talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 01.04.2007


Đoàn Minh PhượngVà khi tro bụi


Doan Minh Phuong
Đoàn Minh Phượng
Ảnh: Đoàn Thành Nghĩa

Tiểu thuyết đầu tay Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng ra mắt ở Việt Nam vào tháng tư năm 2006, sau khi tác giả đã hoàn thành bộ phim truyện Hạt mưa rơi bao lâu (2004) và khẳng định vị trí đạo diễn điện ảnh của mình thông qua nhiều giải thưởng liên hoan phim quốc tế. Với quyết định chọn một phương tiện biểu đạt mới, không phải là ngôn ngữ phổ quát quốc tế của điện ảnh, mà là nghệ thuật ngôn từ mang nặng tính riêng tư và gắn liền với số phận và lịch sử của một ngôn ngữ cụ thể, trong trường hợp này là tiếng Việt, tác giả đã chấp nhận một thách thức lớn. Tuy nhiên khác với tác phẩm điện ảnh trước đó với khoảng không - thời gian quá khứ của một làng quê Việt Nam cách đây hai thế kỷ, tuyến hành động cơ bản của tác phẩm tiểu thuyết lại diễn ra ở châu Âu và Ấn Độ trong thời hiện tại với những địa danh như Paris, Frankfurt hay Rajasthan… Và khi tro bụi vừa mang đầy chất thơ, chất ma lỵ, dường như gần gũi với phong cách của một Theodor Storm, cây bút văn xuôi hàng đầu của Đức vào cuối thế kỷ 19, hơn là với truyền thống của văn học Việt Nam, vừa mang tầm triết luận Đông – Tây như ở Siddhartha của Hermann Hesse, mặc dù thực chất đây là một cuốn Phản-Hesse, đồng thời lại là một cuốn truyện trinh thám với một cốt truyện và bố cục tinh vi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Trương Hồng Quang

 

Đoàn Minh Phượng

Và khi tro bụi


I II III


7.

Những chuyến tầu đến Lünberg

Trên đường đến khách sạn Carmina tôi tự hỏi khi gặp người trực đêm tôi sẽ lẳng lặng đặt quyển sổ xuống trước mặt anh và bỏ đi, hay tôi sẽ mời anh đến cùng ngồi ở một nơi trong quán cà phê. Tôi muốn nói về đôi thứ không ổn trong câu chuyện của anh. Có thật cha đã giết mẹ không? Lấy việc ông đẩy con chó đã chết xuống hồ làm bằng chứng nó vu vơ đến nỗi tôi không muốn bàn tới. Tìm được Marcus trong rừng cũng chưa phải là một bằng chứng. Anh không thực sự biết cha có giết mẹ không. Anh chưa có quyền giết cha. Và anh không thể tự bắn mình lúc còn nhiều việc chưa biết.

Tại khách sạn Carmina, người ta cho tôi biết là Michael Salascher không còn làm ở đó nữa. Anh ấy đã xin thôi việc vĩnh viễn trước đó ba tuần. Tôi hỏi xin địa chỉ của anh. Cô nhân viên ở quầy xin lỗi tôi để đi vào trong nói chuyện với trưởng phòng nhân sự. Một lúc sau cô ra mời tôi vào văn phòng. Trước khi cho địa chỉ họ muốn biết tôi là ai. Tôi không biết nói sao, đành nói dối tôi là bạn gái với một câu chuyện khẩn trương. Họ nghĩ tôi có thai với Salascher, cho tôi địa chỉ. Nhưng điều đó chẳng giúp được gì, vì khi đến đó, anh đã trả nhà rồi.

Tôi quyết định vứt bỏ quyển sổ và trở về với những ngày cuối của đời tôi trên những chuyến xe lửa. Không ai cần những câu chuyện, dù là của anh hay của tôi.

Nhưng không có nơi nào để tôi vứt đi quyển sổ. Tôi muốn ném nó xuống lòng sông, nhưng những người đi đường sẽ nhìn tôi kỳ lạ, nói cho tôi hiểu bằng ánh mắt rằng giòng sông chảy ngang thành phố không phải là nơi ai muốn ném gì vào thì ném. Tôi không thể để quyển sổ lại trên băng ghế xe điện hoặc một chiếc bàn trong quán cà phê, vì sẽ có người nhặt nó lên đọc. Còn ném nó vào giỏ rác thành phố, như người ta ném một cái đĩa giấy với mù tạt và sốt cà chua sau khi đã vừa đi vừa ăn xong cây xúc xích trên đó, thì tôi không đành. Trong thành phố không có một nơi nào yên lành cho một thứ người ta không còn cần nữa, nhưng vẫn còn một cái gì như là danh dự hay là cái hồn của nó. Giống như con chó Shalma của người trực đêm. Cậu bé sợ người cha sẽ vứt con chó đã chết vào xe rác.

Tôi về đến nhà ga lấy vé tầu. Người bán vé hỏi tôi địa điểm đến. Tôi nói: Lünberg. Tôi vô cùng ngạc nhiên tại sao mình lại nói Lünberg.

Nhưng không có ngôi làng, thị trấn, thành phố nào tên Lünberg. Cô bán vé hỏi có phải tôi muốn nói Lüneburg? Và có một Lundsberg, một Lunneberg ở Thụy Điển, một Lundenburg ở Tiệp Khắc. Lindberg hay Lindenberg thì có nhiều. Tôi lắc đầu. Tôi nghĩ đến làng của người trực đêm, đến căn nhà của cha anh ấy. Tôi nói tôi muốn đến một làng nào có núi, có rừng và một cái hồ vắng người. Cô ấy cười, nói cô có thể bán cho tôi ít nhất một trăm cái vé xe đến những nơi như vậy. Tôi cám ơn cô, đi tìm phòng điện thoại công cộng gọi cho thư viện ảnh nơi tôi cộng tác trước đây. Tôi nói với ông Bauer:

“Tôi muốn đi chụp ảnh những cái hồ trên núi.”

“An Mi, tìm đề tài nào thú vị hơn đi. Ảnh hồ trên núi chẳng ai hỏi mua.”

“Không ai hỏi mua nhưng ông vẫn giữ chúng trong thư mục được chứ, có tốn kém gì đâu.”

“Nếu cô muốn thì cũng được, chẳng tốn kém gì cho công ty. Chỉ sợ không ai xem đến cô nản mà thôi.”

“Tôi sẽ không nản.”

Như vậy tôi không phải quan tâm đến khách hàng. Tôi đang muốn có công việc nhưng không muốn có quan hệ gì với ai, thì một portfolio không ai xem chính là thứ hợp với tôi nhất.

Tôi tìm tiệm, mua một cái Mamiya, một cái Leica và các thứ đi kèm. Lúc rời khách sạn, tôi để lại trong tủ tất cả những bộ quần áo đắt tiền, những đôi giày cao, dầu tắm đựng trong những chai pha lê. Trên đường ra ga tôi ghé mua quần jean, áo sơ mi vải, áo đi gió, đi mưa, giày đi bộ.


Đời tôi vẫn còn là những chuyến tầu. Nhưng tạm thời, đó không phải là những chuyến tàu đưa tôi dần dần đi đến một vũng sương mù. Chúng đưa tôi, rất giản dị, từ tỉnh này đến tỉnh kia. Tôi đi chụp ảnh, đi tìm căn nhà ở lưng chừng đồi với một lối đi riêng dẫn xuống một góc hồ khuất trong núi của người trực đêm khách sạn.


8.

Đôi mắt của Marcus

Tôi đi đã được hai năm. Như một họa sĩ Nhật, tôi đi tìm ngọn núi Phú Sĩ của mình. Tôi nhìn những ngọn núi trong nắng, trong sương và trong tuyết. Tôi nhìn núi bằng đôi mắt mở hay nửa nhắm, từ một nơi rất xa hay sát bên vách đá. Một ngày nào đó, từ một góc nào đó, trong một khoảnh khắc nào đó, tôi sẽ nhìn thấy Phú Sĩ của riêng tôi. Ngày tôi tìm ra được ngọn núi ấy, có lẽ nó cũng sẽ giống như tất cả các ngọn núi trên mặt đất. Chỉ có tôi là khác. Nhưng tôi chưa đến được nơi ấy. Công việc làm cho tôi đôi khi cảm thấy yên bình hơn, ít nghĩ tới mình hơn. Đôi khi tôi thấy tôi thật xa tôi và không biết mình đang ở nơi nào. Nhiều buổi sáng thức dậy mất một vài khoảnh khắc tôi mới nhớ ra mình đang ở tỉnh này hay tỉnh kia, trong căn phòng khách sạn này hay nhà trọ này. Hôm nay là ngày thứ mấy trong tuần, và cách đây bao lâu mình đã đi chuyến tầu nào đến đây.

Câu chuyện của người trực đêm, đôi mắt của em Marcus mà tôi chưa bao giờ gặp, tất cả chìm xuống một nơi nào đó trong trí nhớ vừa xa vừa gần, như một giấc mơ. Mà là một giấc mơ tôi không bao giờ quên. Tôi đọc báo, không thấy có tin nào về một người con trai giết cha trên mặt hồ. Nhưng làm sao tôi có thể đọc báo của tất cả các ngày trên tất cả các nơi được.

Cuối mùa đông năm đó, tôi gặp em Marcus.

Đến một vùng nào có nhà cho trẻ mồ côi, tôi cũng dành vài buổi đến đó. Có lẽ vì đó là quê hương của tôi. Một ngày ở Weilenthal, tôi chợt gặp một cậu bé khoảng 10 tuổi với đôi mắt y hệt như đôi mắt của người trực đêm. Nó trẻ con hơn, trong hơn, sâu hơn, và buồn hơn. Nhưng vẫn cùng một đôi mắt đó. Cậu bé đang ngồi một mình trong sân. Tôi gọi:
“Marcus.”

Cậu bé quay lại nhìn.

Tôi xin phép cô chăm nom cho tôi đưa Marcus ra một góc sân chụp ảnh. Cô tưởng sở thiếu niên gửi tôi xuống nên đồng ý không hỏi gì thêm. Nhưng cô đi theo, và tôi không nói chuyện với cậu bé một mình được. Tôi vừa làm việc, vừa bắt đầu bằng một câu hỏi bâng quơ.

“Em có thích chó không?”

Marcus trả lời nghiêm nghị:

“Em thích chó.”

"Em có bao giờ có một con chó chưa?"

“Ở viện thì không được có chó đâu.”

“Thế thì em không thể thực sự biết một con chó là như thế nào.”

“Em biết một con chó là như thế nào. Ngày xưa em đã có một con.”

“Nó lớn hay nhỏ?”

“Lớn. Nó lớn như thế này.”

Em ra dấu cho tôi biết con chó lớn thế nào. Không phải chiều cao mà là chiều ôm trong vòng tay của em.

“Nó có tên chứ?”

“Shalma.”

Tôi vẫn tiếp tục làm việc. Tôi đến gần em để đo sáng. Tôi cúi xuống hỏi khẽ để người chăm nom không nghe thấy được.

“Cô nghĩ là cô biết anh của em.”

Marcus nói lớn, với một chút giận dữ:

“Em không có cha mẹ làm sao mà có anh được.”

Cô chăm nom nhìn và khẽ lắc đầu riêng với tôi. Tôi không được tiếp tục hỏi chuyện Marcus nữa.


Bốn ngày sau, người làm phòng tối ở thư viện ảnh Bauer gửi những bức ảnh chụp Marcus về khách sạn tôi ở. Bây giờ tôi đã có đôi mắt của Marcus, có cả con chó Shalma vô hình trong vòng tay em ôm nó. Câu chuyện của người trực đêm viết trong quyển sổ đã bắt đầu có xương thịt. Còn bao nhiêu sự thật nữa thì sự thật là sự thật?


Tìm được Marcus có một phần tình cờ do Chúa giúp tôi, nếu có Chúa. Còn tôi tìm được căn nhà của người trực đêm không phải do tình cờ, mà do nhiều năm tháng lặn lội. Tôi đã đi chụp ảnh ở bao nhiêu cái hồ trên núi, đã đi quanh mỗi hồ, tìm bao nhiêu con đường mòn, cho đến cái ngày tôi tìm thấy con đường mòn đó. Dốc và hẹp, nó dẫn từ một ngách khuất của hồ, lên đến sân một căn nhà duy nhất. Con đường đã lâu ngày không có người đi.

Tôi đi quanh căn nhà. Một cảm giác mơ hồ như mình đã biết căn nhà này làm tôi thấy sợ. Trong sân có một cái rìu nằm dưới đất, chung quanh là mấy khúc củi đang chẻ dở, nhưng không phải mới hôm qua, mà đã đôi ba tuần. Ở cửa không có bảng tên. Tôi vừa muốn gọi, vừa muốn bỏ đi. Rồi cuối cùng vì tiếc công tôi tìm kiếm bao lâu, tôi nhấn chuông. Không có ai trả lời. Tôi không biết nhà không có người ở, hay người ở chỉ tạm đi vắng mà thôi.

Tôi đi quanh làng, định hỏi thăm về người đàn ông ở trong căn nhà ấy. Người ta sẽ cho tôi biết ông ấy còn sống ở đây, hay đã dọn đi, hay đã chết. Nhưng có một thứ gì rất mơ hồ ngăn tôi lại. Tôi không muốn biết, chưa sửa soạn để biết rằng người đàn ông ấy sống hay chết. Câu chuyện của người trực đêm còn nhiều bóng tối phủ lên. Tôi không muốn nhìn thấy kết cục mà không hiểu kết cục đó đúng hay sai.


9.

Sophie

Nhà của cô Sophie nằm cạnh một con suối chảy qua làng. Chung quanh nhà có một hàng rào gỗ thấp. Trong sân có những gốc hồng đã cắt cành để qua đông. Trên tường nhà có những dây leo bây giờ không có lá.

Khi mở cửa nhìn thấy tôi, cô rất ngạc nhiên trong một thoáng ngắn. Nhưng cô rất thân thiện. Tôi nói:

“Tên tôi là An Mi. Tôi quen một người học trò cũ của cô. Không hẳn quen, nhưng... tôi muốn hỏi vài chuyện về anh ấy...”

“Anh ấy tên gì?”

“Trước đây anh ấy ở căn nhà cuối đường Moosweg.”

“Michael Kempf.”

Sophie ân cần mời tôi vào nhà. Căn phòng thoang thoảng mùi hoa oải hương, lẫn một chút mùi trầm. Cô mời tôi ngồi xuống một chiếc sofa mềm và thấp, với rất nhiều gối chung quanh ghế và trên mặt đất. Phòng có treo nhiều tấm vải thêu. Trên mặt bàn, mặt tủ, thành cửa sổ, trên mặt đất, đầy những món trang trí nho nhỏ. Chân đèn cầy, hộp đốt trầm, tượng vũ nữ, hoa khô, bình lọ bằng sứ, những hộp tráng men có vẽ hoa... Nếu là chủ của chúng, tôi sẽ không bao giờ biết đặt chúng nơi đâu để căn phòng không có vẻ lỉnh kỉnh vụn vặt. Nhưng ở đây, hình như mọi thứ đều đúng chỗ. Không gian êm ái và mời mọc.

Tôi nhớ hôm người trực đêm đến nhà Sophie cô mở nhạc Schumann. Hôm nay cũng có nhạc, nhưng là một loại nhạc thiền êm dịu và vô tận. Người chơi đánh lên những tiếng đàn rồi để chúng vang mãi, những tiếng đàn lắng dần, chập chùng lên nhau và tan vào nhau, không bao giờ có chỗ ngắt câu, không bao giờ có lúc xôn xao hay buồn bã.

Sophie mang ra trà ướp hoa cam và bánh thơm mùi bơ và hạt dẻ mới nướng.

Tôi thấy cảm động. Tôi là người lạ mà được tiếp đãi thế này sao?

Sophie nói chuyện bâng quơ về thời tiết, về những tấm vải cô mang về từ Ấn Độ.

Cuối cùng cô mới hỏi:

“Cái gì đưa em tới nhà chị?”

Tôi hơi lúng túng vì từ chị em thân mật.

“Tôi... em có tình cờ đọc câu chuyện của một người trước đây là học trò của chị. Chuyện có nhắc đến chị. Em muốn hỏi ý kiến chị về đôi điều trong đó.”

“Em đưa chị xem được không?”

Giọng Sophie êm ái, như mùi hoa cam trong nước trà chị pha. Chị làm tôi thấy yên lòng. Tôi nghĩ, làm sao từ chối được.

Nhưng lúc mở túi để lấy ra quyển sổ, tôi chợt thấy lòng buồn nao nao. Tôi có một cảm giác mơ hồ hình như tôi đang làm một việc sai. Người trực đêm không viết một truyện ngắn hay truyện dài để cho mọi người đọc, mà là một câu chuyện rất riêng, rất không hoàn hảo, riêng dành cho một người lạ. Người là ấy là tôi.

Nhưng tôi lại nghĩ, ban đầu người trực đêm đã có ý định kể cho cô Sophie nghe mọi việc. Vậy thì tôi mở những trang người trực đêm viết trong quyển sổ cho Sophie xem không có gì sai.

Lúc Sophie đọc, tôi ra đứng cạnh cửa sổ nhìn ra ngoài. Bên ngoài có một con đường nhỏ. Phía bên kia con đường là giòng suối. Tôi không nhìn thấy nước chảy, chỉ nhìn thấy những cây mọc chen trong đá bên bờ kia của giòng nước.

Đọc xong Sophie không đưa lại cho tôi quyển sổ mà đặt nó lên cái kệ bên chỗ chị ngồi.

Sophie hỏi:

“Chị mở máy sưởi như vầy có đủ ấm cho em không?”

Tôi gật đầu. Chị bảo tôi bỏ giầy ra, rút chân duỗi lên sofa cho thoải mái. Tôi làm như chị bảo. Chị đến nhấc hai chân tôi lên, ngồi xuống ở cuối ghế và đặt hai chân tôi lên lòng chị. Chị nắm hai bàn chân tôi và xoa nhẹ, cũng với đôi tay mềm mại và ấm mà chị đã xoa chân cho người trực đêm hôm nào. Nhạc lãng đãng không bờ, mùi trầm hương, lòng bàn tay mềm của chị làm cho tôi muốn tan ra trong một nỗi dịu êm tôi chưa biết bao giờ. Đã bao năm rồi tôi sống trên những chuyến xe lửa. Chị Sophie nói:

“Nếu mệt thì em ngủ đi. Em không có gì vội, chị cũng không có gì vội...”

Chị Sophie nói:

“Đức Phật nói rằng đời là bể khổ. Nhưng cái bể khổ thực sự không ở bên ngoài. Ta không ngụp lặn vô vọng trong cái vùng nước có tên là bể khổ. Bể khổ nằm bên trong chúng ta. Hạnh phúc tự bên trong, đau khổ cũng tự bên trong.

Khi người ta thấy khổ, người ta nói: cha tôi không yêu tôi, người này làm khổ tôi, người kia ác với tôi. Không ai nói: Dục vọng của tôi làm khổ tôi. Ham muốn và thù hận dằn vặt tôi.”

“Chị có biết cha của Michael không?”

“Anh ấy cũng dạy học như chị. Chị dạy văn. Anh ấy dạy vật lý ở cùng trường. Ai cũng nghĩ anh ấy là một người thầy đàng hoàng và dễ mến.”

“Chị Sophie, em đến gặp chị để hỏi bốn điều: Michael Kempf có quay về đây không? Anh ấy còn sống không? Cha anh ấy còn sống không? Cha anh ấy có giết vợ không?”

“Dĩ nhiên là không.”

“Đó là câu trả lời cho câu nào trong bốn câu hỏi trên?”

“Dĩ nhiên là cha của Michael không giết vợ. Ông ấy còn sống, tuy không khỏe lắm.”

“Tại sao anh ấy viết như vậy?”

“Michael viết như vậy lúc anh còn nhỏ. Chỉ là trí tưởng tượng của một đứa trẻ con. Những sự thật của cuộc đời không ly kỳ như những sự thật trong truyện và trong phim. An Mi à, em đến đây cũng chỉ vì em tưởng là câu chuyện nó như vậy, nhưng sự thật nó bình thường hơn rất nhiều. Cha của Michael lấy một người vợ không đứng đắn và nghiện rượu. Bà ta ở xứ này buồn quá, buổi tối không có quán rượu bán suốt đêm. Bà ấy bỏ đi, chỉ có vậy.”

“Nếu vì buồn chán và thiếu rượu uống, bà ta đã đi sau một hoặc hai năm, chứ tại sao mãi đến năm đó mới bỏ đi? Năm đó Michael đã được bao nhiêu tuổi rồi?”

“Mười ba.”

“Có người đàn bà nào có thể bỏ rơi những đứa con của mình? Không từ giã, đi rồi cũng không gửi thư và gọi điện thoại về gặp con?”

“Có những người đàn bà mà em không bao giờ hiểu nổi tâm linh của họ đâu.”

“Còn đứa em Marcus, tại sao Marcus lại bỏ trốn vào rừng lúc nửa đêm?”

“Đâu có Marcus nào trốn vào rừng lúc nửa đêm đâu. Mẹ của Michael dẫn Marcus theo bà ấy. Đi Tây Ban Nha, hay đi Mỹ... Ai biết được. Có lẽ đó là điều làm cho Michael đau lòng nhất. Cậu không thể tin là mẹ cậu dắt em cậu đi và bỏ cậu lại như vậy. Nên cậu tưởng tượng ra câu chuyện cha giết mẹ đêm đó. Đứa bé thầm mong rằng chẳng thà mẹ chết, còn hơn là mẹ bỏ rơi nó. Nó không phân biệt được giữa điều nó thầm mong và sự thật.”

“Dù chỉ là một đứa bé, cậu cũng phải biết rằng cậu quá ư bất công với cha. Cậu có tội với cha. Rồi làm sao hai cha con có thể sống với nhau ngần ấy năm được?”

“Em chưa có con, nên em không biết trẻ con. Chị cũng chưa có con, nhưng chị làm nghề dạy học. Khi thấy mình quá bất lực trong thế giới thật, chúng tạo ra một thế giới riêng. Trong thế giới này, chúng là chủ và quyết định được mọi việc. Một ông chủ nhỏ chưa trưởng thành về đạo đức. Với chúng bất công là mẹ cho em ăn hai cái bánh mà không cho anh ăn hai cái bánh. Chúng chưa hiểu nghĩ xấu cho cha là bất công.”

“Nhưng mà cái câu chuyện Michael nghĩ ra cho mình nó buồn bã quá.”

“Michael đang bước qua tuổi dậy thì. Ở tuổi này trẻ con không sợ buồn bằng sợ chán. Nó nghĩ ra một bi kịch, vì chỉ trong bi kịch mới có người hùng. Trong đó nó thấy mình quan trọng.”

Vậy là không có một bi kịch nào. Đáng lẽ tôi phải thấy yên lòng cho Michael. Nhưng một nỗi hụt hẫng lạ lùng loang ra trong tôi.

Chị Sophie vuốt những lọn tóc của tôi giữa những ngón tay của chị.

“Em đến đây, tưởng như mình tìm thấy một điều gì đó, nhưng thực ra là không. Không có gì cả. Chỉ là một câu chuyện nhàm chán của một người đàn bà chán chồng và bỏ đi. Đứa con trai ở lại tiếp tục sống với cái máy truyền hình. Tuổi thơ nó trống không nên nó lôi những kinh nghiệm cùng những thêu dệt của người khác trên truyền hình xuống và gán vào cho chính nó, cho mẹ nó và em nó, cho đời có chút hương phấn. Cuối vở bi kịch thì người hùng phải đi tìm cái chết tất yếu. Nó muốn thử đi tìm cái chết để xem như thế thì cuộc sống có ý nghĩa hơn không.”

“Cảm ơn chị đã giải thích cho em hiểu.”

Tôi không còn gì để hỏi nữa. Chỉ còn cặp mắt của Marcus.

“Marcus không đi theo mẹ. Em đã gặp nó trong viện mồ côi.”

Tôi đặt những bức ảnh của Marcus lên bàn. Sophie đến ngồi bên tôi để xem ảnh. Tôi nói:

“Những bức ảnh này em chụp ở một nhà nuôi trẻ mồ côi phát triển không bình thường. Marcus có đôi mắt của Michael. Chỉ có anh em ruột mới có đôi mắt giống nhau như vậy.”

Sophie mỉm cười. Tôi không hiểu nụ cười đó và tôi chợt hoang mang. Tôi chỉ mới gặp Michael có một lần, vào một buổi tối ở khách sạn Carmina cách đây hai năm. Làm sao tôi chắc chắn nhớ rõ đôi mắt của anh như thế?

Sophie nói:

“Chị không thấy cậu này giống Michael dù là một chút xíu nào. Dĩ nhiên đây không phải là em trai của Michael.”

Tôi không biết nói gì thêm. Câu chuyện của người trực đêm chỉ có vậy. Tôi đã tìm kiếm gì trong hai năm qua? Một thằng bé chiêm bao một vở bi kịch, và tôi đuổi theo những chiếc bóng của giấc chiêm bao đó.

Tôi đã tìm thấy gì sau hai năm lặn lội? Một đôi mắt của một cậu bé tình cờ có tên là Marcus. Một đôi mắt không quen biết, không liên quan gì đến người trực đêm và không liên quan gì đến tôi.

Tôi lặng nghe trong người một nỗi mất mát lạ lùng. Một điều gì trong tôi vừa rơi xuống, vỡ ra, rồi những mảnh vỡ ấy lại rơi nữa trong một vùng trống, tối, và không có âm thanh. Sophie quay sang tôi, cúi hôn lên vai tôi. Rồi chị đứng dậy, đi đốt một ít hương trầm, thắp nến, lấy thêm trà và mật ong.

Chị dẫn tôi lên lầu, cho tôi xem căn phòng nơi chị ngồi thiền mỗi sáng, và đôi khi vào buổi chiều. Giữa phòng có những miếng thảm nhỏ để ngồi, đối diện, trên một cái bàn thấp, là một tượng Phật gương mặt yên lành, mắt không nhắm và không mở. Cửa sổ trông về hướng suối. Từ đây, cao hơn, tôi có thể nhìn thấy giòng nước.

Tôi vừa muốn vùi đầu vào mớ chăn gối êm ái nhà chị Sophie mà khóc, vừa muốn bỏ về và không bao giờ đặt chân đến ngôi nhà này nữa. Tất cả mọi thứ ở đây đều yên lành và đáng yêu. Giọng nói và bàn tay của chị Sophie thật bao dung, mềm mại và chậm rãi. Vậy mà trong một đôi khoảnh khắc, vẫn có một thứ gì đó tôi không biết tên làm gợn lên trong tôi một nỗi hoang mang mơ hồ. Có lẽ vì tôi không quen với hạnh phúc. Một thiên đường ấm áp làm cho con chim chỉ quen bay dưới bầu trời tuyết thấy mình nhỏ nhoi và lạc lõng thêm.


10.

Người cha nuôi

Buổi sáng tôi sẽ quay lại Moosweg hỏi thăm về ông Kempf. Dù không cần thiết. Dù không quen. Nhưng tôi đã lặn lội hơn hai năm để tìm ra căn nhà của ông. Và sẽ không bao giờ quay lại đây nữa. Tôi muốn nhìn thấy ông một lần.

Buổi trưa tôi sẽ đến nhà Sophie để từ giã. Sau đó thì tôi không còn việc gì để làm ở làng này nữa. Không còn việc gì ở làng này và hay bất cứ nơi nào trên trái đất.

Nhà ông Kempf vẫn hoang vắng. Tôi đi bộ về phía đầu đường và nhấn chuông ngôi nhà ở ngã rẽ vào đường Moosweg. Một người đàn ông mở cổng cho tôi.

“Thưa tôi cần tìm ông Kempf ở cuối đường này, nhà số 17. Hình như ông ấy đi vắng đã lâu, không có ai mở cửa.”

“Ông ấy bị tai biến mạch máu não, nằm ở nhà thương Treuwasser.”

Tiếng người vợ từ phía trong:

“Không, người ta chuyển ông Kempf qua Trung tâm hồi phục rồi.”

“Còn người con, ông Michael Kempf, ông ấy có về nhà không?”

Tiếng người đàn bà:

“Vậy ra cô tìm ông Kempf con hả? Nó cưới tình nhân của ông già rồi, nó ở nhà vợ nó.”

“Vợ anh ấy ở đâu?”

Tiếng người vợ:

“Cô quen anh Michael Kempf à? Cô tìm anh ấy có việc gì không?”

Người chồng nhìn tôi và tiếp tục hỏi:

“Cô là y tá phải không? Chắc cô là người Philippines? Cô từ bệnh viện phải không?”

“Dạ tôi muốn tìm Michael Kempf thì tìm ở đâu?”

Người vợ bước ra và mời tôi vào nhà. Trong phòng khách, họ có một cái bàn trải khăn và bày dĩa tách cho buổi uống cà phê lúc xế chiều. Họ mời tôi ngồi vào bàn, rót cà phê và sẻ bánh cho tôi. Tôi thấy ngại vì tôi là khách không mời.

Người chồng nói:

“Cô đừng ngại. Có cô đến cùng uống cà phê chúng tôi thấy vui hơn. Con gái tôi – chắc trẻ hơn cô ba bốn tuổi – nó làm thư ký ở thị xã, hẹn chủ nhật về chơi với cha mẹ mà lại không về được. Bánh này do vợ tôi làm đấy.”

Người vợ nói:

“Nếu ông già nhờ cô đi tìm thằng con thì cô khỏi tìm. Nó chỉ mong ông già mau chết để nó khỏi bán cái nhà trả tiền cho người ta nuôi cha nó.”

Người chồng:

“Chẳng phải việc của mình. Cô đi đến nhà cô giáo Sophie Kirch ở Talweg, con đường dọc theo suối. Tôi không biết số nhà, cô xuống đó hỏi.

Dù sao cô giáo Sophie cũng là người tốt. Ông Kempf ngã bệnh, cô ấy là người duy nhất thăm nuôi ông ấy đều đặn.”

“Cô ta là người không tốt.”

Tôi hỏi:

“Tại sao?”

Người vợ hướng mắt sang người chồng, chờ đợi sự đồng tình cho bà nói xấu người trong làng với một khách lạ. Người chồng giả vờ lơ đãng một cách rộng lượng.

Người vợ trả lời tôi.

“Cô ấy là một cô giáo. Cô ấy ăn ở với cha của một đứa học trò, một người đàn ông bị vợ bỏ. Rồi khi ông ta bị bệnh nặng, cô ấy đón con trai ông ta về nhà mình.”

Không hiểu sao tôi cảm thấy tôi không muốn biết điều đó. Tôi lặng yên. Tôi cám ơn sự hiếu khách của họ và xin về. Bỗng dưng người chồng nói.

“Sophie Kirch là một người tốt. Chỉ có trời mới biết điều đó. Những người đàn bà khác không biết.”

Người vợ nhìn ông ngạc nhiên, cơn giận chợt dâng lên.

“Tốt? Một người tốt? Tôi ở với ông ba mươi năm, đến hôm nay mới biết đấy chính là loại đàn bà mà ông thích. Cô ta có cái gì chứ?”

“Em đừng hiểu lầm anh. Cô ấy có một tấm lòng làm anh cảm phục. Không có nghĩa là anh thích cô ta.”

“Anh cảm phục một người đàn bà vừa đưa người cha vào viện xong thì quay về đón thằng con về ngủ chung?”

“Em không hiểu sự tuyệt vọng của hai cha con ông Kempf sau khi người vợ dắt thằng con trai nhỏ bỏ đi.”

“Tiếc gì thứ đàn bà ấy. Chỉ mê rượu. Lũ đàn ông trong quán, chỉ mua cho nó một ly thì nó vén váy lên. Thứ đó đi thì may cho cha con ông Kempf chứ, tuyệt vọng gì. Chỉ khổ thân thằng con nhỏ, chẳng biết bà mẹ nghiện ngập dắt đi lênh đênh ở đâu rồi.”

“Dù cô ấy thế nào thì khi cô đi rồi, ông Kempf và Michael cũng phải buồn chứ. Buồn lắm.”

“Thế là cô giáo Sophie Kirch nhảy vào an ủi, bằng cách ngủ với họ. Cha và con.”

“Ừ, thì cô ấy ngủ với họ. Nhưng đó không phải là chuyện chính.”

“Giữa đàn ông và đàn bà chỉ có một chuyện đó thôi. Đó là chuyện chính, không có chuyện gì khác hết.”

Tôi nhìn tấm khăn trải bàn bằng vải lanh dầy màu vàng nhạt, bộ tách cà phê bằng sứ dành cho ngày chủ nhật, đĩa bánh nướng với một lớp mận chín tím thẫm trên mặt, đứa con gái đi làm ở thị xã hẹn nhưng không đến. Cái nề nếp êm dịu và buồn tẻ này mới là chuyện chính. Cuộc đời chúng ta cuối cùng rồi cũng chỉ nương nhờ vào những thứ ấy để tiếp tục: những người thân vắng mặt hoặc đến ngồi chung quanh chiếc bàn quen, có tiếng ấm reo lúc nước chế cà phê vừa mới sôi, tiếng người nói với nhau những mẩu chuyện thuộc về những ngày tháng trên một quả đất có sức hút vừa phải.

Tôi chào đôi vợ chồng không quen và bước ra đường. Tôi không còn tìm đâu được lực hút của trái đất cho mình. Đã có một lần nào tôi biết nó chưa?


Có lần tôi đã biết tình yêu. Lần thứ nhất từ năm tôi lên 7 đến năm tôi 13 tuổi. Tôi có một người cha nuôi, một người yêu tôi như con gái thật. Cha tôi chơi nhạc thánh ca ở nhà thờ. Ông đón tôi ở trường, mua giầy cho tôi và dạy tôi hát. Những chiều thứ ba ông đưa tôi dạo chơi trên con đường ven sông, trong những cách rừng, vào mùa đông và vào mùa hạ. Năm tôi mười ba tuổi ông tự bắn chết trong nhà thờ, tự bắn mà không nói cho tôi một câu nào, không dặn dò tôi phải tiếp tục sống ra sao khi ông không còn ở đó nữa. Nếu tôi là con ruột của ông, tôi có đủ là cái lực hút của trái đất để ông không làm chuyện đó không? Nếu tôi là con ruột, chắc chắn mọi việc đã khác. Không một người cha nào có thể bỏ con gái thật của mình như vậy, bằng một tiếng nổ duy nhất và một sự im lặng duy nhất không bao giờ dứt. Thời gian xóa đi mọi ký ức và nỗi đau, nhưng nó không xóa niềm im lặng. Im lặng biến thành thời gian và nó không rời bỏ tôi nữa. Tôi nhớ tình yêu, nhớ sự mất mát, nhưng lạ lùng thay, tôi không giữ được ký ức về người cha. Tôi không nhớ gương mặt, dáng người. Tôi biết ông có vuốt tóc tôi, nhưng tôi không nhớ bàn tay ông như thế nào. Tôi biết ông có dạy nhạc cho tôi, tên những nốt nhạc thì tôi nhớ, nhưng giọng nói của ông đã mất.

Tôi nhớ giòng sông và những cánh rừng ông dẫn tôi đi qua, mùa đông và mùa hạ, nhưng tôi không nhớ lúc ông nắm tay. Trí nhớ là gì mà phản trắc như vậy? Hay vì tôi không phải là con ruột của ông nên tôi không mang ông trong người, để ông tiếp tục sống trong tôi khi tôi tiếp tục đi mãi trong đời? Hay là năm đó tôi đã quyết định quên ông, vứt đi cái sức nặng đã trì kéo tôi xuống cái hố sâu mịt mùng của buồn đau? Nỗi buồn xóa đi, hoặc là không bao giờ đến, cùng với nó, trái đất và mặt đất cũng mờ nhạt đi, mờ như một ảo giác, một cuốn phim mà tôi không hiểu nhưng vẫn phải ở trong đó cho đến khi nó hết. Người ta sống trong những thế giới của giác quan, hoặc của ý nghĩ, hoặc của tình cảm. Người ta sống trong ngày hôm nay, hoặc ngày mai, hoặc ngày hôm qua. Người ta tự nuôi mình bằng ao ước, hay là hạnh phúc, hay là hoài niệm. Tôi không tin giác quan, không tin ý nghĩ, không biết tình cảm. Tôi không có ao ước, không có hạnh phúc. Chỉ còn hoài niệm. Hoài niệm của tôi nghiệt ngã, nó chỉ là một tiếng vang dội ngắn ngủi của một phát súng trong nhà thờ. Trước và sau tiếng nổ ấy, mọi thứ mờ ảo. Tôi bước đi qua cuộc đời không cảm nhận được mặt đất dưới chân mình.

Mẹ nuôi nói rằng tôi đã làm cho cha nuôi tôi chết. Trước khi có tôi, ông là một người yêu kính Chúa. Chiến tranh qua rồi, ông trở về tiếp tục học xong chương trình ở trường nhạc. Ông tìm được việc làm ở giáo phận nhà mẹ tôi. Vào cuối những mùa đông ông chôn xuống đất những giò thủy tiên, ông tỉa cành cho những cây táo, cây mận trong vườn. Mùa hạ ông ngồi đọc sách cạnh chiếc bàn nhỏ trong sân, dưới bóng đám lá cây thưa, ăn bánh kẹp với táo nấu với đường và quế. Mỗi tuần ông tập hát cho ban đồng ca nhà thờ ba buổi. Thỉnh thoảng ông đi dạo với cha xứ, cuối buổi dạo, cha thường mời ông một ly rượu mạnh cất từ trái lê, ướp thật lạnh. Nhưng rồi Chúa yêu cha nuôi tôi và muốn thử thách ông. Chúa khiến cho mẹ tôi rước về nhà một đứa con gái mồ côi bảy tuổi.

Mẹ nuôi đã đặt tất cả những gì mình có vào cuộc sống với cha nuôi tôi. Bà luôn cố gắng làm một người toàn diện. Điều Chúa không ban cho bà, và vì thế bà không thể ban cho chồng bà – một đứa con – bà bù đắp bằng cách mở trái tim và cánh cửa nhà ra cho một đứa con nuôi đến từ một vùng đất đau thương của trái đất. Bà nuôi con người khác, yêu thương như con của chính mình.

Nhưng đứa con gái nhỏ không nhỏ hoài, nó lớn dần lên và trông rất đáng yêu. Mẹ tôi không nhớ chuyện xảy ra năm nào, nhưng nó đã xảy ra. Cha tôi đổi khác. Cha tôi quên châm nước cho chim uống. Những con vẹt nhỏ màu vàng chanh và màu xanh lục chết khát trong lồng. Lúc đó ông mới nhớ là từ mấy hôm rồi chúng im lìm không tiếng hót. Ông vứt những chiếc lồng ngoài góc sân. Ông không bao giờ nhớ tới những con chim, cũng như ông đã không bao giờ nhớ lại chiến tranh. Ông không có lời nói nào dành cho những chuyện đã qua. Ông hay nhìn tôi, và ông không ngủ nữa. Ông hay quên những buổi tập hát với ban đồng ca ở nhà thờ. Một hôm, cây thánh giá treo trên tường, phía trên giường ngủ của cha mẹ nuôi tôi bị sút ốc, rơi xuống. Mẹ tôi đem cất trong hộc tủ, chờ cha tôi về khoan một cái lỗ mới treo nó lên lại. Nhưng khi mẹ tôi mở hộc tủ tìm, nó không còn đó. Mẹ tôi hỏi, ông không biết. Vài hôm sau mẹ tôi tìm thấy cây thánh giá nơi những chiếc lồng chim ở góc sân ẩm ướt. Mẹ tôi hỏi có phải ông đem nó vứt ngoài ấy, ông cũng không biết, không nhớ gì. Ông không có lời nói nào dành cho những chuyện đã qua. Trên bức tường bên trái chỗ ông ngồi đánh đàn trong nhà thờ, có treo một bức tranh nhỏ vẽ Beethoven. Chính ông đã treo bức tranh ấy ngày ông vào nhận việc, nó đã ở đấy suốt mười bảy năm, ở một mảng tường ít ánh sáng, hầu như không ai còn để ý tới nó. Một hôm ông hỏi người quét dọn nhà thờ người trong tranh là ai. Người quét dọn không biết, không phải vì ông già không nhận ra Beethoven, mà vì mắt ông ấy kém. Cha tôi hỏi sao ai lại treo hình một người lạ lên tường.

Mẹ nuôi tôi nói ông chỉ còn biết nhìn tôi. Ban ngày, lúc tôi ăn cơm, nói chuyện, và ban đêm, lúc tôi ngủ. Mùa đông, lúc tôi ngồi trên ghế nệm, rúc trong mấy lần áo len, và mùa hè, lúc tôi chạy trên con đường dọc bờ sông, vai để trần và tóc cột đuôi ngựa.

Mẹ nuôi tôi nói tôi có tội, tôi làm cho cha tôi chết. Tôi có tội vì có một thân thể. Tôi không mãi mãi là đứa nhỏ 7 tuổi xác xơ mà bà rước về nuôi. Tóc tôi dày và mượt ra, thân thể chớm kéo các đường nét báo trước nhiều phập phồng và truân chiên. Tôi bắt cha tôi yêu tôi. Cha tôi không cưỡng lại được, nên ông hóa điên và tự bắn chết. Bà buộc tội tôi và bắt tôi nhận nó, khốc liệt như thể nếu tội lỗi được phân định rõ ràng xong, được xóa đi bằng sự trừng phạt hay sám hối thì cái hệ quả của tội lỗi cũng sẽ không còn. Nếu tôi xóa được tội lỗi của tôi bằng cách này hay cách khác, thì Chúa sẽ quay ngược đoạn phim, và cho cha tôi sống lại. Không những sống lại, ông còn trở lại là người chồng nguyên lành của mẹ nuôi tôi mà Chúa ban tặng theo lời cầu nguyện của bà. Mẹ tôi nói việc đầu tiên là tôi phải nhận tội. Tôi đầy sợ hãi. Lúc đầu tôi phản kháng mãnh liệt, rồi tuyệt vọng, rồi tôi không phản kháng nữa. Tôi tin mẹ nuôi tôi. Mẹ tôi nói tôi làm cho cha nuôi tôi ham muốn tôi, hai chữ đó sẽ còn làm cho tôi hoang mang gần hết cuộc đời. Ban đầu khi nhớ lại những khi cha nuôi tôi nhìn tôi, tôi không thấy ánh mắt ông chứa đầy ham muốn, như mẹ nuôi tôi nói. Nhưng tôi nào biết ham muốn thế nào để nhận ra nó. Mẹ tôi chỉ ra cho tôi, bằng cách nào tôi không nhớ, nhưng rất hiển nhiên. Thân thể mười ba tuổi của tôi chưa được sửa soạn để bị xâm chiếm, để có thai và đẻ con. Nếu để chuyện đó xảy ra, thân thể ấy sẽ bị xé nát. Con gái chưa dậy thì tự bảo vệ mình bằng sự kinh sợ sự mời mọc tình dục đến quá sớm. Mẹ tôi kêu gọi, đánh thức nỗi kinh sợ bản năng của tôi. Tiếng kêu của bà là tiếng kêu của một con thú bị thương, của một đời đàn bà bị lừa dối và không hề hiểu sự lừa dối đó. Từ đó, mỗi lần nhớ lại ánh mắt của cha tôi tôi thấy sợ hãi. Nỗi sợ hãi không cần được nuôi bằng kinh nghiệm có thật, nó tự nuôi nó lớn nhanh lạ thường, mọc lông mọc cánh che khuất những ngôi sao trong sáng thời thơ ấu. Tôi sợ cả thân thể và tâm trí mình, mong ước xóa được cả hai dưới những ngọn roi trừ tà đuổi quỷ của một ông giáo sĩ nào đó. Cha xứ không đuổi quỷ cho tôi. Ông chỉ nói tôi nên cầu nguyện và đọc kinh sám hối.

Tôi quỳ trên nền đá nhà thờ, hay trên những bậc thềm dẫn xuống hầm nhà tôi, gần như không ăn uống. Tôi sám hối, nhưng không xóa được tội lỗi, chỉ xóa đi trí nhớ của tôi về những ngày tháng trước khi tiếng súng của cha tôi nổ vang trong nhà thờ. Một lúc nào đó mẹ nuôi tôi và tôi biết rằng cha tôi đem chôn rồi thì không sống lại nữa. Chúng ta chỉ hiểu những thứ được ý nghĩa rọi sáng. Cái chết của cha tôi không có ý nghĩa nào rọi sáng, chúng tôi không hiểu. Nhưng ba tháng sau thì vẫn phải chấp nhận nó hoàn toàn. Đó là lúc sự sám hối của tôi trở nên vô nghĩa. Cả mẹ nuôi tôi và tôi đều không quan tâm tôi có được tha thứ hay không. Tôi đứng dậy trên hai đầu gối đầy những vết chai và những vết thương còn mới. Sau ngày ấy, tất cả kinh nghiệm thật đều bị xóa. Mọi kỷ niệm êm đềm đã chết. Sự thật đã mất. Chỉ có lại cái cách hiểu về nó. Còn lại những ý nghĩ trừu tượng mà sau nhiều năm, người ta lầm với ký ức.


Nhiều năm sau, tôi cố hiểu cái chết của cha nuôi tôi. Cuộc đời không đầy những bí ẩn, nhưng sự thật về cuộc đời luôn ở một nơi nào xa hơn tầm với của con người. Bởi vì con người chỉ chấp nhận sự thật khi nó đi kèm với ý nghĩa, ý nghĩa hiếm hoi, nên hiểu biết của con người cũng nhỏ nhoi. Ý nghĩa chủ quan, nên chỉ có sự thật của mẹ nuôi tôi và sự thật của tôi, chứ không có sự thật đứng riêng một mình nó. Nếu đứng riêng một mình, nó đứng trong bóng tối. Khi được nhìn thấy, nghĩa là nó đã đứng trong ánh sáng của tôi hoặc là của mẹ nuôi tôi. Ánh sáng có thể nhiều dối trá. Bóng tối thành thật, nhưng nó đồng nghĩa với im lặng.

Có một lần cha tôi nói với tôi rằng âm nhạc không nằm ở những nốt nhạc mà ở cái khoảng không ở giữa những nốt nhạc. Giữa những nốt nhạc là âm nhạc. Giữa những con người là tình yêu. Những nốt nhạc và những con người không có ý nghĩa. Ý nghĩa nằm ở giữa chúng, ở giữa họ. Tôi mười ba tuổi. Tôi hiểu, như cách một cô gái mười ba tuổi hiểu, rằng cha nuôi tôi yêu âm nhạc và yêu tình yêu, rằng con người không thể đứng một mình. Nhưng sống với cha mẹ nuôi, tôi cũng hiểu như một cô gái mười ba tuổi hiểu rằng ông là một người cô đơn ghê gớm. Ông ẩn náu trong nỗi cô đơn mịt mùng. Ông là âm nhạc không có âm thanh.

Ông chết rồi, tôi cố hiểu nỗi buồn của ông. Khi ông còn sống, vào mùa hạ vợ ông nấu anh đào với đường để dành cho mùa đông. Bà biết làm rượu với trái mận vàng. Mùa thu bà đan cho cả nhà những chiếc áo len dầy ấm. Bà biết giữ cái lạnh ở bên ngoài những khung cửa sổ. Những bình cà phê luôn luôn được chế đúng lúc, những chiếc vớ luôn luôn đủ đôi trong tủ. Bà luôn biết ông cần gì trước khi ông biết. Dù bà không hiểu Bach, ông vẫn là một người đàn ông may mắn nhất. Chính sự may mắn ấy đã nuốt đi mọi can đảm ông cần có để đi tìm chính mình ở một nơi nào khác, ở một quê hương không có tên và không có bàn tay của người vợ ở mọi thứ ông chạm đến.

Cha tôi làm việc ở nhà thờ Công giáo, ở đó có một cha xứ không tốt bụng nhưng cũng không khó tính và không biết nhạc, có số người đi lễ đủ chiếm gần nửa số ghế vào ngày chủ nhật, những người ít xưng tội và ít đặt câu hỏi, vì họ chỉ có vừa đủ lòng tin để đi lễ, chứ không còn đủ lòng tin để tin rằng nhà thờ là nơi giải quyết tất cả những vấn đề dù tâm linh hay không của cuộc đời bên ngoài nó. Ban đồng ca do cha nuôi tôi phụ trách may mắn lắm là hát được những nốt nhạc không sai độ cao thấp được ghi, họ thấy hài lòng vì mình hiểu được lời nhạc, ý nghĩa của chúng họ biết là sâu xa, và vì hát chúng họ thấy họ tham dự vào một truyền thống nào đó đáng quí hơn là xem ti vi cho hết những buổi chiều không đi làm. Lương cha nuôi tôi không cao, nhưng nhà thờ cấp cho chúng tôi một căn nhà có vườn, và trả tất cả các khoản bảo hiểm, nhà tôi không bao giờ cần nhiều tiền hơn số tiền cha tôi có.

Gia đình tôi có một đời sống yên ấm, bảo đảm, và khi tôi bước vào nhà thờ, nghe nhạc của Bach vang rền và cao vút từ những ống sáo ngất trời của cây đàn organ của cha tôi, tôi thấy một chút gì như là vinh dự nữa.

Cha tôi đáng lẽ đã có thể sống như vậy cho đến năm 65, về hưu, và hai mươi năm sau nữa thì chết. Thêm hai năm nữa thì vợ ông theo ông. Chuyện rất có thể đã như vậy và không ai thấy rằng họ làm lỡ dở cuộc đời duy nhất của nhau, phản bội nhau sâu đậm hơn những kẻ ngoại tình và những kẻ lãng du. Họ đáng lẽ đã có thể chết già, được chôn bên cạnh nhau, được nhớ tới như đôi vợ chồng chung thủy.

Nhưng một hôm cha tôi không ngủ nữa. Ông tự bắn chết trong nhà thờ không một lời báo trước. Chấm dứt một thiên đường yên ấm và buồn tẻ.

Ông yêu Bach và Beethoven, âm nhạc ông yêu nó mong manh, hùng vĩ và u buồn, nhưng ông lại sống bằng thứ âm nhạc được đóng khung trong những ngày chủ nhật vô cảm, những bình trà nửa ấm nửa nguội chỉ vừa mang lại một chút ý nghĩa trung bình, một chút tâm linh trung bình cho đám giáo dân ơ hờ, đời sống luôn cân bằng vì không có trọng lực ở bên đúng cũng như bên sai. Nếu là người can đảm, ông đã không dùng âm nhạc để kiếm cơm; đã từ chối căn nhà có vườn và tất cả các loại bảo hiểm do nhà thờ cấp, chỉ để tình yêu dành cho Bach được bình thường và trong sáng. Đáng lẽ ông đi làm thợ đóng giày, hay làm sổ sách cho hãng buôn, chắt góp lắm mới mua được cây đàn piano, rồi hiếm có thì giờ động tới nó, giữ âm nhạc ở một khoảng cách nếu với thêm một chút thì tới, chứ không ở bên dưới tài sức và tình yêu của mình. Và lấy một người vợ biết buồn, may mắn hơn một chút, người vợ ấy hiểu Brahms.

Nhưng ông chọn một căn nhà có vườn, giả mạo một tình yêu Chúa và ca ngợi nó bằng một thứ nhạc ê a, mỗi năm mỗi lạc giọng thêm một chút, giống như trái tim càng ngày càng nghèo đói trong lồng ngực.

Tôi nhớ đến ông như tình yêu quan trọng nhất đời tôi. Năm tôi nhỏ, tình yêu ấy hiển nhiên và toàn vẹn. Bây giờ nhớ lại tôi không biết tình yêu ấy có thật, hay nó có vì tôi mồ côi và cần nó một cách tuyệt vọng. Tôi muốn tìm vết tích của tình yêu để hiểu nó, nhưng tôi đã mất những dấu chân trên cát. Chỉ còn lại ý niệm trừu tượng về một tình yêu, chứ không còn tình yêu, vì tôi không còn nhớ ông là ai, gương mặt, giọng nói, bàn tay ông thế nào và ông ước ao những gì. Tôi nhớ, không phải tôi nhớ mà là tôi tin, rằng tôi, một đứa bé mười ba tuổi, là người duy nhất ông đủ yêu và tin để nói về cái điều mong manh ở giữa những nốt nhạc và ở giữa những con người. Giữa ông và mẹ nuôi tôi không có điều mong manh đó. Giữa cha mẹ tôi có cái nền tảng kiên cố của một cuộc hôn nhân được nhà thờ Công giáo và nghề nghiệp của ông bảo hộ. Giữa họ là sự cần thiết, là thói quen. Và lưng chừng giữa bổn phận và sự lệ thuộc có một sự thuần phục dịu dàng rất giống như tình yêu. Không có gì phân chia được cái nền tảng đó, ngoại trừ cái chết. Mùa xuân năm đó, cha tôi quyết định đó là điều duy nhất ông còn phải sắp đặt cho nó xảy ra. Sau đó thì không còn gì nữa.

Mẹ nuôi tôi cho rằng cha tôi chết vì ham muốn, vì không chịu được sự giằng xé. Mẹ tôi đã lầm. Tôi cho rằng cha tôi chết vì sống quá lâu cuộc đời của một người khác, không phải của mình. Vào năm đó, nỗi buồn đến. Ông không hiểu nó và không biết chứa nó ở đâu.

Nhưng biết đâu tôi cũng lầm?


11.

Người cha

Câu chuyện của người trực đêm khách sạn đã thực sự chấm dứt. Tôi còn đến nhà Sophie làm gì. Michael đã trở về quê, tìm được tình yêu cho đời mình, hay ít nhất cũng là một đôi bàn tay êm ấm cho vết thương của anh. Tôi nghĩ tới những dây leo mùa hè sẽ nở hoa tím trước nhà chị Sophie, tới cửa sổ trên lầu nhìn ra giòng suối. Tôi nghĩ tới giọng nói và bàn tay êm đềm của chị. Có những con người sinh ra để ôm ấp người khác khi họ lạnh và khi họ chơi vơi. Tôi tưởng tượng ngày người trực đêm trở về nhà với một khẩu súng. Anh ấy rủ cha đi dạo ở ven hồ. Cha anh mặc vào áo khoác của ông ấy, anh cũng mặc vào chiếc áo của anh, chiếc áo anh đã để sẵn khẩu súng trong túi. Khi chạm tới nó tim anh run và tay anh run. Anh xin lỗi cha, bỏ chạy ra đường. Anh chạy mãi, chạy mãi cho đến khi anh thấy mình đứng trước căn nhà trong sân có tuyết phủ trên những gốc hồng mùa đông. Chị Sophie cầm lấy bàn tay anh lạnh, hà hơi ấm của mình vào đó. Chị hâm cho anh một bình rượu vang nóng có đinh hương và quế.

Hãy ngồi xuống đây và thở sâu. Ở đây mọi thứ đều yên lành. Thế giới bên ngoài cũng yên lành, tất cả khổ đau đều tại tâm mình. Hãy thở sâu và nhắm mắt lại, tất cả mọi chuyện đều là một giấc mộng dữ. Chị đốt hương trầm cho anh buông rơi mọi muộn phiền vào hương khói.

Người trực đêm sẽ khóc hết một buổi; sẽ kể cho chị nghe về tuổi thơ cô quạnh và u mê, về cơn ác mộng thấy cha bóp cổ mẹ chết và dìm xác dưới hồ. Kể xong anh sẽ ngủ thiếp đi vì kiệt sức. Khi thức dậy anh thấy mình ở một nơi ấm và có mùi thơm.

Mẹ cậu bé bỏ cậu đi, cuộc đời cậu vỡ ra thành nhiều mảnh. Cậu cần cơn ác mộng ấy để gắn những mảnh vỡ lại và tiếp tục sống. Bây giờ cậu đã lớn, cậu đã có Sophie, cậu không cần nó nữa.


Tôi không còn việc gì để làm ở Treuwasser. Tôi phải đi, và trở về với những chuyến hành trình không nơi đến của riêng mình.

Đêm cuối cùng ở khách sạn, tôi lấy giấy viết thư cho ông Kempf. Cho người cha. Tôi nhớ tôi đã đi tìm người trực đêm ở khách sạn nơi anh đã làm để trả lại câu chuyện của anh ấy. Tôi đến quá muộn, anh không còn đó để nhận lại quyển sổ. Tôi lang thang tìm nơi vứt nó đi, rồi vì không có can đảm ném câu chuyện của một đời người vào giỏ rác bên đường, tôi đã lặn lội hai năm đi tìm những bóng ma trong câu chuyện ấy. Người trực đêm bây giờ đang sống cuộc đời êm đẹp trong một căn nhà quanh năm có hương thơm. Anh từ chối câu chuyện chính anh đã kể trong quyển sổ.

Chỉ còn lại mình tôi với câu chuyện dang dở và buồn bã ấy. Chỉ còn mình tôi ở bên ngoài cánh cửa, với đôi mắt tổn thương và vừa ngỡ ngàng vừa buốt lạnh của Marcus. Tại sao lại là tôi? Và tôi làm gì với câu chuyện này đây?

Đêm cuối cùng ở khách sạn, tôi lấy giấy ra để viết cho ông Kempf, người cha, một bức thư dài. Ông là người tôi sẽ mang trả lại câu chuyện của con ông, sẽ kể thêm cho ông những ngày tôi lặn lội tìm những bóng ma của gia đình ông, và câu chuyện của Sophie. Để ông là người kết luận nó, không phải tôi.

Tôi viết suốt đêm. Nhưng khi đọc lại bức thư lúc năm giờ sáng, tôi thấy rằng không có chữ nghĩa nào nói được nỗi buồn và sự phi lý tôi mang. Tôi lấy một tờ giấy khác, bắt đầu một bức thư khác. Hoàn toàn khác.


Cô y tá ngồi ở bàn tiếp nhận người thăm bệnh hỏi tôi:

“Tôi sẽ báo với ông Kempf người đến thăm là ai đây?”

“Wienandski.”

Một cái tên hoàn toàn xa lạ với ông Kempf. Tôi phải nói mình là ai để ông chịu gặp tôi?

“Tôi là bạn của con trai ông ấy, Michael Kempf.”

Rồi tôi sửa lại:

“Xin cô nói với ông ấy rằng tôi là bạn của vợ ông ấy.”


Người ta đệm gối cho ông Kempf nửa nằm nửa ngồi trên giường. Tâm trí ông bình thường, nhưng thân thể ông bất động, chỉ cử động được từ cổ trở lên. Tôi biết ông bị tai biến mạch máu, nhưng không nghĩ là ông bị nặng như thế. Nếu biết, có lẽ bức thư tôi viết đã khác.

Tôi không đoán được tuổi của ông. Thời gian đã lấy đi các góc cạnh trên gương mặt. Mí mắt ông dầy lên, làm cho đôi mắt nhỏ lại và hơi lồi ra, nhưng tôi vẫn còn nhận ra nét giống đôi mắt của con ông.

“Tôi tên là Wienandski. Tôi là bạn của vợ ông. Tôi ở Canada về đây. Tôi có mang cho ông một bức thư của bà Kempf.”

Tôi đưa cho ông phong bì, trong đó có thư và ảnh. Nhưng ông không cầm lấy được. Ông nói:

“Phiền cô đọc giùm thư viết gì.”

“Lunenburg, Nova Scotia, ngày

Anh Herman,

Sau bao nhiêu năm em ra đi không gửi về nhà một lời nào, em chắc anh tin là em đã chết.”

Ông Kempf ngắt lời tôi.

“Cô nhầm rồi. Bức thư này không phải gửi cho tôi.”

“Trên bao thư là tên của ông, Herman Kempf.”

“Tôi không phải là người duy nhất có tên ấy.”

“Ông không muốn nghe tôi đọc thư? Tôi còn những bức ảnh chụp vợ ông nơi bà ở bây giờ, ông không muốn xem sao?”

Tôi lấy cặp mắt kính để trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường gắn vào mắt ông, rồi cầm những bức ảnh đưa lên trước mắt ông. Đó là những bức ảnh tôi chụp mặt hồ dưới chân đồi nhà ông. Mặt hồ đóng băng, với một cái lỗ vừa đủ để đẩy một xác người xuống.

Ông Kempf im lặng. Đáng lẽ tôi phải chăm chú nhìn gương mặt ông để nhìn thấy những ý nghĩ bên trong, nhưng tôi lại đến đứng nơi cửa sổ nhìn ra ngoài.

“Cô là ai, cô muốn gì?”

“Tôi không là ai cả. Tôi muốn biết sự thật.”

“Nếu cô có được sự thật, cô làm gì với nó?”

Tôi không có câu trả lời.

“Cô muốn kết tội tôi giết vợ chăng? Bỏ tù tôi chăng? Tôi nằm như một khúc cây, nằm ở đây hay ở trong tù thì có khác gì? Cô làm việc cho ai?”

“Tôi không làm việc cho ai hết. Ban đầu thì tôi nghĩ tôi làm việc cho con ông. Nhưng đó là lúc ban đầu. Bây giờ thì không phải vậy.”

“Tôi không có tội gì để nhận. Và cô không có sự thật nào để biết.”

“Vợ ông lang chạ. Vợ ông nghiện rượu. Ông nghĩ bà ấy không xứng đáng được sống. Ông nghĩ ông là công lý, đúng không?”

“Ai nói với cô vợ tôi lang chạ và nghiện rượu?”

“Sophie.”

Ông nói buồn rầu:

“Vợ tôi không phải là người xấu.”

“Nhưng giữa vợ ông và cô Sophie thì ông chọn cô Sophie. Tôi có thể hiểu được. Cô ấy thật hoàn hảo.”

“Trên đời này ít có ai bằng vợ tôi. Không ai hiểu. Chính tôi cũng không hiểu hết điều đó.”

Tôi ngạc nhiên.

“Nhưng có một việc vợ tôi không bằng Sophie. Anita không biết làm cho ấm một ngôi nhà.”

Chúng tôi yên lặng một lúc lâu. Cuối cùng ông nói:

“Tôi cần những điều thật bình thường. Vợ tôi không hiểu bất cứ điều gì bình thường.”

Một lúc sau, tôi nghe ngoài hành lang có tiếng xe đẩy những cái khay đựng thức ăn buổi chiều.

Tôi đến bên giường, nắm cánh tay ông để giã từ, nhưng ông không còn cảm giác gì ở phần thân thể đó. Ông khóc, và ông không nhấc tay lên để chùi giọt nước mắt đi được. Tôi tự hỏi tại sao trên một thân thể chín mươi phần trăm bất động, cái tuyến nước mắt vẫn làm việc, để làm gì? Tôi tìm một chiếc khăn để lau giọt nước mắt cho ông, nhưng không có khăn, tôi rút cặp mắt kính ra cho ông rồi tôi quệt nước mắt cho ông bằng lưng bàn tay của mình.

Tôi nói:

“Tôi xin lỗi ông vì tôi đã đến ngày hôm nay. Tôi thực sự xin lỗi.”

Tôi nhặt bức thư và những tấm ảnh trên người ông, bên trên lớp chăn. Tôi xé chúng đi và bỏ những mảnh vụn vào giỏ rác ở góc phòng. Tôi vẫn chưa được nghe chính cho tôi biết là ông có giết vợ không. Nhưng giờ này tôi không còn cần biết nữa.

“Tôi sẽ không bao giờ làm phiền ông nữa. Tôi xin hứa.”

Khi đi đến cửa, tôi nghe tiếng ông gọi:

“Cô ơi, cô...”

Tôi quay lại.

“Tôi không biết tôi sẽ chết một năm nữa, hay là trong tuần này. Nếu may thì tôi chết trong tuần này.

Tôi không đi nhà thờ, không xưng tội. Tôi cũng không biết cách dùng lời nói... Tôi biết tôi chết thì linh hồn không còn, nhưng tôi vẫn không muốn mang chuyện này xuống mồ.”

“Ông hãy kể câu chuyện của ông với bất cứ ai trong nhà thương này. Hãy tìm một vị bác sĩ hay một cô y tá nào hiểu đời và nhân hậu. Hãy kể cho họ chứ đừng kể cho tôi. Họ biết làm gì với sự thật: họ tha thứ. Còn tôi, nếu biết được sự thật, tôi làm gì với nó? Tôi không biết làm gì với nó hết.”

“Tôi không tìm sự tha thứ. Tôi chỉ thấy quạnh quẽ quá... Có lẽ cả đời tôi chưa bao giờ biết nói một câu nào.”

Thật lạ, những người không quen muốn kể cho tôi câu chuyện của họ vì tôi không có câu chuyện nào của riêng mình.

“Tôi sẽ trở lại.”

“Cô mở hộc tủ cạnh giường tôi. Phía trong có một chùm chìa khoá. Đó là chìa khóa nhà tôi. Cô vào nhà, xuống tầng hầm. Có một cái phòng nằm phía sau bồn đựng dầu sưởi, cửa lúc nào cũng khoá. Chìa khoá giấu trong chậu hoa địa liên trong phòng ngủ. Nó nằm lẫn trong rễ. Cô phải đổ đất ra mới lấy được. Tôi giữ các lưu vật của vợ tôi trong đó. Nhờ cô chở chúng đi xa, đi đâu cũng được. Tôi không muốn Michael sau này trông thấy chúng. Nó không biết việc tôi đã làm.”

“Tôi không có xe. Sao ông không nhờ Sophie?”

“Nếu Sophie chạm đến những thứ ấy... Tôi nghĩ là.. Tôi có cảm giác như vợ tôi bị xúc phạm.”

Tôi bỏ chùm chìa khoá vào túi và bước ra. Tôi nói với cô y tá gặp ngoài hành lang:

“Phiền cô vào chùi mặt cho ông Kempf. Ông ấy khóc, mà tôi không có khăn.”


Tôi đến nhà ông Kempf, tìm thấy chậu hoa địa liên đã chết khô, đất trong chậu cứng lại. Tôi nhổ cây hoa và đập đất để lấy chìa khóa một căn phòng dưới tầng hầm. Cánh cửa đã lâu không ai mở. Cái phòng nhỏ chứa mấy món kềm búa để sửa chữa máy đốt lò sưởi và những cái thùng carton không. Một trong những cái thùng đó có một ít sách vở của bà Kempf được bó lại, vài cái đĩa nhạc. Tôi đã sợ phải nhìn thấy những thứ riêng tư nhiều nước mắt như chiếc áo mặc vào ngày cưới, một cái khăn kashmir mềm, một cái khung hình với bức ảnh của hai đứa con trai, gương lược và vòng đeo tay. Nhưng không có những thứ ấy. Tôi nhấc lên từng chiếc thùng giấy, nhìn lên mọi nơi trên mặt kệ. Không còn gì.

Nhưng ở góc phòng, khuất sau những tấm ván kệ gắn vào tường và cánh cửa mở ra để bước vào phòng, có một chiếc hộp đen lớn cao bằng vai người. Tôi nhận ra nó ngay và tim tôi lạc mất một nhịp. Nó đựng một cây đàn hồ cầm.


12.

Những nốt nhạc là những cánh bướm ma

Ba tháng sau ngày cha nuôi tôi chết, tôi bỏ nhà ra đi, chỉ mang theo chiếc hộp đựng cây đàn vĩ cầm mà ông mua cho tôi năm tôi chín tuổi. Đó là lưu vật duy nhất của tình yêu mà tôi còn giữ, còn chạm lấy được. (Sau này, tôi bán nó để mua một cây đàn lớn hơn. Năm mười sáu tuổi tôi đổi qua đàn hồ cầm).

Sở thanh thiếu niên đưa tôi về sống với một gia đình cha mẹ tạm. Họ có một đứa con gái 9 tuổi, đáng yêu, tôi cũng ước có được một đứa em như thế. Họ theo đạo, nhưng không bắt tôi đi lễ nhà thờ cùng cả nhà. Những chiều chủ nhật, bạn từ nhà thờ của cha mẹ tạm tôi đến nhà chơi, họ gặp tôi, hỏi: "Con khoẻ không, Anna Michaela Wienandski? Ai cũng nhớ con." Tôi cúi đầu, nói một lời cám ơn nhỏ. Một hôm, tôi ngẩng đầu nói tôi không phải là Anna Michaela Wienandski, tôi cũng không muốn ai nhớ tôi. Rồi tôi quay qua xin lỗi cha mẹ tạm và xin phép cho tôi ngày mai trở vào viện mồ côi. Lúc tôi đi, đứa em gái tạm tặng cho tôi một quyển sổ đẹp để viết nhật ký. Quyển sổ ấy nhiều năm sau vẫn còn trắng.

Những năm sau đó tôi sống ở những viện mồ côi, những trại thanh thiếu niên không nhà. Tôi sống không nương nhờ vào sự lo lắng của ai, không chờ đợi một người nào. Điều giúp cho tôi tiếp tục sống không phải là tình yêu, cũng không phải là một tương lai trừu tượng nào ở phía trước. Điều giữ cho giòng chảy của cuộc đời là những công việc nhỏ và một chút tình yêu nhỏ dành cho chính mình được phân lượng dè xẻn mỗi ngày. Tôi cần tự yêu mình đủ để thấy quí mến những gì tôi làm được, điều này đem lại cho tôi sức lực để đi qua một ngày, rồi một ngày nữa. Nếu tình yêu tự dành cho mình quá nhiều, tôi sẽ thương thân, rồi nhung nhớ, rồi tuyệt vọng, tôi sẽ có những ao ước làm kiệt quệ chính mình. Buổi sáng, buổi chiều và buổi tối sẽ là những khoảnh thời gian cô đơn, dằng dặc, ngày của tôi sẽ sụp đổ. Cái công việc nhỏ giúp tôi tồn tại chính là những giờ học nhạc. Thầy dạy nhạc ở trường trung học nhận dạy vĩ cầm cho tôi ở nhà ông. Tôi giữ những giờ tập đàn thật đều đặn. Nếu thầy cho tôi tập một bản nhạc hay, tôi biết ơn cái đẹp nó mang đến. Cái đẹp của nhạc không giống như của một bài thơ tôi đọc ở trường. Cái đẹp của nhạc không đại diện cho một cái đẹp khác, nó tự tại, không nương nhờ vào kỷ niệm hay ý nghĩa, vào một gian phòng ấm và bàn tay dịu dàng của người mẹ. Nếu nó đem tôi về ký ức thì chính nó là ký ức chứ nó không dẫn dắt tôi đến một vùng đất khác. Âm nhạc không cần lời lẽ. Tôi thích sự im lặng của nó.

Tôi thi đậu vào nhạc viện, học hồ cầm. Tôi đi qua ba năm đầu tốt đẹp. Đến năm thứ tư tôi quỵ. Tôi không ngại việc học vất vả, hay khô khan. Tôi lạc lõng, rã rượi, rồi đổ vỡ dưới áp lực của thành công và thất bại, của một đời không được phép có lỗi, không được đứng hạng ba.

Mùa thi đến, đêm ngủ tôi chiêm bao thấy mình đi thi. Tôi ngồi chờ ở hàng ghế trống. Tôi được gọi lên bục. Tôi lên giây đàn xong, bắt đầu kéo đàn. Nhưng giây đàn đã biến mất hết, cần đàn không có giây. Tôi không dám ngưng, tiếp tục kéo, lông ngựa căng chạm vào phím gỗ của đàn kêu lạt xạt, lạt xạt. Một đêm khác tôi thấy tôi ngồi kéo đàn, mắt nhìn bản nhạc, nhưng những nốt nhạc bắt đầu bay lờ lững trên những giòng kẻ, hiện ra rồi biến mất, chập chờn như những con bướm ma. Tôi không hiểu điều gì đã xảy ra. Âm nhạc là tình yêu duy nhất trong đời. Tình yêu to lớn, thực lòng, ngút ngàn. Nó đòi hỏi trọn vẹn con người của tôi, và đó chính là điều tôi cần. Nhưng tôi không biết chuyện gì xảy ra. Có khi âm nhạc tự đến như một cơn gió, chiếm lấy những ngón tay của tôi, hơi thở của tôi, nó như con ốc mượn hồn, nó là con ốc tôi là cái vỏ. Nó chiếm lấy tôi rồi chảy ra khỏi tôi như một giòng suối ung dung óng ả. Có khi nó không đến. Tôi để cây đàn giữa hai chân, tôi nhìn bản nhạc, tôi rờ rẫm phím cần đàn. Tôi hoàn toàn u mê như cái vỏ ốc khi con ốc đã đi rồi. Tôi không có trí thông minh, không có cảm giác và không biết làm thế nào để có cảm giác. Tôi làm bằng vôi.

Tôi bỏ học, đi bưng nước nhà hàng. Trước thì vừa đi bưng nước vừa đi học bây giờ chỉ còn lại bưng nước. Tôi vớt vát sự mất mát bằng cách vác đàn đến tập nhạc jazz với mấy bạn sinh viên nhạc viện, họ đi tìm một chút vui, một chút thăng bằng cho mình trong khi học nhạc cổ điển, chứ không chơi chuyên nghiệp. Buổi tối chúng tôi chơi ở mấy quán dưới hầm. Jazz không làm tôi bớt buồn. Tình yêu với một nhạc sĩ thành công hơn tôi cũng không làm tôi bớt buồn. Tôi bán cây đàn, mua vé máy bay sang Ấn Độ học đạo. Không phải đạo Phật, cũng không phải Bà La Môn. Tên gọi của nó tôi không mấy hiểu, nội dung của nó, dù cách nói có thế này hay thế khác, cũng là một con bò thiêng liêng, con người, và tình yêu, tình yêu, tình yêu. Tình yêu vừa là thiên đường vừa là con đường đi đến nơi đó. Cuộc sống đã có câu trả lời rồi: chúng ta chỉ còn một việc cuối cùng nữa thôi: mở con tim ra, và yêu. Tôi lờ mờ cảm thấy trong tất cả những điều hiển nhiên mà họ nói, có một cái gì đó sai rất cơ bản, mà tôi không sao nghĩ ra được đó là cái gì.

Tôi nói với một người lúc đó là thầy tôi: “Con không nghĩ người ta có thể mở con tim ra hoài mà không mất mát một cái gì đó.” Thầy tôi trả lời một câu dài, đại ý tình yêu là một thứ cho đi mà không mất, người cho còn nhận lại bằng năm bằng mười. Tôi không thể ôm nghi ngờ nào về sự thật trong câu trả lời đó, nhưng tôi vẫn không hết băn khoăn về sự mất mát vẫn xảy ra mỗi ngày trong tình yêu. Không phải là sự mất mát khi đam mê không được đáp lại hoặc bị bội phản, mà là sự mất mát lặng lẽ không tiếng động của một phần chúng ta khi sống những năm tháng đằm thắm gần gũi những người yêu mình. Tình yêu thích hòa nhập và san bằng, tình yêu không thích cái phần lưu lạc trong linh hồn chúng ta, những căn nhà ấm không thích những cơn gió ban đêm không tên tuổi. Chúng ta gài cửa nẻo, giữ những cơn gió ở bên ngoài.

Thời của tôi đã quá muộn màng để trở thành một hippie, quá muộn màng để có bạn bè không biên giới, quá muộn màng để gắn hoa trên tóc lang thang tìm chân lý. Tôi đã thôi không mong đợi mình có thể thấu đáo được bất cứ điều gì của cuộc sống. Con người chỉ có thể sống, mở mắt và nhìn và không hiểu, hay nhắm mắt và tưởng tượng ra một cuộc đời đẹp đẽ hơn và dễ hiểu hơn cuộc đời thật. Khi ngồi thiền, tôi nhắm mắt. Đi học đạo giống như một cuộc đi trốn chứ không phải đi tìm. Tôi biết rõ như vậy. Có lẽ để cân bằng lại điều đó, để còn là một người mở mắt, tôi mua máy ảnh, dựng phòng tối. Tôi chụp ảnh, bán được một ít cho mấy tạp chí. Tôi bưng nước cho mấy quán bán rượu cho người Âu Mỹ đi du lịch, cũng đủ tiền để không chết đói.

Một hôm thức dậy ở một phòng trọ rẻ tiền ở Rajasthan, tôi không biết mình đang ở đâu. Thường người ta chỉ cần một giây là nhớ lại. Buổi sáng đó tôi hoang mang trong ba mươi giây,và một nỗi sợ to lớn, mịt mùng chợt tràn tới. Mất không gian và thời gian, tôi mất cả trọng lực, tôi như đang rơi trong khoảng không. Ba mươi giây vô tận sau tôi mới nhớ lại mình đang ở Rajasthan. Tôi nhớ lại tôi là khách lạ ở đây. Tôi nhớ lại tôi là khách lạ ở bất cứ nơi đâu. Con người không có quê hương giống như một hạt cỏ gió đưa đến bám rễ trên vách đá, tôi biết thân phận của mình rất dễ vỡ.

Tôi vội vã trở về Đức. Máy bay đáp ở phi trường Frankfurt vào một buổi chiều tháng mười hai trời tối sớm. Tôi nhìn ra chiếc cửa sổ nhỏ thấy ánh đèn vàng của những chiếc xe chở xăng dầu hay hàng hóa trên sân bay chiếu những đường ngang dọc vào một bầu trời mờ mờ đục vì sương, nửa sáng nửa tối, mênh mông và bất động. Tôi lại thấy sợ. Nỗi sợ không kinh hoàng như buổi sáng ở Rajasthan, nhưng mà nó chìm xuống thành một nỗi bàng hoàng ngấm vào xương thịt. Tôi biết rõ hơn bao giờ hết là ra khỏi sân bay rồi, tôi không có một nơi nào để đi về, không có cánh cửa nào để tôi xoay chìa khóa bước vào một nơi chốn của mình, không có một số điện thoại của một người thân nào để gọi, con đã về.

Năm đó tôi gặp chồng tôi. Chúng tôi cưới nhau được hai năm chồng tôi mất vì xe rơi xuống núi, ở một đoạn đèo, trong một đám sương mù.

Cuộc đời tôi bị cắt thành nhiều đoạn, và cứ ở mỗi khúc quanh, tôi lại xóa đi cái đoạn trước đó. Có khi tôi ra sông, nhìn giòng nước chảy êm xuôi, trăm năm vẫn một giòng liền lạc, tôi nghĩ giòng sông có trí nhớ còn tôi thì không.


13.

Em, anh và cha

Em

Tôi đến gặp ban giám đốc nhà nuôi trẻ tâm thần để hỏi về Marcus. Họ cho tôi biết nhà trẻ thành lập năm nào, trực thuộc tổ chức nào, trong năm nào có bao nhiêu đứa trẻ được nuôi, vân vân, nhưng họ không cho tôi biết bất cứ điều gì về bất cứ đứa trẻ nào. Chúng được bảo vệ trong sự an toàn của im lặng và của khoảng không. Không tuổi thơ, không quá khứ.

Tôi nghĩ ra một cái tựa cho một bài báo tưởng tượng. "Tại sao em ở đây? - Những câu chuyện của các em sống ở nhà nuôi trẻ bệnh tâm thần". Tôi năn nỉ ông Bauer tìm cho tôi một tờ tạp chí chịu đăng bài ấy và viết cho tôi một bức thư giới thiệu để tôi phỏng vấn ban giám đốc nhà nuôi trẻ.

Tôi được cho biết nhà nuôi trẻ có 122 em. Nhóm I gồm 97 em phát triển bị rối loạn do bẩm sinh (chứng Down, chứng tự kỷ). Nhóm II gồm 25 em do trải qua khủng hoảng tâm lý nặng nề hoặc do nguyên nhân không được biết. Mức độ rối loạn nặng nhẹ và hy vọng hội nhập vào cuộc sống bình thường khác nhau ở mỗi em. Một khi có khả năng hội nhập vào cuộc sống bình thường, các em có hy vọng trở về sống với gia đình hoặc tìm được cha mẹ nuôi.

Nhưng những con số chỉ là những con số, chúng không nói được gì về những mảnh đời có thật. Tôi nói với ban giám đốc tôi muốn có một bài báo trong đó có những con người, không phải những con số. Tôi hứa sẽ không ghi tên thật các em. Họ đồng ý cho tôi xem hồ sơ về trường hợp nhập viện của một em nào đó nếu tôi yêu cầu.

Marcus ở nhóm II, rối loạn do trải qua khủng hoảng lớn hơn sức chịu đựng. Trường hợp của em được chắp nối lại từ nhiều mảnh thông tin thiếu sót và từ những lời kể lại ít ỏi và mơ hồ của em. Nhiều suy diễn và ước đoán đã cần thiết để có được một câu chuyện tương đối tin được về em.

Marcus được một người giữ rừng tên là Malbuchen - chứ không phải Maibuchen, như Michael ghi lại - tìm thấy trong rừng, vào mùa đông, một thời gian ngắn trước khi ông ấy nghỉ hưu. Vào tháng giêng, nhiệt độ trung bình ở miền trung du này âm 8 độ vào ban đêm và âm 2 độ vào ban ngày. Có thể tin là em hôn mê và thân thể giá lạnh trầm trọng. Có thể tin là em bị mất trí nhớ từ lúc ấy. Em vào độ 5 tuổi. Có lẽ vì cô đơn, người giữ rừng không báo và giao em cho công an hoặc sở thanh thiếu niên, mà giữ lại để nuôi. Ông Malbuchen nuôi em cách biệt với xã hội trong một căn nhà tự cất ở trong rừng. Ông ấy có một căn nhà ở thị xã, hầu như bỏ hoang, và có xe hơi. Dĩ nhiên là em không được đi học.

Khủng hoảng tâm lý lần thứ nhất của em vẫn nằm trong bóng tối. Khủng hoảng lần thứ hai đến vào bốn năm sau, khi ông Malbuchen qua đời do trụy tim. Người ta tìm thấy em ở trên rừng, suy nhược trầm trọng vì đói, một mình trong căn nhà với một người đàn ông đã chết được hai mươi ngày.

Cảnh sát xem lại hồ sơ trẻ con thất lạc ở Đức và các nước Tây châu Âu trong vòng mười năm cho đến hôm đó nhưng không tìm được báo cáo thất lạc của cha mẹ em.

Trí nhớ của em cho đến năm 6 tuổi không còn. Trí nhớ của em từ 6 đến 10 tuổi có lẽ không mất hẳn, nhưng em từ chối bất cứ ai muốn biết những kinh nghiệm của em.

Em không xem ti vi, trị liệu tâm lý với chuyện tranh và chuyện kể đều bị từ chối. Phát triển ngôn ngữ kém. Phát triển ở các lãnh vực khác như toán và khoa học tốt. Thông thường Marcus là đứa trẻ can đảm, nhưng hay có những cơn khiếp sợ bất ngờ vào ban đêm, có lẽ do chiêm bao. Em không bao giờ kể về chúng.


Anh

Tôi trở lại Treuwasser. Ở nhà số 10 đường Talweg, Sophie mở cửa cho tôi. Tôi nói:

“Em muốn gặp Michael.”

“Michael không có nhà.”

Chị nhìn tôi rất lâu không nói gì.

“Em đi vừa đi đường xa tới đây. Đường rất xa. Chị không cho em vào nhà chờ Michael được sao?”

Sophie nắm tay tôi kéo sát về phía người chị để chị hôn phía bên trái của tóc tôi. Chị mời tôi vào nhà và đi pha trà.

Trên bàn có một bình hoa. Căn phòng vẫn có mùi thơm êm đềm của trầm và oải hương như hôm nào. Chị mang ra bình trà và hai cái chén màu ngọc rất đẹp.

“Em vừa từ ở đâu đến đây?”

“Em đến từ một nơi xa.”

“Em có chuyện gì kể cho chị nghe không?”

“Không. Không có chuyện gì khác những chuyện chị đã biết rồi.”

“Em có chuyện gì muốn hỏi không?”

“Chị đã trả lời cho em hết cả rồi.”

“Em muốn gặp Michael có chuyện gì?”

“Chuyện riêng của Michael.”

“Chị đưa em về khách sạn chờ, bao giờ Michael về chị sẽ gọi.”

“Em đi thẳng từ nhà ga đến đây. Em không có phòng ở khách sạn.”

‘Vậy thì bây giờ lấy phòng.”

“Em không định lấy phòng. Em gặp Michael rồi sẽ đi khỏi Treuwasser ngay.”

“Chị bận xem bài của lũ trẻ, và sửa soạn bài cho ngày mai.”

“Chị cứ làm việc. Em ngồi đây chờ.”

“Chị sợ em phải chờ quá lâu.”

“Bao lâu em cũng chờ. Em chỉ gặp Michael một lần. Sẽ không có một lần nào khác nữa.”

Sophie đứng dậy, chị nắm tay tôi và mỉm cười ân cần, nhưng tôi không hiểu nụ cười của chị.

Chị đi mở nhạc. Một cái dĩa nhạc để ngồi thiền, để tịnh tâm mượt mà như những tấm lụa giăng từ trời. Hôm nay tôi không thấy thích thứ nhạc chỉ buông vào trong không gian và không có dấu ngắt đó, nó làm tôi thấy khó thở.

Sophie đi về bàn làm việc của chị.

Tôi bỏ ra đứng nơi cửa sổ nhìn ra hướng có suối. Tôi không nhìn thấy giòng nước, không nghe tiếng suổi chảy. Chỉ biết rằng giòng suối ở đó, điều đó làm tôi thấy an tâm hơn. Tôi đứng chờ rất lâu, gần như bất động.

Tôi nghe tiếng xe chạy vào sân, rồi tiếng Michael mở cửa bước vào nhà. Sophie bước đến nói:

“Michael, đây là An Mi, người đã đọc câu chuyện hoang đường Michael viết trong quyển sổ lúc mới đi làm ở khách sạn.”

“Vâng, tôi nhận ra chị. Mời chị ngồi.”

Michael và Sophie ngồi xuống cạnh nhau trên chiếc ghế dài. Tôi đến ngồi trên chiếc ghế đối diện họ. Michael hỏi:

“Tôi được phép cho biết điều gì đưa bà đến đây?”

Tôi thấy ngỡ ngàng. Tôi chỉ gặp Michael trong mấy phút hôm anh trực đêm ở khách sạn. Nhưng từ lâu nay anh là một phần của đời tôi. Anh và tôi đã kể lại câu chuyện duy nhất của mỗi đời người trong cùng một quyển sổ. Chúng tôi đã viết chữ, có lẽ bằng máu, và bằng nỗi chơi vơi vô tận của mỗi người.

Sự lịch sự và xa lạ của anh làm tôi hơi bàng hoàng.

“Tôi muốn nói chuyện với anh. Giữa anh và tôi thôi, đây là một câu chuyện riêng. Xin chị Sophie thứ lỗi cho em.”

Michael quàng tay qua người Sophie ôm cô sát vào mình. Anh nói:

“Bất cứ chuyện gì của tôi Sophie đều nghe được. Chúng tôi có hai tên, nhưng chỉ là một người.”

Họ mỉm cười đầm ấm, dụi người vào nhau.

Nỗi thất vọng chợt đến, và càng lúc càng tràn ra, dù tôi chưa kịp biết vì sao. Người tôi cứng lại. Có một bàn tay của ai đó chận ngang cổ họng tôi. Tôi không nói được.

Michael nhắc:

“Bà mở đầu đi, cả hai chúng tôi đều đang lắng tai đây.”

Tôi mở túi tìm trang giấy tôi đã ghi chép về Marcus đưa cho Michael. Sophie đọc nó trước, rồi đưa qua cho Michael.

Họ không nói gì. Sophie xin phép đi làm cơm và đứng dậy. Tôi tưởng có thể nói chuyện riêng với Michael nhưng anh ấy cũng đi ra nhà bếp để phụ Sophie sửa soạn bữa chiều.

Tôi ngồi lại một mình. Căn phòng vẫn thoảng hương trầm, tiếng nhạc vẫn buông như lụa là, và tôi biết giòng suối bên ngoài cửa sổ vẫn trôi êm đềm. Nhưng tôi thấy mình chơi vơi quá. Tôi cố ngồi yên và bình tâm lại, cố không nghe thấy tiếng nhạc và ngửi thấy mùi hương. Nhưng tôi chỉ thấy đang rơi trong một bầu trời đầy những đám mây lạ mầu xám.

Tôi nghe tiếng chén dĩa, tiếng Michael và Sophie nói cười. Rồi Michael bày bàn ăn.
Tôi nhìn thấy Michael chỉ đặt lên bàn có hai bộ dĩa ăn đối diện nhau. Anh nói với tôi:
“Tôi có việc phải chạy ra bưu điện. Tiện xe tôi đưa bà ra ga nhé.”

Tôi gật đầu. Lúc ôm hôn tôi ở cửa để giã từ, Sophie nói:

“Chị thực sự mong em tìm được an lạc cho tâm linh. Michael đã tìm được điều đó rồi. Mẹ và em Marcus hiện ở Canada, Michael vừa nhận được thư của hai người.”


Cha

“Vợ tôi muốn ra đi. Lúc đó không có cách nào khác giữ cô ấy lại được. Tôi nghĩ là nhìn thấy con dao Anita sẽ sợ. Nhưng đêm đó cô không màng thứ gì nữa cả, dù là cái gia đình này hay mạng sống của mình. Cô ấy chết vào lúc nửa đêm, lúc đó hai đứa con trai ngủ yên trên lầu. Sáng sớm tụi nó tự làm đồ ăn sáng rồi đi xe đạp đến trường. Tôi định chúng đi học về sẽ nói là mẹ bỏ đi rồi. Chúng sẽ tin, vì đã nhiều lần mẹ nói muốn bỏ đi chứ không chết già ở Treuwasser. Marcus tan học trước. Nhưng 12 giờ Marcus không về. Tôi thấy cái xe đạp của nó ở nhà, tôi nghĩ anh nó chở nó đi. Đến 2 giờ Michael về, không có em nó. Nó hỏi Marcus ốm hay sao, sáng gọi cửa phòng Marcus không dậy, nó đi học có một mình. Tôi phải nói mẹ dắt em Marcus bỏ nhà đi rồi. Nó hỏi đi bao giờ về. Tôi nói không bao giờ về nữa. Nó nghe vậy vội chạy đi tìm cái đàn hồ cầm của mẹ, nó biết nếu còn cây đàn ở nhà, thì mẹ sẽ về. Mẹ không thể đi đâu, sống ở đâu mà không có cây đàn. Nó không tìm thấy cây đàn.

Tôi đến nhà cô giáo của Marcus xem nó có qua nhà cô không. Tôi không nhớ tôi nói gì với cô giáo Sophie. Tôi thấy lạnh buốt và quị xuống. Cô đỡ tôi lên ghế nệm, quấn chăn, ôm tôi cho tôi đừng run. Cô hâm rượu ấm cho tôi uống. Tôi ngủ đi một lúc.”

“Ông nói sai thứ tự thời gian rồi. Ông đến nhà Sophie vào buổi sáng, chứ không phải buổi trưa sau khi Marcus không về nhà.”

“Sophie dạy cho tôi khi hoảng loạn thì ngồi như Phật ngồi, nhắm mắt lại, thở sâu. Hít khoảng không vào bên trong mình và để cho nó lắng xuống, lắng xuống mãi. Mọi việc đều yên lành. Tất cả đau khổ đều tại tâm, và muốn diệt khổ thì diệt từ trong, không thể diệt từ ngoài. Sophie đốt hương trầm cho tôi an định lại.”

“Sophie có biết ông giết Anita không?”

“Tôi không nhớ trước khi tôi quị xuống tôi đã nói những gì.”

“Sau đó Sophie không bao giờ hỏi sao?”

“Không. Chính Sophie là người giúp tôi tìm lại sự an lành. Giúp tôi tiếp tục sống và tìm hạnh phúc. Cô ấy luôn luôn nói rằng Anita ra đi không phải là lỗi của tôi. Mỗi người đi theo con đường thiên mệnh của mình. Nếu hai người có mệnh nghiệp khắc nhau xa nhau, đó là một giải thoát. Tôi không có tội. Không cần phải tự trừng phạt mình.”

“Buổi sáng đó Sophie giúp ông kéo xác Anita xuống hồ có phải không?”

Ông Kempf không trả lời tôi.

“Ông giết vợ để được gần Sophie? Hay Sophie muốn vợ ông chết bằng tay của ông? Hay Sophie là một thiên thần chỉ đến cứu ông sau khi ông đã phạm tội một mình?”

“Tôi xin gặp lại cô để nói lời xưng tội của riêng tôi. Tôi không thể nói gì về Sophie.”

“Tại sao ông không để cho vợ ông ra đi?”

“Anita không có quyền bỏ rơi gia đình của mình. Vả lại, cô không có ai khác trên đời. Cô ấy không phải người xứ này. Máu Do Thái chảy trong người cô ấy. Quê hương cô ấy ở Nga. Cô ấy yếu đuối, cô ấy sa ngã, ra đi chết ngoài đường sẽ còn buồn thảm hơn.”

“Ông không đi tìm Marcus sao?”

“Tôi đi tìm mãi trong nhiều ngày.”

“Ông tìm thế nào thì gọi là tìm? Ông có nhìn tất cả mỗi gốc cây trong rừng, gõ cửa tất cả mỗi căn nhà trên nước Đức không?”

“Cô hiểu là tôi không thể để cho mọi người chú ý đến tôi. Tôi nói với tất cả mọi người là Anita đã dẫn Marcus đi.”

“Vì ông giết mẹ rồi thì phải giết luôn con mình phải không?”

“Marcus chưa chắc là con tôi. Càng nghĩ tôi càng tin rằng nó là con rơi của người khác. Cha ruột nó bỏ rơi nó trước cả tôi. Sophie nói ơn phúc của nó được tôi lo cho từng ấy năm là hết. Phần số nó được bấy nhiêu. Tôi không có tội, không phải tự dằn vặt mình. Tất cả đau khổ đều tự trong tâm mình mà ra. U mê làm cho người ta đau khổ. Nhầm lẫn làm cho người ta đau khổ. Sophie giúp cho tôi diệt khổ từ bên trong. Từ ngày gặp cô ấy tôi sống hài hòa và an bình.”

“Ông có thể an bình được khi một đứa trẻ ông đã nuôi đến năm 5 tuổi đi vào rừng một mình lúc trời lạnh âm 10 độ và ông không biết nó ở đâu?”

“Marcus đã chết ngay vào đêm hôm ấy. Trong cái lạnh đó, chỉ cần quỵ xuống ngủ là máu sẽ đông lại.”

Không hiểu sao tôi không muốn nói với ông Kempf rằng Marcus còn sống. Khi nói chuyện với ông, người ta chỉ muốn nói những câu chấm dứt chứ không muốn nói những câu thuộc về một câu chuyện còn để mở.


I II III

Đoàn Minh Phượng sinh ở Sài Gòn, thời thơ ấu theo gia đình sống ở vài tỉnh nhỏ miền Trung, rời Việt Nam sang Đức năm 20 tuổi. Hiện sống ở Bonn và Sài Gòn.

Tác phẩm Hạt mưa rơi bao lâu, Phim truyện, Kịch bản: Đoàn Minh Phượng, Đạo diễn: Đoàn Minh Phượng và Đoàn Thành Nghĩa, Việt Nam / Đức 2004, 114 phút; Và khi tro bụi, Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 4.2006, 186 trang.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài