talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 13.01.2008

Trần VũSuy nghĩ Mãn Thanh

Trần Vũ
Trần Vũ

Trần Vũ, một trong những nhà văn viết tiếng Việt quan trọng nhất hiện sống tại hải ngoại, vừa đến với độc giả talawas chủ nhật qua “Sát Thát” ngày 16.12.2007, giữa cao điểm của đợt biểu tình vì Hoàng Sa - Trường Sa tại Hà Nội và Sài Gòn. Hôm nay chúng tôi hân hạnh giới thiệu tác phẩm mới nhất của ông: “Suy nghĩ Mãn Thanh”. talawas chủ nhật


Trần Vũ

Suy nghĩ Mãn Thanh

 

Vào đầu tập nghiên cứu Giới thiệu lịch sử những quan hệ quốc tế, sử gia Pierre Renouvin định nghĩa các yếu tố làm thay đổi cục diện thế giới: “Điều kiện địa lý, các chuyển động nhân khẩu, lợi nhuận kinh tế tài chánh, tâm lý chung của tập thể, những trào lưu suy nghĩ, làm thành những lực ngầm tạo hình mối tương quan giữa các cộng đồng nhân loại, và chính một phần lớn các lực này đặt để tính chất thế giới.” [1] Phát kiến những lực ngầm của Renouvin không mới đối với các dân tộc châu Á thường xuyên viện dẫn các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà, nhằm giải thích những thành bại của thiên tử, quốc gia, dân tộc. Cách nhìn của Renouvin, tuy vậy, vào đầu thập niên 60 đã khác biệt cách viết sử của phương Tây cuối thế kỷ 19. Với Renouvin, nguyên nhân thăng trầm không duy nhất nằm trong trách nhiệm của các quân vương hay các triều đình tham chiến, mà còn ở chính bản chất của các dân tộc lâm chiến. Dấu nhấn này, đặt trọng tâm vào yếu tố nhân hoà.

Bàn về phẩm chất của người Việt, không thiếu tài liệu của giới chức Pháp tại Đông Dương:

“Ít nhất 4/5 dân số Đông Dương thuộc về chủng tộc Kinh mà hầu như biên giới của Đông Dương thuộc Pháp hiện nay không khác mấy so với biên cương lãnh thổ của đế quốc An Nam vào thời kỳ hoàng kim. Đế quốc này bao gộp An Nam (Trung bộ), Tonkin (Bắc bộ), Cochinchine (Nam bộ). Vua Cao Mên phải nộp cống vì là thuộc quốc. Duy nhất, vương quốc Ai Lao có vẻ chưa hoàn toàn bị chiếm đóng. Chúng ta không rõ gốc gác của dân An Nam, dường như đến từ Mã Lai, cách đây nhiều thế kỷ, sau khi đã khuất phục hay tiêu diệt các sắc tộc khác trên bán đảo này. (...) Người An Nam, không thể chối cãi, vượt trội các sắc dân láng giềng. Dân Cao Mên, Ai Lao, Xiêm La không đủ sức kháng cự lại họ. Không có bất kỳ quốc gia nào trong khối kết hợp thành Ấn Độ có được phẩm chất của sắc dân này. Phải đi đến tận Nhật Bản mới tìm thấy một chủng tộc tương xứng và giống như vậy. An Nam và Nhật Bản chắc chắn phải có một sự liên hệ huyết thống cổ xưa. Cả hai đều thông minh, siêng năng và can đảm. Người An Nam mang bản chất của lính thiện chiến, tuân phục, dũng mãnh. Là một sắc dân lao động kiểu mẫu, nông dân tháo vác ở đồng ruộng, thợ giỏi, và thủ công nghệ sáng tạo trong thành phố. Sắc dân An Nam vượt trội trên phương diện chiến đấu, cũng như trong kỹ năng công nhân, so với bất kỳ dân tộc nào ở châu Á mà chúng ta có thể so sánh. Đây cũng là quy luật chung, mà tôi đã khảo sát và kiểm nghiệm trên 20 sắc tộc khác nhau của nhân loại, một quy luật mà chúng ta cũng có thể kiểm tra tính chính xác tại châu Âu: Những con người làm việc giỏi, là những người lính giỏi. Một cách khác, lòng can đảm là một. Nếu con người này can đảm không từ nan công việc trước cực nhọc lao động, con người đó, sẽ can đảm trước hiểm nguy và không từ nan cái chết.” [2]

(Toàn quyền Paul Doumer, L’Indochine française, Souvenirs, 1905)


“Dân An Nam cần kiệm, chuyên cần, rất gắn bó với gia đình, đất đai, đồng áng ― thông thường hiền hoà, thậm chí nhút nhát như bầy trâu của họ ― nhưng lại cực kỳ can đảm và khinh bỉ cái chết, mà trước thần chết đã luôn tiến thẳng tới không yếu đuối. Cho đến lúc này, chúng ta đã có thể kiểm nghiệm thái độ chiến đấu của sắc dân này qua các cuộc hành binh quân sự, và ngay cả thái độ trung thành dưới lá cờ của chúng ta. (…) Không biết hôn, vì nam phụ lão ấu luôn ngậm một bã trầu trong miệng, điều này không ngăn họ hút thuốc cùng lúc. Tuy ưa ca hát, dân An Nam không nhảy múa, các đoàn múa đều là người Khmer. Sắc dân này ít chịu ảnh hưởng văn hoá của những vùng đất thu phục. (…) Trước khi chúng ta đến, An Nam không xuất khẩu thóc lúa hay trao đổi phẩm vật với các xứ trong vùng. Họ tự túc làm ra của cải, không thiếu ăn, nhưng không đủ tàng trữ kho tàng, lý do thiếu một nền hành chánh hiệu quả, tuy rất thống nhất, không khai thác hết tài nguyên của các xứ đã sáp nhập hay phối thuộc.”  [3]

(Toàn quyền Jean Louis de Lanessan, L’Indo-Chine Française, 1889)


“Sự pha trộn giữa các chủng tộc Mã Lai, Ấn, Hoa, với Mường tạo ra sắc An Nam, vừa giữ làn da sáng của giống vàng Trung Hoa, vừa giữ thể hình xương, nhanh nhẹn, thích ứng với rừng rậm. Từ Gia Định ra đến Hạ Long, chúng ta gặp thuần một giống dân. Những người tự nhận là Champa với chúng ta, đến ghi danh trong các văn phòng tuyển mộ phu, thường lảng tránh khi người An Nam xuất hiện. Không còn vết tích của cuộc tàn sát, nhưng vẫn còn sự khinh khi. Khá cứng đầu, An Nam luôn tìm cách tử chiến, ngay cả sau khi thương thuyết đầu hàng, vẫn cứ tiếp tục tử chiến. (...) Khác các sắc tộc đã bị tiêu diệt, hoặc Hồi giáo, hoặc vô thần, hoặc thờ súc vật, Bà-La-Môn hay thờ Shiva mà nhiều tượng được tìm thấy ở Bình Định, dân An Nam theo các tôn giáo Nhơn đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo và Khổng thái công [4] là những triết lý trừu tượng khác hẳn. (...) Nền độc lập mong manh của Xiêm La từng bị An Nam uy hiếp, dường như nội loạn của Lê Văn Khôi đã cho Xiêm La thêm thời gian. May mắn chúng ta đã đến kịp lúc. Xứ Miến Điện thoát hiểm nhờ vào địa thế cách trở mà đây cũng là yếu kém của An Nam, quá ít đường sá trong đế quốc của họ.” [5]

(Tổng trú sứ Trung kỳ Paul Bihourd, Carnets de voyage, 1887)


“Tại trường sĩ quan lục quân Coetquidan, các tân khoá sinh học phương pháp đoạn hậu khi triệt thoái. Chiến thuật được giảng dạy sáng sủa, rõ rệt: Lập nút chặn, đợi địch, khai hoả khi đối phương xuất hiện. Đối phương sẽ ngừng lại, dọ dẫm, thận trọng quan sát, đơn vị đoạn hậu sẽ đủ thời gian rút lui, bắt kịp đơn vị đi trước đã làm xong tuyến cản. Chiến thuật bước chân chim là như vậy. Thực tế chiến trường khác hẳn. Ngay khi chúng ta khai hoả, thay vì ngừng lại, Việt Minh xông thẳng tới, bất chấp thiệt hại, áp sát để cận chiến bằng lưỡi lê. Hầu hết các chiến thuật trang bị cho tân sĩ quan sang Đông Dương đều phá sản.” [6]

(Trung uý Bertrand, trưởng đồn Yên Châu, Trung du Bắc Việt, Journal de Marche, 1952)


*

Nửa thế kỷ sau sự hiện diện của quân đội Pháp, đọc lại những trang hồi ký cũ, dân Việt không tự mãn, nhưng tự tra vấn: Vì đâu với nguyên liệu dân tộc tinh hảo như vậy, triều đình Huế đã đánh mất nền độc lập quốc gia? Đến đây, ưu điểm của Pierre Renouvin, đã xem nhẹ phương tiện chiến tranh mà đặt trọng tâm vào yếu tố nhân hoà, phần nào giải thích: Chính khả năng canh tân yếu kém của vương triều Nguyễn do không cải tổ nền tảng chính trị xưa cũ, đã không còn thích ứng, do vậy, đã không thể kết hợp và huy động sức mạnh của dân An Nam.

Quan bố chánh Eliacin Luro, như dân địa phương vẫn tiếp tục gọi bằng phẩm ngạch của triều đình Huế, trong thực tế giữ chức administrateur civil của các trấn An Giang rồi Vĩnh Long, đưa ra nhận xét: “Xã tắc An Nam do chiến thắng các cuộc xâm lược, không chịu ảnh hưởng của những thay đổi cơ cấu về sau của triều Mãn Thanh, nên đã giữ nguyên hình thái tổ chức cổ xưa đã hoàn toàn biến mất tại Trung Hoa” [7] . Nhận định của Luro đúng trên các mặt khoa cử, thuế khoá, thương mãi và binh bị, không thật đúng về sự khác biệt thể chế chính trị giữa Mãn Thanh và triều Nguyễn. Tuy nhiên, Luro đã sớm nhận ra chính tính cách quá cũ kĩ của mô thức triều chính và hành chính nhà Nguyễn, xây dựng trên khuôn mẫu nhà Lê mà những cải cách cuối cùng có từ thời Hồ Quý Ly, đã không cho phép Đại Nam phát triển tỷ lệ thuận với tiềm lực của 25 triệu dân sinh sống trên bán đảo Trung - Ấn.

Trước khi theo Renouvin sang Trung Hoa tìm hiểu nguyên nhân thất bại của Mãn Thanh trong công cuộc canh tân đế quốc, chúng ta có thể lượng giá phần nào những thẩm định của các quan toàn quyền về phẩm chất Việt.

Hầu hết quá chú tâm vào khả năng chiến đấu của dân tộc mà không nhìn thấy khác biệt căn bản giữa dân Việt với các sắc dân lân bang. Nếu người Hoa coi trọng kinh tế, xem trao đổi thương mãi đồng nghĩa sống còn, đối với dân Việt chính đất đai mới mang ý nghĩa sống còn. Bán đất đã luôn được xem là một thất thế. Khi Lanessan đánh giá dân An Nam “nhút nhát như bầy trâu của họ”, hoặc Doumer nghĩ Việt và Nhật liên hệ huyết thống, do vậy tương đồng trong phẩm hạnh và cách ứng xử, cả hai nhận định đều quá vội vã. Việt không nhút nhát, nhưng chọn tình thế để biểu cảm thái độ. Khác hẳn Nhật Bản xem thường cái chết, Việt coi trọng cái chết. Nếu tinh thần võ sĩ đạo đề cao danh dự trên hết, trong mọi tình huống, ngay cả những xúc phạm nhỏ nhặt nhất vẫn có thể dẫn đến cái chết để rửa nhục; Việt cụ thể hoá danh dự qua đất đai, mà chỉ trong trường hợp này, cái chết mới được xem xứng đáng. Không “khinh bỉ cái chết” như Lanessan lầm lẫn, mà đồng hoá danh dự với đất đai, là khác biệt lớn giữa Việt Nam và Nhật Bản. Một thành tố khác mà các tổng trú sứ hoặc toàn quyền ít nhận ra: Không phải đức Phật Thích Ca mà chính tục thờ cúng tổ tiên, gia tộc đã chết, đặc biệt các tướng lĩnh và những kẻ chết trận, mới thật sự là quốc giáo làm nên sức mạnh của dân tộc này. Từ thiên tử xuống đến quan rồi thứ dân, không có biệt lệ. Đền thờ Sầm Nghi Đống, thờ kẻ cựu thù, vẫn khói nhang là một bằng chứng khuyến khích gương anh dũng và tiết tháo hy sinh trong chiến đấu. Sắc lệnh cấm đạo của hoàng đế Tự Đức, ban hành vào tháng 4 năm 1848, mở đầu bằng lời phán xét nghiệt ngã: “Đạo Gia-Tô bị các tiên đế Minh Mệnh và Thiệu Trị phế chỉ, hiển nhiên là một tôn giáo sa đoạ, vì đạo ấy không cúng thờ tổ tiên khuất mặt” [8] . Nhắc đến tổ tiên là nhắc đến công lao giữ đất, mở mang bờ cõi. Đạo dụ của Tự Đức nói lên tầm quan trọng của một quốc giáo sùng bái công lao này.

Một tổng trú sứ khác, Paul Bihourd ghi nhận các sắc tộc thiểu số bị kỳ thị. Không hẳn. Không phải dân Việt gay gắt vấn đề dị chủng, mà vì thang điểm giá trị của dân tộc xây dựng trên thước đo khả năng chinh chiến và kháng cự. Chấp nhận điều kiện của đối phương để chung sống hoà bình thường bị xem là hèn. Đây là lý do vì sao dân Việt xem trọng đất đai. Vì đã đổ quá nhiều máu để gìn giữ, rồi mở rộng. Vì không hèn, nên không nhượng đất. Vì không hèn, nên sẵn sàng tiếp chiến khi bị khiêu chiến. Đất đai đã trở thành danh dự, vì là chứng nhân và kết quả của lòng can đảm.

Thước đo giá trị trên cùng lúc giải thích vì sao dân Việt ít theo đạo Bà-La-Môn của Phù Nam, Shiva của Lâm Ấp, Hồi giáo của Chàm hay Ấn Độ giáo của Khmer, tuy Việt cũng theo Phật giáo như một bộ phận Khmer, nhưng là Phật giáo đến từ Trung Hoa chứ không từ Thuỷ Chân Lạp. Bản sắc Việt không cho phép yếu đuối, không chấp nhận đớn hèn. Chính bản sắc này đã khiến quân đoàn viễn chinh Đông Dương khó khăn bình định Đại Nam, trong lúc Cao Mên và Ai Lao quy hàng tức khắc. Nhưng kể từ thế kỷ 19, bản sắc chiến đấu không đủ để canh tân đất nước. Trong quan niệm nhân hoà của châu Á, hai yếu tố minh quânthuận lòng dân mới thực sự quan trọng.

Trong tập nghiên cứu Câu hỏi Viễn Đông [9] , Pierre Renouvin phân tích các nguyên nhân suy vi của đế quốc Trung Hoa so với Nhật Bản, trong suốt một thế kỷ trải dài từ 1840 đến 1940.

Nếu đế chế Mãn Thanh đã mở rộng tột bực biên cương, Nhật Bản hãy còn là một đảo quốc, nhưng cả hai đều nhận thức mối đe doạ đến từ Tây Âu. Mãn Thanh và Nhật ý thức phải xây dựng tức khắc một hạm đội viễn dương để tự phòng thủ và xâm lấn các phần đất còn lại ở châu Á. Giống nhau đến đây chấm dứt.

Với sử gia Tây phương, hiệu năng thuế khoá là điều kiện tất yếu để phát triển và duy trì phát triển. Củng cố ngân sách trở nên vấn đề sống chết của ba quốc gia Mãn Thanh, Đại Nam và Nhật Bản, cùng vừa thoát ra khỏi nội chiến thảm khốc Mãn Thanh - Thái Bình Thiên Quốc, Nguyễn Phúc Ánh - Tây Sơn, và loạn sứ quân. Cả ba quốc gia cùng đối diện nguy cơ xâm lăng của phương Tây với kho tàng trống rỗng. Nếu Mãn Thanh và Nhật Bản đã nghĩ đến canh tân, đã theo những con đường khác nhau, Đại Nam hoàn toàn thụ động. Khước từ điều trần cải cách của Nguyễn Trường Tộ, cầu viện nhà Thanh, chọn lựa của hoàng đế Tự Đức tồi tệ hơn hết.

Từ Hi thái hậu
Từ Hi thái hậu (1835-1908). Nguồn: Wikipedia

Không quan tâm nhiều đến Đại Nam, Pierre Renouvin nhấn mạnh: Nguyên nhân dẫn đến sự suy vi của Mãn Thanh nằm trong khả năng thâu thuế yếu kém của triều đình Từ Hi. Không phải thái hậu đã không cải tổ. Từ Hi, được đánh giá quyết đoán, thông minh, tinh nhạy, tuy tàn ác, đã tiến hành một loạt các biện pháp cải cách: Phân loại nông phẩm, sản vật, tài nguyên chiến lược để phân giá thuế, đặc miễn hay lập các siêu ngạch nhằm khuyến khích sản xuất hoặc bảo vệ thị trường là những biện pháp khá mới mẻ ở thời kỳ này tại châu Á. Thái hậu nhìn thấy sự tụt hậu của nhà Thanh, nhìn thấy nguy cơ xâm lược của phương Tây, cần gấp một lượng tiền lớn để công nghiệp hóa và hiện đại hóa quân đội. Giấc mộng của Từ Hi tan vỡ vì không tập trung được tài, vật, lực của 350 triệu dân Trung Hoa sinh sống trên lục địa. Thất bại thuế khoá đưa đến thiếu hụt ngân sách, khiến hạm đội Bắc Dương phải mua các tàu cũ của Áo, Phổ, sẽ thảm bại thê thảm trước hạm đội Pháp và Nhật Bản về sau tại Phúc Châu và tại quần đảo Bành Hồ trên biển Hoàng Hải. Chính sách thuế khóa của Từ Hi được xem cấp tiến nhưng vẫn thất bại vì thái hậu đã không cải tổ cơ chế chính trị, mà trên mặt lý thuyết tuy phong kiến tập quyền nhưng trong thực tế phân vùng dưới sự cai quản của các đại nguyên soái đã được các tiên đế Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, Gia Khánh ban phẩm trạch từ mấy đời. Các đại gia tộc của các nguyên soái cha truyền con nối chia nhau cát cứ từng địa phương khiến tiền thuế của dân Trung Hoa đã không về đến ngân khố Bắc Kinh. Pierre Renouvin không khảo sát cơ chế Đại Nam, nhưng dân Việt vẫn có thể tìm thấy trong hồi ký Đông Dương [10] của toàn quyền Paul Doumer, một hình ảnh khá tương đồng: Các quan tổng đốc, tuần vũ trách nhiệm thâu thuế, đã trực tiếp cắt giảm kinh phí của tỉnh, cắt giảm cả những “quốc phí” dành riêng cho bản thân, dòng họ, gia đình, trước khi chuyển về Huế. Những quan Kinh lược, Khâm sai, Án sát làm công việc thanh tra đã tự khấu trừ thêm một phần nữa, khiến ngày Paul Doumer sang trấn nhậm Đông Dương, triều đình của vua Thành Thái đã sống trong sự bần cùng, ngân quỹ chỉ đủ tu bổ lăng tẩm, dinh thự, cung điện mà không đủ sắm sửa binh bị hay cải tạo kênh đào, cầu cống, mở mang đường xá. Paul Doumer đã thực hiện một loạt cải cách: Viện Cơ mật bị thay thế bởi Hội đồng Bảo hộ (Conseil du Protectorat) ở Trung - Bắc kỳ và Hội đồng Thuộc địa (Conseil Colonial) ở Nam kỳ, toàn thể nền hành chánh Đại Nam nằm dưới quyền kiểm soát của các trú sứ (Résident Supérieur), tổng trú sứ (Résident général), tổng uỷ viên (Commissaire général) hay phó toàn quyền (Lieutenant gouverneur). Các chức quan Kinh lược (Vice Roy), Khâm sai (Commissaire) bị bãi bỏ, các chức Tổng đốc (tư lệnh miền), Án sát (thanh tra/ thẩm phán), Lãnh binh (quân trấn) chỉ còn là hư danh. Kể từ lúc này hoàng đế Thành Thái chỉ còn là một vị hoàng đế lãnh lương tháng cho chức vị thiên tử.

Dân Việt thông cảm vua Thành Thái mà ngày lên ngôi báu, xã tắc đã rơi vào tay Pháp. Dân Việt càng nhìn thấy hiệu quả cải tổ cơ chế chính trị, hành chánh, quản trị của Paul Doumer, hiển nhiên nhằm mục đích củng cố chính quyền bảo hộ, tuy vậy, vẫn cho thấy tiềm năng cực kỳ lớn của bán đảo Trung - Ấn mà Đại Nam chiếm 4/5 dân số. Doumer nhanh chóng xây cầu Long Biên, cầu Hàm Rồng, cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, bưu điện trung ương, công ty điện lực, nâng cấp đê điều, thiết lập tuyến đường xe lửa xuyên Việt và tráng nhựa các quốc lộ. Trong hồi ký, Doumer rất hãnh diện: “… cơ chế mới hoạt động hữu hiệu, đưa đến tình trạng ngân khố cải tiến, cho phép vay vốn từ các ngân hàng châu Âu xuyên qua Ngân hàng Đông Dương, giúp chuẩn y ngân sách xây dựng các công trình lớn khiến dân An Nam thêm thần phục. Hà Nội và Sài Gòn là hai thành phố có điện đầu tiên ở châu Á, chỉ sau Đông Kinh (Tokyo)”. [11]

Dân Việt đóng thuế, trả cả vốn lẫn lãi cho các ngân hàng châu Âu, rồi Ngân hàng Đông Dương, trả lương cho viên chức hành chánh Tây, cả lương bổng của quan lại triều đình Huế còn tại vì, nuôi quân viễn chinh, gửi nông phẩm về mẫu quốc, gửi 84 ngàn lính thợ sang chính quốc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh chống đế chế Phổ mà vẫn đủ để xây dựng những công trình lớn. Tiềm năng của Đại Nam, như thế, đã có thể đưa quốc gia đến vị trí hùng cường nếu triều Nguyễn sớm biết canh tân, không quá lệ thuộc vào động thái Mãn Thanh, để chọn con đường Nhật Bản.

Trong ba yếu tố Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà làm nên thăng trầm của một quốc gia, thiên hoàng Mục Nhân, tức Mutsu-Hito, sở đắc hai điều kiện Thiên thời, Địa lợi ngay từ đầu. Địa lợi: Vị trí xa xôi cô lập ở bắc bán cầu của Nhật Bản khiến phương Tây lãng quên một thời gian. Không vì tham vọng đế quốc giới hạn, nhưng để xâm chiếm, cần những trạm trung chuyển làm căn cứ xuất phát mà kỹ nghệ tàu hơi nước vận hành bằng than đá chưa cho phép những thuỷ lộ dài, ở tầm mức lớn, khi phải vận tải nhiều trung đoàn thuỷ binh, nuôi ăn và tiếp tế đạn dược. Để chiếm Nhật Bản, Anh - Pháp với trạm chuyển tiếp châu Phi - Ấn Độ cần thiết lập thêm hậu cứ ở Mã Lai, Đông Dương; trong lúc Hoa Kỳ cần bình định Phi Luật Tân, trạm dừng thứ hai sau Hạ Uy Di. Quân đội Nga hoàng chỉ có thể xuất phát sau khi chiếm giữ Mãn Châu. Tất cả những vùng đất trên, vừa sở hữu, hay còn đang tranh chấp, đều chưa thật sự ổn định như một tiền trạm an toàn của các đế quốc. Chưa kể những cạnh tranh giữa Hoa Kỳ muốn triệt tiêu Tây Ban Nha, Anh - Pháp luôn bất hoà trong mọi đối sách, hai đế quốc Nga - Phổ cùng nhìn ngắm bán đảo Liêu Đông. Và vượt lên trên hết những mâu thuẫn này, là mối lợi Trung Hoa to lớn hơn Nhật Bản mà phương Tây luôn chịu ám ảnh. Trung Hoa, Eldorado của thế kỷ 19, quan trọng hơn Nhật Bản. Địa lợi, do vậy, hãy còn thuộc về Nhật hoàng trong một thời gian ngắn.

Thiên thời xảy đến với vị hoàng đế trẻ tuổi Mutsu-Hito dưới hai hình thức: Thế quyền Mạc Phủ suy vi khi sứ quân Iesada Tokugawa băng hà không có thế tử nối dõi. Hoàng thân Kikuchiyo lên thế vì, dưới niên hiệu Iemochi Tokugawa, thiếu chính danh của huyết thống, nên ít được thần phục. Iemochi Tokugawa nhanh chóng mãn phần để lại một chế độ Mạc Phủ mục rã cho sứ quân sau cùng Yoshinobu bất lực trước những uy hiếp của Âu - Mỹ và cả những chống đối của các lãnh chúa. Tình trạng Nhật Bản giống một triều Lê nhạt bóng Chúa Trịnh. Tuy nhiên, thiên thời này không quyết định. Những soán ngôi, bỏ chính lập thứ, hay phản nghịch thường xuyên xảy ra trong suốt mười thế kỷ Mạc Phủ. Thiên thời thật sự đã phát vang tiếng đại bác cảnh cáo từ các chiến hạm tối tân của phó đề đốc Matthew Calbraith Perry [12] , sau khi đưa tối hậu thư của Hoa Kỳ buộc Nhật Bản phải mở cửa. Năm 1867 khi Mutsu-Hito đăng quang, vịnh Yédo hãy còn âm vang tiếng đại bác chấn động làm rung chuyển tinh thần Đại hoà của vương quốc Yamato [13] . Tình cảnh thiên hoàng Mục Nhân không khác hoàn cảnh của hoàng đế Tự Đức hay thái hậu Từ Hi. Chiến hạm của hải quân đô đốc Rigault de Genouilly đã bắn phá cảng Đà Nẵng gần như cùng thời gian với Perry [14] . Chiến hạm của Anh - Pháp - Hoa Kỳ nhiều lần khai hoả bắn phá Trung Hoa và Chiến tranh Nha phiến đã bắt đầu. Khác Tự Đức và Từ Hi chỉ nhìn thấy thiên tai, xuống chiếu bế môn toả cảng và bài Tây dương; Mutsu-Hito nhìn thấy thiên thời giúp thâu gom quyền bính về trung ương, giải quyết nạn thuế khoá thất thoát, và hơn thế nữa, thay đổi Nhật Bản.

Theo học thuyết Khổng giáo, lòng dân sẽ đồng thuận khi minh quân xuất hiện, hay ngược lại thiên tử trở thành minh quân khi biết kết hợp lòng dân. Trong lịch sử Nhật Bản, chưa bao giờ một thiên hoàng được sùng bái như thần linh, đã đích thân hiệu triệu quốc dân: Tuyên ngôn của ngày 6 tháng 4-1868, với Đại hiến chương 5 điểm, gần như một lời đặc hứa, cam kết giữa thiên tử với thần dân, canh tân xứ sở không chậm trễ. Hơn một hiến chương, hơn một đặc hứa, gần như một khế ước, một hợp đồng giữa triều đình và dân chúng. Một bên ra sức, một bên nỗ lực cải cách. Để giữ cho lời đặc hứa là một lời thật, Mutsu-Hito huỷ bỏ phân chia giai cấp xã hội, huỷ bỏ thể chế phong kiến, huỷ bỏ đặc quyền đặc lợi của sứ quân, lãnh chúa, và của cả giai cấp Samourai cảnh vệ của quyền lực. Đại hiến chương khai sinh ra quốc hội Nhật Bản, với thượng viện và hạ viện, do dân bầu ra để tránh tình trạng các lãnh chúa Damios sẽ ngự trị ngành lập pháp, mà thiên hoàng cam kết sẽ giữ cho mọi quyết định quốc gia mang tính chất phi đảng phái. Mutsu-Hito còn cam kết sẽ từ bỏ quyền thống trị tuyệt đối hầu xây dựng nền tảng quân chủ lập hiến. Lịch sử thế giới đã bất ngờ chứng kiến dân Nhật đứng sau lưng thiên tử. Kể cả các sứ quân, lãnh chúa và Samourai. Dân tộc Nhật đã nhìn thấy hiểm hoạ mất nước, đã nhìn thấy nguy cơ trở thành nô lệ nhục nhã. Nhưng ở đây lòng ái quốc không đủ giải thích. Chính sự từ bỏ đặc quyền của giai cấp thống trị, công nhận quyền tham gia việc nước của toàn dân, và để bảo đảm quyền lợi này, một hiến pháp dân sự do dân chúng chuẩn y đã đem đến hy vọng và niềm tin của toàn dân vào khả năng thay đổi thực sự của tổ quốc. Sức mạnh của Mutsu-Hito là biết từ bỏ sức mạnh cai trị bằng quyền bính ngay sau khi thâu lại quyến bính từ sứ quân. Mutsu-Hito cai trị với đồng thuận của toàn dân. Một sức mạnh sẽ đánh tan hạm đội Bắc hải của Nga hoàng trong chiến thắng sấm sét Đối Mã [15] .

Kể từ đây, Nhật Bản đi vào kỷ nguyên Minh Trị khai sáng. Nếu thảm bại Đệ nhị Thế chiến chấm dứt giấc mơ đế quốc của dân tộc này, công cuộc duy tân vẫn đem đến kết quả lâu dài. Thành công của chương trình hiện đại hoá nước Nhật nằm trong việc hiện đại hoá trước tiên thể chế chính trị, trước khi công nghiệp hoá toàn quốc. Chính cải tổ chính trị đã cho phép nối kết ba yếu tố Minh quân, Lòng dân, Bản sắc dân tộc thoả mãn điều kiện Nhân hoà.

Trường hợp Mãn Thanh khác hẳn. Giải thích thất bại của các phong trào Tự cường, Tân chính, các đề xuất Bách nhật duy tân, hay dự án Lập hiến, sử gia Pierre Renouvin đưa ra nhiều nguyên nhân: Cấu trúc xã hội Mãn Thanh xây dựng trên cơ cấu tổ chức nhà Minh không còn thích ứng một khi biên cương trải rộng, với số dân tăng gấp ba, mà số quan lại trên dưới một trăm ngàn không đủ cai quản, cũng như tính chất tự trị của các châu, tỉnh, thành và ở các đặc khu trên cả hai mặt quân sự và tài chánh đã khiến việc thi hành các đạo dụ của cung đình kém hữu hiệu. Việc chính quyền Từ Hi khó khăn kiểm thuế, không đủ ngân sách tân trang hạm đội Bắc Dương, cho thấy guồng máy trung ương vận hành ít hiệu quả.

Chung thuỷ với lý thuyết "Bản chất dân tộc đặt để tính chất quốc gia", Renouvin quy kết phần lớn trách nhiệm thất bại canh tân vào bản sắc Trung Hoa:

“… Khối đông dân chúng nghi kỵ ngoại nhân, đồng thời khinh khi, tuy thừa nhận tính ưu việt kỹ thuật; dân Hán ý thức sở hữu một nền văn hiến nhiều ngàn năm của một đế quốc trung tâm từng đạt đến những thời kỳ rực rỡ mà không một nền văn minh Tây Âu nào sánh kịp. Nếu chính quyền Mãn Thanh thường xuyên ra các bố cáo gọi kiều dân phương Tây là Rợ, phải chăng vì hiểu đang thoả mãn lòng tự kiêu của dân tộc này? Hiển nhiên ban đầu dân Nhật có cùng thái độ, chung những nghi ngại, khinh bỉ, nhưng đã nhanh chóng gạt bỏ định kiến, ít ra ở bề mặt. Nhưng dân Trung Hoa gắn bó với truyền thống cổ xưa hơn Nhật Bản, Khổng giáo đã dạy dân Hán xem thường các tiến bộ kỹ thuật vì chỉ là một hình thái vật chất tầm thường, cốt lõi của triết lý sống nằm ở khả năng gìn giữ bản thể nội tại. (…) Giai cấp quan lại phong kiến thù hằn tất cả những canh tân dưới áp lực của ngoại nhân phải thi hành ở Trung Hoa. Đây cũng là sự khác biệt bản chất với Nhật Bản mà cách mạng duy tân do giai cấp võ sĩ trung gian thực hiện. Ngược lại, giới quan lại Trung Hoa đóng kín cửa trước các tư tưởng cải cách. Nền giáo dục và học vấn khuyến khích trí thức tôn sùng truyền thống, như đã tôn sùng các bậc hiền triết. Bổng lộc cá nhân cũng đã khiến các quan chức không muốn thay đổi cơ chế; vì dưới chính quyền Mãn Thanh, viên chức hành chánh không bị giám sát hoặc thanh tra, cho phép tư lợi khá dễ dàng. Tất cả những biện pháp cải cách nhằm giúp hệ thống thêm hiệu quả đều đe doạ mối tư lợi này. Cung đình Mãn Thanh, rút cuộc, trở nên bảo thủ và thụ động.” [16]

(Pierre Renouvin, La stagnation de la Chine, 1947)


60 năm sau khi Câu hỏi Viễn Đông xuất bản, đọc lại chương Sự tù đọng Trung Hoa, dân Việt cảm giác đang xem những trang sử cũ triều Nguyễn. Cùng một ao tù tri thức, cùng một khước từ canh tân của giới hủ nho. Tuy nhiên, nếu phán xét của Renouvin không sai, kinh nghiệm sống thực của dân Việt cho thêm cách nhìn khác: Không phải triết lý của Khổng Tử ngăn cản duy tân. “Lòng trung quân ái quốc” xây dựng trên nhân sinh quan Khổng giáo vẫn hiện hữu tại Nhật Bản cho đến tận bây giờ và chính khái niệm này thúc đẩy dân Nhật hỗ trợ thiên hoàng canh tân. Khổng giáo với thang giá trị Quân, , Phụ đã ứng nghiệm tuyệt vời tại Nhật. Như vậy, vì sao thất bại tại Đại Nam và Trung Hoa? Đây mới thực sự là Câu hỏi Viễn Đông.

Hình ảnh một thái hậu Từ Hi chuyên quyền, tàn ác, hình ảnh một hoàng đế Tự Đức, tuy nhân từ, dành nhiều thời gian chăm sóc lăng tẩm của chính mình thay vì lo việc nước đang rối ren khi thuỷ binh Pháp xuất hiện, đã phá huỷ giá trị Quân vương. Dân Việt, cũng như dân Trung Hoa, còn khám phá kiến thức của các bậc thầy, từ đồ nho đến viện sĩ, được xem uyên thâm, tụt hậu so với phương Tây. Giá trị phá sản. Còn lại Phụ, vẫn được kính trọng, vì Phụ nuôi dưỡng huyết thống, vì Phụ giữ được lòng ái quốc cho con, nhưng Phụ bất lực trước thời thế. Cả hai dân tộc Hoa - Việt đánh mất phương hướng, đánh mất mục đích phục vụ, cho ai, cho Từ Hi độc ác, hay cho vẻ đẹp nên thơ của những cánh sen hồng phấn trong hồ Lưu Khiêm của Tự Đức? Cả hai dân tộc Hoa - Việt trở nên thụ động vì thang giá trị của Khổng Tử biến mất ở hai quốc gia này.

Thất bại canh tân của Mãn Thanh chủ yếu nằm trong chính sách phân biệt thứ hạng công dân. Kể từ khi Đại Thanh quốc chính thức thành lập, các hoàng đế Mãn Thanh thay nhau duy trì vị thế độc tôn của tộc Mãn. Lập ra Quân Cơ Xứ, cơ quan an ninh theo dõi và giám sát nhân sự. Các đề bạt, đặc cách, tuyển mộ, đều phải thông qua Quân Cơ Xứ. Quân đội Mãn Thanh cũng phân chia kỳ binh chủ lực, xây dựng trên các đội kỵ binh thuần Mãn tộc, nhận lương thảo, quân trang, lương bổng cao hơn dũng binh địa phương tuyển mộ từ lính Hán. Các chức tước quan trọng đều do tộc Mãn nắm giữ. Gần như các hoàng đế Mãn Thanh đã theo đuổi chính sách của nhà Nguyên phân biệt Mông Cổ và Hán, tạo ra một xã hội hai giai tầng: Mãn được tin dùng, phải là Mãn mới thăng tiến quan lộ, trong lúc Hán đứng ngoài “biên chế” và bị nghi kỵ. Kế thừa truyền thống này, thái hậu Từ Hi không đủ can đảm cải đổi chính sách, ngược lại, càng củng cố Quân Cơ Xứ, gia tăng canh chừng. Nhìn đâu, thái hậu cũng trông thấy những thế lực thù địch đang âm mưu phản Thanh, phục Minh. Với trí thức Hán, thái hậu áp dụng chế độ kiểm duyệt mà học giả Nguyễn Hiến Lê, trong bộ Sử Trung Quốc, ghi lại tính cách triệt để: “… cái hoạ văn tự đời Thanh còn khiếp lắm. Sử chép trường hợp 70 người soạn bộ Minh sử, trong đó, một đoạn viết về vụ Mãn Thanh chiếm Trung Hoa có giọng ai oán chứ không vui vẻ, hăng hái, tác giả lại quên kị huý khi chép tên các vua Thanh, họ đã chết rồi, bị quật mả lên mà những người lựa, duyệt lại, chép lại bộ đó cũng bị chém vì tội phản Thanh.” [17]

Với một xã tắc đề cao duy nhất công trạng Mãn, hiển nhiên dân Hán không cảm thấy cần thiết phải canh tân, khi lợi ích của canh tân sẽ không được san sẻ đồng đều, khi công sức canh tân sẽ càng thêm củng cố chính quyền khinh dân. Trong những ngày nguy khốn, Từ Hi sẽ phải dùng đến người Hán, như đã dùng Tăng Quốc Phiên và Lý Hồng Chương là những đại Hán đã quy phục Mãn; đến khi kỳ binh Mãn Châu sau hai thế kỷ đô thị hoá, sinh sống trong các đồn luỹ, giữa những tường thành ở các châu, phủ, huyện, mất đi khả năng vận động chiến, Từ Hi phải cậy quân Hán của Viên Thế Khải khiến uy lực của Mãn Thanh thêm giảm sút. Càng cho phép Hán tham chính, nắm quân đội, Mãn càng suy yếu, nên từ ý thức phải cải cách để đương đầu với phương Tây, Từ Hi co cụm để giữ quyền bính. Nếu đồng hóa là diễn biến không tránh khỏi, như đã xảy đến với Mông Cổ, thái hậu quên mất chính sức lực Hán đã giúp hai đế chế Mông Cổ và Mãn Thanh kéo dài nhiều trăm năm. Thiếu sức Hán, các tiên đế Khang Hy, Càn Long đã không thể chinh phạt Tứ Xuyên và Tân Cương. Nhưng nếu trong quá khứ dân Hán tuân phục kỷ cương Mãn Thanh, đến cuối thế kỷ 19, các trí thức Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng đòi hỏi cải cách chính trị, cho phép toàn dân tham gia việc nước, trước mắt canh tân để chống xăm lăng, và sau nữa, đem đến bình đẳng xã hội. Huỷ bỏ Tân chính, dập xóa Bách nhật duy tân, cho hành quyết Đàm Tự Đồng và các trí thức cấp tiến [18] , Từ Hi đã đặt quyền lợi của một bộ tộc thiểu số của ba triệu người Mãn Châu lên trên quyền lợi của khối đông Trung Hoa. Giọt nước tràn ly xảy đến, khi thái hậu, thay vì sát cánh với phong trào yêu nước của các võ sinh Thiếu Lâm chống Bát quốc liên quân, đã ra lệnh cho Lý Hồng Chương đàn áp Nghĩa Hoà đoàn [19] . Kể từ đây, mãi mãi và vĩnh viễn, dân Hán thề chấm dứt với Mãn Thanh.

Thất bại canh tân nên Trung Hoa đánh mất độc lập vào tay Nhật Bản. Không canh tân nên vương triều Nguyễn từ vị trí đang cai trị đế quốc Đại Nam, xuống cấp trở thành giả vương của một xứ thuộc địa. Ngày 17 tháng 5-1886, toàn quyền Paul Bert thảo phúc trình ngay tại Huế:

“Chúng ta đã xáo trộn nghi tục của Thiên tử, bắt vua An Nam tuân thủ cung cách của chúng ta, khiến Thiên tử đánh mất khả tín trước thần dân. Ròng rã sáu tháng trời, chúng ta yêu cầu Thiên tử đến chủ toạ các yến tiệc chiêu đãi giống như quân vương An Nam chỉ làm vua trên bàn ăn. Trước cửa cung, chúng ta đặt lính gác và các trạm kiểm soát quân sự. Bên trong cung, chúng ta cho phép các gia đình viên chức Pháp cư ngụ, để nhìn thấu suốt ngai vàng. Trong một thời gian dài, Thiên tử không thể thăm dân mà không xin phép. Rồi đến các hoàng mẫu hậu cao tuổi, mà chức năng sinh thành được kính trọng trong tập quán An Nam, đã không thể đi đâu bằng kiệu mà không có một bàn tay khiếm nhã vạch tấm màn rũ lên xem ai ngồi bên trong. (…) Chúng ta đã lập vì Thiên tử. Quốc vương này đang bị kẻ thù kết án chịu giam lỏng và ở đợ cho chúng ta. Nếu chúng ta muốn hành xử như một kẻ bảo hộ thực sự và dùng Vua như một trung gian giữa chúng ta với dân An Nam, hẳn nhiên là phải trao cho trung gian một quyền thế tối thiểu. Và nếu Vua thiếu quyền thế vì một thói tật nào đó… chính chúng ta, kẻ bảo hộ, phải bảo vệ quyền này, cho những kính trọng tương đẳng. Dù vậy, dường như kể từ ngày 5 tháng 7-1885, trên Bộ đã ban hành, với đầy thoả mãn, những mệnh lệnh theo hướng ngược lại.” [20]

(Toàn quyền Paul Bert, thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Charles de Freycinet, 1886)


Chưa khi nào, kể từ lúc An Thanh hầu Nguyễn Hoàng rời đất Bắc vào trấn thủ Thuận Hoá, rồi cầm gươm đi mở nước, các Chúa Nguyễn phải nhục nhã như vua Đồng Khánh. Vua còn như vậy, dân đốn mạt:

“Cần lao, thông minh, kỹ xảo, đất mầu mỡ, tuy vậy dân An Nam vào năm 1897 nhìn khốn khổ. Run lập cập dưới mưa gió, đưa thân cho mưa quất, dân chúng gần như trần truồng đứng trên mặt lộ, áo tơi không đủ che chắn. Trang phục đóng khố của dân An Nam màu nâu đất tiệp với nước sông. Phụ nữ che đắp cùng một thứ vải. Sự tiệp sắc với màu đất giảm thiểu phần nào vẻ nghèo khổ. Công việc làm ruộng, nhúng dưới bùn đến đầu gối, nhìn khổ cực và dơ bẩn dưới gió bấc (…) Ấn tượng đến xứ Bắc kỳ gây phiền não; bần cùng khắp nơi tuy đất cát phì nhiêu. Mất an ninh trong vùng. Dân An Nam nhìn chúng ta với đầy sợ hãi; giống một con thú đáng thương bị đánh đập, luôn khiếp sợ tánh lỗ mãng của chủ. Dân An Nam không có ánh mắt tự tin và tin tưởng.” [21]

(Toàn quyền Paul Doumer, L’Indochine française, Souvenirs, 1905)


*

Hôm nay, 124 năm sau khi hoàng đế Tự Đức băng hà, dân Việt một lần nữa, đối diện với các tham vọng đế quốc. Từng là đế quốc nên dân tộc này hiểu rõ số phận của các dân tộc bị trị Phù Nam, Chiêm Thành. Dân chúng mong muốn Đảng cầm quyền có một lịch trình canh tân, với một chương trình rõ rệt cho mục đích hiện đại hoá đất nước. Những quyết định hôm nay sẽ quyết định vận mệnh của dân tộc suốt thế kỷ 21. Canh tân, không giản dị xây cất những khu đô thị cao cấp Phú Mỹ Hưng hay Thảo Điền. Canh tân trước hết là canh tân suy nghĩ. Đã đến lúc phải dẹp các biểu ngữ Bảo tồn di sản khi không biết rõ di sản còn gì, mất gì, đã đến lúc quăng bỏ khẩu hiệu Đậm đà bản sắc dân tộc vì nếu bản sắc được cho phép thuần áo dài, đồ gốm, thịt cầy, mắm tôm sẽ không đủ sức canh tân. Đã đến lúc phải thay thế ngôn ngữ Định hướng Xã hội chủ nghĩa bằng quyết tâm Duy tân phú quốc cường binh của Nhật Bản. Dân chúng muốn biết đến khi nào đất nước sẽ có chiến lược dài hạn xây dựng một nền công nghiệp nặng, tự chế tạo được vũ khí, súng đạn? Đến khi nào dân Việt chế được máy bay, đầu máy xe hoả, đúc được tàu sắt? Dân Việt còn muốn biết doanh thu tổng sản lượng quốc gia, viện trợ quốc tế, vay nợ thế giới, tổng số bao nhiêu, đến khi nào trả hết, dùng cho việc gì, thất thoát ra sao, hiệu quả thế nào và ai giám sát?

Đã hai thập niên sau khi Đổi mới mà dân chúng vẫn chưa trông thấy một chương trình canh tân thật sự. Thậm chí không có lấy một bản điều trần của một đại thần đứng trước triều đình yêu cầu canh tân, như trường hợp Nguyễn Trường Tộ. Ở đâu? Chương trình hiện đại hóa và công nghiệp nặng của Việt Nam bây giờ? Đến khi nào chính phủ mới nghĩ đến xây dựng hạm đội Biển Đông với một tân không lực chiến thuật hữu hiệu để bảo vệ lãnh hải của tổ tiên? Đã có ai trong đương kim nội các suy nghĩ Clausewitz: Tất cả mọi cuộc chiến tranh phải được chuẩn bị. Đã có ai học kinh nghiệm của thuỷ sư đô đốc Togo: Hình thành một hạm đội thuỷ chiến mất ít nhất hai mươi năm. Chuẩn bị chiến tranh không nhất thiết chiến tranh. Chuẩn bị chiến tranh để không tụt hậu một khi phải lâm chiến. Chuẩn bị để không bao giờ dân tộc này còn bị ức hiếp. Chuẩn bị để không mất thêm đất đai, biển cả, để hai mươi năm sau, phát ngôn viên Lê Dũng, lên đến hàm bộ trưởng, còn có thể ngồi vào bàn đàm phán cất tiếng nói dõng dạc của một người Việt: “Chính phủ Việt Nam yêu cầu chính phủ Trung Hoa trao trả Hoàng Sa và Trường Sa trong 72 giờ, với tất cả hậu quả của một thoái thác”. Chuẩn bị, giản dị chỉ vì toà án La Haye sẽ bất lực và thế giới không can thiệp vì mối lợi to lớn Trung Quốc. Và an nguy của một dân tộc phải do chính dân tộc đó tự bảo vệ, không thể trông cậy thế giới.

Phát triển kinh tế không đồng nghĩa với canh tân. Trao đổi hàng hoá, lợi nhuận thương mãi, xuất cảng nông hải phẩm là nhu cầu thiết yếu của nhân loại. Phát triển kinh tế là động cơ tối thiểu của một quốc gia. Canh tân mới thực sự là nền tảng giúp duy trì sự phát triển, đem đến khả năng tồn tại, tự thay đổi, tự vực dậy của một quốc gia trong những điều kiện xấu nhất, mà trong điều kiện viên mãn cho phép áp đặt sự hiện diện của quốc gia khi đối mặt kẻ thù. Lịch sử còn chứng minh: Canh tân phải bắt đầu bằng canh tân chính trị. Thiếu cải cách này, cơ chế cũ sẽ khó vận hành song song với phương pháp mới. Không cải tổ chính trị, sẽ không bảo đảm với dân chúng tổ quốc sẽ không như xưa. Dân Việt sẽ đứng sau lưng chính phủ hỗ trợ cho công cuộc duy tân vĩ đại nhất trong lịch sử của dân tộc này. Tất cả chưa quá muộn. Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang là tâm huyết của tuổi trẻ.

Những ngày qua, thanh niên, sinh viên đã hét vang đường phố: Làm người ngang tàng, phải làm một người dân Nam! Những ngày qua, dân tộc này đã muốn hét vang: Hãy ngừng suy nghĩ Mãn Thanh!

Trong ba yếu tố Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà của học thuyết Khổng Tử, hôm nay Thiên thời đang thuộc về Trung Hoa, vì thế kỷ 21 là thế kỷ của Trung Hoa. Địa lợi: một khi người nông dân Việt không thể xuống tấn trên mặt biển, quốc gia này thất thế. Đảng cầm quyền chỉ còn có thể sở hữu duy nhất một điều kiện Nhân hoà.

Ngày 4 tháng 1-2008

© 2008 talawas

[1]Pierre Renouvin & Jean-Baptiste Duroselle, Introduction à l’histoire des relations internationales, nxb Armand Colin, 1964
[2]Paul Doumer, L’Indochine française, Souvenirs, nxb Librairie Vuibert, 1905, tái bản 1930
[3]Marie Antoine Jean Louis de Lanessan, L’Indo-Chine Française, Etude politique, économique, et administrative sur la Cochinchine, le Cambodge, l’Annam et le Tonkin, nxb Ancienne Librairie Germer Baillière et Cie, 1889
[4]Nguyên văn ghi trong bản Pháp văn: "Nhon-Dao, Thanh-Dao, Tien-Dao, Phat-Dao, Kdnong-Thai-Coug"
[5]Paul Bihourd, Carnets de voyage, Imprimerie nationale, 1887
[6]Đại tá Bertrand, "Nhật ký hành quân của tiểu đoàn 3 trung đoàn 1 Tán Binh Marốc" (1er Régiment de Tirailleurs Marocains), Revue Militaire, Jacques Favreau & Nicolas Dufour trích dẫn trong nghiên cứu Nà Sản la victoire oubliée 1952-1953, Base aéroterrestre au Tonkin, nxb Economica, 1999
[7]Eliacin Luro, Le Pays d’Annam, Etude sur l’organisation politique et sociale des Annamites, nxb Leroux,1878
[8]Philippe Devillers, Français et Annamites, Partenaires ou Ennemis? 1856-1902, nxb Editions Denoel, 1998
[9]Pierre Renouvin, La question d’Extrême-Orient 1840-1940, nxb Librairie Hachette, 1947
[10]Paul Doumer, sđd
[11]Tổng vay vốn cho riêng tuyến đường sắt xuyên Việt lên đến 200 triệu quan Pháp, trả hết trong 5 năm từ 1897 đến 1902. Paul Doumer, sđd
[12]Commodore Perry khai hoả thị uy trước vịnh Yédo ngày 8 tháng 7-1853.
[13]Yamato, mang hình ảnh những đồng ruộng và các đỉnh núi phủ tuyết vây quanh đế đô Nara, là danh xưng xưa cũ của vương quốc Nhật Bản tương tự Đại Việt dưới triều Lý, Trần.
[14]Hải quân đại tá Lapierre chỉ huy một hải đoàn của hạm đội Jurien de la Gravière bắn phá cảng Đà Nẵng lần đầu tiên ngày 15 tháng 4-1847. Lần thứ nhì, đô đốc Rigault de Genouilly tấn công Đà Nẵng ngày 1 tháng 9-1858.
[15]Đối Mã (Tsoushima), eo biển nằm giữa Đại Hàn và Nhật Bản, nơi diễn ra trận thuỷ chiến lớn đầu thế kỷ 20 giữa hạm đội Baltique của đô đốc Rojetsvensky và hạm đội Nhật của thuỷ sư đô đốc Togo (Đông Hương Bình).
[16]Pierre Renouvin, sđd
[17]Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, viết trước 1975, đọc và sửa lại ở Long Xuyên rồi Sài Gòn 1983, xuất bản tại hải ngoại
[18]Đàm Tự Đồng, Khang Quảng Nhân (em Khang Hữu Vi), Lưu Quang Đệ, Lâm Húc, Dương Nhuệ, Dương Thâm Tú trong nội các duy tân đều bị hành quyết, Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu trốn thoát. - Nguyễn Hiến Lê, sđd
[19]Phong trào Nghĩa Hoà Đoàn (Yi He Tuan) diễn ra từ 1899 đến 1901.
[20]Paul Isoart, Paul Bert 1886, Approches Asie n° 10, Philippe Devillers, Sđd
[21]Paul Doumer, sđd

Trần Vũ (1962), hiện sống tại Paris. Tác phẩm mới nhất: "Sát Thát", talawas chủ nhật 16.12.2007. Website cá nhân của Trần Vũ: http://tranvu.free.fr/

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài