Nguyễn Bình PhươngTruyện ngắn và tản văn
Về Quái Chuyện bịa tạc Chị em Nhiêu, Quỳnh nọ Quỳnh kia và con mèo tam thể "Bướm đêm" đọc giữa mưa
Nguyễn Bình Phương |
Trong số các nhà văn đang sáng tác sung sức hiện nay, Nguyễn Bình Phương là một cái tên nổi bật. Từ năm 1994, cứ vài năm anh lại cho ra mắt một tác phẩm mới đáng chú ý: Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2001) và Thoạt kỳ thuỷ (2004). Bên cạnh tiểu thuyết, anh còn sáng tác thơ và đã xuất bản các tập Xa thân, Từ chết sang trời biếc và Thơ Nguyễn Bình Phương. Riêng ở truyện ngắn, anh lại chưa được nhiều người biết đến. Lý do có lẽ là vì anh ít công bố tác phẩm.
talawas chủ nhật kỳ này xin giới thiệu bốn truyện ngắn được viết ở các giai đoạn khác nhau của Nguyễn Bình Phương, đồng thời mời bạn đọc thưởng thức tản văn "Về Quái" của anh.
talawas chủ nhật
Nguyễn Bình Phương
Chuyện bịa tạc
Sau thời gian dài lao tâm khổ tứ, cuối cùng Nam bịa ra được một người đàn ông chột, đẩy lão vào giữa chợ Thái Nguyên. Hôm ấy hai mươi ba âm lịch, phiên dành cho kẻ sáng mắt mua bán còn cánh mù loà thì lê lết xin ăn. Người đàn ông chột loay hoay khổ sở ngắm nghía bộ quần áo rách đang khoác trên cơ thể mình, hỏi:
"Biết làm gì để sống bây giờ?"
"Tuỳ. Sống là việc của mỗi người."
Nam hờ hững đáp sau đó lăn ra giường ngủ mê mệt. Người đàn ông chột bắt đầu tìm cách tồn tại trong môi trường báo nháo, bí ẩn của khu chợ.
Ba năm nay Tuyết chưa đụng chạm với đàn ông, cô dừng sinh hoạt tình dục lúc hai mươi mốt tuổi vì lý do trong khi làm tình với nhau, người yêu của Tuyết đã thốt ra tên một cô gái khác. Đàn bà thời này kiêng đàn ông được ba năm thì thành tiên nhưng lại khó thành nhân vật của nhà văn ăn khách.
Nam ngủ mơ, giấc mơ gần giống với sự vô tận. Đây là những thứ tạo nên giấc mơ: Một con mắt trầm uất kín đáo. Một mái tóc dài đen nhánh, có thể soi gương, tất nhiên lúc ấy mặt sẽ khác. Một bầu trời dài ngoẵng nằm trong ống thuỷ tinh dùng cho các cuộc thí nghiệm ở trường cấp ba.
Tuyết đứng trước gương, vén áo nhìn chiếc xu chiêng rách đang mặc, lẩm bẩm:
"Chả biết đã nên thay chưa."
Tuyết xách làn ra khỏi nhà. Tầm ấy khoảng mười một rưỡi, chợ đang tàn, rác đông hơn người. Tuyết mua một quả chanh, hai nhánh hành, một cây xà lách, ba lạng cá và nửa cân vải thiều. Tất cả đều rẻ mặc dù hơi ôi một chút.
Sau này giấc mơ của Nam bổ sung thêm mùi cá kho cháy, anh chóp chép miệng vừa khoan khoái vừa khinh bỉ.
Tại quầy hàng bán đồ dùng phụ nữ, Tuyết dành nửa tiếng đồng hồ săm soi chọn một chiếc xu chiêng. Chủ hàng sốt ruột ra ra vào vào như kiến leo cành cụt. Tuyết bới lộn tùng phèo cả đống xu chiêng lên, thấy chiếc nào cũng hao nhau, đành chép miệng cầm lấy một chiếc sau đó rụt rè nói:
"Trưa rồi chị có hạ giá không?
Chủ hàng cau mày, mặt như đá ngâm, nói đổ đi:"
"Có cái che vú mà cũng mặc cả."
Tuyết chống chế:
“Chị nói hay nhỉ, đi mua phải mặc cả chứ.”
Chủ hàng xếch mé:
“Thế đã thằng đàn ông nào mặc cả vú của cô chưa?”
Tuyết lặng đi vì bị xúc phạm, chưa kịp phản ứng thì người đàn ông chột xuất hiện, lão ăn vận chải chuốt, sặc mùi nước hoa.
“Tôi mua cái này, cái này, cái này nữa...”
Người đàn ông chột chỉ khắp lượt hàng, lão chọn toàn đồ của phụ nữ. Chủ hàng vén môi cười, tay nhoay nhoáy tống hết hàng vào chiếc bao tải của người đàn ông chột. Người đàn ông chột rút ra một tập tiền dày bằng viên gạch, xỉa đếm vẻ khinh bạc. Tuyết quyết định không cần mặc cả nữa, vừa mở ví lấy tiền trả thì chủ hàng cắm cảu giật lấy chiếc xu chiêng trên tay Tuyết, cho vào bao tải. Tuyết quay phắt người bỏ đi. Còn thừa tiền, lão chột nhìn quanh quất rồi khoát tay vào không khí:
“Mua luôn cả giấc mơ kia nữa.”
Nam sắp hoàn thành giấc mơ, có nghĩa sắp hoàn thành cái gần như vô tận thì bị nhấc đi. Nam trôi từ giường ra chợ, êm ái, khoan thai trong trạng thái cơ bắp thả lỏng hoàn toàn. Miệng chiếc bao tải mở rộng thành cửa động. Nam lật người chui vào, vô ý chạm phải bờ vai mềm mại của đàn bà. Tuyết nhủn người sống lại cảm giác cách đây ba năm. Tuyết hé môi rên rỉ:
“Anh.”
Nam co người, cằm chạm đầu gối, nằm gọn trong chiếc động ngập ngụa áo quần và mùi son phấn. Ở tư thế này Nam thấy vô cùng quen thuộc nhưng ngày xưa vây lấy Nam không phải vải vóc mà là làn nước hồng hồng ấm cúng. Người đàn ông chột buộc thít miệng bao tải, hất nó lên vai một cách thành thạo. Tuyết xách làn nhón gót bám theo. Người đàn ông chột ngoái cổ gạ gẫm:
“Đi với anh không, anh rất nhiều tiền.”
Cái tính tò mò nổi lên, không nhịn được, Tuyết ỡm ờ hỏi:
“Kiếm đâu mà lắm thế?”
Người đàn ông chột vừa bước vừa đáp:
“Anh nuôi con bốn chín, mấy hôm nay nó về. Ăn nổ đĩa.”
Nói xong người đàn ông chột phất tay, những tờ giấy chi chít chữ và hình vẽ tung bay rồi rơi lả tả quanh chân Tuyết như đàn bướm bị lửa táp. Tuyết cúi xuống đọc được hai câu trong vô số những câu thơ chen chúc nhau: Nửa đêm bướm nhớ chim gầy / Bảy kia dập xuống bảy này ưỡn lên. Tuyết bĩu môi:
“Bịa.”
Gần như ngay lập tức, sau lời thốt của Tuyết, ai đó trong góc khuất bịa ra một người đàn ông khác, tay này cụt hai chân, bù lại đôi mắt lành nguyên. Không nói không rằng tay cụt túm lấy người đàn ông chột cùng chiếc bao tải đựng Nam, tống vào chiếc bao tải to hơn của mình. Quàng bao tải qua vai, tay cụt khịt mũi như đánh hơi nhận đường rồi dùng cùi tay di chuyển hối hả về phía Bến Tượng, nơi ấy chân trời mở toang phả ra mùi ẩm mốc nồng nặc.
Tuyết về nhà vui hơn mọi lần vì dù sao buổi đi chợ này có nhiều điều bổ ích: chưa phải thay xu chiêng, mua đồ ăn rẻ, được một người đàn ông đắm đuối chạm vào vai... Tuyết nâng nâng, trìu mến ngắm chiếc làn đựng thức ăn. Với ba lạng cá chưa bao giờ Tuyết kho cháy, với mái tóc dài đen mượt cô là một người đàn bà tuyệt vời ngay cả khi tất cả những người đàn ông đã kéo nhau ra đi mãi mãi và bầu trời đầy nắng ngoài kia đang dần tắt.
Hà Nội 1998
© 2006 talawas
Các bài liên quan
- Những đứa trẻ chết già (tiểu thuyết)
- Thoạt kỳ thuỷ (tiểu thuyết)
- Khách của trần gian, Tiếng lạ, Khảo dị, Nhẹ (thơ)
- Chân dung khi trống trải (thơ)
- Giá như tiểu thuyết có những bước mạo hiểm (phỏng vấn)
- Một số điểm nổi bật trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương (Nguyễn Thị Ngọc Hân, phê bình)
- Sóng từ trường II (Thuỵ Khuê, phê bình)
- Thoạt kỳ thuỷ trong vùng đất Cạm Cam hoang vu của Nguyễn Bình Phương (Thuỵ Khuê, phê bình)
- Người đàn bà nằm: từ "Thiếu nữ ngủ ngày", đọc "Người đi vắng" của Nguyễn Bình Phương (Đoàn Cầm Thi, phê bình)
Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 tại Thái Nguyên. Học trường cấp ba Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên. Đi bộ đội từ 1985 đến 1989. Tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khoá 4 năm 1991. Từng công tác tại Đoàn Kịch Quân đội và Nhà xuất bản Quân đội. Hiện là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Tác phẩm Những đứa trẻ chết già (tiểu thuyết, 1994), Người đi vắng (tiểu thuyết, 1999), Trí nhớ suy tàn (tiểu thuyết, 2001), Thoạt kỳ thuỷ (tiểu thuyết, 2004), Xa thân (tập thơ), Từ chết sang trời biếc (tập thơ), Thơ Nguyễn Bình Phương (tuyển thơ, 2004).