Nguyễn Đình Chính |
Ảo giác 2007 là tên bộ sách tập hợp những sáng tác mới nhất của Nguyễn Đình Chính trong năm 2007 (gồm 1 vở kịch, 20 bài thơ và 1 tiểu thuyết), đang chờ xuất bản. talawas chủ nhật kì này xin được giới thiệu Onlai... balô, cuốn tiểu thuyết, tác phẩm chủ đạo trong bộ sách này.
talawas chủ nhật
Nguyễn Đình Chính
Onlai... balô
Nguyên do viết quyển tiểu thuyết này: Tôi thấy cần phải ép mình vào một cuộc chạy ma ra tông để tự đánh bóng lại tên tuổi nhà văn của mình.
Nguyễn Đình Chính
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23
1.
Hôm nay đọc Mác Kẹt. Không thể nhớ nổi. Cái gì buồn buồn với cô gái điếm nhỉ. Chính xác. Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi. Tiểu thuyết in hàng triệu bản. Một con đĩ non 15 tuổi và một ông già hơn 80 tuổi. Đạo đức giả. Mượn thái độ nhân văn để che giấu con nõn hết đát của lão già dâm đãng. (Con nõn là con gì? Mấy anh chị ông bà con đen dân đỏ tiếng Tây tiếng Mỹ như gió có chuyển ngữ được không?)
Thủ dâm bằng đạo đức.
Kinh tởm.
Buồn nôn.
Đích thực văn học giả. Nản quá. Ma két tinh. Chuyển ngữ ngay hàng chục sinh ngữ. Bán như tôm tươi. Cái đám đông người đọc trên khắp hoàn cầu này bây giờ như lũ trẻ nít. Mấy gã đầu nậu bán sách chẳng giỏi giang gì văn học. Chúng siêu giỏi tiền. Xui trẻ con ăn cứt gà. Cũng vồ lấy và… ăn liền.
Nhưng biết đâu 6,3 tỉ người cũng đang lộn tiết như Zê. (Zê là ai?) Mua phải hàng nhái, hàng dổm. Càng lộn tiết.
(6,3 trên 6,4 tỉ người. Như vậy là chỉ có 0,1 tỉ người tụng ca Mác Kẹt thôi mà. Yên tâm đi. (Tại sao lại phải yên tâm?)
*
“Em có thấy cánh đồng hoa Hồng mênh mông đỏ rực kia giống như…”
“Như là…”
“Như là máu tháng của các em đang từ trên trời tuôn xuống.”
“Khiếp.”
“Sao lại khiếp.”
“Tởm.”
“Không tởm đâu.”
“Bệnh hoạn.”
“Vậy thì vì sao em lại nhận lời đi ngủ với một kẻ bệnh hoạn?”
Em không nói gì. Em thở phì phò đằng sau lưng. Xe máy chạy vi vu.
Hãy thử đoán xem em gái đang nghĩ gì. Một cú véo nhẹ vào sống lưng. Cái hành vi giả dối cũ mèm của bọn gái điếm khi đang làm tình. Em đang nghĩ gì.
Dễ ợt.
Ngu thế.
Không đoán ra à.
*
Đây là nhà của anh. Vườn cây. Đủ loại quả chín. Võng gai đu đưa.
“Thích quá. Cà phê vườn thì hết ý.”
“Chúng ta vào nhà.”
“Em trẩy hồng xiêm nhé.”
“Bé mồm.”
“Làm… sao.”
“Ông hàng xóm.”
Zê đưa em vào buồng. Ô kìa. Tranh đẹp thế. Không tranh đẹp. Đi tắm. Em vừa tắm buổi sáng rồi. Vậy thì lại đây. Nhanh lên. Lột quần áo ra. Không thể tin được. Đẹp đến loá mắt. Một thân thể chưa bị tình dục mua bán tàn phá. Hay là không thể tàn phá nổi. Đó là mùa xuân. Là tuổi trẻ. Trắng phớ nhé. Mùa xuân không hoa. Tuổi trẻ không tiền.
*
Zê bắt đầu nghi ngờ khi thấy mấy giọt nước mắt của em rỏ xuống gối trước khi giạng hai chân ra.
*
Không tả lại cuộc làm tình với em như thế nào. Chưa phải mượn đến văn học tả thực nhầy nhụa.
Chưa.
Zê giải quyết vụ này với em theo kiểu õng ẹo và… sang trọng như bọn quý tộc hầu tước tử tước da trắng thế kỉ 18 (nhại theo phim của Pháp). 12 phút. Những năm tháng này tình dục với ta (Zê) không còn là số một nữa. 60 tuổi. Cháy nhà rồi. Trước mắt là nấm mộ và công việc. Quẳng được cái gì ra thì quẳng ngay. Không cần giải thích. Đang ham vẽ. Tranh của Zê màu đẹp. Ai cũng khen như vậy. Ấy vậy mà Zê là kẻ mù màu. Đặt em trần truồng trên giường và tự nhiên đầu óc lại vẩn vơ chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. (Gần đây có nhà phê bình nửa mùa đổi tên gọi là chủ nghĩa hiện thực thần thánh - cho nó mơi mới một chút.) Đồ viết văn nhà quê. Thực tâm nhé. Không thể tìm thấy một hồi ức nào giống như những hồi ức của Mạc Kẹt trong thông điệp ông ta gửi cho những cô gái điếm buồn của tôi (của ông ta). Ông ta còn thiếu cái gì nữa. Quá đủ. Giải Nô Ben văn chương. Núi tiền và khối u trong bụng. Hãy mua một hòn đảo nhỏ giữa Thái bình dương uống nước dừa và đợi chết có tuyệt không.
*
Em hái một rổ hồng xiêm bầy trên bàn. Đun nước. Và hình như chuẩn bị bữa ăn tối.
Zê đã chuẩn bị cho cuộc làm tình này khá chu đáo (chuẩn bị thực phẩm). Thịt bò nửa cân. Hành tây 4 củ. Trứng vịt 20 quả. Không có trứng gà. Và một bao ba số dẹt. Toi đứt 2/3 số tiền bán bức tranh Hoa hướng dương (Tất nhiên là của Zê chứ không phải của Van Gốc). Tranh chép thuê.
Em diện thật kì cục. Quần đùi và may ô ba lỗ cũng của Zê. Lạ hoắc. Chỉ sau một giờ trần truồng đú đởn trên giường em đã như quen biết thân thiết với Zê tứ lâu lắm rồi. Từ kiếp trước. Phụ nữ lạ nhỉ. Đáng kính nể.
Thỉnh thoảng em lại nhìn trộm mấy bức tranh trên tường.
Ôi thiếu nữ sinh viên văn khoa. Ăn uống như trẻ con. Tham lam. Ngon lành kinh khủng. Chỉ có tuổi trẻ đói ăn mới có cái kiểu ăn đáng yêu như thế. Em không còn sờ sợ nữa. Hình như khi đã nghịch ngợm vuốt ve con nõn của thằng đàn ông là các em đã có thể nhâng nháo câng câng cá mè một lứa rồi (tất nhiên là chỉ trong giao tiếp thôi). Ăn xong. Không cho em rửa bát đũa. Zê hút thuốc và không biết làm gì. Còn em thì nhảy phốc lên giường thục tay vào túi thổ cẩm sành điệu móc ra quyển sách và đọc mê mải. Sáng mai em mới được rời khỏi đây. Hợp đồng vô hình. Thoả thuận rồi. Qua đêm 500 ngàn tiền đồng. Zê hỏi đọc quyển gì. Em nhoẻn cười vung vẩy quyển sách.
“Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi.”
Thật kinh hoàng. Một ngẫu nhiên.
“Quyển truyện này rất nhảm.”
“Anh đọc rồi ư?”
“Tất nhiên.”
“Hay chứ.”
“Hay như thế nào?”
“Rất hay.”
“Khỉ gió.”
“Tại sao lại khỉ gió?”
“Lão già này chơi gái vị thành niên. Rũ tù.”
*
Zê cũng muốn hội luận với em quanh cái Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi. Em đấy. Cô bé hư cấu trong tiểu thuyết 15 tuổi. Còn em. Một sinh viên văn khoa có thực ngoài đời 22 tuổi. Khác gì nhau. Hai con điếm. Nhớ một câu thơ của Trần Nhật Thu viết năm 1974. Quảng Bình. Nắng cháy mặt. Hai mươi tuổi đời em còn trẻ lắm. Em nghe chi khúc hát đớn đau này. Thằng bạn hoạ sĩ đích thực (chứ không hoạ sĩ dổm như Zê) trợn mắt. Tao giới thiệu cho mày em Hoa. Sinh viên văn khoa. Tất nhiên Hoa là tên bố láo. Không phải gái chuyên nghiệp. Thỉnh thoảng cải thiện kiếm thêm. Gái gọi nghiệp dư. Nghiêm chỉnh. Cho em năm trăm nhé. Đừng có bớt xén ăn lường ăn quỵt. Tội nghiệp. được rồi. Nói ít thôi. Tao đồng ý.
*
Ba giờ chiều. Đúng hẹn tại quán nước “Bông hồng vàng” ngay cạnh trạm bưu điện. Ngồi uống nước nhìn thấy thằng bạn cùng với một cô bé khá xinh đi ra từ kí túc xá nữ sinh viên. Tuổi tác. Hai bố con. Chào nhau. Em uống một cốc chanh leo. Và nhảy phốc lên xe. Thản nhiên lắm. Và cũng thản nhiên lắm như lúc này đang nằm tênh hênh trên giường đọc Mạc Kẹt.
© 2008 talawas
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23
Nguyễn Đình Chính sinh ngày 28.10.1946 tại số nhà 14 Nguyễn Thái Học (nhà bác sĩ Chính), Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2004) và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga (1926-1951). Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), Nguyễn Đình Chính (lúc ấy chưa tới 2 tháng tuổi) và anh trai (2 tuổi) được mẹ bồng đi di tản lên Việt Bắc. Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh 2/4. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.
Tác phẩm Xưởng máy nhỏ của tôi (tiểu thuyết đầu tay, 1976); Nhớ để mà quên (tiểu thuyết, viết năm 1981 nhưng đến 1998 mới được in, đã được dịch ra tiếng Pháp); Con phù du cánh mỏng (tiểu thuyết, 1986); Đêm thánh nhân (tiểu thuyết tâm đắc nhất, dài hơn 1000 trang, viết năm 1990-1992, in tập I năm 1998, dự định sẽ in tập II vào năm 2000, nhưng không được cấp giấy phép. Tháng 10.2006, Nxb. Văn Học in trọn vẹn cả hai tập dưới tựa đề mới là Ngày hoàng đạo.) Kịch bản điện ảnh (đã dựng phim): Rừng lạnh, Bãi biển đời người, Hồi chuông màu da cam, Người trên mặt sông và Hòn đảo chìm xuống (không được duyệt). Duyên nợ trần gian (kịch bản sân khấu, giải thưởng Liên hoan sân khấu ở Hàn Quốc 2002) và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.