talawas chủ nhật

 


Văn xuôi :: 09.04.2006
Lynh BacardiTre rừng
Nguyen Danh Bang
Lynh Bacardi

Ngay sau những tác phẩm thơ gây dư luận trong thời gian qua, Lynh Bacardi cho ra mắt truyện ngắn "Con bé bịt mắt", báo hiệu một ngòi bút văn xuôi sẽ còn khiến nhiều người chú ý. Với tác phẩm mới nhất, truyện ngắn "Tre rừng", trên talawas chủ nhật tuần này, nhà văn Lynh Bacardi đã có thể cạnh tranh mạnh mẽ với nhà thơ Lynh Bacardi. Xin giới thiệu cùng độc giả.
talawas chủ nhật

"Lynh tạo ra được một nhân vật nữ vừa đĩ thõa vừa ngây thơ khiến người đọc quyến luyến, muốn tìm hiểu nhân vật, không khí sống sượng xen kẽ với không khí buồn bã bảng lảng. Cô viết truyện giống vẽ tranh Cực thực Dã thú, “Hyper réaliste à l’état brut” (rất khác với trường phái Cực tiểu, “Minimalisme”, mà cô đã chọn đi theo trong truyện "Con bé bịt mắt"). Thế giới của Lynh là một thế giới hỗn mang của xã hội Việt Nam bây giờ. Nhân vật nữ sống bất cần đời, nhưng lại vô cùng tình cảm. Giống Ðỗ Hoàng Diệu, Lynh Bacardi có khả năng đặc biệt đánh đồng tác giả với nhân vật, đánh đồng nhân vật với thân phận con người và đánh đồng con người với tình trạng đất nước."
Trần Vũ

Lynh Bacardi

Tre rừng

 

Máu đâu, sao không có miếng máu nào hết vậy?

Anh nói gì?

Quang chẳng trả lời. Hắn vừa lật mông tôi lên, cặp mắt vừa rảo liên tục tìm kiếm gì đó trên tờ báo lót bên dưới. Như chưa nhìn thấy thứ hắn muốn tìm, Quang lại túm lấy hai chân tôi giở hẫng lên ngó lom lom vào trong. Tôi chợt thấy hắn như một bà mẹ nhanh nhẹn, đảm đang đang thao tác việc thay tã cho đứa con yêu dấu, nhưng đây quả là một bà mẹ thô thiển, bởi hai bàn tay cứng như gọng kềm làm cổ chân tôi đau, tôi gồng người chịu đựng cho đến khi hắn thả bịch đôi chân thô của tôi xuống chiếu. Ánh mắt khinh bỉ của hắn không nhìn tôi, mà nhìn ra cánh cửa bằng ván ép mốc meo của dãy phòng trọ lợp tôn nóng hổi. Lẽ ra tôi đã chẳng thuê căn phòng này, nếu tôi có tiền thuê căn phòng cuối cùng của dãy. Ðó là căn phòng được xây gần những cây xoài to lớn của bà chủ nhà, cách khu vườn đó khoảng mười mấy mét còn có cái hồ nuôi cá cảnh kiểu cọ. Vì thế nó mát hơn các căn phòng khác, và vì thế, nó không hợp với túi tiền buồn bã của tôi. Quang nói tôi cứ thuê đi, nhưng tôi biết hắn nói thế không có nghĩa là hắn sẽ trả số tiền đó giùm tôi, hoặc dù chỉ một phần nhỏ của số tiền. Vài hôm sau, tôi đành đứng nhìn hai người đàn bà trẻ đến sở hữu căn phòng đắt đỏ. Họ khiêng tới một chiếc ti vi khá lớn và một chiếc xe đỏ chót như màu tiết heo.

Vậy là sao?

Quang không nhìn ra cánh cửa nữa, mà giật lấy tờ báo dưới mông tôi ra vò nát rồi vất xuống đất, chỗ nồi cơm tôi và hắn ăn trước lúc làm tình còn chưa dọn. Tờ báo bị vo tròn như một quả bóng rúm ró, lăn vòng qua nồi cơm rồi dừng lại chỗ dĩa cá hấp sốt cà còn trơ xương. Nó mềm dần ra bởi thấm phải chỗ nước sốt sền sệt trên sàn xi-măng, do lúc nãy tôi bị Quang hôn vào cổ kích thích nên lúng túng làm đổ. Thật ra đó không phải là chỗ dễ kích thích tôi, tôi nói vậy chỉ vì tôi muốn làm hắn thích, chứ tôi thích được hôn vào nách hơn. Tôi nghĩ, cái nhồn nhột dưới làn da mỏng nhạy cảm đó sẽ khiến tôi rợn người và dễ nằm dài ra như một con cá sặc khô mất hết mọi khả năng chống đỡ. Nhưng nói gì thì nói, dù sao tôi cũng muốn cho hắn được thư giãn, và cũng do tôi muốn tự giải thoát sự khốn khổ của chính mình sau hai mươi mấy năm từ một bé gái trở thành thiếu nữ.

Ðúng vậy, nó làm tôi khốn khổ, bởi phải gìn giữ nó trong những cái quần lót rẻ tiền. Tôi vẫn khoái chí, tự hào lắng nghe những giọt máu rỉ ra dưới đáy, thích ngửi cái mùi nồng tanh của huyết trắng thường tiết ra trước khi những kỳ kinh nguyệt đến gần. Nhưng những cảm giác đó không giúp tôi giải toả sự bực bội chính mình, nhất là mỗi khi Quang chạm tay vào nó. Tôi đã để hắn sờ nắn bầu vú, cũng như xoa vuốt cái thân thể không lấy gì làm thon thả này, nhưng tôi ý thức được rằng, hắn không được xâm phạm vào chỗ đó, đó là bí mật, quyển nhật ký bé bỏng của tôi. Ý thức này được bảo toàn suốt một năm qua, có lẽ nhờ Quang không khám phá ra hai hốc nách nhạy cảm của tôi. Tôi không dám nói chắc mình vẫn sẽ kiên cường, nếu một ngày nào hắn bất ngờ nghĩ ra điều đó.

Vậy rồi sau cả năm trời níu giữ, cái ý thức đó lại không ngừng dằn vặt tôi, không ngừng làm tôi mệt mỏi. Nhiều buổi trưa nóng hập, tôi nắm lấy sự cương cứng của Quang mà ngạc nhiên đến tột độ, ngạc nhiên như khi tôi mười bốn tuổi, đứng trước tủ bánh ngọt của một cửa tiệm bánh lớn trong thành phố mà tự hỏi vì sao lại có một món bánh bông lan nhìn ngon mắt đến vậy. Và rồi tôi đã quay đi, giống như tôi đã nhiều lần buông sự cương cứng đó ra, với ý nghĩ rằng biết đâu nhìn vậy nhưng chả ngon như mình tưởng, rồi tôi lại quay nhìn, lại nắm lấy, lại dợm bước, lại buông ra.

Thật ra lúc chờ Quang đến ăn cơm, đúng hơn là lúc làm thức ăn, tôi đã nghĩ đến chuyện giải quyết cái ý thức khốn khổ này. Dẫu điều này làm tôi liên tưởng đến cha mẹ, đến thân phận, đến các mấu chốt ruột rà khác do tôi tưởng tượng, nhưng cuối cùng sự quả quyết của tôi cũng thắng. Trong suốt bữa ăn, tôi không ngừng nhìn lén xuống đũng quần Quang, chỗ gồ lên như một chiếc bánh. Tôi tưởng tượng nếu bóc lớp vải kaki kia ra, có khi sẽ có vài hạt nho khô ứa chất đường trên đó. Tôi đã lúng lúng đến nỗi ăn hết sạch một con cá rưỡi, thay vì ăn đúng phần của mình là một con. Dĩ nhiên những cái nhìn lén lút của tôi không qua được mắt Quang, hắn chẳng trách tôi đã ăn lố phần của hắn, điều đó có nghĩa tôi đã xén nửa phần tiền hùn của hắn trong bữa cơm, thay vì vậy, hắn còn mỉm cười khi thấy tôi nhấp nhổm đứng lên ra vào toilet liên tục.

Ðiều này thật tức cười, bởi tôi phát hiện mình tự dưng thèm hắn như thèm một chiếc bánh bông lan, miệng tôi ứa nước dãi liên tục khi nghĩ đến cái bánh, còn âm đạo thì ứa nước nhờn liên tục trong lúc tôi vừa nhai cơm vừa nhìn vào đũng quần hắn. Cho đến khi hắn buông đũa, và cái miệng nồng mùi cá hấp của hắn quặp vào cổ tôi như một con diều hâu xực con gà nhỏ. Trong lúc tôi còn chưa kịp nghĩ đến việc có nên rên rỉ hay không, vì những tiếng động ở phòng bên này có thể khiến phòng bên kia nghe thấy thì hắn đã bế sốc tôi lên giường. Hắn để tôi nằm đó, rồi lom khom ngó xuống gầm giường tìm kiếm. Vài giây sau, hắn lôi ra một tập báo mà tôi đã xin ở các phòng trọ bên cạnh để dành nhóm lửa, hắn lật lật, cuối cùng tìm một trang có ít chữ in nhất, trải rộng ra lót dưới mông tôi. Tôi cảm động bởi kiểu ân cần của hắn, tôi nghĩ, có lẽ hắn sợ những cái dăm ở cái phản gỗ trồi lên khỏi lớp chiếu đâm vào bộ mông trần lốm đốm sẹo của tôi.

Vậy là sao?

Quang lặp lại, trong lúc mặc quần áo.

Em có biết gì đâu! Tôi trả lời.

Quang vừa nịt lưng quần vừa nói lạnh lùng. Người của cô mà cô không biết thì ai biết?

Thật tình là em không biết, nhưng vì sao anh lại cần máu? Ngày chín tới này em mới có máu mà.

Quang đã mặc xong quần áo, hắn quay nhìn tôi như nhìn một con quái vật, miệng hắn méo xệch dài giọng ra chế giễu, Cô làm như không biết gì vậy!

Biết gì? Tôi tròn mắt.

Mẹ cô không nói cho cô biết sao?

Nhưng nói về chuyện gì mới được? Tôi vừa ngạc nhiên vừa cảnh giác khi Quang nhắc đến mẹ.

Sao cô ngu thế, mẹ cô chẳng lẽ cũng ngu như cô sao? Bả không cho cô biết gì về trinh tiết hết hả? Hay bả cũng đã mất mẹ trinh khi ngủ với ba cô?

*

Sau này tôi mới hiểu mình đúng là chẳng biết gì. Phải có chút máu hồng rịn ra khi làm tình lần đầu mới là còn con gái, vậy mà tôi chả có giọt máu nào. Cũng vậy, lẽ ra tôi phải sớm nhận ra định mệnh của mình, khi tiếng khóc khác thường của Thành cất lên ở cái trạm xá thiếu thốn ở thị xã Bãng Kiềng. Cái thị xã có những vườn điều và mãng cầu rộng trải dài trên những vùng đất đỏ nhấp nhô gò đống. Thành chào đời khi mùa điều đến, mùi điều thơm ngát cộng với mùi hôi hám của cái trạm xá khiến tôi xây xẩm.

Tôi ngồi đợi mẹ đẻ trên dãy ghế gỗ kê sát bức tường mốc xỉn, hai tay để lên đùi nghiêm cẩn. Những gã đàn ông đang hò nhau kéo ván để dựng một căn nhà mới gần đó, mình mẩy họ trần trục, đen bóng và lang ben nham nhở. Tiếng kéo hò của họ trộn với tiếng gào thét của mẹ nghe thật lạ tai, một âm thanh hỗn độn. Nó giống bản nhạc trong cái máy cát-sét của nhà ông Sáng, người ta gọi đó là nhạc Ráp. Tôi vừa tưởng tượng đứa em sắp tới của mình, vừa lắng nghe đoạn nhạc Ráp sống kỳ dị.

Mẹ đau rất lâu, vì bẵng đi một hồi tôi chỉ còn nghe mỗi tiếng gào của mẹ. Tiếng kéo hò của những người thợ đã tắt hẳn, họ đang say sưa chụm vào những lon cơm như đang tận hưởng thời khắc quí giá trên thiên đàng, nhưng thỉnh thoảng vẫn có vài ánh mắt quay nhìn về hướng trạm xá. Tôi biết giấc ngủ trưa của họ đang có nguy cơ bị phá hỏng. Tôi cũng chẳng biết có nên gọi đó là cái cửa không, vì đó chỉ là một cái lỗ lớn tròn tròn, khoét một cách vụng về như cửa chuồng bồ câu và không có miếng ván nào che đậy, nhưng qua đó, tôi thấy mặt mẹ giống màu của những trái điều rụng non dưới gốc. Mẹ đang hấp hối. Da mặt mẹ chuyển màu vàng hơn rồi xám xanh, rồi nhợt nhạt khi nhận ra đôi mắt Thành chỉ là hai màng thịt, chúng lõm sâu vào trong, trắng bệch như hai cái lõi tai heo luộc chín. Mẹ nhe răng ra, tôi chẳng biết mẹ cười hay nhăn nhó, rồi đôi tay mẹ thõng xuống mềm oặt trong khi các bà y tá ốm đói còn cuống cuồng chạy tìm dụng cụ. Tôi vẫn ngồi yên trên ghế, ngửi thấy mùi một không khí khẩn trương, nhìn những bước chân họ in trên nền đất đỏ âm ẩm của trạm xá, lắng nghe tiếng những đốt xương của họ va vào nhau lạch cạch. Những âm thanh đó cứ động đậy trong đầu tôi cho đến khi đưa Thành về nhà, và về sau chúng vẫn còn lẩn quẩn ẩn hiện mỗi khi tôi nhìn vào hai hốc mắt rỗng của Thành.

Chúng tôi sống với nhau ở khu đất của người dân tộc, đó là khu đất mà một ai đó trong dòng họ tôi đã khai hoang được. Tôi nghĩ vậy vì từ khi tôi ra đời đến nay, chẳng có một cán bộ rỗi hơi nào đến quấy nhiễu. Chúng tôi cũng ở nhà sàn như những người dân tộc, nuôi gà dưới sàn và ngửi mùi phân của chúng như họ. Có mẹ cũng vậy, mà không có cũng vậy, tôi nghiệm ra điều đó khi bắt đầu địu Thành trên lưng đi mót mãng cầu. Dĩ nhiên tôi cũng nhớ mẹ, tôi nghĩ ngày xưa chắc bà cũng phải địu tôi trên lưng như vậy trong lúc kiếm ăn mà chẳng cần có người đàn ông nào giúp đỡ. Mà thật ra mẹ có cần cũng chẳng ai đến, bởi chính tôi mà còn nhận thấy mẹ xấu đau đớn, xấu đến nỗi chưa bao giờ, và chắc chẳng bao giờ tôi ôm nổi gương mặt mẹ để hôn lên đó, nói chi đến mấy gã đàn ông sùng đạo hay giả đò lần hạt nhưng thỉnh thoảng liếc gái mới lớn trong lúc hành lễ ở nhà thờ. Tôi chẳng quan tâm ai là cha mình, tôi thấy kỳ khi nghĩ đến lúc gặp ông ấy. Không tức cười sao khi tôi nhìn mặt người đàn ông đó, và tưởng tượng ông có thể hôn lên đôi môi sứt của mẹ. Chạm lưỡi vào hàm răng vàng xỉn. Vuốt ve thân thể đen đúa đến mốc meo. Và tệ hơn nữa, tôi chẳng thể tưởng tượng được sự can đảm của ông ấy khi đến gần mẹ mà không nín thở bởi mùi chua lè do những thùng hèm ám dính, như ăn sâu lên quần áo, lên da thịt. Cái nghề hôi thúi, và nghèo kiết luôn đi kèm với những chiếc thùng dơ dáy mốc meo chẳng biết mẹ học được từ hồi nào.

Dẫu sao tôi cũng vui, khi một ngày nọ nhận ra bụng mẹ cứ to dần, còn bọn dân tộc cứ tụm năm tụm bảy cười khúc khích mỗi khi mẹ đi ngang. Tôi đã tỏ ra mình rất được việc khi phụ mẹ xách nước, nấu cơm, cho gà ăn và hốt phân ươm vườn rau thơm nhỏ xíu cạnh nhà. Tôi cảm thấy vui lạ khi ngày sinh của mẹ đến gần, mẹ cũng vậy, hay nhìn tôi nhe răng cười trơ trẽn.

Tôi đi khắp xóm tìm vải thừa để làm tã cho em bé, ai cũng khen, “Mày còn nhỏ mà giỏi ghê, mà em mày là con ai vậy?”. Tôi chỉ vào góc nhà hỏi, “Tấm vải kia cô còn xài nữa không cho cháu luôn đi?”. Rồi không đợi họ trả lời, tôi đứng dậy. Dường như để tạ lỗi với Chúa vì vừa nhận ra điều gì không ổn trong câu hỏi của mình, người ta sẽ chạy theo đưa cho tôi tấm vải trong góc nhà và hỏi, “Ðặt tên em bé là gì vậy?”. “Thành”, tôi nói.

Có vẻ như tôi biết chắc mình sẽ đặt tên cho Thành chứ không phải mẹ, cái tên cứ bật ra chẳng cần biết Thành sẽ là trai hay gái - như một tiếng thốt bực bội mà tôi muốn mắng trả câu hỏi tọc mạch của thiên hạ. Dầu sao, cái tên cũng đẹp mà.

Thành cũng đẹp. Thành rờ rẫm đi loay quanh nhà trông rất năng động khi tôi bắt đầu biết mặc quần lót. Tôi biết nghĩ đến tương lai và biết mệt mỏi, thất vọng với những buổi tẻ bắp thuê tại nhà. Lẽ ra tôi có thể kiếm khá hơn, nhưng Thành không thể ở nhà một mình. Tôi nhận ra điều đó rất sớm, khi Thành đã gần năm tuổi mà chẳng chịu gọi “Chị”. Rồi tôi cũng nhận ra điều kế tiếp cũng chẳng trễ nải gì, khi tôi kể cho Thành nghe truyện Cô bé quàng khăn đỏ và hỏi Thành cô bé đó quàng khăn màu xanh hay màu đỏ, nếu màu xanh thì hãy ôm lấy cổ tôi và chỉ vào mũi, còn nếu màu đỏ thì chỉ vào môi. Thành đã bảy tuổi rồi, vậy mà Thành lại ôm lấy cổ tôi và chỉ ngón tay vào mũi. Những kiểu thử khác sau đó cũng cho cùng một kết quả.

Nhưng nhờ trời, bù lại, Thành có một tấm thân mạnh khoẻ, ít bệnh nên tôi chẳng tốn tiền thuốc thang gì. Tôi quyết định lên thành phố với hi vọng sẽ tìm được hàng may gia công để vừa làm vừa ở nhà trông chừng Thành, mà trên đó chắc người ta sẽ trả tiền cho công nhân cao hơn ở đây. Tôi cố bán miếng đất và mấy con gà, nhưng gà thì người ta mua ngay vì tôi bán rẻ, còn đất thì chả ai buồn đụng đến. Tôi biết có cố cũng chẳng được gì, mà tôi cũng biết chỉ cần rời khỏi lãnh thổ của mình vài giờ, thì thiên hạ chắc chắn sẽ giành nhau toé máu để sở hữu nó.

*

Thằng bồ mày đến tìm kìa!

Tiếng bà đầu bếp gọi, tôi giật mình quay ngó ra đường. Quang đang ngồi trên chiếc xe Cúp 50, hắn nhìn tôi với vẻ mặt còn giận dỗi. Sau buổi hôm đó, đã hơn một tuần Quang chẳng thèm ghé đến phòng trọ của tôi. Tôi đã định chuyển đi nơi khác ở, vì cái nóng bắt đầu làm tôi bị nổi mẩn sau giấc ngủ trưa, hơn nữa, tôi nghĩ Quang cũng chẳng còn muốn đến ngủ trưa với tôi.

Em về phòng trọ ngay bây giờ có việc cần.

Nhưng em còn bận khách!

Khách nào cũng không quan trọng bằng việc này, nếu bị bà chủ đuổi, anh sẽ kiếm cho em việc khác.

Dĩ nhiên tôi cần Quang hơn bà chủ quán, vì Quang có nhiều công việc lương thiện để giới thiệu cho tôi. Tôi không biết mình đặc biệt chỗ nào, vì theo lời bà chủ thì Quang có rất nhiều gái. Tôi đã luôn chống cự Quang khi hắn muốn chuyện kia, vậy mà hắn vẫn kiên trì đeo bám. Tôi không đẹp, tôi tự biết điều đó. Tôi chỉ nghĩ về mẹ mỗi lần nhìn mặt mình trong gương, có lẽ đó là phần liên kết duy nhất giữa tôi và mẹ. Nhưng đương nhiên tôi chẳng giống mẹ đến mồn một, vì nếu vậy Quang đã lặn mất. Tôi lại nghĩ chẳng lẽ hắn yêu tôi vì tôi biết gìn giữ? Nếu vậy thì thiệt ngộ, vì hắn đâu biết tôi khốn khổ biết chừng nào với sự gìn giữ đó. Tôi cần hắn, vì có hắn tôi sẽ chẳng gặp rắc rối với mớ giấy tờ tuỳ thân mà xin vào làm ở bất cứ nơi nào người ta cũng đòi hỏi. Tôi chưa từng thấy mặt mũi giấy tuỳ thân ra sao, họ nói đó là tấm giấy có dán ảnh tôi trên đó, nhưng mà thật tệ, vì tôi chưa bao giờ chụp ảnh. Họ đòi giấy khai sinh nhiều nhất, tôi trả lời làm sao tôi biết khai cái gì. Vậy rồi họ buông bút, căng mắt nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi khép cuốn sổ lại không ghi chép gì nữa.

Tôi nhận ra Quang mới chính là giấy tờ tuỳ thân của tôi, lúc nhìn thấy cái gật đầu nhanh nhẹn của những người chủ sau khi hắn nói dăm câu với họ. Còn tôi chỉ việc chăm chỉ làm lụng chờ đến tháng lấy lương. Hắn có thể bảo đảm với họ sự lương thiện của tôi, hay của bất cứ con người nào khác bên cạnh hắn. Tôi cho đó là một quyền lực, và thật tiếc là quyền lực đó lại nằm trong tay một gã đã có vợ. Quang thú nhận với tôi như vậy, khi buổi trưa nằm trên giường ôm tôi, hắn luôn kể về vợ như một vị cứu tinh của đời hắn. Hắn nói vợ hắn coi bói rất hay, và bà ấy kiếm tiền khá bộn bằng nghề đó.

Vậy vợ anh có bói ra anh có bồ nhí không?

Tất nhiên rồi, bà ấy còn tả em chẳng sót chi tiết nào, nhưng ai thì không được, còn với em bà ấy chẳng nỡ lòng ngăn cản.

Thật ra hôm nay tôi tính đưa Thành ra cánh đồng cách chỗ Thành ở khoảng một cây số để đi dạo, căn phòng nhỏ hẹp nằm heo hút ở vùng ven thành phố chắc chắn khiến Thành bức bối. Không như ở quê, ở đây Thành không thể đi khắp xóm, chui vào hết nhà này đến nhà kia mặc cho người ta rủa xả. Hoặc ngồi bẹp xuống đất hàng giờ bên tụi con nít bắn bi, hay ngả lưng xuống ngủ bất cứ chỗ nào, kể cả ngủ chung với con heo nái trong cái chuồng sạch như giường ngủ của nhà ông Quế Sạch. Những lúc Thành đi chơi như vậy, tôi cứ tiếp tục với việc tẻ bắp của mình mà chẳng phải lo lắng, vì Thành sẽ được người ta đưa về tận nhà để khỏi bị quấy nhiễu.

Tôi dự định khi lên thành phố, sẽ kiếm tiền và thuê một người trông giữ Thành, nhưng ngay lập tức, tôi nhận ra mình thật ngây thơ vì số lương đôi khi chẳng đủ trả tiền phòng. Mọi tính toán trước kia đều lỡ dở, tôi đã đổi ý ngay lập tức khi gặp Quang. Tôi không thể để hắn thấy Thành tàn tật như vậy, trong khi tôi cũng đang xấc bấc xang bang. Hắn sẽ ngán ngay khi nhận ra hắn phải gánh đến hai gánh nặng. Tôi sắp xếp cho Thành nhanh chóng. Tôi cột chân Thành vào thành giường, nói với Thành khi đói cứ việc đến nồi cơm lấy ăn, nước thì có sẵn ngay bên cạnh. Thành cười hiền lành ngờ nghệch, gương mặt đẹp sáng lên như muốn nói điều gì. Tôi tiếc là Thành không có mắt, nếu không Thành sẽ làm nhiều cô mê, và tôi sẽ sớm có em dâu.

Tôi đã làm mọi việc của một người mẹ, ơn Chúa, vì tôi nhận biết Thành đến tuổi dậy thì, cũng như biết đi mua quần lót cho Thành là nhờ những tháng tôi ngủ trưa với Quang. Ít nhiều tôi cũng hỏi han hắn về kinh nghiệm tuổi mới lớn của bản thân hắn. Mới đầu Thành chẳng chịu mặc, vì cái quần bó sát khiến Thành dễ bị ngứa, mà Thành lại chẳng thể tắm cho đến khi tôi về. Bây giờ thì khác rồi, tôi đã nới sợi dây dài ra một chút, xách sẵn nước để trong buồng, dạy Thành lần đường vào chỗ tắm, tôi còn dạy Thành tự tắm một mình, tự mặc quần áo và giơ tay chào khi nghe tiếng tôi.

Thành đã làm tốt những gì tôi dặn một cách thành thục, tôi chỉ việc về nhà, mở khoá vào mỗi buổi tối và tháo dây thừng ra ôm Thành vào lòng ngủ. Theo thói quen, tôi thường lần vài chục kinh kính mừng và cầu xin Chúa kiếm đủ tiền mua một căn nhà nhỏ. Ðôi khi hai hốc mắt của Thành làm tôi hoảng sợ khi nửa đêm tỉnh giấc, chúng cứ như nhìn chằm chặp một cách giận dữ lên trần nhà. Những lúc đó, tôi thường nhổm dậy uống nước, rồi lấy cái khăn phủ ngang lên chúng, rồi lại ôm đầu Thành tự dỗ lại giấc. Trước khi ngủ, tôi thường hát khe khẽ và xoa tóc Thành. Thường thì Thành luôn ngủ rất mau, nhưng hôm trước Thành chẳng ngủ, mà cựa quậy suốt đêm, cho đến khi tôi mất kiên nhẫn ngủ thiếp đi. Tôi đã tính đưa Thành ra ngoài vào tối hôm sau, nhưng quán đông khách nên phải dọn dẹp rửa ráy đến khuya lắc. Sáng nay thì tôi rất cương quyết sẽ đưa Thành đi dạo, vì tối hôm qua Thành vẫn không ngủ. Tôi chắc rằng Thành đang gặp rắc rối, có lẽ do tôi để Thành trong phòng quá lâu, nên mọi bộ phận trên người Thành dường như tê cứng. Tôi sẽ tìm mua thuốc thoa bóp cơ bắp và một ít kẹo ngọt để sẵn trên đĩa cho Thành, nhưng tôi cũng biết duy có một sự căng cứng trên cơ thể Thành là chẳng có bánh kẹo nào làm dịu nổi. Tôi thấy vui.

Quang đến làm hỏng mọi dự định của tôi, dường như tôi luôn thay đổi quyết định khi Quang xuất hiện. Hắn đưa tôi về phòng trọ, nhìn căn phòng, tôi lại tiếc số tiền mình đã bỏ ra để thuê mỗi tháng, chỉ để nấu nướng cho Quang và ngủ với hắn vào mỗi buổi trưa. Lẽ ra với số tiền thuê hai nơi như vậy, tôi có thể thuê một căn rộng hơn để tôi và Thành cùng được thoải mái. Tôi không muốn cột chân Thành, để Thành ăn cơm nguội hoặc thức chờ tiếng tôi lục đục mở khoá cửa mỗi đêm. Tôi muốn nói với Quang sự thật, nhưng hắn có vẻ chẳng muốn nghe. Hắn đi đến giường, cởi quần áo, ngồi xuống, ngoắc tôi đến gần.

Em không muốn lần nữa. Tôi cố tình dùng chân đẩy cho cánh cửa phòng hé ra, ánh nắng gắt rọi vào làm căn phòng thêm nóng nẩy. Quang vội vã kéo tấm mền che cái bánh bông lan của hắn lại. Hành động này khiến tôi thấy dễ chịu hơn là kiểu tênh huênh vừa rồi của hắn.

Em tầm bậy! Quang nói vẻ đùa cợt.

Em nói thật, em không muốn nữa!

Vậy là sao? Một lần, hai lần hay ba lần cũng vậy thôi, cũng xong rồi còn gì mà ngại nữa.

Em không ngại, nhưng em không thích. Tôi cố giữ giọng nghiêm nghị.

Lại đây, đừng có giỡn dai! Quang vừa nói vừa sấn đến kéo tay tôi, đồng thời khép cánh cửa phòng lại.

Tôi ngồi xuống giường, trong khi Quang tỏ ra bình tĩnh mặc lại quần lót, rồi thứ tự đến quần dài và áo sơ mi.

Vậy em tính khi nào đưa anh về nhà cha mẹ? Quang dịu giọng.

Anh có vợ rồi làm sao em giới thiệu với họ được?! Tôi vừa nói vừa suy nghĩ.

Chẳng phải em từng nói rằng cha mẹ em không ngại chuyện này đó sao?

Em từng nói như vậy, nhưng còn hàng xóm nữa chứ!

Hàng xóm thì liên quan cái mẹ gì? Cha mẹ đồng ý là tốt rồi. Anh hứa sẽ làm đám cưới đàng hoàng, chả có thằng cha con mẹ nào đến quấy gia đình em hết.

Chuyện này từ từ bàn đi anh, để em báo cho họ biết trước đã chứ!

Từ từ gì, quen nhau cả năm rồi còn gì, đã ăn nằm rồi còn gì?

Dù sao thì em cũng bỏ nhà đi mà, em còn chưa biết cha mẹ có tha thứ không, huống hồ lo làm đám cưới và mua nhà chia đất cho mình! Ðể em về quê dò la tình hình trước đã.

*

Vậy là đúng như tôi đoán, quả thật cái bánh bông lan không ngon như tôi tưởng. Tôi vừa ngồi nhai cái bánh mà tôi đã thèm nhỏ dãi trước kia, vừa nghĩ đến Quang. Tôi đã rời khỏi hắn. Tôi tính nói với hắn về những điều tôi đã tưởng tượng trước khi đi, nhưng vẻ đồng bóng gần đây của hắn khiến tôi lo ngại. Có vẻ hắn đã lây kiểu đồng bóng đó của bà vợ bói toán. Hắn ẻo lả và kể cho tôi nghe hàng chục lần những câu chuyện về tóc và răng, những thứ nằm trong trái trứng gà mà vợ hắn ngẫu nhiên lấy ra từ bọng đái của khách hàng. Dẫu sao tôi cũng tội cho Quang, hắn đã theo tôi cả năm trời, bảo đảm cho tôi chỗ làm với mức lương khá hơn gấp đôi hồi tôi mới lên thành phố, vậy mà tôi chỉ trả ơn cho hắn bằng những câu chuyện cổ tích phong phú. Hắn cũng chưa bao giờ cưỡng bức tôi làm chuyện kia, trừ khi tôi tự nộp mạng cho hắn như hôm trước. Những giấc ngủ trưa của hắn thì đến rất dễ dàng, như thể tôi chỉ có công dụng là một cái gối ôm êm ái. Hắn muốn tôi về quê, nhưng tôi có quê đâu để về. Hắn muốn ra mắt cha mẹ tôi, nhưng mẹ tôi đã ngủm từ hồi nào, huống gì là cha. Tôi cũng biết hắn muốn kiếm chút gia sản đất đai tưởng tượng của cha mẹ tưởng tượng của tôi, thật tội cho hắn.

Tôi nhét tấm giấy gói bánh xuống khe cống, quẹt vụn bánh dính trên miệng và duỗi đôi chân ra cho đỡ mỏi. Những con muỗi vo ve trên đầu như cười cợt kiểu đi hoang của tôi tối nay. Mặc kệ, tôi co lưng lại nghĩ đến công việc nặng nhọc mới. Chẳng lẽ người ta khởi đầu bằng sự hôi thúi, thì luôn phải kết thúc bằng sự hôi thúi. Thật đáng chán, nhưng có lẽ trường hợp của tôi là đúng. Sự hôi thúi từ những thùng hèm của mẹ và sự hôi thúi của những sân cá khô nồng nặc tanh. Công việc của tôi là phơi cá và hốt cá dồn vào bao mỗi ngày, và cứ thế cho đến khi phần cá đó khô thì lại tiếp tục với đám cá ẩm ướt mới. Ở đây người ta không cần tôi trưng ra giấy tờ tuỳ thân, vì họ chẳng giao cho tôi thứ tài sản gì trừ chiếc cào bảy chĩa và cái sân phơi cá bằng xi-măng. Tôi nhận thấy ngay sự trả giá cho hành động đã rời khỏi Quang. Tôi lại tính nghĩ về hắn, nhưng tiếng vo ve mỗi lúc một tăng dần khiến tôi phải đứng dậy.

Ðêm nay tôi có một hi vọng, dù hơi quái đản. Tôi quyết định ra khỏi phòng trọ mới của tôi và Thành, để lang thang đâu đó cho hết đêm. Có thể giờ này Oanh, cô nàng bán ve chai đang ôm ấp Thành, hoặc có thể Thành đang rất vui sướng vì được Oanh nắm lấy đôi tay chắc nịt. Oanh đến nhà tôi chơi mỗi tuần hai lần, cô ấy làm tôi đỡ bận rộn hơn với Thành. Tôi nhận ra Thành ít ú ớ hơn, giấc ngủ an lành hơn và thông minh hơn từ khi có cô ấy. Những vết hằn do dây thừng để lại trên cổ chân Thành cũng nhạt dần, nhìn vào đó tôi thấy mình nhẹ nhõm. Tôi mua gạo để buổi trưa Oanh về nấu cho cả hai cùng được ăn nóng. Chất giọng miền Trung mềm mại của Oanh khiến tôi không còn sốt ruột cho Thành, mỗi khi phải ở lại để chất cá vô kho. Tôi chẳng cần biết cô ấy là ai, ở đâu ra, tôi mong Thành khôn đột xuất tối nay, và đè cô ấy ra như cướp lấy một viên kẹo thần kỳ, để làm dịu sự căng cứng luôn xuất hiện mỗi đêm trên cơ thể, để Thành lại ngủ yên bình khi được tôi vuốt tóc như trước kia.

Ðây là khu công viên dành cho tình nhân thì phải, bởi tôi bắt đầu nhận ra mình vô duyên khi đi một mình giữa hai hàng người đang âu yếm nhau. Tiếng hát ri rỉ của một chiếc máy nghe nhạc mini nào đó vang đến tai tôi, khiến cơn buồn ngủ càng dâng lên dữ dội. Tôi muốn ngủ, dang tay dang chân ra mà ngủ, chảy dãi chảy ke lờ đờ nghềnh nghệch ra mà ngủ. Tôi nghĩ đến công việc sẽ bắt đầu vào sáng sớm ngày mai, và họ chẳng bao giờ cho công nhân nghỉ trưa. Không cần quan tâm đến những con mắt khó chịu nữa, tôi nằm dài ra trên nền cỏ ẩm sương, dưới ánh đèn đường sáng rực như mặt trời buổi sáng. Tôi thấy Quang thấy Thành thấy mẹ thấy Oanh rồi chợp mắt, những hình ảnh dần nhoè ra, tan mất như họ đang nắm tay nhau đi vào một hang động cõi thần tiên.

Vài giây sau, tôi thấy từ trong hang động một con chó nhỏ đi ra lững thững. Tôi dễ dàng nhận ra nó là chó cái vì cái trôn của nó nở to như lòng bàn tay em bé. Ðó là loại trôn của con cái khi mùa động tình đến gần, giống như lũ heo nái ở quê vậy. Tôi bỏ cái trôn đó qua một bên, để quan sát con chó đực cũng đang từ cái hang đó đi ra, nó thè chiếc lưỡi dài thở hồng hộc, đôi mắt buồn bã chẳng rời con chó cái. Cũng vậy, cái lõ lòi ra lủng lẳng, đỏ hỏn của con này khiến tôi nhận ra nó là đực. Ði gần đến chỗ tôi nằm, con đực chựng nằm dài ra như một gã cu li vừa xong việc. Tôi đang định quan sát bộ lông của nó màu gì, thì bất ngờ con cái quay người lại, nó phóng đến, quặp hai chân vào hông con đực, liên tục hẩy cái thân thể nồng mùi thèm khát của nó vào thân sau con đực. Sức đẩy của con cái khiến con đực khuỵ ngay xuống như một cái bong bóng xì hơi. Nhìn cái trôn của con cái đang dồn dập rộng mở ngay trước mắt, tôi chợt nhớ tới Oanh, giật mình, tỉnh dậy và đi về nhà khi trời chưa sáng hẳn.

Trong phòng đầy ắp tiếng cười khúc khích, thật kỳ cục, lẽ ra họ phải biết kềm chế chút ít vì đây là khu vực khá đông dân. Tôi chần chừ không dám đến gần cửa, có khi sẽ khiến Oanh mắc cỡ. Nhưng tiếng cười mỗi lúc mỗi lắng dần, nhường lại là tiếng rên rỉ mỗi tăng lên, nhiều âm điệu, nhiều cung bậc và chỉ trong vài giây tiếp theo, tôi chẳng thể tin Oanh lại có thể rên rỉ một cách đa dạng, phong phú đến vậy.

*

Lẽ ra tôi không nên đi đến quán cũ để lấy nốt số tiền công, số tiền mà tôi đã quyết định bỏ khi không muốn dính dáng gì đến Quang nữa. Nhưng tôi cần số tiền đó để dọn nhà đến chỗ khác. Trong khi tôi chờ bà chủ đếm lên đếm xuống mớ tiền lẻ, Quang xuất hiện trước cửa quán như thể tôi với hắn đã hẹn sẵn.

Ê, trốn khá đó chứ! Hắn đưa tôi vào sau quán hất hàm hỏi.

Tôi im lặng.

Tao biết hết rồi, mày với thằng em tâm thần làm trò gì với nhau thế? Hết đưa nhau đến nơi này lại đến nơi khác hả?

Tôi giật mình - nhưng vẫn im lặng.

Nói đi, cha mẹ mày đâu? Nhà cửa khá giả của mày đâu? Con đĩ!

Tim tôi đập mạnh.

Mày không nói được chứ gì, mày lừa ông đến đó là đủ rồi chứ gì?

Mẹ kiếp, lãng phí thời gian với mày lâu quá. Tưởng chẳng kiếm chác được cái này thì cũng còn cái kia, vậy mà mày chả có gì kể cả cái lồn cũng lủng nốt!

Lẽ ra tôi cũng không nên mở cánh cửa đó, như vậy tôi sẽ không phải nhìn thấy Thành ngồi thu mình trong góc phòng cười ngờ nghệch, trước mấy đứa trai gái đang trần như nhộng, lổn nhổn cưỡi lên nhau. Tôi cười ngờ nghệch như Thành, khi nhận ra trong đám đó có cơ thể Oanh, nó đang rung lên từng chặp đều đặn với tiếng rên rỉ nho nhỏ, nghe như tiếng mèo con mới đẻ còn tham bú.

Những ngày kế đó, Thành không ăn cơm, chỉ ngóng ra cửa ú ớ. Thành lại tiếp tục ngủ một cách khổ sở, còn tôi vuốt tóc Thành đến mỏi nhừ cả tay.

Hôm trước trong lúc cào cho đống cá trải rộng ra, tôi nghĩ đến việc nên tìm cho Thành một loại thuốc nào đó, có thể nó sẽ giúp giấc ngủ của Thành yên ả hơn. Tôi vào tiệm thuốc tây, nói cần được ngủ, họ đưa cho những viên thuốc be bé màu trắng tinh. Những viên thuốc hiệu nghiệm ngay lập tức. Mỗi ngày Thành được uống một viên và ngủ đến trưa trờ trật mới dậy. Tôi mong mình cũng được ngủ sâu như vậy, nhưng tôi cần kiếm tiền cho xong tháng này để chuyển nhà, mùi vị của Oanh dường như vẫn còn vương vấn trong từng ngõ ngách.

*

Quang chẳng buông cho tôi về, hắn tức tối khi thấy tôi vẫn im lặng.

Mày nói cho tao biết đi con kia, sao mày lừa tao?

Bây giờ tao bỏ qua hết những chuyện tầm phào mày nói với tao về cha mẹ mày, nhưng mày phải cho tao biết thằng nào đã phá trinh mày trước?

Dĩ nhiên tôi vẫn chẳng nói gì, vả lại có biết gì đâu mà nói.

Quang đạp mạnh cái ghế gần nơi hắn đứng, làm nó văng vào đống ly tách dơ đang chất trong thau. Tiếng loảng xoảng khiến bà chủ quán giật mình chạy vào, nhưng bà chỉ dám đứng ở cạnh cửa nhìn vào đống hỗn độn với vẻ tiếc của, ánh mắt lơ láo nhìn tôi đang co rúm như một con sâu róm tội nghiệp, rồi bà rút êm ra ngoài. Quang chẳng quan tâm đến sự xuất hiện vừa rồi của bà, hắn tiếp tục gào lên, dùng hai tay lay mạnh tôi như người chủ sân đang tra vấn bọn trẻ ăn cắp cá.

Trả lời tao đi chứ, tại sao mày không trả lời tao, hả?

Ðến lúc này tôi nghĩ mình cần phải nói điều gì đó, tuy vẫn chưa biết nên nói gì dù chỉ để cho hắn ngậm miệng lại. Nhưng tôi chỉ vừa thốt được chữ “em...”, thì hắn đã là một con cóc hung tợn nhảy phóc vào miệng tôi.

Nói đi chứ, nói đi, hả? Hay mày lại bán cho gia đình mày rồi?!

...

Ðúng rồi phải không? Mẹ kiếp, tao đoán chín mươi phần trăm là đúng mà. Con gái ở xứ này xưa nay có đứa nào ngại bán trinh để báo hiếu đâu. Ðịt mẹ chữ hiếu!

*

Thì ra trinh tiết mới thật là một quyền lực, một vinh quang. Vậy mà trước đây tôi không hiểu. Tiếc là Quang đoán trật lất, vì tôi làm gì có gia đình mà bán trinh để báo hiếu. Nhưng Quang đã cho tôi hiểu chẳng những trinh tiết mang đến vinh quang cho gia đình, mà nó còn có thể đem vinh quang đến cho Quang, nếu Quang ngủ với tôi hôm đó, và máu trinh của tôi thấm vào tờ báo, thì hắn sẽ đem về cho bà vợ làm phép để làm ăn phát đạt như hắn và bà đã dự định một năm qua. Hắn không dám cưỡng bức tôi vì sợ sự giằng co sẽ làm những giọt máu quí giá rơi rớt mất. Hắn thất vọng về tôi cũng đúng, vì tôi là người thứ bảy hắn hi vọng xin chút máu trinh, vậy mà cả bảy đều hư tuốt. Tôi biết hắn khổ lắm, vì sự gìn giữ của tôi lâu nay càng khiến hắn tin đã chọn đúng người, và trinh tiết của tôi sẽ không phải là hàng giả như hắn đã từng xui xẻo bị lừa trước đó. Dù sao tôi vẫn thấy Quang là một kẻ kiên trì, cả một năm trời dính chặt bên tôi chỉ để được chứng kiến một sự nguyên vẹn bị phá vỡ.

Quang ẩn hiện trong đầu tôi như một người thầy của những kiến thức căn bản đầu tiên, nhưng tôi vẫn cố chịu cái mùi tanh xộc vào mũi như chỉa nhói lên óc, và chiếc cào bảy chĩa vẫn phải cào lia lịa để kiếm tiền chuyển nhà, dẫu sao hình ảnh của Quang sẽ phai dần trong trí tôi, cũng như những viên thuốc màu trắng tinh cứ vơi dần trong những chiếc lọ. Thành vẫn trằn trọc, trông ngóng ra cửa và lại căng cứng.

*

Chúng tôi chuyển đến một vùng thật xa thành phố. Ở đây dân cư còn thưa thớt, đất lại rộng, tôi thuê hẳn một căn nhà lá đủ thoải mái để sinh sống, giá lại vừa túi tiền. Tôi mang về trồng, chăm bón một bụi tre rừng, nhìn nó lớn và để xác quyết nơi đây là chốn dung thân cuối cùng của Thành và tôi. Tôi lại còn kiếm được một chân hái nhãn, nếu chưa đến mùa nhãn, tôi vẫn được thuê hái những loại trái khác. Ðây là công việc quen thuộc của tôi, vì thế tôi làm nhanh nhẹn, khéo léo và được lòng những người chủ.

Hôm nay tôi không làm ráng nữa, sau khi xong việc, tôi chạy ngay về nhà để xem Thành ra sao. Hôm trước Thành đã làm tôi hết hồn khi về và nhận ra căn nhà trống hoác, một đầu sợi dây thừng bị lưa tưa nham nhở. Lúc đó tôi biết có hỏi ai cũng vậy, vì chẳng có ai rỗi hơi vào giờ đó để ngồi nhìn ra đường, mặc dù đang buổi trưa, nhưng tất cả họ đều đang nhễ nhại trong vườn hoặc úp mặt xuống ruộng cho kịp mùa thu hoạch. Suối là nơi tôi nghĩ ra đầu tiên, vừa chạy đến đó gai ốc tôi vừa rợn từng chặp. Tôi đã nghĩ chẳng lẽ đây đúng là chốn dung thân cuối cùng, tôi tin mình đã dại dột khi cầu xin điều đó. Nhưng không, con suối duy nhất trong vùng và những rặng tre rừng quanh nó vẫn lặng lẽ hiện diện ở đó như mọi ngày, không có dấu hiệu gì cho thấy vừa có sự xáo trộn. Trời mờ dần, tôi ngơ ngác, uể oải như một con chó vừa phạm tội với chủ. Tôi đã mừng theo cách của một thể xác sắp thối rữa tìm lại được linh hồn khi nhìn thấy Thành. Chẳng biết làm sao mà Thành lại có thể leo lên ngồi vắt vẻo, chênh vênh trên cây xoài lớn cách chỗ chúng tôi ở đến vài cây số. Thành đưa tay hái liên tục nào trái, nào cành, nào lá gần tầm tay. Tôi thấy mủ xoài nhểu lên đầu lên mặt lên áo Thành, nhìn Thành nhem nhuốc như một cây nến trên bàn cúng bị lấm tàn nhang. Tôi đưa Thành về, không, chính xác hơn là tôi đưa một con thú vừa săn được, một con thú hiền lành ngơ ngẩn trước những mũi tên. Thành ngả lưng xuống giường cũng như một thân cây đổ. Suốt buổi tối đó và sáng ra, tôi đã không nhìn vào hốc mắt Thành trong lúc quấn nhiều vòng và gút thật chắc sợi dây thừng vào chân Thành.

Hôm sau nữa mới làm tôi thật sự lo lắng. Thành đang ngồi thõng chân trên giường khi tôi trở về. Hai tay không ngừng vỗ vào nhau, những tiếng “bộp, bộp” phát ra cùng lúc với nhớt dãi trong miệng Thành chảy nhễu xuống cổ áo. Trong lúc còn đang ngạc nhiên vì chẳng thấy sợi dây thừng ở thành giường cũng như trên cổ chân Thành, tôi chợt nhớ thì ra Thành đang chơi trò trốn tìm mà trước kia Oanh đã dạy. Oanh sẽ chạy đến chỗ xa nào đó, và đứng đó vỗ tay chầm chậm, từng cái một. Thành sẽ lắng nghe tiếng vỗ, và chỉ vào đúng hướng mà Oanh đang đứng. Tôi chẳng biết Thành có biết tôi về không, mà vẫn ngồi đung đưa chân và vỗ tay đều đặn. Hôm đó tôi đã tránh trò chuyện với Thành, vì sợi dây tuột ra mà Thành không bỏ đi đã là điều may mắn cho tôi. Tôi đưa Thành đi tắm, vừa kỳ cọ cho Thành, tôi vừa ngạc nhiên vì vẫn chẳng tìm thấy sợi dây đâu, trong các xó, gầm giường hay cả xung quanh nhà cũng vậy.

Vậy đó, trước mắt tôi bây giờ, Thành đang ngồi đó, nhai sợi dây mà tôi vừa nói tới, nó đã thất lạc mấy ngày qua. Sợi dây dài đến vài mét giờ chỉ còn lại một đoạn ngắn ngủn. Tôi đi chậm đến moi những vụn dây trong miệng Thành, lấy đoạn dây ra khỏi tay Thành. Tôi đóng cửa lại, tháo sợi dây thừng mới mua ở cổ chân Thành ra. Trời đổ khuya, tôi vừa nhìn Thành trở mình liên tục trên tấm chiếu bạc màu, vừa tiếp tục lần hạt và nghĩ về đoạn dây thừng đang tiêu hoá khó khăn trong dạ dầy của Thành.

Cũng khuya đó, tôi quyết định tìm cách học nói giọng miền Trung.

*

Những chiếc răng của Thành trắng tinh, đều đặn thật khác xa với mẹ, tôi hiểu chỉ có mình tôi mới biết thưởng thức chúng. Thành cười nụ cười lừng ngát mùi điều, khi nghe tôi nói Oanh sẽ về với Thành vào mỗi tối. Tôi không chần chừ, đem thảy tất cả những lọ thuốc xuống cái giếng hoang của bà Chín vườn mận. Ðêm nay Thành lại chìm vào giấc ngủ say như một đứa trẻ được bú đủ, hai hốc mắt dường như bớt sâu hơn, nhìn không còn giống hai cái lõi tai heo luộc. Tôi không còn sợ chúng khi nửa đêm giật mình tỉnh giấc, cũng như không còn nghe tiếng lạch cạch phát ra từ các đốt xương của mấy bà y tá ở cái trạm xá mốc meo dội về. Hai hốc mắt đó không còn hướng chằm chặp lên trần nhà, dường như chúng cũng chìm vào giấc ngủ an lành khi nghe tôi hát bằng giọng miền Trung chệch choạc. Tôi nghĩ đến mặt trời ngày mai, tôi sẽ đi làm thêm giờ để góp tiền mua một chỗ ở ổn định. Có lẽ tôi sẽ không còn thời gian để làm một người chị thân thiết của Thành, và không thể cùng Thành tắm ánh mặt trời như trước kia nữa. Nhưng chắc chắn tôi sẽ là một cô Oanh dịu dàng đáng yêu, Thành sẽ tin như thể đêm hôm đó đã chưa từng xảy ra. Tôi sẽ ngắm trăng rồi tả cho Thành nghe, cùng ấp vào nhau khi đêm xuống, khi bụi tre rừng mọc cao lên và mặt trời sẽ xuống khuất sau nó. Bóng của nó sẽ phủ xuống như một bức màn dịu dàng đến an toàn, vậy rồi chắc đời sống không còn xấc bấc xang bang.

Trở mình, tôi mặc lại quần lót, ngón tay lại chạm phải chất nước nhờn nhợt. Ðêm nay cũng vẫn như vậy, vẫn một chất đậm đặc màu hồng máu tươm ra sau khi tôi ngủ với Thành. Tôi giơ tay soi lên ánh đèn, Quang sẽ sung sướng và ngạc nhiên biết bao nếu điều kì dị này xảy ra với hắn - mà tôi cũng tin chắc rằng hắn sẽ rất hoang mang, vì chẳng hiểu nổi màng trinh của tôi vì đâu mà có nhiều đến vậy.

Tháng 3. 2006

© 2006 talawas

Lynh Bacardi tên thật là Phạm Thị Thuỳ Linh, sinh ngày 03-04-1981, hiện sống tại Sài Gòn.

Tác phẩm Ðăng ở những website và các tạp chí như: Tiền Vệ, Tạp chí Thơ, Văn, Văn học Nghệ thuật liên mạng, Hợp Lưu và một số báo giấy trong nước.
Góp mặt trong tập thơ Khoan cắt bê tông, Nhà xuất bản Giấy Vụn, in photocopy, 2005 và tập thơ Dự báo phi thời tiết của 5 tác giả nữ (nhóm Ngựa Trời), Nhà xuất bản Hội Nhà văn, bị đình chỉ phát hành.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài