Nguyễn Xuân KhánhMẫu thượng ngàn
Chương VII: Bà tổ cô Chương XI: Bà Ba Váy kể chuyện
Nguyễn Xuân Khánh |
“Năm 1962, tôi in tập truyện ngắn đầu tay có tên là Rừng sâu. Tập truyện này phản ánh hiện thực xã hội chủ nghĩa và tôi bị kỷ luật. Từ đó tôi quyết định không đi theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa nữa mà theo cách của mình. Năm 1971, tôi viết Miền hoang tưởng, đến tận năm 1990 mới in mà vẫn phải đổi tên. Cuốn Trư cuồng, tôi viết theo kiểu cắt dán những truyện ngắn thành tiểu thuyết. Đến Hồ Quý Ly, tôi dùng các điểm nhìn khác nhau để chiếu vào Hồ Quý Ly, tránh có những đánh giá chủ quan. Còn Mẫu thượng ngàn thì nói về Mẫu, cũng có nghĩa là nói đến đàn bà, nói đến nhục cảm. Mỗi cuốn là một cách viết, một cách nhìn không giống nhau.”
(Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trả lời phỏng vấn của báo Người Lao động)
Vừa ra mắt, Mẫu thượng ngàn đã lập tức được giới phê bình và báo chí trong nước coi là sự kiện văn học của năm 2006. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin giới thiệu 2 chương trong cuốn tiểu thuyết lịch sử hơn 800 trang này.
talawas chủ nhật
Nguyễn Xuân Khánh
Mẫu thượng ngàn
Chương VII: Bà tổ cô
1.
Tên thực của bà là Vũ Thị Ngát. Đứng về thế thứ họ tộc, bà là cô của ông tú Cao, tiên chỉ Nhậm; là bà của lý Cỏn, hương Ất; là cụ của thằng Cò, cái đĩ Váy con, thằng Điệp, v.v... Nói tóm lại, trong họ Vũ Xuân bà ở bậc cao nhất, nên cả họ tôn là bà tổ cô. Vả lại, đứng về tuổi tác, bà gần chín mươi, già nhất làng, nên không những chỉ họ Vũ Xuân, mà cả làng cũng tôn bà là tổ cô.
Thuở con gái bà đẹp lắm, thắt đáy lưng ong, khuôn mặt trái xoan, mi thanh mục tú. Chẳng cần trang điểm cũng đẹp nõn nà. Dân làng bảo giá không phải thời loạn mà ở thời bình, chắc dân làng phải đem bà tiến vua, nếu không làm hoàng hậu, chắc cũng phải là quý phi. Đặc biệt cái dáng của bà, nó sang trọng làm sao, cao quý làm sao. Cả chân tay cũng đẹp, những ngón tay dài búp măng, lấp ló dưới chiếc váy sồi đen nhánh là hai bàn chân xinh xinh gót lúc nào cũng đỏ như son. Tất cả con người như một đoá hoa tươi. Bà đứng chỗ nào là chỗ ấy như sáng sủa lên, như rực rỡ lên. Cả họ Vũ Xuân, ai cũng quý cô Ngát. Cha mẹ bà thì nâng niu cô con gái, không dám bắt làm việc nặng đồng áng nhiều, chỉ cho làm việc trong nhà như canh cửi tằm tơ.
Bố mẹ cô rất lo. Lo vì người con gái đẹp thời loạn dễ gặp điều bất trắc. Lo vì biết gả cô cho ai. Lo nếu gặp anh chồng vũ phu chẳng ra gì, hoặc anh chồng đức hạnh nhưng quá nghèo túng thì đời cô sẽ khổ.
Lúc ấy, có ông Vũ Huy Tân người tỉnh Nam đến làng. Ông là người đạo cao đức trọng, đỗ phó bảng, rồi từ quan về nhà bốc thuốc. Ông đến chữa bệnh cho người họ Vũ Xuân. Thầy lang cũng họ Vũ, chủ nhà cũng họ Vũ, một đằng Vũ Xuân, một đằng Vũ Huy. Họ tra gia phả. Hoá ra họ Vũ Huy gốc cũng ở Cổ Đình. Họ Vũ Huy, do một ông tổ chi từ đời nhà Mạc, đã lưu lạc xuống tỉnh Nam lập nghiệp mà hình thành nên. Giá như ông Vũ Huy Tân còn đang làm quan thì họ Vũ Xuân chưa chắc đã dám nhận, vì sợ mang cái tiếng thấy sang bắt quàng làm họ. Đằng này, ông Tân đã từ quan, mà hình như từ quan do vua Tự Đức không ưa, gia cảnh lại nghèo, chỉ còn được cái tiếng đỗ đạt cao, cho nên họ Vũ Xuân mới dám nhận họ. Nhận là nhận cái văn hoa, học hành, điều này họ Vũ Xuân còn thiếu và thèm muốn. Vì vậy nên họ Vũ Xuân liền cắt một mẫu vườn, làm ngôi nhà gọn gàng, đón ông Vũ Huy Tân về làm thầy cho cả làng cả tổng. Ông Vũ Huy Tân nhìn thế đất làng Đình, cho là nơi có thế ngoạ hổ tàng long, nơi nằm giữa đồng bằng và miền núi, có thể tiến, có thể thoái nên nhận lời về dạy học ở đấy. Ông Vũ Huy Tân có người bạn đỗ cử nhân là Phùng Khiêm. Ông Khiêm làm tri phủ, bà vợ bệnh mới mất. Vũ Huy Tân thấy cô Vũ Thị Ngát vừa đẹp người, vừa đẹp nết, liền nói với họ Vũ Xuân, làm mối cô Ngát cho cử Khiêm. Họ Vũ Xuân vui mừng thở phào. Bởi vì họ Vũ đang lúng túng. Gả cô Ngát cho một người quá tầm thường thì họ không muốn. Còn gả cô cho một người xứng đáng thì thời loạn quả là khó. Người ta bảo: "Thôi! Cô không làm quý phi, mà làm bà tri phủ thì cũng được".
Cô Ngát lấy chồng vào năm Tân Dậu. Khi ấy cô mười sáu tuổi. Bây giờ cô không phải là cô Ngát nữa mà là bà phủ Khiêm. Cô theo chồng về xứ Nam, nơi nhậm sở của chồng. Mới mười tám, nhưng cô đã chững chạc lắm. Ngoài nhan sắc ra, cô còn biết chữ nghĩa, lại là người hiền hoà thương người nên ông phủ Khiêm vừa quý trọng, vừa yêu mến cô lắm. Ngoài việc gia đình, có khi cả việc quan ông Khiêm cũng đem ra hỏi cô. Cô chẳng đọc nhiều sách vở, nhưng cứ theo lẽ thường trong dân gian mà trả lời ông. Và cái lẽ thường làng xóm ấy thường lấy sự hoà hoãn, nhân hậu làm đầu. Cái cách ấy của cô, ông cũng tán thành, cho nên vợ chồng rất tâm đắc cùng nhau.
Thời kỳ cô lấy chồng là thời kỳ nước nhà đau thương nhất. Năm 1858 quân Pháp tấn công Đà Nẵng. Rồi tướng Rigault de Genouilly quay vào Nam chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Bộ. Cả nước sục sôi căm phẫn vì đất nước bị giày xéo. Vua Tự Đức thì nhu nhược. Nhiều đại thần chủ chiến, nhưng nhà vua lại chủ hoà. Ông Vũ Huy Tân cũng ở trong số các quan chủ chiến và vì lẽ đó ông bị thất sủng, phải từ quan. Vũ Huy Tân về Nam Định nói với Phùng Khiêm:
"Quân Phú Lãng Sa chỉ mượn cớ ta cấm đạo để gây chiến. Thực ra, ý đồ chính sâu xa của chúng là xâm chiếm toàn bộ đất nước ta. Vì vậy phải Bình Tây Sát Tả."
"Sao lại sát tả?"
"Trước kia chỉ cấm chứ bây giờ thì phải sát bọn tả đạo. Bởi vì những người theo đạo Gia Tô lúc này không chỉ là nguồn gốc gây sự bất hoà trong nước ta, bây giờ họ không chỉ là những kẻ đi theo một tôn giáo ngoại lai, rời khỏi gia đình làng xóm, chối bỏ thờ cúng tổ tiên; mà ngày nay họ đã là bè bạn của bọn ngoại bang. Nhiều kẻ đi lính cho Pháp. Nhiều kẻ chỉ đường cho Pháp. Họ đã là những kẻ phản bội đất nước non sông."
"Đã có bằng chứng gì?"
"Ở Gia Định, đã có hai trăm người Gia Tô giáo sung vào lính tập đi đánh giết đồng bào. Rồi bác xem, vua Tự Đức cũng phải mở mắt to ra mà nhìn sự thật."
Ông Vũ Huy Tân, sau đó, về làng, và đi vân du khắp nơi để thực hiện chí hướng Bình Tây Sát Tả. Và quả nhiên, như lời ông dự đoán, vua Tự Đức bị phái cứng rắn trong triều đình ép, bắt buộc phải ra những chỉ dụ cấm đạo Thiên Chúa vô cùng gay gắt.
Chỉ dụ gay gắt nhất ban hành tháng 7 năm 1861. Đó là chỉ dụ "Phân sáp giáo dân". Chỉ dụ viết:
Sức nhắc lại cho các địa phương phải nghiêm ngặt chia ghép dân đạo. Trước đây việc chia ghép có nhiều sót lậu. Nay các phủ huyện địa phương phải nghiêm chỉnh.
Phàm những dân đạo bất kể già trẻ, trai gái, đã bỏ đạo hay chưa bỏ đạo, đều phải thích chữ vào mặt, rồi chia ghép vào các xã thôn bên lương và bị quản thúc thật nghiêm.
Những tên theo đạo là những kẻ đầu mục hung ác thì vẫn bị giam cầm như cũ. Nếu bọn Tây Dương đến nơi thì đem bọn ấy giết cho hết.
...
Dụ cho các địa phương, hãy chiêu mộ dân nhận phần ruộng đất của dân theo đạo mà cày cấy. Đến vụ thu hoạch chia hoa màu: một phần cho người cày cấy, một phần sung công để cấp lương cho người theo đạo bị giam.
...
Những hạng đầu mục theo đạo loại bướng bỉnh đang bị giam thì quan địa phương phải dạy bảo kỹ càng. Mỗi tháng kiểm soát hai lần, thấy tên nào ngạo mạn hung tợn thì lập tức đem ra thắt cổ cho chết. Những tên cố ý không bỏ đạo thì nghiêm giam cho đến chết.
...
Bà phu nhân hiền hậu đã phải chứng kiến bao cảnh hãi hùng trong những ngày phân sáp ấy. Nơi chồng bà cai trị là một phủ ven biển, ở đấy có nhiều giáo dân. Dân vùng biển vốn là dân nghèo nhất. Lại có nhiều thuyền bè ngoại quốc đi lại ngoài khơi. Đó là nơi các giáo sĩ phương Tây dễ xâm nhập nhất. Thời nhà Lê đã có những xóm đạo hình thành. Bởi lẽ lúc đó người dân vô cùng thuần phác, mà nhà vua lại chưa cấm đạo. Các giáo sĩ phương Tây rất khôn ngoan, họ đút lót các quan lại địa phương để cho phép họ được đi lại tự do truyền đạo. Thậm chí, có giáo sĩ bỏ tiền bạc ra mua những vùng bãi bồi rộng lớn, dụ dân ai đi đạo thì cho đất. Bằng cách ấy, họ đã tạo nên những làng đạo, xứ đạo. Và đến lúc ông phủ Khiêm đến nơi trị nhậm thì đã có những gia đình mấy đời đi đạo. Người dân nghèo đi đạo là những người sùng tín nhất. Các giáo sĩ lại là những người có học vấn cao, có đạo đức trong sạch, có đức tin, có lý tưởng mạnh mẽ truyền bá những điều tốt lành đẹp đẽ của Chúa, nên thường những xóm đạo sống rất hiền hoà, văn minh, thịnh vượng. Điều đó gây nên lòng đố kỵ ở những người không đạo. Vả lại, người đi đạo không thờ cúng tổ tiên. Hơn nữa, nhà vua lại cấm đạo. Do đó, nảy sinh mối hằn thù vô lý giữa hai cộng đồng. Đến khi mối hằn thù được xổng xích, được cho phép và kích động thì sự độc ác trở nên không tưởng tượng nổi.
Nam Định là tỉnh nhiều giáo dân, cũng là nơi thi hành chỉ dụ phân sáp nghiêm ngặt và kịch liệt nhất. Quan quân dân chúng chặn các ngả đường không cho các làng Thiên chúa giáo đi lại phòng có người đi đạo trốn thoát. Rồi binh lính ùa vào các nhà, lùa tất cả già trẻ gái trai ra tập hợp tại sân nhà thờ. Những kẻ bị coi là cứng cổ, là ngoan cố, là cầm đầu đều đã bị bắt đi giam giữ hết rồi. Trước sân nhà thờ, đàn ông đứng riêng, đàn bà đứng riêng, trẻ con tập hợp lại thành nhóm. Quan lãnh binh đứng lên đọc tên từng người rồi mời các tỉnh khác đến nhận người đem về phân vào các làng bên lương. Mỗi làng bên lương nhận khoảng mươi người sao cho cứ năm người lương quản thúc một người giáo. Thông thường, người ta phân sáp giáo dân đi rất xa, sang tỉnh khác, không gần bờ biển, đàn ông ở tỉnh này, đàn bà ở tỉnh khác. Trẻ con cũng bị tách khỏi bố mẹ giao cho các gia đình bên lương nuôi dạy.
Trước khi đi, tất cả giáo dân đàn ông, đàn bà đều bị thích chữ vào mặt. Má trái thích hai chữ "tả đạo". Má phải thích tên tổng, huyện nơi gửi đến.
Cuối cùng là triệt hạ làng cũ. Đầu tiên đốt nhà thờ, rồi đốt tất cả nhà ở sao cho nơi ở cũ của họ san thành bình địa. Lửa cháy đùng đùng. Tre nứa nổ lốp đốp. Đàn bà, trẻ con khóc như ri. Lính giải từng tốp người đi trên đường cái quan. Hành lý duy nhất của mỗi người là cái bị đựng vài manh áo rách. Người ra đi mắt ngấn lệ đầu còn ngoái lại quê hương mà lúc này là những đám cháy đùng đùng.
Ngoài đám dân bị phân sáp đi hết. Riêng người theo đạo cứng cổ bị bắt giam lên tới gần vạn người. Năm Tân Dậu bi thương ấy người ta giết tới 4.800 kẻ gọi là đầu sỏ. Quan tuần phủ Nguyễn Đình Tân là người rất nghiêm khắc. Mỗi ngày ngài chuẩn y cho giết vài chục tên tả đạo. Mỗi lần xử trảm tả đạo là một lần dân tụ tập đến xem pháp trường đông nghịt như có hội.
Có bận bà phủ Khiêm cũng dự một cuộc xử trảm tả đạo. Hôm ấy, ngài tuần phủ muốn thị uy. Ngài bắt tất cả quan chức phủ huyện tổng lý đều phải có mặt. Ngay cả vợ con họ cũng phải đến dự.
Pháp trường thiết lập ngay tại một xã công giáo toàn tòng. Bà phủ Khiêm trông thấy cờ quạt trống chiêng và người đông nghìn nghịt quanh một cái hố rộng. Nói đúng hơn đó là một chiếc ao nhỏ đã tát cạn nước. Bà nghĩ: họ cho rằng chạm tay vào kẻ tả đạo thì bẩn tay, nên họ định chém ngay trong hố rồi cứ thế mà lấp đất kín. Bà thở dài.
Một hàng cọc mười một chiếc cắm thẳng hàng dưới đáy ao. Mười một tên tử tù bị trói chặt vào những chiếc cọc. Mồm tên nào cũng bị khoá. Người ta đề phòng chúng mở miệng nói những điều xằng bậy khi thi hành án. Ba viên đao phủ mặc quần áo đỏ, chít khăn đỏ, vác đại đao đứng một hàng, mặt đằng đằng sát khí. Quan tuần phủ ngồi trên ghế bành, trên đầu có lọng che. Quan lãnh binh giọng oang oang tuyên đọc bản án.
...
Mười một tên tử tù này là những tên tả đạo nguy hiểm. Có những tên đã bơi thuyền ra biển đến tàu Tây Dương đón cố đạo ngoại quốc vào đất liền rồi còn che chở cho chúng. Có những tên vào tận Đà Nẵng và Gia Định hàng giặc đầu quân vào lính tập để bắn giết dân ta, rồi lại quay trở ra Nam Định để chờ đón quân ngoại bang tới. Có những tên theo giáo sĩ Tây Dương ra nước ngoài học rồi quay trở về trong nước rủ rê người tả đạo đi làm giặc chống lại nhà vua. Tội của chúng rành rành khiến trời chẳng dung đất không tha. Quan trấn thủ đã tra xét kỹ càng rồi tâu lên đức vua. Ngài đã đau xót mà nói rằng:
Đã từ lâu, một lớp ngu dân đi theo tả đạo, mặc dù Trẫm đã ban lời khuyên dạy, song bọn côn đồ này vẫn chưa ra khỏi giấc mơ. Bên ngoài thì chúng im lặng khoá miệng, nhưng thực ra chúng toàn làm việc dối trá, cả những việc phản loạn. Trẫm đã ra lệnh cho các viên trấn thủ răn dạy chúng trở về đường ngay thẳng nhưng chúng cứ một mực cắm đầu vào con đường tội ác tày trời. Trẫm rất thương xót nhưng nước phải có quốc pháp. Phải xử chúng thật nghiêm.
Nay quan trấn thủ Nam thành chiếu theo luật pháp thấy tội chúng đáng phải chết. Vậy, cho thi hành án, một là để làm sáng tỏ sự công minh của đức vua, hai là để răn dạy cho toàn thể giáo dân, tránh đi vào con đường tội lỗi.
Sau bản tuyên đọc của quan lãnh binh, ba hồi trống chiêng chậm rãi ngân vang. Viên chánh trảm quan, đao gài sau lưng quỳ xuống tâu với quan tuần phủ:
“Bẩm đại nhân, hạ quan mấy ngày hôm nay đã hạ thủ một trăm chiếc đầu phản nghịch. Quần áo hạ quan đã thấm máu nhiều kẻ nghịch tặc đã trở nên khô cứng. Nay, hạ quan xin phép đại nhân được thi hành án theo cách mới.”
Tuần phủ vẫy tay chuẩn y.
Bà phủ Khiêm thầm nghĩ: Thì ra không phải chém đầu. Đúng lúc ấy người chánh trảm quan hô dõng dạc:
“Thi hành!”
Hai người phụ tá cũng mặc quần áo đỏ được lệnh, liền chạy phăm phăm theo một con mương nhỏ ra chỗ hồ nước lớn bên cạnh. Ở đấy, có tấm ván ngăn nước. Họ chặt dây giữ ván. Và dòng nước theo con mương lập tức ồ ồ chảy vào. Nước chảy xuống cái ao tử tù. Thì ra một cuộc hành quyết dìm nước chứ không phải chặt đầu như thường lệ.
Người đi xem bỗng ồ lên, khi nước chảy đến đầu gối những người tử tù. Những con người đang giãy giụa tuyệt vọng. Những tiếng kêu ú ớ cố thoát ra từ những cái mồm bị khoá chặt. Những con mắt trắng dã ánh lên sự kinh hãi. Tiếng trống chiêng thúc liên hồi. Tiếng quân reo à à.
Chánh trảm quan lại hô to:
"Mở ván thứ hai."
Hoá ra ở đầu nguồn mương có nhiều lối vào. Nguồn nước thứ hai này mạnh hơn. Khi tấm ván mở ra, nước chảy ào ào vào mương. Người trên bờ hét lên:
"Nước đã chảy đến bụng."
Rồi:
"Nước đã chảy đến ngực."
Lúc này, những người tử tù giãy giụa lồng lộn hơn. Có những cái cọc lung lay. Có người gồng hết sức để kéo cọc lên. Người chánh trảm quan liền hô:
“Mở tất cả ván.”
Bà phủ Khiêm nhắm mắt lại không dám nhìn cảnh tượng ấy nữa. Chẳng biết lần này họ mở mấy nguồn mà dòng nước chảy ồ ồ như một con thác nhỏ. Loáng một cái nước đã ngập đến cổ rồi đến tai những con người bất hạnh. Những cái đầu cố dướn lên nhưng không được nữa.
Thì ra, cuộc hành quyết nào cũng là một cuộc biểu diễn. Phải diễn sao cho thật ấn tượng. Chặt đầu mãi cũng nhàm chán. Người ta cho rằng những kẻ tà đạo này là những tên đầu sỏ cứng đầu nhất. Vậy nên phải xử chúng một cách khác ấn tượng hơn, đặc biệt hơn, để sao cho cảnh hãi hùng ấy được nhớ đời. Phải cho chết từ từ. Phải cho chết rùng rợn để kẻ khác trông thấy sẽ không bao giờ dám như thế.
Cuối cùng những chiếc đầu bị chìm nghỉm hết chỉ còn trông thấy những chiếc cọc nhô lên rồi đảo ngoáy lung tung. Trông cái cọc biết con người ở dưới đã kiệt sức đến đâu. Trông cái cọc biết con người đang hấp hối thế nào. Có những cái cọc giật liên hồi. Có những cái cọc đờ đẫn lảo đảo.
Cuối cùng có hai cái cọc làm nước sủi sùng sục. Hai con người lực sĩ vùng biển đã nhổ được cọc và nổi phềnh lên mặt nước.
Bà phủ Khiêm nghĩ: có lẽ cả đến chuyện này người ta cũng tính toán từ trước. Bởi vì chính lúc ấy mấy người đao phủ đã sẵn sàng cầm sào đứng dậy. Hai kẻ tử tù đã thoát ra khỏi cọc, nhưng chân tay vẫn bị trói, thế mà họ vẫn bơi được. Họ cố bơi vào bờ, nhưng khi gần đến bờ, thì những đao phủ áo đỏ lại đẩy họ ra xa.
Nhìn hai người đàn ông tuyệt vọng đang cố bám lấy cuộc sống lòng bà Khiêm chợt xao động khó tả. Một người thì nằm ngửa cố dựa vào cái cọc, cố nằm xa những con sào để khỏi bị đẩy đi đẩy lại. Còn một người kia thì cố bơi vào bờ, nhưng vào bờ sao được khi tay chân còn bị trói, và đằng trước mặt anh ta là một cây sào và người đao phủ áo đỏ đang dứ dứ. Sao anh ta không tự chết đi mà còn cố ngoi lên mặt nước làm gì cho đến nỗi như thế này. Kìa! Cặp mắt anh ta! Anh ta bị khoá mồm nên nói bằng mắt. Đôi mắt cầu xin. Đôi mắt van lơn. Như đôi mắt của một con vật đang hấp hối cố nhìn người chủ. Đôi mắt trắng dã, lờ đờ ấy chợt làm bà phủ Khiêm thấy nôn nao trong lòng. Tự nhiên ruột gan bà cuộn hết lên. Hoa mắt. Buồn nôn.
Bà phủ vội vàng rẽ đám quan lại chạy ra ngoài vòng người. Bà nghĩ: Sao các người không giết ngay anh ta đi mà lại làm như thế. Ta biết rồi. Đằng sau mấy người áo đỏ, còn bọn lính đang cầm những cây giáo. Họ chỉ muốn hai người tử tù kia vùng vẫy thật mạnh. Và rồi họ sẽ phi giáo xuống như ở thôn quê người ta vẫn cầm xiên đâm cá. Những con cá bị mắc xiên giãy đành đạch. Ý nghĩ ấy làm đầu óc bà chợt quay cuồng. Bầu trời chòng chành.
Bà vội ngồi xuống bờ cỏ, quay lưng lại đám người. Bà cũng cảm ơn đám người đó vì họ im lặng. Im phăng phắc. Ừ! Im là phải chứ. Nhưng đám người cũng không im mãi được. Bỗng nhiên họ ồ lên một tiếng, họ à lên một tiếng. Mỗi tiếng kêu ấy bà lại thấy nhói ở trong lòng. Bà biết mỗi tiếng ồ ấy là một mũi giáo lao xuống. Bà không còn kịp nghĩ nữa khi toàn thân bà rung lên. Rồi ruột gan lộn tùng phèo chao đảo, mắt tối sầm. Bà cúi xuống và nôn thốc nôn tháo. Nôn đến mức bà kiệt sức phải nằm lăn ra cỏ và không biết gì nữa. Một lúc sau bà chỉ nghe loáng thoáng tiếng ông phủ. Ông lay và gọi:
“Mình ơi! Mình tỉnh lại đi.”
2.
Bà phủ Khiêm ốm mất đến nửa tháng mới khỏi. Ông phủ Khiêm hỏi vợ:
“Bà ra sao mà tự nhiên lại ngã bệnh nhanh làm vậy?”
“Tự nhiên thiếp thấy nôn nao. Thấy trong người nhộn nhạo như bị khuấy lộn lên. Nôn mửa rồi thiếp đi. Thấy có người ăn mặc phẩm phục như một vị quan đến bảo: ‘Phu nhân là người tích đức. Nhìn cái cảnh ấy làm gì. Chẳng hay đâu. Tránh xa nó ra’”.
“Thì ra phu nhân được thần nhân đưa đi để tránh khỏi phải tham dự vào những cuộc hành hình ghê người. Tôi cũng phải cảm ơn nàng. Vì nhờ nàng ốm, tôi được quan tuần phủ miễn cho việc đi tổ chức các cuộc hành quyết.”
“Kể ra họ cũng thật đáng thương. Nhiều người tôi biết rất rõ họ chẳng có tội gì đâu.”
“Đã đành là vậy. Người dân đạo thấp hèn chỉ biết làm ăn. Nhưng người Tây Dương muốn lợi dụng họ. Còn nhà vua thì phải có uy. Chỉ có dân đen là khổ. Còn mình làm quan biết họ đáng thương, song vua sai thì phải làm. Sao cưỡng được luật vua ban. Mà này... Lạ thật!... Tôi lại thấy bác Vũ Huy Tân có mặt ở dinh quan tuần phủ."
"Bác ấy đến đó làm gì?"
Ông phủ trầm ngâm.
"Bác Tân là người cứng cỏi. Chắc bây giờ nhà vua cứng cỏi với người Pháp nên bác ấy lại ra giúp. Chưa có chỉ dụ vua ban, bác ấy cũng ra. Chẳng là ông trấn thủ đầu tỉnh và bác ấy là bạn cùng khoa."
Hai vợ chồng đang nói chuyện thì có tiếng to ngoài ngõ. Bà phủ Khiêm ra xem rồi dẫn một người đàn ông trạc gần ba mươi và một đứa nhỏ vào. Ông phủ còn chưa biết đầu đuôi câu chuyện ra sao, người đàn ông quần áo rách rưới đã quỳ xuống lạy:
"Bẩm quan lớn rón tay làm phúc, cứu chúng con."
Ông phủ từ tốn:
"Có chuyện gì oan khuất anh cứ từ từ nói ra. Giúp được người ngay thẳng là tôi sẽ làm."
"Con không có điều gì oan khuất. Chỉ xin quan ông quan bà rón tay làm phúc. Con biết con là kẻ có tội.”
“Đã là kẻ có tội thì ta giúp làm sao được.”
“Dạ bẩm, con là giáo dân. Theo lời các quan thế là con có tội.”
“À, ra thế.” - Quan còn suy nghĩ thì người dân kia kể lể.
“Cả nhà con đi phân sáp đã chết cả rồi. Chỉ còn con và thằng bé này vắng nhà hôm triệt hạ làng nên còn sống sót. Khi về nhà nhìn thấy chỉ còn đống tro tàn, con sợ quá mang thằng bé trốn biệt. Chúng con ẩn nấp trong ruộng cói, rừng sú ven biển. Đói thì bắt con cua con tôm ăn sống. Dựng một túp lều trên đám đất cao để ở. Định sống qua ngày, chờ lúc hết chuyện tố đạo thì về... Ai dè thằng bé mấy hôm nay sốt quá. Con biết nếu cứ gan ở trong rừng sú thì thằng bé sẽ chết... Vì sắp đến mùa mưa bão. Con đánh bạo mò về. Người ta bảo vợ chồng quan là người nhân đức. Xin quan hãy cứu lấy thằng bé... Còn con, con xin nhận tội, con là người bên đạo, con xin vào ngục. Chỉ mong quan cứu lấy thằng bé.” Ông phủ Khiêm gật đầu:
“Thế thằng bé là con anh sao?”
“Dạ, không phải. Nó là con người anh. Cả nhà hạ dân chỉ còn sót lại mình nó.”
“Tên nó là gì?"
"Dạ, tên Liên ạ."
"Còn anh tên gì?"
"Dạ, con là Cam."
*
Hôm sau, Cam lên quan đầu thú. Còn thằng bé Liên thì được cô Ngát tức bà phủ Khiêm chữa cho lành bệnh rồi đưa về làng Cổ Đình nhờ họ hàng nuôi giúp. Nó là Liên nhưng vì ăn nói láu táu nên dân làng gọi nó là Liến cho tiện.
Một hôm, ông phó bảng Vũ Huy Tân đến nhà chơi. Đôi bạn lâu ngày mới gặp mặt, mừng rỡ. Phủ Khiêm sai người nhà bày tiệc rượu. Đã ngà ngà say, Vũ Huy Tân bảo:
"Bác biết đấy, tôi là người không nhận được chữ hoà. Tôi với người Tây Dương là không đội trời chung. Cho nên khi đức vua ra lệnh phân sáp người tả đạo tôi tán thành ngay. Vua chưa ban chỉ dụ nhưng tôi đã tới ngay quan tuần phủ xin giúp việc. Ông ấy với tôi là người cùng chí hướng."
Phủ Khiêm biết tính bạn là người cương trực, ông cười:
"Chắc bác muốn hỏi cái chí hướng của tôi thế nào phải không? Sao lại thế? Chúng ta đều là người học đạo thánh hiền...”
“Cùng là người học đạo thánh hiền cả, thế mà có người hoà, người chiến.”
Phủ Khiêm nhẹ nhàng từ tốn:
“Các bác là người quân tử. Các bác là những hòn núi cao; còn tôi, tôi chỉ làm một chức quan nhỏ...”
“Quan nhỏ hay quan to đều theo đạo thánh hiền. Mà đạo thánh hiền là đạo học làm người quân tử...”
“Tôi chưa nói hết. Ý tôi muốn bảo có nhiều cách thi hành đạo cả...”
Vũ Huy Tân tợp một chén rượu đầy, lúc này mới nói ra tâm sự.
“Bác biết không, tôi có chút lo lắng nên mới phải từ trên tỉnh lặn lội về đây thăm bác.”
“Lo lắng gì? Xin bác cho biết.”
“Chẳng là cái hôm hành hình bọn tả đạo, bác gái bị ngất, có đúng thế không? Sau đó ốm to.”
“Vâng, có thế thật. Tiện nội hôm ấy phải cảm...”
“Cảm ư? Người ta nói khác cơ...”
“Thưa, họ nói làm sao?”
Vũ Huy Tân gật gù ngẫm nghĩ mãi rồi bảo:
“Họ nói rằng... Chính bà ấy là người theo đạo Gia Tô. Bà ấy thấy đồng đạo bị giết... nên... không chịu nổi...”
“Trời ơi! Có chuyện ấy sao. Chính bác, bác cũng biết nhà tôi có theo đạo đó đâu...”
“Người ta còn có đơn tố cáo bác nuôi một đứa trẻ con nhà tả đạo?”
“Điều ấy thì có. Nhưng đức vua chẳng ra lệnh phân sáp, cho nhà bên lương nuôi trẻ con bên đạo để cải đạo nó đi hay sao.”
“Người ta còn tố cáo bác đã nói rằng: ‘Bắt bước qua cây thánh giá là quá quắt. Có ai bắt chúng ta bước qua bàn thờ tổ tiên, ta có chịu không?’"
“Tôi không nói câu ấy bao giờ.”
“Thế thì bác phải chứng minh thôi. Chứng minh rằng bác không phải dân tả đạo.”
Hai vợ chồng phủ Khiêm, sau khi Vũ Huy Tân đi, nơm nớp lo sợ chờ tai hoạ giáng xuống. Quả nhiên, chỉ mấy hôm sau, có giấy triệu tập hai vợ chồng ông lên tỉnh.
Lòng họ tơ vò trăm mối khi đặt chân lên dinh quan tuần phủ. Quan tuần ngồi trên sập ở giữa sảnh đường, hai bên có lính cắp gươm đứng đầu, có thị vệ phe phẩy quạt lông trĩ, có thị nữ hầu trà thuốc. Trước sảnh đường dưới sân, hai bên có hai chậu cảnh lớn trồng cây to uốn hình hai con hạc đứng chầu.
Bà phủ Khiêm để ý, ở dưới sân gạch bát tràng, giữa hai con hạc, giáp ngay bậc thềm bước lên vẽ hình cây thánh giá bằng vôi trắng. Bà phủ và cả ông phủ Khiêm cũng hiểu ngay vấn đề. Đây là bước kiểm tra đầu tiên. Họ không dám đưa mắt nhìn nhau, mà cứ thản nhiên bước qua cây thánh giá lên bậc thềm rồi vào sảnh đường kính cẩn thi lễ. Quan tuần phủ cười khà khà giọng xuề xoà:
“Ông bà phủ đã lên đấy ư. Tôi nghe người ta bảo ông nói rằng bước qua cây thánh giá là việc quá quắt cơ mà.”
“Thưa đại quan” - ông phủ trả lời bằng giọng nhỏ nhẹ nhưng bình tĩnh. “Hạ quan chẳng qua chỉ là một chức quan nhỏ, đêm ngày cần cù làm việc cho thánh thượng, nói một lời nhỏ cũng phải cân nhắc kỹ, học tập các hiền nhân cử chỉ nói năng phải cẩn trọng như người đi trên băng mỏng, dám đâu nói những lời sàm sỡ như vậy. Kính mong đại nhân xem xét.”
“Ừ, ông nói cũng đúng. Và lúc nãy hai vợ chồng đi qua cây thánh giá cũng chứng tỏ được lời nói. Tuy nhiên việc ông bà nuôi một đứa trẻ đi đạo. Việc ấy có đúng không, hay ông lại cãi là lời vu cáo.”
“Dạ, việc ấy thì có thật. Hạ quan không dám cãi. Song le, việc ấy hạ quan làm đúng theo chỉ dụ của đức hoàng thượng. Nhà vua thương xót những kẻ lầm đường lạc lối đã truyền đem trẻ con bên giáo, giao cho những gia đình bên lương nuôi dạy, để khi lớn lên, chúng xa rời con đường tả đạo. Vả lại, không phải nó là con nuôi của vợ chồng hạ quan. Chúng tôi chỉ đem chúng về quê cho người họ hàng nuôi.”
“Thế đem nó về đâu?”
“Dạ, về xã Cổ Đình, huyện...”
“Thôi được! Việc này rồi sẽ tra xét. Tuy nhiên có một điều quan trọng nhất tôi muốn hỏi: đó là, ông có theo đạo Gia Tô không?”
“Điều đó không có, xin đại nhân minh xét.”
Viên tuần phủ ngọt ngào gặng hỏi:
“Ông đừng sợ. Cứ phải nói thật. Chắc ông đã rõ chỉ dụ của nhà vua. Quan lại kẻ nào theo đạo Gia Tô, biết hối cải mà ra tự thú tự nguyện bỏ tả đạo thì tha cho. Còn như những kẻ ngoan cố, sau khi tra xét mà phát giác ra thì cách chức rồi khép vào tội ‘giảo giam hậu’ phải thắt cổ mà chết...”
“Xin đại quan minh xét. Chắc đây là lời đố kỵ vu cáo. Hạ quan xin bảo đảm trong gia đình nhà mình không có một người nào theo đạo. Nếu sai, hạ quan xin chịu tội chết."
Phó bảng Vũ Huy Tân lúc đó cũng ngồi ở công đường xen vào nói vài lời giúp bạn:
"Thưa ngài trấn thủ, tôi vốn có quen bác cử Khiêm. Đúng trước đây gia đình bác Khiêm không có ai đi đạo."
"Quan phó bảng nói vậy là tốt cho ông rồi. Tuy nhiên, việc này hệ trọng không thể sơ sài. Quan phó bảng nói trước đây, nhưng còn hiện nay thì sao. Các giáo sĩ Tây Dương họ thâm hiểm lắm. Triều đình cũng đã điều tra được một số người trong quan lại ngấm ngầm theo đạo Gia Tô, ngấm ngầm chờ người Tây Dương đem quân tới. Thôi được! Việc của ông đã rõ được quá nửa phần. Song còn phải tra xét thêm cho thật rõ ràng. Tôi thiết nghĩ, làm như thế chỉ thuận lợi cho ông thôi. Người quân tử lòng dạ minh bạch như ban ngày..."
Việc điều tra kéo dài hơn một năm. Hai vợ chồng lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Trong thời gian tố đạo ấy, con người trở nên quá khích. Người nào cũng muốn tỏ ra trong trắng không dính líu, thành thử trong lúc phủ Khiêm bị ngồi chơi xơi nước, đồng liêu chẳng ai dám đi lại. Chỉ riêng Vũ Huy Tân năng đi lại hơn trước. Ông không sợ hãi gì cả. Ông có tiếng là người chủ chiến ghét Tây, ghét cả cái đạo của Tây. Người ta bảo: "Đến vua định chủ hoà ông vẫn dám chỉ trích, thì ông ta còn sợ cái gì". Nhiều kẻ ghét ông muốn hãm hại song chẳng làm nổi. Ông còn dám nói thẳng vào mặt họ:
"Con người ta hơn nhau, chỉ đến khi nước sôi lửa bỏng mới rõ. Quân tử ư? Tiểu nhân ư? Chúng ta vỗ ngực là người quân tử, nhưng nhiều khi ta hành xử chẳng khác gì loài chó lợn. Riêng tôi, tôi vẫn dám đi lại với bác Khiêm vì tôi biết rõ lòng dạ bác ấy. Tôi không muốn làm người vô nghĩa."
Quả nhiên, một năm sau, cử Khiêm được minh oan. Tuy nhiên, triều đình cũng không tín nhiệm ông như xưa. Ông thôi chức tri phủ, mà được cử đi làm giáo thụ ở một phủ khác. Mọi người thấy thế ái ngại cho ông bị giáng chức, riêng ông, ông lại thấy thích. Chăm sóc việc học hành cho dân một phủ, ông thấy việc đó rất có ích. Lương bổng tuy bị kém nhưng ông chẳng lo lắm vì hai vợ chồng vẫn chưa có con, và bà vợ lại là người đảm đang tháo vát. Bà Khiêm vốn có nghề canh cửi. Bà dựng lên mấy cái khung cửi, rồi bà cùng người làm lách cách suốt ngày. Ông giáo thụ nghe tiếng thoi lại lấy làm vui. Học trò loại khá trong vùng đến trường quan giáo thụ xin học rất đông. Cử Khiêm nói với học trò:
"Người học trò phải giữ cho được tấm lòng son. Lòng son với vua với triều đình. Lòng son với dân với nước. Đó là điều cốt tử của nhà nho trong thời buổi này."
Rồi:
"Việc có thị có phi. Muốn xét đoán việc, phải lấy tấm lòng son với xã tắc làm chuẩn mực. Cái gì trái với điều ấy thì không làm."
Rồi:
"Ngòi bút có chính có tà. Đại để, muốn chẳng tà thì cũng phải lấy tấm lòng son ra mà xem xét."
Một bận, phó bảng Vũ Huy Tân, khăn gói trên vai đến gặp cử Khiêm, nói riêng với bạn:
"Đức vua chúng ta là người không quyết đoán nay chiến, mai hoà. Sát bọn tả đạo quyết liệt đến như thế, mà nay lại thay đổi rồi. Bọn Tây thì luôn đe doạ, đẩy nhà vua lui từng bước, rồi lấn dần từng bước."
Ông thở dài:
“Miền Nam thế là hoàn toàn rơi vào tay chúng rồi. Trước sau, bọn Tây cũng đánh ra Bắc.”
“Biết làm sao bây giờ?”
“Giặc cướp nổi lên tứ tung. Quan lại thì tham nhũng chỉ lo vét cho đầy túi tham. Còn giặc đang sắp đến nhà. Tôi nghĩ đất nước chỉ còn trông mong vào người nho sĩ chúng ta...”
“Tôi phải làm gì bây giờ?”
“Bác làm giáo thụ là cái may. Phải giữ vững chí khí cho người học trò. Cánh học trò mà vững mới làm cho dân biết cần phải làm gì?”
“Thế còn bác?”
“Tôi cũng ra đi. Tôi cũng trở về làng Cổ Đình làm thầy dạy học. Khó mà tin được đám quan lại. Như ông tuần phủ, quan trấn thủ, bạn tôi, hôm nay, vua Tự Đức nói khác, thế là ông ta lại có giọng lưỡi khác rồi. Tôi đành phải rời bỏ ông ta. Bác ở lại, cố giữ lấy cái trường học, và cẩn thận giữ mình. Sau này, những người trung thực như bác rất cần cho dân.”
Lời tiên đoán của Vũ Huy Tân chỉ mấy năm sau đã thành sự thực. Năm 1873 (Quý Dậu), Francis Garnier hạ thành Hà Nội bằng một dúm quân. Chỉ có mấy người lính Pháp cũng hạ được thành Nam Định. Trước đây, bà Khiêm thương xót cho số phận người công giáo trong cuộc phân sáp long trời lở đất. Còn hôm nay, bà Khiêm lại được trông thấy những người công giáo theo Tây đến đốt phá những làng bên lương. Cũng may, chỉ mấy hôm sau Francis Garnier bị giết ở Cầu Giấy nên quân Pháp phải rút đi.
Lúc này quan cử Khiêm mới có cơ hội chứng nghiệm cái luận thuyết tấm lòng son của mình. Ông kết luận: ở người công giáo lúc ấy, có thiên hướng tà nhiều hơn. Khi mọi việc trở về nề nếp cũ, cử Khiêm khi dạy ở lớp học, lại tiếp tục giảng cho học trò của mình lòng trung trinh với dân với nước, và tấm lòng son của người nho sĩ khi quốc gia lâm sự. Người công giáo thời ấy, không được đi thi, không được ra làm quan, đến cả chức xã trưởng thấp nhất họ cũng không được làm, tuy nhiên vẫn có một số học trò học chữ thánh hiền, họ học chỉ để cho biết. Trong lớp của ông cử Khiêm, cũng có mấy học trò giáo dân. Sau cái hôm ông hùng hồn nói tới tấm lòng son, và ông lại nhìn về phía những học trò bên giáo mà nói, thì đám học sinh giáo dân hôm sau bỏ học hết.
Năm Nhâm Ngọ (1882), Henri Rivière hạ thành Hà Nội lần thứ hai. Henri Rivière lại bị chặt đầu ở Cầu Giấy giống như số phận Francis Garnier. Song lần này người Pháp không trả lại đất cho ta nữa. Họ quyết định chiếm Bắc Kỳ. Nam Định bị quân Pháp chiếm đóng. Vũ Huy Tân gửi thư cho cử Khiêm:
Bác hãy làm trọn nghĩa vụ trung với nước của người nho sĩ. Bất đắc dĩ, nhưng chúng ta phải đành gác bút nghiên và cầm đao kiếm. Chúng ta cần mộ quân cứu nước...
Cử Khiêm, cũng như rất nhiều nhà khoa bảng thời đó, đã tập hợp nghĩa binh đánh Pháp. Sự thực, họ chỉ có tinh thần yêu nước và chí quả cảm. Vũ khí của họ là giáo mác. Nghĩa binh lại không biết gì về quân sự. Đó là những toán quân đùng đùng nổi giận, nhưng ô hợp. Tuy nhiên, họ cũng giết được giặc, và cũng làm cho quân địch lúng túng. Chỉ hơn một nghìn quân Pháp, không đủ để đàn áp và chiếm đóng. Lúc bấy giờ, người công giáo nổi lên, đi lính tập cho Pháp, và họ cũng tập hợp thành những đám đông chống lại nghĩa quân.
Cử Khiêm, một vị quan nhẹ tay với người công giáo nhất, lúc này cũng trở thành kẻ thù một mất một còn của người đi đạo. Trong một trận giao tranh giữa nghĩa quân và đám người tả đạo có lính Tây yểm hộ, cử Khiêm đã bị bắt.
Một người học trò cầm đầu đám công giáo, trước kia đã học cử Khiêm, hét to lên:
“Để xem tấm lòng son của lão cử Khiêm nó hình thù thế nào?”
Cử Khiêm cười nhạt bảo:
“Nếu ta không lầm, anh đã theo học trường của ta được một năm thì phải. Chẳng lẽ công ta dạy dỗ mà đầu óc anh chẳng mở ra chút nào sao?”
Người học trò đáp lại:
“Tôi học ông chỉ cốt hiểu các ông, để diệt các ông. Chung quy, tôi chỉ muốn xem tấm lòng son của các ông ra sao.”
Thấy cử Khiêm im lặng, hắn cười rồi chuyển giọng nói ngọt ngào:
“Dù sao tôi cũng là học trò của thầy. Lúc nãy, tôi có nóng và nói năng thất thố. Thầy tha lỗi cho. Nhưng tôi khuyên thầy nên nhìn rõ sự thật. Nước Nam không chống lại được người Pháp đâu. Thầy nên hàng người Pháp. Tôi biết thầy có lòng nhân hậu. Chính vì vậy, thầy mới bị vua nước Nam hiềm nghi và giáng chức. Các quan Pháp bảo tôi nói với thầy, nếu thầy xin hàng, nhà nước Pháp sẽ trọng dụng.”
Cử Khiêm cười, điềm tĩnh:
“Nếu được như vậy cũng tốt đấy. Ta cảm ơn anh. Và để cho ta suy nghĩ thêm, các anh có thể mang ra đây cho ta chiếc mâm, và nậm rượu. Ta đói bao ngày nay rồi."
Người học trò giáo dân mừng rỡ, liền bưng mâm rượu ra. Cử Khiêm bỏ hết đồ nhắm ra ngoài và bảo:
"Những thức này không cần. Chỉ cần nậm rượu thôi, ta đã có thức nhắm rồi."
Khi cái mâm đã trống trơn trước mặt, ông từ tốn rót chén rượu ra chén khà một ngụm. Tiếp đó, ông lần túi áo lấy ra một vật tròn. Tưởng thức nhắm đặc biệt gì hoá ra chỉ là một đồng chinh sáng loáng. Các ông nho sĩ gàn thường chỉ nhắm rượu với ổi xanh, có người nhắm với cái đinh rỉ. Ông này khác người, lại nhắm rượu với đồng xu. Ông cử gạt cái áo the sang bên rồi thò tay vào bụng. Tưởng rằng rượu vào, nóng nên ông gãi. Không ngờ sột một cái. Mọi người chưa hiểu ra sao đã thấy máu đỏ lòm ùa ra chiếc quần trắng. Thì ra đó là một đồng chinh mài sắc. Cử Khiêm đã dùng đồng chinh đó rạch bụng mình ra.
Mặt tái đi, nhưng cử Khiêm vẫn ngồi nghiêm chỉnh. Và qua vết rạch, ruột trắng hếu từ trong bụng phòi ra. Cử Khiêm còn kịp đưa đống ruột của mình ra cái mâm và nói:
"Ngươi muốn xem tấm lòng son của ta phải không? Nó đây này. Nó đầy trên mâm đồng rồi đấy..."
Chỉ nói được một câu, cố gượng nhưng không được, cử Khiêm ngã vật xuống trước con mắt khiếp hãi kính nể của mọi người.
3.
Về cái chết của ông cử Khiêm, trên đây chỉ là cách kể thứ nhất. Còn cách kể thứ hai, nhiều tình tiết hơn, có lẽ là cách kể huyền thoại hoá trong dân gian.
Người ta nói rằng, từ khi còn ở phủ, ông Khiêm đã luôn mài sáng ba đồng chinh. Ngày nào cũng mài thành thử những đồng chinh mỏng quẹt như tờ giấy. Bà cử hỏi để làm gì. Ông bảo để bói dịch. Và ông còn giảng giải cho bà cách lấy quẻ không bằng cỏ thi mà bằng ba đồng chinh. Ông cử mê bói dịch, bất cứ làm việc gì quan trọng một chút, ông cũng bói dịch.
Cái hôm ra trận định mệnh ấy, ông cũng bói. Nhận được quẻ, ông hơi biến sắc, song người ta hỏi, ông cũng không nói gì cả mà chỉ điềm nhiêm cất mấy đồng chinh vào chiếc áo cánh mặc trong.
Khi bị bắt, ông là người cầm đầu, lại đã làm đến chức tri phủ nên người ta đóng cũi giải về Hà Nội. Lúc đó Nguyễn Hữu Độ làm phó khâm sai. Ông này hay lấy lòng người Pháp nên được người Pháp tin dùng. Nguyễn Hữu Độ giữ cử Khiêm ở trong dinh và lấy lời ngon ngọt ra dụ dỗ. Cử Khiêm không nói gì, bảo còn suy nghĩ. Một buổi sáng, cử Khiêm bảo hôm nay ta thích ăn món lòng giấm. Cử Khiêm thường không yêu cầu gì, nay lại đòi món ăn, Hữu Độ mừng tưởng rằng Khiêm đã mềm lòng. Lúc người nhà mang mâm lên, Khiêm gạt ra tất mà bảo:
"Hôm nay, chính tôi sẽ đãi quan khâm sai bữa lòng giấm, mà lòng của tôi ngon hơn, trắng hơn, tươi hơn, chứ không như thứ lòng của quan khâm sai, nó bốc mùi hôi lắm."
Nói đoạn, ông cũng lấy đồng chinh mài mỏng và rạch bụng, bày cỗ lòng trắng phau, đầy máu me, còn phập phồng trên chiếc mâm đồng.
Nguyễn Hữu Độ thất kinh, gọi bác sĩ đến cấp cứu song không kịp.
Lúc ông cử Khiêm mất, bà cử mới chừng ba sáu tuổi. Ông cử đã năm mươi. Hai vợ chồng hiếm hoi quá lấy nhau đã hai chục năm mà bà cử vẫn trơ trơ, gọn ghẽ như con cá rô đực. May thay, ở tỉnh Nam có nhiều đền, nhiều phủ. Bà cử đi lễ ở Quán Cháo Đền Dâu, đền Sòng rồi cầu tự ở Phủ Giày. May mắn thay cuối cùng bà hoài thai và sinh quý tử. Ông bà cử sung sướng vô ngần, nâng niu cậu ấm như hòn ngọc quý. Cậu ấm được hai tuổi thì xảy ra tai hoạ.
Người tâm phúc đến nhà giao cho bà ba đồng tiền mài và nói:
"Cụ cử dặn dò về nói với bà rằng: dù tao loạn, dù cực khổ thế nào bà cũng cố sống và nuôi cậu ấm thành người. Còn ba đồng tiền này là để nhắc nhở cậu ấm phải cố gắng nuôi chí phục thù cứu nước."
Có lẽ ông cử đã biết tâm tính bà cử là người quyết liệt. Nếu không có lời trăng trối nuôi con, có thể bà sẽ theo ông sang thế giới bên kia. Ông biết bà là người cũng giống ông, có thể rạch bụng mà chết theo người tri kỷ.
Bà cử cũng có ý định ấy thật, song vì thương con, vì có lời trăng trối của chồng, bà quyết định không chết nữa, và sẽ bám lấy cuộc sống dù bằng giá nào để nuôi con. Trong thời nhiễu loạn, bà biết mình còn đẹp, dễ là mồi cho những kẻ sói lang. Vì thế, bà phải ăn mặc rách rưới, bôi mặt cho nhem nhuốc, để tóc rối hàng tuần không chải, rồi cõng con trốn về quê nhà.
Người Pháp đã dễ dàng chiếm được đồng bằng và trung du. Chỉ còn miền núi là nơi quân Cần Vương ẩn náu, là nơi giặc Cờ Đen hoành hành, là nơi quân Tầu cũng tràn sang đánh phá.
Ở những vùng đã chiếm được, người Pháp tìm mọi cách để bình định, để đàn áp sao cho một mầm mống chống đối cũng không sót lại. Những người liên quan với những kẻ chống đối đầu sỏ cũng phải bắt. Như vậy, tức là bà cử sẽ phải vào nhà ngục. Ngoài việc liên quan, ở tỉnh Nam người ta còn tố cáo khi ông cử chiêu mộ binh sĩ chống Pháp, bà cử cũng tham gia bàn mưu tính kế với chồng để sát tả, nghĩa là đàn áp người theo đạo Thiên chúa. Điều này ngược hẳn với tính cách của bà cử, nhưng ở thời nhiễu loạn, con người có thể vu cáo cho đồng loại những điều họ không làm. Không hiểu sao, những lúc như vậy, con người cứ thích bức hại đồng loại của mình cho đến chết. Hay là tại những lúc ấy xã hội rồ dại, thì con người cũng rồ dại theo. Hay là bởi vì những lúc bình thường con người vốn nhỏ bé, bây giờ gặp thời họ bỗng thấy lớn lên, họ bỗng cảm thấy quyền uy. Họ muốn chứng tỏ quyền uy ấy, họ muốn xoá bỏ mặc cảm nhỏ bé của mình. Và muốn thể hiện quyền uy, không gì bằng bức hại con người cho đến đường cùng. Hay là, tại vì bản chất con người vốn ác, và khi cái ác được phép xổng chuồng, nó đã biến thành kẻ sát nhân.
Người đàn bà hiền dịu ấy rên lên vì không hiểu sao mình bị đối xử như vậy. Bà không dám ở trong làng nữa, bà ôm con trốn vào trong rừng ở trong hang đá.
Ông Vũ Huy Tân đang luồn lỏi trong rừng quần nhau với địch nghe tin phải viết thư về Cổ Đình cho các học trò:
"Các anh phải tìm mọi cách để cứu bà cử Khiêm, đồng thời cứu giọt máu cuối cùng của họ Phùng. Ông cử Khiêm là tấm gương lẫm liệt cho chúng ta noi theo. Phải tìm mọi cách cứu gia đình ông, để khỏi thẹn với vong linh ông ở dưới suối vàng."
Đám học trò của ông phó bảng, lúc đó, chỉ còn tiên chỉ Nhậm và tú Cao ở làng. Tuy nhiên, lúc đó, họ trẻ quá. Hai người chưa nghĩ ra kế gì, chợt tú Cao sực nhớ tới Liến. Liến chịu ơn bà cử, lại chịu ơn cả họ Vũ Xuân nên mới sống sót đến bây giờ. Tú Cao đến đồn điền gặp Liến và kể lể sự tình. Liến theo đạo nhưng là người có nhân có nghĩa. Anh bảo:
“May quá! Để em về hỏi chú trưởng Cam. Chú em cũng dọn ở dưới Nam lên đây rồi. Ngày xưa, chính chú em đã đến lạy ông bà cử nên em mới có ngày nay.”
Ông trưởng Cam là người, hồi phân sáp, đã phải trốn trong rừng cói và đã được cử Khiêm cứu giúp. Trưởng Cam còn là người theo lệnh cha Puginier đi tìm xác và đầu Henri Rivière ở Cầu Giấy. Bây giờ, ông ta có thế lực, lại có công với người Pháp, có công cả với nhà thờ. Ông trưởng Cam là người đạo gốc. Tổ tiên ông, hồi nhà Lê, bị bệnh nan y, được các cố đạo cứu sống. Cụ tổ cảm ơn cứu tử đã xin theo đạo Thiên chúa. Đến đời Cam, người thanh niên ấy, trong lúc triều đình cấm đạo ngặt nghèo, đã đào hầm bí mật dưới đất nuôi cha Colombert suốt mấy tháng trời. Bởi thế, có thể nói, đối với người Pháp, trưởng Cam có thể yêu cầu điều gì, nhà nước bảo hộ cũng giúp đỡ.
Nghe Nhậm và tú Cao trình bày chuyện bà cử Khiêm, ông Cam nói rằng:
“Ơn ông cử bà cử hết đời tôi cũng chẳng quên. Tuy nhiên, tôi lại chẳng thạo những công việc ngoài đời. Nhưng tôi xin tìm mọi cách giúp đỡ, mà cũng là để trả cái ơn sâu nặng.”
Ông trưởng Cam tìm đến cha Colombert.
Cha Colombert là một ông già ngoại năm mươi. Hơi đậm người, hơi chậm chạp vì tuổi tác, song có một gương mặt hồng hào rất hiền lành phúc hậu. Đức giám mục Puginier một hôm bảo cha:
“Tôi biết cha tuổi đã cao. Cha đã làm được nhiều việc đạo tốt lành. Tôi không muốn phải bổ nhiệm cha đến một nơi còn khó khăn. Nhưng Cổ Đình cần một con người nhiều kinh nghiệm và tốt bụng như cha.”
Cha Colombert vui vẻ nhận lời ngay. Ông chỉ xin đức giám mục cho ông trưởng Cam đến làng Cổ Đình cùng cha. Colombert có nhiều kỷ niệm gắn bó với trưởng Cam, thậm chí chịu ơn Cam. Ông muốn Cam ở gần mình lúc tuổi già. Cha coi ông Cam, ngoài chuyện là người đồng đạo, còn như người thân trong gia đình của mình.
Nghe trưởng Cam kể lể đầu đuôi, cha Colombert nói ngay:
“Lòng xót thương kẻ khó của Chúa là vô hạn. Thấy ai gặp cảnh đau khổ là người Công giáo chúng ta phải giúp ngay. Huống hồ gia đình ông cử Khiêm lại là ân nhân của ông. Để tôi lên Hà Nội hỏi xem.”
Ông đến toà giám mục. Đức ông giám mục trả lời:
“Việc này thật là khó. Bên quân sự họ vẫn than phiền là nhà thờ chúng ta can thiệp quá sâu vào việc đời. Họ bảo chúng ta muốn tách rời giáo hội khỏi sự chỉ huy của chính quyền bảo hộ. Họ có biết đâu rằng không có nhà thờ ở xứ Bắc Kỳ này, thì chính quyền bảo hộ vững sao được. Tôi không muốn phải cầu xin họ...”
Thấy cha giám mục có ý chối từ, Colombert nằn nì:
“Xin đức cha nghĩ giùm. Tôi cho rằng vẫn còn cách.”
“Thế người đàn bà ấy địa vị ra sao?”
“Bà ta là vợ một vị khoa bảng, nói chung lại, một bà quan. Bà ta được dân họ Vũ Xuân ở Cổ Đình rất kính trọng. Vả lại, bà ta còn có công với đạo ta. Là ân nhân của ông trưởng Cam, một người uy tín của xứ đạo Cổ Đình. Nếu không có bà thì nhà ông trưởng Cam tuyệt giống nòi. Mà như cha biết đấy, dù là người theo đạo, người dân xứ này vẫn rất coi trọng việc nối tiếp nòi giống của mình.”
“Ông trưởng Cam này là người thế nào nhỉ?”
“Ông là người đạo gốc. Đã giúp việc đạo rất nhiều. Bị bắt hồi phân sáp. Đáng lẽ triều đình An Nam đã giết. May nhờ ta chiến thắng họ phải ký hoà ước và cam đoan không cấm đạo. Mà cha có nhớ cái người đi tìm xác ngài thiếu tá Henri Rivière không? Chính ông Cam này đấy...”
“Chuyện ấy thì tôi nhớ. Muốn hỏi đến chuyện gia đình ông Cam cơ. Ông ta đã có vợ con gì chưa?”
“Ông ta chưa lấy vợ bao giờ.” - Cha Colombert chợt thở dài. “Khổ thân ông ta! Cứ một hình một bóng có lẽ đến hết đời. Bởi vậy bao nhiêu tình cảm ông Cam đều dồn hết cho cháu tên là Liến. Và chính bà cử Khiêm đã sai người nuôi dưỡng anh chàng Liến này... Thiết nghĩ cái ơn ấy của bà ta, giáo hội cũng nên đền đáp. Và đền đáp được thì cử chỉ ấy sẽ được dân Cổ Đình vô cùng tán thưởng. Rất có lợi cho uy tín của nhà thờ.”
Đức giám mục gật đầu:
“Tôi chịu thua sự biện hộ của cha rồi đấy. Đúng là chúng ta cần giúp người đàn bà này... Nhưng giúp bằng cách nào đây?... Nếu bà ta là giáo dân... thì tiện cho ta quá.” - Óc đức cha chợt lóe sáng – “Ừ nhỉ!... Sao ta chẳng nghĩ đến cách này... Thôi có cách rồi. Có phải đức cha bảo bà ta đã goá chồng? Và ông Cam lại chưa có vợ?... Đấy! Cách là ở đấy. Đúng rồi chúng ta sẽ ghép bà phủ Khiêm lấy ông Cam. Như vậy bà Cam là vợ ông chánh trưởng, một người đạo gốc. Và bà ta khi ấy sẽ là người theo đạo. Con bà ta rồi sau này cũng theo đạo. Lợi đủ mọi đường. Trong trường hợp này, nhất định nhà nước bảo hộ sẽ tha tội cho bà.”
*
Việc bà phủ Khiêm tái giá lấy ông trưởng Cam người công giáo được họ Vũ Xuân đem ra bàn lợi hại. Ông tú Cao buồn hẳn đi. Ông thấy thương cho cô út, người cô trẻ nhất, đẹp nhất mà ông hằng kính yêu. Cứ thấy thương cho cái kiếp má đào hồng nhan bạc mệnh. Nhưng liệu còn cách gì khác tốt hơn để cứu cô và em bé. Ông Vũ Xuân Nhậm lại thấy mừng trong dạ. Mừng song chẳng dám nói ra. Mừng vì bỗng dưng họ Vũ Xuân lại được tăng thế lực. Không cần đi đạo mà vẫn là thông gia với bên giáo. Mừng vì có lợi cho việc buôn bán gỗ của ông. Tay Liến làm việc ở đồn điền tiếng là do họ Vũ Xuân nuôi, nhưng nói chính xác là do chi Mạnh của họ Vũ Xuân trông nom. Liến có quan hệ với tú Cao, với Xuân Cỏn là chủ yếu. Nhậm muốn quan hệ với trưởng Cam và những mối quan hệ ở Hà Nội. Nhậm sẽ thừa dịp để làm việc họ cho tốt đồng thời cũng tạo thế cho việc buôn bán của mình.
Ông trưởng Cam trực tiếp đến gặp bà cử Khiêm:
“Thưa ân nhân, thực quả trong thâm tâm, tôi chẳng muốn đũa mốc lại chòi mâm son. Song, cha Colombert và chúng tôi nghĩ nát óc mà chẳng có cách gì khác. Xin ân nhân cứ yên lòng. Tôi tuy ít học song cũng biết điều hơn lẽ thiệt. Gia đình chúng tôi đội ơn ân nhân, công ấy nặng tựa núi cao, chỉ có phen này may ra mới đền đáp nổi. Nếu ân nhân muốn, chúng ta giả làm vợ chồng cũng được. Thực lòng, tôi ái ngại, làm việc này chỉ cốt cứu mạng ân nhân và cháu bé là điều chính.”
Bà cử Khiêm không nói gì cả, chỉ khóc tầm tã. Khi trưởng Cam đi khỏi, bà đến bàn thờ chồng, chít khăn tang quỳ lạy:
“Ôi thôi! Thiếp đã phụ chàng rồi. Đáng lẽ ra thiếp phải chết đi mới đền đáp được tình nghĩa vợ chồng. Song còn con chúng ta thì sao. Còn giọt máu cuối cùng của họ Phùng thì sao? Thiếp mà ra đi, ai sẽ nuôi nấng chở che cho nó...”
Khóc suốt một ngày một đêm trước ban thờ chồng, sau đó người ta không bao giờ thấy bà khóc nữa. Bà trở nên lặng lẽ, kiêu kỳ, cả ngày không nói một lời. Và lạ chưa! Bà càng lặng lẽ kiêu kỳ bao nhiêu, thì bà càng đẹp lên bấy nhiêu. Gương mặt trở nên bình thản. Con mắt trở nên trong veo. Thân hình thì gầy guộc đi nhưng thanh tú vô ngần, nhất là đôi bàn tay. Ở bà, không phải cái đẹp trần thế mà là cái đẹp thiên thần. Dân làng bảo: "Lạ nhỉ, cô Ngát từ khi tái giá lấy chồng bên đạo, cô càng đẹp hơn, mà lại giống như cái đẹp của Đức Bà".
Hôm động phòng, bà Khiêm trăm mối tơ vò. Bà là người từ bé sống trong nề nếp gia giáo, là người nhu mì, kín đáo. Bà sợ sự thô lỗ cuồng nộ. Sống với ông Khiêm, tính cách ấy càng được củng cố; bởi vì ông cũng giống bà, trong tình vợ chồng, tuy yêu quý nhau, nhưng họ rất trọng chữ lễ. Ngoài tình trai gái, ông còn coi bà như người tri kỷ, người bạn tâm giao. Đến nay, mặc dầu khi quyết định hôn nhân, bà đã suy nghĩ rất nhiều, thế mà lòng bà vẫn như mớ bòng bong và vẫn cứ tự trách thầm mình như đã có lỗi. Không biết ông ta thế nào? Hay là lại gặp một kẻ vũ phu? Liệu bà quyết định hôn nhân có đúng không? Nếu như gặp cảnh ngang trái thì sao? Họ là người công giáo, liệu họ có thực tâm như những lời hứa ngon ngọt? Liệu họ có mang mối hận thù, và cuộc hôn nhân này chỉ là sự giả tạo, và khi vào tay họ thì ta sẽ thành nạn nhân cho sự thù hận.
Lòng bà còn đang ngổn ngang như vậy, cánh cửa buồng bỗng kẹt mở. Ông trưởng Cam bước vào. Ông lại gần đĩa đèn dầu lạc khêu cho tỏ, rồi ngồi xuống chiếc ghế mây. Bà Ngát vẫn im lặng ngồi trên phản, hai chân thõng xuống đất. Câu nói đầu tiên của ông Cam là:
“Cầu Chúa ban phước lành cho ân nhân của tôi!”
Vừa nói ông vừa làm dấu. Bà Ngát vẫn không nói. Bà chăm chú nhìn ông. Khi xưa, người đàn ông mang đứa trẻ đến cầu xin vợ chồng bà giúp đỡ, bà không để ý kỹ đến anh ta. Bà chỉ biết mang máng là anh ta hơn tuổi bà và giọng nói, gương mặt thành thật và hồn hậu. Chỉ có thế thôi. Rồi khi được tin bà bị truy nã, họ hàng cầu cứu và anh ta xuất hiện, lúc này bà chỉ khóc và khóc. Bà còn bụng dạ nào mà chú ý đến anh ta nữa. Còn lúc này, trong căn buồng vắng vẻ chỉ có hai người, và tình cảnh đã khiến họ trở thành vợ chồng, thì bắt buộc bà phải chú ý đến.
Ông ta là một con người hơi cao gầy, tuổi đã trên bốn mươi, nét mặt hiền nhưng đăm chiêu, có thể nói buồn buồn. Gương mặt sáng sủa. Có lẽ ông ta cũng lúng túng cố tìm lời nói. Để xoá đi sự lúng túng ấy ông ta lấy cái điếu bát rít một hơi thuốc dài. Cái điếu kêu giòn tan phá sự im lặng, tạo không khí thân mật hơn. Ông ta không nhìn mặt bà, và nói bằng cái giọng như hồi hộp, cảm động.
“Thưa ân nhân. Tôi đã định là suốt đời ở một mình, chỉ làm công việc phụng sự Chúa. Việc hôn nhân này là ngoài ý định của tôi... Nhưng tôi phải làm việc này vì... Tôi vẫn tự hứa với mình: chịu ơn ai thì phải nhớ suốt đời... và tìm mọi cách mà đền đáp... Cứu được ân nhân là... lòng tôi mãn nguyện lắm rồi... Còn như tình vợ chồng... Tôi chẳng biết nói thế nào cho phải... Ừ... Nếu ân nhân có được điều tri âm thì... đi một nhẽ... Còn nếu ân nhân thấy mình bị xúc phạm... Thì xin người hãy yên tâm... chúng ta chỉ coi nhau như là bạn, là tình đồng loại thôi cũng được... Xin ân nhân chớ ngại ngần... đối với tôi được ân nhân coi là bạn đã tốt lắm rồi, đã thoả lòng tôi lắm rồi... Bởi vì... bởi vì...”
Câu nói dài và cử chỉ xúc động của trưởng Cam đối với bà Ngát lúc này hoàn toàn là điều bất ngờ. Dáng điệu của người chồng, rồi sự thành thực hiện rõ trên gương mặt ông ta chợt làm bà tin cậy vững tâm. Hoá ra ông ta không phải loại người thô lỗ, khủng khiếp như bà suy nghĩ và tưởng tượng. Hoá ra, ông ta không phải loại người giả dối, loại người miệng xơn xớt nói cười... Cho đến lúc này, ông ta hoàn toàn là người tử tế. Vì thế, bà phải lên tiếng.
“Bây giờ, chúng ta đã là vợ chồng; xin ông đừng gọi tôi là ân nhân nữa. Tiếng ấy chính tôi phải nói với ông mới đúng. Thân tôi, đã đến bước này, thế nào cũng được. Tôi chỉ xin ông đoái thương đến đứa trẻ, con tôi. Phải nói thực với ông rằng nếu không có nó, chắc tôi chẳng cần sống ở cõi đời này nữa.”
Nói đến đấy, bà sụp xuống đất, quỳ lạy ông. Ông trưởng Cam luống cuống đỡ bà dậy:
“Nào, thôi bà, đừng làm thế, người công giáo chúng ta chỉ quỳ lạy trước đức Chúa Trời. Cầu xin Chúa hãy che chở cho chúng con.”
Hai người nói chuyện thật khuya mới đi ngủ. Lúc đi ngủ cũng khác thường. Bà thật không ngờ ông Cam đã chuẩn bị sẵn hai chiếc chăn đơn. Mỗi người mỗi chiếc. Lại có cả một chiếc gối dài ngăn giữa hai người. Ông bảo:
“Đáng lẽ tôi phải sắm sửa hai chiếc giường. Song nghĩ đi nghĩ lại thấy không tiện. Sợ người ta dị nghị.”
Đến lúc này, bà mới hoàn toàn tin là con người này thành thực giúp bà. Không phải ông ta lợi dụng khi bà nguy khốn. Và từ đấy, hai ông bà sống với nhau như hai người bạn. Còn người ngoài thì tin chắc đấy là một cặp vợ chồng với một đứa con, sống với nhau rất hạnh phúc.
Nhà ông trưởng Cam, có thể nói, khá giả. Ông có gần chục mẫu ruộng. Sở dĩ ông nhiều ruộng vì ông là người có công với đạo, có công với nhà nước bảo hộ. Khi ông quyết định ở tại Cổ Đình, đức cha giám mục, rồi cha Colombert đã tìm hết cách để nhà nước bảo hộ cấp đất cho trưởng Cam. Lẽ dĩ nhiên, Philippe Messmer được đất thì ông cũng phải có phần, tuy ít hơn. Cuộc sống phong lưu, ông dùng không hết, nên thỉnh thoảng lại hiến nhà thờ để phụng thờ Chúa, và để nhà thờ trợ giúp những kẻ khó.
Bà Ngát càng sống với ông càng thấy lạ. Ông rất chăm đọc sách. Ông biết chữ Quốc ngữ, biết cả chữ Nho. Ông nói với bà:
“Trước kia, nhà nghèo rớt mùng tơi, tôi không biết chữ. Sau đó, ở gần các cha, tôi học chữ Quốc ngữ. Cha Colombert tài lắm. Ông hiểu người nước ta lắm. Cụ là Tây mà thuộc cả Truyện Kiều. Bà có nhớ cái hôm cha Colombert và tôi đến nhà thờ họ Vũ Xuân xin cưới bà không? Hôm ấy cha rất chú ý đến bà. Cha xem tướng đấy. Lúc về, cha nói với tôi:
Rằng hay thì thật là hay
Xem ra ngậm đắng nuốt cay thế nào...”
Bà Ngát ngạc nhiên:
“Cha là người Tây mà cũng vận Kiều khéo thế sao?”
“Cha là giáo sĩ được hội thừa sai Paris cử sang nước ta lúc cha chưa đến ba mươi tuổi. Cha đã trải qua nhiều gian truân. Có lúc đã nằm hầm suốt sáu tháng trời. Chính tôi đã đào hầm cho cha trốn. Ngày thì chui hầm, đêm mới chui lên mặt đất làm việc đạo. Người ý nhị lắm. Rất thương xót người nghèo. Rất hiểu lòng con người. Cha nhìn thấy bà, bảo với tôi rằng: "Bà ta bằng lòng lấy ông chỉ là sự bất đắc dĩ. Mình cũng không nên thấy người ta gặp khó mà ép uổng. Chúa dạy ta ‘làm phước cho ai thì lòng phải vô tư. Làm sao cứ như tự nhiên. Làm xong việc gì cho ai thì quên ngay...’".
Những cuộc nói chuyện như thế làm cho hai người xích lại nhau dần dần. Thằng bé Trung con bà cũng được ông trưởng Cam rất quý. Ông thường bế nó sang nhà xứ chơi với cha Colombert, ông già này cũng rất thích tiếng trẻ con cười trong căn nhà của Chúa. Ông già bảo Ngát:
“Bà trưởng có thằng bé lanh lợi lắm. Đợi nó lớn lên tôi sẽ dạy nó học. Cả chữ Quốc ngữ, cả chữ Nho, cả chữ Tây nữa.”
“Thưa, cha cũng biết chữ Nho ạ?”
“Phải biết chứ. Đạo thánh hiền cũng có những điều giống như đạo của Chúa. Ví dụ đạo Khổng dạy con người nhân nghĩa, còn đạo Thiên chúa thì lấy tình thương yêu con người làm căn bản...”
Dạo thằng bé bị mắc thương hàn, ông trưởng Cam suốt đêm ngày chăm sóc thằng bé. Cha Colombert thì thuốc thang. Ngoài việc chăm người, ông già còn là một thầy thuốc...
Cứ như thế, đôi vợ chồng gán ghép kia dần dần gắn bó với nhau. Tuy nhiên, đêm đêm, cái gối dài vẫn nằm ở giữa. Bà muốn vứt nó đi nhưng không dám. Còn ông thì hình như ông chưa muốn bỏ nó. Đúng là thế! Bởi vì ông Cam là đàn ông, ông phải chủ động, ông phải nhìn cử chỉ và giọng nói của bà để hiểu rằng bà đã muốn, và đã đến lúc cái gối ấy không nên như một dòng sông ngăn cách nữa. Bà không thể hiểu ông đang nghĩ gì? Chẳng biết ông có biết rằng lòng tốt của ông, sự dịu dàng đôn hậu của ông đã được bà cảm hiểu và chấp nhận. Tại sao gương mặt ông lúc nào cũng rầu rầu thế kia. Cái gì đã ngăn cản ông. Trước kia bà co lại nên ông dè dặt là phải. Còn bây giờ bà đã nhích lại, đã cởi mở tấm lòng mình, vậy cớ gì ông không đón nhận.
Cho tới một đêm; đêm ấy, hai vợ chồng vui chuyện rầm rì với nhau rất khuya. Đến đêm hôm ấy ông mới kể sự tình cho bà nghe về cái đoạn sau khi hai chú cháu ông đến xin ông cử Khiêm cứu giúp.
"May mà tôi kịp ra đầu thú ở nhà lao tỉnh. Họ phân chia tù thành hai nhóm: một nhóm là những người có đạo ra đầu thú ngoan ngoãn; một nhóm là những người họ cho là đầu sỏ, hoặc bướng bỉnh chống lại, hoặc ngoan cố trốn lủi mà bị tố cáo hay bị quan quân tìm được. Nhóm đầu sỏ cứ mỗi ngày thắt cổ mười người. Thắt rồi mà vẫn treo lủng lẳng trên cành cây suốt nửa buổi. Chả là để đe doạ đám đông tức là nhóm thứ nhất, nhóm sợ sệt ngoan ngoãn. Họ đe doạ như thế để bắt chúng tôi phải bước qua cây thánh giá."
"Thế có ai bước qua không?"
"Cũng có người, phần đông là đàn bà. Tuy thế, khi được thả ra, họ vẫn theo đạo như cũ. Còn một số chừng năm chục người chúng tôi vẫn không chịu bước qua. Thế là họ mang chúng tôi ra tra tấn, mỗi ngày một lần."
Nói đến đấy, ông Cam ngừng lại. Ông lại xoay sang kể lể về cha Colombert.
"Ông cụ là người thánh thiện. Ông đúng là con của Chúa. Ông thường nhắc kể cho chúng tôi về đoạn đời lúc Chúa bị đóng đanh câu rút. Ông cụ bảo: ‘Tôn giáo nào, đạo nào ở trên đời này cội nguồn cũng đều tốt đẹp cả. Chỉ có cá nhân con người làm cho nó xấu đi thôi. Người bên lương cội rễ cũng chẳng ác. Chỉ vì con người ta nóng vội cố thuyết phục hoặc loại trừ nhau cho nhanh nên mới sinh ra sự bất cộng đới thiên’".
Tự nhiên, bà Ngát chợt thấy thương ông vô cùng. Bây giờ, bà đã hoàn toàn tin cậy ông rồi. Ông nợ ơn bà hay bà đã nợ ơn ông. Có lẽ, ở cõi đời này, nếu tất cả mọi người đều biết đến ân nghĩa, đều biết nợ ân nhau thì cuộc đời đã tốt đẹp biết bao nhiêu. Bà nhẹ nhàng giơ tay ra nắm lấy tay ông. Cái gối dòng sông chướng ngại giữa hai người đã bị vứt bỏ lúc nào bà cũng chẳng hay. Bà là con chim lạc, ông cũng là con chim lạc có khác gì đâu. Lúc đó là đầu đông. Gió bên ngoài xào xạc trên ngọn tre. Bà chợt thấy thèm một hơi ấm. Bà quên cả sự e thẹn thụ động đàn bà của mình. Bà xích vào nằm sát bên ông. Người đàn ông hình như cũng hiểu. Ông cũng thèm tìm hơi ấm của bà. Hai người ôm lấy nhau. Nhưng chuyện ấy chỉ xảy ra trong giây lát. Đột nhiên, ông nhỏm dậy, rời khỏi cánh tay mềm mại của bà. Ông rên lên:
"Không được đâu!"
Người đàn bà ngỡ ngàng:
"Chúng ta là vợ chồng. Sao lại không được?"
Ông kêu khe khẽ bằng tiếng kêu của con thú bị thương:
"Cho tôi van bà: Không được đâu!"
Sự xót thương trong người đàn bà chợt bùng lên. Bà hiểu ông có một vết thương nào trong lòng ghê gớm lắm. Một vết tử thương. Bằng sự linh cảm nhạy bén của người đàn bà, bà hiểu ông rất cần có bà lúc này. Và chỉ có bà thôi mới làm lành được vết tử thương trong ông. Vì vậy, bà hết sức nương nhẹ, bà hết sức dịu dàng ôm lấy ông, vỗ về ông. Đầu người đàn ông ngả vào vai bà. Ông ta khóc. Ông Cam đã rấm rứt khóc trên vai người đàn bà.
*
Tại sao ông trưởng Cam khóc? Tại sao ông lại kêu lên không được ở cái phút mà người đàn ông như ông đáng được hưởng từ người đàn bà đã hoàn toàn đặt niềm tin cậy, đã hoàn toàn phó thác cuộc sống cho ông?
Cũng phải thông cảm cho ông. Đúng là người đàn ông sẽ cảm thấy nhục nhã, sẽ cảm thấy bị tử thương, sẽ cảm thấy hình như mình không phải là người nữa, khi anh ta mất khả năng giống đực, mất khả năng làm công việc tái sinh sản. Trường hợp ông Cam là như vậy. Tại sao ông Cam lại luôn buồn buồn khi ông có hoàn cảnh tốt đẹp như thế.
Câu chuyện có nguồn gốc từ những ngày phân sáp, lúc ông bị cầm tù khi ra đầu thú, lúc ông bị tra tấn hàng ngày. Có một người cai ngục điên rồ, khi thấy tra tấn bằng mọi kiểu rồi mà những người giáo dân cũng không chịu bỏ đạo, hắn giơ nắm tay lên dứ vào mặt ông Cam và nói:
"Mày không chịu nghe tao ư? Tao còn một cách nữa, mày không nghe thì cũng phải nghe."
Cách mà người cai ngục nói là lấy hai thanh tre kẹp vào hai quả cà của người đàn ông. Rồi hắn bóp mới đầu còn nhẹ, sau rồi nặng tay. Cho đến lúc ông Cam hét lên như xé trời và ngất lịm. Hai quả cà của Cam đã bị vỡ nát. Cái bìu bị sưng lên to như cái ấm giỏ và tím ngắt. Cam sốt mê man gần mười ngày, không ăn một hạt cơm, chỉ uống nước. Không biết sức chịu đựng của Cam phi thường đến thế nào, mà sau đó vết thương của anh dần dà tự khỏi. Từ đấy, có điều lạ vô cùng là con chim của anh co lại và rút vào trong bụng. Một người có số phận như Cam thông thường sẽ biến thành một con người hằn thù tàn độc với mọi người. Nhưng Cam lại không thế, anh tiến triển ngược lại. Có lẽ cái lý tưởng tình yêu vô biên của Chúa đã thức dậy nơi anh.
*
Câu chuyện tình lạ lùng của bà tổ cô tôi đọc được trong cuốn gia phả của họ Vũ Xuân xã Cổ Đình. Lẽ dĩ nhiên câu chuyện sơ sài hơn nhiều. Tôi đã dùng trí tưởng tượng cố dựng lại cho sinh động.
Đến đoạn cuối, cuốn gia phả có câu: "Về sau hai ông bà sống với nhau rất hạnh phúc". Nên hiểu câu này như thế nào? Nhiều người trả lời tôi rằng về sau ông Cam khỏi bệnh. Câu chuyện kết có hậu như vậy làm tôi cũng vui lây. Nhưng tôi cứ hỏi không biết bà Ngát chữa bệnh cho chồng bằng cách nào, bằng thuốc gì. Tôi đến xóm Vườn, tức xóm Đạo ở Cổ Đình thì một bà già nói với tôi:
"Bằng phép màu của Chúa chứ còn bằng gì nữa."
Câu trả lời chưa làm tôi thoả mãn. Tôi lại hỏi người dân Cổ Đình bên lương. Một người bảo tôi:
"Trước đây, ở Cổ Đình chúng tôi có một ông lang giỏi lắm. Cụ Tổ ông ta làm ở viện Thái y trong triều đình. Nhà ông lang không có con trai nên các bài thuốc gia truyền của ông đều thất truyền cả."
Một ông cụ già vui tính và hẳn là rất tinh quái nói với tôi thế này:
"Có gì đâu! Một người bên đạo bảo với tôi rằng: hằng đêm bà Ngát vẫn kiên trì chữa bệnh cho ông. Chỉ có mình bà mới chữa như thế được thôi. Tức là bà ta bế đầu ông lên, cho ông bú như mẹ cho con bú. Rồi một tay bà xoa vào lưng ông, tay kia bà kéo cái chim ra. Đau đấy, nhưng có cái vú bú, và có cái tay xoa lưng ông cũng đỡ đau phần nào. Tôi còn nghe nói có bận bà kéo mạnh quá ông đau điếng, cắn chảy máu cả vú bà. Cứ như thế, mỗi ngày một ít, cuối cùng con chim chui hẳn ra. Và thế là ông Cam khỏi bệnh. Ông ta mừng đến phát khóc, ôm lấy vợ và nói: Bà đã sinh lại ra tôi lần thứ hai."
Tôi cười phá lên và ông già vui tính cũng cười phá lên. Chẳng biết đùa hay là thật nữa. Tuy nhiên, dù sao ít nhất cũng có một phần sự thật ở câu chuyện. Đó là tình yêu của người đàn bà, chỉ có người đàn bà yêu thương mới có thể làm cho ông Cam sống lại.
Chỉ có điều không vui: đó là sau này bé Trung đứa con của bà Cam bị chết vì bệnh đậu. Người ta thì thầm với nhau:
"Thằng bé là con thánh, con cầu tự ở Phủ Giầy. Nay lại đem cho bên đạo nuôi. Cậu giận cậu chẳng thèm ở lại nữa."
Sau đó ông trưởng Cam cũng qua đời. Ông qua đời bên bà vợ và trong vòng tay của Chúa. Đời ông thế là mãn nguyện. Ông trao lại tất cả của cải cho bà Ngát. Chín mẫu sáu sào ruộng và ba vò tiền bạc trắng. Bà Ngát chia của cải ra làm ba phần. Cho ông Liến gọi ông Cam bằng chú ruột một phần. Cho lý Cỏn trưởng họ Vũ Xuân là cháu gọi bà là cô một phần. Còn một phần bà giữ lại.
Khi ông Cam chết bà lại cải đạo thêm một lần. Tức là bà không đi lễ nhà thờ nữa, mà trở về với đạo Mẫu. Bà lên núi Mẫu Sơn, dùng tiền tu bổ lại đền, dùng ruộng làm ruộng hương đăng cho đền Mẫu.
Từ đấy, dân Cổ Đình gọi bà Ngát là bà tổ cô.
Nguồn: Mẫu thượng ngàn, Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 2006
Các bài liên quan
- Trư cuồng, tiểu thuyết
- Một cuốn tiểu thuyết thật hay về văn hóa Việt
- Mấy nét chấm phá Nguyễn Xuân Khánh
- Mẫu thượng ngàn - Nội lực văn chương của Nguyễn Xuân Khánh
- Chúng ta là những người nhà quê
- Có những nhân vật từ trong ký ức bật ra
- Nghề văn thật hấp dẫn
- Đề cập đến nhục cảm không có gì là xấu!
- Tôi chưa thực sự hài lòng với tác phẩm nào của mình
Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ tú tài Toán, học Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì ra vùng tự do tham gia bộ đội. Trong khoảng mười năm, ông ở một đơn vị pháo binh, rồi dạy văn hoá tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1966, ông là phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về hưu non vào năm 1973. Hiện ông sống ở Hà Nội.
Tác phẩm Rừng sâu (tập truyện ngắn, Nxb. Văn học, H., 1962), Miền hoang tưởng (tiểu thuyết, Nxb. Đà Nẵng, 1990), Trư cuồng (tiểu thuyết, talawas, 2005), Hồ Quý Ly (tiểu thuyết, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 2000, 2001, 2002, nối bản và tái bản 15 lần), Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi (Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2002), (Mưa quê, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2003). Mẫu thượng ngàn (tiểu thuyết, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 2006).
Sách biên khảo: George Sand – nhà văn của tình yêu (Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1994)
Dịch thuật: Những quả vàng (tiểu thuyết của Nathalie Sarraute, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1996),
Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất (tiểu thuyết của Taha Ben Jelloun, Trung tâm Văn hoá-Văn minh Pháp và nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 1998),
Bảy ngày trên khinh khí cầu (Jules Verne, Nxb. Kim Đồng, Hà Nội, 1998),
Hoàng hậu Sicile (tiểu thuyết của Pamela Schoenewaldt, Nxb.Kim Đồng, Hà Nội, 1999),
Tâm lý học đám đông (tiểu luận của Gustave le Bon, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2006)