi nói đến túi đầm Louis Vuitton tôi tả mấy Gừng vẫn không biết, Louis Vuitton Trung quốc cũng chưa biết chứ nói gì đến Louis Vuitton Pháp, trong khi nhân vật nữ nào trong “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư cũng đều nhận được “LV” dỏm hay là gin. Gừng bảo

Chẳng hiểu chủ người gì, nhưng Á đông. Rất là lạ, bà lại nhuộm tóc màu vàng!

Tôi nhìn trên bảng hiệu dòng chữ “Chuyên bán sỉ và lẻ” và xác nhận, vừa chuyên sỉ vừa chuyên lẻ thì chỉ có cửa hàng Trung Hoa (do một Marilyn Củng Lợi làm chủ). Ở đây, có lẽ là người Đài Loan hay Hương Cảng chứ không phải là Đại lục. Một chuyện vui, chắc là vì nghe lời các cố vấn Liên Xô xúi dục, nên trong thời gian nắm quyền, FSLN vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với hòn đảo thay vì công nhận Trung Quốc! Đảng Cộng sản Mao (MAP-ML, hiện ở khoảng 1% cử tri) thì mồ côi, sau khi bỏ Bắc Kinh để ủng hộ Tirana, tội nghiệp thế, Bắc Kinh đã xét lại thì Tirana lại chẳng bao lâu mà lăn ra mà chết!

Đây, tôi phải mở dấu ngoặc dành riêng cho người đọc ở Việt Nam, khi thấy đảng Cộng sản ở Nicaragua ở đâu ra mà lắm thế. Đảng Cộng sản “chính thống” (PCN), chiều hướng Liên Xô phân ra thành đảng Xã hội Nicaragua (PSN) và đảng Cộng sản Nicaragua (PC de N). Nhìn danh xưng (nói chung ở trên thế giới, không riêng gì ở đây), nếu thấy có chữ Xã hội thì vừa có thể là khuynh hướng Xã hội (Đệ nhị), hay khuynh hướng Xã hội mềm èo uột (Đệ một rưỡi hay một hai phần ba), lại vừa có thể là Cộng Sản Đệ tam ẩn danh và cũng lại có thể là Trốt kít (Đệ tứ) trá hình xâm nhập nên từ “Socialista” này rất mông lung. Nếu sau từ Xã hội thêm vào chữ “Lao động” hay nhất là cụm từ “Người lao động” thì đích thực là Đệ tứ. Nếu lại có từ “Cách mạng” (thí dụ ở đây PRT, đảng Cách mạng Người lao động) thì không trật vào đâu (còn khuynh hướng Đệ tứ nào thì ở đây xin không bàn đến, rất nhiêu khê nhức đầu)! Nhưng nếu Xã hội hay Cộng sản mà “Mác-Lê” hay “Nhân dân” lại còn “Hành động” nữa thì hẳn là Mao-ít (ở đây là MAP-LM, Phong trào Hành động Nhân dân - Mác Lê Chủ nghĩa)! Dễ gây nhầm lẫn thì là từ “Cách mạng” này, vì cả Mao lẫn Trốt đều chuộng mặt hàng. Cũng dễ hiểu, đây là đồ nhặt lại, phế thải vứt ra vỉa hè của các đảng Cộng sàn chính thống không còn xài từ đã rất lâu nay, ai lại chẳng ham. Tôi đóng dấu ngoặc, ở ta chỉ có một đảng Cộng sản, tiện lợi và khỏi phải thắc mắc.

Gừng không tích cực lắm về mặt chính trị nhưng cô bỏ thì giờ ra hoạt động xã hội với “Phong trào Phụ nữ Tự lập”. Việc của Gừng là giúp đỡ các chị em buôn hương.

Gừng dạy họ đan chiếu?

Trước khi họ bán thân, họ đã biết đan chiếu rồi, Gừng nói, biết làm công nhân xưởng máy, biết bán hàng, phục vụ tiệm ăn, biết đánh máy mười ngón tay, có người như tôi tốt nghiệp đại học.

Vậy không phải là giúp họ có nghề để hoàn lương?

Ở đây, mọi người đều thấy làm đĩ là xấu! Gừng có vẻ bất bình. Hành nghề đĩ thì bị dư luận, gia đình, hàng xóm… dè bỉu và chính bản thân họ cũng không thấy... cũng không thấy... tự hào!

Tôi không có đánh giá họ về mặt đạo đức. Đó là một chọn lựa cá nhân, tôi tôn trọng lựa chọn này và giúp đỡ họ là về mặt… tinh thần.

Tôi tiu nghỉu, tí nữa thì tưởng Gừng giúp đỡ họ về mặt trau dồi vành ngoài vành trong. Giúp đỡ đây là làm thân với họ, chị em mình, để họ cảm thấy bớt xa cách và bớt bị cô lập. Về mặt tâm lý thôi, vì ở đây luật pháp không cấm đoán. Không cấm đoán thì đã là tốt rồi. Ít nhất là khỏi phải nộp tiền cho má mì với lại công an. Nơi nào luật pháp cấm đĩ, thì chỉ có nuôi ma-cô, dắt mối và cảnh sát công an.

Có khi ít bị bóc lột hơn là lao động trong các xưởng may, tôi đoán thế. Lại kiếm được nhiều tiền. Lại… vui hơn là… ngồi đạp máy cả ngày.

Không có vui đâu, Gừng trả lời tôi cái đầu lúc lắc, cũng nhọc… tâm lắm.

Và Gừng có vẻ cũng buồn theo. Tôi không dám hát cho Gừng nghe ca từ sửa đổi của “Ya Mustafa” những ngày tôi còn bé:

Chérie je t’aime, chérie je t’adore
Tìm em không thấy, thấy em ở trong Chuồng bò
Đi vô đi ra
Là mất năm trăm [26] !

Đĩ ở đây không nhiều, không có mát xa, bia ôm, karaoke lộ liễu, và Managua thì cũng chỉ có được hồ Managua thôi chứ làm sao mà có được… Hồ Tây. Vài hộp đêm dành cho doanh gia nước ngoài, mấy cái bóng đêm về mờ nhạt và bình dân gần xa cảng Tico. Tôi không quen Gừng là nhờ do các thân chủ được giúp đỡ về tâm lý của cô giới thiệu (nếu được thế thì đã quá hay). Một băng rôn đen tuyền kiểu màu phụ nữ Hồi Giáo, nhưng lại là của Phong trào Phụ nữ Tự lập, rao trên phố “Không đầu phiếu bọn Ortega, Arce, sát hại những phụ nữ” làm tôi đâm ra nghi vấn. Ông Ortega, theo tôi biết, thì chỉ có sát hại dân tộc thiểu số Miskito ở miền Đông chứ tôi chưa nghe đến sự cố nào là nổ súng vào đàn bà biểu tình như (chẳng hạn) ở Gaza, Palestine, thế nào là sát hại?

Trước đây, nếu người mẹ có vấn đề sức khỏe, về lý do y tế, thì vẫn được phá thai. Giờ thì Gừng nổi giận, long lanh đuôi mắt. Nhờ đến Ortega đấy, phe hữu mới thông qua được luật hoàn toàn cấm phá thai, cho dù giữ thai thì người mẹ có thể mất mạng vẫn cứ cấm như thường!

Ở Mỹ ông Bush chỉ đang mơ được có bấy nhiêu, tôi bảo. Vậy là Ortega đi trước cả Hoa Kỳ! Nhưng ở nước tôi, trong thập niên 80, đàn bà phá thai không những chẳng cấm, chẳng ngồi tù còn được bồi dưỡng một hộp sữa đặc Ông Thọ! Nhưng chẳng phải vậy mà có thể nói là phụ nữ khá hơn đây hay là bình quyền hơn gì đó…

Luật mới Nicaragua phạt tội phá thai này là từ một đến ba năm tù, phe hữu hung hãn còn đòi phạt đến 20 năm (!) nhưng cánh FSLN ở Quốc Hội vẫn còn chút thể diện mà lơ qua điều khoản này, ba năm là đủ rồi, vui lòng Giáo Hội. Nói cách khác, ở Nicaragua phá thai là tội ác nặng gần bằng ở Việt Nam dịch thuật tài liệu và đưa lên Mạng. Nhưng ở Nicaragua dịch thuật tài liệu và đưa lên Mạng thì nhà nước nào có thưởng một hộp sữa đặc El Senor Longividad, tóm lại theo tôi thì ở nước mình vẫn hơn.

Nicaragua là nước sùng Ki tô Công giáo, ảnh Đức Giáo Hoàng Juan Pablo II trong nhiều nhà hơn là ảnh Britney Spears mang bầu. Dĩ nhiên, đây không phải là tuyệt đối, vào thánh đường Managua tôi không thấy Gừng làm dấu thập hay là quỳ gối, vẩy nước thánh lên người. Nhưng Managua động đất, xây dựng lại, ngay cả dưới thời Tổng thống Ortega (84-90) thì xây dựng thánh đường trước tiên, và sau đó, ông Ortega đi rồi, thì mới xây dựng Intercontinental Đại khách sạn. Không hiểu có lẽ vì thời điểm, mà thánh đường mang một vẻ kiến trúc Stalin (kiểu Cung Văn Hoá các nước XHCN), phía sau mái lại dáng dấp đền Hồi Trung Á. Nhưng bên trong thì rõ rệt là một nhà thờ. Ở điện phụ, nến lấp lánh vây quanh, một Giê-su khổng lồ dang tay trong lồng kính (đây là lần đầu tôi thấy ông được lồng kính bảo vệ tuy thú thật, những giáo đường tôi ít khi vào bên trong). Dưới chân ông phủ phục tín đồ lâm râm cầu nguyện, ôm chặt những giải lụa màu tím lòng thòng cho đến tận sàn.

Họ đang cầu được phép lạ, Gừng nói với vẻ gì châm biếm.

Nhưng khi một người đứng trước buông dải lụa này ra, Gừng cũng nhún mình hai bước lực sĩ, không cầm lấy đưa lên môi mà dùng tay chạm rất nhanh vào. Tôi không hỏi là cô ước phép lạ gì, chỉ đoán chắc là phép lạ liên danh MRS kỳ này đắc cử và phụ nữ, kể cả phụ nữ buôn hương, được thêm một phần giải phóng và thoải mái về mặt tâm lý.


Ngón nghệ của Gừng

Chuyến xe buýt Gừng dắt tôi theo về phố La Sabana là một chiếc xe chuyên chở học sinh ở Hoa Kỳ phế thải. Đây là loại buýt vàng, vẫn còn nước sơn cũ (nghĩa là nước sơn đầu và không còn được mới nữa), ngay những hàng chữ kẻ bên hông (“Duvall School District”) nguyên thuỷ vẫn còn giữ, chỉ có bảng số là được thay, Liên Xô phế thải Cách mạng sang đây (chứ không phải là xuất khẩu Cách mạng), thì Hoa Kỳ phế thải sang đây xe chuyên chở công cộng. Các hàng ghế bên trong xiêu vẹo, các hàng ghế xiêu vẹo thảm hại (như là khái niệm Cách mạng của Moscow), cửa kính xe cái mất cái còn (trong khi khái niệm Cách mạng của Moscow thì đã mất hết), khung sắt gỉ có nơi thành lỗ hỏng. Đây là thế giới thường nhật của Gừng, ngày ba chuyến và tuần sáu buổi để đến nơi làm việc.

Trong tuần, Gừng dậy lúc 5 giờ, còn nấu cơm để mang đi ăn trưa, Gừng kể. 8 giờ đến nơi trước mọi người vì chỉ mình Gừng và một người nữa có chìa khoá. Năm giờ chiều, xong việc, Gừng ở lại để sử dụng Internet, có cao tốc cẩn thận, nhưng đó là khi nào không bị mất điện. Chuyến xe buýt chót là 9 giờ đêm về đến ngoại ô hẻo lánh để tập thể dục. Tôi đã lỡ lời hỏi, thiếu tế nhị vì lại tưởng là tôi đang ở Mỹ, nói chuyện với một người giai cấp trung lưu Hoa Kỳ:

Gừng đi gym buổi tối?

Tôi có lần đến thăm một gym rồi, hồi Đại học.
Nhưng tôi tập ở nhà. Tôi có mua… hai quả tạ, Gừng nói.

Và như vậy không cần leotard, quần dài vén xuống đến hông, quần ngắn vén lên đến bẹn, sports bra, tights, cởi truồng mà tập cũng được (một bai ba bốn/một chai bia lớn). Không cần huấn luyện viên pilates, rồi sau đó xuống juice bar mà uống sinh tố có rắc thêm mùi cardamom. Nhưng Gừng cũng chỉ uống có nước trái cây bịch giấy, còn tôi uống Cola đổ vào trong một cái bịch ni lông, cột dây thun và có ống hút rất ư là hương xa nước Việt, tuy ở đây mọi người đều phong cách Thuỵ Sĩ, bỏ rác vào thùng chứ không phải là tiện bỏ xuống ngay chân.

Con ngõ rất sạch, chỉ lở lói vữa gạch chứ không có rác rưởi tuy La Sabana là một khu bình dân, hay bình dân đến nỗi không có cả rác để mà vất ra đường. Số thất nghiệp thường xuyên ở Nicaragua là 5% nhưng đến 50% lúc thất lúc đắc, tuy tôi không thấy có thanh niên từng tốp đứng dựa vào tường như ở Algeria. Ở Algeria nói đùa là đến tối, thanh niên vô công đi về nhà, cái mảnh tường họ đứng đó dựa cả ngày cũng về theo. Nhưng tôi lại xa đề, thế lúc nãy nói đến đĩ, sao không kể luôn chuyện cô bạn giáo viên dạy văn ở Ukraine, tối hay cuối tuần thỉnh thoảng nhảy một vài dù thêm thu nhập mà không cần phong trào nữ quyền nào trợ giúp về tâm lý. Cô ta còn nhắn, anh rủ bạn gái sang đây, tôi rủ bạn trai đến “đụ cho đến chết”! Đụ sao mà đến chết được, đúng là lãng mạn xla-vơ, và cũng không ai mang tường theo về nhà. Từ đàn ông thất nghiệp đến phụ nữ bán thân thì không xa, đây là hoàn cảnh của nhiều nơi chậm phát triển trên thế giới, nhưng từ Algeria đến Ukraine thì có xa khu phố này, tôi xin trở lại. Đây là khu vực nhà dân cư, rất ít cửa hàng, một quán cơm bụi, một quầy nước đá và một càfé Internet trong tầm nhìn ngang dọc, không mấy người mua bán và mùi nhận rõ nhất là mùi đất ẩm vươn vai đang dậy và duỗi người cọ quậy để thành bùn.

Nơi bỏ phiếu là một trường công giáo, cả 3 cấp và khá lớn, vườn cây, sân chơi trải xi măng. Gừng không đi học ở đây mà ở một trường công lập đầu kia, đây là trường tư thục phải trả tiền và đại khái (trong môi trường này) cũng khang trang. Ở cuối sân là dãy lớp được trưng dụng vào ngày hôm nay, mái tôn và tường gạch, cửa mở ra một hàng hiên lót đá hoa. Sáu lớp học được chia ra làm 12 phòng phiếu, trước mỗi cửa có đánh số thứ tự và niêm yết tên họ của cử tri.

Vào lúc giữa trưa, người vẫn còn nhộn nhịp. Người anh của Gừng, dậy sớm lúc 6 giờ, đến 9 giờ rưỡi đã xong bổn phận và quyền lợi công dân, gọi điện báo cho cô biết. Trong khi đó thì chúng tôi còn tung tăng trên những bãi cỏ của trung tâm thành phố còn ủ rũ hoa mười giờ (lúc 9giờ 30 thì hoa mười giờ làm sao nở). Các đuôi xếp hàng chỉ dài độ mươi người nhưng phòng phiếu của Gừng, số thứ tự 6-121, lại dài ra đến giữa sân, đếm được độ khoảng 30 cử tri kiên nhẫn. Gừng thở dài, đây là phòng phiếu của những người dậy trễ, chào hỏi vài ba người hàng xóm cũ xếp hàng ngay sau lưng. Chuyện vu vơ, có anh học chung lớp lúc trước giờ đã có đứa con gái lẫm chẫm ôm chân, tôi thấy không ai đả động gì đến chính trị. Mỗi phòng phiếu có một thanh niên hay thiếu nữ đứng gác, mặc áo thun Policia Electoral. Cứ hai hay ba người đi ra thì anh hay chị này mới cho hai hay ba người vào, mỗi đợt như vậy cũng phải đến năm phút. Tôi tính nhẩm, kiểu khi xếp hàng ở cửa khẩu một trường bay, điệu này là một tiếng nhưng chẳng ai có vẻ bồn chồn. Quá ngọ, một gia đình, người bố, người mẹ và đứa con lên 6 hay 7 tuổi chia nhau xách mười bịch cơm nước đến trước cửa. Gừng là người duy nhất có vẻ nóng ruột.

Giờ mà họ ăn trưa thì mình phải đợi thêm một tiếng nữa!

Bầu cử đã công bằng và tự do, thì cũng phải cho người ta ăn trưa chứ. Nhưng xong đây chúng tôi có chương trình đi Granada, là thành phố cách đây hơn một tiếng đường dài. Vả lại trong đám người đứng đợi này, Gừng là người phải từ chỗ ở mới chật vật mà đến vào một sáng ngày Chủ nhật chứ không có ở ngay đâu đó đầu xóm. Tôi thì ở tận Cali, đến đây phải đổi tàu ở Miami, tức là mất những mươi mười hai tiếng phi trường. Tuy khoảng cách giữa Los Angeles và Managua chẳng xa gì mấy, đi thẳng thì chỉ bốn năm tiếng nhưng lại không có chuyến. Đường bay thẳng sang Trung Mỹ đều từ miền Nam Hoa Kỳ, Atlanta, Houston, Miami mà đã thế phần lớn lại là thẳng San Salvador, Tegucigalpa, Guatemala City. Vòng vèo thế thì cũng mất bằng ấy thời gian như là khoảng cách Los Angeles với lại London hay Tokyo, Paris, Manila thậm chí, đã vậy lại còn không được ngủ cho tròn một giấc mà phải xuống tàu rồi lại phải leo lên.

Managua như là đất Thục, tôi đến từ xa như vậy nên tôi kiên nhẫn, trên bực thềm tam cấp vài cô ngồi đợi quần ngáp lòi xì-líp, có cô mông mới ở sống lưng mả đã bắt đầu chẻ rõ rệt hai đường, thì cũng qua mắt được một giấc trưa. Mưa bỗng dưng đổ xuống, hàng dọc này tự động biến thành hàng ngang nép dưới hiên, có vài tiếng chửi thề nhưng chửi trời và thời tiết, vẫn tuyệt nhiên không hề có một phát biểu gì về chính kiến. Giờ thì mấy cô quần vải mỏng lại thêm ướt, tôi cắn răng (chứ không phải nhắm mắt) mà chịu đựng chờ đợi, một giấc trưa hay là qua cả một mùa mưa.

Đến lượt Gừng vào, tôi dạt sang phía bên cửa sổ để mà quan sát qua những phên kính nhựa. Chiếc bàn dài có bốn người ngồi, một kiểm soát lý lịch, hai phân phát tài liệu. Người thứ tư, ở cuối bàn, đeo găng trắng của nhân viên y tế, dụng cụ hành nghề là một cái lọ nhỏ và một cái kềm nhìn xa như là của nha sĩ. Ba thùng giấy cắt làm hai được đặt trên ba cái ghế, cử tri cầm bút vào chồm hổm hí hoáy chọn lựa tương đối riêng tư. Riêng tư nghĩa là vì ghế thấp và chỉ che phần trên bằng nửa thùng đã nói, cử tri nào mà váy ngắn thì hẳn phải ấn tượng cho người đứng ngoài xem. Thì ra thế cho nên khắp sân trường tôi không thấy cô nào đi bỏ phiếu mà mặc mini, mặc dù cử tri ở Nicaragua trẻ nhất thế giới. Năm 1984, trong cuộc bầu cử tự do “giới hạn” (không có đối lập hữu được tham dự), để chắc thắng, FSLN đã hạ tuổi đi bầu xuống 16 và một phần nhờ vậy Ortega về đầu với 67%. Theo tôi, thực sự dân chủ là, OK tuổi từ 16, nhưng chỉ có phụ nữ được bỏ phiếu và nếu có thể thì mặc váy ngắn, từ 16 đến 40 ( không, đến 50, hay là thôi, cho đến 60 đi), thì có thể chọn quần trắng mỏng vậy.

Trong phòng phiếu còn có dăm ba người đứng khoanh tay theo dõi, đeo băng tay “Fiscal” khiến tôi tưởng đây là nhân viên sở thuế đợi vào lúc mọi người đông đủ đến để đòi tiền. Nhưng “kiểm soát” ở đây là kiểm soát bầu cử, các người này là đại diện cho các đảng phái đến trông chừng như tôi từng có dịp trước đây làm một lần ở Pháp. Đang mơ màng ôn lại quá khứ xa vời này thì cô gái đứng xế trước tôi nhưng phía bên trong phòng quay người lại và lên tiếng hỏi.

Anh biết mấy giờ rồi không?

Cô ta, tôi chỉ thấy cái lưng từ lúc nãy, áo thun đề hàng chữ “Hội Đồng Quan sát bầu cử của các Đại Học”. Khi cô quay lại, tôi mới thấy đôi mắt Maya-Olmec-Quiché-Teotihuacan gì đó rất to, khuôn mặt với những đường nét sắc một nửa Picasso một nửa Gauguin và một nửa Braque. Tóc cô quấn dreadlock và búi cao, gáy cài hai cây viết, một viết chì có tẩy và một viết bi màu. Tôi nhìn đồng hồ (Luminox của Hải Kích Seal để nhớ đến hai bạn Việt Nam đánh thuê thôi, chứ sang đây tôi không có ý định đi rừng), mất hẳn bình tĩnh đến nỗi ấp úng mãi mới trả lời được “Một giờ kém mười lăm.” Tôi nhìn về phía bàn, bằng ấy người ai cũng áo ngắn tay đeo đồng hồ cả, đứng ngoài phòng tôi vẫn còn đọc được giờ khỏi cần hỏi, bên cạnh cô lại một đám bạn quan sát, ai cũng khoanh tay và cổ tay để hở sẵn sàng. Phát hiện ra điều này tôi càng thêm lúng túng. Cô gái hỏi tiếp, kiểu nghiêng nửa người và hai phần ba mắt:

Anh ở đâu tới vậy, cũng... quan sát hay sao?

Gừng đã xong bổn phận, bỏ bốn cái lá phiếu đầy hy vọng vào bốn cái thùng giấy. Giờ thì nhân viên y tế đeo găng bôi mực đỏ chung quanh ngón cái bàn tay phải của Gừng. Cô rất tỉ mỉ, tránh không lem vào móng, động tác như là thợ Nail có bằng tốt nghiệp của tiểu bang Cali. Cái kềm của cô không phải là để vặn răng cử tri mà là để bấm một lỗ nhỏ vào chứng minh nhân dân của người đã hoàn tất nhiệm vụ bỏ phiếu.

Cô sinh viên lại hỏi tôi một lần nữa. Ở thương xá Métro Centró thì tôi không phải là của lạ nhưng ở địa điểm đầu phiếu áo bông nguỵ trang của tôi phải nổi bật lên một vẻ… oai hùng. Tôi là người Viễn Đông duy nhất giữa vài trăm người địa phương, lại đứng xếp hàng đã một tiếng. Cô này quan sát cử tri từ sáng đến giờ đã đủ chán, chắc cô ta từ trong phòng quan sát tôi từ lâu, đợi lúc tôi đến cửa mà bắt chuyện vu vơ. Thì chẳng có gì, hiếu kỳ thôi, lúc rỗi việc, chứ tôi cũng chẳng chủ quan (như nhiều nhà văn khác) mà cho đây là tình ý‎. Nhưng hoàn cảnh rồi sẽ đến đâu, ai mà biết được nếu ta chịu khó… cất công đưa đẩy! Tôi tính nhanh trong đầu, công chúa hay xử nữ hiến thần meso-america này thì kẹt ở đây cả ngày, có khi đêm còn phải ở lại đây mà nhìn người ta đếm phiếu, tôi không chầu chực được, hay là tôi xin số điện thoại. Gừng đã ra đến ngoài, nhìn phải nhìn trái để tìm tôi. Tôi đành cười xin lỗi, phải bạn này lên tiếng một phút sớm hơn, búi tóc bạn lại gài sẵn hai cây viết, thì giờ tôi đã cầm trong tay một mẩu giấy có số di động.

Gừng chìa ngón cái cho tôi xem, nửa ngón tay nàng giờ màu đỏ hay đúng hơn trên làn da ngăm, trở thành màu nghệ.

Gừng giục, tối nay giới nghiêm và di chuyển bị hạn chế, anh muốn đi Granada thì phải đi ngay.


Mùa mưa lại đến

Lộ ở đây rất lớn, những cơn mưa bất chợt phải kéo nhau một khắc mới băng qua hết được. Những ngọn nước vỗ vào mặt nhựa, leo lên vỉa hè cao thì chậm lại, đầm hẳn trên gạch lát lỗ chỗ những khúc loang lở đất, rồi mới đập vào lốp bốp những mái tôn. Tôn này tôn 10 (tức là tôn dày), thật ra thì nghe lộp bộp những thanh trầm hơn là tôn 6 (hay tôn mỏng), xóm này nghèo nhưng không có lách cách tôn thiết và lật bật những mái tôn nhựa. Tôi và Gừng chạy mưa, đường rất vắng và vỉa hè rất thoáng, hầu như không có một bóng người. Tôi chạy mưa mà tưởng như chạy pháo, Gừng thoăn thoắt đằng trước tôi những bước dài lực sĩ, tránh những vũng lở loét của lề đường, ép mình vào mái hiên khi ngọn nước theo nhau đuổi đến. Những thiếu nữ ở tuổi Gừng hai mươi năm về trước, dáng gọn gàng tóc cột giây thun, quần treillis bó mông, tay Garand M1 vướng vít chạy những tiếng súng.

Hơn hai mươi năm trước, thời chiến tranh Contra vừa mới bắt đầu, tôi đã lỡ một dịp sang đây (lỡ đây là nói cho oai, nhưng cũng là lỡ vậy), khi lữ đoàn quốc tế Moreno (chủ yếu là Argentina với vài ba gringo) kéo nhau sang góp mặt hùng hổ. Khuynh hướng Moreno là khuynh hướng Đệ tứ được gọi là “mạo hiểm”, thì cũng phải hiểu, họ máu nóng Mỹ Nam bán cầu mà. Lữ đoàn này internacionalistasolidaridad nhưng đòi biệt lập về quân sự, bèn được FSLN mời thôi mấy cha ra khỏi nước giùm tôi. Lịch sử đã không cho họ dịp để lâm chiến như ở Tây Ban Nha hơn 40 năm về trước, quốc tế hào hùng như trong cuộc chiến từng được gọi là “Một cuộc chiến của nhà thơ” (A poet’s war, từ của Hugh Ford). Ở Nicaragua không có Benjamin Péret và George Orwell bắn súng, trong khi W.H.Auden chạy lăng xăng và vác cáng tải thương, cũng kém mất vui.

Thật ra, FSLN cần đoàn kết là của Cuba và của khối Liên xô, chứ cần gì ba thằng phiêu lưu súng không biết bắn vừa kết hợp được về mặt ý‎ thức cách mạng với thành phần Lambert (“Lỗi tại Lambert”) trong phong trào Trốt kít Quốc tế. FSLN không cần Hemingway, Koestler, Dos Passos, Neruda như Cộng hoà Tây Ban Nha thuở trước mà cần là cần tăng T55, súng máy phóng lựu ba càng và người biết sử dụng [27] . Súng máy phóng lựu ba càng AGS 17 thì lợi hại lắm nhưng cần biết sử dụng. Mới vừa đây, một hai năm trở lại, ông Bộ trưởng Nội an Macedonia vào một dịp hứng chí, mang ra bắn biểu diễn trước thuộc hạ, thế nào mà lại nã ngay vào quần chúng công an đang nhìn ông tán thưởng trầm trồ. Macedonia chẳng dính dáng gì đến Nicaragua, tôi nói qua cho biết, đây là thứ vũ khí không đơn giản bóp cò là địch chết lăn ra mà có khi lại là ta. Vì vậy, trong thập niên 80, hai anh biệt kích Việt Nam vừa đi khỏi, thì có vài ba mươi anh bộ đội cũng lại Việt Nam tới. Đây cũng lại là chuyện tôi nghe phong thanh và thiếu chi tiết, ai biết rõ xin chỉ dẫn, tôi sẽ xin hậu tạ một thùng mì ăn liền (là thứ người trong nước đi công tác bao giờ cũng thiếu). Họ làm gì ở đây, Cordillera Isabela Đông với Cordillera Isabela Tây? Nhưng những thiếu nữ như Gừng thì FSLN có cần trong chiến tranh và cần trong đấu tranh, xong rồi thì, nói kiểu Ortega, về nằm nhà mà phụ trách lãnh vực sản xuất mỗi năm một em bé.

Thì cũng phải, đàn bà bồng con coi rất ngọt, bồng cây Garand thì coi tội nghiệp (đến thấy thương). Cây Garand rất nặng và dài, nặng hơn AK và dài hơn M16, lại không có băng đạn mà phải nạp từng kẹp tám viên một. Khi nạp không cẩn thận, cổ tay của bàn tay nạp ghìm cu-lát không kỹ, nó chạy ngược trở lại thì… hư hết móng tay. Khi bắn, Garand lại giật rất mạnh, lúc lắc và méo cả bộ ngực chứ chẳng phải chơi. Tôi nghĩ là bắn hết một kẹp là phải xóc lại xú-cheng cho ngay ngắn, có khi còn tuột cả ra ngoài vung vẩy, vào thời ấy sports bra chưa phải là thông dụng. Sử dụng Garand thì rớt lông mi giả là thường nhưng nếu không có phụ nữ tham dự, nói giới hạn trong lãnh vực quân sự thôi, FSLN chắc chắn là đã không chiến thắng đựơc vệ binh Somoza, và sau đó đã bị Contra lật đổ chứ không phải là Hoà (một từ ngày nay ông Ortega rất chuộng).

Trong vụ bắt mấy ngàn con tin để đổi tù binh năm 1978 và lừng lẫy thế giới, do ông Pastora Comandante Cero lãnh đạo, cô Dora Maria Telléz là Comandante Dos (số hai), người bé nhỏ thùng thình trong bộ quân phục quá khổ. Viết đến đây, tôi mới nghĩ, nếu là sau đó sang Cuba, Cero được Fidel đãi gái, thì Dos được đãi gì. Chẳng lẽ đãi suông xì-gà? Đàn bà không được đối xử bình đẳng, ngay cả bởi cách mạng. Đến lúc FSLN cầm quyền, bà Telléz không được vào Uỷ ban Lãnh đạo Quốc gia (Directorate), đất nước này rất sẵn đàn ông. Đại hội lần thứ nhất của Đảng năm 1991, mặc dù có phong trào ủng hộ bà và là thời điểm của đổi mới (Ortega mới thất cử trong cuộc bỏ phiếu được công nhận là dân chủ đầu tiên), bà vẫn bị loại và vui vẻ “phục tòng kỷ luật Đảng”, chứng minh hùng hồn cho bẩm chất trời sinh và năng khiếu phục tòng của đàn bà. Dĩ nhiên là trước đó bà cũng được cho làm Bộ trưởng bộ Y tế, lo việc chăm sóc trẻ con lên sởi và chích ngừa bệnh đậu mùa [28] !

Nhưng Sandino thì vẫn ga-lăng hơn Somoza một tí. Vào những ngày cuối của chế độ này, đồn La Polvóra của Vệ Binh Quốc Gia (Granada) bị vây khốn. Quân trú phòng chống trả mãnh liệt nhưng nghe tin là Somoza đã lên tàu triệt thoái chiến thuật sang Miami, Đại tá chỉ huy trưởng đích thân mở của bước ra ngoài, tay cầm cờ trắng. “Cho tôi gặp lãnh đạo của các anh”. Một người bước đến, đeo kính trắng, và cởi khăn bịt mặt “Tôi là người chỉ huy” (cô Monica Baltodano [29] ). Vị đại tá nhận ra là phụ nữ bèn không thèm nói chuyện nữa, bỏ vào đồn! Theo tôi, đây là bằng chứng đơn vị Vệ binh này không hề được hai anh bạn biệt kích Việt Nam huấn luyện hay là không được các anh huấn luyện kỹ càng. Đàn ông Việt, nghĩa là con cháu Trưng Triệu, thấy đàn bà là hàng ngay, hàng sống chống chết! Đàn bà đồ bộ, đồ ngủ, đồ dạ hội, đồ lót gì cũng hàng tất, phủ phục xuống mà hàng, nói chi đến đàn bà đồ trận!

Nhưng giờ là hoà bình, là bầu cử (cho đến giờ) yên tĩnh. Phong trào Moreno đã đi vào thùng rác recycling (tái tạo) của lịch sử Trốt kít trong khi chờ đợi và Gừng chạy mưa chứ không chạy đạn. Nàng nép người vào hiên.

Trời mưa thì lãng mạn… Tôi bảo.

Làm người ta gần nhau hơn, Gừng xích thêm về phía tôi đang đứng ở phía trong để khôn ngoan mà lãng mạn, nghĩa là lãng mạn mà vẫn không bị tạt mưa.

Tôi không thấy mặt Gừng khi nàng phát biểu. Gừng nhìn ra ngoài, tôi chỉ thấy một vành tai. Tai Gừng lớn, đây là tướng được cho là phúc hậu, nhưng trên cái cái đầu nhỏ và tóc lại cột gọn gàng ở phía sau, lại cho nàng một cái vẻ gì con chuột Minnie. Tôi nhìn tai Gừng một lúc thì mưa hết, nắng lấp ló chiếu qua vành tai Gừng trong vắt và ửng đỏ.

Màu nắng hay là màu lỗ tai
Mùa thu mưa bay cho… lông dài [30] ?

Người đọc tinh ý đã nhận thấy, chỉ có một trận mưa lớt phớt mà danh xưng của Gừng, từ “cô” tôi đã đổi sang “nàng”. Trời mưa thì có lãng mạn thật và đi Granada cùng với tôi là do Gừng tự động mà tình nguyện. Tôi chỉ nói là tôi có ý vậy thôi, đi Granada coi, chứ tôi hề có rủ ai. Tôi đã định tạm hoãn lại chuyến đi với Gừng để nấn ná thêm ở chỗ đầu phiếu, cô sinh viên quan sát hỏi giờ tôi lúc nãy, có đứng trong phòng mà quan sát mãi thì cũng phải ra đi tiểu, tôi sẽ chặn đường cho cô ta giờ để đổi lấy số điện thoại.

Đêm qua, khi tôi đưa Gừng về nhà, gió đêm lọt qua khung kính làm Gừng tóc rối. Gừng lúc lắc cái đầu nhỏ (và hai cái tai lớn), Gừng bảo

Tôi thích gió…

Trước khi xuống xe, tóc rối, hai tai lớn và đầu nhỏ, khuôn mặt của Gừng thì tôi không thấy rõ, trừ một ánh sao trời hay đèn điện yếu đuối ở đâu đó hắt vào một góc mắt long lanh, Gừng đã bất ngờ nghiêng người về phía tôi và hôn tôi thật nhanh. Hồi sáng Gừng nói, đi Granada thì tôi đi với anh.


Barocco nhiệt đới

Con đường nhựa loáng mưa từng chập, một giải đen vòng vèo trong màu xanh nhiệt đới, cây cối ngút ngàn và ngát những đỉnh núi lững thững. Đường đi Granada vắng, bên hồ Masaya vài khu du lịch (Đài Loan?) vẫn còn đang xây dựng dang dở cạnh đó đây những biệt thự nghỉ mát nhà giàu. Một trời mưa bay, đồi thông nắng đầybờ xa sương khói của quê hương ông Trịnh, ở đây có đủ cả, không ở nơi đây nơi kia mà ở ngay cùng một chỗ, rất tiện lợi. Tôi thấy Nicaragua ở đây rất là đẹp, một Maui (Hawaii) thấp, nghĩa là lè tè và vừa tầm, không phải mệt mắt mà phóng cái nhìn khỏi qua những to lớn phi thường. Chắc phải diễn tả, là một cái đẹp thân thương, ôm trọn được vào lòng. Phong cảnh này, rất đáng yêu, nhưng mà kiểu, của tôi thì bấy nhiêu, có vậy, đủ xài.

Gừng chỉ có một bận đi nước ngoài, business trip do công ty sản xuất nệm giường nằm đãi, chín tiếng xe đò xóc sang Honduras hàng xóm, Tegucigalpa. Lúc bé, Gừng xem truyền hình và là fan animé Nhật Bản, mơ màng những mái thấp chen chúc, những tiệm mì lụp xụp, những chữ kẻ hoa mắt, những bảng hiệu xô đẩy và chớp nháy nê ông. Tuần vừa rồi, tôi ở Hương Cảng, có dịp xem hoạ đồ của những căn hộ rao bán, đang mọc lên chọc trời giữa thành phố và trường bay Xích Lư Giác (Chep Lap Kok). Mỗi từng tám hộ, mỗi hộ từ hai đến bốn phòng ngủ, mỗi tháp 60 từng và tám tháp cả thảy, 3.840 gia đình, mươi ngàn nhân mạng, bãi đậu xe ở từng hầm và metro đến tận dưới chân, mịt mờ xi măng cốt sắt, lâu lâu lóe lên một tạp hoá 7-11 làm neo đậu chênh vênh. Tôi tả cảnh hãi hùng này, máu nhuộm bãi Lạn Đầu (Lantau), thì Gừng lại mong được ngày nào trông thấy. Tôi bất giác thừ người ra suy nghĩ, ở đây mà muốn đi Hương Cảng, Đông Kinh thì phải đi như thế nào?

Lại phải qua Miami, New York. Nhưng Gừng đến Mỹ dù là quá cảnh cũng phải có visa, Gừng phải xếp hàng trước cửa Lãnh sự quán một vài ngày. Thế thì Mexico DF (Distrito Federal) vậy, nhưng mà đây lại cũng chẳng có chuyến bay thẳng đến Thành phố Mexico! Phải qua Thành phố Guatemala hay là Thành phố Panama, San José de Costa Rica và chưa chắc là từ Mexico đã tiện lợi để sang Đông Á mà không phải đáp tàu xuống Mỹ. Tôi ý thức ra là tôi đang ở một cái xó địa cầu vào thời đại của giao thông hàng không, vào thời đại vé loại e-ticket mua ba bốn tiếng đồng hồ trước được ở trên mạng và mười tiếng sau khi cởi giày để qua cổng khám vũ khí là đã có thể có mặt ở đâu đó xa vời.

Nhưng đây không phải vậy, may mà thiên hạ hai mươi năm về trước có chia hai Nga Mỹ và còn để lại chút vương vãi. Ở Managua, muốn đi Hương Cảng mà không có visa Hoa Kỳ, thì vẫn còn đường La Havana-Moscow-Bắc Kinh hay Thượng Hải. Hoặc đã hương xa thì cho trót, theo tôi vừa đẹp là, sau Moscow là tuyến Almaty (Alma Ata cũ), Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi) hay Ca Thập (Kashi) nép bóng dưới rặng (chàng đã xa ngoài cõi) Thiên San hùng vĩ, Trùng Khánh, Quảng Châu (tôi khó khăn như vậy là vì tôi mới đi Trung Quốc mà không đi được theo tuyến vừa mới kể, tôi viết ra ở đây cho hả những thèm muốn Hà Nhỉ Tân (Harbin), Blagoveschensk, cuồn cuộn Hắc Long giang). Đến Quảng Châu, thay vì lấy đường rai Hương Cảng - Thẩm Quyến, tôi đề nghị lấy xe đò trước Trung quốc Phạn điếm (China Hotel) đi Châu Hải, đến Châu Hải lấy xe đò tiếp ở bến Cổng Bắc đi Áo Môn (hay Mã Giao, tức Macau) rồi từ Mã Giao lấy tàu biển đi Xích Lư Giác (đừng có nhầm với bến tàu sang phía phố Hương Cảng hay là phố Cửu Long). Ra khỏi phi trường, lấy xe buýt số 11, vừa ra khỏi đảo trước trạm thu thuế Đại Dũ Sơn (Da Yu San) thì đi xuống, phía bên tay trái là sẽ thấy khu chung cư tám cái tháp tôi vừa mới tả. Tôi tưởng tượng trong chớp nhoáng Gừng đi giày thể thao không có nhãn và nón dã cầu Nike giả, trong hành trình lắt léo nói trên. Nhưng tuần trước tôi ở Hương Cảng và giờ tôi ở đây trên đường đi Granada thì dặm trường của tôi cũng lắt léo không kém, khác chăng là tôi có về nhà ở Cali nửa vật vã nửa phải đi làm.

Gừng nói, tôi muốn được thấy tuyết, ở nước này nóng 28 độ quanh năm.

Có thể là tôi ác và tôi vô ý thức, hay là tôi ác một cách vô ý thức, chữ “tuyết” này không gợi cho tôi Alpes mà cũng không gợi cho tôi Pyrénées, cũng không gợi cho tôi Big Bear hiện ở rất gần nhà, hay đối với Gừng tiện lợi nhất là Upstate New York. Bảy tiếng bay thẳng và sau đó bốn tiếng lái xe lên Poconos, chalet lò sưởi và Jacuzzi sụt sùi. Còn gần gũi văn hoá và ngôn ngữ, không trắc trở visa nhập cảnh là Andes, Andes Chile hay Andes Argentina. Tôi không nghĩ đến Canada, Nga, Thuỵ Điển, tôi không nghĩ đến Thuỵ Sĩ, vừa có tuyết lại vừa có sô-cô-la. Tôi buột miệng

Ở Phi châu quanh năm cũng nóng nhưng có Kibo, đỉnh Kilimanjaro tuyết phủ, từ phía Tanzania hay là từ phía Kenya nhìn cũng thấy…

Chuyện hương xa là tuỳ ở chỗ ngồi (window or aisle?) Trên băng ghế sau xe và tóc rối, Gừng không thấy được Kilimanjaro. Nhưng anh Masai ở cánh đồng nơi đó đang chống gậy, dù có chân dài, dù có vươn cổ mấy hay leo lên cả lưng hươu, cũng sẽ không thấy Granada Trung Mỹ.

Tôi chưa đến Granada nguyên thuỷ (ở Tây Ban Nha) nên không thể ví nhưng những ví von và so sánh kiều này hết sức vớ vẩn, như người đến New York (trước đó là Nieuw Amsterdam) mà tìm những con kênh niew và Khu đèn đỏ mới ở đâu! Vào thế kỷ thứ 16, một ông Tây (Ban Nha) thuộc địa nhớ nhà ông ở Granada nên đến bờ hồ này dựng thành và đặt tên (Francisco Hernández de Córdoba, vào năm 1524). Cách đó mười ngàn cây số bên kia biển nhưng đâu đó cùng một vĩ tuyến, một ông Tây cũng Ban Nha khác và thuộc địa không kém (Juan de Salcédo, vào năm 1572), lại cũng chiếm một cửa biển ba mặt sông trên đảo Luzon và đặt tên là Villa de Fernandina để nịnh Hoàng đế (Philip Đệ nhị) nhà ông (Ferdinand là hoàng tử mất sớm lúc mới lên 4 tuổi). Tôi đã đến Vigan (ở Phillippines) này trước, cho nên không thể không tránh nhìn thấy những tương đồng. Giờ thì tôi có thể an ủi nỗi buồn cùn chân của Gừng (cùn chân cuối thủa đăng trình quẩn quanh, thơ Nguyễn Hoàng Nam) bằng cách tả Vigan ở tận Ilocos Sur, và cách xa muôn dặm. Granada thế nào thì Vigan thế, khỏi phải đi đâu xa hết, cũng một kiến trúc gọi là “Baroque động đất”, và cũng gọi được là Baroque gió nồm, mỗi năm về liếm lại lở lói những tường vôi. Những dãy phố đỏng đảnh xinh y hệt, những cỗ xe ngựa kéo calesa lách cách trên mặt đá lót đường, những thiếu nữ cầm ô chạy nắng mưa. Hai giáo đường ở trung tâm thì hơi có khác, như là hai cái bánh đám cưới khác nhau chứ không phải như một cái bánh đám cưới khác với lại một cái bánh sinh nhật.

Khác biệt nổi bật nhất là ở màu sắc, Vigan nhạt và loang lổ, một cái áo trắng ố. Granada mát những màu chua rất mạnh rùng mình và mới được trùng tu. Philippines và Trung Mỹ La tinh giống nhau từ núi lửa, tên họ con người, địa danh và bãi biển, từ mức sống đến thu nhập cho đến những dòng họ độc tài hay liberal chống đối. Giống từ khu chế xuất Subic và cho đến thương xá Makati. Đến mức, phải chơi trò tìm bảy điểm khác biệt, như ông Marcos thì có hiền hơn ông Somoza, bà Imelda thì bụ bẫm (và nhiều giày) hơn bà Dinorah một tí, nhưng ngược lại Corazon Aquino và Violeta Chamorro cùng một khổ người và chắc là cùng một thợ làm đầu. Tôi nói với Gừng.

Gừng chỉ cần ở đây, đi đâu làm gì cho nhọc thân.

Và ở đây thì cũng thú vị chán, nơi hàng hiên của khách sạn Alhambra nhìn ra công viên lớn, những gia đình dắt con đi dạo, vài ba người Mỹ Lonely Planet lạc lõng trong dòng người đi lễ chiều chủ nhật buồntiếng hát xanh xao. “Ô hay mình vẫn cô liêu[31] . Tôi thì cô liêu gì, tôi chẳng cô liêu chút nào (“Tôi không còn cô liêu”). Những cặp tình nhân cầm tay nhau nấp mưa lấp ló, tôi thấy gì Đại lộ Gobelins của một Prévert. Ba ly margarita virgin (vì rượu thì vẫn cấm mặc dù khung cảnh đã đổi sang thế kỷ 17 hay 19) rất dễ uống, trôi ngọt trong cổ họng như là hoàng hôn.


Người phụ ta rồi có phải không

Phố đã lên đèn và ít ra là tối nay Granada không bị mất điện.

Mất điện, ở những nước đang phát triển, thường là đặc quyền của những công ty quốc doanh rềnh ràng, nhân viên ngủ trưa quên nên không bật, hay là đi đón con tan trường ra và không về kịp v.v… Ở đây, chính quyền hữu khuynh đã vì thế mà tư hữu hoá thẳng tay công ty điện, lời ăn lỗ chịu theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, hẳn là năng suất thì nâng cao và hiệu quả phải tốt hơn. Nhưng vào tay tư nhân, nguyên tắc là lời thì ăn nhưng lỗ nào có chịu! Năm vừa qua, giá dầu tăng có khi đến 70 USD một thùng thô. Công ty Điện lực (giờ là tư nhân) nào sợ gì, nguyên liệu đắt thì họ… tăng tiền điện, có khi tiện thể lấy thêm chút đỉnh để phòng xa. Nhưng nhà nước, dù có phóng khoáng thật, cũng không thể để thị trường lộng hành trong một lãnh vực thiết yếu, và chỉ cho tăng giá một cách tương đối chừng mực.

Sự thực là, trong những ngày ở đây, tôi không phải dùng đến đèn dầu, khách sạn của tôi ở, hình như là có máy phát điện riêng. Tôi đang ngồi máy đọc điện thư trong cái phòng ở đây trang trọng gọi là Business Center (bởi vì bày tới ba cái ghế da loại ngả lưng ra được và chỉnh cao chỉnh thấp) đến lúc mới đi ra lấy ly càfé uống, trở vào thì mạng không hoạt động. Tôi dò đường nối mềm, Start-Control Panel-Network Connections-LAN or High speed Internet-Local Area Connection, kiểm lại dây nối phần cứng còn nguyên vị trí hay là nhúc nhích, gỡ ra rồi cắm lại vào, không thấy gì động đậy. Hay là mấy vị lễ tân ngoài quầy, đến ba người đang chắp tay sau đít nhìn trần, có vị nào lơ đãng lỡ đá chân vào một cái nút? Tôi đi ra hỏi, anh thứ nhất quay sang anh thứ nhì, hình như là phải tôn trọng một hệ thống quân giai. Anh thứ nhì quay sang một cô gái. Cô này ngẩn người độ một phút rồi gật đầu với tôi. Cô đã nhan sắc, ngẩn người ra thì càng thêm đẹp, lại nhìn tôi mà gật nhẹ đầu thì không gian bỗng ngát một mùi hương. Gật đầu nhưng cô không ra ngay, cô vào phòng trong một lúc, chẳng biết làm gì (trong khi tôi trở về chỗ cũ ưỡn người trên cái ghế quay quay uống hết ly càfé vừa mới lấy, tưởng tượng trong đầu là trước khi bước ra khỏi chỗ đứng ở quày cô phải sửa lại cho ngay ngắn, sửa lại, để nó khỏi có cấn, cái quần g-string). Cô trở ra, đồng phục jupe serrée nên đi ngang lobby mất một ly càfé thứ nhì, ly này thì được nhịp bằng tiếng đế giày cao gót rất khoan thai. Đến tận nơi, cô đứng nhìn màn hình của tôi, rồi nhìn những màn hình bên cạnh cô thao tác chuột, nghĩa là cầm nó và… lúc lắc. Cô suy nghĩ nhưng tôi không rót một ly càfé thứ ba, hai ly là đủ. Nghiêng người xuống như mây sa trên màn hình và ngả bóng, cô lấy ngón tay có móng dài chải chuốt chỉ vào góc phía trên ở bên phải. Cô giải thích, khi nào cái quả cầu nho nhỏ và xinh xinh này nó quay quay thì là có nối mạng. Còn khi nào nó đứng nguyên một chỗ trên nền đỏ, như hiện giờ, thì là không! Nói xong, cô quay đít lại, và băng qua lobby vẫn những bước chân hồng, thì chắc là g-string quả nằm ngay giữa và g-string không có cấn khó chịu ở mé đùi, cô vô sự trở về vị trí đầu tiên. Tôi đoán cô là bồ của ông giám đốc hay là con gái ông quản lý, nhưng là gì thì mông cô ta cũng bần bật rất dễ ưa. Không phải mình tôi, mà anh bảo vệ, hai anh kéo cửa, một anh khiêng hành lý, kể cả anh lau sàn và anh rót nước cũng đều dán mắt vào lưng ong đang uyển chuyển rồi liếc nhau mà nháy. Nhưng Internet thì vẫn không chạy.

Tôi tìm hiểu, thì là lỗi tại provider, tại server hay gì đó và ở một chỗ nào mất điện, có thể 15 phút, có thể 4 hay 5 tiếng. Công ty Điện lực, không được tăng giá như ý, bèn cắt, thôi không phát nữa. Sản xuất điện của Nicaragua giàm 20% hay là 25%, trong khi chờ đợi giá dầu êm đềm trở lại. Thị trường hiển nhiên là để kiếm lời khi mua bán chứ ai mà kiếm lỗ, và quần chúng bất mãn, nhất là quần chúng không có máy phát. May sao cho ứng cử viên Ortega, ông có một người bạn rất sẵn dầu hoả, là Chavez ở Venezuela, hứa sẽ tiếp tế với giá đặc biệt. Vô hình chung, hai công ty điện tư sản tham lam và mại bản ở Nicaragua lại giúp phiếu cho FSLN, đúng như Các Mác còn nhúc nhích để mà nhắc lại, Tư bản tự họ lại cầm xuổng mà đào lấy huyệt mình! Tôi mà là người ở đây, đang tải hình thoát y thì tôi cũng giận (mới tới cái nịt vú, lát nữa trở lại, nếu quả cầu trên góc phải quay quay thì sẽ đến tụt quần xinh xinh) và sẽ trừng trị chính quyền bằng lá phiếu, nhất là trong trường hợp vừa mới kể Giáo hội không có ý kiến và không đòi Quốc hội phải phạt tù!

Đêm xuống mà mưa vẫn thút thít. Tôi có thể ngồi đây thêm một thế kỷ, để đếm cái quạt trần trên đầu trong thời gian một trăm năm lay động được mấy vòng và Gừng bao nhiêu lần chớp mắt, tất nhiên là chớp rất chậm rồi. Trong một lần chầm chậm đó, Gừng nói.

Giờ biết tìm đâu ra xe mà về Managua...

Granada thì cũng có khách sạn vậy, và khách sạn Alhambra chúng tôi đang ngồi đây, hàng hiên cẩn xứ và sân trong lộ thiên, một giếng trời hoa lá róc rách nước. Có đầy phòng với cửa sổ bằng phên gỗ màu lá cây, tường vôi hồng hay màu xanh Phổ, nếu không nhìn ra Công viên thì cũng nhìn xuống bể tắm. Tôi nhìn Gừng nhưng tôi không nói gì.


Đoạn tái bút

Jimmy Carter có thể gọi là người cũng có đôi chút công với cách mạng Sandino. Năm 1979, khi vệ binh quốc gia của nhà Somoza sụp đổ, ở cương vị Tổng thống Hoa Kỳ ông đã quyết định không can thiệp vào nội bộ Nicaragua để cứu “thằng chó đẻ (con)” của phe ta (Somoza bố từng được Tổng thống Roosevelt khẳng định “Đó là một thằng chó đẻ, nhưng là thằng chó đẻ phe mình/ hay là con mình.”) Vào năm 1990, ông sang tận nơi quan sát cuộc bầu cử đầu tiên thực sự dân chủ và an ủi Daniel Ortega “Anh còn trẻ, còn có ngày trở lại được chính quyền.” (Đây là một câu nói với Fidel Castro thì khó nghe, và cũng vì vậy mà Cuba vẫn còn ngại, chưa có bầu cử thật sự?)

Mười sáu năm sau, ông Carter trở thành tiên tri khi ngày 5.11.2006 ông Ortega tái đắc cử Tổng thống một cách nếu không vinh quang thì cũng là rõ rệt. So với những bận trước, số phiếu của ông không hơn là bao, có khi còn kém (1990: 40,82%, ông thua; 1996: 37,75%, ông thua; 2001: 46,3%, ông vẫn thua; 2006: 38,07% thì ông thắng.) Lý do là kỳ này phe hữu bị phân hoá mà không hàn gắn được, Montealegre (ALN) về nhì xa lắc sau Ortega với 29%, José Rizo (PLC) về ba với 26,51%. Hai ông này cộng lại thì thành 55,51% nhưng bát nước đã đổ đi thì không cách nào hốt lại được cho đầy. Jarquin (MRS), ứng cử viên mang niềm hy vọng của Gừng, được có 6,44% và Eden Pastora (AC) thì sau khi mất tự do mấy lần, và mất những ba vợ, lại không mất (một) mạng sống mà chỉ mất rất nhiều phiếu! Comandante Cero được cero phần trăm số phiếu (0,27%) chứ không được đến một, như trong các cuộc thăm dò cuối dự đoán.

Quốc hội 2006 cũng không có gì thay đổi mấy. Ở một nước có đến 5 liên danh và 30 hay 40 chính đảng thì chẳng ai đa số được lần này, nghĩa là 46 ghế trên 90 như FSLN trong quốc hội trước. FSLN, dự đoán 2006 là 40 ghế. Đảng PLC thiên hữu (43 ghế trong quốc hội 2001), giờ tách làm hai thì mỗi nhà dự đoán được 19, MRS mới thành lập sẽ có tiếng nói với 12 đại biểu dự đoán. Ở địa phương, MRS chiếm được Granada đong đưa lãng mạn và hai tỉnh phụ cận, làm trái độn giữa lằn ranh rõ rệt Trịnh Nguyễn, miền Bắc do FSLN kiểm soát và miền Nam chim bảo thủ đậu đất lành.

Phòng ngủ của tôi, số 94 ở khách sạn Best Western Las Mercedes, có một phòng tắm. Những phòng khác thì tôi không biết, nhưng phòng này, dưới vòi hoa sen có hai cái nút vặn. Cái bên phải đề “Cold” bằng chữ xanh dương, có nghĩa là (nước) lạnh. Cái bên trái đề “Hot” bằng chữ đỏ, có nghĩa là nước nóng. Tôi đã thử nhiều bận vào nhiều giấc khác nhau trong ngày, tuy không rõ là lúc đó thành phố hay khu vực này có mất điện hay là không. Tôi vặn nút phải hai vòng và nút trái những ba vì tư duy tôi thiên tả. Tôi đợi một phút thì nước ra âm ấm nhưng không đủ theo sở thích. Bèn tăng trái thêm ba vòng, thấy vẫn thế, nên bớt phải đi một. Chẳng có gì thay đổi, tôi liều mình tắt hết nước lạnh thì ngạc nhiên không thấy ấm thêm chút nào mà lại thấy mát! Tôi tắt luôn bên trái và xối xả bên phải xem thế nào nhưng cũng thấy lạnh thêm, hay là ngược lại ấm thêm mà mát vẫn bằng ấy! Tôi mở lại nút trái một nấc nhỏ thì âm ấm như là thử nghiệm lúc đầu, tuy đây phải năm vòng và trái chỉ có một. Thế là thế nào thì tôi không biết, như Hegel theo truyền thuyết trước khi chết thở dài, “Das es ist” (là vậy) [32] . Tôi nhớ ra, ở xứ này, nếu có một ông Contra đứng phó cho ông Ortega, thì lại có (luật quả báo và bù trừ) một ông FSLN (Fabricio Cajina) đứng phó cho ông Montealegre! Và có lẽ đằng nào, nóng-lạnh hay phải-trái thì cũng thế, nghĩa là có khi mát bất thường và ấm hơi hơi kiểu như thế vẫn còn chưa đủ.

Lịch sử không cho tôi dịp ở lại đây xách các kẹp đạn chạy theo Gừng đang vác Garand mà đưa cho nàng nạp, bắn hết tám viên là tôi đưa thêm cái mới, ghé mắt sau bờ vai nàng mà nhìn lốp đốp ở những cuối đường đang lên khói. Nàng bò trước bốn chân và tôi bò sau rất sát, đập mặt vào mông và chỉ khi nào đạn bắn xối xả lắm thì tôi mới nhắm mắt, lâm râm mà nguyện lại câu phát biểu của một nữ phóng viên chiến trường thời Việt Nam “Khi nào tôi gặp một người đàn ông kích thích tôi được bằng chiến tranh thì tôi sẽ mới lập gia đình” [33] . Nhưng Nicaragua không có đảo chánh và không có nội chiến, hữu khuynh đối lập, hữu khuynh cầm quyền và cả… Hoa Kỳ đều phải chấp nhận kết quả. Daniel Ortega đăng quang, thận trọng đợi hai ngày cho rõ rệt phần thắng trong tay (đằng nào thì số phiếu của ông cũng kém lần trước những hơn 8%). Oliver North đã trở về Mỹ, thì tôi đành cũng vậy. Tôi định gọi Gừng an ủi, là thôi thì FSLN vẫn còn hơn là hai đảng PLC và ALN tiếp tục nắm quyền. Nhưng tôi chưa kịp gọi thì nghe ông Ortega phát biểu là chương trình và mục tiêu của các đảng hữu khuynh, chính quyền ông sẽ thực hiện hộ đúng tầm hay là đâu đó đại khái! Thế là tôi nghẹn luôn trong cổ họng.

Đêm cuối tôi trước khi đi, tôi dùng bữa rất khuya một mình trong khách sạn mà lòng đầy vương vấn. Tôi có buồn bã thì cũng phải cười với ông phục vụ ở hàng ăn. Đó là vào buổi tối và trời mát, mưa lất phất trên mặt hồ bơi khách sạn rồi lại ngừng. Tôi cười lịch sự nhận thực đơn, cười khi đã chọn xong các món, lại cười khi ông mang đến bàn. Tôi thấy ông đăm chiêu hẳn, đứng lẩn quẩn một lát rồi mới dám đánh bạo lại hỏi, rào đón và đắn đo,

Ông cho phép thì tôi mới dám làm phiền, và có lẽ như vầy có hơi lỗ mãng…

Không, ông cứ hỏi…

Ông là người Trung Quốc?

Tôi nói Trung Quốc là nước lớn, còn tôi người nước nhỏ thôi, Việt Nam đối với Trung Hoa thì đại để cũng như là Nicaragua đối với Hoa Kỳ. Ông phục vụ vững tâm hơn một tí và “À”.

Tôi thắc mắc vì khách ở đây rất nhiều người Trung Hoa, ông bảo, tôi phục vụ họ thường xuyên, mà chưa bao giờ tôi thấy họ cười cả, và không bao giờ bắt chuyện. Làm tôi cứ lo, chẳng hiểu là vì tôi phục vụ dở hay món ăn không vừa lòng! Nếu có gì không vui, thì họ cứ việc phát biểu, tôi sẽ cố gắng chìu. Nhưng họ không nói gì cả, lúc nào mặt họ cũng đăm đăm, nếu cười thì là chỉ cười giữa họ với nhau thôi, tôi chưa hề thấy họ cười với người bản xứ! Tôi nói thế ông đừng giận, ông là người tôi thấy mỉm cười đầu tiên!

Tôi khẳng định lần nữa, tôi không là người Trung Hoa, lại ví von một luận điệu cũ, mình là nhược tiểu, cả tôi lẫn ông, còn họ là nước lớn, là trung tâm của thế giới, cũng như bọn Gringo vậy ấy mà.

Không, người Gringo ngược lại bao giờ cũng thân thiện và vui tính!

Thì quả vậy, dù có trung tâm của thế giới, dù có huấn luyện và trang bị các Biệt đoàn Thủ tiêu (death squads) Guatemala, Honduras, El Salvador ở Trường Chiến tranh chống phiến loạn Panama thì ở nhà hàng các Gringo vẫn vui vẻ với phục vụ. Tôi đâm ra bí, hay là, tôi chợt nghĩ, mấy người khách nói trên là văn nghệ sĩ? Là những người mang hương rực rỡ và thăng hoa huyền bí cho đời, họ được miễn những thủ tục phù phiếm đời thường. Như tối thiểu, biết mỉm cười lịch sự (cái này thì còn có công an cửa khẩu và công an các loại, chẳng phải riêng gì văn nghệ sĩ câng câng).

Hay là tại họ không biết nói tiếng Tây Ban Nha?

Họ làm việc ở đây quanh năm, là người thường trú ở Nicaragua, nói rất là sõi!

Tự nhiên tôi lại phải mang tội của tư bản thế giới nói chung, của tư bản (công an, văn nghệ sĩ) da vàng mặt mày khó chịu nói riêng. Tôi an ủi ông, ở đây ăn ngon, phục vụ ân cần và chu đáo nếu người Trung Quốc như ông gọi (thật ra họ Đài Loan nên mới chỉ không cười, họ Trung Quốc thì tôi nghĩ là họ đã gắt gỏng), những người này vì là Á Đông nên ít biểu hiện ra mặt đó thôi. Tôi bảo vì thật ra chúng tôi là những người kín đáo, buồn cũng như vui thì chỉ để trong lòng. Á Đông huyền bí, mặt mày câng câng là đang xao xuyến và rạo rực đấy, kiểu như phụ nữ ấy mà, nói thế là ông ta hiểu.

Và FSLN có thắng thì các tập đoàn Đài Loan sẽ vẫn được khuyến khích tiếp tục đầu tư, khai thác tài nguyên sẵn có ở đây là… sức lao động dẻo dai của các phụ nữ trong các maquilas và kinh tế vẫn sẽ tiếp tục phát triển vui vẻ (phát triển vui vẻ chứ chuyên gia giám đốc Đài Loan thì hẳn là vẫn không cười), theo chiều hướng toàn cầu hoá.

Gừng là người tìm ra câu kết luận. Theo dự định từ hơn một năm nay, nàng đã để dành được đủ tiền để mua một chiếc xe con cũ, và hiện bắt đầu đi học lái đã. Có xe con, việc di chuyển mỗi ngày của nàng sẽ đỡ mất thì giờ hơn, tối trước khi về nhà Gừng sẽ học thêm kế toán với cả đi học hát và đàn. Sẽ biết đâu có ngày nàng sang Buenos Aires dự giải Latin American Idol trên truyền hình? Trong khi đó, đến Tuần lễ Thánh tới, nghĩa là Phục sinh, Gừng sẽ có đủ tiền để đổi lấy một cái điện thoại di động có chức năng chụp ảnh kỹ thuật số. Nàng cười to rất đỗi thơ ngây, tôi đoán lại hở cả bên trong cổ họng bồi hồi, và như vậy có máy rồi sẽ mail hình thường xuyên cho tôi được xem với.

Tương lai gần chẳng có gì thay đổi và nàng vẫn tiếp tục phấn đấu mà đi tới, Gừng nói mà như hát theo bài nhạc, thôi thì, cứ Give Daniel a chance.

Nguồn: Phụ bản của tạp chí Thơ số 32, 2007


[1] Nhân vật của công ty đồ chơi Nhật Bản Sanrio, được quần chúng nữ ở Á đông tuổi từ 6 đến 16 rất chuộng. (Các chú thích trong bài đều của tác giả, với sự hiệu đính của Tài Lực cho các địa danh Hán Việt.)
[2]Lời Việt tôi biết có thêm hai phiên bản “Sáng ăn cơm sườn/ Chiều ăn nước tương” và “Sớm đi cua đào/ Lỗ đít chảy máu” đều không phải của Phạm Duy mà là đồng dao ngoài phố.
[3]Bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 1980, John Anderson là ứng cử viên độc lập hiếm hoi cạnh Carter Dân chủ và Reagan Cộng hoà. Ông về ba với 6 triệu lá phiếu (7%).
[4]Vào năm 2001, trong tám công ty trong khu chế xuất Las Mercedes gần trường bay thì hết năm là công ty Đài Loan, một Nam Triều Tiên và một Hương Cảng, công ty thứ tám là một công ty Mỹ. Lương ở đây là 0,24 USD/giờ, hay $83 tháng, 12 tiếng/ngày(1999). Thời gian dược nghỉ mỗi ngày là 45 phút, thời gian vệ sinh hạn chế tối đa (1996). 80% nhân công là phụ nữ từ 15 đến 27 tuổi, năm 1999 có 40 người thiệt mạng vì tai nạn trong nhà máy. Năm 1998, nghiệp đoàn MEC đã đấu tranh được quyền nhận giờ làm thêm trên căn bản tự nguyện (chứ không phải là bắt buộc) và có trả thù lao (chứ không phải chùa).
[5]Trong chiến tranh độc lập (tách khỏi Mexico) của bang Texas vào năm 1835, 1.600 quân Mexico tràn ngập đồn Alamo và hạ sát đoàn thể 250 người Texas của lực lượng phòng thủ. Ý của phát biểu này là quân Sandino đe doạ an ninh và biên giới của Hoa Kỳ!
[6]Bầu cử 1984, tuy có bảy đảng tranh cử (ba đảng đối lập hữu phái và ba đảng đối lập tả phái với FSLN), không được coi là tự do hoàn toàn vì ông Ortega đắc cử với 66,97% phiếu sau khi lãnh tụ Arturo Cruz (bảo thủ) từ chối không tham gia bầu cử dưới áp lực của Hoa Kỳ và theo lời cố vấn Mỹ mà tham gia kháng chiến Contra
[7]Bà Tijerino sau này phê bình anh em Ortega dùng FSLN (và công an) làm công cụ quyền lực độc tài. Tháng 9, 2006 vừa qua, lại một phụ nữ khác, bà Aminta Granera, được chỉ định vào chức vụ tu huýt này.
[8]Parlacen, thành lập trong thập niên 90, là Nghị viện của khối sáu quốc gia Trung Mỹ trong khu vực gồm Nicaragua, Honduras, Guatemala, Panama, Cộng hoà Dominican, El Salvador. Mỗi quốc gia thành viên có 19-22 đại Biểu. Costa Rica tuy là quốc gia khởi xướng đầu tiên, hiện vẫn chưa thông qua việc gia nhập Nghị viện Cộng đồng này.
[9]Không thấy mặt trời
Mưa vẫn rơi một mình ngậm sợi tóc
Thôi ! cũng đỡ nhớ niềm vui
(Thơ Phan Huyền Thư)
[10]Lực lượng Đặc biệt Mỹ, trước khi chiến tranh được “Việt Nam hoá”, trực tiếp mộ quân tại miền Nam, huấn luyện, trả lương và điều động, sử dụng các thành phần “đánh thuê” này, Nhóm Dân sự Chiến đấu CIDG, Đơn vị Trinh sát Tiểu khu PRU, Lực lượng Tấn công Lưu động Mobile Strike Force, được gọi chung là Mike Force hay Biệt kích “Mỹ”. Các thành phần này sau được chuyển thành Biệt động quân Biên phòng, Biệt kích Nhảy dù, Lôi hổ của quân đội miền Nam. Ở đây “biệt kích Mỹ” là chỉ những người Việt (một số lớn dân tộc thiểu số) đi lính biệt kích cho Mỹ. “Hồn ma biên giới” (không nên lẫn với tác phẩm “Trong quan tài buồn” của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn và chẳng dính dáng gì tới) là một đơn vị địa phương PRU ở phía Cam bốt. Vì đây là các đơn vị bán chính thức nên phù hiệu của họ tuỳ tiện, tuỳ hứng và hiếm, hiện giá cao trên thị trường sưu tập kỷ vật quân sự.
[11]Đừng gọi anh là thiên thần mũ đỏ
Cọp ba rằn, Hắc Báo, Trường Sơn
Anh là anh lính giữ biên cương
Cho bé đó sáng trưa chiều đi học
(Không nhớ tác gỉa, Hắc Báo là danh xưng của Trinh sát Sư đoàn 1).
[12]Ông là người thành lập phi đoàn “Em bé Biafra” (Babies of Biafra) với năm máy bay dân sự cánh quạt Saab MFI-9B. Đây là loại máy bay huấn luyện (tập lái) được ông gắn thêm tên lửa 67 ly. Tên lửa này (thông dụng thời kỳ chiến tranh Việt Nam) nổi tiếng thiếu chính xác vì không có điều khiển bằng giây hay tầm nhiệt, laser, vô tuyến gì hết và vẫn được đùa là nếu không có quy luật Newton thì bắn mặt đất cũng không trúng. Tuy vậy, năm 1969, phi đoàn luộm thuộm này bất ngờ đánh nhiều trường bay quân sự của Nigeria, gây thiệt hại cho chiến đấu cơ Mig 17 và oanh tạc cơ Ilyushin 28 đang đậu trên bãi. Von Rosen bị giết năm 1977 khi tiếp tế người tị nạn trong chiến tranh Ogaden.
Tại Nicaragua, theo trí nhớ người viết và không có kiểm chứng, chính sĩ quan Mỹ (?) mang hai anh Việt Nam sang đây sau này tử trận trên một chiếc Cessna trinh sát (cũng loại cánh quạt không vũ trang) trong khi thả đạn pháo bích kích và lựu đạn bằng tay xuống đầu quân Sandino.
[13]Gái mại dâm ở Cuba được gọi là jinetera, nghĩa phụ nữ cỡi ngựa, không hiểu có phải vì vậy mà của hàng này bày toàn yên cương? Nếu vậy thì ở đây còn có thể ngâm thêm Lương Châu Từ của Vương Hàn “Dục ẩm tì bà mã thượng thôi/Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Muốn uống đàn gọi leo lên ngựa/ Xưa nay trận mạc mấy ai về).
[14]Xin đối diện một lần bên tôi
Cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi
Đến với tôi, hãy đến với tôi
Đừng yêu lính bằng lời
(sáng tác Trúc Phương)
[15]Biệt động quân Hành khúc.
[16]Theo một bạn kể lại, 1975, khi tiểu đoàn nhảy dù của anh tan hàng tại Khánh Dương, chạy về đến căn cứ Biệt động quân ở Dục Mỹ mọi người đều hô “Biệt động quân! Sát !”, “Biệt động quân! Sát !” vang lừng rừng núi vì sợ quân (Biệt động) trú phòng không cho vào tuyến. Khi vào đến nơi họ mới biết là căn cứ này đã bị du kích giải phóng chiếm và bị bắt làm tù binh.
[17]Trích ca kịch phẩm truyền hình nổi tiếng của thập niên 70 ở miền Nam:
Ca sĩ Thanh Lan “ Anh đã về đấy hả? Sao người anh đầy máu thế này?”
Ca sĩ Nhật Trường (bắt đầu vào bài) “Không! Anh không chết đâu em! Anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua! Sao vẫn khóc anh bên, ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ?”
Thanh Lan “ Trên khăn tang cô phụ, còn lóng lánh dấu ái ân (sic)! Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh, cho anh!”
Nhật Trường và Thanh Lan (đồng ca) “Anh không chết đâu anh!”
Bài hát này (http://nhacvangonline.info/nhac/12.php?loi=2465) tưởng niệm trung uý pháo thủ tiểu đoàn 3 nhảy dù Nguyễn văn Đương, tự sát (“Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tâm đạn đi không anh?”) khi Căn cứ Hoả lực 31 bị địch tràn ngập trong chiến dịch Hạ Lào năm 1971.
[18]Thơ Quang Dũng, “Đôi mắt người Sơn Tây”.
[19]Ca từ hải ngoại: “Một ngày 54 cha bỏ xứ/ Một ngày 75 con bỏ quê”, và ở đây, một ngày 79, anh bỏ em!
[20]Thơ Kiên Giang.
[21]Bài hát của Trúc Phương, nổi tiếng trong thập niên 60 với ca từ được sửa đổi
Chiều đêm dần tàn
Tôi xách Honda đi kiếm nàng ở bên cầu Hàng
Cầm giấy 500, tôi hỏi nàng đêm nay được không
(người viết này kiểm duyệt bốn dòng)
Ối chu choa là lông…
Chắc nàng cũng phải vừa lòng!
[22]Để ủng hộ FSLN, ông Chavez vừa bán cho Nicaragua số dầu quốc gia này tiêu thụ trong một năm với giá đặc biệt dành cho thân hữu.
[23]“Mẹ gìa đang ốm thì tiền của ai cho cũng đều mua thuốc được cả” là một câu nổi tiếng khác của ông.
[24]Nguồn thu nhập này không phải chỉ từ Hoa Kỳ mà còn từ những người Nicaragua lao động ở các quốc gia lân cận trong vùng.
[25]Năm 1990, Humberto Ortega bị kiện về chuyện một thiếu niên bị thủ hạ của ông bắn chết khi vượt qua đoàn xe của ông. Chuyện này đến nay không được giải đáp hay bồi thường thoả đáng.
[26]Ca từ Pháp của Bob Azam bị sửa đổi. Bản nhạc (cổ truyền Trung Đông) này trong những năm 60 nổi tiếng thế giới, có cả lời Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ v.v… “Chuồng bò” ở đây là Ngã ba Chuồng bò, một địa danh ở Sàigòn nhiều chị em bình dân ngang với Ngã năm Chuồng chó.
[27]Tại Tây Ban Nha, Hemingway có lần biểu diễn tài bắn đại liên sang tuyến phiến loạn phát xít vào một ngày yên tĩnh. Sau đó, đến khi địch trả đũa bằng cách pháo bích kích thì nhà văn đã kịp rời cuộc viếng thăm mặt trận.
[28]Bà Telléz hiện là ứng cử viên đại biểu quốc hội của phong trào ly khai MRS.
[29]Bà Baltodano là ứng cử viên đại biểu quốc hội của MRS, dứng đầu danh sách của đơn vị Managua.
[30]Màu nắng hay là màu mắt em
Mùa thu mưa bay cho tay mềm
Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm
Rồi có hôm nào mây bay lên
(Trịnh Công Sơn, “Nắng thuỷ tinh”).
[31]Chiều chủ nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Trời mưa trời mưa không dứt
Ô hay mình vẫn cô liêu
(Trịnh Công Sơn, “Lời buồn thánh”).
[32]“Chỉ có mỗi một người hiểu được tôi” Ông ngưng một lúc “Mà hắn cũng không hiểu tôi nữa”.
[33]Thật sự thì tôi không rõ đạn 30-06 có làm rung động bờ mông (đâu là điểm và đâu là diện?) của xạ thủ Garand hay không mỗi lần nổ súng. Một cái nhìn bổ sung: “ Tại Nicaragua, thì… là cuộc cách mạng sexy nhất mà tôi từng thấy. Phụ nữ mặc quân phục khaki đứng ở góc phố và… Tôi thì… không có thích bất cứ là ai mang súng trường Armalite, nhưng các cô thì đứng đó mà hút thuốc, coi như là Hoa hậu Thế giới” (ca sĩ Bono của ban nhạc U2 phát biểu, tháng 3, 1987).

Đỗ Kh. nguyên quán Nam Định, sinh tại Hải Phòng 1955. Vào Sàigòn 1955, đi Paris 1969, đến Củ Chi 1974, rời Phú Quốc 1975, thăm Hà Nội 1990. Hiện sống ở California.

Tác phẩm:

  • Cây gậy làm mưa, tập truyện ngắn, 1989.
  • Thơ Đỗ Kh., tập thơ, 1989.
  • Kí sự đi Tây, tập ký, 1990.
  • Có những bực mình, tức không thể nói, tập thơ, 1990.
  • Không khí thời chưa chiến, 1993.
Phim tài liệu thực hiện:

  • Lebanon, chuyện kể mùa hè, 1982.
  • Bến tạm tại Hương Cảng, 1986.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài