Nhà văn Đỗ Phước Tiến |
Nên có thông điệp, nhưng thông điệp phải mới, chân thành, không dạy đời
(Tác giả Đỗ Phước Tiến trả lời phỏng vấn của talawas chủ nhật)
talawas chủ nhật: Cũng giống như "Đảo của dân ngụ cư", truyện ngắn "Nước thánh" của anh có những chi tiết rất ám ảnh về cuộc sống của dân lao động. Việc giết mổ súc vật, làm sạch lòng ruột trâu bò..., những sinh hoạt đời thường của các nhân vật luôn diễn ra trong những không gian chật chội, tù túng, bị nén chặt... Anh có thể nói gì về những chi tiết rất đặc trưng này? Có thể hiểu đó như là những ẩn dụ được chăng? Ẩn dụ về điều gì?
Đỗ Phước Tiến: Những nhân vật của tôi chủ yếu là người lao động chân tay. Tôi nghĩ mình có thể viết những câu chuyện về tầng lớp này được, không gượng ép lắm vì đó là thế giới của tôi, ít ra là tôi cũng đã sống hơi lâu lâu trong đó. Tôi đã từng thử đóng vai một họa sĩ, thất bại thảm hại. Còn ám ảnh thì đương nhiên rồi, người lao động trí óc có kiểu ám ảnh khác, và người không lao động cũng không chắc là không có ám ảnh.
Không chỉ trong “Đảo của dân ngụ cư” hoặc “Nước thánh” mà trong những truyện ngắn khác, các nhân vật của tôi đều luôn luôn xoay trở trong một khoảng không chật chội (dùng từ nén chặt là rất chính xác). Tôi không nghĩ điều đó chứa được một ẩn dụ. Không chắc, và tôi cũng không định làm như vậy. Đơn giản đó là ý thích và cách mà tôi nhận biết cuộc sống chung quanh. Hãy thử nhìn chung quanh cuộc đời mình đi: lớp học, bạn bè, miếng ăn, việc làm, đồng nghiệp, vợ con, nhà cửa… May mắn hơn thì có những lần đi chơi, bồ bịch, bù khú, sòng bài, những cuộc gặp gỡ mới, những cảm xúc mới… Rồi xui xẻo hơn thì nghèo đói kiệt quệ, bịnh tật, thất bại, ở tù, chui vô hòm khi đời còn đang phơi phới. Quanh đi quẩn lại chừng đó thôi. Thêm những nhánh rễ từ mục này thì có chạy cho xa cho lâu mấy đi nữa cuối cùng vẫn cứ gom về một mục khác trong chừng đó mục. Có thể đối với người khác như vậy là nhiều, còn với tôi là ít. Tại sao chừng đó mà còn nói là ít thì chịu, tôi không thể giải thích thêm được. Nó tuỳ thuộc vào cách đánh giá của mỗi người. Và nhân đây xin hỏi luôn, đời thường là cái gì? Tôi không thấy có sự khác nhau giữa việc một chính trị gia thích họp hành và cạo râu. Trong phòng họp hay trong toa-lét đều chật chội, tù túng như nhau, vấn đề là ông ta có thể hiện đúng bản chất con người mình ở hai nơi đó không. Tôi nghĩ là đúng, vì đó là những việc ông ta thích, thường xuyên làm. Vậy thì phân biệt thường hoặc không thường để làm gì?
Tôi cũng có tham vọng tạo ra một sự khác biệt. Trong một không gian/thế giới chật chội, trì đọng, bức bách, ở một mức độ nào đó có thể còn là những không gian trống (không có ngôn ngữ, quan hệ, hình thái xã hội), tôi sẽ dễ dàng giới thiệu phẩm chất và nỗi lòng của các nhân vật. Hãy thử tưởng tượng xem: bạn đang bị bồ đá, lại bị nhốt trong một cái thùng phuy. Có sự cô độc nào đáng được thưởng thức hơn nữa không? Ờ, cho đó là ẩn dụ cũng được, nhưng xin nhắc lại là tôi không định làm như vậy. Ẩn dụ mà như vậy thì thường quá, uổng bao nhiêu thời giờ vàng ngọc của bạn đọc. Tôi muốn tạo một sự khác biệt vì văn chương muốn như vậy.
talawas chủ nhật: Trở lại truyện ngắn “Nước thánh”. Có thể nhận thấy rõ ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, nhất là trong những chi tiết: những cơn mưa và những mùa hè dài lê thê. Thậm chí người ta có thể nhận thấy một số cấu trúc câu của G. García Marquez (qua bản dịch của Nguyễn Trung Đức) trong truyện của anh. Xin cho biết lý do?
Đỗ Phước Tiến: Chẳng có lý do gì cả. Cho nên tôi hiểu đây có thể là một câu hỏi khiêu khích, hỏi một mà muốn biết hai. Trong những trường hợp này, thường phản ứng của tôi là: nói vậy không sợ xúc phạm ông García Marquez sao? Tôi hâm mộ García Marquez và tôi cũng như những bạn đọc không biết tiếng Tây Ban Nha khác, đã biết ơn cố dịch giả Nguyễn Trung Đức. Nhưng mà tôi cũng hâm mộ rất nhiều nhà văn khác nữa. “Đảo của dân ngụ cư” từng có 3 người nhận xét là giống Gorki, sau đó cả 3 người này đã phải ân hận. Tôi dám cá chủ nghĩa hiện thực huyền ảo không phải là của riêng ông García Marquez. Chẳng qua ông ta viết quá ngon cho nên ai muốn thử liền bị chụp mũ. Ngày hôm nay tôi được thông báo là trong truyện của mình có một số cấu trúc câu của García Marquez, mai mốt lại được thông báo có cấu trúc câu của một nhà văn khác trong danh sách hâm mộ của tôi, sang năm lại một nhà văn khác, tới cuối đời lại một nhà văn khác nữa. Tôi không tin mình có nhiều tài năng như vậy. Tôi viết rất khổ và theo tôi thì trong cái cuộc đời đầy những nghi ngờ này, cảm giác mạnh mẽ và ngây ngất nhất của hạnh phúc chỉ xảy ra trong lúc đang sáng tác, nghĩa là trong lúc đang viết ra từng chữ một. Viết xong rồi là hết, quay lại chẻ củi nấu cơm thì cũng hạnh phúc, nhưng không mạnh mẽ và ngây ngất bằng. Tôi nghĩ ông García Marquez dù có là thần tượng đi chăng nữa, vẫn chưa có đủ tư cách tước đoạt hạnh phúc của tôi đâu.
50 năm nữa, một chú bé nào đó bị gán cho là đã có cái không gian chật chội, tù túng của Đỗ Phước Tiến trong bài tập làm văn của nó, chắc nó sẽ nổi giận. Bởi vì hoặc là nó, hoặc là tôi bị xúc phạm.
talawas chủ nhật: Anh có bao giờ cho rằng một truyện ngắn, ngoài việc nó càng hấp dẫn càng tốt, vẫn cần/vẫn nên có một "thông điệp" nào đấy không? Nếu có, anh có thể nói ra với bạn đọc không? Cụ thể, thông điệp của “Nước thánh” là gì? (Vì thú thực, chúng tôi không hiểu đoạn kết của truyện.)
Đỗ Phước Tiến: Nên có thông điệp, không phải một mà càng nhiều càng tốt, nhưng với điều kiện thông điệp đó phải mới, phải chân thành, đừng có mà dạy đời. Tự giới hạn trong những điều kiện đó là tôi muốn bày tỏ sự kính trọng của mình đối với thời giờ vàng ngọc của bạn đọc. Liệu trong một đời viết, một người với sức sáng tạo bền bỉ như García Marquez có thể đưa ra được mấy thông điệp? Tôi không chắc là nhiều. Cho nên giải pháp dễ chịu nhất là hãy viết ra một câu chuyện đọc được, hay hoặc hấp dẫn thì tốt quá, rồi nếu vẫn còn sức thì hãy đổ vào đó một đống thông điệp theo cái cách mà bạn tin là mỗi người đọc sẽ nhận biết nó theo cách của họ. Còn nếu đã kiệt sức, thôi làm gì cho mệt thêm. Bản thân một câu chuyện hay đã chứa được rất nhiều thông điệp rồi. Nếu gặp may, bạn sẽ được một độc giả nào đó, trong khi bình phẩm đã miễn phí cho một thông điệp “nhân văn, tất yếu, muôn thuở” mà mức độ uyên bác của nó chưa chắc trong lúc viết cái truyện đó bạn đã nghĩ tới. Còn xui xẻo thì có gì phải nói nữa.
“Nước thánh” là câu chuyện về một gia đình gồm những người có dấu hiệu mất thăng bằng trong đời sống tinh thần (có thể chẳng mất thăng bằng chút nào, tuỳ quan điểm bạn đọc). Nghề kiếm sống của họ có thể bất thường hoặc không bất thường, tuỳ. Vấn đề là từng người trong gia đình đó, trừ ông già, đã rất độc lập, không chờ đợi vào sự chia sẻ hay một cái gì đại loại như vậy từ phía những thành viên khác (một thông điệp). Cùng sống với nhau trong một nhà nhưng mỗi người, kể cả 7 người vắng mặt vì ra nước ngoài, tự tìm kiếm và tự cung cấp cho mình một hạnh phúc/nguồn sống riêng và cố gắng giữ gìn điều đó cho riêng mình, mặc dù toàn là những điều nhỏ mọn trong cái thế giới nhỏ bé của họ (một thông điệp nữa). Ông già là một đối tượng khác, muốn sống bằng sự thắng lợi của người khác (hay khoe về 7 người con ở nước ngoài) và cho mình có quyền can thiệp vào đời sống người khác (tới quậy nhà người tình của anh con trai). Đổ bịnh vì một đời lao lực nuôi con vẫn chưa đủ, ông già tiếp tục bị chính con trai mình tấn công, đời là thế (lại một thông điệp nữa). Với cái kết của “Nước thánh”, cách hiểu nhanh nhất là: anh con trai với thói quen thủ dâm, cần phải có một bộ lòng ruột để tạo cảm hứng, vì anh ta hình thành thói quen dễ thương đó trong lúc đang súc rửa lòng ruột. Hành sự xong anh ta vứt bộ lòng đó vào hầm nước (trước đó dùng làm nơi súc rửa lòng ruột trâu bò) là một hành động bản năng và thông qua đó trả đũa ông già: từ cái hầm này ông nuôi 7 đứa con đầy tự hào của ông đó, bây giờ mấy người đó, cũng như tôi thôi, có quái gì trả ơn ông ngoài một đống lòng ruột ngâm nước? Mà thứ này cần gì ra nước ngoài mới có (lại một thông điệp nữa). Tất nhiên trong một cuộc trả đũa nào mà không có người bị vạ lây. Ở đây là cô gái.
Nước làm cho lòng ruột có mùi như lúc mới lấy từ trong bụng con trâu ra (người ta thích vậy), nước làm dịu thân thể của người mẹ sau những giờ phút “yêu” chồng và bị chồng “yêu”, nước làm cho cô gái nhẹ nhõm hơn trong cuộc sống cô độc, và nước là sạch nhất. Gọi là nước thánh thì đâu có gì quá lời đâu? (Một thông điệp nữa? - cũng được.)
Làm ơn nhớ giùm đây là một trong những gợi ý của tôi, với tư cách là tác giả. Tôi ghét phải giải thích. Viết văn là một cách giải thích mình đang nghĩ gì trong đầu một cách lịch sự, đàng hoàng nhất. Vậy mà lại phải giải thích tiếp cái mình đã viết ra. Cho nên hãy quên cái gợi ý ngớ ngẩn vừa rồi, quên luôn mấy cái thông điệp dở hơi đó và… tiếp tục đọc lại "Nước thánh" đi, nếu như bạn muốn tìm kiếm những điều khác nữa trong đó. Còn nếu như đã đọc đi đọc lại mấy lần rồi mà vẫn không hiểu được, có nghĩa là tôi đã viết ra một thứ còn tệ hơn ngớ ngẩn, tệ hơn dở hơi? Vậy té ra với "Nước thánh" tôi đã thất bại rồi sao?
"Nước thánh" là cái tôi nung nấu rất lâu trước khi viết ra. Một truyện ngắn thôi, nhưng nó thể hiện chính xác nhất những gì tôi đã tạo lập được cho cuộc đời văn chương của mình ở thời điểm này. "Đảo của dân ngụ cư" là một phần đời tôi từng sống, có thể thành công nhưng đó là quá khứ. Có thể là tôi sẽ thất bại, hoặc cả cuộc đời tôi vốn đã là một thất bại, nhưng riêng ở thời điểm này thì chưa, hoặc ít ra là cũng phải lóe lên một chút nào đó trong một chuỗi thất bại.
talawas chủ nhật: Xin cảm ơn anh Đỗ Phước Tiến đã dành cho talawas chủ nhật cuộc trò chuyện này.
Đỗ Phước Tiến
Nước thánh
Kiếp này chắc làm máng xối suốt đời. Trong lúc tháo một đoạn của cái máng xối ra khỏi cái móc, cô thường tự nhủ như vậy, có khi còn lẩm bẩm trong miệng về ý nghĩa của điều đó mỗi khi bắt đầu đứng vào chỗ cạnh hầm chứa nước. Thường thì những trận mưa đã già lắm rồi mỗi khi cô tháo một đoạn máng xối ra, và lắp thân thể của mình vào đó. Lần nào cũng vậy, nước lạnh ngắt khiến cô giật mình, sau đó là cảm giác râm ran một nửa người từ vai xuống. Nhanh lên, nhanh nữa đi. Cảm giác râm ran qua đi rất nhanh và như thường lệ, cô liên tục lẩm bẩm hối thúc dòng nước đang chảy trong máng xối. Cơn râm ran được nối lại từng đợt, cho tới khi nào trận mưa tàn đi, nước trong máng xối chỉ còn một vệt nhỏ ngắt quãng. Đôi khi cơn râm ran kéo dài làm cô bủn rủn chân tay, phải ngồi thụp lên nắp hầm, tim lặng ngắt vì rơi vào một trạng thái không trọng lượng quá lâu. Điều đó thường xảy ra trong những trận mưa đầu mùa, sau những ngày hè lê thê. Và đôi khi cô còn bị ngắt cơn đột ngột bởi tiếng kêu thất thanh của ông già, vào những lúc cái lưỡi của ông bắt đầu đòi thuốc. Những lúc như vậy, với thân thể ướt đẫm, cô vừa lẩm bẩm vừa lắp lại đoạn máng xối. Sau đó cô thay quần áo khô cho dù trận mưa vẫn chưa tàn, cố ý chậm chạp trong tiếng kêu ai oán của ông già. Cơn râm ran lại tiếp nối ở những trận mưa sau, càng trở nên khổ sở nếu chỉ là một trận mưa nhỏ lướt qua mái ngói nóng rực. Và cảm giác của cô gần như lúc nào cũng tinh khôi bởi sự chờ đợi. Hầm chứa không bao giờ đầy nước kể cả khi mùa mưa dài đã lịm đi bên kia mái ngói, bởi vì cô chưa bao giờ chán, kể cả những lúc làm việc đó nhiều lần trong ngày.
Nhưng kiếp này cô không thể làm máng xối suốt đời. Trò chơi kết thúc vào một ngày mà tiếng kêu cất lên cũng thất thanh, nhưng không phải của ông già mà là của cô, khi mà cơn râm ran còn chưa kịp tới.
Không hề ngọt, còn hơi cứng nữa, cô nghĩ, nhưng nước mưa thật là sạch. Cô rất ghét cái gì không sạch, nhất là nước. Vì cô phải sống trong một căn nhà thấp, dài nhẵng, lúc nào cũng nặng hơi người, mùi thuốc tẩy và mùi của nội tạng gia súc sau một đêm ngâm trong nước. Nước mưa trôi qua mái ngói đen đúa mốc meo nhưng vẫn sạch, vẫn giữ được màu xanh xám nhợt nhạt của bầu trời. Dòng nước có mùi khen khét và lạnh mê hồn theo một đường máng xối dài bảy mét mười lăm, chạm vào vai cô sau khi vấp phải cái móc dẹp dùng để nối với đoạn bị tháo rời. Từ vai, dòng nước ngoan ngoãn chảy theo một triền dốc, thông thường khoảng mười chín độ theo góc đứng nếu như cô không có cái ghế nào gần đó để giữ thăng bằng, rồi len lỏi qua một thung lũng có một cái nút áo, một cái hoa nhỏ bằng đá, quăn queo cô độc giữa hai sườn đồi đã bắt đầu nghiêng lệch xuống bụng từ hai mùa mưa trước. Rồi dòng nước thoát ra, lập bập tràn xuống một vết nứt cắt đôi hai mảng bình nguyên phẳng và dày mỡ. Ở đó, dây thun quần siết quanh cái hông đầy chắc tạo ra một số vết thâm mờ. Nước mưa trong tới mức những dấu vết riêng tư đó không bị nhoè sau lớp vải, có thể thấy rõ chúng vào những ngày cô mặc những bộ đồ mỏng, và đã cũ. Nhưng dù là mặc đồ gì, và cơn râm ran kéo dài tới mức nào, cô vẫn đủ tỉnh táo để sắp xếp cho dòng nước gom xuống một góc nhọn của vạt áo, thường là vạt bên phải, nơi cô còn một đoạn ruột thừa chưa mổ. Ở đó, cao bốn tấc tính từ nắp hầm, theo triền dốc vẫn mười chín độ hoặc nhiều hơn một chút tùy theo khả năng giữ thăng bằng của cô, dòng nước rơi tự do vào miệng hầm.
Cái hầm nhiều năm trước không có nắp. Ban đầu ông già, cha cô, dự định đào một cái hầm lộ thiên thay thế cho một cái chậu lớn làm chỗ súc rửa lòng ruột, bao tử và những bộ phận khác của trâu bò. Những thứ đó, thường là vài tạ mỗi ngày, được đem từ lò mổ về vào lúc chiều tối, được đổ vào hầm cùng với muối và thuốc tẩy. Ông già và người con trai, anh cô, làm việc trong cái hầm đó tới nửa đêm, sau đó họ xả nước vào. Gần sáng, những người khác trong nhà sẽ vớt từng chùm ruột trắng xanh dài lòng thòng, chia nhỏ chúng vào những cái xô trước khi đem ra chợ trên chiếc xe đẩy bằng gỗ hoa trà. Ngôi chợ đứng lơ lửng giữa lưng chừng một con dốc nghiêng mười chín độ theo góc nằm, cùng một số quán ăn nhỏ trên đỉnh dốc, bền bỉ ngốn hết số lòng ruột ông già cung cấp mỗi ngày. Đó là một công việc kiếm ăn dễ chịu. Trong vòng hai mươi lăm năm, ông già đã tích lũy đủ để dựng thêm một căn gác phía sau, một tủ bán lẻ dồi và huyết trâu trong chợ, và cho bảy trong số chín người con của ông ra nước ngoài. Lần lượt từng người một.
Bảy người đã ra đi, gồm đàn ông và đàn bà, đều là những người muốn nối nghiệp cha. Họ đã chịu đựng rất nhiều gian khổ để có thể rời khỏi ngôi nhà dài nhẵng mà không gây phiền não cho những người ở lại. Họ chia nhau tới những nơi chỉ biết ăn thịt gia súc, còn nội tạng thì bỏ đi. Và mặc dù khởi sự việc kiếm sống một cách gian khổ ở xứ người, họ cũng mở được cửa hàng, lần lượt từng người một. Họ cố gắng, theo yêu cầu của cha họ, đem tới cho thế giới bên ngoài một cách thưởng thức khác, triệt để hơn, đối với thân thể của loài động vật có vú, thừa sức khỏe nhưng thiếu trí khôn. Một cách lựa chọn mà theo ông già, tóm tắt trong một câu là ăn cái ngon nhất, quý nhất và rẻ nhất của một đứa ngu. Ông già hay lẩm bẩm câu đó mỗi khi mệt mỏi leo ra khỏi căn hầm vào lúc nửa đêm, chiều hôm sau lại lẩm bẩm trong lúc leo vào.
Hai người con ở lại với ông già là những người không thích nghề cha. Đúng hơn là họ không nhanh nhẹn, không được khôn ngoan lắm, cho nên cũng không mặn mà gì với chuyện ngày ngày súc rửa những thứ quý giá của những con vật được coi là đứa ngu, nhất là đối với người con trai. Đó là một người đàn ông bị chứng trầm uất bẩm sinh. Thời gian đầu khi mới leo xuống hầm để giúp cha, anh không dám uống nhiều rượu vì sợ sẽ bị nôn mửa. Tuy nhiên một thời gian sau anh lại phát hiện ra rằng trong trạng thái ngây ngất, cảm giác ghê tởm trở nên mờ ảo hơn, và như vậy sẽ dễ chịu hơn. Nhưng cũng không cải thiện được bao nhiêu. Mỗi chiều phải leo xuống cái hầm, để cho hai ống chân đã được chà rửa sạch sẽ của mình ngập trong cái đống lầy nhầy vừa nhũn vừa ấm đó đối với anh thật là một khoảng thời gian khổ ải tới mức những cơn u uất có lẽ còn dễ chịu hơn.
Từ khi có được một người đàn bà cho mình, anh lại tiếp tục rơi vào hàng loạt trạng thái ngây ngất khác nữa. Bốn mươi mốt tuổi, anh vẫn chưa biết bộ phận nào trên thân thể người đàn bà là hấp dẫn nhất. Người đàn bà của anh hình như không có cái gì nhiều, ngoài một cái cổ rất chắc chắn và cái bụng dày mỡ. Cô ta chỉ đem lại cho anh những yêu cầu khó khăn và sau đó là sự sợ hãi thường xuyên. Cô ta không thực lòng yêu quý anh nhưng lại cần sự bao bọc, cần thức ăn cho cả hai đứa trẻ không có cha nữa. Còn anh thì mê mẩn tới mức chỉ cần nghĩ tới một bộ phận nào đó trên thân thể không có gì hấp dẫn của người đàn bà, anh cũng đủ ngây ngất kể cả khi đang giẫm đạp đống ruột lòng phèo phổi dưới căn hầm. Bởi vì chưa bao giờ anh nếm trải cảm giác ngây ngất thực sự của kẻ chiến thắng khi ở bên cạnh người đàn bà của mình. Luôn luôn như vậy. Cứ mỗi lần úp mặt vào bụng người đàn bà để hai tay được rảnh rang, anh lại nghe thấy tiếng nước chảy rong róc ở đâu đó bên dưới lớp mỡ dày phảng phất mùi củ cải muối. Chứng u uất của anh bắt đầu thức dậy. Anh biết đó là tiếng động gây ra bởi sự di chuyển của tô canh mà người đàn bà đã uống luôn cả phần của anh trong bữa ăn trước đó. Lần khác có thể là một chai nước uống gấp để thêm mát mẻ khi hành sự. Anh rất thích những thói quen đó. Cách người đàn bà ngồi ăn cá hoặc đi lại với hai ống quần dài xắn lên, kẹp trong ống quần lót. Hay cách cô ta lấy những đốt xương ra khỏi một cái chân gà luộc chín bằng con dao chặt thịt, tất cả đều khiến anh ngây ngất. Và thường là khi đã úp mặt được một lúc lên lớp mỡ dày, não căng ra để theo dõi miếng cá len lỏi trong những sợi ruột non trắng xanh ẩm ướt, anh không còn chế ngự được nữa.
Ban đầu ông già không nhận ra điều đó khi cùng làm việc với anh. Muối và thuốc tẩy khiến căn hầm mù mịt hơi nước và họ phải giữ im lặng để không bỏ sót những chỗ chưa chạm chân tới. Mỗi người đứng một góc, đối diện nhau, hai tay tì vào vách hầm để giữ thăng bằng, còn hai chân như hai cái cây thông ống khói, chà xát liên tục đống lòng ruột tươi rói. Những ngày hè dài lê thê khiến họ nhanh chóng rã rời và để kéo dài thời gian nghỉ ngơi, anh thường tìm cách gây gổ với ông già. Không đem lại kết quả gì. Thuốc tẩy có ngày không được tốt, ông già cãi, nhưng ruột càng trắng càng tốt, và giòn. Ngâm nước cả đêm cũng tốt, lòng sẽ có mùi giống với khi nó vẫn còn ở trong khoang bụng con trâu đang sống, người ta thích vậy.
Dù sao ông già cũng nhiều phần đúng. Đống ruột mỗi lúc mỗi trắng dưới chân sau một hồi giẫm đạp khiến anh ngày càng xa dần những cơn u uất, vì nó đem lại cho anh ngày càng nhiều những cơn ngây ngất bởi sự liên tưởng. Đó là một chiến thắng trọn vẹn, duy nhất, không phải nghe bất cứ lời mỉa mai cay độc nào từ cái bụng dày mỡ trong lúc chỉ một mình anh với đống lòng ruột tươi rói. Và khi phát hiện quần mình ướt đẫm, ban đầu anh thấy mắc cỡ. Vài lần sau anh che giấu chuyện đó bằng cách cố tình để mất thăng bằng, quỳ sụp xuống cho nửa phần dưới ngập trong đống lầy nhầy đang bốc hơi ngùn ngụt. Tuy nhiên cố gắng của anh không kéo dài được lâu. Bởi vì, đôi lúc trong cơn ngây ngất, vừa che giấu nỗi hổ thẹn giữa những chùm ruột bị muối làm cho chảy nhão ra, anh vừa rụt rè lẩm bẩm xin lỗi.
Buổi sáng sau khi chia xong số lòng ruột, những người khác trong nhà giấu chiếc xe đẩy bằng gỗ hoa trà trong một góc chợ, rồi lẳng lặng theo ông già đi ngược lên đỉnh dốc. Họ đi qua những quán ăn nhỏ, rồi lại đi qua một khu vườn vàng rực hoa cải, một cổng gỗ đã cũ và một cái sân bằng đá thô lặng ngắt. Khi đẩy cánh cửa nhà người đàn bà qua một bên, họ nhìn thấy người con trai đang nằm ngửa dưới đất, đầu quay ra ngoài và đang trừng trừng nhìn họ. Anh đang chơi với hai đứa trẻ. Trong nhà, khói do củi thông đang cháy uốn lượn vui vẻ với những tia nắng. Một đứa đang đứng và cố gắng giữ thăng bằng trên hai cánh tay của anh, như hai cái càng cua đang run bần bật trong không khí. Đứa kia đánh đu trên hai ống chân cũng đang đưa lên rất cao của anh, cả người nó xoè ra như sắp sửa bay lên trần nhà trong một trạng thái ngất ngây tự mãn. Người đàn bà đang thay áo ở gần đó.
Chỗ sạch sẽ nhất trong căn nhà thì lại quá nhỏ cho nhiều người ngồi cùng một lúc, cho nên phụ nữ dẫn nhau vào bếp. Họ đứng chen lấn nhau trên những ô gạch bị cháy xém phủ một lớp bụi tro, dáo dác tìm kiếm. Một người lôi cái giỏ mây trong góc bếp ra, lục lọi những thứ bên dưới, sau đó giận dỗi đẩy nó ra xa. Không thấy chủ nhà phản ứng, những người khác bắt đầu một cuộc tìm kiếm đồng loạt, họ giở cả nắp cái nồi đang sôi trên bếp để quan sát bên trong.
Ông già ngồi đối diện với người đàn bà đang rất ung dung với người tình bên cạnh. Sau lưng ông, vài người đàn ông khác đứng ngồi với một vẻ khó chịu miễn cưỡng, thỉnh thoảng có người đập hai chân vào nhau giống như để đuổi kiến. Một người chồm tới cái bàn, cầm lấy một ly nước. Tuy nhiên sau một lúc ngắm nghía nó, anh ta lén lút hất ly nước xuống đất.
Cho tới khi ông già chịu cất tiếng, những đứa trẻ đã bắt đầu quen với không khí ngột ngạt trong nhà. Một đứa ngồi trong lòng mẹ nó, rúc đầu dưới cái cổ chắc chắn, nhìn mọi người và cười làm quen. Ông già nói chậm rãi, càng lúc càng chậm, và càng nói ông gần như quên mất là ông dự định sẽ nói rất dài, chỉ muốn nói thôi, không cần nghe. Ông giải thích loằng ngoằng rằng ông bảy mươi bốn tuổi, vợ ông năm mươi tám tuổi. Em trai ông, tức là chú của người con trai, đang có mặt ở đây, sáu mươi chín tuổi và em dâu ông sáu mươi lăm tuổi. Em trai của vợ ông, cũng đang có mặt ở đây, năm mươi lăm tuổi và vợ năm mươi hai tuổi. Mấy người cháu gọi ông bằng bác và bảy người con đang ở nước ngoài của ông cũng vậy, tất cả đều lấy vợ trẻ hơn và lấy chồng già hơn họ. Trong lúc ông nói chuyện với chủ nhà, lửa trong bếp đã bị những người đàn bà dùng nước dập tắt. Những cuộn khói cuối cùng vẫn hồn nhiên uốn lượn vui vẻ với những tia nắng rọi qua cửa thông hơi, nghiêng mười chín độ theo góc đứng. Điều đó có nghĩa là, ông già ngắc ngứ một lát, ở cái tuổi của mình, chủ nhà rất có thể làm em dâu của vợ ông, hoặc làm vợ bé của ông cũng được, thay vì sống với con trai của ông. Và hai đứa trẻ càng làm cho chuyện này xấu thêm. Nói tới đây ông già trở nên ngắc ngứ nhiều hơn. Ờ, có nhiều con cũng không sao, nhưng không nên nuôi con người khác, nhất là khi tự mình chưa nuôi thân được. Rồi ông già đứng lên một cách nặng nhọc, liếc xéo gói thức ăn mà vợ ông lấy trong bếp ra, xổ tung giữa nhà. Bốn mươi mấy tuổi đầu, chưa khi nào nó đem củ cải ngon như vậy về nhà, vợ ông đay nghiến. Cái nhìn của ông già dành cho chủ nhà bao trùm một sự trách móc lớn lao. Bảy đứa con tôi ở nước ngoài đang dạy cho thiên hạ biết ăn miếng ngon trong bụng một đứa ngu. Cô cũng nên biết kiếm được miếng ăn không dễ dàng gì đâu.
Mấy tháng sau sự kiện đó, một buổi sáng thức dậy ông già không nhận ra mình nữa. Hai chân sưng to và mềm nhũn như vòi của con voi. Lưỡi cũng vậy, lại thêm những chấm lở loét gây đau nhức kinh khủng vào những ngày tiếp theo. Thầy thuốc nói rằng ông bị bệnh nghề nghiệp, có nghĩa là ông đã đứng quá lâu, tiếp xúc quá lâu với nước và các loại chất độc khác. Ở tuổi của ông thì cũng không cần chữa trị làm gì, và cũng vô ích thôi. Tới một lúc không thể tiếp tục chịu đựng thêm, ông già thôi không làm việc nữa. Ông ngồi một chỗ nhiều hơn và phải sử dụng thuốc giảm đau. Thật ra thì gần đây ông vẫn nghĩ có thể đã tới lúc không cần làm việc nữa. Ở nước ngoài chắc chắn ngày càng có nhiều người thích ăn ruột những đứa ngu theo cách mà bảy người con của ông đang làm trong các cửa hàng. Mà những đứa ngu thì ở đâu cũng nhiều, sẵn sàng để cho bị mổ bụng. Làm ăn phát đạt, họ phải có nhiệm vụ giúp đỡ ông bằng cách chuyển một phần lợi tức về. Nhưng khổ sở nhất lại là chuyện không có ông, không có ai muốn làm việc dưới hầm nữa. Người con trai, sau buổi sáng ê chề đó, chỉ còn làm nổi một việc rót rượu liên tục suốt ngày đêm. Anh cười khà khà khi ông già tỏ ý muốn anh giúp châm thuốc vào những chỗ đau trên lưỡi. Cứ để vậy đi, anh vặn thật chặt nắp ống thuốc giảm đau và nằm dài ra đất, ông bớt nói có khi lại hay hơn đó. Ông già đành giao việc đó cho người con gái. Quyết định đó đối với ông rất khó khăn, nhưng những cơn đau càng ngày càng dày đặc. Từ ngày có vợ, ông chỉ chịu há miệng thật to vào những buổi tối, khi các con ông đã ngủ, và trước duy nhất một người đàn bà.
Người con gái của ông, đã quen sống vùi trong những kỷ niệm, không quen săn sóc người khác. Cô luôn tìm cách lảng tránh những lời cầu cứu của ông già. Và cô lảng tránh tất cả. Từ lâu rồi, cô không thấy còn có lạc thú nào thay thế được những cơn râm ran mà cô đã được hưởng riêng một mình. Phải rất kỳ công trong nhiều năm liên tục, từ lúc còn rất nhỏ, mới có thể đạt được kỹ năng siêu việt như vậy, khi mà nước mưa chảy qua chiều dọc thân thể cô đã không tràn ra khỏi miệng hầm. Ban đầu cô chỉ cố giữ cho dòng nước chảy từ một cái vòi nhỏ dưới đáy một cái chum không phát ra tiếng động khi trôi xuống sàn nhà. Trò chơi đó có lẽ là bí mật lớn nhất của hai người đàn bà đang sống vùi trong ngôi nhà dài nhẵng. Mẹ cô làm việc đó rất thành thạo. Lần đầu tiên nhìn thấy bà đứng im lìm dưới dòng nước là vào một đêm cô không ngủ được, mò mẫm đi tìm một cái gì đó mà nhiều năm sau cô cũng chẳng biết là cái gì. Trong bóng tối, cô nghĩ là bà đang cõng cái chum trên lưng và hình ảnh đó, nhiều năm sau nữa, vẫn chưa phai mờ trong trí nhớ cằn cỗi của cô. Nước từ cái vòi nhỏ, cô biết là vẫn còn ấm sau một ngày hè lê thê, chảy xuống ngực mẹ đang ngửa ra, nghiêng mười chín độ theo góc đứng bởi vì bà đang tựa vai vào đáy chum. Mẹ đang chùi cái gì dính trên vú hả? Nước miếng đó con. Sao mẹ lại nhổ nước miếng lên đó? Không phải đâu con, ban đầu mẹ ngăn không cho cô chạm vào người, nước miếng của cha đó. Lát sau, khi hai mẹ con ôm nhau, chia sẻ dòng nước ấm có mùi khen khét của bầu trời màu xanh xám, cơn râm ran của mẹ cô đã lùi rất xa vào bóng tối, cơ thể trở lại mềm mại như cô vẫn biết về nó. Cha con có tật mỗi khi gần chết là há to như cái miệng hầm, mẹ cô thì thầm, nước miếng chảy lòng ròng, ghê ơi là ghê. Còn cái gì nữa đây, sao người mẹ dơ quá vậy? Cô chỉ những bọt nước sền sệt trôi từ cái bụng chảy nhão của mẹ xuống sàn nhà. Mẹ cô cúi xuống, xiết cô vào lòng và ấp mặt vào mái tóc mỏng ướt nước của cô, cười rúc rích. Cô nhớ là bà chưa bao giờ buồn, chưa bao giờ cằn cỗi dù hết ngày này qua ngày khác đã trôi đi không thương tiếc trên thân thể người đàn bà có chồng lớn hơn tới mười sáu tuổi này. Nước dơ này là để làm ra em bé đó, mẹ vừa cười vừa nói.
Cô nhớ đã thấy mẹ cô đứng dưới vòi nước, cõng cái chum trên vai như vậy lâu lắm, nhiều lần vào ban đêm, khi anh em cô đã ngủ say. Hình ảnh đó chỉ chịu biến mất biệt tăm trong bóng tối vào ngày cha cô thức dậy và không nhận ra mình nữa với hai cái chân sưng to, cái lưỡi lở loét. Cha tụi con chết luôn rồi, mẹ cô nói. Một ngày hè lê thê, bà đã kể cho cô nghe cái cách bà đã phát hiện ra trò chơi thần thánh đó, sau mỗi lần bị cha cô vật cho nhừ tử và đổ đủ thứ nước lên người. Đó là khi bà một mình chà rửa chiếc xe đẩy bằng gỗ hoa trà sau mỗi lần đem lòng ruột ra chợ về. Bà để cho nước cuốn trôi những vệt mỡ ngấm thuốc tẩy trên sàn xe và ngạc nhiên thấy nó chảy thành một dòng duy nhất, ở nơi đã lõm xuống bởi những chiếc xô đựng lòng ruột bị kéo xềnh xệch mỗi ngày. Gỗ hoa trà không cứng như nước mưa, nhưng nó lì lợm và căng nức dục vọng trong những thớ thịt màu vàng nâu. Trong nước, chiếc xe giống như mới hơn, đỏ óng như con trâu tơ chưa nhìn thấy đường tới lò mổ bao giờ. Mẹ thử vài lần và chỉ thấy tập trung hơn khi tìm cách đưa cái chum lên trên một cái bệ cao, để áp lực nước lớn hơn. Những ngày mưa, nước mát rượi khiến những nhọc nhằn trôi đi nhanh hơn. Nước rửa sạch những thứ nhớp nhúa ông già để lại trên người mẹ sau những lần hành hung dai dẳng như súc vật. Nước trong cái chum trở thành người tình dịu dàng của mẹ mấy chục năm trời, cho tới khi ông già không còn làm gì được nữa. Căn hầm được trát lại các bức vách, những tấm đúc rất dày đậy lên trên, trừ một ô nhỏ chừa lại gần mái ngói, khiến nó có vẻ sạch sẽ hơn vào ban ngày. Những người khác trong nhà lắp một đường xối dưới hai đầu mái ngói và căn hầm được dùng làm chỗ cất nước mưa để dành cho những ngày hè lê thê. Căn hầm quá lớn khiến cho những cái chum trở nên vô dụng. Tuy nhiên cô đã nhanh chóng phát hiện ra vị trí của đường xối vào một ngày mà trận mưa quá già, căn hầm tràn nước. Chỉ có mẹ cô thì không thể thay đổi địa điểm được, và cũng chẳng cần nữa. Sau sự kiện ở ngôi nhà người tình anh trai cô, mẹ cô chợt trở nên buồn rầu cằn cỗi, trong khi những cơn đau ở lưỡi đã tiêu diệt chồng bà, ông già, hoàn toàn.
Kiếp này không được làm máng xối thì biết làm gì đây? Nhiều khi cô vẫn nghĩ như vậy, vào những lúc khả năng định thần đạt tới cực điểm, trận mưa hứa hẹn sẽ còn dữ dội hơn nữa. Cơn râm ran kéo dài liên tục khiến góc nghiêng trên ngực cô lớn dần hơn mười chín độ và cô gần như lơ lửng nửa phần trên trong không khí. Nước mưa thật là sạch và cơ thể của cô còn sạch hơn. Nước cứ trượt đi, trượt hoài qua cơ thể một cô gái già, ngoan ngoãn miệt mài chảy vào miệng hầm tối đen như màu kỷ niệm chưa một ngày phai mờ. Nước sẽ còn chảy nữa, chảy bất tận nếu như không có một ngày tiếng thét khiếp đảm của cô cất lên.
Đó là một trận mưa nối tiếp nhiều trận mưa trước, dày đặc tới mức cô không kịp hong khô quần áo. Có thể là cô đã bỏ qua trận mưa nếu như ngay trước đó không phải đối diện với cái miệng đang há to của ông già, để cho nước miếng chảy lòng ròng trong một cơn đau nhức thê thảm. Làm sao mẹ cô có thể chịu đựng lâu như vậy với cái miệng của ông già? Ý nghĩ đó lởn vởn khiến cô không làm sao tập trung được. Rồi cô phát hiện ra dòng nước chảy theo góc nhọn của vạt áo xuống miệng hầm không tạo ra chuỗi âm thanh trong trẻo như mọi lần. Vẫn giữ nguyên tư thế nhưng cô hơi rướn người lên để nhìn vào miệng hầm. Không nhìn thấy gì, tối đen quen thuộc. Cô lắp đoạn máng xối vào chỗ cũ để nước không tràn ra nhà, sau đó leo lên miệng hầm. Ở một khoảng cách sát với miệng hầm, cô vẫn không thấy gì. Nhưng tiếng nước chảy rõ ràng nghe rất đục, không giống như đang rơi trên mặt nước. Cô quyết định thọc tay xuống hầm và gần như ngay lập tức chạm vào một đống trơn mềm đang nổi lập lờ.
Tiếng thét của cô khiến cho trận mưa giật nẩy, ngừng rơi một cách đột ngột. Ông già là người có mặt đầu tiên cho dù phải lết đi trên hai chân sưng to như vòi con voi. Ông thấy con gái mình người ướt đẫm, quỳ sụp cạnh miệng hầm chứa nước với mấy sợi lòng ruột trắng hếu, dài lòng thòng xổ tung trên sàn nhà. Những sợi lòng không có mùi thuốc tẩy, tuy nhiên một số đoạn có màu xanh xám của nước mưa.
Trong khi đó, dưới gầm cầu thang của căn gác, người con trai, anh cô, đang ngồi bó gối với cái quần ướt của mình. Anh sung sướng khi tưởng tượng cơn giận sẽ thiêu đốt ông già tới mức nào khi nghe anh giải thích số lòng ruột đó là lợi tức của bảy người con ở nước ngoài gửi về cho ông. Mấy người đó không có dạy được cho ai cái gì đâu, anh sẽ cười khà khà và nói, đừng có tưởng bở.
© 2006 talawas
Cùng một tác giả
Đỗ Phước Tiến sinh ngày 14.10.1965 tại Đà Lạt. Nguyên quán Đà Nẵng (quê ngoại Cần Thơ). Sống chủ yếu từ nhỏ tới lớn ở Sài Gòn và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trình độ văn hóa cấp 3. Làm rất nhiều nghề (xếp theo thứ tự thời gian): bán hàng rong, bồi bàn, làm ruộng, lái đò, chế biến nước đường trong hãng kem, buôn bán ve chai, phụ bếp trong quán nhậu, kéo xe bò, thợ nề, thợ gò hàn, làm thịt gà vịt cho nhà hàng, thợ chụp ảnh và 10 năm nay là phóng viên của báo Đà Nẵng (báo của Đảng bộ ĐCSVN thành phố Đà Nẵng). Mới tự thôi việc cách đây 4 tháng, hiện chưa có nghề mới. Hiện sống ở Đà Nẵng với vợ, cũng làm nghề viết báo, con gái 12 tuổi và con trai 5 tuổi.
Tác phẩm Chưa xuất bản tập truyện riêng. Từ 1992 mới công bố 6 truyện ngắn trên báo, tạp chí và một số tuyển tập. Truyện ngắn „Đảo của dân ngụ cư“ đã được dịch sang tiếng Pháp („Terre des éphémères“, bản dịch của Phan Huy Đường) trong tuyển tập cùng tên Terre des éphémères, Philippe Picquier, Paris 1994 và tiếng Anh („The Way Station“, bản dịch của Phan Huy Đường và Nina McPherson) trong tuyển tập Night, Again, edited by Linh Dinh, 7 Stories Press, New York 1996 và chuyển thể sang kịch bản điện ảnh (của Nguyễn Quang Lập, chưa dựng phim).