Nhà văn Nguyễn Nguyên Phước |
Sau khi cho ra mắt tập truyện Thượng đế và đất sét (Nhà sách Kiến Thức và Nxb Phụ Nữ, Hà Nội, 1.2007), Nguyễn Nguyên Phước vẫn đều đặn sáng tác. Dưới đây là 7 truyện ngắn trong số những tác phẩm mới nhất của anh. talawas chủ nhật
Nguyễn Nguyên Phước
7 truyện ngắn mới nhất
Con đường ma
Vào một buổi sáng mùa thu cách đây hai mươi năm, một cậu bé mười tuổi tên là Nhân đột nhiên mất tích trên đường đến trường. Tất cả mọi nỗ lực của gia đình và cơ quan điều tra đều không mang lại một kết quả nào. Cậu biến mất như chưa từng tồn tại trên cõi đời này.
Đã có thời kỳ, dân địa phương gọi con đường ấy là con đường ma. Con đường này gắn với một truyền thuyết được một thầy bói chết cách đây gần một trăm năm kể lại. Truyền thuyết kể rằng, trên con đường ma, tại những thời điểm đặc biệt sẽ có sự ngưng đọng thời gian, người nào đi trên con đường ấy vào những thời điểm như vậy sẽ không bao giờ có thể quay về, hắn sẽ đi mãi trên con đường ma. Hắn sẽ không cảm thấy đói, mệt mỏi hay bất cứ một cảm giác gì bởi kể từ thời điểm đó trở đi, hắn không còn khả năng nhận thức được bất cứ điều gì, kể cả cái bổn phận phải tiếp tục đi trên con đường ma. Hắn cũng sẽ chẳng bao giờ già hay chết đi bởi trên con đường ma sẽ không còn những ý niệm về thời gian hay sinh hủy. Trái tim hắn vẫn đập. Máu vẫn chảy trong huyết quản của hắn theo cơ chế của hệ tuần hoàn. Hắn vẫn sống mà chẳng cần ăn uống gì, bởi dạ dày của hắn dẫu có co bóp thì cũng chẳng qua co bóp thế thôi chứ chẳng có mục đích gì khác ngoài việc co bóp, nghĩa là nó chẳng hấp thụ một chút chất dinh dưỡng nào mà cũng chẳng thải ra một chút cặn bã nào. Hai lá phổi của hắn vẫn phồng lên xẹp xuống một cách đều đặn, nhưng cũng giống như cái dạ dày, nhiệm vụ của nó cũng chẳng có gì ngoài lưu chuyển không khí, mà nói thật ra chẳng có ích gì cho cơ thể. Mỗi bộ phận trên cơ thể hắn giờ đây có thể hoạt động hoàn toàn độc lập, chẳng cần bất kỳ sự hỗ trợ nào từ những bộ phận khác. Quả tim của hắn chẳng hạn, nếu tách ra, nó vẫn đập một mình, đều đặn như những tiếng tích tắc đồng hồ cho đến thời điểm kết thúc, mà thực sự chẳng ai biết thời điểm ấy là khi nào. Nói tóm lại, mọi vận động của tất cả các cơ quan trong cơ thể hắn đều chẳng mang ý nghĩa gì ngoài chính bản thân sự vận động ấy cũng như hắn khi đi trên con đường ma thì ngoài cái mục đích của sự di chuyển ấy ra, không còn bất kỳ mục đích nào khác.
Một số người hình dung con đường ma giống như một cái máy tập chạy, người ta cứ thế chạy mãi trên đó, chẳng bao giờ dừng. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì so sánh này có vẻ hợp lý, đi trên con đường ma hay chạy trên máy tập chạy đều cho những kết quả vô vọng như nhau. Nhưng trên thực tế, con đường ma vẫn là một con đường theo đúng nghĩa của nó chứ không phải là một cái máy tập chạy, nghĩa là nó vẫn mang lại cho người ta hình ảnh của một sự di chuyển toàn thân chứ không chỉ đơn thuần là sự vận động cục bộ của một số hữu hạn các bộ phận trên cơ thể.
Một số người khác thì lại cho rằng con đường ma chẳng qua là một vòng tròn, người ta đi mãi quanh cái vòng tròn ấy mà chẳng bao giờ nhận thức được rằng mình đã quay trở lại chính con đường đã qua. Nhận xét này, dù mới nghe qua thì có vẻ hợp lý hơn nhận xét trước, vẫn không phản ánh đúng tinh thần của truyền thuyết. Con đường ma, theo truyền thuyết, không bao giờ lặp lại. Thoạt nhìn, người ta sẽ thấy cảnh vật trên những đoạn đường khác nhau có rất nhiều điểm tương đồng, thậm chí có thể nói là giống hệt nhau, nhưng nếu nhìn kỹ thì rõ ràng có sự khác biệt. Một số người lập luận rằng, ngay cả khi chúng ta nhìn cùng một sự vật ở những thời điểm khác nhau thì chúng cũng không hoàn toàn giống nhau, vì vậy khả năng chúng ta đi lại trên chính con đường cũ là hoàn toàn có thể. Lẽ dĩ nhiên, sẽ rất khó khăn để có thể bác bỏ điều này, nhưng nếu xét trên tinh thần chung của truyền thuyết, một tinh thần tương đối tự do, thì việc áp đặt một khái niệm như vòng tròn vào con đường ma là khiên cưỡng và có vẻ không hợp lý.
Có rất nhiều câu hỏi nghi vấn được đặt ra đối với sự tồn tại của con đường ma. Điều này nói chung hoàn toàn dễ hiểu bởi trước bất kỳ sự tồn tại nào luôn có những nghi ngờ được nêu ra nhằm phản bác sự tồn tại ấy. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm một điều rằng, trên thực tế, ít khi người ta đặt câu hỏi bày tỏ nỗi nghi ngờ về sự tồn tại của chính những nghi vấn. Điều gì sẽ xảy ra khi bản thân việc đặt ra những nghi vấn đã là không hợp lý rồi? Vấn đề chắc chắn sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều khi một nghi vấn không hợp lý lại dẫn đến một sự bế tắc trong việc giải thích tính hợp lý về một tồn tại nào đó mà nghi vấn đó đặt ra.
Mặc dù vậy, vẫn phải nhắc đến một câu hỏi đã được nhiều người nêu ra: liệu những người đi trên con đường ma ấy có bao giờ gặp nhau không? Truyền thuyết không nói gì về điều đó nhưng căn cứ trên những cơ sở mà nó xây dựng, người ta có thể đi đến kết luận rằng những người đi trên con đường ma ấy không bao giờ gặp nhau. Giống như những gói mì ăn liền được đặt vào băng chuyền, mặc dù so sánh này cũng không hợp lý lắm bởi những gói mì ăn liền tự nó không thể di chuyển được, mỗi người bọn họ sẽ đi trên những đoạn khác nhau và cứ như thế họ di chuyển trên một con đường chung, có rất nhiều người cùng đi nhưng họ chẳng bao giờ nhận ra điều đó, họ vẫn tin rằng mình là kẻ duy nhất đi trên con đường này và vì thế, đôi khi, họ cảm thấy cô đơn, một nỗi cô đơn mà qua cái cách họ thể hiện người ta có thể cảm thấy một niềm kiêu hãnh rất lớn, nhưng rốt cuộc thì đó chẳng qua chỉ là một nỗi cô đơn hết sức giả tạo.
Cho đến nay, huyền thoại về con đường ma vẫn được lưu truyền trong dân gian mặc dù phải thừa nhận rằng ảnh hưởng của nó đã giảm đi rất nhiều so với ngày xưa. Tuy nhiên, sự phi lý của nó rõ ràng không thể chứng minh được một cách chặt chẽ. Ngoài ra, cũng nên lưu ý một điều rằng, trên thực tế, trong một số ghi chép mà tính xác thực của chúng vẫn chưa được kiểm chứng một cách hoàn toàn, có khá nhiều trường hợp mất tích như cậu bé Nhân và nếu xem xét vấn đề một cách khách quan hơn nữa thì ngay cả sự tồn tại của cậu bé Nhân trước khi mất tích cũng là một điều không thể kiểm chứng được.
San Diego 05.2006
Trên tàu
Tàu dừng ở Huế ba mươi phút. Hành khách nhốn nháo mất một lúc. Bên ngoài, những người bán hàng rong chen nhau đưa đồ ăn cho khách. Thành phố chìm trong ánh sáng nhợt nhạt hắt ra từ những ngôi nhà. Họ mua hai cái bánh sừng bò và hai chai nước khoáng.
“Ngày xưa, suýt nữa thì anh yêu một cô gái Huế.”
“Sao lại suýt nữa?”
“Thì suýt nữa. Thế thôi.”
“Cô ta xinh không?”
“Nhìn ảnh cũng được.”
“Anh chưa gặp cô ta à?”
“Chưa. Chỉ nhìn ảnh thôi. Bọn anh gửi ảnh cho nhau.”
“Thế anh biết cô ta từ khi nào?”
“À, hồi ấy anh học lớp mười một. Cô ấy có một bài thơ đăng báo. Anh viết thư cho cô ấy.”
“Chỉ có thế thôi?”
“Chỉ có thế thôi. Rồi bọn anh viết thư cho nhau thường xuyên. Trong năm năm liền.”
“Rồi sao nữa?”
“Chả sao cả. Rồi bọn anh không viết thư cho nhau nữa.”
“Tự nhiên không viết nữa à?”
“Cũng không hẳn thế.”
“Thế anh viết những gì?”
“Tất cả mọi thứ.”
“Tất cả mọi thứ là những thứ gì?”
“Chẳng có gì.”
“Anh làm em chán rồi đấy. Đầu tiên là tất cả. Sau đấy là chẳng có gì.”
“Thì đúng là chẳng có gì. Toàn những chuyện vớ vẩn.”
“Nhưng anh có bao giờ thế đâu? Tự dưng viết thư cho một người không quen biết, kể toàn những chuyện vớ vẩn.”
“Hồi đó anh muốn viết văn.”
“Anh chẳng bao giờ nói với em chuyện đấy.”
“Chuyện gì cơ?”
“Chuyện anh đã từng muốn viết văn.”
“Chuyện ấy chẳng có gì đáng nói.”
“Chẳng có gì đáng nói? Thế tại sao anh lại viết cho cô ta?”
“Vì hồi ấy anh còn trẻ. Anh khác bây giờ.”
“Tóm lại anh viết cho cô ta những gì?”
“Chả gì cả. Anh nói rồi. Toàn những chuyện lặt vặt. Những cuốn sách anh đã đọc. Một bài hát anh vừa mới nghe. Hà Nội những ngày mùa đông. Đứa em họ vừa mới mất.”
“Thế còn văn chương?”
“Tất nhiên cả văn chương nữa.”
“Cô ta cũng thích viết văn?”
“Tất nhiên rồi.”
“Thế anh viết gì về văn chương cho cô ta?”
“Toàn chuyện vớ vẩn. Những nhà văn anh yêu thích.”
“Anh yêu thích ai?”
“Nhiều người.”
“Nhiều người là những ai?”
“Là nhiều người.”
“Họ phải có tên chứ.”
“Anh chỉ nhớ được vài cái tên. Chẳng hạn như Tolstoy hay Chekhov. À cả Hemingway nữa. Chẳng nhớ hết được. Lâu rồi anh không đọc sách.”
“Sao anh không đọc nữa?”
“Anh chán rồi.”
“Tại sao?”
“Thì chán. Có thế thôi. Em toàn hỏi những chuyện vớ vẩn.”
“Thế tại sao anh và cô ta lại không viết thư cho nhau nữa?”
“Chả tại sao cả. Tự dưng anh không thích viết nữa.”
“Từ lúc nào vậy?”
“Từ hồi anh học năm thứ tư. Thôi, đừng hỏi nữa. Anh chán rồi. Chuyện này chẳng có gì để kể.”
“Kể cho em nghe đi. Em xin anh đấy.”
“Có gì để kể đâu. Sao em lại quan tâm đến chuyện ấy thế?”
“Kể cho em đi mà. Tại sao anh và cô ta không gặp nhau? Anh không muốn à?”
“Thực ra có một lần. Vào mùa hè năm thứ ba. Anh đi làm thêm, dành dụm được một ít tiền. Anh vào Huế. Anh muốn rủ cô ấy đi Hội An.”
“Vậy là anh đã gặp cô ta?”
“Không, anh không gặp. Anh đến Huế vào buổi sáng sớm. Nó không giống như anh tưởng tượng. Anh hoàn toàn thất vọng. Nó quá nhỏ. Xấu xí và nhếch nhác. Anh cảm thấy mình bị lừa.”
“Bị ai lừa? Cô ta ấy à?”
“Không, chả ai lừa anh cả. Anh chỉ có cảm giác mình bị lừa. Có thế thôi.”
“Trong thư viết cho anh, cô ta có viết về Huế không?”
“Tất nhiên rồi.”
“Và anh đã hình dung Huế theo cái cách cô ta miêu tả, đúng không?”
“Ừ. Có lẽ vậy.”
“Chắc chắn vậy. Vì thế mà anh cảm thấy bị lừa. Huế trên thực tế không đẹp như cô ta miêu tả. Và anh cảm thấy rằng cô ta cũng sẽ như vậy. Không xinh như anh tưởng tượng. Anh thất vọng vì điều đó.”
“Anh không biết. Nhưng anh nghĩ cảm nhận của con người ta về thành phố quê hương thường méo mó. Nếu cô ấy đến Hà Nội, chắc cũng có cảm giác giống anh.”
“Nhưng biết đâu cô ta lại yêu Hà Nội.”
“Cũng có thể. Anh không biết. Lúc ấy anh cảm thấy hụt hẫng. Rồi anh nhận ra rằng anh và cô ấy không hợp nhau. Rằng bọn anh chỉ sống bằng cuộc sống tưởng tượng. Bọn anh không thể đi xa hơn, nếu cứ giữ mãi cái ảo tưởng về một cuộc sống mơ mộng và hoàn toàn thiếu thực tế kiểu như vậy. Nó sẽ chẳng đi đến đâu cả.”
“Rồi anh về Hà Nội?”
“Không. Anh đi Hội An một mình. Lúc ấy anh chỉ muốn chết quách đi cho xong.”
“Anh muốn chết chỉ vì cô ta làm anh thất vọng à?”
“Anh không biết. Lúc đó có thể anh đã cảm thấy sợ hãi.”
“Sợ hãi? Sợ cái gì mới được chứ?”
“Anh không biết. Chỉ là cảm giác thế thôi. Cảm giác giống như mình bị bỏ rơi vậy.”
“Sau đó thế nào?”
“Anh không viết thư cho cô ấy nữa.”
“Còn cô ta thì sao?”
“Cô ấy viết thư cho anh vài lần. Anh không viết thư trả lời. Rồi cô ấy cũng thôi. Lần cuối cùng cô ấy viết thư trách anh không hồi âm.”
“Tại sao anh không hồi âm? Nói rõ mọi chuyện với cô ta?”
“Chả tại sao cả. Anh thấy chuyện này thật vớ vẩn.”
“Chuyện gì vớ vẩn? Chuyện em đang hỏi anh hay chuyện anh với cô ta?”
“Tất cả mọi chuyện đều vớ vẩn.”
“Mà tại sao cô ta không ra Hà Nội gặp anh?”
“Anh làm sao biết được?”
“Biết đâu cô ta đã ra Hà Nội, đến nhà anh, rồi chỉ dám đứng từ xa nhìn anh. Còn anh thì chẳng nhìn thấy cô ta. Một mối tình đơn phương và vô vọng. Giống hệt phim của Vương Gia Vệ.”
“Thôi đi mà. Em biết là anh không thích phim của Vương Gia Vệ.”
“Thì có sao đâu. Biết đâu bao nhiêu năm qua, cô ta vẫn âm thầm yêu anh.”
“Thôi đi.”
“Mà cũng có thể cô ta chết rồi cũng nên.”
“Cô ấy bằng tuổi anh. Chẳng có lý do gì để chết cả. Thôi, anh buồn ngủ lắm rồi. Toàn những chuyện không đâu.”
“Nếu cô ta chết, anh có đau khổ không?”
“Anh không biết. Thôi, anh ngủ đây.”
“Có thể cô ta tự tử. Vì thất tình. Vì bị anh ruồng rẫy.”
“Em làm ơn thôi đi có được không?”
“Tại sao tôi lại phải thôi?”
“Rồi. Đừng nổi nóng nữa. Thì cứ coi như cô ấy đã chết. Được chưa nào? Có khác gì đâu. Bây giờ có gặp cô ta, anh cũng chẳng nhận ra. Anh chán nói chuyện này lắm rồi.”
Hai người im lặng. Họ cảm thấy bực bội. Họ nhìn ra ngoài cửa sổ. Tàu bắt đầu chuyển bánh. Người ta tắt hết đèn trên tàu. Thành phố Huế chỉ còn những vệt sáng mờ dần rồi biến mất. Đoàn tàu giống như một con rết khổng lồ đang trườn vào một thế giới tối tăm.
Bây giờ, người đàn ông đã ngủ say. Anh thở khò khè, những tiếng gừ gừ như chực thoát ra khỏi miệng. Mọi người đều đã ngủ. Chỉ còn lại tiếng xịch xịch của tàu hỏa. Người đàn bà không ngủ được. Chị nhìn trừng trừng vào khoảng tối trong khoang tàu, lòng tràn ngập một xúc cảm lạ lùng chưa từng có. Chị cảm thấy rõ ràng hơn bao giờ hết rằng lúc này đây chị có thể tha thứ cho bất cứ ai về bất kỳ chuyện gì, rằng tất cả mọi người đều là những kẻ đáng thương, cuộc đời đã phản bội họ, phần lớn những năm tháng tuổi trẻ của họ đều đã trôi qua trong những toan tính tầm thường và ti tiện.
Gần sáng, toàn bộ hành khách trong toa bị đánh thức bởi một tiếng kêu thất thanh. Hình như vừa xảy ra một vụ tai nạn.
Nagoya 08.2006
Lời nguyện cầu cho một thế giới hư vô
Sau khi mẹ tôi về hưu, bà trở nên mê tín đến kỳ cục. Bà có một niềm tin mãnh liệt vào những sinh thể ở một thế giới khác đang điều khiển ý chí của chúng ta giống như người ta điều khiển những cỗ máy. Hàng tuần, bà và những người bạn của bà tụ tập lại, cùng đọc những bài kinh không rõ xuất xứ, có nội dung phức tạp và rối rắm đến mức tôi tin rằng trên đời này không ai có khả năng lĩnh hội được chúng. Họ nghĩ rằng bằng cách đó, họ có thể giao tiếp một cách vô thức với những sinh thể bí mật kia.
Họ muốn cha tôi tham gia vào những buổi đọc kinh ấy.
“Cũng được thôi.” Cha tôi nói. “Tuy nhiên, là một người làm công tác nghiên cứu khoa học, tôi cần có bằng chứng về sự tồn tại của cái thế giới mà các vị đang cầu nguyện. Nếu không, chẳng hóa ra chúng ta đang thờ cúng cái hư vô hay sao?”
“Tại sao bác lại nói vậy?” Họ kêu lên, giọng đầy phẫn nộ. “Làm sao thế giới ấy có thể là hư vô khi chúng tôi tin vào sự tồn tại của nó. Bản thân niềm tin ấy há chẳng phải là một bằng chứng xác thực nhất hay sao?”
Lý lẽ của họ cuối cùng đã thuyết phục được cha tôi. Ông ngồi đọc kinh cùng họ.
Ngày thứ nhất đọc kinh, ông nhìn thấy những thiên thần bay ra từ cuốn sách kinh, lượn trên mái nhà của chúng tôi và cười ha ha.
Ngày đọc kinh thứ hai, những thiên thần nhảy múa xung quanh ông và thì thầm vào tai ông những lời tục tĩu.
Ngày thứ ba, những thiên thần nói những điều gì đó mà ông không thể hiểu nổi, rồi bọn chúng khóc hu hu. Chỉ đến khi đó, cha tôi mới nhận ra rằng người ta đang đọc kinh cầu cho linh hồn ông được siêu thoát.
Nagoya 12.2006
Ác mộng
Đêm qua, tôi mơ một giấc mơ khủng khiếp. Người ta ban cho tôi một thứ quyền năng gần như tuyệt đối để tôi có thể thực hiện bất cứ việc gì. “Tuy nhiên, họ nói, quyền năng này chỉ đạt đến mức gần như tuyệt đối bởi lẽ có một điều duy nhất mà anh không bao giờ được phép làm, đó là tỉnh dậy khỏi giấc mơ.”
Nagoya 12.2006
Cây thích
Bây giờ đang là mùa thu. Chúng tôi đi dọc bên bờ sông, lẫn vào đoàn người ngắm lá đỏ. Những cây thích nằm cô đơn bên sườn núi, nhìn từ xa chúng giống như những đám lửa.
“Chúng ta phải chia tay thôi.” Nàng nói. “Nhìn cây thích, em hiểu rằng tình yêu của chúng ta không thể tồn tại trong cái thế giới đầy bất trắc này.”
Tôi không nói gì, nói gì lúc này cũng vô ích, bởi bây giờ đang là mùa thu, cây thích sắp rụng lá, nàng cảm thấy tuyệt vọng.
Nagoya 12.2006
Chín giờ tối thứ Hai
Tâm nhận được một mẩu giấy trên đó có ghi “Chín giờ tối thứ Hai”. Sau khi suy nghĩ rất kỹ, cân nhắc tất cả các khả năng có thể, đồng thời tham khảo ý kiến rất nhiều người, Tâm đi đến kết luận rằng thông điệp này chỉ có thể là một điềm báo về một biến cố quan trọng sẽ xảy đến với anh vào lúc chín giờ tối thứ Hai.
Từ đó trở đi, anh luôn ở trong tâm thế chờ đợi một điều gì đó rất đặc biệt sẽ đến vào lúc chín giờ tối thứ Hai. Sau rất nhiều năm chờ đợi, một ngày kia, Tâm cảm thấy quá mệt mỏi, anh không còn có thể chịu đựng nổi cái cảm giác chờ đợi vô vọng ấy nữa và do đó, anh quyết định rằng nếu tuần tới vẫn không có gì thay đổi thì khi đó anh sẽ tự kết liễu đời mình vào lúc chín giờ tối thứ Hai.
Nagoya 12.2006
Người điểm tin
Nhìn bề ngoài, Đinh Hoài Viễn không giống như một người đã có gia đình mặc dù anh đã ba mươi tư tuổi, hiện sống cùng một vợ và hai con gái trong một căn hộ đi thuê ở khu tập thể Thành Công. Khi bộ râu quai nón được cạo nhẵn nhụi, anh có một khuôn mặt hoàn toàn trẻ thơ.
Đinh Hoài Viễn viết những bài điểm tin cho một tờ báo lá cải. Anh viết về rất nhiều sự kiện trong đời sống của chúng ta. Một vụ hiếp dâm tàn bạo trong rừng cao su mà nạn nhân là một nữ công nhân vừa tròn hai mươi mốt tuổi; một ca nạo thai của một nữ sinh học lớp chín; vụ tự tử của một tay cá độ bóng đá; một má mì vừa bị công an bắt, ả quản lý khoảng hơn bốn chục gái mại dâm, những thanh nữ mà ả miêu tả là “sắc nước hương trời”; một tay giám đốc bị cách chức vì đã làm trò đồi bại với hai chị em ruột (một trong số đó là thư ký của ông ta); một thầy giáo quấy rối tình dục nữ đồng nghiệp, vụ việc vỡ lở khi ông này bị một học sinh nam đánh ghen; một gã thanh niên mười bảy tuổi dùng dây thừng xiết cổ bà mẹ nuôi vì bà ta quá lắm lời; một cô gái bị liệt bẩm sinh đã chết vì đói sau cái chết của bà mẹ, nguồn sống duy nhất của hai mẹ con họ là từ số tiền đi nhặt lon bia hàng ngày của bà mẹ (cảnh sát còn tìm thấy cuốn nhật ký ghi lại những ngày tháng cuối cùng của cô gái tội nghiệp đó, điều kỳ quặc là cuốn nhật ký được viết bằng một giọng văn hết sức khôi hài), một bà mẹ bị bắt vì đã nhốt đứa con của mình trong một căn gác xép suốt mười lăm năm trời kể từ khi nó bốn tuổi, thứ duy nhất giúp thằng bé liên hệ với thế giới bên ngoài là một cái lỗ nhỏ, nhìn qua đó nó có thể thấy một phần của bầu trời, khi cảnh sát tìm thấy thằng bé, tầm vóc của nó chỉ tương đương với một đứa trẻ lên mười và khối lượng từ vựng của nó chỉ khoảng trên dưới năm mươi từ trong đó những từ quan trọng nhất gồm có: “ăn”, “ị”, “ngủ”, “mưa”, “nắng” và “mây”.
Cho dù những sự kiện ấy có kinh hoàng đến mức nào thì nhờ vào lối hành văn đầy phóng túng nhưng vẫn giữ được một kết cấu chặt chẽ cũng như độ xúc tích cần thiết cho một bài điểm tin, chúng vẫn mang một vẻ đẹp lãng mạn không ai lường trước được. Ai đã từng đọc những bài điểm tin ấy mà lại không cảm thấy kinh ngạc đến thẫn thờ, một cảm giác giống như người ta vừa tìm thấy dòng chảy u hoài của một ký ức học trò xa xăm nào đó mà họ đã đánh mất từ lâu.
Đinh Hoài Viễn tin rằng bằng cách viết những bài điểm tin như thế anh sẽ tạo ra được mối liên hệ sâu sắc giữa đời sống thường ngày và thế giới nghệ thuật. Khi được hỏi về nghề nghiệp của mình, bao giờ anh ta cũng trả lời hết sức hãnh diện:
“Tôi là người khắc những đường viền lên bức tranh khảm lịch sử của thời đại chúng ta.”
Nếu so sánh lối nói dụ ngôn khoa trương mà rỗng tuếch ấy của Đinh Hoài Viễn với những bản tin viết bằng một thứ ngôn ngữ giản dị, mềm mại như những cánh bướm mùa xuân thì quả là buồn cười.
Nagoya 01.2007
© 2007 talawas
Cùng một tác giả
Nguyễn Nguyên Phước sinh năm 1976 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học (chuyên ngành Điện tử-Viễn thông) và Cao học (chuyên ngành Khoa học Vật liệu) tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Khoa học Vật liệu, Học viện Công nghệ Toyota (Toyota Technological Institute), Nagoya, Nhật Bản. Hiện sống và làm việc tại Nhật Bản.