talawas chủ nhật

 


Văn xuôi :: 16.04.2006
Trần Trung ChínhCon trắm đen
Tran Trung Chinh
Trần Trung Chính

“Đối diện nhà tôi hồi đó là một cặp vợ chồng già. Cụ bà bán nước, còn cụ ông thì phụ giúp. Tôi còn nhớ, cứ mỗi ban mai, cụ ông lại đem hai cái lồng chim gồm một con bạch yến và một con hoàng yến ra treo dưới tàn lá của cây bàng, và khi nắng lên, cụ lại đem lồng chim vào nhà. Ngày nào cũng vậy. Tôi thường ngồi nói chuyện với cụ hàng tiếng đồng hồ. Hồi đó mẹ tôi mới mất được ba năm, tôi luôn có cảm giác chơi vơi, khó nguôi ngoai… Tất cả những tình cảm đó đã thúc giục tôi viết truyện ngắn “Con trắm đen”…”

(Trần Trung Chính trò chuyện với talawas chủ nhật về bối cảnh ra đời của truyện ngắn “Con trắm đen”)

“Ngay từ vài truyện ngắn đầu tiên của Trần Trung Chính in trên tạp chí Sông Hương (“Mun và tôi”), báo Lao Động (“Cư trú”) đầu những năm 1990, tôi đã nhận thấy sự khác lạ của cây bút này so với các tác giả truyện ngắn quen thuộc của Việt Nam. Truyện của anh giàu chất ảo, ưa đào bới tầng sâu kín trong tâm thức chứ không thiên về phản ánh những sự thực lộ thiên. Những cái tôi được đọc về sau (chủ yếu dưới dạng bản thảo) càng củng cố ấn tượng ban đầu ấy và cho tôi thấy có một bút pháp rõ rệt Trần Trung Chính.”

(Hoàng Hưng, “Em và Tôi - Đọc truyện ngắn Trần Trung Chính”)

Trần Trung Chính

Con trắm đen

 

Lão muốn tin rằng những tai hoạ hành hạ lão là do lão phải chịu quả báo của tiền kiếp, lão chưa thể chết vì còn phải chuộc tội, phải kiên nhẫn bày tỏ cho xong sự hối cải. Vâng, lão đã nhẫn nại, sẽ còn nhẫn nại. Nhưng xin Người, sao Người không cho con cái của Người vào một lúc nào đó được chứng kiến tội ác hay sự lầm lỗi của nó trong kiếp trước, để con cái của Người ứa nước mắt cầu xin Người hãy trừng phạt thê thảm hơn. Rằng, hoặc Người bắt chúng chứng nghiệm sự quả báo ngay trong cuộc đời của mỗi đứa... Lão uất nghẹn họng, đôi mắt chưa chịu chết hẳn như hai hốc rất sâu, từ đáy nó vẫn thoi thóp sống, và lại đau ghê gớm. Lão nén tiếng rên, úp đôi bàn tay lên mắt ngăn những giọt lệ trào ra nóng bỏng: “Không, Người đã không công minh với con, con hờn oán Người...”.

Trước ngày ánh sáng vĩnh viễn tắt trong đôi mắt, lão đã từng hi vọng trong thời gian khả năng phục hồi thị lực được mở ra. Nhưng rồi bóng chiều ập xuống kéo dài, mươi bận một ngày lão nâng đôi bàn tay trước mắt, nhận ra càng khó khăn hơn hình viền lờ mờ hai bàn tay. Lão đập đầu van lạy, khẩn cầu, nước mắt cạn kiệt, khuôn mặt khô héo vì tuyệt vọng. Lão phải cam phận, phải cố tin rằng: vợ chết, mù loà, chỉ có thể là sự báo ứng của tiền kiếp. Tai hoạ ập xuống lúc lão đang gắng gượng hàn nốt mấy thanh thép cột trên tầng năm ngôi nhà đang xây. Lão vừa nuốt xong cái bánh mỳ lẫn vô vàn bụi cát công trường. Một bữa tối hút khô dịch vị, khiến lão thèm húp một hơi hết bát canh cá chua nấu dọc mùng, rồi được ngâm mình dưới nước hồ, khoan khoái nhận nước thẩm thấu qua từng tế bào, nước làm trương và ứ đầy cơ thể. Được phục hồi sau cả một ngày bị thiêu đốt trong nắng tháng bảy, cùng với sức nóng toả từ những ngọn lửa hàn đã hút kiệt nước trong người lão. Giá vợ lão còn sống, để lão được sống như một người bình thường bồn chồn cảm nhận sự chờ đợi của ai đó, và cũng khắc khoải chờ đợi một ai đó. Còn lúc này chỉ có những ánh lửa hàn, những lằn roi điện quất lên bầu trời nhàu nát như cái đũng quần đàn bà... Đó là tất cả những gì rõ nét còn lưu lại trong kí ức trước giây lát lão gặp nạn.

Hôm đó đứa cháu nội cũng lọt lòng, một kẻ vừa chui khỏi bóng tối, một người rơi vào đêm đen.

Lão đã thuộc đường di chuyển trong nhà mà không va đập, không làm đổ vỡ dù một cái chén uống nước đứng sát mép bàn. Âu cũng là sự khác biệt đáng hãnh diện của chúng ta, những người có nguyên vẹn đôi mắt sáng luôn qua cái gương quan sát định kỳ của bản thân, chẳng cần tìm cách thích nghi với không gian nhỏ bé của ngôi nhà mình. Đáng hãnh diện hơn nữa là, vào những dịp có thể chúng ta còn từ vị trí nào đó xét được rằng nơi ta sinh sống nhỏ bé, cũ kỹ, hay to lớn trong tương quan với những ngôi nhà hàng xóm. Còn lão mù phải học cả cách chăm sóc đứa cháu nội, thăm bằng mũi và tay lúc nó đái, ỉa, tính sao để thằng cháu chưa biết nói có thể đớp trúng thìa thức ăn do lão bón...

Một hôm nó giẫy đạp trong vòng tay lão, ưỡn cong người đòi chơi, lão quờ quạng tìm một vật trên giường để dỗ cháu. Thằng bé không chịu vùng vẫy hất đi, nhưng chẳng khóc, nó vươn người hướng về phía cửa sổ. Lão chú ý, hồ nghi, chợt hiểu những tiếng chim réo rắt ngoài phố đang lôi cuốn nó, nhưng không phải những âm thanh do bầy chim nào đồng thanh hót. Lão nhớ ra một năm mươi bận có người đàn ông vẫn đến phố này bán những con chim bằng gốm, ông ta mỏi mệt ngồi trên hè phố, kiên nhẫn thổi con chim gốm chứa nước trong bụng, gọi bầy trẻ đến vây quanh mỗi lúc thêm đông. Bầy trẻ con của phố ngậm những con chim gốm đua nhau rúc khắp mọi nhà. Những ngày đó tiếng chim gốm reo từ ban mai, có thể làm ai đó giật mình nhớ ra rằng thành phố này đã từng có những con chim chuyền dưới các tán lá xanh. Tiếng chim đánh thức một cách khiên cưỡng những câu chuyện cổ tích lỗi thời. Những con chim gốm sống sót, được tha thứ, do chúng không giành thức ăn với người và chúng đủ khôn để chẳng chịu hầu rượu một ai cả.

Lão vụng về vót nan đan lồng, mua chim. Bây giờ đứa cháu nội của lão đã nhìn thấy một con chim lông vàng biết nhảy, biết chở thằng bé vào câu chuyện cổ tích nào đó mà người lớn vẫn hành hạ trí tưởng tượng của bọn trẻ. Lão sẽ đưa nó đi thăm vườn bách thú xem những con chim to sống ở lồng to, chim nhỏ ở lồng nhỏ. Liệu lão phải giải thích ra sao về bọn chim ấy với đôi mắt đã loà, cái khó là phải giải thích tại sao chúng bị nhốt, nếu thả chúng sẽ bay mất vì sợ người? Không, người sợ chúng cháu ạ. Chúng có thể mổ mắt chúng ta như đã mổ mắt ông. Nói dối phải tội, có thể bị mù lần nữa. Thôi vậy, lão thở dài, tới lúc đó hãy hay, bọn trẻ lớn lên ngoài sự giải thích của người già.

Khi thằng bé đã lẫm chẫm đi được, nó chẳng chịu nép sát lão mỗi khi lão rờ rẫm cho chim ăn, nó đứng vào cái tầm mà con chim không mổ mắt nó được.

Đã gần mười năm lão phải sống cảnh vợ goá con côi, từ năm lão chưa đến sáu mươi tuổi, chưa vào tuổi luôn mong ước được người ta chôn mình, đừng bắt mình chôn người ta. Trời đưa bà ấy đi nhanh quá, không đợi lão làm hết buổi về nhà để vợ chồng dặn dò nhau. Lão chải đầu, vuốt và vấn lại những sợi tóc đen trộn bạc vương lơi ra ngoài khăn. Lão giằng co, gạt mọi người ra để cho lão ngồi bên bà, cầm lấy bàn tay bà đã buốt như sương, gắt lên với bà: “Bà đừng dậy sớm nấu nướng lích kích, tôi ăn thế nào cũng được...”. Lão kể lể chuyện giỗ chạp. Tết lễ nào cũng giận bà việc bếp núc,... “người ta sống không cốt ở cái ăn, cốt ở cái vui, sao bà chẳng chịu hiểu?”.

Hàng tháng sau đó, lúc hai cha con ngồi bên mâm cơm, lão vẫn đợi bà xới cơm cho lão, lão bảo với thằng con: “Mày cứ ăn rồi đi việc mày”. Lão ngồi đợi vợ cùng ăn bữa tối, vật mình hờn trách bà bỏ lão, rồi yên lặng ôm cái cơi trầu của bà để lại. Lão chọn lá trầu, bổ cau, cắt vỏ, nêm vôi, têm trầu cho vợ... Lão lên giường trăn trở sao cho có thể đặt mình đúng vị trí bà ấy đã nằm trước lúc nhập quan. Lão buông xuôi tay, mắt mở trừng trừng đợi bà về đưa lão cùng đi.

Căn nhà tối om, chuột, mèo chí chóe giành nhau khúc cá kho trong mâm, xô đổ bát đĩa. Lão gượng dậy bê mâm dọn dẹp.

Từ dạo con trai lão lấy vợ, nó đóng lại cho lão cái bàn thờ, kê cái chõng tre dưới đó. Lão để cho vợ chồng nó và đứa cháu dùng cái giường cũ của vợ chồng lão. Cái giường ấy mênh mông quá và thời gian đối với người mù như dài hơn, được xác định bởi diễn biến âm thanh chỉ đến khi về đêm mới tắt dần. Lão rất khó ngủ với đôi mắt loà, nó là hai hòn than còn âm ỉ cháy. Những khi tiếng động lắng xuống, đôi mắt lại nóng và chói lên, còn giấc ngủ trong tiếng động ngắn, bồng bềnh, không sâu. Lão thắc thỏm sợ có đêm nào bà về không có chỗ ngủ, chợt nghĩ thế lại nhỏm dậy với tay tìm cơi trầu, lão ngồi dựa lưng vào vách thầm thì: “Bà ghé ngồi tạm với tôi vậy, tôi lựa một miếng trầu têm sẵn mời bà đây...”. Cuối buồng thằng con trai cùng con vợ hành hạ cái giường từ chập tối, giờ đã say giấc, đứa con dâu rên rẩm trong mơ.

Lão lập cập nhấc cái ống nhổ lên mặt chõng, bà ấy sạch lắm, dây tí quết trầu cũng phải lau kỹ càng. Đêm nay chuyển trời, gió quá, trẻ nhà ai khóc ngằn ngặt, đứa cháu lão quật chân thình thịch xuống giường và có tiếng người mẹ trẻ ngái ngủ hát ru rầu rĩ.

Vợ chồng thấy nhau già phải qua cái sự thể nào đó, giống như ta bỗng nghe thấy con mọt cắn thang giường mới biết nó đang cũ trước mắt ta. “Giá biết sớm, tôi sẽ ngắm bà luôn, năm nào nhỉ?”. Lão thấy bà đã gội đầu, tãi mớ tóc rất nhiều sợi bạc hong gió, cả nạm tóc rối cũng thế. Hương hạt mùi quanh quất... Bà cười để lão không ngượng ngập luồn tay vào bà tìm những chỗ lão yêu dấu, giúp lão nâng cảm xúc của mình và giữ nó không quá nôn nao. Bà lau những giọt mồ hôi trên mặt lão, gượng xoay xở để lão nghỉ thở hổn hển trên người bà.

Bà làm cho lão tin vào sức khỏe dẻo dai của lão, còn có thể hái, hưởng những búp non tận ngọn cây cổ thụ. “Chúng mình chưa già phải không bà?”. Bà cười thoáng chút xót ruột gật đầu. Lão vẫn đoán ra mắng yêu bà là “con lợn đất”, những đồng tiền trót bỏ vào đấy phải có mẹo mới khều ra được, lão cài khuy áo cho vợ, siết bà vào lòng. Lúc nào cũng dè sẻn, dè sẻn cả một đời người, bà lại cười bóc múi cam đưa vào miệng lão, dùng dao lạng mỏng phần cùi để bà ăn cho thơm mồm. Vợ chồng ngủ với nhau cũng dè sẻn, bà dỗ dành mỗi lúc lão muốn lắm, vuốt và gãi đầu lão nhè nhẹ: “Ông ngủ sớm lấy sức đi làm nuôi mẹ con tôi”.

Không riêng lão, những thằng đàn ông chẳng bao giờ chịu ngắm vợ nó lúc sống, mặc dầu khá hay quan tâm đến vợ bạn, mặc dầu chẳng để làm gì sất, chẳng mưu mô gì, nhưng chúng cứ săm soi mọi thứ bên ngoài nhà chúng.

Lão thấy đói, rờ rẫm mở chạn lấy cái bát chiết yêu đựng cơm phần lão, mò mẫm nhai nhỏ nhẹ với muối vừng, vừa ăn vừa xoay chầm chậm cái bát trong lòng bàn tay. Những hình trang trí gợn trong tay lão, cái bát bà ấy sắm, vẽ đôi cá một đen, một vàng bơi đuổi nhau giữ khoảng cách bởi mấy cụm rong nước. Hai con cá tựa vào vòng tròn sẽ chẳng bao giờ gặp nhau, nhưng chúng không biết điều đó và chưa đánh mất hy vọng tìm kiếm nhau. Lão bật cười nhớ lại bà ấy thường khoe với mọi người tài câu cá của lão: “Ông nhà tôi sát cá lắm, ngồi trên mái nhà cũng giật được cá”. “Sao lại không? Lão sẽ cõng đứa cháu leo lên mái, tới tận lớp ngói bò trên xà nóc, sẽ buông cần câu ra ngoài khoảng không. Chỉ cần trăng thật thanh, gió rười rượi đưa bà về xem ông cháu tôi giật một con trắm đen”. Lão lẩm bẩm, thiếp đi.

Ngoài trời, rạng đông đang tới, tiếng thằng cháu gọi lanh lảnh: “Ông ơi! Bố mẹ cháu ngủ cởi truồng này”.

*

Định hướng của người mù giống như định hướng của loài thảo mộc, chậm chạp ra lá đơm hoa, nhẫn nại hướng về phía có ánh sáng, dẫu mọi thay đổi của thời gian, tiết mùa đang diễn ra khắc nghiệt. Cuộc chuyển dịch ấy lặng lẽ, không lạc hướng do mọi thứ ánh sáng tạm thời hoặc nhân tạo cám dỗ. Và như thế sự vận động được chuẩn bị từ bộ rễ, phần nền móng cấu trúc. Mỗi khi lão khua tay tìm lối, đôi chân được chỉ định đồng thời bước dò dẫm. Tư thế của người tiến vào bóng tối. Lão hít sâu, thở chậm và lắng nghe, cảm nhận rõ làn không khí bồi hồi như những lớp sóng nằm ngang, lắng nghe mọi tiếng động vỡ ra có chiều nan quạt. Tiếng sỏi đá trôi dưới bàn chân, tiếng nước vỗ óc ách ngập ngừng phía trước, mặt hồ đang hút mọi âm thanh ồn ã vào lòng bể lọc, buộc những tiếng động thô nặng chìm xuống. Gió chạy len qua từng kẽ lá cuốn dâng mùi cỏ, mùi đất lạnh ẩm, gió thu bốc từ ngoài hồ nữa, gió chếch bắc mát khô. Lão thèm nhìn thấy một chút mây trên bầu trời, giá mây chỉ gợn và câm như vân sa thạch.

Lão ngồi chớm bờ nước, dòng cần đưa được hòn gạch mồi vào tầm sẽ thả lưỡi câu cách bờ chừng năm mét rưỡi. Hòn gạch mồi, lão nghĩ đến nó vừa chua chát vừa đắc thắng, đó là lối câu của thằng ăn mày. Những thằng không chịu để con cá chết một cách đàng hoàng, nghĩa là những con cá được chén một cái gì đó trước khi chết, chết khi đớp xong con mồi quá dễ dàng chẳng hạn. Nhất là bọn trắm đen, lão có thể nghe thấy chúng nhai vỡ những con ốc nằm trong bùn như người ta nghiền sỏi. Dũng mãnh như chúng, do quá cả tin mà chịu chết, trời ạ! Nếu bà ấy còn sống, bà ấy sẽ dụ chúng bằng món thính rang cho vừa hồi, đến người cũng thèm rỏ rãi. Sao có thể cưỡng được nếu bà ấy muốn, lão đã từng đùa rằng: “Nếu bà ngồi bên, lão sẽ giật được 10 con trắm đực trong một phút”. “Con lợn đất” của lão sổng chuồng rồi, chẳng còn mẹo nào có thể khều từ bụng nó lấy vài đồng bạc, dọn một bữa tử tế mời bọn cá. Nhưng dẫu sao đó là hòn gạch mồi chưa quá đạm bạc, thằng cháu đào giun để lão rang trên hòn gạch nướng trong lửa, tanh tưởi thấm vào tận ruột gạch. Một con cá gỗ còn làm mặn mồm những kẻ hà tiện, và bây giờ trong số những kẻ hà tiện, có kẻ lại cho bọn cá tham ăn chẳng bao giờ chén nổi hòn gạch. Lão buồn bã, giá đừng nghĩ đến chuyện đó.

“Ông ơi! Cá đến đấy!”

Thằng cháu nhìn thấy những hạt tăm sủi trên lưỡi sóng. Lão đã biết, chúng đang lao như thuỷ lôi vào bờ, chỉ loài tạp ăn mới mạnh mẽ như thế. Lão gượng nâng cần lên một chút, sóng có thể đẩy bộ chùm sáu lưỡi vật vờ, lớp bùn mịn mát như sa mỏng ngầu lên nguỵ trang vũ khí của lão. Mỗi khi lão tập trung chú ý, cơ hồ cánh tay cầm cần câu rung rung, cánh tay trở nên yếu và nhẹ. Toàn bộ dụng cụ câu lại nặng trĩu trong thế chông chênh, có thể ví như thế năng của cái cân tiểu ly, đến nỗi một con cá lượn nhanh quanh bộ lưỡi câu tạo ra những vòng tròn sóng nặng sâu, cảm ứng đó lan chuyển tới cánh tay lão hơi tê, buồn. “Bà nó ơi! Tôi sẽ kéo lên một con cá mà chẳng đĩa, mâm nào đáng chỗ cho nó, phải cái chiếu điều bà ạ, một con cá đáng kể phải được nằm thở trên chiếc chiếu điều. Nó sẽ làm bà giật mình, con cá có bộ xương như dàn ăngten lớn nhất, miệng nó ngậm một bó hồng thắm, con cá xứng đáng trong ngày giỗ của bà”.

Lão mong bộ lưỡi câu đừng đánh cạnh, chỉ mắc vào thân con cá gãi mình cho nó, mọi cố gắng hoá ra chỉ để nhặt một cái vẩy.

Cánh tay rung và lão tràn trề hưng phấn. Chạm rồi, dây câu chợt căng riết nhói bàn tay lão. Đứa cháu đứng sau lưng ông hoảng hốt nhìn con cá vùng khỏi mặt nước, cái đầu nó to như cái nồi, giương cặp mắt thao láo, cặp môi đỏ như môi người đàn bà ăn trầu. Nó thét lên:

"Con cá to lắm, ông ơi!"

Lão biết, con cá đã bị mắc lưỡi câu nhao khỏi mặt nước, giây phút lão vẫn gọi là được xem mặt cô dâu, và bây giờ nó bắt đầu chạy trốn. Lão hối hả thả giây câu, không kịp mất, giây chạy siết trong tay lão bỏng rát muốn bốc khói. Dây trôi vun vút, thả chậm một tích tắc sẽ đứt dây câu, lão đang gặp một đối thủ phi thường thừa sức kéo lão xuống đáy hồ, lão phải dẻo dai chọi với nó, phải chờ nó đuối sức. Dây đã đi gần một trăm mét, lão kinh sợ nhận thấy tốc độ của con cá càng thêm dữ dội, bàn tay lão cầm dây nhớp nháp máu. Con cá chuyển hướng chạy chữ chi, sức căng giảm đỡ ở mỗi vòng ngoặt của nó, chớp lấy khoảnh khắc ấy lão thu dây, mong sao nó đừng quay trở lại để rúc vào hang hốc, những chỗ rậm rạp, hòng phá đứt dây câu của lão. Tay lão tê dại, nhức nhối, giá được thử duỗi mấy ngón tay mất hết cảm giác. Nhưng con cá lại điên cuồng lao thẳng, bỏ lối phóng chữ chi không thành công, ba lưỡi câu ngạnh tụt sâu vào cổ làm nó đau đến mờ mắt, bây giờ nó rúc thẳng xuống đáy, nghỉ trong lớp bùn, xác định lại hướng và sẽ vùng lên một lần nữa. Lão hấp tấp cuốn dây, cả đời chưa bao giờ lão sung sướng như thế, sung sướng được chờ cuộc giằng co tức khắc tiếp tục, sung sướng quăng đi cái cần hết tác dụng, lão sẽ đương đầu với nó bằng đôi bàn tay khòng khèo như bộ rễ cây. “Nào con ơi! Chạy đi!”. Lão gào vang mặt hồ đúng lúc nó cất mình khỏi lớp bùn băng băng lao sát mặt nước. Lão lại bung và ghìm dây xuống, ngâm đôi bàn tay đau đớn vào nước... Lão đang sử dụng tới những mét dây cuối cùng, không còn hy vọng con cá đuối sức. Hỏng rồi, bà ấy sẽ bảo lão thua con cá vì tuổi tác.

Sự suy yếu của cơ thể con người không chịu bộc lộ tuần tự, có thiện chí, giúp chúng ta bổ khuyết chỗ yếu kém, dè chừng những ham muốn thái quá. Cái cơ thể lão, lão nghĩ nó đối xử với lão như một thằng bạn xấu. Thằng bạn chẳng răn đe gì hết, đùng một cái nó cảnh cáo lão trước một sự đã rồi. Vợ chồng già nằm bên nhau không nhất thiết như bọn trẻ, nhằm bày tỏ một cái gì đó, cái ấy thường chẳng tình cảm lắm đâu. Tình cảm gì mà rời nhau ra là cả hai ngáy như sấm, đứa cuộn hết chăn, đứa nằm trơ ngủ lạnh. Lão nhớ lão hay trằn trọc rất lâu sau đó, tay vẫn nắm chặt tay bà khô ráp. Đã yên tâm nghe thấy bà thở đều, bàn tay bà nới lỏng trong bàn tay lão, lão thở dài khẽ khàng xây lưng lại. Lão ngạc nhiên khi những ngón tay bà chợt linh động vuốt tóc lão gọn ghẽ và tiếng bà trong như đương ban ngày: “Ông ngủ đi! Ngủ đi!”. Thế là cả hai lại không ngủ được, còn hơn cả sự khao khát, bồn chồn, luyến tiếc, nó là dòng sông chở mãi chẳng hết nước. Lão thấy mình to lớn, cường tráng và đau đớn, cái thân xác già yếu không chứa nổi lão, không thể hiện, không diễn đạt, không bền vững như lão tưởng, nó suy thoái nhanh, nó thua lão, xấu hổ với đôi bờ vai nhỏ nhắn, cái cổ mảnh như bông huệ của bà. Lão không còn ghen với những người đàn ông mà bà đã gặp gỡ trước lão, bà có thể bình tĩnh kể khi lão muốn nghe, bà nằm mềm mại trong vòng tay lão. Những câu chuyện chẳng nhức nhối, chỉ làm lão thoáng sợ thay cho bà, như những sự kiện buồn vui trong hành trình cô đơn của bà. Có những chi tiết lão hoài nghi, hình như nó được rút ra là do bà đã lùi xa để nhận định về nó, giữ phần bao dung cho bà, chua xót cho bà. Nói cho đúng, lão thoáng buồn cho cả hai, bởi những con đường quanh co của số phận, những con đường không sao nhận thức được vừa phóng túng vừa nghiệt ngã và lầm lạc. Lão cố nhẫn nại, gợi mở, giúp bà có được tâm trạng yên tâm phơi bày những phần sâu kín của bà. Lão buồn đến thắt lòng khi nhận thấy ngoài vị cay đắng, còn vị ngọt ngào của những ký ức trên chót lưỡi người kể chuyện. Ánh sáng dĩ vãng của bà bao giờ cũng làm ấm lẫn tê tái trái tim lão. Lão lén lau những giọt nước mắt hạnh phúc đồng thời đau khổ khủng khiếp, lão giật mình cùng lúc nhìn thấy những giọt lệ trào ra từ khóe mắt bà. Lão biết mình đủ sức chối từ tất cả, chối từ cuộc sống xiết bao sung sướng và lo lắng này.

*

Thằng bé sợ hãi nhìn ông nó bị con cá kéo đi, nước đã lên tới ngực ông, ông nó vẫn chới với nâng đôi bàn tay bê bết máu trên mặt nước. Nó nức nở:

“Ông ơi! Về nhà thôi, sắp tối rồi!”

Lão đuổi kịp con cá, lão chẳng tin đã bơi kịp nó, mà nó đợi lão, nó biết lão quyết theo nó, lão lần theo sợi dây cước lặn xuống, hai bàn tay lão áp lên thân nó nhớp trơn như vách đá cổ. Lão đẩy nó từ từ lên mặt nước, nghe thấy tiếng đứa cháu gọi xa xăm như tiếng xa vọng:

“Ông ơi! Về thôi!”

Ông đây! Lão cố gào lên đáp lại, chưa dứt tiếng, con cá lẹ làng trườn khỏi tay lão, thúc đầu vào ngực lão, ép lão quay tròn và cũng nhẹ nhàng như thế nó quăng đuôi quật vào mặt lão một cú chí tử. Lão chìm như cái lá rơi xuống đáy hồ, hai chân thục sâu trong bùn, lão vãi đái ra, nước nóng hai bên bẹn, cuống cuồng khua tay nhào lên gặp những búi rong như tóc đàn bà quấn riết đôi cánh tay.

Không đời nào, lão hớp một hơi sâu lặn đuổi theo con cá, lão ráo riết quấn thu dây câu bằng khuỷu tay. Nỗi thèm muốn dấy lên tức ngực, lão nhận ra ý muốn ấy từ nụ cười mê dại của bà thách thức lão. Lão sẽ trỗi lên là một người đàn ông xứng đáng nhất, người có khả năng xoá sạch mọi trăn trở, nhắc nhở quá khứ trong cuộc đời người vợ quá cố.

“Về thôi ông ơi! Tối rồi!”

“Tối rồi, về thôi ông ơi... ơi...”

Hà Nội 1992

(Nguồn: Trích trong Cư trú, tập truyện ngắn của Trần Trung Chính, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ti truyền thông Nhã Nam, Hà Nội 2006)

Cùng một tác giả

Trần Trung Chính sinh năm 1953 tại Thái Nguyên (quê gốc Nam Định); Từ 1965 đến 1972, học sơ trung mỹ thuật tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội; 1972-1975, đi chiến trường “B” (Khánh Hoà, Quảng Nam, Quảng Ngãi), làm phóng viên cho tờ Khánh Hoà Giải Phóng; 1975-1977, học Đại học Mỹ thuật Gia Định (ngành Điêu khắc); 1977-1980, học Đại học Mỹ thuật Hà Nội; 1980-1986, cán bộ Cục Triển lãm, Bộ Văn hoá-Thông tin; 1986-1989, thực tập sinh ngành Mỹ thuật tại Đại học Budapest, Hungary; 1990-1994, cán bộ Nxb Thế Giới; từ 1994, làm biên tập viên báo Lao Động. Hiện ông phụ trách tuần san Lao Động Cuối Tuần thuộc báo Lao Động, sống tại Hà Nội.

Tác phẩm Một số truyện ngắn đăng trên báo Lao Động và tạp chí Sông Hương (1989-1992)
Tập truyện ngắn Cư trú (Nxb. Hội Nhà văn và Công ti truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2006).

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài