talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 17.06.2007


Hồ Anh TháiĐức Phật, nàng Savitri và tôi


Ho Anh Thai
Hồ Anh Thái
© Ảnh: Thanh niên

Hơn 20 năm nay, Hồ Anh Thái là một trong những tác giả viết nhiều nhất và đều đặn nhất với trên dưới 30 đầu sách. Đức Phật, nàng Savitri và tôi là tiểu thuyết mới nhất của ông, kết quả của một thời gian dài nghiên cứu văn hóa Ấn Độ, trong đó có 6 năm sống và làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Ấn Độ.

talawas chủ nhật kì này xin giới thiệu một trích đoạn của cuốn tiểu thuyết.

talawas chủ nhật

 

Hồ Anh Thái

Đức Phật, nàng Savitri và tôi

 

Từ cửa sổ căn nhà ta mới mua ở phường Vàng Bạc, có thể nhìn xuống bến sông Hằng.

Nhộn nhịp từ lúc tờ mờ sáng. Quanh năm. Hàng chục bậc cầu thang xây bằng đá bằng gạch xuôi xuống bến sông. Hàng nghìn hàng vạn con người lội xuống bến dòng sông thiêng, vục nước vào giữa hai bàn tay, chờ mặt trời mọc để dâng nước cho mặt trời. Những du sĩ gần như khỏa thân, chỉ độc cái khố, đứng ngập trong nước đến bụng đến ngực, đọc những câu thần chú, những câu kinh câu kệ, hoặc luyện yoga trong tư thế đứng. Những tín đồ Bà La Môn giáo kéo về từ mọi miền trên tiểu lục địa. Đàn ông đàn bà. Người già trẻ con. Thỏa nguyện ít nhất một lần trong đời được nhúng mình trong nước thánh. Nghi lễ nhúng mình xóa tội. Bao nhiêu tội lỗi được gột rửa hết qua một cái nhúng mình này. Con một đời chỉ có hai lần nói dối chồng, con suốt đời ăn năn, nay chồng con đã về giời, con cầu xin Nữ Thần Sông Hằng xóa tội cho con một lần này. Con đã trót đẩy dì ghẻ con vào giàn hỏa táng để chết theo cha con, vẫn biết như vậy là tạo phúc cho bà ấy được lên thiên đàng cùng với cha con, nhưng đến giờ con vẫn nghe tiếng la hét của bà ấy trên giàn lửa, con xin nhúng nước thiêng rửa tội một lần này. Con ao ước một mụn con trai, có con trai mới ra người đàn ông, vợ con năm lần sinh con gái, chúng con để đậu ba lần, hai lần sau con thuê bà mụ giải thoát cho các cháu dưới một dòng sông quê nhà, lần này con cầu xin Nữ Thần Sông Hằng giải thoát cho con khỏi mọi tội lỗi.

Nam nữ già trẻ, khỏe mạnh tật nguyền, tất cả đều lặn ngụp trong dòng nước họ một đời ao ước được đến. Hầu hết đều mặc nguyên cả quần áo mà trầm mình trong nước. Vốc một vốc nước mà uống. Đàn bà không con cái uống nước ấy thì sẽ có con. Người bệnh tật uống nước ấy thì khỏi bệnh, hết phong hủi, hết cụt què, hết bệnh tim mạch gan phổi, hết cả bệnh ngoài da. Người già uống nước thì thanh thản tin chắc mình sẽ nhẹ bước về cõi trời. Người biết mình sắp gần đất xa trời thì đến đây chờ được chết bên sông Hằng. Thành Varanasi lúc nào cũng có hàng trăm hàng nghìn người già đến tá túc chờ chết. Thành phố của người già. Thành phố của cái chết. Có cụ chờ cả năm mới chết, thành phố biến thành nơi cho các cụ gặp gỡ lập hội nhóm để đàm đạo.

Từ cửa sổ trên lầu cao nhà ta nhìn xuống sông, dịch một chút xuôi về phía tây là bãi hỏa táng. Bãi hỏa táng ngay bên cạnh bãi nhúng nước thiêng. Lúc nào cũng nghi ngút khói lửa. Xác này đang thiêu thì mấy cái xác khác đã đặt bên cạnh chờ đến lượt. Cùng lúc hàng chục giàn hỏa táng chạy dài theo bến sông. Tiếng các giáo sĩ ngân nga cầu kinh, Ram Nam Satya He. Tiếng người đưa tang họa theo hờ khóc rên rỉ, He Ram, He Ram, He Ram. Những xác chết quấn vải trắng kín mít, đặt nằm trên cáng tre, buộc chặt vào cáng. Người ta khiêng hai đầu cáng, nhúng xuống sông Hằng. Lần nhúng cuối cùng của một đời. Sau đó đưa lên đặt cạnh giàn hỏa táng. Chờ. Củi gỗ xếp vuông vắn thành giàn. Nhà khá giả thì lượng củi trầm nhiều hơn. Dầu đốt phải là bơ tinh khiết cất ra từ sữa bò. Thiêu một tử thi mất nửa ngày. Tro cốt được gom vào một cái hũ sành hình cầu, được đem lên đầu nguồn sông Hằng mà rải xuống.

Cũng có đôi lần ta nhìn thấy những cái xác vô thừa nhận trôi qua bãi tắm. Những người nghèo không có tiền làm lễ hỏa táng, người ta thả xác người thân xuống sông, một kiểu phó mặc cho thần linh, may ra thần thương thì thần cũng bỏ qua nghi lễ mà cho về giời. Cái xác trôi qua trước bao nhiêu người đang lặn ngụp. Như không. Vẫn nhúng nước gột rửa thanh tẩy. Vẫn uống nước cầu xin con cái phúc lộc.

Không một con dân nào của xứ này không biết thần thoại về nữ thần sông Hằng. Ta cũng nghe kể đến thuộc lòng từ khi còn nhỏ. Sau này đi học, đạo sư cũng nhồi thêm ấn thêm vào đầu như một thứ kiến thức bắt buộc. Ganga là tên nàng. Trong tranh thờ, người ta vẽ nàng có nước da trắng, trang phục màu trắng, cưỡi trên một con cá sấu. Nàng có bốn tay. Tay cầm bông hoa súng. Tay cầm một tràng hạt. Tay cầm bình nước thiêng. Một bàn tay ngửa ra hướng lên trời trong tư thế bảo hộ. Chuyện nàng từ trên thiên đường xuống với trần gian là cả một trường thiên tiểu thuyết. Ông vua Sakar là một đại vương hùng mạnh. Vua có sáu vạn con trai. Cách thức mở rộng bờ cõi của vua là làm một cái lễ tế ngựa. Chọn ra một con ngựa có những dấu thiêng trên người. Thả cho con ngựa chạy sang lãnh thổ của các tiểu vương quốc láng giềng. Một đạo quân binh hùng tướng mạnh rầm rộ phi theo sau con ngựa. Ngựa chạy đến đâu bờ cõi của đại vương mở rộng đến đó. Kẻ nào chặn đường con ngựa sẽ bị xem là quân thù, bị tiêu diệt ngay tức khắc. Bằng cách bành trướng như vậy, Sakar chinh phục được các nước láng giềng, vương quốc của ông ta mở rộng nhanh như vũ bão.

Ngọc Hoàng Indra từ trên trời hoảng sợ trước sự bành trướng của vua Sakar. Ngọc Hoàng bèn xuống tay bắt trộm con ngựa, đem giấu vào am của ẩn sĩ Kapila. Ẩn sĩ đang nhắm mắt ngồi thiền. Sáu vạn đứa con trai của vua Sakar theo dấu ngựa tìm đến. Chúng lấy lại được con ngựa và nói năng hỗn xược. Lão già bẩn thỉu này đã đi tu còn chưa trót. Lão đã ăn cắp con ngựa thiêng của một vương quốc hùng mạnh. Này các huynh đệ, ta phải vào phá tan am thất của lão ra.

Ẩn sĩ mở choàng mắt, ánh mắt của ông tức khắc thiêu chúng thành tro bụi.

Lỡ ra rồi, ẩn sĩ lại ân hận. Ông truyền rằng sáu vạn gã trai sẽ được phục sinh nếu cầu xin nữ thần Ganga từ trên trời đưa nước xuống. Tro ấy gặp nước thiêng sẽ cho chúng trở lại làm người. Cả một hành trình gian khó. Trong đám cháu chắt của nhà vua có một dũng sĩ đủ thanh sạch để cầu nguyện. Thần Sáng Tạo Brahma bằng lòng cho nữ thần Ganga đưa nước xuống, nhưng cảnh báo phải nhờ Shiva chặn bớt một phần nước, nếu không thế gian sẽ đắm chìm trong cơn đại hồng thủy. Quả nhiên, Shiva phải chìa mái tóc tết của mình ra để chặn bớt một dòng nước từ trên trời do nữ thần Ganga đổ xuống. Dòng sông ấy chia làm ba nhánh. Nhánh vẫn chảy trên trời tên là Mandakini. Nhánh đổ xuống cõi âm gặp đám tro tàn, phục sinh cho sáu vạn đứa con trai, nhánh này tên là Bhagirath, tên người chắt đã thành tâm cầu nguyện làm động lòng nữ thần Ganga. Nhánh chảy xuống trần gian mang tên nữ thần Ganga, sông Hằng.

Người đời thả tro cốt hỏa táng xuống sông Hằng là vì vậy.

Ta ít khi nhúng nước sông Hằng. Người giầu sang có tòa lầu ở ngay trong thành phố ít khi xuống bến. Nhưng ta vẫn ngày ngày phải ra nhà tắm công cộng ở ngay bên sông. Nhà tắm xây ở phía trên cao của bờ sông, từ đó phải xuống mấy chục bậc cầu thang mới đến bến. Nước được dẫn từ dưới sông lên cao, qua một hệ thống lọc sạch rồi mới đưa vào bồn tắm. Mỗi bồn tắm hình tròn đủ cho mười người cùng tắm một lúc. Nhà tắm chỉ có tường cao quây quanh, không có mái che. Ngồi tắm có thể bình luận về trời mưa trời nắng về đàn chim bay ngang. Tắm chung trong bồn xong thì ra giội nước từ đường ống. Cũng là nước sông Hằng. Người trong thành hơn người bốn phương là quanh năm được tắm nước thiêng như vậy.

Nhà tắm công cộng là bằng chứng một nền văn minh phát triển bậc cao của xứ này. Đâu đó trên thế gian, con người vẫn còn chui rúc trong hang ăn lông ở lỗ, nóng bức thì ra bờ suối kỳ cọ, rác thải thì tiện đâu vứt đấy, nhà cửa thì vẫn còn đắp đất làm mái tranh. Xứ này đã xây lâu đài thành quách chùa chiền đồ sộ, kiến trúc đã nguy nga, trình độ xây dựng đã tinh xảo. Phố phường đã có hệ thống cống rãnh tiêu nước thải. Có tổ chức người đi thu nhặt và tiêu hủy rác. Có những nhà vệ sinh nhà tắm công cộng.

Căn nhà ta mua không có nhà vệ sinh, đã đành. Cũng không có cả bồn tắm. Không phải nhà nào cũng làm bồn tắm trong dinh cơ của mình. Hàng ngày chị Juhi và ta phải ra nhà tắm công cộng.

Ra đường. Đến nhà tắm công cộng. Trong tình cảnh bị truy nã thì đó là cả một gian lao. Sau khi lẩn trốn ở tòa lầu của chàng Yasa một thời gian, chúng ta đều biết dinh thự của chàng không còn là chốn an toàn nữa. Nó có thể đã trong tầm ngắm của quân do thám theo sang từ tiểu vương quốc của chồng ta. Cũng có thể chưa. Nhưng chốn ăn chơi tấp nập của chàng cũng quá nhiều tai mắt. Ta đem trang sức vàng bạc ngọc quý gửi hết vào ngân khố của chàng. Lấy ra một phần nhờ chàng đi tìm mua một căn nhà trong thành. Căn nhà nhìn xuống bến tắm sông Hằng. Hơi ồn ào một tí nhưng chốn xô bồ chen chúc dễ lẩn dễ tránh. Ngay trong phường Vàng Bạc. Mấy chục cửa hiệu buôn bán vàng bạc. Mấy chục nhà làm ngân hàng ngân khố cho vay lấy lãi. Dân hành hương tứ xứ về đây, lận trong bọc tiền trong ruột tượng lấy ra những thoi vàng thoi bạc, những vòng những nhẫn những xuyến. Bán. Một đời gom góp để đổ vào chuyến đi hành hương. Một đời gom góp để làm cái lễ hỏa táng cho linh hồn thân nhân mát mẻ. Nghề buôn bán vàng bạc và ngân khố phát đạt. Bao nhiêu nghề khác cũng phát đạt. Từ vàng hương bột trầm củi gỗ cho đến cái ăn cái mặc cái chơi. Lụa Varanasi lừng danh toàn cõi. Ẩm thực Varanasi quy tụ mọi thức ngon vật lạ. Đời sống ăn chơi hưởng lạc Varanasi khó nơi nào bì kịp. Đô thành hút tất cả những tinh túy ở khắp xứ vào trong lòng nó. Hòa trộn. Tẩy sạch mọi dấu hiệu quê mùa. Biến tất thảy thành vô danh trong đời sống nhộn nhịp xô bồ gấp gáp của nó.

Juhi và ta vấn tóc, búi cao lên trên đầu, đội lên một chiếc khăn xếp, vận y phục đàn ông. Thế là chúng ta đã thành đàn ông. Ta chọn mua một chiếc khăn xếp màu đỏ. Ta nhớ chiếc khăn màu đỏ hoàng tử Siddhattha cho ta đã bị rơi xuống sông Hằng. Mỗi khi đội chiếc khăn lên cải trang thành đàn ông, ta lại nhớ. Juhi và ta trở thành hai công tử nhà giàu từ một miền quê lên đô thành lập nghiệp. Yasa giúp sức. Chúng ta mở ngân khố mua bán tiền vàng, cho vay, cầm cố. Mấy mùa như vậy và có lẽ sẽ mãi như vậy. Chưa biết đời sẽ trôi về đâu.

Mỗi khi ra khỏi nhà, chúng ta đều là đàn ông. Nan giải hơn cả là việc đến nhà tắm công cộng. Đến đó thì chúng ta phải vào nhà tắm nữ. Không thể có chuyện hai ông thương nhân đàng hoàng bước vào nhà tắm nữ. Ra khỏi nhà trước mắt láng giềng phải là đàn ông. Bước chân đến nhà tắm phải là đàn bà. Rõ ràng là phải có một điểm trung gian, nơi ấy chúng ta lại hóa phép một lần để thay đổi giới tính.

Nơi ấy là một khu rừng nhỏ. Đi hết phường Vàng Bạc có một khu rừng nhỏ. Đúng hơn nó là một khu vườn lớn. Rừng cổ thụ mênh mông. Trong các kinh thành thường có nhiều khu vườn như rừng. Trong ấy nhiều chỗ tưởng như không có dấu chân người. Hai chàng công tử đi chéo qua khu rừng. Lúc vào là trai, lúc ra là gái. Y phục bỏ trong tay nải đeo trên vai. Tắm xong, trên đường về lại xuyên qua khu rừng. Lúc vào là gái, lúc ra lại là trai.

Cách này cũng làm mất dấu, nếu như có do thám bám theo chúng ta.

*

Juhi và ta cùng ngâm mình trong một bồn nước. Những bồn tắm xung quanh, mỗi bồn có dăm bảy người. Chỉ riêng nàng Usa một mình một bồn.

Chuyện đàn bà rôm rả xung quanh việc đàn ông xứ này đang bỏ cửa bỏ nhà để theo Hiền triết ở Kasi. Mà không chỉ ở Kasi nữa, vị giáo chủ ấy đã rời Kasi lâu rồi. Bây giờ người ta gọi ông là Đấng Giác Ngộ. Ông đã đi sang xứ khác, mang theo hàng trăm đệ tử, đến đâu đệ tử lại rầm rộ kéo theo đến đấy. Giáo hội của ông mở rộng. Nhanh. Như sông Hằng tràn bờ.

Ban đầu người ta bàn tán chuyện công tử Yasa trở thành khất sĩ. Chỉ được ít tháng. Sau đó là chuyện ngay cả những giáo sĩ Bà La Môn cao trọng như Sariputta và Moggallana cũng cải đạo theo Đấng Giác Ngộ. Sau đó là chuyện những đại vương cũng xin làm cư sĩ, trở thành những tín đồ tại gia còn sùng tín hơn du sĩ. Đấng Giác Ngộ trở thành đề tài bàn luận rôm rả khắp nơi. Trong phường ngoài chợ. Dưới bến sông trên lầu son gác tía. Trên những chuyến xe mọi miền xứ sở.

Bây giờ là chuyện trong nhà tắm công cộng. Cả năm nay vào nhà tắm công cộng, nói gì đi nữa thì cuối cùng vẫn dính dáng đến chuyện học thuyết mới.

"Các chị hỡi, ví thử bây giờ chồng ta bỗng giở dói ra, chồng ta cũng cạo đầu đắp y theo Đấng Giác Ngộ, các chị xử sự ra làm sao?"

Thật là như ngô hạt đổ vào chảo rang. Tất cả cứ rào rào lên. Nảy tanh tách lên. Chỉ có chuyện ấy mới cuốn được hết các bà các cô vào.

"Còn tùy thuộc vào tuổi tác của ông chồng nữa. Ngoại tứ tuần thì thu xếp cho con cái cũng ổn rồi. Lên đường đi tìm kiếm tâm linh cũng được rồi."

Một bà chừng tứ tuần bảo. Bà vừa nói vừa hớ hênh vươn người lên trên mặt nước, cả khuôn ngực chảy sệ bày hết ra.

"Nhưng ta nói đàn ông đang độ thanh tân kia?"

"Lạy giời, ta thì cứ đến ngay lột y trả bát cho giáo chủ, ta bắt ngay chồng về."

Một nàng vừa cuốn lại mái tóc xõa vừa nói.

"Phỉ thui cái miệng. Nhà có người đi tu học đạo là nhà có phúc lớn. Lôi kéo người ta hoàn tục là tội tày giời."
Một nàng khác bảo.

"Chứ không ư, lẽ nào ta đứng nhìn chồng mình dứt áo ra đi dễ dàng như thế?"

Tất thảy đều là đàn bà. Không nhìn được cái gì xa hơn bảy bước chân. Không ai chịu để chồng mình bỏ nhà lánh tục. Cho dù có được hứa hẹn về một tương lai an lạc. Cho dù có cơ hội tích phúc tích đức.

"Chồng đi đã đành một nhẽ. Nhưng chồng đi cũng chẳng bằng con trai bỏ đi."

Một bà rầu rầu kể. Con trai bà mười tám tuổi. Gia đình đã thu xếp gửi nó lên Viện Đại học Takkasila. Bao nhiêu đạo sư giỏi ở trên ấy. Chàng thanh niên cũng háo hức chờ ngày lên đường. Thế rồi bỗng dưng đảo lộn hết. Nó nghe nói về Đấng Giác Ngộ. Nó thử đến tiếp kiến ngài. Thói đời thấy cái gì muốn thử mà chưa sẵn sàng thì lánh cho xa. Thử là nghiện. Con trai bà nghiện luôn. Nó về nhà lạy cha lạy mẹ, rồi nó đi theo thầy, bao năm nay nó vẫn mong tìm cho được một người thầy như thế.

Không khí lắng xuống. Lắng một chốc rồi lại bùng lên. Lần này chuyện chuyển sang trần tục hơn. Người ta hỏi nhau về gia thế của Đấng Giác Ngộ. Nghe đâu ông ấy là hoàng tử của bộ tộc Thích Ca. Người có căn tu. Lấy vợ rồi, dùng dằng mười ba năm không chịu có con, chỉ nhất tâm đòi đi làm du sĩ. Hoàng gia khuyên giải sao cũng không nguôi. Phụ vương phải ra điều kiện có con trai nối dõi thì mới được ra đi. Thế là chàng chấp nhận điều kiện, có con rồi mới lên đường. Đi khắp xứ. Gặp nhiều thầy giỏi. Trí tuệ siêu phàm, kiên trì chí hướng, thế là thành đạo.

"Nghe đâu ngài có hào quang. Chồng con ta theo ngài, có san được chút hào quang nào sang mình không nhỉ?"

"Thôi đi, nữ nhi chúng ta không cần đàn ông có hào quang. Đàn ông chỉ cần có một thứ là đủ, phải không Usa?"

Kỹ nữ Usa được lôi vào cuộc. Nàng một mình một bồn tắm. Bao giờ nàng cũng một mình một bồn. Không ai sang tắm chung mà nàng cũng chẳng rủ ai sang. Đàn bà xứ này không kỳ thị kỹ nữ. Những kỹ nữ hạng sang như Usa, đến vương tôn công tử còn hãnh diện được cùng uống trà qua đêm. Các bà vợ còn khích lệ những ông chồng tẻ nhạt đến học thêm ở nàng, một thứ bổ túc nghệ thuật dục lạc làm tăng hiệu quả cho đời sống vợ chồng. Nhưng sang tắm chung với nàng, người ta ngại. Nàng danh tiếng quá. Nàng quảng bác quá. Bên nàng lộng lẫy càng phơi trần ra mình xám xịt.

"Ta không nghĩ như các chị. Đàn ông là phải đàng hoàng nam nhi, phải uyên bác, trung thực và rộng lượng hải hà. Ta chưa gặp được người như vậy." Usa đáp.

"Chứ không phải trên đường tầm sư học đạo, Đấng Giác Ngộ từng ghé vào kỹ viện của nàng sao?"

"Ta mong có được một ngày như vậy."

"Nàng sẽ phải tội đày hỏa ngục mất thôi, nàng sẽ làm cho ông ấy hoàn tục."

Có những tiếng cười phụ họa. Những người khác đăm đăm chờ xem Usa trả lời thế nào.

Usa chùng người xuống cho nước trong bồn dềnh lên đến cổ. Nàng ngước mắt nhìn lên khoảng trời trên đầu một lát rồi mới nói:

"Sao không phải là ngược lại? Chính Người sẽ cảm hóa ta theo giáo pháp của Người?"

"Nàng có thật lòng không đấy? Đấng Giác Ngộ chứ không phải ai khác đã đem đi chàng Yasa của nàng, rồi sẽ đem đi hết đàn ông trên xứ sở này. Sẽ chỉ còn lại toàn đàn bà với nhau như trong cái nhà tắm công cộng này thôi."

Ta vào cuộc. Ta hỏi Usa cái câu tất thảy đàn bà đều hỏi.

Nàng không nhận ra ta là gã trai chút nữa đã qua đêm với nàng. Không nhận ra. Lúc giả trai, ta có bộ ria mép và dáng vẻ khác hẳn. Ta đã gặp nàng nhiều lần trong nhà tắm mà nàng không thể nhận ra.

Nàng nhìn sang ta. Đăm đăm. Có thể nàng đã thấy một cái gì. Rồi nàng đáp:

"Cứ đưa họ đi hết cả đi. Đưa họ về với ánh sáng. Còn hơn là để lại cho đàn bà chúng ta những kẻ vô minh tăm tối."

Lại rào rào những câu tranh cãi. Đùa cợt chọc ghẹo nữa.

Thình lình một đám cảnh vệ rầm rập xông vào. Áo giáp sắt gươm giáo sáng loáng. Chưa từng xảy ra như vậy bao giờ. Đám cảnh vệ đàn ông xông vào đứng dọc theo bốn bức tường của nhà tắm nữ. Bao vây.

"Lệnh cho ai ở đâu ở yên đó."

Đám đàn bà trong bồn tắm rú lên. Léo nhéo phản đối. Tất cả đều ngồi chùng người xuống cho nước ngập đến cổ, tay ôm ngực che bớt những phần phải che.

Viên phó đội cảnh vệ dẫn thêm hai kẻ lạ đến bên những bồn tắm. Ta đã nhận ra hai kẻ kia. Chúng là quân do thám ở tiểu quốc của chồng ta. Chúng đi nhận mặt ta.

Qua được hai bồn tắm thì viên phó đội cảnh vệ sốt ruột. Y nghĩ ra cách khác. Y ra lệnh cho toàn bộ đám đàn bà đang tắm bước ra khỏi bồn, đứng thành một hàng ngang trước đội cảnh vệ. Lại những tiếng la hét bất bình. Cả những lời đe dọa. Viên phó đội tảng lờ, việc y y cứ làm.

Đám đàn bà chịu thua. Tất cả đưa hai tay bưng mặt, thân thể không một mảnh vải che, cứ thế mà bước ra khỏi bồn tắm. Đứng vào hàng. Tay che mặt. Thân thể thì ai cũng giống ai, chỉ cần giấu cái mặt cho kỹ, sau này ra đường gặp nhau khỏi ngượng.

Chỉ có Usa không nghe lệnh. Nàng đàng hoàng đứng lên, bước ra khỏi bồn, tiến về phía để xiêm y.

"Nàng Usa, y lệnh!"

Viên phó đội hét.

Usa như không nghe. Thong thả quấn sari. Thong thả quấn lại mái tóc. Xong. Nàng từ từ tiến đến gần viên phó đội.

"Cho gửi lời thăm ngài cảnh vệ trưởng Govinda nhé."

"Y lệnh, đứng vào hàng!"

Viên phó đội đã hơi dịu xuống, nhưng vẫn làm oai.

Usa khoát tay về phía đám đàn bà khỏa thân dàn hàng ngang trước mặt đám cấm vệ:

"Bày biện ra thế này, ta đoan chắc ngài không nhìn thấy cái cần nhìn đâu. Chỉ khi nào che kín hết thân thể thì mặt người mới lộ."

Nàng khẽ tát yêu vào má viên phó đội rồi ung dung đi ra khỏi nhà tắm.

Viên đội và hai kẻ do thám đi dọc theo hàng người. Mấy chục tấm thân đàn bà trắng lôm lốp. Chưa bao giờ những cặp mắt đàn ông của họ được no nê đến vậy. Đến trước mỗi người đang che mặt, viên phó lại bóc tay họ ra cho hai người kia xem. Lắc đầu. Lắc. Lại lắc.

Rốt cục Juhi và ta bị bắt.

"Khá khen cho các ngươi. Cao chạy xa bay đến tận chốn này, nhưng hùm thiêng cũng phải có ngày sa hố." Một kẻ do thám bảo.

Juhi và ta bị áp giải ra chỗ để xiêm y. Chúng ta lấy bừa hai bộ sari của ai đó, dứt khoát không lấy đúng xiêm y trong hai cái tay nải của mình. Trong ấy còn hai bộ y phục đàn ông, đám cảnh vệ mà biết sẽ lộ ra việc lâu nay chúng ta vẫn cải trang.

*

Vài giờ sau, Juhi và ta bị dẫn độ về tiểu quốc của đức vua chồng ta. Ngài đã quá cố thì có cả một triều đình sẽ xét xử. Giữa hai đất nước đã có một thỏa thuận dẫn độ tội phạm.

Đích thân viên phó đội cầm đầu hai tiểu đội áp giải. Y và một tên lính ngồi cùng xe ngựa với hai kẻ bị bắt. Juhi và ta bị trói giật cánh khuỷu. Chúng ta ngồi trên một băng ghế. Viên phó đội và tên lính ngồi băng đối diện. Hơi thở của viên phó đội rất hôi. Một thứ mùi bùn ở chỗ cống rãnh lưu cữu không được nạo vét. Y cứ vươn người sang, sà vào sát mặt chúng ta mà gợi chuyện. Nói một câu lại véo một cái vào ngực ta. Nói một câu lại véo một cái vào ngực Juhi. Mồm y không yên. Tay y không yên.

"Sao nữ nhi mà gan to tày đình vậy hả nàng? Ăn cắp ấn tín của vua, tội chém đầu đấy. Có muốn thì huynh đây sẽ giúp, huynh sẽ đưa nàng lên thiên đường trước, nàng chịu tội sau."

Y nói và lại vuốt ve ngực ta. Mùi nước cống.

"Tòng phạm với kẻ trọng tội cũng phải chịu chém đầu. Ta thương cho tấm thân ngọc ngà của nàng quá chừng."
Y nói và vuốt ve ngực Juhi. Lại mùi nước cống.

Y thừa biết những kẻ bị bắt đang thất thế. Như ngày trước, một bà hoàng như ta đã có thể ra lệnh lấy đầu y. Như hôm qua thôi, một phú gia như ta có thể quăng ra mấy thoi bạc, sẽ có kẻ đập vỡ cái mồm thối của y, chặt tay y.

Bây giờ thì không còn ai cứu được chúng ta nữa.

Phụ vương và mẫu hậu ta? Nhiều năm qua, ta không trông chờ gì vào họ. Nguyên thủ một quốc gia mà nhu nhược đớn hèn, chịu bó tay nhìn một tế sư đẩy con gái vào chỗ chết. Phụ vương ta còn phải bảo vệ cho những điều lớn lao hơn một đứa con. Đấy là vương quyền. Đấy là pháp luật. Đấy là bình yên nơi biên giới phên giậu. Ta thành vật hy sinh.

Yasa? Bây giờ đến cả tấm thân chàng, chàng còn không tiếc. Tấm thân chàng đang bị chàng giãi dầu ra giữa mưa giữa gió. Tấm thân chàng đang bị chàng đày đọa bằng cách giảm thiểu nhu cầu, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa trước ngọ, chỉ ăn chay rau cỏ. Thân chỉ khoác áo cà sa là những mụn vải vô giá trị chắp nối. Chân chỉ đi đất hoặc dép cỏ. Người đã xử tệ với hình hài mình như vậy, còn biết thương đâu đến kẻ bị đày đọa. Tài sản chàng đã vứt lại. Công danh bỏ hết. Bạn bè người thân cũng thôi ràng buộc. Không biết chừng chàng nghĩ bị bắt bị xử trảm như ta là một sự giải thoát.

Hoàng tử Siddhattha? Lại càng không. Chàng đã hoàn toàn xa lánh cõi tục. Chẳng còn gì có nghĩa lý. Mọi sống chết, được thua, hơn thiệt. Không nghĩa lý. Chàng chỉ còn tập trung mài sắc tư tưởng mà phổ cập nó trong cả cõi người. Ta cũng không trông chờ gì ở chàng. Chàng chỉ là một giấc mơ tinh thần trong cả quãng đời ta, cho đến lúc này. Một cái chốn để mà yêu trong tâm tưởng. Có chăng nếu có ngày thoát ra mà về được, ta chỉ mong một lần thực sự được ôm ấp thân thể chàng. Lúc này thì ta không trông cậy gì cả.

Lắc lư lắc lư. Cỗ xe ngựa đưa chúng ta đi qua rừng. Đám cảnh vệ cưỡi ngựa áp giải trước và sau cỗ xe. Lắc lư lắc lư. Ta nhớ lại một quãng đời đã qua. Nhiều truân chuyên nhưng ta không khi nào nặng nghĩ về truân chuyên. Sau mỗi biến cố đầy uất hận và nước mắt, ta lại chọn ngay cho mình một cuộc sống nhung lụa và đầy ắp lạc thú. Lạc thú đem đến tiếng cười. Tiếng cười xóa đi đau khổ. Khổ nhiều nhưng ta không biết khổ. Ta chỉ rướn tới lao tới đâm sầm tới dục lạc. Quên. Và hưởng. Càng nhiều càng tốt. Trong cả hành trình mải miết, ta chỉ nhớ ngày phi ngựa trên đồng cỏ trổ tài tung người xuống chộp một vật dưới đất. Trổ tài trước mặt hoàng tử Siddhattha để lấy được nụ cười của chàng. Cái khăn xếp màu đỏ ta chụp lên đầu chàng rồi phi ngựa vút qua. Chỉ một điều tiếc. Ta đã đánh rơi mất chiếc khăn của chàng.

Vẫn lắc lư lắc lư. Ta chỉ nhớ những công tử đeo bao của thành Varanasi. Nhớ nhất chàng Yasa và những cuộc chơi phóng túng. Ta không muốn nhớ quãng đời đầy dục lạc với ông vua già. Đầy dục lạc. Nhưng ta không muốn nhớ rằng dục lạc của ta đã đẩy ông vào giấc thiên thu.

Viên phó đội vẫn ư ử như đang khoái lạc. Mắt y lim dim tay y sờ nắn. Gió trời mặc sức tạt vào mặt hai chị em ta tất thảy mùi cống rãnh của cả thành Varanasi.

Đột nhiên.

Bốn con ngựa kéo xe hí lên, tung bổng hai vó trước rồi dừng khựng lại.

Một cái cây đổ ngang đường.

Có chuyện rồi. Ta linh cảm thấy thế. Đám lính áp giải cũng linh cảm thấy thế. Đường độc đạo. Một là lao thẳng phía trước, hai là quay về. Viên phó đội hét đám lính xuống ngựa kéo cây sang bên đường. Họ răm rắp làm theo. Những kẻ vẫn ngồi trên ngựa thì lăm lăm gươm giáo cung tên. Ngó nghiêng bốn phương tám hướng. Viên đội không ra khỏi xe. Y đắn đo nghĩ ngợi phán đoán. Phía trước mặt cái cây đã được dẹp sang bên, nhưng không có vẻ gì là an toàn.

"Quay về."

Viên phó đội hạ lệnh.

Xà ích giật cương cho bốn con ngựa quay đầu. Chiếc xe từ từ quay ngang giữa đường. Thình lình, một cây cổ thụ đổ đánh rầm, chặn luôn đoạn đường phía sau. Lối về Varanasi cũng phải mất công dẹp.

"Đi tiếp."

Viên đội lại hét. Y đã hơi hoảng.

Tất cả lại lăm lăm vũ khí sẵn sàng chiến đấu. Cỗ xe lại được điều khiển quay lại hướng cũ. Chưa kịp tiến lên một bước thì chỉ cách dăm mét, một cái cây lại đổ. Mặt đất rung lên. Đám vụn cành lá văng rào rào trên nóc xe, trên đầu đám kỵ binh.

Viên phó đội mất bình tĩnh. Y rút kiếm lao ra khỏi xe, thét đám lính nghênh chiến. Quyết chiến. Nhưng kẻ thù của họ vô hình.

Ngay tức khắc, ta tưởng là mưa ập xuống. ào ào trút từ trên cao xuống. Những tia sáng lấp loáng xiên ngang bên ngoài cửa xe. Lộp độp trên nóc xe. Hàng trăm mũi tên lao xuống một lượt. Kiểu mũi tên dàn ngang thành bẫy, chỉ giật bẫy một cái, hàng trăm mũi tên lao đi.

Chớp mắt. Đám kỵ binh ngã từ trên mình ngựa xuống. Giãy đành đạch. Gào khóc rền rĩ. Có những con ngựa trúng tên vào chỗ hiểm, vào mắt vào tai. Chúng lồng lên hí lên man dại, chạy tuốt vào trong rừng. Những cảnh vệ sống sót chạy như phát cuồng vào bụi rậm. Lại những mũi tên từ đâu đó lao đến. Tỉa từng đứa.

Không còn kháng cự. Một bóng người vận đồ đen, khăn bịt mặt màu đen nhảy trên những mỏm đá xuống, chạy vút qua bên ngoài xe. Lưng đeo cung nỏ. Tay cầm một ngọn giáo. Hắn cúi xuống từng kẻ đã chết hoặc đang lăn lộn trên mặt đường. Hắn giật phắt thanh kiếm trong tay một vệ binh. Chặt. Mỗi lần chặt là một ngón tay út của kẻ đã chết. Chặt. Mỗi đứa chỉ chặt một ngón. Chặt. Hắn bỏ những ngón tay vào cái bọc đeo bên hông hắn, chỗ mà các công tử ăn chơi vẫn thường đeo cái bao. Hắn lục lọi tất cả các xác chết, thu nhặt hết đồ trang sức vàng bạc của họ.

Viên phó đội vệ binh chưa chết. Mũi tên tẩm thuốc độc chưa hoàn toàn vật được tấm thân bò mộng của y. Người tấn công tiến lại gần. Viên phó đội nằm co quắp, hai tay chắp vào nhau cũng co quắp. Y muốn cầu xin nhưng không nói nổi. Người bịt mặt giật tay phải y ra. Kê bàn tay y xuống mặt đường. Chặt. Chư thiên ơi. Viên phó đội kêu lên tiếng cuối cùng, cũng là lúc y xuội ra bất động.

Người bịt mặt lao đến bên cỗ xe. Hắn mở toang cửa ra. Bây giờ đến lượt Juhi và ta. Hắn chĩa mũi kiếm vào nhưng chúng ta ở trong xe, hơi trái thế. Hắn bèn lôi từng người xuống đường. Ta cầu nguyện. Không chết vì hình phạt trước triều đình thì chết ở đây. Nào có gì khác nhau.

Vừa lúc sợi dây trói bị cắt phựt. Tay ta tự do. Nhìn sang thì thấy hai cánh tay Juhi cũng tự do.

"Đi đi. Đi về phía Savatthi."

Hắn nói. Tiếng lùng phùng qua tấm khăn bịt mặt. Chỉ hở hai con mắt. Màu nâu.

Juhi và ta chần chừ, chưa tin hẳn.

Kẻ tấn công đặt vào tay ta mấy thứ bằng vàng hắn vừa thu nhặt được.

"Đi đi."

Hai chị em lúc này mới tỉnh hẳn ra. Chúng ta chắp tay chào hắn rồi nhảy lên mình hai con ngựa không thương tích đang lảng vảng bên xác chủ. Đi.

Được một đoạn, ta quay nhìn lại. Không còn một bóng người trên đường.


Nguồn: Đức Phật, nàng Savitri và tôi, Nxb. Đà Nẵng, 2007. Bản điện tử do tác giả cung cấp.

Hồ Anh Thái sinh năm 1960. Quê gốc thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông là tiến sĩ Đông phương học, cử nhân Học viện Quan hệ Quốc tế. Từng là bộ đội, phóng viên, cán bộ nghiên cứu và công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Hiện ông là chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, uỷ viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm: Chàng trai ở bến đợi xe (tập truyện ngắn, in chung, 1985); Vẫn chưa tới mùa đông (tiểu thuyết, 1986); Người và xe chạy dưới ánh trăng (tiểu thuyết, 1987); Người đàn bà trên đảo (tiểu thuyết, 1988); Trong sương hồng hiện ra (tiểu thuyết, 1990); Mảnh vỡ của đàn ông (truyện, 1993); Người đứng một chân (truyện, 1995); Lũ con hoang (truyện, 1995); Tiếng thở dài qua rừng kim tước (tiểu thuyết, 1998); Họ đã trở thành nhân vật của tôi (tiểu thuyết, 2000); Tự sự 265 ngày (2001); Cõi người rung chuông tận thế (tiểu thuyết, 2002); Bến Ôsin (truyện, 2003), Đức Phật, nàng Savitri và tôi (tiểu thuyết, 2007)…

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài