talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 22.04.2007


Vũ HùngMái nhà xưa


Vu Hung
Vũ Hùng

Việt Nam là một xã hội trẻ với xấp xỉ 30% dân số dưới 15 tuổi [1] nhưng văn học thiếu niên lại chưa bao giờ được quan tâm đúng mức (trên thực tế, chúng ta không dám chắc Việt Nam có một nền văn học thiếu niên hay không). Có lẽ vì thế mà tên tuổi của nhà văn Vũ Hùng, người có hơn 40 năm kiên trì theo đuổi văn học thiếu niên với gần 30 đầu sách, tuy có thể quen thuộc với nhiều bạn đọc nhỏ tuổi một thời nhưng lại ít được giới phê bình văn học hôm nay nhắc tới. Một phần có lẽ cũng vì ông sống xa quê hương từ gần 20 năm nay và từ lâu không có tác phẩm xuất bản ở Việt Nam.

Bên cạnh mảng văn học thiếu niên, từ khi sang Pháp năm 1989, Vũ Hùng còn sáng tác nhiều tác phẩm dành cho người lớn, trong đó có thể kể các tập truyện: Đò trăng, Cô giáo quốc tế vũMây trôi. Hầu hết những tác phẩm này đều chưa được công bố.

Mây trôi là một cuốn truyện - có thể gọi là một tiểu thuyết - gồm 3 phần: Mái nhà xưa, Trang lứaBạn tình. Riêng phần 1, Mái nhà xưa, có thể xem như một truyện vừa hoàn chỉnh.

Mái nhà xưa, như tên gọi của tác phẩm, là hồi tưởng của một người đàn ông đã qua tuổi 60 về tuổi thơ và thời thanh niên trong ngôi nhà của cha mẹ mình ở Hà Nội những năm trước và sau kháng chiến chống Pháp. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. talawas chủ nhật

 

Vũ Hùng

Mái nhà xưa

I II


Chương 1

Ngôi nhà xưa treo biển Song An. Vì nó được xây trên đất Láng mà tên chữ là làng An Lãng, thuộc tổng An Hạ. Nhưng điều chủ yếu khi đặt tên nhà là Song An, hai lần bình an, cha mẹ Hoàng mong ước đời mình, đời con, đời cháu được bình an lâu dài.

Nửa đầu thế kỉ trước, thế kỉ 20, làng Láng của Hoàng chỉ là một làng nhỏ ngoài vùng ven xa xôi của Hà Nội. Một đường tầu điện già nua, với đoàn tầu vừa bò chầm chậm vừa rên cót két, nối liền bờ hồ Hoàn Kiếm với dốc Cầu Giấy, đầu thôn Láng Thượng.

Ngày ấy, đường Láng Thượng như một xóm vắng biệt lập, dọc đường chỉ có ba nhà. Ngôi nhà hai tầng của gia đình Hoàng nằm giữa, hai ngôi nhà một tầng hai bên, cách nhau bởi những "lạnh" [1] rau rất xanh: bên phải, nhà và vườn cây của ông Tú Mỡ; bên trái, căn nhà cũng của cha mẹ Hoàng, một căn nhà nhỏ bình thường nhưng người thuê lại là một người nổi tiếng thời ấy: ông Thế Lữ. Nhà bên trái, phía sau là cánh đồng bao la, lúc nào cũng lộng gió, được ông Thế Lữ đặt tên là "Biệt thự Gió Bốn Phương".

Trước ngõ Song An, một cây phù dung nở những đóa hoa phơn phớt tím, rất mong manh, sớm nở tối tàn nhưng đẹp dịu dàng. Rập rờn trên cổng, quanh tấm biển, giàn hoa ớt buông xuống từng chùm vàng tươi. Đường vào lát gạch, hai bên trồng mấy cây tường vi hoa màu hồng nhạt. Cuối đường, một cây ngâu, ngày nay vẫn lấm tấm hoa vàng. Đầu hàng hiên, giàn hoa móng rồng phủ một vầng lá xanh đen. Sau vườn, nối với rặng ô rô và chua me - một loài cây gai góc, lá lăn tăn dùng nấu canh chua, mà các nhà đất Láng thường trồng ngoài bờ rào - là một gò nhỏ um tùm những dây lạc tiên nở đầy hoa trắng. Hệt như ở nơi xa xăm hoang dã, mỗi khi Hoàng tới gần, từng đàn châu chấu xanh biếc ràn rạt bay lên...

Bẩy anh chị em Hoàng đã sống nhiều năm bình an trong ngôi nhà này. Buổi sáng, nhà im vắng - cha Hoàng đi làm và anh chị em Hoàng đều học ngoài Hà Nội - nhưng buổi chiều, sau giờ tan học, ngôi nhà đầm ấm, xôn xao. Xong bữa cơm tối, anh chị em Hoàng cùng lên buồng học trên lầu. Mỗi người được chia một khoảng trên chiếc bàn vuông lớn đặt giữa gian phòng. Cửa phòng mở ra một hiên gác rộng, nơi mỗi khi mệt mỏi, anh chị em Hoàng vẫn ra ngoài hít thở không khí thoáng mát của trời đêm.

Buổi tối trong buồng học bao giờ cũng bắt đầu bằng những trao đổi hào hứng. Những việc xảy ra ở trường lớp đều được nói lại để cùng cười và bình luận.

Một tối chị cả nói:

"Các em có biết trong bài luận về con chó, Hoàng tả thế nào không?"

"Chị nói lại xem nào."

"Nghe này: Con chó nhà tôi có bốn chân. Đầu nó có hai cái tai. Đít nó có cái đuôi."

Mọi người cười rộ. Hoàng phản đối:

"Không đúng thế là gì."

Người anh nói:

"Không còn gì đúng hơn. Không ai viết ngược lại: đầu nó có cái đuôi, đít nó có hai tai. Nhưng để biết con chó của em có hai tai, Hoàng có thể viết: khi thấy tiếng bước chân ai ngoài cổng, con chó vểnh hai cái tai nhọn hoắt lắng nghe. Cách mô tả đó gọi là cách mô tả gián tiếp."

Chị hai cũng nói:

"Nói về cái đuôi, sao em không viết: thấy tôi đi học về, con chó chạy lại, rối rít vẫy đuôi mừng."

"Ờ nhỉ. Thế mà em chẳng nghĩ ra..."

Trong buồng học có tủ sách gia đình. Tủ đầy sách, rất đầy, nhiều cuốn bìa cứng in chữ mạ vàng, Hoàng nhớ lại, nhưng phần lớn là sách giáo khoa.

Hồi ấy, muốn đọc truyện, Hoàng thường sang bên ông Tú Mỡ - mà anh chị em Hoàng gọi bằng "bác Tú", hoặc nhiều khi thân tình hơn, bằng chính tên thật của ông: "bác Hiếu" - vì ông là bạn cùng làm ở Sở Tài chính Đông Dương với cha Hoàng. Chính cha Hoàng đã giới thiệu ông mua đất dựng nhà, để như ông nói: "về ẩn dật và sáng tác trong rừng húng Láng". Ông cũng có một tủ đầy sách, rất đầy, đặt ngay ở phòng khách, nhưng toàn là truyện và ông sẵn sàng cho anh chị em Hoàng đến đọc. Chẳng những ông có đủ các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn mà ông là thành viên, ông còn có sách của nhiều nhà xuất bản khác. Một thế giới văn chương bao la với những tên tuổi đáng yêu mở ra cho anh chị em Hoàng: Khái Hưng, Nhất Linh, Trần Tiêu, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu, Hồ Dzếnh...

Nhà ông có hàng hiên bao quanh và vườn rộng. Anh chị em Hoàng được phép tự mở tủ sách, lấy cuốn nào mình ưa thích, ngồi đọc ở một góc hiên hoặc dưới bóng cây trong vườn, đọc xong lại cẩn thận cất vào chỗ cũ.

Ngày ấy, Song An giống như một môi trường nghệ thuật. Phía nhà ông Tú, mỗi khi hoa quỳnh nở, lại có một đêm hội "Quỳnh hoa". Ông Tú mời các bạn văn từ Hà Nội về chờ xem hoa nở, ánh nến lập lòe vườn cây và tiếng đàn thập lục réo rắt trong đêm. Phía "Biệt thự Gió Bốn Phương" đàn sáo và tiếng hát suốt ngày vang vọng: nơi đây đoàn ca kịch Thế Lữ - Song Kim đang tập dượt vở nhạc kịch Tục lụy.

Song An không chỉ thân thương với anh chị em Hoàng. Nó còn rất quen thuộc với trẻ em làng Láng. Ngày ấy khắp vùng chỉ có một trường tiểu học trên thị trấn Hoài Đức, người trong vùng gọi là trường Phủ, nằm ngay lối rẽ vào trường Nguyễn Ái Quốc ngày nay.

Trẻ làng Láng phần đông học trường Phủ.

Có hai đường đến trường: đường chính là đường nhựa qua Cầu Giấy, mả Quan Năm [2] , Chùa Hà, đường tắt thì ngay từ cổng Song An. Dưới gốc me trước cửa nhà có một lối mòn gập ghềnh dẫn xuống dòng Tô Lịch. Lội qua sông, mùa cạn nước chưa ngập gối, là sang đến xóm Yên Hòa và chỉ vượt một cánh đồng đã đến đầu thôn Dịch Vọng.

Lũ trẻ làng Láng thường đi học theo đường tắt. Không còn gì vui thích hơn: đường vắng không một bóng người, không một chiếc xe qua lại, cánh đồng thênh thang lộng gió, tha hồ chạy nhẩy. Thời gian đến trường như được rút ngắn, ra đến cánh đồng là bắt đầu chạy đuổi nhau hoặc đuổi theo đàn lợn con hồng hồng, thả rông dưới chân tre. Chạy hoài chạy mãi, chạy đến tức hơi, nghẹt thở. Chẳng bao lâu làng Mai Dịch đã hiện ra trước mắt và chỉ sau một quãng ngoặt là đến trường.

Vì thế Song An trở thành nơi tập hợp. Học trò làng Láng hẹn nhau:

"Sáng mai đợi nhau dưới gốc me trước cổng Song An. Lại đi đường tắt. Đi thật sớm nhé, còn đuổi lợn."

*

Song An đã trải nhiều thăng trầm qua thời cuộc. Một sáng mùa hè năm 1944, mấy chiếc xe chở đầy lính Nhật rít phanh, đỗ trước cổng. Một người lính nhẩy xuống, hai tay cầm ngang cây súng cắm lưỡi lê đứng chắn giữa cổng, không cho ai ra vào. Một người khác, đeo súng ngắn, chừng như một hạ sĩ quan, đến dưới gốc phù dung đóng một tấm biển lớn mang mấy chữ Hán viết bằng mực đen "Đông phương bộ đội dụng địa".

Rồi đứng thẳng người, viên hạ sĩ quan hét những tiếng rất lớn. Từ trên các thùng xe, những người lính lùn choằn rầm rập nhảy xuống, súng lăm lăm trong tay.

Viên hạ sĩ quan lại hét lên. Lính răm rắp dàn thành hai hàng vào tận bậc lên xuống của phòng khách. Viên hạ sĩ quan chạy đến mở cửa ca bin. Một viên sĩ quan, cũng thấp lè tè như lính, lầm lì bước xuống. Hắn đội chiếc mũ mềm toen hoẻn trên đỉnh đầu, với những mảnh vải lòa xòa che kín gáy, chân đi ghệt da, một thanh kiếm dài lủng lẳng bên hông. Gõ giầy đinh lộp cộp trên sân gạch, hắn bước những bước rềnh ràng giữa hai hàng lính rồi lừ lừ đi lên bậc cửa.

Cha Hoàng cúi chào:

"Thưa Ngài, Ngài nói tiếng Pháp chứ ạ?"

Hắn lừ lừ nhìn, không trả lời.

Đến lượt người anh của Hoàng cúi chào:

"Thưa Ngài, Ngài nói tiếng Anh?"

Hắn vẫn lừ lừ nhìn.

Cha Hoàng mang đến một tờ giấy, thong thả viết bốn chữ Hán: "Thỉnh nhĩ bút đàm". [3]

Những người này sao lắm chuyện thế. Hắn cau mày, gạt phắt tờ giấy và vỗ mạnh vào thanh kiếm: hắn không cần biết bất cứ ngôn ngữ và văn tự của nước nào vì hắn đã có ngôn ngữ của thanh kiếm. Hắn khoát tay chỉ vào mọi người trong gia đình đang lo lắng đứng ở góc nhà rồi phẩy tay ra phía cổng: các người đi đi, đi đâu thì mặc.

Cũng như mọi người Việt Nam thời ấy, gia đình Hoàng sợ lính Nhật tuy rất thù ghét họ. Người ta thường kể với nhau: có những con ngựa Nhật chết vì ăn phải cám trộn mùn cưa, lính Nhật bắt người bán cám, mổ bụng ngựa nhét vào đó, khâu lại rồi đem chôn. Những người này đang là nạn nhân của trận đói khủng khiếp do chính họ và quân Pháp gây ra, đã bớt lại chút cám làm thức ăn nuôi sống con người.

Đồn đại hay sự thật? Đối với một quân đội dã man như quân đội Nhật thời ấy thì đó không phải chỉ là những lời đồn đại. Thế là cả gia đình đành lếch thếch đi ra cổng, chia nhau xuống ở nhờ các nhà đằng ngoại dưới làng.

Ba tháng sau lính Nhật mới kéo đi, để lại một ngôi nhà bừa bộn, bẩn thỉu: trong bếp vài thùng tương Nhật ăn giở, bốc mùi thum thủm, lổn nhổn những hạt đậu chưa nhuyễn và ngoài sân ngổn ngang cứt ngựa.

Mùa đông năm sau, đến nạn quân Tàu Tưởng. Họ vào Việt Nam tước khí giới quân Nhật, sang từ Vân Nam, dưới quyền chỉ huy của hai viên tướng Lư Hán và Tiêu Văn.

Đó là những toán quân đói rách và nhếch nhác, kéo theo một cái đuôi lít nhít vợ con. Nghe nói đi đến đâu, Lư Hán Tiêu Văn cũng cho đánh phèng phèng, gọi dân đói nườm nượp đi theo. Ngày ấy ở Việt Nam đang có nạn đói nhưng bên Tàu nạn đói còn khủng khiếp hơn nhiều. Vì thế thêm một người sang Việt Nam là bớt được một miệng ăn và thêm được một người sống sót cho đất nước Tàu.

Trên đường hành quân, trước khi vào thành phố, họ hay tạm nghỉ trong nhà Song An. Mẹ Hoàng thường mời các sĩ quan lên phòng khách ăn một vài trái cây hoặc uống chén trà. Đó là cách gián tiếp cầu mong họ giữ cho quân lính không phá phách, để gia đình được bình an.

Trong lớp sĩ quan, đôi người nói được tiếng Anh. Thỉnh thoảng có người dắt anh của Hoàng vào góc nhà, bí mật thì thầm những điều gì đó.

Khi họ đi, anh nói:

"Họ mời mua vũ khí thu được của quân Nhật. Rẻ lắm, súng đạn đủ cỡ, cả đến súng liên thanh, súng cối, cỡ gì cũng có."

Ngày ấy Vệ Quốc Đoàn vừa thành lập, thanh niên các làng ngoại thành nô nức nhập ngũ, mang theo những vũ khí tự mình tìm kiếm được. Một người anh đằng ngoại, anh Bào, mới nhập ngũ, đóng quân trên đền Voi Phục, chưa kiếm được súng, vẫn đeo một thanh mã tấu. Người anh của Hoàng, với tiền túi mẹ cho hàng tháng góp lại, muốn mua tặng anh Bào một khẩu súng. Một khẩu súng trường kèm theo lưỡi lê, có thể hơn thế, một khẩu tiểu liên.

Nhưng rồi anh đắn đo:

"Không xong. Mua của họ nguy hiểm lắm. Nhà mình lù lù ở ven đường, khi cấp trên của họ biết, chính họ lại đưa cảnh vệ đến bắt mình, lấy lại vũ khí mà không trả lại tiền. Có khi họ còn vu cho mình ăn cắp."

Trái với lo sợ của mẹ Hoàng, những người lính, đầy vẻ chịu đựng, không làm phiền đến ai. Họ âm thầm cởi những chiếc xà cạp quấn chân đã rách và những đôi giày rơm đen bẩn hôi hám, đem phơi ngoài nắng rồi vào ngồi im lặng trên hàng hiên. Chẳng thấy ai có gì ăn, chỉ thấy thỉnh thoảng vài người rủ nhau ra giếng kéo lên một gầu nước, thay nhau uống rồi dội chỗ nước thừa lên những cái đầu trọc và vỗ vỗ.

Mẹ Hoàng bảo :

"Chắc là họ đói. Nhưng mình cũng đang đói, giúp sao cho xuể, dù nào che được khắp chợ."

Một lần Hoàng thấy một người lính ngồi chăm chú bắt rận trong góc hiên. Viên sĩ quan, từ trong phòng khách bất chợt đi ra, đã trông thấy. Chừng như xấu hổ với những người trong gia đình, hắn quát lên những tiếng gì đó khiến cả đám lính đang ngồi đều cứng người lên như tượng. Hắn gọi người lính phạm lỗi ra trước bậc cửa phòng khách.

Biết trước điều gì đang chờ đợi mình, người lính lặng lẽ tự lột chiếc mũ gắn quân hiệu để lộ cái đầu trọc hếu, hai tay trân trọng đặt mũ lên chiếc đôn sứ bày bên bậc cửa, đứng nghiêm, mắt ngước lên trời.

Viên sĩ quan xăm xăm tiến đến, khuôn mặt méo mó vì tức giận. Hắn dang tay, không thương tiếc tát hai cái tát mạnh như trời giáng vào giữa mặt người lính rồi đưa tay lên nhìn và chùi vào quần.

Khi hắn đi vào phòng khách, người lính nhẫn nhục xoa xoa vội vàng khuôn mặt đỏ lựng, đến bên chiếc đôn sứ trân trọng nâng chiếc mũ gắn quân hiệu đội lại lên đầu.

Ngày ấy Hoàng đã lớn, đã bắt đầu hiểu biết. Hoàng vừa bất bình vừa mủi lòng, thương cho thân phận người lính. Ở phía bại trận cũng như phía thắng trận, họ đều là những người hèn mọn và vô danh. Những người thua thiệt, từ bao đời bị bạc đãi: ngay cả ở những trò chơi, trên bàn cờ và cỗ tam cúc, trong các quân bài "tướng sĩ tượng xe pháo mã tốt", họ cũng bị xếp chót cùng, chẳng những sau con voi, mà sau cả đến con ngựa.

*

Đêm 23 tháng 12 năm 1946. Cuộc trường kì kháng chiến chống Pháp bùng nổ.

Như phát hiệu lệnh cho cả nước, pháo đài Láng bắn những quả đại bác đầu tiên vào các vị trí quân Pháp trong thành Hà Nội. Từ phía Láng Trung nơi đặt pháo đài, chớp bùng lên, tiếp sau là những tiếng nổ như sấm sét làm rung chuyển các khung cửa kính nhà Hoàng. Trên bầu trời đêm thăm thẳm, đạn vạch những đường lấp lánh, xanh biếc như sao băng. Lát sau, từ phía đường Bưởi cũng vọng đến từng hồi sấm động: pháo đài Xuân Tảo đã lên tiếng.

Mẹ Hoàng run rẩy gọi:

"Các con đâu hết rồi? Xuống cả dưới gầm cầu thang đi!"

Dưới gầm cầu thang, mà mẹ cho là nơi kiên cố nhất nhà, mẹ đã thuê thợ đào và xây một đoạn hầm để tránh máy bay Mỹ đến oanh kích các vị trí quân Nhật. Từ ngày Nhật đầu hàng, hầm là nơi xếp đồ sứ dễ vỡ và bát đĩa. Khi quân Pháp trở lại, mẹ đã thu dọn bát đĩa cất xuống nhà kho, đề phòng lúc đánh nhau còn có nơi ẩn náu.

"Sao gọi mãi mà không thấy đứa nào xuống hầm thế? Xuống ngay đi!"

Tiếng thúc giục của mẹ đầy lo âu, nhưng anh chị em Hoàng vẫn đứng bên những cửa sổ mở rộng của căn phòng phía đông, nơi có thể vừa nhìn thấy pháo đài Láng, vừa nhìn thấy khoảng trời Hà Nội.

"Súng của pháo đài làng mình đấy mà. Mợ ạ, đừng sợ. Lên đây xem với chúng con."

Giờ phút mong đợi đã đến. Ngày mai, chỉ ngày mai thôi, anh chị em Hoàng sẽ bắt đầu một cuộc sống mới, đi vào kháng chiến, gian lao nhưng phơi phới.

Hoàng hỏi người anh:

"Ngày mai anh sẽ làm gì?"

"Hoàng hỏi ngày mai anh làm gì? Anh sẽ... Anh sẽ..."

Và anh hát lên:

Bao chiến sĩ anh hùng
Lạnh lùng vung gươm ra sa trường... [4]

Sớm hôm sau, mẹ Hoàng cùng chị hai và các em nhỏ tản cư ngay về phía Sơn Tây. Cha Hoàng thì theo cơ quan sơ tán về phía Cừ Đà, Khúc Thủy. Ở lại Song An chỉ còn hai anh em Hoàng và con chó Nica. Đó là một con chó đực to lớn, lông đen mượt, người anh của Hoàng xin về nuôi từ khi mới rời vú mẹ. Nó được anh nuông chiều, năm đó đã ba tuổi nhưng vẫn là một con chó tơ rất nhanh nhẹn, suốt ngày tung tăng chạy nhảy.

Song An cao vượt những nhà xung quanh, từ xa đã nhìn thấy, là mục tiêu của súng cối địch, nhưng chẳng hiểu vì sao chưa viên đạn nào trúng nhà. Một vài viên rơi giữa vườn rau. Nhiều viên rơi bên kia đường nhựa, ven sông Tô Lịch hoặc vượt sang xóm Yên Hòa. Mỗi lần đạn rơi, con chó Nica sợ tiếng nổ chạy biến ra đồng, khi lặng tiếng súng mới dám len lén tìm về.

Dạo ấy, anh em Hoàng được phân công đi vận động người làng tản cư, không ở lại với địch và đi kẻ khẩu hiệu địch vận. Suốt ngày tay xách thùng vôi, tay mang chổi lông, họ đi kẻ những khẩu hiệu rất lớn trên mặt đường và trên các bức tường chưa đổ.

Nước Việt Nam của người Việt Nam!
Độc lập hay là chết!
Binh sĩ Pháp! Hãy phản đối cuộc chiến tranh thuộc địa bẩn thỉu này!
Binh đoàn thiết giáp số 2! Các bạn đã giải phóng Paris, sao các bạn lại đến xâm chiếm Hà Nội? [5]

Lần đầu tiên khi kẻ khẩu hiệu này, bằng chữ rất to trên mặt đường nhựa song song với đường tàu điện Cầu Giấy, người anh của Hoàng nói:

"Đọc báo thấy tướng Leclerc chỉ huy binh đoàn thiết giáp số 2 vào giải phóng Paris, anh khâm phục ông ta quá. Hóa ra ông ta cũng chỉ là một tên thực dân!"

Một tối khi về ngủ, đốt cây nến lên, hai anh em thấy trên bàn một đĩa lòng dồi, một đĩa thịt luộc, một liễn xương hầm và một rổ rau húng.

Người anh buồn rầu bảo :

"Con Nica đây mà!"

Trên toàn mặt trận, có lệnh diệt chó để chúng khỏi sủa khi du kích về làng. Dân quân đã úp được Nica lúc nó trở về, khi im tiếng súng. Phần để lại trên bàn là phần dành cho anh em Hoàng.

"Hoàng ơi, người anh thì thầm, anh không kiêng thịt chó nhưng chỉ ăn được những con chó khác."

Hoàng cũng vậy, Hoàng không thể nào ăn được con chó bầu bạn mình nuôi.

Mấy hôm sau mặt trận đã lan đến gần. Một hố rất lớn, rất sâu đưọc đào ngay giữa dốc Cầu Giấy, đất vật lên bờ đắp thành chiến lũy, bên trên ngổn ngang giường tủ, bàn ghế lấy trong những ngôi nhà đã bỏ hoang và tua tủa những thanh sắt bóc từ đường tầu điện.

Một buổi sớm có tiếng gọi ngoài cửa:

"Dậy thôi các em, Tây đến gần lắm rồi."

Người đại diện Ủy ban kháng chiến dẫn đến một đoàn dân quân. Đoàn gồm toàn người lạ, vai vác xà beng, tay xách búa tạ, có lẽ tận trong Mễ Trì, Phùng Khoang kéo ra. Không thấy dân quân làng Láng: họ cũng đi làm công tác phá hoại nhưng được điều động tới những vùng khác.

Đoàn dân quân thay nhau dùng búa nện rồi bạy bằng xà beng, đục vỡ nhiều mảng tường, cố đánh sập ngôi nhà kiên cố để ngăn địch đặt súng lớn khống chế vùng xung quanh.

"Tường bê tông dày quá! Đốt bằng gì đây, các đồng chí?"

"Có cây rơm ngoài vườn", Hoàng nói.

Người anh cũng nói:

"Trên gác nhiều đồ gỗ. Nhưng xin đừng đốt bàn thờ và tủ sách."

Bàn thờ đặt trong gian giữa trên lầu, nơi ngày rằm, mồng một bà nội vẫn thắp hương dưới tấm ảnh lóng lánh khảm bằng xà cừ của ông nội.

Người đại diện Ủy ban nói với đoàn dân quân:

"Lên tầng trên khuân hết đồ gỗ xuống. Bàn thờ cùng các đồ thờ và tủ sách thì để lại."

Rồi anh giục anh em Hoàng:

"Đi thôi các em, đừng ở lại nhìn. Nhà anh cũng sập rồi. Đi thôi! Ngày nào kháng chiến thành công, ta về xây dựng lại."

Hai anh em Hoàng ôm chặt nhau trước lúc chia tay. Anh Hoàng xuôi đường Láng, phía nhà ông Quản Dung. Ông Dung trước đi lính Pháp, đóng chức quản nhưng nay theo cách mạng. Anh của Hoàng đã hẹn con trai ông Quản cùng gia nhập đoàn Thanh niên xung phong. Còn Hoàng thì xuống ven đường, lội qua dòng Tô Lịch sang xóm Yên Hòa đi lên So Sở. Gia đình Hoàng tản cư trên đó.

Sang bên kia sông, Hoàng ngoảnh nhìn. Vẳng lại tiếng hò dô của những người khuân đồ rồi lát sau, ngọn lửa tuôn ra khỏi những hốc tường vỡ. Một vầng khói đen cuồn cuộn bốc cao. Tai Hoàng ù ù tiếng lửa cháy và tiếng những đồ gỗ, nhưng khung cửa rạn nứt.

"Đi thôi các em, đừng ở lại nhìn..."

Vĩnh biệt Song An!

Đã đến cánh đồng làng Mai Dịch. Rồi đến bờ đê con sông Nhuệ. Hoàng đã đi xa Song An lắm rồi. Nhưng trong lúc chờ đò qua sông, một nỗi buồn thấm thía cùng với một sức mạnh không cưỡng nổi thôi thúc Hoàng quay lại. Biết bao giờ trở về, mà biết có còn sống để trở về nữa không, phải quay lại nhìn Song An lần cuối.

Xế chiều Hoàng mới về đến bên dòng Tô Lịch. Lạ lùng biết bao: lửa khói đã tắt, đường Láng vắng tanh nhưng thay vì một đống hoang tàn đổ nát, Song An vẫn còn nguyên đó. Hoàng giụi mắt nhìn: Song An, ngôi nhà hai lần bình an, vẫn còn trơ trơ đứng đó. Tường bê tông dày quá, Song An không đổ.

Tạm biệt Song An! Tạm biệt! Chỉ là tạm biệt thôi! Hẹn ngày trở lại!

*

Chín năm sau, kháng chiến thành công. Gia đình Hoàng trở về ngôi nhà cũ.

Cây phù dung trước ngõ không còn nữa, thay vào đó ai đã trồng một cây xoan. Giàn hoa ớt, rặng tường vi và giàn móng rồng đều đã chết, nhưng trong góc sân, cây ngâu lấm tấm hoa vàng vẫn đứng đó, bình thản nhìn cuộc đời biến động. Vắng giàn hoa ớt, cổng ngõ Song An hiu hắt buồn, nhất là ngày đông giá lạnh, khi cây xoan - cây sầu đông - đã rụng hết lá, chỉ còn trơ lại những cành khô.

Mẹ Hoàng thuê trát các hốc tường ngày xưa đã bị đục vỡ. Các cửa sổ được quây kín bằng cót. Ngôi nhà loang lổ vì không được quét vôi lại. Mẹ chỉ có khả năng làm đến đó. Bên trong, những vết rộp trên nền và trên tường vẫn y nguyên. Tay vịn cầu thang đã cháy rụi, không thay mới được, mỗi khi lên lầu phải đi sát một bên mép tường cho khỏi ngã. May sao, trên lầu, bàn thờ và mọi đồ thờ vẫn còn nguyên, chỉ thiếu tấm chân dung khảm xà cừ của ông nội. Tủ sách cũng vẫn còn tuy đã mất hết sách.

Cha mẹ Hoàng không nghĩ tới việc treo lại biển Song An. Dạo ấy, vùng ngoại thành sắp cải cách ruộng đất và nội thành đang rục rịch cải tạo công thương nghiệp. Ngay sau ngày hoà bình, bom đạn vừa chấm dứt nhưng lo âu đã lại lơ lửng trên đầu...

Cha Hoàng, cán bộ lâu năm của Bộ Tài chính, mấy lần cơ quan gửi đi các đội cải cách trong vùng Hà Nam Ninh để cải tạo tư tưởng và củng cố lập trường, nhiều kinh nghiệm nên quyết định:

"Thôi, các con ạ, thời thế đã thay đổi, vương vấn cái cũ làm gì cho mất hết bình yên!"

Từ đó ngôi nhà xưa không còn mang tên Song An. Nó trở thành một ngôi nhà không tên.


Chương 2

Chục cam Canh mẹ sắp mang đi biếu Tết chỉ còn chín quả. Mẹ giận lắm.

"Làm thế nào bây giờ! Giời ơi là giời! Thế này thì có khổ tôi không! Chiều ba mươi còn ai buôn bán gì nữa mà đi mua lại. Lại thằng Hoàng! Hoàng ơi! Ơi Hoàng!"

Vào những ngày xa xôi ấy, trẻ con Hà Nội đều gọi cha mẹ bằng cậu mợ:

"Thưa mợ không phải... không phải con ạ..."

"Không con thì còn ai vào đây nữa!"

Lúc ăn trái cam, Hoàng không biết đó là món quà Tết mẹ định mang đi biếu một người quan trọng: ông chủ sự phòng giấy của cha Hoàng. Chỉ còn cách chối, may ra...

"Có phải con đâu mà! Cứ mắng oan con!"

"Lại còn chối. Mày hư nhất nhà, không mày thì ai? Chẳng lẽ con Đạt, thằng Cận?"

Mẹ ngồi phịch xuống ghế, hai tay ôm đầu:

"Làm sao bây giờ! Mặt mũi nào mà đi biếu ông chủ sự một chục cam chỉ còn chín quả! Con Thông nhốt nó vào tủ cho mợ!"

Người chị cả sốt sắng:

"Để rồi con khóa cửa tủ lại, cho nó chừa. Trong ấy tối đen, có ông Ba Bị..."

Chị chạy lại nắm tay Hoàng. Hoàng giãy giụa nhưng chị đã thì thầm:

"Đi theo chị. Đừng giãy mà mợ biết."

Chị dắt Hoàng đi. Qua chiếc tủ đứng nặng nề kê ở góc nhà, chị không ngừng lại mà dắt thẳng Hoàng xuống bếp.

Ngày ấy gia đình Hoàng còn ở một căn nhà nhỏ trên dốc Cầu Giấy. Bếp trông xuống dòng sông Tô Lịch và xa xa, cách mấy ruộng rau muống lác đác hoa trắng là một trang trại xanh rì, trồng toàn cây ổi mà anh chị em Hoàng gọi là Trại Ổi.

Chị mở cửa bếp, đẩy Hoàng ra ngoài:

"Em lên Trại Ổi mà chơi. Lúc nào mợ hết giận, chị gọi em về."

Kí ức non nớt của Hoàng năm ấy đã bắt đầu biết ghi chép. Hình ảnh chị cả in vào đó như một vết khắc sâu.
Từ ngày chị đi ở riêng, mỗi lần Tết đến, khi bức thêu Cành mai chim hạc được treo trên tường phòng khách và chồng bánh chưng xanh, bát hoa thủy tiên trắng, chiếc đỉnh cùng hai cây nến đồng sáng choang được bày trên bàn thờ, dưới tấm chân dung khảm xà cừ của ông nội, Hoàng lại nhớ đến những trái cam Canh đỏ ối và tiếng chị dịu dàng " Em lên Trại Ổi mà chơi... ".

Nhà đông em, chị cả không được đi học nhiều. Chị ở nhà giúp mẹ trông nom việc buôn bán khi mới học hết năm thứ ba trường nữ sinh Félix Faure. [6]

Những năm ấy việc cúng bái rất thịnh hành. Mẹ Hoàng mở một xưởng nhỏ mướn dăm ba người thợ, làm vàng giấy, một loại tiền âm phủ để đốt cho người chết. Đó là những tờ giấy bản mua từng bó trên làng Bưởi, dán những lá thiếc mỏng mua của người Tàu nhập cư, quê ở Triều Châu. Với chiếc búa một đầu cong cong và một vầng đá tảng nặng nề làm đe, suốt ngày mình trần trùng trục và mồ hôi nhễ nhại, họ đập những thỏi thiếc thành từng tập lá mỏng dính. Sau khi dán, lá thiếc được quét một lớp nước hòe, trở nên lóng lánh như vàng.

Từng khối tiền âm phủ được đóng thành kiện, gửi tàu hỏa vào bán tận trong Vinh, trong Hội An, ngày ấy còn được gọi là Faifô, nơi mẹ có những bạn hàng.

Một năm vài ba lần, chị cả vào thu tiền và tìm hiểu thị trường trong đó. Nhiều lần người chị thứ hai, chị Đạt và Hoàng được đi theo, khi chuyến đi của chị cả trùng vào dịp nghỉ hè. Những chuyến đi xa đầu tiên của tuổi nhỏ, đầy mộng mơ, mà đã một thời Hoàng hồi hộp chờ mong.

Bao nhiêu là cảnh lạ đường xa: ga Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, nơi lũ trẻ chạc tuổi Hoàng chào bán những chú vẹt xanh và bầy sáo mỏ ngà; Chợ Vinh, nơi chị cả vẫn mua những sọt cà Nghệ mang về muối thành những trái cà trắng phau và giòn tan; Minh Cầm, Nhật Lệ nơi ga xe lửa nằm trong một vùng bao la trăng nước; rồi Huế với núi Ngự Bình và sông Hương lờ lững, nơi dì Năm, em của mẹ, mở một tiệm bán giày...

Mỗi chuyến đi, bao giờ chị cả cũng mua cho Hoàng một món quà nhỏ, nhưng là cả một gia tài của tuổi thơ:

"Em thích gì? Con vẹt đang học nói, hay con sáo mỏ ngà?"

Từ cửa sổ toa tàu, chị mua con sáo lông đen nhánh, mỏ vàng hoe, nhốt trong lồng, hoặc con vẹt xanh biếc như lá rừng đang líu lo, chân đã bi buộc vào một cành khô. Trao món quà cho Hoàng, lần nào chị cũng dặn:
"Nuôi nó cẩn thận nhé! Đừng chóng chán, để nó chết mà tội nghiệp!"

Rồi chị cả đi lấy chồng. Chị hai, năm ấy đã tốt nghiệp trung học, đang học trường Thương mại, không thể bỏ học để thay chị cả đỡ đần mẹ. Từ đó mẹ thôi nghề vàng giấy.

Chồng chị cả làm ngành hỏa xa. Anh là trưởng ga Ngã Tư Vọng, nơi sở làm đã dựng cho người trưởng ga một căn nhà nhỏ.

Ngày loạn li, anh chị về quê dưới Phượng Dực. Khi mặt trận lan đến vùng Thường Tín, Chợ Tía, anh chị chạy lên Phú Thọ, Thanh Cù.

Hoàng đã gặp lại anh chị ở đây. Ngày ấy anh chị có ba con nhỏ. Đứa lớn, Giao, chừng sáu tuổi, quàng qua ngực một chiếc chăn chiên gấp theo kiểu lính. Giác, đứa thứ hai, chừng bốn tuổi lẫm chẫm đi không - thế cũng đã là đỡ cho cha mẹ nhiều rồi - còn Thư, đứa thứ ba, con gái, được ngồi một bên quang thúng.

Mười năm sau, ngày về Hà Nội, Hoàng mới gặp lại chị cả. Anh chị đã có bẩy con, cháu nào cũng khỏe mạnh và được học hành, thành đạt.

Chị cả mất sớm đối với tuổi thọ ngày nay, khi mới sang tuổi sáu mươi. Chị mất trước cha Hoàng cả chục năm. Từ ngày kháng chiến về, hai cái tang đã đè nặng lên Người: tang bà nội và tang mẹ Hoàng. Bây giờ đến tang chị cả.

Ngày đưa chị ra đồng, Người không đi. Chỉ thấy Người lặng lẽ ra vào, cặp mắt âm thầm đầy vẻ chịu đựng. Số phận đã an bài như thế, con người biết cưỡng lại cách nào!

Đưa đám chị cả về, Hoàng thấy Người đang ngồi im lìm dưới bóng cây ngâu. Hoàng đến sát bên cạnh, Người mới biết. Người hỏi:

"Mọi việc xong xuôi rồi chứ con?"

"Vâng ạ!"

Hoàng bỗng thấy nơi khóe mắt Người hiện ra hai giọt lệ nhỏ. Chúng lớn dần lên, long lanh, rồi rơi xuống.
Ngày còn học bên Trung Quốc, Hoàng biết nếu bất hạnh con lớn chết trước cha mẹ già thì cha mẹ không bao giờ đi đưa. Cái chết như thế không thuận lẽ Trời. Phải giữ cho số phận nghiệt ngã không diễn lại với những người con còn sống, vì thế thương xót đành chỉ ngậm ngùi để trong lòng, người tóc bạc không đi đưa kẻ tóc xanh.

Trong nền tảng học vấn của cha Hoàng, phần nửa vẫn là Nho học. Có phải vì thế mà Người không đi đưa chị cả?

*

Anh là người anh ngay trên Hoàng. Hai anh em ngày bé hầu như cùng sở thích nên rất gần nhau. Có trò chơi nào của tuổi thơ mà họ không cùng chơi, từ những trò vô hại đến những trò nghịch ác?

Ngày ấy, một phần công viên Thủ Lệ còn là nghĩa địa và phố Đại La vắng teo, từ Voi Phục đến mả Quan Ba [7] không bóng một ngôi nhà. Đường qua phố bây giờ, lúc đó chỉ là đường đất chưa trải nhựa, ven đường trồng những cây đa lông, gốc sần sùi, cành lá gân guốc.

Trong nhiều năm, hai anh em Hoàng thường đưa nhau tới đó, mở đầu những ngày hè. Với mấy viên gạch củ đậu mang theo từ nhà, họ đập trầy lớp vỏ đa, lấy nhựa vê thành bóng. Một công phu cộng với lòng kiên nhẫn và sự chịu đựng vô hạn: nhiều khi họ đập cả vào tay, vào đầu nhau làm đầu lõa máu hoặc nổi lên những khối u tím bầm. Ngày đầu tiên cục nhựa chỉ nhỉnh bằng ngón chân, vài ngày sau bằng quả ổi, mấy ngày sau nữa bằng quả hồng. Khi cục nhựa lớn gần bằng quả cam, có thể tạm dùng làm bóng đá thì thấm thoát một tuần nghỉ đã trôi qua.

Một nơi nữa, rất gần nhà, thu hút họ vào những dịp nghỉ cuối tuần. Đó là khu miếu cổ Chùa Thưa, nằm ngay sau vườn nhà ông Tú, trong vòm lá um tùm của những cây muỗm cổ thụ, những cây ràng ràng đầy quả đỏ, những rặng duối vàng, ríu rít tiếng chim.

Họ tới nơi này, trốn cái oi ả các buổi trưa hè dưới bóng mát của những "vòm cây xanh màu vỏ chai" [8] , nằm đọc sách Hồng trên nệm cỏ hoặc trèo rặng duối ăn quả chín cùng lũ chào mào, chim khuyên và vàng anh.

Chiều mát, lúc ra về, họ không quên nhặt một túi hạt rành rành đỏ tươi cho lũ em nhỏ ở nhà chơi đồ hàng.
Nhưng hai anh em cũng không thiếu gì trò nghịch ác. Họ để cả buổi đi bắt bướm, ghim những con bướm sặc sỡ trên tấm bìa, để chúng chết khô làm mẫu cho bộ sưu tập mà chẳng mấy khi họ mở ra coi. Họ đi đúc dế trên những gò hoang, bỏ quên chúng cùng một vài cọng cỏ trong những bao diêm chật chội.

Mỗi người một chiếc súng cao su, chạc súng làm bằng chạc ổi cho bền, họ đi bắn chim non về tìm ăn trái đa chín hoặc trú nắng trong lũy tre làng. Bọn chim non ấy mới ra đời vào dịp đầu hè, ngơ ngơ ngác ngác, rất dễ trúng đạn. Họ giết chúng chỉ để chơi, nhưng khi thấy chúng chết, hình hài co quắp thì bỗng động lòng thương cảm, đem chôn vùi chúng dưới những nấm mồ nhỏ bé...

*

Dần dần lớn lên, hai anh em xa những trò bắt bướm đuổi chim. Đã có một chút nhân hậu nảy nở trong lòng họ. Thay vì hành hạ loài vật, họ yêu thương chúng. Hoàng bắt đầu nuôi chim cảnh. Anh Hoàng nuôi một con chó đặt tên là Nica, một cái tên anh đã có lần giảng nghĩa nhưng nay Hoàng chẳng còn nhớ được là gì.
Nica là chó đực. Một con chó đực to lớn lông đen nhánh, nhưng không chung số phận với những con chó đực thời ấy: chúng thường bị thiến, bị nhét những mảnh thuỷ tinh sắc cạnh vào chỗ thiến và trở thành những con chó rất hung ác.

Anh của Hoàng luôn có những suy nghĩ ngược với thông lệ đương thời. Ngày đưa Nica về nuôi, anh nói:

"Anh ghét những người thiến chó. Ác quá, còn gì là đời nó. Đã nuôi, sao không để nó được sống tự nhiên?
Và anh đã từ chối mọi lời khuyên nhủ, giữ cho con Nica không bao giờ bị thiến."

Hai anh em còn nuôi chung một con ngựa non, mua của kị binh Nhật. Cuối năm 1944, khi biết mình đã mất hết sức mạnh và sắp thua trận, giờ tan vỡ đã đến, lính Nhật không còn hung hãn. Họ trở nên rất nhũn nhặn, đi đường chào cả trẻ con và nhường bước cho người già. Họ vào những nhà quanh nơi họ đóng quân, chào bán đủ thứ, kể cả quân trang, vũ khí, lương khô và lừa ngựa.

Con ngựa non chừng năm sáu tháng tuổi, rất đẹp, bụng thon, chân cao như chân hươu, lông nâu óng ánh. Nhưng rồi cuối cùng anh chẳng có thời giờ ngó đến con ngựa, ngay cả việc chăm nom con chó Nica anh cũng để lại cho Hoàng.

Năm ấy anh đang học lớp đệ tứ trường Albert Sarraut. Những năm xa xưa, học Sarraut là đặc quyền của con cái nhà giàu. Nhưng đầu những năm 40, con các gia đình bình thường như gia đình Hoàng cũng có thể vào trường, miễn là qua được kỳ thi tuyển.

Anh dành lại cho Hoàng mọi trò chơi thời thơ ấu, một phần vì phải tập trung cho học tập, phần lớn hơn do thời cuộc nóng bỏng ngoài đường đang kêu gọi. Anh không còn là kẻ đầu têu trong mọi trò mà đã trở thành như con chim đầu đàn cho Hoàng noi theo...

Nhưng tre già măng mọc: Hoàng lên thay vị trí đầu têu của anh và lập tức vị trí của Hoàng cũng có ngay người thay thế. Đó là Khôi, đứa em trai sau Hoàng.

Năm ấy kinh tế bắt đầu khó khăn, chị cả của Hoàng đã đi lấy chồng, việc buôn bán của mẹ không còn phát đạt như trước. Nhà đông người, không thể một lúc nào ngồi yên mà không xoay xỏa. Mẹ mua một cỗ xe ngựa, thuê một người đánh xe, cho chở khách từ bến xe điện Cầu Giấy lên Cầu Diễn và Trạm Trôi.

Thế là bỗng nhiên nhà có hai con ngựa: con Băngđi, một con ngựa thi lông đen nhánh nhưng đã hết thời, mua của trại ngựa thi trên Quần Ngựa và con Bạch, một con ngựa lùn, lông trắng như cước, giống ngựa Nước Hai trên Cao Bằng.

Về sau mẹ mua thêm của kị binh Nhật một con ngựa Mông Cổ lông nâu đốm trắng, con Crôcô. Nó lớn gấp rưỡi con Băngđi, trông đồ sộ, bệ vệ, lưng cao vượt đầu Hoàng. Người đánh xe, anh Năm Bồ, cứ tấm tắc khen:

"Con này kéo xe thì nhất. Súng ca nông mà nó còn kéo được thì cái xe đối với nó không bằng cái mắt muỗi. Nó rảo bước cũng bằng con Bạch chạy."

Nhưng con Crôcô chưa kéo được chuyến xe nào. Về nhà vài hôm, nó bắt đầu ốm khặc khừ. Mẹ mời một thầy thuốc thú y nhưng vô ích: một tuần sau con Crôcô lăn ra chết. Nó nằm nghiêng trong chuồng, lù lù một đống, bụng chướng phềnh, bốn vó giơ ra tua tủa, cứng queo.

Người ta đồn lính Nhật ngầm hủy hoại hết thảy những gì có thể hủy hoại trước khi đem bán cho dân. Có thể họ đã tiêm thuốc độc để con Crôcô chỉ sống thêm được mươi ngày. Một thời gian vừa đủ cho con ngựa đổi chủ. Cuối cùng gia đình Hoàng chỉ là người đem chôn con ngựa thay cho họ, sau khi đã mất cho họ một số tiền.

Năm ấy Khôi cũng đã bảy, tám tuổi. Hoàng và Khôi được mẹ giao cho hai con ngựa: Hoàng trông con Băngđi và Khôi, con Bạch.

Hoàng cưỡi ngựa rất thạo. Dù con Băngđi còn cao quá tầm cao của Hoàng ngày ấy, Hoàng có thể cưỡi và điều khiển nó không cần yên cương. Một cái nhẩy lẹ như "nhẩy cừu" trong giờ thể dục ở trường, thế là Hoàng đã vọt lên ngồi chễm trệ trên lưng nó.

Hoàng muốn tập cho em cũng như mình.

"Con Bạch hiền lắm, sợ gì mà sợ. Nhẩy lên lưng nó thử xem, nó không đá đâu. Khi nào em cưỡi nó đã thạo thì anh cho cưỡi con Băngđi."

Sau vài lần, khi đứa em đã ngồi vững trên lưng con Bạch, Hoàng khuyến khích :

"Đừng sợ. Con Bạch lùn tè, có ngã cũng không đau. Nào, bắt đầu chạy!"

"Ối ối! Em sợ lắm!"

"Con trai không sợ bất cứ cái gì. Tay nắm lấy bờm. Hai chân kẹp chặt hai bên sườn."

"Ối ối... "

"Sợ gì mà sợ. Nắm chặt lấy bờm."

Một ngọn roi vút vào mông con Bạch. Bị bất ngờ, con Bạch chồm lên, lồng chạy. Nó chạy một mình vì đứa em Hoàng đã bị hất ngã, đang ngồi khóc bên bờ ruộng.

Hoàng chạy vội lại:

"Thôi anh xin lỗi. Nín đi. Đứng lên, anh xem có làm sao không nào?"

Em khóc tỉ ti :

"Làm người ta ngã đau quá. Về nhà thì đừng trách. Mách mợ cho mà xem..."

"Có thế mà đã khóc. Anh ngã con Băngđi còn đau bằng mấy. Như tập xe đạp ấy mà, không ngã thì bao giờ biết cưỡi."

Em còn ngã con Bạch nhiều lần nữa, có lẽ nhờ thế mà sau này em cưỡi ngựa cũng khá. Và em chưa khi nào mách. Mọi việc lần nào cũng được thu xếp ổn thỏa. Như xưa khi đi lấy nhựa đa, người anh đã đập cả gạch củ đậu vào đầu khiến Hoàng lõa máu nhưng Hoàng có mách bao giờ đâu.

*

Người anh của Hoàng học Ngữ văn nên giỏi văn, sử và ngôn ngữ: tiếng Pháp, Latin và tiếng Anh. Các bài luận anh làm là mẫu mực cho Hoàng.

Đã xa rồi cái buổi tả chân "trên đít con chó có cái đuôi". Ngày nay Hoàng học theo sự giản dị của anh. Anh ưa một thứ ngôn ngữ ít lời và luôn có những ý tưởng mới. Nhiều câu anh viết chỉ ba bốn chữ, gợi cảm như một ý thơ. Thời ấy, khi nhiều người thích dùng một ngôn ngữ cầu kì pha lẫn nhiều từ Pháp hoặc từ Hán Việt, anh chỉ dùng thứ ngôn ngữ giản dị và trong sáng anh thường dùng.

Bài làm của anh phần nhiều được điểm tốt nhưng không ít lần Hoàng thấy lời phê: "Luận văn không phải là điện báo". Một cách viết cố gắng bớt chữ thừa, nhưng người chấm không tán đồng, coi đó là cách viết hà tiện của người gửi điện báo, lồng nội dung tối đa trong một vài chữ ít oi để bớt cước phí.

Không chỉ ảnh hưởng đến Hoàng về phong cách, anh còn ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách của Hoàng.
Bốn mươi năm trước, khi Hoàng viết cuốn sách đầu tay, anh đã khuyến khích Hoàng và đọc nó như một bạn đọc đầu tiên. Anh bảo nghề văn cũng chỉ là một nghề như những nghề khác, nhưng khó theo đuổi hơn vì nó không chấp nhận hai thái độ thường tình: xu nịnh hay khinh bạc. Và là một nghề bạc bẽo, luôn luôn phơi mình dưới mọi thứ búa rìu. Anh khuyên Hoàng, nếu đã theo đuổi nó thì hãy bền bỉ phụng sự cái Đẹp nhân văn, cái Đẹp ấy mang trong bản thân nó cả cái Tốt lành.

Dù Hoàng sống bằng một nghề khác, văn chương đối với Hoàng chỉ là niềm vui nhưng lời khuyên của anh vẫn theo Hoàng đến hôm nay.

Anh tham gia hoạt động bí mật từ ngày còn đi học. Đôi khi anh vắng nhà một vài hôm. Anh bảo anh đi cắm trại, anh đang là tráng sinh của đoàn Hướng đạo.

Nhiều lần Hoàng thấy anh vào buồng học, đóng cửa lại rồi thì thầm trong đó một mình. Vì học Ngữ văn, chương trình của anh có môn "Hùng biện", chắc anh đang chuẩn bị một bài thuyết trình trước lớp. Nhưng không, lúc hăng lên, anh chợt nói to và Hoàng nghe thấy: "Thưa toàn thể đồng bào, Nhật Pháp bắn nhau..."

Thì ra anh đang công tác trong Đoàn Tuyên truyền xung phong của Việt Minh và những ngày vắng nhà, anh theo đoàn đi diễn thuyết ở các vùng ngoại thành.

Ngày ấy, Hoàng khâm phục anh biết bao. Anh có một khẩu súng ngắn, chỉ nhỉnh hơn bao diêm, bắn đạn cỡ 6 ly 35, lúc nào cũng giắt trước bụng, sau lớp áo. Một lần trong buồng học, anh đóng kín cửa rồi rút khẩu súng đưa cho Hoàng xem. Anh nói rất trân trọng và hãnh diện:

"Súng này Đoàn thể trao cho anh, bé xíu cho dễ giấu, nhưng bắn rất mạnh."

Hoàng mân mê khẩu súng với nước thép xanh biếc. Rồi thử bóp cò. Một tiếng nổ bỗng rền vang. Khẩu súng rung lên trong tay Hoàng. Nòng súng vương một làn khói mỏng.

Hoàng hốt hoảng nhìn anh. Anh vẫn ngồi yên đó, mặt hơi tái đi nhưng không thấy giọt máu nào rỉ ra. Viên đạn đã bay sát đầu anh, để lại một vết lở trên tường.

Hoàng lo lắng, ấp úng :

"Anh Cận! Anh có sao không? Anh xem lại đầu hay ngực anh, xem có sao không?"

"Không việc gì", anh vừa nói vừa sờ lên đầu và xoa xoa ngực. Mặt anh đã hồng trở lại:

"Anh quên nói với Hoàng là súng đã lên đạn sẵn, hôm qua có mít tinh trên Cầu Diễn."

"Em xin lỗi anh..."

Nếu viên đạn trúng đích, Hoàng đã mất anh từ ngày ấy. Sau chín năm kháng chiến, khi Hoàng trở về nhà cũ, buồng học đã sụp đổ nhưng trên mảng tường sót lại, dấu vết viên đạn vẫn còn.

Trong kháng chiến chống Pháp anh tham gia Đoàn Thanh niên xung phong Hoàng Minh Chính. Ngày ấy Hoàng cũng đã nhập ngũ vào học trường Thủy quân. Một lần về phép qua nhà tản cư gần thị xã Tuyên Quang, Hoàng đã gặp anh. Ngày rời nhà trở về̉ đơn vị, Hoàng được đi cùng anh một ngày đường. Để Hoàng vui chân, quên mệt, anh kể lại cho Hoàng nghe truyện anh vừa đọc:Công phá Bá Linh của nhà văn Xô viết Ilya Erenbourg. Ngày ấy, tất cả những gì thuộc về Liên Xô, Trung Quốc đều rất được ưa chuộng.

Trở về Hà Nội, anh làm việc cho tạp chí Việt Nam tiến bước, rồi cho tờ Tin tức Việt Nam. Anh viết trực tiếp bằng tiếng Pháp. Một lần, nhân dịp 20 năm thành lập tờ báo mà anh phục vụ, Hoàng hỏi anh đã viết được bao nhiêu bài.

Anh cười :

"Công việc thường ngày, anh không trả lời được. Nếu Hoàng hỏi một bác thợ mộc trong đời đã đóng bao nhiêu giường tủ, bao nhiêu bàn ghế, chắc bác ta cũng chẳng nhớ."

Trước ngày rời nước ra đi, Hoàng thấy anh buồn. Nghề báo mà anh yêu thích từ thời trẻ chừng như bây giờ không còn thích hợp với anh. Một nghề mà chưa nói đến thăng tiến, chỉ để yên ổn cũng đã cần rất nhiều khôn khéo. Anh nói anh mừng cho Hoàng và các em sau Hoàng đã chọn con đường kỹ thuật, một con đường không quá trói buộc người ta vào những hưng vong của thời cuộc.

Năm năm sau, Hoàng nhận được một cuộn băng ghi lại hình ảnh và những lời nhắn nhủ của anh kèm theo bài thơ nhắc lại một kỉ niệm xa xưa, rất xa, khi hai anh em săn đuổi lũ chim non về đường Đại La tìm ăn trái chín.

Chừng như linh cảm hai anh em không bao giờ còn gặp lại nhau, anh đã khóc. Hoàng thương anh vô hạn nhưng không khỏi ngạc nhiên. Ba mươi năm tại ngũ, thường xuyên chống chọi với nguy nan, Hoàng quen nghĩ: người đàn ông phải là một người không biết khóc.

Phải nhiều năm sau Hoàng mới hiểu được anh. Nước mắt đến dễ dàng với tuổi già. Nó đang đến với Hoàng. Khi một chân đã bước vào hư vô và chân kia cũng sắp sửa nhấc lên, người ta bỗng cảm thương với mọi chuyện đời và trở nên mau nước mắt. Ngày nay xem một cảnh xúc động trên màn hình, nhìn một nỗi bất hạnh gặp đâu đó trên đường phố, nước mắt Hoàng cũng tự nhiên ứa ra, khiến mắt nhạt nhòa.

Tháng 6 năm 1999, Hoàng được tin anh ngã bệnh. Vào viện được vài ngày anh đã hôn mê. Sáng sớm ngày 17, Hoàng chợt tỉnh, bàng hoàng vì một tiếng gọi bên tai. Tiếng của anh. Một tiếng gọi khó nhọc, vẳng đến từ nơi nào xa thẳm.

Linh tính báo với Hoàng một chuyện chẳng lành. Hoàng vội gọi điện về. Các con anh báo: anh vừa ra đi. Đồng hồ tòa Thị chính Lilas văng vẳng điểm 6 tiếng. Giờ Hà Nội lệch với giờ mùa hè Paris 5 giờ, lúc ấy Hà Nội đã gần trưa.

Có phải vì đồng điệu mà trong khoảng khắc cuối cùng của đời người, anh đã vượt cõi hôn mê bay vào cõi linh ứng để gọi Hoàng lần cuối trước lúc anh đi.

*

Mẹ Hoàng, như nhiều bà vợ viên chức thời ấy, không trực tiếp nuôi con. Mẹ bận buôn bán, thuê vú nuôi từng đứa và ai trông đứa nào thì mang tên đứa ấy. Từ ngày sắp sinh, mẹ đã tìm người, người ấy sẽ chăm nom đứa bé đến bốn, năm tuổi. Thường thì người vú trước giới thiệu người vú sau, một người thân thích trong họ hoặc bạn bè thời con gái trong quê.

Hoàng cũng có một người vú nuôi mà Hoàng gọi là u, u Hoàng. U là vợ một ông phó lý, quê trên Phùng Thượng, một thị trấn nhỏ cách nhà Hoàng chừng mươi cây số.

Dù kí ức thường phủ lên tuổi thơ một màn sương lãng đãng khiến ta nhìn lại cái gì cũng đẹp, Hoàng phải nhận rằng u là người rất quê mùa, cũ kĩ. Giọng nói của u là giọng nặng nề của vùng Sơn Tây. Ông Phó Y chồng u, ngày ấy mà vẫn để một búi tó củ hành lửng lơ sau gáy.

Nghe các chị Hoàng kể lại thì dạo bé, Hoàng bám u lắm. Hoàng rất hay khóc đêm, khóc ngằn ngặt, ai dỗ cũng không nín, chỉ thiu thiu ngủ khi được u bế đi rong trên con đường Cầu Giấy, ngày ấy đầy bóng tối. Cho đến hôm nay Hoàng vẫn không hiểu vì sao một gia đình khá giả và có vai vế trong làng như gia đình u mà u lại chịu đi ở vú.

Khi Hoàng đã lớn và u đã về quê, trong nhà chỉ còn hai người giúp việc: một người đã từng trông nom chị thứ hai của Hoàng, u Đạt, nay chuyển sang việc bếp núc và một người vú nuôi trông nom Kim Anh, đứa em gái út trong gia đình. Người này còn quá trẻ để gọi là u, anh chị em Hoàng gọi là vú Kim Anh.

Vú Kim Anh người dưới xuôi, vùng đồng nước sông Hồng. Khác với u Hoàng, thấp và đậm, ngày nay mỗi lần nhớ về vú Kim Anh, Hoàng thường nghĩ tới một người đàn bà dong dỏng cao, tóc vấn, có đôi mắt lá răm và đôi mày lá liễu, người đàn bà của một làng chèo vùng Nam Định, Thái Bình. Ai đã đưa vú Kim Anh về với gia đình Hoàng? Có lẽ đó là u Đạt, u vốn là người Thái Bình.

Ngày mới đến, vú Kim Anh thường mặc tấm áo nâu non và trùm chiếc khăn đen mỏ quạ. Dần dần cảm thấy cách ăn mặc ấy không thích hợp với thành thị, vú tự thay đổi, chẳng cần ai nhắc. Trước hết là chiếc khăn mỏ quạ. Nó được cất vào đáy tay nải, để lộ một vành tóc vấn dày và đen lánh. Rồi tấm áo nâu non được thay bằng chiếc áo phin trắng, hồ lơ phơn phớt xanh. Trông vú khác hẳn các u khác mà Hoàng đã thấy trong nhà.

Khi em khóc, vú cất tiếng ru. Không phải tiếng ru ời ợi như tiếng các u khác. Như có một nỗi xao xuyến đang nhẹ lan trong nhà. Những người thợ làm vàng giấy ngừng tay. Mẹ Hoàng cũng buông rơi công việc. Mẹ quay nhìn về phía tiếng hát, khe khẽ thở dài...

Em thiu thiu ngủ nhưng Hoàng thì không. Tiếng ru của vú đưa Hoàng vào một cõi thức tỉnh bao la nhưng vắng lặng, nơi đó, hòa với tiếng hát có tiếng chân chim nhẩy lách tách trên những cành tre.

*

Từ những năm 40 của thế kỉ trước, làng Láng không còn mở hội. Nhưng trước đó, hội làng mở hàng năm. Mỗi năm một hội nhỏ và ba năm một lần hội lớn.

Vào dịp hội lớn, làng thuê một ban tuồng hoặc một ban chèo về diễn mấy buổi. Rạp được dựng phía bên phải tam quan. Một rạp tre sơ sài, lát ván gỗ mượn của các gia đình gần chùa.

Tay bế em, tay dắt Hoàng, vú Kim Anh đến trước rạp. Trống chèo thúc giục, rộn rã. Người xem chen lấn nhau, chẳng những dân Láng mà cả dân những làng quanh vùng.

Vú Kim Anh ngây người xem diễn, nhiều lúc khe khẽ hát theo. Vào một lúc sân khấu vắng người, tiếng trống và tiếng đàn hát tạm ngưng, vú đặt em xuống đất, bên cạnh Hoàng.

"Cậu Hoàng ơi! Giữ em hộ chị, chị đi đằng này một chốc rồi chị cho tiền mua kẹo."

Vú Kim Anh mở chiếc thắt lưng bao màu hoa lý, lấy ra cho Hoàng một đồng xu. Hoàng lắc đầu, không cầm.

"Để chị mua kẹo cho vậy. Cậu ăn kẹo vừng, kẹo bột hay kẹo kéo? Hôm nay hội làng, chị ăn miếng giầu cho đỏ môi. Chị làm gì mặc chị, về nhà cậu đừng khoe ai nhé."

Vú chạy tới chỗ những hàng quà và hàng hương hoa. Vú đem về cho Hoàng và Kim Anh mỗi đứa vài chiếc kẹo. Hoàng thấy vú còn cầm trong tay một bao hương màu đỏ. Một vỏ bao thì phải, vì trong bao chẳng có que hương nào.

Vú Kim Anh vào khuất sau gốc muỗm cổ thụ. Lát sau khi vú đi ra, Hoàng không còn thấy vỏ bao hương trong tay vú nhưng thấy hai má của vú đã đỏ hồng. Vú trèo lên buồng trò, phía sau sân khấu.

Trong tiếng trống, tiếng nhị và đán sáo bỗng nghe một giọng hát bay lên, vời vợi, quen quen. Hoàng ngẩng nhìn sân khấu. Ồ, sao lại thế kia?

Vú Kim Anh đang hát. Vú mặc chiếc áo tứ thân, chắc là mượn trong buồng trò, lưng đeo dây xà tích bạc, tay cầm quạt lụa, môi đỏ quết trầu, má bôi vỏ bao hương hồng như cánh hoa đào, mắt sáng long lanh. Vừa hát, vú vừa múa chiếc quạt và nhiều lúc vú đung đưa khiến dây xà tích bạc rung lên những tiếng rộn ràng.

Sân khấu nhà quê chẳng có phông màn, hát xong vú xòe chiếc quạt lụa, cúi chào rồi lui nhanh vào buồng trò. Ngày ấy người ta chưa quen vỗ tay, nhưng nhiều tiếng rì rầm nổi lên khen giọng hát của vú, nhất là ở hàng ghế của các chức dịch:

"Hát khéo! Hát khéo! Hát lại cho làng nghe nào!"

"Hát lại lần nữa, làng có thưởng."

Hoàng lại thấy vú Kim Anh hiện trên sân khấu. Lại giọng hát ấy, vời vợi mênh mông...

Hát xong, vú chạy vào cởi trả chiếc áo tứ thân, dây xà tích bạc và chiếc quạt lụa rồi trở về chỗ anh em Hoàng. Vú mở gói giấy điều bao mấy hào tiền thưởng của làng, lấy ra một hào:

"Tiền làng cậu thưởng cho chị hát hay đấy. Chị có mong được thưởng đâu, chỉ hát cho vui thôi. Lâu chị chưa được hát, buồn quá. Chị cho lại cậu một hào lấy may, công cậu trông em."

Hoàng không cầm. Vú chậm rãi buộc lại món tiền vào chiếc thắt lưng hoa lí.

"Sao cậu lại chê tiền của chị? Chắc cậu chẳng thích nghe chị hát các điệu nhà quê! Chị biết, cậu thích nghe các điệu hát Tây cơ!"

Hoàng vẫn lắc đầu. Ngày ấy Hoàng còn quá nhỏ để biết so sánh mình thích một bài chèo hay một bài "hát Tây" phát ra từ chiếc máy vặn dây cót, có chiếc loa to như miệng thúng, bầy ở một chỗ trang trọng nơi phòng khách.

Sau này khi đã vào đời, có dịp về thăm một vài làng chèo trên đất Thái Bình, Nam Định, nghe các cô gái làng hát những khổ chèo thở than duyên phận, Hoàng lại nhớ đến vú Kim Anh:

Trên trời có đám mây xanh
Có con ngựa bạch chạy quanh gầm trời
Đôi ta muốn lấy nhau chơi
Cái duyên không định thì trời không se
Những nơi chết rấp bờ tre
Cái duyên đã định trời se ta vào...

Vú Kim Anh ơi, vú là ai? Vì sao vú đi ở vú, bỏ phí cả một thời xuân sắc? Vì túng thiếu hay để trốn tránh một duyên phận hẩm hiu? Tên thật của vú là gì? Có phải vú cũng đã hát khổ chèo này trong dịp hội Láng năm xưa?

Ngày nay ở tuổi xế chiều, Hoàng càng thương cảm người đàn bà tài hoa nhưng bất hạnh. Bỏ lỡ cả một thời xuân sắc, tiếc biết bao!


I II

[1] Luống rau - tiếng đất Láng
[2]Đại tá Henri Rivière, bị quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc phục kích giết chết gần Cầu Giấy cuối thế kỉ 19
[3]Xin ngài nói chuyện bằng cách viết chữ Hán
[4]Ca khúc hồi đầu Cách mạng của Văn Cao
[5]Binh đoàn do tướng Leclerc chỉ huy vào giải phóng Paris. Cũng lại chính Leclerc chỉ huy binh đoàn đánh chiếm Hà Nội.
[6]Đại sứ quán Nga ngày nay
[7]Đại úy Francis Garnier, cũng bị quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc phục kích giết tại Cầu Giấy cuối thế kỉ 19.
[8]Chùa Thưa, thơ Vũ Cận, Nxb. Văn Học 1998

Vũ Hùng sinh năm 1931 tại làng Láng, Cầu Giấy, Hà Nội. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông là học sinh trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An). Ông nhập ngũ năm 1950 khi đang học năm thứ hai chuyên khoa toán (lớp 11 chuyên toán bây giờ). Sau khi tốt nghiệp khoa Thông tin trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, ông công tác 30 năm trong quân đội, lần lượt qua các cương vị: đài trưở̀ng vô tuyến điện, kĩ sư trạm trưởng một trạm nguồn điện của Binh chủng Thông tin, phóng viên khoa học kĩ thuật của báo Quân đội nhân dân. Ông từng là biên tập viên cho Nhà xuất bản ngoại văn Hà Nội và Nhà xuất bản Văn Học. Từ 1989, Vũ Hùng định cư tại Pháp.

Tác phẩm Vũ Hùng đã viết khoảng 30 đầu sách về văn học thiếu niên ở Việt Nam. Hai tập truyện Sao SaoSống giữa bầy voi của ông đã được trao giải Văn học thiếu niên của Việt Nam các năm 1982 và 1988. Ông cũng là dịch giả của nhiều tập truyện dành cho thiếu niên.

Độc giả có thể tham khảo tiểu sử và tác phẩm của Vũ Hùng tại trang web cá nhân: vu-hung.com.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài