Đỗ Kh.Nửa đêm, thò chân đo ẩm nhiệt
Đỗ Kh. |
Đỗ Kh.
Nửa đêm, thò chân đo ẩm nhiệt
(Ghi chú ảnh)
Tám giờ tối là lúc nhá nhem nhất trong ngày. Đêm ở đây vào mùa hè đến trễ mà lại đi chầm chậm kiểu rềnh rang thẩm phán (hay là thông phán) về hưu. Dĩ nhiên là có đèn sa số và chớp nháy của các hàng quán nhưng đó là trên các con lộ chung quanh, còn cái bãi rất rộng trước cửa hàng bách hóa Lotte thì trở thành chập choạng sau khi năm sáu tầng của tòa nhà này đồng loạt tắt. Đã đến giờ người mua sắm về nhà mà xem phim bộ của đài truyền hình Văn Hóa (Munhwa). Trên bãi chỉ còn lại điện bình của anh bánh tiêu nhân đậu đỏ, của chị bắp luộc và của chú bảy xe mì, mấy cái bóng vật vờ tiết kiệm năng lực của các xạp bán thuốc lá. Nhưng vỉa hè có nhá nhem thì vẫn lúc nhúc những người, theo nhau tủa ra từ lối những đường hầm tàu điện, đàn ông tan sở muộn và phụ nữ hối hả mong về được đến bếp để bật nồi cơm tối.
Chỉ có trong vài phút mà Cheongyangi, từ Hàn Quốc Samsung nhừ tử và (Hậu) Hyundai phấn son lại trở về với thế kỷ 20, nghĩa là trở về với Đệ tam thế giới gọi là đang trên đà phát triển. Bậc tam cấp ở trước cửa Lotte nhạt màu dần như thánh đường Rouen ấn tượng, trong chớp nhóang các phụ nữ trung lưu tay lủng lẳng túi mua sắm nhường chỗ cho mươi bà đứng tuổi áo quần xộc xệch đến đây ngồi chồm hổm nhìn trời với một vẻ ngại ngần.
Giờ đang là mùa mưa ôn đới trên bán đảo.
Mưa như là mẹ chồng hay mưa như là vợ hiền, có khi bỗng nhiên năm mười phút lạnh lùng, có khi lê thê ray rứt, sầm nét mặt của bóng trời một màu đen bợt bạt và loáng lên mặt lộ những ánh đèn cau có. Những ông rượu đế soju thì đếch sợ, ta đây vẫn cứ lăn kềnh tuy là lăn kềnh ở một góc kín gío. Nhưng đạo quân tóc búi là các bà lem nhem con giáp thì đăm chiêu ra mặt, thỉnh thoảng lại vụt rời khỏi chỗ trú để nắm tay hay có khi ôm chầm cả lấy những đấng nam nhi đang gầm mặt và bước vội. Phần lớn vùng vằng và thoát khỏi nanh vuốt, họa hoằn mới có người không có bằng C vật lộn mới để cho các bà khóa cổ, bẻ tay và dìu vào những ngách tối tăm chằng chịt phía đằng sau trạm tàu điện Cheongyangi.
Cheongyangi phân chia tả hữu rõ ràng, nghĩa là như một quốc hội (nước Pháp chẳng hạn), rành mạch đường ranh. Bên trái chui rúc những phòng điện lập lòe dúi vào trong những hộ dân cư cao thấp, để trú một nỗi buồn trong vòng 30 phút với những thiếu phụ mập mờ nhan sắc và tuổi tác. Còn phía phải, thì cũng giải sầu khuây khỏa vậy, cũng là vuốt ve an ủi nhưng mà xinh xắn sáng từng ô. Các thiếu nữ ở phía này khi đêm xuống thì ra trước cửa kính mà ngồi cho đèn soi ẻo lả. Con ngõ bên cũng xinh như người trọ, chỉ thiếu có tường vi kỷ độ hay là giàn hoa giấy đỏ dập dìu. Nhưng vào những đêm mưa mùa hạ thưa tài tử hay là thưa Từ Hải thì cũng vẫn là một dãy phố buồn hiu.
Trời tạnh thì Kiều thò chân ra hứng mát. Trời mưa thì Kiều rút chân vào co ro.
Từ tầng bảy của khách sạn New Boolim, tôi chỉ có thể nhìn thấy một góc này. Cửa sổ của phòng tôi mở được có một ô rất nhỏ để hóng gió. Muốn thấy bên dưới, tôi phải len vai và chui một nửa người ra ngoài nhưng là vì từ tầng bảy nên cũng chẳng thấy rõ. Thế cũng hay, loáng thoáng một bắp vế, một mái tóc nặng hay là một bộ ngực xõa.
Những gót giày cao hai tấc hết duỗi lại co, buồn so, đo độ ẩm và độ nhiệt, vào lúc đêm mới xuống cho đến khi trời sáng.
Muốn thấy họ, tỏ mặt mày và muốn họ cởi giày, thì phải xuống nhà.
Cô bạn tôi, người bơi lặn chỉ thích cả ngày ở dưới nước nếu không nói là ở dưới mặt nước, còn mùa mưa Hàn Quốc thì cô bảo, phải đợi cho tháng mười đi qua.
© 2008 talawas
Cùng một tác giả
Đỗ Kh. nguyên quán Nam Định, sinh tại Hải Phòng 1955. Vào Sàigòn 1955, đi Paris 1969, đến Củ Chi 1974, rời Phú Quốc 1975, thăm Hà Nội 1990. Hiện sống ở California.
Tác phẩm:
- Cây gậy làm mưa, tập truyện ngắn, 1989.
- Thơ Đỗ Kh., tập thơ, 1989.
- Kí sự đi Tây, tập ký, 1990.
- Có những bực mình, tức không thể nói, tập thơ, 1990.
- Không khí thời chưa chiến, 1993.
- Lebanon, chuyện kể mùa hè, 1982.
- Bến tạm tại Hương Cảng, 1986.