Nguyễn Bình PhươngTruyện ngắn và tản văn
Về Quái Chuyện bịa tạc Chị em Nhiêu, Quỳnh nọ Quỳnh kia và con mèo tam thể "Bướm đêm" đọc giữa mưa
Nguyễn Bình Phương |
Trong số các nhà văn đang sáng tác sung sức hiện nay, Nguyễn Bình Phương là một cái tên nổi bật. Từ năm 1994, cứ vài năm anh lại cho ra mắt một tác phẩm mới đáng chú ý: Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2001) và Thoạt kỳ thuỷ (2004). Bên cạnh tiểu thuyết, anh còn sáng tác thơ và đã xuất bản các tập Xa thân, Từ chết sang trời biếc và Thơ Nguyễn Bình Phương. Riêng ở truyện ngắn, anh lại chưa được nhiều người biết đến. Lý do có lẽ là vì anh ít công bố tác phẩm.
talawas chủ nhật kỳ này xin giới thiệu bốn truyện ngắn được viết ở các giai đoạn khác nhau của Nguyễn Bình Phương, đồng thời mời bạn đọc thưởng thức tản văn "Về Quái" của anh.
talawas chủ nhật
Nguyễn Bình Phương
"Bướm đêm" đọc giữa mưa
Người đàn ông ấy khoảng ba mươi tuổi, anh ta gõ cửa nhà tôi vào giữa trưa, đúng lúc mưa to và tôi đang lầm bầm rủa rằng tại sao mưa lại qua Ngọ một cách vô lý, thô bạo như thế. Khi tôi mở cửa thì anh ta giật mình bởi tiếng bản lề khô dầu kêu kèn kẹt, nhức nhối. Tôi hỏi rằng anh tìm ai thì người đàn ông ấy bảo nghe nói tôi có thời làm biên kịch nên muốn nhờ tôi góp ý cho vở kịch của anh ta. Tôi nhìn bộ quần áo màu ghi xám nhàu nhĩ với vẻ nhếch nhác, phờ phạc của anh ta, nói anh muốn trú mưa thì trú chứ tôi không có thời gian nghe kịch, tôi cũng sắp phải đi bây giờ. Người đàn ông nín nhịn, ngượng ngập ngồi xuống, thu tập bản thảo ố vàng vào lòng, mặt hướng về cái bóng nhạt nhoà của mình in trên tường nhưng lại nói với tôi rằng tiếng bản lề cửa nhà tôi giống y hệt tiếng kêu của bản lề cửa trong vở kịch của anh ta. Tôi nhắm mắt gật đầu cho qua chuyện, người đàn ông tưởng tôi đồng ý nghe anh ta đọc kịch nên vội vã nói liến thoắng: Kịch của tôi tên là "Bướm đêm", một màn, ba nhân vật, người đàn ông ba mươi tuổi, người đàn bà hai mươi hai tuổi, Oạch bốn mươi nhăm tuổi, tất cả bọn họ mặc áo quần màu lạnh không phân biệt của đàn ông hay của đàn bà, trong suốt thời gian diễn, họ không nhìn nhau mà nhìn vào bóng của mình in trên tường hoặc nhìn vào bóng các đồ vật để đối thoại. Chỉ đến phút cuối cùng các nhân vật mới nhìn thẳng vào mắt nhau anh ạ. Tôi nhếch môi cay nghiệt: Nhìn vào mắt nhau là trò rẻ tiền lắm rồi, khỏi cần đọc, tôi đã ngửi ra mùi kịch của anh. Người đàn ông gầy gò nài nỉ: Đằng nào thì anh cũng phải chờ mưa tạnh mới đi được cơ mà. Tôi thở dài phẩy tay: Được, cậu đọc đi, đọc nhanh lên, hễ cứ tạnh mưa là tôi đi ngay đấy. Người đàn ông khấn khởi giở bản thảo ra và đọc: Chuyện xảy ra ở một căn phòng đại khái như căn phòng này, có cửa sổ, bàn ghế cũ, gãy chân. Người đàn ông và người đàn bà ngồi ở hai đầu giường.
Đàn ông (Nghe người đàn bà ho):
“Từ ngày cô ấy đi, lúc nào tôi cũng nghe thấy tiếng ho. Buồn quá đi mất.”
Đàn bà:
“Hơn một năm rồi mà anh chưa nguôi sao?”
Đàn ông:
“Tôi yêu cô ấy. Tôi chỉ muốn nhìn thấy mình cũng biến đi như cô ấy. Khỉ thật, giá mà thêm được đôi cánh thì hay biết bao.”
Đàn bà:
“Trông kìa, cằm anh chẳng khác gì con nhím ốm.”
Đàn ông:
“Thì thế, dao đâu mà cạo. Chả biết bao giờ cô ấy về nhỉ?”
Đàn bà:
“Anh làm như nó đi chơi hàng xóm không bằng. Con người ta đã chết là hết."
Đàn ông:
"Hết thế nào được. Tôi cần tình yêu của cô ấy."
Đàn bà:
"Lấy em đi, em sẽ yêu anh, sẽ chăm sóc anh không kém gì nó."
Đàn ông:
"Cô ấy là người tuyệt vời."
Đàn bà:
"Anh lúc nào cũng cô ấy, cô ấy. Nói chuyện với anh cứ tức anh ách."
Đàn ông:
"Thì thế. Ngày đầu tiên gặp nhau, tôi lắp bắp tỏ tình, cô ấy cầm một bông hoa trắng trên tay. Trong khi tôi nói những lời thiêng liêng nhất thì cô ấy cúi mặt dứt từng cánh hoa. Dứt chậm dãi, uể oải. Tôi tỏ tình xong cũng là lúc bông hoa trên tay cô ấy chỉ còn lại cái cuống xơ xác."
Đàn bà:
"Nó nhận lời chứ?"
Đàn ông:
"Đương nhiên. Cô ấy bảo sẽ ở với tôi ba năm, đúng ba năm không hơn không kém. Chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc."
Đàn bà:
"Hạnh phúc cái nỗi gì, trông mặt thì biết. Cứ tan nát cả thế kia."
Đàn ông:
"Ừ thì công nhận mặt tôi có hơi tan nát. Cô ấy nấu cơm rồi chờ tôi về cùng ăn. Những ngày ấy chẳng bao giờ quay trở lại nữa." (Tiếng gió, tiếng bước chân, tiếng thở dài thoang thoảng.)
Đàn bà:
"Suỵt, anh nghe thấy không? Một cái gì là lạ... Hình như có người ngoài cửa sổ."
Đàn ông:
"Gió đấy. Cô có đôi giày đẹp nhỉ?"
Đàn bà:
"Hai trăm tư.”
Đàn ông:
"Đắt thế. Xưa tôi có mua cho cô ấy một đôi nhưng không đi vừa. Đôi ấy quả là đẹp, có chiếc nơ hình con bướm."
Đàn bà:
"Anh đã thấy bướm đêm bao giờ chưa?"
Đàn ông:
"Vô khối. Đời tôi toàn gặp bướm. Mấy hôm trước tôi đi vào cái ngõ hẻm, thấy chúng nó túa ra, gớm, toàn môi là môi, con nào con ấy cứ đỏ chon chót cả. Tôi chạy, chúng nó đuổi theo, bu lại hỏi anh có đi tàu nhanh không? Tôi đáp đi về đâu mới được chứ. Lạ thật. Tôi chỉ dạo chơi thôi."
Đàn bà:
"Những con bướm đêm là hồn người đấy."
Đàn ông:
"Nhỡ ra cô ấy về?"
Đàn bà:
"Cũng là bướm chứ sao. Một con bướm nâu có những khoáy đen quái dị."
Đàn ông:
"Khiếp, tôi chỉ chờ cô ấy thôi."
Đàn bà:
"Này, tôi nói cho cái mặt anh biết nhé, nó hơn gì tôi nào. Tôi cũng đẹp, cũng thuỳ mị, nết na như nó. Nó đã chết, đã thành bướm, còn tôi đang sống hôi hổi cạnh anh đây mà anh cứ tảng lờ đi là thế nào."
Đàn ông:
"Thì thế. Những con bướm đêm có khoáy đen. Cửa sổ không cánh nhưng thi thoảng vẫn kêu lên kèn kẹt."
Đàn bà:
"Cần một người thứ ba nữa mới hy vọng qua được cái đêm đông dằng dặc này."
Đàn ông:
"Cô cũng cần phải có một tấm chồng đi chứ."
Đàn bà:
"Chồng ấy à? Người thứ ba ấy à? Được thôi, em không thích kết tóc trăm năm, em chỉ cần một ông chồng hờ để có gì cũng dễ dứt áo ra đi như nó. Anh hình dung xem chồng em sẽ là người thế nào nào?"
Đàn ông:
"Một tay gầy đét, mắt cá chết. Chuẩn chưa?"
Đàn bà:
"Còn mồm?"
Đàn ông:
"Loại lưỡng xà nhập khẩu. Điêu lắm đấy nhá. Thế cô thích tên chồng mình là gì?"
Đàn bà:
"Oạch."
Đàn ông:
"Cái tên này gợi đến âm thanh hơi tục. Thôi thế cũng được."
Đàn bà:
"Đối với em chồng xấu đẹp không quan trọng, miễn là đừng có bẩn thỉu, nghiện ngập là được... (Mơ màng) Anh có nhớ ngày xưa các cụ nhà mình hát thế nào không nhỉ? Bồng bồng cõng chồng đi chơi, đi qua chỗ lội đánh rơi mất chồng." (Oạch vào)
Oạch:
"Tôi đây, tôi đếch khiến ai phải cõng sất. Xin chào cả nhà."
Đàn bà:
"Kìa mình, thiêng quá đi mất, vừa mới nhắc đến xong."
Oạch:
"Tôi là chồng cô?"
Đàn ông:
"Đúng thế anh Oạch ạ. Mời anh ngồi cho đỡ mỏi."
Oạch:
"Các người không thấy cắn rứt lương tâm khi đặt cho tôi cái tên ấy à? Còn lịch sự mời ngồi nữa chứ, rởm quá đi mất."
Đàn bà:
"Vớ va vớ vẩn. Lại nốc cho đẫy ngoài quán rồi chứ gì?"
Oạch:
"Hì, mới nhấp tí ti cho nó mềm môi thôi mà. Tôi á, nói thật, nếu cứ hết mình thì tôi phải đả gục ba cút rượu gạo."
Đàn ông:
"Anh nên đi tắm đi, trông nhớp nháp quá."
Oạch:
"Gì chứ tắm thì tôi thích lắm. Tôi là thằng sạch sẽ, cứ bốn năm tắm một lần, y như hoa Quách tử, bốn năm nở một lần. (Vơ lấy giẻ lau bàn, nhúng vào sô nước rồi kỳ cọ cái bóng in trên tường của mình, vừa kỳ cọ vừa hát, sau đó dừng lại). Xem tôi sạch chưa nào."
Đàn bà:
"Đầu với chả tóc, chả khác gì cú."
Đàn ông:
"Đúng, cú, hồi ở khu văn công Mai Dịch tôi thấy nó đậu trên cây, mắt săm soi sau đó lao vụt xuống con chuột. Chít... chít... chít, cứu tôi với. Thê thảm vô cùng."
Oạch:
"Rởm."
Đàn ông:
"Rởm cái gì?"
Oạch:
"Tôi không biết, hỏi nhà tôi xem."
Đàn bà:
"Anh là thằng chồng tồi, bao giờ anh cũng tìm cách đổ vạ cho tôi."
Oạch:
"Chứ không à? Ví thử cô ấy về đây, ai sẽ bị bóp cổ trước?"
Đàn bà:
"Chắc chắn không phải tôi."
Oạch:
"Thế đứa nào đi học hay nhìn trộm bài của cô ấy? Đứa nào giờ ra chơi lục trộm túi cô ấy để ăn cắp dây buộc tóc? Đứa nào tán tỉnh chồng cô ấy để đến nỗi..."
Đàn bà:
"Phụ nữ chả bao giờ làm gì được nhau đâu."
Oạch:
“Chờ đấy. Nó sẽ bóp cổ cô bằng lưỡi. Lưỡi thè ra, siết lấy cổ. Thế là ằng ặc, ằng ặc.”
Đàn bà:
“Nếu có nó sẽ siết cổ người khác.”
Đàn ông:
"Tôi à?"
Đàn bà:
"Thì còn trượt vào đâu được nữa."
Đàn ông:
"Ba năm ở với nhau, tôi chỉ lỡ tay tát cô ấy có hai cái."
Oạch:
"Khóc là cái chắc."
Đàn ông:
"Đừng có hòng. Cô ấy tát trả."
Oạch:
"Đúng hai cái chứ?"
Đàn ông:
"Hai cái trời giáng."
Đàn bà:
"Đã đời. Đôi khi em cũng thèm vả vào mồm đứa nào đó cho sướng tay."
Oạch:
"Tôi sẽ giáng trả bằng những cú song phi."
Đàn ông:
"Tát đàn bà là cả một nghệ thuật công phu đấy."
Đàn bà:
"Suỵt. Lại có tiếng động. Các anh có nghe thấy không?"
Đàn ông (Đọc thơ):
"Em đã từng thờ ơ hoa trắng. Gió đã từng đến reo."
Đàn bà:
"Có người thật."
Oạch:
"Dạo nhỏ mỗi khi cô giáo đến nhà, tôi lại bị tống ra ngủ ở chuồng trâu."
Đàn bà:
"Nó sắp vào... sắp sửa mở cửa... đấy... đấy." (Gió rít. Cửa sổ kêu kèn kẹt.)
Đàn ông:
"Đêm ấy cửa cũng rít như thế..."
Oạch:
"Đêm nào?"
Đàn ông:
"Đêm cuối cùng chúng tôi ở với nhau. Nhà tôi chỉ có một cửa sổ duy nhất nhìn ra cây thị. Cửa sổ không có cánh nhưng gió chẳng bao giờ vào được. Cô ấy nằm bên trái, chăn đắp ngang cằm. Cô ấy nói với tôi về một cõi nào đó, một cõi đùng đục có những quả chuông, mỗi khi gió thổi, chuông rung lên, chúng không phát ra âm thanh nhưng da thịt cứ tê tê lìm lịm. Ở cõi ấy không có trên dưới, không có suối và mây vì tất cả suối mây hoà vào nhau, ngay cả người cũng không có chân tay mình mẩy, chỉ có mặt không thôi, những khuôn mặt trong sáng, đần độn."
Oạch:
"Giống như những quả trứng gà ngâm trong bình rượu chứ gì?"
Đàn ông:
"Phải."
Oạch:
"Loại ấy uống mới đã."
Đàn bà:
"Anh kể tiếp đi. Rồi sao nữa?"
Đàn ông:
"Cô ấy nói rất nhiều nhưng cuối cùng tôi chỉ nghe thấy hai tiếng "Triền miên". Khoảng chín giờ, đột nhiên bản lề kêu kèn kẹt, kèn kẹt..."
Oạch (Hồi hộp):
"Kèn kẹt, kèn kẹt... và thấp thoáng những cái bóng kỳ dị, bí ẩn."
Đàn bà (Lắp bắp):
"Anh Oạch..."
Đàn ông:
"Tôi cảm giác có kẻ nào đó đang rình rập bên ngoài. Cô ấy nằm im nhưng trong bóng tối lờ mờ tôi thấy đôi mắt cô ấy cứ rực lên, long lanh. Tiếng kèn kẹt kéo dài sau đó im lặng đột ngột. Qua cửa sổ, mặt trăng hiện ra, nó lừng lững, hoang vu..."
Oạch (Hổn hển):
"Hoang vu. Hoang vu và... lành lạnh."
Đàn bà (Sợ hãi):
"Anh Oạch, em van anh."
Đàn ông:
"Trăng mùa đông giống như một oan hồn xa lạ. Cả hai chúng tôi thiếp đi. Tôi mơ. Trong giấc mơ tôi thấy cây thị trút lá. Những chiếc lá rơi thành luồng, hối hả, thốc tháo. Trong luồng rơi ấy tôi thoáng thấy bóng một người đàn bà áo xám gieo mình kèm theo tiếng thở dài ảo não. Lúc rơi người đàn bà ấy dang hai tay hệt như cánh bướm. Tôi nghĩ thế là mùa đông đã ra đi... Gần sáng tôi bị một vật lạnh toát đè lên trán mình."
Oạch:
"Ly kỳ rùng rợn quá nhỉ."
Đàn ông:
"Đấy là một bàn tay. Một bàn tay buồn bã, phân vân. Tôi lật đầu tránh sang bên, bàn tay rơi bộp xuống giường và biến mất."
Oạch:
"Còn cô ta?"
Đàn ông:
"Tỉnh dậy tôi không thấy cô ấy đâu nữa. Chỗ cô ấy nằm in hình một con bướm khổng lồ."
Đàn bà:
"Giời ơi."
Oạch:
"Thế là biến đứt đuôi con nòng nọc rồi."
Đàn ông:
"Tôi lao ra cửa sổ và rùng mình. Thị trấn như một bông hoa trắng đã chết."
Đàn bà:
"Hoa trắng ư? Anh đã bao giờ ngắt hoa trắng chưa?"
Đàn ông:
"Ngắt làm gì. Ngày xưa cô ấy đã từng thờ ơ với loại hoa đó."
Đàn bà:
"Những người đàn bà thờ ơ với hoa thì chả bao giờ ra hồn. Em tha thiết với tất cả mọi thứ vì thế mà em cũng chẳng đến nỗi nào."
Oạch (Bâng quơ):
"Vợ tôi vẩu mơ hồ."
Đàn bà:
"Đồ tồi, đồ ba que xỏ lá."
Oạch:
"Gấu nhỉ."
Đàn ông:
"Cô ấy sẽ về, nhất định sẽ về."
Oạch (Giễu cợt):
"Về nhẹ nhàng xao xác. Tôi cũng yêu cô ấy, không có cô ấy đời tôi tẽn tò như một quả pháo lép giữa ngày cưới."
Đàn bà:
"Giời ơi, hình như nó đang vào. Nó đang vào thật rồi."
Đàn ông:
"Sẽ về... sẽ về. Tôi ôm cô ấy, vuốt ve cô ấy. Tôi sẽ chìa má để cô ấy tát, tát bao nhiêu cũng được."
Oạch:
"Tát càng mạnh càng tốt."
Đàn bà:
"Nó, nó, nó về..." (Gió rít, cửa sổ bật mở)
Đàn ông:
"Về thật rồi."
Oạch:
"Tự nhiên tôi thấy nhạt mồm quá. Rượu gạo."
Đàn ông (Quay lại nắm lấy vai người đàn bà, nhìn thẳng vào mặt):
"Em về đấy à? Trời ơi, bao lâu rồi chúng mình không thấy mặt nhau. Sao em khác thế?"
Oạch:
"Cô ấy là vợ tôi cơ mà."
Đàn ông:
"Nói gì đi em, đừng im lặng thế. Anh biết từ nãy em vẫn ở ngoài kia chờ anh, có phải không?"
Đàn bà:
"Không, không, tôi sẽ nhổ vào mặt nó."
Đàn ông:
"Thế cô là ai?"
Oạch:
"Là vợ tôi."
Đàn bà (Dang hai tay nhìn cái bóng của mình in trên tường như con bướm, thét lên):
"Nó đấy, nó về đấy. Kia kìa... Chạy đi." (Cả ba vùng chạy. Những cái bóng chuyển động loạn xạ. Gió rít mạnh. Sân khấu bay đặc bướm. Âm nhạc diễn tả hồn vào.)
Khi hồn vào thì tôi không thấy người đàn ông đọc kịch đâu nữa, có thể anh ta đã lặng lẽ bỏ đi cùng cơn mưa. Chỗ anh ta vừa ngồi chỉ còn sót lại vài ba mẩu tàn giấy màu xám mỏng đang rời rã, tan nát. Tôi hối hả rời khỏi nhà bởi vì mưa đã tạnh và căn phòng lúc này đã dày đặc những con bướm nâu có khoáy đen quái dị.
Mai Dịch 1993
© 2006 talawas
Các bài liên quan
- Những đứa trẻ chết già (tiểu thuyết)
- Thoạt kỳ thuỷ (tiểu thuyết)
- Khách của trần gian, Tiếng lạ, Khảo dị, Nhẹ (thơ)
- Chân dung khi trống trải (thơ)
- Giá như tiểu thuyết có những bước mạo hiểm (phỏng vấn)
- Một số điểm nổi bật trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương (Nguyễn Thị Ngọc Hân, phê bình)
- Sóng từ trường II (Thuỵ Khuê, phê bình)
- Thoạt kỳ thuỷ trong vùng đất Cạm Cam hoang vu của Nguyễn Bình Phương (Thuỵ Khuê, phê bình)
- Người đàn bà nằm: từ "Thiếu nữ ngủ ngày", đọc "Người đi vắng" của Nguyễn Bình Phương (Đoàn Cầm Thi, phê bình)
Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 tại Thái Nguyên. Học trường cấp ba Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên. Đi bộ đội từ 1985 đến 1989. Tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khoá 4 năm 1991. Từng công tác tại Đoàn Kịch Quân đội và Nhà xuất bản Quân đội. Hiện là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Tác phẩm Những đứa trẻ chết già (tiểu thuyết, 1994), Người đi vắng (tiểu thuyết, 1999), Trí nhớ suy tàn (tiểu thuyết, 2001), Thoạt kỳ thuỷ (tiểu thuyết, 2004), Xa thân (tập thơ), Từ chết sang trời biếc (tập thơ), Thơ Nguyễn Bình Phương (tuyển thơ, 2004).